Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!
Trong hội nghị Đảng uỷ quân sự Trung Ương mở rộng, ngày 24/8/2004. Có một báo cáo nhận định về "các lực lượng thù địch". Chúng tôi đăng tải tài liệu này để độc giả có dịp tham khảo thêm. Mọi ý kiến bình luận xin được dành cho độc giả.

Việt Nam - Đông Dương Từ Nay Đến Đại Hội X
(Báo cáo tại Hội nghị ĐUQSTW mở rộng, ngày 24/8/2004)

Với ưu thế vượt trội về kinh tế và quân sự, Mỹ đẩy mạnh triển khai chiến lược toàn cầu với mức độ cực đoan hơn, hiểu nhiều hơn nhằm nhanh chóng áp dặt sự lãnh đạo độc tôn, khẳng định vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ trên thế giới.

Cách mạng Việt Nam tiếp tục đối mặt với 4 nguy cơ đã được các Đại hội Đảng xác định. Với mục tiêu xoá bỏ vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam chuyển hoá chế độ XHCN ở Việt Nam, Mỹ gia tăng các hoạt động “diễn biến hoà bình” bằng những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đặc biệt là âm mưu chia rẽ nội bộ, sử dụng lực lượng cấp tiến, phản động trong và ngoài nước, đẩy mạnh hoạt động thúc đẩy các diễn biến trong nội bộ ta.

Dưới đây là một số tình hình thế giới, khu vực và trong nước thời gian qua, có tác động trực tiếp tới An ninh – Quốc phòng của Việt Nam . Dự báo một số âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch từ nay cho đến Đại hội 10.

I. - Âm Mưu Ý Đồ Của Mỹ Đối Với Thế Giới Và Khu Vực
(.....)

II. - Chiến Lược Diễn Biến Hoà Bình Của Mỹ Và Các Thế Lực Thù Địch Đối Với Việt Nam Hiện Nay Và Dự Báo Trong Thời Gian Tới.
(.....)

III. - Các Thế Lực Thù Địch Tăng Cường Sử Dụng Bọn Cấp Tiến Phản Động Trong Và Ngoài Nước Đánh Phá Đảng Và Quân Đội, Tập Trung Vào Chống Phá Đại Hội 10:

Bọn phản động cấp tiến trong và ngoài nước từ rất sớm, đã xác định những chủ trương, biện pháp, thủ đoạn xây dựng, củng cố tổ chức và luận điệu tuyên truyền đề tập trung chống phá quyết liệt Đại hội ĐCS Việt Nam lần thứ 10.

1. Hoạt động của bọn cấp tiến, phản động trong nước.
a. Chủ trương.

* Ngày 22/2/2004, tại 62 Ngô Quyền – Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp mặt qua một số nhân vật cấp tiến Hà Nội gồm Hoàng Minh Chính, Hồng Hà, Thanh Giang, Hoàng Tiến … Cuộc gặp triển khai một số công việc sử dụng từ nay đến Đại hội Đảng X.

Mục tiêu cần đạt được là phải làm cho Đảng Cộng sản rối loạn, tình hình xã hội khủng hoảng nhiều mặt, nhiều nơi mà Đảng không giải quyết được, buộc Ban lãnh đạo phải phân hoá, đi đến tan rã hoặc tự tuyên bố giải tán.

Phương châm hoạt động là không bạo động, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nước.

Biện pháp: Tuyệt đối bí mật, thận trọng, cảnh giác, không manh động, tránh đối đầu với công an để bảo toàn lực lượng trong thời gian từ nay cho đến Đại hội Đảng X.

Tập trung vào việc soạn thảo tài liệu có tính chất “văn kiện” gửi Đại hội Đảng X.

* Ngày 7/7/2004 Hồng Hà nhận định: “Đại hội X sẽ diễn ra rất gay gắt quyết liệt. Đây sẽ là Đại hội cuối cùng của ĐCS. Cần tích cực đấu tranh trước mắt là giải quyết vấn đề Phạm Quế Dương theo chiều hướng thả bổng, giải quyết vấn đề Lê Đức Anh rõ ràng, rành mạch, các tài liệu viết xong phải chuyển đến tận các “Đảng bộ địa phương”.

b. Mục tiêu.

* Đại hội Đảng X là cái đích mà các hoạt động chống phá của lực lượng cấp tiến đang hướng tới. Chúng đều cho rằng sẽ “có những bước đột phá tại Đại hội Đảng X” hoặc “Đại hội Đảng X là Đại hội cuối cùng của ĐCS Việt Nam”. Các bước đi của chúng như sau:

Bước 1: Làm xói mòn và mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Từ đó tạo sự đối lập giữa Đảng và Nhân dân.

Bước 2: Làm suy yếu hệ thống lãnh đạo của ta bằng cách đẩy mâu thuẫn nội bộ trong Bộ chính trị, Ban bí thư, BCH TW.

Bước 3: Vô hiệu hoá các cơ quan trọng yếu của Đảng, quân đội và công an “làm “ù tai”, “mờ mắt” của Đảng và Quân đội” (nguyên văn lời Lê Hồng Hà).

Bước 4: Sử dụng sức ép từ sự đấu tranh đòi dân chủ, chống tham nhũng, chống Đảng độc tôn lãnh đạo … của các lực lượng trí thức, CCB, lão thành cách mạng kết hợp với sức ép ngoại giao từ bên ngoài tạo những chuyển biến “quan trọng” tại Đại hội Đảng X theo hướng có lợi cho “phong trào dân chủ”.

* Chống phá về nội bộ, nhân sự. Chúng viết bài xuyên tạc và bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội qua các thời kỳ, khoét sâu vào những cái mà chúng cho là mâu thuẫn, gây chia rẽ ngay trong bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng. Nhà nước từ đó tuyên truyền về sự mất đoàn kết, bất ổn chính trị của ban lãnh đạo và chế độ, reo rắc sự nghi ngờ, từng bước làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

* Chống phá về tư tưởng lý luận. Chúng tán phát rộng rãi các tài liệu có nội dung bôi nhọ, xuyên tạc lý luận Chủ nghĩa Mác – Lênin. Tư tưởng Hồ Chí Minh, khuếch trương, cổ suý cho CNTB, phủ nhận con đường CNXH ở nước ta. Lực lượng cấp tiến cho rằng: “CNXH không còn thuyết phục và khả thi để nêu cao ngọn cờ lý tưởng Cộng sản. Trong Đảng cộng sản Việt Nam bây giờ có nhiều bế tắc, tư tưởng đóng băng, lại lai căng, tham ô, tham nhũng, tiêu cực từ chóp bu trở xuống”.

Ở góc độ chống phá khác, chúng cho rằng : chế độ XHCN ở Việt Nam hiện nay không phải là chế độ mà Bác Hồ đã chọn lựa, mà thực ra chỉ là chế độ TBCN hạng bét, lãnh đạo thì bao che cho nhau, gây bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết trong bộ bộ Đảng.

c. Thủ đoạn hoạt động gần đây có một số điều chính.

Chống phá của bọn cấp tiến ngày càng mang tính thống nhất cao hơn, qui mô rộng hơn có bài bản và có kế hoạch thực hiện cụ thể. Chúng chủ trương không đứng ra thành lập “tổ chức”, “hội”, đấu tranh mềm dẻo, lôi kéo, tập hợp lực lượng. Thời gian qua, sự móc nối, liên hệ phối hợp hoạt động chống phá của cấp tiến mà miền Bắc - Trung – Nam giữa các nhóm cấp tiến trong nước và phản động người Việt Nam ngoài nước đã nâng lên một bước. Đặc biệt, chúng gia tăng móc nối với ĐSQ Mỹ tại Hà Nội và bắt đầu có sự phối hợp giữa cấp tiến, cơ hội chính trị với phản động tôn giáo. Sự thống nhất trong mục tiêu, kế hoạch và nội dung chống phá được thể hiện rõ hơn.

Thứ nhất: Chuyển từ “đấu tranh công khai” sang hoạt động “ngầm” nhằm bảo toàn lực lượng chờ đợi thời cơ, trong khi đẩy mạnh viết bài, tuyên truyền mở rộng đối tượng cảm hoá, giác ngộ tư tưởng “dân chủ, đa nguyên” nhằm chuyển hoá và lôi kéo các lực lượng khác tham gia” “ phong trào”.

Ngày 24/3/2004 Hồng Hà nói: “Chúng ta không thể đấu tranh bằng phương pháp biểu tình, như thế sẽ bị chính quyền đàn áp ngay. Do vậy ta cần phải tăng cường viết bài nhằm cảm hoá, giác ngộ quần chúng nhân dân để thay đổi chế độ”.

Thứ hai: Tập trung đấu tranh bảo vệ và đòi trả tự do cho các nhân vật cấp tiến đang bị giam giữ. Lưu ý nhất là Thanh Giang được giao nhiệm vụ liên hệ với Đại sứ quán Mỹ phối hợp đấu tranh, tạo áp lực quốc tế với chính quyền Hà Nội. Mặt khác, tiến hành thành lập “uỷ ban bảo vệ Nguyễn Vũ Bình” để gây áp lực với chính quyền.

Thứ ba: Thu thập thông tin và đẩy mạnh viết bài, phát tán các tài liệu chống phá Đại hội Đảng X, mục đích là từ nay đến Đại hội Đảng X sẽ xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, nội dung chống phá chủ yếu là về đường lối nhân sự như: Tuyên truyền, đả phá đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, tố cáo cán bộ lãnh đạo cao cấp gây chia rẽ nội bộ đảng trước Đại hội Đảng …

Thứ tư: Lợi dụng, kích động hoặc “giả danh” một số cán bộ lão thành cách mạng để viết cái gọi là “thư góp ý” gửi các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước và quân đội. Tán phát, nhào nặn, lồng ghép tư tưởng phản động trong các tài liệu, lấy đó làm cơ sở, luận cứ để bảo vệ cho những quan điểm sai trái của chúng sau đó tuyên truyền rộng rãi để tạo dư luận.

d. Về xây dựng lực lượng.

Ngày 12/4/2004, lực lượng dân chủ cấp tiến Hà Nội đã họp bàn đưa ra phương pháp tập hợp lực lượng trong thời gian tới như sau:

Xây dựng được nhân tố ngọn cờ những người có công lao nhiều trong sự nghiệp cách mạng vừa qua, có quan điểm dân chủ.
Nhiệm vụ trọng tâm của phong trào dân chủ từ nay đến năm 2006 là: xây dựng sâu rộng phong trào ở cơ sở dần dần đi vào ổn định mang tính tổ chức hoạt động có sự chỉ đạo kiểm tra giám sát, không được manh động, hời hợt.

Phát triển gây ảnh hưởng mạnh luồng tư tưởng trên vào lực lượng quân đội với lý do lực lượng này đóng vai trò cơ bản nhất trong việc bảo vệ Nhà nước Việt Nam. Để thực hiện được điều đó, cần tập trung tranh thủ, gây ảnh hưởng trong các tướng lĩnh cao cấp đã nghỉ hưu, sĩ quan trẻ để họ đấu tranh nhằm tạo ra sự thiếu thống nhất. Sử dụng các tư liệu về những “oan khuất” trước đây của số tướng lĩnh, chỉ ra sự sai trái, tha hoá của các cán bộ cao cấp trong Đảng để kích động, gây mất niềm tin đối với ĐCS Việt Nam.

Đối với các lão thành cách mạng cán bộ Nhà nước về hưu: dùng tiêu chí mức sống ở 2 giai đoạn trước kia và hiện nay để tuyên truyền kích động đấu tranh đưa ra các tệ nạn tham nhũng, sống xa hoa lãng phí thông qua một số vụ án liên quan tới một số cán bộ cấp cao đương chức, chỉ ra những thiệt thòi của số cán bộ đã nghỉ hưu trước kia, từ đó kích động để họ tự nguyện tham gia ủng hộ phong trào dân chủ ở Việt Nam.

Đối với lực lượng trẻ: sử dụng các tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của một số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội để tuyên truyền “làm cho họ sụp đổ lòng tin, cảm thấy bị hẫng hụt, bị lừa dối qua các sự kiện lịch sử. Xoá bỏ hình ảnh cao đẹp của các lãnh tụ cộng sản”. Kích động đòi quyền tự do thông tin, giao lưu văn hoá với nước ngoài, truyền tải những tri thức khoa học về kinh tế, xã hội để họ phủ nhận học thuyết Mác – Lênin. Xây dựng lực lượng này trở thành lực lượng tiên phong cho phong trào dân chủ. Trước mắt, đối với giới học sinh, sinh viên cần giúp họ thông qua các tư liệu về đời tư của các lãnh tụ nhằm xoá bỏ hình ảnh cao đẹp của Bác Hồ và một số cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Đối với tầng lớp cán bộ công nhân viên ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp: phân tích chỉ rõ cho họ hiểu được sự thiếu công bằng, dân chủ, trì trệ trong cơ chế lãnh đạo hiện nay và đây là yếu tố sống còn đối với họ, nhất là các doanh nghiệp.

Liên kết cấp tiến với tôn giáo phản động: ngày 31/5/2004 Hoàng Minh Chính cho biết ngày 26/5/2004 y đã nhận được thư của Thích Thiện Hạnh (Phật giáo Ân Quang), hiện đang tu tại chùa Bảo Quốc Huế bày tỏ mong muốn “hợp tác đấu tranh” giữa Phật giáo với lực lượng cấp tiến Hà Nội. Nội dung thư: ca ngợi Hoàng Minh Chính về việc viết bài bênh vực Nguyễn Vũ Bình, bày tỏ về bản thân Thích Thiện Hạnh hiện cũng đang bị quản chế nghiêm ngặt mất tự do và bất cứ lúc nào cũng có thể bị quy cho tội gián điệp như Hoà thượng Thích Quảng Độ. và Thích Huyền Quang, trông chờ vào Hoàng Minh Chính “chia sẻ nỗi khổ nhục mà các nhà sư thuộc phải án Quang đang phải chịu đựng. Chính nói ”trước khi nhận được thư này của Thích Thiện Hạnh qua chuyển phát nhanh của EMS, y đã nhận được nội dung bức thư qua mạng internet. Mục đích của lá thư này là ”họ muốn liên kết với dân chủ chúng ta để đấu tranh”.

e. Luận điệu tuyên truyền.

Tuyên truyền xuyên tạc nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, lực lượng vũ trang trước thềm đại hội X.

Tuyên truyền về thực trạng tham nhũng trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta, lợi dụng các vụ án tham nhũng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng làm tư liệu để tuyên truyền.

Đáng chú ý là quan điểm của Hồng Hà gộp tất cả tập thể Bộ chính trị như nhau cùng là những người có chức quyền nhưng lại sợ nhân dân, chỉ biết đến danh vọng, tham ô, hối lộ … và cho rằng: “bây giờ chúng nó đã an toạ nên chúng nó phải bảo vệ nhau để cùng tồn tại … phải tăng cường bịp, bịp rất mạnh …”. Về vấn đề này, thủ đoạn của chúng, theo như lời Hồng Hà là “đánh tỉa”: “đánh từng người một, từng ngành một, từ cũ đến mới, từ thấp đến cao … có ít phải nói mạnh, chưa có phải tìm cho có mà đánh.

Tuyên truyền về tình trạng bè phái, mâu thuẫn giữa các tướng lĩnh quân đội, trong nội bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta.

Tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta:

Xuyên tạc về con đường, phương hướng phát triển của Việt Nam.

Xuyên tạc vê đường hướng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Phản ứng quyết liệt với kết quả Hội nghị TW 9, Hội nghị TW10.

Vui mừng trước việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật nhân quyền Việt Nam 2004 ngày 10/6/2004. Ngày 27/7/2004, Hoàng Minh Chính nói: “Mỹ sẽ chi cho các lực lượng đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam 4 triệu USD. Tuy dự luận này còn phải được Thượng viện Mỹ thông qua, nhưng ta phải thấy đây là những dấu hiệu đáng mừng đối với phong trào dân chủ ở trong nước”.

* Tấn công quyết liệt vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của ĐCS phủ nhận chủ nghĩa Mác – LêNin, con đường đi lên CHXN, phủ nhận sự lãnh đạo của ĐCS, tán dương đề cao CNTB “tự do – dân chủ” kiểu Mỹ.

* Đáng chú ý trong số phản động, cấp tiến trong nước, mà chúng tự gọi nhau là “lực lượng dân chủ” đang nổi lên Nguyễn Thanh Giang và Lê Hồng Hà được đồng bọn ca tụng là “cao tay” hơn cả. Hai nhân vật này đồng quan điểm với nhau, trong đó Thanh Giang thường viết tài liệu công khai, mang tính trí tuệ, đại diện cho giới trí thức. Còn Hồng Hà thì tự xưng là “đại diện cho cán bộ cách mạng lão thành” thường viết bài dấu tên nặc danh, chọc sâu vào nội bộ Đảng, Quân đội và những vấn đề mang tính luật pháp. Đáng chú ý là Thanh Giang thường xuyên tiếp xúc, quan hệ với sứ quán Mỹ, với phóng viên đài báo nước ngoài, chống đối công khai và rất hung hăng. Còn Lê Hồng Hà thì thủ đoạn hoạt động bí mật, khôn khéo và nguy hiểm.

2. Hoạt động của lực lượng phản động Việt Nam lưu vong.

Đặc biệt, mối quan hệ trong ngoài được tăng cường thường xuyên, liên tục và phối hợp rất chặt chẽ, từ những vấn đề chiến lược lâu dài, đến những tình huóng, luận điệu “đấu tranh” cụ thể,

a. Nổi lên trong thời gian qua là “Đại hội lần 1 tập hợp dân chủ đa nguyên” THDCĐN) tổ chức tại Ba lan từ 26 – 28/7/2004.

Nguyễn Gia Kiểng đứng đầu tổ chức phản động này nói: “đây là dịp để các thành viên tập hợp chứng kiến tận mắt và tiếp xúc thực tiễn với một xã hội vừa ra khỏi chế độ cộng sản (Ba lan). từ đó, rút ra những kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn Việt Nam”. Thời gian ba năm sắp tới phải chăng rất quan trọng, vì có thể có biến chuyển quan trọng trong sự hình thành nền dân chủ đa nguyên ở Việt Nam ? Trình độ “sẵn sàng” của tập hợp phải ra sao để kịp ứng phó trên bình diện tổ chức và phát triển lực lượng tập hợp ? trên bình diện khả năng và phương tiện hành động ? trên bình diện vận động đoàn ngũ và huy động quần chúng, vận động quốc tế và tạo đà tiến với áp lực cần thiết ?…

* Những luận điệu tuyên truyền chống phá THDCĐN thông qua đại hội. Nổi lên là những đánh giá, phát biểu của Bùi Tín và Nguyễn Gia Kiểng. Khi nói về ĐCS Việt Nam, Bùi Tín cho rằng: “hiện nay chúng ta đang đứng trước một cái ngưỡng chỉ cần thay đổi một lượng nhỏ trong xã hội có thể làm thay đổi lớn về bản chất trong chế độ. Chúng ta đang đứng trước một vận mệnh rất quan trọng trong khi nội bộ ĐCS có nhiều dấu hiệu rạn nứt …”. Kiểng chủ trương: “… chiến lược phải thay đổi, trước hết phải đánh vào những giá trị căn bản của nền văn hoá đã tạo ra thực trạng đáng buồn này.Vì thế, nên chúng ta cần có một cuộc đấu tranh văn hoá”.

* Một số nhận xét xung quanh đại hội toàn thế giới lần 1 của THDCĐN

Đại hội có sự tham dự của chính giới Ba Lan, kể cả các đảng phái cầm quyền hay đối lập, tất cả đều tỏ thái độ quan tâm đặc biệt đến Đại hội. Cựu tổng thông Ba lan Lech Walessa cũng gửi thư đến chúc mừng. Đại hội và hẹn gặp các “nhân vật đối lập Việt Nam”. Các cơ quan truyền thông của Ba lan, cũng như các tổ chức “dân chủ” “nhân quyền” ở Mỹ và Châu Âu, Úc đều rất quan tâm đến đại hội nay.

b. Đặc biệt ngày 4/8/2004 trên mạng internet bắt đầu xuất hiện lời “hiệu triệu khẩn của Hội đồng Quân nhân Cách mạng Việt Nam” kêu gọi lật đổ Bộ chính trị ĐCS Việt Nam. Tài liệu này cũng do chính THDCĐN soạn thảo và tán phát rộng rãi trên các phương tiện thông tin công cộng và gửi cho bọn cấp tiến trong nội địa. “Thời cơ cho vận mệnh và lịch sử tổ quốc Việt Nam xoay vần đã điểm. chế độ độc tài, độc quyền và tàn bạo. CNXH Việt Nam đang cáo chung. Đây là thời điểm quan trọng và quyết định sự sống còn của dân tộc Việt Nam. tự do hay là chết. Toàn thể các chiến binh, quân nhân Việt Nam của cả hai chế độ cũ, mới hãy rũ bỏ quá khứ thù hận cùng đồng tâm, đoàn kết lại đứng lên, vùng dậy loại trừ toàn bộ Bộ chính trị ĐCS Việt Nam. Nơi đó đã xảy ra tất cả các tội ác với dân tộc. Tự do hay chờ chết lần mòn trong đói khát và sợ sệt. Nếu chúng ta khiếp sợ thì con cháu chúng ta sẽ mạt nhược trước nạn nội xâm tàn bạo này”.

3. Hoạt động của các thế lực thù địch chống phá quân đội và trực tiếp chống Tổng cục II ngày càng quyết liệt.

Với ý đồ làm suy yếu các công cụ bảo vệ Đảng và chế độ XHCN này, lực lượng phản động, cấp thiến đang tăng cường chống phá quân đội, mà tập trung trước hết là tổng cục II. Bọn đầu sỏ đánh giá: “Một trong những biện pháp để thúc đẩy các hoạt động “dân chủ” “tự do” “chia rẽ, khoét sâu mâu thuẫn nội bộ Đảng”, “chống tiêu cực …” đó là phải tìm bằng chứng, tán phát tài liệu tuyên truyền, bôi nhọ Tổng cục II, hạ thấp uy tín của Tổng cục II với Đảng và Nhà nước và gây mâu thuẫn ngay trong nội bộ Tổng cục II”.

Vì vậy, trong suốt thời gian qua, bên cạnh các hoạt động chống Đảng, chống chế độ, lực lượng phản động cấp tiến tập trung chĩa mũi nhọn chống phá Tổng cục II một cách có hệ thống, có tổ chức, thống nhất cả về nội dung, phương thức và thời điểm chống phá ở cả trong và ngoài nước với mục đích hạ thấp uy tín của Tổng cục II với Đảng, với quan đội tiến tới làm suy yếu sức mạnh, “đánh sập” Tổng cục II để chúng dễ bề chống phá ngay từ trong nước ra đến ngoài nước.

3.1. Bọn cấp tiến phản động trong nước tập trung viết bài chống phá, xuyên tạc.

3.2. Hoạt động phối hợp của bọn phản động ở ngoài nước.

Trong những hoạt động chống phá có trọng điểm này, bọn cấp tiến đã nhận được sự yểm trợ, phối hợp của lực lượng phản động người Việt Nam ở nước ngoài và một số thế lực nước ngoài, trong đó có các phương tiện thông tin đại chúng như ERFA, BBC, RFI …

Trong đại hội toàn thế giới của THDCĐN lần thứ nhất tại Ba lan ngày 28/7/2004, lực lượng phản động cho rằng “đây là thời cơ thuận lợi nhất, chín muồi nhất” để chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội. Ngày 27/7/2004 THDCĐN đã cho in ấn và phân phát cho các thành viên tham gia đại hội tại Ba lan thư của Trần Đại Sơn cùng với bức thư của ông Nguyễn Nam Khánh đề ngày 17.6.2004 như tài liệu chính thức của đại hội. Trong đại hội, Bùi Tín nói: Tôi thông báo với các bạn một tin: ở cung đình Hà Nội đang có cuộc đấu tranh lớn, sống mái với Đại tướng Lê Đức Anh. Lê Đức Anh đã dựng lên Tổng cục II năm 1995 … cách đây 1 tuần chúng tôi nhận được 1 văn kiện, văn kiện đó dài 13 trang do Thượng tướng Nam Khánh ký tên … tố cáo Lê Đức Anh là cai đồn điền cao su, khai man để vào Đảng năm 1943, vào Đảng như vậy là phạm pháp, nhưng Anh được Lê Đức Thọ, Lê Duẩn che chở, nâng cao và đã ngoi lên chức cao nhất … và bây giờ đã có chứng minh Lê Đức Anh là tên cai đồn điền và có tội ác với phu đồn điền, do đó nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, các tướng của QĐNDVN đã kêu gọi, yêu cầu khẩn thiết BCT, Ban kiểm tra Trung ương, Toà án tối cao xét xử công khai vụ việc này.

Hiện nay, ban lãnh đạo đang lúng túng về các vấn đề kinh tế, chính trị, ngoại giao thì mắc phải vấn đề nan giải này. Hơn một nửa số trong Bộ chính trị muốn chỉ thị bóp nghẹt vụ này giải quyết ở đằng sau hậu trường vì sợ làm rung động nhân dân trong nước và thế giới, cho nên Lê Đức Anh đang khóc lóc trước Bộ chính trị xin nhận hết tội lỗi và xin không đưa ra công khai vụ này vì ”không những xấu cho tôi mà còn xấu cho cả Đảng ta” … tất cả những cái tin đó có trong thư của Thượng tướng Nam Khánh …” ( trích nguyên văn từ băng ghi âm).

Trong thời gian tới lực lượng cấp tiến, phản động sẽ tiếp tục tăng cường các đòn đánh trực diện vào quân đội và Tổng cục II. Bùi Tín nhận định: “Sau loạt bài và thư của một số tướng lĩnh, nhóm dân chủ đã có dự kiến tung loạt thông tin ra trước TW 9 và rồi TW10, nhưng vì lý do nào đó mà không thực hiện được, nghĩa là trượt thời điểm. Nhưng dù thế nào thì cũng xảy ra nổ lớn, đó là điều cần thiết cho phong trào dân chủ. Thời điểm ngoài này sẽ công bố là khi ở trong nó công bố”.

3.3. Nhận định của tình báo và tài phiệt Mỹ: giới truyền thông, tình ái và tài phiệt Mỹ, phương Tây đã có đủ các tài liệu nội bộ và thư góp ý, kiến nghị … gửi BCHTƯ trong thời gian qua, và chúng đang đặc biệt quan tâm nghe ngóng, thu thập thông tin, tài liệu và phản ứng của dư luận về vấn đề này, nhưng chúng chủ trương chưa đưa tin.

Tóm lại:

* Các thế lực thù địch chống phá chế độ XHCN ở Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên, liên tục và từ hàng chục năm nay. Chúng dựa trên chính sách cực quyền của Mỹ, dựa trên yếu tố sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ đưa vào quá trình toàn cầu hoá và lợi dụng chính sách mở cửa của ta để thâm nhập, móc nối, lôi kéo, kích động phá hoại ngầm … Tuy nhiên, qua mấy chục năm điên cuồng chống phá bằng thủ đoạn, biện pháp chúng cũng đã không thể đạt được mục đích chuyển hoá chế độ, xoá bỏ ĐCS Việt Nam.

Đòn công kích nguy hiểm nhất và cũng là đòn đánh cuối cùng mà chúng sử dụng ở Việt Nam cũng chính là thủ đọan mà chúng đã sử dụng thành công để xoá bỏ chế độ XHCN ở Liên xô và Đông âu, đó là địch lợi dụng tình hình có một số vấn đề xuất hiện trong nội bộ Đảng để tuyên truyền, kích động, gây mâu thuẫn nội bộ. Từ đó đi đến chỗ tự tan rã. Xuất phát điểm của chúng hiện nay như Liên xô trước đây, trước hết là chúng nhằm vào quân đội, công an và các cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ nắm địch là an ninh, tình báo nhằm bịt tai, bịt mắt của Đảng, gây mất lòng tin vào Đảng, vào quân đội, công an. Biện pháp của chúng là đánh tỉa từng bộ phận một, và gây mâu thuẫn giữa các bộ phận, lực lượng đó với nhau.

Điều mà kẻ địch đang chờ đợi nhất, coi đó là điều kiện tiên quyết cho thành công của chúng là ta tự làm mất ổn định từ thanh trừng, tự “thanh toán” lẫn nhau có như vậy chúng mới có cơ may thành công. Như Nguyễn Gia Kiểng đã nói “khi trong phát tín hiệu (tức là tín hiệu rối loạn) thì bên ngoài ta mới sẽ tuyên bố”.

Bọn cấp tiến, phản động thời gian qua tích cực viết, phát tán tài liệu dưới dạng “đơn kiến nghị” “thư góp ý” … và chúng đặc biệt chú ý săn lùng các đơn thư của các đồng chí lão thành cách mạng, các cuốn “Hồi ký chui”, các “tư liệu lịch sử” trên cơ sở đó, chúng xuyên tạc, bóp méo nhằm vào mục đích của chúng là chống phá, nói xấu Đảng và quân đội, kích động gây mâu thuẫn trong nội bộ ta.

Về đơn thư góp ý về những bức xúc về tình hình đất nước, nội bộ Đảng, tình trạng xã hội … cơ bản xuất phát từ trách nhiệm đối với Đảng, với đất nước của cán bộ Đảng viên, quần chúng tốt – các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước cần nghiêm túc xem xét. Tuy nhiên, nếu không quản lý và xử lý vấn đề này theo đúng nguyên tắc - đặc biệt là những thông tin sai lạc, xuất phát do thiếu thông tin, hoặc xuất phát từ những nhận xét, động cơ cá nhân thì chắc chắn sẽ bị địch lợi dụng vừa tuyên truyền nói xấu Đảng, Nhà nước và lãnh đạo, vừa kích động gây mâu thuẫn nội bộ, làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, gây chia rẽ Đảng với quần chúng đặc biệt là trong tình hình phức tạp, sự phổ biến công nghệ thông tin rộng rãi mang tính toàn cầu hiện nay.

4. Dự báo về hoạt động chống phá của lực lượng cấp tiến thời gian tới:

Nhìn lại toàn bộ quá trình chống phá của lực lượng cấp tiến, phản động nhằm vào Đảng, quân đội trong thời gian qua có thể thấy: mục tiêu chống phá Đảng, quân đội được lực lượng này thực hiện xuyên suốt và nhất quán từ trước tới nay với sự chỉ đạo hỗ trợ của tình báo nước ngoài. Thời gian tới, mức độ chống phá Đảng, quân đội và Tổng cục II sẽ càng ngày càng quyết liệt hơn – với mục tiêu là “dọn đường” nhằm “chuẩn bị” cho Đại hội X.

4.1. Cuộc “đấu tranh” chống chế độ XHCN, chống ĐCS Việt Nam và QĐNDVN do các lực lượng thù địch, cấp tiến, phản động, xét lại tiến hành rất quyết liệt. Quan điểm, thái độ của bọn chúng sẽ “cứng rắn” hơn, thủ đoạn tinh vi, nham hiểm hơn, thì chúng xác định đây là cơ hội cuối cùng.

Xin nhấn mạnh một lần nữa đánh giá của chúng, Hồng Hà nói: “Đại hội X sẽ diễn ra rất gay go, quyết liệt. Đây sẽ là Đại hội cuối cùng của ĐCS cần tích cực đấu tranh … tài liệu viết xong phải chuyển đến tận các “đảng bộ địa phương”.

4.2. Tiếp tục “đấu tranh” bảo vệ, thanh minh đòi thả tự do cho các phần từ cơ hội chính trị bị giam giữ và thổi phồng kết quả đấu tranh – mà tự cho là thành công như vụ Phạm Quế Dương, Trần Khuê.

Trong thời gian trước mắt theo nhận định của Hoàng Minh Chính “sau khi đấu tranh thắng lợi trong các phiên toà xét xử vụ án Trần Khuê và Phạm Quế Dương, lực lượng dân chủ cấp tiến cần phải tạm ngừng hoạt động một thời gian, nhằm đối phó với sự kiểm soát của công an, nhất là trong đợt ra quân, cao điểm truy tìm tài liệu “thư gửi BCT của Thượng tướng NNK”. Tuy nhiên, hoạt động đấu tranh đòi tự do cho các nhân vật còn đang bị giam giữ sẽ được lực lượng cấp tiếp tiếp tục đẩy lên theo như ý đồ của Hồng Hà đặt ra là: coi như vụ Quế Dương đã xong ta phải nhân cơ hội này tiếp tục đấu tranh đòi chính quyền phải trả tự do cho Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình.

4.3. Đẩy mạnh móc nối trong – ngoài.

Hoạt động móc nối giữa các nhân vật dân chủ cấp tiến trong nước được thực hiện vưói mật độ dầy hơn, thông qua các chuyến đi của một loạt các nhân vật chủ chốt: Hà Sỹ Phu ra Hà Nội (12/2003), Nguyễn Thanh Giang vào miền Nam (3/4/2004), Bùi Minh Quốc ra Hà Nội (4/5/2004), Thanh Giang xuống Hải Phòng (5/2/2004), Mạnh Sơn vào miền Nam (6/2004) … sự phối hợp đấu tranh “trong – ngoài” đang được đẩy lên một mức độ cao hơn, thể hiện ở hai khía cạnh: một là sự gia tăng móc nối liên hệ giữa Nguyễn Thanh Giang và ĐSQ Mỹ, hai là giữa Hoàng Minh Chính và lực lượng phản động người Việt Nam lưu vong (chủ yếu tại Pháp). Các thông tin thu thập được cho thấy hoạt động móc nối giữa Mỹ và các phần tử cấp tiến (thông qua Thanh Giang) tập trung mạnh nhất về vấn đề dân chủ, nhân quyền (đặc biệt là khoảng thời gian trước khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luận nhân quyền Việt Nam 2004 và Phạm Quế Dương bị xét xử).

Nhiều dấu hiệu cho thấy các hoạt động của các nhân vật cấp tiến thời gian qua đã nhận được sự chỉ đạo của CIA hoặc ĐSQ Mỹ (ví dụ thông qua Thanh Giang và một số nhân vật khác hiện vẫn còn nằm trong bóng tối). Hoạt động của chúng đã “chìm” đi nhưng “tính hiệu quả” lại tăng lên, mật độ tiếp xúc giữa Thanh Giang và ĐSQ Mỹ dầy lên nhất là vào thời điểm Phạm Quế Dương chuẩn bị được đưa ra xét xử, hoạt động của chúng được nguỵ trang rất kỹ lưỡng, hoạt động chống phá của chúng mang tính tổ chức chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, mang tính mục đích cao, có bước đi rõ ràng (đầy uy tín của một số cán bộ lão thành cách mạng lên cao sau đó sử dụng chính họ để “đánh” vào nội bộ Đảng, nội bộ quân đội”. Mỹ đánh giá việc lật đổ chế độ hiện nay ở Việt Nam sẽ chưa thể tiến hành chừng nào Mỹ chưa xây dựng được ở Việt Nam cái gọi là “lực lượng đối lập” thân Mỹ và một Gdorbachov” của Việt Nam. Những động thái điều chỉnh trong phương hướng, cách thức hoạt động của lực lượng cấp tiến trong thời gian gần đây, cùng với những mối quan hệ, móc nối giữa ĐSQ Mỹ và lực lượng cấp tiến mà trung tâm là Nguyễn Thanh Giang, có thể nhận định:Mỹ sử dụng lực lượng dân chủ cấp tiến như một con bài để truyền bá tư tưởng “dân chủ” “đa nguyên” và xã hội Việt Nam từng bước “chuyển hoá giác ngộ” để lôi kéo các tầng lớp nhân dân đi theo cái gọi là “phong trào dân chủ” ở Việt Nam. Khi CIA tìm được “ngọn cờ” chính trị tại Việt Nam, thì đây sẽ là nòng cốt để chúng xây dựng “lực lượng đối lập” phục vụ ý đồ của Mỹ – và thời điểm đó chính là lúc bùng nổ đồng loạt các hoạt động gây rố loạn khủng hoảng toàn diện – với mưu đồ xoá bó ĐCS và chế độ XHCN ở Việt Nam.

4.4. Phương thức và hoạt động của lực lượng cấp tiến, phản động đa dạng, linh hoạt hơn, thay đổi rất nhanh để theo kịp tình hình, tính chất và hậu quả do chúng gây ra sẽ nghiêm trọng hơn.

Năm 2003 hoạt động chống phá của lực lượng cấp tiến hầu như “co lại: và cầm chừng để nghe ngóng sau khi Nguyễn Vũ Bình, Phạm Quế Dương, Trần Khuê bị bắt. Có thể nói, “Phong trào dân chủ” đã bị những đòn đánh và bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, sang năm 2004 hoạt động của lực lượng này gia tăng trở lại, có thời cơ được dấy lên cao (khi xét xử Nguyễn Vũ Bình, Phạm Quế Dương, Trần Khuê) chúng điều chỉnh cách thức, thủ đoạn chống phá. Từ chỗ công khai đấu tranh đối lập các “tổ chức dân chủ”, “hội chống tham nhũng”, trước đây, nay chuyển thành các hoạt động “ngầm” với các hình thức “đấu tranh” mềm dẻo, linh hoạt, không đấu lộ diện mà “núp bóng” và lợi dụng, kích động các lực lượng khác (thân nhân của những tên bị bắt giam, CCB lão thành cách mạng) đứng ra đấu tranh, không sử dụng phương pháp biểu tình, lật đổ mà núp dưới các “phong trào chung chung” để giành, tăng cường viết bài và lôi kéo lực lượng CCB, lão thành cách mạng … củng cố tán phát, phổ biến nhằm “cảm hoá, giác ngộ” quần chúng nhân dân để đấu tranh thay đổi chế độ, đặc biệt là phải làm cho ĐCS “tự diễn biến”.

Bọn cấp tiến tiếp tục củng cố và xây dựng lực lượng, kể cả lôi kéo các nhân vật đòi được thả tự do.

Đây là vấn đề được các nhân vật cấp tiến rất chú trọng trong giai đoạn từ nay sau. Điều này thể hiện rất rõ trong chủ trương xây dựng cho được “ngọn cờ” ngay trong nội bộ Đảng, Nhà nước là những người có nhiều công lao, có uy tín cao, có quan điểm “dân chủ” đồng thời phải xây dựng sâu rộng “phong trào dân chủ ở cơ sở dần dần đi vào hoạt động ổn định mang tính tổ chức, tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra giám sát, không được manh động, hời hợt) cũng như hoạt động cụ thể của chúng. Bởi thực chất lực lượng của chúng trong thời gian qua không phát triển được là bao, số lượng không nhiều, thực sự giảm đi do một số nhân vật “có máu mặt” bị bắt giữ hơn nữa những tên cộm cán của phong trào” Hoàng Minh Chính, Hồng Hà, Thanh Giang .. đều đã già và có những bất đồng. Nhận thấy thế và lực chưa cho phép hình thành tổ chức đối lập với ĐCS nên chúng vẫn đang phải tìm thế hơn pháp để đấu tranh, lôi kéo thêm lực lượng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy cấp tiến ở Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tích cực triển khai chủ trương này.

4.6. Vấn đề đoàn két trong nội bộ bọn cấp tiến, phản động được chúng khắc phục để “kết hợp đấu tranh”.

Bọn cấp tiến phản động xét lại, cơ hội chính trị và bất mãn sẽ dàn xếp các mâu thuẫn nội bộ, kết hợp với nhau đấu tranh và mở rộng liên kết với phản động ở nước ngoài với các thế lực thù địch. Năm 2003 mâu thuẫn trong các nhóm cấp tiến diễn ra rất gay gắt, đặc biệt là giữa Thanh Giang và Hoàng Minh Chính. Đây không phải là mâu thuẫn về đường lối bởi hai nhân vật này vẫn thống nhất mục đích đấu tranh là lên án Đảng, chống đối Nhà nước, Vấn đề là ở tính đố kỵ và sự bất đồng trong việc xác định biện pháp, cách thức đấu tranh của “phong trào dân chủ”. Đến nay, mâu thuẫn từng bước được hoà giải mặc dù chưa được giải quyết triệt để. Dưới tác động của Hồng Hà, Bùi Minh Quốc, Hoàng Minh Chính và Thanh GIang đã đồng ý gác lại mâu thuẫn hoãn để tập trung cho đấu tranh chung của “phong trào”, nhất là trong bảo vệ Phạm Quế Dương. hơn nữa, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của các nhân vật thuộc nhóm “dân chủ” như Thanh Giang, Hồng Hà, Sơn Tùng với các nhân vật cốt cán trong lực lượng cấp tiến có thể thấy, gần đây các nhân vật “trung tâm” tìm được tiếng nói chung trong nhận định, đánh giá tình hình và chủ trương hoạt động chống phá dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tham nhũng.

4.7. Quyết tâm “lật án” tất cả các sự kiện trong Đảng từ sau năm 1954 đến nay như: “Nhân văn giai phẩm”. “Vụ án chống Đảng”, cải cách ruộng đất, các chính sách của Đảng và Nhà nước sau 1975..

Gần đây xuất hiện một số tác phẩm văn học phát tán có chú ý với nội dung lật án, phủ nhận công lao của Đảng trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cuốn sách “Việt Nam và thế giới trong thế kỷ 20” của Nguyễn Khắc Huỳnh, cuốn “gặp nhà thơ Tố Hữu tại biệt thư 76 Phan Đình Phùng” của Nhật Hoa Khanh … là những ví dụ Nhất Hoa Khanh đưa ra những “lời tâm sự” của đồng chí Tố Hữu ăn năn, hối lỗi về những việc làm của mình trước đây, thực chất tác giả “mượn tay” một đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng để lật lại các vụ án Nhân văn – Giai phẩm, vụ án chống Đảng … nhằm phủ nhận những nghị quyết của Đảng trước đây, Đưa ra những tư liệu khó kiểm chúng để “bộc bạch” ý đồ bôi nhọ một số cán bộ cao cấp của Đảng hiện nay, gây nghi ngờ trong người đọc về những mâu thuẫn nội bộ Đảng. Bài viết “Những kỷ niệm về Bác Hồ” xuyên tạc sự thật cuộc đời của Bác luôn gặp bất hạnh, nội bộ Đảng đấu đá nhau, Trung quốc, Liên xô gây sức ép buộc Đảng phải tiến hành cải cách ruộng đất dẫn đến sai lầm .. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động viết bài tuyên truyền, kích động chống phá quân đội và Tổng cục II trước Đại hội X. Tất cả những vụ việc này nằm trong âm mưu của địch làm cho Đảng bị phân tán chú ý, lo thu xếp giải quyết các “vấn đề nội bộ”, mà không tập trung được vào hoạch định đường lối, xác định nhân sự, củng cố tổ chức, không làm tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội X.

Như vậy các thế lực thù địch sẽ tập trung lực lượng, khả năng, kết hợp trong – ngoài để chống phá Đảng, Nhà nước và quân đội một cách mạnh mẽ, quyết liệt vào thời điểm chuẩn bị Đại hội X nửa cuối năm 2005.

5. Một số nhận xét, kiến nghị.

5.1. Đây không phải là lần đầu tiên các thế lực thù địch tấn công vào Đảng, Nhà nước và quân đội mạnh như hiện nay. Những hoạt động này diễn ra thường xuyên liên tục từ hàng chục năm nay. Đặc biệt cao trào chống phá thường rộ lên trước mỗi kỳ chuẩn bị đại hội Đảng. Từ đại hội V đến nay, Đảng ta luôn tỉnh táo, sáng suốt vô hiệu hoá âm mưu và thủ đoạn chống phá của c ác thế lực thù địch và thực hiện thành công đại hội, đưa đất nước đổi mới, vững vàng đi lên theo định hướng XHCN.

Hiện nay, trong giai đoạn chuẩn bị đại hội X địch tổ chức chiến dịch chống phá sớm hơn so với mọi lần, với sự ủng hộ mạnh hơn của Mỹ và các thế lực thù địch bên ngoài, có sự phối hợp bài bản hơn, chặt chẽ hơn giữa lực lượng trong và ngoài nước. Địch chủ trương đi vào nội bộ và tìm các vấn đề nội bộ để làm xuất phát điểm cho chiến dịch chống phá Đảng, Nhà nước và quân đội.

5.2. Về tương quan lực lượng ta - địch các thế lực thù địch tích cực sử dụng hơn tình báo gián điệp, các phẩn tử phản động, cấp tiến, xét lại chống Đảng, bất mãn … trong và ngoài nước chống phá trên các vấn đề lớn như Tây nguyên, tôn giáo, nhân quyền…và kích động chống phá nội bộ ta. Song các phần tử nguy hiểm này cũng chỉ là một số tên nhất định, chúng chưa có quần chúng, chưa có lực lượng. Con số không đến 100 tên. Nhưng nhờ công nghệ thông tin chúng có thể mở các chiến dịch tuyên truyền, kích động rầm rộ, thổi phồng về qui mô, tính chất và lực lượng, làm cho nhiều người nghĩ rằng chúng quá mạnh. Thực chất không phải như vậy.

Với lực lượng ấy địch chờ cái gì ? chúng không thể mơ tưởng tới một cuộc “cách mạng” lật đổ chế độ, Bởi vậy chúng rất mong chờ sự xuất hiện những mâu thuẫn nội bộ và sai lầm trong giải quyết các vấn đề nội bộ. Bùi Tín cũng như Nguyễn Gia Kiểng nói, cái điều chúng mong chờ nhất là kích động được sự rối loạn nội bộ, thanh trùng lẫn nhau, đó chính là thời cơ. Bài học Liên xô cho thấy rằng, với một nhóm rất nhỏ các phần tử cấp tiến phản động và xét lại trong ĐCS Liên xô, rất nhỏ, có thể đếm chỉ được vài chục người, nhưng mà chúng ta đã xoá bỏ được Liên xô. Chính là từ vấn đề trong nội bộ.

5.3. Về phía ta, trong những năm qua đất nước có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thế và lực trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Kinh tế, văn hoá xã hội phát triển, đặc biệt là nền tảng chính trị của ta cơ bản được giữ vững qua những thăng trầm, những biến cố những phức tạp của tình hình. Đảng ta là một Đảng mạnh, thống nhất ý chí và hành động, đặc biệt có lực lượng vũ trang trung thành tuyệt đối, luôn sẵn sàng bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ XHCN và Nhân dân. Bởi vậy, tương quan lực lượng ta - địch thực sự là một trời, một vực.

Chính vì vậy, để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng lần thứ X, nếu chúng ta giữ vững ổn định nội bộ, không để các thế lực thù địch kích động, gây chia rẽ nội bộ, đặc biệt trong quá trình Đại hội X, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đặc biệt là tuyệt đối không để các thế lực bên ngoài (địch, cấp tiến, xét lại, bất mãn, những người không hiểu tình hình …) chi phối hoặc ngầm tác động.

Đảng, Nhà nước nắm chắc lực lượng quốc phòng – An ninh, quản lý chặt chẽ tình hình mọi mặt, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước để chủ động đối phó sớm với những biến động. Có các biện pháp phù hợp vừa khẩn trương vừa có tính dài hạn để cơ bản giải quyết các điểm nóng như Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc. Giải quyết tốt mối quan hệ quốc tế theo 2 trục cơ bản là Việt Nam – Lào – Campuchia là quan hệ gắn bó, sống chết có nhau, và trục quan hệ Mỹ – Việt – Trung. Giữ vững ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội./.

Bộ quốc phòng