Trí tuệ Việt Nam: hệ thống quản trị nội dung
Lê Lô
Tối mồng một Tết nguyên đán Giáp Thân (2004), một buổi lễ long trọng ở Hà Nội được truyền hình trực tiếp trên cả nước: Lễ trao giải thưởng cuộc thi Trí tuệ Việt Nam.
Đây là lần trao giải thứ tư. Cuộc thi được phát động từ năm 2000 nhằm khuyến khích cộng đồng trẻ phát huy tài năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đối tượng dự thi là thanh niên dưới 30 tuổi. Dù giới hạn tuổi như vậy, nhưng ban tổ chức vẫn đặt tên cuộc thi là “Trí tuệ Việt Nam”, thay vì Trí tuệ trẻ Việt Nam (có lẽ trên 30 thì coi như hết trí và tuệ chăng).
Mỗi năm ban giám khảo đưa ra một thông điệp định hướng. Đề tài định hướng cho năm thứ tư là “Tìm giải pháp cho những vấn đề quanh ta.”
Buổi trao giải tổ chức công phu. Ban giám khảo toàn là giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin của Việt Nam. Sân khấu trình bày lộng lẫy, màu sắc rực rỡ. Phía khán giả chủ tọa, như lệ thường, hàng ghế sau dành cho những người sẽ được giải, hàng ghế đầu có hai quan chức lớn theo thứ tự quan trọng là ông Nguyễn Khoa Điềm, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng và Văn hóa Trung ương; nhân vật thứ hai là ông Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng.
Sau các giải khuyến khích, giải ba, nhì do quan chức cấp dưới lần lượt lên trao, phần quan trọng nhất của buổi lễ là lúc ông Điềm lên trao giải nhất cho nhóm đoạt giải gồm bốn sinh viên: nhóm iCMS, vừa là tên nhóm vừa là tên sản phẩm đoạt giải Nhất gồm 50 triệu đồng (tương đương 3500 đô la), một máy tính xách tay 1500 đô la, bốn vé máy bay khứ hồi Đông Nam Á và một chiếc xe máy honda.
iCMS là gì? Theo giải thích của trưởng nhóm, anh Nguyễn Công Kha, sinh viên đại học Ngoại thương Hà Nội: “CMS, viết tắt trong tiếng Anh là: Content Management System (Hệ quản trị nội dung) là một thuật ngữ dùng để chỉ các hệ thống phần mềm được xây dựng phục vụ việc quản lý các website thông tin Internet và Intranet. Chữ “i” trong cụm từ “iCMS” có nghĩa là innovative, intelligence.”
Cậu sinh viên đại học Ngoại thương kiêm trưởng nhóm phần mềm đoạt giải không có khả năng giải thích một vấn đề kỹ thuật thuộc ‘khả năng’ của mình. Không kể cái chữ ‘i’ lại có hai nghĩa với chức năng văn phạm khác nhau do không rành tiếng Anh, chúng ta thấy cách giải thích của Kha mập mờ. Thứ nhất, anh chỉ nói CMS là thuật ngữ viết tắt của Content Management System, thì đúng thế, nhưng không nói cho rõ là thuật ngữ đó do anh, hay nhóm của anh, ‘sáng tạo’ ra hay là của người ta và mình mượn. Thứ hai thì chỉ nên nói hoặc là “hệ thống” hoặc là “phần mềm”. Và thêm nữa, nhóm của Kha lại dùng tên nhóm là tên sản phẩm, hay ngược lại; như vậy có phải tự nhận rằng chính nhóm được giải đã tạo ra từ CMS chăng!
Nhưng những điểm trên chỉ là những tiểu tiết nhỏ, rất nhỏ, trong một vấn đề lớn, và nhiều vấn đề lớn khác.
Báo chí và trên website (www.tintucvietnam.com) tóm tắt về sản phẩm đoạt giải như sau: “Là hệ quản trị nội dung, iCMS cho phép thực hiện 2 công việc chính: Thu thập thông minh thông tin trên Internet và đưa vào cơ sở dữ liệu có cấu trúc. Thực hiện việc xuất bản internet từ hai nguồn: thông tin do hệ thống thu thập được từ Internet và thông tin do người dùng. Sản phẩm này đã có ứng dụng rất thành công tại trang tin tổng hợp www.tintucvietnam.com.”
Một câu văn lủng củng. Thu thập một cách thông minh chứ sao lại “thu thập thông minh”. Lại thêm một cách giải thích đầy từ ngữ chuyên môn và khó hiểu. Từ và văn phạm rất ngượng y như dịch (dở) trực tiếp từ tiếng Anh. Tôi không phải là chuyên viên công nghệ thông tin thuần túy dù có được huấn luyện và làm việc trong công ty đa quốc gia về ngành này. Nhờ vậy các thuật ngữ hay khái niệm chuyên môn không phải là hoàn toàn xa lạ. Nhưng khi đọc những cách thuyết minh về sản phẩm tôi bỗng đâm nghi ngờ là người giải thích có thực sự hiểu một cách toàn diện về sản phẩm này không. Câu trả lời là ‘không’ bởi một lý do giản dị: Khi hiểu một vấn đề nào thấu đáo, người ta không cần dùng từ ngữ chuyên môn vẫn giải thích một cách đầy hình ảnh cho người khác hiểu. Người hiểu vấn đề, cộng thêm một chút bén nhạy, sẽ dễ dàng thoát khỏi những từ ngữ chuyên môn, vượt trên cả các khái niệm kỹ thuật khô cứng, để đưa ra một hình ảnh dung dị và do đó sáng sủa. Chúng ta dễ bắt gặp khả năng này ở các nhà truyền đạo, nhưng đó lại là vấn đề khác.
Những người biết Anh ngữ trung bình đều thấy là các lời giải thích về sản phẩm iCMS cứng, ngọng ngịu, và sát với cấu trúc và từ ngữ tiếng Anh. Có lẽ cách giải thích của một thành viên khác trong nhóm iCMS, sinh viên Nguyễn Thanh Tùng, đăng trên tạp chí Sinh viên Việt Nam và được trích lại trên trang web của www.tintucvietnam.com, là tương đối rõ nghĩa. Đoạn chữ nghiêng dưới đây trích từ trang web này:
Thế mạnh của iCMS nằm ở ba phần chính ‘Spider’, ‘CMS’ và ‘off-line clients… Bạn sử dụng spider như một con bọ tinh khôn. Bạn sai nó đi tìm các thông tin có nội dung thể thao chẳng hạn, nó sẽ tìm kiếm tất cả các thông tin thể thao mới nhất trên mạng internet sau đó chuẩn hoá dưới dạng font Unicode. Nghĩa là dù bạn lấy tin từ những website sử dụng font VNI, TCVN… hay bất kỳ loại font gì, spider cũng sẽ tự động “convert” về font unicode. Sau đó, spider sẽ đưa thẳng những thông tin lấy được vào những phần thông tin tướng ứng trên website của bạn như Tin thể thao sẽ tự động chạy vào chuyên mục Thể thao.
Bạn cũng có thể phân cấp quản trị nội dung nếu bạn muốn biên tập lại những thông tin mà spider mang về. Spider sẽ không đưa ngay thông tin lấy được lên website của bạn mà thông tin sẽ nằm trong ô chờ biên tập để bạn xử lý nếu cần thiết. Thao tác nay giúp khai thác thông tin nhanh và an toàn. Nếu như các công ty P.R vất vả với việc clipping báo chí (đọc báo hàng ngày và cắt dán lại) thì với phần mềm này phần lớn những công việc “chân tay” đã được giải quyết.
Sau khi Spider tìm kiếm thông tin, CMS sẽ nhận đầu vào để quản lý và xử lý. CMS tuân theo trình tự làm việc (work flow) chuẩn của Hiệp hội WMFC. Chuẩn này cho phép quản lý và xử lý thông tin một cách hiệu quả và linh hoạt nhất. Sau khi nhận thông tin đầu vào từ nhiều nguồn, CMS trực tiếp nhập vào hệ thống biên tập tin trực tuyến theo chuẩn RSS (Rich Site Summary), chuẩn kiểu xml này cho phép khai thác thông tin từ các trang web rất dễ dàng, không cần phân tích, bóc tách.
Những website lớn trên thế giới như CNN hay BBC đều dùng chuẩn này để xuất bản thông tin. Hiện nay ở Việt Nam chưa có website điện tử nào sử dụng chuẩn này trừ trang www.tintucvietnam.com. Nếu bạn có một website tiếng Anh, CMS cho phép bạn trực tiếp lấy tin từ CNN hay BBC chỉ cần bạn kết nối (plug-in) website của bạn với các website này mà không cần phân tích, bóc tách thông tin.
Đọc cách giải thích trên ít nhất cũng rõ ràng hơn, dù vẫn còn mù mờ với nhiều người không biết vi tính. Nhưng dù với hiểu biết rất khiêm tốn về kỹ thuật làm trang web, tôi cũng xin thưa rằng ngay cả người giải thích, sinh viên Nguyễn Thanh Tùng, cũng hiểu mù mờ về “tác phẩm” của mình, và do đó đã ăn gian cách giải thích. Phần ăn gian: “CMS trực tiếp nhập vào hệ thống biên tập tin trực tuyến theo chuẩn RSS (Rich Site Summary), chuẩn kiểu xml này cho phép khai thác thông tin từ các trang web rất dễ dàng, không cần phân tích, bóc tách. Không ai hiểu cách nói đầy kỹ thuật tính này cả. Thực ra, RSS là một dạng thức của ngôn ngữ làm web, XML, nhưng ‘nhẹ ký’ hơn (ít rắc rối hơn). Công dụng của RSS là để các trang web có liên kết với nhau tự động cập nhật khi có một trong những trang liên kết cập nhật, nghĩa là việc chia sẽ thông tin giữa các trang web liên kết nhanh chóng và đồng thời. Thí dụ giữa các trang web của BBC, CNET, CNN, Disney, Forbes, nếu BBC cập nhật một tin nào đó thì mấy trang kia cũng cập nhật (tất nhiên BBC hay CNN qui định phần nào trong trang web của mình được chia sẻ để khi cập nhật thì chỉ có nội dung của phần đó được cập nhật thôi.) RSS do đó chẳng phải là “chuẩn” kiểu này hay “chuẩn” kiểu nọ, nó chỉ là một text file, nhằm mục đích ‘liên thông’ nội dung, nhất là liên thông các tựa đề bài báo (tít) giữa các trang web của cơ quan thông tấn.
Để tóm tắt cho dễ hiểu và không quá đi vào kỹ thuật, xin giải thích lại một cách nôm na về sản phẩm đoạt giải: Đây là một công cụ điện tử dùng để xử lý nội dung của văn bản (gồm chữ viết, hình ảnh, cách trình bày). Nó cho phép người dùng lấy tin trên internet xuống, sau đó có thể tùy ý thêm, bớt, cắt tỉa nội dung sao cho vừa ý mình (và nhất là đúng ý lãnh đạo), rồi đưa cái nội dung đã chỉnh sửa đó vô (hay làm thành)… trang web của mình hay trang web của tất cả các báo nằm trong hệ thống truyền thông của nhà nước.
Cái tiện dụng của công cụ điện tử này là người sử dụng không cần biết gì về lập trình web, nói chung bất kỳ một nguời nào biết đánh máy sơ sơ đều dùng được. Cái thí dụ về “các công ty P.R.” (Quan hệ Công chúng/Public Relations) mà một trong bốn tác giả của sản phẩm đưa ra không nói hết công dụng của sản phẩm. Thông thường, ‘phóng’ một bản tin lên trang web của mình đòi hỏi người ‘phóng’ phải biết cách upload (đưa lên) mạng. Một chủ bút, chẳng hạn, sau khi viết hay sửa xong một bản tin thường phải nhờ người lo trang web đưa bản tin lên web, chứ bản thân người chủ bút không làm được vì không biết cách, và cũng không phải là nhiệm vụ của chị ta. CMS giải quyết được chuyện này. Chị chủ bút viết xong, hay sau khi tải những bản tin xuống máy vi tính của mình rồi, chỉnh lại cho vừa ý cả nội dung lẫn cách trình bày xong và “bấm nút”, vậy là… xong! Bài viết mới của chị ta nằm gọn trên trang web của công ty mình.
Cái hay của CMS là người dùng có thể, nếu muốn, sửa văn bản ngay khi đang ở trên mạng, ngay khi đang online (tức là trang web đang chạy trên đường truyền), chứ không cần phải tải xuống máy, cất vô ổ đĩa cứng, rồi mới sửa từ từ. Chuyện đó xưa rồi. Không lấy lại thí dụ chị chủ bút hồi nãy, mà bây giờ là ông Nguyễn Khoa Điềm, phụ trách công tác tư tưởng và văn hóa của cả nước. Sau khi nhờ nhân viên nối mạng để vào trang web của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông đọc và thấy có một ý hiểu nhầm Tư tưởng Hồ Chí Minh (thí dụ thôi chứ điều này không xảy ra đâu). Vậy là ông Điềm, dẫu chỉ biết mạng nhện chứ không biết gì về mạng web, cũng có thể nhờ công cụ CMS mà sửa ngay cái chỗ phản động đó trên mạng.
Tuyệt vời!
Tất nhiên ví dụ trên không đi quá sâu vào chi tiết, thí dụ ông Điềm phải có tên đăng nhập (username) và mật mã (password) do nhân viên quản trị mạng cấp thì mới vào sửa được.
Đến đây thì chắc độc giả đã biết công dụng của Hệ thống Quản trị Nội dung, cái công cụ này, bằng một cách nào đó, đã trở thành sản phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2003 (phát giải 2004). Chúng ta không giải thích thêm nhiều công dụng khác của CMS vì đó không phải là mục đích của bài viết. Mục đích của bài viết là trình bày độ trong sáng của những người bạn trẻ và quốc sách kiểm soát thông tin của nhà nước Việt Nam.
Để được bình chọn, sản phẩm trong cuộc thi Trí tuệ Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chí đánh giá, sắp theo thứ tự quan trọng: “sáng tạo, cập nhật công nghệ, giao diện web, và đặc biệt là có tính thực tiễn cao” (tức ứng dụng được).
Tôi chỉ bàn tiêu chí thứ nhất: sáng tạo!
Có đúng nhóm iCMS đã sáng tạo ra… iCMS không? Có đúng hệ thống quản trị nội dung (Content Management System) là do nhóm sinh viên iCMS sáng tạo, tự mình nghĩ ra không?
Nếu hiểu sáng tạo là một cái gì mới, chưa có, và dù cái mới đó do dựa trên những cái có trước mà ra thì vẫn có thể gọi là sáng tạo. Tất cả những phát minh đều dựa trên một kiến thức nào đó do người đi trước đặt ra. Kiến thức là sự hiểu biết những cái đã có, người ta dựa trên đó để phát huy hay tìm ra một điều mới. Vậy là sáng tạo.
Nếu đọc tất cả thông tin trên báo in, báo đài (truyền hình và truyền thanh), thông tin trên trang web sau ngày trao giải cuộc thi tối mồng một Tết Nguyên đán, ròng rã mấy tháng liền, kể cả những trao đổi điện thư sau ngày trao giải, thì người ta đều đinh ninh ngay chính cụm từ CMS (chưa nói đến công cụ điện tử này) cũng do chính nhóm sinh viên bốn người “sáng tạo” ra, chứ không phải đó là một thuật ngữ trong ngành vi tính. Kể cả phần mềm Spider cũng là của nhóm chứ không phải là thuật ngữ của nước ngoài. Nói chung, toàn bộ những cái gì liên quan đến CMS, qua cách giải thích, trình bày của nhóm thắng giải, và của cả một hệ thống loan truyền, đều là made in Vietnam cả.
CMS, đã đành viết tắt của Content Management System, thực ra là một ý tưởng cũ, chẳng có gì mới cả. Và công cụ điện tử này do chuyên viên nước ngoài làm ra từ lâu rồi. Rất nhiều công ty phần mềm nước ngoài đã viết và bán công cụ điện tử này với các tên thương mại khác nhau, thí dụ Absolute News Manager, Managee, siteMpower, expressCMS. Các sản phẩm này đều có công dụng chính đã trình bày ở trên, gồm giúp người dùng phát triển trang web bằng cách sửa nội dung và hình thức (trình bày) trang web của mình, liên kết với các trang web khác để chia sẻ thông tin do đó tăng cường số lượng người vào xem (mục đích chính), hoặc làm sẵn các trang mẩu (template) để người dùng chỉ việc cắt tỉa, thêm hoặc bớt theo ý mình, rồi phóng lên mạng. Các trang mẩu cũng giống như đồ fastfood, thức ăn nhanh, người ăn mua về nhà, bỏ vô lò vi-ba hâm nóng (hay ăn nguội), nếu thích thì thêm tí tiêu hành nước mắm, tỏi, hay thịt chó, rồi… ăn!
Thanh niên và sinh viên học sinh Việt Nam nếu muốn kiểm chứng cứ lên mạng và gõ tên các sản phẩm này, coi CMS có phải đúng là độc quyền sáng tạo của “Trí tuệ Việt Nam 2003” hay không, hay chỉ là một công cụ rẻ tiền theo mọi nghĩa (giá một sản phẩm từ 250 đến 500 đô la kể cả giấy phép), được Trí tuệ Việt Nam mua về, bỏ thêm ít củ riềng, một mớ lá mơ (Việt hóa) và đồng hô to: sáng tạo!
Khi tôn xưng iCMS và nhóm ‘tác giả’ bằng những
lời lẻ đẹp đẽ gần như sùng bái, rất có thể hệ thống loan truyền của nhà nước
(tôi tin như vậy) không hiểu bản chất của một sản phẩm thông dụng trong kỹ thật
làm trang web của nước ngoài. Cho nên riêng ban Tư tưởng mới bị hố: cái gọi
là “Trí tuệ Việt Nam”, thực ra, chỉ là một thứ đồ cũ, và “hơi bị” thừa, của
người ta.
Vấn đề nguy hiểm không phải ở cái phần mềm hay sản phẩm nhỏ bé này. Điều làm
người ta suy nghĩ là bốn chàng trai tượng trưng cho “trí tuệ Việt Nam”, có học
vấn, chỉ trong độ tuổi trên 20 (người già nhất sinh năm 1979), đã tự coi CMS
là phát kiến của mình, một sáng tạo riêng, chứ không phải mô phỏng, hay đạo
của nước ngoài. Trong khi sự thực là nhiều lắm, họ chỉ có công thêm bớt một
công năng nào đó của công cụ điện tử này, thí dụ thêm phần chữ Việt.
Không lẽ có một sự thật đáng buồn đang được phát huy, là tuổi trẻ Việt Nam vào nhà người khác lấy tài sản của người ta, nhìn dáo dác không thấy ai nói, lâu ngày tưởng (nhầm) là của mình?
Vào khoảng giữa tháng 9 năm 2003, nếu tôi nhớ không lầm có một bài viết sắc sảo trên báo Tuổi Trẻ về một hiện tượng đạo phần mềm khác (hết đạo thi, đạo văn, đạo nhạc, nay đạo mềm). Bài viết bằng giọng thâm trầm, chững chạc, vừa chuyên môn nhưng vẫn sáng nghĩa, nên tôi đã nhớ nội dung chủ đạo của bài viết khá kỹ.
Đó là phần mềm Vietkey Linux. Cho ngắn gọn, Linux là một hệ điều hành (như Windows của Microsoft, nghĩa là nó là một bệ phóng, một cái nền cơ sở trên đó tim gan phèo phổi máu me chạy được). Linux khác em Windows của Bill Gate ở chỗ nó là tình cho không biếu không. Điều này rất quan trọng vì nếu Linux mạnh như Windows, mà lại cho không thì anh Bill rất có nguy cơ bị thất thu, rất dễ dẫn đến khả năng anh gửi giấy (bill) tính tiền tới đòi nợ mà không ai trả nên phải đóng cửa (gate).
Nhóm Vietkey, trưởng nhóm là Đặng Minh Tuấn, tốt nghiệp đại học ở Tiệp Khắc (trong thời gian Tiệp Khắc còn đỏ), nói Vietkey Linux là “Hệ điều hành Vietkey Linux”. Nghĩa là một nhóm kỹ sư Việt Nam đã sáng tạo ra một hệ điều hành made in Vietnam! Theo tác giả của bài viết trên báo Tuổi Trẻ, gọi Vietkey Linux là một hệ điều hành là sai (sai về mặt chuyên môn và hàm ý – tác giả không nói thẳng ra – thiếu lương thiện), vì trên thế giới có đâu chừng 300 loại Linux “biến thể” mà giới chuyên môn gọi là Linux Distro (không dịch được). Không gọi Linux Distro là hệ điều hành vì nó sử dụng chung nhiều phần mềm, có chung mã nguồn mở. Tác giả đã chứng minh rằng những gói phần mềm trong cái gọi là “Hệ điều hành made in Vietnam” thực ra là bản dịch của các phần mềm của nhiều công ty nước ngoài khác, như Sun Microsystem, Netscape (AOL).
Rõ ràng Vietkey Linux chỉ là phiên bản, về kỹ
thuật thì nó không phải là hệ điều hành, và càng không phải “made in Vietnam”.
Tôi nhớ có dạo, cũng như “vụ” iCMS vừa rồi, báo chí hết lời ca ngợi nhóm Vietkey
Linux, và cũng theo thói quen tôn sùng cá nhân và thần tượng hóa thành tích,
đã kể và phỏng vấn trưởng nhóm Đặng Minh Tuấn về thành tích của mình. Tờ Hà
Nội Mới là hăng nhất. Trong bài ca ngợi hệ điều hành made in Vietnam, tờ báo
viết một câu mà ai đọc xong cũng phải nhớ đời: “Đặng Minh Tuấn đã cùng Vietkey
Group xây dựng Vietkey Linux và phát triển nó trở thành một hệ điều hành thách
thức với Windows.”
Các bạn nào rảnh xin dịch câu này ra và gửi bảo đảm cho anh Bill Gate. Nếu sợ
anh Bill không hiểu xuất xứ thì ghi thêm: “Đây là Việt Nam. Ngày xưa chúng tôi
dùng súng trường hạ B52 được thì bấy giờ chúng tôi cũng có thể dùng cối xay
lúa hạ hệ điều hành của ông… nốt!”
Nhưng vẫn chưa hết, trong khi cha đẻ ra Linux là Linus Torvalds đã cho phép mọi người dùng miễn phí, công bố mã nguồn công khai, thì Vietkey Linux lại dấu kỹ mã nguồn, hệt cung cách bí mật của những cuộc họp kín!
Kỳ diệu nhất là “hệ điều hành” (operating system) Vietkey Linux cũng đoạt giải thưởng cuộc thi “Trí tuệ Việt Nam 2002” – trước nhóm iCMS một năm.
Như một sự lan truyền bệnh dịch nhưng có giấy phép của Đảng, những chuyên gia trẻ tuổi Việt Nam lần lượt lấy của người làm của mình, rồi lần lượt bước lên bệ phóng bất lương do một hệ thống làm sẵn và kê sẵn trên sân khấu.
Những tuần sau ngày trao giải, nhóm iCMS gần như là biểu tượng của các thành công vượt bực. Có 17 lời đề nghị khảo sát, triển khai hệ thống, có 10 hợp đồng phát triển hệ thống thông tin cho các đơn vị như: Công ty 3C, Hanoi Telecom, báo Công nghiệp, Công ty Truyền tải điện. Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, Hà Tây đề nghị iCMS khảo sát và trình dự án phát triển hệ thống thông tin. Và qua những câu chuyện xung quanh nhóm, đời tư từng cá nhân, được xây dựng và thi vị hóa như một mẩu mực, cho thấy não trạng tôn sùng cá nhân và cực đoan của người Việt không dễ gì gột sạch.
Cuộc thi “Trí tuệ Việt Nam”, nhóm iCMS, các đơn đặt hàng cho nhóm, đã phản ảnh ít nhất ba vấn đề, đó là tính chất của con người Việt Nam thành công hôm nay, cách cầm quyền của nhà nước Việt Nam hôm nay, và mức độ hiểu biết của nhà nước về trào lưu thời đại.
Trước hết là bản chất lập lờ và không lương thiện. Láo khoét và bất lương xuất phát từ sự bất lực, kém hiểu biết nhưng lại nhiều tham vọng. Khi người ta không hiểu biết nhưng vẫn muốn đạt mục tiêu thì người ta nói láo. Khi nói láo của một cá nhân được nhân rộng lên nhiều lần, cùng với sự ngu dốt lây lan như dịch cúm gà, thì láo khoét và ngu dốt trở thành hiện tượng xã hội được chấp nhận ở cấp quốc gia.
Các thanh niên iCMS đã thiếu thành thật khi nhận mình sáng tạo ra một công cụ điện tử do nước ngoài làm ra. Sự thiếu trong sáng của họ sẽ không thành vấn đề, sẽ bị nói rõ nếu xã hội có một tầng lớp thực sự hiểu biết, và quan trọng là có ảnh hưởng lớn, thí dụ một viện nghiên cứu khoa học uy tín và độc lập. Không may cho một Việt Nam thời hiện tại là không có một viện hay một cơ quan học thuật nào trong đó những người thực tài có quyền hành. Vì vậy sự láo khoét nghiễm nhiên được đặt trên bệ phóng của sự ngu dốt một cách thuận lợi. Người nói láo hay một tập thể nói láo, với một môi sinh tốt đẹp như vậy (hệt như vi trùng gặp điều kiện ẩm ướt sinh sôi nảy nở vô tội vạ), đã không biết là họ nói láo, hoặc biết mình láo nhưng cũng biết không sao cả. Láo khoét lâu ngày thành thói quen, thành một tiêu chuẩn mà các nhà xã hội học phương Tây gọi là norms – những hình thức được xã hội mặc nhiên công nhận.
Sự ngu dốt được chứng minh qua các đơn đặt hàng của cơ quan nhà nước mua sản phẩm của nhóm iCMS. Không phải vì đó là hàng Việt Nam, mà rõ ràng họ không hề biết loại sản phẩm này đã bán đầy thị trường nước ngoài. Họ tưởng CMS là của Việt Nam, do Việt Nam làm ra, một thứ trí tuệ độc quyền. Việc các ủy ban nhân dân yêu cầu nhóm iCMS “khảo sát và trình dự án phát triển hệ thống thông tin”, ngoài việc do không hiểu biết mà ra, còn có một lý do là có dự án thì mới có tiền. Đó là chuyện dài tham nhũng, sẽ nói ở nơi khác. Điều chúng ta thấy rõ ở đây là những người ngồi trong ủy ban nhân dân (Hải Dương và Hà Tây), cơ quan thi hành chủ trương hiện đại hóa công nghiệp hóa, là những vị có kiến thức zero về “ngành mũi nhọn”, nói theo chữ của chính phủ. Họ không biết chỉ cần bỏ ra 250 đô là có một sản phẩm CMS (có giấy phép đàng hoàng chứ không cần phải ăn cắp vặt), một sản phẩm đáp ứng mọi “nhu cầu của ngành mũi nhọn”. Họ là tiêu biểu của cái bệ phóng, của cái nền thiếu kiến thức, trên cái nền đó, sự láo khoét nhởn nhơ chơi đùa.
Ngu dốt thật ra là một hiện tượng chứ không phải là bản chất, vì vậy rất dễ trị. Ngu dốt đồng nghĩa với sự thiếu thông tin. Thiếu thông tin con người trở nên hồ đồ, không biết phán xét, hoặc phán xét ù ù cạc cạc. Khi những người chống độc tài và chống cộng sản nói người cộng sản ngu dốt thì họ đã chủ quan. Trong guồng máy độc đảng Việt Nam, ưu tú nhất là bộ phận nắm giữ thông tin, thí dụ tình báo hay công an. Họ là những người biết nhiều, nhạy bén, vì họ nắm giữ thông tin. Đáng tiếc là sự hiểu biết, nhạy bén và sắc sảo của họ xuất phát từ động cơ ích kỷ, giống như một người thầy giỏi nhưng lại dấu nghề, không muốn chia sẻ sự hiếu biết của mình với ai, cho nên đời sống vẫn dậm chân tại chỗ vì sự hiểu biết của họ không ích lợi cho ai, trừ chính bản thân họ.
Cái ví dụ về hai ủy ban nhân dân đặt đơn khảo sát thông tin là minh chứng rõ ràng về sự thiếu thông tin. Đó là nghịch lý, họ muốn “phát triển hệ thống thông tin” nhưng không biết gì về nó, cho nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn, vừa gây thiệt hại ngân sách mà đáng lẽ ra chỉ một cú điện thoạt là giải quyết xong việc, vừa tạo điều kiện phát huy sự láo khoát.
Nhưng đó là quả của cái nhân nuôi dưỡng ngu dốt, tức kiểm soát thông tin, để tồn tại, để guồng máy sống còn. Bản chất siêu việt nhất của chế độ cộng sản là kiểm soát thông tin tối đa. Đây là vấn đề thứ ba, phản ảnh qua việc chọn phần mềm “Hệ thống quản trị nội dung” (thông tin) để trao giái Nhất cuộc thi Trí tuệ Việt Nam.
Tôi nhớ một chi tiết hôm xem lễ trao giải được truyền hình trực tiếp. Khi nghe đọc tên nhóm trúng giải, đề tài và lời giải thích sản phẩm trúng giải, anh tôi vừa đưa tay chỉ lên truyền hình vừa chỉ vào mặt tôi, la lên: “Thấy chưa, nó trao giải Nhất cho Quản lý nội dung thông tin. Đm., gớm chưa! Hừm!” Tiếng la của anh đã gợi ý cho tôi viết bài này.
Đó là buổi trao giải nhiều ý nghĩa. Nó mang tên là “Trí tuệ Việt Nam”. Giải nhất là “Kiểm soát thông tin”. Người trao giải là Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tư tưởng và Văn hóa của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đầu não tinh túy nhất của nhà cầm quyền đã chọn việc kiểm soát thông tin làm trí tuệ Việt Nam.
Nếu đồng ý ngu dốt là thiếu thông tin và do thiếu thông tin, thì họ đã muốn lấy ngu dốt làm sách lược trị nước.
Điều này chắc không cần chứng minh với những người may mắn đang ở các nước dân chủ. Nhưng nó cần phải nói ra, và nói nhiều, với rất nhiều người trong nước.
Họ, nhà cầm quyền, đã dồn rất nhiều tiền của để bịt chặt những cổng tin tức bất lợi cho chế độ. Nhiều tiền của là bao nhiều? Lại không ai biết được trừ họ - vì họ cũng bít luôn cái thông tin mà người dân của nước dân chủ nào cũng biết, đó là chính phủ chi tiêu gì, chi cho việc gì, đã dùng tiền người đóng thuế ra làm sao.
Tất cả các phiên tòa xử những nguời chiến đấu vì dân chủ đều không được thông tin. Những cuộc bắt giam những người yêu dân chủ cũng làm trong lén lút. Nếu phải thông tin trong trường hợp không thề dấu thì họ dựng đứng những chuyện mà một người lương thiện trung bình không ai làm.
Các cổng thông tin internet – ngành mũi nhọn trong mục tiêu mà Đảng đề ra là đến năm 2020 đưa Việt Nam “cơ bản” thành một nước công nghiệp hóa hiện đại hóa, có những tin tức về nhân quyền và dân chủ, đều bị tường lửa chận đứng.
Nhà nước mà rất nhiều bạn thanh niên Việt Nam yêu quý, đã kêu gọi phát triển công nghệ thông tin, nhưng đồng lúc bắt giam những người gửi điện thư thông báo về tình hình đất nước.
Những người trẻ Việt Nam, những sinh viên Việt Nam thông minh và đầy sức sống, đã hào hứng tham gia cuộc thi Trí tuệ Việt Nam, đã không biết rằng tài năng và nhiệt tình tri thức của họ đang bị lợi dụng một cách có hệ thống.
Thời chiến tranh, hào quang giải phóng và thống nhất đất nước đã đưa triệu thanh niên ra chiến trường, kể cả thiếu niên cũng bị xúi làm đuốc sống. Đó là tội ác vì theo luật, ngay cả luật pháp Việt Nam hiện hành, cũng xử tù những người xúi trẻ vị thành niên làm bậy, thí dụ cầm dao hay cầm súng giết người, nôm na là xúi trẻ ăn cứt gà. Ấy vậy nhưng dưới sự bưng bít và làm thông tin, những trẻ vị thành niên như Lê Văn Tám trở thành anh hùng, trong khi sự thực là em bé Lê văn Tám bị cả một guồng máy xúi bậy. Em đang ở tuổi vị thành niên. Em chưa biết đúng sai, tội em mà.
Mục tiêu là để xây dựng và bảo vệ một nhà cầm quyền độc tài.
Nay là thời hòa bình và thời đại thông tin, những thanh niên trí thức lại bị xúi làm những phần mềm để kiểm soát thông tin!
Mục tiêu là để xây dựng và bảo vệ một nhà cầm quyền độc tài.
Trí tuệ trẻ Việt Nam đã trở thành một công cụ không đáng giá mấy trăm đô.
Trí tuệ trẻ Việt Nam đang thành hình gồm các tính chất của kẻ ăn cắp vặt.
Trí tuệ trẻ Việt Nam đang tự hãnh diện với tài năng lượm lặt của kẻ bần cùng tri thức.
Trí tuệ trẻ Việt Nam tự hào với khả năng hốt rác làm thành vương miện đăng quang trên đỉnh cao của một ngôi nhà đóng kín cửa.
Chúng ta đang chứng kiến một xã hội mà bất lương và lưu manh đang được ươm trồng và tưới bón bằng sự ngu dốt.
Nói như thế không phải phủ nhận một sự thật khác, đó là có nhiều, rất nhiều người trẻ tuổi Việt Nam tài ba, không những tài ba mà rất tài ba, trong nhiều lĩnh vực. Và riêng lĩnh vực công nghệ thông tin, không thiếu những người có khả năng ở tầm vóc quốc tế. Họ biết tất cả những chuyện láo khoét đó, biết tất cả những mánh lới trộm cắp sở hữu trí tuệ của nước ngoài đó, biết tất cả những trò hề trao giải như trong cuộc thi mệnh danh là “Trí tuệ Việt Nam”. Nhưng họ là những người không có tiếng nói, vì nhiều lý do, kể cả lý do không chịu nói.
Có thể có hy vọng gì chăng về đất nước, khi
bất lương và ăn cắp vặt đang lan từ thế hệ trước xuống tầng lớp trẻ, và gom
sự lây lan ấy thành một khối thống nhất, được biều dương, được đánh bóng như
một mẩu mực thời đại, dưới cái tên “Trí! Tuệ! Việt! Nam!”