Vụ án siêu nghiêm trọng trong cung đình
Hànội :
Đợt 3 của chiến dịch phản công
Bùi Tín
Những ngày cuối tháng 9 này đối với chính quyền Hànội là những ngày đen. VN bị xếp vào số 7 nước đối xử tồi tệ nhất với các tôn giáo ; bị phê hạnh kiểm “xấu” trong bài trừ nạn buôn bán ma túy ; bị chê cười kết bạn thân với bọn quân phiệt Myamar ; bị chỉ mặt thực hiện chính sách dùi cui đối với báo chí và tổ chức quần chúng (phi chính phủ - ONG) trong cuộc họp Á-Âu ... VN có 3 đến 6 tháng để sửa hạnh kiểm đối với các tôn giáo, nếu không sửa các biện pháp gay gắt sẽ bắt đầu !
Lan rộng : Họa vô đơn chí . Vụ án siêu nghiêm trọng tháng qua loan rộng trong công luận ; cả trong và ngoài nước, không có cách nào bưng bít nổi nữa. Các du học sinh trở sang Paris sau hè, thuộc ngành y, luật, văn... đều kể khá rõ về vụ án này ; nhóm ca trẻ sang dự lễ hội “Humanité” của ĐCS Pháp tuy không được chính thức phổ biến về chuyện này, vẫn có thể kể cho người thân Việt kiều về ‘‘2 ông tướng choảng nhau’’, về các vị chụp mũ nhau là CIA ... Một số người Việt về nước thăm gia đình tháng này kể lại ở Sàigòn, Hànội, có đến hơn một nửa số cán bộ gặp ở khách sạn hay gia đình có biết đến vụ án, có người kể rõ nội dung thư ông Giáp, thư ông Nam Khánh, và cả những bài viết ở nước ngoài về vụ này . Từ trong nước cho biết một số cựu chiến binh, thương binh thương tật cao đã tận tình mang các tài liệu quý hiếm “quốc câm” đi các tỉnh để đưa tận tay các bí thư tỉnh ủy, ủy viên trung ương, vì gửi bưu điện bị chặn hết. Một nét thú vị là một số quán sách tư nhân bắt đầu bán chui những tài liệu về vụ án : “thư đại tướng 30, thư thượng tướng 50 (30 ngàn và 50 ngàn đồng) vì dài hơn”, có khi bán kèm với sách giáo khoa nhân khai trường. Thời buổi kinh tế thị trường, công an phường được chấm mút, có nhu cầu là có hàng hóa .
Đấu khẩu : Đó là cuộc đấu khẩu lý thú giữa tướng Nam Khánh với ông Phan Diễn, thường trực Ban bí thư, vào chiều ngày 8/7 tại trụ sở Ban bí thư TW 4 Nguyễn Cảnh Chân, giữa lúc TW đang họp lần thứ 10 (khóa IX). Ông Diễn phê bình ông Khánh đã đưa ra công khai các tài liệu mật của đảng, nhà nước trong lá thư ngày 17/6/2004 ; ông Khánh bác bỏ lời phê bình, nói rõ ông tự tay mang đến Văn phòng TW đảng để nhờ chuyển đến tận tay từng người trong TW đảng; bị lộ là do các nơi ấy .
Ông Diễn báo tin BCT (bêxêtê = bộ chính trị )chủ trương không đưa toàn bộ vụ án ra TW, mà chỉ báo cáo với TW là đã truy tố, xét xử tù từ 5 năm trở lên 4 bị can trong vụ án này là : Nguyên, Chấp, Vinh và thị Hà. Đã ra lệnh TC2 từ nay không được dò xét nội bộ đảng ; BCT không đưa việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo cấp cao (ngụ ý Lê Đức Anh) vì đó là chuyện quá cũ, thiếu bằng chứng, rất phức tạp, không kết luận được ...
Ông Khánh bác bỏ các lập luận của BCT, cho đó là quan điểm cơ hội hữu khuynh, phạm nguyên tắc của đảng; TW là cấp cao hơn BCT, TW bàu ra BCT và kiểm tra công việc của BCT, BCT không có quyền gì che dấu, không cho TW biết và thảo luận đến nơi đến chốn vụ án cực kỳ nghiêm trọng này. Hai là bất cứ ai làm sai, dù ở cương vị nào, cấp nào, thành tích ra sao, tuổi bao nhiêu, đều phải bị xét xử theo điều lệ đảng và luật pháp,không thể loại trừ một ai.. Trong cuộc đấu khẩu rõ ràng là ông Khánh ghi điểm.
Phức tạp quá ! : Đó là lời than của ông Diễn khi chia tay ông Khánh, sau khi ông Khánh nói rõ ý mình sẽ làm là mang lá thư ngày 17/6 đến cuộc họp TW để đưa cho các ủy viên TW, vì về nguyên tắc mỗi đảng viên có quyền đưa thư, khiếu nại đến ban chấp hành TW, bộ chinh trị, ban kiểm tra TW ... Việc BCT ngăn cản không cho TW nhận lá thư của tướng Nam Khánh là một chủ trương ngang trái, dại dột, khiêu khích toàn Ban chấp hành TW .Thật ra, sau đó ông Khánh không vội ; ông cố tranh thủ công luận, huy động các cựu chiến binh năng nổ mở rộng diễn đàn đã, do đó mà chư vị hảo hán Như Thiết, Hùng Cường, rồi cả nhà dân chủ hàng đầu Nguyễn Thanh Giang, nhà trí thức khá là nổi tiếng Bắc Hà vào cuộc, cùng với những buổi phát thanh tiếng Việt của RFA, RFI, VOA, BBC, SBS, và các mạng internet , làm cho vụ án sôi nổi hẳn lên. Đến cuối tháng 8 thư số 2 mới bắt đầu được mang về các địa phương do các phái viên mang đi để tránh sự ngăn chặn của bưu điệ nđược canh giữ cẩn mật theo lệnh ban tư tưởng và văn hóa. Nay thì mỗi ủy viên TW đã có một hồ sơ dày cộp đủ loại tài liệu của vụ án, do thiện chí của các cựu chiến binh nhiệt thành.
Phản công đợt 3 : Có thể coi lá thư ngày 3/1/2004 của tướng Giáp là trận mở màn của một chiến dịch phản công dài hơi để dành toàn thắng ; đó là đợt 1. Thư cố tình gửi trước lần họp thứ 9 của TW, khi bước vào năm kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ. Nhưng không có trả lời ! Thật là phũ phàng ! Vậy mà đã có cả luật, sắc lệnh, chỉ thị về nghĩa vụ phải trả lời theo thời hạn các đơn từ, khiếu kiện của công dân ! công dân + công thần Võ Ngyên Giáp hẳn hoi !
Vậy thì phải mở đợt phản công thứ 2 : đó là lá thư của tướng Nam Khánh, bằng chứng nhiều hơn, lý lẽ đầy đủ hơn, tình tiết cụ thể hơn, nguyên nhân rõ ràng hơn. Đúng vào lúc chuẩn bị cuộc họp TW lần thứ 10 (khóa IX) ; BCT buộc phải trả lời qua cuộc gặp kể trên. Và BCT phải có chủ trương như ta đã biết. Ông Khánh cứng cỏi, vậy thì xuất tướng cố thuyết phục tướng Giáp – do đó có cuộc thăm ông Giáp tại nhà của ông Mạnh, rồi ông Đỗ Mười nữa. Vô hiệu ! Chủ trương của BCT rõ ràng là yếu, là non, là vô nguyên tắc, không có chỗ dựa lý lẽ của điều lệ đảng, không có cơ sở pháp lý. BCT đã hở sườn .
Vậy thì phải mở tiếp đợt phản công thứ 3 . Mục đích đợt này là tranh thủ thêm công luận trong và ngoài nước, tranh thủ thêm từng người trong BCT, đặc biệt tiếp cận từng ủy viên TW tại chức (qua các ủy viên TW và ủy viên BCT các khóa trước, các vị lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, cựu chiến binh có uy tín, trí thức có tiếng ...) để mong tác động đến cuộc họp của TW lần thứ 11- khóa IX sắp tới, vào tháng 11 này.
Thuận lợi : Đợt 3 có một số thuận lợi mới. BCT đã mở mồm, không thể câm lặng nữa. BCT đã ngửa bài ra, nói rõ chủ trương và lý lẽ. Chỗ yếu chí mạng là chủ trương : “BCT phải chọn vấn đề gì trực tiếp ảnh hưởng đến nội bộ đảng, nhà nước, quân đội mới làm, báo cáo cho BCT rõ chứ không báo cáo cho TW, có việc không nói cụ thể cho TW và không thảo luận”; và sự liên quan của một số đồng chí lãnh đạo trước đây, vì đã lâu rồi và không ảnh hưởng trực tiếp đến nội bộ đảng hiện nay nên không làm ; vì đưa ra vấn đề này, sẽ tranh cãi rồi không kết luận được, sẽ làm tình hình phức tạp thêm. Rõ ràng BCT tự đặt mình cao hơn TW, trên thực tế tiếm quyền của TW, khinh thường TW, tự cho mình cái quyền cho TW biết điều gì thì chỉ được biết điều ấy, nhằm bênh che những kẻ bị cáo. Làm sao mà TW chịu nổi cái điều ngạo mạn vô lý như vậy.
Phe của Lê Đức Anh cố trấn an dư luận, làm như không có chuyện gì ; họ bố trí cho ông Anh xuất hiện trong 2 buổi lễ ở Hànội - buổi Tuyên dương các anh hùng thời đổi mới và lễ kỷ niệm CM tháng 8 cùng Quốc khánh 2/9 - nhưng chỉ làm lộ tẩy thêm về thế cô độc đến thảm hại của ông ta trước sự quan sát chăm chú của người dự. Chỉ có vài người ra đón, bắt tay hời hợt, ông ngồi đực suốt 2,3 giờ, như tượng gỗ, không chút sinh khí; trong khi ông Giáp được chào đón sôi nổi, đông đảo người bao quanh, trò chuyện. Cuộc trình diễn càng lộ rằng quả thật đang có chuyện rất không bình thường !
Phán đoán : Rõ ràng vụ án đang mở rộng. BCT lúng túng to. Cố chặn đứng việc những lá thư nguy hiểm bị lộ thì các điều cơ mật lại càng được truyền bá sâu rộng; truy lùng để ngăn chặn thì chỉ càng kích thích sự tò mò; việc đóng cửa 65 cửa hàng internet ở Sàigòn chính là để bưng bít vụ án, thì máy compuytơ tư nhân và nơi công sở càng đông khách tìm đọc, vượt qua cả tường lửa.
Cuộc họp TW lần 11 sắp đến sẽ có thể là cuộc họp sôi nổi, thậm chí là sóng gió, hiếm có trong lịch sử đảng CSVN. Khó có thể gần 150 vị TW lại chịu để cho một BCT suy yếu, kém phẩm chất nhất, thiếu uy tín nhất, một tổng bí thư thiếu bản lĩnh nhất, xỏ mũi dắt đi. Càng khó hơn TW chấp nhận sự áp đặt của BCT là không thảo luận về vụ án, coi như bộ chính trị đã giải quyết chính xác và xong xuôi !. Trước mắt đông đảo đảng viên và nhân dân, họ sẽ mất hết tư cách, danh dự, niềm tin.
Cuộc họp nhiều khả năng sẽ thảo luận về vụ án, về toàn bộ vụ án; TW sẽ đòi phải được nghe báo cáo tường tận, không cắt xén của Ban điều tra liên ngành được thành lập từ đại hội VIII và khi đã thảo luận thì không thể làm qua loa, đại khái, mà phải thảo luận đến cùng, có thể phải biểu quyết về các vấn đề cụ thể, như : có truy tố bị cáo ra tòa án không ? những bị cáo là ai? những ai là tòng phạm ? việc xét xử tiến hành ra sao ?
Đảng CS đã quen với nếp độc đoán. Tổng bí thư đưa ra điều gì thường được BCT nhất trí cả; BCT đưa ra thì TW hoan hô với 100%, hoặc gần 100% tán thành. Lần này khó được như vậy. Nay có thể là lần đầu TW bác bỏ chủ trương của BCT, coi đó là sai nguyên tắc và tự đứng ra giải quyết. Theo ông Nam Khánh, hiện có 3 ý kiến khác nhau : một là thấy rõ tính chất nghiêm trọng của vụ án và thấy phải giải quyết cho rõ ràng; hai là muốn che dấu sự thật, ỉm đi, bóp ngẹt; ba là còn phân vân, lưỡng lự, chưa có chính kiến. Chính do đó mà phải thảo luận kỹ càng, triệt để, trao đổi ý kiến, tìm ra sáng kiến, ra giải pháp. ĐCS không có nếp sinh họat dân chủ, không có kinh nghiệm điều khiển một cuộc tranh luận dân chủ, họ có lý do để ngần ngại. Nhưng không thể rút lui được nữa. Sao không coi đây là dịp để học hỏi và tiến lên, trưởng thành trong sóng to, gió lớn. Trong tranh luận, những người theo 3 loại ý kiến trên sẽ chuyển hóa, thay đổi và nghị quyết cuối cùng sẽ theo đa số sau khi biểu quyết, như điều lệ đảng quy định.
Thời cơ : Phe cánh tướng Giáp coi hiện tại là thời cơ hiếm để mở đợt tấn công thứ 3. Họ mở rộng tuyên truyền trong và ra ngoài nước với diện rộng, với điểm là các ủy viên TW đảng, mà hơn một nửa tản mạn ở các tỉnh (mỗi tỉnh có 1 hay 2 người), số ủy viên TW tập trung ở Hànội là 1 phần 3, để dành cho được đa số trong cuộc họp TW tới.
Một điểm vận động nữa của phe này là lôi kéo Ban kiểm tra TW đảng gồm 9 vị do ông Trần Quốc Hùng làm Trưởng ban, với lập luận ; TW bàu ra BCT và Ban kiểm tra TW, do đó Ban kiểm tra có trách nhiệm độc lập của mình, nếu có điều gì không thống nhất với BCT thì có quyền báo cáo với TW.
Một nét đáng chú ý là phe này rất cảnh giác, giữ gìn chặt chẽ để không bị sơ hở tạo cớ cho đối phương làm hại. Họ rất cẩn thận, từ tốn, “đánh chắc, tiến chắc” như ở Điện Biên Phủ nửa thế kỷ trước. Do đó mà thư ngày 15/7 của tướng Nam Khánh giữa tháng 9 mới đưa được toàn văn ra nước ngoài.
Anh chị em dân chủ coi đây là thời cơ để thức tỉnh công luận về sự tệ hại của một chế độ độc đảng, độc quyền, độc đoán, và từ vụ án này mà thấy rõ thêm nhu cầu cấp bách xây dựng một thể chế dân chủ đa nguyên, có đối trọng, có luật pháp, lấy lá phiếu thật sự tự do của công dân làm trọng tài. Sự thật trong vụ án này được sáng tỏ có thể mở đường cho nhiều vụ án bất công khác được xem xét lại.
Chiến dịch giữa 2 đối thủ, một bên phản công liên tục, một bên phòng thủ tích cực, chưa ngả ngũ. Còn phải vài đợt đọ sức, vài hiệp vật lộn nữa mới có thể ngả ngũ. Cuộc sống mái giữa 2 thế lực thật hấp dẫn vì nó phơi bày nhiều sự thật bị che dấu quá lâu, gợi cho mọi người Việt, cả trong và ngoài nước, những suy nghĩ phong phú và sâu sắc về chế độ chính trị của đất nước và trách nhiệm của người công dân, nhằm góp phần đưa quê hương tiến kịp thời đại.
Bùi Tín - Paris ngày 24/9/2004