Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trừng Phạt Truyền Thông Nói Sai

Minh Đức

Tự do ngôn luận là điều ai cũng muốn . Ai cũng muốn mình được quyền tự do phát biểu những điều mình nghĩ và tự do tìm hiểu các tin tức, các kiến thức hữu ích . Nhưng nghĩ đến tự do ngôn luận thì chúng ta cũng nghĩ đến những hậu quả tiêu cực của tự do ngôn luận như: gây ra tranh cãi, chia rẽ trong quốc gia, lợi dụng tự do ngôn luận để khích động gây bạo loạn, lật đổ chính quyền, lạm dụng tự do ngôn luận để phổ biến tư tưởng sai trái, lạm dụng tự do ngôn luận để đặt điều phỉ báng kẻ khác ... Dù gì chăng nữa, trên thế giới hiện nay đã và đang có các quốc gia cho phép tự do ngôn luận với tư nhân được ra báo, làm đài phát thanh, đài truyền hình ... thế thì vì lý do gì mà các quốc gia đó không bị phá hoại, suy đồi vì các lạm dụng của tự do ngôn luận mà lại trở nên văn minh, hùng mạnh?

Trong một xã hội có tự do ngôn luận, những kẻ lợi dụng tự do ngôn luận phải bị trừng phạt, có thế thì mới ngăn ngừa được những ảnh hưởng tiêu cực của tự do ngôn luận, trong khi giữ lại và phát huy những ảnh hưởng tích cực của nó .

Sự trừng phạt sự sai trái trong truyền thông có thể đến từ nhiều phía:

Sự trừng phạt của quần chúng

Quần chúng chọn cơ quan truyền thông nào có uy tín.

Trong một xã hội có nhiều tờ báo thì quần chúng sau một thời gian đọc và theo dõi sẽ thấy được tờ báo nào thường loan tin trung thực, tờ báo nào thường loan tin sai lạc, tờ báo nào có nhiều thông tin có giá trị có ích lợi cho mình, tờ báo nào chỉ đăng các tin vớ vẩn, vô bổ, đọc mất thì giờ lại tốn tiền mua báo . Dần dần, các tờ báo kém phẩm chất sẽ bị bán kém đi, không thể sống nổi, phải đóng cửa . Tờ báo nào không đáp ứng được với sự mong mỏi của quần chúng sẽ bị đào thải . Độc giả trừng phạt các tờ báo kém phẩm chất bằng cách không bỏ tiền ra mua các tờ báo này .

Tại các nước có tự do báo chí, các báo của nhà nước thường khó sống và khó cạnh tranh nổi với báo chí tư nhân vì báo của nhà nước dĩ nhiên lúc nào cũng phải khen nhà nước mà người dân thì lại muốn đọc tin nói thật là nhà nước làm đúng hay sai chứ không muốn đọc tin lúc nào cũng khen nhà nước . Vì thế tại các nước tự do dân chủ thường không có báo của nhà nước. Dù nhà nước có làm báo thì cũng bán được rất ít vì dân chẳng có bao nhiêu người muốn mua . Nhà nước thì đã nắm trong tay đài phát thanh và đài truyền hình để khen mình rồi . Mà đài phát thanh và đài truyền hình dù có bị dân chê thì lúc nào cũng có ngân sách nhà nước đài thọ cho chẳng quan tâm đến lời hay lỗ.

Tại Nga, sau khi đảng Cộng Sản Nga không còn nắm chính quyền nữa thì tờ báo Pravda, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Nga đã bị mất độc giả dần dần, cuối cùng phải đóng cửa vì đảng CS Nga không còn tiền để đài thọ cho tờ báo. Lúc đó đảng CS Nga không còn nắm quyền nên không thể lấy tiền từ ngân sách nhà nước ra mà nuôi sống tờ Pravada mà phải lấy tiền từ quĩ của đảng, do đảng viên móc tiền túi đóng góp . Tờ Pravda lúc đó vẫn giữ lối viết như thời mà tờ Pravda còn là của nhà nước, lúc còn được nhà nước bỏ tiền đài thọ và không có báo tư nhân cạnh tranh .

Tại miền Nam, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị đảo chánh thì tờ báo Tự Do, vốn được nhà nước ủng hộ trước đó đã bị mất độc giả về tay các tờ báo tư nhân mới ra sau này, dám phê phán nhà nước mạnh bạo hơn và độc lập hơn, rồi cuối cùng tờ Tự Do phải đình bản .

Qui luật này cũng có tác dụng tương tự với các đài phát thanh, đài truyền hình của tư nhân hay của nhà nước . Tại các nước mà tư nhân có thể thành lập đài phát thanh và đài truyền hình thì đài nào có chương trình trung thực, hữu ích, đáp ứng được với sự mong mỏi của quần chúng sẽ được nhiều người xem . Đài phát thanh hay truyền hình nào có nhiều người xem thì sẽ thu hút được nhiều quảng cáo trên đài của mình, do đó tài chánh trở nên dồi dào, có thể phát triển thên bằng cách tăng thêm giờ phát, tăng thêm vùng phủ sóng . Đài nào bị quần chúng chê thì các doanh nghiệp sẽ không muốn đăng quảng cáo trên đó . Thiếu tiền thu vào do quảng cáo, các đài bị quần chúng chê sẽ không đủ tiền để họat động phải thay đổi nội dụng hoặc đóng cửa . Những người làm đài phát thanh hay truyền hình có thể làm thăm do ý kiến quần chúng để biết đài nào được nhiều người theo dõi . Các hãng truyền hình tư nhân có cách đo được số lượng khán giả của các đài được truyền qua dây cáp hay vệ tinh để biết đài nào, chương trình nào được nhiều người xem .

Báo, đài có ảnh hưởng đến quần chúng, ngược lại, quần chúng cũng có ảnh hưởng đến báo, đài . Những báo chí, đài phát thanh, truyền hình muốn được quần chúng chấp nhận thì phải điều chỉnh nội dung, cách thức mình trình bày . Những nội dung và cách trình bày không được quần chúng tán thưởng dần dần bị biến đi. Dù cho trên lý thuyết, báo và đài có thể muốn nói gì thì nói, nhưng trên thực tế, do cách đánh giá của quần chúng, báo và đài sẽ tự động giới hạn nội dụng và cách thức trình bày của mình .

Các báo viết theo lối quá hạ cấp chỉ có một số độc giả nào đó đọc mà thôi . Những nội dung có tính cách quá khích, xa với sự thật cũng chỉ có một số người nào đó đọc mà thôi . Những điều căm thù, quá khích, vô đạo đức cũng có thể làm cho quần chúng bất bình đâm ra tẩy chay báo hay đài nào nói ra .

Tuy nhiên cánh đánh giá của quần chúng cũng tùy theo trình độ giáo dục chung của xã hội và tình hình xã hội . Trong một xã hội mà có nhiều người có kiến thức, biết suy nghĩ thì những bài báo viết cẩu thả, nội dung nghèo nàn sẽ bị đánh giá thấp . Báo chí phải tự nâng cao phẩm chất của mình để sống còn . Trong một xã hội mà nền kinh tế bế tắc, bất lực không đem lại công ăn việc làm cho nhân dân thì các sự chỉ trích gay gắt nhắm vào chính quyền, sự kết án những thành phần làm kinh tế thất bại sẽ được nhiều người hưởng ứng . Vì thế trong một nước có tự do báo chí, chính quyền phải chăm lo nền kinh tế và đời sống của dân . Nếu chính quyền để cho dân khốn khổ thì dân sẽ hưởng ứng các lời chỉ trích gay gắt mà sinh ra bạo động, hỗn loạn xã hội .

Người bị bôi nhọ phỉ báng có thể kiện kẻ nói xấu

Những tờ báo, đài phát thanh hay truyền hình nào vì mục đích muốn câu khách mà đăng những câu chuyện bịa đặt hay nói xấu người khác có thể bị những người bị nói xấu thưa kiện . Nếu kẻ loan tin không chứng minh được mình nói đúng sự thật thì sẽ bị tòa án trừng phạt theo luật lệ . Ngay cả có những điều tuy đúng sự thật nhưng theo qui định của luật phát thì chúng thuộc vào lãnh vực đời tư của cá nhân thì báo chí, đài phát thanh, truyền hình cũng không được quyền nói ra cho công chúng biết . Tại nhiều nước trên thế giới, có luật bảo vệ đời tư của cá nhân . Các cá nhân khác hay chính quyền có bổn phận phải tôn trọng đời tư cá nhân của người khác .

Người dân cũng có thể kiện báo, đài của nhà nước nếu các cơ quan truyền thông của nhà nước nói về mình không đúng sự thật, hay vi phạm đời tư cá nhân của mình.

Sự trừng phạt nhờ có tự do phê phán

Khung cảnh tự do phát biểu, tự do phê phán tạo ra hiện tượng tự sửa chữa những tư tưởng, các ý niệm, các thông tin sai lầm .

Vì các báo, đài cạnh tranh nhau để chiếm niềm tin của quần chúng mà họ phê phán nhau . Báo này vạch ra cái sai, cái dối của báo khác khiến cho báo khác mất uy tín để dành độc giả về cho mình . Kẻ nào nói sai, nói dối sẽ bị trừng phạt bởi các đối thủ của họ, bị vạch mặt trước quần chúng .

Một tờ báo do một nhóm người thao túng, chuyên tung ra các luận điệu xuyên tạc có lợi cho mình sẽ bị những người bất đồng ý kiến dùng các báo khác để phản đối . Nếu không có sẵn các báo khác thì có người sẽ ra tờ báo mới để nói lên quan điểm của mình .

Những kẻ chuyên xuyên tạc, tung tin thất thiệt sẽ bị người khác viết bài phê phán, phản đối. Rốt cuộc, những kẻ xuyên tạc, nói dối sẽ phải chống đỡ, phải đưa ra chứng cớ bảo vệ cho luận điểm của mình .

Sự tự do phê phán sẽ tạo ra sự thảo luận công khai với sự tham dự của đông đảo quần chúng và các báo chí, các đài của cả tư nhân lẫn của nhà nước. Nhờ đó nhiều điều sai lạc sẽ được tự động điều chỉnh bởi quần chúng mà có khi chính quyền không cần phải nhúng tay vào can thiệp. Tự do thảo luận công khai sẽ làm gia tăng dân trí .

Mà tại sao lại nói đến chuyện nhờ chính quyền nhúng tay can thiệp để ngăn cản truyền thông nói sai ? Giữa những người trong chính quyền và người ở ngoài chính quyền có gì khác nhau mà phải nhờ đến chính quyền can thiệp khi truyền thông nói sai ? Những người cầm quyền thật ra không hơn gì những người ở ngoài chính quyền về mặt sáng suốt . Những người ở trong chính quyền cũng có thể vì thiếu kiến thức mà phát biểu sai lầm như những người ở ngoài chính quyền . Những người ở trong chính quyền cũng có thể vì quyền lợi bản thân hoặc phe nhóm mà nói dối như bất cứ ai khác . Điều khác nhau chỉ là những người ở trong chính quyền nắm quyền lực, có guồng máy cảnh sát, tòa án, nhà tù để trừng phạt kẻ nói sai . Vì thế chính quyền chỉ được xử dụng đến khi cần thi hành các điều luật ngăn ngừa lạm dụng tự do ngôn luận .

Nếu một chính quyền được thành lập do dân bầu lên thì đâu phải vì những người đó được dân lựa chọn mà họ trở thành không thể sai lầm . Họ có thể là người có kiến thức, biết cách thuyết phục dân bầu cho mình nhưng họ vẫn có thể có lúc suy nghĩ sai lầm hoặc muốn nói dối . Nếu chính quyền đó được thành lập bằng cách dùng bạo lực mà cướp quyền lực thì những kẻ cướp được chính quyền đó chỉ là những kẻ giỏi xử dụng bạo lực chứ chưa chắc là người có đầy đủ kiến thức về mọi mặt để đòi cái quyền được lãnh đạo về mọi mặt hoặc là người không muốn nói dối . Vậy thì chính quyền cũng có thể bị chỉ trích và phê phán như các báo chí tư nhân bị để điều chỉnh cái sai. Nếu báo chí tư nhân vì có báo chí khác cạnh tranh mà cái sai được vạch ra thì về mặt chính quyền, cũng nhờ có phe chính trị mà đối lập mà cái sai được vạch ra.

Dẹp bỏ sự cạnh tranh trong báo chí bằng cách chỉ cho có báo của chính quyền mới được lưu hành cũng có nghĩa là dẹp bỏ sự phê phán cần thiết để điều chỉnh những điều sai lầm . Tương tự, dẹp bỏ sự cạnh tranh trong chính trị bằng cách dẹp bỏ các tổ chức, đảng phái khác cũng có nghĩa là dẹp bỏ sự phê phán cần thiết để điều chỉnh những điều sai lầm .

Trong một xã hội có nhiều cơ quan truyền thông độc lập nhau, việc một phe nhóm, một thế lực quá khích lợi dụng truyền thông để xúi dục dân chúng đi vào con đường bạo động, quá khích sẽ khó khăn hơn vì luôn luôn có những thành phần ôn hòa hơn lên tiếng vạch ra sự quá lố, vô lý trong các luận điệu xúi dục . Giả sử có một đảng thù ghét một tôn giáo nào đó cầm quyền và giành độc quyền về truyền thông cho mình, đảng này sẽ chỉ nói những điều xấu về tôn giáo đó để gây căm thù nơi quần chúng . Nếu có những cá nhân và tổ chức khác được quyền lên tiếng thì có người sẽ nêu mặt tốt của tôn giáo đó, hoặc bác bỏ những điều xuyên tạc, bịa đặt của đảng cầm quyền về tôn giáo bị trù dập đó . Như vậy quần chúng sẽ bớt quá khích .

Các chính quyền có tính cách quá khích thường muốn ngăn cấm tự do ngôn luận để mình có thể một mình một chợ mà nhồi nhét vào đầu dân chúng các tư tưởng căm thù, quá khích theo ý mình muốn . Lịch sử cho thấy các chính quyền phát xít, các chính quyền cộng sản, các chính quyền tôn giáo có tư tưởng quá khích luôn luôn cấm đoán tự do ngôn luận . Có độc quyền nắm truyền thông thì những kẻ cầm quyền quá khích này mới có thể nhồi sọ dân các tư tưởng đầy tính cách cực đoan, căm thù một cách hữu hiệu. Khi các chính quyền này bất lực trong việc ngăn cấm các luồng thông tin khác, thì quần chúng nhờ tiếp cận với các nguồn thông tin khác nhau mà trở nên bớt quá khích, bớt cực đoan, bớt hẹp hòi hơn .

Óai ăm thay, chính những kẻ muốn độc quyền thông tin để được tòan quyền nhồi vào đầu dân các tư tưởng cực đoan lại thường là những kẻ hay nhân danh "muốn tránh cho dân bị xúi dục bởi các kẻ cực đoan" mà ngăn cấm tự do ngôn luận . Trong khi trên thực tế tự do ngôn luận với nhiều nguồn tin tức khác nhau, nhiều bàn luận khác nhau sẽ làm cho quần chúng bớt qúa khích .

Sự trừng phạt đến từ chính quyền

Để bảo vệ cho sự đoàn kết và ổn định xã hội, chính quyền tại các nước có báo chí và đài tư nhân luôn luôn có luật lệ để ngăn ngừa sự lạm dụng tự do ngôn luận .

Luật cấm loan tin không có thật, bịa đặt

Báo chí, đài phát thanh, truyền hình nào loan tin không đúng sự thật có thể bị chính phủ truy tố ra tòa . Nếu người loan tin không chứng minh được những điều mình nói là có căn cứ thì sẽ bị tòa án trừng phạt . Ký giả Peter Arnett của đài truyền hình CNN, Mỹ, có lần loan tin là trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã có chương trình Snaketail tại Lào dùng hơi độc để giết các binh sĩ Mỹ đào ngũ . Khi các viên chức Bộ Quốc Phòng chất vấn đài CNN về bằng chứng của tin tức đó, Peter Arnett đã không trưng ra được bằng chứng . Đài CNN đã phải lên tiếng thú nhận đó là tin thất thiệt và Peter Arnette bị đuổi việc . Nếu đài CNN không nhận là tin đó sai thì có thể bị Bộ Quốc Phòng kiện vì đưa tin không có thật .

Báo chí loan tin về các vụ tham nhũng của viên chức nhà nước phải có nhân chứng hoặc chứng cớ về các vụ tham nhũng này .

Báo chí loan tin về các hành vi lạm quyền của viên chức nhà nước cũng phải có khả năng đưa ra nhân chứng, chứng cớ liên quan đến hành vi phạm pháp. Thường khi viên chức nhà nước có thể hăm dọa trả thù người làm chứng hoặc phi tang chứng từ, che dấu bằng chứng . Vì thế một quốc gia muốn báo chí có tác dụng trong việc giám sát viên chức chính quyền lại cần phải có tòa án đủ độc lập và hữu hiệu để xử phạt các viên chức hăm dọa nhân chứng, có hành động che dấu chứng cớ . Tại Mỹ, chỉ cần che dấu chứng cớ, bị khám phá ra là không khai với tòa điều mình biết là có thể bị kết tội cản trở việc thi hành luật phát và bị xử tù . Còn hăm dọa nhân chứng thì cũng là vi phạm tội hăm dọa người khác và có thể bị xử tù . Dĩ nhiên là phải có quan tòa đủ độc lập để thi hành các luật lệ đó . Ngoài ra, một số nước còn ra luật cho phép tư nhân được quyền tìm kiếm hồ sơ trong cơ quan nhà nước để đảm bảo vai trò giám sát chính quyền của người dân được thuận lợi .

Luật cấm phỉ báng

Tại một số nước, như Singapore chẳng hạn, báo chí không được phỉ báng, chế riễu các nhà lãnh đạo . Nhưng phần lớn các nước tự do không trừng phạt các báo chí châm chích, chế riễu các nhà lãnh đạo nếu quả như các nhà lãnh đạo này có làm điều gì bậy thật. Trừ khi bịa đặt để nói xấu thì phạm vào tội loan tin thất thiệt . Trong lúc tổng thống Mỹ Bill Clinton bị ủy ban điều tra độc lập của ông Ken Starr chất vấn về quan hệ tình dục giữa tổng thống và cô Monica Lewinsky thì không có đêm nào mà không có chương trình TV đem chuyện đó ra làm đề tài để chọc cười khán giả . Ông Bill Clinton không thể kiện họ được vì họ không đặt chuyện. Nếu ông ta không muốn bị bêu riếu thì đừng làm bậy . Một số người cho rằng chuyện ông tổng thống làm tình với ai thì đó là chuyện đời tư của ông ta, không cần nói đến . Nhưng ủy ban độc lập của Ken Starr không bắt bẻ ông Clinton về tội làm tình mà bắt bẻ về tội ông Clinton nói dối là không hề làm tình với cô Lewinsky, tức là vi phạm lời tuyên thệ lúc lên nhậm chức là sẽ không nói dối.

Nhưng nếu báo nào quá quắt chế riễu những điều không đáng, hay quá hạ cấp thì sẽ bị độc giả coi thường, đánh giá thấp tờ báo và độc giả bỏ không mua báo đó mà quay ra mua báo khác .

Luật cấm tuyên truyền xúi dục bạo động

Có thể nói nước nào cũng cấm tuyên truyền xúi dục bạo động . Kêu gọi dân nổi lên ám sát viên chức chính quyền, hay chém giết người khác, chém giết một thành phần nào đó trong xã hội như kêu gọi tiêu diệt một giai cấp nào đó hay tôn giáo nào đó bị triệt để cấm chỉ .

Tại nhiều nước tự do trên thế giới hiện nay, việc tuyên truyền chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Cộng Sản bị cấm . Chủ nghĩa phát xít chủ trương đề cao tinh thần ái quốc, dùng bạo lực tiêu diệt những kẻ nào chống lại đảng phát xít . Việc dùng bạo lực để tiêu diệt những cá nhân hay tổ chức nào khác ý kiến với mình là vi phạm quyền tự do của công dân trong xã hội vì thế mà bị cấm. Tại các nước mà đảng Cộng Sản có truyền thống chủ trương dùng bạo lực để cướp chính quyền và dùng bạo lực tiêu diệt những người nào không đồng ý với đảng CS thì việc tuyên truyền chủ nghĩa Cộng Sản bị cấm và bản thân đảng Cộng Sản cũng bị đặt ra ngòai vòng phát luật .

Các tôn giáo kêu gọi dùng bạo lực để tiêu diệt những kẻ không cùng tôn giáo hay không chịu nghe theo mình cũng bị cấm họat động và những lời kêu gọi bạo động cũng bị cấm.

Luật cấm xúi dục căm thù

Chính quyền cũng đặt ra luật lệ cấm các bài báo có tính cách tạo ra căm thù, chia rẽ trong quốc gia .

Tại một số nước có phương Tây từ xưa thường có thành kiến thù ghét dân Do Thái . Ngày nay những bài báo, sách vở nói xấu, kỳ thị dân Do Thái có thể bị chính quyền cấm lưu hành vì không muốn để cho một thành phần nào trong nước bị kỳ thị, bạc đãi hay bị đối xử phân biệt . Điều đó cũng áp dụng cho các sắc dân khác tại một nước có nhiều chủng tộc, nhiều nền văn hóa cùng chung sống .

Việc tuyên truyền chủ nghĩa phát xít bị một số nước cấm vì những kẻ theo tư tưởng phát xít thường có thái độ ái quốc quá khích, kết án những kẻ không đồng ý với mình là tay sai ngọai bang, là gián điệp để làm cho quần chúng căm thù những người này và dùng bạo lực mà hành hạ, sát hại họ.

Việc tuyên truyền chủ nghĩa Cộng Sản bị một số nước cấm vì những người Cộng Sản nhân danh quyền lợi của giai cấp công nhân mà mạt sát, nói xấu giai cấp tư sản, kêu gọi quần chúng căm thù giai cấp tư sản, dùng bạo động mà tiêu diệt tư sản. Điều này gây chia rẽ trong quốc gia .

Nói tóm lại, các nước có tự do ngôn luận mà đất nước vẫn giàu mạnh, phát triển là các nước biết cách loại trừ các ảnh hưởng tiêu cực của tự do ngôn luận đồng thời giữ lại và phát huy ảnh hưởng tích cực của tự do ngôn luận giống như loài ngườibiết cách loại trừ ảnh hưởng tiêu cực của một dòng nước gây lũ lụt, làm hại mùa màng, hủy họai môi trường sống ... trong khi biết xử dụng dòng nước đó để làm thủy lợi, làm ra điện . Chỉ vì tự do ngôn luận có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cựa mà cấm hẳn tự do ngôn luận là dại, là vụng về trong cách cai trị .

Minh Đức