Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!
Trở về trang chính

Nước Nga và sự thật

Bài viết của thính giả đài BBC gửi cho đài

Hồi nhỏ tôi biết đến nước Nga qua những bài học mà đám em mang ở trường về.

Xì-tô Ét-tờ tức là Đây là gì, còn Kờ-tô Ét-tờ nghĩa là Đây là ai.

Ở trong trường, đám bạn học lớp tiếng Nga chọc nhau Xì-ba-xí-bà-bán-xôi có nghĩa là rất cám ơn.

Vốn tiếng Nga của tôi bất ngờ được gia tăng nhờ một dịp đi Nga và tự thân mình lặn lội các tuyến tầu điện ngầm - Metro - tại vì để đi xem từ trường đại học Lô-mô-nô-xốp sang đến Vê-đen-kha hay khu Rạp xiếc quốc gia thì cần phải biết võ vẽ vài chữ đặng còn biết đọc tên trạm xe, hay khi hỏi đường người ta còn biết là người ta nói mình quẹo tay mặt hay tay trái.

Và từ ngôn ngữ tôi bắt đầu quan tâm tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, cuộc sống và xã hội Nga.

Thế là cái cảm nhận khá riêng tư có vẻ bắt đầu khác dần với hình ảnh nước Nga được giới thiệu qua các tạp chí như Sputnik, Liên Xô.

Với tôi, người Nga ở thủ đô Mát-xcơ-va hầu như lúc nào cũng vội vội vàng vàng chạy trong các hành lang ngầm của hệ thống Metro, chen lấn vượt qua nhau trên từng bậc thang điện, phóng thật nhanh ra phố để rồi ... đứng suy tư hàng giờ đồng hồ trước một cái cửa hàng nào đấy chờ mua hàng.

Thuở bé tôi hâm mộ hàng Nga - thứ hàng ngoại gần như duy nhất có ở Việt Nam thời bấy giờ - tập trắng tinh, tạp chí mầu, dụng cụ cơ khí bền, đồ điện tốt...

Nhưng sang tới Nga, đi cùng mấy anh chị công nhân lao động trong các khu tập thể tồi tàn kéo đến các khu cửa hàng trung tâm tranh nhau xếp hàng để được mua từng quyển vở, từng chiếc nồi hầm hay họa hoằn lắm là xe đạp cùng phụ tùng, rồi đứng giữa trời đông đóng thùng gửi về, cảm nhận được những gì mà họ gọi là cực khổ, nhục nhằn thì sau đó tôi không còn muốn xài những thứ hàng ấy nữa.

Và vậy là trong tôi bắt đầu hình thành một 'sự thật' mới về nước Nga, bắt đầu chú ý lắng nghe những gì người ta nói về nước Nga để rồi sau đó tự mình kiểm tra, đối chứng.

Có những 'sự thật' không thể nào kiểm chứng được, và cũng có những 'sự thật' mà đa số không chịu công nhận.

Khi sang Ba Lan học tôi vô cùng sửng sốt khi biết những khu nghĩa trang mà tôi từng đi xem ở gần biên giới phía Đông nước Liên Xô cũ lại là một chứng tích lịch sử bi thương mà Hồng quân Liên Xô gây ra cho quân đội Ba Lan, chứ không liên quan đến quân phát xít Đức như tôi từng tưởng.

Người Ba Lan nhắc nhiều đến vết đau từ những ngày đầu của Đệ nhị thế chiến.

Lịch sử Ba Lan viết rằng khi quân Đức kéo vào từ hướng tây thì quân Liên Xô cũng đồng thời kéo vào từ hướng đông, theo thỏa thuận mà họ cho là hai phe đã ký với nhau trước đó.

Lịch sử này cũng nhắc nhở rằng trong lúc quân phát xít Đức có trại thảm sát người Ba Lan ở phía tây thì Hồng quân Liên Xô cũng có khu giết người Ba Lan ở hướng đông, như vụ hàng ngàn sĩ quan Ba Lan bị lính Liên Xô đem ra bắn hạ ở rừng Katyn gần Smolensk.

Thế nhưng sau cuộc chiến, 'sự thật' về đội quân 'tàng hình' của Liên Xô hầu như không được ai nhắc đến trong hàng chục năm liền - kể cả ở những nước phương Tây được xem là tự do và dân chủ thời bấy giờ.

Mãi sau này người Ba Lan mới sửa lại được lịch sử của mình, và phương Tây bắt đầu nhắc đến chuyện này.

Nhưng khi tôi đem 'sự thật' đó ra góp chuyện làm quà với những bạn bè người Việt thì hầu như đều nhận được phản ứng ngược lại.

Nhẹ nhàng thì người ta nghe tai này bỏ qua tai kia, nặng thì chỉ thẳng vào mặt gọi tôi là thằng ba hoa bịa chuyện; có người còn viện ngay ra một quyển sử phương Tây để chứng minh là tôi nói sai.

Và thế là tôi học thêm được một bài học cho cuộc sống, từ nước Nga, là sự thật không phải là sự thật nếu không được số đông biết đến và công nhận, và từ nước Ba Lan, là sự thật vẫn là sự thật nếu được người ta ghi nhận và truyền cho nhau, và người ta sẽ tìm được sự thật nếu chịu khó lắng nghe rồi đối chiếu và tìm hiểu thêm.

Bản thân tôi cũng thường tin vào những gì được viết ra, in ra, nhưng có một lần một người bạn Ba Lan đã kể một câu chuyện khiến tôi nhớ mãi.

Anh ta kể với tôi một chuyện vui là có anh chàng người Liên Xô sang nước xã hội chủ nghĩa đàn em, cầm theo quyển tạp chí Liên Xô in mầu trên giấy đẹp, hỏi anh chàng Ba Lan thế anh thấy thế nào về quyển tạp chí này ?

Anh Ba Lan trả lời rằng mực tốt không lem, nhưng không dùng được vì giấy cứng quá.

Sau ngày Liên Xô tan rã nhiều người Nga sang Ba Lan lao động, và tôi quen được một chuyên gia vật lý học người Nga kiếm sống bằng nghề khuân vác.

Bữa đó ngồi coi TV thấy có cảnh phi thuyền Apollo của Mỹ đổ bộ xuống Mặt Trăng, ông ta nói ngày xưa ở Nga không chiếu cảnh này và bạn bè ông ta không dám nói sự thật này ra vì sợ bị kiểm điểm đuổi việc.

Và thế là tôi được học thêm một bài học nữa, rằng sự thật nếu mà là sự thật thì có thể nguy hại cho bản thân, gia đình, và những người xung quanh nếu họ lắng nghe.

Những sự thật của Nga với Ba Lan, với Mỹ mà tôi từng được biết khiến tôi tin là sẽ học thêm được nhiều điều mới nếu biết được một sự thật của Nga với Việt Nam.

Nhưng ai sẽ là người nói cho tôi biết sự thật đó ?