Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

Thái độ đối với chính trị


Trích: Thư Ngỏ Gởi Tuổi Ðôi Mươi
Tác giả: Andre Maurois (viết năm 1966)
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê (dịch năm 1967)


Bạn sẽ làm chính trị không và làm dưới mặt nạ nào? Không làm chính trị là một cách làm chính trị. Là bảo: "Tôi không quan tâm gì tới châu thành của tôi, tới xứ sở của tôi, tới việc thế giới". Là tránh né gió ngược, mỗi lúc chỉ tùy theo tư lợi nhất thời của mình mà lựa chọn hoặc chẳng lựa chọn gì cả. Là hi sinh những quyền lợi lâu bền của mình để được một sự yên ổn mong manh, vì những việc của châu thành, của xứ sở, của thế giới đó là việc của bạn. Hoặc đó là chính sách của con chó chết bị dòng nước mạnh cuốn đi rồi một làn nước cuộn đánh táp vào chỗ nước tù. Nhưng bạn còn sống sờ sờ đấy mà; bạn sẽ lội; bạn sẽ tự lèo lái bạn; vậy bạn sẽ làm chính trị. Không nhất định là thứ chính trị hoạt động, chiến đấu. Tôi chỉ xin bạn thu thập những yếu tố cần thiết để phán đoán, tóm lại để làm cái nhiệm vụ công dân của bạn. (...)

Bạn có mong được quyền hành không nếu nó ở tầm tay bạn? Alain (thầy của Andre Maurois) có tài hùng biện, có ý tưởng, có lòng tin, mà quán tuyệt trường Ðại Học Bình Dân ở Rouen nhờ phép biện luận bóng bảy của ông, có thể ấp ủ và thực hiện mọi tham vọng được lắm chứ. Nhưng ông tự ngăn cấm mình điều đó. Trước hết ông muốn được là một người tự do. Ðược một đảng phái chỉ định, được một vị cầm đầu yêu mến nhất thì mất cả tự do, vì phải làm vui lòng đảng và vị cầm đầu, nên Alain không thích. Với lại ông nghĩ rằng cần có những công dân bình thường mà tinh thần sắc bén để giám thị các ông lớn. Và ông muốn làm hạng công dân đó. Cũng do tinh thần đó mà trong thế chiến 1418, khi tình nguyện đầu quân, ông từ chối mọi lon, trừ cái lon đội trưởng. Tôi (Andre Maurois) cũng như ông ta, đã từ chối tất cả các chức vụ chính phủ tặng tôi, mặc dầu nhiều chức vụ đã cao lại đẹp. Nhưng đó là những trường hợp riêng không thể nêu làm gương được; dân tộc nào cũng cần có những nhà chỉ huy hoạt động. Có lẽ bạn sẽ là một trong những nhà đó.

Nếu quả như vậy thì bạn nên theo sát những công việc thiết thực. Ðối với một người cai trị một thành thị, hoặc ngay cả một nước nữa, điều quan trọng không phải là những cái nhãn hiệu mà là những hành động. Ðường sá cho tốt, bệnh viện thì tối tân, nhà cửa có đủ cho dân chúng, có sân thể thao, một rạp hát linh động, bấy nhiêu đủ cho bạn thành một thị trưởng tốt. Sự quốc phòng được chu đáo, thích ứng, liên minh một cách khôn khéo, ngân sách không thiếu hụt, thuế má không quá nặng, có đủ trường tiểu học, trung học, đại học cho trẻ em và thanh niên trong tuổi đi học, một chính sách an ninh xã hội có hiệu quả mà không tai hại cho ngân sách, một sự công bằng cho mọi người ai cũng như ai, một sự bảo đảm những quyền của con người, như vậy đủ là chính thể tốt rồi. Bạn hỏi tôi: "Thế thì tôi ở phe hữu hay phe tả, điều đó không quan trọng ư?" Tôi đâu có bảo vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng, ở Anh giữa một nhà bảo thủ cải cách và một nhà lao động ôn hòa, sự cách biệt không lớn lắm. Trong đảng phái nào (không kể những kẻ điên khùng và những quái vật) cũng có những tâm hồn cao thượng và những quân vô lại. Sự phân loại đó theo tôi quan trọng hơn là sự phân loại độc đoán thành dảng xã hội và đảng cấp tiến, đảng cộng hòa nhân dân và đảng cộng hòa độc lập, M.RP. và UNR (Những đảng phái của Pháp thời đó).

Bạn đừng làm con người của một bè phái. Quốc gia là một thực thể hợp nhất, sự thịnh vượng của mỗi người tùy thuộc sự thịnh vượng của toàn dân. Những con người cực đoan đã luôn luôn làm hại chính thể mà họ binh vực.

Thứ nhất bạn đừng nên có óc bè phái, có ác ý không chịu xét những thuyết đối lập, Bài xích những kẻ không suy nghĩ như ta, vẫn dễ hơn là đánh đổ chủ trương của họ. Say mê chủ trương chính trị của mình, điều đó tự nhiên. Do đời sống của bạn mà bạn sẽ thành một người bảo thủ hoặc một người phản kháng. Nhưng bạn nên giữ tinh thần sao cho có thể phân biệt được trong tư tưởng của bạn đâu là chân lí đâu là thành kiến. Tôi biết nhiều người cuồng nhiệt bênh vực một phương sách khi phương sách đó do đảng của mình đề nghị và tàn nhẫn bài xích những phương sách đó khi nó do đảng đối lập với mình đưa ra. Coi chừng đấỵ Sự điên khùng và lòng thù oán không tạo được một chính sách. "Chỉ là một đầu mút thôi thì làm sao tỏ rõ sự lớn lao của mình được, phải cùng một lúc rờ cả hai đầu và chiếm được cái khoảng ở giữa hai đầu đó nữa chứ". (Pascal)

Tôi đã biết một thời mà ở phương Tây, chính thể đại nghị không bị bài bác. Ở Pháp cho tới năm 1914, đại khái thì chính thể đó đã thành công. Ðệ tam Cộng Hòa đã dắt chúng ta tới bực cửa thế chiến thứ nhất với một quân đội ưu tú và những đồng minh mạnh mẽ. Một người trong chính thể đó đáng được nhận cái biệt hiệu là Cha của Chiến thắng. Rồi kế đó là một thời kém rực rỡ. Ở nhiều nước Âu châu sự hỗn loạn trong các quốc hội đã gây nên những chính sách phát xít, những sự độc đoán xây dựng trên sức mạnh và bất chấp mọi quyền tự do của con người. Trong lúc đó thì ở Nga người ta bắt dân chúng phải nhận một chính sách khác, cũng không kém độc tài. Những gương ngoại quốc đó đã phá sự thăng bằng bấp bênh của người Pháp. Một số người ở phe hữu thèm chính sách phát xít đương thắng lợi; một số người cực tả từ chính sách xã hội đại nghị nhảy qua chính sách cộng sản của Staline. Vì vậy mà nước Pháp bị chia rẽ, chia xé và tới đầu thế chiến thứ nhì suy nhược, mất tin tưởng. Sau chiến tranh, Ðệ Tứ Cộng Hòa (mặc dầu có vài nhà có giá trị) cho dân chúng thấy rằng nếu nước Pháp muốn có một chính quyền vững thì cần phải thay đổi hiến pháp. Hiến Pháp 1958 là để thỏa mãn nhu cầu đó. Cũng như mọi hiến pháp, người ta có thể giải thích nó đúng hay sai. Cứ như hiện nay thì tôi nghĩ nó là một phương tiện có thể dùng được. Nó tăng cường quyền hành pháp. Ðiều đó cần thiết. Các điều kiện kỹ thuật đã thay đổi. Sự tổ chức một quốc gia mỗi ngày mỗi phức tạp, nên cần có những kế hoạch dài hạn. Làm sao có thể thực hiện các kế hoạch được nếu các ông bộ trưởng luôn luôn bị uy hiếp, đổi từ bộ này qua bộ khác? Những chính thể dân chủ Tây phương của chúng ta vẫn còn mong rằng quốc hội giữ quyền kiểm soát; chúng ta muốn rằng một dân biểu vẫn còn là người liên lạc giữa dân và chính quyền, đôi khi là một người bênh vực dân nữa; chúng ta muốn rằng tự do tư tưởng và tự do ngôn luận được duy trì; chúng ta muốn rằng nếu dân chúng do những cuộc bầu cử tự do không còn tin cậy một chính thể nào nữa thì chính thể đó phải tuân ý dân; chúng ta muốn rằng mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt sang hèn, chủng tộc hay tín ngưỡng; chúng ta muốn rằng chính quyền nào không tôn trọng nguyện vọng của đa số có thể bị lật đổ một cách hợp pháp; nhưng chúng ta cũng muốn rằng cái quyền được lật đổ chính quyền phải được qui định một cách nghiêm khắc. Một đạo luật về sự li dị không thể cho phép hai bên vì một lúc tính tình bất thường mà phá một giao ước trang nghiêm, tức hôn nhân; một đạo luật hiến pháp cũng phải đừng nên để cho lưỡng viện bốc đồng lên mới được. (...)

Bạn sẽ muốn mị dân đấỵ Chính sách đó đánh vào những dục vọng của dân chúng và để thắng lợi, hứa tất cả những cái mà mọi người mong muốn, mặc dầu kẻ mị dân biết rằng không sao thực hiện được lời hứa của mình. Nói láo như vậy có thể thành công được nhất thời, nhưng rồi dân chúng bất bình bừng tỉnh dậy và gây ra hoặc một phản ứng (như ngày Thermidor, Brumaire(1)) hoặc nếu kẻ mị dân mặc dầu thất bại vẫn cố bám lấy quyền hành thì sẽ đưa tới một chính thể độc tài. Vậy bạn đừng ngạc nhiên rằng tôi khuyên bạn tránh lối mị dân. Ðôi khi nó tạo được những thành công cá nhân, nhưng không bền. "Cối xay của các vị thần xay chậm đấy nhưng xay cực mịn". Sớm muộn gì thì những lời hứa hão hẹn cũng gây sự bất bình và phản kháng. Xét cho cùng thì chỉ có sự thành thực là thắng lợi lâu bền.

Bạn sẽ thấy rằng sự hiệu quả và thuần chính (theo đúng theo lý thuyết, giáo điều) thường xung đột với nhau. Một nhà mác xít mà lòng thuần chính thì không chấp nhận chính sách nhương bộ của các người chỉ huy về kinh tế thị trường để cho có nhiều kết quả. Nhưng nếu không nhượng bộ thì tất cả chế độ sẽ sụp đổ. Những người thuần chính của Cách Mạng Pháp đã đẩy cách mạng vào tay Bonaparte. Vậy thì làm sao tìm được thế thăng bằng giữa hiệu quả và sự thuần chính? Tất nhiên, tất cả đều tùy thuộc hoàn cảnh, nhưng trước hết bạn phải phân biệt được thế nào là thuần chính thật và thuần chính giả.

Cứ nhất định tuân theo một học thuyết, bất chấp sự kiện, thì không phải là thuần chính nữa mà là bướng bỉnh. Marx, một người rất thông minh, đã suy luận về những sự thực về kinh tế ở thời ông ta mà dựng nên một chế độ. Nếu ông được biết những sự kiện mà hiện nay chúng ta thấy thì tất ông sẽ là người đầu tiên sửa lý thuyết của mình. Ngược lại, thuyết tự do thuần túy ngày nay không thể áp dụng được nữa, mà cũng không áp dụng nữa. Chủ quyền đất đai, chủ quyền thương mại đdã bị bài bác và sẽ phải tu chỉnh ngay cả trong nước gọi là "tự do kinh doanh". Cố bênh vực môt. chế độ mà chống với kinh nghiệm thì không phải là thuần chính mà là ngu ngốc.

Chú thích của Nguyễn Hiến Lê:
(1) Ngày Thermidoer: ngày 27-7-1794 Robespierre bị lật. Brumaire: Ngày 9-11-1799 Bonaparte (Napoleon) đảo chánh.

 

Trở về trang chính