Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

 

 

Sự Thôi Thúc Của Quyền Lực

 

Trích dịch từ tác phẩm: Power (1938)

Tác giả: Bertrand Russell

Người dịch: Minh Ðức

Giữa con người và các loài thú khác có nhiều sự khác nhau; có sự khác nhau về trí thông minh, có sự khác nhau về cảm xúc. Một trong những sự khác nhau chủ yếu đó là có một số ham muốn nơi con người, khác với nơi loài vật, rất mạnh mẽ, không có giới hạn và không thể nào hoàn toàn thỏa mãn được. Con trăn rừng, sau khi ăn no thì ngủ say cho đến khi nào bụng đói mới thức giấc; nếu các loài vật khác không làm giống như con trăn, chỉ vì ăn chưa đủ hoặc chúng lo sợ phải đối phó với kẻ thù. Những hoạt động của loài vật, trừ một ít ngoại lệ, đều thúc đẩy bởi các nhu cầu cơ bản nhằm mục đích sinh tồn và truyền giống, và không vượt quá sự đòi hỏi của các nhu cầu cơ bản.

Với loài người, vấn đề khác hẳn. Một phần lớn nhân loại, quả thật là phải làm việc cực nhọc để kiếm được những thứ cần thiết cho đời sống đến nỗi không còn năng lực để theo đuổi các mục tiêu khác; tuy nhiên những người có đời sống vật chất được bảo đảm cũng vẫn không vì vậy mà ngừng các hoạt động của họ. Xerxes thời cổ Hy Lạp, không hề thiếu thốn thức ăn, áo mặc hay đàn bà khi ông bước xuống thuyền làm những chuyến viễn du từ thành Athen. Newton chắc chắn là có đầy đủ tiện nghi vật chất khi ông trở thành hội viên của hội Tam Ðiển, nhưng sau đó ông cũng vẫn viết cuốn Principia. St Francis và Ignatus Loyola đâu cần tìm ra Orders để thoát khỏi cảnh thiếu thốn. Ðó là những người danh tiếng, nhưng những đặc tính tương tự, với mức độ khác nhau, cũng có thể tìm thấy ở mọi người, ngoại trừ một thiểu số ngoại lệ. Bà A, hoàn toàn yên tâm về sự thành công về kinh doanh của chồng, không phải lo lắng về việc nhà, vẫn thích được ăn mặc sang trọng hơn bà B, mặc dù bà A có thể tiêu ít tiền về quần áo hơn mà vẫn không lo bị nhiễm lạnh mà sưng phổi. Cả bà và ông A sẽ rất lấy làm hài lòng khi được vua trao tặng tước hiệu Hiệp sĩ hoặc được bầu vào Quốc Hộị Trong những giấc mơ của loài người, không hề có giới hạn cho các vinh quang nảy ra trong trí tưởng tượng, và nếu các giấc mơ này xem ra có hy vọng đạt được thì người ta sẽ cố gắng để thực hiện cho được.

Trí tưởng tượng là cái gậy thúc vào lưng làm cho loài người hoạt động không ngừng nghỉ ngay cả khi những nhu cầu cơ bản của người ta đã được thỏa mãn. Phần lớn chúng ta ít khi được có những giây phút được tả trong đoạn thơ sau tả tâm trạng của Othello:

Nếu bây giờ tôi phải chết,

Thì giờ phút này là lúc tôi hạnh phúc nhất, vì tôi e rằng

Với tâm hồn tôi bây giờ đầy ắp

Sự thoải mái chưa bao giờ có

Còn sự thành công thì khó mà biết trước là có được hay không

 

Othello trong những giây phút hoàn toàn hạnh phúc, một cách tự nhiên, đã mong muốn được chết, bởi vì chúng ta biết là tâm trạng hạnh phúc không thể nào kéo dài mãi mãi. Muốn có được tâm trạng hạnh phúc vĩnh cửu quả là điều không thể có được cho loài người. Chỉ có Thượng Ðế mới có thể có hạnh phúc vĩnh cửu mà thôi, vì Người là thiên quốc và là quyền lực và cũng là vinh quang. Các vương quốc trần thế bị giới hạn bởi các vương quốc trần thế khác; quyền lực trần thế bị cắt đứt bởi cái chết của con người; những vinh quang trần thế, dù cho chúng ta có xây kim tự tháp hay gắn liền tên tuổi mình với các vần thơ bất tử, thì chúng cũng bị phai mờ theo thời gian qua các thế kỷ. Những người chỉ có một chút quyền lực và vinh quang cơ hồ như chỉ thêm một chút nữa là đủ làm hài lòng họ, nhưng tưởng như thế là lầm: những thèm khát về quyền lực và vinh quang thì vô giới hạn và không thể nào thỏa mãn được, trừ khi họ có khả năng vô hạn như Thượng Ðế thì may ra họ mới chịu ngừng nghỉ không tìm kiếm thêm quyền lực nữa.

 

Trong khi loài vật vừa lòng với đời sống chỉ bao gồm sự sinh tồn và sự truyền giống thì lòng ham muốn của con người bành trướng mạnh thêm mãi, và những ham muốn này chỉ bị giới hạn bằng những điều mà óc tưởng tượng cho là không thể đạt đến được. Mọi người đều muốn mình có quyền năng giống như Thượng Ðế, nếu có thể được; có một số người khó nhìn thấy đó là điều không thể làm được. Những kẻ đó bắt chước khuôn mẫu của quỉ Sa Tăng mà Milton mô tả, gồm lẫn cả sự cao cả và lòng tàn nhẫn. Khi tôi nói "lòng tàn nhẫn" là tôi muốn nói về những điều không tùy thuộc vào niềm tin thần thánh: nghĩa là từ chối không chịu nhận rằng quyền lực cá nhân của loài người là có giới hạn. Cái mẫu người Tinanic này bao gồm vừa sự cao cả vừa lòng tàn nhẫn phần lớn tìm thấy nơi các nhà chinh phục vĩ đại, nhưng trong mọi con người đều có một chút gì giống như vậy. Chính vì đặc tính này mà sự cộng tác giữa con người trong xã hội trở nên khó khăn, vì mỗi chúng ta đều muốn sự hợp tác giữa mình với người khác giống theo cái khuôn mẫu giữa Thượng Ðế và những kẻ phục tòng Ngài, trong đó chúng ta muốn làm Thượng Ðế. Do đó mà sinh ra sự cạnh tranh, sinh ra sự cần thiết phải có thỏa hiệp , sự cần thiết phải có chính phủ, và sinh ra lòng thôi thúc muốn nổi loạn, với sự bất ổn và những giai đoạn bạo động. Và vì vậy mà sinh ra sự cần thiết phải có luân lý để hạn chế bớt tình trạng vô chính phủ vì ai cũng cho là mình là phải.

 

Trong số những ham muốn vô hạn của con người, hai ham muốn chính yếu là lòng ham quyền lực và lòng ham vinh quang. Hai lòng ham muốn này không giống nhau, nhưng chúng là bạn đồng hành: ông Thủ Tướng có nhiều quyền lực hơn vinh quang, ông vua có nhiều vinh quang hơn quyền lực. (Minh Duc: tác giả rút ra điều này từ chế độ quân chủ của Anh và một số nước Âu Châu, còn tại Trung Hoa và các nước nằm trong ảnh hưởng văn minh Trung Hoa thì có thể khác vì ông vua Trung Hoa không để cho người dưới có nhiều quyền lực hơn mình). Như là một qui luật, cách dễ nhất để có được vinh quang là thu tóm quyền lực; đặc biệt đây là trường hợp của những người hoạt động trong lãnh vực có liên quan đến công chúng. Lòng tham muốn vinh quang vì thế mà gây các hành động giống như các hành động gây ra bởi lòng ham muốn quyền lực, và hai động cơ này trên thực tế có thể có coi như là một.

Các nhà kinh tế chính thống, và ngay cả Marx, về mặt này cũng đồng ý với các nhà kinh tế kia, đã lầm khi cho rằng sự lo lắng về kinh tế cho bản thân là động cơ căn bản trong các môn khoa học xã hội. Lòng ham tiện nghi vật chất, khi được tách biệt khỏi lòng ham quyền lực và vinh quang, thì có giới hạn, có thể được thỏa mãn khi được cung cấp với số lượng vừa phải. Những của cải vật chất mà một dân biểu qui hàng trước sự hối lộ, hay bộ sưu tập nghệ thuật gồm các bức tranh của các họa sĩ cổ trứ danh được tuyển chọn bởi các nhà chuyên môn về tranh, được thủ đắc vì người ta muốn có quyền lực hoặc vinh quang, chứ không phải là để cho có những được chỗ ở tiện nghi. Khi một mức độ vật chất tương đối được đảm bảo, cả cá nhân lẫn tập thể sẽ theo đuổi quyền lực thay vì của cải: người ta có thể tìm kiếm của cải để làm phương tiện đem lại quyền lực, hay muốn có nhiều của cải hơn để đảm bảo cho quyền lực được tăng lên hơn. Trong cả hai trường hợp, động cơ không phải là lý do kinh tế.

 

Sự sai lầm này của các kinh tế gia chính thống và các kinh tế gia Mác Xít không phải chỉ thuần về lý thuyết mà còn có tầm quan trọng to tát về mặt thực tiễn, và đã làm cho nhiều sự kiện xảy ra trong lịch sử cận đại bị hiểu một cách sai lầm. Chỉ khi nào người ta ý thức đươc rằng lòng ham quyền lực là nguyên nhân của các hoạt động quan trọng trong xã hội thì lịch sử, dù là xưa hay nay, thì các sự kiện lịch sử mới được diễn dịch một cách đúng đắn.

 

Trong cuốn sách này, Power, tôi sẽ tìm cách chứng minh rằng khái niệm căn bản của khoa học xã hội là Quyền Lực, với ý nghĩa tương tự như là Năng Lượng là khái niệm căn bản trong vật lý. Giống như năng lượng, quyền lực có nhiều dạng, như quyền lực của của cải, của khí giới, của uy quyền dân sự, của sự ảnh hưởng đến dư luận. Không dạng nào có thể được coi là phụ thuộc của dạng khác, hay là coi là dạng chính yếu mà từ đó các dạng kia được trích ra. Ý định tách biệt riêng một dạng quyền lực ra, thí dụ quyền lực của của cải, để nghiên cứu xã hội học sẽ chỉ thành công một phần mà thôi, giống như chỉ nghiên cứu một dạng năng lượng mà thôi, sẽ gặp một số thiếu sót khi gặp một số điểm, nếu không xem xét đến các dạng khác. Của cải có thể là kết quả của quyền lực về quân sự hay là kết quả của quyền lực trên dư luận, cũng như các dạng quyền lực này có thể là kết quả phát xuất từ quyền lực của của cải. Những qui luật chi phối sự chuyển động của xã hội chỉ có thể phát biểu xét về mặt quyền lực nói chung chứ không phải là chỉ để ý đến một dạng quyền lực này hay dạng quyền lực khác. Vào thời xa xưa, quyền lực về quân sự được tách biệt, với sự thắng bại thường tùy thuộc vào một số phẩm chất mà các nhà chỉ huy tình cờ có được. Vào thời đại ngày nay, người ta thường coi quyền lực kinh tế là nguồn gốc mà các loại quyền lực khác trích ra từ đó; tôi phản đối lại cách quan niệm này, vì đây cũng là một sai lầm giống như sự sai lầm của các quan niệm ngày nay đã lỗi thời của các nhà sử học theo phái quân sự. Xin nói thêm, có người cho rằng tuyên truyền cũng là một dạng quyền lực. Ðiều này thật ra không có gì mới lạ; nó đã từng được hàm chứa trong các câu nói cổ truyền như "magna est veritas et prevalebit" và câu "máu của thánh tử đạo là hạt giống của Giáo Hội". Cách nhìn này cũng có chỗ đúng và sai giống như cách nhìn về quyền lực quân sự và quyền lực kinh tế. Tuyên truyền, có thể tạo ra tình trạng gần như là nhất trí trong quần chúng, và có thể tạo ra quyền lực không gì ngăn cản nổi; nhưng những người nắm quyền kiểm soát quân sự hoặc kinh tế có thể chọn lựa, nếu họ muốn, dùng quân sự hoặc kinh tế nhắm vào mục tiêu tuyên truyền. Ðem làm một sự so sánh ngược lại với trường hợp lực trong vật lý, tỉ như năng lượng, người ta nhìn thấy có sự liên tục trong sự chuyển tiếp từ dạng năng lượng này qua dạng năng lượng khác, và công việc của khoa học xã hội là tìm ra qui luật cho sự chuyển hóa của các dạng quyền lực. Toan tính tách biệt ra bất cứ dạng quyền lực nào, đặc biệt là trong thời đại ngày nay là quyền lực kinh tế, đã và còn tiếp tục gây ra những sai lầm trên mặt thực tiễn.

 

Các xã hội khác nhau có những sự khác nhau liên quan đến quyền lực. Sự khác nhau này, khởi đầu là mức độ quyền lực mà cá nhân hoặc tổ chức nắm trong tay; một thí dụ hiển nhiên là do sự gia tăng của tổ chức mà nhà nước nắm nhiều quyền lực hơn thời xưa. Sự khác nhau cũng về loại tổ chức nào có ảnh hưởng hơn: chế độ độc tài dựa trên quân sự, chế độ cai trị bởi các thày tu, chế độ cai trị dựa trên của cải, các hình thức chế độ này rất khác biệt nhau. Ðiều thứ ba là các xã hội khác nhau ở cách thủ đắc quyền lực; chế độ vua chúa cha truyền con nối tạo ra một loại người ưu tú riêng, những đức tính của một nhà tu làm công việc lãnh đạo quốc gia sản xuất ra một loại người khác, chế độ dân chủ tạo ra một loại ngưòi lãnh đạo khác, và chế độ xây dựng bằng chiến tranh lại có loại người khác.

Trong trường hợp không có cơ chế xã hội nào, như là chế độ quí tộc hay thể thức cha truyền con nối của vua chúa, làm ngăn cản số người có thể đứng ra nắm quyền lực thì có thể nói là kẻ nào càng ham quyền lực, kẻ đó càng có nhiều cơ may đoạt được quyền lực. Từ đó mà suy ra rằng trong một xã hội mà quyền lực được mở ngỏ cho mọi người, thì giống như là qui luật, các địa vị có nhiều quyền hành sẽ được chiếm bởi những kẻ có lòng ham quyền lực hơn hẳn mức độ bình thường. Lòng ham quyền lực, mặc dù là một trong những động cơ mạnh mẽ nhất của con người, lại được phân chia rất là bất đồng đều cho các cá nhân và nó bị giới hạn bởi nhiều động lực khác, tỉ như lòng ham muốn an nhàn, ham vui thú, và đôi khi là lòng muốn được xung quanh chấp nhận. Lòng ham quyền lực khi nó yếu ớt nó sẽ trá hình trở thành lòng muốn được phục tùng lãnh đạo, vốn sẽ làm gia tăng sức mạnh quyền lực của những con người mạnh bạo. Những người mà lòng ham quyền lực không mạnh lắm thì khó mà có ảnh hưởng trên các sự việc xảy ra trong xã hội. Những người gây ra những đổi thay trong xã hội là những kẻ có ham muốn mãnh liệt gây ra sự thay đổi. Vì vậy lòng ham quyền lực là đặc tính của những người tạo ra những thay đổi quan trọng. Dĩ nhiên là chúng ta sẽ nhầm lẫn nếu chúng ta coi lòng ham quyền lực là động cơ duy nhất của loài người, nhưng sự sai lầm này cũng không đưa chúng ta đi xa lắm cái hướng mà chúng ta định đi bởi vì lòng yêu quyền lực là động cơ chính yếu trong việc gây ra thay đổi mà khoa học xã hội cần phải nghiên cứu.

Những qui luật về sự chuyển động của xã hội mà tôi sẽ luận bàn, chỉ có thể được phát biểu theo khía cạnh quyền lực có nhiều dạng khác nhau. Muốn tìm ra các qui luật của quyền lực này, trước hết cần phân loại quyền lực, rồi kiểm nghiệm bằng nhiều thí dụ lịch sử khác nhau về cách thức các tổ chức và cá nhân nắm sự kiểm soát trên đời sống con người.

Nhắm vào hai mục đích, tôi sẽ đề nghị điều mà tôi tin là sẽ đầy đủ hơn trong việc phân tích các biến chuyển xã hội một cách tổng quát hơn là những điều đã được truyền dạy bởi các kinh tế gia, và điều sẽ làm cho xã hội ngày nay và trong tương lai gần trở thành dễ hiểu hơn đối với những ai có trí tưởng tượng vốn đang bị chiếm ngự bởi thế kỷ 18 và thế kỷ 19. Ðó là những thế kỷ có nhiều điều nổi bật, và chúng ta dường như muốn trở về trong thời kỳ đó về một số mặt, để hình thành đời sống và suy nghĩ vốn từng ngự trị trong thời xa xưa. Ðể hiểu được thời đại của chúng ta và những nhu cầu của thời đại này, thì lịch sử bao gồm cả thời cổ đại và trung cổ đều cần thiết, vì có như vậy chúng ta có thể mới đạt đến được một hình thức tiến bộ mà không phải chỉ lập lại một cách nhạt nhẽo những điều được coi như là chân lý của thế kỷ 19.

 

Trở về trang chính