Linh nghiệm
Tuần báo Văn Nghệ (Hà Nội), số 27, tháng
7, năm 1992
Trần Huy Quang
Hinh là con trai thứ ba trong một gia
đình nông dân, không nghèo nhưng cũng chẳng giàu có gì lắm. Cha anh ta có đỗ
đạt, đã từng làm quan nhưng tính khí thất thường, lòng đầy ham hố nên quan trên
không mặn mà gì nên đã bỏ quan, khi đi dạy học ở chốn kinh kỳ, khi ngồi bốc
thuốc ở vùng sơn cước. Hinh thừa hưởng ở dòng họ và khí chất của vùng chôn rau
cắt rốn cái nết cơ bản cần cho kẻ có hoài bão tham chính là tính đa mưu túc kế,
lòng dạ thật không bao giờ lộ ra mặt, bạn bè cùng lứa không ai dám kết làm bằng
hữu. Hinh sáng dạ, lại có chí, học đâu biết đó, hai mươi tuổi làm thơ chữ Hán,
đọc Rút-xô, Mông-tét-ski-ơ...bằng nguyên bản, nhưng Hinh chán học, chỉ nhăm
nhăm một dạ xuất ngoại. Ðạo học không có đường tắt, mà lập thân bằng con đường
học vấn thì mù mịt, xa vời quá. Bằng văn chương thì chỉ khi thế cùng lực tận,
bất đắc dĩ mà thôi.
Hằng ngày Hinh sống như người nuốt phải
quả chuỳ gai vào bụng, buốt nhói, nhăn nhó, bồn chồn, vừa ngồi đã đứng lên, mới
ngủ đã vùng dậy, trán nhăn tối, mắt xa xăm. Như đang phải lòng một tiểu thư
khuê các.
Nhưng Hinh đâu phải là người dại dột,
không bao giờ để phí chí khí, sức lực vào chuyện đàn bà. Vớ vẩn! Chiếm mười
trái tim đàn bà đâu có khó nhưng một trái tim nhân loại thì phải vượt trùng
dương. Hinh ngước cái đầu mong đợi lên bầu trời, hoài vọng bóng dáng một con
tàu, tìm kiếm một phép thần thông, mong đợi một dấu vết của cõi Thiên hoặc hơi
hướng của miền Cực lạc để đưa về cho chúng sinh.
Tháng ngày như sợi chỉ căng mà lòng khao
khát làm trai hải hồ, khắc khoải mong một phút được quỳ dưới chân bậc Chí Thánh
và nói : Ơn người. Người là nguồn ánh sáng dẫn dắt chúng con...Lũ chúng sinh
con khao khát được gặp Người...
Thế rồi, như sự linh nghiệm của lời
nguyện cầu, một đêm giông tố bão bùng đất trời như trong cơn đau sinh nở, Hinh
đã lên chín tầng Thánh địa để được gập đấng Chí linh.
Bắt đầu là một ngọn nến, ánh lửa dịu ấm,
toả một quầng sáng hình nón. Vầng sáng ấy toả hào quang, tia hào quang không
thẳng mà có hình gấp khúc. Cuối cùng ở trung tâm vầng sáng ấy hiện ra khuôn mặt
kiều diễm của một cô gái tóc vàng.
- Kính thưa ... - Hinh bàng hoàng thốt
lên.
- Không phải! - cô gái mỉm cười độ lượng.
- Tôi chỉ là sứ giả của đấng Lập đạo. Anh có lời thỉnh cầu gì gấp lắm không?
Người đang bận, việc hành đạo chỉ ở bước khởi đầu.
- Kính thưa, tôi là người của xứ Nhọc
nhằn tăm tối...
- Thôi, anh không cần phải nói, chàng
trai ạ, người xứ Nhọc nhằn có khát khao ánh sáng thì việc hành đạo mới càng
được dễ dàng. Ðây anh cầm lấy, theo Ðạo thư này, anh sẽ tìm được chân lý.
Vị sứ giả trao cho Hinh Ðạo thư quý giá
ấy rồi nhỏ dần, nhỏ dần cho đến khi chỉ còn như một cái chấm chính giữa vầng
hào quang rồi biến mất giữa bao la. Hai tay đỡ cuốn sách trước trán, Hinh vẫn
quỳ và thành kính đặt lên đó một cái hôn, rồi anh run run dở ra đọc :
"Hãy đi về phía Nam theo con đường
một bên là cây và một bên là nước,cuối con đường có quán bia hơi và thịt chó;
đừng nhìn vào chốn đam mê ấy và đi thật chậm. Dọc đường sẽ có người hỏi :
"Có đi không?" thì đừng đi. Ðó cũng là người cần lao chứ không phải
ma quỷ cám dỗ, nhưng phải đành từ chối. Ði tiếp, sẽ gặp một ki-ốt sách báo nên
rẽ trái, trước mặt đã là vườn hoa nhỏ. Bây giờ anh phải khom người xuống, đi
chậm bước từng bước một,mắt nhìn xuống mặt đất để "tìm cái này". Cứ
thế...chỉ cần một lúc sau, anh sẽ có được thiên hạ."
Hinh ấp cuốn đạo thư vào ngực tức tưởi :
"Trời ơi, bảo bối, bảo bối...". Hinh sung sướng hét toáng lên. Tiếng
anh vang rất to trong đêm và lúc ấy Hinh mới biết mình vừa qua một giấc mơ.
Nhưng trời ơi, tại sao những điều anh nung nấu trong tâm can bấy lâu nay lại
được giải đáp trong mơ. Anh sung sướng và cảm động đến mức nước mắt giàn giụa .
Ôi chúng sinh nhọc nhằn và tăm tối của ta, bảo bối này sẽ soi sáng đường chúng
ta đi...
Sáng hôm sau, Hinh thành kính chuẩn bị
lên đường. Quần áo tươm tất, mũ miện đàng hoàng. Trước nhà anh có một đại lộ
chính Nam, có lẽ đúng là con đường này nên anh dấn bước ra đi. Một bên cây và
một bên nước, hay một bên rừng một bên biển. Anh cứ đi, qua vài đoạn phố nữa
thì anh thấy mình đi đúng con đường men theo cái hồ. Và giữa phố có hàng bia
hơi thịt chó mà vài lần anh cũng đã bị cuốn vào đó. Ôi sự linh nghiệm không sai
một dấu phẩy. Ðường phố trong veo, lui cui mấy chiếc xe đạp chở kẹo bánh, than
tổ ong đi bỏ mối cho các hàng nước vỉa hè, lọc cọc đôi chiếc xích-lô cà tàng đi
tìm khách. Vài cô gái điếm vật vờ.
- Có đi không?
Một cô gái điếm rủ rê. Hinh nhớ đén giấc
mơ mà thấy lạnh xương sống; trong mơ cũng ba chữ ấy. Ðến cuối phố, Hinh thấy
một ki-ốt sách báo thật; chủ quán vừa mở cửa. Tại sao có sự kỳ diệu thế này,
khi tỉnh anh nào có biết chỗ này có một quán sách? Ði tiếp gặp một ki-ốt sách
báo nên rẽ trái, trước mặt là vườn hoa nhỏ. Hinh liền rẽ trái, đi một đoạn qua
các cửa hàng bách hoá đã thấy vườn hoa Mùa Xuân.
Kẻ hành đạo không chần chừ đắn đo, đi tới
giữa vườn hoa, lòng ngây ngất hơi men, một nửa muốn bay lên, một nửa trì xuống.
Mắt Hinh hoa lên, đâu Thiên thần, đâu địa Thánh, không biết con đang đứng giữa
Ðịa đàng hay mặt đất. Rồi anh chợt tỉnh lại... "Tìm cái này" là tìm
cái gì, anh không hiểu nhưng không dám nghi ngờ lời vàng ngọc của đấng Tiên
tri. Vườn hoa nằm cạnh đại lộ, lúc này đang vắng hoa, chỉ có mấy ông già tập
thể dục muộn, dăm chàng thanh niên đá bóng và một tốp học sinh cấp ba đi học
sắp qua. Bây giờ anh phải khom người xuống, đi chậm từng bước một, mắt nhìn
xuống mặt đất... Hinh vừa cúi lom khom chăm chú tìm kiếm vừa lẩm nhẩm đọc. Anh
như bị thôi miên, không biết mình đang tìm cái gì, nhưng anh cứ trung thành với
lời chỉ gíáo, người cúi lom khom, mắt dán xuống đất và bước từng bước một chậm
rãi.
Những người đang qua đường lấy làm lạ.
Bắt đầu là nhóm học sinh cấp ba, mấy đứa
con trai vốn hiếu kỳ đi đến và tự hỏi, không biết ông kia tìm cái gì nhỉ ?
Chúng không thể tự giải đáp được.
-Anh ơi, anh tìm cái gì đấy?
Hinh mải mê không hề nhìn lên, chỉ buột
miệng trả lời :
-Tìm cái này.
Ðối với chúng, câu trả lời ấy, làm ngứa
ngáy chân tay. Nhất định cha này mất nhẫn, dây chuyền hay hạt xoàn gì đó thôi,
chúng mình mà vớ được thì hay lắm.
Thế là cả bọn, cặp sách dồn lại một đống,
nhảy vào cuộc tìm kiếm. Khi cả một đám người bò ra sục sạo tìm kiếm thì sự lạ
càng tăng lên hàng chục lần. Người đi qua vườn hoa không bao giờ hết, dân lang
thang thất nghiệp, dân nhà quê bỏ ra thành phố kiếm cơm...đang đói rách hy vọng
vớ được một chút may mắn, những người này đi đến và không thể không hỏi :
-Tìm cái gì đấy?
Lần này thì tụi trẻ con đã mau miệng trả
lời :
- Tìm cái này!
Câu này đối với người lớn làm ngứa ngáy
đầu óc. Thế là họ bỏ cả gồng gánh, xe cộ, nhảy vào quảng trường.
Rồi tiếp đến...
Bây giờ là dân xích-lô, ba gác, dân ăn
xin, trẻ mồ côi bán báo, dăm cô điếm, đám bụi đời móc túi nghe tin cũng tìm
đến.
-Tìm cái gì đấy?
-Tìm cái này.
Mả mẹ chúng nó, giấu như mèo giấu cứt.
Nhất định là hạt xoàn, ru-bi, có lẽ tối qua tụi đào đá đỏ qua đây đánh nhau đổ
ra một bị đá đỏ không chừng. Mẹ chúng nó, ông mà biết trước, ông rào lại, ông
đuổi tất. Ông kia được một viên rồi hả , bắt nộp phạt, chúng mày!
Cứ thế...
Và số người hy vọng có một chút no ấm bò
lê trên vườn hoa để tìm vật báu, đến lúc này đã đông như đàn kiến.
Hinh chợt nhận ra tiếng ồn của đám đông
và anh ngạc nhiên đứng nhìn họ. Hoá ra thiên hạ đang bu lại xung quanh mình.
Một lúc sau anh sẽ có được thiên hạ . Hinh sung sướng đến rơm rớm nước mắt và
mãn nguyện ra về.
Cái đám đông ấy cứ như dòng nước trong
lòng sông, trôi đi chứ không cạn. Người đến trước thất vọng ra về trước, người
đến sau thất vọng ra về sau. "Tìm cái này" là cái gì thì không ai
biết, nhưng cứ hy vọng có chút no ấm mờ mờ phía trước cũng đã hấp dẫn lắm, để
họ trở thành một dòng nước.
Trưa.
Rồi chiều.
Và...vẫn còn đám đông xúm xít giữa vườn
hoa Mùa Xuân.
Bài này được đăng trên tuần báo Văn Nghệ
, số 27 ra ngày 4/7/1992.
Bị thu hồi và có lệnh huỷ sau khi phát
hành 4 ngày, nhưng càng được tìm đọc. Tác giả Trần Huy Quang bị treo bút 3 năm.
Tổng biên tập lúc ấy là Hữu Thỉnh, tuy đi vắng, vẫn bị nghiêm khắc khiển trách.
Tác giả cho biết phải suy nghĩ hơn 1 chục năm mới viết được truyện ngắn cô đọng
này; anh phải suy nghĩ chọn từng câu, từng chữ, từng ý, từng hình ảnh.
Chàng thanh niên Hinh, có cha từng đỗ
đạt, lại có lúc làm nghề bốc thuốc, tính đa mưu túc kế làm người đọc liên tưởng
đến ông Hồ. Cả một đoàn người đi theo anh thanh niên Hinh đi "tìm cái
này", mặc dầu không ai biết rõ là cái gì mà ai cũng mang hy vọng.
"Tìm cái này” ám chỉ cái thiên
đường xã hội chủ nghĩa, không ai biết nó ra sao nhưng ai cũng hy vọng.