Vấn
đề dân chủ tại Việt Nam
Mục Diễn Đàn,
Nhật báo Người Việt, California, thứ sáu 19 tháng 3, 2004
Tạ Văn Tài, Harvard Law School, Tháng 3, 2004
Ít người để ý đến chuyện này là khi các
quốc gia bàn luận để thông qua các văn kiện
quốc tế căn bản về nhân quyền, họ đã
tránh nói đến chữ “dân chủ”, cốt để
làm cho các quốc gia theo chế độ độc đảng
hay “chế độ xã hội chủ nghĩa” (phần
lớn hiểu là các quốc gia cộng sản) có thể
sẵn sàng ký vào các văn kiện đó mà không thắc mắc
là nếu có hai chữ “dân chủ”,hoặc “dân chủ đa
đảng”(multiparty democracy) trong các văn kiện đó
thì có kẹt gì cho chế độ độc đảng,
vô sản chuyên chính của họ hay không, và do đó có thể
ngại ngùng không ký phê chuẩn. Khi Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc năm
1976 thì đã chấp nhận Hiến Chương Liên Hiệp
Quốc (trong đó có vài điều khoản về nhân quyền)
và Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Năm 1981,
Việt Nam lại ký chấp nhận hai Công Ước
Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị
và về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn
Hóa. Tại Hôi Nghị Quốc Tế Vienna về Nhân
Quyền tháng 6 năm 1993,Thứ trưởng Ngoại Giao
Lê Mai tuyên bố là: “Việt Nam đến Vienna họp với
một quyết tâm của nhân dân và nhà nước Việt
Nam cam kết đề cao chính nghĩa nhân quyền”. Bản
Tuyên Ngôn Ðộc Lập do Chủ Tịch Hồ Chí Minh đọc
tại Hà Nội năm 1945 có nói: “Mọi người sinh
ra bình đẳng và Tạo Hóa đã ban cho họ những
quyền bất khả xâm phạm: Quyền sống, quyền
tự do và quyền theo đuổi hạnh phúc”. Tất
cả các Hiến Pháp Việt Nam Dân Chủ Công Hòa năm
1946,1959, và Hiến Pháp Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa
Việt Nam năm 1980 và 1992 đều có một chương
dành riêng cho các quyền công dân.
Nhắc đến các văn kiện căn bản trên, chúng
tôi muốn nói đến hai điểm:
1. Nhân quyền.
Dù theo chế độ độc
đảng, khi thì gọi là “dân chủ xã hội', khi thì
là “dân chủ nhân dân”,theo nguyên tắc “dân chủ tập trung”,
hay “vô sản chuyên chính” đi nữa, thì nghĩa vụ nhà
nước Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền đã
có từ suốt năm 1945 cho đến nay, từ những
lời tuyên bố long trọng của Hồ Chí Minh qua các
văn kiện căn bản quốc nội và quốc tế
(trong thực tế,có tôn trọng đến mức nào hay
không thì bài tham luận ngắn này chưa bàn tới). Chúng
tôi đã có dịp nhắc nhở Việt Nam trong Hội
Nghị tháng 2, năm 1993 tại Hawaii giữa hai phái đoàn
Việt và Mỹ (mỗi bên gồm có các nghị sĩ, dân
biểu, thứ trưởng ngoại giao, giáo sư, học
gỉa và cơ quan phi chính phủ): cô Sydney Jones của cơ
quan Human Right Watch đã đưa ông Lê Mai cuốn sách chúng
tôi viết về Truyền Thống Nhân Quyền Việt
Nam (The Vietnamese Tradition of Human Rights) và hỏi “Liệu Việt
Nam có tiếp tục truyền thống nhân quyền tốt
đẹp thời vua chúa và tôn trọng nhiều hơn các
tiêu chuẩn nhân quyền đã cam kết hay không?”. Chúng tôi
có nói rỡn với ông Lê Mai, nửa đùa nửa thật:
“Ngày xưa, các hoàng đế Việt Nam, tuy theo chế độ
quân chủ chuyên chế, đã tôn trọng nhân quyền đến
mức khá cao; thì ngày nay, mười mấy 'hoàng đế
' trong Chính Trị Bộ, dù theo chế độ chuyên chính/
độc đảng, vẫn có thể tôn trọng nhân
quyền của dân nếu thành thật trong cam kết của
mình”. Ông Lê Mai, nhà ngoại giao lịch duyệt, mời cô
Sydney Jones sang Việt Nam sau đó để quan sát về
tình trạng nhân quyền.
2. Dân chủ.
Dù các văn kiện quốc tế
Việt Nam ký kết không nhắc đến chữ dân chủ
và luật quốc nội Việt Nam không nói đến dân
chủ đa đảng, nhưng Công Ước Quốc
Tế về Các Quyền Dân sự và Chính Trị (điều
25), và Hiến Pháp Việt Nam (điều 6,7,54) có nói đến
một số nguyên tắc căn bản, mầm mống
của dân chủ: quyền bầu phiếu trực tiếp
và kín trong một cuộc bàu cử trung thực (genuine elections),
và quyền ứng cử vào các chức vụ dân cử.
Với sự sụp đổ
của vô sản chuyên chính độc đảng tại
quê hương của Cộng sản là Liên Sô và tại các
nước Ðông Âu, với sự lan tràn của lý tưởng
dân chủ trên khắp thế giới (hầu khắp các
nước Á Ðông trong 30 năm qua), đã đến lúc người
Việt Nam, dù sống trong nước hay sống tại
hải ngoại nhưng vẫn thương yêu đồng
bào mình tại quê hương cũ, có thể và có quyền
bàn đến vấn đề dân chủ tại Việt
Nam, để cái mầm mống pháp luật của dân chủ
vừa nói trên phát triển mạnh, cho dân tộc Việt
Nam tiến thêm một chặng đường, hưởng
không nhũng sự tôn trọng nhân quyền mà cả nếp
sống dân chủ thực sự nữa. Vả lại,
việc bàn luận này cũng hợp thời ngay tại
hai nước cộng sản còn lại tại Á Châu là Việt
Nam và Trung Quốc. Tại Việt Nam, ngày nay không còn ai nói
tới vô sản chuyên chính và đấu tranh giai cấp,
nhứt là sau khi ông Ðỗ Mười tuyên bố là có hai
lầm lẫn lớn là đánh địa chủ trong cải
cách điền địa năm 1953-54 và đánh tư sản
miền Nam năm 1979. Về phần Trung Quốc, thì Thủ
Tướng Trung Quốc đã tuyên bố tại Ðại
Học Harvard vào tháng 12,2003 là sẽ nỗ lực dân chủ
hơn (xin xem dưới đây).
A. VIỆT NAM CÓ TRUYỀN THỐNG DÂN CHỦ HAY KHÔNG?
Muốn trả lời câu này thì
trước hết phải định nghĩa dân chủ
là gì. Dân chủ đích thực, chứ không phải là thứ
dân chủ giả hiệu, chỉ có hình thức mà thôi.
Một nền dân chủ chính trị đích thực phải tôn trọng những nguyên tắc căn bản sau đây.
1. Chủ quyền thuộc về
toàn dân, tức là phải tôn trọng ý chí của nhân dân trong
việc trị nước, nhất là trong việc ủy
thác/ chuyển giao quyền bính, nghĩa là phải có các
cuộc bầu cử định kỳ và trung thực,
để có thể thay đổi lãnh đạo theo ý dân,
chứ không để cho một người hay một tầng
lớp người ngự trị mãi.
2. Vai trò chính quyền phải
có giới hạn, chứ không thể toàn trị hay độc
đoán, trong tương quan giữa chính quyền và người
dân: tương quan này do một nền pháp trị (rule of
law) điều hành, trong đó các quyền tự do căn
bản của người dân phải được tôn
trọng. Chính quyền không thể toàn trị, xâm nhập
vào mọi lãnh vực đời sống tư, hay độc
đoán, ban hành luật lệ theo ý riêng chứ không theo ý
các đại diện nhân dân. Nếu có thể được,
thì ngành tư pháp phải đóng vai người bảo vệ/
che chở cho các quyền tự do của người dân
chống lại các quyết định độc đoán
của hành pháp.
3. Chính quyền phải giới
hạn theo nghĩa thứ hai, tức là trong tổ chức
của các cơ quan nhà nước, phải có sự phân
quyền giữa ba ngành lập pháp, hành pháp và tu pháp, và
sự kiểm soát lẫn nhau và thăng bằng với nhau
giũa các quyền này, chứ không thể có tình trạng
hành pháp, chẳng hạn, quá mạnh để đi đến
chỗ “vừa làm cầu thủ đá bóng, vừa làm trọng
tài thổi còi” trong cuộc đấu chính trị.
4. Muốn cho ý người dân
được tôn trọng trong việc chuyển giao quyền
hành, thay đổi người cầm quyền theo ý dân,
thì phải có sự cạnh tranh giữa các cá nhân và các
nhóm lãnh đạo xã hội trong diễn tiến chính trị
(họ có thể họp lại thành các tổ chức, đoàn
thể, hay đảng đối lập nhau), và phải
có sự cạnh tranh giũa các quan điểm về quản
trị đất nước trong bầu không khí tôn trọng
tự do tư tưởng và ngôn luận.
Kinh nghiệm của các nước
dân chủ cho biết là khi nỗ lực tiến tới
các tiêu chuẩn dân chủ trên, nếu có những nền
tảng căn bản tức là những điều kiện
xã hội tiên quyết thì có thể làm cho dễ dàng có dân
chủ hơn. Thí dụ: Nếu có phát triển kinh tế
và giáo dục đại chúng thì người dân có thể
không sợ “bể nồi cơm” mỗi khi ngôn luận chống
lại khuynh hướng độc tài của chính quyền,
và đông đảo người dân sẽ có ý thức và
điều kiện tham gia các hoạt động và các tổ
chức công cộng trong diễn tiến chính trị dân chủ
và các người cầm quyền cũng sẽ tin tưởng
là có chỗ rút lui về đời tư mà vẫn duy trì
được cuộc sống tốt đẹp, không cần
phải tham quyền cố vị và khỏi lo rằng mình
mất chức là mất tất cả. Những cuộc
nghiên cứu về dân chủ trong hai mươi năm qua
cho thấy là nếu lợi tức đầu người
trên khoảng 4,500-5,500 Mỹ Kim mỗi năm thì dễ có
dân chủ hơn, còn lợi tức đầu người
ít hơn số đó, thì khó có dân chủ hơn (tuy cũng
có ngoại lệ như Ấn Ðộ, nghèo hơn, nhưng
vẫn có dân chủ, hoặc có nước giầu hơn
mức đó như Tunisia, lại thiếu dân chủ). Một
điều kiện tiên quyết khác để có dân chủ
chính trị là phải có sự đồng thuận của
quốc dân về một số những điều căn
bản trong đời sống của dân tộc- thì mới
có sự tương nhượng và thỏa hiệp và do
đó, sự ổn định chính trị, để mà
sinh hoạt dân chủ (thí dụ: phải có mức độ
tối thiểu đoàn kết hay sống chung giữa các
sắc dân họp thành dân tộc, chứ không thể có nạn
ly khai, nhứt là bằng võ lực, làm tan rã đất nước;
phải có một tầng lớp cán bộ hành chánh trung lập
lo việc công, chứ không phục vụ riêng phe phái nào),
chứ nếu có những sự chia rẽ trầm trọng
trong xã hội thì có thể đi đến chỗ đổ
vỡ vì bạo động, hết còn dân chủ; nhưng
chỉ cần sự đồng thuận về những
điều căn bản thôi, vì ép người dân theo một
quan điểm xây dựng đất nước duy nhất,
thì không còn là dân chủ nữa.
Xét theo các tiêu chuẩn dân chủ
nói trên, thì có thể nói Việt Nam thời quân chủ (trước
thời Pháp thuộc) chưa có một truyền thống
thực sự dân chủ, vì không cho phép người dân có
thể họp lại thành các nhóm đối lập để
cạnh tranh trong một diễn tiến bầu cử để
thay đổi nhà cầm quyền cao nhất. Tuy rằng
dưới nhà vua, các tầng lớp sĩ phu được
quyền cạnh tranh qua thi cử để ra làm quan, trở
thành những tầng lớp thống trị, nhưng vẫn
là dưới quyền chuyên độc của nhà cầm
quyền tối cao là nhà vua. Việt Nam thời quân chủ
đã tiến tới một trình độ khá cao trong nền
pháp trị và đã tôn trọng rất nhiều nhân quyền
của người dân (như chúng tôi đã có dịp trình
bày trong cuốn sách Truyền Thống Nhân Quyền Việt
Nam-The Vietnamese Tradition of Human Rights-, xuất bản tại
University of California-Berkeley, có trong thư viện các trường
đại học, kể cả Ðại Học Hà Nội).
Nhưng Việt Nam thời cổ vẫn chưa có dân chủ
thực sự tới mức độ cao. Hội Ðồng
Kỳ Mục trong các xã được chọn ra theo lối
suy cử và đề cử, rồi có nhà vua phê chuẩn,
chứ không phải là do một cuộc bầu cử. Hội
Nghị Diên Hồng cũng là do nhà vua triệu tập để
tham khảo ý kiến dân về một việc là vấn
đề chống ngoại xâm, không phải là một định
chế quốc hội thường trực do dân bàu ra để
lo việc lập pháp.
B. LÀM THẾ NÀO TIẾN TỚI DÂN CHỦ Ở VIỆT
NAM?
Có người đặt câu hỏi
này để ám chỉ Việt Nam thời cận đại
và hiện đại chưa có dân chủ hoàn toàn và còn phải
cải tiến nhiều nữa mới có dân chủ thực
sự.
Xét lại chế độ chính
trị của Việt Nam thời cận đại, thì
có thể nói Miền Nam Việt Nam từ 1954 cho đến
1975 cũng chưa có một thể chế dân chủ thực
sự hay hoàn hảo, và mầm mống dân chủ có vẻ
được khuyến khích nhưng có khi bị chặt
đứt, vì ông Ngô Ðình Diệm thiết lập chế độ
cộng hòa nhưng lại sắp xếp cho mình thắng
với số phiếu 95% gì đó trong cuộc bỏ phiếu
truất phế Quốc Trưởng Bảo Ðại, mà không
có ông Bảo Ðại trong nước để cùng tranh cử,
theo đúng nghĩa một cuộc bàu cử dân chủ, có
tự do cạnh tranh. Năm 1967, có cuộc bàu cử tương
đối tự do, thì bốn năm sau, 1971, lại có cuộc
độc diễn tuyển cử của ông Nguyễn Văn
Thiệu, vì chính quyền ông Thiệu dùng mọi cách để
gạt các liên danh tranh cử khác ra, khiến họ bỏ
cuộc.
Chế độ Cộng Hòa Xã
Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay cũng chưa
cho phép một sự canh tranh hoàn toàn trong việc bàu cử
nhà cầm quyền tối cao. Có một mức độ
dân chủ nào đó trong việc bàu cử Hội Ðồng
Nhân Dân Xã,Tinh, và Quốc Hội, vì trong những cuộc bàu
cử gần đây, số ứng cử viên cạnh tranh
trong một đơn vị bầu cử đã nhiều
hơn số ghế trong đơn vị ấy. Nhưng
sự cạnh tranh giữa các ứng cử viên còn rất
giới hạn. Vì phân tích kỹ, thì ta thấy rằng, chẳng
hạn, nhiều đơn vị có 3 ghế nghị viên
hay dân biểu, thì chỉ có 4 hay 5 người được
phép ra tranh cử mà thôi, nghĩa là các người trúng cử
như đã được sắp xếp bởi Ðảng
và Mặt Trận Tổ Quốc cho thắng cử, mấy
người thất cử thì số rất ít và chỉ
là “lót đường” hay là bày hàng cho đẹp cuộc
bàu cử mà thôi. Việc Ðảng, qua Mặt Trận Tổ
Quốc, sắp xếp cho kết quả cuộc bàu cử
đúng theo ý chỉ huy của mình, chứ không theo ý dân, thì
ta có thể thấy ngay trong việc chấp thuận cho
ứng viên ra ứng cử: Nếu ứng cử viên không
được Mặt Trận Tổ Quốc (do Ðảng
kiểm soát) đề cử, thì không ra ứng cử và
trúng cử được. Việc tuyển người
vô các cấp lãnh đạo cao nhất, như Chủ tịch
Quốc Hội, Chủ tịch Nước, Chánh Án Tòa Án
Nhân Dân Tối Cao, Thủ Tướng, thì do Quốc Hội
bàu, nhưng trong cuộc bàu cử đó, đã có sự sắp
xếp trong nội bộ các đảng viên quan trọng
của Ðảng (gọi là “cuộc bàu thử”), chứ không
do một cuộc bàu cử bởi người dân và theo
ý người dân. Ðảng chỉ huy hết mọi cuộc
bàu cử, từ ở cấp tỉnh cho đến cấp
quốc gia, Ðảng gạt bỏ sự cạnh tranh thực
sự của các người đối lập, và ngay Hiến
Pháp cũng ghi rõ Ðảng độc quyền lãnh đạo.
Về cách làm thế nào để
tiến tới dân chủ nhiều hơn ở Việt Nam,
thì chúng tôi thiết nghĩ trước hết phải tạo
những điều kiện tiên quyết đã nói trên cho
việc phát huy nhân quyền và dân chủ, tức là đặt
nền tảng căn bản. Ý kiến này, chúng tôi đã
phát biểu vào năm 1990, trong một bài thuyết trình trong
Tòa Bạch Ốc khi Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Mỹ
hỏi ý kiến một số Việt Kiều tại Mỹ
về vấn đề bỏ cấm vận và bang giao với
Việt Nam; trong bài báo dài về “Vai trò trí thức chuyên viên
Việt Nam hải ngoại” đăng trên nhiều báo của
người Việt Nam tại Mỹ; cũng như vào năm
1993, trong Hội Nghị Hawaii giữa các nghị sĩ, dân
biểu, giáo sư, học giả và thứ trưởng
ngoại giao của Hao Kỳ và của Việt Nam, là: Mỹ
nên bỏ cấm vận, cho nhiều nhà đầu tư
và thương mại vô Việt Nam, đẩy mạnh phát
triển kinh tế, nhứt là khu vực tư, làm cho người
dân Việt Nam đỡ khổ, được tự chủ
và độc lập khỏi chính quyền về kế sinh
nhai và lợi tức, không lệ thuộc vào chế độ
hộ khẩu tức là phải xin nhà nước cơm
gạo, do đó bớt sợ chính quyền, dám đòi tự
do ngôn luận và các tự do căn bản khác; việc mở
cửa ra bên ngoài cũng khiến sự hiểu biết
của người Việt Nam về các chế độ
và xã hội cởi mở khác cũng như các trào lưu
dân chủ trên thế giới và khiến họ cũng muốn
được hưởng tự do và dân chủ như
vậy- tất cả những điều đó là xây dựng
nền tảng cho dân chủ.
Các diễn tiến này đã và
đang xảy ra tại Việt Nam. Khách quan mà nói, Chế
độ Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam hiện nay, vô
hình trung, dù muốn hay không, và có phần là chẳng đặng
đừng, cũng đã tạo một số điều
kiện xã hội tiên quyết thuận lợi cho việc
tiến tới dân chủ, như đẩy mạnh kinh
tế thị trường cho người dân có mực sống
cao hơn, phát triển giáo dục đại chúng và đại
học cho dân trí khá hơn, tạo sự đồng thuận
quốc gia về một số định hướng
căn bản cho quốc gia như kinh tế thị trường
và đổi mới để có ổn định xã hội,
tức là những điều kiện căn bản tiên
quyết của dân chủ, và cũng đã tôn trọng sự
cạnh tranh dân chủ trong nội bộ đảng viên
trong các kỳ bàu cử các đảng bộ từ dưới
cấp cơ sở đi lên tới trung ương tức
Ðại Hội Ðảng (nhưng đây là dân chủ giũa
các đảng viên, chứ chưa phải là dân chủ trong
toàn dân).
Xét cho cùng, việc có đẩy
mạnh được hơn nữa dân chủ tại Việt
Nam hay không, tức là đòi hỏi chế độ tôn trọng
nhiều hơn các tiêu chuẩn hay nguyên tắc dân chủ
đã nói trên, thì tùy nhiều nhất vào sự tranh đấu
của đồng bào Việt Nam ở trong nước,
chứ còn cộng đồng người Việt hải
ngoại chỉ có thể trợ lực về mặt tinh
thần, hỗ trợ qua truyền thông và vận động
áp lực quốc tế.
Phải công nhận là các nhà vận
động cho dân chủ ở trong nước đã có công
và can đảm tranh đấu cho dân chủ, từ phong
trào báo chí như báo “Truyền Thống Kháng Chiến”, đến
văn nghệ đối kháng, rồi đến áp lực
để chính quyền có thái độ “cởi trói” như
ông Bí Thư Nguyễn Văn Linh đề ra.
Nếu toàn dân (chứ không phải
chỉ đảng viên mà thôi) cứ tiến hành càng ngày càng
mạnh những đòi hỏi thi hành các nguyên tắc dân
chủ, thì con đường dân chủ hóa tại Việt
Nam sẽ là một cuộc tiến bộ bất khả
phản hồi, theo trào lưu chung của nhân loại. Trong
trào lưu chung của nhân loại này, có cả nước
cộng sản lớn nhất thế giới, là Trung Quốc,
cũng là đàn anh và nhiều khi cũng là khuôn mẫu cho
Ðảng Cộng Sản Việt Nam (Việt Nam đã từng
coi chừng xem Trung Quốc làm gì, thì cũng phỏng theo:
Trung Quốc mở cửa [open door] thì Việt Nam đổi
mới [ renovation]; Trung Quốc tu chính luật chấp nhận
thành phần doanh nhân vô Ðảng Cộng Sản, thì Việt
Nam cũng bàn về điều đó). Nhân cuộc thăm
viếng chính thức nước Mỹ,và sau khi gặp Tổng
Thống Mỹ bàn về việc bành trướng thương
mại và đầu tư giữa hai nước trong khung
khổ Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế,
thì Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao)
đã đọc diễn văn trước một cử
tọa đông đảo tại Ðại Học Harvard ngày
10 tháng 12,2003, tuyên bố là Trung Quốc cam kết theo đuổi
mục tiêu cuối cùng là Dân Chủ, vì rằng sự kính
trọng quyền tự do của dân chúng theo đuổi
hạnh phúc đã đưa tới thành quả kinh tế
lớn lao của Trung Quốc, và ông nói sẽ dần dần
thực hiện dân chủ toàn diện (full democracy), điều
này cần nhiều năm vì cần phải nâng cao dân trí
qua giáo dục. Ông cũng nói Trung Quốc đang nỗ lực
làm việc để cải tiến thêm thành tích nhân quyền
của họ. Thế nào các người sáng suốt, nhứt
là thánh phần trẻ, trong Ðảng Cộng Sản và Nhà
Nước Việt Nam sẽ phải thấy là một nước
lớn như Trung Quốc cũng phải nhận ra bài học
so sánh Brazil vã Hoa Kỳ: Brazil cũng là một quốc gia
lớn và nhiều tài nguyên như Hoa Kỳ, nhưng vì chế
độ độc tài quân phiệt nên đã không phát huy
được sức làm việc và khả năng sáng tạo
để phát triển kinh tế như nền dân chủ
hơn 225 năm của Mỹ.
Nhưng có điều là người dân Việt Nam cũng nên kiên trì trong việc đấu tranh thực hiện dân chủ. Nền dân chủ lâu đời của Mỹ cũng đã phải trải qua hàng trăm năm mới dần dần thực hiện được dân chủ, mà cũng còn khuyết điểm. Tổng Thống Lincoln ra Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô Lệ trong thời Nộ Chiến Mỹ thế kỷ 19, mà cả hơn trăm năm sau, người da đen vẫn phải tranh đấu trong Phong Trào Dân Quyền của thập niên 1960 (mà lãnh tụ nổi danh là M.L. King), thì mới có các luật về dân quyền và bàu cử (civil rights acts,voting rights acts) để người da đen được tham gia bàu cử (và ứng cử) mà không bị chèn ép. Nước Mỹ cũng có cái nạn những người đang cầm quyền thì có khuynh hướng bám chặt lấy chính quyền, từ chối không muốn làm ra các luật lệ bàu cử công bằng hơn để cho các người khác có cơ hội ra tranh cử và trúng cử. Phải gần 30 năm trời tranh đấu từ 1971 đến năm 2002 thì các nhà cải cách luật pháp mới thuyết phục được đủ số phiếu trong Quốc Hội Mỹ để thông qua được Luật Cải Tổ Tranh Cử của Lưỡng Ðảng (Bipartisan Campaign Reform Act), để hạn chế bớt cái nạn các thế lực tài chánh (các công ty lớn, các nghiệp đoàn, các hiệp hội, các người giầu có) dùng biện pháp “cả vú lấp miệng em “, dùng tiền bạc để làm tràn ngập các phương tiện thông tin để ủng hộ các ứng cử viên thiên về các thế lực giàu có đó. Thế mà cũng có các thế lực đó khởi kiện, đòi bỏ các hạn chế đó, và Tối Cao Pháp Viện Mỹ, ngày 10 tháng 12,2003, đã phải tuyên bố là các hạn chế việc sử dụng quá đáng quyền tự do ngôn luận đó (dùng tiền bạc để “ cả vú lấp miệng em”) là cần thiết để bảo vệ nền dân chủ (trong bản án này, phe đa số 5 thẩm phán đã thắng phe thiểu số 4 thẩm phán, trong đó có Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện Mỹ là Rehnquist, người mà ngày xưa lúc còn trẻ đã đứng trước phòng phiếu để vặn hỏi người da đen xem họ có biết chữ hay trả lời được một số câu hỏi thì mới cho vô phòng phiếu!!).
Vậy muốn có dân chủ,
phải “trường kỳ kháng chiến”, nhứt là
trong trường hợp những người cầm quyền
không những có tiền “cả vú lấp miệng em”, mà còn
có thể “lấy thịt đè người”.