Người Lao Động Cần Có Công Đoàn Thực Sự Của Mình
Minh Đức
Từ khi Việt Nam chuyển qua kinh tế thị trường, tư bản đã vào
mở nhà máy ở Việt Nam và nhiều người làm trong các xí nghiệp của tư nhân. Đồng
thời với những nhà máy mọc lên là các cuộc đình công liên tiếp xảy ra để chống
sự bóc lột của chủ nhân, đòi hỏi quyền lợi cho công nhân .
Các cuộc đình công đều do tự phát, nghĩa là do công nhân tự động ngưng làm việc, đứng ra nói chuyện với chủ chứ không do công đoàn của nhà nước phát động.
Với kinh tế tự do và các vụ đình công tự phát thì người ta thấy sự cần thiết phải có công đoàn thực sự là của công nhân vì công đoàn của nhà nước không tích cực bênh vực công nhân . Thậm chí có trường hợp công nhân bị chủ nhân đánh đập, cơ quan an ninh của chính quyền đã không trùng phạt những kẻ bạo hành một cách thích đáng . Điều đó có nghĩa là công đoàn của nhà nước, và cả chính quyền không đóng vai trò tích cực bảo vệ quyền lợi cho công nhân .
Các tổ chức công đoàn do đảng CS lập ra trên thực chất không phải là để bảo vệ quyền lợi cho giai cấp công nhân mà để bắt công nhân vào tổ chức của đảng CS để phong trào công nhân không thể đi ra ngoài đường lối của đảng CS . Đó là lối tổ chức của các chế độ độc tài toàn trị: bắt tất cả mọi các nhân phải nằm trong ít nhất một tổ chức nào đó của nhà nước như Hội Phụ Nữ, Hội Phụ Lão, Đoàn Thanh Niên, Mặt Trận Tổ Quốc... Các tổ chức này không phải đặt ra để phục vụ cho quyền lợi của các tầng lớp nhân dân mà để chính quyền kiểm soát, lèo lái nhân dân theo hướng mà chính quyền muốn.
Có viên chức nhà nước còn nói rằng "vai trò của công đoàn không phải là đòi tăng lương cho công nhân mà giải thích cho công nhân biết về mức lương mà họ nhận được" . Giải thích cho công nhân biết về mức lương của họ nhận được tức là muốn cho công nhân chấp nhận mức lương của họ đang nhận mà không đòi hỏi thêm . Việc làm của công đoàn nhà nước như vậy là đứng về phía chủ nhân chứ không phải là về phía công nhân, vì chủ nhân thì muốn công nhân nhận mức lương của chủ nhân trả mà không nên đòi hỏi gì thêm .
Chẳng phải chỉ đến thời kinh tế thị trường mà đảng CS mới lộ nguyên hình là đảng bóc lột công nhân, nông dân mà từ khi lên nắm chính quyền và tổ chức một chế độ độc tài cực quyền thì đảng CS không còn là đảng đại diện cho giai cấp công nhân và nông dân nữa rồi .
Công nhân ở dưới chế độ XHCN trước đây không có quyền lập công đoàn cho chính mình và không có quyền đình công . Điều này có nghĩa là công nhân tại các nước XHCN ít quyền hơn giai cấp công nhân tại các nước tư bản . Tại các nước tư bản, công nhân còn có quyền đình công đòi tăng lương, còn tại Liên Xô trước đây, nhà nước trả lương ít ỏi cho công nhân mà công nhân không được than van, không được đình công đòi tăng lương . Ai dám than thở là lương trả ít, đời sống khó khăn thì bị ghép tội phản động, cho đi tù .
Nông dân ở Liên Xô trước đây phải làm việc cho nông trường nhà nước mà thực chất họ chỉ là những nông nô . Gọi họ là những nông nô vì họ không có quyền bỏ ông chủ để đi làm cho ông chủ khác . Chỉ có một ông chủ là nhà nước . Nông dân nào bỏ nông trường ra ngoài thì nhà nước không cung cấp nông cụ, phân bón cho vì thế nông dân bị buộc chặt vào nông trường nhà nước dù trong bụng không muốn . Khi người lao động không có quyền yêu sách, đòi tăng lương, đòi cải thiện điều kiện làm việc thì người lao động đó đáng bị gọi là nô lệ .
Vì chế độ kinh tế bao cấp ở Liên Xô bóc lột công nhân và nông dân quá đáng nên công nhân và nông dân chán nản không muốn làm việc . Do đó năng suất tại các nước XHCN rất thấp . Các đảng CS tại các nước tổ chức theo kiểu Stalinist trên thực chất là một đảng cực hữu chứ không phải là đảng cực tả nữa vì các đảng CS này đã trở thành ông chủ, nhân danh nhà nước mà bóc lột người lao động chứ không bênh vực quyền lợi cho người lao động .
Nay khi chuyển sang kinh tế thị trường, bản chất bóc lột người lao động của đảng CS vẫn y như vậy . Nhưng vì ngày nay, xã hội tại Việt Nam không còn bị bưng bít kín mít như ngày xưa nên thỉnh thoảng có những mẩu tin cho thấy tổ chức công đoàn, chính quyền không tích cực bênh vực người lao động như khi có tranh chấp chủ thợ. Thật ra trước đây người lao động tại các nước XHCN cũng đã bị đối xử tệ bạc rồi .
Nhiều cán bộ vẫn còn quan niệm coi việc biểu tình, đình công là gây rối cho xã hội mà không coi đó là cái quyền giai cấp công nhân phải được hưởng để người công nhân có phương tiện mà tranh đấu cho quyền lợi của mình . Có người vẫn đem kể những chuyện công nhân đình công, biểu tình đòi tăng lương ở các nước khác coi đó là dấu hiệu bất ổn của xã hội rồi lại nói là ở Việt Nam đời sống nhân dân vẫn thanh bình vì không có đình công là biểu hiện của cái nhìn coi việc công nhân đình công, biểu tình đòi tăng lương là làm rối loạn xã hội, là chuyện bất hợp pháp .
Thật ra công nhân thành lập công đoàn, đình công là điều tự nhiên tại các nước tự do dân chủ . Được thành lập công đoàn riêng cho mình và được đình công, biểu tình là quyền người dân được quyền có và nhà nước phải tôn trọng các quyền các quyền này .
Nhờ nhà nước tư bản tôn trọng quyền thành lập công đoàn tư và quyền đình công mà công nhân tại các nước tư bản có thể tranh đấu cho quyền lợi của mình . Nhờ vậy mà đời sống công nhân dưới chế độ tư bản ngày nay được cải thiện, được bảo đảm hơn rất nhiều so với thời Karl Marx viết Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng Sản . So sánh xã hội tư bản với các nước XHCN Đông Âu cùng thời kỳ thì trong khi đời sống công nhân tại các nước tư bản ngày càng được cải thiện thì đời sống công nhân tại các nước XHCN lúc đó dậm chân tại chỗ . Lương bổng ít không đủ khuyến khích công nhân hăng hái làm việc . Kết quả là công nhân tuy biết là mình bị nhà nước XHCN bóc lột nhưng không thể lật đổ chính quyền thì phản ứng một cách tiêu cực, làm việc lười biếng, lơ là . Nguyên do tình trạng trì trệ kinh tế tại các nước XHCN trước đây phát xuất từ quan niệm của các nhà lãnh đạo chế độ CS coi việc công nhân đình công, đòi tăng lương là hành động gây rối, chống đối chính quyền . Quan niệm sai lầm này gây ra đau khổ cho giới công nhân và làm thiệt hại cho kinh tế quốc gia .
Khi lãnh đạo công đoàn do nhà nước hay đảng cầm quyền đề cử ra thì họ sẽ có khuynh hướng làm việc theo sự chỉ đạo của chính quyền hay đảng . Vì muốn bảo vệ địa vị của mình, lãnh đạo công đoàn sẽ không làm những gì phật ý chính quyền hay đảng. Họ không quan tâm đến việc làm cho công nhân hài lòng hay không . Nếu chính quyền hay đảng có chia chác quyền lợi với giới chủ nhân thì công đoàn của chính quyền sẽ kìm giữ cho công nhân đừng tranh đấu để khỏi làm thiệt hại cho quyền lợi của giới chủ nhân . Còn nếu lãnh đạo do chính công nhân lựa chọn và bầu lên mà không có bàn tay của chính quyền nhúng vào thì các lãnh tụ công đoàn này sẽ phải làm theo ý nguyện của công nhân vì nếu không lần bầu cử sau, họ sẽ không được bầu cho nữa.
Cuộc cách mạng dân chủ xảy ra tại Ba Lan trên thực chất là cuộc cách mạng của giai cấp công nhân chống lại sự bóc lột của nhà nước lãnh đạo bởi đảng CS, một đảng tự cho là đại diện cho quyền lợi của công nhân nhưng lại cấm công nhân không được đình công, không được yêu sách đòi quyền lợi . Quả thật thế! Phong trào Công Đoàn Đoàn Kết khởi đầu chỉ là Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân. Vì họ thật sự tranh đấu với lãnh đạo xí nghiệp, tức là chủ nhân, là nhà nước, nên họ được đông đảo công nhân xưởng đóng tàu Glank ủng hộ . Ngày nay xem lại đoạn phim tài liệu về cuộc đối thoại giữa đại diện của Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân và ban lãnh đạo xưởng đóng tàu thì nội dung cuộc đối thoại chỉ là đòi hỏi cải thiện điều kiện làm việc và trả lương cho công nhân . Đó là nội dung tiêu biểu của các cuộc thảo luận giữa công đoàn và chủ nhân tại các nước tư bản . Trong cuộc đối thọai được bắc loa ra ngoài sân cho toàn thể công nhân nghe, một vị lãnh đạo nói đại diện công nhân rằng thật ra những người lãnh đạo xưởng đóng tàu cũng chẳng có quyền lợi đặc biệt gì hơn các công nhân khác . Một chị công nhân phản đối ngay, nói đó là những lời dối trá vì những người lãnh đạo xưởng đóng tàu có những phòng ăn riêng, có những đặc quyền mà giai cấp công nhân không có .
Trong khi một số người đem việc công nhân các nước đình công, biểu tình ra để đưa ra hình ảnh xấu của các nước khác thì cái hình ảnh người dân Việt sống một cách yên ổn, thanh bình để chứng minh cái ưu điểm của chế độ không cho công nhân có công đoàn riêng cho mình thì hình ảnh thanh bình chỉ là hình ảnh giả . Trên thực tế, hiện nay tại Việt Nam có nhiều hãng xưởng do tư bản ngoại quốc làm chủ đang bóc lột công nhân Việt nhưng vì các công nhân này không được quyền thành lập công đoàn riêng cho mình, không được quyền đình công nên họ phải chịu để cho chủ bóc lột hoặc phải tự ý đình công không thông qua công đoàn nhà nước .
Vụ nổi loạn của 10 ngàn nông dân Thái Bình năm 1998 chiếm trụ sở chính quyền trong suốt 3 tháng vì họ bị thu thuế nặng quá đâu phải là dấu hiệu thanh bình ! Tại các nước tự do dân chủ khác mấy năm gần đây đâu có vụ nổi loạn của dân nào qui mô đến mức như vậy ? Năm 1997, hơn 20 ngàn nông dân tỉnh Giang Tây, Trung Quốc cũng đã nổi loạn chiếm trụ sở chính quyền cả tháng cũng vì bị thu thuế nặng . Vụ biểu tình của hàng ngàn người Thượng tại Tây Nguyên vào năm 2001 và 2004 . Tại các nước Anh, Pháp, Mỹ, Hàn quốc, Singapore, Mã Lai, Thái Lan... vào thời kỳ đó đâu có vụ nổi loạn nào qui mô đến mức như vậy ? Trong khi đó tại các nước này có thể xảy ra những vụ đình công hay biểu tình rất lớn . Vào năm 2003, tại Ý đã có vụ biểu tình với 4 triệu công nhân xuống đường, tại Đức có vụ biểu tình với hơn 1 triệu công nhân . Nhưng đây là các vụ biểu tình mà người đi biểu tình xong rồi thì về nhà, ăn cơm với gia đình, chơi với con cái chứ không phải là họ chiếm trụ sở chính quyền, đánh nhau với công an, quân đội như tại Việt Nam và Trung Quốc .
Điều trên cho thấy là nếu không cho nhân dân được quyền thành lập tổ chức tranh đấu, không cho đình công, biểu tình thì không phải vì vậy mà dẹp được nỗi bất bình của người dân . Không được công khai biểu lộ một cách hợp pháp thì nỗi phẫn uất nổ ra một cách bạo động, bất hợp pháp . Mà sự chống đối bằng bạo động, bất hợp pháp thì thường gây ra thiệt hại về sinh mạng, tài sản nghĩa là có hại cho xã hội và quốc gia nhiều hơn là sự chống đối một cách ôn hòa, hợp pháp .
Một số nhà báo Tây phương có nhận xét là tại Trung Quốc hiện nay, càng ngày các cuộc biểu tình của công nhân càng có tổ chức hơn và có những công đoàn chui do công nhân tự thành lập . Đó là dấu hiệu của sự đoàn kết của giới vô sản tại Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn . Rồi đây, Trung Quốc dần dần sẽ tiến đến chỗ phải công nhận để cho công nhân và người lao động nói chung có công đoàn riêng của mình . Đây là những công đoàn thực sự đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân mặc dù đảng CS hay giới chủ nhân có muốn hay không .
Minh Đức