Minh Võ
Chương 3
Trần Ðộ : Chống đảng hay muốn cứu
đảng?
Gần Tết Kỷ Mão (1999), có tin từ
trong nước cho biết ngày 8 tháng 1 năm 1999 trung tướng hồi hưu Trần Ðộ, nguyên
ủy viên trung ương đảng cộng sản Việt Nam, tuyên bố ông đã bị khai trừ khỏi
đảng, vì "có lỗi phân phát các tài liệu của mình và để lọt ra cho các hãng
thông tấn thế giới". Tuy nhiên theo hãng thông tấn Reuter của Anh thì
thoạt tiên phát ngôn viên bộ ngoại giao Hà-nội không xác nhận, cũng không cải
chính mà chỉ nói chi bộ của ông đã yêu cầu ông tự phê bình. Ðiều này cho thấy
việc khai trừ tướng Trần Ðộ đã trải qua quá trình phức tạp và cho đến phút chót
vẫn còn nhiều bí ẩn, chứng tỏ có sự tranh chấp nội bộ trong đảng, ít nhất cũng
cho đến khi phe bảo thủ hoàn toàn thắng thế và đi đến quyết định chung cuộc là
khai trừ ông. Việc khai trừ này sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường trước được.
Vì vậy các cơ quan truyền thông hải ngoại, kể cả đài Á Châu Tự Do đã lập tức
khai thác, trong đó phải kể đến những cuộc phỏng vấn của phái viên Ðinh Quang
Anh Thái dành cho các ông Hoàng Tiến, nhà văn cộng sản và Hoàng Minh Chính,
nguyên viện trưởng viện Triết Học Hà-nội (trước khi vào tù về tội "theo
đường lối xét lại chống đảng") để cho biết phản ứng của giới trí thức và
văn nghệ sĩ trong nước đối với việc đảng khai trừ Trần Ðộ. Nhân dịp này chúng
ta thử ôn lại toàn bộ sự việc từ gần hai năm nay, kể từ ngày Trần Ðộ cho công
bố bức thư ngỏ gửi ban lãnh đạo đảng vào "cuối năm 1997, đầu năm
1998", và xét xem biến cố này có ý nghĩa gì, ảnh hưởng của nó sẽ ra sao.
Vài nét về con người Trần Ðộ:
Trần Ðộ tên thật là Trần (hay Tạ?)
Ngọc Phách, nguyên quán Thái Bình, sinh năm 1920. Ở tuổi 20 ông đã đi theo Việt
Minh kháng chiến chống Pháp và gia nhập đảng cộng sản Ðông Dương năm 1941. Khi
cộng sản cướp chính quyền vào tháng 8 năm 1945 thanh niên Hà-nội đã nghe nói
đến "tướng" Trần Ðộ, mặc dù Võ Nguyên Giáp, tổng tư lệnh lực lượng võ
trang Việt Minh sau này, lúc ấy cũng chỉ được nói tới như chỉ huy đội vũ trang
tuyên truyền. Trong trận Ðiện Biên tháng 5 năm 1954 ông là chính ủy sư đoàn 312
tiên phong tiến vào trận địa. Ông thăng thiếu tướng hồi 1958. Từng là chính ủy
liên khu Hà-nội, phó chính ủy quân giải phóng miền Nam, và trong thời Nguyễn
Văn Linh làm tổng bí thư ông là trưởng ban văn hóa văn nghệ trung ương đảng. Về
mặt chính quyền ông cũng từng là thứ trưởng Thông Tin Văn Hóa, phó chủ tịch
quốc hội.
Còn nhớ hồi 1968 một vài tờ báo
Saigon đã loan tin tướng Trần Ðộ bị tử thương, nhưng rồi sau lại cải chính. Ðến
nay ông vẫn còn ức chuyện đó và cho rằng "Mỹ Ngụy" đã bịa ra cái chết
của ông để chiến tranh tâm lý. Nhưng ông lại cho rằng ngày nay kẻ nào đó (dĩ
nhiên ông không dám nói thẳng là đảng) làm những việc giống như "chiến
tranh tâm lý" để giết ông thật.
Nội dung bức thư ngỏ:
Bức thư ngỏ có tựa đề: "Tình
hình đất nước và vai trò của đảng cộng sản" đã được rất nhiều tờ báo hải
ngoại đăng nguyên văn vào những tháng đầu năm 1998. Xin lược qua vài điểm cốt
lõi.
Về tình hình đất nước Trần Ðộ
thẳng thắn nhìn nhận:
"Ðất nước ta vốn là một trong
số ít nước nghèo khó và lạc hậu nhất thế giới, lại trải qua 30 năm chiếân tranh
tàn khốc liên miên. Thêm vào đó do nhiều lý do những năm đầu của thập niên 80
đất nước ta ở trên bờ vực thẳm. Cuộc đổi mới khởi phát từ năm 1986 đã đưa nước
ta ra xa bờ vực thẳm đó. Hơn 10 năm ta đã có một số thành tích và tiến bộ.
Nhưng về cơ bản đất nước ta vẫn là một đất nước nghèo khổ và lạc hậu."
Về tình hình đảng tác giả bức thư
ngỏ cũng nói không úp mở:
"Ta đang đứng trước 2 nguy cơ
hiểm ác: a) nếu không ra khỏi các bùng nhùng, bệnh hoạn thì sẽ bị sụp đổ, mà là
một sự sụp đổ không ai cứu nổi. b) nếu cứ để bùng nhùng kéo dài thì tình hình
xã hội sẽ mất ổn định ngày càng lớn. Ðảng lại buộc phải đối phó, đàn áp và cuối
cùng cũng tan rã. Nguy cơ hiện nay là cực kỳ nghiêm trọng, không phải là nhận
định 4 nguy cơ nhẹ nhàng như trước. Tụt hậu ư? Không phải nguy cơ mà ta đang
tụt thật. Tham nhũng ư? Không phải nguy cơ mà đang là quốc nạn. Kẻ thù bên
ngoài ư? Không có gì rõ rệt, Chỉ có ta đang làm hại ta. Chệch hướng ư? Hướng
nào? Hướng tư bản chủ nghĩa ư?Thế là phản động, phản cách mạng? Hướng xã hội
chủ nghĩa ư? Ðấy là thất bại, là ngõ cụt! Ta đã có hướng đâu mà chệch, ta đang
chệch choạng."
Ngoài ra Trần Ðộ cho rằng ngày
xưa, trong chiến tranh, dân với đảng là một, còn ngày nay thì dân với đảng là
hai. Và "tiếc thay, hiện nay đảng là đảng trị, lại độc tôn, không có bất
cứ một cơ chế giám sát nào, không có bất cứ một lực lượng giám sát nào, kể cả
những người ở trong đảng. Ðã độc tôn thì tất yếu đi tới lộng quyền."
(Các chữ tô đậm do M.V. nhấn mạnh).
Ðể cứu đất nước thoát cơn nguy biến - và cũng để cứu
đảng khỏi tan rã - theo Trần Ðộ, "một điều cơ bản, một điều then chốt, một
điều quyết định là phải thực sự dân chủ hóa, thực sự thực hành dân chủ, để cho
nhân dân có quyền lực thực sự trong khi thực hiện quyền lợi và trách nhiệm của
mình."
Ðể chứng minh lợi ích của nền dân
chủ thực sự tại các "nước tư bản", ông đã không ngần ngại nói lên
nhận xét trung thực của một số cán bộ:
"Nhiều cán bộ lãnh đạo của
nước ta sang thăm các nước tư bản về, đều phải nhận xét rằng, đời sống người
dân các nước ấy vừa cởi mở tự do hơn, vừa tuân theo pháp luật một cách nghiêm
túc hơn. Mọi người được pháp luật bảo vệ, không để cho các quyền tự do dân chủ
của mình bị xâm phạm. Trong khi đó thì ở nước ta luật pháp đã thiếu lại không
nghiêm minh, nhiều người có trách nhiệm bảo vệ luật pháp lại vi phạm luật pháp
đến mức nghiêm trọng (trong những năm gần đây ngồi ghế bị cáo trước các tòa án
ngày càng có nhiều cán bộ công an, kiểm tra và cả tòa án nữa)."
Nhằm cụ thể hóa đề nghị "dân
chủ hóa" của mình, Trần Ðộ đã đưa ra, trong phần phụ lục, 2 điều cần làm
ngay là ban hành một đạo luật về tự do ngôn luận, tự do báo chí, và thực hành
"bầu cử hai vòng", hơi khó hiểu. Ông chưa dám nói đến bầu cử tự do
theo "phổ thông đầu phiếu"
Bề ngoài họ nói đây là một đóng
góp ý kiến bình thường của một đảng viên. Nhưng bên trong họ rất lo ngại. Bằng
chứng là không có cơ quan ngôn luận nào của đảng hay nhà nước dám phổ biến
nguyên văn bức thư ngỏ của Trần Ðộ. Trái lại 3 tháng sau đảng đã ngấm ngầm chỉ
thị cho các tờ Tạp Chí Cộng Sản, Nhân Dân, Quân Ðội Nhân Dân, Saigon Giải Phóng
và cả tờ Văn nghệ quân đội thay phiên nhau phê bình chỉ trích tác giả bức thư
ngỏ với những lời lẽ như: "nói ít đến thắng lợi phân tích kỹ hơn những
khuyết điểm. thành ra phủ nhận thành tích của đảng và như vậy là phủ nhận cách
mạng, phủ nhận Xã Hội Chủ Nghĩa."
Mãi cho đến ngày 25 tháng 5, nghĩa
là khoảng 5 tháng sau khi bức thư được gửi đi, và vào giữa thời gian bức thư
thứ hai gửi cho 5 tờ báo đã chỉ trích ông bị mất cắp và đang được viết lại, bộ
chính trị mới cử Phạm Thế Duyệt, Uủy viên thường vụ bộ chính trị, tiếp ông để
trả lời rằng những ý kiến của ông không dược chấp thuận, vì "không đúng
với đường lối của đảng thể hiện ở các cương lĩnh và nghị quyết Ðại hội."
Ðể trả lời những luận điệu
"đấu tranh tư tưởng " của các tờ báo nói trên, ngày 22 tháng 5 năm
1998 tướng Trần Ðộ đã viết một bức thư ngỏ khác gửi các tờ báo đã có bài đả
kích ông, đòi nó phải được đăng lên cho những ai đã đọc các bài đả kích ông
được đọc bức thư nàỵ Nhưng ông cũng khẳng định rằng: "Nhưng tôi biết, các
ông không khi nào dám đăng." Bức thư hoàn tất chưa kịp gửi đi thì bị đánh
cắp mất. Nên gần một tháng sau - ngày 20 tháng 6 - ông lại phải viết lại. Bức
thư, dài không kém bức thư trước bao nhiêu, gồm 5 phần chính:
1. Tranh luận, phê phán và quy chụp.
2. Hoài Việt là ai?
3. Khen và chống.
4. Vấn đề đổi mới chính trị và đổi
mới đảng,
5. Các căn bệnh của công tác tư
tưởng.
Sau đây là một vài điểm nổi bật.
Về "Xã Hội Chủ Nghĩa"
ông đã viết những hàng chữ rất độc như sau: "Thực tế rõ ràng là từ 1975 đến
1985 ta đã tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước thống nhất. Và kết
quả là những năm đầu của thập kỷ 80, CẢ NƯỚC NGẮC NGOẢI Bây giờ (Sau đổi mới
dưới thời Nguyễn Văn Linh làm tổng bí thư, do ảnh hưởng tư tưởng "đổi
mới" và "tái cấu trúc" của tổng bí thư Liên Xô Gorbachov, chú
thích của MV) nhân dân ta tươi tỉnh được một chút, lại cứ nhất định phải định
hướng xã hội chủ nghĩa, vậy định hướng vào cái "xác chết" đó mà làm
gì?.Ta cứ hay "nói lấy được". Ta nói: "Nhân dân ta đã chọn chủ
nghĩa xã hộị" Có thật không? Năm 1975 khi ta giải phóng đất nước, nửa nước
miền Nam mấy chục triệu người, ta có hỏi một ngườidân miền Nam nào câu hỏi là:
"Anh có thích chủ nghĩa xã hội?" Ta không hề hỏi mà cứ ra nghị quyết,
cứ ra lệnh và chỉ thị hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp
v.v.và v.v. phá tán biết bao nhiêu là của cải, làm tổn hại bao nhiêu đến đời
sống nhân dân, làm bao nhiêu là người giầu bị nghèo đi!
Thế mà lại bảo là "nhân dân
đã chọn". Khổ thật! Ta cứ hay chọn thay cho dân, bắt dân nhận, xong lại
bảo là dân đã chọn và ta tôn trọng sự lựa chọn của dân!
Rõ là nói lấy nói được. "
Ở trong nước tất cả những ai chủ
trương "đổi mới", chống độc tài tham nhũng, muốn thay "xã hội
chủ nghĩa" bằng một nền dân chủ thực sự, đa nguyên đều hưởng ứng lập
trường của Trần Ðộ. Không kể những nạn nhân cộng sản dưới hình thức này hay
hình thức khác. Tuy nhiên số người biết và theo sát hành vi của Trần Ðộ không
có nhiều, do chủ trương bưng bít che giấu của đảng. Trong số những người đứng
cùng phe Trần Ðộ dĩ nhiên không thiếu những bộ mặt quen thuộc nhóm trí thức
phản tỉnh như Nguyễn Thanh Giang, Phan Ðình Diệu, Hoàng Hữu Nhân, Hoàng Minh
Chính, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Hoàng Phương, Bùi Minh Quốc, Bảo
Cự, Hoàng Tiến v.v. Chính họ là những người đã mở đường cho Trần Ðộ. Nhưng họ
không có được cái thế mà Trần Ðộ có sẵn ở trong đảng, nên đã không dám mạnh
miệng như ông.
Nguyễn Văn Trấn trước khi chết dĩ
nhiên là người tán thành ý kiến của Trần Ðộ hơn ai hết. Và có thể nói chính
cuốn "Thư gửi mẹ và quốc hội" của ông đã khuyến khích và thúc đẩy
Trần Ðộ tỏ thái độ với đảng. Có lẽ Trần Ðộ cũng nghĩ viết mạnh như Nguyễn Văn
Trấn mà vẫn không bị đảng thi hành kỷ luật thì đảng sẽ chẳng dám khai trừ mình.
Nhưng Lê Khả Phiêu, trước kia là đàn em dưới trướng của Trần Ðộ, hẳn có lý để
nhìn thấy nơi Trần Ðộ mối nguy to lớn gấp bội so với Nguyễn Văn Trấn. Cho nên
Nguyễn Văn Trấn đã thoát mà Trần Ðộ thì không.
Tuy tán thành, ủng hộ đấy nhưng có
mấy người dám lên tiếng công khaỉ Và nếu có báo nào dám đăng bài của những
người ủng hộ Trần Ðộ thì ở hải ngoại cũng khó biết. Nhưng vẫn có vài bài lọt ra
được bên ngoài và ở Paris người ta đã được đọc những lời ca ngợi Trần Ðộ không
tiếc lời như: "Trong bài viết của ông (Trần Ðộ) thấy cả máu và nước mắt cứ
quyện vào từng dòng. Ông đã tự lột xác để tiếp thu chân lý của thời đại. Trần
Ðộ đúng là Chu Văn An của thời nay" (Phạm Vu Sơn). Có người hoan hô ông
"đã tự lột xác mình, tiếp cận được những tư tưởng cập nhật của nhân
loại" (Nguyễn Hoài Nam).
Một người ký tên Minh Tâm, sau khi
được may mắn gặp Trần Ðộ tại nhà người con trai út của ông ở Saigon, đã ca ngợi
ông là người cầm đuốc trong đêm.
Một nhà trí thức trẻ, không phải
cộng sản, ở kinh thành Ánh Sáng cũng đã không ngần ngại "tặng vị lão tướng
hai chữ đồng chí".
Có những dấu chỉ cho thấy Trần Ðộ
rất được những cựu cán bộ cộng sản lão thành ở trong nước ủng hộ một cách nhiệt
tình, đến liều chết để nói lên sự ủng hộ đó. Ðó là bức thư của 10 cán bộ lão
thành, trong đó có 2 cụ bà, sinh hoạt ở nhiều chi bộ khác nhau, gửi bộ chính
trị "nguyện cùng sống chết" với tướng Trần Ðộ. Bức thư đề ngày 15
tháng 6 năm 1998, do ông Nguyễn Việt Hùng thuộc quận Ðống Ða ký thay, sau khi
nêu ra 4 sự việc cụ thể chứng tỏ đảng bất công, quy chụp, đàn áp, đã đi đến một
tuyên bố quyết liệt như sau: "Một, nếu kỷ luật đồng chí Trần Ðộ, chúng tôi
sẽ vứt trả lại thẻ đảng, vì cái đảng này không xứng đáng để những con người
chân chính đứng trong hàng ngũ nữa. Hai, nếu bắt đồng chí Trần Ðộ, chúng tôi sẽ
xuống đường phản đối để tỏ thái độ, nguyện cùng sống chết với đồng chí Trần Ðộ,
con người đã trở thành biểu tượng cao đẹp của đất nước.
Chúng tôi lúc ấy không phải chỉ là
10 người nữa đâu, mà sẽ có hàng ngàn các cựu chiến binh, các đảng viên chân
chính, các cán bộ nghỉ hưu, và vạn vạn những người dân lành ủng hộ chúng tôi,
đứng về phía chúng tôi."
Rất có thể là bức thư này có liên
hệ đến bức "Huyết tâm thư xây dựng đảng" của 11 cán bộ lão thành khác
có từ 40 tuổi đảng trở lên tố cáo ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị Phạm Thế Duyệt
và phe cánh tham nhũng, cũng gửi bộ chính trị trước đó hơn một tháng. Phạm Thế
Duyệt nguyên là bí thư thành ủy Hà-nội và hiện nay được coi như nhân vật thứ
nhì sau tổng bí thư Lê Khả Phiêu vì y nắm thường vụ bộ chính trị (kể từ cuối
năm 1997). Trong vụ nông dân Thái Bình nổi dậy chính y là người được giao trọng
trách xuống tận nơi giải quyết vụ việc, nhưng cho đến nay vẫn chưa xong, mặc dù
đã có một vài biện pháp vá víụ
Cái ung nhọt Thái Bình vẫn còn đó.
Trần Ðộ lại là người Thái Bình và thường có liên lạc với các vùng quê đang lâm
cảnh túng đói và thất nghiệp. Ông hiểu rằng nếu không thực thi dân chủ, không
cho tự do báo chí, thì nạn tham nhũng không thể nào diệt được và như vậy dân sẽ
bị dồn vào con đường cùng là đồng loạt nổi lên để tự cứụ Và đến lúc đó thì, tức
nước vỡ bờ, không còn cách nào chống đỡ. Kết cuộc đảng sẽ tan rã.
Dầu sao bức "huyết tâm
thư" này đúng là một hành động yểm trợ tinh thần vị tướng già Trần Ðộ,
ngầm cho ông hiểu rằng nếu ông dám chống độc tài, tham nhũng đến cùng thì đừng
sợ không có người hưởng ứng.
Nhận xét về những lời tuyên bố của
Trần Ðộ.
1. Trước khi bị khai trừ.
Trong phần nói về nội dung 2 bức
thư ngỏ chúng tôi đã trích dẫn mấy ý chính trong đó có những điểm sau đây là
nổi bật: Trần Ðộ đã mất tin tưởng hoàn toàn nơi cái gọi là "xã hội chủ
nghĩa" coi nó chỉ là "cái XÁC CHẾT '. Chính nó đưa đất nước đến bờ
vực thẳm trong những năm 1975-1985. Ông nói là "do nhiều lý do". Ông
không tiện nói thẳng ra rằng do đảng lãnh đạo sai, đường lối xã hội chủ nghĩa
sai. Sau đó ông cho rằng nhờ có "đổi mới" (thời Nguyễn Văn Linh làm
tổng bí thư) nên đã không rơi xuống vực. Nhưng cuộc đổi mới cho đến nay què
quặt vì chỉ đổi mới về kinh tế mà không đổi mới về chính trị. Do đó đảng đang ở
trong tình trạng "Bùng nhùng, bệnh hoạn". Ông gọi nạn tham nhũng là
quốc nạn. Xã hội chủ nghĩa là thất bại, là ngõ cụt. Ðảng hiện nay là đảng độc
tài, lộng quyền, độc tôn. Gần đây có nhiều cán bộ công an, kiểm tra, và cả cán
bộ tòa án (!) bị đem ra tòa. Và để cứu nước thoát cơn nguy biến, cứu đảng khỏi
tan rã, ông đề nghị thực thi dân chủ thực sự: tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Ðối với người dân bình thường,
nhất là với người quốc gia chúng ta thì những nhận xét và đề xuất nêu trên của
viên tướng cộng sản chẳng có gì mới mẻ, còn thiếu sót, hay chưa đúng mức nữa là
khác. Nhưng đối với những người cộng sản đã quen với nền độc tài hà khác, và kỷ
luật sắt của một đảng sắt máu độc tôn như đảng cộng sản, thì dám lên tiếng đưa
ra những ý kiến trái ngược với đường lối đảng như vậy kể ra cũng đáng gọi là
can đảm và chứng tỏ Trần Ðộ làngười có học, có tâm.
Tôi biết có những người chống cộng
cực đoan luôn luôn nghi ngờ thiện chí của các cán bộ cộng sản phản tỉnh. Họ coi
tất cả những Hà Sĩ Phu, Dương Thu Hương, Bùi Tín, Nguyễn Chí Thiện v.v. đều là
"có mồi", không đáng tin cậy. Theo tôi, khi chúng ta không có được
những tin tức tình báo chính xác, những bằng chứng cụ thể, thì không nên phát
ngôn bừa bãi, làm nản chí những người có những hành động hay lời nói chống lại hay
thách thức nhà cầm quyền cộng sản. Hơn nữa dù cho thực sự có những "cò
mồi" đi chăng nữa, nếu chúng ta không hẹp hòi, và nếu chúng ta có đủ tự
tin, đủ sáng suốt, tưởng không nên bỏ qua những ý kiến đến từ những người trong
hàng ngũ đối phương có lợi cho cuộc tranh đấu chống cộng. Chúng ta cũng đừng kỳ
vọng quá, đừng đòi hỏi quá đáng những gì mà những người đang sống dưới sự kìm
kẹp của một chế độ chuyên chế không thể nào làm được như chúng ta đang ở ngoài.
Trong tinh thần đó chúng tôi xin
có vài nhận xét về những lời tuyên bố của Trần Ðộ sau khi bị khai trừ.
2. Sau khi bị khai trừ.
Ngày 4 tháng 1 năm 1999 bị khai
trừ, thì ngày 8 Tướng Trần Ðộ đã đưa ra bản tuyên bố gồm có 5 điều đại ý tóm
gọn như sau:
1. Ông ta không ân hận gì về 58
năm phục vụ đảng.
2. Ông cho rằng "đảng hiện
nay với tất cả hiện trạng của nó đã xa rất xa đảng của những năm 40, 50, 60, vì
vậy nó hầu như không còn là đảng của tôi nữa."
3. Ông thất vọng vì tình trạng xã
hội bất công, thối nát và mất tự do hiện nay: "Tôi sống trên đất nước tôi
mà tôi bị bao vây, giám sát và rình rập.Tôi muốn ngỏ lời với các đảng viên
trong toàn đảng.mong mọi người làm hết sức mình cho đảng được đổi mới tốt
hơn. Tôi vẫn tin tưởng vào tương
lai của đất nước."
4. "Trước sau rồi thế nào
đảng cũng phải đổi mới. "Ðổi mới hay là chết' khẩu hiệu này rất thích hợp
với đảng hiện nay, tốt nhất là đảng tự đổi mới."
5. ".Lịch sử rất công bằng,
tương lai gần hay xa lịch sử sẽ có sự phán xét của mình." (Hết)
Ðọc kỹ 5 điểm trên ta thấy một
điểm nổi bật nhất là Trần Ðộ vẫn gắn bó với đảng, ít nhất là cái đảng như nó
được tổ chức và điều hành trong những năm từ 1940 đến 1969 là năm Hồ Chí Minh
qua đời. Ông ta không ân hận là đã ở trong đảng trong 58 năm, mặc dù ngày nay
ông thấy đảng đã biến chất. Ông ta muốn đảng đổi mới để khỏi tan rã, khỏi chết,
"Ðổi mới hay là chết". Ðây không phải một lời trù ếm, nguyền rủa hay
tiên tri. Mà là ước mong thực lòng. Vì ông "mong mọi người (trong toàn
đảng) làm hết sức mình cho đảng được đổi mới tốt hơn."
Chúng ta đừng trách vị tướng cộng
sản gần đất xa trời này và đừng hỏi tại sao trong tình hình bi đát hiện nay ông
ta còn cố bám lấy cái đảng bất nhân đó. Là bởi vì ông ta không dễ gì tự phủ
định chính mình, không dễ gì phủ nhận cái dĩ vãng vàng son của đảng, mà ông ta
theo và tin tưởng, với những chiến dịch Ðiện Biên Phủ đánh bại thực dân Pháp,
chiến dịch Hồ Chí Minh đánh "cho Mỹ cút, ngụy nhào". Và cũng bởi vì
ông ta không còn hy vọng gì ở những người quốc gia bại trận, tháo chạy có cờ,
hay đã tan rã, đã thối chí, đã bị huỷ diệt, thể xác hay tinh thần, bởi các quỷ
kế của cái đảng - mặc dù bất nhân - của ông ta. Và cũng bởi vì có lẽ ông ta
cũng nhìn thấy phần nào tình trạng chia rẽ rất đáng tiếc giữa các thành phần
trong đội ngũ những người quốc gia ở hải ngoại (!) Cái tình trạng chia rẽ giữa
các người quốc gia đó quả tình không khuyến khích Trần Ðộ - hay những ai khác -
chống lại chính đảng của ông ta chút nào. Cho nên chỉ còn cách duy nhất là mong
muốn đảng đổi mới để tồn tại và tiếp tục cai trị đất nước.
Vậy thì theo tôi nghĩ, muốn cho
những người cộng sản mạnh miệng đả kích, mạnh tay chống lại đảng thối nát của
họ hơn, người quốc gia phải biết đoàn kết hơn, nhìn lại dĩ vãng một cách xây
dựng hơn, bình tĩnh hơn, nếu chưa xóa bỏ được hận thù với kẻ thù, thì trước hết
hãy xóa bỏ hận thù (theo tôi chỉ là giả tưởng, không có thật) giữa phe mình với
nhau, để làm gương và cho kẻ thù thấy rằng chúng ta cũng đủ độ lượng để tha thứ
nếu họ biết nhìn ra sự thực mà hối lỗi.
Tại sao Trần Ðộ lại nói đảng ngày
nay không còn là đảng của những thập kỷ 40, 50, 60? Nếu ta để ý rằng Hồ Chí
Minh mất vào đúng cuối thập kỷ 60 (ngày 3 tháng 9 năm 1969), rồi đọc kỹ đoạn
sau đây trong bức thư ngỏ thứ 2 của Trần Ðộ gửi các báo đảng ngày 20 tháng 6
năm ngoái, thì sẽ thấy câu trả lời. Câu đó như sau:
"Ta không nên bắt chước ai,
mà chỉ nên học tập Hồ Chí Minh với tài trí và lòng nhân ái của Người."
Phải chăng đã rõ là Trần Ðộ kết
tội những người lãnh đạo sau Hồ Chí Minh không giữ đúng đường lối chính sách
của đảng cộng sản ban đầu, hay ông cho rằng chỉ có Hồ Chí Minh xứng đáng là
lãnh tụ của ông mà thôi?
Nếu quả thật Trần Ðộ vẫn còn nghĩ
cái đảng cộng sản được Liên Xô chỉ thị phải thống nhất vào năm 1930 kia với
danh xưng "Ðông Dương Cộng Sản Ðảng", cái đảng đã nhắm mắt bắt chước
và nghe lệnh Trung Cộng giết hàng vạn người trong cải cách ruộng đất trong
những năm 53, 56, cái đảng đã tàn sát các đảng phái quốc gia để thực hiện
chuyên chính vô sản, cái đảng đã ném hàng triệu thanh thiếu niên miền Bắc vào
phá rối rồi xâm chiếm miền Nam với chiêu bài giải phóng, khiến hơn 2 triệu
người chết ở cả hai phía, cái đảng đã đánh lừa những người yêu nước miền Nam
lập lên cái chính phủ bù nhìn bịp bợm gọi là "Cộng Hòa Miền Nam Việt
Nam" để rồi sau khi toàn thắng đã thẳng tay - không hề có hỏi ý nhân dân
miền Nam cũng như cái chính phủ bình phong kia -
"xã-hội-chủ-nghĩa-hóa" cả nước. Cái đảng từ trước vẫn mang cái tên
hiền lành giả dối là "Ðảng Lao Ðộng" đã vội vã thay đổi danh xưng,
hiện nguyên hình là đảng cộng sản.
Nếu quả thật Trần Ðộ vẫn còn nghĩ
cái đảng đó là niềm tự hào của ông và ông Hồ chí Minh là người có lòng nhân ái,
thì thiết nghĩ ông chưa phản tỉnh chút nào. Nếu ông chưa nói được một câu hối
hận và xin lỗi nhân dân vì những sai lầm, hay đúng ra là những sự tàn bạo, ác
độc của đảng cộng sản ngay trong những thập niên 40, 50 và 60, thì ông chưa
thực sự "lột xác" như một số người đã ca tụng ông.
Những người có cảm tình với ông có
thể sẽ bảo nên thông cảm cho ông hơn, và không nên đòi hỏi ở ông những điều ông
không thể làm nổi. Và họ đưa ra 2 lý do.
Thứ nhất, như đã nói ở trên, ông
có một cái quá khứ dính liền với quá trình phát triển của đảng và sự thăng trầm
của đất nước, không dễ gì nhất đán tự phủ định mình, phủ nhận tất cả để trở
thành trắng tay.
Thứ hai, sống ở trong nước hiện
nay ông chẳng khác nào sống trong một cái rọ. Dù có can đảm đến mấy, cũng phải
giữ sự khôn ngoan để tồn tại mà chống, nếu có ý chống đến cùng. Ðưa Hồ Chí Minh
và tư tưởng Hồ Chí Minh ra làm luận cứ, chẳng qua chỉ là để thủ thế, dùng đó
như một thứ bùa hộ mệnh bảo vệ mình cho khỏi sự trả thù hiểm độc của những kẻ
muốn ám hại ông.
Dù sao chăng nữa sự việc Trần Ðộ
bị khai trừ cũng cho thấy là trong đảng những kẻ bảo thủ trung thành với các lề
lối cũ, tư duy cũ, tín điều cũ. vẫn còn thắng thế, mặc dầu đã có dấu hiệu cho
thấy một cuộc tranh chấp nội bộ đã diễn ra khá gay gắt.
(còn tiếp)