_____________________________________________________
Lão chủ tịch xã ốm tỏng, ốm teo đi bên cạnh bà Việt kiều màu mỡ phốp pháp đã tạo ra một hình ảnh thật trái ngược. Lão chủ tịch tất bật, xum xoe bao nhiêu thì bà Việt kiều lại nghiêm nghị, trịnh trọng bấy nhiêu. Họ đến, họ duyệt qua một hàng chào danh dự để khánh thành một cây cầu treo ngang qua bưng 6 xã.
Bài diễn văn dài thoòng với những lời ngợi khen công đức của bà Việt kiều mà thành tích của bà, ai nấy cũng phải ái mộ, thán phục. Bài diễn văn dài, dài đến nỗi thỉnh thoảng lão chủ tịch đọc lộn hàng trên xuống hàng dưới mà chẳng ai thèm để ý. Người ta chỉ để ý thấy bà Việt kiều béo trắng nõn nà, người nhung nhúc thịt là thịt, mặt mày bà sơn xanh sơn đỏ như con kỳ nhông rừng biến sắc, đổi màu khi hoà mình vào màu cảnh lạ. Bà ngồi chễm chệ trên chiếc ghế danh dự được kê trên một cái bục cao quay lưng vào lưng cầu.
Người dân ở đây hân hoan hồ hỡi vì chỉ vài phút nữa đây, cây cầu sẽ được khánh thành và từ nay dân làng không còn phải khó nhọc qua lại trên chiếc cầu khỉ mỏng manh vất vưởng. Từ nay xe đạp, xe gắn máy sẽ thong dong qua lại mà không phải qua đò. Cảnh qua sông lụy đò từ nay sẽ chấm dứt. Lão chủ tịch còn huyênh hoang rằng nhờ cái cầu treo của bà Việt kiều, trong tương lai kinh tế của làng xã sẽ đi lên và cùng lúc, lão yêu cầu bà Việt kiều thương tình bà con dân làng mà xây dựng thêm chợ búa, trường học.
Cuối cùng, lão chủ tịch đề nghị đặt tên cây cầu là cầu Tố Nga để đền đáp lại công ơn của bà Việt Kiều.
Bà Việt Kiều đã hết sức cảm động, bà không dấu được cơn xúc cảm và vì thế bà đã không thể mở lời đáp từ. Bà run run cầm cây kéo cùng lão chủ tịch cắt dây băng khánh thành trong tiếng hoan hô cuồng nhiệt của dân làng.
Một bảng tên bằng đồng đã ghi tên bà ngay trên đầu cầu.
Bà Tố Nga được lão chủ tịch giới thiệu như một Việt kiều trí thức yêu nước. Bà hiện làm chủ một trung tâm y khoa thẩm mỹ nổi tiếng ở Hoa Kỳ và vì yêu thương quê hương, bà đã bỏ tiền ra để xây dựng cây cầu treo này, giúp dân làng dễ bề qua lại.
Tất cả dân làng ở đây đều khen ngợi công ơn và nể vì bà Việt kiều, ngoại trừ lão Tám Khách, lão ngờ ngợ nhận ra bà và lão đã đoan chắc với mọi người rằng bà Tố Nga chắc chắn là con Sen rỗ gánh nước mướn ngày xưa ở thôn Ðông. Lão bảo rằng tuy con Sen rỗ ngày nay đã chà ủi hết những vết rỗ và trám lắp vào đấy những lớp phấn son loang lỗ và dày đặc nhưng giọng nói ú ớ, cái dáng đi chân nọ đá chân kia của ả thì làm sao mà lão có thể nhầm lẫn được.
- Này nhé! Hãy nhìn xem! Cái giọng nói ù ạc như vịt đực của nó thì không phải là con Sen rỗ thì ai vào đây!
- Ðã vậy cái dáng đi vòng kiềng của nó thì đích thị rồi chứ trốn vào đâu được!
Lão Tám đoan chắc như thế nhưng vì cái vẻ bề ngoài sang trọng qúa của bà Việt kiều nên ít ai dám tin vào lời lão. Họ bảo lão nói càn. Có người còn hăm dọa lão phải thận trọng lời ăn, tiếng nói không thì có ngày đi cải tạo mút mùa.
Không ai chịu tin vào lời nói của lão. Lão Tám ức lắm! Lão quyết phải phanh ra chuyện mới thôi!
Ðúng là con Sen rồi! Lão nghĩ thế! Cái lưng nó rộng như cái phản, hai chân quất qua, quất lại như thế kia thì đích thị là nó rồi chứ ai vào đây! Lão muốn tiến gần để hỏi nó vài câu cho ra chuyện nhưng khi thì nó đi với lão chủ tịch, khi thì với ông bí thư nên hắn không thể tiếp cận với nó được. Lão nghĩ rằng con Sen đã nhận ra lão nhưng nó chỉ nhìn lão phớt một cái rồi nhìn đi nơi khác. Lão nhận ra con mắt lá răm của nó, nay được mổ to rộng hơn nhưng cái đuôi lá răm vẫn còn lộ lờ mờ những vết ve nho nhỏ, thâm đen. Con Sen mắt ve đích thị rồi không thể sai đâu được!
Lão Tám Khách nhớ như in rằng cái đêm mưa gió hôm nào cách đây lâu lắm! Hai chục năm có thừa. Thằng Mười Hiên, em của lão tổ chức vượt biên và có thuê con Sen gánh nước xuống tàu. Khi tàu ra khơi và sợ lộ chuyện nên thằng Mười đã bắt ép con Sen phải đi theo. Con Sen sợ lắm và lạy van, xin thả nó ra nhưng không ai dám thả vì sợ nó khai báo lung tung. May mắn ông bà phù hộ tàu của thằng Mười đã ra đi bằng an.
Mấy ngày nay trời nóng qúa! Ngày nào dân làng cũng thấy bà Việt Kiều Tố Nga mặc chiếc váy ngắn cũn cỡn nằm ngửa trên chiếc ghế bành ở hiên nhà lão chủ tịch. Chân bà duỗi dài và thường lúc nào cũng có người phục dịch bà. Lúc thì có kẻ cắt móng tay, móng chân, khi thì cỏ kẻ tẩm quất đấm bóp thân bà.
Bà đeo cặp kính đen, phơi cặp lưng trần nung núc thịt và to rộng như chiếc phản. Lúc nào cũng thấy bà chăm chú đọc sách. Người ta đoán rằng bà đang đọc những loại sách nghiên cứu khoa học này nọ, Thỉnh thoảng bà ôm con chó con vào lòng rồi hôn lấy hôn để. Con chó qúy này bà cũng đem từ Mỹ về. Nghe đâu bà cũng đã mua một vé đặc biệt cho nó trên máy bay. Thỉnh thoảng bà xổ ra một tràng tiếng Mỹ với nó. Bà cho nó ăn những món ăn đặc biệt cũng mang từ Mỹ về. Bà còn mua nước lọc cho nó uống. Bà kêu tên nó là Cốt Ty, Cốt Tiếc gì đó!
Dân làng ít ai có dịp tiếp cận với bà vì lúc nào bà cũng lên xe xuống ngựa. Người ta chỉ biết được rằng hơn một tuần nay, từ ngày bà Việt kiều về đây để khánh thành cây cầu thì bà ở lỳ nhà lão chủ tịch.
Phần bà Tố Nga, bà đã cảm thấy xúc động tới tận cùng và qua cặp kính đen, bà đã nhìn thấy những người thân quen. Mặc dù không có ai máu mủ ruột thịt vì thân phận bà mồ côi từ đâu trôi dạt về cái thôn Ðông này. Lớn nên, ăn nhờ ở đậu hết nhà này tới nhà khác rồi cuối cùng làm thuê, gánh nước mướn.
Bà đã nhìn thấy rõ con Hoa ghẻ, con Tám cũng gánh nước mướn như bà và cả lão Tám Khách nữa, trong đám dân làng đang tham dự để hoan hô công lao của bà. Lão Tám gìa dịch này đã mấy lần làm hỗn bà nơi chòi vịt ngoài đồng vắng. Có lần vợ lão bắt được lão đang mèo mỡ với bà, vợ lão đã túm tóc bà cạo trọc lóc và tẩn cho bà một trận nên thân và rạch một vạch dài trên mặt bà. Mặc dầu bà đã quết son phấn khá dày nhưng không sao che lấp được vết rạch qúa sâu này! Tội thân bà, bà đâu muôn thế tại lão Tám nổi cơn dê với bà mà ra!
Bà cảm động lắm khi nhận ra con Hoa ghẻ. Tội nghiệp nó cũng thân phận khốn khổ như bà. Cha mẹ, quê hương nó ở đâu nó không hề biết. Nó chỉ biết là nó lớn lên ở đây và mang thân phận nô đầy cho hết người này kẻ nọ. Bà cảm động và ân hận lắm vì đã lỡ rồi. Bà không thể vứt bỏ đôi kiếng đen tối đặc để rời khỏi khán đài mà tới ôm hôn con Hoa ghẻ.
Bà đâu muốn thế! Bà đâu muốn trở thành một bà Việt kiều xa lạ như thế này! Bà biết thân phận bà lắm chứ! Bà đâu có muốn đi vượt biên và bà cũng đâu có nghĩ là mình sẽ trở thành bà Việt kiều sang trọng và xa cách như thế này bao giờ đâu! Bà nhớ rõ rằng Mười Hiên mướn bà gánh nước xuống tầu thế rồi chúng bắt bà đi theo. Bà sợ hãi và la làng quá trời! Chúng định mấy lần quăng bà xuống sông, xuống biển nhưng rồi bà van dữ lắm chúng mới tha mạng cho bà!
Sang Mỹ bà đâu biết làm gì để sống, bên ấy đâu có nghề gánh nước mướn, đâu có nghề ở đợ. May có người quen trên tàu giúp đỡ cho bà nhập form để cùng định cư với họ. Bà được hưởng trợ cấp xã hội để đi học tiếng Anh nhưng bà học đâu có vô. Chữ Việt còn một chữ cắn đôi không biết thì học tiếng Anh thế nào! Bà đi học được mấy hôm, thấy uốn giọng uốn lưỡi dị hợm kỳ qúa định bỏ nhưng người ta dọa là nếu bà bỏ thì họ sẽ cúp hết tem phiếu thực phẩm xã hội nên bà lại phải tiếp tục. Ấy vậy mà bà lại không ngu như bà nghĩ, học được 6 tháng thì bà cũng đã có thể đi chợ, hỏi đường như ai.
Bà nhớ lại cái ngày đầu tiên phải đi giày, thấy vương vướng và kỳ cục làm sao ấy! Rồi lại phải mặc đồ lót xú chiêng rồi cuối cùng những lớp son phấn đầu tiên được bôi thoa lên mặt. Bà nhớ những lần đầu tiên bôi thoa son phấn, bà thấy nó nhột nhạt, ngưa ngứa làm sao ấy! Thế rồi cứ thế thành quen và rồi bà cũng đã biết cách để bôi thoa che lấp cái lớp rỗ trên mặt bà. Nhìn vào gương, bà thấy bà trẻ đẹp ra phết. Chẳng thế mà mỗi khi ra đường mấy anh người Mễ theo bà tán miết!
Bà làm đủ mọi việc để có thể sinh sống. Khi thì đi làm mướn ở các nhà hàng, khi thì đi may công nghiệp. Thường thì bà làm 2 jobs và chẳng mấy chốc mà bà đã để dành được món tiền khá khá. Cũng như ai, bà cũng phải học lái và mua một chiếc xe làm chân đi lại. Có xe rồi, bà đi đây, đi đó cho khuây khoả và thấy bà có tiền, có job, những người cùng tàu tìm tới bà làm quen. Họ rủ bà mở shop làm nail. May cho bà, nghề làm nail đúng thời nên làm ăn khấm khá. Ngày nào shop của bà cũng có hàng chục cô người Mễ, Mỹ đen chiếu cố.
Thấy Sen rỗ làm ăn khấm khá và hiện làm chủ trung tâm thẩm mỹ Tố Nga, Mười Hiên tìm tới thăm bà. Hắn không ngờ bà tay trắng mà làm nên nhanh thế! Hắn sững sờ trước một trung tâm đông khách và nhiều người làm. Hắn ân hận nhớ lại cái ngày mà hắn định vứt bà xuống sông, xuống biển. Hắn nài xin bà giúp vốn và chỉ cách làm ăn. Bà Sen vui vẻ nhận lời, bà không hề thù oán Mười Hiên, bà quên hẳn cái phút giây mà Mười Hiên định quẳng bà xuống sông. Ngược lại, bà nghĩ rằng nhờ có Mười Hiên mà bà mới có ngày nay. Nhờ có tàu của Mười Hiên và nhờ Mười Hiên giúp thì bà mới có dịp đổi đời. Hơn nữa Mười Hiên là người cùng quê, cùng xóm. Thế rồi sau một thời gian vợ chồng con cái Mười Hiên học nghề nơi bà, bà Sen còn giúp vốn cho Mười Hiên về Seatle mở shop nail và chính bà tới giúp Mười Hiên trong ngày khai trương.
Số Mười Hiên, ăn không nên. Làm không ra sao ấy! Lúc đầu thì đông khách nhưng chỉ vài tháng sau thì có 2 shop mới mở ra cạnh tranh rồi thi nhau xuống gía. Khách một ngày một ít dần đi và tiền công cũng mỗi ngày mỗi xuống. Thấy làm ăn có mòi khó khăn. Vợ Mười Hiên bàn với chồng hay là dọn về Houston làm ăn coi bộ dễ hơn. Mười Hiên tỏ vẻ không bằng lòng:
- Chị ấy đã giúp vốn cho mình làm ăn. Mình làm không nên, nay lại dọn về cùng thành phố với chị ấy để cạnh tranh thì coi sao được.
- Houston đất rộng người đông. Mình không làm thì người khác làm cũng thế thôi! Có khác gì?
- Ðành rằng như thế! Nhưng ai lại đi cạnh tranh với ân nhân của mình chứ!
- Houston có cả hàng triệu người, người đầu này, kẻ đầu nọ thì sao lại gọi là cạnh tranh. Nếu ông không nghe tôi thì cứ ở đây mà chết cả lũ. Mấy tháng nay làm không đủ trả bill rồi khách cứ mỗi ngày một ít dần.
- Thôi thì tôi tùy nơi mẹ con bà. Làm sao để cho người ta đừng chửi vào mặt mình thì làm!
Thế rồi gia đình Mười Hiên lại dọn về Houston. Họ thuê ở một khu phố khá xa với khu của bà Sen và công việc của họ cũng gặp nhiều khó khăn chật vật. Nơi họ ở không có nhiều người da trắng và người Mễ mà đa phần là người da đen nghèo, nên thường shop của họ chỉ đông khách vào những ngày đầu lãnh lương. Nhiều lần Mười Hiên định tới cầu cứu bà Sen, nhưng ông ta thấy ngại ngại sao ấy! Cuối cùng rồi bí qúa, ông ta cũng phải chạy tới cầu cứu bà.
Bà Sen vui mừng thật sự khi gặp lại người thân sau một thời gian dài bật tin. Bà càng vui mừng hơn khi biết gia đình Mười Hiên đã dọn về Houston
- Anh chị dọn về Houston lâu rồi sao không cho tôi biết tới thăm?.
- Vâng thưa chị, chẳng nói dấu gì chị vì công việc đa đoan, khó khăn qúa nên chúng tôi dấu chị mà thôi!
- Vậy shop của anh chị ở khu phố nào vậy?
- Dạ thưa chúng tôi ở khu Boon Rd.
- Trời ơi! Khu đó sao mà làm nail được! Sao anh chị không hỏi tôi trước. Dầu gì thì tôi cũng ở đây lâu rồi. Biết gì tôi chỉ cho chứ!
Thế rồi bà Sen lại ra tay cứu vớt gia đình Mười Hiên và đứng tên thuê shop cho Mười Hiên ở gần ngay khu phố của bà.
Mặc dầu làm ăn khấm khá nhưng bà Sen không thể nào quên được con Hoa, con Tám ở quê nhà. Bà muốn gửi tiền giúp chúng nhưng biết đâu địa chỉ mà liên lạc. Bà chỉ nhớ lõm bõm nơi ở của bà là thôn Ðông, xã Tân Thượng, huyện Long Toàn thế thôi. Còn tên Hoa thì thiếu gì người trùng tên, chẳng lẽ lại đề là Hoa ghẻ. Nhớ thương chúng nó qúa, bà quyết định phải liên lạc với chúng bằng được. Nay qua Mỹ học được đôi chút và bà cũng có thể viết được đôi hàng hỏi thăm. Thế rồi bà viết thư về thôn Ðông hỏi tin. May cho bà, lá thơ của bà đã rơi lọt vào tay lão chủ tịch. Lão viết thư hồi âm và hứa tìm giúp người thân cho bà.
Bà Sen nhớ lại những lúc ở quê nhà, bà cùng bọn con Tám con Hoa sáng sáng quẩy thùng đi gánh nước mướn. Có những hôm chúng bị bệnh, bà phải gánh thay chúng cả buổi không xong. Bà còn nhớ rõ ngày mà vợ tên Tám Khách cạo tóc rạch mặt bà. Phần đau đớn, phần mắc cở nên bà đã phải nghỉ mất mấy ngày và rồi bọn con Hoa, con Tám chúng gánh nước thay cho bà, còn săn sóc bà nữa. Chúng nấu cháo cho bà ăn rồi tối tối tới chòi ngủ với bà. Bà nhớ chúng qúa! Ước gì bà gặp lại được chúng để giúp đỡ và cấp vốn cho chúng làm ăn.
Thư đi thư lại nhiều lần thành quen. Lão chủ tịch tuy không biết bà là ai nhưng cái "en tête" của tờ giấy viết thư ghi rõ là trung tâm thẩm mỹ Tố Nga thì lão nghĩ ắt hẳn bà phải là triệu phú chứ không vừa! Nắm lấy cơ hội, lão nhân danh chủ tịch khẩn thiết mời bà về thăm quê hương. Ðồng thời lão gửi cho bà những dự án cần thiết của làng xã.
Sau khi đọc các thư hồi âm của chủ tịch xã, bà hứa với lão chủ tịch là bà sẽ về thăm quê nhà và hứa sẽ giúp cho thôn Ðông 3.000 đô la để xây cây cầu treo thay cho cây cầu khỉ, để xe đạp, xe gắn máy và khách bộ hành có thể qua lại dễ dàng. Thế rồi bà gửi tiền về. Làng xã trịnh trọng viết thư mời bà về thăm quê.
Bà được đón tiếp linh đình và bà bị bao vây bởi làng xã. Họ không để rời bà một bước. Họ đưa bà đi thăm mọi dự án xây dựng của xã. Từ trường học cho tới những cánh đồng hoang ngập nước. Ðâu đâu bà cũng được họ khẩn nài xin giúp đỡ.
Bây giờ ngồi đây, trên khán đài danh dự, bà liếc nhìn xuống thấy con Hoa, con Tám rách nát tả tơi chen lẫn trong dân làng. Bà cảm động bùi ngùi. Bà cảm thấy ở thế này thì thật khó lòng để có thể rời bỏ chiếc ghế danh dự mà xuống với con Hoa, con Tám.
Bà nghe tiếng con Tám ho lụ khụ và run rẩy. Bà đau lòng và bà cảm thấy tim bà nhói buốt như chính mình đang lên cơn ho vậy! Nước mắt bà tuôn trào. Bà cởi bỏ cặp kính đen để nhìn con Hoa, con Tám cho rõ hơn. Chúng nó rách nát qúa! Bà chạnh nghĩ đến thân bà và nước mắt bà trào dâng. Bà nghẹo ngào gọi thầm:
- Hoa ơi! Tám ơi!
Rồi bà vứt bỏ cặp kính đen, chạy thẳng xuống đám dân làng tội nghiệp. Bà ôm chầm lấy con Tám, con Hoa trước sự ngỡ ngàng tột cùng của dân làng.
- Tám, Hoa ơi! Sen rỗ này!
- Trời ơi! Sen!
Dưới chân khán đài, những tràng pháo tay nổ vang. Lão chủ tịch hình như đã không nhìn thấy biến cố mới vừa xảy ra. Lão vẫn cao giọng đọc tiếp bài diễn văn dài thoòng và tiếp tục tuyên xưng bà. Dưới kia, vẫn những tiếng kêu gào, xúc động:
- Hoa!
- Sen!