Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

 

TÔNG THƯ MỚI CỦA ÐỨC THÁNH CHA VỀ KINH MÂN CÔI

Sáng ngày 16.10.2002, ÐTC đã ký và công bố Tông Thư "Rosarium Virginis Mariae" (Chuỗi Mân Côi của Ðức Trinh Nữ Maria), với mục đích canh tân kinh này và khuyến khích các tín hữu siêng năng đọc kinh và suy niệm các Mầu Nhiệm Mân Côi, tái lập thói quen đọc kinh Mân Côi trong gia đình, cầu nguyện cho hòa bình thế giới và thăng tiến gia đình, tái khám phá kinh nguyện truyền thống này, vừa đơn sơ và sâu xa. ÐTC bác bỏ lập luận của một số người, trong đó có cả một số nhà thần học, cho rằng kinh Mân Côi là điều "lỗi thời, mê tín hoặc phản đại kết".

Lễ ký và công bố Tông Thư diễn ra trước 25 ngàn tín hữu tham dự buổi tiếp kiến chung ở Quảng trường Thánh Phêrô, trùng vào ngày kỷ niệm 24 năm Ðức Gioan Phaolô 2 được bầu làm Giáo Hoàng, và khởi sự năm thứ 25 triều đại Giáo Hoàng của ngài.

Tông thư được ấn hành bằng 7 thứ tiếng, gồm 43 đoạn. Ngoài phần nhập đề và kết luận, Văn kiện chia làm 3 chương:

Chương I: "Cùng Mẹ Maria chiêm ngắm Chúa Kitô", nhấn mạnh sự qui hướng của kinh Mân Côi về Chúa Kitô.

Chương II: "Các mầu nhiệm của Chúa Kitô - Các Mầu nhiệm của Mẹ Maria", mô tả kinh Mân Côi như một toát yếu Tin Mừng và đề nghị bổ túc các mầu nhiệm trong kinh Mân Côi truyền thống.

Chương III: "Ðối với tôi, sống là Chúa Kitô", qua đó, ÐTC quảng diễn về ý nghĩa các thành phần của kinh Mân Côi và đề nghị cải tiến cách đọc và suy niệm các mầu nhiệm trong kinh này.

 

Trong Tông Thư, ÐTC tuyên bố Năm Mân Côi, bắt đầu từ tháng 10 này cho đến tháng 10 năm tới, 2003, và ủy thác cho sáng kiến của mỗi cộng đoàn việc cử hành năm này.

ÐTC đã đề nghị bổ túc 15 mầu nhiệm truyền thống của kinh Mân Côi: vui, thương, mừng, bằng 5 "mầu nhiệm ánh sáng" gồm những biến cố nổi bật trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu: từ lúc bắt đầu ra giảng đạo cho đến cuộc thương khó. 5 mầu nhiệm đó là:

1. Chúa chịu phép rửa ở sông Giordan.

2. Chúa tự mạc khải trong tiệc cưới Cana.

3. Ngài loan báo Nước Thiên Chúa với lời mời gọi hoán cải.

4. Chúa Hiển Dung, và sau cùng.

5. Chúa lập phép Thánh Thể.

Sau đây, là một số đoạn tiêu biểu trong Tông Thư "Chuỗi Mân Côi của Ðức Trinh Nữ Maria".

TẦM QUAN TRỌNG

Trong phần nhập đề, ÐTC viết:

  1. Kinh Mân côi là kinh được nhiều vị Thánh yêu mến và được Huấn quyền của Giáo Hội khuyến khích. Với đặc tính đơn sơ và sâu xa, kinh này vẫn còn là kinh đầy ý nghĩa, nhắm mang lại hoa quả thánh thiện vào đầu Ngàn Năm Thứ Ba."
    "Tuy là kinh về Ðức Mẹ, nhưng kinh Mân Côi là kinh có trọng tâm hướng về Chúa Kitô. Với các yếu tố đơn giản, kinh này tập trung nơi mình sự sâu xa của toàn thể sứ điệp Tin Mừng, và là một bản toát yếu Phúc Âm".
    Sau khi nhắc đến sự kiện rất nhiều vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của ngài, nhất là Ðức Lêô 13, đã đề ra những giáo huấn về kinh Mân Côi, ÐTC viết:

  2. "Chính tôi cũng không bỏ lỡ cơ hội nào để nhắn nhủ các tín hữu siêng năng đọc kinh Mân Côi. Từ ngày niên thiếu, kinh này vẫn giữ một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi. Cuộc viếng thăm mới đây của tôi tại Ba Lan càng mạnh mẽ nhắc nhớ tôi về điều đó, nhất là cuộc kính viếng Ðền thánh Kalwaria. Kinh Mân côi đã tháp tùng tôi trong lúc vui mừng cũng như trong thời kỳ thử thác. Tôi đã phó thác cho kinh này bao nhiêu nỗi âu lo. Trong kinh Mân Côi, tôi luôn tìm được an ủi. Cách đây 24 năm, ngày 29.10.1978, tức là chưa đầy hai tuần lễ sau khi tôi được bầu lên Tòa Thánh Phêrô, tôi đã hé mở cho thấy điều ấy trong tâm hồn và đã thốt lên: "Kinh Mân Côi là kinh tôi đặc biệt ưa chuộng. Ðó là một kinh tuyệt vời. Tuyệt vời vì sự đơn sơ và sâu xa (...). Người ta có thể nói rằng kinh Mân Côi, một cách nào đó, là kinh chú giải chương cuối cùng của Hiến Chế "Ánh Sáng muôn dân" của Công đồng chung Vatican 2, chương bàn về sự hiện diện tuyệt diệu của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội. Thực vậy, trong bối cảnh kinh Kính Mừng, lần lượt diễn lại các giai đoạn chính trong cuộc đời của Chúa Kitô. Ðược gồm tóm trong các mầu nhiệm vui, thương và mừng, - chúng ta có thể nói - các giai đoạn ấy đặt chúng ta trong niềm hiệp thông sinh động với Chúa Giêsu qua Trái Tim của Mẹ Ngài. Ðồng thời chúng ta có thể gồm tóm trong những chục kinh Mân Côi ấy tất cả những sự kiện họp thành đời sống của cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo Hội và nhân loại. Những biến cố của bản thân và tha nhân, và đặc biệt là của những người thân cận, mà chúng ta quan tâm hơn. Như thế, lời kinh Mân Côi đơn sơ cũng đập theo nhịp của đời sống nhân loại".

  3. "Vì thế, tiếp theo suy tư được đề nghị trong Tông Thư "Bắt Ðầu Ngàn Năm mới", trong đó, sau kinh nghiệm Năm Thánh, tôi đã mời gọi Dân Chúa "Tái khởi hành từ Chúa Kitô", tôi thấy cần phải khai triển một suy tư về kinh Mân Côi, như một tổng kết Tông Thư Thánh Mẫu này, để nhắn nhủ chiêm ngắm tôn nhan Chúa Kitô cùng với Mẹ Chí Thánh của Ngài và học hỏi với Ngài. Thực vậy, đọc kinh Mân Côi chính là cùng với Mẹ Maria chiêm ngắm tôn nhan Chúa Kitô. Ðể làm nổi bật hơn lời mời gọi đó, nhân dịp sắp kỷ niệm 120 năm Thông Ðiệp "Do nhiệm vụ tông đồ tối cao" (Supremi apostolatus officio) của Ðức Lêô 13, tôi muốn rằng kinh nguyện này, trong năm nay, được đặc biệt đề nghị và làm nổi bật giá trị trong các cộng đồng Kitô. Vì thế, tôi tuyên bố Năm Mân Côi bắt đầu từ tháng 10 năm nay cho tới tháng 10 năm 2003.

  4. "Tôi ủy thác hướng đi mục vụ này cho sáng kiến của các cộng đồng Giáo Hội. Làm như thế, tôi không muốn gia tăng thêm gánh nặng, nhưng đúng hơn, để liên kết và củng cố các dự án mục vụ của các Giáo Hội địa phương. Tôi chắc chắn rằng sáng kiến này sẽ được quảng đại và mau mắn đón nhận. Nếu được tái khám phá trọn vẹn ý nghĩa, thì kinh Mân Côi dẫn đưa tới trọng tâm của chính đời sống Kitô, và mang lại một cơ hội thiêng liêng và giáo huấn thông thường rất phong phú cho sự chiêm niệm cá nhân, việc huấn luyện Dân Chúa và công cuộc truyền giáo mới.
    Ðề cập tới kinh Mân Côi như một "Con đường chiêm niệm" và tầm quan trọng của kinh này trong hoàn cảnh ngày nay, ÐTC khẳng định rằng:

  5. "Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất để quyết liệt tái khám phá việc thực hành kinh Mân Côi chính là sự kiện kinh này là một phương thế rất hữu hiệu để cổ võ nơi các tín hữu sự dấn thân chiêm niệm mầu nhiệm Kitô mà tôi đã đề nghị trong Tông Thư "Bắt Ðầu Ngàn Năm mới": "Cần phải có một Kitô giáo nổi bật trước tiên trong nghệ thuật cầu nguyện" NMI, n.32). Vậy mà trong nền văn hóa hiện đại, cho dù giữa bao nhiêu điều mâu thuẫn, người ta vẫn thấy có nhu cầu mới về tu đức, cũng do ảnh hưởng của các tôn giáo khác kích thích, điều cấp thiết hơn bao giờ hết, đó là các cộng đồng Kitô của chúng ta phải trở thành "Những trường cầu nguyện đích thực" (NMI n.33)
    "Kinh Mân Côi nằm trong truyền thống tốt đẹp và tinh tuyền nhất về sự chiêm niệm của Kitô giáo. Kinh này được phát triển ở Tây Phương, là một kinh nghiệm có tính chất suy niệm và theo một nghĩa nào đó, nó tương ứng với "kinh nguyện của tâm hồn" hoặc với "kinh nguyện của Chúa Giêsu" vốn nảy mầm trong môi trường Kitô giáo Ðông phương."

  6. "Một vài hoàn cảnh lịch sử đã góp phần vào sự thời sự hóa kinh Mân Côi một cách tốt đẹp hơn. Hoàn cảnh đầu tiên trong số đó là sự cấp thiết phải cầu xin Chúa ban ơn hòa bình. Nhiều lần kinh Mân Côi đã được các vị tiền nhiệm của tôi và chính tôi đề nghị như kinh nguyện để cầu xin hòa bình. Vào đầu một Ngàn Năm được mở màn với những cảnh tượng khủng khiếp của cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, và mỗi ngày tại nhiều nơi trên thế giới, người ta ghi nhận mỗi ngày những tình trạng máu lửa và bạo lực mới, tái khám phá kinh Mân Côi có nghĩa là dấn mình chìm đắm trong sự chiêm niệm mầu nhiệm của Ðấng là "an bình của chúng ta", sau khi "đã biến hai dân tộc thành một, phá tan tành bức tường chia cách, là sự thù nghịch" (Eph 2,14). Vì thế, chúng ta không thể đọc kinh Mân Côi mà lại không cảm thấy phải dấn thân phụng sự hòa bình, và đặc biệt chú ý tới phần đất của Chúa Giêsu, rất quí giá đối với tâm hồn Kitô hữu, nhưng vẫn còn bị thử thách đau thương".



BỔ TÚC 15 MẦU NHIỆM MÂN CÔI BẰNG 5 MẦU NHIỆM ÁNH SÁNG

19. "Trong số rất nhiều mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Kitô, kinh Mân Côi chỉ nhắc đến một vài mầu nhiệm, theo thói quen rất thịnh hành và đã được Giáo quyền chuẩn nhận. Sở dĩ có sự chọn lựa như thế là do chuỗi nguyên thủy của kinh này được bố cục theo con số 150 tương ứng với các Thánh Vịnh.

"Nhưng tôi thấy rằng, để tăng cường chiều kích Kitô học của kinh Mân Côi, - tuy mỗi cá nhân và cộng đoàn vẫn được tự do thẩm định giá trị về sự bổ túc này, - chúng ta nên bổ túc kinh Mân Côi bằng các mầu nhiệm trong đời sống công khai của Chúa Kitô, từ khi chịu phép rửa cho đến cuộc thương khó. Thực vậy, chính trong khuôn khổ các mầu nhiệm ấy, chúng ta chiêm ngưỡng các khía cạnh quan trọng nhất của con người Chúa Kitô, trong tư cách Ngài là Ðấng Mạc Khải chung kết về Thiên Chúa. Ngài là Ðấng đã được tuyên bố là Con yêu dấu của Chúa Cha trong lúc chịu phép rửa ở sông Giordan, và loan báo nước Chúa đến, làm chứng cho Nước ấy bằng hành động, cũng như loan báo những đòi hỏi của Nước Chúa. Chính trong những năm của đời sống công khai mà mầu nhiệm Chúa Kitô tỏ ra là mầu nhiệm ánh sáng một cách đặc biệt: "Bao lâu Thầy ở trong thế giới, Thầy là ánh sáng thế gian" (Gioan 9,5).

"Vì thế, để kinh Mân Côi có thể được coi là "một toát yếu Tin Mừng" một cách đầy đủ hơn, sau khi đã nhắc nhớ sự nhập thể và đời sống ẩn dật của các Kitô, tức là các mầu nhiệm vui, và trước khi dừng lại suy niệm về những đau khổ trong cuộc thương khó, tức là các mầu nhiệm thương, và về sự phục sinh hiển thắng, tức là các mầu nhiệm mừng, chúng ta cũng nên suy niệm về một số giai đoạn đặc biệt ý nghĩa trong đời sống công khai, tức là các mầu nhiệm ánh sáng. Sự bổ túc bằng các mầu nhiệm mới này, không hề làm thương tổn khía cạnh truyền thống trong việc bố trí kinh nguyện này, và chỉ nhắm làm cho kinh Mân Côi được thực hành với một sự quan tâm mới mẻ, trong linh đạo Kitô giáo, trong tư cách kinh này là một sự dẫn nhập thực sự vào chiều sâu của Trái Tim Chúa Giêsu, là chiều sâu của vui mừng và ánh sáng, đau thương và vinh quang (...).

21. "Ði từ thời thơ ấu và cuộc sống ở Nazareth tới đời sống công khai của Chúa Giêsu, sự chiêm ngắm đưa chúng ta về những mầu nhiệm có thể được gọi bằng một tước hiệu đặc biệt là "các mầu nhiệm ánh sáng". Thực ra, toàn thể mầu nhiệm Chúa Kitô là ánh sáng. Ngài là "ánh sáng thế gian" (Gioan 8,12). Nhưng chiều kích này đặt biệt nổi bật trong những năm của đời sống công khai, khi Ngài rao giảng Tin Mừng Nước Chúa. Vì muốn chỉ cho cộng đồng Kitô 5 giai đoạn đầy ý nghĩa, tức là các mầu nhiệm ánh sáng - trong thời kỳ này của đời sống Chúa Kitô, tôi thấy rằng các mầu nhiệm này có thể được kể ra một cách thích hợp như sau:

1. Chúa chịu phép rửa ở sông Giordan,

2. Chúa tự mạc khải trong tiệc cưới Cana,

3. Ngài loan báo Nước Thiên Chúa với lời mời gọi hoán cải,

4. Chúa Hiển Dung, và sau cùng,

5. Chúa lập phép Thánh Thể, biểu tượng mầu nhiệm Phục Sinh.

"Mỗi mầu nhiệm nói trên là sự mạc khải Nước Chúa nay đã đến trong chính bản thân của Chúa Giêsu. Mầu nhiệm ánh sáng trước tiên là phép rửa tại sông Giordan. Tại đây, trong lúc Chúa Kitô bước xuống dòng sông, trong tư cách là người vô tội, trở thành kẻ "có tội" vì chúng ta (cf 2 Cor 5,21), thì trời mở ra và có tiếng Chúa Cha tuyên bố Người là Con yêu dấu (Mt 3,17 et par), trong khi Chúa Thánh Linh xuống trên Người để trao cho Người sứ mạng đang chờ đợi. Mầu nhiệm ánh sáng tiếp đến là phép lạ đầu tiên tại Cana (cf Gioan 2,1-12), khi Chúa Kitô, biến nước thành rượu, mở tâm hồn các môn đệ đón nhận đức tin nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria là người đầu tiên trong số các tín hữu. Mầu nhiệm ánh sáng thứ ba là việc rao giảng của Chúa Giêsu loan báo Nước Thiên Chúa đến và mời gọi hoán cải (cf Mc 1,15), tha thứ tội lỗi của những người đến gần Ngài với lòng tín thác khiêm tốn (cf Mc 2,3-13; Lc 7,47-48), bắt đầu mầu nhiệm từ bi mà Ngài sẽ tiếp tục thi hành cho đến tận thế, đặc biệt qua bí tích Hòa Giải được ủy thác cho Giáo Hội của Ngài (Gioan 20,22-23). Tiếp đến, mầu nhiệm ánh sáng tuyệt hảo thứ tư là sự hiển dung của Chúa, theo lưu truyền, đã xảy ra trên núi Tabor. Vinh quang của Thiên Tính chiếu sáng rạng ngời trên khuôn mặt của Chúa Kitô, trong khi Chúa Cha xác nhận uy tín của Người trước mặt các Tông Ðồ đang ngây ngất, để họ nghe lời Người (cf Lc 9,35 et par) và sẵn sàng sống với Người giờ phút đau thương của cuộc khổ nạn, hầu cùng với Người đạt tới niềm vui Phục Sinh, và một cuộc sống được biến đổi nhờ Thánh Linh. Sau cùng, mầu nhiệm ánh sáng thứ năm là việc thiết lập bí tích Thánh Thể, trong đó Chúa Kitô trở thành lương thực, bằng Mình và Máu của Người, dưới hình bánh và rượu, làm chứng "cho đến cùng" tình yêu thương của Người đối với nhân loại (Gioan 13,1), mà Người đã tự hy sinh để cứu độ.

"Trong các mầu nhiệm đó, ngoài mầu nhiệm tại Cana, sự hiện diện của Mẹ Maria chỉ ở đằng sau. Các sách Tin Mừng chỉ nói đến sự hiện diện của Mẹ một vài lần trong lúc này hay lúc khác khi Chúa Giêsu giảng đạo (cf Mc 3,31-35; Gioan 2,12), và không nói gì về việc Mẹ có hiện diện tại nhà Tiệc Ly trong lúc Chúa lập phép Thánh Thể hay không. Nhưng chức năng mà Mẹ thi hành ở Cana, một cách nào đó, cũng tháp tùng toàn thể con đường của Chúa Kitô. Mặc khải mà Chúa Cha trực tiếp thực hiện trong phép rửa ở sông Giordan, và được thánh Gioan Tẩy Giả nhắc lại, thể hiện ở Cana trên môi miệng của Mẹ, và trở thành lời nhắn nhủ hiền mẫu của Mẹ đối với Giáo Hội trong mọi thời đại: "Các con hãy làm điều Người dạy các con" (Gioan 2,5). Ðó là một lời nhắn nhủ dẫn vào lời nói và các phép lạ của Chúa Kitô trong cuộc đời công khai, tạo thành một khung nền Thánh Mẫu cho tất cả các "mầu nhiệm ánh sáng".

Trong chương III với tựa đề: "Ðối với tôi, sống là Chúa Kitô, ÐTC đề cao kinh Mân Côi như con đường giúp tín hữu hấp thụ mầu nhiệm của Chúa, ngài giải tỏa những vấn nạn về sự lập đi lập lại các kinh Kính Mừng trong kinh Mân Côi:

26. "Việc suy niệm các mầu nhiệm Chúa Kitô được đề ra trong kinh Mân Côi với một phương pháp đặc biệt, tự bản chất là thích hợp để giúp hấp thụ các mầu nhiệm ấy. Ðó là phương pháp dựa trên sự lập đi lập lại. Ðiều này được áp dụng trước tiên với kinh Kính Mừng, được lập lại 10 lần trong mỗi mầu nhiệm. Nếu chỉ nhìn sự lập lại này một cách hời hợt, thì người ta có thể bị cám dỗ mà cho rằng kinh Mân Côi là một đường lối thực hành khô khan và nhàm chán. Trái lại, người ta có thể đi tới một nhận xét khác hẳn về kinh Mân Côi, nếu coi đó là một sự biểu lộ tình yêu không biết mệt mỏi khi nói với người mình yêu thương bằng những lời mà, tuy giống nhau trong sự biểu lộ, nhưng luôn luôn mới mẻ nhờ tâm tình ở trong những điều diễn tả ấy.

"Trong Chúa Kitô, Thiên Chúa thực sự nhận lấy "một quả tim bằng thịt". Ngài không những có một trái tim thần linh, đầy lòng từ bi và tha thứ, nhưng còn có một trái tim nhân trần, có khả năng rung động vì tình yêu thương. Về điểm này, nếu chúng ta cần một chứng tá của Tin Mừng, thì cũng dễ tìm thấy trong cuộc đối thoại cảm động giữa Chúa Kitô và thánh Phêrô sau khi Chúa sống lại: "Hỡi Simon con Gioan, con có mến Thầy không?". 3 lần Chúa đặt câu hỏi, và cả 3 lần Ngài được trả lời: "Lạy Chúa, Chúa biết con rất mến thầy" (cf Gioan 21,15-17). Ngoài ý nghĩa chuyên biệt của đoạn rất quan trọng đối với sứ vụ của thánh Phêrô như thế, không ai không thấy vẻ đẹp của 3 lần lập lại, trong đó câu hỏi nài nỉ và câu trả lời diễn tả qua những lời rất quen thuộc đối với kinh nghiệm đại đồng về tình yêu của con người. Ðể hiểu kinh Mân Côi, cần đi vào trong năng động tâm lý đặc biệt của tình yêu.

"Một điều rõ ràng là: nếu sự lập lại kinh Kính Mừng được hướng trực tiếp về Mẹ Maria, nhưng xét cho cùng, cùng với Mẹ và qua Mẹ, tác động của tình yêu hướng về Chúa Giêsu. Sự lập lại nuôi dưỡng ước muốn ngày càng được phù hợp hơn với Chúa Kitô, là "chương trình" đích thực của đời sống Kitô. Thánh Phaolô đã nói lên chương trình này với những lời nẩy lửa: "Ðối với tôi, sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi" (Fil 1,21). Và ngài nói thêm: "Không phải tôi sống, nhưng chính Chúa Kitô sống trong tôi" (Gal 2,20). Kinh Mân Côi giúp chúng ta tăng trưởng trong sự đồng hình dạng với Chúa cho đến đích điểm là sự thánh thiện."

Một phương pháp giá trị ....

27. "Chúng ta không nên ngạc nhiên về sự việc quan hệ với Chúa Kitô có thể được hỗ trợ bằng một phương pháp. Thiên Chúa đả thông với con người nhưng vẫn luôn tôn trọng cách thức hiện hữu của bản tính loài người chúng ta với những nhịp độ sinh tử của nó. Vì thế, linh đạo Kitô, tuy nhìn nhận những hình thức cao cả nhất của sự thinh lặng thần bí, trong đó tất cả các hình ảnh, lời nói và cử chỉ bị vượt qua do cường độ một sự kết hiệp khôn tả của con người với Thiên Chúa, thường được đánh dấu bằng sự can dự hoàn toàn của con người, trong sự phức tạp của thực tại tâm vật lý và liên hệ.

"Ðiều này thật rõ ràng trong Phụng Vụ. Các bí tích và phụ bí tích được xếp đặt bằng một loại các nghi thức, kêu gọi những chiều kích khác nhau của con người. Cả kinh nguyện không phụng vụ cũng diễn tả cùng một yêu sách đó. Ðiều này cũng được kinh nguyện tiêu biểu nhất ở Ðông phương về sự suy niệm qui hướng về Chúa Kitô xác nhận. Kinh nguyện này tập trung vào những lời này: "Lạy Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, và là Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội". Lời kinh này theo truyền thống gắn liền với nhịp thở, một đàng lời kinh giúp kiên trì trong việc cầu khẩn, và đàng khác hầu như đảm bảo một cường độ thể lý cho mong ước sao cho Chúa Kitô trở thành hơi thở, linh hồn, và "là tất cả" của đời sống."

KINH MÂN CÔI THĂNG TIẾN HÒA BÌNH VÀ CỦNG CỐ GIA ÐÌNH

Trong phần kết luận của Tông Thư, ÐTC nhiệt liệt khuyến khích tất cả các tín hữu trong Giáo Hội siêng năng đọc và suy niệm kinh Mân Côi để cầu cho hòa bình thế giới và nâng đỡ các gia đình chống lại nhiều nguy cơ ngày nay:

39. "Những điều được trình bày trên đây cho thấy rõ sự phong phú của kinh nguyện truyền thống này, với đặc tính đơn sơ của một kinh nguyện bình dân, nhưng cũng có chiều sâu thần học của một kinh nguyện được thích ứng với những ai cảm thấy cần có một sự chiêm niệm sâu xa hơn.

"Giáo Hội luôn luôn nhìn nhận kinh nguyện này có một hiệu năng đặc biệt, và đã phó thác cho kinh này những chính nghĩa khó khăn, qua việc đọc kinh Mân Côi chung, và kiên trì đọc kinh này. Trong những lúc Kitô giáo bị đe dọa, chính nhờ sức mạnh của kinh Mân Côi mà Giáo Hội thoát được nguy hiểm và Ðức Mẹ Mân Côi được chào mừng là Ðấng tạo điều kiện thuận lợi cho ơn cứu độ.

"Ngày nay, tôi cũng vui lòng phó thác chính nghĩa hòa bình trên thế giới và trong gia đình cho kinh Mân Côi, như tôi đã nói ở đầu Văn kiện này.

Hòa bình

40. "Những khó khăn ở chân trời thế giới vào đầu Ngàn Năm Mới này khiến cho chúng ta nghĩ rằng chỉ có sự can thiệp từ Trên Cao, có khả năng hướng dẫn tâm hồn của những người sống trong tình trạng xung đột và những người nắm giữ vận mệnh các Dân Nước, mới có thể làm cho nhân loại hy vọng một tương lai bớt đen tối hơn.

"Kinh Mân Côi là kinh nguyện tự bản chất hướng về hòa bình, lý do vì kinh này hệ tại sự chiêm ngắm Chúa Kitô là Vua Hòa Bình và là "an bình của chúng ta" (Ef 2,14). Ai hấp thụ mầu nhiệm Chúa Kitô - và chính kinh Mân Côi cũng nhắm tới điều này - , thì sẽ học được bí quyết hòa bình và biến hòa bình thành một dự phóng của đời mình. Ngoài ra, do đặc tính suy niệm của kinh Mân Côi, với những kinh Kính Mừng đều đều nối tiếp nhau, kinh này tạo cho người cầu nguyện một tâm trạng an bình khiến họ sẵn sàng đón nhận và cảm nghiệm trong thẳm sâu con người của mình và phổ biến chung quanh mình niềm an bình ấy, vốn là một hồng ân đặc biệt của Ðấng Phục Sinh (cf Gioan 14,27;20,21).

"Tiếp đến, sở dĩ kinh Mân Côi là kinh nguyện hòa bình cũng là nhờ những hoa trái bác ái do kinh này tạo nên. Nếu được đọc một cách đúng đắn như một kinh nguyện suy niệm đích thực, thì kinh Mân Côi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp gỡ Chúa Kitô trong các mầu nhiệm của Ngài, và chắc chắn cho thấy rõ tôn nhan Chúa Kitô nơi các anh chị em mình, đặc biệt là những người đau khổ nhất. Trong các mầu nhiệm mùa vui, làm sao chúng ta có thể chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Hài Ðồng giáng sinh ở Bêlem mà không cảm thấy ước muốn đón nhận, bảo vệ và thăng tiến sự sống, đảm trách về sự đau khổ của các trẻ em ở tất cả các nơi trên thế giới? Trong các mầu nhiệm ánh sáng, làm sao chúng ta có thể theo bước Chúa Kitô mạc khải, mà không quyết tâm làm chứng về các mối phúc thật của Ngài trong đời sống thường nhật? Và làm sao chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô vác thánh giá và bị đóng đanh, mà lại không cảm thấy cần phải trở thành những "người xứ Cirênê" đối với mỗi người anh em đang vất vả cơ cực vì đau khổ hoặc bị thất vọng đè bẹp? Sau cùng, khi ngắm nhìn vinh quang Chúa Kitô Phục Sinh và Mẹ Maria được đội triều thiên Nữ Vương, làm sao chúng ta không cảm thấy ước muốn làm cho thế giới này được tươi đẹp hơn, công bằng hơn, gần gũi hơn với ý định của Thiên Chúa?

"Tóm lại, trong khi chúng ta chăm chú nhìn Chúa Kitô, kinh Mân Côi cũng làm cho chúng ta trở thành những người xây dựng hòa bình trên thế giới. Do đặc tính lập lại liên tục và chung với nhau, phù hợp với lời Chúa Kitô mời gọi hãy cầu nguyện "liên lỷ, không mệt mỏi" (Lc 18,1), kinh Mân Côi làm cho chúng ta hy vọng rằng, ngày nay một "trận chiến" rất khó khăn như trận chiến cho hòa bình, cũng có thể đạt tới chiến thắng. Kinh Mân Côi không phải là một sự trốn chạy các vấn đề của thế giới, trái lại, kinh này thúc đẩy chúng ta nhìn các vấn đề đó với đôi mắt quảng đại và có tinh thần trách nhiệm, làm cho chúng ta được sức mạnh để trở lại các vấn đề ấy với niềm xác tín về ơn phù trợ của Thiên Chúa, và với quyết tâm làm chứng trong mọi hoàn cảnh về "đức bác ái, vốn là mối dây trọn lành" (Col 3,14).

Gia đình: các bậc cha mẹ...

41. "Kinh Mân Côi là kinh nguyện cho hòa bình, và vẫn luôn là kinh nguyện của gia đình và cho gia đình. Hồi trước, kinh nguyện này rất được các gia đình Kitô quí chuộng và chắc chắn đã tạo điều kiện cho sự hiệp thông của các gia đình. Chúng ta không được đánh mất gia sản quí báu đó. Cần phải trở lại tập quán cầu nguyện trong gia đình và cầu cho các gia đình, bằng cách dùng hình thức kinh nguyện này.

"Trong Tông Thư "Bắt đầu Ngàn Năm Mới", tôi đã khuyến khích cử hành Phụng vụ các Giờ Kinh, cả các giáo dân trong đời sống bình thường của cộng đồng giáo xứ và các nhóm tín hữu Kitô, nay tôi cũng muốn kinh Mân Côi cũng được cử hành như vậy. Ðây là hai con đường không thay thế nhau, nhưng bổ túc cho nhau, trong sự chiêm niệm của Kitô giáo. Vì thế, tôi yêu cầu những ai đặc tránh mục vụ các gia đình, với tất cả niềm xác tín, hãy đề nghị việc đọc kinh này.

Gia đình cầu nguyện, gia đình hiệp nhất. Kinh Mân Côi, do truyền thống cổ kính, đặc biệt là kinh nguyện trong đó gia đình gặp lại nhau. Mỗi thành phần trong gia đình, khi hướng nhìn lên Chúa Giêsu, cũng phục hồi được khả năng nhìn nhau lại trong đôi mắt, để đả thông, liên đới, tha thứ cho nhau, để tái khởi hành với một giao ước tình yêu được Thánh Linh của Chúa đổi mới.

"Nhiều vấn đề của gia đình ngày nay, nhất là tại các xã hội có nền kinh tế cao, tùy thuộc sự kiện càng ngày người ta càng khó đả thông với nhau. Người ta không ở chung với nhau được, và những lúc hiếm hoi được ở với nhau, thì lại bị thu hút vì những hình ảnh của máy truyền hình. Tái lập thói quen đọc kinh Mân Côi trong gia đình có nghĩa là đưa vào đời sống thường nhật những hình ảnh rất khác, những hình ảnh của mầu nhiệm cứu độ: hình ảnh của Chúa Cứu Thế, và Mẹ Chí Thánh của Ngài. Gia đình đọc kinh Mân Côi chung với nhau tái tạo phần nào bầu không khí của gia đình Nazareth: Chúa Giêsu được đặt ở giữa, mọi người chia sẻ vui mừng và đau khổ, phó thác cho Chúa những nhu cầu và dự phóng, kín múc từ Ngài niềm hy vọng và sức mạnh để tiến bước.

... và các con cái

42. "Thật là một điều tươi đẹp và nhiều thành quả tốt khi phó thác cho kinh Mân Côi cuộc hành trình tăng trưởng của con cái. Phải chăng kinh Mân Côi chẳng phải là cuộc hành trình trong cuộc sống của Chúa Kitô sao, từ lúc được thụ thai, cho đến lúc chết, tới khi sống lại và vinh quang? Ngày nay, các bậc cha mẹ ngày càng gặp khó khăn trong việc theo dõi con cái trên những bước đường trong cuộc sống. Trong xã hội kỹ thuật tân tiến, của các phương tiện truyền thông và hoàn vũ hóa, tất cả đều trở nên mau lẹ và khoảng cách văn hóa giữa các thế hệ ngày càng lớn rộng hơn. Những sứ điệp rất khác nhau và những kinh nghiệm không lường trước được ngày càng chiếm chỗ trong cuộc sống của các thanh thiếu niên, và đối với các bậc cha mẹ nhiều khi thật cảm thấy lo âu khi phải đương đầu với các rủi ro mà con cái gặp phải. Nhiều khi cha mẹ cảm thấy những thất vọng chua cay khi nhận thấy sự thất bại của con cái trước sự quyến rũ của ma túy, và những quyến rũ của một chủ nghĩa duy khoái lạc vô độ, những cám dỗ của bạo lực, và những hình thức rất khác nhau của tình trạng vô nghĩa và tuyệt vọng.

"Cầu nguyện bằng kinh Mân Côi cho con cái, giáo dục chúng ngay từ thủa thơ ấu về những lúc cầu nguyện hằng ngày trong gia đình, chắc chắn không phải là một giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng là một sự trợ lực tinh thần không nên coi nhẹ. Người ta có thể nêu vấn nạn cho rằng kinh Mân Côi có vẻ là kinh nguyện không thích hợp với sở thích của các thiếu niên và người trẻ ngày nay. Nhưng có lẽ vấn đề này để ý tới một cách thức đọc kinh Mân Côi thường không chính xác. Vả lại, tuy vẫn giữ nguyện cơ cấu cơ bản, không có gì cấm cản các thiếu niên và người trẻ khi đọc kinh Mân Côi - hoặc trong gia đình hoặc trong các nhóm - được dùng những biểu tượng thích hợp giúp họ hiểu rõ và đánh giá cao hơn. Tại sao chúng ta không thử xem? Một phương pháp mục vụ giới trẻ không chủ trương từ bỏ, có tính chất say mê và có tinh thần sáng tạo - Các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ đã cho tôi nhận thấy như thế! - có khả năng thực hiện những việc đầy ý nghĩa với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Nếu kinh Mân Côi được trình bày tốt đẹp, thì tôi chắc chắn rằng chính giới trẻ sẽ có khả năng gây ngạc nhiên một lần nữa cho người lớn về vấn đề này, trong việc biến kinh này thành kinh nguyện của mình và đọc kinh với lòng hăng say đặc biệt của tuổi trẻ.

Kinh Mân Côi, một kho tàng cần khám phá

43. "Anh chị em rất thân mến! Một kinh nguyện dễ dàng, và đồng thời là kinh nguyện phong phú như thế thật đáng được cộng đồng Kitô tái khám phá. Nhất là chúng ta hãy thực hiện điều đó trong năm nay, chấp nhận đề nghị đó như một sự củng cố đường hướng đã được đề ra trong Tông Thư Bắt Ðầu Ngàn Nam Mới, mà bao nhiêu Giáo Hội địa phương đã gợi hứng từ văn kiện này để hoạch định chương trình hoạt động trong tương lai gần của mình.

"Hỡi các anh em quí mến trong hàng GM, LM và phó tế, cũng như các nhân viên mục vụ trong các sứ vụ khác nhau, tôi đặc biệt ngỏ lời với anh em, để anh em trở thành những người mau mắn cổ võ kinh Mân Côi, sau khi đích thân cảm nghiệm vẻ đẹp của kinh này.

"Hỡi các nhà thần học, tôi cũng tín thác nơi anh chị em, để trong khi thực hiện một sự suy tư vừa nghiêm túc vừa khôn ngoan, bắt nguồn từ Lời Chúa, và nhạy cảm đối với cuộc sống của dân Kitô giáo, anh chị em giúp khám phá những nền tảng kinh thánh, những điều phong phú thiêng liêng và hiệu năng mục vụ của kinh nguyện truyền thống này.

"Hỡi các tu sĩ nam nữ, tôi cậy trông nơi anh chị em là những người được mời gọi với danh nghĩa đặc biệt trong việc nghiêm ngắm tôn nhan của Chúa Kitô nơi trường của Mẹ Maria.

"Tôi nhìn tới tất cả anh chị em thuộc mọi giai tầng xã hội, các gia đình Kitô, và anh chị em bệnh nhân, người già yếu, cũng như những người trẻ: anh chị em hãy cầm lại xâu chuỗi Mân Côi với lòng tín thác, tái khám phá kinh này dưới ánh sáng Kinh Thánh, hòa hợp với Phụng Vụ, trong bối cảnh đời sống thường nhật.

"Ước gì lời kêu gọi này của tôi không rơi vào khoảng không mà không được lắng nghe! Vào đầu năm thứ 25 của triều đại Giáo Hoàng của tôi, tôi phó thác Tông Thư này trong đôi bàn tay khôn ngoan của Ðức Trinh Nữ Maria, tôi sấp mình trong tinh thần trước ảnh Ðức Mẹ tại Ðền Thánh huy hoàn đã được Chân phước Bartolo Longo, tông đồ của kinh Mân Côi, xây cất dâng kính Mẹ. Tôi vui lòng lập lại những lời cảm động mà chân phước kết thúc Kinh cầu Ðức Nữ Vương Mân Côi: "Ôi chuỗi Mân Côi được chúc phúc của Mẹ Maria, là sợi dây xích dịu dàng nối kết chúng con với Thiên Chúa, là giây tình thương liên kết chúng con với các Thiên Chúa, là Tháp canh cứu độ trong các cuộc tấn công của hỏa ngục, là bến tàu an ninh trong trận đắm tàu của mọi người, chúng con không bao giờ rời bỏ Mẹ nữa. Mẹ sẽ là niềm an ủi của chúng con trong giờ hấp hối. Nụ hôn cuối cùng của sinh mạng đang tàn lụi xin dâng lên Mẹ. Tiếng nói cuối cùng trên môi chúng con sẽ là thánh danh dịu dàng của Mẹ, lạy Nữ Vương Mân Côi ở Pompei, lạy Mẹ yêu quí của chúng con, nơi Ẩn náu của tội nhân, là Bà Chúa an ủi những người sầu muộn. Xin chúc tụng Mẹ khắp nơi, bây giờ và mãi mãi, dưới đất và trên trời".

Vatican ngày 16 tháng 10 năm 2002, khởi đầu năm thứ 25 của triều đại Giáo Hoàng.

Gioan Phaolô II, Giáo Hoàng

(Phúc Nhạc chuyển ý).