Minh Võ
Lời
nói đầu
Một bạn đọc ở
Santa Ana, sau khi đọc bài "Tướng cộng sản hồi hưu Trần Ðộ chống đảng hay
muốn cứu đảng" đăng trên nguyệt san Hiệp Nhất số tháng 3 năm 1999 (1), đã
gọi tôi bảo hãy tìm đọc bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong số mới nhất vừa ra
đề 1-15 tháng 4, 1999 trong đó cũng có người viết về Trần Ðộ đấy. Tôi đã từng
nghe nói VNTP là tờ báo có nhiều cây viết cứng cựa, với lập trường chống Cộng
rõ rệt không khoan nhượng, đã đứng vững gần một phần tư thế kỷ ở hải ngoại.
Trong số báo đầu tháng 4 này tác giả Tầm Nguyên đã đề tựa bài viết của ông:
"Viên Tướng VC Về Hưu Trần Ðộ vuốt đuôi đảng". Trong bài báo ông đã
gọi Dương Thu Hương là "nhà văn cái", Bùi Tín là "con thò
lò". Nguyên mấy nhóm từ "vuốt đuôi đảng", "nhà văn
cái", "con thò lò" được dùng đủ cho thấy tác giả coi ba người
này chẳng ra gì, lời nói của họ đối với ông chỉ là trò bịp bợm do đảng mớm cho
mà thôi.
Nhưng tôi
cũng được biết những người này đã được các báo Thế Kỷ 21, Người Việt, Ngày Nay,
Diễn Ðàn Phụ Nữ. ở Mỹ, Thông Luận, Tin Nhà ở Pháp. và các đài BBC, VOA và Á
Châu Tự Do nhắc đến một cách trân trọng hơn. Sự tò mò khiến tôi tìm đọc thêm về
họ. Ðồng thời tôi cũng muốn biết thêm về một số người khác trong số những nhà
trí thức, văn nghệ sĩ và cán bộ cao cấp của Việt Cộng trước kia mà từ những năm
bắt đầu "cởi trói" hay "Ðổi Mới" dưới thời Nguyễn Văn Linh,
đã lên tiếng phản kháng hoặc tỏ dấu phản tỉnh. Càng đọc tôi càng thấy có gì mới
mẻ, đáng quan tâm. Khi đọc một cuốn thì tôi nghĩ khác, đọc sang cuốn thứ hai
rồi thứ ba, tôi thấy mình nghĩ khác về tác giả. Ðọc một nguồn tin tôi nghĩ
khác, đến khi được đọc nhiều nguồn tin, đối chiếu nhiều tác phẩm của nhiều tác
giả với nhau, rồi đặt chúng vào thời gian, bối cảnh của chúng, tôi nảy ra những
suy đoán, giả; thuyết khác nhau. Vì vậy tôi đã tìm đọc một số sách báo gần đây
đểcố đẩy sự "nghiên cứu" riêng của mình tới một điểm nào đó. Mặc dầu
chỉ vì tò mò cá nhân, không có tham vọng làm một cuộc phê bình văn học hay
nghiên cứu nghiêm túc về lịch sử, chính trị, tôi cũng thấy dường như mình đã
khám phá ra một cái gì hay hay đối với riêng mình. Tôi mạnh dạn viết ra những
trang sau đây để chia sẻ với bạn đọc, nhất là những bạn đọc trẻ, bận việc ít có
thì giờ đọc sách nhưng lại tò mò muốn biết những gì đang xảy ra trong nước giữa
nhà cầm quyền với những người viết văn và những cựu cán bộ phản tỉnh hay bất
mãn, hay giả vờ bất mãn.
Xin bạn
đọc đừng coi đây là một cuộc nghiên cứu nghiêm túc. Hãy chỉ coi như một sự chia
sẻ về tư liệu và suy tư của một người tò mò đã dành thì giờ tìm hiểu xem những
người được nêu tên nơi các đầu chương của tập sách này phản tỉnh thực hay giả,
và qua những gì họ nói và viết bộ mặt xã hội "xã hội chủ nghĩa" Việt
Nam đã hiện lên như thế nàọ Và., nếu sau khi gấp cuốn sách lại, bạn đọc thấy
được phần nào sự phức tạp của cuộc chiến quốc cộng trong ba thập niên và lý do
tại sao "phe quốc gia" lại thua và phe nào đã thắng, đang thắng, sẽ
thắng thì đó là ngoài sự mong mỏi của soạn giả.
Soạn phẩm
này sẽ gồm có 20 chương. Mỗi chương trong 18 chương đầu sẽ dành để nói về một
tác giả. Chương 19 nói chung chung hết sức vắn tắt về khoảng 40 tác giả hay
nhân vật khác mà chúng tôi không có đủ dữ kiện để dành cho mỗi người một chương
riêng. Chương 20 là phần tổng kết những nhận xét và bình luận của soạn giả, dựa
theo những ý kiến của tất cả các tác giả hay nhân vật đã được nói đến trong các
chương, và những ý kiến của một số tác giả thuộc phe quốc gia, và thế giới tự
do đã phát biểu từ lâu trước. Trong số 18 tác giả có chương riêng thì có:
Ba người
đã dứt khoát từ bỏ và chống lại chính quyền cộng sản không do dự: Hoàng Văn Chí
rời bỏ miền Bắc vào Nam từ 1956. Xuân Vũ (Bùi Quang Triết) ra hồi chánh năm
1968 và Hoàng Hữu Quýnh tìm tự do năm 1979 ở Ý.
Một
người, tuy sống trong lòng chế độ cộng sản, nhưng từ đầu tới cuối luôn luôn
chống đảng không úp mở là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.
Ba người
đã bỏ chạy ra sống ở ngoại quốc cho đến nay, tuy có chống chế độ cộng sản,
nhưng tương đối còn kính nể Mác và Hồ Chí Minh, đó là các ông Trương Như Tảng
(đi từ 1976), Búi Tín (từ 1990) và Vũ Thư Hiên (từ 1995).
Một người
đã từng cùng nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống đường lối của đảng trong một thời
gian ngắn rồi sau đó bị cô lập, trù dập cho đến thời kỳ "đổi mới".
Cuối cùng đã đánh lừa được đảng để lấy cớ sang Pháp vận động cho chế độ rồi ở
lại nói lên phán quyết cuối cùng, muộn màng phê phán: "Chính là Mác
sai". Ðó là giáo sư thạc sĩ Trần Ðức Thảo.
10 người
còn lại là những cán bộ, đảng viên hoặc văn nghệ sĩ, nhà báo ngoài đảng, nhưng
hiện nay vẫn sống ở trong nước. Họ đã mỗi người bằng một cách riêng, hoặc trực
tiếp, hoặc gián tiếp qua ẩn ngữ, dụ ngôn chống đối đảng một cách ôn hòa, bất
bạo động. Ðó là các ông Hoàng Minh Chính, Trần Ðộ, Hà Sĩ Phu, Ðào Hiếu, Nguyễn
Hộ, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Văn Trấn (mất năm 1995), Nguyễn Mạnh Tường (mất
1998), linh mục Chân Tín và bà Dương Thu Hương.
Các
chương không được xếp theo thứ tự vừa nêu, mà theo thứ tự mẫu tự ABC tên gọi
của các tác giả để tiện tìm đọc. Vì thực ra sự phân loại nói trên của soạn phẩm
cũng không có tính cách chặt chẽ như trong một tác phẩm nghiên cứu đích thực.
Xin bạn đọc hãy coi những trang sau đây như những tư liệu đọc để giết thời
gian. (2)
Sau hết,
nhân đây chúng tôi xin cám ơn, đồng thời xin lỗi các tác giả vì đã lạm dụng
trích dẫn hơi nhiều, mặc dù vẫn thấy chưa lột hết được ý của quý vị. Nếu có gì
sai sót mong quý vị thông cảm và chỉ giáo cho. Cũng mong độc giả sẽ không trách
chúng tôi rườm rà trongnhững trang trích dẫn lê thê. Chúng tôi chỉ nêu ra làm
tài liệu hầu bạn đọc có thể căn cứ vào đó phán đoán về những kết luận của chúng
tôi liên quan đến các vấn đề căn bản đề cập trong phần tổng kết. Bạn đọc có thể
chỉ lướt qua phần trích dẫn nơi 19 chương trên nếu thấy không hấp dẫn.
Chú
Thích:
(1) Xin
xem chương 3 soạn phẩm này.
(2) Trong
soạn phẩm này chúng tôi hay dùng mấy chữ viết tắt xhcn để chỉ xã hội chủ nghĩa
theo thuyết duy vật vô thần của Mác. Khi dùng theo nghĩa xã hội chủ nghĩa của
các thế chế tự do thì không bao giờ viết tắt chữ nhỏ như vậy.
+ Một số nhóm từ nhắc lại nhiều lần trong một chương, như tên tác giả
đứng đầu chương và những nhân vật quá quen thuộc cũng hay được viết tắt bằng
những chữ cái đầu tên, như HVC = Hoàng Văn Chí, HMC = Hoàng Minh Chính, HCM =
Hồ Chí Minh. CCRÐ = Cải Cách Ruộng Ðất vân vân.
+ Trong
chương tổng kết và vài chương khác, như chương 9, chương 15, chúng tôi có dùng
những danh xưng Cơ Ðốc Giáo, Ki-Tô hữu, tín đồ Công Giáo. Chúng tôi xin giải thích
về những sự phân biệt này để độc giả hiểu rõ ý chúng tôi.
Tôn Giáo
coi Ðức Chúa Giêsu Kitô (Jesus Christus) là Ðức Chúa Trời (Ngôi Lời, Ngôi Hai
Thiên Chúa, vừa có Thần Tính, vừa có Nhân Tính) được gọi là Ki-Tô Giáo, tiếng
Pháp là Christianisme. Trước đây cũng có nhiều người gọi là Cơ Dốc Giáo, đạo Cơ
Ðốc. Chữ Cơ Ðốc là theo phiên âm tiếng Tầu, Ki-Tô là theo phiên âm tiếng Việt,
của chữ Christo. Cũng có người gọi là đạo Gia Tô. Chữ Gia Tô là theo phiên âm
tiếng Tầu của chũ Jesus. Ngày nay không còn ai nói đạo Gia Tô nữa.
Ki-Tô
Giáo theo thời gian đã tách ra làm nhiều hệ phái có danh xưng khác: Chính Thống
Giáo ở một số nước Ðông Âu và Hy Lạp, Liên Xô; Anh Quốc Giáo ở nước Anh và một
số nhỏ ở Mỹ. Hai tôn giáo này không khác Công Giáo La Mã bao nhiêu. Cách phụng
vụ và tế lễ cũng giống nhau. Ðạo Tin Lành gồm rất nhiều chi phái do hai nhà
thần học Ki-Tô Giáo là Calvin và Luther sáng lập; cuối cùng là Công Giáo có khi
gọi là Công Giáo La Mã, là đạo tự cho là chính thống hơn tất cả các giáo phái
Ki-Tô Giáo khác, vì vẫn giữ đúng mọi tín điều và nghi lễ như ban đầu. Ki-Tô
Giáo trên thế giới có số tín đồ tổng cộng 2 tỷ thì công giáo đã chiếm 1 tỷ
(theo kiểm tra đầu năm nay là đúng một tỷ).
Như vậy
khi chúng tôi dùng Ki-Tô Giáo thì hiểu là Công Giáo cũng được mà Tin Lành, hay
Chính Thống, hay Anh Giáo thì cũng được. Còn khi nói Công Giáo thì xin hiểu đó
là Tôn giáo lớn nhất trong Ki-Tô Giáo, có trụ sở là Vatican, La Mã.
Tại Việt
Nam trước đây nhiều người cũng dùng 3 chữ "Thiên Chúa Giáo" để gọi
Công Giáo. Nhưng trong soạn phẩm này chúng tôi tránh dùng mấy tiếng đó cho khỏi
gây hiểu lầm, vì Thiên Chúa theo chúng tôi hiểu là chung cho mọi tôn giáo. Ðạo
nào cũng thờ Thiên Chúa, tức Chúa Trời, tức Thượng Ðế, tức Ðấng Tối Cao, Ðấng
Toàn Năng, Ðấng Toàn Hảo, Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ, hay Ơn Trên, hay
"Giời".
Riêng về hai
chữ Công Giáo chỉ có nghĩa là đạo mà người Tây Phương từ trước đến giờ vẫn gọi
là "Catholicisme, Catholicism", chứ không hề có nghĩa là "đạo
chung cho mọi người" như có người hiểu lầm, rồi dịch ra Anh ngữ là
"Public Religion" (!).
oOo
Chương
1
Hoàng Văn Chí
Hoàng Văn
Chí, bút hiệu Mạc Ðịnh, sinh ngày 1-10-1913 tại Thanh Hóa (Làng Ngò). Ông học
trung học tại trường Albert Sarraut, Hà-nội, rồi tốt nghiệp cử nhân khoa học
năm 1940. Khi cuộc chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp xảy ra vào cuối năm 1946
ông đã ra bưng theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp (từ 1946) cho đến khi mặt
nạ ái quốc của ông Hồ Chí Minh và đồng đảng rớt xuống trong các chiến dịch
"Giảm Tô" và "Cải Cách Ruộng Ðất" (từ 1953-1956). Chính ông
đã chứng kiến, và trong nhiều trường hợp tham dự các cuộc đấu tố dã man. Sau
Hiệp Ðịnh Genève ông đã tìm tự do. Năm 1958 Mặt trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa của
chế độ Ngô Ðình Diệm đã cho in tác phẩm"Trăm Hoa Ðua Nở Trên Ðất Bắc"
của ông dưới bút hiệu Mạc Ðịnh. Cuốn "Giai Cấp Mới ở Bắc Việt" thì do
nhà xuất bản Công Dân, Saigon. Năm 1959 ông được cử làm phó tổng lãnh sự ở Tân
Ðề Li trong một năm rồi sang Âu Châu tìm cơ hội cho thế giới biết thực chất của
chế độ cộng sản ở Việt Nam. Trong thời đệ nhị Cộng Hòa ông làm biên tập viên
cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ từ 1965 đến 1969. Ông qua đời tại Maryland, Hoa Kỳ
ngày 6-7-1988. Khi ông mất ông đang viết dớ tác phẩm "Duy Văn Sử
Quan", sau này được con ông bổ túc và giao cho tủ sách Cành Nam xuất bản
năm 1990. Ðây là một tác phẩm lớn có tham vọng thay thế duy vật sử quan của
Mác, nhưng không thành công.
Ðầu năm
1962 ông viết bài "Collectivisation and rice prođuction" (Tập thể hoá
sản xuất và sự sản xuất gạo) đăng trên tờ "China Quarterly" nói về sự
thất bại của chính sách hợp tác hóa nông nghiệp đối với việc sản xuất lúa gạo ở
Việt Nam cũng như ở Trung Quốc và Bắc Hàn. Nó mở đường cho tác phẩm đắc ý của
ông: "From colonialism to communism" (Từ Thực Dân Ðến Cộng Sản) mà
chúng tôi trích dẫn trong chương nàỵ Bài báo nói lên sự thất bại của hợp tác
hóa nông nghiệp ở miền Bắc dưới sự cai trị của đảng cộng sản, và nhất là sự tàn
bạo đến dã man chưa từng thấy của các chiến dịch mệnh danh là "Giảm
Tô" và "Cải Cách Ruộng Ðất" trong những năm 1953-1956.
Tác phẩm
"từ thực dân đến cộng sản", do Frederick A. Praeger xuất bản tại Anh
và Mỹ năm 1964, chia làm 5 phần gồm 18 chương. Ngoài 2 chương ở phần I nói tóm
tắt về lịch sử của một dân tộc yếu nhỏ nhưng lại có một dĩ vãng có lúc huy
hoàng, tất cả 16 chương còn lại dành để nói về sự xuất hiện và vai trò của đảng
cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Hồ Chí Minh. Ông gọi Hồ Chí Minh là anh hùng, vì
cho rằng ông ta đã làm được điều mà các nhà cách mạng tiền bối và các đảng phái
quốc gia trước đó đã không làm được, đó là đánh thắng thực dân Pháp. Vì cũng
từng có lúc tâm phục ông Hồ để đi theo ông kháng chiến chống Pháp trong một
thời gian dài nên Hoàng Văn Chí cũng ca tụng ông Hồ ở nhiều trang sách. Nào ông
Hồ nói được hàng chục thứ tiếng, ăn uống thanh đạm, mặc thì bình dân, chân đi
dép râu. Nào có nhiệt tình cách mạng không ai bằng, vào tù ra khám không biết
bao nhiêu lần vì lý tưởng cách mạng. Ông cũng so sánh ông Hồ với cựu hoàng Bảo
Ðại và tổng thống Ngô Ðình Diệm mà ông cho rằng không thể nào sánh kịp ông Hồ.
Tuy nhiên trong chương 3 dành cho nhân vật "anh hùng" này tác giả đã
nói rõ sự lệ thuộc của Hồ Chí Minh vào Liên Xô và cái tài đóng kịch của ông ta.
Theo ông
thì ông Hồ thành công vì nhiều lẽ. Nhưng "thắng lợi cuối cùng phần lớn là
do biết mềm dẻo, uyển chuyển trong khi áp dụng các chiến thuật khi thì tỏ ra
cộng sản, khi thì tỏ ra quốc gia tùy theo hoàn cảnh mỗi lúc đòi hỏi, trong khi
vẫn cố giấu mục tiêu chiến lược cuối cùng mà không bao giờ thay đổi."(3)
Mục tiêu
cuối cùng này là gì? Ðó là nhuộm đỏ cả nước. Ðưa cả nước vào quỹ đạo cộng sản.
Còn chiến thuật được áp dụng uyển chuyển thì như thế nào? Nghĩa là khi thì đứng
chung với những người quốc gia, nói vì dân vì tổ quốc. Như thời gian ở Pháp làm
báo với ông Nguyễn Thế Truyền. Như thời gian tiếp xúc với các ông Phan Bội
Châu, Lâm Ðức Thụ ở Trung Quốc. Như thời gian liên lạc với các toán OSS của Mỹ.
Như thời gian giải tán đảng cộng sản, lập chính phủ Liên Hiệp với các ông
Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam khi mới nắm được chính quyền.
Khi thì ôm chân đảng cộng sản Pháp; làm gián điệp cho Liên Xô; bán đứng cụ Phan
Bội Châu cho cảnh sát Pháp; nhận lệnh của Mao Trạch Ðông phát động Cải Cách
Ruộng Ðất đẫm máu, tái lập đảng cộng sản dưới danh hiệu đảng Lao Ðộng. v.v.
Tác giả
đã nói đến chuyện ông Hồ một mực chối mình không phải là Nguyễn Ái Quốc. Ông
trưng dẫn Jean Lacouture, trong tác phẩm "Cinq hommes et la France"
(Năm nhân vật và nước Pháp) đã kể rằng khi tướng Salan, người đàm phán về hưu
chiến năm 1946, hỏi thẳng Hồ Chí Minh: Ông có phải Nguyễn Ái Quốc không? Thì
ông Hồ nhất định bảo không phải. Ông cũng thuật lại việc ông Võ Quý Huân hỏi
ông Hồ khi cùng đi trên con tầu SS Dumont dUrville từ Fontainebleau về nước:
chủ tịch có biết hiện giờ ông Nguyễn Ái Quốc đang ở đâu không? Và ông Hồ đã đáp
lửng lơ: Tốt hơn nên hỏi ông ấy, đừng hỏi tôi.
Về nguyên
quán của ông Hồ, tác giả cũng bảo ban đầu ông ta khai là Hà Tĩnh. Mãi sau này,
vào năm 1958 nhà cầm quyền Hà-nội mới chính thức công bố ông Hồ Chí Minh chính
là "người yêu nước" Nguyễn Ái Quốc, nguyên quán tỉnh Nghệ An. (4)
Tác giả
cũng nói đến chuyện ông Hồ cũng như ông Nguyễn Khánh Toàn đều đựơc Liên Xô cung
cấp cho một bà vợ hờ (một phụ nữ Nga) sống với nhau rất kín đáo. Riêng ông Toàn
thì đã có nhiều con với người vợ Nga này và khi sang Trung Quốc hoạt động ông
lại được cung cấp một bà vợ khác, người địa phương.(5)
Ðể chứng
tỏ ông Hồ có thể làm bất cứ chuyện gì, miễn đạt được mục tiêu chiến lược của
ông là "cách mạng vô sản"(sic), tác giả đã thuật lại việc ông Hồ âm
mưu với Lâm Ðức Thụ bán đứng nhà cách mạng ái quốc Phan Bội Châu cho cảnh sát
Pháp để lấy số tiền khổng lồ là 10 vạn đồng lúc ấy (một con trâu chỉ bán được 5
đồng) (6) và việc có lẽ ông ta đã nhận làm gián điệp cho Anh để được thả khi bị
bắt ở Hồng Kông vào năm 1933 là lúc ông ta bỗng biến mất trong khi đang nằm nhà
thương vì bệnh lao. (7)
Một bằng
chứng hùng hồn cho thấy Hồ Chí Minh không phải là người thực sự yêu nước, ít
nhất là ở giai đoạn sau, mà ông chỉ yêu cộng sản. Ông không phải nhà cách mạng
quốc gia, mà thực sự là một kẻ cuồng tín vì chủ nghĩa vô sản quốc tế. Tác giả
đã trích dẫn lời tuyên bố của ông Hồ vào cuối thập niên 50, nhân dịp mừng sinh
nhật của ông, đã được tờ "Echo du Viêtnam" (Tiếng vọng từ Việt Nam),
cơ quan bán chính thức của cộng sản Việt Nam ở Paris số ra tháng 7 năm 1960 như
sau:
"Thoạt
tiên lòng yêu nước chứ không phải cộng sản đã dẫn tôi đến chỗ tin tưởng ở
Lê-nin và Ðệ Tam Quốc Tế. Nhưng dần dần, từng bước trên đường tranh đấu, và
phối hợp những nghiên cứu lý thuyết với các hoạt động thực tế, tôi đã nhận ra
rằng chỉ có xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa mới có thể giải phóng công
nhân và nhân dân bị áp bức trên khắp thế giới.
Tại Việt
Nam cũng như tại Trung Quốc có một huyền thoại về cẩm nang; bất cứ ai gặp khó
khăn trọng đại chỉ cần mở cẩm nang ra là tìm thấy cách giải quyết. Ðối với Cách
Mạng Việt Nam và nhân dân Việt Nam, chủ nghĩa Mác Lê không những chỉ là cẩm
nang hay la bàn, mà chính là mặt trời soi đường dẫn lối trên đường đi tới thắng
lợi cuối cùng, tới xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa."
Những
hàng trên đây cho thấy, có thể là ban đầu, (nếu ta tin được lời ông Hồ), ông Hồ
coi chủ nghĩa cộng sản như một phương tiện, đảng cộng sản Việt Nam như một công
cụ để đi tới cứu cánh là độc lập tổ quốc. Nhưng dần dần phương tiện và cứu cánh
hoán vị. Quốc gia, độc lập chỉ còn là phương tiện, là chiêu bài giả dối. Chủ
nghĩa cộng sản, cách mạng vô sản, chuyên chính vô sản mới là cứu cánh. Nếu từ
đó ông ta và đồng đảng còn nói vì tổ quốc, vì nhân dân Việt Nam thì đó chỉ là
láo khoét.
Tác giả
Hoàng Văn Chí đã phân tích diễn biến của cuộc xích hóa miền Bắc Việt Nam và
chia nó ra làm 6 giai đoạn từ việc thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt
Nam vào năm1925 qua việc thành lập "Thanh niên đồng chí hội", phong
trào "Xô Viết Nghệ Tĩnh", "Mặt Trận Bình Dân", rồi
"Mặt Trận Việt Minh" và tiến hành "công cuộc kháng chiến chống
Pháp" cho đến cuối cùng là thực hiện "Cải Cách Ruộng Ðất". Rồi
ông tập trung vào giai đoạn cuối cùng này làm chủ đề cho hầu hết tác phẩm.
Muốn tiến
hành CCRÐ một cách thành công để tiến tới công hữu hóa tài sản toàn quốc, các
người cộng sản đã chuẩn bị ba bước quyết liệt. Thứ nhất, áp dụng chế độ tàn bạo
về thuế nông nghiệp và thuế thương nghiệp để san bằng khoảng cách về kinh tế
giữa các thành phần trong xã hội. Thứ hai, tung ra một đợt khủng bố quy mô với
mục đích làm cho người dân khiếp sợ không còn dám phản kháng để dễ bề thực hiện
các đợt sau. Và thứ ba, lập danh sách những kẻ phản động cần xử lý, hoặc hành
quyết, hoặc tịch biên tài sản, gửi đi lao động tại các vùng rừng thiêng nước
độc.
Sau đó là
bắt đầu cải tạo tư tưởng. Với mục đích làm sao cho mọi người cùng chung một tư
tưởng, dù nó sai chăng nữa nhưng phải là một tư tưởng thật đơn sơ giản dị để
mọi tầng lớp nhân dân dù ít học cũng lãnh hội được. Trước tiên là mở các lớp
học tập để mọi người thông suốt đường lối đấu tranh của chủ nghĩa Mác Lê.
Trường Chinh, tổng bí thư, và cũng là lý thuyết gia hàng đầu, đã đích thân chỉ
đạo việc học tập và bắt mọi người phải chấp nhận nguyên lý tư tưởng chính trị
trên hết. Nhân dân ngoài đảng được dậy cho biết họ phải luôn hướng lòng trí về
việc thống nhất đất nước và tiến tới sự làm chủ đấtnnước. Còn đảng viên thì
phải học để tăng cường ýbthức giai cấp vô sản, chống lại ảnh hưởng của hệ
tưbtưởng tư sản và tiểu tư sản. Việc chống tư tưởng tư sản được thực hiện một
cách tuần tự, từ khoan nhượng châm chước lúc ban đầu rồi sau đó phê bình cái
sai cái trái và sau cùng mới đả kích.
Trong báo
cáo chính trị của Trường Chinh đọc tại đại hội đảng kỳ 3 năm 1960 mà tạp chí Học
Tập, cơ quan lý luận và tư tưởng của đảng cộng sản Việt Nam đăng tải vào tháng
9 năm đó người ta đã đọc được những hàng sau đây nói về việc cải tạo tư tưởng
trong thời kỳ ông ta vâng lệnh cố vấn Tầu lãnh đạo các cuộc cải cách ruộng đất
từ 1953 đến 1956: "Mục tiêu của cách mạng hiện nay là làm cho toàn dân và
đặc biệt là nhân dân lao động thấm nhuần ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, từ bỏ nhãn
quan cũ về cuộc sống và thế giới, thay nó bằng quan niệm Mác Xít. Quả thực chủ
nghĩa Mác Lê-nin sẽ đảm lãnh vai trò lãnh đạo trong việc hướng dẫn đời sống đạo
đức của đất nước ta và sẽ trở thành khuôn mẫu cho sự thành hình các tư tưởng
của toàn dân. Nó sẽ là nền tảng đạo lý của nhân dân ta."
Sau khi
trích dẫn những hàng trên của nhà lý thuyết số một của cộng đảng Việt Nam, tác
giả "Từ Thực Dân Ðến Cộng Sản" đã nhận xét một cách chí lý như sau:
"Ðoạn văn trên đây chứng tỏ chủ nghĩa Mác đang trở thành một tôn giáo với
trọn vẹn ý nghĩa của từ tôn giáo, một thứ tín ngưỡng mới đang không ngừng cố
gắng thay thế các tín ngưỡng hiện có và nó không dung thứ bất cứ một dấu vết
của "phiếm thần" hay "vô thần" nào trong những người mà nó
kiểm soát." (8) Nơi chương 10 tác giả đã thuật lại cách thức các cán bộ
cộng sản tự kiểm thảo và thú tội giống hệt cung cách mà các tín đồ đạo Công Giáo
thời đó "xét mình", "ăn năn tội" và "xưng tội".
Những cuộc kiểm thảo càng trở nên gay gắt và những cuộc thú tội cũng trở nên
sôi nổi hơn sau khi Mao Trạch Ðông chiếm trọn Hoa Lục vào năm 1949 và xuất cảng
lề lối sinh hoạt của các đảng viên "các chú con trời". Ta hãy đọc một
đoạn vắn về diễn tiến một cuộc kiểm thảo sinh viên dành cho một giáo viên phạm
lỗi đã cho điểm một học sinh cao hơn học sinh đó xứng đáng:
"Lời
khai cơ bản: Ông (bà) đã cho trò X điểm cao hơn y xứng đáng.
Suy diễn:
1) Bằng
cách thiên vị ưu đãi một cá nhân trong chúng tôi ông (bà) đã hy vọng tạo nên sự
bất hòa.
2) Khi có
sự bất hòa trong lớp, học sinh sẽ để hầu hết thời giờ cãi nhau, thay vì học.
3) Do đó
học sinh tiến bộ ít.
4) Ðiều
này làm cho cha mẹ chúng bất mãn
5) Và sẽ
làm cớ cho họ nói rằng hệ thống giáo dục của chúng ta thua kém Pháp;
6) Họ sẽ
bảo thực dân tốt hơn dân chủ nhân dân;
7) Vì
vậy, khi cho một điểm không đáng, ông (bà) cố tình phục vụ thực dân.
Kết luận:
Ông (bà) là bè lũ tôi tớ của Pháp và Mỹ.
Những
cách mắng nhiếc giáo viên như vậy rất phổ biến và rất ít trường còn có một giáo
viên không hề bị đối xử một cách nhục nhã như vậỵ Ðây chính là lý do tại sao có
đông nhà giáo từ vùng kháng chiến ồ ạt chạy sang vùng bị Pháp chiếm đóng trong
những năm 1950 và 1951." (9)
Cứ đọc
những hàng trên về cách lý luận trong kiểm thảo để bắt buộc nạn nhân phải nhận
tội một cách kỳ cục ta đủ thấy nó võ đoán và tàn bạo đồng thời cũng ngây ngô
đến mức độ nào. Nhưng chưa hết. Hãy đọc đoạn sau đây nói về sự ép buộc phải ăn
năn hối lỗi của những kẻ bị kiểm thảo:
"Ngay
từ đầu đã có sự thỏa thuận về kiểm thảo là kẻ bị phê bình phải nhỏ một ít nước
mắt để cho cử tọa thấy rằng, nhờ bài học nhận được từ những người bạn độ lượng,
mình rất lấy làm xấu hổ và hối hận. Nhưng trong một số trường hợp, nhất là ở
những trường học, một số người trước đó đã thú tội rồi nay tiếp tục nhắc nhở
nhau cùng nhớ lại tội lỗi và cùng cất tiếng khóc chung với nạn nhân. Phần lớn
họ là những đảng viên trẻ.Họ khóc nức nở, nghẹn ngào và than vãn kể lể về việc
họ đã thất bại không hoàn thành nhiệm vụ đảng trao phó ủy thác cho. Họ nói họ
rất đau buồn thấy rằng những cố gắng kiên trì của đảng nhằm cải tạo nhân dân đã
không có kết quả. Những đảng viên trẽ này rất dễ khóc, vì họ luôn luôn ở trong
tình trạng thần kinh căng thẳng. Bị nhồi sọ về chính trị nhiều quá, lại bị tiết
dục hoàn toàn họ trở nên đa sầu đa cảm thái quá. Và cũng vì thế họ là những kẻ
cực kỳ cuồng tín. Thực ra đã có một số trường hợp điên loạn thực sự. Tại một
trường quân chính ở Việt Bắc năm 1952 đã có tới 8 học viên bị bệnh tâm thần.
Thoạt
tiên những cơn bật khóc chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra nhưng về sau thành thói
quen chỗ nào cũng có. Ðiều này đưa đến nhận xét chung là đảng đã khám phá ra bí
quyết của việc cải lão hoàn đồng, bởi vì nhờ hệ thống kiểm thảo này người lớn
đã trở thành trẻ con.
Dĩ nhiên
khóc than tập thể được dùng trong quá trình kiểm thảo như một phương tiện
thuyết phục, một hình thức áp lực tập thể để thúc đẩy mau chóng thú tội. Có lần
cả một lớp học được gọi tới để giúp một học viên đã không chịu viết bản tự phê
như đã được đề nghị. Khi tới căn nhà học viên đó ở thì cả lớp đồng thanh cất
tiếng khóc, khiến các nông dân chủ hộ hoàn toàn kinh ngạc náo động vì họ kết
luận, một cách tự nhiên, rằng chắc hẳn phải có một người trong nhà họ đã chết
thình lình. Nhưng (kỹ thuật) khóc lóc xử dụng cách máy móc theo kiểu này chẳng
bao lâu đã mất tác dụng và cái cảnh một số người khóc không có nước mắt trở
thành khôi hài. Tuy nhiên không ai dám cười những người khóc. Bởi vì sự trịnh
trọng đến nực cười của họ cho thấy là họ đang diễn xuất cái việc mà họ nghĩ là
nhiệm vụ của họ. Cho nên thói quen đó vẫn tiếp tục trong một thời gian khá dài,
từ 1951 đến 1953. (10)
Phương
pháp kiểm thảo, tự phê và phê bình này kéo dài như vậy đã thay đổi hẳn tính
tình và lối sống của người dân Việt Nam đến nỗi dư luận chung lúc ấy cho rằng
người Việt Nam tỉnh bơ hơn người Anh và kín đáo còn hơn cả người Nhật.
Tác giả
đã để nguyên chương 11 nói về công tác chỉnh huấn do tướng Nguyễn Sơn (người
Việt) của Trung Cộng phái sang cố vấn cho cộng đảng Việt Nam, gồm có chỉnh
đảng, chỉnh phong và chỉnh quân thực hiện hết sức nghiêm ngặt với mọi người:
"Vì
mọi người đều bắt buộc phải dự các lớp chỉnh huấn này nên các khóa học đã phải
kéo dài. Một phần ba nhân viên văn phòng đi học thì hai phần ba còn lại phải
làm việc cực nhọc hơn và phải chia phần công tác với nhau. Khi toán học viên
đầu đã hoàn tất khóa học thì đến toán thứ hai, và cuối cùng là toán thứ
ba."
".Học
viên không được đi ra ngoài khu vực giới hạn và suốt khóa học không được tiếp
xúc với thế giới bên ngoài. Họ được phép viết thư cho gia đình (nhưng bị kiểm
duyệt cẩn thận), mà lại không được nhận thư của gia đình. Tất cả thư từ được
giữ lại cho đến cuối khóa mới phân phát đến tay người nhận. Một trường hợp được
ghi nhận về một học viên, một bác sĩ, như sau. Cuối khóa ra về, ông ta được
thông báo là vợ ông ta đã chết 2 tháng trước." (11)
Trong
chương này tác giả cũng dành ra 6 trang để nói kỹ về 10 kỹ thuật giảng huấn
chứng tỏ các người cộng sản cố gắng bằng mọi cách vừa cương quyết vừa khéo léo
thuyết phục học viên phải chấp nhận quan điểm của đảng trong mọi vấn đề. Những
thắc mắc đều được các giảng viên giải đáp đến nơi đến chốn. Nếu có ai còn chưa
thông thì Trường Chinh sẽ xuống giải đáp. Nếu chẳng may Trường Chinh vẫn không
thành công thì đích thân ông Hồ sẽ tới dùng tài thuyết phục của mình làm cho
đối tượng phải khuất phục.
Những bài
học trong chỉnh huấn được mô tả trong chương 12 gồm có 5 bài. Bài cuối cùng quan
trọng hơn cả: Cải Cách Ruộng Ðất. Về bài học thứ 3 "Hoàn cảnh mới, nhiệm
vụ mới" tác giả có nói đến việc ông Hồ lên án chủ trương trung lập mà ông
ta gọi là thứ "đánh đĩ chính trị". Chúng tôi thấy đây là bài học cho
những người muốn trung lập, hay thỏa hiệp với cộng sản.Về bài học "tác
phong đứng đắn", khi nói về kỷ luật sắt của bộ đội, nhất là về vấn đề trai
gái, tác giả đã kể một câu chuyện như sau:
"Trong
chiến dịch Tây Bắc năm 1950 cộng quân đóng ở Sơn La (cư dân tỉnh gồm bộ tộc
Thái) thường bị các cô gái Thái trêu ghẹo. Các cô này sống ở triền núi phía Tây
của dẫy Trường Sơn. Không giống các cô gái người Kinh, họ không bị ràng buộc
bởi truyền thống Nho Giáo và vì vậy thường dạn dĩ hơn, sẵn sàng tán tỉnh bất cứ
người nào tới thăm bản làng của họ. Chẳng bao lâu họ lấy làm ngạc nhiên và bực
mình khám phá ra rằng bộ đội cộng sản cứ trơ trơ như đá trước những lời gợi
tình của họ. Và từ đó có tiếng đồn rộng rãi trong số những người con gái đó
rằng bộ đội cụ Hồ đã bị cụ cho hoạn hết trước khi xua ra trận."
"Thật
là lý thú để ghi nhận rằng trong khi mãi dâm bị cấm chỉ và mọi "hành vi hủ
hóa" bị trừng phạt nặng nề, mà lính có vợ lại bị từ chối không cho về nhà
nghỉ phép. Người ta bảo làm vậy để giữ tinh thần chiến đấu mãnh liệt trong đám
binh lính. Và có thể là rất đúng vì đó chính là cách nuôi gà chọi và ngựa
đua." (12)
Tác giả
quả thật đã phũ phàng trong một lời nhận xét mỉa mai chua chát đến thế là cùng.
Và ông nói một cách rất bình thản. Nhưng tác giả lại nêu tên 3 đảng viên cao
cấp có nhiều vợ: "Cũng có nhiều đảng viên nổi tiếng muốn có vợ thuộc giai
tầng ngang hàng với mình về xã hội cũng như chính trị. Ðây là trường hợp của
các ông Hoàng Minh Giám, bộ trưởng văn hóa, Trần Huy Liệu nguyên bộ trưởng
tuyên truyền và Ðặng Kim Giang bộ trưởng đạn dược. Có tin đồn là những vị này
đã có thời gian khổ sở vì chuyện tự thú về vấn đề này. Người ta còn nói ông Hồ
Chí Minh đã để nhiều giờ giải thích cho ông Trần Huy Liệu rằng có ba vợ là điều
sai trái, và đặc biệt là người vợ mà ông ta yêu thương nhất lại là điền chủ, vợ
góa của Phạm Giao là tên phản động bị Việt Minh giết năm 1945." (13)
Về sự
nham hiểm của các nhà lãnh đạo cộng sản trong âm mưu tiêu diệt thành phần điạ
chủ, kể cả đảng viên, hay những người đã dùng tài sản của mình giúp đỡ kháng
chiến trong những ngày đầu, Hoáng Văn Chí viết:
".Sau
10 ngày thảo luận chi tiết, người ta đã thấy rõ là báo cáo của Trường Chinh chỉ
nhằm ngụy trang cái mục đích nham hiểm của đảng là thanh toán giai cấp có ruộng
đang không có cách gì tự vệ. Giai cấp này đã phục vụ Kháng Chiến trong nhiều
năm và đã giúp đảng cộng sản bảo vệ và củng cố quyền hành." (14)
Tác giả
đã dành 3 chương 13,14,15 để nói kỹ về chiến dịch Cải Cách Ruộng Ðất "long
trời lở đất". Trứơc hết là việc phân chia giai cấp trong làng xã: Ðịa chủ,
phú nông, trung nông, bần nông và bần cố nông (trung nông còn được chia thành 3
loại trung nông cấp trên, trung nông cấp giữa và trung nông cấp dưới). Cải cách
ruộng đất được thực hiện làm hai đợt. Ðợt đầu gọi là chiến dịch "Giảm
Tô" từ 1953 đến 1954, và đợt sau là chiến dịch "Cải Cách Ruộng
Ðất" đúng nghĩa, từ 1955 đến 1956. Trong đợt đầu các người chủ trương ấn
định mỗi xã phải có ít nhất một địa chủ bị hành quyết, thường lấy trong số
người đã được đảng bí mật ghi vào loại địa chủ gian ác. Chính nhân dân trong
làng đa số là bần nông trở xuống sẽ được chỉ định để tố cáo các "tên địa
chủ gian ác" tại các "tòa án nhân dân." Chánh án cũng lấy trong
số dân làng. Sau đợt đầu đảng cho một tiểu đoàn đăc nhiệm tới các xã tiến hành
cuộc xếp hạng lại thành phần giai cấp, viện cớ là đợt trước nông dân xếp hạng
chưa đúng còn để sót nhiều địa chủ. Vậy là một số thuộc thành phần phú nông ở
đợt đầu được đôn lên thành địa chủ. Và lần này số người đảng ấn định phải chết
tăng lên gắp 5 lần, nghĩa là mỗi xã phải có ít nhất 5 người bị hành quyết tại
chỗ, liền ngay sau khi toà án nhân dân tuyên án. Các tiểu đoàn đặc nhiệm làm
việc dưới sự chỉ đạo tại chỗ của các cố vấn Tầu. Tác giả cho biết lúc ấy tại
vùng cộng sản kiểm soát có khoảng 10 ngàn làng xã. Như vậy nếu tính cả hai đợt cải
cách ít nhất phải có ít nhất 60 ngàn người bị hành quyết. Chưa kể không biết
bao nhiêu người tự tử, vì nhục nhã.(Ví dụ bị con dâu hay con gái tố bị cha hay
cha chồng hãm hiếp, hoặc những người bị kẻ chịu ơn xỉ vả, mắng nhiếc.), và
không biết bao nhiêu người khác chết đói, sau khi bị tịch thu hết tài sản và
quẳng ra ngoài đầu đường xó chợ, không ai dám thăm nom tiếp tế, vì chính sách
cô lập địa chủ của đảng.
Ðiều đáng
lấy làm nhục nhã hơn hết là có một số người trong chiến dịch "Giảm
Tô" đưọc xếp là bần nông hay trung nông, nhưng sang đợt sau lại được xếp
lại thành địa chủ và bị đấu tố. Trong đợt trước họ đã không tiếc lời bịa đặt đủ
mọi thứ tội để tố cáo người khác. Nay đến lượt họ lại bị tố cáo chẳng khác gì.
Sau đây
chúng tôi trích dịch một vài đọan trong 3 chương nói về 2 chiến dịch Giảm Tô và
Cải Cách Ruộng Ðất nói trên do tác giả đã từng chứng kiến và tham dự thuật lại,
hoặc do ông trích dẫn từ những tài liệu chính thức của cộng sản hoặc của những
chứng nhân đáng tin cậy khác. "Khắp vùng nông thôn Bắc Việt trắng xóa với
những vành khăn tang" (trang 166) "Khẩu hiệu của chúng trong những
ngày khủng bố là: "Thà giết lầm 10 người vô tội còn hơn để lọt một tên
địch". (trang 167)
"Cuộc
học tập nhồi sọ tiếp diễn hầu suốt 18 giờ mỗi ngày, cho đến khi, cuối cùng
những nông dân trước kia ngoan ngoãn trở nên chín mùi cho việc nổi loạn chống
lại các điền chủ của họ." (tr.170)
"(Những
cuộc điều tra về những vụ trai gái, ngoại tình này nhằm một mục đích riêng:
người đàn bà có tư tình với một địa chủ nào đó khi còn trẻ sẽ bị bó buộc phải
tuyên bố trước công chúng rằng bà ta đã bị tên địa chủ đó hãm hiếp)"
(tr.170)
"Ðiều
lý thú đáng ghi là hãm hiếp phụ nữ là một trọng tội dành cho các điền chủ và
những ai có chút uy tín trong cộng đồng, như linh mục Công Giáo hay các vị sư
Phật Giáo và đặc biệt là những nhà Nho uyên bác. Ðây là định luật: địa chủ càng
có vẻ bề ngoài đáng kính (ví dụ nếu có râu bạc hay đầu hói), thì những tội về
luân lý của họ càng nặng. Rất thường thấy là trong những trường hợp như vậy
chính con gái hay con dâu của bị cáo đứng trước tòa công khai tuyên bố rằng cô
ta bị ông bố hãm hiếp. Cũng tương tự như vậy, địa chủ càng được nhiều người
biết là có lòng ái quốc thì càng bị buộc tội có những hành động phản quốc.
"Vì
không cần chính xác, nên bất cứ cái chết nào xảy ra trong làng trước đó vài năm
đều được đổ hết cho địa chủ liên hệ. Ông Nguyễn Ðình Pháp ở Nghệ An, một nhà
trồng tỉa, và là nghị sĩ quốc hội bị cáo buộc là đã giết 35 mạng người, chỉ vì
đã có 35 người chết vì sốt rét rừng trong đồn điền của ông ta. Trong cuộc đấu
tố dành cho ông Lê Trọng Nhị, một lãnh tụ quốc gia trong phong trào những năm
1907-1908 là người đã từng bị giam 9 năm ở Côn Ðảo, một người đàn bà đã lên đối
chất với ông với những lời lẽ như sau: "Mày có biết rằng con tao không phải
do chồng tao, mà chính là do mày không? Trong khi chồng tao vắng nhà mày đã đến
ngủ với tao. Và tao có con là từ lúc đó." Lúc đấu tố ông Nhi đã 75
tuổi,người đàn bà kia khoảng 60 và con bà ta đã ngoài 40. Vài người dân làng
làm một con tính nhanh và khám phá ra rằng trong thời gian bà ta thụ thai thì
ông Nhi đang giở sống dở chết ở một nhà tù của Pháp cách xa cả ngàn dặm."
(trang 187)
"Hãy
tố càng nhiều càng tốt..Sau khi tiểu đoàn đặc nhiệm đi rồi, người con dâu (của
một bà nào đó) giải thích trường hợp của mình cho nhân dân trong làng.
"Tôi không thể nào đê tiện đến độ tố cáo mẹ chồng tôi, vì vậy sau khi tiểu
đoàn tuyên bố liệt mẹ tôi vào số địa chủ, tôi bàn tính với mẹ tôi suốt cả đêm.
Tôi muốn đi tìm tiểu đoàn để phản đối. Nhưng mẹ tôi cương quyết khuyên tôi đừng
làm như vậỵ Bà bảo tôi: "Mẹ đã gần 80 tuổi rồi, chẳng còn sống được bao
lâu, vì vậy họ có xếp mẹ vào loại địa chủ thì cũng chẳng sao. Nhưng nếu con
phản đối, con sẽ không tránh khỏi bị liên hệ với địa chủ và trong trường hợp đó
cả hai mẹ con ta đều mất tất cả mọi sự. Hãy tố cáo mẹ càng nhiều càng tốt và
như vậy sẽ giữ được ruộng của con." (tr.178)
"Trong
thời gian hai chiến dịch giảm tô và cải cách ruộng đất mỗi tỉnh đều có một tờ
báo địa phương, tờ Lá Rừng (họ cho rằng tội ác của địa chủ nhiều như lá rừng)
mô tả chi tiết các cuộc đấu tố địa chủ. Tất cả cán bộ trong các cơ quan chính
phủ bị bắt buộc phải đi tới một làng xã để quan sát thủ tục diễn tiến của chiến
dịch C.C.R.Ð. Mục đích nhằm cung cấp cho họ một sự hiểu biết sâu xa về chính
sách của đảng mà người ta tự hào là "hoàn toàn hợp tình hợp lý" Những
cán bộ này thực hành hình thức "ba cùng" (cùng ở cùng ăn cùng làm)
với nông dân địa phương nhưng họ chỉ dự các cuộc đấu tố như người quan sát chứ
không có quyền can dự vào việc đấu tố. Tuy nhiên sự có mặt của họ có tác dụng
thuận lợi; tại những xã có mặt họ chiến dịch được thực hiện tốt đẹp hơn và nói
chung những địa chủ bị phạt ít tàn bạo hơn. Sở dĩ có điều này là bởi vì đảng
nuốn gây cho cán bộ có ấn tượng rằng chính sách của đảng là đúng đắn. Kết quả
là những điền chủ trong các xã được những cán bộ đó tới thăm cho mình là kẻ có
phước và coi những cán bộ đó như những "thiên thần hộ mệnh"
vậy." (tr.188)
Chúng tôi
xin tạm ngưng trích dẫn ở đây để lưu ý độc giả về đọan trên đây (tr.188). Nếu
đọc kỹ và suy nghĩ một chút ai cũng có thể thấy mưu sâu quỷ kế của cộng sản. Họ
vừa đánh lừa cán bộ của họ vừa đánh lừa dân làng, kể cả địa chủ. Tất cả tội ác
đều do họ gây nên. Nhưng họ muốn người ta hiểu rằng ở đâu có cán bộ của họ thì
ở đó mọi sự tốt đẹp hơn. Họ tàn bạo với địa chủ, muốn tiêu diệt hoàn toàn giai
cấp gọi là địa chủ này. Nhưng lại muốn cán bộ của họ hiểu rằng đảng cư xử rất
"hợp tình hợp lý" chứ không làm gì độc ác, hay quá đáng. Những gì quá
đáng xảy ra là do lòng dân quê thù ghét bọn địa chủ gian ác mà thôi. Chính cái
mưu sâu hiểm độc này đã khiến cho nhiều người trong cán bộ cũng như nhân dân bị
lầm. Cho nên đảng mới tiếp tục giữ được uy tín mà điều khiển cuộc chiến. Tuy
nhiên đó chỉ là một trong trăm nghìn quỷ kế hiểm độc khác, trong đó phải kể
việc khủng bố tinh thần, làm cho toàn dân kinh sợ không dám trái lệnh đảng, và
nắm chặt hầu bao. Không theo đảng không có ăn. Sau cuộc cải cách tất cả mọi
người trở thành vô sản. Nông dân không vào nông hội không có ăn, vì mọi địa chủ
đã bị tiêu diệt hay bị cô lập đang chết dần chết mòn. Mà đã vào nông hội hay
hợp tác xã rồi thì phải lao động cực khổ theo kỷ luật đảng. Làm việc vất vả cực
nhọc hơn thời thực dân phong kiến nhiều gấp bội, nhưng lợi tức thu vào cho gia
đình thì lại thua kém xa, một phần vì thuế nông nghiệp quá nặng, phần vì tổ
chức luộm thuộm thất thoát đi nhiều, phần vì tâm lý "cha chung không ai
khóc".vân vân. Xin mời bạn đọc tiếp tục theo dõi tác giả Hoàng văn Chí
trong những đoạn trích dẫn.
(Về cuộc
xử án địa chủ): ".Mỗi quận có một tòa án lưu động gồm toàn nông dân không
biết tí gì về luật lệ hay luật pháp. Có chánh án, có công tố viên nhưng không
có ai bênh vực cho bị cáo vì, trong thực tế bị cáo không được phép tự bào chữạ
Biên bản đấu tố mà họ đã ký mấy hôm trước được dùng làm lời khai của họ. Bồi
thẩm đoàn gồm chính những nông dân đã ngồi trên bàn chủ tọa trong các cuộc đấu
tố. Bản án do toà đưa ra thay đổi từ tử hình xuống đến 5 năm khổ sai kèm theo
tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Nói tịch thu một phần chẳng có nghĩa gì
bao nhiêu. Bởi vì toàn bộ những gì bị cáo sở hữu đều sẽ bị tịch thu sau khi
chiến dịch CCRÐ đợt 2 thực sự xảy ra."
"Những
kẻ bất hạnh bị kết án tử hình bị bắn liền ngay sau khi bản án được tuyên. Trước
khi phiên toà bắt đầu người ta đã đào một cái hố để chôn nạn nhân. Thời gian
đầu chiến dịch, kẻ bị kết án tử hình được phép nói đôi lời trước khi hành hình,
nhưng về sau khi có một người hô to: "Hồ chủ tịch muôn năm! Ðảng Lao Ðộng
muôn năm!" ngay trước khi bị bắn, thì cái hình thức trưởng giả đó bị bãi
bỏ. Từ đó về sau một cán bộ đứng ngay đàng sau bị cáo, sẵn sàng để vừa nghe bản
án anh ta liền đút một mảnh giẻ vào mồm nạn nhân và lôi đi. Ðiều khiến cho số
phận của những địa chủ này trở nên khủng khiếp là những kẻ thuộc toán hành
quyết bắn rất dở, vì hầu hết họ là những lính canh trong làng lần đầu cầm súng.
Hậu quả là năng có trường hợp nạn nhân bị chôn sống. Người ta san bằng cái hố,
rồi trồng trên đó một cái cây hay một bụi rậm. Một cuộc tuần hành vĩ đại được
tổ chức trong dịp hành quyết địa chủ, gồm những trẻ nhỏ đánh trống còn người
lớn thì hô to những khẩu hiệu quen thuộc. Ðám đông phải vỗ tay khi nạn nhân ngã
qụy."
".Ðể
hoàn tất bức tranh về cuộc (cải cách ruộng dất đợt 1 được gọi là chiến
dịch)"Giảm Tô" tưởng nên nói vài lời về cái "chính sách cô
lập" nổi tiếng từng phải chịu trách nhiệm về số người chết có lẽ 10 lần
nhiều hơn số đã bị xử bởi các Tòa Án Nhân Dân Ðặc Biệt." (tr.189)
"Có
thể nói dường như Hồ Chí Minh đã dấn thân vào một cuộc tàn sát diệt chủng. Nói
chung Hitler và Eichmann đã không đạo đức giả bằng Mao và Hồ, vì khi ra lệnh
đem người Do Thái tới lò hơi ngạt các nhà lãnh đạo Ðức Quốc Xã ít ra cũng đã
nhận hoàn toàn trách nhiệm về tội ác của họ. Ðàng này các nhà lãnh đạo cộng sản
Việt Nam và Trung Cộng chỉ thích đứng nhìn giai cấp địa chủ chết một cái chết
"tự nhiên" mà xem ra chẳng có ai chịu trách nhiệm trực tiếp."
(tr.190)
"Ðảng
đã ấn định trưóc con số địa chủ cần bị đem đấu tố cực cao 5 lần nhiều hơn đợt
đầu (chiến dịch Giảm Tô) đến độ nếu tha cho những đảng viên cũ thì con số cần đạt
tới sẽ không thể nào đạt được.
"Vì
vậy đợt hai đã gây nên sự xô xát nội bộ giữa những đảng viên cũ phần đông thuộc
thành phần tiểu tư sản (tạch tạch sè, tiếng lóng để gọi thành phần này,chú
thich của M.V.) tất cả đều là những người đi theo cộng sản vì nhiều lý do khác
chứ không phải vì quyền lợi giai cấp, và các đảng viên mới gồm những bần nông
và bần cố nông không có ruộng cùng với một số những thành phần xấu và bọn lưu
manh du đãng. Những kẻ này chỉ có một lòng tham duy nhất là giảm mức sống của
các thành phần xã hội khác xuống cùng mức thấp của chúng. Ðó lại cũng chính là
mục đích của đảng, bởi vì sự xung đột công khai là cần thiết để thực hiện cuộc
tổng thanh trừng. Mà không thanh trừng thì không thể nào tiến từ vị thế chống
thực dân tới vị thế chống phong kiến được. Bằng chứng là có không biết bao
nhiêu đảng viên kỳ cựu bị kết tội phải đi tù hay bị hành quyết mà đảng không hề
can thiệp cho họ. Chỉ mãi đến cuối chiến dịch tướng Võ Nguyên Giáp mới nhân
danh đảng tuyên bố rằng toàn bộ chiến dịch là sai lầm và hứa sửa sai. (tr.
195-196)
"Sự
thú nhận sai lầm và sự cách chức những người có trách nhiệm đối với phong trào
đã khiến nhiều quan sát viên ở ngoài tin rằng những sai lầm mà họ thú nhận là
những lỗi lầm thực sự, và các nhà lãnh đạo Miền Bắc thành tâm cố gắng sửa sai.
Một số ít còn đi xa hơn để kết luận rằng toàn bộ chiến dịch đã thất bạị Không
có gì xa sự thực bằng. Bởi vì cái mệnh danh là chiến dịch sửa sai chỉ là một
mánh lới bịp bợm khác được thêm vào danh sách các cái bịp vốn đã dài." (tr.
210)
"Mục
đích cuối cùng thực sự đàng sau cuộc CCRÐ là: tập thể hóa ruộng đất.Ðể đạt đựơc
mục đích cuối cùng đó, các lãnh tụ cộng sản đã áp dụng một câu cách ngôn của
Tầu: "Sát nhất nhân vạn nhân cụ". Trong hoàn cảnh này, có thể đọc như
sau: "Hãy giết vài tên địa chủ ở mỗi làng xã để làm cho toàn dân trong xã
kinh sợ". Ðiều này giải thích tại sao mỗi làng lại phải ấn định số tối
thiểu những người phải hành quyết.."
Ngoài ra
nó còn có mục đích làm cho nông dân chia sẻ phần tội-máu với đảng:
"Thực
vậy những kẻ tham dự vào các vụ tàn sát trở nên tổn thương về chính trị và đạo
đức nên bó buộc phải đứng về phe với đảng vì sợ bị trả thù. Mặc cảm tôi lỗi này
đã ám ảnh tâm trí người nông dân sau vụ thảm sát khoảng 5% dân số Việt Nam. Và
nó đã được mô tả trong văn chương chính thức của cộng sản một cách nhẹ nhàng
trại đi là " ý thức làm chủ vận mệnh bản thân của nông dân" (trang
212) "Quả thực đảng đã khuyến khích bạo động cực đoan và ngoảnh mặt làm
ngơ trước mọi lạm dụng mà họ biết trước rằng đó là hậu quả không thể nào tránh
được của chính sách "phóng tay". Hàng trăm, hàng ngàn người đã bị
giết một cách oan uổng, bị tù đầy và bị bỏ đói cho đến chết mà đảng toàn năng
không hề giơ một ngón tay để cứu giúp. Theo luật định thì bất cứ ai bị án tử
hình đều có quyền xin chủ tịch nhà nuớc ân xá. Nhưng sự thật trần truồng là Hồ
Chí Minh không hề tha một người nào, cả những đảng viên trung kiên vào lúc bị
đao phủ hành quyết miệng còn hô to: "HCM muôn năm". Tuy nhiên tháng
3,1956 ông Hồ có ra lệnh tạm ngưng thi hành án tử hình. Nhưng đó là hậu quả của
chiến dịch hạ bệ Stalin khởi phát ở Mặc Tư Khoa trong đại hội kỳ thứ 20 của
đảng cộng sản Liên Xô. Những kẻ may mắn được hoãn hành hình, và sau này được
thả ra khỏi tù đã mang ơn tha mạng một cách gián tiếp của Khrushchev, chứ hoàn toàn
không phải của Hồ Chí Minh. " (tr.213-214)
Tác giả
cho biết theo Võ Nguyên Giáp tuyên bố nhân dịp sửa sai và xin lỗi đồng bào thì
nguyên số đảng viên bị đấu tố, kết án rồi bị giam giữ và sau cùng được phóng
thích cũng đã lên tới 12 ngàn ngườị Ông cũng trưng dẫn Ngô Ðức Mậu, một đảng
viên kỳ cựu nói về nỗi đau khổ của mình trong tù như sau:
"(hồi
trước) Khi chúng tôi ở trong những nhà tù tối tăm ẩm thấp chúng tôi có thể an
ủi lẫn nhau vì có sự khác biệt rất lớn giữa nhà tù đế quốc và nhà tù của chúng
ta. Trong tù đế quốc tôi chỉ bị đau khổ về thể xác, tâm trí vẫn được an ủi và
thư thản. Nhưng bây giờ tôi được đối xử ra sao trong cái chỗ này? Tôi bị chà
đạp dưới chân cả về thể chất lẫn tinh thần. Những kẻ ở xung quanh tôi coi tôi
như kẻ thù. Một đồng chí đồng hương (Hà Tĩnh) với tôi đã tố cáo tôi những tội
do tưởng tượng, biến những thành tích của tôi trong quá khứ thành tội lỗi. Tôi
không được phép nói để tự bào chữa. Người ta tra tấn tôi ngày đêm để bắt buộc
tôi phải nhận đã phạm những tội mà tôi không hề nghĩ tới chứ đừng nói
phạm." (tr.215)
Những
trang 17-20 đã được dùng để nói tới cái chuyện tịch thu cả vợ trong trường hợp
địa chủ bị hành quyết hay đi tù:
(cước chú
4) Câu này liên quan đến những bà "vợ bị tịch thu." Cũng nên ghi nhận
là nó có lợi cho những người chồng mới hơn những người chồng cũ hợp pháp. Và
cũng nên ghi nhận là cái được nói đến ở đây như "cuộc hôn nhân thứ
hai" trong văn bản chẳng có gì là hợp pháp cả, vì những cuộc hôn nhân mới
đó đâu có chứng từ gì. Chỉ có cuộc hôn nhân đầu mới hợp pháp."
Những từ
mà tác giả dùng ở đoạn trên, chồng mới chồng cũ, cuộc hôn nhân thứ hai, thứ
nhất là có ý nói đến các bà "vợ bị tịch thu" có chồng chính thức,
cuộc hôn nhân đầu, có hôn thú hẳn hòi; nhưng khi chồng cũ bị kết án địa chủ rồi
bị bắt đi tù, sau xét thấy bị oan cho trở về thì thấy vợ mình đã bị một đảng
viên khác cuỗm mất bèn đi kiện để đòi lạị Nhưng theo cách hành xử của đảng thì
người chồng mới lại có lợi thế hơn chồng cũ.
Hai chiến
dịch Giảm Tô và CCRÐ đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng. Các nhà lãnh đạo
cộng sản đã trù liệu trước được những sai lầm đó, nhưng họ cố ý cho nó xảy ra
để sau đó sẽ tiến hành kế hoạch sửa sai cũng được trù liệu từ trước. Tác giả
dùng hình ảnh uốn khúc tre cong làm ví dụ. Muốn cho nó thẳng lại thì phải uốn quá
một chút rồi thả ra thì nó sẽ vừa. Nhưng khi thả ra khúc tre vì được uốn quá xa
nên sức bật trở lại quá mạnh làm kẻ uốn bị thương. Ðây chính là hậu quả của
việc sửa sai. Nông dân đã lợi dụng chiến dịch sửa sai này trả thù những kẻ
trước kia, trong CCRÐ, đã hành hạ họ. Những kẻ đã từng vu oan giá họa cho kẻ
khác nay đến lượt mình "bị cắt lưỡi, nhét phân vào miệng". Ông cũng
nói đến trường hợp đông đảo nhân dân vùng dậy tấn công bộ đội, điển hình là
nông dân Ba Làng, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Có tới 20 ngàn người võ trang thô sơ gậy
gộc tấn công cả một sư đoàn quân chính quy. (tr. 228) Dĩ nhiên là cuộc nổi dậy
bị dập tắt cũng giống như các cuộc nổi dậy ở Poznan, Balan và Budapest, Hungary
trong những tháng gần đó. Vì gậy gộc làm sao địch nổi súng đạn. Hơn nữa đó chỉ
là một cuộc nổi dậy bộc phát không có tổ chức.
Ngoài
nông dân ra những nhà trí thức và văn nghệ sĩ ở Hànội cũng lợi dụng chiến dịch
sửa sai để công kích đảng. Sinh viên thì có tờ "Ðất Mới".Văn Nghệ sĩ
thì có hai tờ "Giai Phẩm" và "Nhân Văn". Trong số những
người viết cho những tờ báo này có rất nhiều đảng viên trẻ. Ðặc biệt là chủ bút
tờ Nhân Văn lại chính là Nguyễn Hữu Ðang, một đảng viên kỳ cựu có nhiều thành
tích, thứ trưởng trong chính phủ đầu tiên. Hai người được nói đến một cách
trịnh trọng là luật sư Nguyễn Mạnh Tường và học giả Phan Khôi.
"Giới
trí thức thường tự miêu tả như "vợ bé của chế độ" có ý nói đảng chỉ
tán tỉnh ve vãn họ mà không có ý định cưới hỏi đàng hoàng. "Hôn nhân"
là vinh dự rõ ràng chỉ dành cho công nhân và nông dân. Sự khác biệt giữa
"kẻ đáp chăn bông" "kẻ lạnh lùng", theo kiểu nói Việt Nam,
đã được Nguyễn Mạnh Tường nhấn mạnh trong diễn văn của ông như sau:
Những
người trí thức tham gia Kháng Chiến. đã bị vỡ mộng một cách đắng cay khi nhận ra
rằng đảng không tin họ, bất chấp nhiều hy sinh họ đã phải chịu vì đảng. Họ đã
đòi hỏi quá đáng không? Họ có đòi phải được làm bộ trưởng, đại sứ không? Không.
Họ không đòi hỏi gì cả. Phần đông trí thức không có tham vọng và sẵn sàng dành
những chức tước đó cho những nhà chính trị và đảng viên. Họ chỉ mong cống hiến
khả năng và kinh nghiệm của mình để phục vụ nhân dân và bảo vệ danh dự và sự tự
do tư tưởng của mình mà họ tin là chủ yếu cho phẩm cách người trí thức."
HVC đã
trích dẫn diễn văn của Hoàng Huệ đọc trước đại hội Văn Nghệ toàn quốc năm 1956
để nói lên sự khác biệt đối xử giữa những văn nghệ sỉ thường và giới cai văn
nghệ của đảng như sau:
"Mọi
người đều biết mức sống của chúng tôi thật là tồi tệ đáng thương.. có nhà văn
không đủ tiền mua cốc cà phê khi đã thức làm việc đến khuya. Hơn nữa có những
nhà thơ không có tiền mua một điếu thuốc lá. Có trường hợp nhà viết kịch bó
buộc phải "cầm" chiếc đồng hồ để mua thức ăn trong khi viết cho xong
vở kịch, nhưng ngay sau khi vở kịch đã xuất bản vẫn không đủ tiền chuộc lại
chiếc đồng hồ. Hữu Loan bảo chúng tôi anh chỉ có mỗi một điều ao ước là làm sao
có được một cái đèn dầu để có thể làm việc ban đêm trong một caí phòng duy nhất
là nơi anh sống với vợ và lũ con."
Trong khi
đó thì.
"Các
cán bộ văn nghệ thắt cà vạt, mang giầy da và dùng thì giờ đọc diễn văn, dự dạ
tiệc với phong cách thô tục lỗ mãng. Ăn rồi họ thu dọn hành lý đi nơi khác,
cuốn theo chiều gió."
Tác giả
cũng nói đến những bài "Người Khổng Lồ" (không tim) của Trần Duy,
"Thi sĩ máy" của Như Mai và đặc biệt là Lê Ðạt với 4 câu thơ cuối bài
"Ông Bình Vôi": "Những người sống lâu trăm tuổi, ỳ ra như ông
bình vôi. Càng sống càng tồi, Càng sống càng bé lại." Ai cũng thấy rõ ràng
nhà thơ có ý nhắm thẳng vào ông Hồ. Vì vậy chẳng bao lâu sau khi bài thơ được
in ra, người chủ trương là Trần Dần liền bị bắt.
Về số
phận của những văn nghệ sĩ và trí thức bị đi tù tác giả trưng dẫn mấy câu của
một nạn nhân là một diễn viên miền Nam tập kết tên Hoàng Chương tự thuật lại
như sau:
"Chúng
tôi ở cách xa những cánh đồng là nơi làm việc 3 cây số. Chúng tôi phải cố gắng
hết sức mình để thức dậy thật sớm mỗi buổi sáng để tránh phải gánh phân ra đồng
dưới ánh nắng chói chang. Chúng tôi gánh trên vai và Thu, một cô gái Hànội,
trước kia ít biết gánh gồng là gì, mà bây giờ có thể gánh tới 20 kí lô (phân
tươi)"
Về số
phận những văn nghệ sĩ khác tác giả viết:
"Nhiều
người trong số trí thức bất hạnh này không bao giờ trở về và không nghe ai nói
đến nữa. Những người cuối cùng được cho phép về với gia đình đã có nghề mới không
còn phải là nghề dậy học, viết văn hay vẽ vời nữa. Một số lớn được tin là đã tự
vẫn." (tr.239)
Ở những
trang cuối sách tác giả đã nói về kết quả tai hại cuả C.C.R.Ð. và hợp tác hóa
nông nghiệp và thương nghiệp tại Bắc Việt, tuy không nhảy vọt đến nạn đói,
nhưng cũng lững thững đi tới cùng một đích đó:
"Về
mức sản xuất thịt gia súc đã có sự giảm sút tương tự (như Trung Quốc, chú thích
của soạn giả). Theo tờ Nhân Dân ngày 7 tháng 5 năm 1962, thì mức tiêu thụ thịt
tính theo đầu người là 6,2 kí lô và vải sợi là 4,8 mét. Như vậy nếu con số đó
là đúng thì một người Việt Nam trung bình đã ăn mỗi ngày 17 gram thịt, và quanh
năm chỉ mặc độc có một bộ bà ba. Nhưng theo những người lính Pháp từ Việt Nam
về quê vào tháng 12 năm 1962, sau khi đã đào ngũ sang với Việt Minh trong thời
chiến, thì khẩu phần nói trên chỉ người dân thành thị mới có được, chứ không có
phần cho nông dân."
Tình
trạng đó là hậu quả có thể biết trước của hai cuộc cải cách ruộng đất và công
cuộc tập thể hóa kéo dài suốt một thập niên sau đó." (trang 242-243)
Qua những
lời trích dẫn trên tôi thấy tác giả là người nhìn thấu tâm địa độc ác của các
lãnh tụ cộng sản miền Bắc, và cũng am hiểu phần nào mưu mô xảo quyệt và kỹ
thuật lật lọng, lá mặt lá trái của họ. Nhưng không hiểu sao ông lại đi đến kết
luận lên án nặng nề chế độ đệ nhất Cộng Hòa của Nam Việt Nam lúc ấy (lúc ông
viết xong cuốn sách vào giữa năm 1963). Ông cũng buộc tội các cường quốc Tây
Phương là ủng hộ một chế độ "cực kỳ phản động" như vậỵ Và ông tán
thành hành động chống đối của nhóm Phật Tử quá khích do thượng tọa Thích Trí
Quang cầm đầu khi ông viết:
"Nhưng
có một điều hiện ra rõ rệt. Ðó là Phật Giáo với triết lý Bao Dung có vẻ là một
lực lượng ngủ, không chính khách nào cần để ý tới, nay dường như sẽ có thể đóng
một vai trò quyết định cho cuộc thống nhất tương lai của Việt Nam." (trang
244, áp chót)
Không rõ
ông HVC có còn sống đến ngày nay để xem kết quả sự đóng góp của cái gọi là Phật
Giáo Ấn Quang của thượng tọa Thích Trí Quang vào việc thống nhất Việt Nam nó bi
đát đến thế nào không. Ðúng là nó đã giúp Việt Cộng thống nhất Việt Nam đấy. Và
cho đến nay vị thượng tọa lãnh đạo"Phật Giáo" kia chẳng hề làm gì hay
nói gì để chống đối Cộng Sản đang bóc lột và kìm kẹp nhân dân Việt Nam, trong
khi bao Thượng toạ khác bị tù đầy áp bức cùng với các vị lãnh đạo tinh thần và
tín hữu các tôn giáo khác.
Lời kết
luận trên có lẽ được viết giữa 1963, lúc ông đã ở ngoại quốc và nhìn tình hình
qua nhãn quan của một số ký giả thiên cộng hay có thành kiến, ác cảm với Việt
Nam Cộng Hòa. Nếu ông viết cuốn sách vào lúc này thiết nghĩ ông sẽ có một kết
luận khác. (15)
Chú
Thích:
(1)
"From Colonialism To Communism" (Từ Thực Dân Tới Cộng Sản), nxb
Frederick Ạ Praeger, 1964, trang 72.
(2) SÐD
trang 97
(3) SÐD
trang 29
(4) SÐD
trang 32
(5) SÐD
trang 51
(6) SÐD
trang 18
(7) SÐD
trang 50
(8) SÐD
trang 117
(9) SÐD
trang 119-120
(10)
Trang 121-122
(11)
Trang 131-132
(12)
Trang 147
(13)
Trang 146
(14)
Trang 158
(15) Chỉ
còn ba ngày nữa đưa in soạn phẩm này, tình cờ tôi được đọc bản dịch của Mạc Ðịnh:
"Từ Thực Dân Ðến Cộng Sản". Dịch giả nói bản dịch của ông đã được tác
giả (cũng chính là tác giả) xem lại, sửa chữa và viết hẳn lại chương cuối. Thì
ra đúng tác giả đã xét lại lập trường của ông và không còn thấy những lời kết
luận như trong nguyên bản tiếng Anh nữa.
(còn
tiếp)