|
|
Các cụ ngày xưa dạy
quả không sai, "ghét của nào, trời trao của đấy". Hơn
hai mươi năm trước, tôi sống trong một khu tập thể, vào thời
kỳ mà kinh tế còn khó khăn và người ta phải nuôi lợn trong
buồng tắm để duy trì cuộc sống. Ngày đó tôi vẫn nghĩ:
"Phải nuôi lợn trong nhà và chịu đựng mùi hôi chắc là
khổ lắm." Ai có ngờ hai mươi năm sau, khi tôi đã dạt bước
lang thang qua nửa vòng trái đất, bôn ba sang tận nước Mỹ, tôi
lại gặp kiếp sống chung với lợn. À, không, thực ra nếu đem lão
so sánh với con lợn thì chính con lợn phải lấy làm xấu
hổ.
Người ta gọi lão là "the Elf", vì trông lão lùn lùn, bẩn
bẩn, đen đen, trông không giống người bằng giống quỷ. Ngoài
ra, lão còn một "đức tính" rất độc đáo, mà tuyệt nhiên
chỉ yêu tinh mới có, đó là hôi. Khoan hãy nói về nồng độ hôi
và tầm ảnh hưởng của mùi hôi là những đặc trưng mà bãi
rác hay bất kỳ vật tỏa mùi nào cũng có, lão lại có một điểm
hơn người mà bất kỳ thực thể tỏa mùi nào trong vũ trụ cũng
phải ghen tị với lão: đó là độ đa dạng và phong phú của mùi
hôi. Mỗi ngày lão sáng tạo ra một mùi hôi khác nhau, không mùi nào
giống mùi nào, thậm chí mỗi buổi trong ngày người lão lại
thoang thoảng một mùi thối riêng, sáng tanh tưởi kiểu buổi sáng,
trưa thum thủm kiểm buổi trưa và tối nồng nặc mùi buổi tối.
Nói tóm lại, cống nước thải, nhà vệ sinh, hãng thuộc da, bãi
xả rác trên thế giới đều chạy dài trước mùi hôi của lão.
Mỗi buổi tối, khi tôi và cậu bạn (là những người không may
dại dột cho lão thuê một phòng trong nhà) đi học và đi làm về,
sau khi mở khóa cửa, một trong hai người phải bịt mũi, đề khí,
tung người bay vào nhà, phun thuốc khử mùi khắp nơi, sau đó phi
thân ra khỏi nhà thật nhanh, đứng ngoài 5 phút, chờ cho mùi hôi
bay bớt thì mới vào nhà được. Mặc dù đề phòng kỹ như thế,
ấy vậy mà cũng có mấy lần cả hai chúng tôi suýt ngất, chưa
kể nhiều lần bị nôn ọe trong phòng tắm. Đó là nói về sự
ở. Còn sự ăn của lão hẳn nhiên cũng đáng được coi là kỳ cú.
Không hiểu lão chui luồn, bợ đỡ thế nào, chạy chọt được
một chân đi làm học giả ở Mỹ, là một nước tạm coi là văn
minh trên thế giới, nhưng lão kiên quyết không thèm học cách dùng
tủ lạnh và không phân biệt nổi cái nồi cơm điện với nồi để
nấu trên bếp ga. Vì không biết dùng tủ lạnh, hoặc giả vì keo
cú, sợ chúng tôi ăn mất cơm thiu, mì mốc hay thịt ôi, rau thối
của mình, nên bao nhiêu thứ lão mua từ những hàng thức ăn cho chó
về, lão đem giấu cả xuống dưới gầm giường trong phòng lão, làm
cho phòng lão trở thành một kho vũ khí hóa học giữa lòng nước
Mỹ. Bất kỳ ai đến gần phòng lão trong vòng 2 mét cũng sẽ cam
đoan đây là nhà máy sản xuất hóa chất nồng độ cao nhằm
giết người hàng loạt bằng cách đánh vào khứu giác. Lão dùng
loại thực phẩm "hảo hạng" như vậy để nấu ăn, nên
mỗi lần lão làm bếp là một lần bầu trời nước Mỹ chịu
một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ("mùi thơm" xào
nấu của lão) và cả sinh học (do vi khuẩn thoát ra từ thức ăn
để thiu hàng tuần liền trong gầm giường, được lão đem ra
thổi phù phù cho bớt mùi rồi cho vào nồi nấu). Là cán bộ,
lại là học giả, nên lão triệt để nêu cao tấm gương cần
kiệm liêm chính. Mỗi bữa ăn, dù chỉ thừa dăm ba sợi mì mốc
xanh mốc trắng, hay sót lại một hai mẩu cá vụn tanh ngòm, cho chó
thì nó nhổ toẹt vào, lão cũng cẩn thận cho chung vào một cái bát
nhựa, đậy rõ chặt, cất kỹ vào gầm giường để bữa sau lôi
ra ăn tiếp. Do ăn tạp lâu ngày, bộ quai hàm của lão vẩu ra một
cách kỳ dị, khiến các nhà sinh vật học xuất chúng của
Mỹ nói riêng và của toàn thế giới nói chung không thể
nhận ra đó là mõm của loài súc sinh nào, đành phải gọi lão là
loài tiểu quỷ. Do thú vui ẩm thực "tao nhã và rẻ tiền"
như vậy, nên hàng đêm, cứ mỗi tiếng lão lại chui vào
toilet một lần, đều đặn như đánh trống canh. Giá kể như lão
sống cùng thời với anh Pha hay chị Dậu, làng sẽ xếp cho lão
một chân làm mõ, vì dễ gì kiếm được một người ngày nào cũng
hy sinh giấc ngủ quý giá của mình để mỗi đêm thức dậy năm
lần bảy lượt.
Về mặt trí tuệ, lão quả nhiên không hổ danh là một học giả
(vì nếu có học thật thì không ai có thể đạt tới trình độ
ngu si cao siêu như lão). Ngày đầu tiên đặt chân đến nhà chúng
tôi, thấy lọ dầu gội đầu có chữ Shampoo to tướng, nhưng có
lẽ lọ dầu to quá, ra ngoài tầm tưởng tượng của bộ não ti
tiểu của lão, lão liền luận ngay ra theo lý lẽ của loài bò : cái
gì to thì phải rẻ tiền, một cái lọ to rẻ tiền mà ở trong
buồng tắm thì chắc phải là nước chùi toilet. Thật là một loài
súc vật có khả năng suy luận cao. Ở nhà quê bây giờ, đứa
trẻ con 3 tuổi dù không biết đọc cũng biết chai nào có một cái
móc (chữ "S") ở đầu và hai quả trứng gà (chữ
"o") ở cuối thì không phải là nước chùi toilet. Cũng có
thể lão chưa học thật bao giờ, nên không biết điều trừu tượng
này chăng? Là một học giả, nên lão cũng không phải đèn sách gì
ghê gớm, thậm chí cũng chả phải đến trường. Thế là lão cứ
việc lang thang từ sớm đến tối mịt để đi tìm các cửa hàng
đồ cũ. Mỗi lần mua được một thứ chổi cùn rế rách mà giá
có đem cho ăn xin ở Việt nam thì nó đánh cho hỏng người, lão
lại hí hửng hơn cha chết, cặp mắt đầy gỉ hấp háy, híp lại
trên một khuôn mặt đười ươi nhăn nhúm, trông rõ nhàu nhò,
một tay vén cái áo ba lỗ màu cháo lòng lên, tay kia xoa xoa lên
một mớ bèo nhèo mà 51 năm về trước khi một người đàn bà
bạc phước sinh lão ra trên đời, người ta gọi đấy là cái
bụng. Trông cái bộ tiểu nhân đắc chí thật là rõ tởm.
Tục ngữ có câu "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa
cột mà nghe". Nhưng nhà ở Mỹ không có cột, hoặc giả lão
theo trường phái cấp tiến, không cần quan tâm đến những thứ
cổ hủ như ca dao, tục ngữ, nên lão luôn tìm cách chọc cái mõm
thối của mình vào những chuyện lão hoàn toàn không biết. Có
lần chúng tôi tụ tập xem phim Hoàng Phi Hồng, lão cũng mon men ra
xem ké. Hỏi tựa đề của phim xong, xem được ba phút mà không
hiểu được gì, bởi theo lão nói thì bọn đóng phim không biết nói
tiếng Anh (ít nhất là tiếng Anh theo kiểu của lão), lão bắt đầu
quay ra nói chuyện tầm phơ. Sau khi vén môi, chìa răng cười đánh
tủm một phát, lão phán ra một câu xanh rờn: "Ngày xưa thằng
cha Hoàng Phi Hồng này cũng có sang Việt nam rồi đấy." Cả 4
thằng đang ngồi chăm chú xem phim trợn tròn mắt lên nhìn lão.
Lịch sử của môn phái và các nhân vật Thiếu lâm kể từ ngày
Đạt ma sư tổ vượt sông Hoàng Hà bằng một cành lau, dựng nên
chùa Thiếu Lâm cho đến nay chúng tôi còn lạ gì, thế mà có bao
giờ nghe nói đến chuyện Hoàng Phi Hồng sang Việt nam đâu. Hơn
nữa vào khoảng thế kỷ 18, 19, Hoàng Phi Hồng là một trong 10 đại
cao thủ Thiếu lâm được gọi là Thập hổ Quảng đông ở tận bên
Trung quốc, thì lấy đâu ra visa mà sang Việt nam. Thấy chúng tôi có
ý nghi ngờ, lão khăng khăng giải thích chắc như đinh đóng cột:
"Cái tay Hoàng Phi Hồng này chắc chắn là có sang Việt nam,
lại còn cầm đầu nghĩa quân Cờ đen đánh Pháp ở Cầu
giấy." Nghe đến đây, chúng tôi phải vận dụng tất cả
nội lực đã tu luyện quá nửa đời người để giữ cho mình
khỏi cười ngã lăn từ trên đi văng xuống đất. Bất kỳ một
học sinh nào ở Việt nam có đi học qua lớp 4 cũng biết rằng người
cầm đầu nghĩa quân Cờ đen đánh Pháp ở Cầu giấy là Hoàng Vĩnh
Phúc, sống sau thời Hoàng Phi Hồng đến năm chục năm có lẻ, may
ra hai người giống nhau ở mỗi cái họ Hoàng. Hay hồi đó Hoàng
Phi Hồng cải trang thành Hoàng Vĩnh Phúc để sang Việt nam đánh Pháp
mà sách giáo khoa lớp 4 bỏ quên không viết. Lão quả thật là
một tên không những ngu si mà lại còn quên cả quê hương
bản quán.
(Còn tiếp) |