Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!
Trở về trang chính

Thư ngỏ gửi nhà thơ Hữu Thỉnh và ông Sĩ Ẩn

Thư ngỏ gửi nhà thơ Hữu Thỉnh và ông Sĩ Ẩn

Trần Mạnh Hảo


Nhà văn Trần Mạnh Hảo góp ý lần thứ XII với "Bản dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đảng X": Có phải đảng cộng sản Vịêt Nam đã "nhanh tay túm tóc dân tộc Việt Nam" lôi đi xềnh xệch suốt 61 năm qua?

Kính thưa: Nhà thơ Hữu Thỉnh - Tổng biên tập báo Văn Nghệ, kiêm Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, kiêm Bí thư Đảng Đoàn Hội, kiêm dân biểu Quốc Hội và kiêm nhiều chức vụ quan trọng khác.

Kính thưa: Ông Sĩ Ẩn - cựu đảng viên ĐCSVN, cựu tù chính trị trong nhà tù cộng sản (hai lần) vì “tội âm mưu lật đổ chế độ XHCN ”; nay ông hối cải, tố cáo cho Đảng thêm một tên “phản động” khác.

Thưa hai vị,

Báo “Văn Nghệ” của Hội nhà văn Việt Nam do nhà thơ Hữu Thỉnh làm tổng biên tập, số 14, ra ngày thứ bảy 08-04-2006, trên trang 2, có in bài: Gửi nhà thơ Trần Mạnh Hảo của tác giả Sĩ Ẩn. Nhận thấy bài báo nói về chúng tôi có nhiều điểm chưa thỏa đáng, thiếu khách quan, chụp mũ, không trung thực, chúng tôi (tức Trần Mạnh Hảo) xin được trao đổi lại bằng các phần mang dấu hiệu : a), b) như sau:

a) Kết tội người ta mà không nêu bằng chứng, là lối ứng xử mọi rợ:

Chúng tôi xin trích lời ông Sĩ Ẩn: “Trong bài viết này tôi muốn trao đổi với TMH đôi điều suy nghĩ của tôi về những điều TMH đã nói trong “Cuộc hỏi cung dân chủ” …” Tôi thấy TMH đã đi quá xa rồi đấy”…” Phủ nhận công lao của Đảng CSVN, thậm chí có những lời thô lỗ với Đảng CSVN, TMH đã xúc phạm đến phần thiêng liêng nhất của rất nhiều, rất nhiều người Việt Nam, nếu không nói là cả dân tộc Việt Nam…”

Bằng lời kết tội vô căn cứ này, báo Văn Nghệ và ông Sĩ Ẩn đã chụp mũ chúng tôi một cách thiếu trung thực. Trong bài:Một cuộc hỏi cung dân chủ và 10 bài “Góp ý với bản dự thảo báo cáo chính trị của đại hội đảng X”, chúng tôi đã “góp ý” với ĐCSVN bằng cả tri thức với tâm huyết của mình. Vì chính Đảng CSVN yêu cầu nhân dân góp ý, chứ không phải tự dưng tôi nhảy ra góp ý khi không có ai khiến. Mà với tôi, đã góp ý, đã nói là nói hết lòng, nói hết suy nghĩ của mình tích tụ mấy mươi năm về mọi điều, không kiêng kị gì hết. Nguyên tắc của tôi trong 11 bài “Góp ý” là: tuyệt đối không chống báng ai, chỉ nói lên sự thật. Mà sự thật thì không biết chống đối ai, không bôi nhọ ai, trừ sự dối trá. Công lao của ĐCSVN nếu có thật thì một con kiến gió như tôi làm sao mà phủ nhận nổi đỉnh Thái Sơn, làm sao mà bôi bẩn nổi mặt trời? Sao báo Văn Nghệ và ông Sĩ Ẩn lại đi lo bò trắng răng là hà cớ làm sao?

Ngay cả con khủng long Đế Quốc Mỹ kia, thực dân xâm lược Pháp kia, bọn bành trướng Bắc Kinh tàn ác vô song mà đảng CSVN coi là kẻ thù truyền kiếp năm 1979 kia, đã từng dùng vũ lực để muốn xóa bỏ ĐCSVN hàng mấy chục năm trời, mà Đảng còn đâu có chấp, còn cười hề hề cho qua mọi chuyện, nay lại bắt tay bắt chân rải thảm đỏ mời Pháp, Mỹ, bành trướng Bắc Kinh vào để kết nghĩa vườn đào chén chú chén anh, đặng vay cho nhiều tiền để các đàn em của đảng thả cửa tham nhũng, lấy của quốc gia đi vay nợ mà ăn chơi phè phỡn, ví như chỉ trong một tuần, một tay đàn em cóc nhái Bùi Tiến Dũng đã lấy tiền ODA tới 07 triệu đô la đánh bạc, thì chuyện Trần Mạnh Hảo góp ý với Đảng, dù có muốn nói xấu đảng tới đâu đi nữa, phỏng có ăn thua gì so với những chuyện tày trời của “khối - u - ác - tính - chính - trị - vĩ - mô PMU 18 “ kia, mà các ông khui ra nhằm đánh lạc hướng dư luận, hay muốn tâng công với đảng kiếm chút cháo cuối đời?

Nhưng các ông muốn quy tội tôi trong bài: "Một cuộc hải cung dân chủ" thì chí ít, cũng phải lương thiện một chút, là in kèm bài viết kia của tôi bên cạnh bài báo kết tội của ông Sĩ Ẩn, để bàn dân thiên hạ cùng công khai phán xét xem ai sai ai đúng? Ông Hữu Thỉnh và báo của Hội Nhà Văn đưa Trần Mạnh Hảo ra tuyên án trước công luận mà không trưng bằng chứng là bài báo “Một cuộc hỏi cung dân chủ”, tức in kèm làm “vật chứng” –“Tội chứng” là lối xử án quen thói của chế độ độc tài, quân phiệt - một lối xét xử rất mọi rợ của xứ sở chưa thành văn, chưa thành người. Bao nhiêu anh em trí thức văn nghệ sĩ suốt từ năm 1954 đến nay đã bị “đánh”, bị “toà án công luận xét xử” từ báo Nhân Dân đến báo Văn Nghệ… kết tội theo kiểu ứng xử mọi rợ là thế! Mà thê thảm thay, các nhà văn (hay báo của Hội Nhà Văn) - những danh hiệu cao quý vô cùng, sao lại đi khom lưng, tư duy nơi đầu gối: ton hót, thớ lợ, nịnh bợ, làm gia nô cho cái chế độ chưa thành văn, chưa thành người này mới là điều kinh ngạc nhất mà thôi?

Nếu thời những năm ba mươi của thế kỷ XX, Hồng Công là chế độ cộng sản như Việt Nam hiện nay, chứ không phải chế độ tư bản thuộc Vương quốc Anh, thì ông Nguyễn Ái Quốc đã bị treo cổ, chứ không phải được tha bổng trước tòa án đế quốc, vì nhờ có vị luật sư là một người Anh cãi giùm. Năm 1925, nếu “mẫu quốc Đại Pháp” lúc đó là chế độ cộng sản như Việt Nam hiện, thì ông Nguyễn Ái Quốc đã bị treo cổ vì dám tự do in và phát hành giữa Paris cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Những năm năm mươi của thế kỷ XX, nếu chính quyền Batixta là chế độ cộng sản như Việt Nam hiện nay, thì ông Fidel Caxtro đã bị xử tử sau vụ khởi nghĩa vũ trang bất thành, chứ làm sao chế độ kia lại cho ông tự mình bào chữa trước tòa, để được tòa giảm án tử hình xuống án tù, thì làm gì ông độc tài này còn sống đến ngày nay mà cầm tù các nhà bất đồng chính kiến và thành “ông vua cộng sản” trị vì lâu nhất thế giới từ suốt 5000 năm lịch sử nhân loại?

Nếu các nước châu Âu thế kỷ thứ XIX cai trị theo kiểu các chế độ cộng sản như Việt Nam ngày nay, thì Marx và Engels cũng bị treo cổ lâu rồi, làm gì còn chủ nghĩa cộng sản để các ông độc tôn, độc đảng, độc quyền, độc diễn, độc tài dùng làm bình phong mà ứng xử với nhân dân mình như chủ nô với nô lệ thế này?

Việc ông Sĩ Ẩn dọa chúng tôi, ngầm mách (tâu) với đảng rằng thằng này còn phản động hơn em hồi ấy, rằng: “Tôi thấy TMH đã đi quá xa rồi đó!”. Thưa ông Sĩ Ẩn và ông Hữu Thỉnh, Đảng CSVN kêu gọi góp ý thì tôi góp ý, tôi nói hết sự thật về đảng, nói toẹt ra sự thật như chú bé của câu chuyện “ ông vua cởi truồng” của Andexen, sao ông lại ngầm ví việc làm danh chính ngôn thuận này của tôi với việc ông khoe mình từng “ Hai lần ngồi tù dưới chế độ Cộng Hòa XHCNVN vì bị ghép cái tội “âm mưu lật đổ chế độ” “ thì có vẻ không được lương thiện cho lắm, thưa hai ông?

Việc Trần Mạnh Hảo “góp ý”dù hơi bị nhiều cho “Bản dự thảo báo cáo chính trị đại hội X” đâu phải là hành vi “âm mưu lật đổ chế độ XHCN” như “tội” ông Sỉ Ẩn xưa mà ông mượn chuyện này để gián tiếp kết tội tôi một cách tuỳ tiện, vô bằng cớ như thế; để rồi các ông không trưng ra chứng cứ là bài viết trên các website hải ngoại của chúng tôi, thì thử hỏi bài báo này của các ông có phải là một kiểu chỉ điểm, một cách vu khống trắng trợn, phản bội lại cái lý tưởng nhân văn mà các nhà văn chúng ta thề thốt vươn tới?

Ông Hữu Thỉnh và ông Sĩ Ẩn cùng tờ báo Văn Nghệ là các công cụ của ĐCSVN, các ông có ở sau lưng cả một chế độ chuyên chế hàng đầu thế giới : chế độ này có quân đội, vũ khí, công an, nhà tù, các biện pháp trấn áp nhân dân, trấn áp tư tưởng vĩ đại hàng đầu Đông Nam Á châu. Các ông ở thế mạnh thượng phong, muốn bắt ai, muốn giết ai, muốn kết tội ai mà không đưa ra bằng chứng cũng chẳng ai dám làm gì các ông, sao các ông lại sợ một bài báo bé nhỏ của tôi là bài “Một cuộc hỏi cung dân chủ” mà không dám cho in lại bên cạnh bài báo của ông Sĩ Ẩn kết án tôi và kết án bài báo của tôi?

Bản thân Trần Mạnh Hảo tôi là một kẻ yếu đuối, không có bom nguyên tử, không có một tấc sắt trong tay, yếu đến nỗi mà giun dế quanh nhà tôi còn phải rên rỉ, còn phải cười vào mũi tôi rằng sao mày yếu thế, yếu đến mức làm cóc nhái cũng phải coi thường, thế thì có gì mà các ông (và ĐCSVN vĩ đại) của các ông phải sợ, phải sợ hãi một bài báo bé nhỏ của tôi mà không dám công khai cho đăng lại để mọi người cùng phán xét, trong khi các ông công khai tấn công bài báo của tôi một cách không lấy gì làm mã thượng, thì các ông không còn ra cái mặt “ phương diện quốc gia” nữa rồi!

Vâng, tôi xin lấy danh dự mà thưa với các ông, thưa với ông Hữu Thỉnh –cán bộ cao cấp của ĐCSVN, ông Sĩ Ẩn (chiến sĩ công an ẩn mình trong cái vỏ anh tù chính trị từng có tội lật đổ chế độ cộng sản), thưa với cả hệ thống công an nhà tù vĩ đại của các ông rằng : các ông sợ hãi bài báo bé nhỏ (Một cuộc hỏi cung dân chủ) của tôi mà không dám công khai cho đăng bên cạnh lời buộc tội nó, chỉ vì các ông sợ sự thật! Các ông đang có cả đất nước, quân đội, công an, nhà tù, các phương tiện đàn áp thể xác và đàn áp tâm hồn (tinh thần), nhìn bên ngoài tưởng mạnh vô song, nhưng bên trong thì xin lỗi, các ông yếu như sên vì cái ông không có sự thật trong tay!

Bản thân Trần Mạnh Hảo tôi tuy bé nhỏ trong thân phận con sâu cái kiến, bên ngoài yếu đuối đến nỗi chó mèo còn phải bật cười, nhưng bên trong thì tôi mạnh hơn các ông tỷ lần vì tôi có sự thật trong tay, có sự thật làm hậu thuẫn! Các ông có thể bắt bỏ tù tôi, thủ tiêu tôi bằng cách cho xe cán giữa đường, ném xuống sông, hay bỏ thuốc độc, thậm chí tuyên án tử hình tôi song các ông đừng hòng bỏ tù được sự thật, tiêu diệt được sự thật dưới mặt trời này! Đấy là bi hài kịch mang tính lịch sử của chế độ các ông!

Chính vì vậy mà tôi dám thách cả chế độ của ĐCSVN các ông, thách cả Bộ chính trị, thách cả Ban chấp hành trung ương ĐCSVN, thách cả các nhà văn đảng viên (bảo thủ) của ĐCSVN tranh luận với tôi công khai về tất cả mọi điều hệ trọng của đất nước, dân tộc xoay quanh tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá của xã hội Việt Nam hôm nay, xoay quanh 11 bài góp ý của tôi, tranh luận trên tất cả các diễn đàn trong nước và hải ngoại (trừ tranh luận trong đồn công an và trong nhà tù); mà các ông vì sợ hãi, vì đuối lý, vì không có sự hậu thuẫn của sự thật, nên đã hèn nhát “im lặng đáng sợ”(giả đò không biết, để rồi thò còng số tám ra “đối thụi”) trước lời thách đấu tranh luận hòa bình công khai của tôi?

Một xã hội dân chủ sẽ là một xã hội mạnh, một xã hội tranh luận với tự do báo chí và quyền tự do lựa chọn của nhân dân!

Một chế độ dù mạnh về vũ khí, về công an, nhà tù, trường bắn nhưng nó chỉ là chế độ độc tài phi dân chủ yếu kém không có tương lai. Nó là một chế độ yếu vì nó sợ sự thật, sợ chân lý, lấy bưng bít (bịt mắt, bịt mồm dân) làm cơ sở tồn tại; bởi nó vô cùng sợ sự thật, sợ công khai tranh luận, sợ đối thoại, chỉ biết một biện pháp duy nhất ứng xử với nhân dân là bắt bớ, tù đầy. Một chế độ như thế này chỉ thích nghi với thời kỳ xã hội loài người còn ở chế độ chiếm hữu nô lệ!

Vâng, một xã hội dân chủ là một xã hội tranh luận, đối thoại công khai, minh bạch mọi vấn đề, không mờ ám giấu giấu đút đút như phương án “giấu sự thật của loài mèo”, không bao giờ là một chế độ chuyên bắt nạt (ăn hiếp) nhân dân mình như chế độ của ĐCSVN luôn nói và làm ngược nhau hiện nay!

Xã hội tư sản, tư bản thời Marx- Engels là một xã hội dân chủ tự do vì nó thả cửa cho Marx-Engels phê phán triệt để chủ nghĩa tư bản ngay giữa thủ đô của tư bản là Luân Đôn. Xã hội tư bản thế kỷ thứ XIX thời Marx rất tự do, cởi mở gấp trăm nghìn lần chế độ cộng sản hiện nay; xã hội ấy mặc cho hai vị cha đẻ học thuyết cộng sản này tha hồ ra báo, lập đảng phái, ra tuyên ngôn kêu gọi vô sản chôn sống chế độ tư bản mà chả có công an quân đội tư bản nào nào đàn áp, bắt bớ như công an Việt Nam hiện đang làm với các nhà đấu tranh cho tự do dân chủ hôm nay!

Trần Mạnh Hảo chỉ mới học tập tinh thần phê phán triệt để mọi điều, hoài nghi tất cả mọi điều của Marx-Engels mà phê bình ĐCSVN tí chút, hà cớ gì các ông lại giãy lên đành đạch như đỉa phải vôi mà kết tội tôi một cách mờ ám, thiếu văn hoá như thế?

b) “Cầm đèn chạy trước ô tô” là có tội ư? Sáng suốt hơn đảng, thông minh hơn đảng là có tội ư? 80 triệu quần chúng ngoài đảng không được quyền thông minh sáng suốt hơn 02 triệu Đảng viên ĐCSVN ư?

Chúng tôi xin trích lời ông Sĩ Ẩn: “Trong việc góp ý kiến tất có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Đó là chuyện bình thường, tất yếu.Tổ chức đảng phải lắng nghe, tổng kết và trả lời về những ý kiến đóng góp đó. Điều gì chấp nhận, điều gì phải để nghiên cứu, điều gì phải cần tranh luận để sáng tỏ chân lý. Tôi nghĩ rằng đó là cách làm nghiêm túc nhất. Chắc chắn tổ chức đảng sẽ không cần chúng ta “cầm đèn chạy trước ô tô” làm gì cho phí sức”.

Viết như thế này, hẳn ông Sĩ Ẩn một người làm thơ (đang phấn đấu vào Hội Nhà Văn V.N.– Có người nói ông SA viết bài “tố” TMH này như một cái đơn xin vào Hội đắc địa nhất !?) không hề học lý luận văn học Marxism hay sao? Lý luận văn nghệ Marxism đề cao vai trò nghệ sĩ nói chung và nhà văn nói riêng; rằng nghệ sĩ, nhà văn, các anh, các đồng chí là người đi trước thời đại, nhà tiên tri, cánh chim báo bão, là tiên cảm lớn về thời đại lớn, là ngọn đuốc của nhân dân, là tiếng loa của giai cấp, là kẻ đến trước tương lai nhân loại! Việc “cầm đèn chạy trước ô tô” là thiên chức của nhà văn đấy! Sao ông Sĩ Ẩn lại nói Đảng CSVN không khiến ai cầm đèn chạy trước cái ô tô vốn đã hư hỏng cả hệ thống đèn là ĐCSVN, thì rõ là ông không hiểu thiên chức nhà văn rồi!

Việc ông Sĩ Ẩn ví von ĐCSVN là cái ô tô kể ra hơi bị khập khiễng mà xem ra có vẻ có lý. Nhưng cái ô tô ĐCSVN này đi đêm hình như không có đèn, hay là có đèn mà người lái lạc đường, nên đã lôi đất nước vào những con đường chông gai xương máu đói khổ nhất mấy mươi năm so với các nước không có ĐCS lãnh đạo. Nên cái ô tô thiếu đèn, người lái không thuộc đường này đi lạc vào con đường XHCN làm nhân dân chết đói; may quá, chiếc “Ô tô ĐCSVN” cùng đường nên đã quay ngược lại, mon men tiến vào con đường tư bản chủ nghĩa mới có hai mươi năm mà dân chúng đã có tí cơm ăn; lại định hướng quay lại con đường chết đói XHCN ngày xưa, thì cái ô tô toàn đi số lùi này và người cầm lái chắc chắn là đang có vấn đề về thần kinh chứ chẳng chơi?

Ông Sĩ Ẩn viết tiếp: “Những suy nghĩ của tôi dẫn tới sự cố tôi vào tù, thực tế sau đó đã được thể hiện trong nội dung nghị quyết đại hội tám của ĐCSVN, tức là sự đổi mới trong chính sách kinh tế và sự cởi mở về chính trị, ngoại giao…Không ai ghi công cho tôi…”

Tức là ông Sĩ Ẩn đã thấy trước, đã thông minh sáng suốt hơn ĐCSVN nên Đảng mới bắt ông bỏ tù! Người xưa dạy: “Nói phải củ cải cũng nghe!”. Ông Sĩ Ẩn nói phải, nhìn thấy lỗi lầm của ĐCSVN và nói ra cái ý xây dựng, khuyên Đảng nên nghe lời góp ý của dân, vì “ý dân là ý trời”; nhưng ĐCSVN không có lỗ tai của củ cải; nên ông Sĩ Ẩn chứ dân với trời mà nói không ngọt tai đảng, đảng cũng bắt tuốt ! Đảng tự cho mình là bố ông trời, là chân lý nên không bao giờ nghe lời góp ý của nhân dân. Nếu ai dám góp ý, dám nói lời hay lẽ phải, tỏ ta thông minh sáng suốt hơn đảng thì đảng bắt bỏ tù liền. Ông Sĩ Ẩn có tội là dám cầm đèn toan dẫn đường cho “chiếc ô tô mù là ĐCSVN” nên Đảng tự ái bắt ông, vì đảng cấm 80 triệu dân không tên nào được quyền khôn hơn, thông minh và sáng suốt hơn đảng, vì đảng độc quyền chân lý, độc quyền sai lầm và độc quyền cả tội ác; đảng bắt hết người trung (trung thần) dám “can vua – can đảng”, mặc dù ý định can ngăn này của ông Sĩ Ẩn mới “ở trong ý nghĩ”!

Đảng giống một con người tự vỗ ngực cho mình là nhất thế giới, nhất thiên hạ, phán ra điều gì là chân lý, làm điều gì là không thể sai, ai dám có ý khuyên can, góp ý kiểu Sĩ Ẩn là bắt thì thử hỏi con người này còn có thể làm người nổi không? Mặc dù sau này Đảng làm theo cái hướng chỉ đường của kẻ trong tù kia, đảng vẫn không xin lỗi hay có lời giả lả với người đã sáng suốt hơn mình, thì thử hỏi con người kiêu ngạo phách lối kia, đảng kia có là con người tử tế, đảng tử tế, con người lương thiện, đảng lương thiện hay không?

Thế mà ông Sĩ Ẩn vẫn yêu đảng được thì chúng tôi xin bái phục ông sát đất; rằng sau khi ông góp ý rất đúng (sau này đảng làm y như lời ông góp ý) mà đảng vẫn bắt ông bỏ tù, nên ông an ủi mình theo kiểu ví đảng với cô gái mà ông yêu : “…Tôi nghĩ mình chỉ là một kẻ si tình đã ngỏ lời yêu và hôn một cô gái quá sớm, khi tình yêu chưa chín muồi nên đã bị ăn một cái tát nảy đom đóm mắt…”.

Rất tiếc ĐCSVN không có vẻ dễ thương như cô gái mà ông Sĩ Ẩn yêu “bỏ qua giai đoạn quá độ” kia nên bị ăn tát nổ mắt!

Ở chỗ này, ông Sĩ Ẩn mượn chuyện TMH mà bày tỏ nỗi đau và niềm tủi nhục vô biên của mình khi làm một người dân dám khôn hơn đảng, nên đã bị trả giá bằng tù đầy ra sao. Qua đây, chúng ta cùng ngậm ngùi thương cho ông Sĩ Ẩn bị đối xử tàn nhẫn và ai ai cũng thấy đãng ta qủa là quá ác!

Có lẽ, ông Sĩ Ẩn mượn chuyện mình mà nhắc chúng tôi đừng dại dột nghe đảng xui “góp ý” rồi ăn cùm, ăn còng đấy! Biết đâu, ông Sĩ Ẩn lại ngầm khuyên chúng tôi hãy ôm đảng mà hôn có khi hay hơn trần lưng ra “Góp ý” TMH ơi! Thưa, “em” chả dám ôm hôn một bà già 76 tuổi (hồi S.A. ôm bà hôn, bà còn con gái) xấu xí, hom hem, hơi bị thần kinh, cáu gắt thất thường, suốt đời chẳng bao giờ biết đối thoại hay tâm sự với các tình nhân kiểu Sĩ Ẩn, mà chỉ nhăm nhăm một “định hướng nhà tù”: nhốt hết đứa nào dám yêu bà kiểu chơi trèo như Sĩ Ẩn ngày xưa!

c) Qua sự ví von của Sĩ Ẩn: Có phải ĐCSVN đã túm tóc dân tộc Việt Nam lôi đi xềnh xệch suốt 61 năm (1945-2006), sau khi túm tóc dân tộc ta lôi từ dưới sông lên?

Nhìn hình thức cách ví von này, ta thấy ông Sĩ Ẩn quả là “thiên tài nịnh đảng”: “Trần Mạnh Hảo cho rằng: Tình thế lúc đó (8-1945), Nhật đã đầu hàng quân đồng minh và đã trao lại độc lập cho Việt Nam; ĐCSVN chỉ nhanh tay mà chiếm được. Nghe lập luận của TMH tôi chợt nhớ đến một chuyện vào mùa đông năm 1949, trong một đêm hành quân vượt sông Đà về bao vây địch ở thị xã Hòa Bình, tôi bị trượt chân ngã xuống sông và bị dòng nước xoáy nhấn chìm. Có tới 5 – 6 anh bộ đội đã nhảy xuống sông cứu tôi, nhưng chỉ có một anh “ nhanh tay” túm được tóc tôi lôi lên bờ. Tôi cảm ơn anh đã nhảy xuống sông cứu tôi…Với anh bộ đội đã nhanh tay túm tóc tôi lôi lên bờ, tôi coi đó là ân nhân cứu sống tôi. Và tôi rất biết ơn anh ấy. TMH phủ nhận công của ĐCSVN và cho việc lãnh đạo thắng lợi cuộc Cách mạng tháng 8 (CMT-8) – 1945 của đảng chỉ là sự “nhanh tay”…”…..” Suốt đời tôi vẫn nhớ anh bộ đội đã túm được tóc tôi và lôi lên bờ cứu tôi khỏi chết đuối ở sông Đà năm 1949. Còn hơn thế nữa, dân tộc Việt Nam đã ghi công và nhớ ơn ĐCSVN đã tổ chức và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thành công giành độc lập - tự do cho đất nước…”

Thật là thống thiết thay văn phong của một người làm thơ sắp được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam là ông Sĩ Ẩn , kẻ đã dùng lối ví von sinh tử này để thể hiện tấm lòng biết ơn trời bể của ông với ĐCSVN đã cứu mạng ông và cứu mạng cả dân tộc, đã gần như đồng số phận với ông là cùng bị rơi xuống sông tí chết đuối!?

Hình ảnh ông Sĩ Ẩn bị rơi xuống sông sắp chết đuối, được đồng đội “nhanh tay túm tóc” lôi lên bờ được dùng làm tâm điểm của bài báo “tố” TMH, đặng dùng để ví với số phận của dân tộc Việt Nam chừng như cũng bị rơi xuống sông và may mắn thay, nhờ ĐCSVN “nhanh tay” nhảy xuống sông túm tóc cả một dân tộc mà lôi lên bờ vào tháng 8-1945; nếu không dân tộc ta, Tổ Quốc ta đã vĩnh viễn bị chết đuối hết, thì chẳng còn ai cho ĐCSVN lãnh đạo, khiến ĐCSVN đành thất nghiệp tới 61 năm ư?

Viết như thế này, tưởng trên đời không còn ai nịnh ĐCSVN hay bằng ông Sĩ Ẩn và Báo Văn Nghệ! Nghĩa là, nếu không có ĐCSVN thì dân tộc Việt Nam đã chết đuối hết rồi! Công ơn của ĐCSVN là công ơn cứu mạng, sinh thành, tái tạo ra dân tộc Việt Nam. Nghĩa là nếu không có ĐCSVN thì dân tộc Việt Nam đã chấm hết từ năm 1945! Cho nên ĐCSVN luôn có thái độ “quan phụ mẫu” với nhân dân Việt Nam thì quả tình là hợp lý; vì Đảng ngầm bảo: không có chúng ông “nhanh tay túm tóc cả dân tộc chúng mày lôi lên bờ” như ta từng lôi tên Sĩ Ẩn nhãi nhép kia, thì liệu dân tộc An Nam mít nhà chúng mày có còn không? Việc Đảng coi nhân dân Việt Nam như con cái trong nhà mà quát tháo roi vọt với dân thì cũng là dễ hiểu, vì đảng có quyền làm như vậy, nghe chưa?

Nhưng xin thưa với ông Sĩ Ẩn và ông Hữu Thỉnh chớ mừng vội vì hình ảnh ví von kia, ví rằng ĐCSVN đã “nhanh tay túm tóc dân tộc Việt Nam” mà lôi lên bờ khỏi chết đuối kia có khi là “biểu tượng hai mặt” đấy, là con dao hai lưỡi đấy, thưa hai ông?

Chúng tôi xin hỏi hai ông: các nước Đông Nam Á như Mã Lai (Malaysia), Nam Dương (Indonesia), Phi Luật tân (Philipines), Singapore, Thái Lan… năm 1945 cũng hoàn cảnh y như Việt Nam, nghĩa là cũng bị quân Nhật chiếm đóng, quân Nhật đầu hàng, quân Nhật trao trả lại chính quyền cho người bản xứ; nhưng các nước này không có đảng cộng sản “nhanh tay túm tóc các dân tộc” này mà lôi lên bờ như ĐCSVN đã làm với dân tộc ta, chắc các dân tộc này đã chết đuối hết hay sao?

Chúng tôi xin đưa ra một giả dụ: nếu năm 1945, Việt Nam không có ĐCSVN “ nhanh tay túm tóc dân tộc lôi lên bờ” thì giờ đây, có lẽ nước ta tiến cũng ngang bằng với Thái Lan, Singapor…chứ đâu có tụt hậu thê thảm thế này, nhục nhã vì không có dân chủ tự do hạnh phúc thế này, đau khổ hi sinh mười mấy triệu dân vì bốn cuộc chiến tranh rưỡi thảm khốc do ĐCSVN liên kết với Nga Tàu, nhận ý thức hệ cộng sản từ Nga Tàu, nhận tiền, nhận súng ống Nga Tàu (theo thơ Tố Hữu: “Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa / Vui gì hơn làm người lính đi đầu”) gây ra?

Vâng, chúng tôi biết, với lịch sử thì không có chuyện giả sử! Nhưng vì lịch sử đang bị các ông bóp méo, xuyên tạc, quy hết công trạng của cả dân tộc, của nhiều đảng phái làm nên cuộc CMT-8 vào tay ĐCSVN! Các ông còn đưa ra hình ảnh ví von: ĐCSVN đã “nhanh tay túm tóc dân tộc Việt Nam lôi lên bờ khỏi chết đuối”!

Chúng tôi xin khẳng định: không có ĐCSVN, vẫn có, vẫn còn dân tộc Việt Nam, vẫn có cuộc CMT-8 -1945, nhưng không có bốn cuộc chiến tranh rưỡi gây tang thương cho toàn dân tộc, không có sự tụt hậu nhất thế giới như hôm nay, không có một nền độc tài phản dân chủ, tham nhũng thối nát và dối trá như hôm nay, đàn áp nhân dân như hôm nay!

Chính ĐCSVN đang sắp đẩy dân tộc Việt Nam xuống sông, có cơ chết đuối vì tụt hậu, vì suy đồi văn hoá, vì toàn Đảng tham nhũng, vì mất tự do thì độc lập cũng vô nghĩa như lời ông Hồ báo trước, nay ta có thể mất nước vào tay bọn bành trường Bắc Kinh do Đảng liên kết với Tàu (bọn mà năm 1979, ĐCSVN từng coi là kẻ thù truyền kiếp của đất nước!)

Thưa ông Sĩ Ẩn và ông Hữu Thỉnh, chúng tôi bị ám ảnh nặng nề bởi hình ảnh ví von của các ông: ví ĐCSVN năm 1945 đã “nhanh tay túm tóc cả dân tộc Việt Nam lôi lên bờ” trong bài báo “Gửi nhà thơ Trần Mạnh Hảo”. Cho đến khi chúng tôi nhận được tin nhắn qua điện thoại của ông Sĩ Ẩn lúc 09 h 15 phút 03 giây ngày 08-04-2006, gửi qua số máy di động : +84909958663 (mà chúng tôi vẫn còn lưu tin nhắn này trong Mobile), như sau: “Ông có biết bà xã tôi đọc bài tôi viết bà ấy nói gì không? Bà ấy bảo, các vị bị ăn quả lừa rồi, ông với TMH chỉ là một “, thì tôi mới chợt phát hiện ra thâm ý cực kỳ sâu cay của ông Sĩ Ẩn chơi xỏ ĐCSVN một vố kinh khiếp!

Bây giờ thì tôi phục ông Sĩ Ẩn vô cùng! Chưa có ai đưa ra một ví von đúng (mà hay) với bản chất của ĐCSVN như ông: ĐCSVN năm 1945 đã “nhanh tay túm tóc dân tộc Việt Nam lôi lên bờ khỏi chết đuối”. Túm tóc cả một dân tộc lôi lên bờ thoát chết rồi, ĐCSVN tiện tay túm tóc cả dân tộc Việt Nam lôi đi xềnh xệch suốt 61 năm nay mà không hề quay lại hỏi rằng: nhân dân Việt Nam chúng mày có đồng ý đi theo sự chọn con đường XHCN của Đảng và Bác đã chọn hay không?

Sau này, thế nào cộng sản cũng không còn, chỉ cần vẽ lại trên tường tòa nhà quốc hội của Nước Việt Nam tự do dân chủ bức tranh tường vĩ đại, vẽ một một bọn người khoác áo đỏ, một tay cầm súng, một tay túm tóc cả dân tộc Việt Nam lôi đi xềnh xệch suốt 61 năm , thì không còn hình ảnh nào hay mà đúng để đời cho ngàn sau con cháu biết thế nào là chế độ cộng sản!

Ông Sĩ Ẩn quả có thù dai thật! ĐCSVN bắt ông bỏ tù hai lần vì “tội” ông nói đúng, nghĩ đúng; nhưng Đảng không cho ai có quyền phát hiện ra sự thật và chân lý trước Đảng; nay ông Ẩn ăn miếng trả miếng, thật xứng đào xứng kép! Ông quả là “Long Ẩn” chứ không phải Sĩ Ẩn đâu, thưa ông!

Chỉ thương cho ông Hữu Thỉnh bị ăn quả lừa vì nhẹ dạ yêu đảng quá mức trên giao! May mắn thay cho ông Hữu Thỉnh, hệ thống sắt máu nguyên đai nguyên kiện XHCN: Lê Duẩn - Lê Đức Thọ - Tố Hữu đã quy tiên cả; nếu không, ông có thể bị bỏ tù vì tội dùng ông Sĩ Ẩn bên ngoài giả vờ nịnh Đảng, để rồi bên trong, rình rình lừa đấm Đảng một cú thôi sơn rồi bỏ chạy, tí chết .,.
Sài Gòn, 13-04-2006
Gửi nhà thơ Trần Mạnh Hảo

Sĩ Ẩn

Trần Mạnh Hảo (TMH) ơi! Sĩ Ẩn đây! Sau mấy cuộc điện thoại với ông, tôi cứ suy nghĩ hoài và thấy cần thiết phải viết lá thư này vì có quá nhiều điều muốn tâm sự với ông.

Từ bài Trả lời phỏng vấn của cô Huệ trên Gió O đến bài Cuộc hỏi cung dân chủ lần này, tôi thấy TMH đã đi quá xa rồi đó! Bạn bè, nhiều người sửng sốt vì những điều ông nói. Có người tỏ ra lo lắng cho ông sớm muộn cũng gặp điều… nguy hiểm! Tôi không nghĩ thế. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà nhà nước pháp quyền và quyền dân chủ đang từng bước được thực thi, xây dựng tiến tới chân- thiện – mỹ, tức một xã hội công bằng - dân chủ - văn minh - dân giàu nước mạnh. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam công bố dự thảo Nghị quyết Đại hộỉ X và lấy ý kiến đóng góp của toàn dân là một biểu hiện cụ thể của quá trình dân chủ của đất nước ta. Trong việc góp ý kiến tất sẽ có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Đó là chuyện bình thường, tất yếu. Tổ chức Đảng phải lắng nghe, tổng kết và trả lời về những ý kiến đóng góp đó. Điều gì chấp nhận, điều gì cần phải để nghiên cứu, điều gì cần tranh luận cho sáng tỏ để bảo vệ chân lý. Tôi nghĩ rằng đó là cách làm nghiêm túc nhất. Chắc chắn tổ chức Đảng sẽ làm không cần chúng ta “cầm đèn chạy trước ô tô” làm gì cho phí sức.

Trong bàị viết này tôi muốn trao đổi với TMH đôi điều suy nghĩ của tôi về những điều TMH đã nói trong Cuộc hỏi cung dân chủ.

Tôi là một người ngoài Đảng. Nói cho đúng hơn, tôi đã từng là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam (CSVN) ngót 15 năm và đã từng là bí thư chi bộ một cơ quan Trung ương nhiều khóa. Về thành phần xuất thân ông nội tôi là Hàn lâm biên tu có trong tay hàng ngàn mẫu ruộng; ông ngoại tôi là tri phủ trong bộ máy cai trị của thực dân pháp. Không hiểu là “may” hay “rủi” cho tôi, bố tôi vì quá ham “đỏ đen” nên đã trở thành “bác thằng bần” từ khi tôi mới 3–4 tuổi. Và tuổi thơ của tôi cũng đầy long đong, lận đận; khi sống trong nhung lụa chốn cung đường nơi ông ngoại nhậm chức, khi bữa cơm bữa cháo chốn quê nhà. Cách mạng Tháng Tám thành công rồi kháng chiến bùng nổ, thế hệ trẻ chúng tôi ngày ấy bị cuốn vào dòng thác và tôi:

12 tuổi bước vào đời,
Theo đoàn vệ quốc ra nơi trận tiền

Được thử thách, rèn luyện trong khói lửa chiến tranh, tôi đã từng bước trưởng thành, được quân đội cho đi học, trở thành nhà báo. Và tôi cũng đã 2 lần ngồi tù dưới chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam vì bị ghép cái tội “âm mưu lật đổ chế độ”! Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khi trao giấy ra tù cho tôi, ông ấy nói: “Sự suy nghĩ và quan điểm, chính kiến của mỗi người là tuỳ ở mỗi người, không ai bắt ép được ai. Có điều mọi người phải theo là pháp luật. Ông có thể bảo lưu ý kiến của ông, nhưng trong thực tế cuộc sống ông phài tuân thủ pháp luật”.

Những suy nghĩ của tôi dẫn tới sự cố tôi vào tù, thực tế sau đó đã được thể hiện trong nội dung Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng CSVN, tức là sự đổi mới trong chính sách kinh tế và sự cởi mở về chính trị, ngoại giao: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”. Không ai ghi công cho tôi và tôi cũng không ngộ nhận đó là công của mình, tôi chỉ nghĩ mình chỉ là một kẻ si tình đã ngỏ lời yêu và hôn một cô gái quá sớm, khi tình yêu chưa chín muồi, nên đã bị “ăn một cái tát nổ đom đóm mắt” như nhà văn Lê Lựu đã từng ví von khi trả lời các nhà văn Mỹ về cái gọi là “nhân văn giai phẩm”. Ra tù, tôi bảo lưu ý kiến và trên thực tế qua Nghị quyết các Đại hội Đảng lần thứ VIII, IX, X Đảng đã âm thầm chấp nhận đề xuất của tôi mà một thời bị coi là “phản động”.

Tôi bị chế độ Cộng sản, chế độ do chính tôi đã góp phần xương máu xây dựng, nhốt vào tù – khi tôi ra tù, Vũ Thư Hiên, ông bạn ấy cũng vừa thoát khỏi 18 năm khổ sai, ông ta nói: “Tôi không hiểu vì sao nhà nước này lại nhân đạo với ông đến thế!”. Quả thực lúc đầu tôi cũng rất ngạc nhiên về điều đó. Trong khi tôi ngồi tù vì tội danh “âm mưu lật đổ Nhà nước XHCN Việt Nam” thì ở nhà, vợ tôi vẫn là đảng viên cộng sản, một chi uỷ viên và một trưởng ngành của huyện uỷ. Các con tôi vẫn được học hành và sau đó, 2 đứa con tôi đã và đang công tác ở Văn phòng Chính phủ. Chẳng ai thành kiến, vùi dập chúng. Cũng như các ông Phạm Khuê, Phạm Tuyên, con trai của vị Thượng thư triều Nguyễn, vẫn là giáo sư, nhạc sĩ, vụ trưởng rất nổi tiếng. Nền dân chủ của chúng ta còn chưa cao, chưa đầy đủ và còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thiện. Song, cũng đã là dân chủ đã là rất quý khi sống trên đất nước này, có không ít người hàng ngày vẫn lên tiếng “phản đối Đảng và Nhà nước”, phê phán quyết liệt, có khi còn “thoá mạ nữa như các nhà văn Hoàng Tiến, Bùi Minh Quốc, v.v... nhưng họ vẫn được sống đàng hoàng, nào có ai bị uy hiếp , thủ tiêu! TMH và tôi đang nói đây, cũng vẫn ngẩng cao đầu đi giữa trần gian trong chế độ Cộng hòa XHCN Việt Nam này! Có đúng vậy không TMH?

Trong Cuộc hỏi cung dân chủ, TMH phủ nhận tất cả mọi công lao của Đảng CSVN, ngay cả việc tổ chức và lãnh đạo thành công cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 đổi đời cho cả đất nước, cả dân tộc, đưa nhân dân ta từ kiếp nô lệ thành người của một đất nước độc lập – tự do. TMH cũng không coi đó là một “công lao” thậm chí còn coi đó là sự “cướp công” của người khác (cụ thể là Chính phủ Trần Trọng Kim). TMH cho rằng: Tình thế lúc đó Nhật đã đầu hàng quân đồng minh và đã trao lại độc lập cho Việt Nam; Đảng CSVN chỉ là nhanh tay mà chiếm được. Nghe lập luận của TMH tôi chợt nhớ đến một chuyện vào mùa đông năm 1949, trong một đêm hành quân vượt sông Đà về bao vây địch ở thị xã Hoà Bình, tôi bị trượt chân ngã xuống sông và bị dòng nước xoáy nhấn chìm. Có tới 5 – 6 anh bộ đội đã nhảy xuống sông cứu tôi, nhưng chỉ có một anh “nhanh tay” túm được tóc tôi, lôi tôi lên bờ. Tôi cảm ơn các anh đã nhảy xuống sông cứu tôi và cả những người đứng trên lo lắng cho tôi. Riêng với anh bộ đội đã “nhanh tay” túm tóc lôi tôi lên bờ, tôi coi đó là ân nhân đã cứu sống tôi. Và tôi rất biết ơn anh ấy.
TMH phủ nhận công của Đảng CS và cho việc lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng tháng 08/1945 (CMT8) của Đảng chỉ là sự “nhanh tay”. Tôi nghĩ rằng để có được sự “nhanh tay” ấy, Đảng CSVN đã phải tốn biết bao sự hy sinh suốt 15 năm trước đó và đó cũng là kết quả của sự hun đúc, tiếp thu kinh nghiệm của hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc ta và công sức, máu xương của hàng triệu đồng bào ta.

TMH lên án gay gắt Đảng CSVN “giết trí thức, giết người giầu”! TMH nhai đi nhai lại cái khẩu hiệu: “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc trốc tận rễ!”. Sự thật thì khẩu hiệu ấy chỉ là một sự ấu trĩ, sai lầm nhất thời ở một địa phương nhỏ và đã chấn chỉnh kịp thời – còn những sai lầm trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc, quả là rất nghiêm trọng, gây tổn thất lớn cho Đảng và nhân dân. Việc ấy Đảng đã tự phê bình nghiêm khắc, nhiều người lãnh đạo trong đó có cả Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhận kỷ luật. Và lần đó Đảng đã sửa sai khá triệt để. Thổi phồng, khoét sâu vào những sai lầm, tổn thất đã qua phỏng có ích lợi gì? Kết tội Đảng CSVN giết trí thức, giết người liệu có khách quan, có quá đáng không? Các đại trí thức như các giáo sư Hố Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, các đại quan của triều đình cũ như cụ Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hoè và con cái họ như các ông Phạm Khuê, Phạm Tuyên, Phạm Khắc Lãm v.v. v.v... cũng đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ, nhạc sĩ, những người lãnh đạo khá nổi tiếng đó sao? Với riêng tôi và gia đình tôi cũng vậy, ông ngoại tôi, nguyên là tri phủ Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) sau CMT8 được mời làm chủ nhiệm Việt Minh ở quê nhà (huyện Thư Trì, tỉnh Thái Bình), anh em trong họ tôi nhiều người vẫn vào Đảng CSVN, có người lên đến cấp Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhiều người là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Tôi nghĩ rằng: xem xét lý lịch xuất thân là cần thiết. Công tác nhân sự ở bất cứ tổ chức nào, quốc gia nào mà chẳng phải làm như vậy. Song, để không bị thành kiến thì lại phải do chính bản thân mình phải vượt lên. Chính sách đối với tri thức, việc trọng dụng người tài của Đảng CSVN còn có những thiếu sót. Song, nhìn vào đại thể, đường lối chiến lược của Đảng mà nói, thì đó là một chính sách ưu tiên, trọng dụng. Chính vì vậy mà ngay từ những ngày đầu sau CMT8 thành công, Đảng CSVN và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được đông đảo tri thức yêu nước trong nước và nước ngoài vào hàng ngũ Mặt trận Việt Minh sau này là Mặt trận Liên Việt và hiện nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các đại trí thức và nhiều đại quan của triều đình cũ, nhiều tướng lĩnh và viên chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn cũ như các ông Trung tướng Nguyễn Hữụ Có, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, trợ lý Tổng tham mưu Trưởng quân lực Viêt Nam cộng hòa cũng đã trở về hợp tác với chính quyền cách mạng, đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ mặt trận, theo cách mạng và kháng chiến. Con cháu họ đều không bị phân biệt đối xử, đã và đang trưởng thành, có người đã trở thành đảng viên Đảng CSVN, có người trở thành cán bộ lãnh đạo, có người trở thành nhà khoa học, giám đốc các công ty, xí nghiệp tư nhân. Họ đã tự nguyên đứng vào hàng ngũ Mặt trận, theo cách mạng và kháng chiến góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình – độc lập – thống nhất và đang từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá tiến' tới dân giàu – nước mạnh – xã hội dân chủ – công bằng – văn minh.

Phủ nhận công lao của Đảng CSVN, thậm chí có những lời thóa mạ thô lỗ đối với Đảng CSVN, TMH đã xúc phạm đến phần thiêng liêng nhất của rất nhiều, rất nhiều ngườỉ Việt Nam, nếu không nói là cả dân tộc Việt Nam .

Suốt đời tôi vẫn nhớ ơn anh bộ đội đã túm được tóc tôi và lôi tôi lên bờ cứu tôi khỏi chết đuối ở sông Đà năm 1949. Còn hơn thế nữa, dân tộc Việt Nam đã ghi công và nhớ ơn Đảng CSVN đã tổ chức và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa tháng 08/1945 thành công giành độc lập – tự do cho đất nước, tiếp đó là 30 năm kháng chiến trường kỳ, tỉếp thu truyền thống đánh giặc giữ nước ngàn đời của ông cha ta. Đảng CSVN và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên “Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” và chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đem lại độc lập – tự do – thống nhất cho Tổ quốc Việt Nam.

20 năm đổi mới, đất nước ta đã có những đổi thay to lớn và đang trên đường hội nhập để phát triển nhanh hơn. TMH là một nhà văn, đọc nhiều, vỉết nhiều, đi nhìều, và ông đã về quê hương ông, tại Nghĩa Phúc, Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, chẳng lẽ lại không nhận ra điều ấy. Những sai lầm, khuyết điểm, đặc biệt là đại tham nhũng và tệ quan liêu trong bộ máy công quyền hiện nay, quả là điều rất bức xúc. Trong một lần trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Việt Nam, với tư cách một công dân, tôi phát biểu: “Tham nhũng đang là một quốc nạn. Gần đây, Đảng và Nhà nước đã làm khá mạnh tay, có Phó Thủ tướng đã mất chức, có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, tướng lĩnh đã vào tù. Nhưng tôi cho rằng tệ quan liêu khiến Đảng chưa thấy hết tình hình, việc giáo dục không có hiệu quả, pháp luật và sự trừng phạt chưa đủ mạnh, chứa có tác dụng ngăn chận và răn đe kẻ tham nhũng!

Thật là đau lòng khi trong dân gian đang lưu truyền một câu truyện “tiếu lâm”, trong một buổi sinh hoạt chi bộ Đảng, kẻ “phạm tội” trước khi đọc bản tự kiểm điểm đã:

Thưa các đồng chí trong chi bộ
Thưa các đồng chí chưa bị lộ
….

Cười ra nước mắt - Đau quá, phải không?

Đại hội X của Đảng phải coi việc chống tham nhũng là một việc lớn và phải đề ra cho được các chống tham nhũng, trước hết là trong nội bộ Đảng với các cán bộ và đảng viên có chức, có quyền. Với tư cách công dân, tôi và cả ông nữa, có thể giao việc đó cho Đảng CSVN và Đại hội X của Đảng CSVN.

TMH ơi! Những điều ông nói trong Cuộc hỏì cung dân chủ nhiều hiện tượng là có thật song không vì thế mà quy tội và phủ nhận mọi công lao của Đảng CSVN – Còn vấn đề đa nguyên đa đảng. Đây là vấn đề lớn, có dịp ta sẽ bàn sau. Song vì ông đã đề cập đến, tôi cũng xin nói qua về suy nghĩ của tôi. Cbúng ta đều thấy rõ độc quyền dễ đi đến độc đoán, cửa quyền. Nhưng đa nguyên cũng dễ dẫn tới sự mất ổn định. Coi trên TV thấy các cuộc biểu tình rần rân, ném đá, đốt xe trên các đường phố ở Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Bỉ v.v... mà ớn lạnh cả xương sống! Không ổn định thì 1àm sao phát triển được. Mà đất nước ta đang rất cần phải phát triển nhanh để hòa nhập, để sánh vai cùng bạn bè năm châu bốn biển.

Cuộc đời chúng ta, Sĩ ẩn và Trần Mạnh Hảo cũng như biết bao người khác:

Phong ba mưa nắng đã nhiểu
Ngọt – bùí – cay - đắng – ghét - yêu ngập tràn
Đời người đă trải gian nan
Ngẩng đầu đi giữa thế gian … cười khà

Rốt cuộc lại, đời cũng chỉ là cuộc V.A.C (Vui–Ăn– Chơi) thôi bạn ạ! Ăn đựợc bao nhiêu? Chơi được mấy năm? Vầy thì vui, như Fuxích một nhà báọ của nước Cộng hoà Tiệp Khắc đã nói trước lúc bước lên giá treo cổ:

“Ta đã vì niềm vui mà sinh ra, đã vì niềm vui mà sống và chỉến đấu, cũng vì niềm vui mà chết. Vậy thì u buồn và những giọt nước mắt quyết không thể gắn liền với tên tuổi và nấm mồ của ta được”.

Chúc TMH và cũng mong được TMH chúc cho tôi, tất cả chúng ta có được nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Thành phố Hồ Chí Minh, 28/03/2006

Bạn của ông - Sĩ Ẩn