Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

Xã hội dân sự và phát triển quốc gia

Phạm Việt Vinh

LTS : Gần đây, đã bắt đầu có những trí thức trong nước lên tiếng đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng một xã hội dân sự. Dự án chính trị Thành Công Thế Kỷ 21 của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng nhìn nhận xã hội dân sự là hình thức tổ chức của một chế độ thực sự dân chủ. Tuy vậy, ít nhất là về mặt lý thuyết tổng quát, xã hội dân sự vẫn còn là một khái niệm tương đối mới mẻ ; trong khi đó, nó lại có một vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí có tính sống còn cho sự phát triển quốc gia - đặc biệt là đối với các nước còn chậm tiến như Việt Nam. Với cách nhìn như vậy, vào tháng 7 năm 2000, hiệp hội "Chính sách phát triển" của các tổ chức phi chính phủ Đức (Verno), Quỹ Nhà thờ Tin lành Đức ("Bánh mì cho thế giới"), và năm Quỹ Viện (Stiftung) thuộc các chính đảng lớn nhất của Đức đã được yêu cầu điều trần tại Quốc hội Liên bang về chủ đề "Vai trò của xã hội dân sự đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia đang phát triển". Buổi điều trần tập trung vào tám chủ đề, trong đó có hai chủ đề phổ quát là nhận diện xã hội dân sự và vai trò của nó đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia. Sau đây là một vài trích dịch do Phạm Việt Vinh thực hiện.

1 ."Xã hội dân sự"- một công thức phát triển xã hội mới ?

(Lời mở đầu của Peter Weiss, nghị sĩ, thành viên ủy ban hợp tác phát triển kinh tế của Quốc hội Liên bang)

Trước hết, xã hội dân sự được hiểu như là một đời sống xã hội diễn ra trong khoảng giữa nhà nước và thị trường; hoặc là nói rất chung, thì đó là hoạt động xã hội của nam nữ công dân, của các hội nhóm và các tổ chức xuất phát từ ý nguyện riêng, không phụ thuộc vào mục đích của nhà nước và những tính toán kinh doanh. Ngay tại nước Đức, người ta có thể phân biệt rất rõ lĩnh vực này về nội dung và khái niệm : Các hoạt động xã hội dân sự được diễn ra trong "khu vực thứ ba" của xã hội, hoặc nói theo tiếng Anh, trong "non profit sector".

Ngày nay, không một hội thảo hoạch định chính sách phát triển nào thiếu vắng thuật ngữ "xã hội dân sự". Ai không muốn bị coi là lạc hậu, đều phải công nhận vai trò to lớn của xã hội dân sự đối với sự phát triển bền vững, lâu dài và phải đề cao việc thúc đẩy xã hội dân sự như là một nhiệm vụ quan trọng trong chính sách phát triển. Liệu tất cả những cái đó chỉ là một mẫu mốt thời thượng ? Suy cho cùng thì bao giờ cũng vậy, tất cả các thảo luận chính sách phát triển đều được đánh dấu bởi việc chúng xoay quanh các khái niệm mới, hoặc có vẻ là mới. Vậy thì đằng sau khái niệm "xã hội dân sự" ẩn chứa những gì ? Nếu cứ theo lời của nhiều chuyên gia về chính sách phát triển, thì xã hội dân sự, hoặc ít hoặc nhiều, phải được coi là một công thức thần kỳ.

2. Phải định nghĩa ra sao về xã hội dân sự ?

(Điều trần của tiến sĩ Reinhard Hermle, chủ tịch Hiệp hội Verno)

Tại nước Đức, từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20, các tranh luận khoa học khoa học xã hội bắt đầu đi sâu vào danh từ "xã hội dân sự". Khái niệm này được dựa vào những tiêu chí truyền thống khác nhau về mặt lý thuyết dân chủ. Khi mà năng lực giải quyết các vấn đề xã hội và khuyến khích sự thăng tiến xã hội của nhà nước càng ngày càng trở nên không phù hợp, và vai trò của các tác nhân phi chính phủ ngày càng trở lên quan trọng trong tiến trình phát triển, thì ý nghĩa của xã hội dân sự đã tăng dần sức mạnh so với thế đứng chủ đạo của nhà nước.

Cho đến nay,"xã hội dân sự" vẫn là một khái niệm chưa được định nghĩa một cách phổ quát. Do sự mờ ảo về mặt lý thuyết này, chúng ta không thể minh định những khác biệt mang tính nguyên lý giữa xã hội dân sự trong một nước đang phát triển và xã hội dân sự trong một nước công nghiệp.

Nhiều khi, người ta mang đặt nhà nước ra đối diện với bộ phận tư nhân. Trong khi việc xếp những tổ chức xã hội như : chính phủ, quốc hội, các cơ quan quản lý nhà nước, các chính đảng vào khu vực nhà nước nói chung là khá dễ dàng, thì việc định chế "khu vực tư nhân" lại rất khó khăn, do cái vỏ cách ngăn "phi chính phủ" của nó khá là mỏng mảnh. Nguyên cớ là bởi "khu vực tư nhân" được cấu thành từ những hãng xưởng kinh tế tư nhân (khu vực lợi nhuận) và một thành tố rộng lớn khác gồm những cơ quan, hiệp hội và những nhóm chung mục đích -trong đó có cả những tổ chức phi chính phủ (khu vực phi lợi nhuận). Vì không có mục đích lãnh chiếm hoặc chia xẻ quyền lực nhà nước, và cũng không nhằm theo đuổi lợi ích kinh tế (thị trường), nên những tổ chức thuộc khu vực phi lợi nhuận sẽ tạo ra một thành tố xã hội riêng, tách biệt hẳn và khác biệt hẳn so với những thành tố theo đuổi mục đích quyền lực nhà nước hoặc lợi nhuận thị trường. Thành tố phi lợi nhuận này được gọi là xã hội dân sự.

Xã hội dân sự, trước hết, chỉ là một cấu hình khái niệm; nó không chứa đựng một hình thái tổ chức đã được phân loại, và cũng không vội vã dẫn ra những mục tiêu chung cho những hiệp đoàn, hội nhóm. Vì vậy, việc đưa ra một phân tuyến sắc nét - ví dụ như giữa các tổ chức phi chính phủ và các phong trào xã hội, là một điều không cần thiết. Đó cũng là một đặc điểm cấu trúc của xã hội dân sự, khi mà người ta không thể định nghĩa nó trước hết là theo những nguyên tắc thành tố hình thức. Điểm quyết định là những mục tiêu cụ thể của các tổ chức và câu hỏi : các tổ chức đó đại diện cho những quyền lợi nào, của ai ? và theo đuổi những quyền lợi đó thông qua những biện pháp nào, hoạt động nào ? Với cách nhìn của chúng tôi, thì về mặt cơ chế, các tổ chức được định hướng theo những tiêu chí cơ bản như hòa bình, công lý, nhân quyền, dân chủ và sự ổn vững môi sinh, là những thành tố của một xã hội dân sự.

Nhưng, ngay cả khi từng tổ chức hoặc tác nhân riêng lẻ của xã hội dân sự không chủ đích thực thi quyền lực chính trị (theo nghĩa thống trị của nhà nước), thì do được gắn với những định hướng cơ bản trên, chúng cũng phải có những mục tiêu chính trị xã hội rõ ràng, với tư cách là những tổ chức phát triển, môi sinh, phụ nữ, nhân quyền, tôn giáo, hoặc là những hội địa phương, phong trào người du cư, hiệp hội nông dân và hiệp hội nghề nghiệp. Điều dễ nhận thấy ở đây là một dải công việc rộng lớn và đa dạng.

Xuất phát điểm cho công việc (của xã hội dân sự) thường thường là sự đáp ứng những nhu cầu (cơ bản) hay là việc đưa ra xã hội những sản phẩm dịch vụ dưới hình thức tự tổ chức.Về nguyên tắc, điều này diễn ra như là một phản ứng đối với sự thiếu hụt của nhà nước. Ngoài những công việc có thể gọi chung là dịch vụ như trên, thành viên xã hội dân sự cũng thực thi chức năng chính trị đại diện cho quyền lợi của các nhóm công dân bị thiệt thòi khi đưa ra những đề xuất chính sách để giải quyết vấn đề và tác động đến điều kiện chính trị nói chung. Như vậy, chúng cũng có một vai trò quan trọng trong việc đòi hỏi và thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của nhà nước đối với công dân của mình, và qua đó, sẽ xác định lại chức năng của nhà nước.

Dù còn nhiều diều chưa rõ ràng, nhưng khái niệm xã hội dân sự dưới đây- được nhìn theo góc độ của các tổ chức phát triển phi chính phủ, sẽ giúp chúng ta rất nhiều. Khái niệm xã hội dân sự này :

- chỉ ra những danh giới rõ rệt, một bên là những hoạt động kinh tế tư nhân hướng theo lợi nhuận, bên kia là những hoạt động chính trị hướng vào việc chiếm lãnh và thực thi quyền lực nhà nước ;

- định ra một khu vực đa dạng gồm những hội nhóm và tổ chức khác nhau. Những thành tố này có thể sẽ trở thành những đảm bảo quan trọng cho một chính sách phát triển bền vững và trong khuôn khổ hợp tác của các cơ quan nước ngoài, cần phải được ưu tiên trợ giúp tùy theo thực chất của từng tổ chức ;

- cần phải tiến tới tầm cỡ độc lập về mặt chính trị xã hội, và qua đó, các tổ chức có một tiềm năng quan trọng phục vụ cho tiến trình phát triển dân chủ ;

- mô tả vai trò các thành tố "dân chủ tham gia" như là một bổ khuyết cho các cơ quan "dân chủ đại diện" ;

- có khả năng tiến tới tầm cỡ toàn cầu thông qua việc nối kết với những tổ chức xã hội dân sự khác trên thế giới.

Như vậy, việc xác định thực chất khái niệm xã hội dân sự và chỗ đứng của các tổ chức trong xã hội dân sự phụ thuộc vào câu hỏi, rằng tổ chức đó đảm nhiệm vai trò đại diện quyền lợi chính trị xã hội , và qua đó, có ảnh hưởng chính trị ở mức độ nào. Theo cách nhìn của chúng tôi thì việc cộng tác giúp đỡ (các nước đang) phát triển phải được ứng dụng một cách có chất lượng và phù hợp với chính sách phát triển- tức là chỉ tập trung vào những tổ chức quan tâm tới sự phát triển lâu dài mang tính xã hội, môi sinh, khuyến khích quần chúng và sát thực tế với mục tiêu thực thi một cách toàn diện nhân quyền và dân chủ.

3. Vai trò của xã hội dân sự đối với sự phát triển lâu dài tại các nước đang phát triển

(Điều trần chung của năm Quỹ Viện thuộc các chính đảng lớn nhất tại CHLB Đức)

Dân chủ hóa luôn luôn là một tiến trình lâu dài về văn hóa xã hội và cấu trúc tổ chức. Hai nhân tố này đòi hỏi một cấu hình có tính trách nhiệm cao trong một quốc gia đang phát triển. Nhận thức trên đây quyết định quan hệ cộng tác của các Quỹ Viện chính trị trong hoạt động toàn cầu. Dân chủ không thể bị áp đặt. Dân chủ liên quan tới toàn bộ xã hội. Chỉ một nhà nước đủ mạnh mới có khả năng thực thi và gìn giữ những điều kiện dân chủ và "quản trị hay" cho công dân. Nhưng, những nhân tố cơ bản cho một nền dân chủ lại chỉ có thể phát sinh và phát triển trong một xã hội dân sự. Dân chủ tham gia không chỉ có nghĩa là tham dự bầu cử, mà còn có nghĩa tham gia trực tiếp vào đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội. Việc chống đói nghèo, những đóng góp giáo dục đào tạo, sự trợ giúp những hoạt động kinh tế trong nông nghiệp, kinh doanh và dịch vụ, những biện pháp đảm bảo bình đẳng nam nữ, những cơ quan truyền thông độc lập, viện nghiên cứu độc lập, văn phòng độc lập, và những hiệp hội đại diện quyền lợi sẽ thúc đẩy chủ nghĩa đa nguyên.

Xã hội dân sự và những tổ chức của nó chính là vốn (capital) xã hội và là "chất keo" của xã hội, nhưng không được phép bị lạm dụng để trở thành vật bù đắp cho những thiếu hụt về cấu trúc dân chủ trên bình diện quốc gia và quốc tế. Chúng cũng không thể bị dùng làm giải pháp lẩn tránh để cứu nguy cho những nhà nước yếu kém, bất lực. Xã hội dân sự và những tổ chức của nó đưa ra những sản phẩm phục vụ xã hội và trong nhiều trường hợp, chúng là những tuyên ngôn chính trị cho những đòi hỏi cấp bách của xã hội. Thêm nữa, chúng chính là sự nhắc nhở, cảnh cáo và giám sát các chính sách nhà nước.

Một xã hội dân sự năng động đóng vai trò quyết định cho một sự phát triển lâu dài. Điều này cũng liên quan đến bản chất của chính quyền các nước đang phát triển – thông thường là những nhà nước tập quyền và có một cấu trúc kém dân chủ. Nó thường dẫn đến một thực tế là một nhóm tương đối nhỏ (giai tầng chính quyền) kiểm soát và lạm dụng nhà nước vì lợi ích riêng một cách có hệ thống trong hàng chục năm liền, trong khi nhiều thành phần xã hội khác bị lãng quên hoặc thậm chí có thể bị kỳ thị. Đối với những thành phần bị thiệt thòi này, một xã hội dân sự lớn mạnh sẽ tạo cho họ sự lắng nghe và giúp cho họ tiếp cận mạnh hơn đối với các quá trình quyết định chính sách. Việc này cải thiện sự tham gia chính trị và làm tăng hiệu năng của các hoạt động nhà nước.

Dân chủ và chống nghèo đói là những mục tiêu cần phải được xây dựng và trợ giúp lâu dài. Việc ổn vững dân chủ lại cần thời gian và một sự trợ giúp kiên trì, nhưng nhanh nhậy. Sự trợ giúp này phải phù hợp với những vấn đề cụ thể và có khả năng phản ứng linh hoạt với tình hình địa phương.

Công tác trợ giúp phát triển của các Quỹ Viện chính trị, với nhiệm vụ then chốt là khuyến khích dân chủ, được dựa trên những nguyên tắc :

- Khuyến khích dân chủ không đồng nghĩa với việc chuyển giao một mô hình đã có sẵn. Một mặt, nó phải phù hợp với những điều kiện chính trị, xã hội, văn hóa và kinh tế đang có tại nước sở tại, mặt khác, nó phải được chuyển tải bởi những tác nhân chính trị xã hội quan trọng ; có nghĩa là không thể có một kiểu mẫu cố định cho chất lượng hoạt động của xã hội dân sự.

- Nền tảng quyết định của dân chủ là hệ thống luật pháp, hiến pháp dân chủ và từ đó là những biện pháp tương ứng để phân chia quyền lực và kiểm tra quyền lực. Đồng thời, việc khuyến khích dân chủ của các Quỹ Viện chính trị phải đi xa hơn những nhận thức cơ cấu kỹ thuật về sự "tạo lập dân chủ". Vì thế, dân chủ hóa không phải là sự chuyển tải những cố gắng mang tính cơ cấu cứng nhắc, mà phải là quá trình cơ chế hóa những phương pháp tham gia chính trị và cân đối quyền lợi trong hòa bình, hòa giải.

- Dân chủ, quyền tham gia chính trị và phát triển kinh tế là những điều kiện của nhau, và vì vậy, không được phép phân tích, đánh giá chúng một cách tách biệt.

- Dân chủ cơ chế (như quy định hiến pháp, sự thi đua giữa các đảng phái, ứng cử, bầu cử và cơ cấu tổ chức) là điều kiện gốc và là môi trường cho những tiến trình dân chủ. Nhưng, đối với nền dân chủ sống động, thì một chương trình dân chủ tối thiểu cho bầu cử tự do và một sự đảm bảo hiến pháp cho nhân quyền vẫn là chưa đủ. Không có sự trợ đỡ của cấu trúc xã hội dân sự, không có sự cộng tác đa phương giữa nhà nước, chính trị và những đại diện xã hội, và không có những thành tố cơ bản của một nền văn hóa chính trị dân chủ (như tôn trọng những nguyên tắc hành xử, phi bạo lực và chấp nhận lẫn nhau) thì dân chủ sẽ không thể tồn tại. Khuyến khích và trợ sức cho xã hội dân sự và cấu trúc của nó, vì vậy, đóng một vai trò chính trị xã hội mang tính chiến lược.

Phạm Việt Vinh
(Berlin, 04-2003)

Trở về trang chính