Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

Singapore chống tham nhũng thế nào?

 

Đường phố Singapore năm 1962

Đường phố Singapore năm 1962

8/20/2006

(Theo "Bí quyết hoá rồng" của Lý Quang Diệu)

Để xây dựng một Chính phủ trong sạch, Lý Quang Diệu và các đồng sự của ông đã đặt quyết tâm chống tham nhũng lên hàng đầu bằng những biện pháp mạnh mẽ, cứng rắn, quyết đoán và quyết liệt.

Nhờ đó, Singapore tránh được nhiều tổn thất lớn trong quá trình phát triển và tạo dựng được một Chính phủ tài năng, trong sạch, vững mạnh, biến Singapore từ quốc đảo nhỏ bé thành con rồng châu Á với mức thu nhập bình quân đầu người 22.000 USD/năm, đứng hàng thứ 4 trên thế giới.

Xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch ngay từ trứng nước

Khi đảng PAP (People Action Party, Đảng Nhân Dân Hành Động) lên nắm chính quyền vào năm 1959, chúng tôi bắt đầu xây dựng một bộ máy chính quyền trong sạch. Một quyết định quan trọng mà chúng tôi thực hiện trước cuộc tổng tuyển cử tháng 5/1959 là nhấn mạnh quan điểm của chúng tôi đối với tệ tham nhũng.

Sự cám dỗ đang có mặt ở khắp mọi nơi chứ không chỉ riêng ở Singapore. Lấy ví dụ, viên chức đầu tiên tiếp xúc với những người nước ngoài khi họ bước chân vào lãnh thổ một quốc gia chính là nhân viên phòng hải quan và nhập cư. Ở nhiều sân bay tại Đông Nam Á, du khách thường thấy sự chậm trễ trong khâu thủ tục hải quan cho đến khi nào họ đã sẵn sàng một số tiền đút lót đúng lúc (thường là tiền mặt).

Cái thực tế phiền hà ấy cũng hiện diện ở những CSGT, khi buộc phải ngừng xe do bị vin vào lý do tốc độ, lái xe phải nộp bằng lái cùng với việc tiếp theo là một số tiền ước lượng bằng đô la để tránh những hành động xa hơn. Các sĩ quan cao cấp cũng chẳng nêu được một tấm gương tốt. Ở nhiều thành phố trong khu vực, thậm chí nhập viện sau một tai nạn giao thông cũng cần một khoản đút lót để được chăm sóc mau lẹ. Những người có chức vụ nhỏ không thể sống nổi bằng đồng lương của họ và thực tế đó đã lôi kéo họ đến sự lạm dụng quyền lực.

Chúng tôi ý thức sâu sắc sứ mệnh của mình là kiến lập một chính quyền trong sạch và hiệu quả. Vào tháng 6/1959, khi tuyên thệ tại nghi lễ nhận nhiệm kỳ ở văn phòng HĐND thành phố, tất cả chúng tôi đều mặc áo sơ mi trắng và quần trắng tượng trưng cho sự thanh khiết và lương thiện của mình trong hành vi cá nhân cũng như trong cuộc sống cộng đồng. Đây là điều mà nhân dân đã kỳ vọng ở chúng tôi và chúng tôi quyết định phải sống xứng đáng với những kỳ vọng đó...

Tất cả các Bộ trưởng của tôi, ngoại trừ một người, đều là những người đã tốt nghiệp ĐH. Hết nhiệm kỳ, chúng tôi tin là mình có thể kiếm sống được và những nhà chuyên nghiệp giống như tôi luôn sẵn sàng làm điều đó. Chúng tôi không cần phải dành dụm một cái gì đó để phòng những trường hợp có thể xảy ra. Quan trọng hơn, hầu hết chúng tôi đều có những người vợ lao động có thể nuôi dưỡng gia đình nếu chúng tôi bị vào tù hay không còn xuất sắc trong công việc được nữa. Yếu tố này định hướng quan điểm của các Bộ trưởng và vợ của họ. Khi các Bộ trưởng chiếm được lòng tin và lòng kính trọng của người dân, các công chức còn có thể ngẩng cao đầu và tự tin ra quyết định. Điều này đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến của chúng tôi với những người cộng sản.

Từ ngày lên nắm chính quyền vào tháng 6/1959, chúng tôi chắc chắn rắng mỗi đồng đô la trong tổng thu nhập đều phải được giải thích một cách hợp lý và sẽ đến với người dân nguyên vẹn là một đồng đô la mà không bị rút bớt đi ở dọc đường. Vì vậy, ngay từ buổi đầu, chúng tôi đã đặc biệt chú ý đến những lĩnh vực mà sự lộng quyền được khai thác cho lợi ích cá nhân và đồng thời mài nhọn những công cụ có thể ngăn chặn, phát hiện và cản trở những thủ đoạn này.

Chúng tôi quyết định tập trung vào những người đảm nhận chức vụ lớn ở các cơ quan hành chính cấp cao và cho CPIB (Ban Điều tra hành vi tham nhũng - người Anh thành lập vào năm 1952), hướng vào mục tiêu mà chúng tôi ưu tiên. Đối với những đối tượng nhỏ hơn, chúng tôi đơn giản hoá thủ tục, tẩy trừ sự lạm quyền bằng đường lối chỉ đạo được công bố rõ ràng, thậm chí huỷ bỏ nhu cầu cấp giấy phép hoặc phê chuẩn trong những phạm vi ít quan trọng. Mỗi khi chúng tôi gặp khó khăn trong việc kết tội khi truy tố, chúng tôi siết chặt hơn luật pháp trong lĩnh vực đó.

Tăng tiền phạt tối đa tội tham nhũng từ 10.000 đô la Sing lên 100.000

Năm 1960, chúng tôi thay đổi Luật chống tham nhũng đã lỗi thời của năm 1937 và mở rộng định nghĩa về quà cáp để chỉ bất cứ thứ gì có giá trị. Sự sửa đổi này nới rộng quyền lực của các điều tra viên, kể cả quyền bắt giữ, khám xét, thanh tra tài khoản ngân hàng, số ghi tiền gửi ngân hàng của những kẻ bị tình nghi cũng như của vợ, con và thuộc hạ của họ. Người quản lý thuế thu nhập buộc phải đưa ra những thông tin có liên quan tới bất kỳ ai đang bị điều tra.

Luật hiện hành quy định rằng, chứng cứ do kẻ đồng phạm khai ra không có giá trị tin cậy trừ phi được chứng minh. Chúng tôi đã thay đổi bằng cách cho phép các quan toà chấp nhận lời khai của kẻ đồng phạm là chứng cứ.

Với sự nhạy bén, tinh tế và quyền hạn được điều tra bất kỳ viên chức hay vị Bộ trưởng nào, vị Giám đốc của CPIB, đang làm việc tại Phủ Thủ tướng, nổi danh trong việc phát hiện ra những kẻ phản bội lại lòng tin của nhân dân.

Năm 1963, chúng tôi thực hiện việc bắt buộc các nhân chứng, được triệu tập bởi CPIB, phải có mặt để cung cấp thông tin. Năm 1989, chúng tôi tăng tiền phạt tối đa đối với tội tham nhũng từ 10.000 đô la Sing lên đến 100.000 đô la Sing. Cung cấp thông tin giả hoặc lừa dối CPIB sẽ bị phạt tù và số tiền nộp phạt lên đến 10.000 đô la Sing, các quan toà được quyền sung công những khoản tiền có nguồn gốc từ tham nhũng.
Đưa ra những chuẩn mực đạo đức cao, lên án mạnh mẽ và đề ra quyết tâm tiêu diệt tham nhũng thì dễ dàng. Nhưng sống theo những lý tưởng tốt đẹp này thì vô cùng khó khăn, trừ phi người lãnh đạo có đủ mạnh mẽ và quyết tâm để đương đầu với kẻ phạm tội và không có sự ngoại lệ nào. Nhân viên CPIB phải được ủng hộ để thực thi luật, không e dè hay thiên vị.

Trả lương tương xứng năng lực

Điều kiện tiên quyết đối với một chính quyền lương thiện là những người ứng cử không phải cần đến một số tiền lớn để được đắc cử, nếu không nó sẽ khởi sự một chu trình tham nhũng. Nguyên nhân suy sụp của hầu hết các quốc gia châu Á chính là cái chi phí quá cao của những cuộc bầu cử. Sau khi đã chi một số tiền lớn để được đắc cử, người chiến thắng sẽ phải kiếm chác để bù lại chi phí mà họ đã bỏ ra và còn phải tích luỹ những khoản quỹ dành chi cho cuộc bầu cử tới.

Singapore tránh sử dụng tiền cho mục đích thắng cử. Là người lãnh đạo của phe đối lập, năm 1959, tôi thuyết phục Lim Yew Hock thực hiện việc bỏ phiếu bắt buộc và cấm sử dụng xe hơi để đưa cử tri đi bỏ phiếu. Sau khi nắm chính quyền, chúng tôi xoá sạch ảnh hưởng chính trị của Hội Tam Hoàng (một tổ chức bí mật của người Hoa). Địch thủ ghê gớm nhất của chúng tôi là cộng sản đã không dùng đồng tiền để mua chuộc các cử tri. Chi phí dành cho cuộc bầu cử của chúng tôi rất thấp, dưới cả mức tiền mà luật cho phép.

Họ bỏ phiếu cho chúng tôi nhiều lần vì chúng tôi đã cung cấp việc làm, xây dựng trường học, bệnh viện, trung tâm cộng đồng và quan trọng hơn hết là những ngôi nhà mà họ sở hữu. Đó là những lợi ích đáng kể làm thay đổi cuộc sống của họ và thuyết phục họ rằng tương lai của con cháu họ đặt trong tay của PAP.

Mặt khác, Singapore đã chứng minh rằng, một hệ thống bầu cử trong sạch, không có ảnh hưởng của đồng tiền sẽ giúp duy trì một chính phủ lương thiện. Tuy nhiên, Singapore chỉ giữ được sự trong sạch và lương thiện khi nào những con người lương thiện và đầy năng lực sẵn sàng tham gia ứng cử và nắm giữ chức vụ. Họ phải được trả một mức lương tương xứng với những gì mà một người có khả năng và liêm chính có thể được hưởng khi điều hành một công ty lớn hay đang làm những công việc có tính chuyên môn khác. Họ phải quản lý được một nền kinh tế Singapore mà trong hai thập niên qua đạt mức tăng trưởng hằng năm từ 8% đến 9%, và mức GDP bình quân đầu người, theo Ngân hàng Thế giới ước tính, đứng thứ 9 trong những nước cao nhất trên thế giới.

Nếu chúng tôi trả lương quá thấp cho những người đảm nhận chức vụ Bộ trưởng thì chúng tôi không thể kỳ vọng họ ở lại lâu với chức vụ mà tiền lương chỉ bằng một phần nhỏ những gì họ có thể kiếm được ở bên ngoài. Với mức tăng trưởng kinh tế cao và tiền lương cao hơn trong khu vực tư nhân, lương của các Bộ trưởng phải tương xứng với mức lương của những người tương đương với họ trong khu vực tư nhân. Chính vì đồng lương thấp mà các Bộ trưởng và công chức đã làm sụp đổ nhiều chính quyền tại châu Á. Sự trả công thoả đáng là nhân tố quan trọng đối với chuẩn mực liêm khiết của hàng ngũ những nhà lãnh đạo chính trị và viên chức cao cấp.

Điều chỉnh lương khu vực Nhà nước ngang bằng khu vực tư nhân

Sau khi độc lập, tôi hạn định lại tiền lương của các Bộ trưởng, giữ cho mức lương ở các cơ quan dân chính tăng ở mức độ thấp để chúng tôi có thể đương đầu với nạn thất nghiệp và sự tụt hậu của nền kinh tế đồng thời nêu tấm gương về sự chừng mực. Năm 1970, khi tình trạng thất nghiệp không còn trầm trọng nữa, không khí đã dễ thở hơn, tôi tăng lương cho các Bộ trưởng từ 2.500 đôla Sing lên 4.500 đôla Sing một tháng nhưng giữ cố định lương của tôi ở mức 3.500 đôla Sing để nhắc nhở cơ quan dân chính rằng, sự chừng mực vẫn là cần thiết. Cứ vài năm tôi lại tăng lương cho các Bộ trưởng để thu hẹp khoảng cách rộng lớn với mức lương trong lĩnh vực tư nhân.

Khi tôi còn là một Bộ trưởng cấp cao, năm 1994 tôi đã đề nghị lên nghị viện rằng chính phủ nên đặt ra một phương án nhằm tự động hoá việc xét duyệt lương các Bộ trưởng, quan toà, và các công chức hàng đầu theo bản báo cáo thuế thu nhập của khu vực tư nhân. Với mức tăng trưởng kinh tế từ 7% đến 10%/năm trên hai thập niên qua, tiền lương trong khu vực Nhà nước luôn chậm lại sau khu vực tư nhân từ hai đến ba năm.

Năm 1995, Thủ tướng Goh quyết định chọn phương thức mà tôi đề nghị rằng sẽ gắn lương các Bộ trưởng và các viên chức cao cấp với mức lương ở vị trí tương ứng trong khu vực tư nhân. Điều này sẽ tự động làm cho thu nhập của họ tăng khi thu nhập trong khu vực tư nhân tăng.
Trong cuộc tổng tuyển cử 18 tháng sau đó, Thủ tướng thông qua toàn bộ cử tri mặc dù phe đối lập khai thác vấn đề tiền lương của các Bộ trưởng. Người dân cần một chính phủ trong sạch, lương thiện và tài giỏi nhằm mang lại những thành quả tốt đẹp. Và đó chính là những gì mà đảng PAP đã đạt được.

Hiện tại, không quá khó khăn trong việc tuyển chọn nhân tài từ khu vực tư nhân. Trước khi phương án tiền lương được thực thi, các luật sư giỏi kiếm được 2 triệu đôla Sing. Nếu không có sự thay đổi này, chúng tôi không bao giờ có thể bổ nhiệm được những luật sư giỏi nhất vào bộ máy tư pháp. Chúng tôi còn kết hợp lương của bác sĩ và những nhà chuyên môn khác trong cơ quan Nhà nước với thu nhập của những người tương đương họ trong khu vực tư nhân. Phương án tiền lương này không có nghĩa là gia tăng lương mỗi năm, vì thu nhập trong khu vực tư nhân có thể tăng hoặc giảm. Điển hình là sự kiện năm 1995 khi thu nhập trong khu vực tư nhân giảm xuống, do đó năm 1997 lương các Bộ trưởng và viên chức cao cấp cũng bị giảm theo.

Bầu một tổng thống có sự uỷ thác độc lập từ cử tri để chống tham nhũng

Để đề phòng những người thiếu trung thực và không lương thiện vào bộ máy Chính phủ, trong một buổi mít tinh chào mừng Ngày Quốc khánh vào tháng 8/1984, tôi đã đề nghị nên bầu ra một tổng thống để bảo vệ đội ngũ viên chức dự bị của quốc gia. Tổng thống cũng sẽ có những quyền cao hơn cả một Thủ tướng, chẳng hạn, tổ chức các cuộc điều tra tham nhũng đối với chính Thủ tướng và các Bộ trưởng của ông ta hoặc các viên chức cao cấp, và có quyền phủ quyết sự bổ nhiệm không thích hợp vào các vị trí cao cấp như chánh án, bộ trưởng quốc phòng, tổng nha cảnh sát. Một tổng thống như thế sẽ cần đến sự uỷ thác độc lập từ cử tri.

Nhiều người cho rằng tôi đang chuẩn bị một chức vụ cho bản thân tôi sau khi rời khỏi chức vụ Thủ tướng. Thực sự tôi chẳng có chút hứng thú nào đối với chức vụ cao cấp này vì nó quá thụ động so với tính khí của tôi. Kế hoạch đề xuất này và những vấn đề liên quan đến nó được thảo luận tự do tại nghị viện năm 1988. Vài năm sau đó, vào năm 1992, Thủ tướng Goh Chok Tong bổ sung hiến pháp chuẩn bị cho việc bầu cử chức vụ Tổng thống. Chúng tôi phải giữ thăng bằng giữa quyền lực của tổng thống và quyền lực tự do hợp pháp của thủ tướng cùng với nội các của ông.

Khi các quốc gia Đông Á từ Hàn Quốc đến Indonesia bị tổn thất bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, tham nhũng và chủ nghĩa gia đình trị làm tình trạng của họ càng thêm khốn khổ. Singapore khắc phục cuộc khủng hoảng tốt hơn vì không có nạn tham nhũng và không có sự tồn tại của chủ nghĩa gia đình trị, hai yếu tố vốn đã làm cho các quốc gia khác phải tổn thất hàng tỉ bạc.

Trong đoạn viết về "xây dựng một chính phủ trong sạch" , Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng dẫn chứng quyết tâm bài trừ tham nhũng của ông bằng việc thẳng tay cương quyết xử lý cả những đồng sự thân cận có dính líu đến tệ nạn này. Trong đó, nhiều vụ nổi bật gây xôn xao trên báo chí. Ví như vụ ông sa thải, tước bỏ mọi quyền hạn của Bộ trưởng Phát triển quốc gia - Tan Kia Gan, lúc đó là Giám đốc hãng hàng không Malaya, vì ông này mượn tay người khác đòi hoa hồng cho việc mua máy bay Boeing; Quốc vụ khanh của Bộ Môi trường năm 1975 là Wee Toon Boon cũng bị bắt giam và bị kết án 4 năm 6 tháng tù (sau đó được giảm nhẹ còn 18 tháng) vì tội nhận hối lộ.
Đặc biệt là trường hợp của Teh Cheang Wan, Bộ trưởng Phát triển quốc gia, sau khi bị phát hiện tham nhũng, nhận hối lộ đã xin được gặp Lý Quang Diệu nhưng ông từ chối với lý do "không thể gặp cho đến khi nào cuộc điều tra kết thúc". Cuối cùng, Teh Cheang Wan đã tự sát để chuộc lỗi.

(Theo "Bí quyết hoá rồng" của Lý Quang Diệu)