Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

Đông Âu, Thời Cách Mạng Nhung

Nguyễn Duy Chính, 1991

Lời Tòa Soạn: Tác giả Nguyễn Duy Chính nguyên là một Đốc Sự Hành Chánh, tốt nghiệp Khóa 15 của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh vào đầu thập niên 70. Sau khi ra trường ông giữ nhiệm vụ Trưởng Ty Xã Hội của tỉnh Quảng Tín cho tới năm 1975. Khi miền Nam thất thủ ông không may kẹt lại Việt Nam, và cũng như hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức chức của miền Nam ông bị dồn vào trong các trại tù, được mệnh danh hoa mỹ là các "trại học tập cải tạo" một thời gian khá dài. Ngay khi được ra khỏi các trại tù này, ông vượt biên và đến được Mỹ vào khoảng đầu thập niên 80, ban đầu định cư tại tiểu bang Minnesota, kế đó tái định cư tại Calfornia vào năm 1983. Tại Mỹ ông học kỹ nghệ họa, để kiếm một công việc ổn định lại đời sống, và rồi sau đó lại tiếp tục học thêm cho việc học bị bỏ dở của ông. Ông tự học lấy chữ Hán, và gần đây ông đã dịch lại một số tác phẩm của Kim Dung. Bản dịch Cô Gái Đồ Long, hiện đăng tải hàng ngày trên Nhật Báo Viễn Đông là bản dịch mới nhất của tác phẩm này, sau khi chính tác giả Kim Dung đã san định lại. Bài viết dưới đây của ông được hoàn thành vào năm 1991, nghĩa là ngay sau khi Liên Bang Xô Viết quay lưng lại với ý thức hệ Cộng Sản, và tan ra thành những mảnh vụn trong những năm kế tiếp. Mặc dù 12 năm đã qua đi, nhưng qua bài viết này, người đọc thấy đây là một bài viết có giá trị, của một trí thức lúc nào cũng trăn trở về sinh mệnh của dân tộc mình.


LỜI NÓI ĐẦU:

Có lẽ xét về sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản, chúng ta không chỉ đơn thuần nhìn vào những mặt tiêu cực của nó, có những mặt tích cực trong đó sự đấu tranh của các dân tộc bị Cộng Sản trị là yếu tố đầu tiên.

Có nhiều người vẫn cho rằng sự sụp đổ của các chế độ Cộng Sản là do Washington chỉ đạo, cũng có người lại nghĩ rằng do Kremlin giật dây. Cũng có người thì nhìn vấn đề Đông Âu là một thành quả của Giáo Hội La Mã, sự thắng thế của chủ thuyết hữu thần với chủ thuyết vô thần.

Thực tế, có nhiều nguyên nhân và nhiều ảnh hưởng khác nhau nhưng chung qui cũng đều là những nỗ lực để vươn lên, của con người đòi quyền sống cho chính mình. Bất cứ dân tộc nào sống trong chế độ Cộng Sản cũng đều có những mẫu số chung, tuy mỗi nơi có đôi chút khác nhau về hình thức thì lại gặp nhau ở những căn bản trên nội dung. Một điều chắc chắn, dân tộc nào cũng đấu tranh âm thầm nhưng bền bỉ, vì cuộc chiến đấu chống Cộng là cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối, giữa trái và phải, giữa con người và ác quỉ, giữa hiện tại và tương lai. Nó hiện hữu trong tim mỗi người ngay từ khi chế độ Cộng Sản ra đời. Tuy nhiên, mỗi trường hợp khác nhau, nó có thể âm thầm trong một thời kỳ thật lâu rồi bùng lên như sóng vỡ bờ, hoặc có thể liên tục mỗi lần một chút để giành lại tự do.

Chính chế độ là cha đẻ của đấu tranh, vì tự nó là một nguồn cảm hứng, một thực tế thúc đẩy con người phải vùng lên. Trong những năm đầu, sự khủng khiếp mà chế độ gieo rắc khiến con người phải chùn bước, lắm khi phải tháo chạy. Những cuộc di cư vĩ đại bỏ trốn chế độ ở Đức, ở Hungary, ở Balan... và ở Việt Nam khiến cho người Cộng Sản tin rằng lối thoát của người không ưa chế độ là đào vong. Nhưng chính khi chế độ đã ổn định, đã bền vững - tưởng như bền vững - thì những manh nha bắt đầu tụ lại, những phản kháng bắt đầu làm tâm hồn con người thao thức.

Một điểm đáng cho chúng ta suy nghĩ là chưa bao giờ chế độ Cộng Sản được giải phóng bằng những lực lượng từ bên ngoài như kiểu người ta giải phóng các dân tộc bị phe Trục chiếm đóng. Ngay cả những quốc gia bị chia đôi như Đại Hàn, Trung Hoa, Đức, Việt Nam... nỗ lực giải cứu cũng không đem lại kết quả có khi còn mang một phản tác dụng như trường hợp chúng ta.
Cộng Sản quả có sức mạnh thần thánh vô địch chăng? Hay họ thực sự là đỉnh cao trí tuệ? Thế sao những quốc gia nhỏ bé ở Đông Âu cũng thoát được mà chúng ta thì chưa?

Một trong những điểm mà chúng ta phải suy nghĩ là vai trò của Tổng Thống Nga Gorbachev. Ông ta là một vĩ nhân trong cuộc chiến chống Cộng nếu chúng ta nhìn vào "những gì ông ta không làm" hơn là nhìn vào "những gì ông ta đã làm."

Thực tế có nhiều điểm mà sự ngồi yên lại là một yếu tố tích cực hơn sự hành động. Nói như thế không có nghĩa là thái độ thụ động là một thái độ tốt, nhưng chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng cuộc chiến đấu chống Cộng là một cuộc chiến đa diện và luôn luôn mới mẻ. Nó cần được nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau, cần sự cảm thông hơn là căm thù, cần sự uyển chuyển hơn là cứng nhắc.

Không có gì đáng ghét bằng những kẻ mà chúng ta thấy họ ngả theo Cộng Sản vào những giờ thứ hai mươi lăm. Cộng Sản sẽ không thể nào kiểm soát nổi miền Nam năm 1975 nếu không có sự tiếp tay tích cực của những thành phần đó. Chúng ta đặt cho họ cái tên cách mạng 30 hay sư đoàn 304. Thế nhưng các chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu và các quốc gia khác lại có sự đóng góp rất nhiều từ những kẻ "chống Cộng vào giờ thứ hai mươi lăm" thôi. Chính họ là thành phần đa số tiếp quản cái chính quyền Cộng Sản để chuyển giao lại cho những chính quyền không Cộng Sản. Họ là nhịp cầu bắc ngang trong một giai đoạn chuyển tiếp. Họ phải được nhìn như thế nào trong thực tế của chúng ta. Động lực của họ lắm khi rất tầm thường, rất đê tiện tham sống sợ chết, muốn giữ những đặc quyền đặc lợi khi có đổi thay, muốn tâng công... và nhiều cái khác nữa. Ở đây, cái họ làm lại là cái chúng ta cần, không cần biết sau lưng nó là cái gì. Chúng ta cần cả cái người Cộng Sản không làm như vai trò của Gorbachev và cả cái họ nên làm như vai trò của Gustav Husak bên Tiệp Khắc.

Trong giai đoạn mà người Việt chúng ta cần vận dụng mọi năng lực, mọi phương tiện để hoàn thành công cuộc giải phóng đất nước, chúng tôi hi vọng loạt bài này có thể đem lại một chút ánh sáng về những biến cố tại Đông Âu nơi khởi hành trong cuộc cách mạng chống lại chế độ chuyên chính. Chúng tôi sẽ đi từ giai cấp trưởng giả mới, sang giai cấp thợ thuyền, thành phần trí thức, thành phần sinh viên, và những nhóm chống đối... và cả những thành phần lãnh đạo để tìm xem vì lý do gì Cộng Sản lại sụp đổ và họ sụp đổ như thế nào.


NOMENKLATURA - GIAI CẤP MỚI

Ivan Krempa sinh năm 1927 trong một gia đình nghèo vùng nông thôn Slovakia. Thời tiền chiến tranh, cha ông ta không được đi học quá bậc tiểu học. Cuộc đời Ivan cũng đến thế thôi và sẽ phải sống bằng mảnh đất cằn cỗi vùng trung du mà cha ông để lại. Thành ra, khi Cộng Sản nắm chính quyền, ông ta chạy theo ngay. Lý lịch như thế thì quá tốt. Bần cố nông bị địa chủ áp bức, giai cấp mà người Cộng Sản nâng đỡ tối đa. Đảng cho ông ta đi học, gửi sang tận Moscow, cấp cho một căn apartment và cuối tuần còn được về quê nghỉ mát. Con cái cũng đầy tương lai, mai này thể nào chẳng giữ một vai trò quan trọng. Đáp lại tấm ân tình của Đảng, Krempa nguyện sẽ hết sức trung thành để đem thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.

Năm 1968, khi chủ tịch Đảng Cộng Sản Tiệp Khắc Alexander Dubcek tuyên bố sẽ "đem lại cho chủ nghĩa xã hội một bộ mặt con người hơn" thì Krempa trong vai trò giáo sư về lý thuyết Marxisme ở Đại Học Cách Mạng 17 Tháng 11 cũng chẳng phản đối gì. Cuối năm ấy, xe tăng Liên Xô rầm rộ tiến vào Tiệp Khắc để "bình thường hóa" đất nước này. Dubcek bị cách chức lưu đày đi làm thợ đẵn gỗ tận Bratislava, các viên chức quan trọng trong Đảng tham gia vào vụ "Mùa Xuân Prague" bị đuổi về. Krempa được đưa ra trước Trung Ương Đảng trả lời một câu hỏi: Anh nghĩ thế nào về vụ can thiệp của Liên Xô vĩ đại? Bọn Mùa Xuân Prague có phải là bọn phản cách mạng không? Krempa gật đầu và hành vi trung thành ấy giúp ông ta thăng lên Giáo Sư Viện Marxism - Leninism ở Prague. Năm 1977, ông ta lên chức Phó Viện Trưởng và được vào Trung Ương Đảng.

Khắp Đông Âu và trên bất cứ một quốc gia Cộng Sản nào cũng có hàng triệu người như Krempa. Con cháu của nông dân, công nhân được Đảng đưa lên vì lý lịch, nguyện sẽ suốt đời tận tụy với chủ nghĩa Mác Lê. Sự trung thành ấy chẳng phải vì lý tưởng cơm no áo ấm, cũng chẳng phải vì tinh thần cách mạng mà vì những đặc quyền đặc lợi mà họ có được. Họ có mặt trên tất cả những vị trí béo bở nhất của quốc gia, bắt chặt cái ốc vào ghế. Đối phó với nhóm người này là một vấn đề cực kỳ khó khăn của các chính quyền sau thời Cộng Sản. "Làm thế nào để họ hiểu được rằng mời họ ra đi là một nhu cầu cải cách chứ không phải là hành vi trả thù." Và ai sẽ là người thay thế. Tất cả những người có ý thức đều đã bị loại ra từ 20 năm qua rồi, còn lại chỉ là những "yes-men" dễ bảo, dễ bảo khi họ còn ngồi và cứng đầu khi bị đưa xuống. Khi chính phủ Tiệp Khắc hậu Cộng Sản thành lập, họ thấy trong tay là một con số không to lớn.

Cho tới năm 1988, Krempa vẫn khăng khăng là bọn Mùa Xuân Prague là bọn phá hoại Xã Hội Chủ Nghĩa, bọn đầu cơ chính trị toan loại trừ độc quyền của Đảng và quân đội Liên Xô đã làm một việc vô cùng thích đáng - no other way to beat back the bourgeoisie. Thế nhưng năm 1989, sau hội nghị Malta, Gorbachev triệu tập các lãnh tụ Đông Âu ở Moscow và gặp riêng các lãnh tụ Tiệp Khắc, thì các quốc gia trong khối Warsaw ra tuyên cáo là sự tham dự của họ trong năm 1968 là một hành vi xâm lược, can thiệp vào nội bộ nước khác. Krempa lại hì hục viết lại bài giảng về biến động 1968. Sự thay đổi của Krempa không phải đến từ ý thức tỉnh ngộ, mà Krempa muốn được gia nhập vào một giai cấp mới sau thời Cộng Sản, cũng như nhiều người chống Cộng trở mặt để thành cách mạng giờ thứ 25. Họ muốn giữ những quyền lợi mà họ đang có. Từ Red Bourgeoisie họ nhanh chóng trở thành White Bourgeoisie. Krempa đã làm đúng những gì ông ta được huấn luyện bấy lâu nay. Giai cấp quí tộc mới là những người thừa hành, Đảng bảo sao làm vậy không thắc mắc.

Ở Việt Nam, trong giai đoạn tình hữu nghị Việt Trung Xô đời đời bất diệt, đâu đâu cũng thấy nói đến anh cả Liên Xô, chị hiền Trung quốc, những bài hát bài thơ ca ngợi Stalin, Mao Trạch Đông... như những thiên sứ, cứu tinh của nhân loại. Đến khi Đảng trở mặt thì cả một hệ thống tuyên truyền và cán bộ lại kể tội những quốc gia xã hội chủ nghĩa anh em, tưởng như bao nhiêu cái xấu xa trong lịch sử đều tập trung vào bọn bá quyền phương Bắc. Sự tuân hành một cách máy móc và không phản kháng quả thực là điều đáng ghê sợ cho sự nô lệ của con người. Quả thực Đảng Cộng Sản đã thành công trong công tác biến con người thành những người máy, cả một xã hội trở thành "một người khổng lồ không tim". Cho nên, khi có biến động họ chỉ có thể làm được những gì họ đã được programmed, chứ không thể làm được những gì chúng ta mong đợi. Đó là những vấn đề của xã hội hậu Cộng Sản, của những xí nghiệp từ quốc doanh chuyển sang tư doanh, của những cơ quan truyền thông từ ca ngợi Đảng, phải làm công tác phê bình và thông tin của người hướng dẫn dư luận. Họ bàng hoàng và ngỡ ngàng, như một đứa trẻ thả ra trên một cánh đồng tuyết, cái cánh đồng mà lâu nay người ta vẫn dạy nó rằng đầy những hố sâu ẩn dưới một lớp băng mỏng.

Hôm trước, tôi dẫn hai đứa con, một đứa lên bốn, một đứa lên hai vào chơi trong một công viên. Trong công viên có một cái cầu tuột cao. Thằng lớn leo lên làm trước cho em bắt chước, nhưng thằng bé chỉ đứng ngập ngừng ở đầu thang. Tôi đứng bên dưới khuyến khích mấy nó cũng không chịu bước chân vào. Bằng mọi cách nhưng vô hiệu. Một người Mỹ đứng gần đó bảo tôi: - Anh lên trên cùng đi với nó, nó sẽ hết sợ. Chính tôi cũng dạy con tôi cách đó. Quả nhiên phương cách đó thành công, và đứa trẻ sau đó có thể tự đi một mình một cách thích thú. Vấn đề quá đơn giản mà tôi không nghĩ ra. Lắm khi những vấn đề phức tạp cũng có những giải đáp thật đơn giản. Chúng ta vẫn nhìn những người đấu tranh, kể cả những người muốn bước chân vào công cuộc thay đổi bằng cặp mắt nghiêm khắc. Những người mà chúng ta tưởng như có thừa kinh nghiệm kia, dù trên vai họ mang nhiều chức vụ cao, nhiều bằng cấp cao của chế độ Cộng Sản, thực ra họ vẫn chỉ là những trẻ thơ trong những nhận định về một xã hội dân chủ. Sinh ra và lớn lên trong chế độ độc tài, tầm nhìn của họ bị giới hạn. Những gì họ cố gắng trình bày, có thể ấu trĩ khi nhìn từ bên ngoài nhưng là cả một nỗ lực lớn. Tôi nhìn cháu bé ngập ngừng trên cầu thang, dưới con mắt của tôi, việc tuột xuống thực đơn giản, thực dễ dàng, không nguy hiểm nhưng trong cái đầu của thằng bé chắc nó không nghĩ vậy đâu. Nó chưa từng có kinh nghiệm với việc đó bao giờ. Những gì nó sắp làm là một nỗ lực vĩ đại. Chính chúng ta cũng vậy, dẫu biết rằng một quan điểm tầm thường và không già dặn, nhưng nếu chúng ta muốn người khác tiếp tục đi, chúng ta phải đứng chung với họ và dẫn họ đi vào những bước khó khăn hơn. Sự chế nhạo, rạch ròi tưởng như sẽ làm cho người khác đánh giá chúng ta cao hơn rất có thể chỉ làm cho vấn đề thêm nan giải.

Trở lại vấn đề Cộng Sản, giai cấp mới mà họ đào tạo ra được nuôi dưỡng bằng những đặc lợi. Cũng giống như những giai cấp thời phong kiến, quyền lợi đó không ngừng lại ở bản thân mà cả con cháu họ. Có những "cậu ấm" và "cô chiêu." Không phải trong họ không có những người muốn cải cách, họ cũng có cựu và tân, diều hâu và bồ câu, giáo điều và kỹ thuật gia, bảo thủ và cấp tiến. Thế nhưng cái muốn trong tâm hồn lắm khi không mạnh bằng cái thực tế trước mắt. Ai lại muốn từ bỏ cái "phiếu mua hàng Tôn Đản" để đứng vào cái dãy dài trước cửa hàng quốc doanh bao giờ. Khi chúng ta nhủ thầm sang đất Mỹ này chỉ vì nghĩ đến tương lai của đàn con chứ không phải vì mình, thì họ cũng không thể không nghĩ đến hàng chữ "thành phần gia đình có lý lịch xấu, cha phản động" trong tờ đơn đi thi của con em họ. Vì thế cái câu kinh nhật tụng của họ là "trung thành với Đảng là có tất cả" khiến họ phải chịu chấp nhận cái triết lý "thiên hạ đục cả dại gì một mình ta trong." Tâm lý đó không phải chỉ có hôm nay, mà ngay thời trước ở miền Nam chúng ta cũng rất phổ biến. Có mấy ai trong chúng ta lại không biết rằng chế độ miền Nam cũng chẳng hay ho gì, nhưng ai cũng hi vọng sau khi thắng Cộng Sản chúng ta sẽ làm lại một cuộc cách mạng mới đúng nghĩa hơn, loại ra ngoài những thành phần bất xứng. Có phải ai ai trong chúng ta cũng đều là tay sai như bị kết án đâu.

Trước khi Công Đoàn Đoàn Kết nắm quyền, theo ông Alexander Smolar, một chuyên viên nghiên cứu về Đông Âu, có khoảng 1 triệu rưỡi trong tổng số 38 triệu dân của Ba Lan tùy thuộc hoàn toàn vào Đảng Cộng Sản. Những quyền lợi của họ chẳng kém gì giai cấp phú hào ở Tây Phương. Họ là những người mà ở Việt Nam gọi là giai cấp "Tây Hồ, Tôn Đản" (những nơi mua hàng của giới lãnh đạo). Con cái họ cũng có nhiều đặc quyền và "thi lý lịch chứ không thi khả năng." Giai cấp "nomenklatura" này cũng có nhiều giai tầng. Những thành phần thượng tầng đời sống huy hoàng xa hoa như những vương hầu thời phong kiến. Một cán bộ trung ương thường có tư gia, đầu bếp riêng, cảnh vệ (gác cửa) riêng, y sĩ riêng, bảo vệ riêng, tài xế riêng... và dẫu họ có tham ô, hủ hóa nếu bị phát hiện cũng chỉ xử lý nội bộ, chứ không đưa ra công khai. Nhìn vào khu vực ở, cái xe họ đi, quần áo họ mặc người ta có thể lượng giá được vị trí của họ trong Đảng. Ở Ba Lan, dân chúng ai có xe Fiat nội hóa (chế tạo trong nước) là sang lắm rồi, mà thành phần này rất hiếm, vì muốn mua phải chứng minh nhiều vấn đề mà danh sách chờ dài cả cây số, mấy năm chưa đến lượt. Trong khi đó, các cán bộ cao cấp đi xe loại xa xỉ của Tây Phương, cán bộ loại Bộ Trưởng thì đi xe Peugeot của Pháp, hay xe Fiat của Ý. Thấp một tí nữa thì dùng "xe con" Polonez nội hóa.

Sự cách biệt giai cấp trở thành công khai với cái trò lý luận rẻ tiền, bịp bợm"người giữ ngựa của Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp nếu làm tròn nhiệm vụ thì cũng vinh quang chẳng kém gì Ðại Tướng." Năm 1980, trong một cuộc thăm dò chính thức của Ðảng Cộng Sản Ba Lan thì 85% câu trả lời là "bất công lớn hay rất lớn" và 61% cho là gắn liền chức vụ với quyền lợi là "unfair". Phần lớn nhân dân đòi quyền tự do sử dụng nếu có khả năng chứ không chia sổ như vậy, chẳng khác gì thời trước ở nước ta quần áo phải mặc theo màu, thứ dân không được dùng các màu của quan lại hay vua chúa. Năm 1981, khi Công Ðoàn Ðoàn kết bị đặt ngoài vòng pháp luật, những người bỏ Ðảng không mấy ai chịu vào Ðảng trở lại vì họ cho rằng thật "ô uế" nếu phải gia nhập Ðảng. Nhiều bà mẹ đến nhà thờ cầu nguyện mong cho con mình khỏi phải vào Ðảng. Ở bãi đóng tàu Lenin tại Gdansk, năm 1980 có 900 đảng viên từ bỏ đảng tịch hoặc bị khai trừ, trong năm 1984 chỉ có 21 người xin vào đảng và năm sau cũng chỉ có 25 người. Khi thời đại mà chế độ Cộng Sản còn bền vững, phấn đấu vào đảng là một việc làm cam go, nhưng khi chế độ đã suy tàn, việc vào đảng cũng không hơn gia nhập Ðảng Dân Chủ của miền Nam trước kia mất tí . Một công nhân Ba Lan đã nói về gã Bí Thư chi bộ ở Gdansk, Ludynia là "một cái thùng rác chứ không còn là một cấp chỉ huy" vì chỉ có những kẻ vô lại, du thủ du thực là còn vào Ðảng thôi.

Hồi trước, một trong những lãnh tụ Cộng Sản là Thống chế Tito ở Nam Tư. Ông ta tách rời ra khỏi chi phối của quyền lực Liên Xô và lập ra một hệ thống gọi là "Cộng Sản quốc gia" (national communism) và thí nghiệm một phương thức quản trị tân tiến hơn các nước Cộng Sản khác gọi là "chế độ công nhân tự quản". Ðó là một hình thức đầu Ngô mình Sở, nửa tư bản, nửa Cộng Sản. Cuối cùng, những Công Ðoàn mà ông ta lập ra lại chỉ là những cái phễu để người ta tiến vào giai cấp quan lại mới.

Một trong những cộng tác viên đắc lực nhất của Tito đứng cạnh ông ta trong việc thoát ra khỏi ảnh hưởng của Liên Xô là ông Milovan Djilas lại là người bỏ Ðảng trước nhất. Ông ta là tác giả cuốn "Giai Cấp Mới" (The New Class) đã từng dịch ra tiếng Việt. Hồi ấy (đầu thập niên 50 ) chế độ chỉ mới là một hài nhi sơ sinh mà Djilas đã nhìn thấy tất cả những cái xấu xa của bọn ăn trên ngồi trốc từ ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao cửa rộng, xe hơi bóng loáng đến cả gái nữa. Chính ông ta viết:

Gốc rễ của giai cấp mới này bắt nguồn từ một cơ chế đảng đặc biệt, kiểu đảng tên gọi là Bolshevik. Cái giai cấp này đẻ ra một bọn có nhiều đặc quyền, các ưu tiên kinh tế chỉ vì họ nắm độc quyền chính trị trong tay.

Gần đây, khi hỏi ông Djilas tại sao ông có thể nhận định đúng đến thế cả cho đến ngày nay. Ông tặc lưỡi nói là "dẫu là chế độ Cộng Sản quốc gia của Tito đẻ ra cũng không thể nào giải quyết được cái vấn nạn vô năng và tham ô." Quả nhiên chế độ Nam Tư nay không những sụp đổ mà còn có thể có nội chiến giữa các sắc dân, các vùng kinh tệ có lẽ kinh nghiệm đó chúng ta cũng nên học, vì nhiều người vẫn còn quan niệm là chế độ Cộng Sản quốc gia sẽ có thể thu tóm được cả những ưu điểm của Cộng Sản và những tinh hoa của tư bản.

Chế độ độc tài mặc dù có thể đem lại những hiện tượng bề ngoài trong nhất thời nhưng trong trường kỳ sẽ thất bại. Dù người ta có khiêm tốn đến đâu, thì lời nói thẳng cũng khó nghe hơn lời nịnh hót. Ít khi người ta có thể nhìn được cái giới hạn của chữ "chỉ" (ngừng lại ) của Khổng giáo không phải ai cũng học được và lúc nào người ta cũng tưởng họ đang hi sinh vì quyền lợi quốc gia và muốn tiếp tục cái hi sinh ấy cho đến mãn đời, có khi còn truyền lại cho con cái nữa.

Năm 1987, một viên chức địa phương tên là Fikret Abdic ở Nam Tư đã tham nhũng khoảng 900 triệu dollars. Y sống như một ông hoàng nhờ lấy tiền từ nhà băng ra. Mà tiền ấy của ai đâu. Của nông dân, công nhân ki cóp. Ở Việt Nam có vụ nước hoa Thanh Hương cũng là một hình thức tương tự.

Ở đâu cứ chế độ Cộng Sản là có những bệnh thái giống nhau. Ðảng viên dù ngu dốt cũng đè đầu người có học nếu không vào Ðảng. Trung thành mới cần chứ không phải khả năng. Thế nhưng lâu lâu cũng có một nhà lãnh đạo tạm gọi là biết điều. Ðó là trường hợp ông Gyorgy Aczel, lãnh tụ Ðảng Cộng sản Hungary. Ðảng Cộng Sản Hungary cũng có một số thành phần ưu tú của đất nước này nhờ sự hiểu biết của ông Aczel. Khi còn tại vị, ông ta hay mời các ký giả đến nhà ăn tối, khéo léo nhắc họ những gì có thể viết, những gì nên bỏ qua. Ðừng hỏi về tại sao Ðảng Cộng sản lại độc quyền lãnh đạo. Phê bình ai cũng được, nhưng đừng chửi Liên xô. Nếu có phải chỉ trích thì cũng đừng nói thẳng tuột, mé mé bên ngoài là đủ rồi. Tuy chính sách ấy không diệt nổi giai cấp nomenklatura nhưng cũng đỡ phần nào. Hungary không đến nỗi tệ hại như Tiệp Khắc và nhất là giai cấp này không bành trướng nổi. Ông ta cũng thú nhận:

- Sau khi Liên Xô đem quân vào Hungary và Tiệp Khắc thì dân chúng tôi biết thân biết phận, ngay cả đứa trẻ con cũng hiểu.

Một cộng tác viên của Aczel là Janos Barabas cũng nhận định là "muốn cải tổ chế độ Cộng Sản không thể từ ngoài đánh vào mà phải từ từ, từ trong đảng đánh ra".

Thế nhưng cũng chính ông này trong ý định đánh từ bên trong bị thất bại khi làm phụ tá cho lãnh tụ Janos Berecz. Kế hoạch cải cách kinh tế của ông ta bị Liên Xô chặn lại và ông ta phải ai oán mà cho rằng không thể nào khác hơn là xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa mới, một chế độ ông mơ đến theo kiểu Bắc Âu ( Scandinavia) hay của Austria.

Năm 1989, ông ta trở thành lý thuyết gia chính của Ðảng. Công tác của ông ta là biến Ðảng Cộng Sản thành Ðảng Dân Chủ Xã Hội kiểu Tây Âu. Sau khi cải tên từ Ðảng Công Nhân Xã Hội chủ nghĩa Hungary thành Ðảng Xã Hội Hungary, ông ta bước vào cải cách, thanh lọc và hi vọng sẽ chiếm từ 15 đến 35% số ghế trong những kỳ bầu cử.Không còn hi vọng nắm quyền họ chỉ còn hi vọng thành đảng đối lập. Barabas nói với một ký giả Tây Phương:

- Tôi lấy Ðảng Dân Chủ Xã Hội của Tây Ðức làm gương. Tám năm đối lập rồi nhưng vẫn còn được ủng hộ.

Thế nhưng không phải như thế là xong. Các đảng viên theo khuynh hướng cải cách nhất định bắt các lãnh tụ già phải ra đi. Họ nhất định đoạn tuyệt với quá khứ. Barabas được tân chính phủ cử đi làm Ðại sứ tại Liên xô. Ông ta đành từ chức và ra ngoài làm ăn:

- Hồi sang Mỹ tôi có gặp một số cố vấn kinh doanh. Nghề đó xem ra hấp dẫn lắm. Tôi định sẽ làm cố vấn về quản trị.

Ðó là tâm sự của ông sau khi ra khỏi Ðảng.

Sau khi Barabas ra đi, Ðảng Xã Hội phải trao lại hết các đặc quyền đặc lợi cho chính phủ. Các Ðảng viên cũng phải đổi thẻ mới, ai muốn ra thì ra. Trước đó, số lượng là 750,000 người. Ðổi xong chỉ còn vỏn vẹn 25,000 còn ở lại. Thế nhưng con số đó vẫn còn vượt trội so với các đảng mới thành lập khác.

Gia cấp nomenklatura vẫn còn ẩn mặt dưới nhiều hình thức. chẳng hạn trong chương trình tư hữu hóa các xí nghiệp. Khi nhà nước cho phép các doanh gia Tây phương có thể mua lại 100% cổ phần trong các công ty thì các quản trị viên - những thành phần chủ chốt của bọn nomenklatura - lại bán lại công ty cho chính họ với giá rẻ, hoặc chỉ bán cho Tây phương nếu chịu giữ họ lại, một điều kiện mà không ai chấp nhận cả. Những nhà cải cách phải than rằng:

- Bọn nomenklatura chẳng khác gì mafia - không làm sao có thể phá vỡ quyền lực của bọn dó được.

Cách duy nhất là cho về hưu những thành phần thiếu khả năng. Nhưng cách này thì phải từ từ, tốn nhiều tiền và tế nhị. Ðây là phương pháp mà tướng Franco ở Tây ban Nha đã áp dụng. Mất cả thảy 5 năm trời và một số tiền rất lớn. Nhưng dẫu sao cũng thành công.

Ở Ðông Ðức tình trạng lộng quyền của bọn ăn trên ngồi trốc còn khủng khiếp hơn nhiều. Bọn họ sống cực kỳ huy hoàng, có kẻ xài cả phi cơ jet để đưa gia đình sang Mỹ nghỉ hè, ăn cắp gần 400 nghệ phẩm trong bảo tàng viện để bán ra bên ngoài. Chính dân chúng phải ngăn chặn việc phá hủy tài liệu hồ sơ của mật vụ stasi vì sợ họ phi tang. Vấn đề giải tán các cơ quan an ninh, công an cũng là cả một vấn đề.

Ở Romania, bọn Securitate cầm súng chống lại quân đội, ở Hungary, mật vụ vẫn còn tìm cách phá hoại ngầm những đảng phái đối lập. Công an luôn luôn là những kẻ nắm giữ luật pháp trong tay, chỉ chịu sự điều khiển từ một số lãnh đạo thượng tầng. Khi chính quyền sụp đổ, những người mới đứng ra không thể nào kiểm soát được họ mà cũng không biết cơ cấu này làm những gì. Chẳng biết được có bao nhiêu mật báo viên, công an chìm vì trong xứ Cộng sản ai cũng có thể là mật vụ. Một người Romania đã nói rằng:

- Nếu như chúng tôi đem một tên mật vụ ra xử, thì rồi kéo dây chuyền ra đến tất cả mọi người. Tuy chúng nó không còn trên giấy tờ, nhưng thể nào cũng cấu kết quay trở lại.

Ở Ba Lan, công đoàn Ðoàn Kết biết rằng họ không thể nào có thể tận diệt bọn nomenklatura một cách dễ dàng. Ba tuần trước khi nhậm chức, thủ tướng Tadeusz Mazowiecki viết một bài trên báo nói về sự quan tâm của ông. Khi chính quyền chưa kiểm soát được quân đội, thì chính phủ không thể nào có được sự đồng thuận với hàng trăm ngàn cán bộ các cấp ở khắp mọi nơi. "Chính quyền chỉ tồn tại nhờ lòng thương hại của kẻ thụ hưởng một chế độ xây dựng trong 40 năm không thể một vài phút mà xóa sạch được. Có trách nhiệm mà không có quyền hành là vấn đề phải chấp nhận." Vậy mà cũng không sao thành lập nổi chính phủ vì Cộng sản không chịu hợp tác. Ðích thân Lech Walesa phải bí mật viết thư kêu gọi các đoàn thể bù nhìn cũ đứng chung với Solidarity trong chính quyền.

Vấn đề đối phó với những con bạch tuộc nomenklatura cũng không đồng nhất. Nhiều lãnh tụ Solidarity đòi cho nghỉ một nửa bọn này - khoảng 1 triệu người. Thế nhưng Thủ Tướng Mazowiecki chỉ đồng ý thay đổi tượng trưng để trấn an nhân dân. Ông nói rằng tân chính quyền không có dủ người để điền khuyết. Ông cũng nói thẳng với cả Hội Ðồng Bộ Trưởng là ông không thay đổi gì hết và chỉ mong họ cộng tác thôi, cộng tác trong tinh thần văn minh. Một thân một mình trong một nội các Cộng Sản kể cũng liều.

Thế mà lại hóa haỵ Ðể chứng tỏ thiện chí, Bộ Trưởng Nội Vụ đồng ý giải thể các đơn vị dân quân Zomo. Zomo tuy có tiếng là những đơn vị an ninh nhưng chỉ là một bọn du thủ du thực, giữ nhiệm vụ chính trong việc trấn áp khi ban hành thiết quân luật năm 1981. Một lực lượng khác được thành lập lấy tên là Ogpo đặt dưới quyền chỉ huy của Thủ Tướng thay vì do các Trưởng Ty Cảnh Sát chỉ huy. Nhiệm vụ đàn áp cũng giải tỏa, chỉ
còn thuần túy an ninh. Chính sự mềm dẻo của Thủ Tướng Mazowiecki khiến cho bọn nomenklatura cảm thấy bất an. Ðảng viên Cộng Sản đào ngũ hàng loạt. Thành phần này không phải trung thành gì với Ðảng mà chỉ ở trong Ðảng khi còn quyền lợi. Họ lại sẵn sàng ngả theo Solidarity nếu thấy có ăn.

Kinh nghiệm của Ðông Âu là những bài học lớn mà chúng ta phải học hỏi. Giải thể một khung hình hành chánh, một cơ cấu cai trị không thể không quan tâm đến những yếu tố cấu thành của nó. Những vấn đề thuộc về con người luôn luôn phức tạp và thiếu rõ ràng. Ở một góc độ này chúng ta thấy nó đẹp, nhưng khi nhìn từ một hướng khác, vấn đề không còn như vậy nữa. Có những vấn đề chúng ta phải lăn xả vào để giải quyết, nhưng cũng có những vấn đề phải đòi hỏi thời gian. Có những vấn đề cần xét nét, nhưng cũng có những việc phải nhắm mắt làm ngơ. Một cuộn chỉ rối không thể không kiên nhẫn, không kỹ càng khi tháo nó. Một lầm lỗi nhỏ trong giai đoạn tranh tối tranh sáng có thể làm cho vấn đề trở nên phức tạp bội phần và việc giải quyết không giới hạn trong một vài năm mà nhiều thế hệ.

Những người trí thức

Trên khắp Ðông Âu, mỗi khi có biến động là có mặt giới trí thức. Hơn thế nữa, chính giới này lại là những người châm ngọn lửa cho đấu tranh. Từ xưa, những người đọc sách vẫn sống trong một thế giới cách biệt với bình dân, chúng ta gọi là "tháp ngà". Ở trong trận chiến chống Cộng, không những họ ra khỏi cái tổ kén mà còn tiến lên phía trước. Ở Tiệp Khắc, chúng ta thấy có Diễn Ðàn Công Dân, ở Hungary thì có diễn Ðàn Dân Chủ. Đây là những nơi tập trung các ký giả và văn nhân.

Nhiều người vẫn bảo là "cuộc cách mạng năm 1989 là sự thắng lợi của văn hóa trước bạo lực". Ðiều đó có lẽ không ngoa vì không phải chỉ ở Ðông Âu, ở bất cứ các quốc gia nào dù đã thanh toán xong chủ nghĩa Cộng Sản hay còn đang chiến đấu chống bạo quyền, người cầm bút vẫn là những kẻ tiên phong. Một nhà sử gia Ba Lan, ông Bronislaw Geremek, một cố vấn thân tín của Walesa đã nói rằng:

- Nếu ở bên Tây Phương, tôi chắc cũng chẳng dính vào chuyên chính trị làm chi, bởi vì bên đó chính trị chỉ là trò tranh giành quyền lực. Ở Ba Lan thì khác, người trí thức bắt buộc phải tham gia "vì chúng tôi chiến đấu cho quyền được suy nghĩ."

Họ dùng đủ mọi cách, từ thư ngỏ đến tuyên ngôn, truyền đơn đến sách vở. Nhu cầu đọc không phải là nhu cầu giải trí mà là một sinh mệnh của xã hội, của mọi người chứ không riêng gì kẻ trí thức. Những gì mà ở các nước tự do chỉ cần nói là đủ, thì ở các nước Cộng Sản họ phải viết ra. Những gì xã hội văn minh có thể truyền đạt bằng màn ảnh nhỏ, họ viết thành sách thành bài. Con người trong chế độ Cộng sản luôn luôn thèm khát kiến thức và nhu cầu tinh thần. Chúng ta không lấp làm lạ khi tỉ lệ người Trung Hoa đi xem phim ảnh là 21 lầm một năm, người Nga là 15 lần hơn hẳn số lượng của thế giới tự do.

Theo các nhà xuất bản ở Prague, ấn bản tiểu thuyết của William Faulkner bán ở Tiệp Khắc nhiều hơn trên chính nước Mỹ. Sách của William Styron và John Updike cũng in mỗi lần từ 50 đến 70 ngàn bản. Riêng cuốn Sophie‘s Choice bán đến 100,000 bản. Có nhiều tập thơ bán cả triệu ấn bản. Người ta đứng xếp hàng từ 5 giờ sáng để đợi nhà sách mở cửa. Có nhiều người phải đi cả chục nơi mới kiếm được một cuốn ưng ý. Và dĩ nhiên khi số cung ít hơn số cầu, nạn chợ đem xảy ra. Khan hiếm giấy cũng là một nguyên nhân, nhưng cũng bởi vì chính quyền không chú trọng đến văn học mà dùng phần lớn nỗ lực văn hóa vào việc tuyên truyền. Ở Việt Nam chúng ta cũng thấy hiện tượng các sách Lenin tuyển tập, toàn tập in giấy tốt, đóng bìa da, giá cả hạ mà vẫn ế thiu ế chảy. Chỉ có dạo hiếm giấy vấn thuốc người ta mới đổ xô đi mua để về tái chế. Các loại sách có giá trị một chút đều chỉ có thể tìm thấy ở các con buôn chợ trời giá từ 10 lần xấp lên so với giá chính thức.

Hiện tượng sách vở trở thành thiết yếu cũng vì các chương trình truyền thanh truyền hình quá tồi tệ. Những phim ảnh do các nước xã hội chủ nghĩa sản xuất thì phẩm chất và nội dung đều nghèo nàn, là một lợi khí chính trị, tuyên truyền nên người ta càng đổ xô vào những phim ngoại quốc, dù rằng được cho phép rất hạn chế và thường chỉ là những phim ảnh mang màu sắc xã hội, tố cáo bất công và áp bức của các xã hội kỹ nghệ. Tuy nhiên, dẫu sao kỹ thuật và diễn xuất so với các tài tử ở các quốc gia Cộng Sản cũng vượt trội nên thu hút khán giả đông hơn.

Nhu cầu tinh thần không ngừng lại sau khi phim chấm dứt. Những ngày sau đó, từng nhóm nhỏ lại tụ họp để bình luận, mổ xẻ vấn đề và vô hình chung trở thành những câu lạc bộ trí thức. Dostoyevsky, Hemingway ... và cả Freud đều là những tác giả được ưa chuộng, được bàn cãi như một mốt tinh thần trong nhiều năm ở Ba Lan. Sự nghiền ngẫm, suy tư vì thế càng thấm thía hơn, sâu sắc hơn.

Trong khi chúng ta ở bên này, đọc sách cốt lấy nhiều, cốt nhanh vì thực sự sách vở phong phú quá, giá cả lại rất bình dân nên không mấy tác phẩm trở thành kinh nhật tụng, sách gối đầu giường. Cuốn nọ chưa xong, cuốn khác đã ra mà cuốn nào cũng dầy, cũng đẹp. Theo dõi thị trường sách vở Việt Nam cũng đã không kịp, theo dõi các sách vở ngoại quốc càng khó hơn. Báo chí cũng vậy, một tờ báo như tờ Los Angeles Times chẳng hạn ngày nào cũng có hàng chục bài đáng đọc. Mà đó chỉ là một tờ báo địa phương. Các loại tuần báo, nguyệt san mỗi ngành cũng có hàng chục ấn phẩm, trừ những người quá chuyên môn không mấy ai có thể đọc hết được.

Khi còn ở Việt Nam, tôi thích đọc các loại sách học làm người của hai tác giả Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn duy Cần và cố gắng theo đuổi những phương pháp mà các vị này đã chỉ dẫn. Thế nhưng các phương pháp ấy không còn hữu dụng khi sang đến bên này. Cái học của chúng ta là cái học tổng quát, mỗi ngành một chút, có chiều rộng mà không có chiều sâu, nó không ích lợi cho một xã hội quá phong phú. Tôi vẫn tự hỏi, nếu như tôi sinh trưởng ở xứ này, liệu có đủ kiên nhẫn học thêm một hai sinh ngữ như ở Việt Nam không ? Thời giờ đâu mà cặm cụi đọc sách rồi làm thẻ, làm dàn bài tóm ý ? Thời giờ đâu mà chép những đoạn văn hay vào một tập riêng để tham khảo ? Ở trong nước, sau khi đọc một cuốn sách có thể gặp bạn bè bàn về tác phẩm mới biết hàng tuần, có khi cả tháng chứ ở bên này, tuần trước tuần sau đã có hàng chục cuốn mới rồi. Hay tại cái xã hội này làm người ta bận rộn quá mà không còn thì giờ cho tinh thần ? Ngay cả một nhu cầu bức thiết khác của người Việt chúng ta là theo dõi sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản mà cũng chẳng mấy người nắm vững thì nói gì đến các trào lưu xã hội hay tình hình quốc tế khác. Con người hiện nay chỉ quan sát thế giới như coi một phim ảnh, và chỉ còn chú ý đến những đoạn gay cấn thôi. Cho nên tôi vẫn cảm phục nhiều học giả còn để thì giờ, công sức viết những bài về khoa học, kỹ thuật, kinh tế, những ngành vốn đã khô khan, ít hứng thú mà lại đòi hỏi nhiều công lao, nhiều chứng liệu.

Hiện nay, nhu cầu tinh thần của chúng ta trở nên quá dễ dãi, hoặc bằng màn ảnh truyền hình qua các phim ảnh chiếu hàng ngày, hoặc bằng những bộ phim Hongkong diễn xuất vụng về, không có giá trị kể cả phương diện xã hội và lịch sử, hoặc những phim ảnh quá nhiều bạo lực, chém giết. Sách vở thì cũng quá nhiều thuốc độc, chú trọng các đòi hỏi thấp hèn, nhục dục hơn là sự cao thượng. Báo chí Việt Nam cũng đã bắt đầu quảng cáo các sách vở, phim ảnh khiêu dâm một cách công khai. Trong khi đó, ở quốc nội, cái vỏ của chế độ tự do phóng túng cũng đang lan tràn. Chính báo chí của Cộng Sản phải thú nhận các phim đồi trụy, các động mãi dâm, các hiện tượng băng đảng ... đang lũng đoạn xã hội. Những dấu hiệu đó quả thật rất bi quan cho đất nước
.
Người ta cổ võ cho sự phá hủy mà không ai khuyến khích sự xây dựng. Hình như cây văn hóa chỉ có thể mọc trên những vùng đất khô cằn, hạt giống suy tư chỉ có thể gieo trên sỏi đá. Thật đáng buồn nếu người Cộng Sản làm công tác đánh bật gốc những gì thuộc về truyền thống, phá tan hoang nền văn minh tinh thần của dân tộc Việt Nam để rồi sau khi chế độ đó ra đi người ta lại chỉ đem gieo những hạt giống tồi tệ hơn. Ðó là viễn tượng của vài năm sắp tới mà người ta sẽ đem về làm quà cho tổ quốc.

Trở lại vấn đề người trí thức ở Ðông Âu, họ không còn là những con mọt sách bình thường mà là những sứ đồ của một tôn giáo. Chính Lenin cũng nói : Ở đâu có áp bức thì có đấu tranh. Và những quốc gia này trong một nửa thế kỷ qua đã sống trong áp bức. Những quốc gia bị đô hộ, việc sinh tồn trở thành quan yếu, và văn hóa là mặt nạ của chính trị.

Trong thời kỳ bị Quốc Xã cai trị, không phải chỉ văn hóa bị ngăn cấm mà người ta cảm thấy một nguy cơ diệt chủng, những hình thức đấu tranh ngầm bằng văn chương chữ nghĩa trở nên đa dạng hơn - cũng có thể bằng truyền đơn hoặc chép tay, mà cũng có thể là những bài thơ, truyện ngắn, chuyện tiếu lâm truyền khẩu.

Hồi thế kỷ thứ 19, nhiều dân tộc như Ba Lan, Tiệp Khắc, Lỗ Ma Ni, Nam Tư ... bị bắt phải học tiếng ngoại quốc. Trong trường cũng không được dùng tiếng mẹ đẻ để nói chuyện. Trong hoàn cảnh đó, giới sĩ phu cảm thấy mình mang một trách nhiệm quan trọng, một nhiệm vụ thiêng liêng. Họ là những người bảo vệ lâu đài văn hóa, kho tàng văn học. Họ biến các huyền sử thành một nền văn minh sáng ngời.

Vào thế kỷ thứ 18, một tu sĩ người Bulgaria tên là Mount Athos viết một tác phẩm tên là " Lịch sử các Sa Hoàng và Thánh nhân của Bulgaria" đã gây ra những phong trào học tiếng Bulgaria và một trào lưu mới cho văn chương nước nàỵ Nhiều nhà văn, nhà báo phải đi vào chính trị, lấy chính trị như một phương tiện để bảo vệ tiếng nói và quan điểm của mình.

Một quan điểm văn hóa nhân bản thì tự nó đã là một hình thức phản kháng chế độ. Chúng ta còn nhớ những bài thơ của Trần Dần, Phùng Quán ... tuy không đứng trong một lập trường chính trị, vẫn được coi như sự vùng dậy của người bị áp bức. Có lẽ thiên bi hùng ca đáng kể nhất trong trận chiến văn hóa chống áp bức xảy ra ở Ba Lan. Những tiểu thuyết lịch sử của Henryk Sienkiewicz và những trường thiên của Slowacki đã là món ăn tinh thần nuôi nhiều thế hệ. Sau hai lần nổi dậy thất bại, không mấy ai trong những người yêu nước ở Ba Lan nghĩ rằng họ có thể thắng được bằng bạo lực. Và họ đã chuyển hướng từ bỏ đấu tranh chính trị mà "quay sang nuôi lửa nhiệt tình bằng văn hóa." Tự học, tự đào luyện, một hệ thống lưu hành lén lút những tác phẩm văn học, những sách vở bị cấm và một trường Ðại Học lưu động hình thành. Mỗi tuần dạy một nơi để chống theo dõi.

Một trong những sinh viên tốt nghiệp ngôi trường kỳ dị này là cô Marie Sklodowska, sau này là bà Marie Curie, một khoa học gia và cũng là một vĩ nhân của loài người. Sử gia Norman Davies đã viết: Người ái quốc tiêu biểu vào đầu thế kỷ này ở Ba Lan không phải là một chiến sĩ cách mạng với khẩu súng lục trong túi mà là một thiếu nữ con nhà gia giáo với quyển sách cắp tay.

Năm 1918, Tiệp Khắc được độc lập thì người ta đã gọi là Cộng Hòa Khoa Bảng. Hai Tổng Thống đầu tiên, Tomas Garrigue Masaryk và Advard Benes đều là những học gia.
Masaryk là giáo sư triết tại Ðại Học Prague, người làm hồi sinh ngôn ngữ Tiệp. Ðấu tranh cho quyền tiếng mẹ đẻ đã gây nhiều đụng độ giữa người Tiệp và người Ðức. Năm 1891, khi các tên đường ở Prague được đổi từ tiếng Ðức sang tiếng Tiệp, đã gây nên một xúc động lớn, và quần chúng coi như một thắng lợi vĩ đại về tinh thần. Ngay cả Tổng Thống Masaryk khi đã nhiệm chức vẫn hằng tuần tham dự một hội thảo văn chương do văn sĩ Karel Capek tổ chức. Dù là Tổng Thống, ông vẫn là một con người còn nhiều vấn đề cần biết, cần trao đổi. Ðó cũng là cung cách của một "kẻ sĩ", có sự lương thiện tri thức, không dấu cái dốt của mình. Học tập không phải là điều đáng xấu hổ và đáng buồn cho những người ở ngôi vị cao, họ ít có thì giờ để học, và cũng ít có cơ hội để học những điều hay tuy thỉnh thoảng cũng có một tấm bằng - bằng danh dự của một đại học tặng cho.

Mặc dù sau cùng họ đã chiến thắng Cộng Sản, nhưng thường đó không phải là mục tiêu cuối cùng mà họ theo đuổi. Mục đích chính của người trí thức là tìm cơ hội để phục vụ những người bị áp bức. Ðó là lòng yêu nước mà những người cùng khổ là đối tượng.

Cũng chính vì tâm tình đó mà sau đệ nhị thế chiến, nhiều người trí thức đã theo Ðảng, đã gia nhập Ðảng. Và chính họ đã phục vụ chế độ nữa vì hồi chiến tranh, Cộng Sản đã lãnh đạo kháng chiến.

Ở việt Nam cũng thế, ban đầu Mặt Trận Việt Minh cũng như bao nhiêu đoàn thể quốc gia khác theo con đường chống Pháp, đuổi thực dân. Mà trong kháng chiến thì người Cộng Sản già dặn, khôn ngoan hơn cả. Họ được đào luyện và có một guồng máy, một bộ não chính trị trong khi các tổ chức khác chỉ có một tấm lòng. Và hơn nữa, Ðảng cộng Sản nào cũng có cả một hào quang của các nước đàn anh đứng sau lưng. Bước vào hàng ngũ Ðảng, họ không những hưởng cái vinh quang của địa phương, họ còn chia xẻ cả những vinh quang của Liên Xô, của Trung hoa ... Người ta thấy trước mắt các dân tộc bị trị khác đang đập chung một nhịp tim, đang theo dõi từng bước chân của họ. Họ không cô đơn nơi núi rừng Việt Bắc, mà họ nhận được lời chân thành nhắn nhủ, thiết tha, kề vai sát cánh của những người lãnh đạo tận Kremlin, tận Bắc Kinh.

Nhiệt tình và lý tưởng của tuổi trẻ và sách vở đã khiến cho thanh niên Ðông Âu - cũng như Việt Nam - nhìn vào Liên Xô như một khuôn mẫụ có đâu kỹ nghệ hóa, cơ giới hóa nhanh như nước Nga. Nước Nga đã đuổi kịp Mỹ trong vũ khí hạch nhân, và đi trước Mỹ trong việc đưa người lên không gian. Không phải chỉ thanh niên trí thức ở các nước Cộng Sản bị mê hoặc. Ngay cả trí thức Tây Phương cũng bị cuốn vào cơn lốc đó. Nhiều nhà học giả lừng danh của Anh, Pháp, Ý ... cũng tán dương các nước xã hội chủ nghĩa.

Trong cuộc chiến Việt Nam, người ta đã lập cả những phiên toà quốc tế để xử án Mỹ xâm lăng. Neal Ascherson, một văn sĩ Anh cho rằng " ủng hộ Cộng Sản là một làn sóng cách mạng vĩ đại, là hồi sinh của nhiệt tình chính trị" . Ông ta viết:

... là tập trung của những cuộc đấu tranh võ trang giành độc lập dân tộc trang bị bằng một ý thức hệ nhằm thay đổi hệ thống xã hội và kinh tệ Chủ nghĩa xã hội, là một khai triển vượt qua cả Marx, cả Lenin đã thay chỗ cho chủ nghĩa khai phóng lãng mạn ngự trị nhân loại trong thế kỷ 19.

Quả thực lý thuyết Cộng Sản là một tôn giáo - có sức quyến rũ lạ lùng - đã hớp hồn nhiều nhân vật tên tuổi trong đó có Jerzy Andrzejewski, nhà văn ái quốc Thiên Chúa Giáo Ba Lan, thi sĩ Antoni Slonimski. Trong tác phẩm Những Linh Hồn Tù Ngục, ông Czeslaw Milosz, một văn sĩ được trao giải Nobel, đã mô tả tại sao những con người sáng suốt, tỉnh thức lại bước vào chế độ chuyên chính. Họ gia nhập Ðảng mong để đứng vào tay bánh cho chiếc xe lịch sử.

Thế nhưng khi bước vào rồi, họ lại bị cuốn trong guồng máy không thể cưỡng lại hay thoát ra được.Chính Milosz cũng nói là ông cảm thấy không có con đường nào khác hơn để chạy trốn ngoài con đường di cư nên đã xin sang Pháp năm 1953, một năm trước khi tác phẩm Những Linh Hồn Tù Ngục xuất bản. Thế nhưng Milosz không hoàn toàn đúng. Hầu hết những người trí thức bước vào với nhiệt tình tuổi trẻ, với lòng yêu nước thiết tha lại xuất hiện sau này trong tầng lớp nomenklatura, giai cấp đặc quyền đặc lợi, ăn trên ngồi trốc của hệ thống chính trị đông cứng và rong rêu. Cuộc " thoát xác " hay đổi lốt từ con người thanh niên lý tưởng sang một gã trung niên tham ô đã được lột trần trong tác phẩm Người Trí Thức trên con đường Quyền Lực của Gyorgy Konrad và Ivan Szelenyi viết cuối năm 1973 đến 1974.

Hai ông này lý luận rằng quyền lực trong chế độ tư bản nằm trong tay tài phiệt. Trong khi đó, ở chế độ Cộng Sản, nhà nước nắm giữ tư bản, và quyền hành trong tay các kế hoạch gia và kỹ thuật gia. Chủ nghĩa Bôn Xê Vích là "một cơ chế tham ô dựng nên bởi trí thức để khống chế trí thức."

Cũng lại sai. Hai ông quên rằng có những người trí thức không chịu khuất phục và ép mình phục vụ cho Ðảng. Tuy đó chỉ là một thành phần rất nhỏ, nhưng lại gây nhiều tiếng vang rất lớn. Quần chúng vẫn nhìn vào những kẻ sĩ ấy như ngọn đuốc soi đường, và trở thành những tiếng nói tiêu biểu, không chỉ tiêu biểu cho một thành phần, mà đại diện cho tất cả những người bị áp bức. Á Ðông chúng ta có câu:

Phú quí bất năng dâm,
bần tiện bất năng di,
uy vũ bất năng khuất.

(Khi giàu sang thì không xa hoa quá độ,
khi nghèo hèn thì không thay đổi khí tiết,
khi gặp áp bức thì không chịu khuất phục).

Mà xã hội Cộng Sản là xã hội lấy áp bức làm phương tiện chính để khống chế con người. Họ áp dụng nguyên lý khoa học Pavlov, hình thành những thói quen để chúng ta bị khuất phục mà không hay. Cái đói, cái nghèo theo tôi là uy vũ to lớn nhất. Khi chúng ta chỉ đói một ngày, một tuần, đó chưa phải là đói. Trạng thái cồn cào trong bụng chỉ là kích thích một thói quen của dạ dày phải có cái gì ở một thời điểm để làm việc. Chỉ khi nào người ta thiếu thốn nhiều tháng, nhiều năm, đó mới thực sự là đói. Bụng chúng ta đã điều chỉnh được với sự thiếu ăn - cái dạ dày nó tóp lại, như những người tù cải tạo thường nhủ thầm - nhưng đầu chúng ta luôn luôn bị miếng thịt, miếng đường ám ảnh. Và khi đó chúng ta "có thể giết người vì củ sắn củ khoai " như trong thơ Nguyễn Chí Thiện.

Một xã hội chỉ còn là những con người tranh sống, lý tưởng chỉ còn là những gì cụ thể nhất, thực tế nhất. Năng lực sinh tồn là năng lực sau cùng còn hiện hữu, và dù bậc đại trí, đại tuệ cũng chỉ nghĩ được đến miếng ăn. Cửa chùa vắng đi ánh từ bi, nhà thờ thiếu dần tình bác ái. Nhu cầu tinh thần vì thế xa vời hơn, vì tinh thần phản ảnh thực tế, mà thực tế cùng kiệt thì tinh thần cũng ra đi.

Trong xã hội Cộng Sản, nhiều năm qua không mấy khi có nổi dậy theo nghĩa thuần túy chính trị, mà rất nhiều vụ đổ máu vì giành lại một miếng ăn bị cướp đi. Nếu ai đã đọc chuyện ngắn "Cái đêm hôm ấy đêm gì" của Phùng Gia Lộc sẽ thấy cái địa ngục trần gian mà một nửa nhân loại sống trong gần suốt thế kỷ hai mươi này. Chính vì thế, giai đoạn mong manh nhất của chế độ là khi kinh tế mới mở ra, vì khi đó người ta bừng tỉnh hiểu rằng con người còn một nhu cầu khác sau nhu cầu vật chất. Ðó là nhu cầu tinh thần, nhu cầu có một chút suy tư, có thời giờ để thưởng lãm một tác phẩm văn chương, một bức tranh, một bản nhạc ... Và nhu cầu ấy tích lũy sẽ thành nhu cầu chính trị.

Khi xã hội còn quá thô sơ, nói về tự do, dân chủ, đa nguyên, phân quyền sẽ không ai cảm nhận được nó như thế nào, và không cảm thấy cần tranh đấu, đòi hỏi. Thế nhưng khi tiến lên một bước, miếng ăn có đủ, người ta sẽ phải đi kiếm thức ăn cho tinh thần.

Chúng ta cần phân biệt hai loại đấu tranh cho nhu cầu tinh thần:

- Đấu tranh xuất phát từ một người đã sống trong xã hội tự do, nay bị sống trong chế độ độc tài và có ngay sự so sánh, khác biệt giữa hai chế độ. Không cần biết vai trò người đó là gì, như thế nào, nhưng quá khứ tự nó đã là một động lực vì là một tập quán của quá khứ. Tự do cũng là một tập quán. Nếu một người khi sinh ra đã bị nhốt vào một căn phòng, và chỉ sống trong phạm vi không gian nhỏ bé ấy từ bé đến lớn, người ấy sẽ không thấy có nhu cầu phải ra ngoài. Người ta đã tìm thấy nhiều đứa trẻ bị lạc vào bầy thú - bầy sói chẳng hạn - và khi lớn lên, chúng hoàn toàn không có một bản năng nào mà chúng ta vẫn thường tưởng rằng là bản năng tự nhiên của loài người. Ði bằng hai chân chẳng hạn, cũng là một tiến hóa, và "cũng là một thói quen" chứ không phải vì chúng ta là sinh vật thiêng liêng nên được mang hình hài và tập quán của Thượng Ðế như người ta nghĩ. Thành ra, người Cộng Sản vẫn nhìn các vụ tranh đấu trong những năm đầu mới cai trị như là một sự quay trở về tập quán cũ. Họ coi vụ Nhân Văn Giai Phẩm ở Việt Nam năm 1956 là hành vi phản loạn của tàn dư tư sản chứ không phải là tranh đấu cho nhân quyền như chúng ta đặt tên.

- Thế nhưng một loại thứ hai mà chính là thách đố to lớn nhất của chế độ, là động lực làm cho chế độ Cộng Sản sụp đổ - trong đó vai trò của sức mạnh tinh thần con người thật rõ nét - là sự "tỉnh thức của chính những người sinh ra, trưởng thành trong xã hội đó". Ðó là một xung phá với tập quán, với truyền thống của đời sống khi người ta có dịp tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Và bởi vì nó là một cuộc nổi dậy tự phát, động cơ thúc đẩy là sự tỉnh ngộ của chính họ. Và muốn cho sự vùng lên ấy có giá trị, nó phải được trui rèn, thao thức bằng kinh nghiệm, bằng ray rứt, dày vò. Và chính vì thế nó có nhiều giai đoạn, mỗi lúc một khác. Nó không thể hoàn hảo ngay từ ban đầu. Nó phải được va chạm, mài rũa, cọ xát với thực tế và sự biến dạng ấy là một triệu chứng tốt cho bông hoa cách mạng. Một hài nhi khi còn trong bụng mẹ luôn luôn là một quái vật nếu nó được sinh ra và lớn lên trong nhân dáng đó. Cái đầu to, cái chân nhỏ, cái đuôi cong cong ... Nó đâu đã là một đứa trẻ như chúng ta nhìn ngoài đời. Và ngay cả sau khi sinh ra, nó cũng còn biết bao nhiêu bước phải trải qua. Ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bọ Biết ăn, biết ngủ, biết nói, biết cười. Hài nhi dân chủ cũng thế. Chúng ta phải nhìn được sự trưởng thành từng bước của nó trong từng con người và trong cả xã hội.

Hai hoàn cảnh, hai thái độ đó khác nhau xa từ bản chất và từ hiện tượng. Nhưng sau khi đi một quãng dài, nó sẽ nhập lại để trở thành một lúc nào không hay. Khi đó chỉ còn lại con người chống lại bất công, chống lại áp bức. Tất cả những khuôn mẫu mới sẽ được nhào nặn để dần dần hình thành vì xã hội bên cạnh sự tranh giành, lại có sự tương nhượng lẫn nhau để cộng sinh, cộng tồn. An vui nào, hạnh phúc nào không có sự được và sự mất. Cũng như khi lập gia đình, chúng ta tưởng rằng được nên dễ đổ vỡ khi thấy bên cạnh cái được chúng ta có nhiều cái mất. Người ta thích tô hồng rồi lại thích bôi đen mà không nghĩ rằng xã hội có cả hai mặt đó.

Cho đến hôm nay, nhiều người trong chúng ta vẫn hết sức giải thích đâu là chống đối, đâu là sửa sai để củng cố chế độ. Rồi loay hoay với cái gọi là hiện tượng và cái gọi là bản chất. Tháng 6 năm 1989, ai ai trong chúng ta cũng theo dõi vụ đấu tranh của thanh niên sinh viên ở Trung Hoa - biến cố Thiên An Môn. Ðã có ai đặt câu hỏi, họ chiến đấu để lật đổ chế độ Cộng Sản - thay thế bằng một khuôn mẫu chống Cộng - hay chỉ là cải cách, sửa đổi chế độ ? Hai nhân vật được đề cao, được tôn vinh là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, họ là ai ? Có phải là hai Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Trung Hoa không ? Trên hiện tượng, và cũng có thể cả bản tâm những thanh niên tụ họp ở trước Trung Nam Hải, và ngay cả trong tim của hàng ngàn người bị xe tăng nghiền nát kia, họ chỉ muốn cải cách chế độ mà họ đang sống thôi. Họ đòi mở rộng dân chủ, những quyền mà hiến pháp qui định. Họ đòi trừng trị, thanh lọc tham ô, những điều mà các cấp lãnh đạo vẫn thường tuyên bố. Họ vẫn đứng dưới lá cờ đỏ, dưới chân dung lãnh tụ Mao Trạch Ðông. Hai người ném sơn vào mặt ảnh họ Mao đã bị bắt ngay và thanh niên tuyên bố:

- Tại sao lại hạ bệ Mao chủ tịch. Nếu không có ông ta thì làm gì có Tân Trung Hoa.

Ðứng trên quan điểm trị an, quả thực đó là những vấn đề nội bộ, chẳng liên quan gì đến ai. Họ đòi cho chính họ, và họ cũng bị xích xe tăng của chính quyền "của họ" nghiền nát. Họ không đấu tranh vì bị đế quốc xúi giục, cũng chẳng có bàn tay ma mãnh nào của Quốc Dân Ðảng giật giây. Họ không đòi lật đổ chính quyền, họ chỉ đòi cải cách. Họ cũng không phải là thành phần bị áp bức, họ là thành phần được ưu đãi. Nói chung "họ là những người Cộng Sản chính gốc." Cũng suy luận như thế, Gorbachev, Yeltsin, Shevardnadze đều là người Cộng Sản nhìn thấy bế tắc của họ và giải quyết vấn đề
của họ. Và khi họ bỏ Ðảng cũng vì Ðảng không làm được những gì họ muốn, họ hi vọng. Phương Lệ Chi, Sakharov cũng chẳng khác. Thế còn Dương Thu Hương, Nguyễn Khắc Viện, Hoàng Minh Chính, Bùi Tín thì sao ? Thật khó mà đặt họ ở chỗ nào cho vừa lòng mọi người.

Có lẽ thật khó kiếm một người Nga không có dính dáng gì đến chế độ Cộng Sản để làm thần tượng. Họ đã theo mô hình của Mác-Lê hơn 70 năm trời. Nếu nhìn vào quá trình sinh ra và lớn lên của những con người đang làm lịch sử, họ đều là những Phù Ðổng Thiên Vương vươn lên cao trong quần chúng còn tối tăm. Thế nhưng, cũng như một bào thai, chúng ta nhìn vào tương lai 5, 10 hay 20, 30 năm sau của nó. Ðừng nhìn vào chỗ dị dạng hôm nay. Cũng đừng nhìn vào cha mẹ nó để kết án bản thân nó. Như bao nhiêu phụ nữ Việt Nam bất hạnh trên con đường vượt thoát. Bản thân họ tủi nhục, nhưng đứa trẻ trong bụng thì không. Nó vẫn có quyền sống và quyền làm ngườị Và cũng không ai cấm nó không thể là vĩ nhân. Con đường giành lại tự do và hạnh phúc cũng vậỵ Không phải một sớm một chiều chúng ta có tất cả. Nó là hành trình của nhiều thế hệ, là nỗ lực của con người mang tính chất thường xuyên chứ không phải một lần là xong. Và bao giờ nó cũng đi chung với hoàn cảnh, với thực tế. Chúng ta vui mừng, khuyến khích đứa trẻ trong bước đi chập chững vì nó đang đổi thay. Tại sao chúng ta không vui khi hài nhi dân chủ đang làm nỗ lực trong những bước đi đầu. Ðem đấu tranh và nỗ lực của một dân tộc làm trò cười là một tội lớn. Nó xúc phạm đến phẩm cách của con người. Dù Yeltsin qua Mỹ để xin viện trợ, dù Gorbachev cầu khẩn để được đứng chung trong cách phiên họp siêu cường kinh tế chúng ta cũng nên hiểu rằng những người ấy đang làm những nỗ lực to lớn nhất mà họ có thể làm để hồi sinh một xã hội, để sớm thành tựu những gì mà cả dân tộc họ ước mơ. Chế nhạo họ cũng không khác gì chế nhạo một người tàn tật đang cố khôi phục các cơ năng.

Trong cuộc đấu tranh của giới trí thức chống chế độ chuyên chính tại Ðông Âu, người khai hỏa phát súng hiệu là Yugoslav Milovan Djilas. Djilas nguyên là một con người nhiệt tình ngưỡng mộ mô thức của Liên Xô. Sau khi Nam Tư tách rời khỏi quyền ảnh hưởng của điện Kremlin năm 1948, ông ta bắt đầu xét lại những tín niệm của mình. Thế nhưng ông vẫn tự nhận mình là người Cộng Sản. Những gì làm Djilas khó chịu là hệ thống Ðảng theo kiển Lenin, một Ðảng tự nhận là đội tiền phong của giai cấp công nhân, và càng tiến dần đến độc tài, Ðảng sẽ là một cái thắng ngăn chặn con đường đi lên xã hội chủ nghĩạ Ðảng phải được giải tán ngõ hầu tạo cơ hội nhiều hơn cho quần chúng tham gia tiến dần đến chế độ không còn cơ quan nhà nước như Marx chủ trương. Tháng Giêng năm 1954, ông Djilas bị trục xuất ra khỏi Trung Ương Ðảng, rồi bị ngưng chức các nhiệm vụ khác. Sau cùng ông tự ý bỏ Ðảng sau hơn hai mươi năm trong vai trò lãnh đạo.

Từ đó, ông bị làm khó dễ và còn bị bắt giam. Năm 1956, sau khi kiểm soát chặt chẽ điện Kremlin, Khrushchev đọc một bài diễn văn hạ bệ Stalin và gây ra một phong trào ở Ðông Âu cho giới trí thức khai quật các tội ác cũ. Phong trào này chỉ mới gọi là "xét lại" (revision) chứ không phải là "cách mạng" (revolution). Cũng như Djilas, họ nhân danh những giá trị và lý tưởng của xã hội chủ nghĩa để cải cách hệ thống chính quyền. Họ muốn xây dựng một chủ nghĩa xã hội dân chủ hơn, trung thành với quan điểm của Marx và thanh lọc những méo mó và tàn ác của chế độ Stalin. Những triết gia và sử gia như Gyorgy Lukacs của Hungary, Leszek Kolakowski của Ba Lan hay Karel Kosik của Tiệp Khắc đều biện giải rằng chủ nghĩa xã hội phải đi tìm một tâm thức đạo đức cách mạng mới, những nguyên tắc mới không dựa trên phương tiện mà phải coi con người mới đích thực là cứu cánh.

Chính những người như thế, nhiệt tình với cách mạng, tin tưởng hết mình vào chủ nghĩa Cộng Sản sau đệ nhị thế chiến, lại đứng trong hàng ngũ nổi dậy năm 1956 ở Ba Lan và Hungary. Ở Hungary, những nhà văn trong nhóm Petofi ( tên một nhà cách mạng ) là thành phần đầu tiên đưa ra kêu gọi chính quyền nới lỏng kiểm soát và đưa ông Imre Nagy trở lại nắm quyền. Vụ cải cách Tháng Mười cho Giáo Hội hoạt động trở lại và tự do báo chí. Nhiều nhóm Thiên Chúa Giáo phê phán chế độ kể cả nguyệt san Wiez do Tadeusz Mazowiecki làm chủ nhiệm. Phim ảnh Tây Phương, sách vở, kịch bản tràn vào Ba Lan và tình trạng phát nhiễu âm phá rối các đài ngoại quốc cũng chấm dứt. Nghệ thuật Ba Lan được cả Âu châu chú ý. Warsaw từ một thành phố vắng lặng trở thành một kinh đô ánh sáng sống động với những giàn nhạc Jazz, vũ điệu mới, các phim ảnh mới mẻ chẳng khác gì Paris.

Thế nhưng ngày vui ngắn chẳng đầy gang. Sau khi xe tăng Liên Xô tiến vào Budapest (Hungary) năm 1956, thì lãnh tụ Ðảng Cộng Sản Ba Lan, Wladyslaw Gomulka dần dần xiết lại. Năm 1957, tạp chí Po Prostu bị đóng cửa. Tình trạng của Ba Lan chẳng khác gì Việt Nam và Trung Hoa trong thời kỳ ấy. Cởi mở một chút vì họ tưởng rằng người người đã thần phục, và cũng là cái bẫy giương ra để vét nốt những người chống đối. Trăm Hoa Ðua Nở ở Tàu cũng như vụ Nhân Văn Giai Phẩm bên ta là những phản kháng cuối mùa của người cầm bút.

Năm 1965, Karol Modzelewski và Jacek Kuron, một cựu đảng viên ấn hành một bản văn nhan đề Lá Thư Ngỏ gửi Ðảng dùng chính lý luận theo kiểu Marxisme để kết án hình thức thư lại và phương sách bóc lột công nhân. Quan trọng hơn việc nêu ra những bệnh thái của chế độ là biện pháp mà Karol và Jacek đề nghị áp dụng. Họ không đồng ý sửa đổi từ từ vì làm như vậy là tiêu diệt chế độ Cộng Sản mà phải "thực hiện một cuộc cách mạng cho phát triển." Việc thay đổi không dựa trên quan điểm chủ đạo là một cuộc đảo ngược quyền lực giữa kỹ thuật gia (chuyên) và lý thuyết gia (hồng) trong chế độ thư lại hiện tại mà là "thực hiện một cuộc đấu tranh giữa công nhân và thư lại. Chúng ta cần tiến hành một cuộc đấu tranh thực sự, của giai cấp công nhân chống lại giai cấp thư lại để hoàn thành cuộc cách mạng vô sản". Thật khó mà bắt bẻ một quan niệm hết sức trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin như thế. Nhưng Ðảng lại cho là cặp này toan chơi trò gậy ông đập lưng ông nên đưa cả hai vô tù.

Trong một chế độ mà làm cái gì cũng có thể bị nghi là phản Ðảng, khen cũng bị ngờ, chê cũng bị ghét, thật khó có chỗ đứng cho người trí thức. Vì thế những gì họ viết ra lắm khi chỉ thể hiện một phần những gì họ nghĩ. Nhiều niềm tin đã biến mất nhưng trong cách lý luận họ vẫn phải bám vào làm lá bùa đeo trong một giai đoạn. Ðối kháng với một chế độ độc tài là những cuộc đấu trí gay go, dè dặt như người dò dẫm đi trên một lớp băng mỏng, khó có thể kết luận một điều gì trong khi sự việc còn đang diễn tiến. Khẳng định một vấn đề trong khi chỉ mới có một số dữ kiện mặt ngoài, những tin tức chưa kiểm chứng sẽ làm chúng ta thiếu khách quan và vô tư. Ðó là chưa kể có thể vô tình gây những tác hại cho việc chung.

Thế nhưng đến đó không phải là hết. Lần cuối cùng sự đổi mới không thành là vụ Mùa Xuân Prague 1968. Nhiều người cho rằng Hội Nghị Liên Hiệp Những Người Cầm Bút Tiệp Khắc tháng 6 năm 1967 là điểm khởi hành của nỗ lực cải cách. Vladimir Kusin viết trong Nguyên nhân Tinh Thần của Mùa Xuân Prague:

“Vận động cải cách của Tiệp Khắc được chỉ đạo bởi một liên minh giữa giai tầng trí thức và thành phần muốn đổi thay trong Ðảng. Mục tiêu của nó thực sự chỉ là cải tổ chứ không hủy diệt chủ nghĩa Cộng Sản. Ðây là nỗ lực xây dựng một chế độ không-Stalinist, xã hội chủ nghĩa dân chủ bằng phương thức ôn hòa, không bạo lực, tránh một cuộc đấu tranh bất hợp hiến lật đổ chính quyền. Chính nó phát xuất từ Ðảng và do Ðảng thực hiện.”

Nhưng giấc mơ đó cũng không thành khi xe tăng Liên Xô rầm rộ kéo vào. Tuy bị đàn áp trên mặt nổi, chính thái độ của điện Kremlin đã khiến cho người dân Ðông Âu hiểu được sự thực. Và những khuôn mặt lớn xuất hiện từ giai đoạn này. Người ta thấy có Miklos Haraszti, Janos Kis, Laszlo Rajk ở Hungary, Adam Michnik và Jacek Kuron ở Ba Lan, Petr Uhl và Jan Kavan ở Tiệp Khắc. Ðây là những thanh niên xuất thân từ những gia đình Cộng Sản chính gốc, quyền thế và trưởng thành trong những Ðoàn Thanh niên của Ðảng. Thế nhưng cuộc xâm lăng của Liên Xô làm họ bừng tỉnh. Và họ lại chính là những người lãnh đạo các phong trào chống đối.

Trước năm 1968, nhiều người trí thức Ðông Âu, trong nhiệm vụ của một người Cộng sản, nghĩ mình đứng trong giai cấp tiên phong của cuộc cách mạng chống áp bức trên toàn thế giới. Thế nhưng đến đây họ thấy rõ vai trò của họ không phải là kẻ đi đầu mà đi bên cạnh những công nhân, không phải là kẻ giương cao ngọn cờ mà là người đi theo và hỗ trợ. Không phải chỉ người trẻ mà cả những người lớn tuổi già giặn như Giáo sư Geremek.

Geremek là người Do Thái ra khỏi trại tập trung Warsaw năm 11 tuổi, lẩn trốn Quốc Xã trong kinh hoàng. Khi chiến tranh chấm dứt, ông trở về Warsaw học môn Sử và như bao thanh niên khác chạy theo tiếng gọi của chủ nghĩa xã hội, và được trọng dụng trong chức vụ Giám Ðốc Viện Văn Hóa Ba Lan tại Paris và còn được gửi sang Washington tu nghiệp. Khi về lại Warsaw, ông giữ chức vụ Giám Ðốc Nha Sử Trung Cổ trong Viện Khoa Học Ba Lan. Thế nhưng càng đi sâu vào Sử Học, ông càng tìm ra những vấn đề của chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản nên khi nước bên cạnh là Tiệp Khắc bị đàn áp, ông từ bỏ Ðảng Cộng Sản.

Từ một học giả về chủ nghĩa xã hội, ông trở thành một lãnh tụ chống đối và hoạt động cả trong công đoàn. Năm 1980 ông đi đến Gdansk tiếp xúc với công nhân đang biểu tình để phân tích cho họ nghe về tình hình. Sự xuất hiện của ông lại được công nhân hiểu theo một nghĩa khác - đó là sự ủng hộ của tầng lớp trí thức trong vận động của công nhân. Walesa, lãnh tụ đình công nhìn ngay được tầm vóc của Geremek và nhu cầu của người đọc sách trong tổ chức nên trong khi ông đang gặp gỡ công nhân đã lẻn vào trong và trở ra với một văn thư viết tay của Chủ Tịch Ðoàn Ủy Ban Ðình công Xí Nghiệp suy cử Geremek và Mazowiecki nhiệm vụ thiết lập một bộ phận chuyên viên trong Ủy Ban. Geremek sau này có tiết lộ là Walesa và công nhân "có thể suy nghĩ rất chính trị nhưng không biết làm sao để diễn đạt nó".

Liên minh công nhân - trí thức từ đó ngày thêm chặt chẽ. Hai bên phải nương tựa lẫn nhau. Trong ngày mà họ làm lễ thành lập Công Ðoàn Ðoàn Kết, nhóm chuyên viên (trí thức đầu não ) đã họp ngay tại bãi đóng tàu trả lời thẳng cho các câu hỏi của công nhân về tất cả mọi vấn đề như độc lập, công đoàn tự trị, quyền lợi ...

Chỉ trong vài tuần, trí thức các nơi đến tham gia, nhóm chuyên viên mở rộng thành một ủy ban cố vấn trong nhiều ngành. Geremek và thành phần trí thức giờ đây mới thực là quan trọng. Quan trọng không phải vì đường lối hay tổ chức mà là vai trò điều hợp giữa công nhân và chính quyền. Họ phải đưa ra được những đòi hỏi thế nào để chính quyền có thể chấp nhận, mà chấp nhận đó lại không bị Moscow làm khó dễ.

Thế nhưng những đòi hỏi vừa phải thì hay bị hiểu lầm và chống báng. Nhiều công nhân trẻ, nhất là những người tổ chức đình công luôn luôn muốn đòi hỏi thật nhiều, muốn có mọi thứ ngay một lúc chứ không chịu tuần tự nhi tiến. Họ thường kết án trí thức không làm trong xưởng thợ, không phải là người cùng nhóm với họ, và nghi ngờ giới đọc sách toan dùng họ như những bậc thang.

Bao giờ cũng vậy, trong công tác đấu tranh, người có sức mạnh bắp thịt cũng coi thường sức mạnh tinh thần. Trong truyện Tam Quốc, các tướng của Lưu Bị không phục Khổng Minh, nghĩ mình công lao hãn mã, dày thân chiến địa mà phải nghe lời một thư sinh mặt trắng. Vì tham dự phong trào đấu tranh nên tháng 11 năm 1981 Geremek bị bắt và bị kêu án 6 năm tù. Năm 1985, ông bị trục xuất khỏi Hàn Lâm Viện Khoa Học, nơi ông đã phục vụ gần 30 năm trời. Khi bị quản thúc, ông cũng gặp nhiều khó khăn của bọn công an phường phố và bị tước nhiều quyền tự do. Tuy nhiên ông vẫn ngầm ủng hộ và giúp cho Walesa những bài diễn văn, những lời phát biểu và "luôn luôn đòi được đối thoại với chính quyền cũng như thay đổi theo phương thức hòa bình."

Năm 1988, các công nhân mỏ than đình công và vì họ ít học, bị chính quyền chế giễu về các đòi hỏi viết sai văn phạm nên lại cầu cứu ông. Lần này đấu tranh có kết quả. Chỉ vài tháng sau, chính quyền Cộng Sản phải ngồi vào hội nghị bàn tròn với Công Ðoàn Ðoàn Kết, và Geremek kêu gọi thỏa hiệp bước đầu. Công Ðoàn sẽ trở thành một Phong Trào Chính Trị được quyền tham dự vào các cuộc bầu cử bán-dân chủ.

Nhiều hoạt động viên chỉ trích ông nhưng ông đã chứng tỏ một nhãn quan sâu sắc. Ông trở thành Chủ tịch Uy Ban Công dân Ðoàn Kết lãnh đạo cuộc vận động tranh cử của công nhân. Chính ông cũng được 80% phiếu bầu tại nơi ông ứng cử và là lãnh tụ Công Ðoàn trong quốc hội. Ông không còn viết sử mà là làm lịch sử.

Thế nhưng khi đề cử một người ra làm Thủ Tướng Walesa đã chọn Mazowiecki chứ không chọn Geremek vì ông là người Do Thái, nhất là ông từng là một người của Ðảng Cộng Sản lâu năm. Hơn thế nữa, trong nhiệm vụ Chủ Tịch Ủy Ban Công Dân ông đã tự tạo cho mình một thế đứng độc lập. Mazowiecki trái lại là một tín đồ Cơ Ðốc Giáo thuần thành, tuân hành lề lối của Giáo Hội và tương đối dễ bảo. Thế nhưng ông không vì bị bỏ rơi mà phiền trách Walesa. Có lẽ vì thế mà sau này khi đắc cử Tổng Thống, ông lại được Walesa chọn làm Thủ Tướng.

Trong khi giới trí thức của Ba Lan tuy đóng một vai trò then chốt trong vận động đấu tranh nhưng không leo lên được đỉnh cao quyền lực, thì ở Tiệp Khắc cách mạng lại do một kịch tác gia chỉ đạo. Ðó là ông Vaclav Havel.

Dáng dấp nhu mì, nhỏ nhẹ trông ông không có vẻ là một lãnh tụ chính trị. Ông ta cũng không có nhiều kinh nghiệm xuống đường. Trong suốt hai mươi năm, ông chỉ miệt mài viết văn, làm thơ, soạn kịch. Những bài tiểu luận của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới nhưng lại phổ biến rất hạn chế trên chính quê hương mình. Ðức tính đã đưa ông lên vai trò lãnh tụ là niềm tin sắt đá, nhiệt tình có một không hai về lòng yêu nước, về hào quang của dân tộc Tiệp. Chính vì thế ông được tặng danh hiệu "Người Bảo Vệ Lương Tâm giòng giống Tiệp." Người ta vẫn bảo ông là một vị thánh, một con người tuyệt đối trung thành với lý tưởng của mình.

Trong thời gian qua, nhờ tác quyền từ các nước Tây Phương, ông sống tương đối phong lưu so với mọi ngườị Nhưng chính quyền cũng vin vào đó để kết tội ông và tịch thu nhiều tài liệu quí giá. Ðối phó với chính sách dòm dỏ của nhà cầm quyền, không như những lãnh tụ đấu tranh khác, ông sống thật tự do, tỉnh bơ coi công an chẳng ra gì. Ông sử dụng telephone để liên lạc với đồng chí, ngồi ngay giữa phòng bàn thảo việc phát hành tờ báo bí mật trong khi bốn phía mật vụ bao quanh.

Chính lối sống "yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu" (thơ Phùng Quán) của ông đã biến ông thành một anh hùng, một thần tượng. Ông nói rằng:

“... người ta trở thành chống đối khi người ta có tinh thần trách nhiệm , muốn làm tròn phận sự nhưng bị gán cho tội kẻ thù của xã hội chủ nghĩa.”

Havel là con một chủ tiệm ăn, gia đình khá giả ở Prague. Ông sinh ngày mồng 5 tháng 10 năm 1936, thân hình mảnh dẻ nên khi còn bé hay bị trẻ con khác bắt nạt. Khi Cộng Sản lên nắm quyền, gia sản bị tịch thu, ông phải lao mình vào làm việc để mưu sinh rồi học thêm buổi tối. Vì sự thành công của vở kịch đầu tay - Bữa tiệc trong vườn - ông được tuyển làm Giám Ðốc Nghệ Thuật cho một rạp hát nổi tiếng ở Prague.

Năm 1964, ông kết duyên với cô Olga Spichalova, một người tạp dịch ở rạp hát. Quả là trái ngược khi ông thật trí thức mà vợ ông thật bình dân. Thế nhưng đó lại là một cuộc hôn nhân thật đẹp. Bà vợ có tất cả những gì ông cần, một người bộc tuệch phê bình văn ông, đọc các bản thảo và giúp ông trở thành một người hiểu rõ tâm hồn của quần chúng.

Kịch bản số hai, Memorandum được trình diễn hồi năm 1965 chế giễu phong cách thư lại bằng một lối văn dí dỏm, thâm trầm. Từ đó, các vở kịch do ông viết luôn luôn được quần chúng ủng hộ nồng nhiệt và khi trình diễn ở bên ngoài, ông được mời sang Washington để dự buổi khai mạc.

Năm 1968, khi Xô viết xâm lăng Tiệp Khắc, ông phản đối chính quyền trên đài sóng ngắn ở Liberec, miền bắc Bohemia. Vì thế sau khi " dẹp tan bọn phản động " nhà cầm
quyền ra lệnh tịch thu các tác phẩm của ông đang bán trong các tiệm sách, hay tàng trữ trong các thư viện. Các vở kịch cũng bị cấm diễn.

Cuối năm 1976, sau khi nhiều nhóm văn nghệ sĩ bị đàn áp, ông cùng 241 nhà văn, nhà trí thức quyết định thành lập Phong Trào Hiến Chương 77 (Charter 77 Movement). Ông là một trong ba phát ngôn viên của phong trào nàỵ Cũng chính ông là người soạn Bản Tuyên Ngôn phát hành ngày mồng 1 tháng Giêng năm 1977. Tuyên ngôn kêu gọi "trả lại quyền tự do phát biểu, tự do tín ngưỡng" và chấm dứt các phương thức dò thám xâm phạm đời tư "như nghe lén điện thoại, kiểm duyệt thư, xét nhà, tổ dân phố ...". Chỉ 24 giờ sau, ông và 4 đồng chí bị bắt, nhà bị lục soát. Ông bị giam 5 tháng trước khi tòa tuyên án 14 tháng tù treo.

Năm 1979, ông lại bị bắt và bị kết tội " âm mưu lật đổ chính quyền" và bị kêu án 4 năm rưỡi trong xà lim quản chế đặc biệt. Muốn khỏi tội, ông chỉ có cách xin đi tị nạn ở nước ngoài như nhiều văn sĩ trước đây nhưng ông không chấp nhận biện pháp đó. Ông tuyên bố:

“Giải pháp không phải là bỏ nước ra đi là có được. Mười bốn triệu dân Tiệp không thể tất cả cùng đi.”

Trong trại tù, ông phải lao động khổ sai, làm thợ hàn. Sức yếu, ông thường không đủ sức đạt chỉ tiêu. Ông lại bị cấm không được viết trừ viết thư cho vợ một tuần một lần trong vòng 4 trang. Nội dung phải là vấn đề cá nhân, nếu có gì khác là bị tịch thu ngaỵ Trong bốn năm liền như thế.

Ông phải chuyển đề tài viết cho Olga những vấn đề triết học. Bọn quản ngục thật điên đầu khi phải đọc "Trật Tự Tinh Thần" hay " Trật Tự Của Hiện Hữu ". Bọn chúng gầm lên:

- Những trật tự mà anh phải nhớ không phải là những trật tự quái quỉ này mà là trật tự nhà giam, hiểu chưa ?

Khả năng to lớn của Havel là trình bày những vấn đề trừu tượng bằng hình thức thân mật, cá nhân. Trong một câu chuyện ông viết, ông kể một chủ nhiệm tiệm bán rau quả luôn luôn phải đặt khẩu hiệu " Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại!" giữa các mớ rau. Chẳng ai thèm để ý, nhưng nếu gã không làm thế thì sẽ bị mất hết các quyền lợi, con không được vào đại học. Cả một xã hội sống như thế, vì sợ sệt lẫn nhau. Muốn cải tổ chế độ Cộng Sản, ông quan niệm rằng phải làm cho gã bán rau quăng khẩu hiệu đó đi và "con người phải sống bằng sự thật."

Havel cũng thẳng thắn nói rằng Mikhail Gorbachev không phải là đấng cứu tinh, mà "mỗi người phải là một cứu tinh." Quan điểm sống trong sự thật tưởng như có vẻ triết học - nhiều thiền tính như chúng ta suy nghĩ - nhưng thực ra chỉ là nói và làm đi đôi với nhau, sống thực với chính mình. Không thể tay phải ký tuyên ngôn nhân quyền, tay trái bỏ tù những người phê phán chế độ. Havel nhấn mạnh:

Khi một chế độ mà căn bản của nó dựa trên sự lừa bịp, láo khoét thì kẻ thù nguy hiểm nhất, đe dọa to lớn nhất chính là "SỰ THẬT." Nếu một cá nhân dám nói lên sự thật, dù bị trấn áp, cũng mạnh hơn cả ngàn lá phiếu vô danh.

Tháng 11 năm 1989, khi nhân dân các nước Ðông Âu nổi dậy lật nhào các chế độ chính trị của người Bolshevik, và ngay trên nước Nga, chủ nghĩa Cộng Sản cũng đang "tan rã từng mảng lớn" chính vì con người đã biết và đã dám nói lên sự thật. Người Cộng Sản dù vẫn cầm khẩu súng trong tay, nhưng họ không còn ý chí để sử dụng nó nữa.

Năm 1989, nhiều binh sĩ trong đoàn quân được điều về trấn áp thanh niên tại Thiên An Môn đã khóc khi họ bị ép buộc bắn vào những người mà họ cho rằng đang hành động đúng. Thảm án Thiên An Môn xảy ra vào một thời kỳ mà tuyệt đại đa số vẫn sợ hãi sức mạnh của nhà cầm quyền Cộng Sản. Nếu xảy ra một năm sau, chính tình Trung Hoa chắc khác nhiều khi nơi nơi đều đã thành công. Tuy nhiên, dù máu chảy, thịt rơi, bài học lớn nhất mà con người nhận được ở đây là họ đã dám nhìn vào sự thật, đã dám hiểu sự thật.

Trong vài năm qua, tại Việt Nam khi chính quyền Cộng Sản phải chấp nhận ít nhiều những lời nói thật, họ đã nhìn nhận là niềm tin vào chế độ đã lung lay. Dù sự thật đó do ai nói ra, do những người chống chính quyền hay do chính các viên chức lãnh đạo thì vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống, đặt lại nhiều vấn đề trong xã hội.

Sinh hoạt dân chủ bắt đầu bằng tháo gỡ NỖI SỢ, biến những người máy vô hồn thành kẻ có lương tri. Tôi còn nhớ khi mới bước chân vào trường Thủ Ðức, các tân khóa sinh hành động một cách tuyệt đối, không sai chạy. Khung cảnh huấn luyện đã làm tiêu tan năng lực đối kháng. Thế nhưng khi sắp ra trường, vẫn khung cảnh đó, con người đó nhưng cung cách trở nên khác hẳn. Nỗi sợ đã ra đi, một phần vì ngày ra đơn vị gần kề, phần khác vì mình dã trở thành một phần tử của cộng đồng đó. Khi người ta đã quen với khung cảnh, lối hành xử cũng khác theo. Người dân miền Nam năm 1975 phản ứng theo bản năng "tàn dư" của chế độ cũ nhưng đến năm 1990 thì hành vi chống lại chính quyền không còn như thế nữa mà là hành vi của kẻ bị trị chống lại thống trị. Từ bí mật, lén lút chúng ta đã chuyển sang đối diện, đối thoại, đưa yêu sách đòi nhà cầm quyền phải giải quyết. Từ một bầy nô lệ, con người tiến đến đòi hỏi nhà cầm quyền công nhận là một thực thể cần quan tâm.

Xét trong lịch sử, một bài hịch Bình Tây thời Cần Vương nội dung không thể giống Bức Thư Gửi Toàn Quyền nước Ðại Pháp tại Ðông Dương của Nguyễn Thái Học. Cùng một mục tiêu nhưng thời thế đã khác, hoàn cảnh cũng khác. Một cuộc kháng chiến và một cuộc vận động có nhiều điểm bất tương đồng. Ý thức được xã hội có nhiều điều cần thay đổi là một tiến bộ. Bắt chính quyền phải công nhận một đoàn thể, một thành phần như một thực thể hiện hữu là một tiến bộ khác. Trên căn bản và nguyện vọng ấy, muốn người Cộng Sản công nhận sự hiện hữu của các đoàn thể đấu tranh, thì thành phần đối lập cũng phải nhìn họ như một thực tế. Khi đấu tranh với một kẻ địch là công nhận sự có mặt của kẻ địch đó. Trong thời buổi của biến chuyển, thật khó phân định ranh giới giữa đòi hỏi cải tổ và làm cách mạng.

Khi một chế độ chuyên chính sụp đổ, những người cầm quyền không mấy khi anh hùng mạt lộ như Hạng Võ ở Ô Giang, Sùng Trinh ở Môi Sơn, Hồ Quí Ly ở Cao Vọng. Họ sụp đổ vì những gì trước đây là bảo bối nay trở thành đất bùn như chiếc nỏ thần của An Dương Vương. Những bảo bối đó là niềm tin về ý thức của quần chúng và đảng viên rơi rụng theo làn sóng của truyền thông, sức mạnh quân sự không thể dùng để đối phó với thân nhân những người cầm súng. Những người bảo vệ và những người xô đổ cùng một môn phái, cùng một thầỵ Ðó là một cuộc tranh tài giữa Bàng Quyên và Tôn Tẫn.

Khi Havel đứng trước đám đông ở quảng trường Wencselas, và mỗi lúc đoàn người một lớn, ông kêu gọi" hãy đối thoại với Ðảng Cộng Sản Tiệp Khắc chứ không phá hủy nó". Ông khuyến khích quần chúng đừng trả thù và đám đông đáp lại:

“Chúng ta không giống họ!”

Từ nay Havel trở thành tiếng nói của nhân dân Tiệp Khắc, các nhóm chính trị, các nhóm trí thức kể cả Diễn Ðàn Công Dân đều đứng sau lưng ông. Ông liên minh với các đoàn thể đối lập tại các quốc gia bạn để biến những phong trào lẻ tẻ thành một giòng thác vĩ đại.

Tháng 12 năm 1989, ông ra tranh cử Tổng Thống và đắc cử vẻ vang. Tuy nhiên ông vẫn sống thật giản dị và ước mơ một ngày quay trở về với ngọn đèn, cây bút.

Khi lên nắm quyền, một quan tâm khác của ông là những tranh chấp cũ từ thời tiền chiến phải được dàn xếp, trong đó có những vấn đề biên giới Ba Lan - Tiệp Khắc. Walesa phải công nhận rằng Havel là một con người lỗi lạc dám nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận nó để tránh những bế tắc trong việc phục hồi khối Ðông Âu. Một ưu tư khác là tình trạng xã hội suy thoái, một xã hội dễ dàng đẻ ra một chế độ độc tài mới. Ông nói:

Chúng ta được đào tạo để hoài nghi tất cả, không tin vào ai, sống chỉ cho mình mà không quan tâm đến người khác. Những quan niệm về tình yêu, tình bạn, từ bi, lân tuất, độ lượng đã mất đi chiều sâu và chiều rộng, và trong nhiều người chỉ còn là những băn khoăn tâm lý, hiện ra chẳng khác gì một lữ hành đi vắng đã lâu nay quay trở về nhà.

Người ta hay nhìn vấn đề chính trị bằng nhãn quan thiện ác, trắng đen rõ rệt. Havel không phải là người như thế. Ông là một nhà trí thức, có tầm vóc thực sự. Ông nhìn đời không bằng tuyệt đối mà bằng tương đối, không phải đơn giản mà cực kỳ phức tạp. Tất cả đều nhạt nhòa, hòa lẫn với nhaụ Thế nhưng chính quan điểm đó là quan điểm cần thiết nhất cho một giai đoạn muốn quên đi quá khứ để hướng về tương lai. Ông có cái tâm của Khổng giáo "dĩ trực báo oán" nhưng lại luôn luôn muốn dùng "dĩ đức báo oán" khi ông nhận thấy xử sự như thế sẽ làm bớt đi những đổ vỡ cho dân tộc ông, quốc gia ông.


 

Trở về trang chính