Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

Việt Nam Đất Nước Tôi

Phương Nam

 

Hồi nhỏ tôi rất thích câu chuyện cổ tích Tấm Cám: Cô Tấm xinh đẹp, thảo hiền nhưng luôn bị mẹ con nhà Cám ghen ghét tìm cách hãm hại. Thế rồi Tấm bị chết đi, hóa thành chim vàng anh, thành cây xoan đào, thành cái khung cửi và cuối cùng Tấm từ quả thị chui ra, giúp bà cụ phúc hậu kia mọi việc nhà.

Một ngày nọ, nhân dừng chân ở quán nước ven đường, tình cờ nhà vua trông thấy những miếng trầu têm hình cánh phượng rất khéo, giống hệt như của vợ mình têm ngày nào. Vua bèn ngỏ ý với bà cụ muốn gặp người têm trầu. Tấm bước ra, vua vô cùng sửng sốt và mừng rỡ vì được gặp lại vợ mình, lại còn xinh đẹp hơn xưa. Vua cảm ơn bà cụ và xin được rước Tấm về cung. Từ đó hai người sống bên nhau hạnh phúc đến trọn đời: người ở hiền cuối cùng rồi cũng gặp lành. Còn mẹ con nhà Cám: những kẻ gieo gió đã gặt bão, tội ác đã bị trừng phạt đích đáng. Câu chuyện kết thúc thật có hậu.

Nhưng khi lớn lên, xem xét lại câu chuyện dưới một cách nhìn khác, tôi mới giật mình nhận ra rằng: bên cạnh tính thảo hiền thì cô Tấm cũng có tính ác độc. Vì nếu hoàn toàn hiền, cô không thể khuyên Cám: “Nếu muốn da trắng em chỉ việc đào một cái hố thật sâu rồi ngồi xuống đó.”. Cám tưởng thật nghe lời, đoạn Tấm sai người đem nước sôi dội xuống làm Cám chết ngay tức khắc. (có người còn kể là tự tay Tấm dội!)

Vẫn chưa hết: sau đó Tấm lấy xác Cám rồi làm mắm gửi về cho dì ghẻ. (trong những sách xuất bản gần đây, chi tiết này đã được bỏ đi). Mẹ Cám không biết vừa ăn vừa khen ngon, đến khi ăn hết nhìn xuống đáy hũ thấy đầu lâu con gái mình, mụ sợ quá rú lên một tiếng rồi ngã lăn ra đất chết.

Thế là chỉ vì quá căm phẫn trước những việc làm thất đức của mẹ con nhà Cám, mà các cụ ta ngày xưa đã vô tình đẩy cô Tấm vốn xinh đẹp, thảo hiền là vậy vào vòng tội lỗi. Ðã có vua là phải có pháp đình rồi thì tại sao không làm theo phép nước? Nếu ai cũng làm như vậy thì xã hội rồi sẽ đi về đâu?

Tương tự trong truyền thuyết Chuyện Ðẻ Trăm Trứng ta cũng thấy:

Tại sao ông Lạc Long Quân lại bàn với bà Âu Cơ chia đàn con của họ ra thành hai nhóm 50/50 để người dẫn lên núi, người dẫn xuống biển? Sao ông bà không cùng nhau ở lại mà làm ăn sinh sống và nuôi dạy đàn con của mình trưởng thành? Vì ông bà đã... ly dị đâu! Sau này “đứa nào” muốn đi mở mang bờ cõi thì tùy “chúng nó”. Mới có 100 mặt con thì làm gì mà đã sợ thiếu đất canh tác! v.v...

Cái lý do ông đưa ra rằng bà thuộc giống Tiên, ông thuộc giống Rồng nên không thể ăn ở với nhau lâu được, và nay thì ông phải xuống thủy cung để ở... với mẹ! Tôi cho rằng không có sức thuyết phục, vì điều đó ông đã biết từ trước khi cưới rồi cơ mà. Thế là cũng chỉ vì muốn chứng minh rằng dân tộc Việt Nam ta là cùng một mẹ đẻ ra, là “đồng bào” của nhau mà các cụ ta ngày xưa lại nỡ chia rẽ một gia đình đang sống với nhau hạnh phúc là vậy.

Không, tôi hoàn toàn không có ý gì báng bổ đến tổ tiên ta. Thật tình tôi cũng rất thích câu chuyện này. Vì tuy nó chỉ là truyền thuyết, nhưng nó như một bức thông điệp của ông cha ta từ ngàn xưa, muốn nhắn gửi tới Ðàn Chim Việt hôm nay: dù ai đang ở đâu, đi đâu và làm gì thì chúng ta đều là anh em cùng một giống nòi. Vì vậy phải luôn luôn biết đoàn kết, thương yêu và đùm bọc lẫn nhau.

Từ hai câu chuyện trên có thể giúp ta những gợi ý sau:

a.- Trong cùng một vấn đề thường có tính hai mặt tương phản nhau. Nếu chỉ thấy được mặt này mà không thấy được mặt kia hoặc ngược lại thì cách giải quyết nó sẽ không đồng bộ. Có thể lúc này ta thấy nó ổn nhưng khi khác, hoàn cảnh cũng khác lại thấy nó không ổn. Thậm chí còn sai hoàn toàn. Lúc ấy phải dứt khoát đoạn tuyệt với nó để cái mới ra đời, thay thế và phát triển theo quy luật.

b.- Cuộc sống là rất đa dạng và phong phú, nên trong cùng một vấn đề thì mỗi người khác nhau thường có cách nhìn nhận và giải quyết nó cũng khác nhau. Nếu đấy là những vấn đề riêng thì quyết định cuối cùng thuộc về những cá nhân đó. Nhưng nếu đấy là những vấn đề chung, liên quan đến nhiều người thì phải tuân theo nguyên tắc: thiểu số phải phục tùng đa số, tức là số ít phải chấp thuận quyết định của số nhiều. Nói như vậy không có nghĩa là số còn lại bị bỏ rơi, một quyết định tốt nhất phải là sự tổng hợp cao nhất mọi ý kiến, dù là nhỏ. Mặt khác, mọi người phải có những thông tin trung thực, đầy đủ trước khi ra quyết định cuối cùng.

c.- Cuộc sống càng hiện đại thì yêu cầu xem xét lại những vấn đề của ngày hôm qua xem chúng có còn phù hợp với hôm nay hay không, lại càng phải được đặt ra một cách cấp bách và nghiêm túc. Từ đó mới tìm ra được những phương cách giải quyết chúng sao cho phù hợp với hiện tại.

Từ những gợi ý trên, trong bài viết này tôi xin được trình bày 5 vấn đề sau đây:

1.- Hệ thống xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ 20 vừa qua (1917-1991).

2.- Hoàn cảnh mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn con đường đi cho dân tộc Việt Nam.

3.- Ðường lối “xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam hiện nay.

4.- Nền dân chủ Việt Nam và một ý kiến đề nghị.

5.- Vấn đề đoàn kết dân tộc - Những niềm tin tưởng.

Tôi hiểu rằng đây là những vấn đề rất rộng và phức tạp. Ðã có nhiều người viết và nói về nó, nhưng điều đó chẳng những không ngăn cản tôi nói lên ý kiến riêng của mình, mà ngược lại nó là những nguồn tư liệu phong phú, nguồn động viên tinh thần rất lớn, với hy vọng rằng trong số những điều viết ra, nếu có điều nào đó có ích cho đất nước mình, thì đó chính là niềm khích lệ lớn cho tôi rồi.

Viết về quê hương Việt Nam nhà thơ Nguyễn Ðình Thi đã có bài sau đây:


Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều

Quê hương biết mấy thân yêu

Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau

Mặt người vất vả in sâu

Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn

Ðất nghèo nuôi những anh hùng

Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên

Ðạp quân thù xuống đất đen

Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.

Việt Nam đất nắng chan hòa

Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh

Mắt đen cô gái long lanh

Yêu ai yêu trọn tấm tình thủy chung

Ðất trăm nghề của trăm vùng

Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem

Tay người như có phép tiên

Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ

Nước bâng khuâng những bến đò

Ðêm đêm còn vọng câu hò Trương Chi

Ðói nghèo nên phải chia ly

Xót xa lòng kẻ rời quê lên đường

Ta đi ta nhớ núi rừng

Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ

Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô

Bát cơm rau muống, quả cà giòn tan...


Có lẽ không ai là người Việt Nam khi đọc bài thơ trên lại không thấy một phần máu thịt của mình ở trong đó. Cái mảnh đất hình chữ S nằm bên bờ Thái Bình Dương ấy là Tổ Quốc chung của mọi người con đất Việt, dù họ đang sống ở trong hay ngoài nước. Tôi không có khả năng làm thơ để viết về đất nước mình, nhưng cũng như bao người Việt Nam khác, tôi yêu đất nước tôi và đó chính là động cơ duy nhất để tôi viết bài này. Trong đó có cả câu “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” cũng cần phải được nhìn nhận lại. Và bây giờ, xin mời quý vị và các bạn hãy cùng tôi lần lượt đi qua 5 phần trên.


1 -Hệ thống xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ 20 vừa qua (1917-1991):

1.1- Sự hình thành:

- Cuộc cách mạng tháng 10 Nga năm 1917 đã diễn ra và giành được thắng lợi bằng con đường bạo lực, lật đổ được chế độ Nga hoàng và lập nên một nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới. Tức nhà nước Liên Xô sau này, do Lê Nin đứng đầu. (V.I Lenine 1870 - 1924).

- Năm 1945 trên đường tiến vào Berlin, hồng quân Liên Xô đã giúp hàng loạt nước Ðông Âu thoát khỏi ách phát xít. Sau đó các nước này ra nhập vào hệ thống xã hội chủ nghĩa, gọi tắt là phe Xã Hội Chủ Nghĩa do Liên Xô đứng đầu. Sau có thêm bốn nước nữa là: Cộng hòa DCND Triều Tiên (Bắc Hàn - 1948), Trung Quốc (1949), Cu Ba (1959) và Việt Nam (miền Bắc 1954, cả nước sau 1975). Ðưa tổng số các nước trong toàn hệ thống lên 13 nước. Hệ thống này tồn tại đến năm 1991 thì tan rã, do sự sụp đổ của các nước Ðông Âu và Liên Xô. Ðến nay chỉ còn lại bốn nước sau nói trên.

Có 3 đặc điểm lớn trong hệ thống này là:

a) Hầu hết đều có điểm xuất phát thấp: khá nhất là các nước Ðông Âu, sau đó là Liên Xô và thấp nhất là bốn nước còn lại.

(cụ thể là: nền công nghiệp chưa phát triển,trình độ dân trí và dân chủ còn thấp, người dân còn nghèo, ... đặc biệt hai nước Trung Quốc và Việt Nam còn bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi các thuyết Khổng - Mạnh, người dân vẫn còn rất tin vào số mệnh.)

b) Ða số đều ra đời sau các cuộc chiến tranh hoặc nội chiến, mà ở đó các Ðảng Cộng Sản lên nắm chính quyền.

c) Vai trò quyết định của Liên Xô: nếu không có Liên Xô thì chắc chắn không thể có hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa trong thế kỷ 20 vừa qua.

Như chúng ta đã biết: nhân tố quyết định cho thắng lợi của cách mạng tháng 10 Nga là vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản Nga. Ðảng Cộng Sản Nga lại bắt nguồn từ phong trào cộng sản quốc tế. Nó xuất hiện từ nửa sau của thế kỷ 19 ở Tây Âu bởi chủ nghĩa Mác, còn được gọi là Chủ nghĩa cộng sản (Karl Marx 1818 - 1883). Chủ nghĩa Mác lại được hình thành bởi học thuyết của ông. Vì vậy muốn đi tìm nguyên nhân hình thành cũng như tan rã của phong trào cộng sản quốc tế nói chung, cũng như của hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa nói riêng trong thế kỷ 20 vừa qua, chính là việc đi tìm cơ sở hình thành nên học thuyết Mác.

Có thể tóm tắt phần cốt lõi đã hình thành nên học thuyết ấy như sau :

Mác cho rằng trong xã hội tư bản sở dĩ có bóc lột là do có sự tư hữu về tư liệu sản xuất. Hễ tư hữu càng nhiều thì bất công càng lắm, khi mâu thuẫn do nỗi bất công ấy gây ra lên tới đỉnh cao thì chỉ có cách giải quyết duy nhất là thủ tiêu nguyên nhân sinh ra nó. Tức là phải “xóa tư hữu” thông qua một cuộc Cách mạng vô sản, bằng con đường bạo lực. Trong Tuyên Ngôn Ðảng Cộng Sản, Mác viết chung với Ăng-Ghen (F.Engels 1820 -1895) năm 1848 có đoạn: “Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất là: xóa bỏ chế độ tư hữu”.

Và ông tiếp: lực lượng nòng cốt của cuộc cách mạng vô sản là giai cấp công nhân, đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Khi cách mạng thành công thì một nhà nước vô sản sẽ ra đời để xây dựng một chế độ mới, dựa trên cơ sở “công hữu”. Ðây là chế độ công bằng và dân chủ nhất cho tất cả mọi người chưa hề có trong lịch sử loài người. Vì nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với mọi hình thức bóc lột. Cuối cùng Mác kêu gọi:

“Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!” Và một khi cách mạng vô sản toàn thắng thì thế giới sẽ đại đồng, mùa xuân của nhân loại sẽ đến ngay trên trái đất này. Lúc ấy vai trò lãnh đạo của các Ðảng Cộng Sản, vai trò quản lý của các nhà nước vô sản sẽ không cần thiết nữa, nó sẽ tự triệt tiêu.

Quả thật nếu được như vậy thì ai không muốn, chẳng thế mà trong suốt một thế kỷ rưỡi qua đã có biết bao nhiêu người say mê nó. Người vô sản đã đành, rất nhiều người hữu sản cũng quyết dấn thân, bởi vì họ nghĩ tới muôn đời con cháu mai sau. Tuy nhiên, có điều là ngay ở điểm xuất phát của học thuyết này : “Sở dỹ có bóc lột là do có sự tư hữu” đã có sự bất ổn lớn. Vì để chứng minh nó, Mác đã khảo sát quá trình mà ông gọi là “Tái sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa”. Ở đó ông chia nó thành hai quá trình nhỏ hơn là sản xuất và lưu thông hàng hóa. Và ông nhận xét :

Trong lưu thông không tạo ra giá trị cho hàng hóa, dù là trao đổi ngang giá hay không ngang giá. Chỉ có trong sản xuất mới tạo ra được giá trị cho hàng hóa, và cũng chỉ có duy nhất yếu tố người công nhân mới có khả năng tạo được giá trị mới lớn hơn cái giá trị mà nhà tư bản đã thuê anh ta dưới hình thức tiền lương. Giá trị chênh lệch ấy gọi là giá trị thặng dư, mà người công nhân đã bị nhà tư bản bóc lột toàn bộ.

Giả sử mọi lập luận của Mác dẫn tới nhận xét trên là đúng hết, thì điều quan trọng sau đây cũng đủ làm cho nó sai. Nguyên nhân là bởi trước đó ông đã tự đặt ra những giới hạn để khảo sát quá trình này. Ðó là :

- Về không gian: chỉ ở một vài nước Tây Âu phát triển nhất lúc bấy giờ như Anh, Pháp, Ðức, Ý,...

- Về đối tượng và lĩnh vực nghiên cứu: chủ yếu quan tâm đến mối quan hệ giữa nhà tư bản và người công nhân trong ngành công nghiệp cơ khí.

- Về thời gian nghiên cứu: chủ yếu là từ thập niên 1840s đến 1860s .

(Khi mà nhân loại chỉ mới biết đến cái cỗ máy chạy bằng hơi nước được phát minh ra đầu tiên năm 1712. Nó cũng được coi là thời điểm đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ từ nền văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp. Mãi tới năm 1876, trước khi Mác mất 7 năm (1883) thì động cơ đốt trong mới xuất hiện, khi mà Tuyên Ngôn Ðảng Cộng Sản đã ra đời, Quốc Tế Vô Sản I do Mác và các đồng chí của ông cũng đã được thành lập tại London - Anh (1864), và năm 1892 - 9 năm sau khi Mác mất thì công ty cung cấp điện đầu tiên trên thế giới (General Electric) mới được ra đời tại Mỹ.)

- Không có các yếu tố xuất nhập khẩu như: xuất nhập khẩu hàng hóa, lao động, công nghệ, tư bản (vốn), ... mà thời Mác cũng đã có.

(ông đưa ra rất nhiều bảng biểu về nó nhưng chỉ để minh họa, chứ không đưa nó vào khảo sát như là một yếu tố của quá trình này.)

- v.v...

Những vùng đất khác trên thế giới, những ngành khác trong nền kinh tế, những thành phần khác trong xã hội như : các viên chức chính phủ (kể cả quân đội và cảnh sát), các nhà hoạt động chính trị, tư tưởng, tôn giáo, văn hóa, khoa học, văn nghệ sỹ, chủ đất, tiểu chủ, tiểu nông, bần cố nông,... được ông gọi chung là “các giai cấp trung gian”, tuy có được ông nhắc đến nhưng rất không đầy đủ, thậm chí có những yếu tố gần như bỏ trống. Chẳng hạn như vùng đất châu Á ông rất xa lạ.

Với một bài toán mà các dữ kiện vừa thiếu hoặc nếu có lại bị giới hạn tới mức ấy, thì ngay cả vào thời Mác nó đã cho kết quả khác đi rồi. Mà một khi kết quả khác đi thì cách giải quyết vấn đề cũng phải khác đi. Hơn nữa, cứ giả sử nó đúng ở Tây Âu nhưng chắc gì nó đã đúng ở Ðông Âu, Liên Xô, Châu Á, Phi, Mỹ, Úc ? v.v... (ta giả sử thôi, vì trong thực tế là không có một nước Xã Hội Chủ Nghĩa nào ở Tây Âu cả). Ðúng trong ngành công nghiệp cơ khí, nhưng còn các ngành khác, với các giai tầng khác trong xã hội thì sao? Những mâu thuẫn giải quyết thế nào? Ðúng trong nền kinh tế đóng, nhưng chắc gì đã đúng trong nền kinh tế mở, có xuất nhập khẩu?...

Rất tiếc là từ kết quả trên (A), còn được gọi là lý luận về giá trị thặng dư, Mác đã dùng nó làm tiền đề để phát minh ra hàng loạt các kết quả khác sau đó (B). Rồi cuối cùng ông đã thừa thắng đẩy vấn đề tới tận “mùa xuân của nhân loại” như chúng ta đã biết.

Nhưng có A thì mới có B, mà A đã sai rồi thì B làm sao đúng được? Chưa kể là trong những cái B ấy lại có những điểm vô lý của riêng chúng nữa. Ví dụ: Mác cho rằng đấu tranh giai cấp là động lực phát triển trong xã hội có giai cấp (còn được gọi là lý luận về đấu tranh giai cấp). Nhưng cũng chính ông lại cho rằng: trong xã hội cộng sản nguyên thủy còn hoang sơ nên chưa có giai cấp và trong xã hội Cộng sản chủ nghĩa tương lai thì không còn sự phân biệt giai cấp nữa. Vậy thì chúng lấy đâu ra động lực để phát triển? Ông cho rằng trong tương lai con người sẽ có ý thức xã hội rất cao, nó sẽ chiến thắng con người cá nhân, và đó chính là động lực cho sự phát triển xã hội. Nhưng liệu điều đó có thể đạt được hay không? Tôi xin được trở lại vấn đề này ở những phần dưới. Rõ ràng Mác đã đẩy sự đấu tranh giai cấp lên ngôi đầu và đặt sự thi đua trí tuệ của con người xuống dưới một cách rất chủ quan. Chính sai lầm chết người này của ông đã gây ra biết bao đau thương, tang tóc cho nhân loại ở thế kỷ sau.

Nói tóm lại từ một bài toán nhỏ, lại cho kết quả sai, Mác đã dùng nó làm cơ sở để xây dựng nên cả một học thuyết được cho là khoa học, nhằm giải quyết một bài toán xã hội cực lớn. Chẳng những cho một nước mà cho toàn thế giới, chẳng những cho một giai đoạn mà cho mãi mãi về sau. Vì vậy, nếu chỉ xét riêng về mặt phương pháp luận không thôi, cũng thấy là Mác đã rất sai lầm từ chính tính “khái quát hóa” cao này rồi.

Còn xét về nội dung thì ngày nay chỉ cần một người có trình độ quan sát và nghiên cứu trung bình cũng có khả năng chứng minh được là Mác sai. Ðơn giản là vì: khác với một bài báo là sự tập hợp những quan điểm của người viết thì nó có thể đúng ở chỗ này, sai ở chỗ kia (trừ của các ngành khoa học tự nhiên). Nhưng một khi đã gọi là học thuyết khoa học rồi, mà những điểm sai của nó lại toàn là những “hòn đá tảng” cả, thì nhất định nó phải là một học thuyết sai. Càng sống ở các nước phát triển, càng có điều kiện để nhận biết nó.

Ðiều này giải thích vì sao tất cả các nước có nền kinh tế phát triển, không có nước nào đi vào con đường Xã Hội Chủ Nghĩa, mặc dù họ là những nước có phong trào cộng sản rất sớm. Vì sao bốn nước Xã Hội Chủ Nghĩa còn sót lại đến nay đều là những nước có điểm xuất phát thấp nhất của hệ thống, và vì sao số lượng các nước trong phe chỉ dừng lại ở con số 13. Có chăng là thêm một vài nước nghèo nữa ở châu Phi, Mỹ la tinh, Trung Á, v.v... nhưng tên tuổi cũng thoắt ẩn, thoắt hiện rất khó xác định.

Nói như vậy không có nghĩa là hễ ai chứng minh được Mác sai là thông minh hơn Mác, mà chính là bởi thời đại thông minh đã dạy họ. Theo tôi Mác vẫn xứng đáng là một trong những bộ óc xuất sắc của nhân loại trong 1000 năm qua, như một cuộc bình chọn gần đây đã xác định. Xong cũng như những nhà tư tưởng lớn khác, ông vừa vượt lên trên thời đại của mình, nhưng cũng bị chính thời đại ấy quy định.

Ngay cả khi Mác còn sống, cũng đã có nhiều người nhận ra những điểm sai trong học thuyết của Mác, kể cả Ăng-Ghen - người bạn và người đồng chí thân thiết nhất của Mác, mất sau ông 12 năm. Biểu hiện rõ nhất của việc nhận thức lại này là: chỉ 6 năm sau khi Mác mất thì Quốc Tế Vô Sản II đã được thành lập ở Paris - Pháp (1889), với chủ trương mềm hơn: giai cấp vô sản sẽ giành chính quyền bằng con đường đấu tranh nghị trường, bất bạo động. Ðảng xã hội Pháp, tiền thân của Ðảng Cộng Sản Pháp sau này đã theo Quốc Tế II. Năm 1919 Lê Nin đã thành lập ra Quốc Tế III và “phục hồi” lại con đường dùng bạo lực để giành chính quyền.

Từ những trình bày trên ta rút ra kết luận:

Cơ sở hình thành nên học thuyết của Mác là sai, vì vậy cơ sở hình thành nên hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa trong thế kỷ 20 vừa qua cũng là sai từ gốc. Thời Mác đã sai, thời nay lại càng sai.


1.2 - Sự tan rã :

Sau chiến tranh thế giới thứ II năm 1945 là thời điểm mở đầu cho cuộc chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ (1945 - 1991) giữa hai phe Xã Hội Chủ Nghĩa và Tư Bản Chủ Nghĩa, một phe do Liên Xô, phe còn lại do Mỹ đứng đầu.

(thật ra cụm từ “phe Tư bản chủ nghĩa” cũng không hẳn là chính xác, vì “Chủ nghĩa tư bản” thì nhân loại đã có từ ngàn đời nay, chứ không phải mới có từ khi nền văn minh công nghiệp xuất hiện. Nhưng khác với CNCS là có tác giả cụ thể, còn nó thì không. Hay nói đúng hơn, toàn bộ nhân loại từ xưa đến nay đều là “tác giả” của nó.

(xem website: http://members.aol.com/vietnamgo/hasphu.htm )

Xen kẽ trong thời kỳ trên cũng có những cuộc chiến tranh nóng cục bộ giữa hai phe như : chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam. Nhưng trong 3 năm 1989 - 1991, khi các nước Ðông Âu và Liên Xô tan rã thì giữa hai phe lại không hề có một cuộc chiến tranh nóng nào. Có người cho rằng chính vì những cuộc chạy đua vũ trang, chạy đua không gian... kéo dài với quy mô lớn đã làm cho nền kinh tế của nhiều nước Xã Hội Chủ Nghĩa, nhất là của Liên Xô bị “ hụt hơi” dẫn tới sự sụp đổ. Nhưng theo tôi nếu đã gọi là “cùng chạy đua” rồi thì “hơi” bên nào mà chẳng “hụt”!

Những nguyên nhân thì có nhiều, kể cả sự “hụt hơi” trên, ngoài ra còn là vai trò quan trọng, có khi lại rất tế nhị của những nhân vật lớn lúc ấy như: Ðức giáo hoàng Giôn-Pôn II (John Paul II), các cựu tổng thống Mỹ R.Ri-Gân (Ronald Reagan), Gioóc-Bút (George Bush), cựu thủ tướng Tây Ðức Hen-mút-Côn (Helmut Kohl), cựu tổng bí thư Ðảng Cộng Sản Liên Xô M.Goóc-ba-chốp (Mikhail Gorbachev) * (những dấu * trong bài viết này tôi xin được trở lại kỹ hơn trong những bài viết tới, khi có điều kiện).

Nhưng cái chính vẫn phải là phải đi tìm những yếu kém từ bên trong của hệ thống này. Theo tôi có ba nguyên nhân lớn sau :

a.- Do triệt để sử dụng phương pháp bạo lực đã làm phân hóa sâu sắc và toàn diện trong nội bộ từng nước và giữa các nước trong toàn hệ thống.

b.- Do chủ quan và phiến diện trong cách nhìn nhận về con người, nên Mác đã đưa ra luận điểm: hệ tư tưởng của giai cấp công nhân là hệ tư tưởng tiên tiến nhất trong xã hội, và Ðảng cộng sản là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo đất nước.

c.- Do không tôn trọng các quy luật khách quan.

Cụ thể là:

a.- Do triệt để sử dụng phương pháp bạo lực:

Hầu hết các lãnh tụ cộng sản đều có những phát biểu nhằm quán triệt sâu sắc điều này. Chẳng hạn như :

Với Mác : Bạo lực là bà đỡ của mọi cuộc cách mạng.

Với Ăng-Ghen : Không có vũ khí phê phán nào có thể thay thế được sự phê phán bằng vũ khí .

Với Lê nin : Kẻ nào chỉ thừa nhận có đấu tranh giai cấp không thôi, thì kẻ đó vẫn chưa phải là người Mác - xít. Chỉ người nào mở rộng việc thừa nhận đấu tranh giai cấp đến mức thừa nhận chuyên chính vô sản thì mới là người Mác - xít.

Với Mao Trạch Ðông : Quyền lực chính trị nằm ở trên đầu nòng súng. hay: Súng đạn đẻ ra chính quyền.

Thật ra sai lầm trên lúc đầu là do Mác, nhưng sau đó là do Lê Nin và những người cộng sản nắm quyền tiếp theo đã phạm, khi họ vấp phải những khó khăn trong thực tiễn, không như Mác hình dung ban đầu.

Vì vậy nó đã được kéo dài lê thê từ trong chiến tranh sang luôn cả thời kỳ “Xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của Chủ Nghĩa Xã Hội” ở tất cả các nước trong phe. Nhìn vào thực tiễn ta thấy rất rõ điều này:

a.1 - Sự phân hóa trong nội bộ từng nước:

Từ năm 1917 đến nay, chỉ tính riêng giai đoạn xây dựng hòa bình thôi cũng đã đầy máu và nước mắt rồi. Ðầu tiên là ở Liên Xô, sau lan ra toàn hệ thống. (xem Báo Cáo Mật Của N.Khrushchev Về Tội Ác Của Stalin - Website: www.lmvntd.org, mục tài liệu / nhân vật.).

Hàng chục, hàng trăm triệu người đã bị bắt bớ, đánh đập, hành hạ,... nhiều người trong số họ đã bị chết do đói, rét, khát, bệnh tật hoặc bị giết vì các tội danh như: phản cách mạng, chống đảng, chống Chủ Nghĩa Xã Hội, chống chính quyền nhân dân, v.v... Mà việc quy kết cho nhân dân những tội danh trên là rất tùy tiện và vô tội vạ.

Nếu ai đó đã xem bộ phim “Ðể sống” (To Live) của đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc Trương Nghệ Mưu, có nữ diễn viên Củng Lợi đóng sẽ thấy: Ðể tồn tại hay không tồn tại, người dân Trung Quốc đã phải chịu đựng như thế nào trong suốt thời kỳ Mao Trạch Ðông cầm quyền (1949 - 1976). Sau này chính những người dân Trung Quốc đã tự hàn gắn cho nhau những vết thương của quá khứ, chứ không phải là Mao Trạch Ðông và những người lãnh đạo trong Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đã ủng hộ cuồng tín ông ta, mặc dù chính họ là những người đã gây ra những tội ác đó. Họ - cho đến nay vẫn ăn quỵt nhân dân Trung Quốc những món nợ lớn đã vay từ những cuộc “Ðại nhảy vọt”, “Ðại cách mạng văn hóa”, vụ đàn áp phong trào sinh viên Trung Quốc đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn - Bắc Kinh tháng 6 năm 1989, v.v...

Ở Việt Nam cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ: các chiến dịch lớn nhỏ như Cải tạo hóa, Tập đoàn hóa, Hợp tác hóa, Quốc hữu hóa, Công tư hợp doanh hóa,... chẳng những đã không đoàn kết hóa được dân tộc, mà chỉ làm cho dân tộc phân hóa hơn. Nếu tính cả yếu tố chiến tranh thì sự phân hóa này còn tăng lên nhiều lần. Nước mắt của nhân dân hết chảy xuôi, rồi lại chảy ngược, nhưng không hề làm cho cái ác dừng tay.

Thế là sau bao nhiêu năm chiến tranh máu lửa, nhưng trên đất nước Việt Nam vẫn chưa “hiền như xưa”, súng gươm vẫn được giữ lại để dùng vào những công việc khác với chống giặc ngoại xâm. Ðiều này thì bất cứ người Việt Nam nào cũng biết. Nó như những thanh gươm treo lơ lửng trên đầu họ, vô hình đấy nhưng cũng rất hữu hình đấy. Có lẽ nhiều người thuộc trường phái sùng bái bạo lực ở Việt Nam, cứ thắc mắc hoài là tại sao ngày xưa vua Lê Lợi lại Hoàn Kiếm sớm thế? Thắng quân Minh rồi thì cứ giữ nó lại mà sài cho quân mình! (chắc là hồi ấy ông chưa được học tập và quán triệt Chủ nghĩa Mác - Lê Nin!).

Trên đây là sự phân hóa trong nội bộ từng nước, nhưng giữa các nước trong hệ thống cũng có sự phân hóa nghiêm trọng.


a.2 - Sự phân hóa giữa các nước trong hệ thống:

Chỉ một thời gian ngắn sau khi ra nhập vào hệ thống, thì hầu hết các nước Ðông Âu đã muốn thoát ra khỏi sự khống chế của Liên Xô, vì các lý do sau :

- Phần lớn đều có điểm xuất phát trước chiến tranh cao hơn Liên Xô.

- Ðã biết được những tội ác của Stalin đối với nhân dân Liên Xô trước đó, bản thân họ cũng đã từng là nạn nhân.

- Muốn nhận sự viện trợ của Mỹ theo kế hoạch Marshall (1947), giúp các nước châu Âu khôi phục lại nền kinh tế sau chiến tranh thế giới thứ II.

- Các lý do khác biệt về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc, ...

Những sự kiện diễn ra ở Tiệp Khắc năm 1947, Ðông Ðức và Tiệp Khắc năm 1953, Hungary và Ba Lan năm 1956,... đã chứng minh điều này. Nhưng điển hình nhất là sự kiện “Mùa xuân Praha” diễn ra tại Tiệp Khắc năm 1968 :

Hàng trăm nghìn quân cùng hàng ngàn máy bay, xe tăng, đại bác,... thuộc khối quân sự Vác-Sa-Va (Warszawa) do Liên Xô đứng đầu đã tiến vào nước này nhằm “Tiễu trừ bọn phản cách mạng, tay sai của đế quốc Mỹ”. Sau đó bắt đi nhiều ủy viên trung ương đảng, bộ trưởng giải về Mátxcơva (Moscow). Bản thân Bí thư thứ nhất Ðảng cộng sản Tiệp Khắc A.Dubcek và thủ tướng Tiệp lúc bấy giờ là Cernik cũng bị triệu sang Mátxcơva. Ðể rồi sau đó một đoàn đại biểu do chủ tịch nước Tiệp là Svoboda dẫn đầu đã bị ép phải ký một văn bản tại Mátxcơva, với hai thỏa thuận quan trọng:

- Ngưng ngay công cuộc cải tổ, mà thực chất là muốn xây dựng một mô hình Chủ Nghĩa Xã Hội nhân bản hơn, nhằm thay thế cho mô hình Chủ Nghĩa Xã Hội kiểu trại lính có từ thời Stalin.

- Chấp nhận một lực lượng quân sự Liên Xô gồm 75,000 quân “tạm” đóng tại đây. Lực lượng này ở lại Tiệp 23 năm, tới tháng 5/1991 trước khi Liên Xô tan rã mới rút về. (12/1991).

Kể từ đó lý tưởng cộng sản hầu như đã mất hẳn trong lòng nhân dân Tiệp Khắc nói chung và những người cộng sản Tiệp chân chính nói riêng. Họ coi đất nước họ đã bị quân đội nước ngoài chiếm đóng trái phép. Chính họ - Những người cộng sản ấy, đã góp phần rất lớn cùng nhân dân Tiệp giành được thắng lợi trong “Cuộc cách mạng nhung” vào 10 ngày cuối tháng 11/1989.

Những cuộc biểu tình quy tụ nhiều chục ngàn người đã liên tiếp nổ ra tại khắp nơi trên đất Tiệp sau sự kiện trên. Ngay tại quảng trường chính của thủ đô Praha đã có hai sinh viên tự thiêu vào tháng 1 năm 1969, trong lúc đoàn người đang biểu tình. Và sự hy sinh của họ đã không uổng phí. Bởi vì có “Mùa xuân Praha” năm 1968 thì 9 năm sau mới có “Hiến chương 77” của hàng trăm trí thức và đảng viên Cộng sản Tiệp tiến bộ. Nó như một Bản Tuyên Ngôn chung đòi dân chủ, làm rung chuyển khối Xã Hội Chủ Nghĩa. Ðể rồi từ đó mới có thắng lợi của “Cuộc cách mạng nhung” 12 năm sau.

Rõ ràng giải pháp “cộng sản” cũng đã không giải quyết được vấn đề “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!” như Mác kêu gọi. Mối bất hòa giữa hai nước đàn anh Liên Xô và Trung Quốc là rất sâu sắc, không thể hàn gắn được. Ðã có những cuộc xung đột vũ trang diễn ra tại biên giới Trung - Xô. Nó lớn tới mức mà không biết vô tình hay cố ý, CT Hồ Chí Minh trong di chúc của mình đã vội vàng chia chủ nghĩa cộng sản ra thành hai: chủ nghĩa Mác-Lê Nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Giải pháp ấy cũng không làm tan đi được đầu óc bá quyền nước lớn, muốn thôn tính nước nhỏ bằng bạo lực, có từ ngàn năm xưa của các thế lực cầm quyền phương Bắc đối với dân tộc Việt Nam. Có ai ngờ rằng sau 30 năm với hai cuộc chiến tranh, thì dân tộc ta lại phải bước tiếp vào hai cuộc chiến tranh nữa ở biên giới Tây - Nam và biên giới phía Bắc, mà nguyên nhân sâu xa đều do chính quyền Bắc Kinh gây ra. Máu xương của hàng trăm ngàn những người lính trẻ, những người dân Việt Nam vô tội lại phải đổ xuống. Mặc dầu họ - những người nay đã khoác áo cộng sản, từng nhiều lần tuyên bố: “Tình đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam - Trung Hoa là như môi với răng, môi hở thì răng lạnh.”

Vì điều kiện địa lý, chúng ta không có cách lựa chọn nào khác hơn. Chúng ta luôn mong muốn cùng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, nhất là với nhân dân Trung Quốc - những người cũng đã chịu quá nhiều thương đau. Nhưng với lịch sử đã qua, với những gì vẫn đang tiếp diễn, cho chúng ta thấy bản chất bá quyền nước lớn của đầu óc đại Hán là không hề thay đổi trong các giới cầm quyền ở Trung Quốc. Chẳng những là đối với Việt Nam, mà còn đối với các nước khác trong khu vực. Ðây là khó khăn nhưng cũng là thuận lợi để Việt Nam có thể thiết lập được những mối quan hệ bền vững với các nước này. Từ đó sẽ tạo ra những đối trọng đủ mạnh để đối phó với họ.

Chính sợi dây ràng buộc “cùng ý thức hệ” hiện nay mới là nguy hiểm. Nó làm cho thế giới và các nước trong khu vực nghi ngại chúng ta. Sợi dây ấy có thể đứt bất cứ lúc nào như nó đã từng bị đứt và bên chịu thiệt thòi vẫn là dân tộc Việt Nam. Một khi đã biết được dã tâm muốn “đánh tráo nỏ thần” rồi mà vẫn cho phép họ được “ở rể”, thì những kẻ có tội với dân tộc chính là những “An Dương Vương” thời nay.


b.- Do chủ quan và phiến diện trong cách nhìn nhận về con người nên Mác đã đưa ra luận điểm: hệ tư tưởng của giai cấp công nhân là hệ tư tưởng tiên tiến nhất trong xã hội, và Ðảng cộng sản là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo đất nước.

Từ khi nền văn minh công nghiệp xuất hiện thì bất cứ xã hội nào chịu ảnh hưởng của nó cũng có nhiều giai tầng khác nhau như đã liệt kê ở trên. Giả sử ứng với mỗi giai tầng ấy có một hệ tư tưởng, rồi lại có một ban giám khảo chấm điểm khách quan, thì chắc gì hệ tư tưởng của giai cấp công nhân đạt được trên mức trung bình?

Thế mà Mác cũng lại đưa nó lên vị trí hàng đầu, với ý định là sẽ tiến tới chi phối, rồi triệt tiêu dần các hệ tư tưởng còn lại “bằng con đường tự nguyện”(!?). Trong thực tế thì sự chống đối này là rất gay gắt. Có những người suốt đời đi “tiễu trừ bọn phản cách mạng” nhưng “tiễu” mãi mà bọn “phản cách mạng” kia chẳng những không “trừ” đi, mà lại càng cộng thêm. Mác thật mâu thuẫn khi một mặt ông kêu gọi mọi người hãy cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng. Nhưng mặt khác, ông lại bày ra chuyện “mâm trên - mâm dưới” ngay từ đầu như vậy.

Lý thuyết thì đã thế, thực tế còn tệ hại hơn nhiều: đó là sự thống trị của một thiểu số cầm quyền trong Ðảng Cộng Sản lên toàn bộ xã hội, kể cả các đảng viên thường cùng toàn bộ khối “liên minh công - nông”, mà lúc này hầu hết đều đã thuộc giai cấp bị trị. Mác đặt trọn niềm tin của ông vào các Ðảng Cộng Sản, vì ông cho rằng đó là “bộ phận ưu tú nhất của một giai cấp tiên tiến nhất trong xã hội”. Cứ cho là như vậy đi, nhưng thử hỏi trên đời này có cái gì làm cho con người ta đam mê bằng thứ quyền lực được tập trung ở mức độ cao, được kéo dài không kỳ hạn và còn là duy nhất?

Thực tế phe Xã Hội Chủ Nghĩa đã chứng minh rằng: không phải như Mác nói: “Tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ nhân dân”, mà chính quyền lực mới là “thuốc phiện” của những người cộng sản cầm quyền. Thậm chí có những người sau khi đã rời chức vụ rồi, nhưng cứ ra ngẩn vào ngơ, vì vẫn còn muốn “phục vụ cách mạng đến hơi thở cuối cùng”! Ðể rồi đã có người thấy vậy mà đưa ra nhận xét: “Cái đít con người ta có trí nhớ, nó nhớ cái ghế!”.

Sự đam mê ấy lại càng được cộng hưởng thêm khi nó được gắn với tiền, lúc này cũng được đem tập trung lại. Nếu như ăn, uống, ngủ, nghỉ người ta còn thấy có dấu hiệu của sự bão hòa thì nỗi đam mê quyền - tiền là không hề có dấu hiệu nào. Giả sử lúc đầu con người xã hội trong anh có thắng thế, thì cũng chỉ một thời gian sau nó cũng sẽ bị con người cá nhân trong anh nuốt chửng mà thôi. Mọi cố gắng nhằm “chống chủ nghĩa cá nhân” trên quy mô toàn xã hội đều thất bại, trừ khi phần hồn lìa khỏi phần xác! Ðó là quy luật muôn đời, không trừ một đảng phái, giai cấp, tôn giáo hay dân tộc nào. Lịch sử nhân loại đã có rất nhiều ví dụ về nó.

Vì vậy bài toán lợi - quyền mà Mác hy vọng có thể giải quyết được qua giải pháp “cộng sản” cũng hoàn toàn chủ quan và phiến diện. Nó đã bị chính những người cộng sản cầm quyền phá vỡ : một khi mà đá bóng là anh, thổi còi cũng lại là anh, thì nhân dân chỉ còn có “mỗi” một việc là cứ lầm lũi làm ra cờ, cúp, giải thưởng để anh luôn luôn được đứng trên bục cao nhất mà thôi. Thử hỏi những cô Tấm ngày nay có còn động lực để “vớt tép” nữa hay không, khi mà tép trong giỏ của mình đã bị kẻ khác lừa trút hết? Những người chăm chỉ, dễ tin người và lương thiện thì chỉ còn “một con cá Bống”, còn những kẻ lười biếng, giảo hoạt và vô lương tâm thì lại được thưởng “yếm đào”.

Người ta thấy rõ sự bất công lớn giữa những người lao động trực tiếp làm ra của cải, vật chất cho xã hội với hầu hết các quan chức lớn nhỏ trong các Ðảng Cộng Sản. Cái kiểu “nấu cháo bằng rìu” này đã diễn ra thường trực, lâu dài và trên quy mô lớn trong toàn phe Xã Hội Chủ Nghĩa. Lê Nin đã từng có nhận xét:

“Ngân hàng trong nền kinh tế Tư Bản Chủ Nghĩa là một tổ chức ăn bám bình phương”. Nhưng ở các nước Xã Hội Chủ Nghĩa, thực tế đã cho thấy rằng: có nhiều cá nhân, tổ chức mà mức độ ăn bám có số lũy thừa bậc cao hơn nhiều lần.

Vấn đề là phải tạo ra một cơ chế kiểm tra, kiểm soát đầy uy lực của toàn xã hội lên các thế lực cầm quyền, chứ không phải là cứ “chốt” vấn đề từ trên như vậy, rồi đặt cho nhân dân một niềm tin tù mù rằng: trên ấy toàn là những “vì sao” thì ắt nó sẽ tỏa sáng! Theo tôi, có lẽ Mác cũng là người có tính cả tin, như có lần ông tâm sự với con gái của mình rằng đấy là đức tính mà ông dễ tha thứ nhất.


c.- Do không tôn trọng các quy luật khách quan:

Ví dụ như trong kinh tế là gần như phủ nhận hoàn toàn quy luật giá trị, coi nhẹ vai trò của hàng hóa, tiền tệ và tìm mọi cách, kể cả bằng bạo lực thường trực để thu hẹp cơ sở hình thành nền kinh tế thị trường. Vì cho rằng chúng sẽ dẫn tới sự cạnh tranh, vô chính phủ, cá lớn nuốt cá bé và cuối cùng là sự khủng hoảng xã hội.

Cơ chế chỉ huy tập trung ở các nước trong phe Xã Hội Chủ Nghĩa rất có lợi thế trong điều kiện chiến tranh, vì nó cho phép huy động tới mức tối đa mọi nguồn lực cho cuộc chiến. Nhưng chiến tranh là cái bất bình thường của cuộc sống, nó không phải là cuộc sống theo đúng nghĩa của nó. Còn trong điều kiện hòa bình thì vấn đề lại khác hẳn, ở đó đòi hỏi những nỗ lực sáng tạo bền bỉ của từng cá nhân, nhằm làm ra những sản phẩm khác nhau, phục vụ cho những nhu cầu cũng rất khác nhau của xã hội. Chứ không phải là mọi người cùng đi về một hướng, cùng thực hiện một mục đích, ...

Vì vậy những lợi thế của cơ chế này trong chiến tranh lại là những trở lực lớn trong xây dựng hòa bình. Biểu hiện cụ thể của nó là lối suy nghĩ cứng nhắc, một chiều dẫn tới cách làm việc độc đoán, duy ý chí và bất chấp quy luật. Hậu quả là những sản phẩm được làm ra thường là thiếu tính cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng mang tính toàn cầu hóa cao.

Trong nền kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa, điều mà các nhà sản xuất quan tâm hơn cả là làm sao hoàn thành được kế hoạch nhà nước giao, chứ không phải là tính hiệu quả. Vì vậy nó cũng không cần để ý đến thị hiếu, sức mua của người tiêu dùng. Ví dụ ở Liên Xô trước đây người ta thường đúc luôn giá bán lẻ vào nhiều sản phẩm, chẳng hạn một Bàn là (bàn ủi) giá 7 rúp (Rouble: đơn vị tiền tệ của Liên Xô), hay một Quạt tai voi giá 14 rúp được bán ra vào thập niên 1960s thì đến giữa thập niên 1970s nó vẫn giữ nguyên giá bán như vậy. (điều này thì nhiều anh chị em ta ở Liên Xô nắm khá chắc!).

Về mặt hình thức ta thấy được tính “ổn định” của giá cả, nhưng về mặt bản chất thì đó là sự vi phạm nghiêm trọng các quy luật kinh tế khách quan. Tình hình cũng tương tự ở các nước khác trong phe như ở Trung Quốc với chiếc xe đạp Phượng Hoàng, ở Việt Nam với chiếc xe đạp Thống Nhất, với giá gạo mậu dịch bốn hào một cân, v.v ... được giữ vững nhiều chục năm.

Ở trong các lĩnh vực khác cũng có một tình hình tương tự. Ví dụ trong lĩnh vực văn hóa với những sản phẩm tinh thần được làm ra thường mang tính rập khuôn, giáo điều, lên gân và xa lạ với đời sống con người. Nó cũng làm “lưỡi gỗ hóa”, thậm chí trơ trẽn hóa trong hầu hết những bài phát biểu, những cuộc trả lời phỏng vấn của các lãnh tụ cộng sản, những người phát ngôn.

Ðây là căn bệnh chung và có tính “nghề truyền nghề”, tất cả đã làm “đồng phục” và “Gà công nghiệp” hóa hầu hết mọi thành viên trong xã hội. Mọi người ăn, mặc, ở, đi lại,... giống nhau. Thậm chí cách nói năng, suy nghĩ cũng ít khác nhau. Vì vậy nó đã bóp chết rất nhiều khả năng sáng tạo, lối suy nghĩ độc lập,... của những con người sống trong lòng xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa. Mọi sự đều mang dáng vẻ nhợt nhạt, thiếu sức sống, để rồi khi mở cửa ra với thế giới bên ngoài thì thường bị hụt hẫng, lúng túng như những chú gà công nghiệp dưới ánh nắng chói chang của mặt trời. Mọi người cam chịu một mức sống thấp đều nhau. Nếu có ai muốn “nhô lên” thì cũng bị cơ chế ấy mau chóng kéo xuống, trừ một lớp người đặc biệt đã tạo ra nó.

Toàn hệ thống còn có một đặc điểm nữa là: hầu hết đều ra đời sau chiến tranh hay nội chiến, vì vậy có những con người có công trong các cuộc chiến ấy. Xã hội phong kiến trước đây phân biệt rất rõ giữa chức và tước, nhưng nay thì tất cả đã bị lẫn lộn: người ta thường thưởng chức cho nhau thay vì ban tước. (mặc dù ngay cả điều này cũng có những bất công lớn.) Hậu quả là thước đo giá trị về con người bị biến dạng, cũng như trong kinh tế quy luật giá trị bị bóp méo.

Sự “truyền ngôi” cho nhau những tưởng là đã mất, nhưng chẳng những nó đã không mất đi mà còn diễn ra nhuộm nhoạm hơn, phổ biến hơn theo những tính toán cá nhân của những người nắm quyền lực. Vì vậy trong đa số trường hợp nó đã không chọn được những người tốt nhất cho công việc chung. Có khi không phải là “9 bỏ làm 10” mà 3 - 4, thậm chí chẳng có giá trị gì cũng “bỏ làm 10”! Kể cả chức vụ cao nhất của các nước này là chức tổng bí thư Ðảng Cộng Sản. Ðiều đó đã tạo ra những cuộc chạy đua mà “năng lực” của các ứng cử viên được “đo” ở cổng sau chứ không phải cổng trước. Chúng càng làm cho những con người lao động chân chính nản lòng, hệ thống do vậy gần như mất hết động lực.

Biểu hiện trong tâm lý xã hội là: sau những hăm hở của một niềm tin trong sáng buổi ban đầu, thì nay là sự thất vọng, chán nản, buông xuôi. Nó gây ảnh hưởng xấu, có tính dây chuyền đến mọi ngành, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chẳng hạn là tình trạng nhà nước thì “giả vờ” trả lương cho công nhân viên, rồi họ cũng lại “giả vờ” làm việc lại cho nhà nước. Năng suất và chất lượng lao động càng ngày càng tụt dốc thảm hại, trong khi vấn đề năng suất lao động lại là vấn đề quan trọng nhất, chủ yếu nhất. Chính nó, theo Lênin sẽ quyết định sự thành bại của phương thức sản xuất này so với phương thức sản xuất kia.

Hàng hóa và các loại dịch vụ ngày càng đơn điệu và khan hiếm, xã hội tẻ ngắt và buồn chán. Từ quy luật “Năng suất lao động không ngừng tăng lên dưới Chủ Nghĩa Xã Hội” bị phá vỡ đã kéo theo hàng loạt “các quy luật riêng có” khác của Chủ Nghĩa Xã Hội như: “Quy luật phát triển có kế hoạch và cân đối nền kinh tế quốc dân”, “Quy luật đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao” (còn được gọi là “Quy luật cơ bản của Chủ Nghĩa Xã Hội”), ... đều bị gẫy đổ.

Cùng với sự thoái hóa nghiêm trọng của hệ thống chính trị đã dẫn đến sự tan rã của toàn hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa như nó đã diễn ra. Lê Nin đã từng viết:

“Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ”. Các nước Xã Hội Chủ Nghĩa đã tự bảo vệ được mình trong các cuộc chiến tranh nóng, nhưng đã không làm được điều đó trong xây dựng hòa bình, và đã thua trong cuộc chiến tranh lạnh vừa qua.

Từ những trình bày trên ta rút ra kết luận: hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa trong thế kỷ 20 đã tự sụp đổ, vì nó bắt nguồn từ một học thuyết sai lầm, dẫn đến sự hình thành nên một hệ thống làm triệt tiêu hầu hết mọi động lực cho sự phát triển xã hội. Nó đã vĩnh viễn ra đi chứ không phải tạm thoái trào, để rồi một ngày nào đó sẽ phục hồi và quay trở lại như có những người đã từng phát biểu hoặc hy vọng. (tất nhiên có người làm vậy chỉ là để giả vờ trước nhân dân mà thôi). Cuộc “đại thực nghiệm” cho học thuyết của Mác ấy đã đại thất bại, sau 74 năm tồn tại trên nhiều vùng đất rộng lớn và đông dân cư của thế giới. Nó là một tai họa lớn cho nhân loại nói chung và nhất là cho nhân dân các nước Xã Hội Chủ Nghĩa nói riêng.

Trong suốt một thập niên qua ở các nước Ðông Âu và các nước cộng hòa cũ thuộc Liên Xô đã diễn ra nhiều cuộc bầu cử tự do. Có một tình hình là: bất cứ một cá nhân, tổ chức hay đảng phái nào dù đã đổi tên gọi, nhưng nếu có ý định phục hồi lại Chủ nghĩa xã hội thì đều bị thất bại trước những lá phiếu của nhân dân. Cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3/2000 vừa qua đã chứng minh thêm cho điều này. Có nhiều người vốn là những đảng viên cộng sản cũ đã thắng cử, điều đó cũng là bình thường. Nhưng nguyên nhân thắng cử là bởi họ đã thực sự là đại diện cho tiến trình dân chủ mới, và cử tri bầu họ là vì lẽ đó, chứ không phải là để họ dẫn dắt quay về với con đường trước kia.

Những hỗn loạn, xung đột của nước Nga hậu cộng sản gần 10 năm qua là có thật, nhưng phải thấy rằng chúng là biểu hiện của những mâu thuẫn sâu xa đã có từ lâu trong quá khứ, nay mới có điều kiện để bung ra. Trước đây chúng đã bị dập đi bởi sự bưng bít thông tin và bởi bạo lực của nền chuyên chính vô sản, làm cho người ngoài khó thấy được. Nó chỉ chứng tỏ rằng: hễ càng ủ những mâu thuẫn ấy càng lâu thì khi đủ điều kiện phát nổ, chúng sẽ càng nổ lớn. Và một tổng thống Nga Bôrít Enxin (Boris Yeltsin) nát rượu, tính khí thất thường không phải là đại diện xứng đáng cho một nước Nga mới.

Nếu ai chỉ chú tâm nhấn mạnh đến những tiêu cực mà lại quên đi những bước chuyển mình thành công khác của nước Nga; của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và của các nước Ðông Âu là thiếu sự khách quan. Cách nhìn ấy là rất phiến diện, thậm chí còn là sai nếu lại đưa nó ra như một con ngoáo ộp đe dọa người dân, nhằm mục đích khước từ đổi mới chính trị. Bằng cách đó họ đã đi ngược lại với trào lưu dân chủ mới.

Một số nhận xét thêm:

Anh Hà Sỹ Phu - tiến sỹ sinh học hiện đang ở tại Ðà Lạt, trong bài viết Chia Tay Ý Thức Hệ có viết: “...Lý thuyết của Mác như một cô gái cực đẹp nhưng lẩn thẩn...”. Tôi chỉ xin góp thêm một ý: Cô gái ấy đã bắt đầu bước vào đời sống nhân loại từ năm 1917, và nay thì phải cộng thêm tuổi cho cô gái lẩn thẩn này!

Mác đã từ bỏ tầng lớp trên của mình để đứng hẳn về phía giai cấp cần lao. Ông đã dành trọn sự nghiệp của mình để nghiên cứu và phát hiện ra nhiều căn bệnh trong lòng XHTB, giúp nhân loại tìm cách sửa chữa và điều chỉnh nó. Ðó là đóng góp rất lớn của ông. Nhưng nếu ông dừng lại ở đấy mà không kêu gọi xóa hẳn cái cũ, xây dựng cái mới, với xuất phát điểm là dùng bạo lực, thì nhân loại đã không phải trả giá đắt như ở thế kỷ 20 vừa qua. Thực tế nhân loại đã “chống cộng” là theo ý nghĩa này, chứ không phải là trọn gói, kể cả tinh thần xã hội rất cao đẹp, cùng những đóng góp thật sự của Mác. Vì nếu là “trọn gói” tất sẽ gây phân hóa, để rồi dễ lâm vào tình trạng của những người cứ xô đại vào cánh cửa đã mở sẵn. Họ vừa tự gây thương tích cho mình, vừa làm đau đớn những người xung quanh.

Chủ nghĩa cộng sản có được bao nhiêu năm thì phong trào chống lại chủ nghĩa ấy cũng có được bấy nhiêu năm. Chính sự thông minh, khôn khéo của nhân loại và của nhiều nhân vật lớn trên thế giới, đã góp phần quyết định chiến thắng được phong trào cộng sản nói chung và phe Xã Hội Chủ Nghĩa nói riêng trong cuộc chiến tranh lạnh vừa qua. Chúng ta tin rằng nếu còn sống đến hôm nay, thì công việc đầu tiên mà Mác làm chính là xem xét lại toàn bộ học thuyết của mình. Bởi vì ông là một nhà khoa học thật sự, và biết đâu nhân loại sẽ được thấy một vị “Anh hùng chống Mác” lại chính là Mác cũng nên.

Nhưng tôi cũng lại nghĩ thêm: có khi ông tìm đến để xin lại đứa con tinh thần của mình, thì ông lại bị chính những người đang khư khư giữ nó nhất quyết chống lại. (nhiều khi chủ nhà lại còn dễ hơn là mấy ông gác cổng!). Với một ông Mác viết Tuyên Ngôn Ðảng Cộng Sản, Tư Bản Luận... dưới ánh đèn điện, lại được sự trợ giúp của truyền hình nhiều kênh, của mạng lưới thông tin toàn cầu (Internet), điện thoại, fax, ... sẽ khác với một ông Mác ngồi viết nó dưới những ngọn nến. Một ông Mác đi máy bay nhất định cũng không giống với một ông Mác đi xe lửa hay xe ngựa.

Tổng kết về Chủ Nghĩa Cộng Sản, cựu tổng thống Ba Lan Lếch-Valêxa (Lech walesa) đã có một câu nói lên sự thật phũ phàng, nhưng cũng thật chính xác: “Chủ nghĩa cộng sản là con đường dài nhất để đi từ chủ nghĩa tư bản đến chủ nghĩa tư bản!”.

1.3 - Sự phát triển của xã hội loài người từ khi có chủ nghĩa Mác tới nay :

Trong thực tế xã hội loài người đã vận động và phát triển hoàn toàn khác hẳn với những gì mà Mác đã dự đoán: cách mạng vô sản đã không nổ ra trước tiên ở các nước Tư bản chủ nghĩa phát triển nhất, (ông dự đoán là nước Ðức: “...Những người cộng sản chú ý nhiều nhất đến nước Ðức, vì nước Ðức hiện nay đang ở vào đêm trước của một cuộc cách mạng vô sản, ...” - trích Tuyên Ngôn Ðảng Cộng Sản), mà lại nổ ra ở nước Nga, lúc ấy chỉ là một nước Tư Bản Chủ Nghĩa phát triển trung bình. Cái “mắt xích” ấy yếu nhất và bị “đứt” là bởi chiến tranh và nội chiến, do nước Nga Sa Hoàng tham dự đã làm cho nước Nga suy kiệt. Nhân dân Nga, nhất là các tầng lớp công - nông - binh bất mãn đến cùng cực. Chính họ đã là lực lượng nòng cốt cho cuộc Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917 giành được thắng lợi. Nó tuyệt đối không phải là sự vận động và phát triển của “Quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất” mà Mác đã chỉ ra.

Những trường hợp của bốn nước Xã Hội Chủ Nghĩa còn sót đến ngày nay lại càng khẳng định thêm cho điều này. Chưa kể đến Mông Cổ (Mongolia) mà đa số người dân vốn chỉ quen với đời sống du mục trên thảo nguyên, thì đã lấy đâu ra mâu thuẫn giữa “Tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân Tư Bản Chủ Nghĩa về tư liệu sản xuất”, vậy mà cũng nhảy được một lúc 2 - 3 bậc lên Chủ Nghĩa Xã Hội! (Trung Quốc và Việt Nam nhảy cóc một bậc là vẫn còn ít!). Dự đoán trên đã sai, nhưng dự đoán sau đây còn sai tệ hại hơn: trong Tư Bản Luận - quyển I ông viết: “Giờ tận số của chế độ tư hữu Tư Bản Chủ Nghĩa đã điểm.”

- Trước và sau Mác nhân loại đã ra sức tìm kiếm nhiều phương cách khác nhau để giải quyết bài toán lợi - quyền. Kết quả là ngày càng có nhiều người vô sản hôm qua trở thành những người hữu sản hôm nay bằng lao động thực sự của họ. Luật pháp cũng thay đổi để bảo vệ và khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thị trường chứng khoán cũng phát triển mạnh đã đẩy nhanh quá trình “cổ đông hóa”. Ví dụ nước Úc hiện nay có khoảng 5 triệu cổ đông trên tổng số gần 20 triệu dân, chiếm hơn 25% dân số. Có 500,000 các doanh nghiệp gia đình, chiếm 50% lực lượng lao động toàn xã hội. Trong một cuộc nghiên cứu gần đây thì nước Úc có 230,000 nhà triệu phú so với 75,000 cách đây 7 năm, tức là trung bình cứ 80 người dân thì có 1 triệu phú.

Nghĩa là họ vừa là người làm thuê, lại vừa là người làm chủ hoặc tự làm chủ hoàn toàn. Từ đó cái tâm lý đấu tranh một mất một còn kiểu “Ðược là được tất cả, mất chỉ mất gông cùm xiềng xích!” hay “quyết phá sạch tan tành” đã ngày càng bị đẩy lùi trong các xã hội văn minh. Nếu “đấu tranh này là trận cuối cùng” (những lời trong bài Quốc Tế Ca) thì sau “trận cuối cùng” ấy họ sẽ mất nhiều hơn là được.

Nhiều bộ luật cũng đã ra đời để hạn chế tình trạng cạnh tranh, vô chính phủ. Ví dụ là luật Chống độc quyền: nếu công ty Microsoft hiện nay của Mỹ mà không có luật trên hạn chế, thì nó đã nuốt nhiều chú “cá bé” lắm rồi. Và nhà tỷ phú Bill Gates cùng một số bạn hữu của ông là những ví dụ điển hình mà chỉ bằng tài năng và quyết tâm của họ đã trở thành những ông chủ lớn, từ những vốn liếng rất nhỏ nhoi ban đầu.

- Hệ thống chính trị cũng có những thay đổi về chất để chuyển từ nền Dân chủ tư sản cho một thiểu số sang nền Dân chủ đa nguyên cho nhiều người. Ở đó xã hội nhìn nhận và tôn trọng những khác biệt về tư tưởng, quan điểm chính trị, chủng tộc, tín ngưỡng, thành phần xuất thân,... nghĩa là mọi quyền của con người đều được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Trừ ai hoặc nhóm người nào “khác biệt” đến mức đi cổ vũ hoặc trực tiếp nhúng tay vào các hoạt động bạo lực, khủng bố, tự hủy...

Ðặc biệt là quyền tự do ứng cử và bầu cử, qua đó người dân vừa bầu ra một chính phủ có kỳ hạn nắm quyền. Ðồng thời cũng bầu ra những lực lượng chính trị khác làm đối lập xây dựng đủ mạnh, để kiểm soát mọi hoạt động của chính phủ đương quyền. Thời gian ở vị trí đối lập chính là thời gian “học việc” của họ, và tất cả đều có thể bị thay thế bằng những lực lượng chính trị khác, nếu họ nói mà không làm hoặc làm không được việc. Họ sẽ không có nhiều “cơ hội” để miệt mài làm ngụy biện và đạo đức giả với cử tri - Những người đóng thuế.

Giới truyền thông cũng có những quyền lực thật sự để thực hiện các chức năng phản ánh, hướng dẫn, giám sát và dự báo xã hội một cách độc lập. Mặt khác còn là sự thăng bằng và chế ngự lẫn nhau của ba cơ quan quyền lực: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ðiều này không cho phép một đảng phái nào có quyền lực chi phối toàn diện và vĩnh viễn xã hội.

Tất nhiên, ngay cả ở những xã hội phát triển nhất thì không phải mọi việc đều đã ổn thỏa. Vẫn còn có những bất công, có khi là rất lớn, nhưng đấy là xã hội được nhiều người dân chấp nhận, và họ vẫn luôn ra sức phát hiện những điểm không ổn ấy, để tìm cách điều chỉnh cho nó ngày một hoàn thiện hơn. Còn ý tưởng xây dựng một xã hội mới hoàn toàn công bằng và bình đẳng, thì cả về lý luận và thực tiễn đều cho thấy rằng: chính nó mới thực sự là không tưởng. Ðể rồi đã sa vào thảm cảnh “đi nhờ con cáo này để đuổi con cáo kia”. Mà con cáo mới này lại có nhiều móng vuốt hơn, răng cũng to và khỏe hơn do đó cũng “vồ” được nhiều gà hơn!

Trở về trang chính