Bệnh liệt kháng trước bất công
Phỏng vấn nhà văn Dương Thu Hương
Trần Ngọc Tuấn thực hiện
Thời gian gần đây hội nghị của giới phê bình văn học được tổ chức tại Tam Đảo. Là một nhà văn chị có hy vọng sau đại hội này, nền văn học Việt Nam đương đại sẽ có một cú hích tích cực cho hiện tượng ù lì, câm nín, nhạt nhẽo, minh họa thô thiển đang ngự trị tuyệt đại đa số trong các tác phẩm văn học hiện nay ở trong nước hay không?
Dương Thu Hương: Hiện tại tôi là một nhà văn tự do, tôi không bị ràng buộc vào các quan điểm chính thống của chính quyền, các nhà phê bình văn học không gây ảnh hưởng tới tôi. Như anh cũng biết đa số các nhà phê bình văn học VN luôn bị áp lực, hoặc tự nguyện chui đầu vào những chỉ thị hết sức ngớ ngẩn, trì độn của giới cầm quyền, những kẻ không biết gì về văn học, nhưng lại có cách hành xử lưu manh với những người cầm bút không uốn cong ngòi bút của mình. Trong một chế độ độc tài toàn trị như hiện nay ở VN, nhà văn chỉ có ba thái độ. Một là tự kiểm duyệt mình viết né tránh chạy theo những thị hiếu thấp hèn, hai là viết tô hồng để các quan hài lòng, ba là viết nhưng không công bố. Các tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh... bị thu ngay sau khi phát hành, là một sự sỉ nhục đối với người cầm bút lương thiện. Ví dụ như ở Tiệp nơi anh đang sống, hoặc các quốc gia dân chủ khác, các tác phẩm tôi vừa nói chẳng ai người ta tịch thu. Vì vậy có họp các nhà phê bình lại cũng là để cho vui, tụ tập, ăn uống, nhậu nhẹt bằng tiền của nhân dân cả, rồi đâu lại vào đấy, khi mà các tác phẩm vẫn bị các ông quan kiểm duyệt soi mói dưới lăng kính của Đảng. Cái bi kịch lớn nhất, khốn nạn nhất cho giới cầm bút nói riêng và đa số trí thức, người dân VN là: Bệnh Liệt Kháng Trước Bất Công. Họ Tự Nguyện Hèn Nhát để đổi lấy sự an toàn...
Cho nên, VHVN vẫn ì ạch như từ trước tới nay, có lẽ phải tới một thời điểm nào
đó thích hợp...
Như vậy có bi quan quá không?
Cũng chẳng có gì mà phải bi quan, chúng ta không nên đặt toàn bộ niềm tin vào số đông câm nín, khi có một động lực tích cực thúc đẩy họ sẽ khác, cái chính là phải cần có những tiếng nói dũng cảm cất lên, trước mắt những tiếng nói này bị đàn áp, vu khống, thậm chí có thể bị tiêu diệt, nhưng nó là những viên sỏi làm lay động cái ao tù của xã hội VN hiện tại, nó là cái đầu tàu kéo theo số đông quần chúng.
Đạo diễn Trần Văn Thủy có nói đại ý..."Nhân dân nào, chính phủ ấy, nhân dân đã bầu cái chính phủ ấy lên cầm quyền thì họ phải chịu..."
Nhân dân có bầu đâu, làm gì có tự do bầu cử... Họ lên cầm quyền khi mọi sự đã rồi, họ cướp chính quyền kia mà, mà kẻ cướp thì muôn đời vẫn là kẻ cướp....
{.... Điện thoại bị ngắt....}
Gọi điện cho chị rất khó, thời tiết ở VN không được tốt lắm...
Thường xuyên là như vậy, họ muốn tôi và những người cứng đầu bị cô lập với thế giới bên ngoài. Tôi đã nhiều lần chửi đổng lên vì việc này, tôi bảo: Tô không nợ tiền bưu điện, đừng có làm cái trò hạ tiện ấy, thế là điện thoại lại được nối. Tôi hiểu chữ thời tiết anh dùng, thời tiết ở VN rất xấu với những ngườ cứng đầu và tôi là một trong những số đó...
Bây giờ ta quay trở lại với văn học. Trong một chế độ độc tài, trong một bi kịch về quá khứ cũng như hiện tại của dân tộc VN, lẽ ra, phải có những tác phẩm mang kích thước hoành tráng. Nhưng cho tới tận bây giờ chúng ta vẫn chưa thấy nó xuất hiện...Tài năng, hay vật trở ngại nào đấy chi phối tới công việc sáng tạo của người cầm bút?
Trở ngại khủng khiếp nhất, ngăn trở tất cả là những kẻ cầm quyền, sự tăm tối cộng với căn bệnh sính dùng bạo lực, thói quen gia trưởng chính trị, cộng thêm tiểu xảo lưu manh, láu cá vặt đã khiến cho người cầm bút bị tê liệt thiên chức lương thiện phải có.
Ở các thể chế độc tài cái lũ này khá giống nhau, chúng hay thò mũi vào công việc của người khác, chúng muốn tất cả phải tụng ca chế độ trong màn đồng ca mà chúng là nhạc trưởng. Vì vậy, nó kéo theo sự câm nín, nó làm tàn lụi sáng tạo, nó khiến ý chí con người luôn sợ hãi, thỏa hiệp và chỉ lo cho sự an toàn cá nhân. Một dân tộc không bị khuất phục trước bạo lực ngoại bang, nhưng giờ lại tự nguyện thuần phục, khiếp nhược trước kẻ cầm quyền, chỉ vì bát cơm manh áo là sự đớn đau tủi nhục cho những ai còn biết suy nghĩ và có lương tri. Hiện tại chưa có những tác phẩm như nhiều người mong muốn, song tôi hy vọng nó đã có, và sẽ có ở thì tương lai, tới một ngày đẹp trời nào đó, nó sẽ xuất hiện.
Văn học, theo tôi nó phải mang hơi thở, dấu ấn thời cuộc mà nhà văn đang sông, trải nghiệm, suy nghiệm, nghiệm sinh...từ đó nó chắt lọc thành tác phẩm, song tới tận giờ, thú thật với chị, đọc các tác phẩm trong nước tôi thấy nó cứ nhàn nhạt thế nào ấy, một là ngườ ta lôi cả việc giường chiếu vào tác phẩm, hai là sự thử nghiệm chữ nghĩa và họ gọi là tân hình thức...chị nghĩ thế nào về điều này?
Đó là sự bế tắc, vô thưởng, vô phạt, cũng là một sự né tránh nhưng mang một cái tên mỹ miều là nghệ thuật hiện đại. Hiện đại mà nhắm mắt trước hiện tại là sự băng hoại bỉ ổi ở thiên chức những người cầm bút, mà cũng chẳng riêng gì những người cầm bút, khố đông câm nín này hơi nhiều, trong nước, ngoài nước đâu cũng có, nhưng ta phải chấp nhận, mặc dù không có gì làm vui vẻ lắm. Không có hy vọng, niềm tin thì ta đã mất đi một phần năng lượng sống. Tôi thản nhiên chấp nhận mọi sự, song đôi lúc cũng thấy mình cô đơn, những người mở đường luôn gặp sự trớ trêu như vậy...
Chị mơ ước gì ở tương lai?
Một VN theo mô hình dân chủ. Tôi pha cà phê vào buổi sáng, mời những người bạn mà tôi thích và tống khỏi nhà những kẻ mà tôi không ưa, cộng với những trang viết không bị quấy rầy, nhòm ngó của bất cứ ai...
Và điện thoại không bị...thời tiết làm nhiễu.
Vâng! Đúng vậy …(cười)…