Ngẫu hứng "LAN và ĐIỆP"
Ghi chép của Hà Sĩ Phu
Chiếc xe sang trọng chở bốn vị khách tham quan dừng trước cửa
quán nhà tôi. Họ gọi càphê và nước giải khát.
Vị trẻ nhất ôm khư khư trong lòng một cây phong lan tuyệt đẹp, vừa khuấy ly chanh đá vừa hỏi ông đầu hói kính cận :
- Bác trông chùm lan của mình có giống hệt đàn Bướm đang bay không, bác định tên cho nó là lan gì nào, Hồ điệp hay Kim điệp?
- Không được, Hồ điệp thuộc chi Pha-lê nốp-xít, Kim điệp thuộc chi Hoàng thảo Đen-đrô. Cái này không phải. Dựa vào màu hoa trắng như tuyết có gân hồng tía, cánh môi ba thùy, và hương thơm tuyệt diệu này thì đây có vẻ là một loại Dáng hương quế Aê-ri-đét chứ không phải "điệp"…
Vị thứ ba, thắt cra-vát diêm dúa xen vào :
- Hãy xếp những cái tên khoa học nghèo nàn, cổ lỗ của các bố lại ! Sao lại chỉ có Hồ điệp và Kim điệp ? Thằng này chuyên lùng hoa quý phục vụ các thủ trưởng trên mười năm nay, đã gặp hàng trăm thứ lan "điệp" rồi nhá :
Nhị điệp, tứ thiệt điệp, dư hồ điệp, khuê văn
hồ điệp này !
Trân điệp, mặc lan hoa điệp, hoa quang điệp, văn sơn kỳ điệp, dị hoa mai điệp
này !
Bình dực điệp, song toàn điệp, mê hồn điệp này !
Mân-nam hoàng điệp, Mân-nam lục điệp, Mân-nam kỳ điệp này !
Hồ điệp sơ-pai, hồ điệp ấn, hồ điệp cúc-phương này ! …
Thế thì các bố cứ đặt đại cho nó một cái tên thương mại, một thứ "điệp" gì đó thật mê hồn vào, cho nó xứng với khóm phong lan hương sắc vẹn toàn này đi, lần này tóm được của hiếm về, dâng tân thủ trưởng chắc có thưởng lớn đấy !
Nhà khoa học kính cận thì thộn mặt ra, nhưng chàng trai trẻ lại liến láu :
- Thế thì Hương điệp vậy ! Hương điệp là Bướm thơm ! Bướm mà thơm thì chết đứ đừ con ông cụ rồi !
Vị cra-vát diêm dúa chế nhạo :
- "Bướm thơm" thì mày về mà đặt tên cho cái con Lan " thát-trơ " của mày ấy ! Chứ hoa lan Hương điệp thì người ta đã đặt cho một loại lan xanh ô- liu thơm lừng rồi con ạ ! Nhưng lọai này của mình còn trên tài thứ Hương điệp ấy chứ !
Chàng trẻ tức quá, nổi khùng :
- Thế thì biết đặt là cái đ… gì được ?
Anh nào cũng gân cổ, tranh khôn, hậm hực, khoe cái tài trí thao lược, cái trình độ kinh tế thị trường rất có định hướng của mình.
Tóm được của hiếm tưởng đã hí hửng, ai dè việc tìm cho nó một cái tên cũng chẳng dễ dàng gì.
Riêng anh lái xe, từ nãy vẫn ngồi nhâm nhi cà phê, nhả những vòng tròn khói thuốc đuổi nhau, giờ mới buông một câu xanh dờn :
- Hồ điệp, Kim điệp, Hương điệp... gì gì cũng không ổn thì ta gọi quách nó là "Gián điệp" đi cho rồi ! Gián điệp bây giờ là đẹp và thơm nhất đấy các bố ạ !
Nói rồi họ đẩy nhau lên xe, chàng thanh niên vẫn khư khư trong lòng cụm lan "gián điệp". Xe nổ máy, mặt mũi vị nào cũng chưa hết "đằng đằng sát khí" vì cuộc cãi lộn.
Bọn khách tham quan ẩu đả ấy đi rồi, không hiểu sao bỗng nhiên tôi thấy giật mình, nhột nhột sau gáy, giật mình vì cái câu pha trò "cà chớn" của tay lái xe. Có khi hắn là con nhà có học thật chứ đừng coi thường !
Ừ, càng ngẫm càng thấy đúng : Chữ nho "Gián hoa, gián sắc" đúng là mầu sắc xen kẽ, sặc sỡ, lộng lẫy, không thuần sắc ! Tiếng Pháp là bigarré. Cánh bướm đẹp lộng lẫy, đan cài màu sắc, thì gọi là Gián sắc điệp , ê-gan (égal) Gián điệp ! Hóa ra hắn nói vào điển, vào chữ, chứ không đùa đâu ! (*)
Bất giác tôi bật ra được đôi câu đối tức cảnh chuyện "lan" và "điệp", khoái quá, chép ngay vào sổ :
Mấy bông "Gián điệp"
thơm lừng cõi !
Một lũ "Tham quan" tức lộn mề !
Đàlạt, thành phố hoa-2004
Hà Sĩ Phu
***
(*) Riêng loài Lan Phalaenopsis fuscata có tên là Hồ điệp sơ-pai, tương
tự như chữ "spy " tiếng Anh là gián điệp (xem cuốn Phong lan Việt
Nam của Tiến sĩ Trần Hợp). Lan và Điệp thật lắm duyên nợ.