Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

 

Trở về trang chính

Leonid Parfionov
Im lặng hay là chết
Tôn Văn dịch
Manfred Quiring thực hiện

http://www.talawas.net

Báo Thế Giới (Die Welt) phỏng vấn Leonid Parfionov, tổng biên tập tuần tin Russki Newsweek (do chi nhánh Nga của tập đoàn Axel Springer xuất bản) về tự do báo chí dưới thời Putin.

Tạp chí Thế Giới: Thưa ông Parfionov, ông là người nổi tiếng nhiều năm nay trong lĩnh vực truyền hình của Nga. Sao ông lại chuyển sang môi trường in ấn?

Leonid Parfionov: Trong thời gian nửa năm qua tôi đã xoay sở một cách vô vọng để tìm chỗ cộng tác thường xuyên với một hãng truyền hình nào đó. Tuy tôi vẫn có thể làm vài ba phim lẻ tẻ, nhưng tôi thấy chán. Tôi thích công việc báo chí sôi động. Và vì không có được công việc ấy trong lĩnh vực truyền hình nên tôi đã chấp nhận đề xuất chuyển sang lĩnh vực này.

Tạp chí Thế Giới: Ở Hoa Kỳ, Newsweek là một tạp chí thông tin nặng tính phanh phui, liệu nó cũng có thể giữ vai trò như vậy ở nước Nga?

Parfionov: Hiện tôi chưa thể nói chính xác, nhưng một vai trò như thế cũng nên có được ở nước Nga. Tạm thời các nhà báo bận rộn nhiều hơn với những bản tin phóng sự, nhưng cả trong lĩnh vực này thì tại Nga cũng chỉ có rất ít những bài có chất lượng. Khoa báo chí Nga vốn chỉ quen bình luận. Ðối với cá nhân tôi thì tham nhũng luôn là một trong những đề tài gay cấn nhất và quan trọng nhất.

Tạp chí Thế Giới: Ông có chia sẻ ấn tượng rằng trong thời gian gần đây ở Nga áp lực đối với truyền thông tăng lên và quyền tự do báo chí bị giới hạn nhiều hơn?

Parfionov: Ðó là điều ai cũng thấy. Nhất là từ khi Vladimir Putin nhiệm chức thì những cố gắng đưa truyền thông vào khuôn khổ đã tăng lên. Việc đó đã khá thành công tại ba đài truyền hình quốc gia là ORT, RTR và NTW.

Tạp chí Thế Giới: Ðiện Kreml đã gây ảnh hưởng như thế nào đối với các đài truyền hình?

Parfionov: Tất nhiên là cả ba đài phát quốc gia đều được nhà nước đỡ đầu. ORT và RTR được chỉ đạo trực tiếp, NTW thì ít trực tiếp hơn chút đỉnh. Ðối với tôi thì cái đáng buồn nhất là kênh số một và kênh số hai trình chiếu hoàn toàn giống nhau, mặc dù họ có những ban biên tập khác nhau. Ðiều đó cũng giống như hai tờ Pravda (Sự thật) và Izvestia (Tin tức) trong thời Sô-viết; hai tờ báo này cũng chẳng khác nhau chút nào.

Tạp chí Thế Giới: Nên hình dung thế nào về việc tác động lên các đài truyền hình? Người ta gọi điện đến đó hay ra các chỉ thị?

Parfionov: Có nhiều cách, chẳng hạn những cuộc giao ban thứ sáu hàng tuần, trong đó những ấn định cụ thể được đưa ra. Ban lãnh đạo các đài truyền hình đôi khi cũng hỏi lại cho chắc chắn là vấn đề này hay vấn đề nọ cần xử lý thế nào. Nhưng những cơ chế này theo tôi không quan trọng bằng sự tự kiểm duyệt của các nhân viên. Tất cả đều biết những giới hạn cho phép và giữ mình trong đó.

Tạp chí Thế Giới: Nhưng họ đã vượt qua giới hạn đó khi tự động cho phát cuộc phỏng vấn không vừa lòng lãnh đạo với góa phụ của cựu tổng thống Chechnya Yandarbiyev bị mật vụ Nga ám sát...

Parfionov: Chuyện đó là có, nhưng chỉ được phát ở các đài vùng viễn đông là nơi có chênh lệch thời gian tới bẩy tiếng đồng hồ. Ở Mạc Tư Khoa đây thì chương trình phát đã được kiểm duyệt rất chính xác và cuộc phỏng vấn đã bị cắt bỏ. Chẳng người Mạc Tư Khoa nào được xem cuộc phỏng vấn đó.

Tạp chí Thế Giới: Cuối cùng thì ai đã làm việc cắt bỏ đó: Điện Kreml hay cơ quan mật vụ?

Parfionov: Tôi không biết, chẳng ai cho tôi biết. Tuy nhiên phó chủ nhiệm đài phát hồi đó đã nói trong một cuộc phỏng vấn là có một nhân viên mật vụ đã gọi điện tới.

Tạp chí Thế Giới: Có đúng là chương trình phát ở viễn đông được coi như chương trình phát thử của các đài ở khu vực trung tâm nước Nga?

Parfionov: Vâng, tất nhiên. Thậm chí còn có chuyện tiếu lâm như sau: chúng ta dùng chương trình khá “thả lỏng” ở viễn đông để giáo dục những con người hoàn toàn khác.

Tạp chí Thế Giới: Sự tác động trực tiếp như thế cũng tồn tại trong môi trường in ấn?

Parfionov: Cho tới nay thì chưa. Muốn hay không thì in ấn trước hết là việc của những doanh nghiệp Nó cũng phụ thuộc vào các ban biên tập. Thí dụ những ai làm việc ở Kommersant, ở Wedomosti hay Newsweek thì chắc không cảm thấy thiếu tự do trong công việc.

Tạp chí Thế Giới: Ở Nga, các thông tin được công khai tiếp cận thế nào? Thí dụ, chỉ những nhân vật đã sàng lọc được phép lọt vào kho dữ liệu của Điện Kreml?

Parfionov: Lọt được vào đó quả là khó. Nhưng thường thì Newsweek cũng có chung những khó khăn như các báo khác khi thu thập thông tin. Trong truyền hình quốc gia đương nhiên người ta được tiếp cận với những nguồn chính thức sớm hơn. Nhưng đó cũng có thể là một sự bất lợi: biết chuyện này chuyện kia nhưng chẳng được phép đem dùng.

Tạp chí Thế Giới: Ông có cho rằng trong tương lai, nền tự do truyền thông còn bị bộ máy nhà nước, Quốc hội Nga (Duma) bóp chặt hơn nữa?

Parfionov: Vâng, họ đang thử đấy. Thậm chí còn tệ hơn. Họ đang tìm cách đưa dần những điều hiện nay do áp lực chính trị mà phải thi hành vào hình thức luật pháp. Thí dụ việc đưa tin về những cuộc tấn công khủng bố. Cho tới nay thì vẫn được khuyên hoặc yêu cầu nên dè dặt, nên lờ đi các thông tin về những vấn đề nhất định. Nhưng bây giờ thì tất cả những cái đó được nâng thành luật.

Tạp chí Thế Giới: Như vậy cuộc sống của một nhà báo sẽ trở nên khó khăn?

Parfionov: Vâng, nhưng người ta phải tự vận động, không được phép để mình bị khống chế. Còn cứ ngồi yên và chờ đợi thì chẳng có được cái gì.

Tạp chí Thế Giới: Có phải ông Paul Khlebnikov, là chủ nhiệm tạp chí kinh tế Forbes trước đây, đã bị bắn chết ngay trước cửa tòa soạn? Ðiều đó có tác động đến ông không?

Parfionov: Tôi cố thử không nghĩ đến việc đó. Không thế, tôi sẽ thành mất trí. Đã có đề nghị xếp cho tôi một người hộ vệ, nhưng tôi hoàn toàn không muốn. Ðến nay động cơ của vụ ám sát này vẫn chưa sáng tỏ. Người ta hứa sẽ cung cấp thông tin cho chúng tôi, nhưng đến bây giờ thì im lặng vẫn hoàn im lặng.

 

Trở về trang chính