Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

 

Trở về trang chính

Nhu Cầu Trí Óc Và Tâm Linh

Ngô Nhân Dụng
Nhật báo Người Việt, California, USA

Năm 1943 nhà tâm lý học về Quản Trị Abraham Maslow nhận xét các nhu cầu của con người có một thứ tự ưu tiên. Cần nhất là những nhu cầu cho sinh sống. Nếu thiếu ăn quá thì con người có thể quên tất cả những nhu cầu khác. Những người đói giành giật miếng ăn vì họ không còn thấy nhu cầu xã hội là quan trọng nữa. Thứ đến là nhu cầu an ninh, cả về tiền bạc lẫn sinh mạng. Những nhu cầu xã hội nổi lên sau đó, như người ta cần thương yêu và được yêu thương; rồi cần được kính trọng và cảm thấy tự trọng. Và sau cùng là nhu cầu mà Maslow gọi là "tự thể hiện" (self actualisation), thí dụ nhân cách, giá trị, những tiềm năng và khát vọng của mình.

Khoa học về quản lý khai triển bảng cấp bậc các nhu cầu đó vì nhà quản lý cần biết làm cách nào tác động nhân viên trong tổ chức để họ làm việc. Tăng lương là một cách, nó đáp ứng nhu cầu bậc một. Bảo hiểm y tế có thể giúp thỏa mãn nhu cầu an ninh. Tổ chức sinh nhật cho nhân viên cũng tốt, đáp ứng loại nhu cầu xã hội. Và muốn nhân viên thỏa mãn nhu cầu tự thể hiện, các công ty xe hơi như Volvo đã xóa bỏ dây chuyền ráp kiểu máy móc, tổ chức các nhóm công nhân chung sức ráp một cái xe từ đầu đến cuối để họ cảm thấy chính họ đang làm chủ công việc mình làm chứ không phải bị công việc làm chủ . Các công ty điện toán, tin học ở Mỹ hiện nay cho các kỹ sư ăn mặc tự do như thời sinh viên, đến sở và ra về vào giờ nào cũng được, đang làm việc có thể chạy qua hồ bơi của hãng lội mấy vòng. Trong không khí tự do đó, nhân viên thiết tha với công việc mình làm hơn và phát triển nhiều sáng kiến. Ðó là loại nhu cầu cao nhất khi đi bán sức lao động nhưng mình vẫn tự do thể hiện khả năng của mình chứ không phải là nô lệ .

Bảng sắp hạng các nhu cầu Maslow nêu ra cũng chỉ là một giả thuyết chẳng có gì là tuyệt đối, nhưng giúp môn học về quản trị tiến bộ rất nhiều từ nửa thế kỷ nay. Nhưng áp dụng nhiều nhất vẫn là trong phạm vi quản trị các xí nghiệp và các tổ chức. Biết hệ cấp các nhu cầu đó có thể chúng ta thử áp dụng trong cách cư xử với hàng xóm, bạn bè, hoặc trong gia đình mình, cũng ích lợi. Nhưng còn cả một xã hội thì sao?

Có lẽ con người sống trong một quốc gia thì những nhu cầu của họ cũng xuất hiện theo một thứ tự không khác sống trong một xưởng máy là bao.

Người ta có nhu cầu vật chất, thị trường kinh tế giúp cho mình thỏa mãn nó. Lập ra Nhà Nước để cảnh sát, công an cho mình cảm thấy sống an toàn, không sợ trộm cướp hay có thằng lái xe ẩu khiến mình bị vạ lây. Vân vân. Nhưng khi hai nhu cầu đó đã tạm thỏa mãn rồi, các nhu cầu khác như được kính trọng, tự trọng, nhu cầu tự do, nhu cầu trí não và tâm linh sẽ nổi lên. Và lúc đó nếu không được thỏa mãn người ta sẽ thấy thiếu, thấy cần thiết thật sự . Có khi thấy cần kinh khủng, không được thỏa mãn thì đời không đáng sống nữa.

Nhu cầu bậc cao nhất là ở khối óc và con tim. Cha mẹ sinh ra có cái đầu mà không được suy nghĩ tự do thì tự hỏi sống thế có gọi là đáng sống như một con người hay không? Niềm tin của mình, tin vào sự lương hảo, vào khả năng hoàn thiện của con người, mà bị từ chối, cấm đoán thì không biết mình còn được người ta coi là một con người hay không?

Có lẽ những nhu cầu của khối óc và con tim đó đã khiến cho hai trăm tín đồ Pháp Luân Ðại Pháp vượt qua bao nhiêu hàng rào công an mật vụ mang được biểu ngữ, tài liệu tới Quảng Trường Thiên An Môn tập họp, dù biết rằng sẽ bị bắt ngay lập tức. Và nhu cầu của trí não cũng là lý do khiến nhiều nhà trí thức Trung Hoa đã mạnh dạn lên tiếng phê phán những chính sách sai lầm của Ðảng Cộng Sản, mặc dù họ sẽ bị trừng phạt, mất hết các quyền lợi.

Trên báo này quý vị đã đọc nhiều lần những tin tức về mấy chục triệu môn đồ Pháp Luân Công ở Trung Hoa. Ðiều đáng chú ý lần này là họ đã tập hợp được với nhau sau khi đã bị Quốc Hội Bắc Kinh làm luật chính thức coi sinh hoạt tập thiền và khí công của họ là bất hợp pháp; sau khi công an đã bắt bớ, đánh đập và truy tố ra tòa hàng ngàn người, có những môn đồ là đảng viên cao cấp đã tự tử vì không giải quyết được mối mâu thuẫn trong lòng. Nhưng lần này, họ tụ họp nhau đúng vào lúc hàng chục ngàn người Mỹ đang biểu tình ở Washington để phản đối hiệp định thương mại Mỹ - Trung. Sự trùng hợp đó không phải là tình cờ. Phái Pháp Luân Công vẫn nổi tiếng vì sử dụng các phương tiện thông tin mới nhất, như email, internet, tức là "vượt biên bằng điện tử" . Họ muốn cho dư luận Mỹ và thế giới biết bộ mặt chế độ Cộng Sản ở Trung Quốc có phải là mặt người hay không! Chỉ còn một tháng nữa là kỷ niệm 4 tháng 5, 1919, Ngũ Tứ Vận Ðộng; hai tháng nữa là kỷ niệm cuộc thảm sát ở Thiên An Môn năm 1089. Những môn đồ Pháp Luân Công muốn báo tin: Mùa Xuân sắp tới, nhất định Mùa Xuân phải tới.

Các nhà trí thức cũng vậy. Các ông Phàn Cương và Mao Ư Thức là các kinh tế gia nổi tiếng, thường được mời giảng dậy ở các đại học Tây phương và tham dự các hội nghị quốc tế. Giáo sư Phàn Cương thường tham dự Hội Nghị Thượng Ðỉnh Kinh tế ở Davos, Thụy Sĩ, nơi gặp mặt của những người được giải Nobel Kinh Tế học, các ông Bill Gates hay Tổng Thống, Thủ Tướng các nước G-7. Ông lập ra Viện Cải Cách Kinh Tế toàn quốc. Giáo sư Mao Ư Thức, năm nay 71 tuổi, đã nhiều lần kêu gọi chính phủ Trung Quốc từ bỏ độc quyền ngân hàng để cải cách nhanh hơn. Ông cũng lập ra một Quỹ "xóa nghèo đói" cho các vùng kinh tế yếu kém. Hai ông Phàn Cương và Mao đều bị trục xuất ra khỏi Viện Khoa Học Xã Hội.

Ngoài ra, giáo sư Lý Thận Chi cũng đang bị báo chí nhà nước tố cáo là "chống đối Ðảng", một tội danh lâu lắm mới được xử dụng ở Trung Quốc. Ông Lý từng là một trợ lý của Thủ Tướng Chu Ân Lai, và làm phó chủ tịch Viện Khoa Học Xã Hội. Nhật báo Quang Minh tố cáo một lá thư của ông được gửi đi rộng khắp trên Internet. Trong lá thư chỉ trích các chủ trương đường lối của Ðảng Cộng Sản, ông Lý đặt câu hỏi tại sao Ðảng cứ bị ám ảnh mãi về "ổn định xã hội" trong khi Ðảng chính là nguồn gốc của mọi sự bất ổn tại Trung Hoa kể từ năm 1949 đến nay? Ông Lý nói rằng Ðảng Cộng Sản đã để lỡ một cơ hội không nhân dịp năm 1999 đem biến cố Thiên An Môn ra thẩm định lại. Ông viết: "Sống mãi với những lời gian dối như thế, không có một lý thuyết nào chỉ đạo, làm sao chúng ta đổi mới được? " Lá thư kết thúc với lời tiên đoán: "Nếu không có một diễn biến hòa bình thì sẽ có cách mạng bạo động."

Ðó là những nhà trí thức can đảm. Họ dám nói sự thật, dù bị bạo lực đe dọa. Ngày nay Ðảng Cộng Sản không còn dùng hộ khẩu, tem phiếu khóa nồi cơm của họ, nhưng họ cũng mất những quyền lợi vật chất như không được đi giảng dậy ở ngoại quốc nữa. Nhưng con người ta có những nhu cầu, khi bị ức chế thì nó bùng lên. Ở Việt Nam có lẽ ít người ở vào tâm trạng đó. Hội Nhà Văn Việt Nam sẽ họp đại hội vào thư hai tới ở Hà Nội. Mới thấy cách hội viên như Hoàng Tiến, Trần Ðộ lên tiếng đòi cho các nhà văn được tự do sáng tác, tự do xuất bản. Tướng Trần Ðộ còn đặt câu hỏi: Tại sao lại có thứ gọi là Công An Văn Hóa.

Có lẽ để trả lời ông Trần Ðộ, ngày mai thứ bẩy, ông Bộ Trưởng Công An Lê Minh Hương, cấp bậc trung tướng, sẽ đãi tiệc các đại biểu về dự Ðại Hội Nhà Văn Việt Nam! Công an đãi tiệc hội nghị nhà văn, điều đó chứng tỏ công an rất có văn hóa, công an cũng là văn hóa mà văn hóa cũng chính là công an! Có thể nói các hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam đã thỏa mãn những nhu cầu cơ bản trong bảng xếp hạng của Maslow. Họ được mời ăn, đó là nhu cầu cấp một; có người đeo súng kè kè gác cho mình ăn, nhu cầu cấp hai là an ninh; lại được uống rượu và trò chuyện với các công an và được công an khen ngợi, thế là nhu cầu xã hội cũng thỏa mãn. Còn những nhu cầu cao cấp như tự do suy nghĩ, tự do tin tưởng, để thấy mình ra cái giống người, như mấy ông Lý Thận Chi, Mao Ư Thức, hay Pháp Luân Công đang đòi hỏi, chắc các nhà văn Việt Nam cũng có chứ. Không có thì sao gọi là người? Nhưng chưa họp mà đã thấy mặt còng số tám thì chắc họ phải thấy mất an toàn, đành lui trở về với nhu cầu cấp một, là ăn, và chỉ ăn mà thôi. Khi con người thấy đời mình an toàn nữa, làm sao nghĩ tới các nhu cầu xa xôi được? Thôi thì cứ thỏa mãn nốt cái nhu cầu cấp một cũng là quý lắm rồi.

Ngô Nhân Dụng


Trở về trang chính