Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

 

Có điều gì không ổn ở Ðông Nam Á?

 

Far Eastern Economic Review

12-12-2002

 

 

Sự khám phá ra các tổ khủng bố Hồi Giáo cực đoan tại vùng Ðông Nam Á làm rúng động vùng này. Nó đe dọa đến tình hình kinh doanh và đe dọa đến ngành công nghiệp du lịch đang thịnh vượng. Vùng Ðông Nam Á, nơi tập trung dân số Hồi Giáo đông nhất thế giới, là nơi có truyền thống sâu xa về tính khoan dung và ôn hòa về mặt mặt tôn giáo. Nhưng vụ đặt chất nổ khủng bố tại một hộp đêm ở Bali đã biến vùng này thành chiến tuyến giữa Hồi Giáo và Tây phương. Theo cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, nguyên do của vấn đề này vượt ra ngoài các ý định vươn đến vùng Ðông Nam Á của tổ chức Al Qaeda. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho chủ bút tạp chí Kinh Tế Viễn Ðông Michael Vatikiotis, ông Lý Quang Diệu lập luận rằng các tổ chức dân quân Hồi Giáo trong vùng cũng rất là nguy hiểm.

 

FEER:

 

Phong trào Hồi Giáo cực đoan đã sinh ra tại Ðông Nam Á như thế nào?

 

LQD:

 

Khi chúng ta hỏi những người Hồi Giáo rằng: "Tại sao các bạn lại tuân theo Hồi Giáo một cách nghiêm ngặt như vậy?" thì họ trả lời: "Vì chúng tôi là người có học thức hơn hết và do đó chúng tôi hiểu biết thông suốt hơn hết những điều gì chúng tôi nhìn thấy". Yếu tố lớn nhất đưa đến phong trào Hồi giáo cực đoan là do các nước Hồi Giáo thúc đẩy phát triển nên. Số người theo Hồi Giáo ngày càng gia tăng khi nước Ả Rập Saudi bỏ tiền ra để xây nhiều đền thờ, đào tạo các giảng viên Hồi Giáo. Rồi từ đó một số tín đồ sùng đạo bị lôi kéo bởi các phần tử cực đoan để rồi biến thành nhửng kẻ sẵn sàng tử vì đạo. Tổ chức Al Qaeda và các phần tử cực đoan tại địa phương sàng lọc, lôi kéo những phần tử mà họ cho là dùng được để huấn luyện riêng trong các lớp mà người ta dậy rằng một tín đồ Hồi Giáo ngoan đạo là phải chiến đấu cho tất cả những người Hồi Giáo bị áp bức trên thế giới, và nếu cần thì phải hy sinh tính mạng cho mục tiêu cao cả đó, để được trở thành "syahids" (thánh tử đạo).

 

FEER:

 

Có phải là họ cũng làm như vậy ở Singapore?

 

LQD:

 

Ðúng thế. Thủ lãnh Hồi Giáo ở Singapore là người đã được Abu Bakar Bashir ở Mã Lai chiêu nạp. Tổng thống Suharto ở Indonesia đã kềm giữ hoạt động của Bashir và Hambali. Vì thế những người này chạy qua Mã Lai để xây dựng nhiều tổ hoạt động, trong đó có một số ở Singapore. Với tinh thần tôn giáo ngày càng thịnh, cộng thêm với hệ thống truyền hình vệ tinh, người Ả Rập đã thành công trong việc bắt tay với Hồi Giáo ở Ðông Nam Á để biến họ ngày càng giống như là Hồi Giáo Ả Rập hơn.

 

FEER:

 

Có phải tình trạng kinh tế của những năm gần đây đã thúc đẩy hiện tượng đó?

 

LQD:

 

Mã Lai đã tăng trưởng về kinh tế, và Indonesia cũng vậy. Singapore là một thành phố đô thị hóa rồi, vậy mà cũng có một tổ hoạt động. Và họ tranh đấu cho những kẻ ở Palestine, Chechnya, Kosovo, nơi mà người Hồi Giáo bị chịu bất công. Mỗi ngày, đài truyền hình chiếu hình ảnh lính Do Thái đánh đập người Palestine rất là ghê rợn. Tôi không nói rằng nếu chúng ta giải quyết vấn đề Palestine thì sẽ không còn nạn khủng bố Hồi Giáo nữa. Chiến lược của tổ chức Al Qaeda là cho toàn thể Hồi Giáo chứ không phải chỉ riêng cho những người Ả Rập, là kêu gọi tranh đấu cho Hồi giáo bị áp bức tại khắp nơi trên thế giới. Và kẻ đàn áp lớn nhất là nước Mỹ, đang ủng hộ Do Thái. Ðiều này làm cho lời kêu gọi thánh chiến được hưởng ứng.

 

FEER:

 

Liệu có hiểm họa chia rẽ giữa các nước Mã Lai, Indonesia và Singapore?

 

LQD:

 

Tôi không nói là tôi nhìn thấy hiểm họa khủng bố đang đến. Ðiều tôi thấy là ngày càng khó làm cho những người Hồi Giáo hội nhập vào xã hội Singapore. Thay vì gia nhập các tổ chức của cộng đồng, người Hồi Giáo bỏ nhiều thời giờ sinh hoạt tại các đền thờ Hồi Giáo và các tổ chức xã hội của Hồi Giáo. Ngay cả nhà trẻ cũng nằm trong đền thờ.

 

FEER:

 

Có một nhóm người bị bắt tại Singapore đã tìm cách phá ống dẫn nước của thành phố, hình như là họ liên quan nhiều hơn với các tổ chức tại Mã Lai và Singapore hơn là với tổ chức thánh chiến quốc tế?

 

LQD:

 

Ðó là ý đồ của người lãnh đạo tổ chức đó muốn gây ra sự xung đột về chủng tộc và xung đột giữa các quốc gia. Cũng giống như là học thuyết của Cộng Sản đã chủ trương. Họ gây ra tình trạng rối loạn, rồi một tổ chức gồm một thiểu số người sẽ nhân dịp chiếm chính quyền. Vì thế, dù cho mục tiêu là gì đi chăng nữa, thì họ cũng gây ra xung đột trong quốc gia, xung đột giữa các chủng tộc và giữa các quốc gia. Trong tình trạng mất trật tự và rối loạn đó, họ sẽ sinh sôi nảy nở và chiếm quyền lực.

 

FEER:

 

Như vậy là không phải là do ảnh hưởng của tổ chức Al Qaeda?

 

LQD:

 

Ðó là do lòng tham quyền lực. Họ muốn thành lập một quốc gia Hồi Giáo hay cũng gọi là Daulah Islamiyah, một vị giáo chủ gồm thâu toàn thể Mã Lai, Indonesia, Nam Philippines và Singapore. Ðó là điều xuẩn ngốc, không thể thực hiện được. Giả sử họ chiếm được quyền lực như Cộng sản đã làm ở Ðông Âu đi chăng nữa thì thử hỏi các nước Cộng sản Ðông Âu có trở thành một quốc gia cộng sản duy nhất hay không? Tại sao người Hồi Giáo ở Thái Lan, ở Mã Lai hay ở Philippines phải từ bỏ quyền lực và chủ quyền để tuân phục vị giáo chủ đang lãnh đạo người Hồi giáo Indonesia? Nhưng trong cuộc tranh đoạt quyền lực, họ được thúc đẩy bởi lòng cuồng nhiệt ghê gớm với ý nghĩ: "Chúng ta là những con người thuần khiết nhất, chúng ta chiến đấu cho Thượng Ðế".

 

Ðiều phải ghi nhận trước hết đây là vấn đề của chúng tôi, chứ không phải của người Mỹ. Nếu các bạn nghĩ là họ chỉ chống lại người Mỹ thì các bạn lầm rồi đấy. Những lãnh tụ Hồi Giáo của tổ chức Jemaah Islamiah như Bashir và Hambali, họ muốn chiếm quyền lực tại Indonesia và nếu có thể là toàn thể Ðông Nam Á. Chúng tôi được biết qua sự liên lạc trên Internet là họ đang có 100 nhóm cấp tiến ở Indonesia với tổng cộng hàng ngàn tín đồ. Cho dù chúng ta bắt được toàn thể thủ phạm đặt chất nổ ở Bali thì cũng chỉ là một tổ trong muôn vàn tổ đang hoạt động.

 

FEER:

 

Ðiều này ảnh hưởng đến tình hình chính trị tại Ðông Nam Á ra sao?

 

LQD:

 

Ðây là một sự đe dọa. Trong quốc gia mà các định chế chính trị yếu, như trường hợp Indonesia, thì sự đe dọa càng lớn. Những biện pháp về xã hội hay kinh tế cũng chẳng cải thiện được tình hình bao nhiêu. Hãy nhìn những kẻ khủng bố bị bắt. Họ có nhà, không phải là kẻ thất nhiệp. Tất cả đều hưởng nền giáo của Anh chứ không phải nền giáo dục của Mã Lai. Một số có trình độ cấp hai, một số có trình độ cấp ba về kỹ thuật, có người tốt nghiệp đại học.

 

FEER:

 

Trong thời kỳ có sự đe dọa của Cộng sản thì thuốc chữa là một chính quyền mạnh. Ðây có phải là giải pháp hữu hiệu không?

 

LQD:

 

Nếu khủng bố có thể giải quyết bằng các ngăn ngừa tội phạm thông thường thì tốt lắm. Nhưng có được hay không? Làm sao Mã Lai ngăn ngừa khủng bố? Bằng cách dùng luật An Ninh Nội Chính, là cách mà Singapore đã dùng. Giả sử chúng ta làm theo thủ tục thông thường bắt những kẻ khủng bố để rồi khi đến hạn 48 tiếng đồng hồ thì để cho luật sự đóng tiền thế chân mà cho những kẻ này được tại ngoại thì làm sao chúng ta có thể ngăn chận kịp thời trước khi họ châm ngòi nổ đặt trên các xe vận tải? Chúng ta phải bắt họ và giam giữ mà không cần xét xử để ngăn chận họ đừng làm những điều tai hại.

 

FEER:

 

Ông có tin là sự đe dọa của khủng bố Hồi Giáo đã được dẹp sạch trong vùng Ðông Nam Á?

 

LQD:

 

Không. Làm sao có thể nói như thế được? Chúng ta đã phá vỡ được một tổ nhưng làm sao chúng ta có thể đoan chắc được là không có một tổ khác đã đi vào bí mật hoặc đang "ngủ" để rồi một ngày nào đó hoạt động trở lại?

 

FEER:

 

Nếu là sự đe đọa cho quyền lực của địa phương, tại sao không ai nhìn thấy trước hiểm họa này sẽ xảy đến?

 

LQD:

 

Chúng tôi không biết là họ đã chuẩn bị dùng bạo động, và đã móc nối với tổ chức Al Qaeda. Ông Habibie, thời làm tổng thống Indonesia đã tạo ra cơ hội cho các tổ chức khủng bố chỗi dậy. Ông ta đã hủy bỏ các đạo luật của ông Suharto nhằm vào việc kìm giữ các tổ chức Hồi Giáo cực đoan. Ông ấy đã cho phép các tổ chức Hồi Giáo này dùng khẩu hiệu và biểu tượng tôn giáo, như cờ quạt, để phục vụ cho mục tiêu chính trị của họ . Ông Suharto đã cấm làm như vậy sau khi vụ nổi loạn của nhóm Hồi Giáo Darul vào thập niên 1950 và 1960. Nhưng những nhóm này không chịu từ bỏ ý định nổi loạn. Cách duy nhất để giữ cho các định chế toàn Indonesia được giữ tính cách thế tục và có thể phục vụ cho toàn thể quốc gia là dùng quân đội gìn giữ an ninh.

 

FEER:

 

Vùng Ðông Nam Á thường được coi là nơi có truyền thống khoan dung, một quê hương cho một Hồi Giáo ôn hòa. Có thể nào vùng này trở lại như cũ sau khi các tổ khủng bố Hồi Giáo bị dẹp sạch?

 

LQD:

 

Vào lúc này thì chiều hướng đang đi ngược lại hướng ôn hòa. Nhưng tôi không cho rằng những người Hồi Giáo cực đoan sẽ thành công. Lấy trường hợp Iran mà xem. Ði ngược lại lịch sử để cai trị theo giáo điều không đem lại cuộc sống mà người dân Iran mong muốn. Ngày nay, các thiếu nữ Iran đang công khai bất tuân các giáo điều. Họ tô son, đánh phấn, đi dạo phố với những tấm khăn choàng đầu bằng voan mỏng. Họ đã từng bất mãn và nổi loạn 23 năm trước đây. Nhưng bây giờ hàng giáo phẩm Hồi giáo không dễ dàng gì mà từ bỏ quyền lực một cách dễ dàng.

 

Có thể là sẽ phải mất 20 hay 30 năm nữa trước khi phong trào Hồi Giáo đi vào một chu kỳ khác, nhưng chắc chắn là chế độ giáo quyền sẽ thất bại. Những sự thất bại của các quốc gia Hồi Giáo theo chế độ giáo quyền sẽ cho thấy là quốc gia giáo quyền cũng giống như các quốc gia cộng sản chỉ là mộng ảo. Nhưng hiện giờ thì giấc mộng Daulah Islamiyah (quốc gia Hồi Giáo) đang được người Hồi Giáo hưởng ứng nồng nhiệt.

 

 

Trở về trang chính