Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

Lại bàn về Chủ nghĩa Cơ Hội và Tư Tưởng Cơ hội Thực Dụng ở Việt nam hiện nay

Bắc Hà

Phần một

Ngày 23.05.2003 trên mạng Internet xuất hiện bài „ Thử bàn về Chủ nghĩa cơ hội ở Việt nam ngày nay” của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Đây là một bài viết mang tính phân tích lí luận có nhiều điều sâu sắc. Với đầu óc như tôi thì phải đọc chậm, vừa đọc vừa ngẫm nghĩ, thế mà càng đọc tôi lại càng thấy sáng tỏ khi liên hệ với những thực tế xã hội Việt nam bây giờ. Và do vậy có một sự thôi thúc tôi phải viết ra những suy nghĩ mang tính nhận thức của mình. Điều tôi tâm đắc nhất là tác giả đã trích dẫn một nhận xét của Lênin về bản chất của Chủ nghĩa cơ hội : „Nó mang tính chất không rõ ràng , lờ mờ và không thể nào hiểu nổi...,nó quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau, nó tìm cách thoả thuận với cả quan điểm này lẫn quan điểm kia...” ( Lênin toàn tập, tiếng Việt, tập 8, trang 476). Tôi tâm đắc là vì đầu óc còn đang thắc mắc, chưa lí giải được thoả đáng; nay nhờ ông Lênin mà có được câu trả lời, mà nó lại hay quá, đúng quá, ví như đang khát lại có người cho uống ! Số là thế này: Tôi đã từng sống trong thời kì xây dựng CNXH ở miền Bắc rồi sau đó là thời kì xây dựng CNXH trên cả nước , qua các thời kì đó đều được học tập nghị quyết của các Đại hội Đảng ; tôi cũng đã từng được học về chủ nghĩa Mác-Lê, về Kinh tế chính trị học, cũng hiểu thế nào là Chủ nghĩa Cộng sản của ông Mác, thế nào là Chủ nghĩa tư bản „rẫy chết”, thế nhưng bây giờ thì than ôi ! rối như canh hẹ, chẳng còn hiểu ra sao với những thực tế đang diễn ra : Đảng Cộng sản đang thực thi chính sách kinh tế thị trường, đang lãnh đạo việc tư nhân hoá và cổ phần hoá các Xí nghiệp quốc doanh, khuyến khích kinh tế trang trại và lại còn mở cả thị trường chứng khoán nữa chứ. Có đúng như thế là ta đang xây dựng Chủ nghĩa xã hội hay không nhỉ? Trao đổi với bạn bè thì một số người bảo : ông không thấy à? chỗ nào người ta cũng gắn cái đuôi „định hướng XHCN” vào đấy thôi! Tôi thì tôi không chịu, chẳng lẽ lại chỉ đơn giản có thế thôi a? Tìm đọc báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản cũng chẳng tìm được sự giải thích cho ra ngô ra khoai. Toàn mượn những cái mà tư bản nó đã làm cách đây hàng trăm năm rồi dán thêm cái mác của mình vào mà được hay sao?? May thay tóm được bài viết của ông Nguyễn Thanh Giang trong đó trích dẫn ý kiến của Lãnh tụ vĩ đại Lênin thật như có bảo bối trong tay, tôi vỡ lẽ ngay: thì ra đó là lí luận thuộc phạm trù của Chủ nghĩa cơ hội nên nó mới vặn vẹo như con rắn nước, có gì mà không hiểu! Hay thật! cứ cái đà lí luận kiểu lắp ghép này thì rồi có ngày người ta sẽ ghép được cả cỏ vào cây thân gỗ và không chừng lai tạo được cả côn trùng với động vật có vú mất! Xin lỗi nếu tôi có hơi suy diễn, nhưng vừa hiểu ra được một điều thì tôi lại thấy thắc mắc ngay một điều khác : Thế nhưng trong tay Đảng và Nhà nước ta có cả một đội ngũ hùng hậu về lí luận cơ mà. Này nhé trên thì có Ban Bí thư, Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương, dưới thì có các Hội đồng lí luận trung ương, Viện Triết học Mác-Lênin, Học viện chính trị Hồ Chí Minh, trong đó có các cán bộ với những chức danh nghe kêu như chuông, nào là Giáo sư, Viện sĩ, Phó giáo sư, Tiến sĩ, rồi Viện trưởng, Giám đốc Học viện, Giám đốc Trung tân nghiên cứu, làm sao lại để đẻ ra cái thứ „rắn nước” như vậy được?

Đang còn lấn cấn mất mấy hôm thì may sao lật lại tập „Đối thoại 2001” của tác giả-nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Khuê tôi thấy có đoạn viết:

„Điểm lại tất cả những gì gọi là sai lầm của Đảng ta trong quá khứ đều hoặc do nhân dân phát hiện hoặc các đồng chí lãnh đạo Đảng thấy tình hình gay go quá không sửa nhanh thì nguy chứ tuyệt nhiên không thấy một người làm lí luận chuyên nghiệp nào hoặc một cơ quan nghiên cứu lí luận nào công bố những công trình phát hiện của mình về những sai lầm đó.” Và còn tiếp:

„ Có một hiện tượng không tốt là các phương tiện truyền thông của ta và cả giới nghiên cứu lí luận thì coi Nghị quyết nào của Đảng cũng đúng. Cứ có Nghị quyết nào ra là viết bài ca tụng hoan hô ầm ĩ. Cho đến khi có Nghị quyết đi vào đời sống hàng chục năm mới thấy là sai lầm. Trung ương phát hiện sai lầm và sửa chữa. Đáng lẽ giới lí luận và báo chí phải giúp Trung ương phân tích cặn kẽ những sai lầm đó, tìm ra nguyên nhân để chữa trị. Nhưng họ không làm thế. Họ lại tập trung ca tụng sự dũng cảm, sáng suốt đã phát hiện ra sai lầm. Rồi lại chờ ca tụng một Nghị quyết mới. Chính lề lối làm việc này đã làm nhiễu loạn tư tưởng, lí luận và đời sống. Nó khiến cho mọi người mất lòng tin vào Nghị quyết và dân gian đã châm biếm : sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng „

Đọc xong tôi cứng họng ngay vì ông Trần Khuê đã viết ra một sự thật hiển nhiên quá, ai mà cãi được! Có lẽ vì thế mà ông bị bắt chăng? . Và như thế thì lại rõ rồi: Tội là ở cái thằng Chủ nghĩa cơ hội chính trị đây mà, biết bao năm nay nó ăn sâu bám rễ vào cái đội ngũ lí luận này mà tác oai tác quái đến mức họ trở thành lươn lẹo như vậy. Rõ ràng là cần phải chống nó ngay lập tức và chống kiên quyết chứ sao lại không được! Ở đây lại xin được trích dẫn một nhận định thiên tài của Lênin : „Không có lí luận thì xu hướng cách mạng mất quyền tồn tại và sớm hay muộn, nhất định sẽ rơi vào tình trạng phá sản về chính trị „ ( Lênin toàn tập,Nxb Tiến bộ,Mát-xcơ-va,1978,T6,tr468 ). Các nhà tư tưởng và lí luận của Đảng ta nghĩ sao đây?

Bây giờ tôi muốn chuyển sang bàn về „Tư tuởng cơ hội chủ nghĩa thực dụng”. Tôi muốn nêu hiện tượng trước. Mặc dù biết rằng kể ra thì bút nào kể cho xiết và cũng đã có nhiều người liệt kê rồi; song tôi cứ bị bận tâm bởi ý nghĩ rằng: nếu không kể thì lại bảo là nói không có sách, mách không có chứng, mà đã không có chứng cớ thì chẳng hoá ra tôi cũng là kẻ cơ hội vu khống ư? Tôi không thể làm được cái việc ví dụ như cứ vu vạ cho người khác là gián điệp, là phản động một cách vô căn cứ được. Một lẽ khác nữa là nếu không có người thực việc thực để ai cũng dễ nhìn thấy có căn cứ mà so sánh suy xét thì lại mắc vào cái tội áp đặt tư tưởng, áp đặt suy nghĩ kiểu như người ta cứ nói là : nền dân chủ của ta là dân chủ XHCN, ưu việt gấp triệu lần dân chủ tư sản ( từ học sinh phổ thông đã được dạy) nhưng nào có ai biết cái dân chủ tư sản nó vuông tròn méo mó ra sao đâu? bảo sao thì nghe vậy thôi!

Hãy điểm qua một cách hết sức thu gọn và hết sức tóm tắt những sự thật tiêu biểu gần đây nhất trong xã hội ta trên các lĩnh vực:

· Trong lĩnh vực Pháp luật-Toà án: Xã hội có một nền dân chủ ưu việt như vậy mà còn tồn đọng đến hàng triệu vụ khiếu kiện; dân thường khiếu kiện ở địa phương không thấu phải khiếu kiện vượt cấp đến mức báo động làm đau đầu cả Quốc hội và Chính phủ. Hàng trăm vụ án sử oan sai, con số cụ thể đã được trình bày vừa qua trước Quốc hội. Ai chịu trách nhiệm? Hay để lâu cứt trâu hoá bùn rồi huề cả làng???

· Trong lĩnh vực Kiểm sát-Công an: Chỉ cần đơn cử duy nhất vụ án Năm Cam: đã phải chịu kỉ luật hoặc ra hầu toà lĩnh án những vị sau: một Viện phó Viện kiểm sát tối cao, một Viện trưởng Viện kiểm sát quận trực thuộc thành phố,hai trưởng phòng giam giữ xét hỏi của hai thành phố lớn nhất và một số kiểm sát viên khác.

Bên Công an :một Trung tướng thứ trưởng Bộ , một Thiếu tướng thứ trưởng Bộ, một lô nữa có cả Đại tá, Thượng tá, Trung tá... Sao lại như thế được nhỉ? Tôi cũng hoàn toàn công nhận rằng khi mới vào Đảng họ đều tử tế và sạch sẽ cả, có vị còn là Anh hùng nữa đấy.

· Trong lĩnh vực Báo chí: ông Phó chủ tịch hội nhà báo kiêm Uỷ viên TƯ Đảng vừa lĩnh án 10 năm tù kèm theo hai nhà báo kém phẩm chất , một vị 10 năm, vị kia 7 năm.

Về văn hoá xin nêu : các cán bộ đầu ngành Văn hoá và Lịch sử đã lợi dụng kinh phí của Nhà nước hoặc tài trợ của nước ngoài để tổ chức những cuộc hội thảo tốn kém nhưng lại phi văn hoá, xuyên tạc và bóp méo lịch sử, gây nên phản tác dụng như: Hội thảo Gia Long, Hội thảo Việt-Nhật lần thứ nhất.

Đến nay do phát hiện ra sai lầm Hội thảo Việt-Nhật lần thứ hai không được tổ chức nữa nên Bộ ngoại giao Nhật đang đòi lại 17300 USD đã tài trợ. Thử hỏi ai đã ăn tiền của nước ngoài để làm những điều có hại cho đất nước, tội đó sao không điều tra xem có phải là gián điệp cho ngoại bang không? ( xin tham khảo những bài viết về các hội thảo đó của tác giả Trần Khuê trên trang Web.Ykien.net phần Đối thoại.).

· Trong lĩnh vực Giáo dục: Do việc liên kết với nước ngoài để mở Đại học châu Á có nhiều khuất tất, gây thiệt hại cho hàng ngàn sinh viên nên hai thứ trưởng của Bộ đã bị kỉ luật : Vũ Ngọc Hải đã về hưu và Trần văn Nhung còn đương chức. Việc tiến hành các chương trình cải cách giáo dục từ năm 1981 đến nay đã gây lãng phí rất nhiều tiền của thế mà nay tích cực làm lại từ đầu và làm vô thời hạn .Những việc này bắt đầu từ thời ông Bộ trưởng Phạm Minh Hạc, nay cũng chẳng biết qui lỗi cho ai còn ông ta vẫn chễm trệ ở chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng lí luận TƯ. Tôi thực sự bàng hoàng khi đọc những dòng sau đây của GS TSKH Nguyễn Xuân Hãn-ĐHQG Hà nội đăng trên Báo Lao động điện tử ngày 01-06-2003: “ Chưa có một cơ sở lí luận nào cho việc đổi mới giáo dục. Sự chỉ đạo và điều hành ở tầm vĩ mô tiền hậu bất nhất. Mỗi cuốn sách giáo khoa ở nước ngoài được sử dụng ít nhất 10 năm hay lâu hơn nữa. Ở ta trong khoảng thời gian này, thiết kế chương trình-sách giá khoa thay đổi đến 3-4 lần...” Ông này cũng đi đến kết luận giống như ông GS Hoàng Tuỵ khi nhận xét về việc phong chức danh trong khoa học ở ta : Ta làm chẳng giống ai cả !

· Trong lĩnh vực Kinh tế: sự kinh hoàng lên đến tột độ. Tiền thất thoát không biết đâu mà kể, nhưng lại chủ yếu nằm trong các Doanh nghiệp nhà nước-thành phần kinh tế chủ đạo.Thất thoát trong xây dựng cơ bản không ít hơn 50%, một con số thật hãi hùng! Tôi xin vẫn được bám theo chủ đề “tư tưởng cơ hội thực dụng” để trích dẫn: Vụ buôn lậu Hang Dơi được báo chí đánh giá là vụ lớn nhất về buôn lậu ở miền Bắc từ trước tới nay để lại dấu ấn:ngày 20-06-2002 tiến hành khởi tố và do đó Cục trưởng và Cục phó Hải quan Lạng sơn bị kỉ luật, Đồn trưởng, Đồn phó Công an biên phòng Tân thanh Lạng sơn bị cách chức cùng với 12 sĩ quan biên phòng khác. Tháng 12-2002 khởi tố vụ án Lã thị Kim Oanh-Giám đốc Công ty tiếp thị đầu tư và phát triển Nông nghiệp trực thuộc cơ quan Bộ; ngoài việc làm thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng và trong vòng 5 năm giúp ngân sách Nhà nước hao hụt 70 tỉ bà ta còn kéo theo việc khởi tố hai vị thứ trưởng đã về hưu : Nguyễn thiện Luân và Nguyễn Quang Hà ; ngày 16-01-2003 tiếp tục khởi tố Vụ trưởng Tài chính kế toán Phan văn Quán và Vụ trưởng Kế hoạch qui hoạch Huỳnh Xuân Hoàng. Và thời sự nhất là vào những ngày tháng 5-2003 ta vừa nghe tin Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Nhậm và phó Tổng giám đốc Đinh văn Ngà của VIETPETRO bị cách chức và sắp ra hầu toà vì những khuất tất trong việc bảo kê đấu thầu khu công nghiệp lọc dầu Dung quất trị giá 742 triệu USD.Bao nhiêu triệu đô là cái giá mà họ phải trả cho hành vi của mình và không biết còn có ai liên quan ? cũng phải chịu khó chờ đến hồi sau vậy.

· Có một điều nổi bật nữa là các quan tham có chức vụ Đảng, có quyền hành trong tay còn không từ cả việc xơi những khoản từ thiện giúp đỡ đồng bào bị thiên tai và cắt xén chia chát hàng trăm tỉ của chương trình xoá đói giảm nghèo do Nhà nước hoặc các tổ chức nước ngoài tài trợ.

· Một điều đáng nói nữa là thứ cơ hội của những kẻ có ô dù bao che: nào là con đẻ ông Thủ tướng dính líu vào đánh bạc và tội phạm, rồi đến con nuôi ông nữa,nguyên là Giám đốc Sở Công nghiệp thành phố HCM cậy thế ông liên kết với những kẻ bất hảo đi săn động vật hoang dã nơi rừng cấm bị bắt quả tang ; nào là con gái ông Chủ tịch Quốc hội sài tiền như rác, chỉ một buổi sinh nhật mà đốt hết 70000 USD; có những kẻ ỷ thế ô dù còn hành hung cả người thừa hành công vụ! Đó chỉ là những trích dẫn khiêm tốn, còn biết bao nhiêu cậu ấm cô chiêu của các quan Cách mạng đã dính líu vào đua xe, cờ bạc, ma tuý, buôn lậu, thật khó mà biết hết!

Thật đau lòng mà phải nói rằng ở bất cứ đâu, trong bất cứ lĩnh vực nào của xã hội, tư tưởng cơ hội thực dụng cũng đang hiện diện. Nó đang tàn phá huỷ diệt dần đất nước và con người đặc biệt là bộ máy của Đảng và Nhà nước. Hình như nơi đây chính là mảnh đất màu mỡ để nó sinh sôi nảy nở vì rằng sao đã chống liên tục, chống mãi vẫn không hết, mà còn có nguy cơ tràn lan, năm sau tổng kết lại nhiều hơn năm trước?

Chính thực tế đó đã đặt ra nhiều câu hỏi cho những người có lương tri:

-Vậy thì Đảng có biết không nhỉ?

-Xin thưa : Có chứ, biết từ lâu rồi là đằng khác, mà còn biết là ở mức báo động đỏ nữa!

-Dẫn chứng: Trong bài báo “Đảng ta là Đảng cầm quyền” đăng trên Báo Phụ nữ thành phố HCM ngày 04-09-1999 có viết : “… Sự ruỗng nát trong cơ thể Đảng và bộ máy nhà nước ta là nguy cơ có thực và là căn bệnh đang phát triển , ở điểm báo động đỏ.” Xin nói thêm rằng tác giả bài báo là ông Trần Bạch Đằng, một chuyên viên lí luận cao cấp của Đảng CSVN đã từng tham gia soạn thảo các nghị quyết của Đại hội Đảng.

-Thế Đảng ta có vạch mặt chỉ tên lũ cơ hội thực dụng này không?

-Có chứ!

Lại xin phép được trích dẫn ăn theo ông Nguyễn Thanh Giang một số điểm trong cái công trình rất có giá trị của bà Phó giáo sư Tiến sĩ-Phó Ban kiểm tra TƯ Đảng như sau:

“ Chủ nghĩa cơ hội thường gắn liền với chủ nghĩa thực dụng . Loại này là đặc trưng ở một số người chỉ chú tâm đến lợi ích cá nhân... ngại khó ngại khổ nhưng lại đầy tham vọng về công danh quyền lực nhằm mục đích cá nhân là “vinh thân phì gia”.” “ một số người khéo léo luồn lách, nịnh bợ , luôn luôn lấy lòng các cấp lãnh đạo ... lại đang có cơ hội để thăng quan tiến chức . Khi nắm được quyền lực, số người này quay lại đối xử hách dịch với quần chúng cấp dưới , quan liêu trù úm ... họ chỉ làm việc vì lợi ích cá nhân của chính họ “ “... họ không đủ dũng cảm để nghe những ý kiến trung thực , thẳng thắn, có tính chất xây dựng của quần chúng, của cấp dưới ... họ tìm cách cô lập những người đấu tranh thẳng thắn, bịt mọi ý kiến trong quần chúng về khuyết điểm của mình, thậm chí còn dùng cấp trên để răn đe những ý kiến của quần chúng.” ....“Để tiến thân bằng chức tước, họ tìm mọi thủ đoạn, quên cả tình nghĩa, thậm chí chà đạp lên cả đồng chí, đồng đội... Họ dối trên lừa dưới, thực hành dân chủ một cách hình thức, trong thực tế là mất dân chủ, để hợp thức hoá các quyết định mang tính độc đoán cá nhân . Lãnh đạo các cấp chỉ nhận được những thông tin sai lệch với thực tế , lại thiếu kiểm tra, kiểm soát, cho nên đã để cho chủ nghĩa quan liêu, xa dân trở thành mảnh đất mầu mỡ cho những kẻ cơ hội thực dụng phát sinh và phát triển “.

Đọc xong những dòng này tôi thấy tác giả viết sao mà đúng đến như vậy! Theo thói quen suy ngẫm tôi liền đọc lại nhưng cảm thấy có cái gì đó ngờ ngợ ? Đọc thêm một lần nữa tự nhiên tôi thốt lên : chu cha ! vẫn là chuyện của muôn năm cũ! Sao lại thế ? Vì rằng cứ nhìn lại sử sách mà xem, những nhân cách mạt hạng như thế đã được các cụ nhà ta ngày xưa viết hết, tả hết rồi! Đó là chuyện của các triều đại phong kiến xa xăm, nhất là khi các triều đại đó sắp sửa suy vong. Các cụ thường có câu : “ vắng minh quân ắt có kẻ nịnh thần”, xem ra từ bắc chí nam, từ đông sang tây đâu cũng thế cả thôi ; chỉ có điều bây giờ ở ta thì kinh hãi gấp bội vì phải chăng đó là “Vương triều Phong kiến thời hiện đại”???

Vì nhận định của ông Nguyễn Thanh Giang đây là một công trình rất có giá trị, nên không đừng được tôi đã tìm đọc nguyên bản trên Tạp chí Cộng sản số 8, tháng 3-2003. Sau khi đọc xong tôi thấy rằng có lẽ không một tính cách xấu xa nào của bọn cơ hội thực dụng trong Đảng và Chính quyền lọt qua được con mắt sắc sảo của bà và những biện pháp bà đề ra để chống lại bọn này cũng thật là mạnh mẽ và kiên quyết.Tuy nhiên nếu được vinh dự góp ý với bà Tiến sĩ trên cương vị một người dân tôi xin nói thế này : Nên bổ sung ngay cho hoàn chỉnh, đó là phần chỉnh đốn bọn cơ hội thực dụng về tư tưởng lí luận mà tôi đã nêu ở trên, xin phép được gọi là bọn lí luận “đa nguyên con rắn nước”. Và theo tôi công trình rất có giá trị này sẽ thực sự có giá trị và thực sự vĩ đại nếu nó chỉ rõ : “ Nguyên nhân sâu xa và cơ bản nhất của tình trạng cơ hội thực dụng ở nước ta hiện nay là Chủ nghĩa Phong kiến thời hiện đại- tức chế độ độc tài Đảng trị ; và biện pháp cấp thiết trước mắt để chống lại nó là phải trả lại ngay cái “Khát vọng ngàn đời” cho nhân dân đó là : Tự do và Dân chủ .”

Phần trình bày những nhận thức của tôi về Chủ nghĩa cơ hội và Tư tưởng cơ hội thực dụng xin được dừng ở đây để chuyển sang phần thứ hai. Cũng cần nói thêm rằng các tài liệu tham khảo cho phần này ngoài những tư liệu của các tác giả Trần Khuê và Nguyễn Thanh Giang , tôi đều trích dẫn từ Vnexpress.net, Laodong.com , báo Công an và báo An ninh thế giới.

Phần hai

Trong phần thứ hai của bài viết này tôi muốn được nói đôi lời với ông Trưởng ban Tư tưởng-Văn hoá của Đảng CSVN- nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Là một phó dân thường tôi chẳng có hi vọng gì để tiếp kiến ông , mặt khác tôi lại còn lên tiếng ủng hộ những người đang đấu tranh đòi dân chủ thì chắc chắn ông sẽ ra tay với tôi ngay tắp lự như ông đang làm với bao người khác. Ngẫm lại, thôi thì đành mang tiếng là cơ hội chủ nghĩa vậy , tôi chỉ có một cách duy nhất là nhờ vào mạng Internet để làm việc đó. Với dân thường thì ông đã cho giăng “bức tường lửa” để cấm đoán họ rồi, nhưng đối với tôi thì có cấm cũng chẳng được vì thế tôi tin chắc rằng người của ông đang ngày đêm theo dõi sẽ tìm ngay được những dòng này để trình với ông ; vậy thì tại sao tôi lại không tận dụng cơ hội đó cơ chứ? Cũng nên để ông biết thêm là : trình độ khoa học công nghệ thông tin của những thuộc hạ ông vẫn chưa đủ đáp ứng cho mưu đồ cấm đoán và bưng bít thông tin của Đảng các ông đâu ; mà ông cũng nên coi chừng ! chính những bài vở, thông tin lại được lưu thông phát tán từ đây đấy, vì theo dõi, xem mãi, đọc mãi rồi người ta vẫn có thể sáng ra trong đầu một điều gì đó đấy ông ạ.

Trước hết xin được hỏi: Cái Chủ nghĩa cơ hội chính trị mà ông loan báo để làm tiền đề dẫn dắt mọi người chống lại nó là cái gì vậy ?

Ở đầu đề bài viết của mình Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang có dùng từ “Thử bàn” và ở phần cuối lại đặt câu hỏi “có phải chăng”,chẳng qua là ông ấy muốn gợi mở để người đọc độc lập suy nghĩ , nhưng tôi thì cứ nói toạc móng heo ra thế này: Ông Nguyễn Khoa Điềm đang dọn đường cho bộ máy công an của ông ấy triệt hạ tất cả những người đấu tranh cho tự do ngôn luận ,tự do báo chí, tự do lập hội, tự do phản ứng lại những bất công trong xã hội và trước pháp luật, vì họ là bọn “cơ hội chính trị” có phải vậy không thưa ông ?

Thế thì hãy dựa vào ý kiến của lãnh tụ Lênin và chính những điều mà bà phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra TƯ của Đảng các ông đã tổng kết , xin hỏi : Những ý kiến và quan điểm của họ có mập mờ khó hiểu,có vì mục đích cá nhân không ? lí luận của họ có quanh co như con rắn nước không ? hay là họ ôn hoà đến ung dung, thẳng thắn và trung thực vạch ra những điều sai trái, còn góp ý thì thật là tâm huyết công bằng ? và còn đáng khâm phục hơn là họ sẵn sàng chấp nhận cả hi sinh cá nhân mình , bất chấp giam cầm đầy ải không xét xử!

Vậy ông có dám cho đăng công khai trên báo chí của các ông những ý kiến góp ý với Đảng và Nhà nước của các vị : Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Lê Giản, Nguyễn Hộ, Cao Hồng Lĩnh, Trần Khuê, Hà Sĩ Phu, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình,Trần Dũng Tiến, Phạm Hồng Sơn v.v… lại còn những ý kiến của các vị đáng kính đại diện cho các tôn giáo như các Hoà thượng Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, Linh mục Nguyễn văn Lý ? Chắc chắn là không rồi! Bằng các phương tiện truyền thông độc quyền và bộ máy đàn áp các ông vu gán cho người ta đủ các thứ tội, trong khi đó lại ngăn cấm người dân tìm để hiểu những ý kiến, nguyện vọng, tâm tư cụ thể của họ thì làm sao có thể gọi là dân chủ và công bằng được ???

Tôi đã đọc, đã suy nghĩ về những điều họ viết ( xin có lời khuyên ai chưa đọc nên tìm đọc ), tôi thấy rằng có chăng họ chỉ “cơ hội” ở một điểm là họ thành tâm nhiệt huyết mong cho Dân tộc Việt nam “một cơ hội hoà nhập” với Nhân loại văn minh của Thế kỉ 21. Thử hỏi làm sao Thế giới văn minh ngày nay lại có thể công nhận được chúng ta trong khi xã hội không có tự do, các quyền dân chủ cơ bản bị tước đoạt, cấm tự do ngôn luận tự do báo chí, phát biểu chính kiến lại bị bắt bớ đàn áp dã man ? Làm sao chúng ta có thể hội nhập được trong khi hai bàn tay bê bết bẩn thỉu còn bộ mặt thì lại lem luốc khó coi như vậy ?
Ai là người đã ra lệnh thực thi những chuyện bắt bớ giam cầm vô lối đó nếu không phải là những người có quyền lực cao nhất của Đảng trong đó có ông ,thưa ông Nguyễn Khoa Điềm ?

Thật nực cười và cũng thật tội nghiệp cho bà Phan Thuý Thanh-cái loa của các ông. Bà ta giống hệt một con rối vờ vịt trên sân khấu khi lấp liếm những sự thật mười mươi mong hòng lừa bịp dư luận bên ngoài và dân đen bên trong. Thử hỏi có phải chính các ông đang là những kẻ thực thi Chủ nghĩa cơ hội chính trị để mong duy trì lợi ích kinh tế cá nhân, quyền lực và sự cai trị của mình trên một nền tảng đã quá mục ruỗng, không còn phù hợp với xu thế hiện nay ?

Thôi thì cứ tạm cho rằng các ông có cái Chủ nghĩa của các ông còn chúng tôi có những chính kiến của chúng tôi, nhưng ông cần phải thấy cho rõ điều này : Đảng mà các ông đang đại diện, xét về mặt tư cách nó không còn là Đảng Cộng sản nữa rồi. Trên thực tế nó là Đảng của bọn cơ hội quyền lực và kinh tế. Cho dù vẫn còn có những đảng viên trung thực và liêm khiết, nhưng quyền lực lại bị thao túng trong tay bọn Tư sản đỏ với những tham vọng vô biên về tiền tài danh vọng thì liệu nhân dân có thể trông mong gì được ở họ ? bởi vậy Đảng của các ông không còn và không thể đại diện cho lợi ích chân chính của Dân tộc, cho dù có níu kéo, có rêu rao trên các phương tiện truyền thông độc quyền cũng chẳng ăn thua gì. Tôi dám cam đoan với ông rằng nếu bây giờ cho trưng cầu ý kiến của nhân dân kể cả đảng viên bằng cách bỏ phiếu kín thực sự dân chủ,các ông sẽ chuốc được kết quả thảm hại .

Bây giờ với tư cách phó dân thường tôi xin góp ý với ông một số điểm như sau:

· Cái chức Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hoá TƯ của ông trong Đảng được bầu hay được cử ra sao là chuyện nội bộ Đảng của các ông, nhưng ông cũng nên xác định cho rõ để khỏi mập mờ với Nhân dân : Ngoài số hơn hai triệu đảng viên ra, những người dân Việt chẳng có ai muốn bị ông quản lí tư tưởng và văn hoá của họ , và đặc biệt là chớ có áp đặt những thứ đó với họ, vi phạm hiến pháp đấy! ( ngay áp đặt đối với các đảng viên cũng là phạm luật rồi ). Nhân đây tôi xin đề nghị thêm là nên đổi tên cái Ban này thành “Ban giáo dục tư tưởng và văn hoá cho đảng viên”. Chắc chắn là với cương vị của mình ông sẽ có biết bao nhiêu việc cần làm ngay với bọn cơ hội lí luận, cơ hội chính trị, cơ hội thực dụng trong Đảng để sao cho lí luận được “ngay ngắn nhất nguyên” , sao cho dẹp hết bọn cường hào ác bá , bọn tham quan ô lại mới , ngõ hầu may ra có thể cứu vãn được chút nào niềm tin của nhân dân với Đảng.

· Nếu Đảng thực sự là đầy tớ của nhân dân, là con em của dân tộc như các ông vẫn nói thì xin hãy đặt nó vào đúng vị trí, nghĩa là đừng đặt nó lên trên Tổ quốc, lên trên Quốc hội, lên trên Toà án ( Luật pháp ). Hãy thực lòng mời tất cả những người hiền tài, trung thực, liêm khiết trong nhân dân tham gia góp ý xây dựng đất nước, không được dở trò đe doạ trù úm, bắt bớ vô lối.
· Vì ông là nhà lí luận nên tôi cũng xin đề nghị : về mặt tư tưởng và lí luận, với thực trạng mục nát của Đảng hiện nay cần phải kiên quyết chống cho được ba căn bệnh :

1. Bệnh kiêu ngạo cộng sản : lúc nào cũng cho mình là vô địch, thích dạy dỗ giáo dục người khác mà quên cả việc là phải giáo dục chính mình, quên bẵng cả mình chính là con đẻ của Nhân dân vĩ đại.

2. Bệnh sĩ diện cộng sản : bao giờ cũng chỉ cho mình là đúng, là nhất, vì thế khi sai không dám vạch ra cái sai , sai quá rõ rồi mà cũng không muốn nhận.

3. Bệnh nguỵ biện cộng sản : căn bệnh này là do hậu quả của hai căn bệnh trên. Vì kiêu ngạo và vì sĩ diện, nhằm che dấu sự thật, che dấu sai lầm nên mới sinh ra thói mập mờ lươn lẹo, nguỵ biện cả về tư tưởng và lí luận.

Tôi tin rằng với cương vị của ông, ông sẽ có vai trò to lớn trong việc điều hành những công việc trên . Bằng không cứ độc tài Đảng trị , cứ áp đặt tư tưởng bắt người ta phải nói và nghĩ theo mình trong một hành lang độc thoại ; trong khi đó nội bộ thì mục ruỗng để rồi những gì không còn bưng bít được nữa cứ lòi dần ra những khuôn mặt đảng viên có chức có quyền nhớp nhúa, buộc phải kỉ luật, phải khai trừ, phải lĩnh án thì lại uốn lưỡi rằng Đảng ta là sáng suốt, kỉ luật nghiêm minh! Cứ tình hình này chẳng hoá ra Đảng của các ông là trường đào tạo ra cái lũ mất nết ấy hay sao ? Rồi lại đào thải vào hàng ngũ của Nhân dân, thế thì mấy chốc mà Đảng sẽ tha hoá cả Dân tộc mình ? Và tội lỗi này do ai ?. Xin nói : chẳng có ai khác, chính là những kẻ đang thao túng quyền lực chính trị và đang thực thi “Chủ nghĩa cơ hội .”

Để cho mạch suy nghĩ khỏi đơn điệu, tôi xin được nhắc đến người tiền nhiệm xuất sắc của ông Nguyễn Khoa Điềm: ông Tố Hữu-một nhà thơ cách mạng rất nổi tiếng với “ Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ “ .Là nhà thơ, nhưng khi có quyền lực trong tay rồi nghĩa là sau khi lên chức Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hoá TƯ thì ông ta thật đáng kinh sợ. Một tay ông ta đã vùi dập hãm hại bao nhiêu tâm hồn, tài năng chỉ vì họ dám thể hiện chính kiến của mình qua cách nhìn nhận cuộc sống đa dạng bằng văn học nghệ thuật. Ông Tố Hữu tuy không còn nữa, nhưng những nhân chứng về vụ Nhân văn Giai phẩm gần nửa thế kỉ qua vẫn còn sờ sờ ra đó. ( xin tìm đọc Hồ sơ Nhân văn Giai phẩm trong trang Web danchu.net ). Thái độ áp đặt tư tưởng, không thèm đếm xỉa gì đến suy nghĩ và tư tưởng của người khác, nhất là đối với văn nghệ sĩ và trí thức có tâm huyết với đất nước, lại còn lợi dụng quyền lực chính trị để trù dập , hãm hại họ, tôi xin nhắc lại, chẳng qua là biểu hiện nổi bật việc thực thi “Chủ nghĩa cơ hội chính trị” của những kẻ độc tài mà Tố Hữu là một điển hình. Ông ta đã quá say sưa với vinh quang cá nhân và sự độc tài về tư tưởng mà quên mất rằng cho dù mình có là một thi sĩ thiên tài đi nữa thì cũng không bao giờ có thể đem cái thiên tài ấy sang ngang vào lĩnh vực chính trị và kinh tế được. Chắc mọi người vẫn còn chưa quên : sau năm 1975, trong thời kì xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước, với tư cách là Phó Thủ tướng thường trực, phụ trách cái gọi là “Chính sách Giá-Lương-Tiền” ông ta đã góp phần đáng kể giúp cho nền kinh tế xã hội của đất nước cũng như đời sống của nhân dân ta gặp biết bao điêu đứng ! Đã có nhiều ý kiến nhận định về con người này và chắc chắn sẽ còn có những sự thật được phanh phui tiếp. Chúng tôi vẫn bình tâm chờ đợi.

Tôi chợt nghĩ đến hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm :

“ Mẹ đi theo Đảng, mẹ theo Bác Hồ,
Mai sau con lớn làm người tự do. “

Tôi cứ phân vân mãi : Khi những con người như ông Nguyễn Khoa Điềm và ông Tố Hữu đã đạt đến đỉnh điểm của sự tự do ( bằng cách nào thú thực tôi cũng chưa biết ? ), chẳng lẽ các ông lại có thể duy trì tự do của mình bằng cách thẳng tay chà đạp tự do của kẻ khác???

Tôi không biết làm thơ, nhưng yêu thơ và có lẽ suốt đời tôi tâm đắc và ghi nhớ một bài thơ ngắn của một thầy giáo dạy văn hồi tôi còn học trung học phổ thông, xin được chép ra đây và cũng là để kết thúc bài viết này. Bài thơ có thể chưa thật đúng lắm với con người của Nhà thơ-ông Trưởng Ban TT-VH TƯ Nguyễn Khoa Điềm, song chắc hẳn là đúng với tất cả những kẻ có quyền có chức theo “Chủ nghĩa cơ hội chính trị” trong Đảng của ông. Bài thơ có nhan đề :

Phê và tự phê.
Phê người thường rất dễ
Giọng lưỡi minh thông, mạnh mẽ hùng hồn
Phê mình : ngất ngưởng đỉnh non
Khuyết nhược điểm trở thành lặt vặt!
Ôi, mắt làm sao nhìn thấy mắt?
Không soi gương biết mắt màu gì?
Những kẻ phê người thường hay dấu gương đi!

Hà nội, 05-06-2003.

Bắc Hà.

Trở về trang chính