Trở
về trang chính |
||||||||
Trần Mạnh Hảo Nhà văn Trần Mạnh Hảo lần thứ mười góp ý với "Bản dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X"
Marx, người học trò vừa trung thành, vừa phản bội thầy mình là Hegel, đã bê tới tám mươi phần trăm học thuyết ông thầy này vào làm học thuyết của mình; đoạn, duy vật hoá biện chứng pháp Hegel thành biện chứng pháp duy vật Marxism. Nhưng học thuyết của Marx đã như con tàu Titanic đâm vào tảng băng “tuyệt đối” - Hegel, khiến “chủ nghĩa xã hội khoa học” của ông chìm nghỉm giữa biển thẳm duy tâm ngay từ lúc nó mới ra đời. Dù là đi theo con đường duy vật, nhưng đích đến của Marx vẫn là khái niệm “tuyệt đối” - Hegel; mà duy vật, thì không có và không bao giờ chấp nhận sự tuyệt đối, dù chỉ là sự tuyệt đối được giả định, được dùng làm trạm trú nắng giữa đường biện giải chông chênh. Hegel thách thức niềm tin Thượng Đế mang vẻ dung tục của thần quyền giáo hội, trở thành đối tượng căm ghét của Vatican, đã chia tay với khái niệm tuyệt đối của Spinoza, coi bản thể của thế giới là Thượng Đế; Hegel đã dám chia tay với “cái vỏ vật chất của khái niệm Thượng Đế”, chỉ mang chút xíu tinh thần Thượng Đế từ thẳm siêu hình triết học xuống trần gian làm hạt giống, đặng hòa niềm siêu hình kia vào thiên nhiên, vạn vật, hòa vào con người; khiến Thượng Đế không còn ở ngoài thiên nhiên, ngoài con người nữa mà ở trong, ở giữa, ở cùng một thể với thế giới khả giác quanh ta. Cho nên cái “tuyệt đối” mà học thuyết duy tâm của ông hướng tới, nói cho cùng là cái “tuyệt đối” mang tính trần gian, hơn là tuyệt đối mang tính thiên giới kiểu Spinoza, hay kiểu Kant (như một chút hoài niệm về người thầy ban đầu của Hegels là ông già Kant, vẫn còn đang cố thủ trong lô cốt “vật tự nó” dù thầy đã ở bên kia thế giới!) Khái niệm “tuyệt đối” của dòng triết học duy tâm này muốn trao lại trang phục thiên giới cho nhà thờ, hy vọng thánh hoá trần gian bằng một bản thể luận tân thời nhân bản hơn, gần với thuyết duy mỹ và mô hình nhà nước kiểu mẫu? Khi chia tay các thiên thần triết học, Hegel đã xuống thực tại không phải để chơi, mà để cứu đời, để hòa hồn xưa vào xác nay, hoà Chúa Trời vào tạo vật như hòa mực vào nước. Chừng như hạt gống “tuyệt đối” Hegel gieo vào hiện tồn nửa vẫn cứ dây dưa giấc mộng thiên đường, nửa lại muốn quy thuận thế giới tương đối mà chấp nhận “tội tổ tông truyền” của nền triết học phóng thể Đức? Tư tưởng triết học trùm thiên hạ của Hegel muốn tuyệt đối hoá cái tương đối, duy tâm hoá cái duy vật, ý niệm hoá cái hiện tồn là bi hài kịch của triết học Hegel. Khi không còn thiên thần bổn mệnh đi theo nâng đỡ, khi bị tước mất “phép thông công” thiên giới, khái niệm “Tuyệt đối” của Hegel lại vừa bị Spinoza và Kant đòi lại linh hồn, khiến thân xác biện chứng pháp chợt hết hơi,ngừng thở và làm toàn bộ hệ thống triết học của ông hoá thành xác ướp: lịch sử con người dừng lại khi triết học Hegel dừng lại. Hegel, nói cho cùng, chính là người đã kết thúc một thế kỷ triết học Đức. Marx xuất hiện, thừa hưởng gia tài của Hegel là món “tuyệt đối” khó xơi này, bước đầu duy vật hoá khái niệm biện chứng; giống như Marx vác cả một bầu nước của Hegel gửi lại trên con đường băng qua sa mạc siêu hình, khởi đầu từ “Tâm” sang “Vật”; rồi Marx niệm “thần chú tuyệt đối” cầu cho nước bốc cháy để soi đường cho mình giữa đêm tối triết học bơ vơ, để một lần nữa, chấm dứt chính sự chấm dứt của Hegel bằng khởi điểm duy tâm chủ quan, mà ông cứ ngỡ mình đã tới được bờ bên kia của duy vật khách quan (!) Hegels và Marx, hai thầy trò, Một ông “Tâm” và một ông “Vật” đã là “sự cáo chung triết học”, làm chết chìm cả nền triết học Đức thế kỷ thứ XIX, khi cả hai nhánh sông “Tâm” và “Vật” này cùng đổ hết nước vào biển siêu hình -“Tuyệt đối” - hư vô! Marx, nhân danh duy vật, đã duy tâm tới hai lần khi đẩy cái mô hình xã hội cộng sản của ông vào hệ thống chết, tức biện chứng chết, lịch sử chết, nhân loại chết, chân lý chết là phép-duy-vật-tuyệt-đối-biện- chứng- Hegels-Marx: con người được (bị?) tuyệt đối hoá trở về với thượng đế; nghĩa là con người phải từ bỏ hiện tồn để vào sống trong Ý thức, Ý niệm, sống trong mộng mị, sống trong “lý tưởng tuyệt đối ảo”, sống trong một thế giới phi xã hội, phi điều kiện, phi quan hệ, phi mâu thuẫn, phi dục vọng, phi …nhân tức phi cá nhân, phi tư hữu, phi sở hữu, phi nhà nước, phi lịch sử … nghĩa là phi lý tính, phi logic, phi trần gian vậy! Chủ nghĩa cộng sản mang tính chất tuyệt đối do Marx vẽ ra bằng giáo điều hư vô của Hegel, thực sự đã xóa nhòa ranh giới thiện ác, xóa nhòa nhân tính và thú tính, xóa nhòa tốt xấu, xóa nhòa chân lý và ngụy lý, xóa nhòa khoảng cách giữa địa ngục với thiên đường! Cho nên khi Marx mời chúng ta vào thiên đường, tức là ông xin mời chính quý vị xơi món địa ngục xào lăn đấy! Marx, với quan niệm duy ác để giài thích thế giới kiểu Darwin, tay cầm con dao chọc huyết lợn có tên là “tuyệt đối” để chọc huyết các sự vật, đã đi từ sai lầm trong nhận thức luận về con người (xem bài “Phê bình nhận thức luận về con người của Marx & Engels” của TMH vừa in trên các website hải ngoại), đến nhận thức luận về lích sử. Trong bài Phê bình nhận thức luận về con người của Marx & Engels, chúng tôi đã chỉ ra rằng, do quan niệm “tuyệt đối”, lấy “tuyệt đối” làm nhãn quan triết học, Marx đã có cái nhìn sai lạc về con người, tách con người ra khỏi các mối quan hệ tự nhiên, gia đình, xã hội để xem xét nó như xem xét một vật đơn nhất, như xem xét cái cây bị bứt khỏi gốc rễ, một con cá đã tách khỏi môi trường nước. Khi nhận thức và định nghĩa con người, Marx đã tách nó ra khỏi thế giới tự nhiên; lại còn tách con người ra khỏi đời sống tinh thần của nó, tôn giáo và các quan niệm triết học, thần học nguyên sơ của nó. Thành ra con người trong triết học Marx là một con người đã được tuyệt đối hoá thành con người miếng ăn, con người sản xuất, hàng hoá, con người duy vật chất; do đó, thay vì nghiên cứu con người đúng như nó tồn tại, Marx lại nghiên cứu con người đã bị Marx hoá, sơ đồ hoá, giới hạn hoá, đơn giản hoá (tức Marx đặt cái cày “Ý thức Marx” trước “con trâu tồn tại” ). Marx bắt con người phải tồn tại theo ý muốn chủ quan của ông kiểu con người gỗ, con người đồ chơi. Do đó, Marx mới đưa ra những tiên đề hết sức sai lạc, như khi ông cho rằng: hành vi tìm miếng ăn là hành vi đầu tiên xác lập tính người, hay xác lập lịch sử người; coi “miếng ăn” là bước đầu tiên xác tín con người là chính nó. Nhận thức luận sai lạc này về con người của Marx đã bị chúng tôi phản bác lại, và đưa ra khẳng định ngược với Marx; rằng: chính sự “Tự ý thức” đã là hành vi mang tính người đầu tiên, như là bước khởi đầu nhân loại; do đó “Ý thức người” quyết định “Hiện tồn người” chứ không phải ngược lại như Marx ngộ nhận. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục tinh thần bài viết trước, nhằm phê phán nhận thức luận về lịch sử không chuẩn của Marx (nói đến Marx là đồng thời nói đến Engels). Bài viết này căn cứ trên tác phẩm “Luận cương về Phơ-bách (Ludwig Feuerbach), của Marx - Engels - phần nói về “Lịch sử” từ trang 39, đến trang 52, quyển thứ 3 trong bộ “Toàn tập Marx & Engels” do nhà xuất bản “Chính trị quốc gia -Sự thật Hà Nội ấn hành 12/1995. Mọi trích dẫn trong bài viết đều lấy từ cuốn sách này. Xin quý độc giả hãy quan sát cái gọi là “con người”, hay “lịch sử người” trong hình dung của Marx về xã hội cộng sản tương lai: thật quá sức vui nhộn vì Marx đã hợp tác với Tôn Ngộ Không để nhào nặn ra các siêu nhân bằng 72 phép thần thông quảng đại Marxism, như Marx viết sau đây: “…Thêm nữa, sự phân công lao động cũng đồng thời bao hàm mâu thuẫn giữa lợi ích của cá nhân riêng biệt hay của gia đình riêng biệt với lợi ích tập thể của tất cả các cá nhân liên hệ với nhau; hơn nữa, lợi ích tập thể này không chỉ tồn tại trong tưởng tuợng, với tư cách là lợi ích chung, mà trước hết tồn tại trong hiện thực, với tư cách là sự phụ thuộc với nhau giữa các cá nhân có phân công lao động với nhau. Và cuối cùng, sự phân công lao động còn cung cấp cho chúng ta ví dụ đầu tiên về tình hình sau đây: chừng nào con người còn ở trong xã hội hình thành một cách tự nhiên, do đó chừng nào còn có sự chia cắt giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, do đó chừng nào sự phân chia lao động còn được tiến hành không phải một cách tự nguyện mà một cách tự nhiên thì chừng đó hành động của bản thân con người sẽ trở thành một lực lượng xa lạ, đối lập với con người, và nô dịch con người, chứ không phải bị con người thống trị. Thật vậy, một khi bắt đầu có phân công lao động thì mỗi người đều có một phạm vi hoạt động nhất định và độc chuyên mà người đó buộc phải nhận lấy và không thể thoát khỏi được: người đó là người đi săn, người đánh cá, hoặc người chăn nuôi, hoặc là nhà phê phán có tính phê phán, và người đó vẫn cứ phải làm như thế nếu không muốn mất những tư liệu sinh hoạt của mình; còn trong xã hội cộng sản, trong đó không ai bị hạn chế trong một phạm vi hoạt động độc chuyên, mà mỗi người đều có thể tự hoàn thiện mình trong bất kỳ lĩnh vực nào thích, thì xã hội điều tiết toàn bộ nền sản xuất, thành thử tôi có khả năng hôm nay làm việc này, ngày mai làm việc khác, buổi sáng đi săn, quá trưa đi đánh cá, buổi chiều chăn nuôi, sau bữa cơm thì làm việc phê phán, tuỳ theo sở thích của tôi mà chẳng bao giờ trở thành người đi săn, người đánh cá, người chăn nuôi hoặc nhà phê phán cả…” Trong đoạn văn trên của Marx, ta thấy ông đòi phải để con người được “Tuyệt đối tự do”, tức vô điều kiện hoá con người. Ông giải thích do con người còn bị “phân công lao động” một cách tự nhiên chứ không phải một cách tự nguyện; tức là con người còn phải phụ thuộc vào những khế ước gia đình, xã hội, nhà nước, tức con người còn phải là một “con người lịch sử”, còn phải phụ thuộc vào những điều kiện sinh tồn xung quanh nó nên nó chưa được tự do ? Trong khi Marx đang bàn về thế nào là “lịch sử con người”, rằng hoạt động của con người đi từ mỗi cá nhân đến xã hội, bước đầu tiên là phải thông qua gia đình, từ gia đình bước vào cộng đồng làng, nước và nhân loại. Theo chúng tôi, chừng nào con người còn sống trong môi trường xã hội, nó luôn luôn “bị”, hoặc “được” “phân công lao động” không ở dạng này thì cũng ở dạng khác; bởi xã hội dù là xã hội của bầy ong cũng luôn là một xã hội của “phân công lao động”, xã hội của một tổ chức nhất định, một trật tự nhất định, một khế ước nhất định. Cũng trong đoạn văn trên, sau khi quy tội cho “sự phân công lao động” làm tha hoá con người, Marx quy tội tiếp cho một hành vi làm vong thân con người là ở chỗ con người còn có “lợi ích riêng”: “ …Chừng nào còn có sự chia cắt giữa lợi ích riêng và lợi ích chung… thì chừng đó hành động của bản thân con người sẽ trở thành một lực lượng xa lạ, đối lập với con người và nô dịch con người chứ không phải bị con người thống trị” Chính ở đây, Marx lặp lại sai lầm khi giải thích và định nghĩa con người: tách con người ra khỏi tự nhiên là tách con người ra khỏi chính nó; tức là Marx vẫn ngoan cố cho rằng chính tư hữu, sở hữu, tức chữ “của” làm tha hoá con người, làm nó không được “tuyệt đối tự do”! Đã nhiều lần trong các bài phê phán Marx, chúng tôi đã bác bỏ nhận thức luận không đúng này của Marx về con người; rằng chính chữ “của”, chính tư hữu, chính sở hữu mới là hành vi khỏi nguồn nhân tính. Rằng, muốn là người, con người phải nhận ra sở hữu đầu tiên, tư hữu đầu tiên: tôi, trước hết và sau cùng là của tôi, chứ không phải của ai khác. Lần đầu những con vượn người do não bộ phát triển (điều mà Kinh Thánh nói rằng sau khi Adam và Eva ăn trái cấm thì mới có trí khôn, mới biết mình là ai, biết xấu hổ, biết thiện ác, tốt xấu, đúng sai, tức hành vi nhận thức ra mình – Ý thức người: nhân tính, nhân loại) lần đầu tiên soi mặt mình xuống suối, bất chợt nhận ra gương mặt kia chính là mặt mình, chính là sỡ hữu (tư hữu) đầu tiên, tư hữu bản lề, tư hữu khởi nguồn này là nhân tính: tôi hoá ra chính là tôi, là của tôi, của tôi gương mặt xa lạ kia mà nghìn năm nòi giống tôi vì thiếu trí óc, thiếu tư duy, đã không phát hiện ra, thấy mặt mình là sợ hãi, tưởng mặt mình là mặt ai khác rồi ù té chạy; nay tôi nhìn thấy tôi trong gương-mặt suối, mới kinh ngạc phát hiện ra gương mặt kia (một phản ánh mình) là của chính mình. Do đó, khi Marx đòi xóa bỏ chữ “của”, xóa bỏ tư hữu, sở hữu, Marx đồng thời xóa bỏ chính bản thể người! Vì nhận thức quá ư sai lạc là con người muốn tự do phải xóa bỏ tư hữu, xóa bỏ cái riêng, xoá bỏ “của riêng-lợi ích riêng”, Marx đã đi từ sai lầm này sang sai lầm khác. Riêng với chung, ý thức và bản năng, tốt với xấu, thiện và ác, âm và dương, đúng và sai …là những cặp phạm trù, là biện chứng của nhau; nếu ta xoá cái riêng đi như Marx dạy, thì “cái chung” cũng sẽ biến mất; nếu ta xóa “âm” thì “dương” củng sẽ biến mất; nếu ta xóa “khái niệm sai, ác, xấu” đi cũng có nghĩa là ta không còn biết thế nào là “chân, thiện, mỹ” nữa! Thế thì Marx nhân danh cái gì để đòi xóa chính con người và các phạm trù người một cách phản khoa học như thế ? Thưa rằng Marx nhân danh cái “Tuyệt đối” – Hegel đấy! Để rồi Marx vẽ ra một cái giống người từ hành tinh khác xuống “tuyệt đối tự do”, tuyệt đối phi xã hội, phi lịch sử, phi “phân công lao động”, phi tư hữu, phi sở hữu (tức người = zê rô ), phi cái riêng, phi quan hệ, phi tổ chức, phi khế ước, phi chuyên môn, phi điều kiện, phi thời gian, phi không gian, phi gia đình, phi nhà nước, phi giới hạn, phi phạm trù, phi biện chứng, phi thực tại… tồn tại trong một thế giới ảo, thế giới ma có tên là “xã hội cộng sản”; nơi những con cung quăng được gọi là “người”, biểu diễn màn ảo thuật “tuyệt đối tự do” rất tức cười như sau: “…Tôi có khả năng hôm nay làm việc này, ngày mai làm việc khác, buổi sáng đi săn, quá trưa đi đánh cá, buổi chiều chăn nuôi, sau bữa cơm thì làm việc phê phán, tùy theo sở thích của tôi mà chẳng bao giờ trở thành người đi săn, người đánh cá, người chăn nuôi hoặc nhà phê phán cả…” Xin quý độc giả hãy nghe Marx “phát hiện” ra “hình thức sở hữu đầu tiên của loài người” chính là việc người chồng sở hữu vợ và con cái, như sau: “…Sự phân công lao động ấy-nó chứa đựng tất cả những mâu thuẫn nói trên và đến lượt nó, lại dựa vào sự phân công lao động nảy sinh một cách tự nhiên trong gia đình và vào sự phân chia xã hội thành những gia đình riêng rẽ đối lập với nhau, - đồng thời cũng bao hàm sự phân phối lao động và sản phẩm của lao động; một sự phân phối thật ra không đồng đều cả về mặt số lượng lẫn chất lượng; vì vậy nó cũng bao hàm sở hữu, mà mầm mống và hình thái đầu tiên nằm trong gia đình, trong đó vợ và con cái là nô lệ của người đàn ông. Chiếm hữu nô lệ trong gia đình - đành rằng còn rất thô sơ và được che đậy – là hình thức sở hữu đầu tiên, một hình thức cũng đã hoàn toàn phù hợp với định nghĩa của các nhà kinh tế học hiện đại nói rằng sở hữu là quyền tự do chi phối sức lao động của của người khác…”. Theo các nhà sử học, con người sau hàng triệu năm sống trong tình trạng quần hôn (cộng sản nguyên thuỷ?) mới biết sống theo từng gia đình riêng lẻ; mà hình thức gia đình ban đầu kéo dài hàng nhiều nghìn năm là hình thức gia đình mẫu hệ, tức là người đàn bà sở hữu người đàn ông, chi phối các ông chồng của mình (thậm chí nô lệ hoá các ông chồng) chứ không phải ngược lại như Marx nói ở trên. Đưa ra một khái quát khá tuỳ tiện là hình thức sở hữu đầu tiên của loài người bắt đầu từ chuyện các ông chồng sở hữu, nô lệ hoá vợ và con cái, chứng tỏ Marx rất phi khoa học. Như chúng tôi đã viết ở các bài trước, hình thức sỡ hữu đầu tiên mang tính người, của loài người là hành vi tự ý thức: bản thân mỗi cá nhân biết mình chính là của mình, tức là sỡ hữu cá nhân, sở hữu bản thân của mỗi con người với chính nó là hình thức sở hữu khởi nguồn nhân loại. Sau đó, con người bước tiếp tới các sở hữu khác ngoài mình là sở hữu kẻ khác, chí ít là trong hành vi giao phối chọn lựa bạn tình. Loại sở hữu này đã có trong tự nhiên: các con vật đực khỏe mạnh sở hữu riêng các con cái trong bầy đàn để thoả mãn dục vọng truyền giống. Loài vật cũng biết tư hữu, sở hữu bạn tình, con đực khác nào dám liều lĩnh “đụng vào”, “sờ vào” các “em” của nó, nó sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền tư hữu con mái (cái). Ngay từ khi con người còn sống trong trạng thái quần hôn bầy đàn như súc vật, các con-người -đực khỏe mạnh đã biết sở hữu các con-người-cái hợp nhãn cho riêng mình. Con người còn biết sở hữu miếng ăn, sở hữu chỗ ở, sở hữu công cụ và phương tiện sản xuất, đâu phải đợi đến lúc xã hội chuyển sang sống thành gia đình mới sinh ra sở hữu đầu tiên là các ông chồng sở hữu vợ và con cái như Marx ngộ nhận? Vả lại, khi con người còn sống thành bầy đàn, bao nhiêu hình thức sở hữu đã xuất hiện cùng với nhân tính trước khi gia đình xuất hiện, như sở hữu bản thân, sở hữu bạn tình, sở hữu con cái của giống cái (các bà mẹ người sở hữu con mình ), sở hữu tổ ấm, sở hữu bếp lửa, nguồn nước, mũi lao, dụng cụ lao động và dụng cụ săn bắt…Việc Marx quy cho chuyện tự do sở hữu sức lao động của người khác mới là hình thức sở hữu đầu tiên của loài người là định kiến sai lạc, cốt áp đặt từ ‘bóc lột” là từ mang tính giả tạo rất chủ quan làm nên học thuyết “chôn tư bản” của Marx, tác hại vô cùng lên lịch sử hình thành và phát triển của loài người vậy. Khởi đầu, Marx đặt vấn đề có tính tiền đề “Lịch sử” như sau: “ …Việc xác định tiền đề đầu tiên của mọi sự tồn tại của con người, và do đó là tiền đề của mọi lịch sử, đó là : người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy, hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất trong những tư liệu để thoả mãn những nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất…”. Trong định đề này, Marx lặp lại cái sai của nhận thức luận về con người: cái ăn là hành vi lịch sử đầu tiên mang tính người. Từ đó, Marx nâng lên thành “hành vi lịch sử đầu tiên là sản xuất là đời sống vật chất”, như là một học thuyết: “vật chất luận”, “miếng ăn luận”. Loài vật trong tự nhiên cũng phải tuôn theo quy luật sống còn này: ăn để tồn tại và duy trì nòi giống? Lấy gì làm ranh giới phân biệt giữa loài vật và loài người ở vạch xuất phát “miếng ăn”, vạch xuất phát sản xuất ra đời sống vật chất để sinh tồn đây? Thưa rằng, loài vật lao động tìm miếng ăn theo thuần tuý bản năng tự nhiên. Loài người cũng tìm miếng ăn theo bản năng sinh tồn tự nhiên, nhưng là một bản năng đã được ý thức hoá, tức bản năng đã được thuần dưỡng bởi ý thức về chính nó, ý thức về tự nhiên và ý thức về đồng loại, tiến lên một bước nữa là ý thức về gia đình - xã hội. Loại bỏ ý thức và tự ý thức của con người ra khỏi khởi nguồn tiến hoá của nó, để thay bằng hành vi “miếng ăn” còn ban sơ thú vật, Marx đã toan từ chối khát vọng làm người của chính con người đang muốn vươn lên cao hơn bản năng tự nhiên, chế ngự và làm chủ bản năng bằng ý thức, ý chí, bằng tư duy hình tượng đang hình thành tư duy khái niệm, để tạo thành những hình thái ý thức xã hội mới vinh danh con người là tôn giáo, chính trị, đạo đức, luật pháp, giáo dục, văn nghệ… Vì sao Marx lại chối bỏ ý thức của con người xuất hiện như là hành vi nhân tính đầu tiên, để phân biệt thú vật và con người, là hành vi lịch sử đầu tiên giúp con người thoát khỏi bản năng thú tính? Đơn giản vì Marx đã đúc sẵn cái khuôn duy vật cứng nhắc, nên cái gì cũng phải tuôn theo “tính tất yếu lịch sử” do ông áp đặt lên các sự vật, nên ông phải phủ nhận vai trò quyết định của ý thức tạo nên tính người mà quy vào hành vi “miếng ăn” là hành vi lịch sử đầu tiên của người và xã hội loài người như ông ngộ nhận! Marx tiếp tục bàn về “lịch sử người” như sau: “Điểm thứ hai là bản thân cái nhu cầu đầu tiên đã được thoả mãn, hành động thỏa mãn và công cụ để thoả mãn mà người ta đã có được –đưa tới những nhu cầu mới; và sự sản sinh ra những nhu cầu mới này là hành vi lịch sử đầu tiên”. Viết như thế này, Marx vẫn quanh đi quanh lại theo kiểu con người nói cho cùng là một loài không dừng lại ở những thoả mãn nhu cầu vật chất sẵn có, nó ngày càng đòi hỏi những nhu cầu vật chất khác mới hơn…Tức là, con người vì có ý thức, nên nó khác các loài vật là luôn phải tìm tới những hình thức thoả mãn mới hơn. Nhưng vì Marx sợ từ “Ý thức”, sợ con vượn người có ý thức, lấy ánh sáng ý thức từ biệt lốt thú tăm tối của mình, dùng ý thức chế ngự bản năng, vươn lên làm người thì sẽ hỏng cả quy trình sẵn có của chủ nghĩa Marx đã được tuyệt đối hoá, tất yếu hoá, sơ đồ hoá bằng kết luận: “tồn tại người ” quyết định “ý thức người” vậy! Marx tiếp tục “lịch sử luận” về giống người, như sau: “Quan hệ thứ ba tham dự ngay từ đầu vào quá trình phát triển lịch sử : hằng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở -đó lá quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình”… Khái quát này của Marx có thể áp dụng cho nhiều loài chim và thú có đời sống độc thê, ví như chim thiên nga là loài sống đời sống một vợ một chồng cho đên chết, chứ cứ gì là hình thức lịch sử riêng của loài người như Marx “khái quát khoa học” trên? Một cái sai căn bản của Marx là ông đã đuổi cổ một số hình thái ý thức xã hội như chính trị, tôn giáo… ra khỏi tiến trình lịch sử của con người, tuyệt đối hoá vai trò “sản xuất vật chất”, coi “sản xuất vật chất” chính là lịch sử, tước đoạt hoàn toàn lịch sử tinh thần của loài người, khiến loài người theo kiểu Marx là loài người đất sét, một thứ loài người còn nguyên bầy đàn vượn khỉ, không hề có đời sống tinh thần tham dự, ví như ông viết: “ Như vậy là ngay từ đầu, đã có một liên hệ vật chất giữa người với người, mối liên hệ này bị quy định bởi những nhu cầu và phương thức sản xuất và cũng lâu đời như bản thân loài người - một mối liên hệ không ngừng mang những hình thức mới, và do đó, là “lịch sử” – mà hoàn toàn không cần có bất cứ điều nhảm nhí nào về chính trị, hoặc về tôn giáo gắn bó thêm con người lại với nhau”! Lịch sử con người là lịch sử của cả đời sống tinh thần và đời sống vật chất hòa quyện với nhau, trong đó yếu tố “sản xuất ra của cài vật chất” chỉ là một mặt, một thành tố, trong những thành tố khác tạo nên con người và lịch sử người gồm các hình thái ý thức xã hội khác ví như chính trị, tôn giáo, đạo đức, nghệ thuật… Tuyệt đối hoá vai trò “sản xuất ra của cải vật chất” chính là lịch sử, coi “miếng ăn” là hành vi đầu tiên và cuối cùng của con người và lịch sử loài người như Marx ngộ nhận, phải chăng chủ nghĩa Marx đi từ chỗ xóa tư hữu, xóa ý thức người đã tiến lên xoá luôn cả lịch sử loài người như một học thuyết phản tiến hoá, phản khoa học, phi nhân bản nhất từ trước tới nay? Điều đáng buồn thay là học thuyết xóa cá nhân, xóa lịch sử này của Marx đang được ĐCSVN tôn lên là tôn giáo độc nhất, bắt cả dân tộc chúng ta phải tin theo, không ai được phép phê bình, tranh luận, ai không theo đạo Marx, không tin Marx thì Đảng bắt bỏ tù. Đảng còn bắt các thế hệ học sinh suốt 50 năm nay phải học thứ chủ nghĩa ngoại lai phản khoa học này từ trung học tới đại học, gây tổn thất lớn cho đất nước, phá hoại tinh thần nhân bản và truyền thống yêu nước thương nòi của cha ông, hơn một đại thảm họa cho giống nòi, thì xin giời cao đất dày chứng dám... Sài Gòn, 20-03-2006 |
||||||||
|