Làm hay không làm chính trị ?
Tinh Tiến
Bạn tôi, một bác sĩ con một thương gia giàu có ở Hànội, ly dị, có một con, sống hắt hiu trong một căn buồng bề ngang chừng 1,50 mét, bề dọc chừng 4 mét. Con trai anh, một họa sỹ không tiếng tăm, bất ngờ lọt vào mắt xanh của Alliance Française, thế là được sang Pháp tu nghiệp vài tháng. Cách nay hơn chục năm, "đi Tây" có nghĩa là sẽ khuân về xe máy "bãi rác", xe "lơ" (Peugeot) xịn, tủ lạnh, tivi, quạt máy ..., đủ để xây dựng một cơ ngơi đàng hoàng. Trước khi con đi, bạn tôi ân cần dặn đi dặn lại: "Sang Pháp chịu khó học hành, chớ có dại dính vào chuyện chính trị, chính em mà khổ cả đời đấy !"
Một dạo, tôi thường xuyên có mặt trong các buổi nói chuyện của diễn giả nước ngoài ở Alliance Française. Sau mỗi buổi tôi hay nêu thắc mắc, hoặc phản bác ý kiến của diễn giả. Một lần, một đạo diễn nói về cuốn tử thư Bardo của Tây Tạng. Ngồi cạnh tôi là một bác già, trước kia từng học ở Sorbonne, năm ấy cũng gần 90 rồi. Biết tôi hay nói năng "linh tinh", bác thúc mạnh vào cánh tay tôi, nói thầm: "Chớ có nói gì đấy, Tây Tạng là chuyện phức tạp, động vào chết như chơi".
Một bác sỹ cao niên, chuyên môn rất giỏi, mang quân hàm trung tá từ những năm 50, kiến thức uyên bác, thêm nữa từ lâu chẳng ưa gì chế độ. Biết tôi sắp đi Pháp, ông liền nhắn tôi sang bên đó đừng có phát biểu "linh tinh" mà rồi gay lắm đấy.
Người trong nước, thôi thì đã đành một lẽ. Một trong vài ba thành công "vĩ đại" vô địch của chế độ cộng sản là tạo lập được một xã hội mà tuyệt đại đa số thành viên trở thành những con cáy sợ chết run chết dế mỗi khi động đến chính trị "phản động", theo nghĩa trái với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Mười lăm năm về trước, sợ như thế còn có lý do biện minh và dễ thông cảm thôi. Theo chân mở cửa, đổi mới kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, hội nhập với khu vực và thế giới, nỗi sợ đó mất dần lý do tồn tại, nhưng với rất nhiều người vẫn hiện hữu như một di căn, trong nhiều trường hợp, nhiều tình huống, đúng hơn một di căn ảo tưởng hóa.
Người trong nước đã vậy, còn Việt Nam hải ngoại thì sao ? Trong số cả chục vạn người về thăm quê hương yêu dấu, Tổ quốc thiêng liêng, có được bao nhiêu người chịu gọi là đóng góp đôi chút công và của cho cuộc đấu tranh vì Dân chủ ? Thậm chí, tôi còn được đọc một bài viết của một trí thức Việt Nam khá tên tuổi ở Pháp khuyên các vị sư không nên làm chính trị (hàm ý không nên theo gương các hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ ... )
Vậy thì rất cần thiết phải minh định, một lần cho xong hẳn, nếu có thể, thế nào là làm chính trị và không làm chính trị.
Trước hết chính trị ... Đó là kế hoạch, là phương án, là quy tắc, là nguyên lý, là cấu trúc, là cơ chế ... ít nhiều ăn khớp với nhau về mặt trừu tượng lý luận trong cái tạm gọi là hệ thống ý thức, về mặt danh nghĩa pháp lý, trong cái gọi là chế độ hay chính thể, về hiện thực cụ thể, trong cái gọi là Nhà nước hay chính quyền.
Chính trị là một nghề, một đam mê đối với một số người mà mục đích là dành được vị trí càng cao sang càng tốt trong bộ máy cai trị. Lâm Bưu từng nói trắng: "Chính trị theo tôi hiểu là quyền thống trị người khác". Tự thân cái quyền này, riêng nó đã làm một dục lạc thế gian rất lớn lao, huống nữa nó lại kéo theo đủ loại dục lạc khác. Cho nên từ xưa đến nay, chính trị vẫn là một đấu trường trên đó diễn ra các cuộc đâm chém, đấm đá theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng với mọi mưu ma chước quỷ, mọi thói lừa bịp, phản phúc, mọi thuật gian ác bất nhân.
Cái quyền thống trị ấy có thể bị giới hạn được không ? bị giới hạn đến đâu và bằng cách nào ? và cùng với nó, không gian hoạt động của nó, tức là chính trị, có thể được "chống ô nhiễm" đến đâu và bằng cách nào ? Đó chính là nội dung, ý nghĩa của Dân chủ hay Độc tài, của Tự do hay Áp bức.
Ngoài thiểu số rất nhỏ làm chính trị theo nghĩa chủ động, tuyệt đại bộ phận thành viên xã hội còn lại, xưa kia gọi là "bách tính", dù họ làm nghề gì, kiếm ăn thế nào thì cạnh đó, họ vẫn phải, luôn luôn phải, 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm, tuân thủ những mệnh lệnh sai bảo của Nhà nước; vẫn phải và vẫn phải tuân thủ trên hiện thực xã hội; do vậy, có ý thức hay không có ý thức, vẫn là kinh sợ Nhà nước, củng cố chế độ, tôn vinh chính trị, do vậy chí ít vẫn là góp phần tích cực hà hơi tiếp sức kéo dài một hiện trạng chính trị;đó là làm chính trị theo nghĩa bị động. Sự đời là thế, rõ ràng là thế, dứt khoát là thế; sao lại có vấn đề gọi là không làm chính trị ? Duyên do là như sau:
Đã gọi là nhân dân, tự nhiên có nghĩa là những người không lấy chính trị làm một nghề theo đuổi suốt đời. Dễ dãi một cách rất tự nhiên, những người hoặc quen dễ dãi tư duy, hoặc quen dễ dãi lảng tránh, bèn đồng nhất hóa "không làm nghề chính trị" với "không làm chính trị" ngắn gọn. Bản thân tôi cũng rất muốn tìm được cho mình một ụ cát để rúc vào đó cái đầu "không làm chính trị". Duyên do là như sau:
Những người bị động làm chính trị gồm có hai lớp.
Một lớp, tuyệt đại đa phần, lấy cuộc mưu sinh làm mối quan tâm duy nhất hằng ngày và cả đời. Còn ai làm vua, ai làm giặc, ai là quan lớn, ai là tốt đen, họ chỉ biết kính, biết sợ cái "ai" thứ nhất, hùa theo xỉ vả cái "ai" thứ hai; nịnh bợ cái "ai" thứ nhất phẩy, xem khinh cái "ai" thứ hai phẩy. Còn như chế độ tốt hay xấu, thối hay thơm, họ vô cảm, họ lãnh cảm, mũi điếc đặc, hoặc năm thì mười họa có ngửi thấy mùi chế độ "khăn khẳn" một chút nào đó thì lại tặc lưỡi: "ở đâu chẳng thế, thời nào cũng vậy", rồi vô tư tiếp tục cái "không làm chính trị" của mình; hoặc tiếp tục, một cách khinh bạc và moderne, "không quan tâm đến chính trị" như đa phần giới trẻ có học hiện nay.
Không thể trách móc, chê bai. Trời sinh mỗi người mỗi tính. Tính của bọ hung là ưa cái này, tính của ruồi nhặng là quen cái kia.
* Nhưng ta đang bàn đến người, sao lại đem bọ
đem ruồi xía vô ?
* Ờ nhỉ, quên mất, nhưng không sao, người, thì đây ...
Trong chuyến đi thăm nước Mỹ, năm 1958, tổng bí thư đảng CS Liên xô Khroutchev
được dẫn ra một bãi biển. Trước cảnh đủ loại nam nữ, già trẻ vui chơi thoải
mái như nhau mà không phân biệt được ai là Rockfeller nứt đố đổ vách, ai là
chú Bill kiết xác mùng tơi, một phóng viên hỏi khích Khroutchev: “Chủ tịch !
Ngài thấy những tên nô lệ của chủ nghĩa tư bản sống cũng được đấy chứ ?” Vốn
là con người rất mẫn tiệp, Khroutchev đáp ngay: "À, kẻ nô lệ cũng có cái
hạnh phúc làm nô lệ của nó chứ !"
Và tôi không làm chính trị, hay nói đúng hơn, thuộc lớp làm chính trị bị động vô ý thức.
Lớp thứ hai, rất ít ỏi, vốn thiên hướng bẩm sinh là không làm chính trị hay làm chính trị bị động, nhưng không may cho họ, cũng bẩm sinh thôi, họ lại có cái mũi hơi bị thính, rất dễ ngửi thấy cái mùi mà chế độ bốc ra, rất dễ dị ứng với một số mùi khó ngửi. Họ là những người làm chính trị bị động có ý thức.
Cái mùi của chế độ chính trị, nói cho công bằng, thời nào và ở đâu cũng vậy, vốn chẳng phải là mùi hoa hồng, hoa lan gì. Tuy vậy, có khi nó còn lọt mũi mà không gây viêm nhiễm, khổ nỗi lại có khi, như ở Việt nam hiện nay chẳng hạn, thôi thì đau đầu, buốt óc, buồn nôn ấm ức còn là khá, mà lại mửa ọe tung tóe mới nguy hiểm, vì sẽ bị chính quyền bắt đi dọn hố xí nhiều năm. Đó là thân phận của những người làm chính trị bị động có ý thức, mà ở Việt nam ta quen gọi là những người bất đồng chính kiến, bất phục tùng chế độ, nói chính xác phải gọi là những người đấu tranh cho, hoặc ngắn gọn, những người Dân chủ.
Gọi là gì thì tôi vẫn xác tin rằng bước tiến hóa, nền văn minh nhân loại chỉ có thể đo lường bằng cái thước đo duy nhất, đánh giá bằng chuẩn mực duy nhất phẩm chất dân chủ của chế độ và quyền tự do của công dân. Phẩm chất ấy, quyền hành ấy tùy thuộc rất nhiều vào hai loại người: làm chính trị chủ động có ý thức và làm chính trị bị động có ý thức.
Hiện trạng và đường hướng của Việt nam ?
Những người chủ động làm chính trị phân làm hai lớp. Lớp có ý thức, thiểu số thôi, hoặc hiểu rất rõ trên bề nổi của ý thức, hoặc theo sức đẩy "vô tướng" của tiềm thức mà hành động như thể bên dưới những chiếc lá nho vì dân, vì nước, vì công lý, vì tiến bộ, vì ..., chỉ có một vật thứ thiệt, đó là cái đam mê ngồi lên đầu lên cổ mọi người, hay một cách hình tượng "cưỡi rồng bay lên trời" như trong giấc mơ của ông Hồ thuở thiếu thời; còn mọi người ấy có phải gập mình khênh họ vất vả khổ nhục thế nào thì chỉ cần thỉnh thoảng ném cho họ ngửi vài cái lá nho trên là đủ rồi ... Thậm chí cả tương lai nữa ... "Sau ta dù là trận Hồng thủy !". Với họ nhân dân ư ? dân tộc ư ? Đó thực chất chỉ là:
Antigone:
* Các vua chúa ước muốn nhất điều gì ?
Créon:
* Những con vật !
Như thế sẽ đơn giản biết bao!
Về hiện tượng làm chính trị chủ động này, truyện ngắn "Linh Nghiệm" của Trần Huy Quang là một minh họa tuyệt vời. Lớp thứ hai không có ý thức và chiếm tỷ lệ áp đảo. Họ an cư và lạc nghiệp trong một khu nhà tập thể, được cung cấp một số tiện nghi thông dụng, gọi tên là Nhà nước. Các cán bộ trong chính quyền cộng sản Hànội, phần lớn xuất thân từ nông dân. Một mặt họ tiêu hóa dễ dàng các tài liệu học tập của ban tư tưởng trung ương, họ nuốt ngon ơ các nghị quyết, chủ trương của bộ chính trị. Chế độ ăn uống ấy kéo dài qúa lâu đã trở thành một "tự nhiên thứ hai". Quá quen đến mức giá đưa họ sài thử vài món nấu nướng bên ngoài nhà bếp của Đảng, họ tiêu không đặng !. "Mất thì giờ mà hiệu quả không được bao nhiêu", như một nhà chính trị "quốc gia" từng nhận xét về các lớp "cải huấn".
Mặt khác, với tư cách của kẻ được ngồi vào hàng thống trị, họ du nhập vào chính trị tất cả những nét "tiêu cực" nông dân: sùng bái lãnh tụ, trung thành tôi tớ, làm việc tùy tiện, gian manh lặt vặt, tư duy phi lô-gíc, ứng xử vô nguyên tắc, đểu cáng khá vô sỉ, văn hóa gần dưới 0,... Tình hình hai thập kỷ nay dần dần có khác cả nơi lớp này lẫn lớp kia. Lớp có ý thức ngày một "sáng suốt" hơn VÌ ngày một sa đọa hơn, thường được gọi là "biến chất", "thoái hóa". Theo nghĩa thực chất, họ ít bị cầm tù bởi những ngộ nhận giáo điều, những cao ngạo mê muội theo kiểu "mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng/ đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người" (thơ Tố Hữu), của lớp cha anh họ. Họ càng sa đọa thì họ càng tự tư bản hóa và ngày càng hiểu ra rằng từ đâu họ có thể sống huy hoàng gấp tỷ lần cha anh họ thời bao cấp. Từ đó con đường hiệp thương với họ là khả năng thực tế nhất, "hòa hợp" nhất, lưỡng lợi nhất cho cả họ, cho cả phe dân chủ. Họ vẫn nắm chính quyền trong một thời hạn trước khi tổ chức bầu cử theo đúng nghĩa và theo tiêu chuẩn "quốc tế", sau khi các quyền cơ bản nhất của xã hội dân chủ - trong đó trước nhất là tự do báo chí và tự do lập đảng - được công bố, thực thi và thao diễn bởi những người làm chính trị chủ động có ý thức. Sau bầu cử, nếu họ được nhân dân tín nhiệm mà tiếp tục nắm chính quyền thì khỏi nói; nếu không họ có thể rời khỏi nhà nước, tuyệt đối an toàn về sinh mệnh và của cải. Nói rõ ra, họ có thể mang đi đâu tùy ý cả tấn vàng cũng không ai hạch sách, thắc mắc làm gì chuyện "quá khứ đã khép lại".
Nhiều người tin rằng cộng sản rất ngoan cố, quan điểm trên chỉ là ảo tưởng. Đúng lắm, cộng sản rất ngoan cố, rất kiên trì lập trường theo lối nói của họ; mà riêng gì họ cơ chứ! Trong nước rất nhiều người tin như vậy, chỉ khác trong cách phát biểu ... "Đời nào ông cộng sản lại chịu". Tin như vậy chính là một cách ngoan cố, chí ít ngoan cố sợ cộng sản, ngoan cố cho cộng sản là mạnh lắm, họ hoàn toàn chủ động cả. "Giỏi" như người phương Tây mà cũng đã ngoan cố kiểu đó. Hồi năm 1980, có phóng viên hỏi Solzhenitzyn: "Liệu ông có còn sống để trở về một nước Liên Xô không cộng sản không ?". Nhà văn Nga trả lời ngay: "Dĩ nhiên rồi; Cộng sản Liên Xô đang ngắc ngoải như một con chó chết". "Còn chúng ta vẫn coi họ là con sư tử", nhà báo trên bình luận câu trả lời của Solzhenitzyn khi nhắc lại chuyện cũ sau bức tường Berlin.
Huống hồ tình hình Việt nam và thế giới hiện nay khác xa những năm 1980.
Nhiều người cho rằng cộng sản rất gian ác, hiệp thương sao được. Đúng lắm, cộng sản rất gian ác. Mà riêng gì họ kia chứ !. Trong nước rất nhiều người cũng tin như vậy, có điều ... "Ông cộng sản, ông ấy lắm mưu mẹo lắm". Vẫn là ngoan cố, ngoan cố sợ cộng sản giỏi chính trị. Tình đồng chí giữa Staline và Mao Trạch Đông ngay từ những năm 20 đã là tình giữa hai băng mafia; khi André Malraux hỏi thẳng Mao Trạch Đông: "Ông có biết Staline định giết ông không ?", Mao đáp ngay: "Đích thị !". Còn người cộng sản Việt nam lại không hề nhàm chán tụng ca "anh Cả", "anh Hai" theo nhịp Tố Hữu suốt một thời gian dài. Hoặc như ông Trần Văn Giàu, một người cộng sản stalinien hạng nặng hồi 1954, 1955 ra sức tô điểm cho một Trung Quốc lột xác, hệt như con bướm lộng lẫy lột xác từ con sâu xấu xí.
Huống hồ ngày nay, đất nước và trước hết, và chủ yếu bản thân giới thống trị, cái phồn vinh dù cho là giả tạo nương tựa duy nhất vào một nguồn cung cấp. Có lẽ người cộng sản Việt nam, bằng chính cái gian ác của họ, hiểu rõ điều ấy hơn ai hết, để từ đó thấy rõ, cũng bằng chính cái gian ác ấy, con đường hiệp thương là lối thoát duy nhất trong danh dự, và an toàn kinh tế.
Những người làm chính trị bị động có ý thức, từ nay gọi ngắn gọn là những người Dân chủ, có vài điểm hiện rõ là rất tù mù về mặt số lượng, rất đa dạng về mặt chất lượng, rất hiển nhiên về mặt tổ chức rời rạc, rất bén nhạy về mặt chính kiến sai khác, rất "đoàn kết" về mặt khẩu hiệu dễ dãi (như tổ quốc, dân tộc, phồn vinh, dân chủ ...), rất nhất trí về mặt tự tin quá mức, rất thống nhất về mặt "đánh địch từ xa".
Chúng tôi vốn dĩ thuộc lớp bị động không ý thức, nay tập làm có ý thức, nên chi cố gắng mạnh dạn đưa ra vài ý kiến gọi là có tý đóng góp.
Đoàn kết ..., một khẩu hiệu nhàm chán, dễ nói khó làm, vì vậy chỉ nên đề ra cho các tổ chức dân chủ một sự tối thiểu đồng thuận mà tổ chức nào trong liên minh đã chấp nhận thì phải công khai lấy danh dự ra mà thề trước toàn dân là sẽ chấp hành không có một chữ "nhưng" nào hết. Thí dụ khi một tổ chức bị khủng bố thì mọi tổ chức khác phải coi như chính mình đang bị khủng bố.
Đối với chính quyền cộng sản, kiên quyết trên mặt nguyên tắc là đòi không khoan nhượng phải thực thi các quyền dân chủ như tự do báo chí, tự do lập đảng. Mềm dẻo trên mặt sách lược, đảng cộng sản vẫn đơn phương nắm chính quyền một thời hạn, vẫn tồn tại sau đó như một đảng chính trị nguyên vẹn, bất khả xâm phạm với nhân sự và của cải của họ.
Đối với "nhân dân", các nhà dân chủ, dù trong tư cách cá nhân hay đoàn thể, phải nỗ lực tìm ra trăm phương ngàn kế có thể để nhổ bật, để nghiền nát cái tâm lý sợ chính quyền, sợ "chính trị" của đại đa phần dân chúng và cả đại đa phần những người đang nắm chính quyền. Tiếp đó phải ra sức nâng cao dân trí về mặt chính trị, bằng cách chuyển về nước càng nhiều càng không đủ, các tài liệu về văn hóa chính trị, tự biên hay vay mượn đều tốt hết.
Để gây sức ép lên chính quyền cộng sản, cũng là để tự bảo vệ được mình hữu hiệu nhất, các nhà Dân chủ, dù trong tư cách cá nhân hay tổ chức, phải khai thác mọi kênh quốc tế có thể để ủng hộ sự nghiệp dấu tranh cho dân chủ của Việt nam. Ủng hộ trên mọi và mỗi lãnh vực kinh tế, chính trị, thương mại, tài chánh ... "Tự lực cánh sinh", "sức mình là chính" ... thì ai cấm ai, cứ tự lực đi, cứ nội lực đi ... tha hồ. Nhưng phải có ý thức thực tế: Ngụy Kinh Sinh, Dương Thu Hương, Aoung San Suiky ... được trả tự do chủ yếu không phải do tự lực, nội lực. Cũng không thể chỉ do tự lực, nội lựcmà mọc lên sân bay, bến cảng, xa lộ, nhà máy, tàu chiến, máy bay ....
Cũng không nên hiểu đây là tâm lý ỷ lại "ngoại bang". Trước hết nếu có lợi thì sao không ?. Mà đâu phải là ỷ lại đơn phương. Nhà bác học Sakharov từng nhận định cực kỳ sáng suốt: "Một xã hội bỏ ngỏ (tức là dân chủ) là một đảm bảo vững chắc nhất cho nền hoà bình thế giới". Huống nữa sau vụ 911. Vậy thì hãy tranh thủ sự ủng hộ quốc tế theo tinh thần không có mức nào là tối đa hết !. Tranh thủ sự ủng hộ quốc tế với niềm tin và tuyên truyền cái niềm tin ấy cho chính quốc tế rằng sự ủng hộ quốc tế là vì lợi cho quốc tế, còn cho ta thì đã đành. Tranh thủ sự ủng hộ quốc tế mà không cần biết họ thực chất có tử tế không. Không cần, đơn giản vì chính ta với ta chắc gì đã luôn luôn tử tế, nhưng dẫu sao ta với ta vẫn phải đồng thuận trên một số điểm, vì sự đồng thuận ấy có lợi cho mỗi cái ta, dù cái ta nọ đã sắp sẵn một bồ dao găm cho cái ta kia.
Các nhà Dân chủ dù trong tư cách cá nhân hay tổ chức, ngoài việc kịp thời và triệt để khai thác các đề tài thời sự, như vấn đề biên giới, vụ án Năm Cam, trò đểu hạ cấp (như trong tang lễ cụ Trần Độ) ..., cần tự trang bị cho mình và giới thiệu với bên ngoài một lý thuyết chính trị ít nhiều chặt chẽ, bao quát thay vì hô xuông mấy khẩu hiệu ... dân chủ, tự do, hoặc lắp lại các kiểu mẫu phương Tây, xem đó là mô thức bất khả gia giảm. Dân tộc ta dù cộng sản hay quốc gia, đã sống quá thê thảm, quá khứ, dù nói ào là "khép lại", vẫn cần mở ra để ngắm xem chính diện mạo của mình để từ đó rút ra những bài học xứng đáng với cái giá phải trả.
Lý thuyết chính trị ... cần được xuyên suốt bởi một sợi chỉ triết học nào đó, cần được quán xuyến bởi một tư tưởng nào đó về Con Người.
"Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Thất phu ... có thể lấy đầu của tướng địch giữa ba quân mà không thể đoạt được cái chí của kẻ thất phu. Vậy kẻ thất phu này xin dâng lên chư vị, trượng phu và thất phu, vài ba ý nghĩ bình sinh: Chính trị là vấn đề giữa con người với con người, con người sống trong những điều kiện địa lý, kinh tế, văn hóa ... "khách quan" nào đi nữa thì chớ quên rằng những điều kiện ấy chủ yếu vẫn là do chính con người tạo ra, tạo ra từ bản chất hai mặt của họ.
Hai mặt ?
Thực vậy, con người, dù làm chính trị hay không làm chính trị, dù cộng sản hay quốc gia, dù độc tài hay dân chủ, đều là: "Con quỷ, là cái bóng chiếu xuống của Thượng đế". Con quỷ ?
Bình sinh tôi rât thấm nhuần và nhắc lại hàng trăm lần, hàng ngàn lần không mỏi miệng: "Sở dĩ ngô hữu đại hoạn giả, vi ngô hữu thân. Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn".
Chúng ta sinh ra mang theo cái thân này, cái thân thích sướng, sợ khổ. Chính cái thân ấy chỉ đạo mọi suy nghĩ, hành động, lời nói của mỗi người, chỉ đạo trực tiếp, dễ thấy trên trường mưu sinh. Chỉ đạo gián tiếp, khó thấy trên mặt tinh thần, thí dụ nhận thức thị phi, thiện ác, chính tà. Thí dụ, chúng ta thường hết lời ca ngợi khoa học, chính vì khoa học đã mang lại cho cái thân ta bao nhiêu tiện nghi sung sướng; đồng thời cũng thường quên rằng các tiện nghi ấy càng chất đống cao bao nhiêu trong các siêu thị thì những hiểm họa đe dọa sự sinh tồn của nhân loại càng tích tụ nhiều bấy nhiêu, từ tự nhiên đến các quan hệ liên chủ thể. Các tiếng kêu S.O.S. của môi trường sinh thái ngày càng thảm thiết và thỏa hiệp Kyoto vẫn thản nhiên nằm đó, mực đen trên giấy trắng. Đồng thời cũng thường quên rằng chính trị duy lý và khoa học đã từng cao tiếng khẳng định trong ánh bình minh của thế kỷ 20 rằng chiến tranh là cái không bao giờ còn xảy ra được nữa trong nền văn minh duy lý và khoa học này. Hai cuộc chiến tranh thế giới và cả trăm cuộc xung đột vũ trang đã giáng những cái tát lật mặt, nổ đom đóm mắt, hộc máu mồm, máu mũi, nhưng với nhiều người, tư duy ấy vẫn uy nghi trên ngai vàng tài phán độc tôn. Thảm trạng 911 chỉ là sự cố có quy mô lớn đầu tiên. Al Queda và Ben Laden chỉ là những mẫu mã giới thiệu. Tư duy phương Tây thực sự đang chao đảo, hoang mang trên nền móng duy lý và khoa học của nó, đúng với những "linh cảm" từ lâu trước kia của một Terlard de Chardin, một André Breton ...
Các nhà Dân chủ đừng quá bận tâm "cập nhật hóa" bản thân bằng những kiến thức, thông tin và các thao tác trên mạng internet, nhiều hơn việc đầu tư cho một kiểu tư duy, hay việc "đổi mới tư duy" thế nào đó trên cơ sở thức nhận hiệu ứng tường minh và ẩn tàng của cái thân lên nếp tư duy những tưởng thuận lý và khách quan.
Cái thân ấy xía vô một cách vô hình, vô tượng, nhiều ý tưởng có vẻ như thuần túy vị tha, trọng nghĩa. Người làm chính trị nào cũng tự trang điểm cho mình đủ thứ mỹ phẩm vì dân, vì nước, và nói chung trừ, trong xã hội đóng kín của chế độ độc tài toàn trị, sớm muộn gì, thường là rất sớm, phấn lở son phai, phơi ra mầu da nhờn nhợt của kẻ lăn lộn quá nhiều những đêm sát phạt ở những Las Végas chính trị. Các nhà dân chủ nên phản tỉnh bản thân đủ sáng suốt để sự nghiệp và lý tưởng chí ít không vướng mắc vào những scandale không đáng có, như "nói lời chẳng giữ lấy lời". Và sáng suốt theo nghĩa những khẩu hiệu nêu ra có nội dung chặt chẽ và đường hướng khả thi. Và sáng suốt trong nhận thức từng bước tính hạn chế dẫn đến tính Vô minh của nền văn minh hiện đại, nói trắng ra, văn minh phương Tây là cái đã và đang thống trị thế giới này, dưới danh xưng "toàn cầu hóa" như một định mệnh ... Hơn ai hết, đi đầu là các chiến sỹ đấu tranh cho dân chủ và tự do đừng vội lóa mắt trước những lợi ích kỳ vĩ cho cái thân mà văn minh khoa học đem lại. Đành rằng cái đói, cái rét, cái bệnh, cái lam lũ là những hiện thực đầu tiên và mối quan tâm đầu tiên, nhưng nên và phải hiểu rằng nâng cao mức sống của toàn dân không phải là mục tiêu cuối cùng và lý tưởng cuối cùng của nền văn minh thiên niên kỷ này, nếu nhân loại vẫn còn tồn tại để nói đến văn minh.
Vì thiện chí hay đạo đức chỉ là phó sản của
sự sáng suốt hay trí tuệ, mà trí tuệ lại chính là Thượng đế.
Thượng đế ?
Ai cũng có cái thân phải phụng dưỡng. Yêu cầu phụng dưỡng của cái thân không phải bất kỳ lúc nào và nơi bất kỳ người nào cũng là một mệnh lệnh tuyệt đối. Điều này được chứng minh ở các nhà bất đồng chính kiến, bởi Amnesty International, bởi Human Right Watch, bởi Médecins sans frontières, bởi Journalistes sans frontières và nhiều nữa. Nói riêng những nhà bất đồng chính kiến ở Việt nam; nhiều vị đã cao tuổi, cuộc sống trên cõi trần này chỉ còn tính bằng tháng, bằng ngày. Với họ còn tham vọng quyền lực, công danh nào rực rỡ được nữa trong bóng chập choạng của ánh hoàng hôn; trái lại, cái hành hạ, cái tra tấn của tù đày, của sách nhiễu lại được nhân lên nhiều lần cường độ cảm nhận cho cái hình hài đang tàn lụi. Biết thế cả mà vẫn dấn thân. Thượng đế hay cái TÂM trong họ đã vùng dậy thoát khỏi sự giam cầm của cái thân. Thượng đế ấy, cái TÂM ấy, chỉ là Một và hiện hữu nơi tất cả mọi người, dù rất sai khác trên mặt hiện tượng, nơi người hữu thần hay người vô thần, người cộng sản hay người tự do, người thống trị hay người bị trị. Làm cho cái TÂM ấy lộ hình, thường xuyên lộ hình, đó chính là và phải là mục tiêu tối hậu của nhân loại.
Tất nhiên có nhiều cấp độ cho sự lộ hình. Thí
dụ ...
Đối tác của những người Dân chủ hôm nay rõ ràng vẫn còn là sự kéo dài của bản
chất hôm qua. Sự sáng suốt chính trị, hay cấp độ Một, không cho phép một ảo
tưởng nào về đối tác. Phải biết rõ và nhớ rõ bản chất hôm qua của họ, đồng thời
cũng phải thấy rằng, nhất là trong tình hình hiện nay bản chất ấy đã mảnh đi,
teo đi nhiều đến chỗ đứt tung một lúc nào đó.
Cuộc chiến hiện nay (đành phải dùng từ này) giữa phe Dân chủ và phe cầm quyền phải trở thành trường thao dượt cho một phẩm chất "làm chính trị" mới. "Biết địch" để không bao giờ "ăn quả lừa"; "biết ta" để tự tin trong thế thượng phong và tự tin trong trận pháp "fair play", thay vì đối sách "oeil pour oeil, dent pour dent" - oan oan tương báo. Phải trở thành giai đoạn quá độ cho chính trị lột xác. Chính trị không nhất thiết phải là lừa dối, bịp bợm, phản phúc, lật lọng, đâm đằng sau lưng, xỉa đằng trước mặt. Loài người hiện đang ngụp lặn trong đại dương thông tin, đang tung tăng trên các xa lộ internet, và hết rồi cái thời mà chính trị chỉ là mưu ma chước quỷ, tính toán trong chốn "thâm cung bí sử", chỉ là trò mua bán trao tay trong hậu trường của lũ mafia, đĩ điếm. Và đến rồi cái thời diệt chủng của lũ yêu tinh, quỷ mỵ chính trị. Và cũng là sẽ đến cái thời của nền chính trị tốt nhất.
Đó chắc chắn là chế độ chính trị trong đó, một cách rất tự nhiên nhi nhiên, không làm gì còn vấn đề Làm và Không làm chính trị.
Có vẻ dĩ nhiên đấy, một cộng đồng, một quần thể chỉ có thể tồn tại qua một số quy định, khuôn phép do một bộ máy Nhà nước chuyên trách sắp đặt và thực hiện.
Cũng vẫn con người tạo thành bộ máy ấy.
Cũng vẫn con người nằm dưới bộ máy ấy.
Và con người ?
Chúng ta thường có khuynh hướng cho là bất khả kháng "có thực mới vực được đạo", mặc dù lúc này lúc khác chúng ta cũng thành thực tin "con người không thể sống chỉ bằng bánh mì". Ra ngoài khuôn khổ của luận văn này vấn đề cái gì là yếu tố quyết định trong cặp bài trùng Thân - Tâm. Nằm trong trung tâm của luận văn này vấn đề cái Tâm phải là trước tiên cả cho người làm, cả cho người không làm chính trị. Làm thế nào có được cái Tâm ấy ?. Trước tiên là Giáo dục. Giáo dục ? kinh tế ư ? tin học ư ? vật lý ư ? Toàn là những trò hướng ngoại. Cứ cho là những học thuật ấy cần thiết cho sự tồn vong của con người đi, nhưng rõ ràng người ta không thể tìm thấy cái Tâm ở bên ngoài ... "nội tâm", nói cách khác chỉ thấy được trên lộ trình hướng nội.
Nếu thông qua giáo dục, con người học cách, biết cách trường dưỡng cái TÂM nơi mình, giải phóng Thượng đế nơi mình thì lo gì mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, lo gì chuyện làm chính trị và không làm chính trị.
Đúng là từ ngàn xưa đến nay, cái Tâm vẫn được nhắc nhở như yếu tố quan trọng hàng đầu trong đời sống xã hội, và đúng là từ ngàn xưa đến nay chính trị vẫn tiếp tục "vô tâm" như ... nước đổ đầu vịt. Chính trị tiếp tục vô tâm không phải là lý do đủ để con người không tiếp tục trưởng dưỡng cái Tâm. Huống hồ ngày nay đã hội đủ điều kiện trên cả hai lãnh vực khoa học tự nhiên và xã hội để thuyết phục toàn dân dồn phiếu cho cái Tâm trong cuộc tranh cử giữa hai ứng viên Thân và Tâm.
Trong xã hội ta ngày nay, cả trong giới dân chủ, thậm chí thống trị, cả trong giới không làm chính trị vì quá "bướm chán ong chường", số người thực sự tin tưởng và thấy ở Tâm lối thoát duy nhất cho hiện trạng đất nước, ngày càng gia tăng.
Chúng tôi hy vọng giới này sẽ ngày càng toả sáng cái Tâm trên trường hoạt động, sẽ ngày càng minh chứng cái Tâm trên kiến thức kim cổ, Đông Tây.
Đành rằng Năm Cam, biên giới Việt-Trung ... vẫn còn là võ đài cho các trận đánh chiến thuật giữa hai phe, ở đó làm và không làm chính trị vẫn giữ nguyên ý nghĩa như trên đã bàn, nhưng phải hiểu ngay từ bây giờ rằng cái Tâm, sẽ chỉ nó thôi, mới là thành tựu kỳ vĩ nhất sau trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giữa Tâm và Thân.
Có thể có bạn nghĩ rằng chúng tôi hơi lạc quan tếu và quá nhẹ tay với cộng sản. Về cá nhân chúng tôi, nghĩ thế cũng được thôi, nhưng xin nhắc nhẹ: Trần Độ đấy, Hoàng Minh Chính đấy. Toàn những cộng sản chính hiệu !!. Và nhiều nữa !! Đặng Tiểu Bình, nguyên là chính ủy khét tiếng bàn tay sắt của Dã chiến quân Lưu Bá Thừa, trước khi chết đã xin lỗi nhân dân và gia đình các nạn nhân vụ Thiên An Môn trong chúc thư chính trị của ông.
Có thể có bạn nghĩ rằng chúng tôi mang sắc thái tôn giáo nhiều quá. Về cá nhân chúng tôi nghĩ thế cũng được thôi, nhưng xin nhắc nhẹ: Malenkov, ngôi thứ hai sau Staline, kế vị tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô sau khi Staline chết, về già đã tình nguyện xin gia nhập đội đồng ca Nhà thờ và khi sắp chết yêu cầu gia đình chôn cất theo đúng nghi lễ của Chính thống giáo Nga.
Có thể có bạn nghĩ rằng chúng tôi hơi mê tín dị đoan. Về cá nhân chúng tôi, nghĩ thế cũng được thôi, nhưng xin nhắc nhẹ: đáp câu hỏi "ông là người duy tâm hay duy vật ?" của đài C.N.N., Boris Elsin trả lời ráo hoảnh "Tôi không duy tâm, cũng không duy vật; tôi mê tín dị đoan".
Các bạn hãy suy nghĩ về chính cái Tâm của mình đi, rồi ra các bạn sẽ tự thấy "ở trong còn lắm điều hay". Hay hơn một quan niệm về Tâm chỉ như một thiên hướng vị tha, cho dù một quan niệm như vậy và nỗ lực hiện thực hóa nó cũng đã là tốt lắm rồi cho việc xác định làm và không làm chính trị.
Tinh Tiến