Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

 

Cộng Hòa Ba Lan, 15 năm dân chủ và tự do báo chí

Ngô Đăng Quang

Báo Đàn Chim Việt, Ba Lan

Cộng Hoà Ba Lan (Rzeczpospolita Polska) 15 năm trước đây mang tên Cộng Hoà Nhân Dân Ba Lan (Polska Rzeczpospolita Ludowa). Tờ nhật báo duy nhất phát hành trên toàn quốc mang tên Diễn Đàn Nhân Dân (Trybuna Ludu). Tất nhiên quân đội Ba Lan thời đó mang tên Quân Đội Nhân Dân và công an cũng là Công An Nhân Dân (MO- Milicja Obywatelska). Công an nhân dân giờ đã biến thành Policja, so với Cảnh sát (Policja) bây giờ thì quả là một trời một vực! Tại Nga hiện nay, milicja vẫn là milicja như hồi Liên Xô thủa nào, nhưng milicja bây giờ đã không còn là của nhân dân nữa là là nỗi khổ của nhân dân, nhất là nhân dân hạng bét như người Việt mình ở Nga.

Chương trình thời sự (Dziennik Telewizyjny-DT) của đài truyền hình nhà nước Ba Lan, một thời gian sau bầu cử tự do vào ngày 04/06 năm 1989, vẫn còn được phát cùng một lúc trên cả hai kênh TV. Vào thời đó chỉ có duy nhất đài truyền hình quốc gia này và nó vẫn là cơ quan truyền thông của đảng cộng sản Ba Lan (PZPR).

Nhưng các phát thanh viên từ lâu đều đọc tin tức trực tiếp. Nữ diễn viên Joanna Szczepkowska được mời đến studio để phát biểu ngắn về sân khấu. Đưa tin liên quan xong, camera hướng về phía cô gái tươi trẻ xinh đẹp. Cô trịnh trọng “ thưa quí vị” và mỉm cười “ ngày 04 tháng 6 năm 1989 chủ nghĩa cộng sản tại Ba Lan đã kết thúc”. Tất nhiên thời gian có hạn, như Hồng Nga của BBC thường nói, hình ảnh cô bị biến mất ngay liền sau đó. Mùa thu năm 1989, mùa thu của các dân tộc, chẳng ai bỏ tù cô ta làm gì! Vài tháng sau, chính ông Tổng bí thư thứ nhất đồng Thủ tướng cộng sản cuối cùng, Mieczyslaw Rakowski tuyên bố giải tán đảng cộng sản tại sảnh đường Cung Văn hoá và Khoa học mang tên Stalin, bằng câu ngắn gọn “đưa ngọn cờ ra ngoài!” cũng có nghĩa là...hạ cờ đảng! Joanna Szczepkowska không chỉ là diễn viên, cô đã trở thành người viết tiểu luận nổi tiếng cho các tờ báo phụ nữ mọc lên như nấm... sau khi có tự do báo chí. TVP, đài truyền hình quốc gia, một thời gian sau vẫn còn giữ thói quen phát quốc ca khi chương trình kết thúc , y chang như VTV4 ngày nay vẫn mở đầu chương trình của mình. Những người làm việc cho chương trình thời sự thường là đảng viên cộng sản hoặc rất đựơc đảng tín nhiệm. Các nhà báo Grzegorz Wozniak và Barbara Grad là ví dụ khá điển hình. Cuối năm 1989, Phó tổng thống Mỹ Bush cha thăm Ba Lan khi Tổng thống Ba Lan vẫn còn là đảng viên đảng cộng sản, đại tướng Wojciech Jaruzelski. Nữ kí giả Barbara Grad được đặc ân vinh dự phỏng vấn ông Bush. Mấy tháng sau là thời gian để thay đổi cái cơ quan tuyên truyền của Đảng. Nhiều nhà báo tự từ chức hoặc bị đuổi việc. Ông Grzegorz Wozniak trở thành thầy dậy tư tiếng Anh. Còn Barbara Grad trở thành Barbara Grad-Wozniak, tức là vợ của ông Grzegor, và bà kiện TVP đuổi việc bà vì lí do chính kiến. Các toà án lao động đã xử cho bà thắng kiện. TVP buộc phải nhận bà quay lại làm việc. Rất nhiều tháng năm sau đó, bà vẫn ăn lương của TVP (chắc chắn là một số tiền không nhỏ) mà chẳng phải làm gì cả. Kinh tế thị trường định hướng XHCN?

Tadeusz Mazowiecki là Thủ tướng chính phủ dân chủ đầu tiên. Trong khi phát biểu ra mắt chính phủ (thường được gọi là expose) trước quốc hội, ông mệt và ngất xỉu, phải đưa ra ngoài cấp cứu. Sau khi tỉnh dậy, ông tiếp tục “ tình trạng sức khoẻ của tôi cũng giống như tình trạng kinh tế của Ba Lan” và nhận được tràng pháo tay ròn rã. Ông tươi tỉnh và vui vẻ hẳn lên. Vốn ăn nói chậm rãi, chín chắn, trong “ Vườn thú Ba Lan” (Polskie ZOO)- chương trình TV hài bằng hình nộm, ông được biến thành...con rùa.

Jacek Kuron là Bộ trưởng bộ Lao động trong chính phủ của Thủ tướng Mazowiecki. Đối với ông Jacek Kuron, vốn là người hoạt động phản kháng lâu năm và là người sáng lập Uỷ ban bảo vệ công nhân (KOR) trong những năm gian khó, chức vụ này quả là... quá hợp! Nhưng cũng...quá khó! Với tình trạng nền kinh tế giống như tình trạng sức khoẻ của ngài Thủ tướng, ông không có tiền để bù giá vốn bị trượt quá nhiều so với đồng lương vì lạm phát.

Ông cũng chẳng có tiền để trợ cấp cho công nhân khi bị mất việc hàng loạt. Đâu đó, trên truyền hình hay trong các cuộc gặp gỡ, ông trực tiếp nấu xúp và phân phát xúp cho công nhân thất nghiệp. Và thế là ông trở thành người nấu xúp...Kuroniowka nổi tiếng. Kuroniowka cũng đồng nghĩa với ...cháo loãng và tiền trợ cấp thất nghiệp...chết đói! Trong “Polskie ZOO”, ông trở thành ...trâu nước (Hipopotam) vì nụ cười rất chân thật, nhưng ngoác to đến tận mang tai!. Dù dân chúng cười ông, nhưng người dân Ba Lan vẫn dành cho ông một tình cảm thật kính trọng và thương mến.
Lại nói về truyền hình trực tiếp. Những năm sau đó, TVP thường xuyên truyền hình trực tiếp các buổi họp quốc hội. Một lần họp như thế, Chủ tịch quốc hội Jozef Zych đang chuyển tiếp chương trình. Người phụ tá đi từ phía sau cung cấp cho ông tờ giấy in nội dung. Ông với tay nhận và đeo kính lên. “Đù má, bay đưa tao cái chi dậy?!” . Ông đưa tay che micro, nhưng quá muộn! Cũng không vì thế mà ông trở nên nổi tiếng hay bị phạt. Trái lại, các đại biểu quốc hội, bầu bằng phương pháp “bốn tay”, tức là bầu cho các đại biểu cùng đảng vắng mặt, thường xuyên bị truyền hình bắt quả tang thì bị xử phạt hành chính và thậm chí bị đưa ra toà.

Lech Walesa là Tổng thống đầu tiên được bầu cử theo phương pháp phổ thông đầu phiếu, nhưng trước đó ông là thợ điện của xưởng tàu mang tên Lenin tại Gdansk. Trong thời gian làm Tổng thống, 12/1990-12/1995, chí ít ra là một lần ông nổi tiếng nhờ giải hết ô chữ vui rất hay được đăng trên báo Ba Lan, ông gửi cho toà soạn và còn trúng thưởng nữa kia! Ông còn nổi tiếng là người nói ngọng, sai ngữ pháp...tiếng Ba Lan và đưa ra các cách nói ngộ nghĩnh và đặc thù. “Jestem za, nawet przeciw!- tôi không những ủng hộ mà còn phản đối!”, bây giờ vẫn còn được nhiều người sử dụng trong các cuộc tranh luận.

Gdansk và xưởng tàu mang tên Lenin là cái nôi của công đoàn “Đoàn Kết”. Không có gì đáng ngạc nhiên, nếu như tại đó biểu tình, đình công thường xuyên nổ ra như cơm bữa. Các cuộc biểu tình đình công đó đã dẫn đến Hội nghị bàn tròn đầu năm 1989. Và cũng nhờ đó mà người thợ điện của xưởng tàu, thủ lĩnh công đoàn “Đoàn Kết” lên ngồi ghế bành Tổng thống. Những năm đầu của thập kỉ 90, người dân thành phố Gdansk thường nói : - “tất cả các nẻo đường từ Gdansk đều dẫn đến Warszawa”.

Nhưng trước đó, biểu tình và đình công là không hợp pháp. Chính quyền cộng sản đàn áp và bỏ tù những người lãnh đạo các cuộc biểu tình đình công này. Cuối năm 1988, để cho đơn giản, Thủ tướng chính phủ Cộng Hoà Nhân Dân Ba Lan, ông Rakowski ra lệnh đóng cửa và huỷ bỏ xưởng tàu mang tên Lenin. Không khó đoán phản ứng của những người hoạt động phản kháng và công đoàn. Làn sóng biểu tình đình công lan tràn khắp nước Ba Lan. Hậu quả là tiến sĩ M. F. Rakowski phải vào ngồi vào bàn đàm phán với người thợ điện Lech Walesa.

Năm 1989, 1990, người viết những dòng này làm luận án tốt nghiệp thiết kế buồng máy tàu biển với tải trọng 10. 000 tấn tại trường đại học bách khoa của thành phố miền duyên hải. Phân tích về giá thành sản xuất và lợi nhuận chỉ là một chương nhỏ của bản luận án. Nếu chiếc tàu biển với tải trọng 10.000 tấn và vận tốc thiết kế 14 hải lý được bán với giá 15 triệu Mỹ kim thì buồng máy “được bán” với giá 3,9 triệu, tức là 37.050.000 nghìn dua ty thời bấy giờ! Theo tính toán của tác giả, giá thành sản xuất buồng máy là 51. 105.111 nghìn dua ty. Ông ta đưa ra câu hỏi:- “phải chăng quyết định huỷ bỏ Xưởng tàu mang tên Lenin của ông Rakowski là hoàn toàn đúng đắn?”.

Các xưởng tàu Ba Lan, mang tên Lenin, hay mang tên Warski, hay chẳng mang tên ai cả, luôn là nỗi đau đầu, luôn là điểm nóng của các đời thủ tướng Ba Lan suốt mấy chục năm qua. Và chưa có gì đảm bảo nó sẽ kết thúc nhanh chóng trong những năm tới đây. Ngược lại, quá trình chuyển đổi thể chế đã được khẳng định chắc chắn và có thể nói, đã thành công tốt đẹp. Nền tảng dân chủ của xã hội Ba Lan vững mạnh hơn bao giờ hết, những trang sử mới đã bắt đầu.


Warszawa tháng 6/2004

Trở về trang chính