Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

2 Bài Bào Chữa Của 2 Luật Sư Trong Vụ Án Nguyễn Vũ Bình

 

HANOI -- Dưới đây là Bài Bào Chữa trong vụ xử sơ thẩm ông Nguyễn Vũ Bình của Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội sáng ngày 31/12/2003.


Đề Cương
Bào Chữa Vụ Nguyễn Vũ Bình
Luật sư: Đàm Văn Hiếu

1 – Cáo trạng của Viện KSND thành phố Hà Nội đã truy tố Nguyễn Vũ Bình vì tội gián điệp theo Điều 80 BLHS trong đó có nêu ra một số việc làm của Bình mà cáo trạng coi là phạm tội gián điệp.


Bình đã nhận hết những việc mình đã làm, là có quan điểm đa nguyên đa đảng (dân chủ đa nguyên) và cho rằng: trong quan điểm của Bình là trái với đường lối chính sách của Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng Bình "không vi phạm pháp luật bởi vì theo Điều 69 Hiến pháp thì mọi người có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội" (BL284-287)


Theo tôi có những việc mà cáo trạng nêu ra như:


• Bình có quan điểm dân chủ đa nguyên, tuy trái với đường lối chính sách, nhưng đây là thuộc lĩnh vực tư tưởng, không phải là phạm tội.


• Bình xin thành lập Đảng tự do dân chủ và tham gia thành lập "Hội nhân dân Việt Nam chống tham nhũng" cũng vậy.


• Cũng như vậy việc ký vào các bản kiến nghị đòi thực thi dân chủ và đòi tha người này, giải quản cho người kia, không phải là hành vi phạm tội.


Mặt khác, những việc nói trên không dính dáng gì với tội gián điệp.


2 – Theo tôi hiểu, phải chăng quy Bình vào tội gián điệp, chỉ vì Bình đã liên hệ và trao đổi với một số cá nhân người Việt ở nước ngoài như: Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Ngọc Đức (ở Pháp), Ngô Thị Hiền (ở Mỹ), Trương Minh Dũng (ở Canada), về tình hình dân chủ ở Việt Nam? Tức là Bình đã làm gián điệp cho mấy cá nhân này? Đó chính là vấn đề mà tôi muốn đề cập đến.


Từ trước đến nay, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, trong lĩnh vực đời thường cũng như trong lĩnh vực pháp lý, mọi người đều coi làm gián điệp là làm tay sai cho nước ngoài, cung cấp bí mật Nhà nước hoặc tin tức khác để nước ngoài sử dụng chống nước ta.
Phải chăng Bộ Luật hình sự nước ta có quy định gì khác ? Không, Điều 80 BLHS cũng quy định như vậy. Xin đọc trích dẫn Điều 80 của cáo trạng:


"Người phạm tội gián điệp là người cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài hoặc cung cấp tin tức tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước CHXHCN Việt Nam".


Nước ngoài đây phải hiểu là một nước khác, một quốc gia khác, mà đại diện là Chính phủ hoặc các tổ chức tình báo chứ không phải là một công dân của nước đó, càng không phải là một ngoại kiều hoặc một tổ chức ngoại kiều nào sống ở nước đó, nếu họ không phải là tay sai hoặc nằm trong tổ chức tình báo của nước này.


Như vậy, tinh thần và nội dung của Điều 80 là đúng đắn, phù hợp với khái niệm “tội gián điệp” trên trường quốc tế và trong quan điểm của mọi người. Không có nước nào coi là gián điệp người đã trao đổi quan điểm với người nước mình sống ở ngoại quốc. Nếu có đủ chứng cứ là phạm tội thì cũng không thể là tội gián điệp được. Đối chiếu với Điều 80 BLHS, Bình không làm gián điệp cho nước nào, cũng không cung cấp những bí mật Nhà nước hoặc các tài liệu tin tức gì khác cho nước ngoài nếu không phạm vào Điều 80 BLHS.


Cáo trạng có nêu ra một số tiền vào khoảng 500 – 600 đô mà Bình và vợ Bình đã nhận được, nhưng đâu phải là tiền công làm gián điệp. Vợ chồng Bình cho biết, người gửi cho nói là quà cho các con. Chẳng qua là Bình lâm vào cảnh khốn quẫn, khi rời khỏi Tạp chí cộng sản, không có việc làm, hai con nhỏ và mẹ già phải nuôi, tỉnh cảnh gia đình do một mình vợ Bình phải gánh vác, nên mọi người trong và ngoài nước thông cảm gửi cho mà thôi. Tôi chắc rằng những người có lòng nhân ái, không ai cho đó là tiền "gián điệp".


3 – Cũng cần nói thêm là: có ý kiến cho rằng: về yếu tố nước ngoài của Điều 80/BLHS, Uỷ Ban Pháp Luật của Quốc hội đã có công văn (số 783, ngày 16/07/2002) giải thích là : phải được "hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả cá nhân người Việt Nam, tổ chức người Việt Nam phản động lưu vong ở nước ngoài".


Theo luật tổ chức Quốc hội thì Uỷ Ban Pháp Luật không có quyền giải thích pháp luật. Theo điều 7 Khoản 3 của luật này, việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh thuộc nhiệm vụ quyền hạn của UBTV/QH. Còn UBPL/QH chỉ có mấy nhiệm vụ quyền hạn sau đây:


1. Thẩm tra các dự án luật, dự án pháp lệnh do Quốc hội hay UBTV/QH giao.


2. Thẩm tra báo cáo của các cơ quan chấp pháp và hành pháp.


3. Giám sát việc thực hiện luật, hoạt động điều tra, thi hành án (xem Điều 27 Luật Tổ chức Quốc hội)


Không hiểu vì lẽ gì mà UBPL làm sai thẩm quyền của mình; không thực hiện đúng nhiệm vụ quyền hạn của mình. Trong Nhà nước pháp quyền, phải thực hiện đúng thẩm quyền đã được luật quy định.


Nếu sai thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền thì không có hiệu lực thi hành. Không những thế, giải thích như vậy còn làm sai lệch cả tinh thần và nội dung đúng đắn của điều luật.


Không thể coi một cá nhân người Việt, một tổ chức người Việt lưu vong ở nước ngoài là nước ngoài được, dù hiểu rộng đến đâu đi nữa.


Thưa Hội đồng xét xử


4 – Toàn bộ hồ sơ đã chứng tỏ đây không phải là vụ án gián điệp mà thực chất là một vụ đấu tranh đòi thực hiện dân chủ đa nguyên, Nguyễn Vũ Bình là một thanh niên trí thức tốt nghiệp Đại học, công tác tại Tạp chí Cộng sản, thuộc gia đình liệt sỹ.


Theo lời khai của Bình, Bình nhận thức là vấn đề tự do dân chủ trong nước là vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay. Do đó, Bình mới trao đổi rộng rãi với mọi người để tìm kiếm một giải pháp nhằm thay đổi tình hình. Tuy nhiên, Bình mới chỉ dừng ở mức độ trao đổi, thảo luận quan điểm mà thôi (BL 284-287). Sau khi suy nghĩ nghiêm túc vấn đề này, Bình đã làm đơn xin lập Đảng tự do dân chủ, đồng thời xin thôi việc tại Tạp chí Cộng sản, mặc dầu Ban Lãnh đạo Tạp chí đã khuyên can và biết rằng quan điểm và hành động của mình là trái với đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ không có lợi cho bản thân và gia đình mình.


Vợ Bình sợ chồng mất việc, gia đình nheo nhóc nên khuyên Bình nghe lời Ban Lãnh đạo Tạp chí Cộng sản để giữ việc làm, Bình đã không nghe và bảo vợ "đó là quan điểm và nhận thức của anh, đừng bắt anh phải có nhận thức khác". Như vậy, dù đúng hay sai, những điều nói trên chứng tỏ là Bình là người có khí phách.


Với sự trình bày ở trên, để kết luận vấn đề, tôi cho rằng Bình không phạm tội gián điệp, xử phạt Bình theo tội danh này là gượng ép và không đúng tinh thần, nội dung của Điều 80 BLHS.


Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.
Ngày 31 tháng 12 năm 2003
Luật sư: Đàm Văn Hiếu


Và dưới đây là bài bào chữa thứ nhì.
Luật Sư Trần Lâm
Bào Chữa Cho Nguyễn Vũ Bình Bị Quy Tội Gián Điệp

Việc Bình đưa tài liệu ra nước ngoài và quan hệ trao đổi, đó là hình thức quảng bá. Xuất phát từ mục đích để tiếp cận ở bên ngoài và bên trong. Không làm theo mệnh lệnh vì một số người yêu cầu Bình viết và gửi ngay bài về nhưng Bình không làm và không gửi. Nếu làm gián điệp là phải làm ngay theo yêu cầu. Bình làm là do xuất phát từ bản thân, ý thức rằng các việc đó không hề phạm pháp. Về yếu tố nước ngoài: Các công ty nước ngoài ở Việt Nam cũng thể là gián điệp lắm chứ nhưng đó chỉ là giả định vì không thể chứng minh được. Nước ngoài phải là một quốc gia, một tổ chức, một cơ quan tình báo chứ không phải là một vài cá nhân, vì thế không thể qui tội gián điệp. Có nhiều ý kiến nói 80 triệu dân Việt Nam không phải tất cả cùng ý chí, cùng quan điểm. Như thế không thể nói những ai không cùng quan điểm là phạm tội gián điệp.


Ở đây không đủ yếu tố cấu thành tội gián điệp vì Bình không làm theo mệnh lệnh của nước ngoài, không làm theo mệnh lệnh của bất kỳ ai. Bình làm theo ý chí của bản thân. Đó là làm việc thiện cho nhân loại, không hề móc nối, không hề cung cấp tin tức mà chỉ trao đổi quan điểm. Chưa hề hành động bạo động.

 
Từ trước đến nay trong lĩnh vực đời thường và pháp lý. Làm gián điệp là làm tay sai, cung cấp tin tức, tài liệu cho nước ngoài thì mới phạm tội gián điệp. Không thể đưa việc trao đổi quan điểm với một số cá nhân Việt kiều để khép tội gián điệp là không đúng.
Ở đây chủ toạ, đại diện Viện Kiểm soát và luật sư có quan điểm khác nhau. Tôi xin hỏi có luật pháp nào qui định việc trao đổi quan điểm, tư tưởng cho người cùng dân tộc lại vi phạm pháp luật. Vì thế không thể kết tội bị cáo làm gián điệp.


Về yếu tố nhận tiền: tiền phải là tiền công. Đây là tiền giúp đỡ, tiền quà cho 2 con nhỏ. Không hề phạm tội. Khép tội gián điệp là không đúng, là khiên cưỡng. Tiền trao đổi giải thưởng của các tổ chức nhân quyền cũng bị cho là tiền gián điệp là không đúng.
Làm gián điệp gì mà lại quảng bá rộng rãi, công khai gửi đi các nơi – xin loại bỏ tội gián điệp.


Tuy không được đẹp, nhưng tôi xin dẫn lời nói của một người Mỹ nổi tiếng “Thế nào là dân chủ, dân chủ là phải biết lắng nghe ý kiến người chống đối mình để tìm ra giải pháp tốt hơn".


Việc muốn Đa Nguyên Đa Đảng là quan điểm và nhận thức của mỗi người.

 
Phạm tội chính trị, tội gián điệp là phải có hận thù, bức xúc. Bình không phải là người như thế. Bình là một trí thức trẻ tâm huyết muốn cho xã hội phát triển. Có thể là người nhiễm tư tưởng dân chủ. Không hề có động cơ xấu. Nếu khép bị cáo vào tội gián điệp sẽ để lại một bản án không đúng dù sau 50 năm sau mọi người vẫn nhận thấy đó là bản án khép tội khiên cưỡng. Đối với tình hình xã hội hiện nay thì chỉ nên dùng biện pháp răn đe không trừng trị.

 

 

 

Trở về trang chính