Kịch bản cho
thế kỷ 21
Ta vừa trải qua thế kỷ 20
đầy biến động : nào chiến tranh thế
giới lần thứ nhất, nào chiến tranh thế
giới lần thứ hai, nào bom nguyên tử, nào các cuộc
cách mạng mạng ở Nga, ở Trung Quốc, nào thế
giới xã hội chủ nghĩa hình thành, các cuộc
đấu tranh giải phóng dân tộc ở khắp
thế giới, trong đó có cuộc đấu tranh
giải phóng của Việt Nam, nào cách mạng văn hóa
Trung Quốc, diệt chủng ở Campuchia, nào sự chia
rẽ và đánh nhau của thế giới cộng sản,
nào sự tan rã của Liên Xô và thế giới xã hội
chủ nghĩa, nào những thành tựu kỳ diệu
của khoa học kỹ thuật, của vật lý, sinh
học, sự tiến bộ phi thường của tin
học, của điện tử, máy tính, rô bô, v.v...
Vì thế, bước vào thế kỷ
21, ai nấy đều hồi hộp và lo âu, vừa lo âu
vừa hy vọng nhìn về phía trước mà phán đoán.
Đã có nhiều nhà tương lai học phán đoán ;
nhiều triết gia, nhiều nhà chính trị, nhà lý
luận, nhà xã hội học cũng phán đoán. Tôi cũng
ngẫm nghĩ và phán đoán, nhưng tôi rất không
đủ tri thức và thông tin để mà phán đoán. Tôi
chỉ dựa vào sự hiểu biết hạn hẹp
của mình về các phán đoán và ghi lại đôi
điều. Tôi thấy hình như có thể có ba kịch
bản cho thế kỷ 21 như sau :
Kịch bản thứ nhất. Căn
cứ vào điều tôi biết về một số nhà lý
luận. Các nhà lý luận này hầu như không quan tâm
đến các biến động chính trị xã hội
đã và đang diễn ra ở thế giới. Các vị
ấy rất trung thành và kiên định với tư duy
"hai phe, bốn mâu thuẫn" và tính chất thời
đại hiện nay là "thời kỳ quá độ
từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã
hội trên phạm vi toàn thế giới". Từ đó
suy ra có thể có một kịch bản cho thế giới
như sau : Trong thế kỷ 21 sẽ lại có một
nước nào đó vào loại to lớn, phát triển cao,
nổ ra một cuộc cách mạng vô sản, thiết
lập chế độ xã hội chủ nghĩa, phát
triển ra toàn thế giới và hoàn thành tính chất quá
độ của thời đại.
Kịch bản thứ hai. Cũng
với tư duy như trên và có những nhận
định : sự tan rã của phe xã hội chủ
nghĩa chỉ là thất bại tạm thời. Chủ
nghĩa xã hội gặp phải bước thoái trào
tạm thời. Như vậy thì trong thế kỷ 21,
sẽ có một sự phục hồi vĩ đại.
Bốn nước xã hội chủ nghĩa còn lại
(Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Cuba) sẽ là thành
trì của sự phục hồi này. Phe xã hội chủ
nghĩa sẽ hình thành trở lại và phát triển
phồn thịnh, đánh bại phần còn lại của
chủ nghĩa tư bản và hoàn thành thời đại
quá độ, đưa toàn bộ thế giới và nhân
loại lên thời đại xã hội chủ nghĩa.
Đấy là tôi suy từ các lập
luận của một số "nhà lý luận"
hiện nay vẫn kiên định, và trung thành một cách
đáng kính với tư duy cũ, mà không biết
đến tư duy của nhân loại, nhu cầu và
nguyện vọng của nhân dân thế giới. Tôi rất
nghi ngờ rằng nhân dân ở một nước phát
triển (tư bản) nào đó có nhu cầu đánh
đổ chính quyền hiện tại và thay thế vào
đó một chính quyền khác (xã hội chủ nghĩa).
Tôi cũng nghi ngờ số người trong nhân dân Nga và
các nước Đông Ấu có nguyện vọng và nhu
cầu phục hồi lại thể chế cũ. Tuy
rằng không phải không có những người luyến
tiếc cuộc sống cũ. Nhưng số người
này liệu có đủ để làm được
việc phục hồi không ?
Kịch bản thứ ba. Thực ra,
chưa thể phác họa kịch bản này. Hiện nay ta
đang ở thời kỳ từ thế kỷ 20
bước sang thế kỷ 21. Thế giới và nhân
loại đang biến chuyển. Tất cả mọi
người đều quan tâm tới xu thế toàn cầu
hóa về kinh tế, về văn hóa, về chính trị. Có
xu thế toàn cầu hóa phát triển nhiều mặt và ngày
càng mạnh, nhưng cũng có xu thế chống lại.
Càng ngày càng nhiều sự kiện từ trước
chưa hề có.
- Các nguyên thủ quốc gia có tội ác
đều không thoát khỏi sự truy nã của pháp
luật. Đã có tòa án hình sự thế giới.
- Có những xung đột sắc
tộc, tôn giáo mà không phân xử nổi ai là phải, ai là
trái, ai là chính nghĩa, ai là phi nghĩa (ở Châu Phi, ở
Nam Tư, ở Trung Đông).
- Có những sự thay đổi chính
trị ở một nước mà các nước ở khu
vực hoặc trên toàn thế giới lại có ý kiến
và có thể tác động (nước Áo và Châu Ấu).
- Bất cứ cuộc bầu cử
ở một nước nào, đều được
dư luận thế giới quan tâm và dư luận
thế giới đều tỏ ra ủng hộ những
người dân chủ, tiến bộ trung cử, và số
người này trúng cử ngày càng nhiều (Hàn Quốc,
Indonesia, Chili, Equator, Croatia...).
- Chủ nghĩa xã hội tự hào
với tính ưu việt của mình là quan tâm đến các
vấn đề xã hội, bảo đảm lợi ích
cho nhân dân lao động (Việt Nam được xếp
vào loại khá về các chỉ số xã hội).
Nhưng những vấn đề xã
hội lại được giải quyết tốt
hơn ở các nước tư bản phát triển. Vì
ở những nước nào có điều kiện kinh
tế, tài chánh dồi dào hơn, và cũng ở các
nước này giới cầm quyền buộc phải
giải quyết tốt các vấn đề xã hội
mới ổn định được chính quyền và
họ biết giải quyết tốt.
- Ở Việt Nam, đại đa
số nhân dân chỉ mới có thu nhập cá nhân (thu nhập
chứ không phải GDP) độ trên 10 đô la một
tháng (150.000 đồng) thì dù có những cố gắng
về mặt xã hội bao nhiêu cũng chưa thể coi là
no đủ, hạnh phúc được. Vậy một xã
hội tốt đẹp hơn, trước hết
phải là một xã hội mà người đều
được no đủ.
- Trào lưu dân chủ thế giới
ngày càng phát triển, có tác giả nói từ năm 1970
trở về trước thế giới chỉ có 30
nước dân chủ. Nhưng từ năm 1970 sau 30
năm thì số nước dân chủ lên tới 75. Có tác
giả nói hiện nay thế giới có gần 200
nước trong đó 65% là thuộc các nước dân
chủ. Các nước xã hội chủ nghĩa (chính
quyền cộng sản) không được xếp vào
nước dân chủ, tuy các nước này vẫn tự
nhận là dân chủ gấp triệu lần các nước
tư bản, và tự nhận mình là nước có bản
chất dân chủ cao nhất. Vấn đề dân chủ
và nhân quyền là những vấn đề mà các
nước phát triển cao đều nhấn mạnh.
Nhưng các nước xã hội chủ
nghĩa thì gọi là những âm mưu diễn biến hòa
bình. Đồng thời các nước xã hội chủ
nghĩa cũng phải nói đến dân chủ và nhân
quyền, phải chứng tỏ mình có quan tâm đến
dân chủ và nhân quyền, phải chống đỡ
về các vấn đề dân chủ và nhân quyền.
Trước dư luận thế giới, càng ngày cách
cầm quyền và cai trị kiểu toàn trị độc
tồn càng tỏ ra lạc hậu, càng bị chê cười
và phê phán. Nước nào muốn hòa nhập với thế
giới phải chú ý điểm này, không theo trào lưu dân
chủ chung của nhân loại, trước hết là làm
hại ngay đến tiến trình phát triển của
nước mình. Không thể cứ tự mình nói
ngược đời, rồi lại tự khen mình là hay
và đúng được.
- Ai cũng thấy là phải đưa
xã hội loài người đến chỗ tốt
đẹp hơn, đều mong muốn như thế.
Nhưng xã hội tốt đẹp hơn ấy có
phải nhất thiết là theo chế độ xã hội
chủ nghĩa do Đảng cộng sản lãnh
đạo hay không ? Có lẽ Mác đã dự đoán đúng
là sau chế độ tư bản chủ nghĩa sẽ
có một chế độ xã hội tốt đẹp
hơn và hiện nay xã hội loài người đang
biến chuyển tiến lên theo chiều hướng
đó, hướng tốt đẹp hơn. Đã có
nhiều học giả dự đoán xã hội tương
lai là xã hội "hậu tư bản chủ
nghĩa" và "tân tư bản chủ nghĩa" là
xã hội "văn minh thứ ba", xã hội
"hậu công nghiệp", xã hội "văn minh tin
học", "văn minh trí tuệ"...
Chưa ai thống nhất được
quan niệm và cách gọi. Các xã hội tư bản chủ
nghĩa đang biến hóa và tiến tới một xã
hội không còn là tư bản chủ nghĩa, tức là
tiến tới cái không phải là nó nữa. Hiện nay có
nhiều nước về kinh tế và chính trị thì
đúng là tư bản chủ nghĩa nhưng nhiều
mặt xã hội có những nét tốt đẹp mà không
một nước gọi là xã hội chủ nghĩa nào so
sánh được (về giáo dục đào tạo, về
y tế, về người già, người thất
nghiệp). Vậy một xã hội tương lai tốt
đẹp hơn là một xã hội thế nào ? Nếu có
là một xã hội chủ nghĩa chăng thì nhất
định không phải là xã hội chủ nghĩa
kiểu Liên Xô, không phải là xã hội chủ nghĩa
kiểu trại lính được. Và để tiến
tới một xã hội tốt đẹp hơn ấy có
nhất thiết phải trải qua cách mạng bạo
lực và đổ máu không ? Có nhất thiết phải có
"lật đổ" không ? Nhân loại có chấp
nhận sự đổ máu không ?
Nước Việt Nam hiện chưa
phải là xã hội chủ nghĩa mà muốn tiến
tới một xã hội tốt đẹp hơn có
nhất thiết phải "đổ máu" và
"lật đổ" không ? Có thể tiến tới
một xã hội tốt đẹp hơn bằng tiến
hóa hòa bình không ? Cái gọi là âm mưu "diễn biến
hòa bình" có thật không ? Không chấp nhận thế
lực ở ngoài dùng diễn biến hòa bình để
lật đổ. Nhưng bản thân ta phải tiến hóa
hòa bình để tiến lên. Ta cần tiến hóa, vậy
ta có cần phải có nhiều kẻ thù để mà tiêu
diệt và trấn áp không ? Thậm chí, cứ nhất
thiết bắt cả nước và toàn dân phải tôn
thờ một học thuyết, một trật tự khe
khắt thì đất nước phát triển không ?
Ai cũng thấy kinh
nghiệm hiển nhiên của các nước gần ta không
phải như vậy, kinh nghiệm đó rõ rệt
nhất là ở Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore. Việc
quan trọng nhất bây giờ là phải hòa nhập
để đưa xã hội tiến lên hay cứ phải
"ổn định bằng bất cứ giá nào" ? Vấn
đề đặt ra hiện nay là làm thế nào
đất nước phát triển và nhân dân
được tự do hạnh phúc. Vậy cái gì trở
ngại cho điều đó thì phải khắc phục.
"Bằng bất cứ giá nào" và "vô điều
kiện" là những yếu tố của đấu
tranh "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh".
Ngày nay điều kiện tiên quyết để quyết
định chính sách là làm thế nào cho dân tự do và
đất nước phát triển. Chỉ có tự do cho
dân thì đất nước mới phát triển
được. Điều đó đúng cả về kinh
tế, chính trị và văn hóa và cả đối
ngoại nữa.
Trần Độ