<%@ page contentType="text/html; charset=utf-8" language="java" import="java.sql.*" errorPage="" %> Ke Co Nguoi Khong
Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

Kẻ có, người không: Mầm bạo loạn Trung Quốc

Joseph Kahn (Nguyễn Bá Trạc dịch)

VẠN CHÂU, Trung Quốc - Vụ đối đầu, thoạt tiên xẩy ra rất tầm thường. Một người đàn ông gánh cái bao tải, đi ngang một cặp vợ chồng bên lề đường. Cái bao quẹt phải ống quần người vợ, để lại vết bùn. Thế là cãi cọ. Rồi ẩu đả.

Ðáng lẽ mọi chuyện có thể bỏ đi dễ dàng, nhưng một trong hai người đàn ông, ông Dư Quý Khôi, là một người phu khuân vác thấp kém. Người đàn ông kia, ông Hồ Quyền Tung, lại khoe là cán bộ chính quyền. Ông Tung lấy cái đòn gánh của ông Khôi mà đánh người phu khuân vác này, rồi dọa giết ông ta.

Tại Vạn Châu, một thành phố cảng bên bờ sông Dương Tử, thì đây là một câu chuyện gây kích động. Người qua lại truyền miệng là cán bộ cao cấp hiếp đáp một người phu nghèo khổ. Thế là trời vừa sẩm tối, hàng chục ngàn người đông đảo tụ đến quảng trường trung ương Vạn Châu, họ lật úp xe chính phủ, đánh nhau với công an, châm lửa đốt tòa thị sảnh.

Một vụ cãi cọ nhỏ nhặt trên đường phố khơi thành một biến loạn tập thể. Ðảng Cộng Sản, vốn ám ảnh với công tác củng cố ổn định xã hội, ít có gì đáng để e sợ hơn. Tuy thế, vụ nổi dậy ở Vạn Châu, xẩy ra ngày 18 tháng Mười 2004, chỉ là một trong hàng chục biến động đã xẩy ra ba tháng qua, trong đó nhiều vụ nổ ra vì chính quyền tham nhũng, công an lộng hành, và vì tình trạng bất bình đẳng với những người giầu có nhiều khả năng móc ngoặc với thế lực.

“Nhân dân đều có thể thấy chính quyền tham nhũng thế nào, trong khi họ vất vả không kiếm đủ miếng ăn,” ông Dư Quý Khôi kể lại vụ biến động - một vụ nổi dậy đã biến ông thành một anh hùng vô sản trong phút chốc, nhưng sau đó đã lại đẩy ông vào tình trạng bị cách ly. “Xã hội chúng tôi có một cái ngòi nổ rất ngắn, chỉ chờ mà bắt lửa.”

Mặc dù Trung Quốc đang trải qua một trong những thời kỳ phát triển kinh tế ngoạn mục nhất lịch sử, nhưng Trung Quốc cũng đang gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì trật tự xã hội, kể từ phong trào dân chủ Thiên An Môn 1989 đến nay.

Thống kê công an cho thấy việc phản đối của công chúng đã lên đến gần 60,000 vụ trong năm 2003, tăng gần 15 phần trăm so với năm 2002, và tăng gấp tám lần so với một thập niên trước. Lệnh giới nghiêm và binh sĩ các lực lượng bán quân sự đã phải thường xuyên sử dụng đến để tái lập trật tự mỗi khi công an mất kiểm soát.

Trung Quốc không có một phong trào lao động kiểu Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan. Những vụ phản đối xẩy ra nhiều như thế, một phần có thể vì đây là những vụ nhỏ, biểu lộ bất mãn trong địa phương do vấn đề sa thải, chiếm đất, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, căng thẳng chủng tộc, lạm dụng công quỹ, cưỡng bách di cư, lương bổng không trả, hoặc bị công an giết hại. Tuy thế, vài vụ biểu tình lớn, như xẩy ra tại Vạn Châu, đã cho thấy dân chúng, với những căn cớ khác nhau, có thể nắm lấy cơ hội để cùng biểu lộ những bất bình.

Gần đây, công an đã bắt một số người hoạt động bảo vệ cho quyền lợi nông dân, họ bị ngờ là tham gia vào công tác phối hợp các hoạt động biểu tình phản đối trên toàn quốc. Những vụ bắt bớ ấy cho thấy sự lo ngại của chế độ nhà nước độc đảng, đã phản ứng cảnh giác ngay cả với những dấu hiệu lờ mờ của một hình thức đối lập có tổ chức.

Vương Kiến, chuyên viên nghiên cứu tại trường đảng ở Trường Xuân (thủ phủ tỉnh Cát Lâm, Ðông Bắc Trung Quốc,) nói con số và kích thước những vụ biểu tình phản đối đã gia tăng vì “các va chạm và ngay cả xung đột bạo lực giữa những nhóm quyền lợi khác nhau” trong nền kinh tế gần-như-là-kinh-tế-thị-trường của Trung Quốc.

“Những biến động tập thể này gây tai hại nghiêm trọng cho trật tự xã hội, làm suy yếu thẩm quyền chính phủ, tạo nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong và ngoài nước,” ông Vương Kiến viết trong một bài nghiên cứu gần đây.

Sau phiên họp hoạch định hàng năm vào tháng Chín, các lãnh tụ thượng tầng Trung Quốc nói “sự sống và cái chết của đảng” là nằm trong vấn đề “cải thiện quản lý,” việc mà họ định nghĩa là phải làm cho cán bộ đảng bớt tham nhũng và phải đáp ứng đến những quan tâm của công chúng.

Nhưng phương cách duy nhất mà nông dân và công nhân có thể đưa khiếu nại là chuyển qua hệ thống các sở thỉnh nguyện, di sản của lối cai trị đế chế. Một cuộc thăm dò do ông Du Kiến Nhung, một nhà xã hội học hàng đầu của Viện Khoa học Xã hội Bắc Kinh mới thực hiện, cho thấy rằng những thỉnh nguyện đưa lên chính phủ trung ương trong năm 2003 đã gia tăng 46 phần trăm so với năm trước, nhưng chỉ hai phần trăm của 1 phần trăm số người sử dụng hệ thống này cho biết có hiệu nghiệm.

Trong tháng Mười Một 2004, có đến 100,000 nông dân tỉnh Tứ Xuyên, bực bội vì những thỉnh nguyện chống lại một dự án xây đập lấy đất của họ đã nhiều tháng mà không có kết quả, họ bèn tự giải quyết bằng chính tay họ. Họ chiếm lấy các công sở hạt Hán Nguyên và ngăn chận công tác ở địa điểm xây đập trong nhiều ngày. Chính quyền phải sử dụng đến 10,000 binh sĩ bán quân sự mới dập tắt được vụ bất ổn này. Cũng tháng Mười Một, tại Vạn Vinh, tỉnh Sơn Tây, Trung bộ Trung Quốc, có hai nhân viên công an bị giết vì công nhân xây cất phẫn nộ

tấn công một đồn công an, sau khi xẩy cãi cọ vì chuyện lưu thông. Vài ngày sau, tại Quảng Ðông, vùng cực nam Trung Quốc, bạo loạn lại xẩy ra, một trạm thu tiền bị đốt, sau khi một phụ nữ khiếu nại là đã bị tính tiền quá nhiều khi sử dụng cầu. Giữa tháng Chạp, bạo lực điên cuồng cũng lại nổ ra tại một làng ở Quảng Ðông với đầy công nhân di cư, sau khi công an bắt một người thợ 15 tuổi về tội ăn cắp một cái xe đạp, và đánh chết người thợ này. Báo chí Hồng Kông tường thuật có đến 50,000 người di cư tham dự vụ bạo loạn.

Ở Vạn Châu, thoạt tiên các viên chức chính quyền xử lý vụ bạo động trong tháng Mười như là một tai nạn. Họ ra lệnh cho Hồ Quyền Tung lên truyền hình tuyên bố rằng ông ta chỉ là một người bán trái cây thôi, chứ không phải là cán bộ nhà nước, và việc ông ta đối đầu với Dư Quý Khôi là một lỗi lầm. Công an bắt giam vài chục người, tuyên bố trật tự đã vãn hồi.

Nhưng vụ nổi dậy gây báo động cho thủ đô. Bắc Kinh nói với các viên chức địa phương là họ sẽ bị cách chức, nếu họ không ngăn ngừa để cho những vụ này tái phát, các ký giả Trung Quốc kể lại vụ này cho biết. Ông La Cam, thành viên trong ủy Ban Thường trực Bộ Chính trị, ra một chỉ thị toàn quốc, cảnh cáo rằng “những biến cố tập thể đột xuất” đã gia tăng và kêu gọi phải thắt chặt các biện pháp công an.

Hơn một chục người được phỏng vấn tại Vạn Châu, thuộc địa phận Trùng Khánh, mô tả thị trấn này là căng thẳng. Tất cả đều nói họ tin rằng Hồ Quyền Tung thực sự là cán bộ, chính quyền thêu dệt nên một câu chuyện che đậy là để trấn an. Họ nói nỗi phẫn nộ của vụ bạo loạn này chỉ chờ có một vụ lăng mạ mới là lại bung ra.

Ngẫu nhiên chạm trán

Như nhiều nông dân sống ở những khu đồi dốc dọc sông Dương Tử, ông Dư Quý Khôi, 57 tuổi, phải kiếm thêm lợi tức bằng cách khiêng vác trên các con đường thành phố đủ thứ hàng - từ ngũ cốc, phân bón, máy điều hòa không khí, bất cứ thứ gì có thể khiêng bằng cái đòn gánh tre, đặt trên đôi vai gầy. Mồ hôi nhễ nhại, áo quần bẩn thỉu, những người làm nghề được trả rất ít thù lao này thường đi thành hàng. Người ta giản dị gọi họ là phu khuân vác.

Lợi tức của ông Khôi khả quan hơn một số người khác. Ông còn thêm một nghề phụ, là nhặt tóc vụn trên sàn các tiệm hớt tóc, các thẩm mỹ viện, bó vào những bao tải lớn đem bán cho những người làm tóc giả dưới miền Nam.

Vào ngày 18 tháng Mười, ông đã mất vài tiếng đồng hồ đi nhặt tóc vụn ở những tiệm sang trọng trên đường Bạch Yến Lộ, gần quảng trường chính phủ tại trung tâm thành phố. Hôm ấy cái gánh của ông rất nhẹ, chỉ có hai bao tóc vụn, và ông đang bước vội xuống vỉa hè để đi ăn trưa.

“Ê, phu vác, anh làm bẩn hết cả cái quần của tôi rồi!” Ông nghe tiếng một phụ nữ thét lên. Khi quay lại, thì ông Hồ Quyền Tung, đứng bên vợ, đang nhìn ông trừng trừng.

“Nhìn cái gì, thằng nhà quê ngớ ngẩn?” ông Dư Quý Khôi kể lại lời ông Hồ Quyền Tung nói.

Ông Khôi là một người cung cách hòa nhã, nụ cười có pha chút ngang tàng với hàm răng vàng ố vì hút thuốc liên miên. Ông Tung, mặc vét, thắt cà vạt, đi giầy da, bộ dạng của một người có thể là quan trọng. Ông Khôi nói đáng lẽ thì ông nên bỏ qua. Nhưng ông đã không bỏ qua.

“Tôi làm việc như thế này là để cho mấy đứa con có thể ăn mặc khá hơn tôi, ông chớ có nên khinh rẻ,” ông Khôi kể lại lời ông nói. Rồi ông có nói thêm là “Tôi phải bán sức như gái đĩ bán trôn mà nuôi miệng.”

Ông bảo ông nói như thế chỉ là chuyện so sánh chung chung. Nhưng ông Tung và bà vợ trẻ, Tăng Thanh Vinh, hiển nhiên lại nghĩ là ông có nói bóng gió điều gì khác. Bà ta nắm cổ áo ông Khôi mà tát tai. Ông Tung thì nhặt cái đòn gánh của ông Khôi rơi xuống, vụt liên tiếp vào chân và lưng ông Khôi.

Có lẽ vì đám đông, mà ông Tung la lên rằng ông Khôi, bấy giờ đang nằm sóng soài trên vỉa hè, là một tên gây sự.

“Tôi là cán bộ nhà nước,” ông Tung nói, theo lời kể lại của ông Khôi và các nhân chứng.“ Thằng này mà còn gây thêm những chuyện phiền phức thì tôi chỉ bỏ ra hai chục ngàn bạc” - khoảng 2,500 Mỹ kim - “là nó mất mạng.”

Những câu nói ấy không hề được xuất hiện trên báo chí do nhà nước kiểm soát. Nhưng tại Vạn Châu ngày nay, khó mà kiếm ra một ai không nghe thấy những cách tường thuật lại lời đe dọa của ông Tung: Người được xem là cán bộ này - mà dư luận nói là phó phòng điền địa địa phương - đã huênh hoang tuyên bố có thể lấy mạng một người phu khuân vác với món tiền 2,500 đô. Ðó là một lời kêu gọi siết tay chiến đấu.

Lời đe dọa của ông Tung, lan rộng ra bằng những cái máy điện thoại di động, hiện lên trên thông điệp điện thoại, và đám đông căng phồng, tăng thêm hàng ngàn lần những bất bình cay đắng.

“Chính tôi đã nghe đích xác những lời ông ta nói như thế,” ông Văn Giả Bảo, một người phu khuân vác khác cho biết, và nói là ông có chứng kiến vụ đối đầu này. “Nó chứng tỏ người giầu thì hơn người nghèo, mà làm cán bộ thì lại còn hơn là làm nhà giầu.”

Hạng Lâm, một người thợ sửa xe hơi 18 tuổi, đã từng chứng kiến sự thịnh vượng của Trung Quốc bốc lên khi anh làm việc gần Thượng Hải. Nhưng khi quay về quê nhà tại Vạn Châu, thì anh cảm thấy bực bội vì kế hoạch mở tiệm sửa xe thất bại. Anh bị các cảm giác kích thích lôi cuốn xuống trung tâm thành phố.

“Thế các cán bộ không hiểu rằng chúng ta sẽ không phát triển được kinh tế của thành phố Vạn Châu nếu không có những người phu khuân vác à?” Anh Hạng Lâm đặt câu hỏi.

Còn ông Thái Thạch Trung, tài xế xe tắc xi, thì căm giận việc nhà cầm quyền đã tạo ra một công ty để kiểm soát giấy phép xe tắc xi, ông nói chuyện này làm cho ông tốn kém cả ngàn đô mà chẳng đem lại lợi tức gì. Quẹo phải, quẹo trái, đi đâu cũng bị công an biên phạt, ông nói. “Nếu lái xe tư nhân thì người ta để cho ông yên, vì ông có thể là một nhân vật quan trọng,” ông Trung nói. “Còn ông mà lái xe tắc xi thì họ sẽ tìm ra mọi cớ để mà moi tiền ông.”

Ông Bành Ðạo Thịnh có ngôi nhà đã chìm lỉm dưới nước đập Tam Giáp. Ðáng lẽ ông phải nhận được 4,000 đô la bồi thường, cùng với một ngôi nhà mới. Nhưng căn phòng chung cư mà chính quyền cấp cho thì chật chội, mà lại ở vào một địa điểm bất tiện, còn tiền bồi thường thì chẳng bao giờ nhận được.

“Bọn cán bộ đã lấy hết tiền làm của riêng rồi còn đâu,” ông Thịnh nói. Ðêm hôm ấy, ông đã đi biểu tình suốt tám tiếng đồng hồ. Ông bảo “Cán bộ có lấy được tiền như thế thì thằng cán bộ này mới dám bỏ ra 2,500 đô để lấy một mạng người.”

Phải mất hơn bốn tiếng đồng hồ, công an mới đưa được Hồ Quyền Tung và Dư Quý Khôi ra khỏi hiện trường. Ðám đông vây kín chung quanh xe công an và từ chối giải tán, vì sợ công an bao che vụ đánh đập và không chừng lại trừng phạt cả người phu khuân vác.

“Dân chúng hay biết đều hiểu là sau cánh cửa đóng kín, sẽ không có chuyện giải quyết công bằng,” ông Khôi nói.

Ngay cả sau khi công an lập hàng rào bao quanh hai xe - một chiếc chở ông Hồ Quyền Tung và bà vợ, một chiếc khác chở ông Dư Quý Khôi - thì đám đông vẫn xông đến đập nát cửa kính xe chở hai vợ chồng Hồ Quyền Tung. Bấy giờ là lúc gần 5 giờ chiều, trước khi mấy chiếc xe có thể bò ra khỏi đám đông.

Mất kiểm soát

Có thể công an hy vọng việc đưa các diễn viên chính ra khỏi hiện trường sẽ rút ngòi được cho vụ căng thẳng. Nhưng thay vì thế, dân chúng lại gọi nhau tụ tập đến càng lúc càng đông. Tới 6 giờ chiều, một chiếc xe van của công an bị đám đông bao vây, một công an viên trong xe bị đập chết bằng gạch. Sáu, bẩy người lật úp chiếc xe, nhét giấy đi cầu vào bình xăng châm lửa đốt, các nhân chứng và phúc trình công an cho biết.

Khi xe cứu hỏa đến, nhân viên cứu hỏa bị bức bách ra khỏi xe, chiếc xe bị dân chúng trưng dụng. Một người nhẩy lên lái chiếc xe cứu hỏa đâm vào tường rồi lui lại, đâm liên tiếp cho đến khi chiếc xe bất động.

“Họ mất kiểm soát ngay phút chốc,” ông tài xế tắc xi Thái Thạch Trung kể lại, ngày hôm ấy ông đang đi vơ vẩn qua đám đông này. “Ðột nhiên công an không còn có thể thống gì nữa, nhân dân nắm hết quyền điều khiển.”

Chính Quyền Trung Ương không bao giờ công bố con số ước lượng có bao nhiêu người tham dự vụ phản đối này. Nhưng ước lượng không chính thức của các ký giả người Trung Quốc có mặt ở hiện trường cho biết con số từ 30,000 người đến 70,000 người, đủ làm kẹt tất cả mọi lưu thông ở trung tâm thành phố và chật kín cả quảng trường chính phủ.

Tới 8 giờ tối thì đám đông tụ đến trước trụ sở chính quyền Vạn Châu, tọa lạc trong một cao ốc 20 tầng với những cửa kính xanh nhạt và những bậc thềm hướng mặt ra quảng trường. Ðám đông hò hét “Giải giao tên sát nhân!” Công an chống bạo động trang bị đầy đủ, ngoại trừ mang súng, đứng dàn trên các bậc thềm. Cán bộ dùng loa phóng thanh yêu cầu đám đông giải tán và hứa giải quyết nội vụ đúng theo luật pháp.

Nhưng giờ đây đám đông chỉ tuân theo luật pháp của họ. Chiến tuyến được lập lên tại một địa điểm đang xây cất gần đó. Những tảng bê tông được khiêng đến, đập ra bằng búa tạ làm đạn. Những người bạo động đứng tuyến đầu ném gạch đá vào công an, lúc đầu còn thưa thớt, sau đó là hàng loạt như vũ bão.

Dưới đợt gạch đá tấn công, công an rút lui lại. Những người biểu tình tiến lên chiếm các bậc thềm, đập vỡ cửa sổ và cửa ra vào của trụ sở chính quyền, rồi ùa vào trong.

Giấy tờ công văn bị quăng vứt tả tơi. Người biểu tình ném computer và đồ đạc văn phòng ra ngoài bậc thềm. Chẳng bao lâu, lửa bốc lên sáng lóa cả quảng trường.

Anh Lý Kiêm, 22 tuổi, có tham gia vào vụ lộn xộn này. Là một thanh niên nông dân, anh đã kiếm được một chân nấu ăn tạm thời trong thành phố. Nhưng cha anh, ông Lý Vạn Pháp, cho biết anh rất mong được học điện toán. Gia đình đã mua cho anh ta một cái máy computer cũ để tập đánh máy.

“Nó muốn theo học trung học nhưng nhà trường lại bảo nó không đủ trình độ văn hóa,” ông Lý Vạn Pháp nói. “Họ bảo một thằng bé nhà quê như nó chỉ nên làm đầu bếp.”

Công an đã bắt Lý Kiêm trong lúc anh ta đang chạy nhốn nháo, ôm trong tay một cái máy computer hiệu Legend của chính quyền, bản cáo thị tống giam cho biết.

Tuy thế ngay cả lúc cao độ của biến cố này, những người bạo loạn vẫn giữ một giới hạn. Họ không tấn công vào hiệu ăn hay một tiệm tạp hóa nào nằm dọc theo quảng trường, mà chỉ tập trung sự phẫn nộ vào những gì tượng trưng cho quyền lực chính phủ.

Ðến nửa đêm thì đám đông tự co rút lại. Khi các binh sĩ bán quân sự đổ tới lúc 2 giờ sáng thì nơi đây chỉ còn lại khoảng vài ngàn tay biểu tình cứng cựa.

“Hầu hết mọi người đều đã về nhà,” ông Bành Ðạo Thịnh, người có căn nhà chìm dưới đập nước, cho biết. “Nhưng công an vũ trang rất dữ tợn. Họ đánh cho đến khi người ta đã quỳ xuống trước mặt rồi mà vẫn còn đánh.”

Căng thẳng còn dai dẳng

Chính Quyền Trung Ương được ca ngợi về cách giải quyết hỗn loạn của họ. Ba ngày sau, một bản đánh giá đăng tải trên tờ Tin Tam Giáp, tờ nhật báo của Ðảng Cộng sản Vạn Châu, cũng tuyên bố là vụ nổi dậy không để lại một hậu quả rắc rối nào.

“Chính quyền địa phương đã biểu lộ khả năng quản lý mạnh mẽ trong một thời điểm nghiêm trọng,” bản phúc trình nói. “Biến cố này là do một ít kẻ khích động ngấm ngầm muốn đẩy một cuộc cãi cọ trên đường phố thành một vụ bạo loạn tập thể.”

Vụ nổi dậy tan biến nhanh chóng hệt như lúc nó xẩy ra. Giờ đây đường Bạch Yến đã dập dìu những người đi mua sắm vào buổi trưa. Sau giờ làm việc, giữa cái lạnh giá ẩm ướt ban đêm, những người khiêu vũ lại sử dụng quảng trường chính phủ làm một sàn nhẩy lộ thiên, họ ôm nhau nhẩy nhịp hai của những nhạc cụ điện tử tỏa ra trong không trung.

Tuy thế những mối căng thẳng nằm chìm ở bên dưới vẫn không biến mất.

Khi xí nghiệp may dệt bông sợi Vạn Minh tuyên bố phá sản vào hồi trung tuần tháng Chạp, công an đã được điều đến đóng tại xí nghiệp này để ngừa bạo động. Ngày hôm sau, một số công nhân xí nghiệp này kéo đến Tòa Thị Sảnh để phản đối. Vài trăm công an đồng phục vây lấy họ.

Anh thợ sửa xe Hạng Lâm, bị bắt và bị tống giam về tội ném đá. Một hôm, sau khi phải đi tắm nước lạnh tại một nhà tù không có máy sưởi, lúc quay về anh bị cảnh vệ bắt quỳ xuống. Một người đánh cùi chõ vào lưng anh, vài người khác đá vào bụng anh.

Trong lúc anh nằm phủ phục dưới nền đất, thì một giám thị nhà tù bảo là “Không có một chuyện gì xẩy ra ở đây hết, nghe chưa?

Mày là một thằng nhỏ thông minh lắm.”

Anh không nuốt được thức ăn trong suốt hai ngày.

“Trong tù, tất cả chúng tôi đều là anh em,” anh kể về những người bị tống giam. “Còn cán bộ rất khinh bỉ thường dân, họ không e ngại gì chuyện hiếp đáp người ta cả.”

Về phần ông Dư Quý Khôi thì ông đã hụt mà không tham dự gì vào vụ bạo động mà người ta nhân danh ông, nhưng ông đã bị áp lực từ bấy cho đến nay. Chính quyền cách ly ông bằng việc giữ ông trong nhà thương gần hai tuần lễ, mặc dù những vết bầm trên chân và những mũi khâu trên mắt đều đã lành.

Con gái và con trai ông đều được yêu cầu đi nghỉ mát, do chính quyền trả tiền, để tránh tiếp xúc với truyền thông báo chí. “Họ bảo chúng tôi không được nói chuyện vì sẽ gây thiệt hại cho thành phố,” ông Khôi kể lại trong buổi phỏng vấn đầu tiên.

Nhưng ông nói việc thực sự gây rúng động cho ông là các phản ứng về những lời tuyên bố của ông trên truyền hình Vạn Châu ngày 20 tháng Mười, hai ngày sau vụ bạo động. Chính quyền yêu cầu ông lên truyền hình - bấy giờ ông vẫn còn bị canh giữ - và đã bị sửa soạn trước để trả lời các câu hỏi.

“Họ bảo tôi phải nhấn mạnh đến sự quan trọng của luật lệ và trật tự”, ông kể. “Tôi được bảo rằng chỉ trả lời các câu hỏi mà không được nói ra một lời nào khác.”

Những gì ông phát biểu trong bản tin buổi chiều hôm ấy nghe khá vô hại. “Hãy để vụ này cho luật pháp giải quyết,” ông kể. “Tất cả mọi người nên ở trong nhà.”

Nhưng vì thế mà ông đã không chuẩn bị cho những phản ứng dữ dội sau đó.

Thân nhân của những người bị bắt chỉ trích ông là đã tuyên truyền cho chính quyền, họ cảm thấy rằng những người ruột thịt của họ đã bị chính ông phản bội. Xóm giềng của ông bảo năm nay ông đừng có trồng lúa, bởi vì các kẻ thù của ông sẽ nhổ hết sạch. Vợ ông nói là muốn dọn nhà đi nơi khác vì đã nghe quá nhiều lời đe dọa.

Ông Dư Quý Khôi lâm vào tâm trạng rối rắm một cách dễ hiểu.

“Thoạt đầu, là một cán bộ cố đập gẫy chân tôi, bởi vì tôi là một anh phu vác bẩn thỉu,” ông nói. “Bây giờ, thì các thường dân lại muốn bẻ gãy chân tôi, bởi vì tôi đã phát ngôn cho chính phủ.”

* O *

Nguyên văn Anh ngữ “China's Haves' Stir the Have Nots' to Violence” đã đăng tải trên New York Times 31 tháng Chạp 2004. Phần chuyển dịch các địa danh sang từ Hán Việt có sự tra cứu của Bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh, tác giả cuốn từ điển nhân danh, địa danh Trung Quốc. Về tên các nhân vật liên hệ, viết theo lối phiên âm Pin Yin, người dịch chuyển sang từ Hán Việt cho độc giả dễ đọc, nhưng sự chính xác chỉ có giá trị tương đối, vì không có bản Hoa ngữ để đối chiếu.

 

Trở về trang chính