Cộng Sản sợ trí thức tự do
Nhật báo Người Việt, California, Mỹ, thứ tư 15-12-2004
Ngô Nhân Dụng
Hôm qua mục này đã nhắc đến ba nhà trí thức Trung Quốc mới bị bắt giam ngày Thứ Hai đầu tuần này. Việc bắt giữ các ông Từ Hiểu (Yu Jie,) Lưu Hạo Ba (Liu Xiaobo) và Chương Trị Hòa (Zhang Zuhua) chứng tỏ chính sách của ông Hồ Cẩm Ðào trở nên cứng rắn hơn sau khi ông thu được toàn quyền, chiếm thêm chức chủ tịch Quân ủy Trung ương từ tay cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân. Nhưng việc bắt giữ này cũng có thể chứng tỏ giới trí thức Trung Hoa đang vận động mạnh mẽ hơn, đang trở thành mối lo lớn của chế độ cộng sản.
Bà Lưu Dân, vợ của nhà văn Từ Hiểu cho biết công an đến bắt chồng bà với trát tòa buộc tội ông “tham dự các hoạt động chống lại nhà nước.” Việc bắt bớ được tổ chức có quy mô, công an cảnh sát mặc đồng phục vây ngôi nhà chúng cư trong có căn hộ của họ và đường dây điện thoại bị cắt trong lúc bà vợ đang nói chuyện với một ký giả.
Nhà văn Lưu Hạo Ba đã từng bị truy tố là một trong những người tổ chức cuộc vận động biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989, sau đó ông bị tù nhiều năm khi quân đội cộng sản đàn áp các sinh viên và công nhân vào ngày 4 tháng Sáu.
Ba năm trước đây,hai nhà văn này đã tổ chức một trung tâm PEN mang tên Ðộc lập Trung văn Tác gia Bút hội (tên tiếng Anh viết tắt là ICPC,) được Pen Club quốc tế công nhận, ông Lưu hiện nay là chủ tịch của ICPC. Tổ chức này đã lên tiếng bênh vực các nhà văn, thi sĩ và nhà báo bị chính quyền cộng sản đàn áp, được các nhà văn Trung Hoa tại hải ngoại tham dự và tích cực hỗ trợ. Tháng Chín vừa qua, trung tâm ICPC đã bênh vực một thi sĩ mới bị bắt và bị buộc tội tiết lộ bí mật quốc gia, không khác gì những tội mà chính quyền Cộng sản Việt Nam gán cho thi sĩ Bùi Minh Quốc ở Việt Nam.
Tháng Mười vừa qua, trung tâm này đã tổ chức một buổi lễ vinh danh một tác phẩm của nữ sĩ Zhang Yihe. Cuốn hồi ký mang tên “Quá khứ không thể tan biến như mây khói” đã bị cấm nhưng nhiều ấn bản được lưu hành bí mật, và một bản rút ngắn mang tên “Những nhà quý tộc sau cùng” được ấn hành ở Hồng Kông. Ðây là câu chuyện của thân phụ tác giả, Zhang Bojun, cùng các nhà trí thức đã bị Cộng sản Trung Quốc đàn áp trong phong trào “Chống hữu phái” năm 1957. Buổi lễ phát giải “Tự do sáng tác” này có 62 nhà văn tham dự, ở một làng ngoại ô Bắc Kinh. Nhà văn Từ Hiểu là người đọc bài diễn văn biểu dương tác phẩm về phương diện lịch sử, kể lại những sự thật bị che dấu gần nửa thế kỷ một cách thẳng thắn. Ông cũng ca ngợi tác giả đã phục hồi danh dự cho ngôn ngữ Trung Hoa qua tác phẩm này. Nhà văn Lưu Hạo Ba nhấn mạnh rằng Tự do Sáng tác là được tự do không phải đóng vai phát ngôn cho một chính quyền nào. Ông giải thích vai trò của Ðộc lập Trung văn Tác gia Bút hội, tức Hội Văn Bút Ðộc lập tiếng Trung Hoa, như là thành phần của xã hội công dân nhằm bảo vệ quyền tự do phát biểu. Nhà văn Zhang Yihe đã rơi lệ khi đứng ra nhận giải thưởng. Hai nhà văn có mặt trong buổi lễ đó cũng là các luật gia đã hứa sẽ biện hộ cho bất cứ nhà văn nào bị bắt bớ vì tác phẩm của mình. Nhà văn Wang Lixiong là người được trao giải Tự do Sáng tác đầu tiên của hội ICPC cũng phát biểu. Ông nói: “Trước đây chúng ta đơn độc đương đầu với bọn độc tài. Ngày nay mỗi ngày càng nhiều người dám đứng ra chống độc tài và đang đòi hỏi tự do, dân chủ nhiều hơn, chúng ta cảm thấy an toàn hơn bao giờ hết!”
Nhưng trong thực tế các nhà văn vẫn chưa được an toàn, bằng cớ là chính quyền Cộng sản Trung Quốc mới bắt hai người có mặt trong buổi lễ trên. Ðiều đặc biệt là trong buổi lễ phát giải đó có phóng viên quốc tế của hãng Reuters nhưng cũng có phóng viên của nhật báo Thanh niên Trung Quốc, cơ quan của Ðoàn Thanh niên Cộng sản. Ông Hồ Cẩm Ðào từng đứng đầu đoàn thể thanh niên trên, và gần đây ông đã bổ nhiệm những người phụ tá cũ trong Ðoàn Thanh niên Cộng sản vào những chức vụ quan trọng, như bí thư tỉnh Liêu Ninh và tỉnh Phúc Kiến. Ông Hồ Cẩm Ðào đang củng cố địa vị để đóng vai chủ động chứ không còn phải nấp bóng Giang Trạch Dân như từ lúc mới làm tổng bí thư đảng. Nhưng từ khi ông tăng quyền hành thì việc đàn áp giới trí thức cũng mạnh hơn. Trước đây, đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho phép giới học giả và nhà văn được nhiều khoảng trống hoạt động hơn so với Cộng sản Việt Nam. Các nhà nghiên cứu về chính trị, xã hội và kinh tế học được bàn và viết về các đề tài cấm kỵ như các chế độ dân chủ, phương pháp quản lý, các vấn đề giàu nghèo chênh lệch, vân vân.
Chính những nhà văn Việt Nam ở trong nước cũng than phiền là văn giới Trung Quốc được tự do hơn nên các sáng tác của họ tiến vượt bực, đang tràn ngập thị trường văn nghệ ở Việt Nam. Nguyễn Huy Thiệp đã ví như cảnh đi mua hoa thủy tiên của Trung Quốc về trưng bày. Tuy nhiên, gần đây đảng Cộng sản Trung Quốc đã thắt dây thòng lọng lại chặt chẽ hơn. Bộ Thông tin của chính phủ Bắc Kinh đã trở lại tập tục quản lý chặt chẽ các tờ báo, giống như đảng Cộng sản Việt Nam vẫn bắt các tổng biên tập các báo lớn nhỏ phải họp thường xuyên với cán bộ thông tin, văn hóa và công an để khỏi đi ra ngoài đường lối đảng. Thí dụ, gần đây họ đã cấm loan các tin nhạy cảm về bất công xã hội.
Việc đàn áp giới trí thức đã bắt đầu năm nay. Một giáo sư Ðại học Bắc Kinh đã bị mất chức sau khi viết bài phê bình Bộ Thông tin. Nhà văn Vương Quang trạch (Wang Guangze) chủ biên tạp chí Diễn đàn Thế kỷ 21 của đảng đã bị cách chức sau khi đi tham dự một hội nghị ở Mỹ trở về. Trong hội nghị đó ông thuyết trình về ảnh hưởng của Internet trên xã hội Trung Quốc.
Những hành động trên cho thấy Cộng sản Trung Quốc đang thắt chặt hơn vòng vây kiểm soát giới trí thức. Lý do có thể là họ đang lo sợ ảnh hưởng của giới trí thức trong quần chúng ngày càng mạnh hơn, nhất là trong giới thanh niên Trung Quốc lớn lên sống đầy đủ hơn nhưng thiếu tự do.
Ông Chương Trị Hòa là một nhà chính trị học và cũng tham gia hội ICPC. Ông là một trong những người soạn lá thư gửi Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 15 năm vụ tàn sát ngày 4 tháng 6 năm 1989 ở Thiên An Môn. Lá thư trên mang danh hiệu một “Lời kêu gọi Hòa giải Chính trị và Dân chủ” đã lên án cuộc tàn sát “Lục tứ Sự kiện” và sự im lặng của đảng Cộng sản Trung Hoa kể từ ngày đó, từ chối không xét lại những lời lên án sự kiện trên là phản cách mạng. Những ý kiến nêu trong bản văn này sẽ có tác dụng vang vọng trong lòng người thanh niên Trung Hoa. Gần một trăm nhà văn, nhà trí thức trong và ngoài nước Trung Hoa viết: “Bóng đen của sự cố 4 tháng 6 đã khiến lương tâm của mỗi con người thành đối lập với đời sống công... hủy hoại những giá trị của xã hội Trung Quốc và đời sống tâm lý người dân. Sự đe dọa của bạo lực khiến cho các kỷ cương đạo lý và lòng dũng cảm của giới trí thức Trung Quốc bị tàn hủy như cát bị sống cuốn đi. khi các bậc cha mẹ, thầy giáo, người trí thức trong xã hội không có lòng dũng cảm để phơi bày sự thật về sự dối trá chính trị lớn nhất cho thế hệ sau biết, thì nền công lý và lương tâm mà chúng ta vẫn ước mong cũng bị mất. Sự thật đã bị mất.” Bản văn này cũng vạch ra rằng khi chính quyền cộng sản đàn áp những người đòi mang sự kiện Lục Tứ ra ánh sáng thì sẽ khiến người dân sợ hãi không dám tố giác các đảng viên tham nhũng.
Những lời lên án như trên chắc hẳn đã tác động trên thanh niên Trung Quốc, khiến giới lãnh tụ cộng sản phải thẳng tay đàn áp. Nhưng sự kiện trên cũng cho thấy giới trí thức Trung Quốc vẫn giữ vững ngọn lửa đấu tranh cho tự do, rất đáng khâm phục. Kinh tế Trung Quốc phát triển cao hơn kinh tế Việt Nam rất nhiều, nhưng các người trí thức trẻ xứ họ vẫn không bị ru ngủ. Trái lại, cảnh phồn vinh giả tạo và xã hội bất công càng khiến cho giới trí thức ý thức bổn phận của họ là đòi cho dân tộc được tự do để được sống xứng đáng với phẩm giá con người.
Ở nước ta, những nhà trí thức như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Xuân Tụ, Nguyễn Ðan Quế, vân vân, cũng đang giữ ngọn lửa tự do sáng mãi, dù họ liên tiếp bị đàn áp. Chúng ta hy vọng giới thanh niên ở nước ta giữ được bầu máu nóng đấu tranh cho tự do, noi theo lớp đàn anh đáng kính trọng đó. Cộng sản Trung Quốc và Cộng sản Việt Nam càng tìm cách đàn áp giới trí thức và văn nghệ sĩ, chúng ta càng thấy rõ rằng họ sợ nhất là những người biết suy nghĩ tự do và dám phát biểu tự do.
Ngô Nhân Dụng