THAM NHŨNG – ĐÂU LÀ LỜI GIẢI ?
Ngay trong những buổi họp đầu tiên của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI, đang diễn ra tại Hà nội, thì vấn đề chống tham nhũng đã được đặt lên hàng đầu. Ông Phan Văn Khải đã đưa ra ý kiến là thành lập một cơ quan chống tham nhũng và sau đó có vẻ như đã được các Đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan tán thành.
Thật ra, còn rất nhiều câu hỏi mà không bao giờ người Dân có được câu trả lời đầy đủ và trọn vẹn từ phía chính quyền, đó là: Tham nhũng xuất phát từ đâu? tham nhũng là ai ? Tại sao tham nhũng ngày càng nhiều? Bây giờ thành lập cơ quan chống tham nhũng, rồi do ai lãnh đạo cơ quan này? Và sẽ hoạt động ra sao? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu, rất mong sau bài này có thêm nhiều bài khác bổ sung, để cho bạn đọc có được một bức tranh toàn cảnh về tham nhũng, để rồi từ đó nghĩ ra cách tiêu diệt tham nhũng.
Hiện thực
Tham nhũng tại Việt nam hiện nay ra sao? Có lẽ, ngay cả đứa bé học lớp 1 cũng biết và được báo chí nói đến hàng ngày, hàng giờ, thậm chí còn công khai gọi nó là “quốc nạn”. Tham nhũng có mặt khắp nơi, trong tất cả các cơ quan nhà nước. Quan bé tham nhũng bé. Quan càng to tham nhũng càng to. Có một sự thật rất hiển nhiên mà ai cũng dễ dàng đặt câu hỏi được, đó là cán bộ công chức nhà nước lương rất thấp, vậy thì tiền đâu mà họ xây được những biệt thự to thế, nhiều thế…?( ví dụ như Phó chủ nhiệm uỷ ban thể dục thể thao quốc gia, Lương Quốc Dũng được các cơ quan điều tra ước tính tài sản là 150 tỉ đồng, gần 10 triệu đô! Tiền này lấy đâu ra? Thử hỏi những quan to hơn thì tài sản biết bao nhiêu mà kể?) Tiền đó từ đâu ra? Rõ ràng là tiền tham nhũng ( nói cho chính xác là tiền ăn cắp, chính xác hơn nữa thì đó là tiền ăn cướp! Bởi vì ăn cắp thì phải lén lén, lút lút, chứ đằng này thì thản nhiên như giữa ban ngày, không ai là không biết!). Nhà nghiên cứu Trần Khuê nhận xét: “Việt Nam là một trong những nước quan càng to càng ăn cắp, ăn cướp của dân, lũ khốn nạn đến như thế. Dân người ta chửi một cách công khai” (RFA-29/10/2004). Còn Bí thư Thành ủy TP.HCM, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Triết thì nói rằng “Tiêu cực, tham nhũng còn dài dài, chặt đầu này thì đầu khác mọc ra”. Bà Nghị sỹ Nguyễn Thị Hồng Minh( An Giang) thì “Vấn đề tham nhũng đã được nêu khá gay gắt ở nhiều khóa QH, nhiều nhiệm kỳ của Chính phủ nhưng đến nay không giảm mà còn có xu hướng phát triển rộng, sâu hơn. Tham nhũng không chỉ dừng lại ở lĩnh vực đầu tư, cấp quota mà đã lan sang các cơ quan bảo vệ pháp luật, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế... và ở nhiều cấp quản lý…tệ nạn này như một “khối u ác tính” đã chuyển sang di căn và vượt ra ngoài vòng kiểm soát của pháp luật!”. Ông Phan Diễn, thường trực ban bí thư, thì thừa nhận “… Hiện nay, phải nói thật tình trạng tiêu cực, tham nhũng còn rất nhức nhối. Có quá nhiều vụ việc diễn ra trước mắt chúng ta, trước mắt quần chúng. Tôi tin là trong quần chúng nhân dân không người này thì người khác cũng biết. Đáng tiếc những vụ việc tiêu cực như vậy vẫn có thể tồn tại trong một thời gian rất dài, gây thiệt hại rất lớn cho cái chung của chúng ta.”( theo báo chí trong nước)
Như vậy tham nhũng thực sự đã ăn vào máu của cán bộ trong bộ máy công quyền Việt nam. Và nhà nước Việt nam có chống tham nhũng không? Có đấy! nhưng mà chống trên lí thuyết chứ thực tế thì chống sao được? Đã hơn 20 năm nay rồi, nhà nước kêu gọi chống tham nhũng nhưng đâu vẫn vào đấy, chẳng có gì cải thiện cả. Tham nhũng ngày càng gia tăng, cả về số lượng lẫn “chất lượng”, điển hình mới đây là các vụ tham nhũng ở Tổng công ty dầu khí, Bộ thương mại, Bộ bưu chính Viễn thông, ngành Thủy sản, Ủy ban thể dục thể thao Quốc gia,… Tóm lại tham nhũng là có thật, nó đang hoành hành mỗi lúc một mạnh hơn và phô bày ngay trước mắt của chúng ta. Chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Dân. Đảng cộng sản cũng không được trốn tránh trách nhiệm của mình và phải chấm dứt ngay tình trạng trì trệ như thời gian qua. Vì, đúng như ông Nguyễn Thanh Giang nhận xét: “Nếu không chống được tham nhũng thì không những có tội với nhân dân, với đất nước mà còn là nguy cơ sụp đổ của đảng.”
Ai tham nhũng?
Chúng ta nghe quá nhiều về tham nhũng rồi, nhưng ít ai đặt ra câu hỏi: Ai tham nhũng? Phải đặt câu hỏi này, vì biết được đối tượng mới có cách khắc phục. Câu trả lời đương nhiên ai cũng biết rồi, đó là : Các Quan lớn, nhỏ từ Trung ương đến địa phương, các cán bộ có chức có quyền, trong tất cả các cơ quan nhà nước… Tất nhiên là phải như vậy rồi, có chức có quyền mới tham nhũng được, chứ còn người Dân thì lấy gì mà tham nhũng? Tham nhũng cái gì? Chỉ có các vị quan chức nhà nước( mà thường được nghe nhắc tới với những từ ngữ hết sức hài hước đó là “đầy tớ của nhân dân”) mới có cái đặc quyền đó. Từ việc lớn đến việc nhỏ, từ việc xin giấy chứng nhận gì đó của Ủy ban xã cho đến những hợp đồng đấu thầu.v.v... đều phải chi tiền, nếu muốn mọi việc suôn sẻ. Đặc biệt là những tên “đầy tớ của nhân dân” làm trong các ngành “nhạy cảm” như Thuế, Hải Quan, Ngân Hàng, Công an, Tòa án, … Tóm lại, bất cứ ông quan nào của nhà nước có tí chức quyền đều tranh thủ để tham nhũng. Ít chức thì tham nhũng ít, nhiều chức thì tham nhũng nhiều!
Nguồn gốc của tham nhũng.
Tiền ai mà không tham? Tiền càng nhiều càng ít, biết bao nhiêu cho đủ? Tham nhũng chẳng có nơi nào mà không có?
Đúng là như vậy thật! Vì đó là bản chất của Con người !
Thế nhưng có một sự khác biệt rất lớn: đó là mức độ tham nhũng. Về khoản này thì Việt nam luôn thuộc nhóm đứng đầu thế giới về tệ nạn tham nhũng. Theo báo cáo thường niên của Tổ chức minh bạch quốc tế thì Việt nam được xếp hạng 102/146 , tụt hai hạng so với năm ngoái. Các vụ tham nhũng được phanh phui ở Việt nam thời gian qua chỉ là phần nổi của tảng băng, theo Bà Hồng Minh phân tích: những vụ tham nhũng được phanh phui có phải chỉ mới là phần nổi của tảng băng, vậy phần chìm còn đến đâu?Và chính cái phần chìm này mới đáng kinh khủng, nhưng chắc một điều là nó không bao giờ được phát giác hay phanh phui, bởi vì ở Việt nam có câu nói quen thuộc trong dân chúng là: “ Nếu ai tham nhũng cũng bị trừng trị, bị đi tù hết thì lấy ai lãnh đạo đất nước?” Tại sao có tham nhũng? Nguyên nhân từ đâu? Thật ra câu này không khó để trả lời! Tham nhũng bắt nguồn từ quyền lực, nhất là khi quyền lực đó không bị giám sát. Chúng ta ai mà chẳng thấy điều đó? Phải có quyền lực thì mới “hành” Dân, mới tham nhũng được. Hay nói một cách đầy đủ hơn, điều kiện cần và đủ để có thể tham nhũng là Quyền lực không được giám sát ! Quyền càng lớn thì tham nhũng càng nhiều, càng dễ! Những người không có quyền hành gì, thì kể cả các đảng viên cộng sản cũng không thể làm gì được, thậm chí họ còn là nạn nhân của sự tham nhũng. Là “con tin” của chính bộ máy mà họ đã dựng nên. Trên thế giới, ở các nước Dân chủ vẫn có tham nhũng, nhưng mức độ rất thấp, bởi vì mọi thứ Quyền lực đều có cơ chế giám sát. Nền tảng của các quốc gia Dân chủ dựa trên nguyên tắc Tam Quyền phân lập, nghĩa là 3 cơ quan tối cao của nhà nước Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp luôn tồn tại và hoạt động độc lập. Mục đích chính là giám sát lẫn nhau để không có cơ quan nào có điều kiện lộng hành ( chính vì hoạt động độc lập mà một Thẩm phán có thể đưa cả Tổng Thống ta Tòa nếu có bằng chứng là Tổng Thống vi phạm pháp luật mà Quốc Hội đã ban hành ), cộng thêm với những nguyên tắc khác như: Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thành lập các hội đoàn,… mà ở các nước có Dân chủ, tham nhũng không có đất để dung thân.
Như vậy tham nhũng tại Việt nam bắt nguồn từ chính cơ chế độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản. Chính vì sự độc quyền lãnh đạo, mà quyền tối thượng là Bộ Chính Trị, nó cao hơn cả Hiến pháp, cao hơn bất cứ luật lệ nào. Và đảng cộng sản có quyền lực tuyệt đối! Vì vậy Việt nam không có tam quyền phân lập, Quốc hội, các cơ quan bảo vệ pháp luật đều thuộc quyền quản lí của Đảng, tức là đảng đứng ngoài vòng Pháp luật, hay nói cách khác chính phủ Việt nam không bị bất cứ một cơ chế nào giám sát hay chế tài cả. Đảng bảo đúng là đúng, bảo sai là sai, mà sai rồi để đảng sửa, năm này không được thì năm sau, thế hệ này chưa xong thì thế hệ sau sẽ cố gắng … Và như đã phân tích ở trên : Khi mà quyền lực không bị giám sát và chế tài thì tham nhũng sẽ phát triển nhanh chóng và ngày càng trầm trọng. Bà Hồng Minh rất có lí khi đặt câu hỏi : “ Có phải đang tồn tại một điều gì đó chưa phù hợp, chưa đúng qui luật trong cách tổ chức hệ thống quản lý khiến cho không kiểm soát được tham nhũng? ” . Thật ra, nói như vậy là Bà đã hiểu được nguyên nhân xuất phát tham nhũng từ đâu? Tất nhiên, Bà không thể nói thêm được nữa, là một Nghị sỹ của một Quốc Hội bù nhìn mà nói được như thế là quá dũng cảm. Vì thế, tôi xin được phân tích tiếp ý của Bà như trên. Mong rằng không vì bài viết này mà Bà bị mất ghế của mình trong Hội trường Ba Đình. Thật lòng tôi rất ngưỡng mộ những người như Bà.
Làm cách nào để loại trừ được tham nhũng?
Theo Nghị sỹ Hoàng Văn Lợi (Bắc Giang) thì có ba “kế sách”: Thứ nhất, Nhà nước phải có ngay cơ chế kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức, nhất là nhóm có “nguy cơ cao” ở các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, ngân hàng, những người lãnh đạo… Thứ hai, cần khẩn trương triệt tận gốc cơ chế “xin - cho”, bởi đây là “mảnh đất màu mỡ” của tham nhũng. Thứ ba, chống tham nhũng cần gắn chặt với chống lãng phí, thất thoát, trước mắt là giảm bớt lễ hội, họp hành, mừng công, xe công...
Còn theo nhà nghiên cứu Trần Khuê thì: Chống tham nhũng là phải chống thật sự, chống một cách toàn diện. Theo tôi, phải thay chữ đẩy lùi đi, không thể nói là đẩy lùi tham nhũng, 20 năm rồi mà cứ nói đẩy lùi, có lùi được gì đâu ? mà chính họ, lại đẩy lùi những người tiến bộ, đẩy lùi đất nước ... Cho nên tôi thấy trong việc này phải hết sức kiên quyết, phải trừ bỏ, phải loại trừ, chứ không phải chí là đẩy lùi nữa.”
Ông nói tiếp” muốn chống tham nhũng thì phải đi đôi với việc dân chủ hóa đất nước thì mới chống tham nhũng được, tức là nhân dân phải được tố cáo những người tham nhũng, những kẻ tham nhũng. Thế nhưng mà tìm cách bịt mồm bịt miệng nhân dân thì làm sao có thể tố cáo được”
và cuối cùng Ông nói rằng “nếu mà dân chủ hóa đất nước một cách đầy đủ thì chống được tham nhũng và loại trừ được tham nhũng, đất nước phát triển. Tại vì dân chủ hóa đất nước là một nhu cầu của đất nước, của nhân dân, có dân chủ thì mới phát triển được. Nhưng có một điều chúng tôi yêu cầu là phải làm thật, chứ không phải là cứ nói mà không làm..."
Theo Ông Nguyễn Thang Giang thì: muốn chống tham nhũng thì phải chống cái cơ chế đẻ ra tham nhũng, tức là phải sửa đổi chính trị thì mới mong chống được tham nhũng.
Ông nói tiếp “Ngoài việc cải tổ cơ cấu chính trị, những thành phần nào tham gia vào cơ cấu chống tham nhũng, đặc biệt là người đứng đầu Ủy ban chống tham nhũng, một điều kiện tối cần thiết là tự do ngôn luận. Phải có tự do ngôn luận thì mới chống được tham nhũng, còn chừng nào tất cả các cơ quan ngôn luận, báo chí chỉ là tai sai cho những người lãnh đạo thì không đời nào chống được tham nhũng”.
Sau cuối Ông kết luận” Nếu thực sự muốn chống, thành lập ban chống tham nhũng, người cầm đầu và các thành viên tuy không phải là người của đảng, nhưng đảng phải để cho họ hoạt động có tính độc lập hoàn toàn, chứ còn nếu mà thành lập có tính chất như phi chính phủ, hội đoàn này nọ ..... thì không làm được”
Ý kiến của những người uyên bác và có tấm lòng như vậy thật là đầy đủ, thiết nghĩ không còn gì để nói thêm. Khi tìm đúng bệnh rồi thì cứ thế mà chữa. Tham nhũng bắt nguồn từ những Quyền lực không được giám sát! Thế thì muốn loại bỏ được tham nhũng thì phải có các cơ chế để giám sát quyền lực. Đó là điều bắt buộc không thể nào làm khác đi được. Chính ông Phan Diễn cũng thừa nhận rằng “Tiêu cực, tham nhũng sẽ bị đẩy lùi nếu dân chủ được phát huy”.
Tôi xin nói lại một lần nữa như sau: muốn chống tham nhũng thì phải có Dân chủ. Khi có Dân chủ rồi thì mới giải quyết được vấn nạn tham nhũng. Mà dân chủ tức là phải có cơ chế để giám sát chính phủ, mà việc đó chỉ có thể thực hiện được khi Việt Nam có đa đảng. Mục đích của đảng đối lập là giám sát các hoạt động của đảng đang cầm quyền. Để đảng cầm quyền không thể tự tung tự tác như bây giờ được. Dân chủ cũng là tự do báo chí , tự do ngôn luận, tự do thành lập hội, nghiệp đoàn .v.v. Người Dân có quyền tố cáo tham nhũng mà không sợ hãi bị trừng phạt. Luật pháp hoạt động độc lập và không bị điều khiển bởi các vị chức sắc của đảng, chỉ có thế mới bảo đảm rằng trước pháp luật mọi người đều bình đẳng.
Nhà nước Việt nam hiện nay có chống được tham nhũng không?
Sau khi đọc xong các ý kiến để loại trừ tham nhũng thì chúng ta có thể khẳng định ngay rằng: Với bộ máy (hay cơ chế) vận hành như hiện nay của đảng cộng sản thì không thể chống được tham nhũng. Tôi không phải là người bi quan hay trù ẻo đảng cộng sản làm gì, nhưng cứ đối chiếu với những phân tích như trên thì điều kiện căn bản nhất là Dân chủ, tức phải có đa đảng để giám sát lẫn nhau. Thử hỏi Đảng cộng sản có làm được việc đó hay không? Không bao giờ có chuyện đó! Đa đảng thì làm sao mà tập trung quyền lực về một mối được? như vậy làm sao mà tham nhũng được? Nếu họ có ý định chống tham nhũng thì không bao giờ họ bắt giam Ông Phạm Quế Dương và Ông Trần Khuê làm gì? Hai Ông đã làm theo lời kêu gọi của đảng là chống tham nhũng, hai Ông xin thành lập Hội chống tham nhũng và lập tức bị bắt và bị bỏ tù vì tội “lợi dụng quyền tự do, dân chủ làm phương hại đến lợi ích nhà nước”. Đúng là hai Ông chống lại đảng rồi, vì đảng với tham nhũng là một, chống tham nhũng cũng có nghĩa là chống đảng! Hai Ông ngồi tù cũng đúng thôi. Ông Phạm Quế Dương kể với Đài RFA “Nguyên nhân bắt tôi tại thành phố Hồ Chí Minh và giam giữ tôi 19 tháng là bởi vì trong tay tôi có danh sách 16 người mà ông Trần Khuê đưa cho tôi là để ủng hộ việc thành lập Hội Nhân Dân Việt Nam ủng hộ đảng và nhà nước chống tham nhũng. Chúng tôi làm theo lời kêu gọi của những người lãnh đạo, những người lãnh đạo tối cao của Việt Nam thì chính chúng tôi lại bị trừng trị”
Qua lời Ông thì chúng ta thấy rõ một điều là Đảng với Tham nhũng như đôi bạn “đồng sàng, dị mộng” tuy hai là một, tuy một mà hai. Chửi nhau cật lực đấy, nhưng không thể sống thiếu nhau được.
Cho nên dù Phan Văn Khải có hô hào thành lập cơ quan chống tham nhũng này nọ thì cũng chỉ là cho vui… miệng. Vì, đúng như Ông Nguyễn Thanh Giang nhận định: “Bây giờ bày ra chỉ để ngu ngơ với nhau, viết một vài cái tổng kết ... rồi tiến thêm vài bước .... Vấn đề bây giờ, vấy bùn hết cả rồi cho nên thành phần nhân sự của Ủy ban lại hết sức quan trọng, không thể giao cho mấy ủy viên(Bộ Chính Trị) như trước nữa, bởi vì nhân dân họ bảo rằng, giao ủy ban chống tham nhũng cho mấy ông quan chức đó thì khác gì giao trứng cho ác”
Ông nhấn mạnh “Tôi thấy cơ quan chống tham nhũng là do Quốc Hội đề cử ra toàn là những người của đảng viên cộng sản thì như vậy không thể chống được tham nhũng. Tại sao như vậy, bởi vì trong nhân dân người ta nói chống tham nhũng tức là chống đảng. Tại sao lại cho là chống đảng, vì muốn chống tham nhũng phải có dân chủ, những người như đại tá Phạm Quế Dương và ông Trần Khuê thành lập hội giúp đảng và nhà nước chống tham nhũng thì lại bắt bỏ người ta thì làm sao chống”
Bởi tất cả những lí do trên chúng ta có thể đau buồn nhận thấy rằng Tham nhũng đã, đang, và sẽ tiếp tục hoành hành trên quê hương Việt nam yêu dấu. Để loại bỏ nó thì có một cách là cùng nhau xây dựng một chế độ Dân chủ thật sự, nơi mà không còn là mảnh đất màu mỡ cho bất công, nghèo đói, tham nhũng… Và để làm được điều đó cần có sự ủng hộ và quyết tâm của Toàn Dân.
Số phận của Dân tộc Việt nam phải do chính người Việt nam quyết định.
Nếu chúng ta cứ ngoảnh mặt thờ ơ, quay lưng lại với bất công, tham nhũng thì không những đời chúng ta khốn khổ mà rồi đến đời con cháu chúng ta cũng vậy.
Nếu có trách thì hãy trách chính Lương tâm trong con người của mỗi chúng ta, tại sao nước Việt nam ta lại Tham nhũng và bất công nhiều như vậy ? Câu trả lời nằm trong chính bản thân mỗi chúng ta.
Việt Hoàng