Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

CHỦ - NGHĨA DÂN - TỘC SINH - TỒN

Người soạn: Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy

Mục Lục

Trở về Chương III, Phần Thứ Nhì

PHẦN THỨ NHÌ

CHỦ - NGHĨA DÂN - TỘC SINH - TỒN

CHƯƠNG IV

SỰ HỢP-QUẦN CỦA NGƯỜI.

I.- VẤN-ÐỀ HỢP-QUẦN.

Vì cơ-cấu tổ-chức của thân-thể mình, người tự-nhiên có những nhu-cầu, những khuynh-hướng, những bản-năng. Tất cả những yếu-tố này khiến cho người có một ý-chí sinh-tồn rất mạnh. Ta đã thấy rằng người luôn luôn hoạt-động để sinh-tồn. Sự sinh-tồn bắt buộc người phải tranh-đấu không ngừng với thiên-nhiên, với loài thú, với đồng-loại.

Sự quan-sát cho ta thấy rằng, muốn nắm phần thắng-lợi trong sự tranh-đấu để sinh-tồn, một sanh-vật phải mạnh và có một quan-năng biến-cải cường-kiện. Nhờ sức mạnh và quan-năng biến-cải của mình, người đã thâu-hoạch được nhiều kết-quả rực rỡ trong sự đương đầu lại thiên-nhiên và các loài thú. Chẳng những khỏi bị đào-thải, người lại còn tiến-hóa nữa. Những khả-năng của người hết sức mở mang, và sự sinh-tồn của người về cả hai mặt vật-chất lẫn tinh-thần đều được nâng lên một mực rất cao.

Nhưng một sanh-vật cô-độc, dầu có một sức mạnh và một quan-năng biến-cải cường-kiện đến đâu cũng không thể nào đủ sức đối-phó với mọi cảnh-ngộ được. Vì thế, nhiều loài sanh-vật đã biết hội-họp nhau lại, góp sức cùng nhau tranh-đấu chung nhau.

Hợp-quần gây ra sức mạnh, điều đó con người đã biết, và đã biết nhiều hơn bất-cứ sanh-vật nào khác: không có loài sanh-vật nào có được một sự hội-họp đông đúc bằng loài người. Nhưng sự hợp-quần của người có nhiều chỗ khác hẳn sự hợp-quần của những loài sanh-vật khác. Loài cầm thú tuy có họp nhau thành đàn, nhưng không cố-kết chặt chẽ với nhau và không được tổ-chức một cách đàng-hoàng. Một vài loài bọ như loài kiến, loài ong, loài mối v.v... có một tổ-chức tinh-tế, một sự đoàn-kết mạnh mẽ, một sự phân-công rành rọt. Tuy nhiên, những cá-nhơn lãnh những nhiệm-vụ khác nhau thì có những cơ-thể rất khác nhau về mặt sanh-lý. Một mặt khác, sự hoạt-động của chúng trong đoàn-thể có một tánh-cách gần như là máy móc vậy.

Sự hợp-quần của con người thì phức-tạp hơn nhiều. Con người vừa họp sức nhau để đánh kẻ thù chung, để lo mưu sự sinh-tồn chung, vừa tranh-đấu lẫn nhau để bành-trướng thế-lực mình, để bảo đảm sự sinh-tồn riêng cho mình. Người vừa cộng-tác với nhau một cách chặt chẽ, vừa tìm đủ cách để sống cuộc đời riêng của mình, vừa muốn có một tổ-chức chung cho tất cả, vừa muốn làm nổi bật cái bản-sắc, cái cá-tánh riêng của mình. Vì đó, sự tạo-lập xã-hội từ xưa đến giờ luôn luôn gặp nhiều nỗi khó khăn. Không hiểu rõ động-lực hướng-dẫn con người trong sự hợp-quần thì không sao giũ cho xã-hội quân-bình được.

A.- LÝ-DO KHIẾN NGƯỜI HỢP-QUẦN VÀ NHỮNG THỂ-THỨC HỢP-QUẦN CỦA NGƯỜI.

Sự hợp-quần của người sở-dĩ phức-tạp là vì người vừa hợp-quần với nhau, vừa lại phải tranh-đấu lẫn nhau. Nhưng tại sao người lại hợp-quần nhau trong khi vẫn phải tranh-đấu lẫn nhau?

Như ta đã thấy trên đây, một sanh-vật cô-độc không thể nào đủ sức đối-phó với cảnh-ngộ. Do đó, người phải góp sức nhau lại để tranh-đấu chung nhau. Ai cũng biết rằng mỗi khi có thể thi-hành được ý muốn với những năng-lực cá-nhơn của mình, người sẵn sàng tranh-đấu riêng một mình để hưởng trọn kết-quả mình thâu-hoạch được. Chỉ những lúc tự liệu mình thiếu điều-kiện để thủ-thắng, người mới chịu cộng-tác với kẻ đồng-loại với mình. Người mọi rợ ở rừng sâu kêu gọi một người mọi rợ khác họp-lực đi săn một con mãnh-thú, cũng như người thương-gia ở đô-thị rủ người quen hùn vốn để mở một hiệu buôn đều có một cứu-cánh duy nhứt: tìm kiếm một hay nhiều người phụ giúp họ trong một công việc mà họ không làm nổi một mình.

Như vậy, chúng ta có thể bảo rằng nguyên-nhơn chánh-yếu làm cho con người hợp-quần nhau lại là sự cần dùng phải góp sức nhau để làm những công việc trên năng-lực riêng của một người. Ðộng-lực căn bản của sự hợp-quần, xem thế, chỉ là quyền-lợi cá-nhơn.

Tuy-nhiên, con người không phải lúc nào cũng có một ý-thức rõ rệt về quyền-lợi này. Chỉ đến lúc trí óc mở mang rồi, người mới suy-luận tính-toán về vấn-đề quyền-lợi. Thuở hãy còn man-dã, người chưa biết cân nhắc sự lợi hại trước khi quyết-định thái-độ của mình. Sự hợp-quần của người trong thời-kỳ này, mặc dầu vẫn có lợi cho người, đã thực-hiện một cách tự-nhiên, do sự thúc đẩy của bản-năng sinh-tồn cá-nhơn.

Lần lần, do sự chung đụng nhau, những bản-năng xã-hội của người nảy nở, và người cảm thấy sự cần dùng phải sống bên người đồng-loại. Vì đó, kế bên vấn-đề quyền-lợi, ta lại còn nhận thấy có một động-lực khác nhau có tánh-cách tinh-thần, nghĩa là không vụ những mối lợi thiển-cận, thấp kém. Ðó là bản-năng hợp-quần của người. Nó khiến cho người cảm thấy buồn chán khi cô-độc và có xu-hướng tìm kiếm kết thân cùng những kẻ đồng-loại với mình. Do đó, một số triết-gia đã cho rằng, người sở-dĩ hợp-quần nhau lại là vì họ thích sống chung nhau.

Nhưng dầu có ý-thức hay không, dầu cho có nhắm vào một mục-đích có lợi rõ ràng hay không, sự hợp-quần của người trong những trường-hợp kể ra trên đây, đều dựa vào sự đồng-thuận của các cá-nhơn. Ta có thể cho rằng, đó là những cuộc tình-nguyện hợp-quần, tình-nguyện một cách gián-tiếp khi người chưa có một ý-niệm rõ rệt về sự hợp-quần, và một cách trực-tiếp khi ngưòi đã có ý-thức, có suy-luận trước khi hợp-quần.

Ngoài trường-hợp tình-nguyện hợp-quần trên đây, người còn có thể bị bắt buộc hợp-quần với kẻ khác ngoài ý muốn mình. Những người sanh ra trong một xã-hội phải khép mình vào trong khuôn khổ xã-hội ấy, dầu không muốn cũng phải chịu. Một số người khác, vì tình-thế bắt buộc, phải đặt mình dưới sự thống-suất của một người nhiều thế-lực hơn. Cũng có khi, sau cuộc tranh-đấu, người hay những người thất-bại còn sống phải tuân theo luật-lệ của kẻ thắng. Ta có thể xem những cuộc hợp-quần này là những cuộc cưỡng-bách hợp-quần, cưỡng-bách một cách gián-tiếp, khi người tự mình nhận chịu một sự hợp-quần mình không thích, hay một cách trực-tiếp, khi người bị một kẻ mạnh hơn bắt buộc phải hợp-quần với họ.

Mặc dầu có thiên-hình vạn-trạng, sự hợp-quần của người đều có thể qui về hai thể-thức tình-nguyện và cưỡng-bách trên này.

Trong lịch-sử nhơn-loại, những cuộc hợp-quần đầu tiên của người đều có mục-đích góp sức nhau lại để chống với một kẻ thù có hại đến tất cả mọi người. Những cuộc tình-nguyện hợp-quần này, lớn hay nhỏ, lâu hay mau, tùy theo sự nguy-hiểm nhiều hay ít, vĩnh-cửu hay tạm-thời.

Những đoàn-thể loài người đầu tiên sở-dĩ duy-trì được là vì có một sự nguy-hiểm to lớn bao vây quanh tất cả mọi người. Sự cần dùng phải đối-phó với loài độc-trùng ác-thú đã làm cho một số người cố-kết lại sống chung nhau. Trong lịch-sử thế-giới, những xã-hội văn-minh đã xuất-hiện trước nhất ở Ai-Cập, Lưỡng-hà, Ấn-độ và Hoa-bắc, nghĩa là ở lưu-vực các con sông Nil, Euphrate và Tigre, Ấn-hà và Hoàng-hà. Ðó là những con sông có nhiều phù-sa, chảy trên một vùng đất phì-nhiêu, nhiều thổ-sản. Nó giúp cho đất mầu mỡ, lại cung-cấp số nước cần-thiết cho sự canh-tác, nhưng lại hay ngập lụt, giết hại nhiều sanh-mạng, mùa màng. Những nhóm người thái-cổ, muốn định-cư ở lưu vực các sông này để dễ tìm món ăn. Mà muốn sống được ở các vùng đó, họ phải đắp đê giữ nước hay khơi ngòi dẫn-thủy. Những công việc ấy rất cần nhiều người làm và cần được săn sóc đến luôn. Vì thế, người phải hợp-quần nhau lại trong một phạm-vi rộng lớn và lâu dài. Chính những điều-kiện này đã tạo ra được những xã-hội đông đúc cần-thiết cho sự phát-hiện văn-minh.

Ngoài ra, lịch-sử còn cho ta biết rằng, các đoàn-thể loài người trên thế-giới đã luôn luôn tranh-đấu nhau, thôn-tính lẫn nhau. Việc những đoàn-thể mạnh mẽ dùng võ-lực bắt buộc các đoàn-thể yếu hơn tùng-phục mình là một sự-kiện rất thông-thường. Vậy, sự cưỡng-bách hợp-quần cũng đóng một vai tuồng rất trọng-hệ trong lịch-trình tiến-hóa của con người.

Khảo-sát sơ qua những lý-do và thể-thức hợp-quần của người, ta đã thấy rằng vấn-đề hợp-quần là một vấn-đề phức-tạp. Thật-sự, nó còn phức-tạp hơn nữa. Muốn hiểu rõ nó, chúng ta còn phải xét qua sự tiến-triển của sự hợp-quần giữa loài người từ trước đến giờ và sự liên-lạc giữa con người với nhau trong mỗi thể-thức hợp-quần của xã-hội.

B.- SỰ TIẾN-TRIỂN CỦA SỰ HỢP-QUẦN GIỮA LOÀI NGƯỜI.

Vì một lẽ rất giản-dị và tự-nhiên là người ta chỉ có thể hợp-quần với những kẻ quen biết mình, hay ít nữa cũng có thể giao-thiệp được với mình, con người bị bắt buộc phải hợp-quần với những kẻ gần gũi mình trước nhứt. Mà trên đời, có ai gần gũi mình hơn là những kẻ chung huyết-thống với người? Bởi thế, cho nên ở bất-cứ xã-hội nào, gia-đình cũng là cái phạm-vi hợp-quần tự-nhiên trong đó người phải sống. Phạm-vi này có thể mở rộng hay thu hẹp tùy theo phong-tục của cái xã-hội chứa đựng nó và tùy theo quan-niệm riêng của người, nhưng từ khi con người biết hợp-quần nhau, nó luôn luôn được nhìn nhận duy-trì.

Trong thời-kỳ mà loài người chưa có những phương-tiện vật-chất và tinh-thần để giao-thiệp nhau trong một phạm-vi rộng rãi thì gia-đình là đoàn-thể hợp-quần duy-nhứt của loài người. Ta có thể quả-quyết rằng, xã-hội nào cũng bắt đầu bằng sự thành-lập những gia-đình.

Vào buổi sơ-thủy của xã-hội thì một gia-đình không có bao nhiêu người. Nhưng lần lần nhờ sự sanh sôi nảy nở của nhơn-viên mình, gia-đình trở nên đông đúc. Vì lẽ phải đối-phó với thiên-nhiên và các loài vật khác đang uy-hiếp đời sống của mọi người một cách mạnh mẽ. Những kẻ thành-niên trong gia-đình thuở trước không phân tách ra để lập những tiểu-gia-đình như bây giờ mà cứ tiếp-tục sống chung nhau. Do đó, mà về sau, gia-đình biến thành những thị-tộc.

Thị-tộc lại nhờ sự tăng-gia nhơn-khẩu của chính mình hay nhờ sự thông-hôn với những thị-tộc khác gần mình mà càng ngày càng rộng lớn thêm ra để trở thành bộ-lạc. Cũng có khi bộ-lạc được thành-lập nhờ sự hợp-quần của nhiều thị-tộc ở gần nhau, vì cần phải đối-phó với một lực-lượng khác mạnh hơn mà tình-nguyện cố-kết nhau lại làm một khối.

Gia-đình cổ-sơ, thị-tộc và bộ-lạc có thể di-cư đi mãi từ đất nầy sang đất nọ tùy theo mùa hay là tụ lại một chỗ nhứt-định. Nhưng không bao giờ những đoàn-thể ấy lấy một lãnh-thổ có những biên-giới hoạch-định rõ rệt làm đất sống cho mình. Trong sự lượm quả, trồng cây, cũng như trong sự chài lưới, săn bắn hay sự chăn nuôi, cứ kiếm ăn ở chỗ nào được thì họ đến hoạt-động ở chỗ đó.

Trong sự mưu-sinh, những bộ-lạc gần nhau thường phải chạm trán nhau và giết hại lẫn nhau, hoặc là thôn-tính lẫn nhau. Về sau, vì sự thôn-tính này, hoặc vì phải hợp-tác nhau để đối-phó với một tai-nạn lớn lao chung như nạn nước lụt giết hại nhiều người hay nạn xâm-lược của những bộ-lạc khác từ vùng xa kéo đến, nhiều bộ-lạc gần nhau họp nhau lại thành-lập quốc-gia.

Nhưng quốc-gia đầu tiên được thành-lập là những quốc-gia phong-kiến, trong đó những tù-trưởng của các bộ-lạc giữ quyền cai trị nhơn-viên của mình. Họ chiếm cứ một địa-phương và trở thành những lãnh-chúa mà chức-vị theo lối thế-tập truyền lại cho con cháu từ đời này sang đời khác. Người lãnh-chúa có thế-lực nhứt trong bọn được suy-tôn làm bá-chủ để điều-khiển các lãnh-chúa kia. Lúc ban đầu, bá-chủ thường chỉ có một quyền-lợi danh-vị đối với các lãnh-chúa, chớ không phải hoàn-toàn sai khiến họ được như ý muốn. Nhưng lần lần thế-lực bá-chủ bành-trướng ra và bá-chủ chi-phối các lãnh-chúa chặt chẽ hơn. sự chi-phối này càng ngày càng mạnh mẽ cho đến lúc người bá-chủ thâu hết mọi quyền-hành vào tay mình và biến những lãnh-chúa thành những tước-chủ vô-quyền. Lúc đó, quốc-gia phong-kiến nhường chỗ lại cho quốc-gia tập-trung.

Ở một vài nơi trên thế-giới, khi quốc-gia được thành-lập, người dân được tham-dự quốc-sự một cách đồng đều nhau. Ðó là trường-hợp những đô-thị Hy-lạp và Ý. Tuy-nhiên, trường-hợp này rất hiếm hoi, và chế-độ cộng-hòa không duy-trì được lâu dài. Thêm nữa, những người nô-lệ, gốc là chiến-sĩ dị-tộc bị bắt làm tù-binh hay là hậu-duệ các tù-binh này, không được hưởng công-quyền. Vì thế, ta có thể bảo rằng các quốc-gia được xây dựng nên lúc nền văn-minh chớm nở đều đặt nền tảng trên oai-quyền các quí-tộc.

Những quốc-gia thành-lập vào buổi sơ-khai của xã-hội sánh với những quốc-gia hiện-thời thì nhỏ nhít, không thấm vào đâu. Nhưng so với những bộ-lạc, nó cũng đã rộng lớn và phức-tạp hơn nhiều. Nó có một lãnh-thổ mà cương-giới được hoạch-định hẳn hòi, và đại-đa-số nhơn-viên nó đều trụ-cư lại một chỗ. Sau nhiều thế-kỷ tranh-chiến và chiếm cứ lẫn nhau, những quốc-gia xưa kia lần lần mở rộng biên-cương ra để thành nhũng quốc-gia và đế-quốc rộng lớn như ta thấy bây giờ.

Sự sống chung lộn nhau trong một thời-gian dài dặc dưới một hệ-thống luật-lệ và văn-hóa làm cho người trong những bộ-lạc lập thành quốc-gia xáo trộn nhau lại. Lần lần, những người trong các bộ-lạc gần nhau và có nhiều điểm tương-đồng về thể-chất, ngôn-ngữ, tín-ngưỡng, tập-quán, phong-tục v.v... họp nhau lại thành một dân-tộc.

Có khi hầu hết dân-chúng trong một quốc-gia đều thuộc về một dân-tộc và quốc-gia có một tánh-cách đồng-nhứt về phương diện dân-tộc. Ðó là trường-hợp nước Việt-Nam ta. Nhưng có khi dân-chúng trong quốc-gia hay đế-quốc thuộc nhiều dân-tộc khác nhau như trường-hợp đế-quốc Áo hay trường-hợp nước Nga. Trường-hợp nước Trung-hoa lại còn đặc biệt hơn nữa. Vì nước Trung-hoa rộng lớn quá và được duy-trì trong một thời-gian dài dặc, dân-chúng nước ấy tuy đã bị xáo trộn đến nỗi quên cả những nguồn-gốc chủng-tộc của mình, nhưng vẫn chưa đồng-hóa nhau đủ để thành một dân-tộc đồng-nhứt. Cũng có khi dân-tộc thành-lập rồi thì quốc-gia sụp đổ và dân-tộc lại chia ra sống trong nhiều quốc-gia khác nhau, như dân-tộc Ba-lan bị chia ra cho các nước Phổ, Áo, và Nga.

Sự thành-lập dân-tộc có tánh-cách tự-nhiên hơn sự thành-lập quốc-gia. Bởi đó, tuy cấu-tạo một cách chậm chạp, khó khăn hơn quốc-gia, dân-tộc có một tánh-cách vững chắc hơn quốc-gia. Những dân-tộc đã cấu-tạo được rồi thi dầu có bị chia ra cho nhiều nước hay bị lệ-thuộc vào dân-tộc khác, cũng lần lần hoạt-động để tụ họp nhau lại, hay để giành lại sự tự-do của mình. Ðiều này làm cho các quốc-gia có xu-hướng tiến đến chỗ lấy dân-tộc làm nền tảng cho mình.

Trong lúc trình-độ kỹ-thuật thấp kém của loài người chưa giúp cho họ những phương-tiện giao-thông rộng rãi và mau lẹ, thì các quốc-gia rất ít giao-thiệp nhau, dầu cho ở sát bên nhau cũng thế. Ngay trong những thời-kỳ không tranh-chiến lẫn nhau, họ cũng thường theo chánh-sách bế-môn tỏa cảng, và chỉ trao đổi những cuộc viếng thăm chánh-thức một cách thưa thớt. Sự liên-lạc giữa nhơn-dân của quốc-gia này và quốc-gia kia cũng hết sức it ỏi.

Nhưng đến lúc những phương-tiện giao-thông được mở mang, sự cộng-tác quốc-tế lần lần trở nên chặt chẽ hơn. Hiện giờ, tất cả mọi quốc-gia trên hoàn-cầu đều liên-đới nhau và giao-thiệp nhau một cách rộng rãi. Vì đó, mặc dầu thế-giới không được đặt dưới một quyền thống-suất duy-nhứt, mặc dầu trên quả đất còn có những nơi hẻo lánh chưa thấy ánh văn-minh, ta có thể bảo rằng sự cộng-tác nhau giữa con người đã tiến đến phạm-vi nhơn-loại rồi.

C.- SỰ LIÊN-LẠC GIỮA CON NGƯỜI TRONG NHỮNG THỂ- THỨC HỢP-QUẦN KHÁC NHAU CỦA XÃ- HỘI.

Xét sơ qua sự tiến-triển của sự hợp-quần giữa loài người từ trước đến giờ, chúng ta đã thấy rằng con người có thể hợp-quần nhau vì sự hợp-quần ấy có lợi cho mình, vì bị những người mạnh hơn mình bắt buộc, hay ngẫu-nhiên sanh ra trong một đoàn-thể có một tổ-chức hẳn hòi rồi.

Nhưng bao giờ con người cũng đi từ hợp-quần với người cùng huyết-thống đến sự hợp-quần với những người xa lạ hơn. Sự hợp-quần của người luôn luôn bắt đầu từ nơi gia-đình để mở rộng ra thị-tộc, bộ-lạc, quốc-gia, rồi quốc-tế. trong khi phạm-vi hợp-quần của người mở rộng ra như thế thì sự liên-lạc giữa con người với nhau bên trong phạm-vi ấy cũng đổi thay tánh-cách của mình.

1.- SỰ LIÊN-LẠC CON NGƯỜI TRONG NHỮNG TỔ-CHỨC NHỎ NHƯ GIA-ÐÌNH, THỊ- TỘC, BỘ-LẠC.

Trong những tổ-chức nhỏ như gia-đình thị-tộc, bộ-lạc, số người không có bao nhiêu. Tất cả nhơn-viên của đoàn-thể cùng chung huyết-thống, cùng sống chung dưới một khí hậu, cùng dùng những lương-thực như nhau, cùng theo những lối sanh-hoạt như nhau. Vì đó, họ có những tánh-cách thể-chất như nhau. Họ lại có thể biết rõ nhau hết và giao-thiệp mật-thiết với nhau.

Vì lực-lượng chung của đoàn-thể không hùng-hậu lắm so với những nguy-cơ có thể uy-hiếp sự sống còn chung cho nên mọi người đều hết sức cố-kết nhau lại. Sự hợp-quần của họ do đó mà có tánh-cách tình-nguyện hơn là tánh-cách cưỡng-bách và tự-nhiên rất mật-thiết. Thêm nữa, người cầm đầu đoàn-thể, có thể kiểm-soát tất cả mọi người và chi-phối họ một cách mạnh mẽ.

Những điều trên này làm cho sự tổ-chức rất chặt chẽ và đoàn-thể rất đồng-nhứt. Người trong gia-đình, thị-tộc, bộ-lạc rất giống nhau về cả hai mặt vật-chất lẫn tinh-thần. Không những có thể-chất tương-tợ nhau, họ lại còn có y-phục, ngôn-ngữ, tín-ngưỡng, phong-tục, tập-quán như nhau và mưu- sanh một lối với nhau nữa. Họ liên-lạc nhau một cách mật-thiết và kết nhau lại thành một khối khít khao.

2.- SỰ LIÊN-LẠC GIỮA CON NGƯỜI TRONG NHỮNG TỔ-CHỨC RỘNG RÃI NHƯ QUỐC-GIA.

Ðến khi con người mở rộng phạm-vi hợp-quần của mình ra thì tánh-cách đồng-nhứt của đoàn-thể lần lần giảm bớt. Một quốc-gia dầu lớn hay nhỏ cũng đều có nhiều bộ-lạc hợp lại lập thành. Những bộ-lạc này có nguồn-gốc khác nhau và bao giờ cũng còn giữ lại những đặc-tánh riêng của họ. Bộ-lạc lớn nhứt và mạnh mẽ nhứt đã gây được sự hợp-quần thành quốc-gia tự-nhiên là bao giờ cũng tìm cách đồng-hóa những bộ-lạc kia để gây một quốc-tánh chung. Nhưng sự đồng-hóa này dầu có đưa những bộ-lạc bên trong quốc-gia đến chỗ hỗn-hợp nhau lại làm một dân-tộc cũng không bao giờ thực-hiện một cách hoàn-toàn được.

Thêm nữa, lãnh-thổ của quốc-gia thường chiếm một phần đất rộng rãi mà địa-thế, thổ-sản không thể nào đồng đều nhau, thành ra, người trong quốc-gia phải sống dưới những khí-hậu khác nhau không nhiều thì ít, dùng những lương-thực khác nhau, theo những lối mưu-sanh khác nhau tùy theo vùng mình ở. Trình-độ sanh-hoạt của con người lại càng ngày càng được nâng cao lên mãi, những món nhu-dụng của người càng ngày càng nhiều thêm, và sau cùng, người không thể theo chế-độ kinh-tế tự-túc mà phải theo chế-độ phân-công. Người lần lần có những chế-độ khác nhau, và điều này tăng-cường thêm sự phân-biệt giữa người này với người khác.

Vì quÁ-đông đúc và ở trên một vùng đất rộng rãi, người trong quốc-gia không thể biết rõ nhau hết và không thể giao-thiệp mật-thiết nhau như trong những đoàn-thể nhỏ. Người cầm đầu quốc-gia cũng không thể kiểm-soát hết mọi người và chi-phối họ một cách mạnh mẽ được. Không bị quyền-hạn của những ông chúa phong-kiến địa-phương ngăn cản bớt, thế-lực của người quốc-trưởng cũng bị đụng đầu với sức đề-kháng của dân-chúng. Câu “ Phép vua thua lệ làng” của người Việt-Nam ta thật ra có thể đem áp-dụng vào bất-cứ quốc-gia nào trên thế-giới. Bởi những lẽ trên đây, tổ-chức quốc-gia không sao chặt chẽ bằng những tổ-chức gia-đình, thị-tộc, bộ-lạc.

Ngoài ra, chúng ta còn có thể nhận thấy điều này nữa, là khi đoàn-thể càng lớn rộng thì lực-lượng nó càng tăng-gia, càng hùng-hậu so với những lực-lượng bên ngoài ép vào, thành ra, những nguy-cơ uy-hiếp sự sống còn chung càng trở nên xa xôi, gián-tiếp, ít rõ rệt hơn. Những quyền-lợi cá-nhơn được đoàn-thể bảo-vệ càng có tánh-cách sâu xa, trừu-tượng và vì đó, càng khó thấy. Sự hợp-quần của người thành ra không có tánh-cách tình-nguyện rõ rệt như trong đoàn-thể nhỏ, mà lại có tánh-cách cưỡng-bách, cưỡng-bách một cách trực-tiếp như trường-hợp bộ-lạc nhỏ bị bộ-lạc to thôn-tính, hay cưỡng-bách một cách gián-tiếp ở chỗ người ngẫu-nhiên sanh ra trong một quốc-gia có tổ-chức rồi nên phải khép mình vào tổ-chức đó.

Thêm nữa, một đoàn-thể rộng lớn như quốc-gia không thể nào tổ-chức việc tìm kiếm những món cần-thiết cho sự sống còn của tất cả mọi người để phân-phát cho từng người một. Nó cũng không thể tổ-chức và kiểm-soát tất cả những cuộc hoạt-động văn-hóa để thỏa-mãn những sự cần dùng tinh-thần của con người. Mãi đến thế kỹ thứ 20, ta mới thấy xuất-hiện những chế-độ độc-tài khoa-học tìm cách uốn nắn tất cả mọi người trong quốc-gia theo một khuôn khổ nhứt-định và cố sức chi-phối đời sống vật-chất và tinh-thần của mọi người trong quốc-gia bằng cách qui-định hết mọi hoạt-động của họ. Nhưng mặc dầu có những bộ máy cảnh-sát khắc-nghiệt và rườm rà, mặc dầu đã giết hại đày ải hàng triệu con người, những nhà độc-tài của thế-kỷ 20 cũng không thành-công trong dự-định của họ. Thật-sự, khi người ta đã văn-minh, quốc-gia thường chỉ có thể đảm-nhận công việc bảo-vệ cái lãnh-thổ trên đó người sống và qui-định luật-lệ người phải tuân theo để cư-xử với nhau trong công việc mưu-sanh mà thôi. Bởi thế người phải tự lo cho mình nhiều hơn trong những đoàn-thể nhỏ. Và trong sự hoạt-động để sống còn, người cạnh-tranh với những người khác trong đoàn-thể một cách mạnh mẽ hơn.

Tất cả những yếu-tố trên này làm cho người trong quốc-gia không được hoàn-toàn giống nhau về mọi phương-diện như người trong gia-đình, thị-tộc, bộ-lạc. Không khác nhau về một vài tánh-cách thể-chất, họ cũng khác nhau về giọng nói; không khác nhau về y-phục, họ cũng khác nhau về tín-ngưỡng, tập-quán; không khác nhau về nghề-nghiệp, họ cũng khác nhau về trình-độ hay phương-thức sanh-hoạt. Thật ra thì ngoài những nghề-nghiệp khác nhau cần-thiết cho một xã-hội văn-minh, ngoài những vùng kinh-tế khác nhau là kết-quả của một lãnh-thổ rộng lớn, ngoài sự chênh lệch về đời sống của mọi người trong nước vì cơ-vận hay tài-năng bất-đồng gây ra, không có quốc-gia nào trên thế-giới mà khỏi phải chứa đựng những đoàn-thể tôn-giáo khác nhau, những nhóm dân thiểu-số, những địa-phương có y-phục và phong-tục tập-quán khác nhau.

Vì những sự khác nhau trên này và vì không thể giao-thiệp với nhau được hết, người trong quốc-gia không liên-lạc chặt chẽ nhau để kết thành một khối đồng-nhứt khít khao như gia-đình thị-tộc bộ-lạc.

3.- SỰ LIÊN-LẠC GIỮA CON NGƯỜI TRONG PHẠM-VI NHƠN-LOẠI

Tuy thế, quốc-gia dầu sao cũng là một đoàn-thể có tổ-chức và duy-trì trong một thời-gian dài dặc. Người trong quốc-gia không hoàn-toàn đồng-nhứt như người cùng một gia-đình, một thị-tộc hay một bộ-lạc, nhưng họ vẫn có một quốc-tánh chung trong hàng bao nhiêu thế-kỷ tranh-đấu cùng nhau. Quốc-tánh này làm cho họ phân-biệt hẳn hòi với người trong những quốc-gia khác. Và mặc dầu tất cả những cá-nhơn trong quốc-gia không thể liên-lạc mật-thiết cùng nhau hết, giữa mọi người bao giờ cũng có một hệ-thống những tư-tưởng, tín-ngưỡng, những luật-lệ, chế-độ buộc liền họ lại. Bên trên, lại còn có một sợi dây vô-hình cột họ vào nhau trong một tình-cảm thiêng-liêng: tình yêu Tổ-quốc.

Giữa những người ở những quốc-gia khác nhau thì không có những mối liên-lạc vật-chất và tinh-thần như giữa người cùng chung một quốc-gia. Chẳng những khác nhau về thể-chất, ngôn-ngữ, y-phục, họ lại không có một lịch-sử tranh-đấu chung nhau, không theo những phong-tục tập-quán như nhau, và không được đặt dưới những tổ-chức cai trị chung nhau.

Trong thời-kỳ bế-môn tỏa-cảng cũng như trong thời-kỳ giao-thiệp rộng rãi với nhau, những quốc-gia không bị mất độc-lập đều sống riêng biệt hay chỉ được buộc vào nhau bằng những hiệp-ước quốc-tế mong manh. Do đó, sự giao-thiệp giữa người trong quốc-gia này và người trong quốc-gia khác bị hạn-chế. Tư-nhơn các nước chỉ liên-lạc nhau trong những sự hoạt-động thương-mãi, văn-hóa và theo một hệ-thống chặt chẽ hơn, nhưng nhỏ hẹp hơn, trong những sự hoạt-động chánh-trị. Số người của một quốc-gia mà có liên-lạc với người của một quốc-gia khác so với những người không giao-thiệp thì không có bao nhiêu, ngay trong lúc mà sự cộng-tác quốc-tế đã trở nên rộng rãi, nhờ những phương-tiện giao-thông mau lẹ và tiện-lợi cũng thế. Bởi vậy, sự hợp-quần giữa con người trong phạm-vi quốc-tế phần nhiều là gián-tiếp. Những người trực-tiếp hợp-quần nhau chỉ có một số rất ít mà thôi.

D.- NHỮNG ÐẶC-ÐIỂM TRONG SỰ HỢP-QUẦN CỦA CON NGƯỜI.

Chúng ta có thể nói tóm lại rằng phạm-vi hợp-quần của con người có xu-hướng càng ngày càng mở rộng thêm ra mãi. Nhưng phạm-vi này càng mở rộng thì người hợp-quần càng bớt đồng-nhứt nhau, liên-lạc giữa những người hợp-quần càng bớt mật-thiết, và sự tổ-chức của người càng bớt chặt chẽ. Mà sự đồng-nhứt của người hợp-quần, sự mật-thiết trong những mối liên-lạc của họ và sự chặt chẽ của tổ-chức họ là những yếu-tố cần-thiết để làm cho đoàn-thể vững vàng.

Ðoàn-thể lớn nhứt trong đó những yếu-tố trên nầy còn đủ sức để làm cho sự hợp-quần của người vững vàng là quốc-gia. Vì đó, sự hợp-quần của người luôn luôn hướng đến hình-thức quốc-gia. Biên-giới quốc-gia, cách tổ-chức quốc-gia, hạng người cầm đầu quốc-gia, và những nhóm người họp nhau lại để cấu-tạo nên quốc-gia có thể thay đổi tùy theo thời-thế, nhưng thực-thể quốc-gia không thể tiêu-diệt được. Từ khi xuất-hiện đến giờ, nó luôn luôn được duy-trì qua các thời-đại, nhưng có xu-hướng lấy biên-giới dân-tộc làm biên-giới của mình để có đủ những điều-kiện làm cho sự hợp-quần của nhơn-dân mình thêm vững chắc.

Ngoài những điều kể trên, chúng ta còn có thể lưu-ý chỗ nầy nữa, là khi phạm-vi hợp-quần mở rộng ra đến một mực nào đó thì con người bắt đầu lo sợ cho sự sinh-tồn riêng của mình nhiều hơn là lo cho sự sinh-tồn chung. Một mặt, vì sự liên-lạc giữa mọi người trong đoàn-thể lớn bớt mật-thiết và sự tổ-chức bớt chăt chẽ, thành ra người hưởng một sự tự-do tương-đối, một mặt vì sự rộng lớn của đoàn-thể không cho phép đoàn-thể lo nghĩ đến quyền-lợi từng cá-nhơn một được, người phải tìm cách mưu-sanh riêng và cạnh-tranh với người trong đoàn-thể mình. Trong sự tranh-đấu với người cùng đoàn-thể nầy, người cũng cần dùng người phụ-lực. Do đó, người hợp-quần nhau lại thành đoàn-thể nhỏ trong đoàn-thể lớn để đối chọi lại nhau.

Ngay trong bộ-lạc, nhiều khi người ta đã có thành-lập những tiểu-gia-đình sống riêng nhau. Người cũng có thể họp nhau thành nhóm nhỏ để tranh nhau giữ chức tù-trưởng của bộ-lạc. Trong phạm-vi quốc-gia thì sự thành-lập những đoàn-thể nhỏ như thế đã thành một việc thông-thường tự-nhiên. Trong quốc-gia, người nào cũng có một tiểu-gia-đình, lại có một đại- gia-đình. Ngoài ra, người lại còn kết bạn với những người khác, hoặc gia-nhập một đoàn-thể tôn-giáo, một tổ-chức nghiệp-đoàn, một hội-đảng chánh-trị v.v...

Một đặc-điểm quan-trọng khác của sự hợp-quần giữa loài người là người ta có khi vượt ra khỏi đoàn-thể chánh-thức trong đó mình đang sống để hợp-quần với những người của đoàn-thể khác theo một hệ-thống tổ-chức khác với đoàn-thể mình. Những sự giao-thiệp về thương-mại, những sự hùn hiệp trong các xí-nghiệp kỹ-nghệ hay tài-chánh, những cuộc trao đổi văn-hóa, những trào-lưu tôn-giáo, chánh-trị giữa người trong quốc-gia nầy và quốc-gia nọ đã tạo ra nhiều đoàn-thể hợp-quần quốc-tế nằm choàng lên trên biên-giới quốc-gia.

Ð.- NHỮNG ÐỊNH-LUẬT CHI-PHỐI SỰ HỢP-QUẦN CỦA CON NGƯỜI.

Trong sự thành-lập những đoàn-thể hợp-quần, người đã tuân theo những định-luật gì? Nhìn ra xã-hội, chúng ta thấy rất nhiều hình-thức hợp-quần.

Trước nhứt, người có thể hợp-quần theo huyết-thống trong phạm-vi tiểu-gia-đình và đại- gia-đình. Ngoài ra, người còn có thể hợp-quần theo tâm-tánh, nghĩa là kết bạn nhau vì tín-ngưỡng của mình và nắm tay với những người thờ chung một tôn-giáo để lập thành một giáo-hội. Người có thể hợp-quần theo chức-vụ mình trong xã-hội và cùng với những người đồng nghề lập ra những nghiệp-đoàn, những hội ái-hữu. Người cũng có thể hợp-quần theo tư-tưởng và lập ra những văn-đoàn, những học-phái, những chánh-đảng.

Những hình-thức hợp-quần như trên nầy thật rất nhiều. Nhưng đại-khái ta có thể bảo rằng con người hợp-quần nhau theo ý-thức đồng-loại, nghĩa là khi họ có một cái gì chung nhau, một cái gì giống nhau, một cái gì tương-đồng nhau. Những câu ngạn-ngữ “Trâu theo trâu, ngựa theo ngựa” của người Việt-Nam, “Châu tầm châu, mã tầm mã” (ghe tìm ghe, ngựa tìm ngựa) của người Trung-hoa, “Qui se ressemble, s’assemble” (ai giống nhau thì hợp nhau lại) của người Pháp đã chứng tỏ điều nầy một cách mạnh mẽ.

Sự hợp-quần theo ý-thức đồng-loại thật ra là một khuynh-hướng tự-nhiên; người hợp-quần với kẻ giống mình như con gà đi theo bầy gà, con vịt đi theo bầy vịt vậy.

Như ta đã thấy, chính bản-năng hợp-quần và cứu-cánh duy-trì sự sinh-tồn chủng-loại đã xô đẩy người tụ-hợp lại. Nó cũng làm cho người hướng đến sự đồng-nhứt. Người tự-nhiên biết bắt chước nhau để được giống nhau, và bài-xích những kẻ lập-dị, có những cử-chỉ, hành-động, thái-độ khác với đám đông, trừ ra khi nào kẻ lập-dị này là một lãnh-tụ được tôn-sùng. Trong trường-hợp sau này, chính quần-chúng lại bắt chước nhà lãnh-tụ ấy, và chung-qui, các cá-nhơn trong xã-hội cũng có những tánh-cách giống nhau. Hợp-quần với đồng-loại và chọi nhau với dị- loại, đó là thái-độ tự-nhiên của người.

Trong những xã-hội nhỏ hẹp, sự đồng-nhứt của đoàn-thể có thể thục-hiện được và sự hợp-tập người đồng-chủng để chọi nhau với kẻ dị-chủng có một tánh-cách tương-đối giản-dị. Ðến khi xã-hội mở rộng ra, sự đồng-nhứt không còn duy-trì được, vấn-đề mới trở thành phức-tạp. Trong giai-đoạn này, ý-thức xuất-hiện và quyết-định cá-nhơn đã có dự một phần nào vào sự hợp-quần của người. Trong trường-hợp đó, ta có thể tìm thấy lý-do của sự hợp-quần theo ý-thức đồng-loại.

Trước hết, chúng ta có thể nói một cách tổng-quát rằng những người đồng-loại nhau thì có những quyền-lợi chung giống nhau. Họ hợp-quần nhau lại là để bảo-vệ quyền-lợi chung ấy. Trong một phạm-vi nhỏ hẹp hơn nữa, thì những người đồng-loại nhau mà có một cái gì chung nhau – cái đó những người đồng-loại khác không có – cũng hợp lại nhau để bảo-vệ cái chung nhau đó.

Một mặt khác, những người có một điểm nào giống nhau thì cảm thấy mình gần nhau. Theo xu-hướng tự-nhiên, kết-quả sự hợp-tác vô-ý-thức với kẻ đồng-chủng để chọi nhau với người dị-chủng, người thích những kẻ gần mình hơn là những kẻ xa mình, và ưa những người giống mình hơn là những người không giống mình. Nếu quyền-lợi cá-nhơn mà được bảo-đảm như nhau thì người chịu hợp-quần với kẻ giống mình hơn là hợp-quần với kẻ không giống mình. Nhiều khi, người lại chọn lựa sự hợp-quần với những kẻ không giống mình mặc dầu lối hợp-quần sau này có lợi hơn cũng thế.

Sự hợp-quần theo ý-thức đồng-loại thường thường có tánh-cách tình-nguyện. Nhưng trong sự cưỡng-bách hợp-quần, ý-thức đồng-loại cũng đóng một vai trò quan-hệ. Những giống dân khác nhau xa quá thì có bị cưỡng-bách hợp-quần cũng không đồng-hóa nhau được và thế nào cũng đi đến sự phân rẽ nhau ra. Những giống dân có nhiều điểm tương-đồng bị cưỡng-bách hợp-quần nhau thì có thể đồng-hóa nhau dễ dàng. Sự hợp-quần này lại có thể mất tánh-cách cưỡng-bách để có tánh-cách tình-nguyện trong trường-hợp những giống dân ấy đều bị một giống dân khác xa lạ hơn uy-hiếp một cách mạnh mẽ.

Như vậy, sự tương-đồng là một yếu-tố quan-trọng trong sự hợp-quần của loài người. Nó cùng với yếu-tố quyền-lợi cá-nhơn là những định-luật chi-phối hợp-quần của người một cách chặt chẽ.

E.- NHỮNG LOẠI TƯƠNG-ÐỒNG LÀM CHO NGƯỜI HỢP-QUẦN NHAU LẠI.

Xét hết những đoàn-thể mà người đã cấu-tạo được, ta thấy rằng những sự tương-đồng hiện tại giữa loài người có thể chia ra làm bốn loại: tương-đồng chủng-loại, tương-đồng tâm-tánh, tương-đồng tư-tưởng và tương-đồng hoàn-cảnh.

1.- TƯƠNG-ÐỒNG CHỦNG-LOẠI.

Sự tương-đồng-chủng-loại đưa đến sự tương-đồng tánh-cách thể-chất và sự tương-đồng ngôn-ngữ.

Sự tương-đồng tánh-cách thể-chất là một điều mà ai ai cũng có thể thấy ngay trước mắt. Nhờ đó, nó gây sự hợp-quần một cách dể dàng và rộng rãi. Những người cùng thuộc một dân-tộc với nhau tuy không phải giống nhau hoàn-toàn như những giọt nước, nhưng cũng có những tánh-cách thể-chất chung nhau. Cố-nhiên là trừ những trường-hợp đặc-biệt, người ta mến người đồng-tộc hơn là người dị-tộc, và thích hợp-tác với người đồng-tộc hơn là với người dị-tộc.

Ngôn-ngữ là một yếu-tố giúp người giao-thiệp nhau một cách dễ dàng, và sự tương-đồng ngôn-ngữ phụ vào sự tương-đồng tánh-cách thể-chất làm cho người nhận thấy mình gần nhau đủ để cho người ta có thể biết ngay là họ đồng-tộc với nhau. Những chủng-tộc gần nhau mà có ngôn-ngữ chung nhau thường có thiện-cảm với nhau và dễ hợp-tác nhau hơn là những chủng-tộc ngôn-ngữ bất-đồng.

2.- TƯƠNG-ÐỒNG TÂM-TÁNH.

Sự tương-đồng tâm-tánh khó nhận thấy hơn sự tương-đồng tánh-cách thể-chất hay ngôn-ngữ. Người phải ở chung nhau thật lâu mới có thể rõ tâm-hồn nhau và thích nhau. Vì đó, sự hợp-quần do yếu-tố này gây ra tuy hết sức sâu xa mạnh mẽ nhưng không được rộng rãi.

3.- TƯƠNG-ÐỒNG TƯ-TƯỞNG.

Sự tương-đồng tư-tưởng chỉ có thể nhận thấy sau khi người ta giải tỏ ý-kiến cho nhau biết nhiều lần. Ðã thế tư-tưởng con người không phải bất-di bất-dịch. Nó biến-hóa luôn luôn. Vì đó, yếu-tố tương-đồng tư-tưởng thường không gây được một sự hợp-quần rộng rãi vững chắc bằng yếu-tố tương-đồng tánh-cách chủng-loại.

Tuy-nhiên, trong lịch-sử loài người, có những hệ-thống tư-tưởng nắm quyền độc-tôn trong xã-hội và chi-phối được một số đông người trong một thời-gian dài dặc. Tư-tưởng Nho-giáo đã đóng một vai tuồng trọng-yếu trong những xã-hội Viễn-đông suốt mấy ngàn năm.

Vấn-đề tín-ngưỡng cũng là một vấn-đề thuộc về tư-tưởng và chúng ta có thể xem những đoàn-thể tôn-giáo như là những đoàn-thể hợp-quần dựa vào sự tương-đồng tư-tưởng.

4.- TƯƠNG-ÐỒNG HOÀN-CẢNH.

Sự tương-đồng hoàn-cảnh là một yếu-tố mạnh mẽ làm cho người hợp-quần nhau lại, vì nó hợp với quyền-lợi cá-nhơn. Người cùng hoàn-cảnh nhau tự-nhiên là có những quyền-lợi cá-nhơn thiển-cận giống nhau. Bởi đó, họ có xu-hướng hợp-quần nhau để tranh-đấu chung nhau. Nhưng sự hợp-quần này thường bấp bênh, không vững chắc, vì sự tương-đồng hoàn-cảnh thường không rõ rệt : rất ít người ở vào một tình-thế y hệt như nhau. Thêm nữa, cũng như tư-tưởng, hoàn-cảnh con người không phải luôn luôn vẫn như thế mãi. Nó thay đổi hoài hoài, thành ra người khó duy-trì sự cộng-tác cùng nhau trong phạm-vi này một cách lâu dài.

G.- NHỮNG PHƯƠNG- PHÁP ÐỂ DUY-TRÌ SỰ HỢP-QUẦN CỦA NGƯỜI.

Sự hợp-quần là một điều cần-thiết cho sự sinh-tồn của người. Từ khi con người có một đời sống khá cao rồi, nó trở thành vô-cùng phức-tạp. Ta đã thấy rằng người có thể tình-nguyện hợp-quần lại hay bị cưỡng-bách mà phải hợp-quần. Nhưng trong trường-hợp nào cũng vậy, sự hợp-quần không phải tạo nên được một cách dễ dàng. Bao giờ nó cũng là kết-quả của một tình-trạng khó khăn, như những hiểm-nguy đe dọa con người trong trường-hợp tình-nguyện hợp-quần, hay chiến-tranh, trong trường-hợp cưỡng-bách hợp-quần.

Một mặt khác, sự hợp-quần gây thêm sức mạnh cho người và mang nhiều điều ích-lợi đến, ít nhứt là cho một số người trong xã-hội.

Bởi những lẽ trên đây, khi đã gây được sự hợp-quần rồi, người phải cố hết sức làm cho nó duy-trì được. Ðiều này bắt buộc người phải tìm những phương-pháp làm cho sự tranh-đấu nhau giữa những người bên ngoài đoàn-thể không hại gì đến trật-tự chung.

Những phương-pháp này tự-nhiên phải đi sát với trình-độ tiến-hóa của con người. Tương-đối giản-dị vào buổi sơ-thủy của nhơn-loại, nó đã lần lần phức-tạp theo dòng thời-gian. Nói cho thật đúng thì vấn-đề duy-trì hợp-quần của người thật-sự bao gồm cả văn-hóa của người.

1.- NHỮNG YẾU-TỐ DUY-TRÌ SỰ HỢP-QUẦN CỦA NGƯỜI.

Một trong những yếu-tố quan-trọng nhứt của đời sống xã-hội người ngày xưa là tôn-giáo. Nó thực-hiện được nhờ nhiều điều-kiện khác nhau: một mặt là khả-năng sử-dụng biểu-hiệu của người giúp người tạo ra ngôn-ngữ; đồng-thời ghi nhớ các kinh-nghiệm của mình và sắp đặt nó thành hệ-thống, một mặt là sự cần dùng hiểu biết và khuynh-hướng muốn tìm hiểu nguồn-gốc của mình, một mặt khác là lòng sợ hãi những lực-lượng vô-hình mạnh mẽ của thiên-nhiên có hại đến mình.

Phát khởi từ võ-trụ-quan thô-sơ và những thuật phù-thủy, tôn-giáo lần lần được cao-thượng- hóa. Quan-niệm về các vị thần-minh và về Thượng-Ðế có một tánh-cách trừu-tượng và tinh-túy hơn, sự lễ-bái thờ cúng cũng bớt phần dã-man độc-ác.

Nhưng dầu còn thô-sơ hay đã tiến lên một mực cao rồi, tôn-giáo cũng bao trùm cả đời sống xã-hội của người thời trước. Nó chi-phối cả những hoạt-động chính trị, văn-hóa, mỹ-thuật v.v... và đóng một vai tuồng quan-trọng trong sự gây tánh-cách đồng-nhứt giữa người trong đoàn-thể, khiến cho họ cố-kết lại nhau.

Người cổ-sơ tin rằng mọi nhơn-viên của đoàn-thể đều do một gốc mà ra. Vị thủy-tổ chung, có thể là một vị anh-hùng thời trước, một vật-tổ, một vị thần-minh, hay chính Thượng-Ðế. Nhưng trong trường-hợp nào, ý-thức đồng-loại cũng được nêu ra: Những người cùng chung một nguồn-gốc, có một huyết-thống chung tất cả phải cố-kết nhau lại để đối-phó với những người khác.

Những người cùng chung nguồn-gốc với nhau, phải hoà-thuận nhau và cư-xử với nhau theo qui-tắc do thần-minh hay Thượng-Ðế đặt ra. Người cầm đầu đoàn-thể là người đạI-diện vị thần-minh hay Thượng-Ðế. Những người trái luật-lệ hay qui-tắc chung phải bị trừng-phạt.

Mỗi người đều phải có một ý-niệm rõ rệt về nhiệm-vụ mình đối với các vị thần-minh và người đồng-loại, và sự giáo-dục hướng về chỗ đào-luyện con người theo khuôn-khổ tôn-giáo nêu ra.

Những hoạt-động văn-hóa của người cũng nhắm vào mục-đích phụng-sự thần-minh: những bài ca, bản nhạc, những điệu nhảy múa đều dùng trong những cuộc lễ-bái, những tòa kiến-trúc, những họa- phẩm, những công-trình điêu-khắc cũng qui vào việc thờ phụng.

Như thế, trong bước đầu của nhơn-loại, tôn-giáo đã thấm nhuần cả đời sống con người. Nó điều-khiển cả những hoạt-động xã-hội của người và hướng người về những ý-tưởng, những lối cư-xử, hành-động như nhau. Nó tạo ra những mối dây liên-lạc tinh-thần chặt chẽ để buộc mọi người lại với nhau.

Nhưng tôn-giáo không phải ngự-trị trên con người mãi mãi được. Sự mở mang của trí-óc người giúp người hiểu biết những hiện-tượng bao quanh mình nhiều hơn. Thêm nữa, sự khuếch-trương của xã-hội làm cho những điều-kiện sinh-tồn vật-chất được đầy đủ hơn. Ý muốn nâng cao đời sống vật-chất lên làm cho người lãng quên bớt nhiệm-vụ đối với thần thánh. Do đó, sự chi-phối của tôn-giáo đối với nhơn-loại càng ngày càng yếu bớt đi.

Về mặt chính-trị, lý-tưởng dân-chủ dần dần thắng chủ-trương tôn-giáo. Ý-chí sinh-tồn được đem dùng thay oai-quyền của thần-linh hay Thượng-Ðế trong sự khêu gợi tinh-thần đoàn-thể. Luật pháp mất lần tánh-cách thiên-mạng để mang tánh-cách con người. Sự giáo-dục nghiêng về phía vô-thần. Những hoạt-động văn-hóa nhằm mục-đích phụng-sự đời sống của người nhiều hơn là phụng-sự thần thánh. Ngay đến những giáo-điều đạo-đúc cũng lần lần tách khỏi tôn-giáo để tạo nên nền luân-lý thuần-túy của người.

Những tri-thức của người có tánh-cách thực-tiễn hơn và hợp lại lập thành các khoa-học. Khoa-học càng ngày càng có khuynh-hướng thay thế tôn-giáo trong sự chi-phối những hoạt-động xã-hội của người. Nhưng với trình-độ hiện-thời, nó chưa đạt được mục-đích trên này, và những yếu-tố dùng để duy-trì hợp-quần của người trong xã-hội văn-minh hiện còn đang bị chia xẻ giữa tôn-giáo và khoa-học. Do đó, nó trở thành rời rạc, không thống-nhứt nhau. Ðiều này, thêm vào sự phức-tạp của đời sống văn-minh và sự mở mang cá-tánh làm cho các đoàn-thể hợp-quần bớt sự đồng-nhứt. Vì thế, trừ những nước theo một chế-độ độc-tài khắc-nghiệt, sự cố-kết giữa con người trong các đoàn-thể văn-minh bớt chặt chẽ đi.

Phân-tích kỹ những yếu-tố giúp vào việc duy-trì sự hợp-quần giữa người trong một đoàn-thể, ta nhận thấy trước nhứt có ngôn-ngữ. Nhờ có ngôn-ngữ, người có thể giao-thiệp nhau và hiểu biết nhau. Với sự xuất-hiện của ngôn-ngữ, sự giúp đỡ nhau mất lần tánh-cách vô-ý-thức để trở thành ý-thức. Lòng thương mến nhau cũng được mở mang thêm. Một mặt khác, ngôn-ngữ là biểu-hiệu rõ rệt để phân-biệt người trong đoàn-thể với người ngoài đoàn-thể. Do dó, ngôn-ngữ đóng một vai tuồng rất quan-trọng đối với người.

Lẽ tự-nhiên những người trong đoàn-thể nói chung một thứ tiếng, nhưng nếu có thể được, người ta tìm cách làm cho ngôn-ngữ mình được truyền-bá ra ngoài. Những dân-tộc chinh-phục được dân-tộc khác nhứt định là bắt những giống dân bị mình thống-trị học ngôn-ngữ của mình.

Những đế-quốc rộng lớn thường gồm nhiều giống dân có ngôn-ngữ khác nhau, nhưng dầu sao, cũng chỉ có ngôn-ngữ của giống dân thống-trị là được tôn-trọng nhứt, có khi là ngôn-ngữ duy-nhứt được dùng trong việc hành-chánh. Trường-hợp nước Thụy-sĩ có ba ngôn-ngữ khác nhau và được xem ngang nhau là một trường-hợp hết sức đặc-biệt. Những người muốn đi đến cảnh thế-giới đại-đồng đã nhận thấy sự quan-trọng của ngôn-ngữ nên đã tạo ra một thứ tiếng mới, thế-giới-ngữ, để dọn đường cho công cuộc thống-nhứt nhơn-loại họ ước mong.

Kề bên ngôn-ngữ là văn-tự. Văn-tự phát-hiện sau ngôn-ngữ, và có liên-lạc mật-thiết với ngôn-ngữ. Nó không phổ-cập trong đoàn-thể bằng ngôn-ngữ vì dân-tộc nào cũng có người mù chữ. Nhưng bù lại, nó có thể lan rộng ra ngoài biên-giới dân-tộc. Nhiều giống dân có thể dùng chung một thứ chữ tuy không cùng nói một thứ tiếng. Ðó là trường-hợp những dân-tộc Trung-hoa, Việt-Nam, Nhựt-bổn, Triều-tiên cũng dùng Hán-tự, nhưng nói những thứ tiếng khác nhau. Văn-tự là cái xe chuyên chở văn- hóa và có một công-dụng rất lớn trong việc làm cho người gần nhau.

Thuở xưa, tất cả nhơn-loại đều bị sự chi-phối của tôn-giáo. Ta thấy rằng tôn-giáo có ảnh-hưởng đến hầu hết những hoạt-động của người ngày trước. Riêng trong lãnh-vực đặc-biệt của nó, nó biểu-lộ dưới hình-thức những cuộc lễ-bái các thần-linh, những tín-ngưỡng. Những hình-thức bên ngoài của tôn-giáo và những vị thần được sùng-bái cũng như các tín-ngưỡng đều có giúp vào việc cố-kết con người lại. Do đó, các đoàn-thể đều có xu-hướng đem tôn-giáo mình bành-trướng ra ngoài và bắt buộc những dân-tộc bị mình thống-trị theo tôn-giáo của mình.

Những phong-tục tập-quán của người, có một phần do nơi tín-ngưỡng mà ra. Nó qui-định một cách chặt chẽ cách-thức cư-xử của người đối với nhau. Ảnh-hưởng nó đối với việc duy-trì sự hợp-quần giữa người trong một đoàn-thể tự-nhiên là hết sức to tát.

Luân-lý, văn-hóa, nghệ thuật có nhiệm-vụ dạy người ăn ở với nhau cho phải đạo, uốn nắn tâm- hồn, tư-tưởng người, vun bồi tình-cảm người và tạo ra những điều-kiện, những cơ-hội cho người thông-cảm nhau và sống hòa-hợp nhau.

Ngoài những yếu-tố tinh-thần trên đây, còn có oai-quyền của cơ-quan cai-trị dùng võ-lực khép người vào khuôn khổ chung và bắt mọi người cộng-tác nhau theo những thể-thức nhứt-định.

Sự tổ-chức việc sản-xuất những món người cần dùng cũng tạo ra mối liên-quan kinh-tế chặt chẽ, đóng một vai tuồng quan-trọng trong sự duy-trì những sự giao-thiệp giữa người với nhau.

Tất cả những yếu-tố trên này ảnh-hưởng qua lại với nhau và đều hướng đến chỗ làm cho người cố-kết nhau lại.

2.- SỰ LỢI-DỤNG YẾU-TỐ TƯƠNG-ÐỒNG TRONG VIỆC DUY-TRÌ SỰ HỢP-QUẦN.

Ngôn-ngữ, văn-tự, tôn-giáo, phong-tục, tập-quán, luân-lý, chánh-trị, kinh-tế là những yếu-tố duy-trì sự hợp-quần giữa người cùng đoàn-thể. Nhưng đồng-thời, nó lại làm cho người các đoàn-thể khác nhau chống chọi lại nhau. Như thế thật-sự không phải chính các yếu-tố trên này thực-hiện được sự đoàn-kết, mà sự tương-đồng do nó gây ra đã đạt kết-quả tốt đẹp ấy. Những nhà lãnh-đạo quần-chúng từ trước đã nhận thấy rõ sự quan-trọng của yếu-tố tương-đồng. Do đó, họ đã cố lợi-dụng nó để làm cho đoàn-thể họ tổ-chức được vững chắc. Những đoàn-thể được hợp-quần lập ra, dầu lớn hay nhỏ cũng đều cố gắng làm cho người thấy mình giống nhau ở nhiều chỗ.

Trong dân-tộc, người đã có những tánh-cách thể-chất giống nhau rồi, nhưng người còn tạo ra thêm những yếu-tố phụ-thuộc để cho mọi người được giống nhau thêm. Những cách-thức trang-điểm, ăn mặc khi xưa đều nhắm vào mục-đích ấy. Ngôn-ngữ và văn-tự cũng đóng một vai tuồng trong sự khiến cho người thấy mình giống nhau. Về phương diện tinh-thần, người ta cố làm cho mọi người có một tâm-hồn chung, tâm-hồn của dân-tộc. Người ta cũng xây dựng một nền văn-hóa dân-tộc, một hệ-thống tư-tưởng, một ý-thức hệ làm cây kim chỉ nam cho sự tổ-chức dân-tộc. Ðồng thời sự tuyên-truyền của chánh-phủ bao giờ cũng cố chứng-tỏ cho mọi người trong dân-tộc thấy rằng họ cùng chung một hoàn-cảnh đối với các dân-tộc khác.

Những đoàn-thể chánh-trị hay tôn-giáo quốc-tế gom góp những người cùng chung một tư-tưởng, một tâm-hồn như nhau mà thiếu sự tương-đồng tánh-cách thể-chất thì cố tạo ra những biểu-hiệu vật-chất để thế vào. Do đó, mà đoàn-thể chánh-trị hay tôn-giáo quốc-tế nào cũng có dấu hiệu riêng cho mình, những màu cờ, những sắc phục đặc-biệt. Những đoàn-thể chánh-trị và tôn-giáo trong một quốc-gia gồm những người cùng một tánh-cách thể-chất như nhau cũng đặt ra những dấu hiệu, kỳ-hiệu và sắc-phục để cho người trong đoàn-thể dễ nhận ra nhau và thấy mình giống nhau hơn.

II.- SỰ TRANH-ÐẤU LẪN NHAU GIỮA CÁC ÐOÀN-THỂ LOÀI NGƯỜI.

A.- MỘNG-TƯỞNG ÐẠI-ÐỒNG.

Sự hợp-quần đã mang đến cho loài người những ích-lợi lớn-lao. Ðó là một điều không ai chối cãi được. Một mặt khác, sự tranh-đấu đã gây cho người không biết bao nhiêu cảnh thảm-mục thương- tâm, khiến người đau xót. Vì đó, từ lâu, loài người đã mơn trớn giấc mộng thế-giới đại-đồng. Có lẽ giấc mộng này đã nảy mầm lúc con người bắt đầu hưởng một cuộc đời sung-túc và an-ổn. Một số ít người có bản-năng xã-hội mở mang đã đứng lên bài-xích chiến-tranh, hô-hào cho nhơn-loại hợp-nhứt lại để xây dựng một nền hòa-bình và hạnh-phúc chung.

Từ trước đến giờ, không biết bao nhiêu văn-sĩ, triết-gia, giáo-chủ, đã đứng ra kêu gọi loài người chấm dứt sự tàn-hại nhau. Trong số này, có một vài người rất được nhơn-loại tôn-sùng.

1.- NHỮNG BỰC VĨ-NHƠN CHỦ-TRƯƠNG ÐẠI-ÐỒNG.
a)- NHỮNG TRIẾT-GIA.

Trong những triết-gia Âu-Châu thời cổ đứng ra kêu gọi người bỏ sự giết hại nhau, nổi danh nhứt là Platon. Ông gốc người Hy-Lạp, sanh năm 429 và chết năm 347 trước công-nguyên. Sống trong một thời-kỳ chiến-tranh liên-miên giữa các đô-thị Hy-Lạp, ông rất đau khổ vì cuộc nhơn-loại tương-tàn và cố tìm cách chấm dứt những xung-đột giữa các đoàn-thể loài người.

Trong một quyển sách tựa là “Chánh-thể” ( Nguyên văn tiếng Hy-Lạp là Polifeia, có nghĩa là Hiến-pháp, Chánh-thể hay Chế-độ chánh-trị, nhưng được người La-mã dịch là Respublica và người Pháp dịch là République) Platon tưởng-tượng ra một đô-thị lý-tưởng, trong ấy nhơn-dân chia ra làm ba hạng người. Trên hết là hạng hiền-triết toàn-thiện toàn-năng, có toàn-quyền điều-khiển quốc-gia. Kế đó là hạng chiến-sĩ gồm những người được chọn lọc kỹ càng và có nhiệm-vụ phụng-sự quốc-gia theo mạng lịnh những nhà hiền-triết. Sau cùng, là hạng nông công, không có đức tánh năng-lực gì đặc-biệt, chỉ lo hoạt-động để sản-xuất những món cần dùng cho mọi người.

Sự phân-biệt ba hạng người trên đây không có tánh-cách của một sự khu-biệt đẳng-cấp cứng rắn: những nhà hiền-triết được chọn lọc trong số chiến-sĩ có tuổi và học giỏi. Ngoài ra, con của người thuộc hạng nông công mà xét ra có năng-lực thì được tuyển vào các lớp học để được đào-luyện thành chiến-sĩ rồi hiền-triết.

Platon cho rằng con người sở-dĩ xung-đột lẫn nhau là vì họ hay phân-biệt “của mình” và “của người khác”. Ngoài ra, gia-đình cũng là một nguyên-nhơn làm cho người tranh-đấu nhau. Lòng thương vợ con làm cho người ở bất-công với người dưng và không nghĩ đến sự công-ích.

Bởi đó, Platon chủ-trương hủy-diệt quyền tư-hữu và chế-độ gia-đình với hiền-triết và chiến-sĩ là những người cầm quyền cai-trị đô-thị. Hai hạng người này không được có một tài-sản gì riêng rẽ, ngoài những đồ vật hết sức cần-thiết cho cá-nhơn. Họ cũng không có vợ riêng: tất cả những người đàn bà được chọn lọc vào hai giai-cấp lãnh-đạo là vợ của tất cả những hiền-triết và chiến-sĩ thuộc nam giới. Họ phối-hợp nhau theo phương-pháp rút thăm và trong những buổi lễ công-cộng tổ-chức một cách long-trọng. Trẻ con sanh ra được chọn lọc kỹ càng; những đứa được xem là đáng sống thì được đem nuôi trong những viện dục-anh, theo một lối tổ-chức làm cho mẹ không nhìn ra được con mình.

Quyển “Chánh Thể” của Platon rất nổi danh, nhưng không chánh-khách nào noi theo chủ-trương cộng-sản và cộng-thê-nhi nó nêu ra. Và sau cùng, chính tác-giả nó cũng nhìn nhận những đề-nghị của mình không thể thi-hành được.

Quay về Á-Ðông, ta thấy có Khổng-tử là một nhà chánh-trị nhiệt liệt chủ-trương thế-giới đại-đồng. Sanh vào thời Xuân-Thu là một đời loạn_lạc cuối triều Ðông-Châu. Người rất khổ-tâm mà thấy các chúa chư-hầu luôn luôn tìm cách thôn-tính lẫn nhau. Người đi chu-du khắp nơi, hô-hào cho mọi người tôn thờ nhà Châu để chấm dứt những cuộc xung-đột.

Chủ-trương của Người gồm lại trong tiêu-ngữ: tu-thân, tề-gia, trị-quốc, bình thiên-hạ. Theo Người khi nào đạo-lý Người thi-hành được thì thiên-hạ sẽ thành của chung “Ðại-đạo chi hành dã, thiên-hạ vi-công”. Nhưng mặc dầu các vua chư-hầu rất kính-trọng Người, không người nào chịu nghe theo Người, và sau cùng, Người phải về nước Lỗ viết sách, dạy học trò.

Sau khi Khổng-tử chết rồi, trong số những người tiếp-tục tranh-đấu cho tư-tưởng của Người có thầy Mạnh-tử là người xuất-sắc nhứt, Mạnh-tử ở vào đời Chiến-quốc, sự tranh-chiến còn khốc-liệt hơn đời Xuân-Thu nữa. Ông cũng đi du-thuyết khắp nơi, tuyên-truyền nền hòa-bình thiên-hạ.

Ông dùng thuyết nhơn-nghĩa để chỉ cho các nhà cầm quyền thấy rằng người sanh ra tánh vốn tốt, chỉ cần noi đúng theo đạo-lý là làm cho họ hoà-thuận với nhau. Ông cố chứng minh rằng nhơn-nghĩa cao hơn lợi vì nó là quyền-lợi hiểu một cách sáng suốt. Nhưng ông cũng không hơn gì Khổng-tử và suốt đời chỉ phí công mà không đạt được mục-đích thống-nhứt thiên-hạ của mình.

Ðồng thời với Mạnh-tử có Mặc-tử tuy theo một học-thuyết nghịch với đạo Nho, nhưng cũng theo đuổi mục-đích hòa-bình chung cho nhơn-loại. Ông cho rằng loài người xung-đột nhau là vì họ phân-biệt người thân kẻ sơ, và binh người thân mà chống lại kẻ sơ. Ông dạy người phải kiêm-tương-ái, giao-tương-lợi, nghĩa là xem mọi người như nhau, thương yêu tất cả mọi người đồng đều nhau, và lo lắng cho quyền-lợi của tất cả mọi người như là quyền-lợi của chính mình. Nhưng mặc dầu rất được trọng vọng, Mặc-tử cũng không thành-công được trong sự thực-hành thuyết kiêm-ái của mình.

b)- NHỮNG NHÀ TÔN-GIÁO.

Ngoài những nhà chánh-trị kể trên, còn những nhà tôn-giáo tranh-đấu cho mộng-tưởng thế-giới đại-đồng.

Ở Á-đông có Thích-ca mâu-ni là giáo-tổ đạo Phật. Người vốn là một vị hoàng-tử Ấn-độ nhận thấy con người khổ sở vì bốn mối lo: sanh, lão, bịnh, tử, nên lìa bỏ vợ con, bỏ ngôi báu, vào rừng học đạo. Ðắc đạo rồi, Người đem giáo-lý của mình truyền cho thiên-hạ.

Ðối với đại-chúng, Người đem thuyết “từ-bi hỉ-xả” ra dạy, khuyên người nên lấy lòng nhơn-ái mà đốI-đãi nhau, Người không chấp-nhận sự phân-chia giai-cấp như đạo Bà-la-môn và nhận làm môn-đồ tất cả mọi hạng người. Hơn nữa Người còn mở rộng lòng thương ra đến loài thú vật, và dạy môn-đồ không nên sát hại chúng.

Ðạo Phật truyền-bá ra một cách nhanh chóng và tràn sang những nước khác ở Á-đông. Nhưng mặc dầu người ta rất tôn-sùng đạo Phật, mục-đích chính của Thích-ca là nhơn-loại hòa-bình cũng không đạt được.

Ở Âu-châu, thì có chúa Giê-su tuyên-truyền đạo Thiên-chúa, Người dạy loài người phải lấy tình “huynh-đệ tương-ái” mà đối đãi với nhau. Về sau Người bị đóng đinh trên cây thập-tự, nhưng đạo của người càng ngày càng bành-trướng ra và được toàn-thể dân da trắng sùng-bái. Tuy thế, về phương-diện tranh-đấu cho thế-giới đại-đồng, đạo Thiên-chúa cũng không đạt được kết-quả gì hơn đạo Phật.

1.- TÁNH-CÁCH KHÔNG-TƯỞNG CỦA CHỦ-TRƯƠNG ÐẠI-ÐỒNG.

Platon, Khổng-tử, Mạnh-tử, Phật, Chúa Giê-su đều là những bực đức-hạnh siêu tuyệt, rất được người ta tôn-sùng, ảnh-hưởng tràn ra năm châu và duy-trì được đến hàng ngàn năm. Nhưng chung-qui họ cũng không thành-công được trong sự tạo-lập cảnh thế-giới đại-đồng.

Nhóm xã-hội duy-vật hiện-thời, cho rằng, sở-dĩ những nhà triết-lý và tôn-giáo trên này thất-bại vì họ là những người duy-tâm, đặt những lý-luận của mình lên trên những không-tưởng hay trên đạo-đức. Nhưng Karl Marx dựa những lý-luận của mình trên những điều nhận-xét có vẻ thiết-thật thì đã đạt được kết-quả gì hơn? Chủ-nghĩa xã-hội duy-vật của Marx cũng đã từng lôi cuốn hàng triệu người cuồng-tín hăng hái, nhưng rồi những tín-đồ này lại chia thành năm bảy phái cấu xé lẫn nhau.

Vậy, không phải chỉ có những nhà duy-tâm là thất-bại mà thôi, ngay đến nhóm duy-vật cũng không thành-công được trong sự thực-hiện thế-giới đại-đồng, vì chính thế-giới đại-đồng cũng là một không-tưởng. Nó là một trạng thái xã-hội lý-tưởng nhơn-loại đeo đuổi tự ngàn xưa đến giờ mà không lúc nào đạt được.

Trong lúc loài người còn tôn-trọng thần-quyền thì những nhà chủ-trương thế-giới đại-đồng dựa vào thuyết thiên-ý. Khi người tiến-hóa thêm một bực, bớt tin ở thần-quyền, họ dựa vào tình nhơn-loại và lý-trí. Ðến thời-đại khoa-học thạnh-hành, họ dùng những lý-luận có vẻ thiết-thật để cố thực-hiện mục-đích họ.

Những phương-pháp được đưa ra đều hợp với tình-thế. Nhưng lòng sợ Trời Phật quỉ thần cũng như tình thương nhơn-loại hay óc chuộng những điều cần ích thiết-thật đều không làm cho người vui vẻ nắm tay nhau để cùng xây đắp hạnh-phúc chung. Như thế, hẳn phải có những nguyên-nhơn sâu xa làm cho loài người chia rẽ.

B.- NHỮNG NGUYÊN-NHƠN CHIA RẼ LOÀI NGƯỜI.

Quan-sát những biến cố gây nên những trận chiến-tranh và những cuộc xung-đột trên thế-giới từ xưa đến nay, ta thấy có hai nguyên-nhơn làm cho loài người chia rẽ.

1.- BẢN-NĂNG SINH-TỒN CÁ-NHƠN.

Trong những nguyên-nhơn chia rẽ này, mạnh mẽ nhứt là bản-năng sinh-tồn cá-nhơn. Như ta đã biết, nó là một bẩm-tánh Tạo-hóa phú cho sanh-vật, khiến cho sanh-vật tự-nhiên có ý muốn duy-trì và bành-trướng sự sống của mình.

Kết-quả của bản-năng sinh-tồn cá-nhơn là tánh vị-kỷ và lòng tham-lam.

Muốn sinh-tồn được, người cần phải tiêu-thụ nhiều vật-liệu lấy trong thiên-nhiên và trong loài cầm thú. Những vật-liệu này không bao giờ đủ cho tất cả mọi người. Bản-nghĩa của sự sinh-tồn cá-nhơn là sự bành-trướng đến cực-điểm cái sanh-lực của người. Cái cực-điểm ấy không phải dừng lại một chỗ, nó cứ đi mãi không ngừng. Vì đó, người không bao giờ với đến nó được. Khi có đủ những vật-liệu cần-thiết cho sự sống vật-chất của mình, người nghĩ đến sự nâng cao đời sống ấy lên và tạo ra những nhu-cầu phụ-thuộc. Những nhu-cầu phụ thuộc này vì thói quen, lần lần thành ra những nhu-cầu thiết-yếu, và khi người có đủ những vật-liệu để thỏa-mãn nó rồi, người lại tạo ra những nhu-cầu thiết- yếu khác nữa, cứ như thế mãi không ngừng. Người càng tiêu-thụ thì càng thấy mình cần phải tiêu-thụ, và mỗi ngày người mỗi tạo thêm những nhu-cầu mới cho mình. “Ðược voi thì đòi tiên”là một câu ngạn-ngữ Việt-Nam tả tình-trạng này một cách vô-cùng đúng đắn.

Vì ý-chí muốn bành-trướng sanh-lực nầy mà trong nhân-loại từ xưa đến giờ luôn luôn có một trò cút bắt giữa mực cung và mực sản-xuất vật-liệu và mực cầu là mực cần dùng của người.

Sự sản-xuất của người mỗi ngày một tăng thêm, nhờ những máy móc tinh xảo giúp người khai- thác các nguồn tài-lợi thiên-nhiên một cách đắc-lực hơn trước. Nhưng sự cần dùng của người cũng cứ tiến luôn, thành ra khi mực cung đi gần đến mực cầu thì mực cầu đã vọt lên cao hơn chỗ cũ rồi. Sự chênh lệch giữa cung và cầu làm cho người ta xung-đột lẫn nhau để giành cho đủ những món mình cần dùng.

Vì tánh vị-kỷ và lòng tham-lam do bản-năng sinh-tồn gây ra mà có những cuộc tranh-chiến để giành “đất sống”, giành những nguồn tài-nguyên, những thị-trường buôn bán giữa các dân-tộc từ trước đến giờ.

Nhưng như thế cũng chưa phải là hết. Cái ý muốn bành-trướng sự sống của người lại còn đưa người tới chỗ cố gắng để hơn người khác. Giá như sự sản-xuất của nhơn-loại có thể cung cho tất cả mọi người đủ số vật-liệu cần-thiết, người cũng vẫn còn tranh nhau để lấy những vật-liệu đẹp nhứt, tốt nhứt, ngon nhứt nữa.

Trong sự hợp-quần với đồng-loại, người lúc nào cũng muốn cho đoàn-thể mình thật rộng lớn, nhưng không bao giờ chịu cam-tâm tan lẫn trong quần-chúng. Người luôn luôn rán sức để vượt khỏi đám đông, người cố giữ vẹn cái cá-tánh, cái bản-sắc riêng của mình, cố làm cho cái bản-sắc ấy nổi bật lên, và nếu có thể được, thì bắt người khác noi theo ý muốn của mình. Do đó, mà người đi đến tánh thích vinh-quang, óc tham quyền thống-trị.

“Thà làm một người hương-trưởng còn hơn làm một người bực nhì trong thành La Mã”. Câu nói trên này của César cũng như câu “thà làm đầu gà, không làm đuôi trâu” của người Việt-Nam đủ tóm tắt tinh-thần thích vinh-quang của loài người. Một số người ít tinh-thần sát-phạt đã tìm quyền thống-trị bằng mưu mẹo, bằng cách đi lo lót, bằng đường khoa-cử hay chỉ gấm ghé những chỗ không quan-trọng. Một số người khác có tánh thích vinh-quang cực-kỳ mãnh-liệt, lại thêm một nghị-lực cang- cường, một chí chiến-đấu dai dẳng. Hạng người này nhứt-định huy-động hết năng-lực mình để chiếm cho bằng được địa-vị họ ao ước. Vì đó, họ luôn luôn là một trở-lực cho nền hòa-bình thế-giới.

Có khi vì người cầm đầu xuất-chúng, những kẻ tùy-tùng so sánh thấy mình kém xa nên không dám tranh giành. Nhưng đến lúc người ấy chết đi, những viên phụ-tá, vì tánh thích vinh-quang, tinh-thần ham quyền thống-trị mà tranh-đấu lẫn nhau, làm mất sự thống-nhứt. Khi Ðại-đế Alexandre mất thì những viên phó-tướng nổi lên tranh nhau rồi chia xẻ đế-quốc của Ông ra làm năm bảy mảnh xung-đột lẫn nhau.

Một hình-thức khác của sự bành-trướng sức sinh-tồn của người về mặt tinh-thần là sự tranh-đấu vì tư-tưởng. Ðứng trước một tình-thế, một hiện-tượng, mỗi người đều có một cách giảI-thích, một phương-châm hành-động, mà người nào cũng cho ý-kiến mình là hay nhứt, và muốn bắt những người khác theo mình. Do đó mà phát-sanh ra những cuộc tranh-đấu vì tư-tưởng bất-đồng.

Những cuộc tranh-đấu vì tư-tưởng này không phải chỉ xảy ra giữa những người khác dòng giống, khác ngôn-ngữ, khác phong-tục tập-quán, khác tín-ngưỡng với nhau mà thôi. Nó xảy ra ngay trong những đoàn-thể gồm người cùng dòng giống, cùng ngôn-ngữ, cùng phong-tục tập-quán, cùng tín-ngưỡng với nhau nữa. Sự tranh-đấu tư-tưởng ấy không phải chỉ diễn ra một cách hòa-bình, nó đã đưa đến nhiều cuộc lưu-huyết thảm-thương.

Ðạo Thiên-chúa đã chia ra làm các chi phái Thiên-chúa-giáo chánh-thống, Thiên-chúa-giáo La- mã và Thiên-chúa-giáo cải-lương tranh-đấu nhau một cách hết sức mãnh-liệt.

Hiện-thời, những môn-đồ của Karl Marx cùng theo thuyết duy-vật và chủ-trương giai-cấp tranh-đấu mà lại chia ra làm những nhóm Xã-hội Ðệ Nhị Quốc-tế, Cộng-sản Ðệ Tam, Cộng-sản Ðệ Tứ Quốc-tế và Cộng-sản theo khuynh-hướng Tito xung-đột lẫn nhau còn mãnh-liệt hơn là xung-đột với những nhóm khác chủ-trương với mình.

Trong những biểu-lộ của sự sinh-tồn, ta còn nhận thấy có những tình-cảm nữa. Người nào cũng có tình-cảm và cũng phát biểu nó một cách tự-nhiên, ít khi làm chủ nó được.

Ðã thế, mỗi người lại phát-tiết tình-cảm của mình một cách khác nhau. Cùng gặp một việc mà kẻ vui, người buồn, kẻ thương, người ghét. Vì tánh-tình không hợp, người ta đâm ra xung-đột lẫn nhau.

Về phương-diện chánh-trị, những tình-cảm của người đóng một vai tuồng quan-trọng. Một nhà chánh-trị hay một nhà cách-mạng có tài-đức, có nghị-lực, hoạt-động đều suốt đời không chỉ thâu-phục được cảm-tình của một vài triệu người chớ không thể nào làm cho cả loài người tín-nhiệm nơi mình. Ngay trong những chánh-đảng, cũng có sự phân chia bè cánh vì người thì thích nhà lãnh-tụ này, kẻ lại ưa nhà lãnh-tụ kia. Vì muốn ủng-hộ người mình thích nhứt, người ta lập thành nhóm nhỏ cạnh-tranh nhau.

2.- Ý-THỨC CHỦNG-LOẠI.

Nguyên-nhơn thứ hai làm cho loài người chia rẽ là ý-thức chủng-loại. Nó là một bản-năng khiến cho một sanh-vật tự-nhiên biết được một sanh-vật giống nó hay khác nó, gần nó hay xa nó. Nhờ có ý-thức chủng-loại mà những sanh-vật không trộn giống với nhau và chỉ họp thành bầy giữa đồng-loại với nhau mà thôi.

Ở con người, ý-thức chủng-loại còn mãnh-liệt hơn ở những sanh-vật khác. Vì biết lập gia-đình, quốc-gia, lại có tiếng nói khác nhau, người không những phân-biệt người và động-vật khác, mà còn phân-biệt người giống này và người giống nọ. Ta có thể bảo rằng người nước nào cũng có óc kỳ-thị chủng-tộc và trong khi lên tiếng chỉ trích những giống dân hùng mạnh có thái-độ khiếm-nhã với mình, nhiều giống dân lại ra mặt khinh dể những giống dân thấp kém hơn mình. Trong những người cùng giống với mình, người lại phân-biệt người thân kẻ sơ nữa.

Kết-quả của ý-thức chủng-loại là sự thương ghét không đều nhau. Người có cái khuynh-hướng tự-nhiên là thương người hay vật mà người thấy giống mình hay gần mình nhiều hơn người hay vật mà người thấy xa mình hay ít giống mình. Do đó mà nảy sanh tinh-thần gia-tộc, tinh-thần bè phái, tinh-thần hương-đảng, tinh-thần tổ-quốc. Người luôn luôn binh cái gần mình để chống lại cái mà người cho là xa mình.

Trong sự hợp-quần của người, ý-thức chủng-loại đã đưa người đến hai thái-độ hoàn-toàn trái ngược nhau. Một mặt, nó là một trong những ý-thức tương-đồng làm cho người hợp-quần nhau lại. Nhưng một mặt khác, nó lại làm cho người chia rẽ nhau. Thật-sự thì người chỉ hợp-quần và cố-kết với người cùng giống để đối chọi lại người khác giống. Vì đó là ý-thức chủng-loại một mặt giúp vào sự thành-lập những đoàn-thể nhỏ, nhưng một mặt khác, nó ngăn cản sự hợp-nhứt tất cả loài người.

C.- SỰ TĂNG-TIẾN CỦA NHỮNG NGUYÊN-NHƠN CHIA RẼ LOÀI NGƯỜI.

Những nguyên-nhơn chia rẽ loài người đều là những bẩm-tánh thiên-nhiên Tạo-hóa phú cho người, nên tiềm-tàng mà thật là mãnh-liệt. Nó làm cho từ xưa đến giờ, chưa một giây nào nhơn-loại sống hòa-bình giao-hảo với nhau.

Nhưng sức mạnh của những nguyên-nhơn chia rẽ loài người vẫn không làm cho người phụng-sự lý-tưởng thế-giới đại-đồng tuyệt-vọng. Những người này tin rằng con người càng ngày càng tốt hơn lên. Theo họ, người văn-minh khác người dã-man ở chỗ người văn-minh dằn được thú-tánh, kềm chế được những bản-năng của mình. Họ hy-vọng rằng một ngày kia, người hoàn-toàn làm chủ những bản-năng ấy và chừng đó, những nguyên-nhơn chia rẽ loài người sẽ bị tiêu-diệt, loài người sẽ hợp-nhứt nhau lại.

Quả thật, con người có tiến-hóa về phương-diện tinh-thần. Sau một thời-kỳ dài dặc người chung sống với nhau, những bản-năng xã-hội đã ghép thêm vào những bản-năng vị-kỷ, khiến cho sự giao-thiệp giữa người với nhau có được cải-thiện nhiều.

Nhưng ta nên nhớ rằng những bản-năng vị-kỷ vốn phát-xuất với sự sống, và là căn-bản của sự sinh-tồn. Ta có thể uốn nắn nó chút ít được chớ không thể hủy-diệt nó. Vì đó, dưới một lớp sơn hiền lành và tươi đẹp, những bản-năng vị-kỷ của người vẫn bồng bột như từ thuở sơ-khai, và nhiều khi càng bị đè nén, nó lại càng mạnh thêm.

Một mặt khác, người đời xưa ít có ý-thức về sự hoạt-động của mình. Những bản-năng xã-hội nhiều khi có thể tác-động được với người một cách vô-tình, tự-nhiên. Người văn-minh đã có ý-thức và biết suy-tính trước khi hành-động. Do đó, nhiều khi họ lại đè nén các bản-năng xã-hội để phụng-sự cá-nhơn mình. Với sự mở mang trí-thức và ý-nguyện nâng cao đời sống đến tuyệt-độ, điều này càng làm cho người tranh-đấu xung-đột lẫn nhau.

Bởi lẽ đó, những triết-gia bi-quan không phải hoàn-toàn vô-lý khi cho rằng người văn-minh khác người dã-man không phải ở chỗ họ kềm chế được những bản-năng vị-kỷ của mình mà ở chỗ họ biết gian dối, biết che đậy ý muốn thật-sự của họ. Họ biết giả-trá và vì thế, họ càng nguy-hiểm hơn. Như vậy, nói một cách khái-quát, những nguyên-nhơn chia rẽ loài người đã không bớt đi mà lại càng ngày càng mãnh-liệt hơn lên.

Người càng văn-minh thì bản-năng sinh-tồn cá-nhơn của người càng mạnh. Tánh vị-kỷ của người cũng theo nó mà mạnh thêm. Người dã man chỉ biết lo cho đời sống vật-chất hiện tại, chưa nghĩ đến sự thâu thập để dành. Người văn-minh thì không thế. Ðã có đủ tiền để sống sung sướng trọn đời, họ còn tìm cách kiếm tiền thêm, dầu cho cách kiếm tiền thêm của mình làm cho nhiều người đồng-loại rách rưới đói khó cũng mặc.

Trong những xã-hội văn-minh, những người nhiều lòng từ-thiện rất ít khi thuộc về hạng giàu có nhứt. Có dịp đi quyên tiền những người nhiều của cải để làm việc nghĩa, người ta mới thấy rõ tánh ích- kỷ keo cú của hạng người trưởng-giả và có học.

Tánh thích vinh-quang và sự bất-đồng tư-tưởng của người cũng tiến theo một nhịp. Ở xã-hội dã-man, sự giáo-dục có nhiều chỗ khiếm-khuyết, thành ra phần đông dân-chúng không mở mang nhiều, và chỉ nhắm mắt tuân theo thượng lịnh. Trong xã-hội văn-minh, nhờ sự giáo-dục phổ-thông, mọi người đều có học-thức và nhờ đó mà phát-triển được cá-tánh mình và tin-tưởng nơi sự xét đoán của mình. Lòng tự tin ấy đưa người đến chỗ tranh-đấu cho tư-tưởng của mình, đến chỗ giành giựt cho được cái ngôi vị mà nguười cho xứng với tài-năng mình. Vì thế, xã-hội càng văn-minh thì sự xung-đột vì tư-tưởng, vì những chức-vị chỉ-huy càng nhiều.

Những tình-cảm của người thì có lẽ không thêm bớt gì, nhưng về phương-diện chánh-trị, nó cũng làm cho người ta chia rẽ nhiều thêm ra. Thuở trước, óc tôn-quân của người rất mạnh và người thường theo phù-tá những nhà vua mà người cho là chánh-thống. Bây giờ, ở phần lớn các nước văn-minh chánh-quyền thuộc về dân-chúng, và người ta thường theo tình-cảm mà chọn những nhà lãnh-tụ đại-diện cho mình. Do đó, số lãnh-tụ chánh-trị đông hơn ngày trước và sự chia rẽ cũng nhiều thêm.

Ý-thức chủng-loại của người cũng theo văn-minh mà mãnh-liệt hơn trước. Trong thời -đại thần-quyền và quân-quyền ngự-trị, người chưa có một ý-thức rõ rệt về quốc-gia và dân-tộc. Người có thể tôn thờ những vị giáo-chủ hay những nhà vua, thuộc dân-tộc khác và nhiều khi vì đó mà trở lại hại dân-tộc của mình. Những câu chuyện mượn binh ngoại-quốc dày xéo non sông nhà để cho tôn-giáo mình thờ hay nhà vua mình tôn-phù được thắng-lợi không thiếu gì trong lịch-sử đông tây. Ngoài ra, nhiều nhà vua dùng làm quan lớn ở nước mình những người thuộc dân-tộc khác, như Pháp-Hoàng Louis thứ 14 dùng Mazarin là một người làm Thủ-Tướng, Tần Thủy-Hoàng dùng Lý Ông Trọng là người Việt-Nam làm Tư-lệ Hiệu-úy mà quốc-dân họ không bất-bình hay phản-đối chi.

Ðến lúc phong-trào dân-quyền thắng-lợi, dân-chúng được tham-dự chánh-sự rồi, ý-thức dân-tộc mới bừng dậy và lần lần mạnh lên. Những quốc-gia gồm có nhiều dân-tộc kế tiếp nhau sụp đổ vì mỗi dân-tộc đều muốn được quyền tự-quyết. Trừ một thiểu-số theo chủ-nghĩa quốc-tế và bán đứt linh-hồn mình cho một cường-quốc tự xưng là quê-hương của những nhà chánh-trị thờ lý-tưởng thế-giới đại-đồng, ngoài ra, ai ai cũng muốn cho dân-tộc mình được độc-lập không phải lệ-thuộc vào một nước khác, một dòng vua khác giống hay một vị giáo-hoàng ngự-trị trên nhiều dân-tộc nữa.

Như vậy, ý-thức chủng-loại đã đánh bạt cả ảnh-hưởng những tôn-giáo và chủ-nghĩa tôn-quân. Người bây giờ phần lớn đều dặt quyền-lợi của dân-tộc lên trên tất cả. Họ muốn rằng một quốc-gia chỉ do một dân-tộc lập thành và phải gồm hết những người thuộc dân-tộc ấy. Ðiều này đủ chứng nhận rằng ý-thức chủng-loại của người bây giờ mạnh hơn người thuở trước.

Nói tóm lại, những nguyên-nhơn chia rẽ loài người không phải càng ngày càng yếu mãi đi để sau này bị tiêu-diệt hẳn. Trái lại, nó càng ngày càng mạnh thêm lên, và làm cho con người xung-đột nhau nhiều hơn trước. Ước mong rằng sự tiến-hóa tự-nhiên sẽ cải-lương tâm-tánh con người, sẽ làm cho họ hợp-nhứt nhau lại chỉ là một cuồng-vọng tai-hại mà thôi.

D.- NHỮNG PHƯƠNG-PHÁP ÐƯỢC NÊU RA ÐỂ CHẤM DỨT SỰ CHIA RẼ GIỮA LOÀI NGƯỜI.

Biết được rằng con người không thể tự-nhiên bỏ được những bản-năng làm cho nhơn-loại chia rẽ, một số nhà đạo-đức và chánh-trị tìm cách kềm chế những bản-năng ấy. Họ đã nêu ra những phương-pháp để chấm dứt sự chia rẽ xung-đột giữa loài người. Nhưng những phương-pháp được nêu ra từ trước đến giờ không thể nào thực-hiện được.

1.- NHỮNG PHƯƠNG-PHÁP ÐƯỢC ÐƯA RA ÐỂ GIẢI-QUYẾT SỰ CHIA RẼ VÌ BẢN-NĂNG SINH-TỒN.

Ta đã thấy rằng bản-năng sinh-tồn làm cho người chia rẽ nhau vì nó đưa người đến chỗ vị-kỷ, tham-lam, luôn luôn nghĩ đến mình trước nhứt. Nó thúc giục người tranh-đấu nhau để giành lấy những vật-liệu cần-thiết cho mình, để cướp lấy địa-vị mình mong ước và để làm cho tư-tưởng mình binh vực được thắng-lợi.

Ðể giải-quyết sự chia rẽ vì bản-năng sinh-tồn gây ra, những người chủ-trương thế-giới đại-đồng đã hô-hào người hủy-diệt lòng vị-kỷ của mình, tiết-chế bớt sự ham muốn của mình, hạn-chế bớt sự sanh-dục của mình, hoặc gia-tăng sự sản-xuất bằng những phương-pháp khoa-học để cho mọi người đều có đủ mọi món cần dùng.

a.- SỰ HỦY-DIỆT LÒNG VỊ-KỶ.

Nhận thấy rằng trong những động-lực xô đẩy con người, một đôi khi có một đức-tánh cao- thượng là lòng vị-tha xen vào, những nhà đạo-đức lấy nó đối-chiếu lại tánh vị-kỷ và khuyên-nhủ con người nên tận-diệt tánh vị-kỷ, chỉ nên lấy lòng vị-tha mà đối-đãi nhau.

Nhưng trong khi nghiên-cứu về sự sinh-tồn của người ta đã thấy rằng sự vị-kỷ là một tánh-cách căn-bản của sự sống nên không thể nào hủy-diệt được. Thêm nữa, nói cho thật đúng thì sự vị-tha chung-qui cũng chỉ là một hình-thức của sự vị-kỷ mà thôi.

Lòng vị-tha chỉ có thể xuất-hiện ở những sanh-vật có một bản-năng sanh tồn rộng rãi không những chỉ muốn cho mình sinh-tồn được mà còn muốn cho những kẻ gần mình cũng được sinh-tồn như mình. Nó đưa người đến sự hy-sinh, đến chỗ tình-nguyện chịu cực khổ hay chịu chết để cho kẻ khác được sinh-tồn.

Sự hy-sinh này rất đáng khen. Nhưng trong khi hy-sinh như thế, người vị-tha không phải là hoàn-toàn không nghĩ đến mình. Ngoài sự sung sướng vì được thi-ơn cho kẻ khác, người còn có thể ước mong nơi sự hy-sinh của mình một kết-quả hay cho mình về sau nữa. Người thường hy-vọng rằng sự hy-sinh của mình sẽ đưa đến danh-vọng riêng của mình, đến sự hưng-thạnh của gia-đình mình hay sự hùng-cường của tổ-quốc mình. Vì thế, phần nhiều những sự hy-sinh của con người đều có một mục-đích nhứt-định, đều để cho một số người hưởng nhứt-định.

Như vậy sự vị-tha không phải chọi lại sự vị-kỷ, nó chỉ là sự vị-kỷ mở rộng ra và hiểu một cách khôn ngoan hơn. Trong thiên khảo về sự sinh-tồn, ta đã thấy rõ rằng lòng vị-tha bắt nguồn nơi sự vị-kỷ và không thể hoàn-toàn mất tánh-cách vị-kỷ. Hơn nữa, muốn có lòng vị-tha, nhiều khi người phải phát-tiết được lòng vị-kỷ của mình ra. Sự phát-tiết vị-kỷ này rất có thể làm hại đến người khác.

Một người chịu cực khổ, chịu tiện tặn, rán làm công việc nặng nhọc để nuôi con đi học thành tài, không nghĩ gì đến thân mình, thật là có lòng vị-tha. Tuy vậy, người ấy chỉ chịu cực cho con mình mà thôi, vì khi thấy con mình thành-công, người ấy cũng vui như chính mình thành-công vậy. Ta không thể nào bảo người ấy chịu hy-sinh cho một đứa trẻ xa lạ đi học đến lúc thành tài. Hơn nữa, trong sự giao-tài với người khác, người ấy phải hết sức gắt gao mới đủ tiền chi-dụng. Vậy, người ấy phải phát-tiết sự vị-kỷ ra nơi kẻ lạ mới vị-tha được đối với con mình.

Vì lẽ lòng vị-kỷ là nguồn-gốc của sự vị-tha nên nếu ta diệt trừ sự vị-kỷ hẹp hòi thì lòng vị-tha và lòng hy-sinh cũng theo nó mà chết đi. Nếu ta xem tất cả mọi người như nhau thì không có lý-do gì khiến cho ta phải hy-sinh để làm lợi cho một người hay một nhóm người này, mà lại làm hại cho một người hay một nhóm người khác. Dầu cho ta có làm lợi cho một người hay một nhóm người mà không hại ai cả, ta cũng đã bất-công rồi, vì tại sao một nhóm người được hưởng sự hy-sinh của ta mà những nhóm khác không được hưởng? Có phải những người được hưởng ấy gần ta không ? Như thế thì ta lại vị-kỷ rồi, vì ta chỉ lo cho những người gần ta mà thôi.

Nói tóm lại, sự vị-kỷ không sao bỏ được. Nó là một sản-phẩm của bản-năng sinh-tồn, và là nguồn-gốc thật-sự của lòng vị-tha. Ta không thể hủy-diệt nó, chỉ có thể mở rộng nó ra làm cho người không phải chỉ nghĩ đến sự sinh-tồn cá-nhơn của mình, mà còn biết nghĩ đến sự sinh-tồn của những kẻ gần mình như người trong gia-đình, trong dân-tộc của mình.

b.- SỰ TIẾT-CHẾ NHƠN-DỤC.

Ngoài sự hô-hào diệt lòng vị-kỷ và lòng ghét, những nhà chánh-khách duy-tâm lại còn dạy con người tiết-chế lòng dục của mình để đối-phó với sự thiếu vật-liệu.

Họ khuyên người nên sống một cuộc đời mộc-mạc giản-dị, gần với thiên-nhiên. Những lời khuyên này thấm-nhuần đạo-đúc và nghe rất êm tai. Nhưng chỗ khó là người ta không ai biết như thế nào là vừa phải. Thánh Gandhi dạy dân Ấn-độ không nên xa-xí như người Âu-châu và nên ăn mặc thật đơn-sơ giản-dị như Thánh. Thật ra thì đồ-đệ của Gandhi cũng có một đời sống gọi là giản-dị được. Nhưng so với những đám dân mọi rợ ăn thịt người ở Phi-châu, họ đã là những người đã xa-xí quá-độ rồi.

Nếu ta đi đến đúng mực của sự tiết-chế nhơn-dục thì ta chỉ nên tiêu-thụ một số vật-liệu tối thiểu, thật cần-thiết cho sự sống vật-chất. Như thế, ta phải trở lại sống theo trạng thái thiên-nhiên ở trần-truồng, khát thì uống nước suối, đói thì ăn những quả hay lá cây đủ để cầm-thực mà thôi. Như thế, con người làm sao mà tiến-hóa được.

Chủ-trương tiết-chế nhơn-dục không thể định rõ giới-hạn sự “cần-dùng lý-tưởng” của con người mà lại phản tiến-hóa nên nó lần lần bị người ta bỏ rơi.

c.- SỰ TIẾT-CHẾ SANH-DỤC.

Không tiết-chế được sự ham muốn, sự cần dùng của người, những người chủ-trương thế-giới đại-đồng nghĩ đến việc bớt số người tiêu-thụ bằng cách hạn-chế sự sanh-dục, dùng những phương-pháp khoa-học để làm cho số người sinh-sản thêm không đông-đảo đến nổi làm cho sự sản-xuất của đất đai không đủ cung-cấp cho người dùng. Nhưng chủ-trương nầy cũng không sao thực-hiện được.

Bắt người phải hạn chế sanh-dục, tức là phạm vào sự sanh-tồn, sự tự-do của họ, họ rất khó tuân theo.

Lại nữa, muốn cho chánh-sách hạn-chế sanh-dục có kết-quả như ý muốn thì tất cả các dân-tộc trên thế-giới đều phải thi-hành nó một lượt với nhau một cách thực-tình, nếu không thì dân-tộc nào thi-hành trước sẽ bị thiệt thòi. Trong lúc các nước đều khuyến-khích sanh-dục cho dân số đông thêm mà mình hạn-chế cho dân mình giảm xuống thì có khác chi là tự giết lấy dân-tộc mình? Mà ước mong rằng tất cả dân-tộc trên thế-giới đều đồng lòng ưng-thuận giảm bớt sức sinh-tồn của họ là một không- tưởng chẳng những viễn-vông mà lại còn nguy-hiểm nữa.

đ.- SỰ GIA-TĂNG SẢN-XUẤT BẰNG PHƯƠNG-PHÁP KHOA-HỌC.

Không tiết-chế được nhơn-dục, không hạn-chế được sự sanh-dục, những người thờ lý-tưởng thế-giới đại-đồng đã chủ-trương dùng những phương-pháp khoa-học để sản-xuất những món cần dùng cho tất cả mọi người.

Chúng ta đã thấy rằng trong cái cảm-tưởng thiếu những món cần dùng của người, tâm-lý đóng một vai tuồng quan-trọng, và dầu cho nhơn-loại có thể sản-xuất tất cả những món mình muốn có, dầu cho thiên-nhiên luôn luôn sẵn sàng cung-cấp cho loài người đủ những món mà loài người đòi hỏi đi nữa, sự xung-đột giữa loài người để giành lấy phần nhiều nhứt, tốt nhứt, đẹp nhứt, ngon nhứt về mình cũng vẫn còn.

Phương chi thiên-nhiên không phải là một kho vô-tận. Mặt địa-cầu không lớn thêm ra được, thành ra diện-tích trồng trọt cũng phải có chừng mực. Ðã vậy, sự sản-xuất của đất-đai lại có một cung- lượng mà người ta không làm sao vượt qua khỏi. Những hầm mỏ khoáng-sản cũng không phải là vô- cùng, khai thác mãi rồi ngày kia nó phải khô-kiệt đi.

Những phát-minh khoa-học gần đây làm cho nhiều người tin rằng với sự tiến-bộ của kỹ-thuật, người ta có thể dùng những chất dễ tìm để thay thế những chất khó tìm. Thay vì dùng dầu lửa, người ta có thể dùng những chất khí có nhiều như hýt-rô hay óc-xy để làm nguyên-động-lực. Nhưng muốn sử dụng nguyên-động-lực như thế, người ta lại phải có những hãng xưởng máy móc phức-tạp và vấn-đề nguyên-liệu vẫn đặt ra cho người. Vả lại, khả-năng kỹ-thuật dầu sao cũng không phải là vô-hạn, vì có nhiều vấn-đề nó không thể vượt qua nổi. Thêm nữa, sự mở mang khoa-học lại đồng-thời mở mang những nhu-cầu của người và chung-qui, sự thiếu thốn bao giờ cũng vẫn còn.

Như thế, những món mà thiên-nhiên cung-cấp cho người có một giớI-hạn rạch ròi. Khoa-học không thể giúp người tạo thêm vật-chất được; họ chỉ giúp người biến đổi những vật-chất ra những vật-liệu người cần dùng mau lẹ hơn trước mà thôi. Vậy, khoa-học không phải là vạn-năng và không thể nào giải-quyết được vấn-đề thiếu vật-liệu cho người.

Những phương-pháp được đưa ra để giải-quyết sự chia rẽ do bản-năng sinh-tồn đưa ra thế là không thực-hiện nổi, và sự chia rẽ này vẫn còn mãi mãi không chấm dứt.

2.– PHƯƠNG-PHÁP ÐƯỢC ÐƯA RA ÐỂ GIẢI-QUYẾT SỰ CHIA RẼ VÌ Ý-THỨC CHỦNG- LOẠI.

Ðể giải-quyết sự chia rẽ vì ý-thức chủng-loại gây ra, những người chủ-trương thế-giới đại-đồng đã kêu gọi người ta hủy-diệt sự phân-biệt thân sơ và lòng ghét đi để xem mọi người như nhau và thương họ như nhau.

Nhưng sự phân-biệt người gần kẻ xa, là một sự tự-nhiên không sao bỏ đi được. Dầu cho ta có hủy-bỏ chế-độ gia-đình, theo chế-độ cộng-thê-nhi, ta cũng làm cho con người tránh được sự phân-biệt thân sơ. Không khắng khít với cha mẹ, vợ con, người cũng khắng khít với bạn bè, với những người sống chung. Sự phân-biệt thân sơ còn thì kết-quả của nó là lòng thương ghét không đều cũng còn.

Thêm nữa, con người không thể chỉ có lòng thương mà không có lòng ghét vì sự thương ghét không phải là những tình-cảm tuyệt-đối. Nó thường phát-sanh sau một sự so sánh.

Ðối với một người không quen biết, ta không có lý-do gì để thương hay ghét. Chỉ khi nào so sánh anh ta với một người khác làm tiêu-chuẩn, ta mới thấy thương hay ghét anh ta. Nếu anh ta có việc xung-đột với một người thân-thuộc của ta, ta mới so sánh thấy người thân-thuộc của ta gần ta hơn và binh vực người thân-thuộc ấy mà chống chọi lại anh ta. Trái lại, nếu anh ta có việc cạnh-tranh với người ngoại-quốc, ta có thể so sánh, thấy anh ta gần mình hơn vì anh ta là người đồng bang. Do đó, ta có xu-hướng giúp anh ta chống lại người ngoại-quốc kia.

Ngay trong vòng thân-quyến, sự phân-biệt gần xa và thương ghét không đều cũng không tránh được. Khi một đứa cháu đau ốm, ta có thể lo lắng buồn rầu, nhưng sự lo lắng buồn rầu này không thể nào bằng sự lo lắng buồn rầu khi con ruột ta đau ốm. Người Việt-Nam có câu ngạn-ngữ “Con là máu, cháu là mủ” để nhận-thực điều này.

Trong những hoạt-động thể-thao là những hoạt-động theo nguyên-lý thì có tinh-thần mã-thượng nhứt, sự chi-phối của ý-thức chủng-loại cũng hết sức mãnh-liệt. Khi hội túc-cầu tỉnh nhà ta đấu với hội túc-cầu thủ-đô, ta thấy hội túc-cầu tỉnh nhà có nhiều liên-lạc với ta và gần ta hơn hội túc-cầu thủ-đô nên ta có thiện-cảm với hội túc-cầu tỉnh nhà nhiều hơn và muốn cho nó thắng. Vì đó, ta hóa ra không thích hội túc-cầu thủ-đô. Nhưng khi hội túc-cầu thủ-đô đấu với một hội túc-cầu ngoại-quốc, ta lại thấy hội túc-cầu thủ-đô gần ta hơn vì nó là hội túc-cầu của nước ta. Sự so sánh này làm cho ta trở lại thích hội túc-cầu thủ-đô và muốn cho nó thắng hội túc-cầu ngoại-quốc.

Những thí-dụ trên đây chỉ tỏ rằng thương và ghét không phải là những tình-cảm chọi lại nhau. Nó chỉ là kết-quả của sự phân-biệt so sánh gần xa. Vì đó, ta không thể bỏ bớt một cái được.

Nhưng giá như con người bỏ được sự thương ghét không đều và xem mọi người như nhau cả, nhơn-loại cũng không tiến-bộ gì hơn. Như thế là, vì con người xem mọi người khác như nhau sẽ dửng-dưng đối với tất cả thiên-hạ. Trong trường-hợp đó, người ấy sẽ đi đến sự vị-kỷ hoàn-toàn và chỉ còn biết có mình. Một xã-hội gồm có nhiều người như thế sẽ đi đến chỗ hỗn-loạn chớ cũng không đi đến thế-giới đại-đồng được.

Ta đã thấy rằng thương và ghét không thể bỏ đi được. Hơn nữa, muốn thương, người ta phải có chỗ phát-tiết lòng ghét của mình. Như trong thí-dụ nêu ra trên này, muốn thương hội túc-cầu thủ-đô, người phải phát-tiết lòng ghét ra hội túc-cầu ngoại-quốc.

Nếu lòng ghét không phát-tiết ra ngoài được, thì nó trở lại phá hoại, gây sự chia rẽ bên trong. Người trong một gia-đình nghèo bị người húng-hiếp có thể phát-tiết cái ghét ra ngoài xã-hội được nên rất thương yêu nhau. Trái lại, người trong một gia-đình giàu, nhứt hô bá ứng không có cơ-hội phát-tiết lòng ghét ra ngoài nên thường sanh ra xào xáo lẫn nhau.

Sự chia rẽ vì ý-thức đồng-loại thế là cũng không giải-quyết được.

Ð.- NHỮNG CUỘC TRANH-ÐẤU GIỮA CÁC ÐOÀN-THỂ HỢP-QUẦN CỦA NGƯỜI.

Khảo-sát về sự hợp-quần giữa loài người, ta đã nhận thấy rằng sự hợp-quần có xu-hướng đi từ một phạm-vi nhỏ hẹp đến một phạm-vi rộng lớn. Mộng-tưởng thế-giới đại-đồng, thống-nhứt nhơn-loại không thể đạt được vì nhiều nguyên-nhơn vật-chất và tâm-lý luôn luôn chia rẽ loài người.

Một mặt khác, việc noi theo sự tiến-triển của sự hợp-quần đã cho ta thấy rằng số người trong một đoàn-thể càng đông thì tánh-cách đồng-nhứt của họ càng giảm bớt đi. Do đó, người trong những đoàn-thể rộng lớn không thể hoàn-toàn giống nhau về mọi phương-diện.

Hơn nữa, chế-độ phân-công do sự hợp-quần rộng lớn gây ra lại giúp người nâng cao trình-độ kỹ-thuật của mình lên. Nhờ đó, sự sản-xuất những vật dụng cần-thiết cho sự sống của người càng ngày càng tăng-tiến.

Ðiều này, phụ vào ý-muốn cải-thiện không ngừng đời sống của mình đã làm cho số nhu-cầu vật-chất và tinh-thần của người thêm lên mãi mãi. Sự sống còn của người vì thế mà trở nên phức-tạp, và sự cần thỏa-mãn những nhu-cầu khác nhau của mình làm cho quyền-lợi của người có rất nhiều mặt.

Vì những lẽ nầy, người có thể vừa hợp-quần với người này, vừa hợp-quần với người khác về mặt kia. Một người có thể vừa hợp-quần về huyết-thống với thân-quyến trong tiểu-gia-đình và đại-gia-đình mình, vừa hợp-quần về mặt nghề-nghiệp với những bạn đồng-nghiệp trong nghiệp-đoàn, vừa hợp-quần về mặt tâm-tánh với bạn bè, vừa hợp-quần về mặt tín-ngưỡng với những đạo-hữu, vừa hợp-quần về mặt tư-tưởng chánh-trị với những đồng-chí trong một chánh-đảng, vừa hợp-quần với tất cả người đồng-bào trong quốc-gia.

Việc một người có thể đồng-thời có mặt trong nhiều đoàn-thể hợp-quần khác nhau làm cho vấn-đề thành ra hết sức phức-tạp. Quyền-lợi của tất cả những đoàn-thể khác nhau trong đó người có chơn không thể nào luôn luôn hòa-hợp với nhau được. Mỗi khi quyền-lợi của những đoàn-thể ấy xung-đột lẫn nhau, người bắt buộc phải quyết-định đặt cái nào trên hết.

Vì mỗi đoàn-thể đều bảo-vệ cho một thứ quyền-lợi vật-chất hay tinh-thần của người cho nên người phải chọn lựa xem quyền-lợi nào đáng cho mình trọng nhứt. Sự chọn lựa này hoàn-toàn tùy theo quan-niệm sinh-tồn của người, thành ra nó không giống nhau hết được.

Cùng trong một trường-hợp như nhau, mỗi người đều có thái-độ riêng của mình. Có người đặt tư-tưởng chánh-trị lên trên hết, và khi quyền-lợi của chánh-đảng họ bắt buộc, họ dám bỏ gia-đình, chống lại thân-quyến, bằng-hữu và bạn đồng-nghiệp của họ, họ dám phủ-nhận tôn-giáo họ theo, giết hại đồng-bào và nhiều khi phạm vào quyền-lợi tối-cao của quốc-gia nữa. Có người, trái lại, xem tình gia-đình là nặng nhứt và không ngần-ngại bỏ chánh-đảng, bỏ quyền-lợi quốc-gia để phụng-sự người thân. Cũng có người nuôi một tinh-thần tôn-giáo mạnh mẽ, và khi giáo-hội họ ra lệnh, họ dám chống lại chánh-đảng, chọi lại quyền-lợi quốc-gia.

Chính vì những chỗ khác nhau trên này mà có những sự rắc rối trong sự hợp-quần để tranh-đấu của loài người.

E.- NHỮNG XU-HƯỚNG HỢP-QUẦN QUAN-TRỌNG TRONG LỊCH- SỬ.

Những xu-hướng hợp-quần để tranh-đấu thật có rất nhiều. Những xu-hướng có đủ điều-kiện để lôi cuốn một số đông người theo và gây những cuộc đảo lộn lớn lao trong lịch-sử thì không có được bao nhiêu.

Những người theo chủ-nghĩa Karl Marx cho rằng yếu-tố tương-đồng hoàn-cảnh là yếu-tố mạnh nhứt. Nó đã luôn luôn thắng-lợi trong sự lôi kéo con người chỉ hợp-quần nhau lại mà tranh-đấu lẫn nhau. Bởi đó, lịch-sử loài người chỉ là lịch-sử của một cuộc giai-cấp tranh-đấu không ngừng.

Những lời quả-quyết của những người theo thuyết Karl Marx không hợp với thực-tế. Sự xung-đột giai-cấp không thể nào giải-thích được những cuộc chiến-tranh đã xảy ra giữa người Việt với người Trung-hoa và người Chiêm, người Miên, người Lào, người Thái. Nó cũng không giải-thích được những cuộc chiến-tranh xảy ra giữa những người theo đạo Thiên-chúa và người theo đạo Hồi, hay giữa những nước phát-xít và những nước dân-chủ trong trận đại-chiến vừa qua.

1.- NHỮNG LOẠI CHIẾN-TRANH ÐÃ XẢY RA TRONG LỊCH-SỬ LOÀI NGƯỜI.

Ðọc lịch-sử một cách khách-quan, chúng ta nhận thấy rằng trong quá-khứ, có bốn yếu-tố lôi kéo được một số đông người hợp-quần lại để tranh-đấu chung nhau. Bốn yếu-tố này là: dân-tộc, giai-cấp, xu-hướng chánh-trị và tôn-giáo.

a)- CHIẾN-TRANH DÂN-TỘC.

Những cuộc tranh-đấu giữa người Việt với người Trung-hoa và người Chiêm, người Miên, người Lào, người Thái, người Pháp, những cuộc tranh-đấu giữa người Pháp với người Đức, người Ý, người Tây-ban-nha, người Anh v.v… là những cuộc chiến-tranh dân-tộc.

Trong những cuộc chiến-tranh ấy, người của dân-tộc này đem hết năng-lực mình ra đối chọi lại lực-lượng của dân-tộc kia để bảo-vệ lãnh-thổ nước mình, để giữ vững nền độc-lập của mình, để xâm-chiếm một mảnh đất cần-thiết cho sự sinh-tồn của mình, hay để tranh giành một nguồn quyền-lợi gì đó.

Những cuộc chiến-tranh dân-tộc có thể xuất-hiện dưới hình-thức những cuộc cách-mạng giải phóng khi một dân-tộc nhược-tiểu vùng lên để thoát ách đô-hộ của đế-quốc thống-trị mình.

b)- CHIẾN-TRANH GIAI-CẤP.

Bên trong quốc-gia, ta thường thấy xuất-hiện chiến-tranh giai-cấp. Trong những cuộc chiến-tranh này, hạng người nghèo khó bị bóc lột đứng lên chống chọi lại những hạng thiểu-số chiếm lấy chánh-quyền và thừa thế mà áp-chế đồng-bào.

Cuộc cách-mạng năm 1789 ở Pháp là một cuộc chiến-tranh giai-cấp do hạng bình-dân gây ra để hủy bỏ những đặc-quyền của hai hạng quí-tộc và tăng-lữ. Ta cũng có thể xem một số những cuộc khởi- loạn của dân-chúng trong nước ta thuở trước như là những trận chiến-tranh có tánh-cách giai-cấp một phần nào.

c)- CHIẾN-TRANH CHÁNH-TRỊ.

Nhưng tất cả những cuộc tranh-đấu giữa người trong một nước không phải đều là những cuộc chiến-tranh giai-cấp. Nguyên nhân một số những cuộc tranh-đấu này là sự bất-đồng xu-hướng chánh-trị.

Vì ủng-hộ những cá-nhơn hay những tư-tưởng khác nhau, người trong nước phân ra làm nhiều nhóm tranh-đấu lẫn nhau để giành lấy chánh-quyền. Những cuộc tranh-đấu giữa những người binh vực những triều-đại khác nhau thuở trước và giữa những chánh-đảng bây giờ đều là những cuộc chiến-tranh chánh-trị.

Nhiều lúc cuộc chiến-tranh vì xu-hướng chánh-trị lại được ghép vào những cuộc chiến-tranh giai-cấp thành một phong-trào chung. Có khi nhà minh-chủ một chi-phái hay nhà lãnh-tụ một chánh-đảng lợi dụng sự bực tức của giai-cấp bần-dân đối với chánh-phủ đương-hữu để lôi kéo họ tranh-đấu cho mình.

Cũng có khi người lãnh-đạo một phong-trào chiến-tranh giai-cấp thành-công rồi biến thành một nhà chánh-trị mà mục-đích duy-nhứt là giữ lấy chánh-quyền để an-hưởng giàu sang. Trường-hợp này xảy ra rất thường trong lịch-sử Trung-hoa và Việt-Nam. Những nhà vua sáng-nghiệp ở hai nước này phần lớn là những người áo vải xuất-thân và khởi đầu làm lãnh-tụ những người bị bóc lột trong nước. Sau khi lật đổ xong triều-đại cũ rồi, họ lập nên một triều-đại mới và trở thành vị thiên-tử chỉ nghĩ đến quyền-lợi của dòng họ mình.

d)- CHIẾN -TRANH TÔN-GIÁO.

Sau hết, ta còn nhận thấy trong lịch-sử nhơn-loại những cuộc chiến-tranh tôn-giáo. Những cuộc Thập-tự viễn-chinh, những cuộc tranh-đấu giữa tín-đồ Thiên-chúa-giáo và tín-đồ HồI-giáo, giữa tín-đồ Thiên-chúa-giáo La Mã và Thiên-chúa-giáo Cải-lương, giữa tín-đồ Bà-la_môn-giáo và tín-đồ Phật-giáo thuộc về loại chiến-tranh tôn-giáo này. Trong những cuộc chiến-tranh tôn-giáo, những người cùng thờ một mối đạo hợp sức nhau chiến-đấu với những người theo đạo khác để tiêu-diệt họ hay bắt họ theo đạo mình.

Những cuộc chiến-tranh tôn-giáo có thể nằm trong phạm-vi một dân-tộc hay nằm choàng lên nhiều dân-tộc một lượt. Những cuộc chém giết nhau giữa tín-đồ Thiên-chúa-giáo La-mã và Thiên-chúa-giáo CảI-lương ở Pháp vào thế-kỷ 16 là những cuộc chiến-tranh tôn-giáo bên trong một dân-tộc. Những cuộc thập-tự viễn-chinh từ thế-kỷ thứ 11 đến thế-kỷ thứ 13 mà tín-đồ thiên-chúa giáo gây ra để giải-phóng thánh địa Jérusalem là những cuộc chiến-tranh tôn-giáo huy-động nhiều dân-tộc khác nhau. Một bên là những dân-tộc Âu-châu, một bên là những dân-tộc sống ở vùng Trung-đông.

2.- VAI TUỒNG ƯU-TIÊN CỦA CHỦNG-TỘC TRONG CÁC LOẠI CHIẾN-TRANH GIỮA LOÀI NGƯỜI.

Nhũng cuộc chiến-tranh giữa nhơn-loại gồm có nhiều loại khác nhau. Những người đã tranh-đấu nhau vì quyền-lợi dân-tộc hay quyền-lợi giai-cấp đụng chạm nhau, vì tư-tưởng chánh-trị hay tôn-giáo bất-đồng. Nhưng mặc dầu những nguyên-nhơn chánh-yếu gây chiến-tranh có thể khác nhau, trong phần lớn những cuộc xung-đột giữa loài người, ta đều nhận thấy một yếu-tố làm gốc : yếu-tố chủng-tộc.

Những cuộc chiến-tranh giữa các đoàn-thể nhỏ cổ-sơ như gia-đình, thị-tộc, bộ-lạc, tiểu-bang, tự-nhiên là hoàn-toàn có tánh-cách chủng-tộc. Vì sự sống còn của vật-chất và tinh-thần của mình, người của các đoàn-thể ấy phải cố-kết nhau để đương đầu lại các đoàn-thể khác.

Những cuộc xung-đột giữa các đoàn-thể rộng lớn hơn như quốc-gia và đế-quốc phần lớn cũng có tánh-cách chủng-tộc vì nếu dân-chúng các quốc-gia và đế-quốc ấy chưa hỗn-hợp nhau lại để lập thành một dân-tộc, quyền-chánh trong các quốc-gia và đế-quốc ấy cũng thuộc về tay một dân-tộc bá-chủ, dân-tộc đã chinh-phục được các chủng-tộc kia để xây dựng nên đế-quốc.

Tất cả mọi chủng-tộc trên thế-giới ngày xưa đều phụng thờ một tôn-giáo. Cơ-vận của tôn-giáo thường trùng-hợp với cơ-vận của những chủng-tộc phụng thờ nó. Dân-tộc nào cũng muốn đem tôn-giáo mình truyền-bá ra ngoài để thao túng tư-tưởng tinh-thần các giống khác. Do đó, những cuộc chiến-tranh tôn-giáo đều phải dựa vào các chủng-tộc và có tánh-cách chủng-tộc.

Những cuộc chiến-tranh giữa những người chung một nước cũng có thể mang tánh-cách chủng-tộc. Trong nhiều xã-hội xưa, sự phân giai-cấp đưa vào yếu-tố chủng-tộc. Chính những chủng-tộc chiến-thắng đã họp lại lập thành giai-cấp thống-trị trong khi các chủng-tộc bị thống-trị bị ghép vào giai-cấp hạ-tiện. Ở Ấn-độ, những giai-cấp trên gồm có người Aryen đã chinh-phục các dân-tộc khác. Ở Trung-hoa dưới thời nhà Thanh, người Mãn-châu lập thành một giai-cấp trên hẳn dân Hán tộc.

Những tư-tưởng chánh-trị một phần nào tùy-thuộc đời sống các chủng-tộc. Vì đó, mỗi dân-tộc đều có một hình-thức tổ-chức chánh-trị lý-tưởng. Khi một dân-tộc thất-bại, chế-độ chánh-trị trong nước họ thường bị sụp đổ, và cải-tổ theo chế-độ của dân-tộc chiến-thắng. Sự phát-huy những cách-thức sinh-tồn của mình bao giờ cũng được các dân-tộc xem là một biểu-hiệu của sức mạnh mình. Và trong những cuộc xung-đột giữa hai khối Nga-Mỹ hiện-thời ngoài yếu-tố tư-tưởng chánh-trị là sự chống chọi nhau giữa chủ-nghĩa dân-chủ tự-do và chủ-nghĩa xã-hội duy-vật Karl Marx lại còn có yếu-tố chủng-tộc xen vào : một bên là khối người Ăng-lô-Sác-xong, một bên là khối dân Tư-lạp-phu.
Như thế, trong phần lớn những cuộc chiến-tranh đã xảy ra trong nhơn-loại, yếu-tố chủng-tộc đều có đóng một vai tuồng. Những cuộc chiến-tranh nổ bùng bên trong một quốc-gia mà hoàn-toàn do sự bất-đồng quyền-lợi giữa các giai-cấp hay sự bất-đồng chánh kiến bất-đồng tôn-giáo gây ra, và không có hơi hướng chủng-tộc cũng có chớ chẳng phải không. Tuy-nhiên, nó chỉ là số ít. Vậy, ta có thể bảo rằng trong sự xung-đột giữa các đoàn-thể loài người từ trước đến giờ, yếu-tố chủng-tộc đã đóng vai tuồng quan-trọng hơn hết. Nó là yếu-tố ưu-tiên làm cho người hợp-quần lại để tranh-đấu lẫn nhau.

G.- NHỮNG KHỐI VÀ XU-HƯỚNG HỢP-QUẦN HIỆN-TẠI TRÊN THẾ-GIỚI.

Nhìn ra thế-giới hiện giờ, chúng ta có thể nhận thấy nhiều đoàn-thể và nhiều khuynh-hướng hợp-quần. Nhơn-loại hiện phân ra sống trong nhiều quốc-gia. Những quốc-gia này có thể gồm một dân-tộc chủ-yếu và một số dân-tộc nhược-tiểu không đáng kể. Nó có thể gom nhiều dân-tộc như Thụy-sĩ, như Liên-Bang Sô-viết. Nó có thể gồm người thuộc nhiều chủng-tộc khác nhau như Hiệp- chúng-quốc Mỹ. Ngoài ra, còn có một trường-hợp dân-tộc lập nên nhiều quốc-gia như dân Ăng-lô Sác- xong lập nên nước Anh và Hiệp-chúng-quốc Mỹ.

Tổ-chức quốc-gia là một tổ-chức có tánh-cách pháp-lý. Kế bên tổ-chức pháp-lý đó, ta lại còn thấy nhiều tổ-chức khác nằm choàng lên trên biên-giới quốc-gia.

Trong những tổ-chức này, quan-trọng nhứt là những tôn-giáo. Phát xuất từ một dân-tộc, một số tôn-giáo đã lan rộng ra, chinh-phục được nhiều giống dân khác. Nhiều khi, chính giống dân nêu ra một tôn-giáo lại không phụng thờ nó bằng giống dân khác. Đó là trường-hợp dân Do-thái đối với Thiên-chúa-giáo và dân Ấn-độ đối với Phật-giáo.

Hiện giờ, giáo-hội Thiên-chúa-giáo La-mã gồm có những tín-đồ khắp nơi trên thế-giới nhứt là Âu-châu.

Những tín-đồ Hồi-giáo lập thành một khối rất to ở các nước Bắc-Phi, Trung-Đông và ở Ấn-độ, Nam-dương. Tín-đồ Phật- giáo cũng hết sức đông đảo và chiếm cả các nước Viễn-Đông.

Có khi mỗi quốc-gia có một giáo-hội riêng. Đó là trường-hợp Thiên-chúa-giáo chánh-thống ở các nước Trung-Âu và Tư-lạp-phu. Nhưng cũng có khi người trong một quốc-gia thuộc về nhiều giáo-hội khác nhau.

Nếu những người cùng thờ chung một vị thần-minh trên thế-giới hợp nhau lại thành những giáo-hội thì những người cùng chung lý-tưởng chánh-trị cũng hội nhau lại lập nên những chánh-đảng. Chánh-đảng có thể có tánh-cách quốc-tế như đảng Cộng-sản ; nhưng cũng có thể có tánh-cách quốc-gia. Lẽ tất-nhiên là những chánh-đảng quốc-gia có xu-hướng tranh-đấu để phụng-sự quốc-gia hay một dân-tộc, trong khi những chánh-đảng quốc-tế nhắm mục-đích hợp-nhứt nhơn-loại. Trong những chánh-đảng quốc-tế hiện giờ, có đảng lấy chủ-trương giai-cấp làm mục-đích của mình.

Về thái-độ đối với con người, các chánh-đảng có thể chủ-trương theo một chế-độ tự-do cá-nhơn rộng rãi hay một chế-độ độc-tài quốc-gia khắc-nghiệt.

Sau hết, trên thế-giới có những tổ-chức nghiệp-đoàn quốc-gia hay quốc-tế.

H.- SO SÁNH NHỮNG THỂ-THỨC HỢP-QUẦ N TRONG NHƠN-LOẠI.

Những yếu-tố gây hợp-quần cho người thật hết sức phức-tạp. Sức hấp-dẫn của nó tùy theo người, theo chủng-tộc, theo trình-độ mở mang của xã-hội mà khác nhau một cách vô-cùng. Tuy thế, ta vẫn có thể so sánh được sự lợi hại của từng yếu-tố một cách khái-quát.

2.- VAI TUỒNG HIỆN-THỜI CỦA YẾU-TỐ TÔN-GIÁO VÀ TƯ-TƯỞNG CHÁNH-TRỊ.
a.- YẾU-TỐ TÔN-GIÁO.

So với hấp-lực quá-khứ của nó, yếu-tố tôn-giáo đã suy-giảm nhiều. Nói như thế, không phải là cho rằng tôn-giáo đã hết lý-do tồn-tại hoặc không còn gom góp một số đông tín-đồ theo mình, hay không tổ-chức được những tín-đồ ấy thành một đoàn-thể vững chắc được.

Thật ra, hiện-giờ những tín-đồ Thiên-chúa-giáo, Hồi-giáo, Phật-giáo v.v… chiếm một phần lớn nhơn-loại và đã được tổ-chức đàng-hoàng. Những tổ-chức này đang đóng một vai tuồng quan-trọng trong lịch-sử thế-giới. Vấn-đề tôn-giáo hiện được đặt ra cho hầu hết các nước. Và trong cuộc tranh chấp Mỹ Nga hiện phân chia nhơn-loại ra làm hai khối, những người cuồng-tín tôn-giáo đã cung-cấp một lực-lượng hết sức mạnh mẽ.

Như thế, mặc dầu không chi-phối được cả đời sống nhơn-loại một cách chặt chẽ như xưa kia, những giáo-hội vẫn còn một ảnh-hưởng lớn lao đến đời sống của những dân-tộc.

Nhưng có một điều mà ai ai cũng phải công-nhận là yếu-tố tôn-giáo càng ngày càng yếu lần đi. Nếu hiện-thời, trong những dân-tộc bán-khai, tôn-giáo hãy còn lôi kéo một số người tranh-đấu nhau một cách cương-quyết và mãnh-liệt, chắc chắn ngày mai, khi ánh sáng khoa-học rọi đến các dân-tộc ấy, nó sẽ không còn hấp-dẫn như hiện-thời nữa. Thái-độ các dân-tộc văn-minh đã chứng tỏ điều này một cách rõ ràng.

Những nguyên-nhơn gây ra tình-trạng này có rất nhiều.

Trước hết, vì bản-chất nó, tôn-giáo phải chú-trọng đến tinh-thần nhiều hơn đến vật-chất và phải lo cho phần hồn của người nhiều hơn là lo cho phần xác của người. Điều này làm cho tôn-giáo phải săn sóc về đường đạo-đức nhiều hơn là về đường đời. Mà sự sống vật-chất của người càng ngày càng được nâng cao lên và vì đó, càng phức-tạp, càng thâu hút sự hoạt-động của người. Người phải để nhiều thì giờ lo cho phần đời của mình nên xao lãng bớt nhiệm-vụ đối với phần đạo. Do đó, trong xã-hội văn-minh, thế-lực của tôn-giáo đối với người phải giảm bớt.

Một mặt khác, những phát minh khoa-học và những lý-thuyết duy-vật về nguồn-gốc con người đã chứng tỏ sự sai lầm của những thuyết khởi-nguyên mà các tôn-giáo đưa ra. Số người vô-thần càng ngày càng đông, và những người còn tin-tưởng nơi tôn-giáo, nhưng không mê-tín cũng rất nhiều.

Những điều này làm cho người ta có một óc khoan-dung tôn-giáo rộng rãi hơn trước. Trừ ở những nước còn hủ-lậu, hoặc những nước độc-tài vô-thần, sự tự-do tín-ngưỡng thường được người thời nay chấp-nhận. Các chánh-phủ không cấm cản người ta theo tôn-giáo mà phần lớn tín-đồ của những tôn-giáo hiện giờ cũng không đến nỗi dùng những phương-pháp bạo-tàn võ-đoán để bắt thiên-hạ tin-tưởng theo mình. Ngay ở nhiều nước lâu nay dân-chúng hết sức mê-tín và có lòng tin-tưởng cuồng-nhiệt nơi tôn-giáo đến nỗi không ngần-ngại chém giết nhau vì nó như nước Ấn-độ và những nước Á-rạp, hiện giờ những phong-trào tự-do tín-ngưỡng và khoan-dung tôn-giáo cũng đã nảy mầm và càng ngày càng mạnh mẽ thêm lên.

Vì những lý-do nêu ra trên này, ta có thể tin-tưởng rằng từ đây về sau, nhơn-loại sẽ không còn thấy những cuộc chiến- tranh lớn lao vì tôn-giáo như trước nữa.

b)- YẾU-TỐ CHÁNH-TRỊ.

Yếu-tố xu-hướng chánh-trị thì hiện giờ cũng vẫn còn quan-trọng như trước, nếu không phải là quan-trọng hơn. Nhưng chúng ta có thể nhận thấy điều này là trong xu-hướng chánh-trị đời nay, tư-tưởng đã lấn thế hơn uy-tín cá-nhơn rất nhiều. Mặc dầu sự tôn-sùng cá-nhơn còn là một yếu-tố mạnh mẽ để lôi kéo người ta tranh-đấu cho một phong-trào, linh-hồn của phong-trào ấy bao giờ cũng phải là một hệ-thống tư-tưởng chánh-trị.

Những đoàn-thể chánh-trị theo một chánh-sách uy tín cá-nhơn luôn luôn phải bị thất-bại trước những đoàn-thể có một chủ-nghĩa chánh-trị chặt chẽ làm gốc.

Những chủ-nghĩa chánh-trị phần nhiều là những hệ-thống tư-tưởng triết-lý giải bày những quan-niệm võ-trụ và nhơn-sanh rất phức-tạp, thành ra không phải mọi người đều hiểu nó một cách tường-tận, rõ ràng. Bởi đó, chỉ có một số ít chiến-sĩ ưu-tú là có thể thâm-cảm được nó, và say mến nó dám chết vì nó mà thôi. Muốn thực-hiện được lý-tưởng mình, những chiến-sĩ này phải dựa vào sự ủng-hộ của quần-chúng, vào sự tranh-đấu của một số đông người nhiều khi không hiểu rõ chủ-nghĩa chánh-trị được nêu ra và không thấy rõ được mục-đích chánh-yếu của phong-trào.

Xét các tư-tưởng chánh-trị từ xưa đến nay, ta thấy rằng tuy có nhiều, nó có thể qui về một số chủ-trương chánh-yếu. Đứng về phương diện cá-nhơn mà nói, chỉ có hai xu-hướng quan-trọng : tự-do và độc-tài. Đứng về phương-diện phạm-vi hợp-quần, ta cũng thấy hai xu-hướng : quốc-gia và quốc-tế.

Vấn-đề tự-do, và độc-tài chỉ mới được đặt ra một cách rõ rệt trong vòng mấy thế-kỷ sau này, với sự xuất-hiện của chủ-nghĩa dân-chủ tư-sản. Sự tranh-đấu cho lý-tưởng tự-do đã gây ra nhiều cuộc nộI-loạn ở các nước. Ở một số quốc-gia nhược-tiểu, những người theo lý-tưởng tự-do nhắm vào mục-đích phụng-sự dân-tộc nhiều hơn là cá-nhơn. Sự thi-hành chủ-nghĩa Tam-Dân của Tôn Văn ở Trung-hoa đã cho ta thấy rằng trong trường-hợp này, lý-tưởng tự-do thật-sự không được tôn-trọng và dưới danh-nghĩa phụng-sự tự-do, người ta đã áp-dụng một chế-độ độc-tài khắc-nghiệt.

Xét vấn-đề tự-do và độc-tài qua thuyết sinh-tồn, ta thấy rằng lý-tưởng tự-do nhắm vào mục-đích bảo-đảm sự sinh-tồn của cá-nhơn, nhưng làm yếu sự sinh-tồn của đoàn-thể. Trái lại, chủ-trương độc-tài hướng đến chỗ làm cho đoàn-thể được hùng-cường và do đó uy-hiếp sự sinh-tồn của cá-nhơn.

Chế-độ tự-do áp-dụng đến triệt-để có thể làm yếu đoàn-thể nhiều quá, khiến cho dân-tộc bị thất-bại trước dân-tộc khác và điều này trở lại làm hại cho sự sinh-tồn cá-nhơn. Bù lại, một chế-độ độc-tài khắc-nghiệt quá có thể gây sự bất-bình trong quần-chúng khiến họ nổi lên tao-loạn, hay làm cho họ mất óc sáng-kiến, mất một khả-năng phát-triển. Điều này tự-nhiên làm hại cho sức mạnh của đoàn-thể.

Vậy, tự-do hay độc-tài một cách cực-đoan đều có hại. Cái khéo của một tổ-chức chánh-trị từ trước đến nay vẫn ở chỗ dung-hòa được hai thể-thức này như thế nào cho sự sinh-tồn cá-nhơn và sự sinh-tồn của đoàn-thể đi đôi được với nhau.

Nhưng dầu sao, vấn-đề tự-do và độc-tài cũng chỉ là một vấn-đề hình-thức tổ-chức. tuy vẫn có sự quan-trọng của nó, vấn-đề này không đáng chú-ý bằng phạm-vi hợp-quần của người.

Vấn-đề phạm-vi hợp-quần này, chúng ta đã đề-cập đến khi khảo về lý-tưởng thế-giới đại-đồng và những nguyên-nhơn làm cho lý-tưởng ấy không thực-hiện được. Hiện giờ, phạm-vi hợp-quần chánh-thức của người là quốc-gia, và có lẽ cho đến một thời-gian vô-hạn-định, hình-thức quốc-gia sẽ còn được duy-trì. Tuy-nhiên, tánh-cách không-tưởng của chủ-trương thế-giới đại-đồng chưa được mọi người nhận-thức nên nhiều người vẫn còn tranh-đấu cho nó.

Ngày xưa, sự xung-đột giữa lý-tưởng quốc-gia và lý-tưởng quốc-tế dựa vào chủ-trương tôn- quân hay chủ-trương tôn-giáo ; người ta tranh-đấu cho lý-tưởng quốc-gia hay quốc-tế dưới quyền một nhà vua hay để phụng-sự một tôn-giáo. Nhưng từ khi lý-thuyết xã-hội duy-vật ra đời kêu gọi người ta bỏ tổ-quốc để tranh-đấu cho vô-sản thế-giới, sự xung-đột giữa lý-tưởng quốc-gia và lý-tưởng quốc-tế dựa vào ý-niệm dân-tộc và giai-cấp. Điều này làm cho vấn-đề hợp-quần theo xu-hướng chánh-trị thu về vấn-đề chủ-trương hợp-quần thành dân-tộc hay thành giai-cấp. Hai yếu-tố dân-tộc và giai-cấp do đó mà trở thành quan-trọng nhứt trong vấn-đề hợp-quần của người.

3.- SO SÁNH HAI YẾU-TỐ DÂN-TỘC VÀ GIAI-CẤP.
a) SỰ PHÂN-BIỆT DÂN-TỘC CÓ TIÊU-CHUẨN RÕ RỆT HƠN SỰ PHÂN-BIỆT GIAI-CẤP

Trong khi khảo về lý-thuyết xã-hội duy-vật, chúng ta đã xét qua vấn-đề giai-cấp.

Chúng ta đã thấy rằng Karl Marx và Engels rất lầm lạc mà xem lịch-sử thế-giới là lịch-sử của những cuộc tranh-đấu giai-cấp. Thật-sự lịch-sử thế-giới là lịch-sử những cuộc tranh-đấu sinh-tồn trong ấy tranh-đấu giai-cấp chỉ là một trạng-thái.

Chúng cũng đã thấy rằng nếu ngày xưa sự phân-biệt giai-cấp còn có tánh-cách pháp-lý và nhờ đó mà hóa ra rõ rệt, hiện giờ nhờ sự bành-trướng của tư-tưởng dân-chủ, xã-hội đã có tánh-cách công- bằng hơn và sự phân-biệt giai-cấp không còn dựa vào những tiêu-chuẩn rõ rệt.

Trong khi đó, sự phân-biệt dân-tộc thật hết sức rõ ràng. Tánh-cách một dân-tộc bao giờ cũng gồm nhiều yếu-tố họp lại cấu-tạo nên. Những yếu-tố này rất phức-tạp và tùy theo dân-tộc mà mạnh yếu không đều nhau, nhưng bao giờ người ta cũng nhận thấy nó.

1.- YẾU-TỐ HUYẾT-THỐNG.
A)- YẾU-TỐ HUYẾT-THỐNG TRONG SỰ CẤU-TẠO TÁNH-CÁCH MỘT DÂN-TỘC.

Yếu-tố quan-trọng nhứt cho sự cấu-tạo tánh-cách một dân-tộc là huyết-thống. Những người cùng chung một dân-tộc đều có những nguồn huyết-thống chung nhau. Nhờ đó, họ có một sự tương-đồng lớn lao về tánh-cách thể-chất. Điều này làm cho họ thấy mình gần nhau và cố-kết nhau lại.

Có nhiều người cho rằng yếu-tố huyết-thống này không phải cần-thiết cho một dân-tộc, vì một dân-tộc có thể do nhiều chủng-tộc hợp lại lập thành. Những người này lấy cớ rằng dân-tộc Thụy-sĩ gồm có người của các giống dân Đức, Pháp, Ý với dân bổn-xứ, còn dân-tộc Hiệp-chúng-quốc Mỹ thì do nhiều giống dân ở Âu-châu và người da đen cấu-tạo ra.

Nhưng thiết tưởng không cần phải lấy gương trên này làm thí-dụ, ai cũng biết rằng trên thế-giới không một dân-tộc nào thống-nhứt chủng-tộc, nghĩa là do một bộ-lạc sanh sôi nảy nở mãi mà thành. Tất cả những dân-tộc trên hoàn-cầu đều gồm có nhiều bộ-lạc hợp lại lập nên. Những bộ-lạc này có nhiều nguồn-gốc khác nhau, cho nên các dân-tộc không phải mang một thứ máu thuần-túy mà lại mang một thứ máu hỗn-hợp, do nhiều nguồn máu khác nhau trộn lẫn nhau theo sự ngẫu-nhiên của lịch-sử.

Sau khi thành-lập rồi, các dân-tộc lại còn vì sự chinh-phục thôn-tính lẫn nhau mà lai giống với nhau nữa. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể nhận thấy điều này : những bộ-lạc họp nhau lại thành một dân-tộc đều phải ở gần nhau và có những tánh-cách thể-chất gần giống nhau mới có thể đồng-hóa nhau được sau một thời-kỳ hợp-quần lâu dài. Những chủng-tộc khác nhau xa quá không thể nào trộn giống nhau lại để tạo thành một dân-tộc vững-vàng được.

B)- YẾU-TỐ HUYẾT-THỐNG ĐỐI VỚI NGƯỜI THỤY-SĨ

Như chúng ta đã thấy trên đây, người ta thường hay lấy cớ rằng dân-tộc Thụy-sĩ gồm có người của nhiều giống dân khác nhau để cho rằng yếu-tố huyết-thống không cần-thiết cho sự thành-lập dân-tộc.

Trước hết, chúng ta nên lưu-ý rằng cái mà người ta gọi là dân-tộc Thụy-sĩ thật ra chỉ là quốc- dân Thụy-sĩ mà thôi. Trường-hợp nước Thụy-sĩ là một trường-hợp đặc-biệt.

Trong lịch-sử, người Thụy-sĩ chưa lúc nào hợp nhau lại thành một nước mà quyền-chánh được tập-trung vào một cơ-quan thống-suất trung-ương mạnh mẽ. Ngay đến khi nước Thụy-sĩ được chánh- thức nhìn nhận là một quốc-gia trước mặt quốc-tế, nó cũng là một liên-bang gồm có nhiều tiểu-bang kết-hợp nhau một cách lỏng lẻo.

Đặc-điểm của Thụy-sĩ là sự phân-quyền hết sức rộng rãi. Sự phân-quyền này làm cho nước Thụy-sĩ không được mạnh mẽ hùng-cường và dễ dàng làm mồi cho một cuộc xâm-lăng. Nhưng nó đã thực-hiện và duy-trì được nhờ một tình-thế bất thường.

Từ khi các quốc-gia Âu-châu vì sự bừng tỉnh của ý-thức dân-tộc mà phải lấy dân-tộc làm nền tảng cho mình thì nước Thụy-sĩ được mọi nước công-nhận là một nước trung-lập, hơn nữa, một nước tượng-trưng cho nền hòa-bình thế-giới. Nhờ đó, Thụy-sĩ không bị lôi kéo vào những cuộc xô xát giữa các dân-tộc Âu Châu.

Trong hai trận đại-chiến của thế-kỷ thứ 20, nước Đức đã xâm-phạm nền trung-lập của Bỉ, nhưng vẫn không động đến Thụy-sĩ. Vị-trí quốc-tế đặc biệt này đã giúp người Thụy-sĩ an-ổn làm ăn, thêm vào sự tự-do cá-nhơn rộng rãi mà họ được hưởng làm cho dân Thụy-sĩ có thể sống còn sung-mãn trong nước Thụy-sĩ và trung-thành với nó.

Chính nhờ sự trung-thành với quốc-gia Thụy-sĩ mà những giống dân khác nhau ở Thụy-sĩ họp lại làm một khối chặt chẽ không tan rã, khiến cho người có cảm-tưởng là họ đã họp nhau lại thành một dân-tộc.

Như thế, sự thật không có dân-tộc Thụy-sĩ, chỉ có quốc dân Thụy-sĩ. Mà dầu cho ta có công- nhận rằng người Thụy-sĩ họp nhau lại thành một dân-tộc đi nữa, những điều-kiện đặc biệt làm cho dân-tộc ấy thành-lập và duy-trì được, và chỗ nó không phải trải qua những cuộc thử thách ê chề như những dân-tộc khác làm cho tánh-cách bền vững của nó không đủ để chứng-nhận rằng yếu-tố chủng-tộc không cần-thiết để cấu-tạo nên dân-tộc.

Nếu nước Thụy-sĩ ở vào vị-trí bán-đảo Ba-nhĩ-cán và bị các dân-tộc hùng-cường đua nhau lôi kéo vào vòng thế-lực một cách mãnh-liệt, chưa chắc những nhóm dân Đức, Pháp và Ý của Thụy-sĩ có còn đoàn-kết nhau chặt chẽ để thành-lập một khối quốc-dân cứng chắc như ta thấy bây giờ.

C)- YẾU-TỐ HUYẾT-THỐNG ĐỐI VỚI DÂN-TỘC MỸ.

Dân-tộc Mỹ được thành-lập trong một tình-thế khác hơn quốc-dân Thụy-sĩ, nhưng việc nó gồm nhiều giống người nguồn-gốc khác nhau cũng không phải làm cho vấn-đề chủng-tộc bớt quan-trọng.

Tổ-tiên người vốn là người Âu-châu, vì không chịu nổi đời sống vật-chất hẹp hòi trên Cựu-lục -địa, hoặc vì muốn trốn tránh một phong-trào đàn-áp tôn-giáo ở nước mình mà di-cư sang Tân-thế-giới. Đến đó, họ bị trơ trọi trong những đám thổ-dân da đỏ nên rất khó mưu-sanh. Lúc còn liên-lạc chặt chẽ với tổ-quốc mình, những kẻ được người trong nước mình ủng-hộ có khi dựa vào thổ-dân để chọi lại với những người khác nước cùng di-cư đến đất Mỹ như mình. Nhưng về sau, khi bị chánh-quốc bỏ rơi những người da trắng đã siết chặt hàng-ngũ lại để đối-phó với người thổ-dân. Sự sống chung đụng nhau trong một thời-gian dài dặc đã làm cho họ lần lần đồng-hóa nhau để thành dân-tộc Mỹ.

Sự đồng-hóa này thực-hiện được một các tương-đối dễ dàng là vì đại-đa-số người đã cấu-tạo nên dân-tộc Mỹ là người Anh. Về dân-tộc Mỹ, chúng ta có thể nhận thấy những điều này chứng tỏ rằng chủng-tộc là một yếu-tố chánh-yếu cho dân-tộc.

Trước hết, những giống dân Âu-châu có một ý-thức chủng-tộc mạnh mẽ quá rất khó đồng-hóa với những giống dân khác, người Đức ở Mỹ thường lập thành những khối riêng biệt trong Hiệp-chúng- quốc, đến nỗi sau này người Mỹ phải lo ngại và tìm cách hạn-chế bớt sự nhập-cư của người Đức.

Thêm nữa, người Mỹ thường tìm cách tiêu-diệt những giống thổ-dân da đỏ hay dồn họ vào những vùng rừng núi, chớ ít khi chịu hỗn-hợp với họ. Ngoài ra, vấn-đề dân da đen, ngay đến bây giờ, cũng vẫn còn là một mục ung nhọt trong xã-hội Mỹ. Nếu yếu-tố chủng-tộc không cần-thiết cho sự thành-lập một dân-tộc thì những việc đáng tiếc trên này đã chẳng xảy ra.

D.- YẾU-TỐ HUYẾT-THỐNG VÀ HAI DÂN-TỘC ANH MỸ.

Người ta cũng lấy chỗ người Ăng-lô-Sác-xong đã lập thành hai dân-tộc Anh và Mỹ để cho rằng yếu-tố dân-tộc không quan-trọng.

Nhưng sự thật, sở-dĩ người giống Ăng-lô-Sác-xong đã phân rẽ ra để lập thành hai dân-tộc là vì họ đã hùng-cường và không còn bị người giống khác uy-hiếp một cách mạnh mẽ, thành ra nghĩ đến việc mưu-đồ sự sinh-tồn riêng cho mình nhiều hơn là đến việc mưu-đồ sự sinh-tồn chung. Lúc dân Mỹ đứng lên đòi độc-lập, nước Anh đã chiếm một địa-vị ưu-thắng trên hoàn-cầu rồi.

Trong sự giao-thiệp quốc-tế, từ lúc dân Mỹ tách ra khỏi dân Anh đến sau, chúng ta lại còn có thể nhận thấy điều này : Mỹ nhiều khi cũng xung-đột với Anh, nhưng mỗi khi Anh cần chống một địch-thủ hùng-cường khác giống thì Mỹ lại luôn luôn tiếp sức với Anh.

Hiện giờ Anh và Mỹ đã hiệp nhau lại làm khối Ăng-lô-Sác-xong để chọi lại lực-lượng của Nga mà họ gọi là khối Tư-lạp-phu. Ý-thức chủng-tộc như thế, cũng có đóng một vai tuồng quan-trọng trong cuộc xung-đột Nga Mỹ hiện giờ vậy.

Nói tóm lại, yếu-tố huyết-thống hay chủng-tộc là yếu-tố quan-trọng làm tiêu-chuẩn cho sự phân chia dân-tộc. Ngay trong những trường-hợp đặc-biệt như dân-tộc Mỹ, yếu-tố chủng-tộc cũng đóng một vai tuồng trọng-yếu, tuy có hoàn-cảnh làm cho mở rộng hơn. Đối với phần lớn những dân-tộc khác trên thế-giới, yếu-tố chủng-tộc có một tánh-cách nhỏ hẹp hơn cho nên người trong dân-tộc đồng-nhứt hơn.

2.- NHỮNG YẾU-TỐ PHỤ-THUỘC CẤU-TẠO TÁNH-CÁCH MỘT DÂN-TỘC.

Ngoài những yếu-tố huyết-thống hay chủng-tộc đưa đến sự tương-đồng tánh-cách thể-chất và làm cho người trong dân-tộc nhận ra nhau một cách dễ dàng, dân-tộc còn dựa vào những yếu-tố khác phụ thuộc vào yếu-tố huyết-thống và làm cho nó rõ rệt hơn. Đó là ngôn-ngữ, văn-tự, y-phục, phong-tục và tôn-giáo.

Về những yếu-tố phụ-thuộc này, người ta có thể bảo rằng không dân-tộc nào có tánh-cách đồng-nhứt, và nhiều khi, những dân-tộc khác lại có những yếu-tố đó giống nhau.

Điều này không có chi lạ, dân-tộc đã có những nguồn-gốc huyết-thống khác nhau thì tự-nhiên cũng phải có những yếu-tố phụ-thuộc trên này khác nhau, vì mỗi bộ-lạc đều có ngôn-ngữ, văn-tự, y-phục, phong-tục, tôn-giáo của mình. Khi họp lại thành dân-tộc, họ không đồng-hóa nhau một cách hoàn-toàn và có thể còn giữ những đặc-điểm riêng của mình về những yếu-tố ấy.

Sự giao-thiệp giữa các dân-tộc và những cuộc xáo trộn lịch-sử cùng sự hỗn-hợp các chủng-tộc theo sự cần dùng của hoàn-cảnh làm cho những dân-tộc khác nhau có những yếu-tố ấy tương-tự nhau. Nhưng sau cùng, mỗi dân-tộc đều có một quốc-tánh, một ngôn-ngữ, một văn-tự cho mình.

Trường-hợp nước Thụy-sĩ, bốn thứ ngôn-ngữ, văn-tự vì gồm có bốn giống dân khác nhau là một trường-hợp đặc-biệt chứng tỏ thêm rằng yếu-tố ngôn-ngữ lệ thuộc vào yếu-tố chủng-tộc.

Về dân-tộc Trung-hoa có nhiều ngôn-ngữ khác nhau, chúng ta có thể cho rằng đó là vì những chủng-tộc họp lại thành dân-tộc Trung-hoa nhiều quá và phức-tạp quá, lại chưa đồng-hóa nhau một cách hoàn-toàn mặc dầu đã sống chung nhau trong một thời-gian hết sức lâu dài.

Việc người Trung-hoa chưa đồng-hóa nhau và nói nhiều thứ tiếng khác nhau hiện giờ là một trở-lực lớn cho sự thống-nhứt nước Trung-hoa. Chính vì dân-tộc Trung-hoa quá hỗn-tạp mà nước Trung-hoa lâm vào vòng rối loạn từ đầu thế-kỷ này đến giờ.

Về y-phục, mặc dầu mấy lúc sau này trên thế-giới có phong-trào quốc-tế hóa nó, mỗi dân-tộc đều giữ một quốc-phục riêng cho mình.

Ngoài ra, mỗi dân-tộc đều có phong-tục riêng. Tuy những phong-tục đó không hoàn-toàn giống nhau ở khắp mọi nơi trong nước, nó cũng có một tinh-thần chung với nhau trong toàn-thể dân-tộc.

Sau cùng, trong mỗi dân-tộc hiện giờ, có thể có nhiều tôn-giáo khác nhau vì sự tự-do tín-ngưỡng được kính nể, nhưng bao giờ nó cũng có một tôn-giáo chiếm địa-vị ưu-thắng và được xem là quốc-giáo một cách chánh-thức hay là bán chánh-thức.

2.- SỰ RÕ RỆT CỦA NHỮNG GIỚI-HẠN PHÂN CHIA DÂN-TỘC.

Nhờ những yếu-tố kể trên này làm tiêu-chuẩn, người của một dân-tộc có thể nhận ra đồng-bào mình và phân-biệt họ với người của dân-tộc khác. Ta có thể bảo rằng, một người Việt-Nam nhận ra một người khác là người Việt-Nam nhờ thấy người đó giống mình về thể-chất hơn người ngoại-quốc, lại nói một thứ tiếng với mình, trang-phục giống như mình, và có những tin-tưởng, những tập-quán như mình.

Thêm nữa, giới-hạn phân chia người các dân-tộc lại hết sức rõ rệt nhờ những luật-pháp quốc-gia và quốc-tế.
Người của mỗi dân-tộc đều bị đặt dưới một hệ-thống pháp-luật rõ rệt. Ngay đến những dân-tộc bị mất tự-do và bị lệ-thuộc vào dân-tộc khác cũng được đặt dưới một hệ-thống pháp-lý khác với dân-tộc thống-trị.

Bởi đó, đến những người lai giống cũng vì sự đồng-hóa của bên cha hay bên mẹ mà thuộc hẳn về một dân-tộc, chớ không bao giờ có thể vừa là người của dân-tộc này vừa là người của dân-tộc kia được.

b.- NỀN TẢNG DÂN-TỘC VỮNG CHẮC VÀ TỰ-NHIÊN HƠN NỀN TẢNG GIAI-CẤP.
1.- SỰ PHÂN-BIỆT DÂN-TỘC TỰ-NHIÊN HƠN GIỮA SỰ PHÂN-BIỆT GIAI-CẤP.

Xét những yếu-tố cấu-tạo thành tánh-cách của dân-tộc và có thể dùng làm tiêu-chuẩn để phân-biệt dân-tộc cùng những yếu-tố mà người chủ-trương giai-cấp tranh-đấu đưa ra làm tiêu-chuẩn để phân-biệt giai-cấp – như tiền bạc, nghề-nghiệp, học-thức, việc có hay không có những phương-tiện sản-xuất chúng ta có thể bảo rằng dân-tộc có những nguồn-gốc tự-nhiên hơn giai-cấp.

Việc thuộc về dân-tộc này hay dân-tộc khác là một việc do Tạo-hóa xui nên, còn việc thuộc về giai-cấp này hay giai-cấp kia là một việc hoàn-toàn do nơi chế-độ xã-hội mà người tạo ra.

Người Việt-Nam chúng ta có dòng máu Việt-Nam trong huyết-quản và nói tiếng Việt-Nam, mặc y-phục Việt-Nam và theo phong-tục Việt-Nam là vì cha mẹ chúng ta là người Việt-Nam, dầu chúng ta không muốn làm người Việt-Nam chúng ta cũng không hóa mình thành người Âu Châu hay người Mỹ được.

Còn trong dân-tộc Việt-Nam mà có kẻ giàu, người nghèo, có hạng bóc-lột và hạng bị bóc-lột, đó chỉ vì xã-hội Vệt Nam tổ-chức chưa châu-đáo, chế-độ chánh-trị Việt-Nam chưa được hoàn-mỹ. Tổ-chức xã-hội và chế-độ chánh-trị này chỉ do nơi chúng ta tạo ra. Mà cái gì chúng ta tạo ra được, chúng ta có thể hủy-phá được. Bởi đó sự cải thiện tổ-chức xã-hội và chế-độ chánh-trị trong dân-tộc có thể thực-hiện, còn sự hủy-phá nền tảng của dân-tộc là một việc trái thiên-nhiên mà người ta không sao làm nổi.

2.- SỰ THẮNG THẾ CỦA NỀN TẢNG DÂN-TỘC ĐỐI VỚI NỀN TẢNG GIAI-CẤP VỀ PHƯƠNG- DIỆN VỮNG BỀN TRONG QUÁ-KHỨ.
A-SỰ SUY-SỤP CỦA CHẾ-ĐỘ PHÂN CHIA GIAI -CẤP TRONG LỊCH-SỬ.

Trong nhiều xã-hội loài người trước kia, người ta phân chia ra làm nhiều đẳng-cấp có luật-lệ qui-định giớI-hạn một cách rõ ràng. Mỗi đẳng-cấp có những quyền-hạn, những nhiệm-vụ nhứt-định, và người ở đẳng-cấp khác nhau không được thông-hôn với nhau. Nhưng lần lần con người nhận thấy sự vô-lý, sự bất-công của chế-độ phân chia giai-cấp nên tìm cách hủy-phá nó, thành ra sự phân chia giai-cấp không còn được nhìn nhận.

Hiện giờ, không có một quốc-gia tốI-tân nào theo một hiến-pháp chấp-nhận sự phân chia đẳng-cấp. Những nhà quí-tộc không còn nữa. Ở những nước họ còn được dung-nhận, tước-vị họ chỉ là dấu hiệu danh-dự chớ không giúp cho họ đặc-quyền gì. Trước pháp-luật họ được xem ngang hàng với tất cả mọi công dân khác.

Như thế, sự khu-biệt đẳng-cấp, một chế-độ nhơn-tạo đã lần lần bị hủy-diệt. Và hiện nay, mặc dầu có nhiều người cố-gắng đưa ra những học-thuyết có vẻ khoa-học để làm sống dậy ý-niệm giai-cấp, ý-niệm giai-cấp vẫn chìm sâu trong chỗ mờ mịt.

B- SỰ TĂNG-TIẾN CỦA Ý-THỨC DÂN-TỘC.

Trong khi đó, ý-niệm dân-tộc càng ngày càng rõ rệt hơn lên. Không những chống chọi lại một cách thắng-lợi những sự cố-gắng của những nhà chinh-phục để hủy-diệt mình, ý-niệm này lại còn làm cho nhơn-loại có xu-hướng lấy phạm-vi dân-tộc làm biên-giới cho quốc-gia nữa.

Sau khi vượt khỏi phạm-vi bộ-lạc để tiến đến phạm-vi quốc-gia, loài người đã thiết-lập nhiều đế-quốc rộng lớn gồm có nhiều dân-tộc.

Những đế-quốc này, có cái duy-trì được lâu dài, có cái thì tan rã trong một thời-hạn ngắn sau khi được thành-lập, nhưng không có cái nào giữ mãi được biên-giới của mình, Những đế-quốc được dựng lên rồi sụp đổ, rồi lại dựng lên, mỗi lần với một biên-giới khác và một dân-tộc bá-chủ khác.

Lần nào, những dân-tộc bá-chủ cũng đem ngôn-ngữ, văn-tự, y-phục, phong-tục, tôn-giáo của mình ra để cưỡng-bách những dân-tộc bị chinh-phục phải theo. Thường thì họ chi-phối được những dân-tộc bại trận trong một thời-gian hoặc dài hoặc ngắn.

Cũng có khi dân-tộc thắng-lợi có một trình-độ văn-hóa thấp kém hơn dân-tộc bị chinh-phục và bị dân-tộc này chi-phối ngược lại. Đó là trường-hợp dân La-mã đối với dân Hy-lạp và những dân Mông-cổ, Mãn-châu đối với dân Hán.

Nhưng trong trường-hợp nào, những người thành-lập một đế-quốc cũng đều cố gắng hủy-phá những nền tảng của những dân-tộc bị chinh-phục để cho mọi người trong đế-quốc hỗn-hợp nhau lại thành một khối.

Lịch-sử đã chứng nhận rằng không có nhà chinh-phục nào thành-công trong dự-định trên này. Kết-quả lớn lao nhứt mà họ có thể đạt được là gây dựng một nền văn-tự chung và một hệ-thống chánh-trị hay đạo-đức chung cho đế-quốc họ. Những yếu-tố này thường chỉ dính dáng đến một thiểu-số có học-thức trong các dân-tộc, còn đại-chúng dốt nát thì không bị nó chi-phối một cách mạnh mẽ.

Phần lớn dân-chúng các dân-tộc bị thống-trị vẫn giữ ngôn-ngữ của họ, và trong ngôn-ngữ của dân-tộc chiến-thắng họ, họ chỉ mượn một số văn-từ thông-dụng mà thôi. Trong sự mượn văn-từ này, họ cũng sửa đổi âm-thanh cho hợp với giọng nói mình chớ không giữ nguyên giọng của dân-tộc ưu- thắng.

Suốt ngàn năm bị Hán-tộc đô-hộ, người Việt có mượn nhiều tiếng Hán, nhưng lại đọc theo giọng Việt. Hiện giờ, những tiếng ấy được mạng-danh là tiếng Hán-Việt, và trong các tự-điển, nó cũng được xem như là tiếng Việt.

Sau này, trong sự mượn văn-từ Pháp, người Việt cũng Việt-hóa những văn-từ ấy một cách mạnh mẽ đến nỗi khi nghe người Việt nói chuyện với nhau, những người Pháp không thạo tiếng Việt không thể nhận ra được những văn-từ trong ngôn-ngữ mình đã bị người Việt mượn.

Về y-phục và phong-tục cũng như về ngôn-ngữ, các dân-tộc bị thống-trị cũng chỉ bị chi-phối một cách yếu ớt mà thôi. Về tôn-giáo, nhiều khi họ phải buộc lòng tuân theo tôn-giáo của người chiến- thắng, nhưng trừ ra khi sự thống-trị kéo dài ra hàng thế-kỷ, những dân-tộc bị trị thường không thành-tâm tin nơi tôn-giáo ấy và sẵn sàng bỏ nó một khi gặp tình-thế thuận-tiện.

Chung-qui, những cố-gắng của những người xây dựng nên những đế-quốc thuở xưa chỉ làm cho những yếu-tố phụ-thuộc cấu-tạo tánh-cách một dân-tộc thay đổi chút ít mà thôi. Ta có thể bảo rằng những yếu-tố đó được trao đổi giữa các dân-tộc, nhưng không hỗn-hợp nhau lại để làm ra những yếu-tố chung cho tất cả mọi người.

Đối với yếu-tố chánh-yếu cấu-tạo tánh-cách những dân-tộc là yếu-tố huyết-thống hay chủng-tộc thì tình-thế phức-tạp hơn.

Có những dân-tộc bá-chủ muốn đồng-hóa các dân-tộc bại trận bằng văn-hóa mà không muốn trộn giống với những dân-tộc ấy. Trong trường-hợp này, sự nguyên vẹn của yếu-tố chủng-tộc trong các dân-tộc bị thống-trị là một điều tự-nhiên.

Nhưng cũng có nhiều nhà chinh-phục không cấm cản sự trộn giống giữa người trong dân-tộc mình và người những dân-tộc bị trị. Tuy thế, vì địa-vị xã-hội và chánh-trị chênh lệch nhau, vì ngôn-ngữ, phong-tục, tín-ngưỡng, tập-quán không giống nhau, vì tâm-tánh sai biệt nhau, những sự thông- hôn giữa người của dân-tộc thống-trị và người những dân-tộc bị trị không đủ quan-trọng để làm thay đổi tánh-cách chủng-tộc của những dân-tộc bị trị. Do đó, nền tảng huyết-thống của những dân-tộc bị trị cũng không phá hủy được.

Người ta có thể dựa vào chỗ những bộ-lạc, vẫn có thể đồng-hóa nhau về mặt chủng-tộc để lập thành dân-tộc mà chủ-trương rằng những dân-tộc cũng có thể đồng-hóa nhau về mặt chủng-tộc để trở thành một nhơn-loại đồng-nhứt.

Nhưng chúng ta nên lưu-ý rằng sở-dĩ các bộ-lạc có thể hỗn-hợp nhau để lập thành một dân-tộc là vì trong những quốc-gia nhỏ được thành-lập thuở xưa, nhà cầm quyền thường đã cấm những nhơn-viên cùng bộ-lạc thông-hôn nhau. Tục không cho người đồng-tánh lấy nhau – người đồng-tánh nguyên là người cùng do một bộ-lạc mà ra – là một di-tích của sự cấm-đoán này mà dân Việt-Nam hiện giờ còn rất nhiều người noi theo.

Đối với bộ-lạc thì sự cấm-đoán thông-hôn nhau như thế có thể thi-hành được, còn đối với những dân-tộc có một số người đông hơn nhiều quá, người ta làm sao có thể cấm họ thông-hôn với nhau được, nhứt là trong một thời -đại mà sự thạnh-hành của tư-tưởng dân-chủ bắt buộc nhà cầm quyền phải kính nể đời sống riêng của cá-nhơn ?

Bởi nhũng lý lẽ trên này, yếu-tố huyết-thống của các dân-tộc không ai làm lung lay nổi. Nó cứ duy-trì mãi mãi qua các thời -đại, qua sự sụp đổ của những đế-quốc. Mỗi khi đế-quốc sụp đổ, nó lại còn lôi kéo những yếu-tố phụ thuộc vào nó là ngôn-ngữ, y-phục, tín-ngưỡng trở về với bản-chất cũ của nó.

Sự vững chắc của yếu-tố huyết-thống làm cho nền tảng của dân-tộc vững chắc thêm. Sau bao nhiêu thế-kỷ quây-quần chung lộn nhau trong phạm-vi các đế-quốc, những dân-tộc lần lần có một ý-niệm rõ rệt về sự sống của mình và có xu-hướng đi đến chỗ thành-lập những quốc-gia riêng biệt. Xu-hướng này được tóm tắt trong nguyên-tắc « dân-tộc tự-quyết » rất thạnh-hành trong mấy thế-kỷ sau đây.

Sức mạnh của xu-hướng « dân-tộc tự-quyết » đã được chứng-nhận nhờ sự-kiện này : chỉ có những quốc-gia gồm một dân-tộc tạo thành là được vững chắc qua các thời-đại và có thể cấu-tạo lại được sau khi tan rã. Những đế-quốc gồm có nhiều dân-tộc tạp nhạp chỉ có thể duy-trì khi chánh-phủ trung-ương được tổ-chức mạnh mẽ và có đủ phương-tiện để đặt mọi người dưới một kỷ-uật sắt mà thôi. Một khi tan rã, những đế-quốc ấy rất khó phục-hồi lại được.

Đế-quốc Áo thiếu sự đồng-nhứt về phương-diện dân-tộc đã sụp đổ sau trận đại-chiến 1914-1918 và hiện giờ ai nói đến sự tái-lập nó tất bị xem như bất-thức thờI-cơ.

Nước Trung-hoa vì do một nhóm nhiều giống dân tạp nhạp chưa đồng-hóa nhau một cách rõ rệt tạo-thành nên thường phải đắm chìm trong vòng hỗn-loạn.

Nước Nga do nhiều dân-tộc hợp lại lập nên chỉ có duy-trì được nhờ một chế-độ cảnh-sát gắt gao. Những chánh-phủ Nga-hoàng đã cố gắng Nga-hóa những dân-tộc không phải Nga một cách vô- hiệu-quả ; đến lúc chế-độ Nga-hoàng bị lật đổ, những dân-tộc bị người Nga thống-trị như Ukraine, Arménie, Bielo-Russie, Ba-lan, Phần-lan v.v… đã phất cờ khởI-nghĩa, tuyên-bố độc-lập. Nhưng trừ ra Phần-lan, Esthonie, Lettonie, Lithuanie và Ba-lan nhờ hai nước Anh Pháp giúp đỡ nên giành được nền độc-lập hoàn-toàn của mình và duy-trì nó trong suốt hai trận chiến-tranh 1914-1918 và 1939-1945, còn những dân-tộc khác xấu số hơn – có hơn 10 dân-tộc – đã bị tràn ngập dưới làn sóng dập dồn của đạo Hồng quân do chính-phủ Sô-viết gởi đến chinh-phục lại. Tuy đã bị đặt dưới chánh-quyền Sô-viết từ mấy mươi năm nay, những dân-tộc khác dân-tộc Nga trong Liên-bang Sô-viết nhứt là dân-tộc Ukraine, vẫn luôn luôn ngấm ngầm vận-động độc-lập không lúc nào ngừng.

Xét những trào-lưu lịch-sử một cách kỹ-càng, chúng ta có thể quả-quyết rằng nhơn-loại luôn luôn tiến đến chỗ lấy dân-tộc làm nền tảng cho quốc-gia và làm cho phạm-vi quốc-gia trùng-hợp với phạm-vi dân-tộc sát chừng nào hay chừng ấy.

3.- SỰ THẮNG-THẾ CỦA NỀN TẢNG DÂN-TỘC ĐỐI VỚI NỀN TẢNG GIAI-CẤP VỀ PHƯƠNG- DIỆN VỮNG-BỀN TRONG TƯƠNG -LAI.

Trong quá-khứ, nền tảng dân-tộc đã tỏ ra thắng-thế hơn nền tảng giai-cấp về phương-diện vững bền rồi. Trong tương lai, sự thắng-thế này còn được bảo-đảm một cách chắc chắn hơn nữa.

Hiện giờ, các văn-minh trên thế-giới không còn dùng luật-lệ để phân chia xã-hội ra làm giai-cấp. Trong những nước ấy, tất cả mọi người được xem ngang nhau trước công-lý.

Trong khi đó, sự phân chia dân-tộc đã được luật-lệ quốc-gia công nhận hẳn hòi. Ngay đến những dân-tộc mất quyền tự-do hiện nay, người ta cũng không thể dùng luật-pháp mà cưỡng-bách họ hủy-phá hết những đặc-tánh của họ.

Trong hơn 80 năm chiếm cứ được nước Việt-Nam, người Pháp chỉ có thể đem văn-hóa của mình mà phổ-biến ra và tìm cách chận nghẹt nền văn-hóa Việt một cách gián-tiếp mà thôi. Họ có thể ban Pháp-tịch cho một số người Việt, đào-tạo ra một hạng trí thức vong-bổn nói tiếng Pháp thạo hơn tiếng Việt, ăn bánh mì bơ nhiều hơn ăn cơm với nước mắm, thuộc sử sách Pháp nhiều hơn sử sách Việt và suy nghĩ theo Pháp hơn là theo Việt.

Nhưng người Pháp không thể cấm-đoán người Việt thông-hôn với nhau và nói tiếng Việt, mặc quốc-phục Việt, theo phong-tục Việt, đọc sử sách Việt, có tư-tưởng Việt, nghiên cứu nền văn-hóa cổ của dân Việt hay xây dựng một nền văn-hóa mới cho dân Việt. Vì đó, quốc-tánh Việt vẫn còn vững bền mãi mãi, và khi dân-tộc Việt có cơ-hội thoát-ly ách nô-lệ thì phần lớn những người Việt bị Pháp- hóa lại nghe tiếng gọi của giống nòi mà quay trở về nguồn-gốc tổ-tiên của mình.

Đối với những nhóm người chưa tiến đến một trình-độ văn-hóa đủ cao để lập thành một dân-tộc có lịch-sử như các giống dân da đen ở Phi-châu hay các đảo Thái-bình-dương, người Pháp mặc dầu chi-phối được họ một cách mạnh mẽ hơn dân-tộc Việt hay các dân-tộc Á Rập ở Bắc-Phi, vẫn không đồng-hóa được để làm cho họ thành người Pháp. Nói cho đúng ra thì ngoại-trừ một hai người được người Pháp đưa lên một địa-vị tuyệt cao trên nấc thang danh-vọng để lấy đó làm cái bằng-chứng mà tuyên-truyền cho tinh-thần không phân-biệt màu da của mình, đại-đa-số dân da đen ở các thuộc-địa Pháp chỉ được xem như là một thứ người Pháp hạ-cấp, nhiệm-vụ thì nhiều mà quyền-lợi thì không có bao nhiêu.

Chánh-sách thực-dân mà người Nhựt thi-hành ở Mãn-châu, Triều-tiên khắc-nghiệt hơn chánh-sách của thực-dân Pháp ở nước Việt, nhưng cũng không hủy-diệt được quốc-tánh Mãn-châu, Triều- tiên và mặc dầu người Nhựt đã đi đến kết-quả làm cho người Mãn-châu, Triều-tiên phần lớn không biết được lịch-sử dân-tộc mình, họ cũng không ngăn cản được dân Mãn-châu, Triều-tiên đứng lên đòi thoát-ly khỏi sự thống-trị cũa họ khi họ bị hai quả bom nguyên-tử mà phải cúi đầu hàng-phục quân-đội đồng-minh.

Sau cùng, chính-sách của những nhà chỉ-huy Liên-bang Sô-viết để hủy-diệt ý-thức dân-tộc của những giống dân đặt dưới quyền họ cũng không đưa họ đến kết-quả mong ước, tuy họ có một khí-giới hết sức lợI-hại là thuyết xã-hội duy-vật Karl Marx.

4.- NHỮNG SỰ-KIỆN CHỨNG-NHẬN THÊM CHO SỰ BỀN VỮNG CỦA DÂN-TỘC TRONG TƯƠNG-LAI.

Sự bền-vững của dân-tộc đã được lịch-sử chứng-nhận trong quá-khứ và được chế-độ xã-hội hiện giờ bảo-đảm trong tương-lai. Ngoài ra, còn nhiều sự-kiện khác giúp thêm vào sự bền vững này nữa.

A- SỰ THAY ĐỔI DÂN-TỘC PHIỀN-PHỨC VÀ CÓ TÁNH-CÁCH GƯỢNG GẠO HƠN SỰ THAY ĐỔI GIAI-CẤP.

Vì những yếu-tố cấu-thành tánh-cách của dân-tộc rõ ràng hiển-hiện trước mắt mọi người, vì giớI-hạn phân chia các dân-tộc được qui-định hẳn hòi và được công-nhận đàng-hoàng, nên khi một người bỏ dân-tộc mình để nhập-tịch dân-tộc khác, anh ta phải nộp đơn xin dân-tộc khác ấy chấp-nhận mình làm nhơn-viên của nó. Muốn cho đơn mình được chấp-nhận người xin nhập-tịch phải có đủ những điều-kiện mà dân-tộc anh ta muốn gia-nhập đưa ra, và lắm khi phải lập những công-trận như thế nào, cho dân-tộc ấy xem anh ta là xứng đáng làm một nhơn-viên của nó mới được.

Trong thời-kỳ nước Việt bị đô-hộ, đã có mấy người Việt xin nhập Pháp-tịch mà được toại nguyện đâu. Số ít những người lọt qua những điều-kiện mà chánh-phủ Pháp đưa ra để nhận họ làm công-dân của mẫu-quốc cũng không phải vì thế mà được thành người Pháp hoàn-toàn.

Nếu họ có thể hoán-cải những yếu-tố phụ-thuộc bên ngoài để nhái cho hệt người Pháp, họ vẫn không làm cho mắt họ trở nên xanh, tóc họ mất màu đen và da họ thành trắng. Và nếu về mặt nguyên- tắc, họ có đủ những quyền-hạn và nhiệm-vụ của một công-dân Pháp, về mặt thực-tế, họ chỉ được xem như là một người Pháp hạ-cấp, một thứ người Pháp hạng ba.

Ta có thể ví những người Việt có Pháp-tịch mà học đòi sanh-hoạt theo lối Pháp như những cây rau bị nhổ lên khỏi liếp mình mà không được trồng qua liếp bên, chỉ bị vất qua liếp bên một cách bừa bãi. Bởi đó, trừ ra một số người lấy Pháp-tịch làm một lợI-khí để tranh-đấu cho dân-tộc Việt, những người Việt có Pháp-tịch bị dân Việt xem như là những kẻ đi trái luật thiên-nhiên và kể như những cái gai trong con mắt họ.

Sự thay đổi giai-cấp thì trái lại, không có gì khó khăn và phiền-phức cả. Vì những yếu-tố qui-định tánh-cách của giai-cấp rất mù mờ, vì những hàng rào pháp-lý phân chia giai-cấp không còn nữa, vì sự thuộc về giai-cấp này hay giai-cấp khác không được nhận-thức rõ rệt, người đi từ giai-cấp này sang giai-cấp khác không cần phải tuân theo luật-lệ gì hay một nghi-thức gì. Bởi đó, họ không được ai chú-ý và nhiều khi chính họ cũng không nhận thấy được rằng họ đã đổi giai-cấp nữa.

Bởi những lẽ trên này, người ta không thể bỏ dân-tộc mình một cách dễ dàng như giai-cấp, mà cũng không chạy qua chạy lại giữa dân-tộc này và dân-tộc nọ một cách dễ dàng như đối với giai-cấp.

Một người được xem là giai-cấp cần-lao mười năm trước có thể nhờ làm ăn phát-đạt mà đuợc sắp vào giai-cấp phú-hào trong lúc này. Năm năm nữa, anh ta có thể vì buôn thua bán lỗ mà lọt xuống giai-cấp tiểu-tư-sản. Trong lúc đó, nếu anh ta là người Việt-Nam thì anh ta vẫn là người Việt-Nam, chớ không thể mười năm trước, anh ta là người Pháp, năm năm sau đó là người Nhựt, hiện giờ là người Việt-Nam mà sang năm là người Trung-hoa.

Thật ra thì cũng có thể có người Việt vì quyền-lợi mỗi lúc mà lần lượt xin Pháp-tịch, Nhựt tịch trở về Việt-tịch rồi xin nhập Hoa-tịch. Nhưng dầu cho có làm như thế, họ cũng vẫn bị người ta xem là người Việt luôn luôn.

B- NGƯỜI TA KHÔNG THA-THIẾT MUỐN ĐỔI QUỐC-TỊCH MÀ THA-THIẾT MUỐN LÊN GIAI -CẤP TRÊN.

Thêm nữa, đại-đa-số nhơn-viên của một dân-tộc không xem sự thay đổi quốc-tịch là một nguyện-vọng thiết-yếu của mình. Người Anh không phải sớm tối ước mơ được làm người Pháp, người Mỹ không phải lấy việc biến thành người Đức làm một hân-hạnh cho mình. Dự-định hành-tỉnh-hóa Nam-Việt của người Pháp – tức là làm cho dân Nam-Việt trở thành nhơn-viên của dân-tộc Pháp – đã gặp một sức đề-kháng vô-cùng mãnh-liệt trong dân-chúng Nam-Việt.

Trái lại, tất cả những người trong giai-cấp dưới đều có ý muốn lên giai-cấp trên. Người tự cho mình là giai-cấp cần-lao có thể thù ghét những người mà họ cho là thuộc giai-cấp trưởng-giả hay tư-bản. Nhưng bao giờ họ cũng nuôi cái mộng có đất, có nhà và được sống một cách sung sướng, nghĩa là bao giờ họ cũng ước mơ được trở nên những người tư-bản hay trưởng-giả mà họ thù ghét.

Điều này hiện ra rõ rệt trong cuộc tranh-đấu giai-cấp. Người vô-sản tranh-đấu không phải để cho lý-tưởng vô-sản được thắng-lợi, nghĩa là để cho người hữu-sản hóa ra vô-sản như mình. Họ tranh-đấu để được thoát khỏi tình-trạng vô-sản nghĩa là để được thành người hữu-sản. Những người chủ-trương tranh-đấu giai-cấp khôn khéo từ xưa đến giờ đã luôn luôn dùng khẩu-hiệu « chia đất » để kêu gọi quần-chúng nghèo khổ theo mình mà chiến-đấu.

Như vậy, trong cuộc chiến-tranh với người hữu-sản, người vô-sản không phải có tâm-trạng của người vô-sản trung-thành với giai-cấp mình, mà có tâm-trạng của người muốn thoát ra khỏi giai-cấp vô-sản để trở thành hữu-sản. Chúng ta có thể bảo rằng người vô-sản nào cũng có tâm-trạng của người hữu-sản trong khi chiến-đấu với người hữu-sản.

Trong những cuộc chiến-tranh giữa dân-tộc và dân-tộc thì không thế. Người của mỗi dân-tộc đều có một tâm-trạng riêng, tâm-trạng của dân-tộc mình. Người Việt-Nam tranh-đấu với người Pháp không phải để được thành người Pháp, mà để có quyền sống theo quan-niệm Việt-Nam của mình.

C- SỰ PHẢN-BỘI DÂN-TỘC BỊ DƯ-LUẬN KẾT-ÁN NẶNG NỀ CÒN SỰ PHẢN-BỘI GIAI-CẤP KHÔNG XEM NHƯ MỘT ĐIỀU ĐÁNG KHINH-BỈ.

Sự vững chắc của nền tảng dân-tộc lại còn được bảo-đảm nhờ được sự-kiện thuộc về tâm-lý sau này nữa.

Những người bỏ dân-tộc mình để phụng-sự một dân-tộc khác luôn luôn bị đồng-bào – và luôn cả người ngoại-quốc – cho là phản-bội quê-hương và tỏ ý khinh rẻ. Dầu cho họ có tài-ba lỗI-lạc cách mấy và có lập nên công-nghiệp gì rực rỡ đến đâu, họ cũng không được trọng-vọng.

Ngay đến những kẻ theo dân-tộc khác mà không hại gì đến dân-tộc mình cũng không tránh khỏi sự chê bai của dư-luận. Lý ông Trọng xưa kia bỏ nước Việt-Nam sang Tàu để phụng-sự vua Tần chống quân Hung-nô ở miền Bắc Trung-hoa nào có làm điều gì hại đến đất tổ quê cha. Thế mà người Việt cũng tặng cho ông một câu hát mỉa mai :

Gáo vàng đi múc giếng tây,
Khôn ngoan cho lắm, tớ thầy người ta !

Đối với giai-cấp thì tình-thế khác hẳn. Những người bỏ giai-cấp mình để sang giai-cấp không hề bị buộc vào tội phản giai-cấp mình.

Người thuộc về giai-cấp cần-lao mà trở nên nhà tư-bản, rồi có một thái-độ khắc-nghiệt đối với những bạn cần-lao cũ thì có thể bị cho là người quên những bạn hàn-vi của mình. Nhưng đó là lời buộc tội tư-cách cá-nhơn của anh ta, chớ không phải buộc tội anh ta từ giai-cấp cần-lao mà bước lên giai-cấp tư-bản.

Nếu nhà tư-bản xuất thân từ giai-cấp cần-lao mà lo lắng giúp đỡ cho người khốn khó thì anh ta cũng được người ta khen ngợi như thường. Người ta lại có thể lấy sự cần-cù nhẫn-nại của anh ta trong việc kinh-doanh để làm gương mẫu.

Những người thuộc loại giai-cấp thượng-lưu hay trung-lưu mà có những tư-tưởng xã-hội và theo một chánh-đảng binh vực kẻ đói khổ chống lại sự hiếp đáp của người có quyền thế, có tiền của thì không bị ai cho là người đáng phỉ nhổ vì phản-bội giai-cấp giàu.

Chúng ta nên nhớ rằng các lý-thuyết gia xã-hội và cộng-sản tạo ra những chủ-nghĩa, những học-thuyết binh vực người vô-sản đều là những người khá giả có học, thuộc giai-cấp trung-lưu hay thượng-lưu trong xã-hội. Nhưng không ai lấy cớ họ phản-bội giai-cấp họ để công-kích họ. Những người theo học-thuyết họ thì tôn-sùng họ, vì cho rằng lý-luận họ đúng. Những người chống chọi lại họ cũng chỉ vạch rõ chỗ sai lầm của lý-luận ấy chớ không bao giờ mạt-sát họ về chỗ họ đã phản-bội giai-cấp họ.

Thật ra thì những người cộng-sản cũng có mạt-sát những người vô-sản tranh-đấu để bảo-vệ cái trật-tự đương-hữu và cho họ là bọn vô-sản lưu-manh, phản-bội quyền-lợi của giai-cấp cần-lao. Nhưng quan-niệm này, rất hợp với những người cộng-sản chủ-trương giai-cấp tranh-đấu không phải là quan-niệm của tất cả mọi người. Đại-đa-số dân-chúng trong một nước không hề xem những người vô-sản phụng-sự một chánh-phủ không phải cộng-sản là những người đáng khinh-bỉ.

Sự phản-bội dân-tộc luôn luôn bị cho là một việc bỉ-ổi, đáng ghê tởm, còn sự phản-bội giai-cấp trái lại, ít được lưu-ý và không bị cho là điều bậy. Vì đó, người ta mạnh dạn đi từ giai-cấp này sang giai-cấp khác. Còn số người có can-đảm muối mặt bỏ dân-tộc mình để phụng-sự một dân-tộc khác thì không có được bao nhiêu.

c- DÂN-TỘC CÓ MỘT SỨC MẠNH CỔ-TRUYỀN MÀ GIAI-CẤP KHÔNG CÓ.

Nhờ vững chắc và duy-trì được qua các thời-đại, dân-tộc có một sức mạnh cổ-truyền rất hùng-hậu. Lịch-sử dạy cho người trong dân-tộc biết rằng tổ-tiên họ đã sống chung nhau, tranh-đấu chung nhau chia những nỗi vui buồn, những nỗi sướng khổ với nhau. Do đó mà giữa mọi người nảy ra một tình-cảm thâm-trầm và mạnh mẽ buộc chặt họ vào nhau.

Người Việt-Nam nào cũng tự-hào rằng mình thuộc một dân-tộc bốn ngàn năm văn-hiến và cũng tự-kiêu về những trang sử oai-hùng mà tổ-tiên mình đã viết ra bằng máu. Ngay trong thời-kỳ bị đô-hộ, phần lớn người Việt-Nam cũng giữ lấy tánh tự-kiêu về nòi giống mình. Nếu có ước mơ, họ ước mơ cho dân-tộc mình thoát khỏi cảnh gông cùm và trở nên cường-thạnh, chớ không ước mơ được cởi lốt Việt-Nam để thành người dân nước khác. Thấy dân-tộc Nhựt hùng-cường, người Việt-Nam chỉ mong sao cho dân-tộc mình được bằng dân-tộc Nhựt chớ không mong được biến thành người Nhựt.

Đứng về phương diện giai-cấp thì không thế. Lúc sự phân chia đẳng-cấp còn được luật-lệ qui-định, những nhà quí-tộc còn lật gia-phổ ra để khoe rằng dòng họ mình được sang cả từ mấy trăm năm trước. Nhưng từ khi chế-độ đẳng-cấp bị hủy bỏ, những việc ấy không còn nữa. Và hiện nay, không có nhà lãnh-tụ cần-lao nào có thể lấy việc mình là miêu-duệ của tám mươi đời cần-lao để kêu gọi người lao-động ủng-hộ mình.

d.- QUYỀN-LỢI CỦA NGƯỜI TRONG DÂN-TỘC NHIỀU HƠN TRONG GIAI-CẤP.
1.- SỰ XUNG-ĐỘT QUYỀN- LỢI TRONG DÂN-TỘC VÀ TRONG GIAI-CẤP.

Chúng ta đã thấy rằng nền tảng dân-tộc đã vững bền và chắc chắn hơn nền tảng của giai-cấp nhiều, và vì đó mà ý-niệm dân-tộc càng ngày càng rõ, còn ý-niệm giai-cấp càng ngày càng lu mờ. Nhưng tại làm sao quan-niệm giai-cấp tranh-đấu lại còn có thể phát-triển và đương đầu với quan-niệm dân-tộc tranh-đấu một cách mãnh-liệt như ta thấy hiện giờ ?

Chúng ta có thể trả lời rằng sở-dĩ quan-niệm giai-cấp tranh-đấu được nảy nở là vì có một số người cho rằng sự tranh-đấu cho giai-cấp là hợp với quyền-lợi của người nhứt. Người cùng giai-cấp tự-nhiên là cùng hoàn-cảnh xã-hội với nhau. Mà người cùng chung hoàn-cảnh xã-hội với nhau thì có những quyền-lợi thiển-cận chung nhau.

Nếu ta nhớ rằng quyền-lợi là cái động-lực chánh-yếu làm cho người hợp-quần nhau lại, ta sẽ thấy tất cả sức mạnh của quan-niệm tranh-đấu cho giai-cấp. Vì lầm tưởng rằng giữa những người trong một dân-tộc có sự xung khắc quyền-lợi với nhau, còn giữa những người trong một giai-cấp không có sự xung khắc đó, nên người ta mới cho rằng giai-cấp chặt chẽ hơn dân-tộc và sự tranh-đấu cho giai-cấp hợp với quyền-lợi cá-nhơn hơn. Do đó, người ta theo chủ-trương giai-cấp tranh-đấu.

Nhưng lý-luận trên này không đúng vì thật ra trong giai-cấp cũng có những sự xung-đột quyền-lợi với nhau. Trong chương khảo về lý-thuyết xã-hội duy-vật Karl Marx, chúng ta đã thấy rằng những người cùng giai-cấp với nhau cạnh-tranh nhau một cách hết sức dữ dội.

Không những giữa những người cùng giai-cấp ở những nước khác nhau có sự cạnh-tranh nhau mà giữa những người cùng giai-cấp bên trong một nước cũng có sự cạnh-tranh nhau nữa. Tư-bản các nước tranh nhau chiếm lấy thị-trường và nguyên-liệu, tư-bản cùng một nước xung-đột nhau vì vấn-đề quyền-lợi. Những người lao-động trong một nước thường phải cạnh-tranh nhau mãnh-liệt, và lao-động các nước hùng-cường trù-phú phải chiến-đấu để ngăn-cản sự nhập-cư của lao-động các nước nhược- tiểu nghèo kém.

Như thế, thật-sự, giữa những người cùng giai-cấp cũng có sự xung-đột quyền-lợi như giữa người cùng dân-tộc. Nhưng trong hai thể-thức hợp-quần dân-tộc và giai-cấp, cái nào bảo-đảm quyền-lợi người một cách chắc chắn hơn ? Nói một cách khác, hợp-quần theo dân-tộc để tranh-đấu, người được lợi hơn hay hợp-quần theo giai-cấp để tranh-đấu người được lợi hơn.

2.- SO SÁNH QUYỀN-LỢI CỦA NGƯỜI TRONG DÂN-TỘC VÀ TRONG GIAI-CẤP.
A)-VẤN-ĐỀ DÂN-TỘC TRANH-ĐẤU VÀ GIAI-CẤP TRANH-ĐẤU CHỈ CÓ THỂ ĐẶT RA TRONG PHẠM-VI NHƠN-LOẠI.

Trưóc khi trả lời câu hỏi này, chúng ta nên nhớ lại rằng vấn-đề hợp-quần theo dân-tộc hay theo giai-cấp chỉ đặt ra trong phạm-vi nhơn-loại mà thôi. Nếu trên thế-giới chỉ có một dân-tộc, hay nếu các dân-tộc sống hoàn-toàn cách biệt nhau thì sự tranh-đấu giai-cấp trong dân-tộc là điều phải làm để bảo vệ quyền-lợi cá-nhơn của mình. Sở-dĩ hiện giờ người phải cân nhắc có nên theo chủ-trương giai-cấp tranh-đấu hay không là vì trên thế-giới, có nhiều dân-tộc khác nhau liên-lạc mật-thiết nhau, và luôn luôn chực sẵn để thôn-tính hay đàn-áp nhau.

Vậy, trong sự so sánh hai thể-thức hợp-quần dân-tộc và giai-cấp để xem cái nào lợi cho người hơn, chúng ta nên hiểu chữ hợp-quần theo giai-cấp trong phạm-vi nhơn-loại, nghĩa là theo ý-nghĩa hủy bỏ sự phân-chia loài người thành dân-tộc để hợp-quần với tất cả những người cùng giai-cấp với mình trong nhơn-loại. Có như thế, vấn-đề chọn lựa sự hợp-quần theo dân-tộc hay theo giai-cấp mới có lý-do được đặt ra.

Đặt vấn-đề một cách thích-đáng rồi, ta hãy thử xem qua quyền-lợi của người trong dân-tộc và trong giai-cấp như thế nào.

B)-TRÌNH-ĐỘ SANH-HOẠT CỦA CẤNHƠN TRONG NHỮNG DÂN-TỘC HÙNG-CƯỜNG, NHƯỢC-TIỂU VÀ NÔ-LỆ.

Nhìn qua tình-hình thế-giới, chúng ta có thể thấy ngay rằng chỉ có ở những dân-tộc độc-lập và hùng-cường, cá-nhơn mới mở mang được về mặt trí-thức, tinh-thần, đức-hạnh và mới có một trình-độ sinh-hoạt cao. Nhờ nước độc-lập hùng-cường, người mới được sung sướng và mới có quyền-lợi nhiều mà cạnh-tranh nhau về mặt giai-cấp.

Ở những dân-tộc bị đặt dưới ách đô-hộ của ngoại-tộc thì cá-nhơn mất tự-do chánh-trị. Về trí thức, tinh-thần và đức hạnh, họ bị dân thống-trị kềm hãm và chỗ tối tăm, trình-độ sanh-hoạt thì hết sức thấp kém. Người của dân-tộc nô-lệ đều bị bóc lột đến xương tủy thành ra nghèo khổ hết, không còn quyền-lợi gì mà cạnh-tranh nhau về mặt giai-cấp.

Trong những dân-tộc độc-lập mà không hùng-cường thì cá-nhơn còn được tự-do đôi chút, nhưng sự nghèo nàn cũng là cái bịnh chung của tất cả mọi người.

Do những điều trên này, chúng ta có thể bảo rằng cuộc tranh-đấu giai-cấp thường chỉ xuất-hiện ở các nước độc-lập và trù-phú mà thôi. Đối với các dân-tộc mất độc-lập hay nhược-tiểu thì tất cả mọi người đều ở chung trong một hoàn-cảnh với nhau và có thể xem như là lệ-thuộc một giai-cấp bị bóc lột như nhau, mà giai-cấp bóc lột là những dân-tộc thực-dân.

Người ta đã có bảo rằng trong những dân-tộc độc-lập, người vô-sản cũng bị bóc lột và cũng khổ sở không khác gì người của dân-tộc mất độc-lập. Vì cớ đó, người của dân-tộc mất độc-lập nên liên-minh với giai-cấp vô-sản của dân-tộc thống-trị để cổi bỏ ách nô-lệ đè nặng trên vai mình. Sự giải- phóng của dân-tộc nô-lệ vừa có lợi cho dân-tộc ấy, vừa có lợi cho giai-cấp vô-sản của nước thống-trị vì lẽ hàng-ngũ của bọn tư-bản bóc lột cả hai bên bị đánh đổ. Nhưng về vấn-đề này, chúng ta có thể đưa ra nhiều câu trả lời.

Đành rằng ở những nước độc-lập, nhiều khi vấn-đề xã-hội không giải-quyết được ổn-thỏa, và giữa mọi hạng người trong dân-tộc có một sự chênh lệch quá lớn về trình-độ sanh-hoạt. Nhưng dầu sao, một dân-tộc cũng cần được độc-lập. Sự độc-lập của dân-tộc nếu chưa phải là điều-kiện sung-mãn thì cũng là điều-kiện tất-yếu cho sự bảo-vệ quyền-lợi của cá-nhơn.

Những dân-tộc có một xã-hội ổn định, điều-hòa được quyền lợi cá-nhơn đều là những dân-tộc độc-lập. Nếu trong số những dân-tộc được độc-lập có những dân-tộc không giải-quyết được vấn dề xã-hội của mình, thì tất cả những dân-tộc nô-lệ đều bị chìm đắm trong vòng hắc-ám và không có quyền bàn đến việc cảI-cách chế-độ bất-công áp-dụng ở nước mình.

Hơn nữa, ngay trong những dân-tộc độc-lập mà không giải-quyết được vấn-đề xã-hội của mình, người bị bóc lột cũng vẫn sướng hơn người dân một nước nô-lệ.

Từ trước đến giờ, những người cực-tả thường cho rằng chế-độ thi-hành ở nước Nhựt - trước khi bị Đồng-minh đánh quỵ - là một chế-độ phát-xít khắc-nghiệt nhứt Á-đông. Theo họ, những quân-nhơn và những nhà tài-phiệt Nhựt họp lại làm một giai-cấp bóc lột bần-dân Nhựt một cách quá đáng.

Điều này có thể đúng. Nhưng chúng ta cứ thử so sánh đời sống của một người bần-dân Nhựt và một người dân Việt hay Ấn-độ vào thời-kỳ lệ thuộc ngoại-quốc thì ta sẽ thấy sự cách-biệt cao thấp như thế nào. Một đàng được hấp-thụ một nền giáo-dục có qui-củ, được săn sóc và huấn-luyện về thể-chất một cách đàng-hoàng, được đào tạo cho có một tinh-thần cường-tráng, được hướng về những thú tiêu- khiển thanh-cao và hữu-ích. Một đàng trái lại, bị xô đẩy vào vòng dốt nát, bị kìm hãm trong chỗ bịnh- tật và bạc-nhược, bị uốn nắn cho có một tinh-thần ủy-mị, bị cám dỗ vào những trò chơi trác-táng như rượu chè, á-phiện, đĩ điếm, bài bạc, làm hại cho bản-thân và cho cả giống nòi. Bất cứ về mặt nào, giáo-dục, y-tế, vệ -sanh, người dân Nhựt cũng hơn người Việt hay người Ấn-độ. Bởi đó, có dịp ra nước ngoài, người Nhựt bao giờ cũng có đủ tư-cách làm cho người ngoại-quốc nể nang hơn người Việt hay người Ấn-độ. Và mặc dầu bị dồn vào ba đảo nhỏ khô khan, đá nhiều hơn đất, người Nhựt không hề bị nạn chết đói trong thế-kỷ sau này, trong lúc Ấn-độ và Việt-Nam một nước rộng mênh mông, một nước xuất-cảng lúa gạo vào hạng nhứt nhì trên thế-giới, lại phải cung cho nạn chết đói không biết bao nhiêu sanh-mạng.

C)- SỰ HÙNG-CƯỜNG VÀ TRÙ-PHÚ CỦA DÂN-TỘC LÀ MỘT ĐIỀU-KIỆN TẤT-YẾU CHO HẠNH-PHÚC CÁ-NHƠN

Như thế, sự hùng-cường trù-phú của dân-tộc là một điều-kiện làm cho cá-nhơn được sung sướng. Tuy nó gây ra sự tranh giành quyền-lợi đưa đến cuộc xung-đột giai-cấp, nhưng đến một mực cao, nó lại làm dịu bớt sự xung-đột ấy.

Nước Nhựt sở-dĩ bị xem là một nước trong đó có sự chênh lệch về giai-cấp hết sức rõ rệt vì nước ấy chưa đủ hùng-cường để làm cho đời sống của mỗi người Nhựt được hoàn-toàn tươi đẹp hết.

Tình-thế hiện-thời của dân Nhựt đã chứng tỏ rằng nếu bị dồn ép trên ba đảo Phù-tang, một số lớn người Nhựt phải bị chết đói hay là phải chịu cúi đầu khuất-phục người ngoại-quốc để xin họ tiếp-tế cho mình. Với những thuộc-địa mà nước Nhựt đã chinh-phục được trước kia, chính-phủ Nhựt đã làm cho dân Nhựt khỏi chết đói mà cũng khỏi phải chịu cái nhục ăn mày của ai. Và nếu chương-trình ĐạI- đông-Á của Nhựt thực-hiện được thì chắc chắn là dân Nhựt được thảnh thơi hơn trước nhiều.

Vì đó, binh-sĩ Nhựt mới liều chết để chiến-đấu, chớ nếu sự chinh-phục thuộc-địa chỉ có lợi riêng cho Thiên-hoàng, cho các tướng cao-cấp và các ông chủ ngân-hàng, các ông chủ xí-nghiệp thì dân Nhựt có ham ra trận làm gì. Hơn nữa, nếu tướng Đông-Điều chỉ lo phụng-sự riêng cho giai-cấp thống-trị Nhựt thì dân-chúng Nhựt đâu có thương xót ông ta như là một vị anh-hùng tuẫn-quốc khi ông ta bị Tòa-án quốc-tế lên án tử-hình ?

Tình hình nộI-bộ các nước Anh, Pháp, Mỹ sau trận thế-giới đại-chiến thứ nhì cũng chứng tỏ rằng ở những nước hết sức hùng-cường và trù-phú, sự chênh lệch giai-cấp tuy có, cũng không gây ra cuộc xung-đột mãnh-liệt như ở những nước yếu nghèo.

Nước Pháp sau khi được giải-phóng khỏi tay binh-đội Đức, tuy vẫn còn giữ được địa-vị cường-quốc thứ năm, rồi thứ tư trên thế-giới, nhưng sự thật, đã kiệt-quệ lắm. Những tài-sản trong nước lớp bị phá-hoại, lớp bị cướp bóc trong những năm bị chiếm-cứ, thành ra nền kinh-tế rất lung lay. Người trong nước ai cũng thiếu-thốn. Do đó, sự cạnh-tranh hết sức ráo riết, và sự cạnh-tranh này xảy ra giữa tất cả mọi người chớ không phải giữa giai-cấp tư-bản hay giai-cấp vô-sản.

Những chánh-phủ đầu tiên của Đệ-tứ Cộng-hòa Pháp đều là những chánh-phủ thiên-tả, nghĩa là có xu-hướng binh vực giai-cấp vô-sản hơn giai-cấp tư-bản. thế mà vấn-đề xã-hội vẫn không giải-quyết được và nước Pháp vẫn cứ rối ren. Đến khi đảng Cộng-sản bị loại khỏi chánh-quyền – và chánh-phủ trở nên thiên-hữu hơn – đáng lẽ sự xung-đột giai-cấp phải mãnh-liệt hơn. Nhưng sự thật, nhờ có kế- hoạch Marshall giúp đỡ, nền kinh-tế Pháp lần lần đứng dậy được, đồng phật-lăng ổn-định lại và những phong-trào đình-công của thợ-thuyền cũng tự dập tắt, mặc dầu đảng Cộng-sản Pháp vì lý-do chánh-trị còn cố gắng nhen nhúm nó lên.

Ở Anh thì tình-thế dễ chịu hơn. Nước Anh cũng bị hư hao vì nạn chiến-tranh, nhưng ít bị tàn phá hơn nước Pháp. Thêm nữa, vấn-đề thuộc địa không làm cho chánh-phủ Anh chịu nhiều phí-tổn như Pháp nên nền tài-chánh Anh được vững vàng hơn. Tuy thế, theo lời hiệu-triệu của chánh-phủ, toàn-thể dân Anh cũng phải thắt lưng buộc bụng, làm việc nhiều hơn lúc chưa có chiến-tranh mới giữ được cho trình-độ sinh-hoạt của mình không sụt xuống sâu quá.

Ở nước Mỹ là nước được xem là hùng-cường và trù-phú nhứt hoàn-cầu khi trận đại-chiến thế-giới thứ nhì chấm dứt, sự chênh lệch giai-cấp hết sức rõ rệt vì tổ-chức kinh-tế Mỹ hoàn-toàn dựa vào chế-độ tư-bản. Cứ theo lý-luận của những người chủ-trương giai-cấp tranh-đấu thì nước Mỹ phải là nước thuận-tiện nhứt cho cuộc cách-mạng vô-sản. Nhưng sự thật, ở Mỹ, đảng Cộng-sản không hề thâu-phục được một số đảng-viên đáng kể. Mà đối với những người bình-dân Mỹ, danh từ Cộng-sản đã trở thành một tiếng lăng-mạ nặng nề. Ai bảo là người Cộng-sản, họ nhứt định phải mang ra tòa-án tiểu- hình.

Như thế là vì người thợ nghèo nhứt ở Mỹ cũng có một trình-độ sanh-hoạt khá cao, ít ra cũng bằng một người trung-lưu ở các nước khác. Họ lại biết rằng, sở-dĩ họ có trình-độ sanh-hoạt đó là nhờ địa-vị ưu-hắng của dân-tộc họ trên thế-giới cho nên mặc dầu cũng tranh-đấu với người tư-bản trong nước để nâng cao thêm trình-độ sanh-hoạt của mình, họ không đi đến chỗ thù ghét người tư-bản nước mình đến nỗi hủy-phá sự thống-nhứt của dân-tộc. Họ đã bưng tai giả điếc trước những lời kêu gọi đoàn-kết của Nga vì họ hiểu rằng khi tổ-ợp với những người lao-động khác trên thế-giới để đánh đổ nền kinh-tế tư-bản Mỹ, họ chỉ đi đến kết-quả hạ thấp trình-độ sanh-hoạt của họ xuống mà thôi.

D)- CHIẾN-TRANH GIỮA CÁC NƯỚC LÀ CHIẾN-TRANH CỦA TOÀN-THỂ DÂN-CHÚNG NƯỚC ẤY CHỚ KHÔNG PHẢI LÀ CHIẾN-TRANH CỦA MỘT THIỂU-SỐ TƯ-BẢN HAY THỰC-DÂN.

Bởi lẽ sự hùng-cường của một dân-tộc thường có lợi cho toàn-thể nhơn-viên của dân-tộc đó cho nên trong những cuộc chiến-tranh giữa hai dân-tộc, tất cả mọi người đều hướng về sự thủ-thắng của dân-tộc mình, chớ không phải chỉ một giai-cấp mà thôi. Trong trường-hợp đó tự-nhiên tất cả mọi người trong một dân-tộc – trừ những kẻ phản-quốc hay vô-tổ-quốc – đều muốn cho bên mình hạ được bên kia.

Những người chủ-trương giai-cấp tranh-đấu ở nước ta từ trước đến giờ luôn luôn tuyên-bố rằng trận chiến-tranh Việt-Pháp xảy ra sau khi trận thế-giới đại-chiến thứ nhì chấm dứt là một trận chiến-tranh do một thiểu-số thực-dân gây ra. Nếu Pháp thắng được Việt, chỉ có bọn tư-bản thực-dân đó hưởng, còn giai-cấp cần-lao Pháp phải chịu gánh phí-tổn, chịu đem thân phơi ở bãi chiến-trường mà không hưởng được lợi lộc gì cho nên họ có cảm-tình với sự kháng-chiến của dân-tộc Việt và ủng-hộ người Việt triệt để.

Nhưng sự thật có phải như thế chăng ? Đành rằng nếu Pháp lập lại được chế-độc cũ ở nước Việt thì bọn thực-dân có đồn_điền, có sở cao su, có hãng buôn, có xưởng kỹ-nghệ sẽ giữ được những tài-sản đó, và sẽ được hưởng lợi nhiều nhứt và trước nhứt. Nhưng không phải vì thế mà ta có thể bảo rằng toàn-thể dân-tộc Pháp không có lợi gì mà đánh nước Việt.

Nếu nước Pháp đàn-áp được phong-trào vận-động độc-lập Việt-Nam và lập lại được trật-tự cũ trên đất nước này, thì dân Pháp có thể mua nguyên-liệu Việt với giá rẻ, bán sản-phẩm người Việt với
một giá cao. Nhờ đó kỹ-nghệ Pháp được thạnh-vượng, bần-dân Pháp có nhiều công ăn việc làm. Ngạch quan-viên thuộc-địa tiêu-thụ được cho Pháp một số đông trí thức và địa-vị ưu-thắng của Pháp giúp cho nhiều người Pháp dễ dàng lập-nghiệp, làm giàu ở nước Việt. Từ xưa đến nay đất thuộc-địa vẫn là nơi cho công-dân mẫu-quốc hốt bạc.

Ta có thể bảo rằng nếu nước Việt còn là thuộc-địa Pháp thì người dân Pháp nào đến đất Việt cũng ở vào cửa trên. Một anh hiến-binh hạng nhì ở Pháp chỉ biết đọc, biết viết và ở vào ngạch công- chức hạ-cấp, sang đất Việt đã có thể giữ chức cảnh-sát-trưởng một tỉnh oai-quyền và lương bổng cao hơn một viên chủ quận, nghĩa là một công-chức cao-cấp người Việt, học-lực và tài-năng hơn anh ta gấp bội. Những điều trên đây chứng tỏ rằng toàn-thể dân-tộc Pháp có lợi mà đô-hộ nước Việt. Vì đó, toàn-thể dân-tộc Pháp đều lo chiến-đấu với dân Việt chớ không phải riêng một giai-cấp tư-bản thực-dân mà thôi.

Chúng ta nên nhớ rằng đại-đa-số quân-sĩ Pháp sang tác-chiến ở Đông-dương đều là những người xuất-thân trong hạng bần-dân chớ không phải là hạng con ông cháu cha. Nhưng trước đây, người Việt nào dại dột đem việc giai-cấp ra để thuyết họ và rủ họ vào bưng biền đều bị họ đưa về nộp cho Phòng nhì để cho người Việt có dịp suy-nghiệm về ý-nghĩa thâm-trầm của tình thân-ái giữa người vô-sản các nước, và nhứt là vô-sản Pháp và vô-sản Việt.

Những người theo chủ-trương giai-cấp tranh-đấu có thể viện cớ rằng quân-sĩ Pháp ở nước Việt là những người vô-sản lưu-manh hay vô-sản chưa giác-ngộ để biện-chánh cho việc họ hăng hái chiến-đấu với người Việt.

Nhưng còn thái-độ của những đảng Xã-hội và Cộng-sản Pháp là những đảng của người « vô-sản giác-ngộ Pháp » là những đảng mà người theo chủ-trương giai-cấp tranh-đấu ở nước Việt cho là thành-thật binh vực dân-tộc Việt ? Chúng ta đã thấy họ tán-thành việc gửi binh sang tái-chiếm Đông- dương trong một chính-phủ lâm-thời do Tướng De Gaulle chủ-tọa sau khi nước Pháp được giảI-phóng. Chúng ta đã thấy họ đồng lòng ký tên vào bản quyết-định hạ lịnh cho quân-đội viễn-chinh Pháp ở Đông-dương đánh nước Việt ngày 19 tháng chạp dương-lịch năm 1946.

Chúng ta hãy thử hỏi : « Nếu quyền-lợi Pháp ở Việt-Nam chỉ là quyền-lợi tư-bản thực-dân thì tại sao những lãnh-tụ đảng Xã-hội và đảng Cộng-sản Pháp không bao giờ dám chủ-trương giao hết tài- sản của Pháp ở Việt-Nam lại cho quốc-dân Việt-Nam và để cho nước Việt-Nam độc-lập hoàn-toàn ngoài Liên-hiệp-Pháp ? ». Họ có thể cãi rằng trong thâm-tâm, họ vẫn chủ-trương như trên này, nhưng họ không dám công-khai tuyên-bố chủ-trương đó ra vì sợ quần-chúng Pháp bất-bình. Nhưng như thế, họ lại thú nhận rằng quyền-lợi Pháp ở Việt-Nam là quyền-lợi chung của quần-chúng Pháp chớ không phải là quyền-lợi riêng của một thiểu-số tư-bản thực-dân như lời họ tuyên-truyền.

Về cái quần-chúng Pháp này, chúng ta có thể nhận thấy rằng nó cung-cấp người và tiền cho quân-đội Pháp ở Viễn-đông, nghĩa là làm hại dân Việt-Nam chớ không ích gì cho nhóm Việt-Nam cả. Dưới sự điều-khiển của đảng Cộng-sản Pháp, một nhóm người có mở một vài cuộc biểu-tình leo heo để hô-hào chấm dứt chiến-tranh ở Việt-Nam và đánh điện khuyến-khích chánh-phủ Hồ Chí Minh. Nhưng việc đó chỉ có lợi cho Việt-Nam cũng như người Việt biểu-tình phản-đối Franco có lợi cho những người dân-chủ Tây Ban Nha lưu-vong ở Pháp vậy. Quần-chúng cần-lao Pháp chỉ cần vận-động mạnh để ngưng chiến khi họ đã cảm thấy rằng Pháp không thể nắm phần thắng-lợi ở Đông-dương. Điều này chỉ tỏ rằng họ chỉ nghĩ đến quyền-lợi họ chớ không hề nghĩ đến dân-tộc Việt-Nam.

Đ)- SỰ HỢP-QUẦN TRONG GIAI-CẤP CHỈ DỰA VÀO QUYỀN-LỢI NÊN KHÔNG VỮNG CHẮC BẰNG SỰ HỢP-QUẦN TRONG DÂN-TỘC.

Sau cùng, chúng ta lại có thể thấy điều này nữa. Trong sự hợp-quần theo giai-cấp, người ta chỉ dựa vào quyền-lợi và vào một tình-cảm sanh ra vì chung hoàn-cảnh với nhau. Một khi quyền-lợi không còn giống nhau, sự thương nhau vì đồng bịnh không còn nữa và sự hợp-quần phải chấm dứt.

Chúng ta có thể thấy rằng quyền-lợi người không phải là bất-biến và nền tảng giai-cấp không vững chắc vì người ta có thể đi từ giai-cấp này đến giai-cấp nọ một cách rất thường. Như thế, dựa vào giai-cấp để tranh-đấu, tức là dựa vào một nền tảng bấp-bênh, không vững chắc, và tranh-đấu cho giai-cấp là tranh-đấu cho những quyền-lợi thiển-cận nhứt thời.

Đối với dân-tộc thì không thế. Ngoài yếu-tố quyền-lợi, dân-chúng còn dựa vào nền tảng huyết-thống, vào những mối liên-lạc tinh-thần và tình-cảm rất mạnh mẽ và thâm-trầm. Nhờ đó, dân-tộc rất bền vững và người ta không thay đổi dân-tộc được một cách dễ dàng. Như thế, dựa vào dân-tộc để tranh-đấu, tức là dựa vào một nền tảng vững chắc, cố-định, và tranh-đấu cho dân-tộc tức là tranh-đấu cho những quyền-lợi sâu xa, lâu dài của mình.

E)- SỰ HỢP-QUẦN TRONG DÂN-TỘC CÓ LỢI CHO NGƯỜI HƠN SỰ HỢP-QUẦN TRONG GIAI-CẤP.

Dân-tộc có độc-lập và hùng-cường thì cá-nhơn mới có thể sống còn một cách sung sướng và mới có thể giải-quyết được những vấn-đề xã-hội của nước mình. Trong cuộc xung-đột giữa hai dân-tộc, quyền lợi của tất cả mọi người trong mỗi bên đều chung với nhau. Nền tảng dân-tộc lại vững chắc hơn nền tảng của giai-cấp và tranh-đấu cho dân-tộc, người ta bảo-vệ những quyền-lợi sâu xa bền chặt hơn quyền-lợi giai-cấp. Gây ra cuộc tranh-đấu giai-cấp trong dân-tộc, có khi người cũng bảo-vệ được những quyền-lợi thiển-cận, cấpèthời của mình, nhưng thường người ta làm cho dân-tộc phân chia và yếu sức đi, thành ra phải mất nền độc-lập. Mà nền độc-lập một khi đã mất thì mọi người đều bị bóc lột một cách tàn-nhẫn và vấn-đề giai-cấp của dân-tộc bị giải-quyết theo một lối có hại cho tất cả mọi người, là tất cả mọi người đều bị thành nô-lệ cùng-đinh hết.

Bởi những lý-do trên này, ta có thể quả-quyết rằng quyền-lợi cá-nhơn của người trong dân-tộc nhiều hơn là trong giai-cấp. Và tranh-đấu cho dân-tộc, người được lợi hơn là tranh-đấu cho giai-cấp.

3.- PHẠM-VI HỢP-QUẦN LỢI NHỨT CHO NGƯỜI.

Mục-đích hoạt-động của người từ trước đến nay và mãi về sau là mưu-đồ sinh-tồn cho mình. Muốn sinh-tồn, người phải tranh-đấu, mà muốn có nhiều điều-kiện thắng-lợi trong sự tranh-đấu của mình, người phải hợp-quần nhau lại. Sự thống-nhứt toàn-thể nhơn-loại dưới một quyền quản-trị chung không thể thực-hiện được vì nhiều nguyên-nhơn làm cho người chia rẽ nhau. Các nhà đạo-đức đã đưa ra những biện pháp để chấm dứt sự chia rẽ ấy. Nhưng cho đến ngày nay, những biện pháp này vẫn không mang lại những kết-quả mỹ-mãn.

Không thương yêu nhau hết được, không diệt được lòng tham-lam và tánh vị-kỷ của mình, không hạn-chế được nhơn-dục, không tăng-gia số vật-liệu sản-xuất được, cũng không thể giảm bớt số người tiêu-thụ bằng cách hạn-chế sanh-dục, loài người chỉ còn một cách là tranh-đấu lẫn nhau để sinh-tồn.

Như thế những phương-pháp của các nhà chánh-khách và học-giả đưa ra để chấm dứt sự chia rẽ giữa loài người đều thất-bại cả. Thế-giới đại-đồng luôn luôn chỉ là một ảo-mộng không bao giờ thực-hiện được. Những bản-năng của người và những điều-kiện sinh-tồn, của người làm cho người không thể nào tổ-chức được nhơn-loại thành một khối duy-nhứt. Vì đó, con người chỉ có thể hợp-quần nhau một cách chặt chẽ trong phạm-vi một đoàn-thể trung gian.

Trong tất cả những đoàn-thể trung-gian tạo ra được, chỉ có quốc-gia là vững chắc nhứt. Mà trong số những quốc-gia đã xuất-hiện trên thế-giới, những quốc-gia chỉ xây dựng trên một tôn-giáo, trên một hệ-thống tư-tưởng, trên quyền-oai một dòng họ thường không có tánh-cách vĩnh-cửu, vì người có thể đổi tôn-giáo, đổi ý-tưởng và quyền-oai có thể bị sụp đổ.

Vả lại, với sự tiến-bộ của người, vai tuồng của tôn-giáo và uy tín cá-nhơn lần lần lu mờ đi, những hệ-thống tư-tưởng không phù-hợp với thực-tế cũng khó gây được tín-nhiệm của người. Một mặt khác, chủ-trương hủy bỏ ý-niệm quốc-gia lấy ý-niệm giai-cấp thay vào, dầu có thực-hiện được, cũng rất có hại cho người.

Xét lịch-sử một cách khách-quan, ta thấy rằng những quốc-gia đặt nền tảng trên dân-tộc là những quốc-gia bền vững nhứt. Như thế là vì dân-tộc nhờ yếu-tố huyết-thống mà có tánh-cách vĩnh-cửu, lại bao gồm thêm nhiều yếu-tố phụ-thuộc gây được sự đồng-nhứt cho đoàn-thể như ngôn-ngữ, phong-tục, tôn-giáo, cách-thức sanh-hoạt v.v… Đã vậy, nó còn nhờ một yếu-tố tinh-thần là lịch-sử làm cho sự đoàn-kết giữa mọi người được bền chặt thêm.

Vì lẽ những quốc-gia dựa vào dân-tộc là những quốc-gia vững chắc, các quốc-gia được thành-lập từ trước đến nay đều có xu-hướng nhào nắn quốc-dân mình cho thành dân-tộc, mà các dân-tộc cũng có xu-hướng tự lập thành quốc-gia. Như thế, ta có thể bảo rằng đoàn-thể hợp-quần lợi nhứt cho người là dân-tộc, hay quốc-gia nếu xét về pháp-lý.

Sự hợp-quần trong phạm-vi dân-tộc giúp cho người giải-quyết được vấn-đề cung-cầu chênh lệch vì những vật-liệu sản-xuất được không đủ cung-cấp cho toàn-thể nhơn-loại. Tự-nhiên những dân-tộc muốn sinh-tồn được sung-mãn phải tranh-dấu lẫn nhau để giành lấy những đất đai vật-liệu mình cần dùng.

Sự tranh-đấu này có thể đưa đến những kết-quả khốc-liệt : người Hán đã tiêu diệt người Tam Miêu, người Việt-Nam đã làm cho người Chiêm-thành gần tuyệt-chủng, người Tây-ban-nha và người Mỹ đã tiêu-trừ phần lớn dân da đỏ. Nhưng nó cũng có thể dịu hơn : những cường-quốc của thế-kỷ 20, ngoài việc chiến-đấu nhau ở bãi chiến-trường, còn cạnh-tranh nhau về mặt kỹ-nghệ và thương-mại, và nhiều cuộc giành giựt thị-trường của họ nếu có làm đổ máu cũng không đi đến những kết-quả tàn-khốc quá.

Sự tranh-đấu giữa các dân-tộc thường khêu gợi ý-thức chủng-loại của người và giúp người phát-tiết tánh vị-kỷ cùng lòng ghét của mình ra ngoài. Do đó, nó làm cho người bên trong quốc-gia cố-kết nhau lại để đối-phó với người ngoại-quốc và không những chấm dứt những cuộc xung-đột nội-bộ, họ còn có thể hy-sinh sự sinh-tồn cá-nhơn của mình cho sự sinh-tồn của đoàn-thể nữa. Lịch-sử thế-giới đã cho ta nhiều gương về vấn-đề này.

Khi tổ-quốc bị nạn ngoạI-xâm, người ta thường bỏ những hiềm-thù cá-nhơn để cùng mưu-toan cứu nước. Hai ông Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải đã gác qua một bên sự hờn ghét nhau và cộng-tác nhau một cách chặt chẽ để đối-phó lại giặc Nguyên. Năm 1914, lúc quân Đức xâm-nhập biên- thùy Pháp, những chánh-đảng Pháp đã chấm dứt mọi cuộc tranh-chấp với nhau và lập nên mặt trận thống-nhứt thiêng-liêng để tổ-chức sự chiến-đấu chống Đức.

Lịch-sử thành-lập quốc-gia Đức cũng giúp chúng ta nhiều bằng chứng chỉ tỏ rằng trong sự thống-nhứt một dân-tộc, lòng oán ghét dị-tộc và sự cần dùng chiến-đấu với họ đóng một vai tuồng rất quan-trọng. Nước Đức trước kia phân ra làm nhiều tiểu-bang có những qui-chế chánh-trị khác nhau. Người Đức cùng huyết-thống, cùng ngôn-ngữ và cùng văn-hóa với nhau, nhưng lại không hợp-nhứt với nhau được vì dân-chúng các tiểu-bang Đức có những tánh-tình khác nhau và không hoà-thuận với nhau. Phong-trào cảI-lương tôn-giáo ở Âu-châu lại càng làm cho dân Đức phân rẽ nhau vì người Đức phương Bắc theo Thiên-chúa-giáo cảI-lương, trong khi người Đức phương Nam trung-thành với Thiên-chúa-giáo La-mã. Sự phân rẽ này làm cho dân Đức suy yếu và kém thế hơn các dân-tộc Pháp, Anh, mặc dầu người Đức không thua người Pháp, người Anh về năng-lực.

Ý-thức về sự suy kém của mình đưa ra những nhà ái-quốc Đức chủ-trương thống-nhứt. Một chánh khách Đức, ông Bismarck ra phù-tá vua nước Phổ và tổ-chức nước Phổ thành một nước hùng-cường, có một quân-đội dõng-mãnh. Nhưng ông hiểu rằng nếu dùng võ-lực mà chinh-phục các tiểu- bang Đức khác, ông sẽ vấp phải sự đề-kháng của họ và sự can-thiệp của các cường-quốc Âu-châu. Trong trường-hợp đó, sự thống-nhứt dân-tộc Đức rất khó thành, mà dẫu có thành, nó cũng không duy-trì được. Vì thế Bismarck đã theo một chánh-sách khác.

Trước hết, ông tìm cách loại ảnh-hưởng nước Áo ra khỏi nước Đức. Người Áo cùng một nòi giống với người Đức, nhưng đế-quốc Áo gồm nhiều chủng-tộc khác, và hoàng-gia Áo chỉ muốn chia rẽ dân Đức để dễ trị họ. Sau một trận chiến-tranh Phổ Áo kết-thúc bằng sự thắng-lợi của quân-đội Phổ ở Sadowa năm 1866, nước Áo bị loại ra khỏi trường chánh-trị Đức. Tuy thế, các tiểu-bang Đức vẫn chưa hợp-nhứt nhau được.

Muốn hoàn-thành sự thống-nhứt dân Đức, Bismarck khêu gợi lòng thù ghét dân Pháp của người Đức. Người Pháp từ trước vẫn là kẻ thế-thù của người Đức. Chánh-sách các nhà vua Pháp luôn luôn nhắm vào mục-đích chia rẽ người Đức, và trong thời-kỳ Đệ Nhứt Đế-chế, người Pháp đã mang binh xâm lấn nước Đức, giết hại người Đức rất nhiều, Bismarck hướng sự tuyên-truyền của mình vào chỗ vạch rõ cho dân Đức thấy rằng dân-tộc Pháp là mối nguy cho sự sống còn của người Đức.

Khi nhơn-tâm đã thuận, Bismarck lại khôn khéo khiêu khích làm cho nước Pháp tuyên-chiến với nước Phổ năm 1870. Trong trận chiến-tranh Pháp Phổ này, các tiểu-bang Đức đều đứng sau lưng nước Phổ, và năm 1871, khi nước Phổ hoàn-toàn thắng Pháp, vua Phổ được các vị chúa những tiểu- bang Đức tôn lên làm hoàng-đế nước Đức. Từ đó, dân-tộc Đức họp-nhứt nhau lại, và năm 1918, khi trận chiến-tranh thế-giới thứ nhứt kết-liễu, người Pháp đã thất-bại trong dự-định phân rẽ người Đức.

Như thế, chánh-sách của Bismarck hết sức công-hiệu. Nhờ phát-tiết lòng ghét của mình ra nơi nước Áo và nước Pháp, dân Đức đã bỏ những hiềm thù riêng của mình mà đoàn-kết lại với nhau. Điều này chỉ tỏ rằng sự tranh-đấu cho dân-tộc có thể chấm dứt được sự xung-đột chia rẽ bên trong vì những điểm bất-đồng giữa người ở các địa-phương khác nhau.

Ngoài ra, lịch-sử thế-giới đã cho ta thấy nhiều gương hy-sanh dõng-cảm cho quốc-gia dân-tộc. Sự hy-sanh này không phải chỉ xuất-hiện khi người tan trong đám đông và bị sự chi-phối mạnh mẽ của bản-năng sinh-tồn chủng-loại. Nó xuất-hiện ngay nơi những người cô-lập, nghĩa là bị đặt dưới ảnh-hưởng của bản-năng sinh-tồn cá-nhơn có khuynh-hướng đưa người đến sự vị-kỷ. Những viên tướng từ- khước bả vinh-hoa của giặc và cam chịu chết để giữ vẹn lòng trung-nghĩa, những nhà cách-mạng trải trăm ngàn nguy-hiểm để hoạt-động khôi-phục giang-sơn, những chiến-sĩ tình-nguyện liều mình hủy phá cứ-điểm địch thật ra không hiếm trong lịch-sử các dân-tộc. Những người này đã tự-ý hủy bỏ đời sống để phụng-sự dân-tộc họ.

Sự hy-sanh nầy có thể có nhiều lý-do. Người có thể hy-sinh với ý-định làm cho dân-tộc mình hùng-cường, ngự -trị lên dân-tộc khác. Trong trường-hợp này, người phát-tiết sự vị-kỷ của mình ra nơi dân-tộc khác để có sự vị-tha đối với dân-tộc mình.

Người cũng có thể hy-sanh để bảo -vệ dân-tộc mình vì nhận thức rằng bảo-vệ dân-tộc là bảo-vệ một hình-thức sinh-tồn mình yêu quí và tôn trọng, một hình-thức sinh-tồn lý-tưởng của mình.

Như ta đã thấy, ngoài sự tương-đồng về thể-chất, người trong dân-tộc còn có thể đồng ngôn-ngữ, đồng tôn-giáo, phong-tục, đồng cách thức sanh-hoạt, đồng lịch-sử với nhau. Trong dân-tộc, người sống giữa một bầu không-khí quen thuộc làm cho người khoan-khoái, và giữa những bửu-vật người ưa thích. Dân-tộc bị uy-hiếp hay chế-ngự thì bầu không-khí quen thuộc kia có thể thay đổi, những bửu-vật kia có thể bị phá hủy. Như vậy, sự suy kém hay tan vỡ của dân-tộc có một ảnh-hưởng tai hại đến sự sinh-tồn của cá-nhơn và khi bảo-vệ dân-tộc người đã bảo-vệ sự sinh-tồn cá-nhơn của mình.

Vì lẽ đối với một số người, thà chết mà còn dễ chịu hơn là sống một cách cực nhục theo một thể-thức mình không thích, người sẵn sàng hy-sanh tánh-mạng cho tổ-quốc. Trong trường-hợp này sự hy-sanh của người không có tánh-cách vị dân-tộc bằng trường-hợp trên.

Nhưng dầu hy sanh vì lý-do gì cũng vậy, người cũng được đồng-bào, và có khi đến cả kẻ địch kính nể, trọng-vọng. Những chiến-sĩ của dân-tộc thường lấy họ làm gương và điều này khiến cho sự tranh-đấu cho dân-tộc càng có thêm nhiều điều-kiện tinh-thần để lôi cuốn quần-chúng theo.

Nhờ quyền-lợi dân-tộc nhiều khi phù-hợp với sự sinh-tồn cá-nhơn, nhờ phát-tiết được lòng ghét và sự vị-kỷ của mình ra dân-tộc khác, người trong một dân-tộc có thể cố-kết nhau lại và hy-sanh cho tổ-quốc mình. Người có thể gác qua một bên những sự thù-hiềm, những sự bất-hòa hay bất-đồng nhỏ nhặt để cùng lo cho tổ-quốc mình. Như thế, hợp-quần trong phạm-vi dân-tộc, người có thể giải-quyết được vấn-đề chia rẽ vì bản-năng sinh-tồn và ý-thức đồng-loại.

Tự nhiên là trong mỗi dân-tộc đều có những phần-tử đặt quyền-lợi cá-nhơn, gia-đình, đảng phái hay tôn-giáo lên trên quyền-lợi dân-tộc. Nhưng những phần-tử này thường bị dư-luận chê bai chỉ trích chớ không được ngợi khen như những anh-hùng dân-tộc. Vả lại, riêng việc người trong dân-tộc có thể cố-kết nhau lại một cách chặt chẽ và việc nhiều người trong dân-tộc vui lòng hy-sanh cho nó cũng đủ chứng tỏ rằng dân-tộc là đoàn-thể hợp-quần có nhiều điều-kiện hơn hết để đứng vững được lâu dài.

Thêm nữa, trong tất cả các đoàn-thể hợp-quần của người, không có đoàn-thể nào gồm nhiều quyền-lợi vật-chất và tinh-thần vĩnh-cửu của người cho bằng dân-tộc. Những điều trên này cho phép chúng ta kết-luận rằng dân-tộc là đoàn-thể hợp-quần có lợi nhứt cho người. Chính vì thế mà người nào cũng có một ý-niệm rõ rệt về dân-tộc, và dân-tộc-tánh của người là một yếu-tố quan-trọng vào bực nhứt mà không nhà chánh-trị khôn-khéo nào dám bỏ qua.

Mục Lục

Xem tiếp Chương V, Phần Thứ Nhì