Vụ án siêu nghiêm trọng giữa cung đình
Hà Nội: Cuộc đấu đá ngày thêm gay gắt
Bùi Tín
Dư luận trong và ngoài nước ngày càng chú ý, bàn tán về vụ án siêu nghiêm trọng
giữa cung đình Hà Nội. Người ta gọi vụ án này là “vụ Tổng cục 2” hay là “TC2”,
hoặc “vụ T4”, theo bí danh của một nhân vật tình báo “ma “, tưởng tượng ra do
TC2 đặt được trong cơ quan tình báo Mỹ CIA; cũng có người ở trong nước gọi đây
là “cuộc vật lộn, cuộc sống mái giữa 2 đại tướng”...
* Vì sao Hà Nội vẫn ngậm tăm?
Mấy tháng nay trước sự bàn tán sâu rộng về vụ án, về lá thư ngày 3/1/2004 của đại tướng Võ Nguyên Giáp và lá thư dài ngày 17/6/2004 của Thượng tướng Nam khánh, Hà Nội ngậm tăm. Báo Nhân dân im, đài phát thanh và truyền hình Hà Nội im, người phát ngôn bộ ngoại giao im; các phiên họp quốc hội tháng 5 và 6 cũng im re, coi như không có chuyện gì cả! Hoàn toàn khác lạ với ở mọi nước bình thường. Vì sao kỳ vậy?
Nền văn hóa - chính trị của cung đình Hà Nội là nền văn hóa của bí mật, nền văn hóa sùng bái bí mật; sự thật luôn bị che dấu, cắt xén, bóp méo; dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của bộ chính trị Ðảng Cộng Sản, thông tin được sàng lọc, chế biến, phân phối cho từng đối tượng theo lối phân cấp. Do đó suốt 13 năm nay, các cuộc đấu đá thâm hiểm, ly kỳ tại chóp bu quyền lực ở Hà Nội vẫn bị che dấu kỹ, coi đó là những điều tối mật của quốc gia, nghiêm cấm lưu truyền trong xã hội.
Trước kia, ách kềm kẹp thân thể và tinh thần người dân còn chặt chẽ và có hiệu quả do dân trí còn thấp, sự thật bị phơi bày rành rành, bộ máy thông tin của đảng vẫn lớn tiếng “cả vú lấp miệng em “, leo lẻo bác bỏ mọi sự thật, còn kết tội người nói lên sự thật là tung tin đồn nhảm, là tay sai bọn đế quốc, phản động, là gián điệp... Chỉ mới đây thôi họ đã vu cáo các chiến sỹ dân chủ kiên cường Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Trần Khuê, Phạm Quế Dương... là gián điệp, nhưng rồi họ đã phải từ bỏ kiểu chụp mũ phi lý ấy. Nay họ không còn dám dở ra những ngón võ cũ. Tình thế đã thay đổi bất lợi cho nhà cầm quyền độc đoán. Làm sao bác bỏ nổi các lá thư dài, đầy dẫn chứng và lý lẽ chặt chẽ của chính những công thần của chế độ? chối phăng đó là tài liệu giả, ngụy tạo? Càng chết! Họ đành chỉ còn biết im lặng, ngậm tăm, như không có gì xảy ra.
Câm lặng vào thời điểm này là thú nhận. Thêm nữa, câm lặng là đi ngược lại với lời hứa: “Mọi việc dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” (!);là đi ngược lại lời cam kết với trong, ngoài nước: công khai, dân chủ, minh bạch trong thông tin; câm lặng còn là phạm pháp, phạm luật về nghĩa vụ của chính quyền phải trả lời đầy đủ mọi đơn khiếu nại của công dân. Những công dân vốn là đại tướng, thượng tướng, trung tướng... là ủy viên bộ chính trị, ủy viên trung ương đảng, là cựu chiến binh đầy chiến tích... gửi kiến nghị theo đúng thủ tục quy định, mà vẫn không có ai thèm trả lời thì cái chính quyền và cái đảng cầm quyền này còn ra cái thể thống gì? Họ sợ dân mà lại coi khinh dân đến độ nào! Nói đó rồi lấp liếm đó, là cái chính quyền gì?
Ở bất cứ một nước dân chủ nào, khi một vụ án tương tự xảy ra là ngay ngày hôm sau, các báo chí đưa tin và nhận định, là các cấp chính quyền phải mở mồm giải thích rõ ràng, là cả xã hội bàn tán, trao đổi ý kiến, thảo luận cho ra lẽ, cho kỳ đến khi vụ án được giải quyết theo đúng quy định nghiêm cách của luật pháp.
Trong xã hội Việt Nam vào thời điểm hiện tại, khi giới cầm quyền đã bộc lộ tất cả những tệ hại, thối nát và lạc hậu bắt nguồn từ chế độ độc quyền đảng trị ngay trong thời kỳ gọi là “đổi mới” và “hòa nhập với thế giới”, thái độ câm lặng của kẻ cầm quyền càng là hạ sách, tự phơi bày thế yếu, kích thích cuộc tiến công của thế lực đòi công khai và công lý trong vụ án siêu nghiêm trọng này.
* Thêm 6 bản kiến nghị nảy lửa
Ðầu tháng 7 vừa qua, Ðại tá Hùng Cường, một nhân vật rất có uy tín ở Bộ Tổng tham mưu Hà Nội, bạn bè thường gọi là Hùng Sứt, một cựu chiến binh ngay thẳng, bạn chí cốt của chỉ huy biệt động Tạ Ðình Ðề, “thay mặt các sỹ quan cấp tá” (nghĩa là vài nghìn vị) gửi cho lãnh đạo Ðảng Cộng Sản thư ngỏ tố cáo đích danh tướng Lê Ðức Anh đã chui vào đảng ra sao, đã lũng đoạn và phá hoại quân đội qua cái công cụ TC2 với quyền lực không giới hạn như thế nào. Ông đặc biệt kể rõ tội của tướng Anh khi là tư lệnh quân tình nguyện (thực ra là quân chiếm đóng) Việt Nam ở Cambốt đã gây ra vụ Xiêm Riệp cuối năm 1983, bắt bớ, tra tấn, bức tử nhiều cán bộ Khmer, rồi sau đó đổ vấy cho cấp dưới (trung tá Mạc Lâm bị lột chức, tham mưu trưởng Hồ Quang Hóa bị hạ cấp từ thiếu tướng xuống thượng tá, mất chức ủy viên trung ương đảng, đuổi về nước).
Ðầu tháng 8/2004, đại tá Như Thiết từng là Cục phó Tác chiến bộ Tổng Tham mưu, hiện là lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Hà Nội, lại gửi kiến nghị khẩn cấp yêu cầu canh phòng nghiêm nhà ở của kẻ bị cáo - tội phạm Lê Ðức Anh và những kẻ bị tình nghi tòng phạm, không để chúng tẩu tán tài liệu, tang chứng và trốn thoát; ông đặc biệt báo tin Trần Ðức Lương (chủ tịch nước) vừa họp với tay chân của Lê Ðức Anh để bàn chuyện đối phó; ông yêu cầu Viện Kiểm sát tối cao làm nhiệm vụ và thành lập Tòa Ðại Hình để xét xử không chậm trễ vụ án cực kỳ nghiêm trọng này.
Ngày 25/7/2004, “một số lão thành cách mạng” gửi lá thư chung cho Tổng Bí thư, bộ chính trị, ban kiểm tra trung ương đảng, yêu cầu phải xem xét nghiêm chỉnh lá thư của đại tướng Giáp và thượng tướng Nam Khánh, nhấn mạnh đến việc khởi tố không chậm trễ những kẻ bị cáo, đòi hỏi ngành tư pháp phải bắt tay ngay vào nhiệm vụ, theo đúng bộ luật hình sự, không một ai có thể đứng ngoài hay đứng trên của pháp luật quốc gia.
Ngày 5/8/2004, một kiến nghị dài 5 trang của sỹ quan cao cấp đã về nghỉ hưu của cả QÐND và Công An ND cùng nhất trí kiến nghị với Trung ương Ðảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh Việt Nam phải đề cao trách nhiệm giải quyết vụ án đã tồn đọng quá lâu, theo tinh thần của nền tư pháp đã được cải cách, không thể do dự, trì hoãn thêm.
Ngày 10/8/2004, cựu chiến binh nổi tiếng Vũ Minh Ngọc lại gửi lá “Thất trảm sớ” thứ hai (lá thất trảm sớ thứ nhất đề ngày 19/5/2004), tố cáo tội phá hoại nền an ninh quốc gia của nhóm tội phạm Lê Ðức Anh, yêu cầu phải truy tố và xét xử công khai những tên tội phạm chóp bu, theo đúng phép nước; đó là Lê Ðức Anh, tên chủ mưu nguy hiểm nhất, từ một tên cai đồn điền gian ác của thực dân Pháp chui vào bộ máy của chế độ để lộng hành và phá hoại; là 2 tên cầm đầu TC2 là Vũ Chính và Nguyễn Chí Vịnh... Chỉ khi nào thẳng tay trừng trị bọn gian thần như Chu Văn An từng đòi hỏi trong Thất trảm Sớ của ông thì đất nước mới ổn định, lòng dân mới yên. Trong Thất trảm sớ thứ hai này, Vũ Minh Ngọc đặc biệt chất vấn ông Vũ Ðức Khiển, chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội và yêu cầu Ủy ban pháp luật phải trình ra Quốc hội vụ án nghiêm trọng này ngay trong phiên họp tới.
Các chiến sỹ dân chủ Hà Nội thông báo: Hà Nội hè này sôi nổi truyền tin, bàn tán về vụ án ly kỳ, hấp dẫn còn hơn chưởng Kim Dung, hơn phim tình báo Mỹ. Các tài liệu quanh vụ án được truyền tay, đọc ngấu nghiến như tiểu thuyết trinh thám, chỉ có phải dè chừng sự soi mói của mấy chú công an phường.
Ðúng vào 19 tháng 8/2004, từ Hà Nội truyền đi bài viết của Nguyễn Thanh Giang, một trí thức dân chủ hàng đầu, phân tích nguyên nhân từ đâu mà xảy ra vụ án ly kỳ, cuộc tranh chấp sinh tử ở chóp bu quyền lực Ðảng Cộng Sản; từ tranh chấp cá nhân đến xung đột phe phái, rồi do nhu nhược bất động mà thành ung nhọt, đang trở thành ung thư của chế độ; ông chỉ rõ vụ án tạo nên một số quan hệ không bình thường, có thể nói là căng thẳng trong quan hệ Việt Nam - Cambốt qua vụ Xiêm Riệp từ năm 1983 đến nay chưa giải quyết rõ ràng; trong quan hệ Việt Nam - Hoa kỳ, rõ ràng TC2 của bộ quốc phòng Việt Nam đã bịa đặt ra vô vàn tin tức để dựng đứng rằng một cơ quan hệ trọng của chính phủ Mỹ là CIA đã thọc sâu bàn tay lũng đoạn vào nội tình Việt Nam trong một thời gian dài, tạo nên hình ảnh rất xấu về chính quyền Mỹ. Ðã đến lúc những người lãnh đạo tỉnh ngộ, quả đoán, đưa vụ án ra trước công luận và luật pháp,che dấu và bưng bít chỉ càng làm cho tình hình đi đến thảm họa.
* Ðích danh tội phạm
Một đặc điểm của các thư, kiến nghị, tố cáo mới nói trên là lời lẽ mạnh bạo, yêu cầu rõ ràng, dứt khoát, chỉ đích danh những kẻ bị cáo và tội danh. Người ta không còn gọi đại tướng, hay chủ tịch, hay đồng chí Lê Ðức Anh nữa, mà là “tên Lê Ðức Anh”, “viên cai Anh “, “thày Xú (surveillant) Chột” (vì chột một mắt trái) của đồn điền cao su Phú Riềng; các đồng đội của Vũ Chính, Nguyễn Chí Vịnh cũng không còn gọi trung tướng Vũ Chính hay đồng chí Nguyễn Chí Vịnh nữa mà là bọn Vũ Chính, Nguyễn Chí Vịnh... Các thư, kiến nghị cũng vạch mặt Ðặng Ðình Loan và gọi là tên tay sai, tên lưu manh văn hóa... Ði xa hơn nữa, có thư còn gọi những người trên đây là “bọn phản động”, “lũ phá hoại”, “kẻ phạm trọng tội phản quốc”... Việc hạ uy thế các nhân vật trên đây trước quân đội, đảng viên, xã hội là rất có ý nghĩa, có tác dụng thúc đẩy việc truy tố họ trước pháp luật theo những thủ tục pháp lý hiện hành.
Ðó là vì khi chỉ kiểm điểm nội bộ, kiểm thảo cá nhân, đấu tranh tư tưởng trong Ðảng Cộng Sản, trong chi bộ đảng, trong cấp ủy đảng thì đối tượng vẫn giữ nguyên mọi danh hiệu, vẫn là đồng chí, là tướng, là sỹ quan, vẫn tự do đi lại, quan hệ, vẫn giữ được uy tín, uy thế dù cho có bị sứt mẻ ít nhiều. Chỉ khi nào bị truy tố, có lệnh khởi tố của viện kiểm sát quân sự hay viện kiểm sát nhân dân, bị tạm giữ thì đối tượng mới thật sự bị pháp luật răn đe và kiềm chế. Chỉ khi đó bị cáo mới buộc phải khai báo đầy đủ. Theo tin từ Hà Nội, hiện Ban điều tra liên ngành do Bộ chính trị khóa 8 thành lập đã sưu tầm được đến hàng trăm tập hồ sơ, hàng vạn trang tư liệu, điều tra, thẩm tra, chứng cứ, qua hàng mấy trăm nhân vật, nhưng còn thiếu hẳn những khẩu cung trực tiếp và những đối chất quan trọng nhất. Vụ án chỉ có thể khởi sự khi nó được khởi tố.
Số gọi là “bị cáo” trong vụ án này không nhiều. Thật ra chỉ là một “nhóm” nhỏ, quan trọng nhất là Lê Ðức Anh, từng giữ chức cực lớn, đại tướng, bộ trưởng quốc phòng, ủy viên bộ chính trị, chủ tịch nước; sau đó là Vũ Chính và Nguyễn Chí Vịnh, hai viên tướng đã thôi chức vụ; và Ðặng Ðình Loan cán bộ cấp chuyên viên 8 (ngang thứ trưởng); 4 người này có quan hệ với nhau về nhiều mặt: Anh, Vịnh và Loan là người đồng hương, cùng ở tỉnh Thừa thiên-Huế; Chính là bố vợ của Vịnh; Anh nhận là bố nuôi của Vịnh... Ở các nước Xã Hội Chủ Nghĩa cũ đều có nhiều vụ án lớn mà bị cáo là các vị ở chóp bu quyền lực; như Béria ở Liên Xô, Lâm Bưu và lũ 4 tên ở TQ, đại tướng Kim Sang Bông ở Triều tiên, đại tướng Arnaldo Ochoa ở Cuba... đều bị kết án tử hình vì tội phản cách mạng.
Nếu vụ án được khởi tố, trong quá trình điêu tra xét xử, chắc chắn số bị cáo liên quan, số tòng phạm sẽ xuất hiện, vì với thời gian dài, với cương vị quyền lực, họ có nhiều kẻ cộng tác xa gần. Ví như Sáu Sứ và Năm Châu (Hồ Văn Châu), được họ từng dùng như tay sai để cài bẫy vu cáo tướng Giáp và tướng Trà, biệt tăm từ hơn 10 năm, không biết còn sống hay đã chết.
Còn nhân chứng của vụ án thì chắc chắn không ít. Chỉ riêng những quan chức bị TC2 tung tin rải rác đây đó, là “đi đêm, thậm thụt” với kẻ thù cũ, làm tay sai, có quan hệ đáng ngờ với CIA... thì có đến hơn 20 vị.
Theo đơn tố cáo, những người tán đồng, tiếp sức, hay ra sức bênh che, chạy tội cho tội phạm, làm cản trở luật pháp cũng phải được xét xử nghiêm theo pháp luật. Cho đến nay, có thể kể ra đó là: Phạm Văn Trà, người tâm phúc của Lê Ðức Anh, người trực tiếp nắm và điều hành TC2; Nguyễn Khoa Ðiềm, cầm đầu bộ máy kềm kẹp tư tưởng toàn xã hội (ban tư tưởng và văn hóa trung ương), đã thực hiện chỉ thị của Anh bắt buộc giáo sư Vũ Khiêu xóa bỏ 2 câu về chiến thắng Ðiện Biên Phủ trong bài “Chúc Văn” đọc tại Ðền Hùng, đồng thời trực tiếp khuyến khích mọi mặt cho Ðặng Ðình Loan viết cuốn tiểu thuyết lịch sử 4 tập Ðường Thời Ðại; Trần Ðình Hoan, người đã cung cấp cho Anh và Ðỗ Mười những tài liệu “mật” trong hồ sơ lý lịch của Lê Khả Phiêu về quan hệ bừa bãi với phụ nữ tay sai nước ngoài (!)nhằm hạ bệ Phiêu trong đại hội 9; Ðỗ Mười, nhân vật từng thực hiện ý định của Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ đưa Lê Ðức Anh lên những cương vị cao nhất, người tán thành các Sắc lệnh và Nghị định lập nên TC2 với quyền hạn vô biên, người một mực chủ trương bóp nghẹt vụ án bất chấp các thư, khiếu nại, yêu cầu của ngày càng đông đảo tướng lĩnh, sỹ quan, đảng viên kỳ cựu và dư luận xã hội đòi khởi tố vụ án. Cần chú ý là 4 người bị tố cáo là bênh che, chạy tội cho tội phạm thì 3 người là trong bộ chính trị hiện tại, chưa kể ông Trần Ðức Lương cũng bị 2 đơn tố cáo là muốn bóp nghẹt vụ án.
Chính vì có đến 5 trong số 14 ủy viên bộ chính trị (không kể Lê Minh Hương đã chết) muốn bóp nghẹt vụ án, nên chủ trương hiện nay của bộ chính trị là: giải quyết trong nội bộ và ở trên cao nhất vụ xung đột này - nghĩa là chỉ trong nội bộ bộ chính trị - và giải quyết êm thấm giữa 2 đại tướng trên cơ sở cảnh cáo nghiêm khắc ông Lê Ðức Anh và sẽ giải thể TC2. Theo chúng tôi được biết, ông Nông Ðức Mạnh và cả ông Ðỗ Mười đã đến gặp tướng Giáp nhằm thuyết phục ông Giáp chấp nhận chủ trương đó của bộ chính trị, “để duy trì sự ổn định chính trị của chế độ, để kẻ địch và bọn phản động không thể lợi dụng, để giữ uy tín cho đảng, vì quyền lợi cao nhất của đất nước”... Ông Giáp đã điềm đạm nhưng kiên quyết bác bỏ yêu cầu ấy, nhấn mạnh rằng bộ chính trị đã thành lập Ban điều tra liên ngành từ đại hội 8, năm 1996, thì nay cần kết luận và xử lý bằng văn bản rõ ràng rồi báo cáo ra ban chấp hành trung ương, vì ban chấp hành trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa 2 kỳ đại hội. Chính sau đó mới có lá thư dài quyết liệt phơi bày nhiều sự thật động trời ngày 17/6/2004 của thượng tướng Nam Khánh, và tiếp liền đó là 6 thư và đơn nảy lửa yêu cầu mở Tòa án Ðại hình, gọi tướng Anh là tên phản quốc, nghiêm khắc răn đe những kẻ bênh che tội phạm, còn kể đích danh họ là những ai.
Hiện nay Bộ chính trị rất lúng túng. Có thể nói hiện nay tình hình nằm trong tay 9 ủy viên bộ chính trị còn lại. Các cựu chiến binh kỳ cựu bênh vực lẽ phải và công lý, các chiến sỹ dân chủ kiên cường đang chung sức với đông đảo sỹ quan ủng hộ tướng Giáp để cố gắng tác động đến từng người trong 9 vị nói trên. Anh chị em đang cố sức thuyết phục ông Nguyễn Minh Triết, bí thư thành ủy Sài Gòn, người từng nói: Tôi ưa nghe những lời phê bình, cả những lời “nghịch nhĩ” (khó nghe), “trái luồng”; ông Phan Diễn, thường trực bộ chính trị từng có ý kiến kiên quyết trong vụ Năm Cam; ông Trương Quang Ðược, phó chủ tịch quốc hội, từng đưa ra chính kiến tiến bộ về luật xuất bản và kinh doanh của tư nhân; ông Nguyễn Tấn Dũng, phó thủ tướng thường trực, từng tỏ ý muốn cải thiện quan hệ với Mỹ và Liên hiệp châu Âu... Quan trọng nhất hiện nay là ông Nông Ðức Mạnh, vốn ít tự tin, dễ ba phải, người hiện có vai trò quyết định, nhưng lại thiếu hẳn những cố vấn có tài năng và bản lĩnh để góp ý kiến cho Tổng bí thư. Cầu mong con người dân tộc thiểu số ở ông, suy nghĩ giản đơn, phân biệt đen ra đen, trắng ra trắng, tâm lý chất phác, dễ nhận ra đúng, sai, thiện ác rạch ròi, sẽ có một phút bừng tỉnh, tự tin và quả đoán, làm nên một chuyển biến chính trị mà đất nước sẽ mãi mãi ghi nhớ! Trong chế độ Cộng Sản, Tổng bí thư quả đoán theo một chủ trương thì rất dễ dàng lôi kéo theo mình những người còn lưỡng lự, đắn đo.
Hoặc dù cho Tổng bí thư chưa đạt đa số vững chắc trong bộ chính trị (hiện 14 người), ông có thể đưa ra một trước cuộc họp ban chấp hành trung ương đảng để yêu cầu trung ương thảo luận và ra quyết định.
* Những địa chỉ cụ thể cần tác động để vụ án được khởi tố
Mới đây từ Hà Nội loan truyền tin hơn 20 sỹ quan cao cấp từng gửi kiến nghị ủng hộ tướng Giáp đã bị bắt giam (!);đồng thời tối 30/8, ông Lê Ðức Anh xuất hiện trong buổi lễ long trọng ở Hà Nội tuyên dương một số “anh hùng thời đổi mới “.Anh em dân chủ ở Hà Nội cải chính tin thứ nhất, coi đó là tin vịt, là đòn gió nhằm ngăn chặn những cuộc phản công mới, tiếp theo những cuộc “ra quân” nổi bật của tướng Nam Khánh, các đại tá Hùng Cường, Như Thiết, nhà địa vật lý Nguyễn Thanh Giang... Việc xuất hiện của ông Anh là có thật; nó chỉ chứng tỏ “cà cuống chết đến đít còn cay”, một sự liều mạng trong cơn nguy khốn, nhằm ổn định dư luận đang xôn xao. Sự lỳ lợm của kẻ cầm quyền ngang ngược là không có giới hạn, cho đến khi tình hình ngã ngũ. Ðây chỉ là sự thách thức và khiêu khích thô thiển. Các thế lực đòi đưa vụ án ra ánh sáng đang tìm thêm một hướng tiến công nữa, đó là thúc đẩy nhiều nhân vật có chức năng thấy rõ trách nhiệm và vào cuộc.
Ðó là Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Hà Mạnh Trí, Chánh án Tòa án tối cao Nguyễn Văn Hiện, Bộ trưởng tư pháp Uông Chu Lưu, Trưởng Ban kiểm tra trung ương đảng Vũ Quốc Hùng, Tổng thanh tra Nhà nước Tạ Hữu Thanh, Chủ nhiệm ban tư pháp của Quốc hội Vũ Ðức Khiển...
* Lời nhắn từ trong nước
Các chiến sỹ dân chủ trong nước nhắn ra cộng đồng ta ở khắp thế giới: Hãy tiếp sức mạnh mẽ cho việc đòi hỏi khởi tố vụ án. Ðây là thời cơ hiếm để có một chuyển biến chính trị theo hướng đòi công lý và thi hành luật pháp. Lực lượng rắp tâm bóp nghẹt vụ án rất sợ các tài liệu lọt ra ngoài nước, họ truy lùng ngày đêm, nhưng đã thất bại. Hàng loạt thư, kiến nghị, tin tức liên quan lọt ra ngoài làm họ rất lo sợ. Chúng ta đã dành thắng lợi bước đầu.Dư luận xã hội trong nước là nhân tố quyết định nhất. Ở hải ngoại xin hãy tăng âm, nhân bản, gửi trở lại về trong nước, bao nhiêu cũng chưa đủ để chọc thủng bức màn che dấu sự thật; xin hãy tận dụng phát thanh, báo chí, thư từ, in thành cuốn sách nhỏ, qua điện thoại, người về thăm gia đình, quê hương... mà loan truyền, trao đổi, gây tranh luận, bàn tán... Xin hãy dịch, in ra nhiều ngoại ngữ để báo chí, công luận các nước biết rõ về vụ án; khi có dịp tiếp xúc với các quan chức Hà Nội đi công tác hay các nhân viên Sứ quán, Việt nam thông tấn xã, phóng viên báo chí, du học sinh Việt Nam... xin hãy nói chuyện về vụ án, cung cấp tài liệu cho họ, tìm hiểu xem họ nghĩ ra sao..
Các bạn trong nước mong rằng bà con ta ở ngoài nước xin chớ coi vụ án này chỉ là tranh chấp nội bộ Ðảng Cộng Sản, ta đứng ngoài, ta vô can; mọi người hãy quan tâm vào cuộc theo phương thức khác nhau, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh chung cho dân chủ, nhân quyền và phát triển đất nước. Cuộc đấu tranh cần thời gian, cần bền bỉ, ở trong nước sẽ rộ lên nhân họp quốc hội vào tháng tới, nhân họp trung ương Ðảng Cộng Sản lần thứ 11 (khóa 9) vào cuối năm và sang năm 2005, trong quá trình chuẩn bị cho đại hội 10...
Bùi Tín - Paris 1/9/2004