Con Rồng không bay
Maria Kruczkowska
Lê Diễn Đức chuyển ngữ
Maria Kruczkowska là một nhà báo chuyên
viết về đề tài Trung Quốc và các nước Á châu của nhật báo lớn nhất Ba Lan Gazeta
Wyborcza. Trong chuyến đi Trung Quốc và Việt Nam vừa qua, bà đã viết bài dưới
đây trên đăng trên nhật báo Gazeta Wyborcza ngày7/05/2004. Trong bài có đoạn:
Quốc gia này lẽ ra đã có thể là con Rồng tiếp theo. Nhưng con Rồng này đã không
bay – “The Economic” viết về Việt Nam như thế vào năm 2000. Sau 4 năm, sự nhận
dịnh này vẫn đúng nguyên vẹn, còn chính quyền thì đang làm chậm lại quá trình
thay đổi để không tuột tầm kiểm soát. (*)
Hy vọng lớn nhất thức tỉnh Việt Nam vào đầu những năm 90, khi ấy chẳng hề ái ngại, người ta cho rằng một Trung Quốc thứ hai đang xuất hiện với thị trường 80 triệu dân và lực lượng lao động rẻ, cần cù và được đào tạo tốt. Và rằng những lời hứa từ năm 1986 cho công cuộc đổi mới sẽ được thực hiện.
Đảng quyết định đổi mới khi cả nước đang đứng bên ngưỡng cửa của nạn đói. Nguyên do của quá trình tập thể hoá vội vã. Các nhà nghiên cứu phương Tây đánh giá rằng, vào nửa sau của thập kỷ 80, có 3 triệu người bị đói ở nông thôn, 12 triệu người không đủ ăn. Người Ba Lan cũng cay đắng nhớ lại những năm tháng 80 eo hẹp, nhưng Việt Nam vào thời điểm đó bị Mỹ bao vây kinh tế và không có viện trợ lương thực của Trung Quốc, quốc gia mà Hà Nội đã đụng độ trong chiến tranh năm 1979, người dân tranh nhau xếp hàng để lấy phần phân phối nửa lạng thịt và phải ăn bo bo là thứ dành cho bò ở Đông Âu. Khi những nhà tư tưởng chợt tỉnh và cho phép người nông dân được trồng trọt, buôn bán sản phẩm theo ý mình, Việt Nam từ chỗ thiếu ăn đã trở thành nhà xuất khẩu gạo thứ ba trên thế giới.
Sự sụp đổ chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu và chấm dứt viện trợ của Liên Xô càng thúc ép sự mở cửa hơn. Đứa con côi của Hội đồng Tương trợ Kinh tế (CMEA) không còn sự lựa chọn nào khác hơn là ngả theo phương Tây. Mọi điều có vẻ rất khả quan.
Những nhà đầu tư đến
Các nhà đầu tư nghĩ rằng sự việc sẽ diễn ra nhanh chóng. Đất nước với những nhà máy điện và tổng đài viễn thông theo kỹ thuật của Liên Xô sẽ cần đủ mọi thứ – từ cơ sở hạ tầng đến máy móc gia dụng. Bị cô lập từ khi kết thúc cuộc chiến vào năm 1975, giờ đây Việt Nam khao khát những công nghệ hiện đại.
Đầu tiên là người Pháp của Sofitel với việc sửa lại khách sạn danh tiếng Metropol, người Úc của Telstra hiện đại hoá mạng lưới điện thoại; Unilever xuất hiện với các loại bình xịt dầu thơm mà trước đó (Việt Nam) chưa hề biết đến. Rồi những người Đài Loan, Nam Hàn, các nhà doanh nghiệp Hongkong và Singapore xây dựng các nhà máy sản xuất giày thể thao và áo thun. Vào năm 1994, cấm vận của Mỹ bị huỷ bỏ sau 20 năm, người ta chào đón những tập đoàn khổng lồ: Procter & Gamble, Ford và 400 công ty khác.
Trong năm 1996, đầu tư trực tiếp của nước ngoài
là 8,3 tỷ USD (bằng một phần 3 ngân sách). Những tỷ đầu tiên ấy Việt Nam đã
không đủ khả năng tiếp nhận và thực thi cho nền kinh tế của mình. Cho đến nay
đồng Việt Nam vẫn là thứ tiền không chuyển đổi (trên thị trường thế giới), hệ
thống ngân hàng thảm hại, các luật lệ chồng chéo nhau và những viên chức tham
nhũng.
Đầt tư nước ngoài bắt buộc phải thay đổi hay là giữ cho thể chế này tồn tại?
Liên kết với các công ty quốc doanh, các nhà đầu tư kéo dài thêm sự hấp hối
của khu vực kinh tế nhà nước. Những người bảo thủ trong đảng sợ hãi quan sát
nhịp độ thay đổi đã xiết thắng (phanh – ND).
...và ra đi
Trong năm ngoái đầu tư trực tiếp chỉ còn xấp xỉ hơn 1 tỷ USD, tức là ít hơn năm 1992 khi vừa bước vào ngưỡng cửa đổi mới. Việt Nam hiện đang xin chi viện của cộng đồng quốc tế, là nước đang nhận viện trợ nhiều nhất thế giới. Trong tháng 12 (2003) tại hội nghị thường niên, những quốc gia hào phóng đã hứa một ngân khoản viện trợ tới 2,8 tỷ USD, tức là 3 lần nhiều hơn đầu tư trực tiếp.
Thêm vào đó, những nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu cảm thấy chán ngán; họ nói rằng tham nhũng ở Việt Nam còn tệ hại hơn cả Trug Quốc vì nó chẳng bảo đảm cho bất cứ cái gì.
Coca-Cola và Procter & Gamble đã bắt buộc phải liên doanh để trở thành hãng joint venture với các xí nghiệp quốc doanh Việt Nam, là những đơn vị nếu không chuẩn bị phá sản thì cũng đang lỗ nặng.
Các tập đoàn viễn thông và xe hơi chạy khỏi Việt Nam và đổ về Trung Quốc. Cable and Wireless (C & W) đã phải trải qua 10 năm đàm phán các điều kiện “roaming” cho các công ty điện thoại di động nước ngoài tại Việt Nam. Khi nhận được đồng ý thì cũng là lúc C & W ra quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam. Hầu hết các đặc khu kinh tế đều không kéo được vốn đầu tư như mong muốn. Các nhà đầu tư nói rằng, các chính quyền địa phương xé nát những hợp đồng xây dựng béo bở nhưng chẳng xây dựng gì cơ sở hạ tầng.
Chẳng cần vội vã
Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một mẫu người lãnh đạo từng trải của Việt Nam đối với thế giới đã mạo hiểm và thua cuộc. Vào năm 1995, sáu năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ông đã viết thư cho Bộ chính trị đề nghị đem chủ nghĩa Mác – Lenin vào viện bảo tàng, chuyển hoá đảng cộng sản thành đảng quốc gia dân tộc và tập trung vào việc hiện đại hoá đất nước. Trong tâm thức của một cơ chế, vẫn phải chịu ơn những người cộng sản mang lại độc lập, dù tình trạng nghèo đói vẫn luôn ngự trị trong đất nước, thì những đề nghị của ông chỉ có thể là thuyết tà giáo.
Thời gian của Phan Văn Khải đã đi về điểm cuối, ông xin từ chức năm 1998, dù vẫn ở trong Bộ chính trị. Lúc bấy giờ người đứng đầu đảng Cộng Sản là Lê Khả Phiêu, vị tướng với phẩm cách của anh binh nhì, thay thế một con khổng long khác là Đỗ Mười. Nguyễn Đức Bình, hiệu trưởng Viện Khoa học Chính trị Hồ Chí Minh và cũng là uỷ viên Bộ chính trị đã báo động về âm mưu “diễn biến hoà bình” có thể đe doạ chế độ bằng những khẩu hiệu cám dỗ về nhân quyền và dân chủ.
Cuối những năm 90, Sài Gòn, nơi hội tụ chính của người nước ngoài trở nên địa điểm của những cuộc tiệc chia tay. Khủng hoảng châu Á trong năm 1997 là nguyên nhân làm quá trình cải cách bị chậm lại. Đứng ngoài tầm của kinh tế thế giới, Việt Nam không bị ảnh hưởng gì lắm bởi cuộc khủng hoảng, vậy thì chẳng có gì phải vội vã – những người bảo thủ trong đảng đã phát biểu như vậy.
- Việt Nam vẫn là một nước cộng sản và đang là một nước châu Á nghèo nhất tính theo thu nhập đầu người (50 USD mỗi tháng), bằng một nửa Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều nước châu Phi – “The Economic” đã nhận định như thế vào năm 2000. Bốn năm sau, kinh tế có tốt hơn, nhưng chiến lược thay đổi từ từ và chỉ được nới lỏng tới mức không làm tuột đi tầm kiểm soát – vẫn hoàn toàn như cũ.
Thay thế Lê Khả Phiêu kém cỏi, đứng đầu đảng là Nông Đức Mạnh, một kỹ sư nông lâm học ở Liên Xô. – Chẳng thuộc phái bảo thủ, cũng chẳng phải nhà cải cách hay technocrat, được chấp nhận (thoả hiệp) bởi mọi phe nhóm trong đảng – Ông Carl Thayer, người Australia, chuyên viên về Việt Nam nói với tôi như thế.
Những cuộc họp kín của bộ sậu không thẩm thấu được bao nhiêu. Người ta nói về sự kình địch của các phe nhóm. – Cấp trên cho ra những khuynh hướng đầy mâu thuẫn. Người thì giảm bớt các luật lệ, kẻ thì thắt chặt hơn cùng một luật lệ ấy – một nhà ngoại giao ở Sài Gòn nói.
Vấn nạn lớn nhất là tham nhũng. – Nó giống như chất gỉ, làm suy yếu xã hội và hoen mòn nguồn lực vốn đã rất hạn hẹp – Thayer nói. Trong số những người bị cáo trong phiên toà xử bố già Năm Cam có hai người là uỷ viên trung ương đảng.
“Đất nước càng ngày càng bị chia xé quyền lực và rơi vào các phe nhóm tham nhũng” – nhà báo của hãng AFP Robert Tempel đã viết như vậy trong cuốn sách “Gió và mây”.
Việt Nam bề rộng
Tuy nhiên cũng có những tin khích lệ: Việt Nam vẫn là đất nước sống động và từ khi được nới lỏng, đang tiến về phía trước. Tại các thành phố lớn có thể nhìn thấy điều này, và rằng mức 7% tăng trưởng có lẽ không phải từ trên trời rơi xuống.
Ở Hà Nội, với xã hội chủ nghĩa, diện tích nhà ở cho tính trên đầu người vẫn chỉ từ 5 đến 1,2 mét vuông mà dân vẫn mỉm cười với cuộc sống. Họ có lý do: chưa bao giờ họ có được như ngày hôm nay. Những người lớn tuổi tưởng nhớ đến các nạn đói trong những năm 40, 50 và 80, đã có hàng triệu người chết. Chiến tranh dai dẳng với người Pháp, người Mỹ, Campuchia và Trung Quốc – mọi thứ đã phải dành cho quân đội. Còn cả miền Nam thì muốn quên đi những năm tháng bị ức bách, các trại cải tạo và cuộc chạy trốn của thuyền nhân (boat people).
Những cây cỏ vẫn len lỏi vươn lên giữa các tấm bê tông trên vỉa hè và xô đẩy cả hệ thống. – Chúng tôi hôm nay có thể kiếm tiền, làm nhà, gửi con đến trường tư, chữa bệnh tại các bệnh viện phương Tây, nghe đài BBC – những người Việt Nam nói với tôi.
Một người trong số đó có tên Tuấn, buôn bán đồ gia dụng của Nhật tại trung tâm Sài Gòn. Nguyên cả một khu tràn ngập đồ điện tử. Tuấn đã từng phục vụ trên máy bay của hãng hàng không Việt Nam và buôn máy vi tính. Anh đã thu góp vốn, thuê cửa hàng và thành lập hãng. Anh không nói được rằng mình đã phải trình diện bao nhiêu văn phòng và cơ quan. Thay vào đó, một nhà kinh tế nước ngoài đã làm giúp con số ấy, để có được giấy phép xây dựng và hoạt động cho một khách sạn nhỏ tại Sài Gòn, cần tới 40 bộ hồ sơ để trình 83 cơ quan chức năng và có tất cả 107 chữ ký.
Doanh nghiệp ở Việt Nam là gì? – Ưu điểm của họ là sự cần cù, dẻo dai và tính thích ứng với công việc tập thể. Trước đây tôi đã làm việc trong một số tổ chức quốc tế tại Belarus và vùng Balcan. Ở đấy chẳng làm được cái gì cả – Carl Dagaenhart, nhân viên của International Finance Corporation, đơn vị ngoại vi của Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ các doanh nghiệp của các nước đang phát triển, nói. Nhộn nhịp nhất nằm trong những ngành tiếp xúc với đối tượng mong muốn – đô la – tức là dịch vụ du lịch. Không có ngày nào mà không mọc lên các quán cà-phê mới, các hãng môi giới du lịch. Đi trên đường Phạm Ngũ Lão, góc du lịch của Sài Gòn, tôi phải đếm được khoảng 100 khách sản loại nhỏ, thường được gắn máy lạnh và có nhà tắm theo kiểu Tây phương. Trong các thành phố là cảnh tượng sôi nổi của đàn kiến tìm mồi. Ai cũng đang buôn bán một cái gì đó, kẻ chở, người kéo. Hầu hết là những công việc làm ăn của tiểu thương. Trong con hẻm hẹp ở góc phố có một tiệm Cà-phê Internet chen chúc nhau với 14 máy vi tính, ngay ở cửa ra vào là một bàn máy may và những thùng hàng bán quần áo, túi xách rẻ tiền. Trên vỉa hè, những đứa con gái của chủ tiệm đang chiên bánh bột, thịt xiên và bán nước trà. Lúc rảnh rổi họ lấy sách ra học tiếng Anh.
Chúng tôi muốn làm giàu
Việt Nam xuất phát từ một cái mốc rất thấp. Vẫn là một trong 40 nước nghèo nhất thế giới. Làm sao có thể hiểu được một đất nước với tổng thu nhập quốc dân chỉ 400 USD đầu người mà có vô số xe gắn máy Nhật như thế ở Hà Nội và Sài Gòn? Một phần của câu trả lời nằm ở ngoài đại dương, ở những người Việt Kiều với con số hai triệu, hàng năm gửi về nước từ 1 đến 3 tỷ USD. Phần thứ 2 của câu trả lời là ”kinh tế ngầm”.
- Bây giờ thì chúng tôi hiểu rằng, trong nghèo đói thì chẳng có gì đẹp đẽ cả. Giờ đây chúng tôi muốn làm giàu – Xuân Phương, một nữ du kích Việt cộng, cũng là đạo diễn phim về đề tài yêu nước, giờ đây là một nhà doanh nghiệp, nói. Phương là tác giả của cuốn sách tự thuật ”Người con gái khiêm nhường” đã được xuất bản cả bằng tiếng Ba Lan. Trong những năm 90, lúc ấy đã nghỉ hưu, bà nhớ lại một người quen trong trường tiếng Pháp của các bà sơ và thế là bà trở thành điểm kết nối. Bà là chủ nhân của một galeria trên một khu sang trọng tại Sài Gòn, khách hàng chủ yếu là người Pháp. Cùng với con trai, bà đã thuê một phần Côn Đảo làm nơi nghỉ mát. Đối với nhiều người cộng sản, đây là sự nhạo báng. Côn Đảo là nhà tù của thực dân Pháp, rất nhiều người trong số họ đã bị cầm tù ở đây. Còn bây giờ, nữ đồng chí của họ lại chở các nhà du lịch Pháp tới bằng máy bay trực thăng.
Sài Gòn từ đống tro
Hàng năm, có đến 400 ngàn Việt Kiều từ Mỹ và Pháp trở về miền Nam. Một số ở lại luôn. Họ mang theo kinh nghiệm và vốn liếng. Một Sài Gòn bị huỷ hoại sau năm 1975 giờ đây chiếm tới 30% sản xuất công nghiệp cả nước và đang làm cho Hà Nội quan ngại.
- Cần phải chờ đợi để ít nhất qua thêm hai e-kíp và trong đảng xuất hiện xuất hiện những con người mới, thích ứng với môi trường của thế hệ technocrat – những người nói chuyện với tôi nhận định như thế.
Maria Kruczkowska, Poland 5/2004.
---------------------
(*): Trong nguyên bản, người Ba Lan không dùng từ ”Rồng” để nói đến các nước
phát triển cao tại châu Á mà dùng từ ”Cọp”. Đầu đề của bài là ”Con Cọp không
gầm”. Dịch giả chuyển ngữ theo cách nói phổ cập trong ngôn ngữ Việt Nam