Mục Lục
Trở về Chương I, Phần Thứ Nhứt
PHẦN THỨ NHỨT
LƯỢC-KHẢO VỀ NHỮNG LÝ-THUYẾT CHÁNH-TRỊ ĐÃ LƯU-HÀNH TRÊN THẾ-GIỚI TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY
CHƯƠNG II
LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ
I- NHỮNG MẦM MỐNG CỦA TƯ-TƯỞNG DÂN-CHỦ TRONG XÃ-HỘI CỔ THỜI.
Trong xã-hội cổ-thời, tư-tưởng chánh-trị đặt nền tảng trên lý-thuyết thần-quyền. Theo lý-thuyết này, võ trụ do Thượng-Đế là một đứng toàn thiện, toàn năng tạo nên. Người do Thượng-Đế sanh ra, lại được Thượng-Đế ban cho một linh-hồn tinh túy nên đứng đầu vạn-vật. Nhưng được hưởng đặc-ân, tất phải có nhiệm-vụ. Muốn xứng đáng với địa-vị tôn-quí của mình, người phải luôn luôn sống theo lề luật Thượng-Đế.
Lề luật này khác nhau vô-cùng theo các dân-tộc, nhưng lòng tin tưởng của họ có một điểm chung là những kẻ không chịu khép mình vào những qui-tắc mà Thượng-Đế nêu ra cho người không sao tránh khỏi sự trừng-phạt. Mà trong sự trừng-phạt, Thượng-Đế không phải chỉ nhắm vào kẻ phạm tội mà thôi. Nhiều khi, cả xã-hội trong đó kẻ phạm tội sống cũng phải chịu vạ lây. Với một quan-niệm như thế, người cổ-thời tất nhiên có một thái-độ khắc-nghiệt, cố-chấp không những đối với những vấn-đề công-cộng mà còn đối với những hành-động hoàn-toàn cá-nhơn nữa.
Một mặt khác, những người cầm-quyền thường được cho là những kẻ đại-diện Thượng-Đế ở trần gian. Đối với người, Thượng-Đế có oai-quyền tuyệt-đối như thế nào thì những kẻ đại-diện Ngài để thi-hành mạng lịnh Ngài cũng phải có oai-quyền tuyệt-đối như thế ấy đối với dân-chúng.
Vì những lý lẽ trên này, xã-hội cổ-thời thường có tánh-cách chuyên-chế. Nếu các phần tử khác nhau trong quốc-gia có hưởng được một phần tự-do nào thì đó chỉ là vì nhà cầm-quyền bên trên không đủ phương tiện chế-ngự họ như ý muốn mà thôi. Bởi đó, xã-hội ngày trước có xu-hướng tiến về hình-thể độc-tài.
Những chế-độ quân-chủ tuyển-cử mà người Trung-Hoa gọi một cách văn vẻ là chế-độ truyền-hiền lần lần biến thành những chế-độ quân-chủ truyền-tử, những chế-độ phong-kiến thì trở nên chế-độ quân-chủ tập-trung. Có nhiều nước khi mới được thành-lập thì theo chế-độ cộng-hòa mà về sau lại hóa ra đế-quốc.
Do đó, chế-độ chánh-trị thạnh-hành nhứt trong xã-hội cổ-thời là chế-độ quân-chủ chuyên-chánh. Trong chế-độ này, tất cả quyền-chánh trong một nước đều nằm trong tay một nhà vua – quốc-vương hay hoàng-đế – vâng mạng Trời mà cai-trị dân. Nhà vua đã nhận được thiên-mạng rồi thì trọn quyền điều- khiển việc nước theo ý mình. Oai-quyền của vua có thể bảo là vô-hạn vậy.
Nhưng muốn nắm giữ được quyền-chánh, nhà vua phải có lực-lượng trong tay. Lực-lượng này do đâu mà ra? Trước hết, nó dựa vào những bộ-hạ của nhà vua, tức là đám quan-lại và quân-sĩ trung-thành với cá-nhơn, với dòng họ nhà vua.
Tuy thế, thiếu sự ủng-hộ của dân-chúng, không chánh-quyền nào có thể đứng vững được lâu dài, nhứt là khi có sự xâm-lược từ ngoài đưa đến. Ngay bên trong nước, nếu dân-chúng cùng đứng lên chống lại nhà vua, nhà vua củng khó lòng đàn-áp. Vua Kiệt nhà Hạ cho rằng mình là mặt trời cần cho sự sống của muôn dân. Nhưng ông bạo-ngược quá, khiến cho dân hết sức cơ-cực. Họ thán oán, hát lên rằng: “Mặt trời kia, bao giờ thì mày tắt, để chúng tao cùng chết với mày?”. Dân đã thù hằn đến mực đó thì không còn oai-lực nào trên thế-giới có thể giữ được ngai vàng cho nhà vua nữa.
Bởi đó, các chánh-khách sáng suốt đời xưa đều nhận rằng sự ủng-hộ của dân-chúng rất cần. Và muốn cho chánh-quyền mình vững chắc, nhà vua phải thỏa-mãn dân-chúng một phần nào, hay ít nhứt cũng không xử tệ-ngược với họ đến nỗi họ bất-bình mà chống chọi lại mình. Ngoài sự khôn ngoan chánh-trị trên này, lại còn một xu-hướng đạo-đức thêm vào khiến cho các chánh-khách nêu ra nhiều ý-tưởng binh-vực dân-chúng và chủ-trương bảo-vệ quyền-lợi những kẻ bị bạc-đãi, xem mọi người như nhau.
Người Do-thái ngày xưa rất tin tưởng nơi sức mạnh của dư-luận, và cho rằng dư-luận có thể ảnh-hưởng đến nền quân-chủ. Những tư-tưởng gia của họ không ngần ngại mà công-kích những nhà cầm-quyền. Các nhà tiên tri của họ thường nhiệt-liệt bài-xích các hành-vi bạo-ngược của vua họ.
Ở đô-thị Nhã-điển (Athènes) thuộc đất Hy-lạp, ban đầu quyền chánh-trị nằm trọn trong tay những nhà quí-tộc. Đến thế-kỷ thứ 7 trước công-nguyên, hai bên quí-tộc và thường-dân xung-đột lẫn nhau, ông Solon phải cải-lương chế-độ chánh-trị, cho phép những người dân có tiền của tham-dự việc công. Chế-độ này lần lần mở rộng ra cho tất cả dân đô-thị, khi Thượng và Hạ Nghị-viện được chánh-thức thiết- lập. Đến thế-kỷ thứ 5 trước công-nguyên thì chế-độ dân-chủ Nhã-điển đã phát-triển đến mực cao nhứt của nó.
Đô-thị La-mã trước kia cũng phải trải qua những cuộc xung-đột nhau giữa quí-tộc và thường-dân. Đầu thế-kỷ thứ 3 trước công-nguyên, thường-dân được quyền giữ mọi chức-vụ trong nước y như quí-tộc. Điều này đưa La-mã đến một thể-chế cộng-hòa trong đó, theo một câu ngạn-ngữ, “tiếng dân được xem là tiếng của Trời”.
Người Trung-Hoa vốn đã có tư-tưởng dân-bản từ lâu. Đời thượng-cổ đã phát-sanh thuyết cho rằng nhà vua cai-trị dân là do mạng Trời, song nếu nhà vua làm quấy thì mạng Trời ấy có thể mất đi được. Thêm nữa, Nho-giáo dạy rằng Trời với người đồng một thể cho nên hễ dân muốn thế nào thì Trời cũng muốn thế ấy. Thiên Thái-thệ trong kinh Thư có chép rằng: “ Trời thương dân, dân muốn điều gì, Trời cũng theo” (Thiên căng vu dân, dân chi sở dục, thiên tất tùng chi), lại chép: “Trời trông thấy do dân ta trông thấy, Trời nghe thấy do dân ta nghe thấy” (Thiên thị tự ngã dân thị, thiên thính tự ngã dân thính).
Nhưng có lẽ đến đời Chiến-quốc, tư-tưởng dân-chủ Trung-Hoa mới nãy nở một cách mạnh mẽ. Thầy Mạnh tử đã táo-bạo nêu ra nguyên-tắc: “Dân là quí, xã tắc kế đó, vua là khinh” (Dân vi quí xã tắc thứ chi, quân vi khinh). Và gạt bỏ chủ-trương tôn Châu của Khổng-tử, thầy dạy rằng trong thiên-hạ, ai có đức thì có thể nhận thiên-mạng mà làm vua; trái lại, nhà vua hôn bạo thì mất mạng Trời, ai cũng có quyền chống lại. Quan-niệm cho rằng vua Võ nhà Châu giết một tên thất phu tên là Trụ chớ không phải giết vua Trụ đã bày tỏ một cách rõ ràng chánh-sách tôn-trọng dân ý của thầy.
Những xã-hội Âu-châu đời Trung-cổ cũng có nhiều chế-độ bảo-vệ sự tự-do của dân-chúng một phần nào. Các pháp-viện, các Nghị-hội, các Quốc-dân đạI-hội, các đặc-quyền mà một số đô-thị được hưởng là những thành lũy của tư-tưởng dân-chủ trong những xã-hội chuyên-chế. Về phương-diện tôn-giáo, Giê-su đã dạy rằng mọi người đều là con Thượng-Đế và được xem bằng nhau trước mặt Thượng-Đế.
Ở nước Việt-Nam ta, trước kia tư-tưởng dân-chủ được biểu-thị trong chế-độ tuyển-cử những vị hương- chức lập nên ban hộI-tề. Câu tục-ngữ: “Phép vua thua lệ làng” lại chỉ tỏ rằng xã-thôn có một quyền tự-trị rất lớn đối với chánh-quyền trung-ương.
Những gương trên này cho phép chúng ta quả-quyết rằng trong những xã-hội chuyên-chế cổ-thời, đã có những mầm mống của tư-tưởng dân-chủ. Tuy vậy, những tư-tưởng dân-chủ trên đây thường có tính- cách đạo-đức hơn là có tánh-cách luật-pháp. Một số những tư-tưởng tốt đẹp này đã được dùng để giáo- hóa những nhà vua, những ông hoàng, những người có địa-vị tôn-quí trong xã-hội. Nếu họ biết nghe theo và thi-hành được những nguyên-tắc đó thì dân-chúng được sung sướng. Trái lại, gặp những nhà vua, những ông hoàng hôn-ám, không biết sống một cuộc đời đạo-lý – trường-hợp này lại thường xảy ra hơn – thì dân-chúng phải chịu khổ-sở lầm-than. Những chế-độ đặt ra để hạn-chế quyền tuyệt-đối của nhà vua thường không đủ hiệu-lực để binh-vực dân-chúng và cứ luôn luôn hao mòn khi quyền-chánh nhà vua lớn lên.
Thêm nữa, những ý-niệm về dân-chủ, về bình-đẳng, về tự-do của người xưa không phải giống những ý-niệm tương-ứng của chúng ta hiện giờ. Ngay đến những xã-hội gọi là cộng-hòa ngày trước cũng không đạt được lý-tưởng bình-đẳng và tự-do mà chúng ta nói đến ngày nay. Trong những xã-hội cộng-hòa ấy, có một số rất đông nô-lệ bị xem như là súc-vật và cố-nhiên chẳng có chút quyền gì. Đàn bà thời ấy cũng ờ vào một địa-vị rất ti-tiện. Việc tham-dự chánh-sự chỉ dành riêng cho một số người được gọi là công-dân mà thôi.
Nhưng công-dân cũng chưa phải được tự-do như ta tưởng. Mỗi ý-kiến, mỗi tư-tưởng của họ đều phải phù hợp với ý-thức-hệ lưu-hành; một câu nói phạm vào thần-thánh hay vào chế-độ đương-hữu, một chủ-trương chánh-trị không hợp với xu-hướng của số đông có thể đưa người công-dân đến cái chết hay sự lưu-đày.
Như vậy, ý-niệm về nhơn quyền, về giá-trị của con người với tư-cách là người chưa xuất hiện trong xã-hội cổ và lý-thuyết dân-chủ với những nguyên-tắc căn-bản hiện-thời của nó chỉ mới phát-sanh ở Âu-châu vào thế-kỷ 17 và 18 mà thôi.
II- XÃ-HỘI ÂU-CHÂU CẬN KIM VÀ SỰ PHÔI-THAI RA NHỮNG LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ HIỆN LƯU- HÀNH
A- SO SÁNH XÃ-HỘI QUÂN-CHỦ TRUNG-HOA VÀ XÃ-HỘI QUÂN-CHỦ ÂU-CHÂU.
1- XÃ-HỘI TRUNG-HOA
Trong tất cả những chủ-trương quân-chủ ngày xưa, chỉ có chủ-trương Nho-giáo là có tánh-cách trọng dân hơn cả. Nhà vua, theo Nho-giáo, vẫn được xem là bực thay mạng Trời mà trị dân. Nhưng ông ta phải hoàn-toàn chịu trách-nhiệm đối với dân. Dân phải nhận chịu quyền vua cai-trị, nhưng bù lại, họ có quyền bắt vua làm điều lành. Khi vua tàn-bạo, dân-chúng có thể lấy cớ vua không còn xứng đáng thay mạng Trời mà trị vì nữa, và có quyền đánh đổ vua, đem người khác lên thay. Vậy, cái quyền khởi loạn chỉ được nói đến ở Âu-châu sau thời Trung-cổ đã được nhà Nho công-nhận mấy thế-kỷ trước công-nguyên rồi.
Từ đời Hán trở về sau, Nho-giáo chiếm được địa-vị độc tôn trong xã-hội Trung-Hoa, và các nhà chánh-khách không ít thì nhiều đều là môn-đồ của nó. Lẽ cố-nhiên là họ cố gắng thực-hiện lý-tưởng nó nêu ra. Nhưng họ không thể hoàn-toàn thành-công trong dự-định họ. Xã-hội Trung-Hoa cũng như hầu hết mọi xã-hội thời-cổ, là một xã-hội chuyên-chế. Những nhà vua có đức-hạnh, cũng như những viên quan mẫn-cán thanh-liêm chỉ là số ít, còn số vua hôn-ám bạo-ngược và số quan-lại tham lam nhũng-nhiễu là số đông.
Tuy thế, ảnh-hưởng Nho-giáo không phải là không có kết-quả tốt. Từ đời Hán trở đi, xã-hội Trung-Hoa lần lần đi xa chế-độ phong-kiến. Ngoài vua ra, không còn chức-vụ nào thế-tập nữa. Con cháu những người được phong tước-vị chỉ có thể tập-ấm những chức nhỏ hơn, và sau vài đời, nếu không lập nên công trạng gì đặc-biệt nữa, họ lãi trở thành bạch-đinh. Ngay đến những nhơn-viên hoàng-tộc cũng có thể lọt vào trong đám dân-chúng tầm-thường khi thế-phổ đã xa nhà vua đang tại vị. Các quan trong triều phần lớn đều xuất-thân trong đám dân-chúng, nhờ những cuộc thi cử hay những công-trạng đặc-biệt đối với quốc-gia.
Người trong xã-hội tuy chia ra làm bốn hạng sĩ, nông, công, thương, nhưng sự phân-biệt này không phải có tánh-cách đẳng-cấp như ở trong xã-hội phong-kiến. Người nào cũng có quyền đổi nghề theo ý muốn, và những kẻ sĩ có thể nhờ sự học-hành mà tham-dự quyền-chánh được. Lịch-sử Trung-Hoa ngày xưa đầy dẫy gương những người nghèo hèn chỉ nhờ cố công đèn sách hay gắng sức luyện-tập võ-nghệ mà ngày sau chiếm được những địa-vị rất cao quí trên nấc thang xã-hội. Như vậy, đại-khái, ai cũng có hy-vọng nhờ nơi tài-lực, đức-tánh cá-nhơn mà cải-thiện đời sống của mình.
Bộ máy chánh-quyền tự-nhiên là hết sức khắc-nghiệt như mọi bộ máy chánh-quyền chuyên-chế khác. Nhưng các vua quan Trung-Hoa ngày trước chỉ để ý trừng-phạt những kẻ mà họ nghi là có ý khuynh-đảo triều-đình. Nếu sự kiểm-soát có khi lan rộng đến thái-độ con người đối với gia-đình mình thì đó là vì theo Nho-giáo, chỉ những người con hiếu mới có thể làm người tôi trung đối với triều-đình.
Về những phương-diện khác, nhà cầm-quyền Trung-Hoa ngày xưa thường tỏ ra rất khoan-dung. Người dân được đi lại thong thả khắp nơi trong nước và có thể tôn thờ một mối đạo theo ý thích của mình. Nho-giáo được trọng-vọng hơn cả, nhưng những tôn-giáo khác vẫn còn được dung-nạp dầu nó trái với chủ-trương của Nho-giáo cũng vậy. Lẽ cố-nhiên là trong hàng-ngũ những môn-đồ của Khổng tử, vẫn có những người nhiệt-liệt bài-xích đạo Phật hay đạo Lão, nhưng sự bài-xích này chưa bao giờ đưa đến sự cấm-đoán bạo-tàn, những cuộc giết hại đẫm máu.
Vậy, cứ công-bằng mà nói, xã-hội Trung-Hoa ngày trước có tánh-cách bình-đẳng và tự-do hơn xã-hội Âu-châu đồng-thời.
2- XÃ-HỘI ÂU-CHÂU
Sau khi đế-quốc La mã sụp đổ, xã-hội Âu-châu lọt vào trong sự hỗn-loan. Đời Trung-cổ, vua Charlemagne đã cố gắng tạo nên một đế-quốc theo đạo Thiên-chúa. Nhưng đế-quốc này không đứng vững được lâu dài, và khi nó tan rã, đất Tây-Âu chia ra thành nhiều lãnh-vực. Các quốc-gia bắt đầu thành-lập khi những nhà vua mở rộng được quyền-hành mình và chế-ngự được các nhà quí-tộc phong-kiến.
Đến thế-kỷ thứ 15, 16 sau công-nguyên, phần lớn các quốc-gia Âu-châu đã có những nền tảng vững chắc rồi. Trừ ra một số đô-thị ở đất Ý mà chánh-thể cứ thay đổi mãi, những tiểu-bang Thụy sĩ được hưởng một chế-độ tự-do đặc-biệt, nước Ba lan tổ-chức theo lối quân-chủ tuyển-cử, và những đất trực thuộc Giáo-hoàng, những nước lớn ở Âu-châu lúc bấy giờ đều tổ-chức theo chế-độ quân-chủ chuyên-chánh.
Về phương-diện lý-thuyết, những nhà giáo-sĩ của đạo Thiên chúa đã nhiều lần nêu lên ý-kiến rằng nền tảng quân-quyền phải dựa vào quyền-lợi công-cộng, và khi một nhà vua làm sai nhiệm-vụ, hoặc vượt ra khỏi giới-hạn chỉ-định cho mình, dân-chúng có thể xem ông ta như là đã mất hết đặc-quyền và đứng lên chống lại. Tuy vậy, những ý-tưởng này không được phổ-cập ra trong dân-chúng bằng những lý-thuyết binh-vực quyền tuyệt-đối của vua. Theo những lý-thuyết đó, nhà vua là người trực-tiếp nhận mạng Trời mà cai-trị dân, và chỉ phải chịu trách-nhiệm về những hành-vi của mình đối với Trời mà thôi. Để có thể thi-hành nhiệm-vụ mình, nhà vua phải nắm cả chủ-quyền của quốc-gia trong tay, và đứng trên cả Giáo-hội. Câu “Quốc-gia là ta, ta là quốc-gia” mà người ta bảo là của vua Louis thứ 14 nước Pháp thật ra có thể xem là lý-tưởng thầm kín của tất cả các nhà vua Âu-châu thời bấy giờ.
Ngoài nhà vua ra, trong nước lại còn có một giai-cấp quí-tộc thế tập. Những nhà quí-tộc này hoặc là tước chủ của những thái-ấp rộng minh mông, hoặc lãnh những chức-vụ tôn quí ở triều đình, trong quân đội, hay trong ngạch tư-pháp. Họ nắm giữ phần lớn nguồn tài lợi trong nước và chiếm hầu hết các địa-vị trọng-yếu trong bộ máy cai-trị.
Kế bên giai-cấp quí-tộc là giai-cấp tăng-lữ gồm những tử-đệ nhà quí-tộc không được kế tước. Giáo-hội vốn có nhiều đất đai, lại được hưởng nhiều đặc-quyền về thuế-vụ nên giai-cấp tăng-lữ cũng rất giàu sang.
Phần dân-chúng còn lại gồm những nông-nô, thợ thuyền và một thiểu-số trưởng-giả.
Nông-nô là những người làm ruộng rẫy. Họ thuộc quyền sở_hữu của vị quí-tộc địa-chủ và phải trọn đời phục-vụ vị địa-chủ này. Ngoài ra, họ còn phải nộp các thứ sưu-thuế cho nhà vua và thuế thập-phân cho giáo-hội. Vì đó, họ hết sức cơ-cực. Và trừ ra một số rất ít người nhờ dua nịnh, bợ đỡ vị quí-tộc địa-chủ mà được no ấm, đại-đa-số nông nô sống một cuộc đời tối tăm, không có cách nào để tiến thân.
Những người thợ thuyền sống ở các đô-thị thì họp lại thành phường, họ không được đổi nghề, mà muốn lên chức trùm phường thì phải trải qua nhiều cuộc thi khó khăn và tốn kém. Vì đó, hầu hết đều phải giữ một địa-vị ti-tiện đời này sang đời khác.
Thiểu-số trưởng-giả thì sung sướng hơn hai hạng nông-nô và thợ thuyền đôi chút, vì họ nhờ những cuộc kinh-dinh về thương mại và kỹ-nghệ mà thâu góp được ít nhiều tư-sản. Hơn nữa, một vài người nhờ học rộng hoặc có tài cao mà được nhà vua giao cho trọng-trách ở triều-đình. Tuy thế, phần lớn vẫn bị gạt ra ngoài chánh-quyền, và thường bị hai giai-cấp tăng-lữ và quí-tộc khinh-thị và tìm cách bóc lột.
Thời ấy, nhơn-dân toàn quốc phải theo quốc-giáo là tôn-giáo của nhà vua. Những kẻ thờ chủ-nghĩa vô-thần hay theo một tôn-giáo khác thì bị đàn-áp giết hại một cách tàn-bạo.
B.- NHỮNG KHỞI-ĐIỂM CỦA LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ HIỆN LƯU-HÀNH
1. CÁC HỘI-NGHỊ VÀ ĐẶC-QUYỀN ĐÔ-THỊ
Trong cái xã-hội chuyên-chế hoàn-toàn bất bình-đẳng và thiếu tự-do ấy, tuy thế, hãy còn một ít cơ-sở làm gốc cho những tư-tưởng dân-chủ về sau.
Ở nước Anh, từ thế-kỷ thứ 13, các nhà quí-tộc đã họp nhau yêu cầu nhà vua ban cho một Đại Hiến-chương bảo-đảm một số đặc-quyền cho họ. Cuối thế-kỷ 13, nước ấy lại có được một Nghị-hội.
Ban đầu, nhơn-viên Nghị-hội này chỉ gồm những đại-biểu của hạng quí-tộc và tăng-lữ cao-cấp. Nhưng sau đó, nhiều đại-biểu của hạng quí-tộc và tăng-lữ cấp dưới được nhà vua mời đến tham-dự những buổi hội. Và đến thế-kỷ thứ 14, dân-chúng những thị-trấn quan-trọng được quyền cử người vào Nghị-hội ấy.Về sau, những đại-biểu tăng-lữ cấp dưới tách ra khỏi Nghị-hội luôn; những nghị-viên còn lại thì chia ra làm hai phần: những đại-biểu của hạng quí-tộc và tăng-lữ cao-cấp họp lại làm Quí-tộc nghị-viện, những đại-biểu quí-tộc cấp dưới cùng đại-biểu thị-trấn họp lại làm Thứ dân nghị-viện.
Hai nghị-viện này nhóm họp riêng ra, nhưng cũng có quyền như nhau.
Quyền quan-trọng hơn hết của Nghị-hội Anh là quyền quyết-định về thuế-vụ: nhà vua bình-thường chỉ có một ngân-sách rất nhỏ, mỗi khi muốn thi-hành một chương-trình gì cần nhiều tiền và do đó mà phải đánh những món thuế mới, nhà vua phải triệu-tập Nghị-hội để yêu cầu Nghị-hội chấp-thuận những món thuế ấy. Lẽ cố-nhiên là Nghị-hội Anh đã không ngần-ngại lợi-dụng đặc-quyền mình để bắt bí nhà vua. Trước khi chấp-nhận một đạo luật về thuế-vụ, Nghị-hội thường hay yêu cầu nhà vua ban-bố một đạo luật mở rộng quyền-hành mình hoặc bảo-vệ một quyền-lợi của dân-chúng.
Như thế, với quyền quyết-định về thuế-vụ, Nghị-hội Anh đã làm trở ngại cho quân-quyền nước Anh không ít. Do đó, nhiều nhà vua đã tìm cách thoát-ly thế-lực Nghị-hội, hoặc bằng cách bổ sung ngân-quỹ với những món tiền khác hơn là tiền thuế để khỏi phải triệu-tập Nghị-hội, hoặc bằng cách đánh thuế dân-chúng mà không hỏi đến ý-kiến Nghị-hội.
Nhưng sự phát-triển của quốc-gia làm cho nhà vua càng ngày càng cần dùng một ngân-sách lớn hơn và không thể không đánh thuế dân-chúng được. Một mặt khác, quyền quyết-định về thuế của Nghị-hội Anh lần lần trở thành một tập-tục được mọi người chấp-nhận, cho nên mỗi khi nhà vua qua mặt Nghị-hội thì dân-chúng phản-ứng lại rất mạnh mẽ, và nhà vua gặp rất nhiều khó khăn trong việc thâu thuế. Vì đó, quân-quyền Anh không đánh đổ được Nghị-hội và thế-lực Nghị-hội, mặc dầu còn yếu hơn quân-quyền Anh nhiều, cứ càng ngày càng bành trướng mãi ra. Điều này đã giúp nước Anh đi đến chế-độ Đại-nghị và chế-độ dân-chủ sau này.
Ở Pháp, từ thời-đại phong-kiến, bên nhà vua cũng có những Pháp-viện trước gồm những viên thẩm-phán lo việc xử kiện, nhưng về sau được phép bàn về quốc-sự và đăng-lục những pháp-lịnh của nhà vua. Nhơn nhiệm-vụ sau chót đó, Pháp-viện Pháp tự cho mình có quyền “gián-nghị” tức là quyền bày tỏ cho nhà vua biết những khuyết-điểm của một pháp-lịnh đưa đi đăng-lục.
Thêm vào những Pháp-viện này, nước Pháp ngày xưa có chế-độ đặc-quyền của thị-trấn. Đặc-quyền này do nhơn-dân các thị-trấn mua được của nhà vua hay những nhà quí-tộc khi họ túng tiền; nó giúp dân-chúng các thị-trấn ấy thoát khỏi sự cai-trị chuyên-chế của những nhà quí-tộc hay của quan-lại nhà vua.
2. NHỮNG PHONG-TRÀO TƯ-TƯỞNG
Ngoài những chế-độ kể trên này làm nền móng cho lý-tưởng dân-chủ, ỡ Âu-châu còn có những phong-trào tư-tưởng phụ giúp vào việc đánh đổ chế-độ chuyên-chế được thi-hành.
Thời Trung-cổ, đời sống tinh-thần người Âu-châu bị khép chặt trong khuôn khổ của Giáo-hội La-mã. Tư-tưởng họ bị phái kinh-viện uốn nắn theo nguyên-tắc quyền-oai. Thánh Augustin, thánh Thomas và Aristote là những thánh-sư mà họ phải cúi đầu tôn sùng không được cãi lại.
Nhưng đến cuối thế-kỷ thứ 15 và nhứt là đầu thế-kỷ và nhứt là đầu thế-kỷ thứ 16, sự thành-lập những quốc-gia tập-trung chấm dứt những cuộc chiến-tranh giữa các chúa phong-kiến. Xã-hội được thái-bình và bắt đầu thạnh-vượng. Những nhà học-giả có điều-kiện học hỏi liền nghĩ đến việc mở mang trí-thức mình bằng cách nghiên-cứu những kinh sách cùng công-trình nghệ-thuật cổ của người Hy-lạp và La-mã. Sự phát-minh máy in và nghệ-thuật khắc hình làm cho những tác-phẩm cổ-điển ấy được phổ-biến ra.
Sự nghiên-cứu về những nền văn-hóa cổ này làm phát khởi một phong-trào gọi là Phong-trào Phục-hưng Văn-Nghệ. Nó bắt đầu cho sự phóng-túng nhơn-dục và tự-do tư-tưởng. Nhiều tác-phẩm văn-chương nghệ-thuật có giá-trị được sản-xuất trong thời-kỳ này và nền văn-hóa Âu-châu đột-nhiên sáng lên rực rỡ. Phần lớn những nhà vua, những nhà quí-tộc, những tăng-lữ cao-cấp và ngay đến các vị Giáo-hoàng đều hưởng ứng theo phong-trào và tranh nhau khuyến-khích, bảo-vệ các văn-sĩ, nghệ-sĩ. Lý-tưởng khổ-hạnh thời trung-cổ bị gạt qua một bên và hạng ưu-tú của xã-hội đua nhau chạy theo cái xa-hoa hào nhoáng.
Sự thay đổi phong-tục do Phong-trào Phục-hưng Văn-Nghệ gây ra, tự-nhiên đưa đến một phản-ứng mạnh mẽ. Một số nhà đạo-đức chống chọi lại sự sa ngã theo vật-chất và sự lãng quên những đức-tánh mà Giê-su đã dạy người nên có là đức khiêm-tốn, sự thanh-bần, sự giản-dị trong cách cư-xử và sự xa lánh cuộc đời trần-tục. Họ càng uất ức khi thấy một số nhà tăng-lữ cao-cấp của Giáo-hội La-mã dùng những phương-pháp không chánh-đáng như là bán giấy “xá-tội” cho người giàu để lấy tiền cung-phụng cho đời sống xa-hoa của mình. Do đó, họ gây ra phong-trào Cải-lương Thiên-chúa-giáo.
Phong-trào này khởi lên từ đầu thế-kỷ thứ 16 và được một số quốc-vương cùng lãnh-chúa hưởng-ứng để thoát-ly sự chi-phối của Giáo-hội La-mã. Do đó, nó tách một phần khá quan-trọng tín-đồ Thiên-chúa-giáo ra khỏi Giáo-hội La-mã, nhứt là ở các nước miền Trung và Bắc-Âu.
Phát khởi một phần nào với mục-đích chống chọi lại sự phóng-túng nhơn-dục và sự tự-do tư-tưởng của Phong-trào Phục-hưng Văn-nghệ, Phong-trào Cải-lương Thiên-chúa-giáo cuối cùng lại phụ giúp vào việc bành-trướng tư-tưởng tự-do, vì nó đánh đổ quyền-thế Giáo-hội La-mã là một chế-độ đã được xây dựng từ lâu và rất có thế-lực đối với tư-tưởng người Âu-châu thời bấy giờ.
Những tín-đồ và nhứt là những giáo-sĩ trung-thành với Giáo-hội La-mã tự-nhiên không thể công-nhận được Phong-trào CảI-lương này. Do đó, hai bên Tân và Cựu-giáo tranh-đấu nhau một cách hết sức mãnh-liệt. Những nhà vua trung-thành với Giáo-hội La-mã thì đàn-áp, sát-hại các tín-đồ Thiên-chúa-giáo Cải-lương trong khi những nhà vua theo Thiên-chúa-giáo Cải-lương đàn-áp, sát-hại những tín-đồ trung-thành với Giáo-hội La-mã.
Những cuộc chiến-tranh tôn-giáo đẫm máu này gây những xúc -ộng mạnh mẽ trong quần-chúng mỗi quốc-gia. Và ngoài những xu-hướng thiên hẳn về bên này hay bên kia, lại có một xu-hướng thứ ba chủ-trương nên có một thái-độ khoan-dung rộng rãi dựa vào sự tự-do tín-ngưỡng của tất cả mọi người.
Như vậy, thế-kỷ thứ 16 đã tạo cho xã-hội Âu-châu những điều-kiện chánh-trị hết sức đặc-biệt làm khởi-điểm cho những lý-thuyết dân-chủ sau này. Tuy thế, những lý-thuyết ấy chỉ phát-sanh ở hai nước Anh và Pháp, nhờ một số những nhà văn cấp-tiến trong đó quan-trọng nhứt là John Locke, Montesquieu và Jean-Jacques Rousseau.
C.- SỰ PHÁT-SANH NHỮNG LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ.
1) SỰ PHÁT-SANH LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ Ở ANH
a) LOCKE VÀ THỜI-ĐẠI ÔNG.
Những ý-tưởng dân-chủ thật ra đã manh-nha ở nước Anh từ khi các nhà quí-tộc họp nhau lại bắt nhà vua phải ban cho mình một Đại Hiến-chương. Nó lần lần phát-triển trong những cuộc tranh-đấu giữa nhà vua một bên với những nhà quí-tộc và dân-chúng một bên để thành-lập và củng cố Nghị-hội. Tuy thế, nó chỉ được nêu ra thành học-thuyết của hệ-thống rõ rệt với John Locke.
Locke sanh năm 1632, lúc vua Charles đệ nhứt họ Stuart cầm-quyền. Vua này cưới một bà công chúa Pháp là Henriette làm vợ nên bị dân-chúng Anh không ưa. Sự thất-bại của ông trong công cuộc giúp những tín-đồ Thiên-chúa-giáo CảI-lương thành La Rochelle chống lại Pháp-hoàng Louis thứ 14 lại càng làm ông mất uy-tín.
Một mặt khác, ông nghe lời những người cộng-sự nên muốn thi-hành chế-độ chuyên-chánh trong nước. Ông cho phép thủ-tướng Strafford đánh nhiều món thuế không được Nghị-hội chuẩn y, và cùng giám-mục Laud mưu-đồ thống-nhứt dân Anh về phương-diện tôn-giáo. Để tránh sự phản-kháng của Nghị-hội, ông giảI-tán nó nhiều lần.
Chánh-sách đó tự-nhiên gây ra những cuộc biến động trong nước. Dân Tô-cách lan theo phái Trưởng lão (1) , dân Ái-nhĩ-lan theo Thiên-chúa-giáo La-mã và người Anh theo phái Thanh-giáo (2) đều bị đàn-áp nên đứng lên chống lại nhà vua. Do đó, phát khởi cuộc nội-chiến năm 1642 do Nghị-hội cầm đầu. Vua Charles đệ nhứt thất-bại và bị xử-tử năm 1649. Cromwell, một lãnh-tụ phái Thanh-giáo lên nắm quyền ở nước Anh.
Thân-phụ Locke là người tham-dự cuộc tranh-chiến bên phái Nghị-hội chống nhà vua. Locke chịu ảnh-hưởng của than-phụ và rất phục Cromwell. Tuy thế, những cuộc xung-khắc nhau giữa các chi-phái Thiên-chúa-giáo Cải-lương trong nước ông về sau làm cho ông đâm chán.
Năm 1660, con vua Charles đệ nhứt là Charles đệ nhị được rước về làm vua nước Anh. Ông ta cũng muốn thi-hành chánh-sách chuyên-chế y như cha và chống chọi Nghị-hội. Vốn là một y-sĩ, Locke kết thân với Bá-tước Shaftesbury là một chánh-khách làm cố-vấn cho vua Charles đệ nhị.
Ban đầu ông này được Charles đệ nhị tin dùng, nhưng về sau ông chọi lại nhà vua và cầm đầu phái Whig trong Nghị-hội, chủ-trương hạn-chế bớt quyền vua. Thời-kỳ kế tiếp theo đó là một thời-kỳ rối loạn, đầy những cuộc âm-mưu, những cuộc phản-biến. Trong cuộc cạnh-tranh với nhà vua, bá-tước Shaftesbury nếm mùi thất-bại. Ông bị bắt, rồi được nhà vua tha, song phải sang nước Hoà-lan. Locke sợ bị liên-lụy, phải trốn theo.
Lúc bấy giờ, ở Âu-châu, Thiên-chúa-giáo Cải-lương đang bị nguy-ngập. Năm 1685, tại Pháp, vua Louis thứ 14 hủy bỏ pháp-lịnh Nantes và đàn-áp những tín-đồ Thiên-chúa-giáo Cải-lương một cách tàn-bạo. Cùng lúc ấy, vua Charles đệ nhị chết, em là Jacques đệ nhị nối ngôi. Ông này tuyên-bố theo Thiên-chúa-giáo La-mã nên bị ác-cảm của dân-chúng nước Anh.
Những điều này làm cho Locke rất mực thù-hận các nhà vua chuyên-chế mà Louis thứ 14 là kiểu mẫu hoàn-bị nhứt. Ông đồng-thời dứt tình với dòng họ Stuart mà ông xem là đồng lõa với vua Pháp. Ông ngờ rằng vua Jacques đệ nhị muốn lập lại Thiên-chúa-giáo La-mã trên nước Anh để làm hài lòng vua Pháp. Chính lúc ấy, ông gặp rể vua Jacques đệ nhị là Guillaume d’Orange. Đó là một ông hoàng người Hòa-lan rất trung-thành với Thiên-chúa-giáo Cải-lương. John Locke mến phục Guillaume d’Orange và theo cộng-tác với ông này.
Năm 1688, Guillaume d'Orange được dân Anh rước về làm vua nước mình. Vua Jacques đệ nhị chống không lại, phải bỏ ngôi. Nghị-hội Anh được thắng-lợi hoàn-toàn và sẵn dịp đó, họ yêu-cầu tân quân chấp-thuận những điều-kiện của mình: công-nhận chế-độ tự-do và Thiên-chúa-giáo Cải-lương. Tháng 2 năm 1689, Locke theo hoàng-hậu Mary về Anh, mang theo quyển "Tiểu luận về chánh-phủ dân-sự", một tác-phẩm chánh-trị sẽ có một ảnh-hưởng lớn lao trên thế-giới về sau.
b) LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ CỦA LOCKE
Dụng-ý của Locke khi viết quyển "Tiểu luận về chánh-phủ dân-sự", là tạo ra một hệ-thống lý-luận chánh-trị chống chọi lại sự chuyên-chế của nhà vua. Hệ-thống này chẳng những dùng để hướng-dẫn đồng bào ông trong sự hoạt-động chánh-trị tương-lai mà lại còn dùng để biện-chánh cho cuộc cách-mạng năm 1688 và đánh tan những nỗi thắc mắc trong lòng một số người Anh còn băn khoăn về chỗ đã đánh đuổi Jacques đệ nhị là nhà vua chánh-thống của nước mình.
1°. CON NGƯỜI TRONG TRẠNG-THÁI THIÊN-NHIÊN
Theo khuynh-hướng chung của những triết-gia đương-thời, Locke cũng bắt đầu sự suy-luận của mình với trạng-thái thiên-nhiên là trạng-thái của người khi chưa sống thành xã-hội. Kể ra thì trước Locke, đã có nhiều người nói đến trạng-thái thiên-nhiên ấy, và một văn sĩ Anh khác, Hobbes đã dựa vào nó mà viết một quyển sách để biện-chánh cho quyền chuyên-chế của nhà vua.
Theo Hobbes, trong trạng-thái thiên-nhiên, người chiến-đấu nhau rất dữ dội và sống trong cảnh khủng-khiếp, trong sự lo sợ một cái chết ghê gớm bất ngờ. Lý-trí người xui giục người hợp-quần nhau lại thành một xã-hội để sống được an-ổn hơn. Muốn giữ được trật-tự trong xã-hội, người phải tuân theo luật-pháp và tôn-trọng chánh-quyền.
Trái với Hobbes, Locke cho rằng trạng-thái thiên-nhiên là một trạng-thái tự-do và bình-đẳng. Lý-trí dạy cho mỗi người biết rằng mình bằng kẻ khác và độc-lập đối với kẻ khác, và không người nào nên phạm vào đời sống, sức khoẻ hay tài-sản kẻ khác.
Để cho những kẻ bạo-ngược không thể làm bậy được, thiên-nhiên cho phép mỗi người được quyền bảo-vệ người vô tội, đàn-áp kẻ bất-lương. Đó là quyền trừng-phạt thiên-nhiên. Nó không phải là tuyệt-đối và độc-đoán. Nó cấm người hành-động khi giận dữ hay thù hằn, và chỉ cho phép người thi-hành các trừng-phạt do một lý-trí bình-tĩnh quyết-định theo đúng lương-tâm người. Những trừng-phạt này phải cân-phân với những tộI-lỗi, cốt để sửa chữa những sai lầm đã qua và đề-phòng sự tái-phạm trong tương-lai.
Trong những quyền thiên-nhiên của người, còn có quyền tư-hữu. Tạo hóa ban địa-cầu cho tất cả mọi người, song lý-trí Tạo hóa phú cho người cũng dạy rằng người phải sử-dụng đất đai cách nào cho tiện-lợi nhứt. Muốn được như thế, ta phải để cho cá-nhơn có quyền sử-dụng những hoa quả do đất đai sản-xuất, và sau đó, sử-dụng đến chính mặt đất. Quyền tư-hữu phải dựa vào sự làm việc và hạn-chế bằng khả-năng tiêu thụ. Do đó, sự xung-đột không thể xảy ra được, vì ai cũng tự nhận thấy rằng mình cần bao nhiêu đất đai và chỉ bao nhiêu đất đai là đủ cho mình.
2°. NHỮNG KHUYẾT-ĐIỂM CỦA TRẠNG-THÁI THIÊN-NHIÊN VÀ SỰ CẦN DÙNG LẬP THÀNH XÃ -HỘI.
Nói một cách khái-quát, trong trạng-thái thiên-nhiên, người được sung sướng. Tuy vậy, sự tự-do của người cũng đưa đến những mối hại. Mỗi người đều tự xét về những trường-hợp có dính dáng đến mình. Do đó, người có thể thiếu sự công-bằng vì sự thiên-vị cho mình, cho bà con bạn bè, vì quyền-lợi hay có khi vì dục-vọng, vì ý muốn trả thù. Đó là nguy-cơ hăm dọa sự tự-do và bình-đẳng tự-nhiên, cùng sự tự-do hưởng quyền tư-hữu.
Vậy, trạng-thái thiên-nhiên hãy chưa được hoàn-toàn, nó thiếu những luật-lệ rõ ràng, được mọi người công-nhận và vui lòng chấp-thuận, thiếu những tòa án để phân-xử mọi việc kiện-tụng theo luật-pháp, và thiếu một oai-quyền để thi-hành các bản án. Người sở-dĩ chịu sống chung nhau thành xã-hội là để có những món thiếu kể trên đây, để được sung sướng hơn trong trạng-thái thiên-nhiên.
3°. SỰ TỔ-CHỨC HỢP-LÝ CỦA XÃ-HỘI.
Cứ theo chủ-trương trên này của Locke, thì xã-hội được thành-lập do sự chấp-thuận của mọi người. Như vậy, chỉ đáng xem là hợp-pháp những chánh-phủ nào thiết-lập với sự công-thuận của dân-chúng. Trong trường-hợp đó, những chánh-phủ chuyên-chế nhứt-định không thể hợp-pháp được.
Nhưng chánh-phủ hợp-pháp phải tổ-chức theo nguyên-tắc nào? Theo Locke, trong trạng-thái thiên-nhiên, người có hai loại quyền mà người nhường cho xã-hội khi họp lại sống chung nhau.
Trước hết, người có quyền làm những điều gì người xét là phải làm để bảo-vệ sự sinh-tồn của mình và của người khác. Người nhường quyền này lại cho xã-hội để xã-hội đặt nó dưới sự điều-khiển của luật-pháp.
Kế đó, người có quyền trừng-phạt những kẻ phạm tội đối với những điều luật thiên-nhiên, tức là quyền dùng sức mạnh tự-nhiên của mình để thi-hành những luật ấy. Người nhường quyền này lại cho xã-hội để phụ lực và tăng-cường quyền hành-pháp.
Xã-hội thừa-hưởng những quyền do cá-nhơn nhường lại cho mình, và có hai quyền: lập-pháp và hành-pháp. Quyền lập-pháp qui-định cách dùng những lực-lượng của quốc-gia để bảo tồn xã-hội và dân-chúng. Quyền-hành-pháp thi-hành các luật-pháp bên trong quốc-gia. Ngoài ra, Locke còn nhìn nhận cho chánh-phủ một quốc-gia một quyền thứ ba là quyền bang-giao, tức là quyền thương-thảo với các quốc-gia khác. Nhưng thật ra, quyền bang-giao này không thể tách riêng ra được và phải nhập vào các quyền kia.
Vậy, chung qui, chỉ có hai quyền chánh-yếu là lập-pháp và hành-pháp. Hai quyền này phải phân-biệt nhau, vì quyền hành-pháp phải luôn luôn có, còn quyền lập-pháp thì không phải lúc nào cũng cần. Thêm nữa, nếu hai quyền qui-tập về một mối, thì thế nào cũng có sự lạm-dụng. Một chánh-phủ kiêm lãnh cả hai quyền lập-pháp và hành-pháp nhứt-định trở thành chuyên-chế: nó sẽ tạo ra những luật-pháp lợi cho nó và chỉ thi-hành những luật-pháp lợi cho nó.
Hai quyền lập-pháp và hành-pháp không phải bình-đẳng nhau. Quyền lập-pháp là quyền căn-bản của mọi quốc-gia. Nó là linh-hồn của xã-hội và có tánh-cách rất thiêng liêng. Do đó, quyền hành-pháp phải đặt dưới quyền lập-pháp. Tuy vậy, cơ-quan hành-pháp không phải giữ một vai tuồng hạ-cấp, tùy thuộc. Nhà lập-pháp không thể dự định hết mọi trường-hợp có thể xảy ra, và phải để cho cơ-quan hành-pháp một phần oai lực rất lớn để giải-quyết những vấn-đề đặc-biệt nó có thể gặp.
4°. ĐẶC-QUYỀN CÁ-NHƠN TRONG XÃ-HỘI
Khi nhận sống chung nhau thành xã-hội, người nhường quyền lập-pháp cho xã-hội ấy. Tuy vậy, sự để-nhượng này không phải đặt người công-dân dưới sự chuyên-chế của chánh-phủ. Trong xã-hội, quyền thiên-nhiên của người vẩn còn, còn để hạn-chế oai-quyền xã-hội và làm cơ-sở cho sự tự-do.
Trong trạng-thái thiên-nhiên, người vốn đã sung sướng rồi. Người chỉ nhận vào xã-hội để được sung sướng hơn, để bảo-vệ cá-nhơn, sự tự-do và tài-sản mình một cách chắc chắn. Vậy, quyền lập-pháp của xã-hội không thể đi xa hơn mực cần dùng của sự công-ích. Nó không thể tuyệt-đối chuyên-chế đối với sanh-mạng và tài-sản công-dân.
Trong trạng-thái thiên-nhiên, người không có cái quyền tuyệt-đối này đối với mình và đối với người khác. Bởi lẽ không ai có thể ủy cho kẻ khác một oai-quyền lớn hơn oai-quyền mình có, xã-hội thừa-hưởng những quyền cá-nhơn nhường lại cho mình không thể có cái quyền tuyệt-đối nói trên đây.
Nói tóm lại, cứu-cánh xã-hội là bảo tồn sanh-mạng, tự-do và tài-sản của người; vì đó, nó không có quyền giết hại, nô-lệ hóa hay làm nghèo một công-dân nào.
Quyền hành-pháp thấp hơn quyền lập-pháp và tự-nhiên không thể hơn được quyền lập-pháp; đặc-quyền nó không thể đi quá giới-hạn do dân-chúng vạch ra.
Như vậy, tuy Locke không nói rõ ra, dân-chúng vẫn nắm quyền tối-cao trong quốc-gia. Họ chỉ giữ quyền ấy cho xã-hội giữ hộ chớ không phải chấp-nhận việc thần-phục xã-hội. Trong tình-trạng bình-thường, dân-chúng để cho quyền hành-pháp làm việc. Nhưng khi có sự xung-đột giữa các quyền-hành khác nhau trong nước, dân-chúng sẽ phán đoán và quyết-định.
Trong trường-hợp bị đặt dưới một ách chuyên-chế khắc-nghiệt, dân có quyền khởi loạn mà Locke gọi là quyền kêu gọi đến Trời.
Để trả lời cho những kẻ ngại rằng công-nhận quyền này cho dân-chúng là đưa xã-hội đến sự hỗn-loạn không ngừng, Locke bảo rằng nọa-lực của dân-chúng làm cho họ thường thụ-động, cho nên họ chỉ nổi dậy khi bị ức-hiếp thái-quá. Vả lại, trong trường-hợp bị ức-hiếp như thế thì không có lý-thuyết gì giữ cho họ không nổi dậy được. Sau hết, trật-tự đã đành là quí, nhưng cũng không đến nỗi bắt người phải trả nó với bất cứ giá nào, cũng như lòng yêu chuộng hòa-bình không đến nỗi khiến cho chúng ta nhận được sự hòa-bình của nghĩa địa.
2.- SỰ PHÁT-SANH LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ Ở PHÁP
a) XÃ-HỘI PHÁP VÀO THẾ -KỶ THỨ 17 VÀ 18
Trong khi xã-hội Anh nhờ những cuộc xung-đột giữa quí-tộc và Nghị-hội với nhà vua mà tiến lần đến một chế-độ dân-chủ, xã-hội Pháp vẫn duy-trì mãi tánh-cách chuyên-chế của mình. Quân-quyền Pháp càng ngày càng trở thành độc-đoán, vì các hạng người trong nước chia rẽ nhau và không đủ sức chế-ngự nó. Hạng tăng-lữ bỏ hẳn lý-thuyết cổ-điển đặt Giáo-hoàng trên nhà vua, để được hưởng những quyền-lợi nhà vua ban cho. Hạng quí-tộc trở thành nghèo túng cũng phải tùy thuộc nhà vua để xin địa-vị và tiền trợ-cấp. Hạng trưởng-giả muốn thoát địa-vị ti-tiện của mình chỉ có cách là hết lòng phụng-sự nhà vua để được nhà vua cất nhắc cho. Nhà vua và những hội-đồng đặc-biệt của ông ta trở thành cơ-quan duy-nhứt phát xuất ra luật-pháp. Pháp-viện tuy có quyền gián-nghị, song quyền này không có hiệu-quả gì đối với nhà vua.
Lẽ cố-nhiên là sự chuyên-quyền của nhà vua gây một sự phản-động mạnh mẽ của nhiều giới trong nước. Trong thế-kỷ thứ 16, đã có những nhà tư-tưởng viết sách chống lại chế-độ độc-đoán, nhưng họ không chọi lại nổi những luật gia chủ-trương ủng-hộ quân-quyền, cũng như những cuộc phản-biến không thắng nổi quân-đội nhà vua. Chỉ đến cuối thế-kỷ thứ 17 khi vua Louis thứ 14 mất uy-tín vì sự xa xí quá-độ và vì những sự thất-bại trong chánh-sách ông, sự phản-đối lại quân-quyền mới nhen nhúm trở lại. Những nhà văn của thế-kỷ thứ 17 đã lên tiếng chỉ-trích chánh-sách vua Louis thứ 14 một cách kín đáo, nhưng ta phải chờ đến thế-kỷ thứ 18 mới thấy xuất hiện những học-thuyết hướng về lý-tưởng dân-chủ một cách rõ rệt.
Yếu-tố quan-trọng hơn hết làm động-lực cho phong-trào tư-tưởng của thế-kỷ 18 tại Pháp là sự phát-triển của giai-cấp trưởng-giả. Nhờ những phát-minh cơ-giới, nhờ sự an-ninh tương-đối mà chế-độ quân-chủ tập-trung mang đến cho xã-hội Pháp, nền kinh-tế Pháp thạnh lên; do đó, những người trưởng-giả đóng vai tuồng chủ-động trong đời sống kinh-tế cũng có ảnh-hưởng nhiều hơn trước đối với xã-hội. Những đặc-quyền, những sự bó buộc của chế-độ cũ là những trở-lực cho sự khuếch-trương kinh-tế. Vì thế, hạng trưởng-giả Pháp nhiệt-liệt hướng đến sự tự-do, nhứt là sự tự-do tư-hữu.
Trong sự yêu-sách của họ, hang trưởng-giả Pháp đã dựa rất nhiều vào triết-lý “quyền thiên-nhiên” từ Anh du-nhập vào nước Pháp. Quyển “ Tiểu-luận về chánh-phủ dân-sự” của Locke đã có ảnh-hưởng rất lớn đến họ. trong những nhà văn có một quyền-lực tinh-thần mạnh mẽ đối với dân-chúng Pháp sau này, có Montesquieu và Rousseau là quan-trọng hơn cả.
b) MONTESQUIEU VÀ TƯ -TƯỞNG CỦA ÔNG
1°. TIỂU-SỬ MONTESQUIEU
Montesquieu là một nhà quí-tộc Pháp, sanh ở đền Brède gần Bordeaux năm 1689. Ông là thẩm-phán rồi chánh-án tòa án Bordeaux. Nhưng ông không thích nghề làm tòa, và để thì giờ rảnh viết quyển “những lá thư Ba-tư” trong đó ông chế-nhạo những phong-tục và chế-độ Pháp thời ông. Quyển sách này rất được hoan-nghinh. Vì đó, ông nhứt-định theo đuổi nghề văn.
Ông bán chức-vụ mình và đi châu-du khắp Âu-châu để nghiên-cứu phong-tục và luật-pháp các nước. Khi trở về Pháp, ông khi thì ở Paris, khi thì về ở quê nhà, sống một cuộc đời nghiệp-chủ thanh-nhàn. Ngoài việc cai-quản sự-nghiệp mình, ông đọc và viết sách. Công trình quan-trọng nhứt của ông là quyển “Vạn pháp tinh-lý”. Ông được bầu vào Hàn-lâm-viện Pháp từ năm 1728 và mất năm 1755.
2°. TƯ-TƯỞNG CHÁNH-TRỊ CỦA MONTESQUIEU TRONG QUYỂN “VẠN-PHÁP TINH-LÝ”.
Trong quyển “Vạn Pháp Tinh-lý”, Montesquieu chủ-trương rằng các luật-lệ chế-độ không có tánh-cách tuyệt-đối, mà tùy thuộc những điều-kiện vật-lý và khí hậu của mỗi nước, và nhứt là phong-tục của dân-chúng. Giá-trị nó ở chỗ thích-hợp hay không thích-hợp với xã-hội nó chi-phối.
Nghiên-cứu các chế-độ chánh-trị khác nhau trên thế-giới từ xưa đến nay, Montesqiueu phân-biệt ba loại chánh-thể: Cộng-hoà, quân-chủ và độc-tài và cố tìm những động-lực thúc đẩy người hoạt-động trong mỗi chánh-thể. Theo ông, chánh-thể cộng-hòa có thể có tánh-cách dân-chủ hay quí-tộc. Nếu nó dân-chủ, nó dựa vào “đức-hạnh” hay “lòng ưa chuộng bình-đẳng”, nếu nó có tánh-cách quí-tộc, nó dựa vào tánh-cách “ôn-hòa của giai-cấp cầm-quyền”. Chánh-thể quân-chủ là chánh-thể trong đó nhà vua cai-trị dân-chúng theo những luật-pháp ổn-định, nó dựa vào “danh-dự”. Chánh-thể độc-tài là kết-quả sự hủ-hóa của những chánh-thể kia.
Dựa vào hiến-pháp Anh, Montesquieu chứng tỏ rằng muốn tránh sự chuyên-chế, người ta phải thi-hành chế-độ phân-quyền. Nhưng ngoài hai quyền lập-pháp và hành-pháp mà Locke nói đến trong quyển “Tiểu-luận về chánh-phủ dân-sự”, Montequieu còn thêm vào một quyền thứ ba là quyền tư-pháp. Đó là quyền trừng-phạt những kẻ phạm tội.
Tuy hết sức thán-phục hiến-pháp Anh, Montesquieu không tin rằng nó có thể áp-dụng được một cách có hiệu-quả ở Pháp. Ông chỉ tỏ ý mong muốn rằng tinh-thần tự-do của người Pháp sẽ giữ cho nền quân-chủ Pháp không tiến đến chế-độ chuyên-chế độc-tài.
Trong tất cả những ý-tưởng chánh-trị của Montesquieu, chỉ có chủ-trương phân-quyền là được người ta nhớ đến nhiều nhứt, còn những ý-tưởng khác, ngay đến những ý-tưởng rất đúng, sau khi gây cho tác-giả một danh-vọng khá lớn trong giới trí-thức đồng-thời, thì lần lần chìm trong quên lãng. Do đó, khi nói đến phong-trào tư-tưởng dân-chủ ở Pháp, người ta nói đến Rousseau nhiều hơn.
c) ROUSSEAU VÀ TƯ-TƯỞNG CỦA ÔNG
1° TIỂU-SỬ ROUSSEAU.
Jean Jacques Rousseau sanh ngày 28-6-1712 tại Genève. Ông là con một người thợ sửa đồng-hồ và mồ côi mẹ rất sớm. Thân-phụ ông rất ưa đọc tiểu-thuyết, và từ lúc bảy tuổi, ông đã lây tánh của cha. Có khi hai cha con cùng thức đọc sách suốt đêm đến gần sáng mới đi nghỉ.
Sau đó, thân-phụ ông, vì sự tranh-chấp với người, phải bỏ đất Genève ra đi, và gửi ông cho một nhà mục-sư. Được ít lâu, chú ông đưa ông đến ở nhà một viên lục-sự tòa án, rồi lại cho ông đi tập-sự với một người thợ khác. Ông này thô-bạo quá và đối-đãi với Rousseau một cách phũ phàng, làm Rousseau uất ức. Vì thế, năm 16 tuổi, ông bỏ nhà trốn đi.
Từ đó, ông sống một cuộc đời phiêu-lưu và làm đủ mọi thứ nghề. Sau cùng ông đến Paris. Nhờ một bài trần-thuyết trả lời cho một đề-mục do Hàn-lâm-viện Dijon nêu ra về ảnh-hưởng của khoa-học và nghệ-thuật đối với phong-tục, ông đột-nhiên nổi danh trong giới trí-thức. Lúc ấy, ông 37 tuổi. Từ đó trở đi, ông chuyên về nghề văn và sản-xuất nhiều sách được công chúng hoan-nghinh. Ông mất năm 1788.
2° TƯ-TƯỞNG CHÁNH-TRỊ CỦA ROUSSEAU
Những tư-tưởng chánh-trị của Rousseau được phát-biểu rõ ràng và đầy đù trong hai quyển « Luận về nguyên-nhơn bất-bình-đẳng » và « Dân-ước ».
A) CON NGƯỜI VÀ TRẠNG-THÁI THIÊN-NHIÊN
Cũng như Locke và một số đông các triết-gia đồng-thời, Rousseau noi theo chủ-trương cho rằng trước khi sống thành xã-hội, con người sống trong trạng-thái thiên-nhiên. Trong trạng-thái này, người ở riêng rẽ nhau và ít liên-lạc nhau. Vì bản-tánh người vốn tốt và vì sự ích-kỷ không có cơ phát-hiện, người không thù ghét, không xung-đột lẫn nhau. Người cũng không bị sự chi-phối của đồng-loại và được tự-do hưởng trọn quyền thiên-nhiên của mình.
Nhờ một đời sống giản-dị đơn-sơ, tất cả mọi người đều giữ được sức khoẻ của mình và có một sức lực thể-chất tương-đương. Trình độ trí-thức của người thuở ấy có kém hơn người sống trong trạng-thái xã-hội, song mọi người đều như nhau, thành ra sự sai-biệt về trí thông-minh không có. Bởi đó, loài người bình-đẳng nhau, không ai được ưu-đãi hơn ai.
B) CON NGƯỜI TRONG XÃ-HỘI CŨ
Nhưng vì trạng-thái thiên-nhiên không thể kéo dài ra mãi được, vì sự tranh-đấu để mưu sự sinh-tồn riêng từng người càng ngày càng khó nên người hợp nhau lại thành gia-đình rồi thành xã-hội để tranh-đấu chung nhau. Do đó, người lần lần liên-lạc mật-thiết với nhau.
Lúc đầu, tất cả mọi người trong đoàn-thể đều có những công việc như nhau. Nhưng sau đó, người ta tùy theo khả-năng và sở-thích mỗi người mà chia công việc để làm. Điều này làm cho năng-lực người phát-triển khác nhau và đưa đến sự chênh lệch về tài trí và sức lực giữa người này với người nọ. Sự gần gũi nhau làm cho người có dịp so sánh thân-phận của nhau, và sanh ra đố-kỵ nhau. Muốn hơn kẻ khác, người cố tạo ra tư-sản.
Tất cả những đau khổ của người do nơi sự thiết-lập tư-sản mà ra. Theo Rousseau, người đầu tiên đã rào một khoảnh đất rồi bảo rằng « đất này của tôi », và tìm được nhiều kẻ ngốc nghếch để tin anh ta chính là sáng-lập-viên thật sự của xã-hội dân-sự. Từ đó, sự bất-bình-đẳng phát-sanh.
Những kẻ có tư-sản đã không ngần ngại lợi-dụng điạ-vị ưu-thắng của mình để bóc lột người nghèo khó hơn. Lẽ cố-nhiên là những người bị bóc lột phải phản-ứng lại và điều này gây ra một trạng-thái chiến-tranh chỉ chấm dứt bằng một chế-độ độc-tài khắc-nghiệt. Thế là sự bất-bình-đẳng đưa đến sự mất tự-do. Xã-hội dân-sự hoàn-toàn thành-lập với một bộ máy đàn-áp những kẻ cùng-đinh thất thế.
Trong hoàn-cảnh u trệ này, tánh tốt bẩm-sinh của ngưới tự-nhiên biến mất, nhường chổ cho lòng độc ác. Vì thế, người xâu xé nhau một cách hết sức mãnh-liệt. Xã-hội càng phức-tạp, những mánh khoé người đặt ra để bóc lột nhau càng tinh-xảo và người cùng-đinh càng nghèo khó khổ cực.
C) GIẢI PHAP CỦA ROUSSEAU
Muốn chấm dứt sự xâu xé giữa loài người, muốn chặt đứt những xiềng xích làm cho loài người đau khổ, phải làm sao cho con người phục-hồi cái bản-tánh hiền lành của họ, và cho họ bình-đẳng nhau để chung hưởng quyền tự-do thiên-nhiên của họ.
Nhưng Rousseau nhận thấy rằng, người ta không thể hủy-diệt đến tận gốc xã-hội hiện-thời để trở về trạng-thái thiên-nhiên, trong đó người trong trắng, ngây thơ và bình-đẳng nhau. Vì thế, ông chủ-trương cải-tổ nó lại như thế nào cho sự tự-do và bình-đẳng của người được công-nhận và kính nể.
Vậy, theo ông, vấn-đề chánh-trị cần phải giải-quyết cách nào cho thỏa-hợp với quyền thiên-nhiên của con người.
d) NHỮNG YẾU-ĐIỂM CỦA THUYẾT ROUSSEAU
Lý-tưởng của Rousseau là tìm một hình-thức hợp-quần dùng lực-lượng công-cộng để binh-vực và bảo-vệ cá-nhơn cùng tài-sản mỗi công-dân như thế nào cho mỗi người trong xã-hội hòa-hợp với tất cả những nguời khác, nhưng cũng vẫn chỉ tuân lịnh của chính mình và vẫn được tự-do như trước.
Trong trường-hợp đó, mọi xã-hội đặt nền tảng trên cường-quyền đều phải bị hủy bỏ. Xã-hội dân-chính phải là kết-quả một bản « dân-ước » theo đó, mỗi người dâng cá-nhơn và quyền thiên-nhiên của mình cho đoàn-thể và chấp-nhận khép mình vào luật-lệ chung.
Người chỉ từ bỏ ý muốn riêng của mình để tự đặt mình dưới sự điều-khiển tối-cao của ý muốn chung, tức là dưới một qui-pháp đại-đồng. Làm như thế, người đã hành-động như một kẻ có lý-trí và tự-do, có lý-trí, vì người đặt ý muốn riêng của mình dưới một qui-pháp đại-đồng, tự-do, vì người chỉ tuân theo những luật-lệ mà chính người công-nhận.
Một khi bản dân-ước đã được công-nhận rồi, người phải tự xem rằng mình hoàn-toàn bị nó trói buộc. Theo Rousseau, không ai có quyền phản-bội lời cam-kết của mình. Người nào không chịu tuân lịnh ý muốn chung sẽ bị cả đoàn-thể bắt buộc phải tuân lịnh. Điều này không có nghĩa là đoàn-thể phạm vào sự tự-do của cá-nhơn bướng bỉnh này, nó chỉ có nghĩa là đoàn-thể bắt buộc anh ta phải tự-do.
Tất cả những công-dân trong xã-hội-họp lại làm vị chủ-nhơn của xã-hội, và ý muốn chung mà họ phải tuân theo là ý muốn của đa-số. Ý muốn này thật ra không phải là toàn-thiện, vì nó có thể lầm lạc, song nó luôn luôn chánh-trực trong nguyện-vọng nó. Chủ-quyền của dân-chúng không thể trao cả cho một người duy-nhứt, cũng không thể phân ra nhiều cơ-quan khác nhau như Locke và Montesquieu chủ-trương.
Như vậy, trong quốc-gia tổ-chức theo ý Rousseau, thật sự chỉ có một quyền, quyền lập-pháp nắm cả oai-lực. Nhưng nó phải thuộc về toàn-thể dân-chúng chớ không phải trao về cho một số đại-biểu như ở nước Anh. Vốn là công-dân đô-thị Genève, Rousseau hướng về thể-chế đô-thị ấy và muốn thành-lập một chánh-quyền do toàn dân trực-tiếp nắm giữ. Những nhơn-viên hành-pháp không có nhiệm-vụ gì khác hơn là tuân-hành những quyết-định của dân-chúng chủ-nhơn, họ chỉ nhận một ủy-nhiệm tạm-thời, và chỉ là những công-bộc mà dân-chúng có thể dùng hay đuổi đi bất-cứ lúc nào.
Rousseau không cho rằng ý muốn chung có thể áp-bức được công-dân. Do bản dân-ước, cá-nhơn quả có hoàn-toàn nhường cho xã-hội những quyền mà người sẵn có trong trạng-thái thiên-nhiên, nhưng cá-nhơn chỉ nhường những quyền thiên-nhiên này để có những quyền vững chắc hơn. Vậy, chẳng những không giảm-thiểu giá-trị của con người, quốc-gia còn giúp đỡ con người trong sự cố gắng để phát-triển đến tuyệt độ những khả-năng của mình nữa.
Theo Rousseau, chỉ có sự cường-thạnh của quốc-gia mới làm cho công-dân được tự-do. Như thế, ông không đem cá-nhơn đối chọi lại quốc-gia, mà lại lấy quốc-gia làm bảo-đảm cho sự tự-do và sự bình-đẳng của các công-dân. Do đó, ông giao cho quốc-gia rất nhiều trách-vụ trong sự giáo-dục, lại chủ-trương tạo ra một tôn-giáo đặc-biệt do quốc-gia truyền dạy cho dân-chúng. Tôn-giáo này gồm những giáo-điều căn-bản chung cho mọi mối đạo. Sau hết, Rousseau cho phép quốc-gia qui định quyền tư-hữu theo sự công-ích như thế nào cho trong xã-hội không có những người giàu quá.
Rousseau không cho rằng cái quốc-gia đa-quyền trên này có tánh-cách chuyên-chế, vì nó không phải là sản-phẩm của ý muốn độc-đoán một người, mà là sản-phẩm của ý muốn chung. Do đó, nó chỉ dùng để phụng-sự luật-pháp và không thể làm bậy được.
III- NHỮNG NGUYÊN-TẮC CĂN-BẢN CỦA LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ
Trong ba nhà văn-sĩ được kể là những kẻ đã xây dựng nên lý-thuyết dân-chủ hiện lưu-hành, Montesquieu là người tham-dự ít hơn hết. Thật ra, ông chỉ khơi sâu thêm ý-tưởng về nhơn quyền mà Locke đã nêu ra. Do đó, những vai tuồng trọng-yếu trong công việc xây dựng lý-thuyết dân-chủ qui về Locke và Jean Jacques Rousseau. Tư-tưởng hai ông này có những điểm giống nhau, nhưng cũng có nhiều chỗ khác nhau.
Trước hết, đối với ý-niệm thần-quyền, cả hai đều tỏ vẻ tôn-trọng chớ không hề đánh đổ. Locke vốn là tín-đồ nhiệt thành của Thiên-chúa-giáo Cải-lương nên đã nói đến Thượng-Đế một cách kính-cẩn. Rousseau thì sanh-trưởng ở Genève là một thành-lũy kiên-cố của đạo này. Do đó, ông cũng chịu ảnh-hưởng nó, và chủ-trương thành-lập một nền tôn-giáo riêng biệt cho quốc-gia. Tuy vậy, Locke và Rousseau đã dựa vào một nguyên-tắc hoàn-toàn mới đối với người đồng-thời, là lấy con người làm trung-tâm của nền tư-tưởng chánh-trị mình chớ không dựa vào ý muốn phụng-sự Thượng-Đế mà suy-luận như những nhà văn sĩ chánh-trị trước họ.
Locke và Rousseau lại còn một chỗ này giống nhau, là họ đều chấp-nhận rằng trước khi thành-lập xã-hội, người sống trong trạng-thái thiên-nhiên. Trong trạng-thái ấy, người được tự-do, bình-đẳng và sung sướng. Chủ-trương trên này đưa Locke và Rousseau đến quan-niệm cho rằng người có những quyền thiên-nhiên cao-quí cần phải được kính nể.
Theo Locke, người sở-dĩ vào xã-hội là để tránh một số họa-hại và để được sung sướng hơn. Rousseau thì cho rằng người vì tình-thế bắt buộc phải sống thành xã-hội rồi bị trói buộc luôn trong một guồng máy khổng-lồ mà người không thể thoát ra được. Trong xã-hội tổ-chức theo lối quyền-thế, những quyền thiên-nhiên của người không được kính nể nên người rất khổ sở. Theo Rousseau, họ mất cả bản-tánh tốt của mình và trở thành hung-ác, tàn-bạo.
Trong sự giải-quyết vấn-đề xã-hội, Locke và Rousseau cũng có một nguyên-tắc chung: họ nhấn mạnh trên sự cần-thiết phải lập một chánh-phủ chơn-chánh không phải dựa vào cường-quyền mà dựa vào sự chấp-thuận của toàn-dân. Để biện-minh cho chủ-trương này, Locke và Rousseau cùng nêu ra quan-niệm dân-ước theo đó, xã-hội được thành-lập do sự đồng-thuận của người. Cứu-cánh nó là bảo-vệ quyền-lợi người, và giúp người phát-triển những khả-năng của mình.
Về sự áp-dụng nguyên-tắc trên này trong việc tổ-chức chánh-quyền, Locke và Rousseau có những ý-kiến hoàn-toàn trái ngược nhau.
Trung-thành với chánh-thể quân-chủ và chú-trọng trước nhứt đến sự bảo-vệ quyền-lợi cá-nhơn của người, Locke chủ-trương phân-quyền. Sự hiệu-lực của Nghị-hội Anh trong công cuộc hạn-chế quyền nhà vua làm cho ông tín-nhiệm nơi chế-độ đại-nghị. Những gương các nhà vua Charles đệ nhứt và Jacques đệ nhị vận-động để tái-lập chế-độ chuyên-chánh làm cho Locke lo ngại về tương-lai nên ông nêu ra quyền khởi-loạn của dân-chúng để đề-phòng.
Rousseau vốn là người sanh-trưởng ở Genève, một thị-trấn tổ-chức theo chế-độ dân-quốc. Ông bị ảnh-hưởng của chế-độ này nên không nhìn nhận quân-quyền và cho rằng vị chủ-tể một nước phải là toàn-thể dân-chúng nước ấy.
Chủ-quyền một quốc-gia do nơi ý muốn của người chủ-tể quốc-gia, tức là ý muốn chung của toàn-thể dân-chúng. Nó có tánh-cách của mọi ý muốn nghĩa là không thể trao nhượng cho ai, cũng không thể phân chia được. Vì lý lẽ này, Rousseau không công-nhận chế-độ đại-nghị và phản-đối luôn chủ-trương phân-quyền. Như thế, theo Rousseau, quốc-gia lý-tưởng là một quốc-gia nhỏ trong đó dân-chúng có thể trực-tiếp quyết-định về mọi việc có dính dáng đến quyền-lợi chung.
Mặc dầu vẫn chủ-trương tôn-trọng sự tự-do của cá-nhơn, Rousseau giao cho quốc-gia một oai-quyền tuyệt-đối. Ông cho rằng sự bắt buộc cá-nhơn tùy thuộc ý muốn chung không trái với nguyên-tắc tự-do, và để trả lời lại những kẻ lo sợ rằng sự chuyên-chế của quốc-gia sẽ phạm vào quyền-lợi cá-nhơn, Rousseau quả-quyết rằng ý muốn chung của toàn dân nhứt-định là tốt và không thể làm cho người khổ-sở được.
IV- SỰ THỰC-HÀNH LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ: CHỦ-NGHĨA DÂN-CHỦ TƯ-SẢN
Những tác-phẩm của Locke, Montesquieu và Rousseau có một ảnh-hưởng rất lớn. Bên cái xã-hội bất-công và đầy khốn khổ của chế-độ chuyên-chánh, những tư-tưởng chứa đựng trong các tác-phẩm ấy bày ra một chơn trời mới, phản-chiếu nhơn-đạo và công-bình, hứa hẹn một ngày mai rực rỡ. Vì thế, nó được nhiệt-liệt hoan-nghinh. Phong-trào dân-chủ càng ngày càng bành-trướng và sau cùng làm biến đổi hẳn cuộc-diện chánh-trị Âu-châu.
Những nước đi đầu trong công cuộc thay đổi này tự-nhiên là những nước đã sản-xuất ra lý-thuyết dân-chủ, tức là Anh và Pháp. Thêm vào đó, còn một nước thứ ba là Hiệp-chúng-quốc Mỹ, một nước chịu ảnh-hưởng văn-hóa của Anh rất sâu xa.
Tuy vậy, những nước trên này đã thực-hiện nền dân-chủ theo những đường lối khác nhau vì tình-thế khác nhau, mà cũng vì những xu-hướng dân-chủ của những dân-tộc ấy khác nhau.
A.- SỰ THĀNH-LẬP CHẾ-ĐỘ DÂN-CHỦ Ở ANH.
Ở nước Anh, khi chế-độ quân-chủ được thành-lập, oai-quyền của nhà vua rất to. Những nhà quí-tộc có những thái-ấp gồm những đất đai nhỏ phân-tán ở nhiều nơi. Do đó, nếu đứng riêng ra, họ rất yếu thế, không sao có thể chống chọi lại nhà vua. Bởi thế, không những hợp-tác nhau một cách chặt chẽ, họ còn liên-minh với dân-chúng để đối phó với nhà vua. Điều này làm cho dân-chúng được tham-gia chánh-sự rất sớm.
Một mặt khác, khi Phong-trào CảI-lương Thiên-chúa-giáo phát-khởi, một số lớn người Anh đã hưởng-ứng theo nó, và vấn-đề tự-do tín-ngưỡng được nêu ra một cách khẩn-thiết. Những điều-kiện trên này thúc giục dân Anh đi trên đường dân-chủ trước các dân-tộc khác.
Nền tảng của chế-độ dân-chủ Anh bắt đầu được xây dựng với sự thành-lập Nghị-hội từ thế-kỷ thứ 13, rồi được củng cố thêm mãi. Đến thế-kỷ thứ 17, những nhà vua muốn phản-động lại đều bị dân-chúng phản-kháng, vua Charles đệ nhứt bị xử-tử, vua Jacques đệ nhị bị đuổi ra khỏi nước.
Với quyển “Tiểu-luận về chánh-phủ dân-sự”, Locke đã tạo cho tư-tưởng dân-chủ Anh một cơ-sở triết-lý và trình bày nó thành một lý-thuyết. Lý-thuyết này không những trả lời đúng nguyện-vọng dân Anh, nó còn phù-hợp với những cơ-sở sẵn có của nước họ. Trong trường-hợp đó, nó tự-nhiên đóng một vai tuồng quan-trọng trong sự tổ-chức chánh-trị của người Anh.Từ khi nó ra đời cho đến sau, xã-hội Anh lần lần tiến theo hướng dân-chủ, không gặp sự phản-ứng đáng kể của nhà vua nữa.
Trong sự tiến hóa này, người Anh lại gặp một trường-hợp hy-hữu. Năm 1714, hoàng-hậu Ann từ trần, không con kế-vị. Người Anh rước một ông hoàng người Đức về làm vua nước mình. Ông này lên ngôi, lấy hiệu là George đệ nhứt. Vì không nói được tiếng Anh và không thảo-luận về quốc-sự được với các vị tổng-trưởng, ông giao cho một vị thủ-tướng chủ-tọa các hội-đồng nội-các rồi báo-cáo lại ông kết-quả những sự bàn cãi. Điều này làm khởi điểm cho chế-độ đại-nghị. Quyền nhà vua từ đó cứ hao mòn lần, và cuối cùng nhà vua chỉ còn là một vị quốc-trưởng tượng-trưng cho toàn-quốc, trị-vì trên dân-chúng, nhưng không nắm giữ quyền cai-trị nữa.
B.- SỰ THĀNH-LẬP CHẾ-ĐỘ DÂN-CHỦ Ở HIỆP-CHÚNG-QUỐC MỸ
Cuối thế-kỷ 18, sau nước Anh, lại đến phiên Hiệp-chúng-quốc Mỹ theo chế-độ dân-chủ. Châu Mỹ ngày xưa vốn là đất của dân da đỏ. Người Âu chỉ khám-phá ra nó vào cuối thế-kỷ 15, và đến đầu thế-kỷ thứ 17, họ mới đến lập gia-cư tại đó.
Trong khoảng từ năm 1607 đến năm 1733, người Anh tổ-chức được 13 thực-dân-địa ở Bắc Mỹ-châu, trên bờ Đại-tây-dương. Ban đầu, dân-chúng các đất này vẫn trung-thành với nước Anh. Nhưng sau đó, vì bất-bình chánh-phủ Anh trong sự đánh thuế, họ nổi lên chống lại. Năm 1776, mười ba thực-dân-địa trên này tuyên-bố độc-lập và tự xưng là Hiệp-chúng-quốc Mỹ. Sau một cuộc chiến-đấu anh-dũng kéo dài trong 8 năm, nước này được chánh-phủ Anh công-nhận độc-lập và năm 1787, một hiến-pháp liên-bang được ban-bố. Sau đó, Hiệp-chúng-quốc Mỹ mở rộng thêm cương-giới ra và trở thành một nước lớn trong hoàn-cầu, gồm 50 tiểu-bang hợp lại lập nên.
Vốn là miêu-duệ những người dân Anh có một tinh-thần tự-do mạnh mẽ, lại đứng lên chọi lại sự áp-bức của mẫu-quốc, dân Hiệp-chúng-quốc Mỹ có những truyền-thống dân-chủ rất mạnh, và cố-nhiên là tổ-chức nước họ theo chế-độ dân-chủ. Họ còn đi xa hơn dân-chúng Anh thời bấy giờ ở chỗ họ đã lập nước họ thành một dân-quốc theo chánh-thể Tổng-thống chớ không chấp-nhận nền quân-chủ như dân-chúng Anh.
C.- SỰ THĀNH-LẬP CHẾ-ĐỘ DÂN-CHỦ Ở PHÁP VĀ CÁC NƯỚC TRÊN LỤC-ĐỊA ÂU-CHÂU.
Lịch-sử thiết-lập chế-độ dân-chủ ở Pháp so với lịch-sử thiết lập chế-độ dân-chủ Anh có nhiều điểm khác nhau. Trái với tình-thế nước Anh, ở Pháp, khi quốc-gia thành-lập, chánh-quyền của nhà vua không mấy gì vững chãi. Những nhà quí-tộc trong nước có những thái-ấp rộng rãi và liền nhau làm một khối. Do đó, oai-quyền họ không kém nhà vua bao nhiêu. Những khi nghịch nhau với nhà vua, họ có thể tự mình chống lại nhà vua một cách dễ dàng. Muốn thực-hiện sự tập-trung quyền-chánh và thống-nhứt quốc-gia, các nhà vua Pháp phải cố tìm cách làm hao mòn thế-lực những nhà quí-tộc. Trong công việc làm này, họ đã được dân-chúng Pháp hết sức giúp đỡ vì đám dân-chúng ấy thường bị các lãnh-chúa bóc lột thái-quá.
Khi quốc-gia được thống-nhứt hoàn-toàn, những nhà vua Pháp có một thế-lực rất lớn. Họ không chịu nhượng bộ dân-chúng khi dân-chúng quay lại yêu cầu bảo-đảm những quyền-lợi cho mình. Bởi đó, khi ở Anh, chế-độ tự-do đã có những nền móng vững chắc rồi, ở Pháp, nhà vua vẫn nắm trọn quyền trong sự điều-khiển việc nước.
Phát-sanh trong bầu không khí khắc-nghiệt ấy, tư-tưởng dân-chủ Pháp ban đầu hãy còn tỏ vẻ kính-nể hoàng-gia, nhưng càng ngày càng có tánh-cách quá-khích hơn. Với quyển “Dân-ước”, Rousseau đã nêu hẳn ý-tưởng chủ-quyền thuộc toàn-thể dân-chúng và một cách gián-tiếp, chủ-trương lập nền dân-quốc.
Chủ-trương này thật ra chưa đủ sức đánh bạt hết lòng tôn-quân của dân Pháp. Nếu những nhà vua Pháp kế-nghiệp cho vua Louis thứ 14 sáng suốt khôn ngoan hơn, có lẽ dân Pháp không đến nỗi phải đi đến những giảI-pháp cực-đoan, mà chế-độ quân-chủ chắc cũng không bị đánh đổ hẳn. Nhưng vì vua Louis thứ 16 của Pháp nghe lời những kẻ tả hữu quá phản-động, vì những nhà quí-tộc Pháp quá ích-kỷ, cứ khư khư đòi giữ hết những đặc-quyền mình, người Pháp mới khởi-xướng ra cuộc cách-mạng năm 1789.
Từ đó, dân-tộc Pháp dấn mình vào những cuộc phiêu-lưu chánh-trị và trải qua những chánh-thể khác nhau, từ chánh-thể dân-quốc độc-tài qua chánh-thể đế-quốc sang chánh-thể quân-chủ lập-hiến, rồi từ chánh-thể dân-chủ cộng-hòa sang chánh-thể đế-quốc trở lại để cuối cùng thành-lập một cộng-hòa quốc theo chánh-thể dân-chủ đại-nghị từ năm 1875.
Những cuộc cách-mạng ở Pháp có ảnh-hưởng rất lớn đến các nước khác ở Âu-châu. Và sau hoàng-gia Pháp, các hoàng-gia Âu-châu hoặc phải chấp-nhận chánh-thể lập-hiến, hoặc bị dân-chúng đánh đổ để theo những chánh-thể khác hơn chánh-thể quân-chủ chuyên-chế lối cổ-điển.
D.- SỰ ÁP-DỤNG LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ TRONG CÔNG VIỆC TỔ-CHỨC QUỐC-GIA.
Trong sự tổ-chức quốc-gia mình theo lý-thuyết dân-chủ, các dân-tộc Âu Mỹ có những nguyên-tắc giống nhau, nhưng cũng có nhiều chi-tiết khác nhau.
Nước Anh và một số nước Bắc-Âu chịu ảnh-hưởng của Locke đã tổ-chức theo chế-độ quân-chủ lập-hiến đại-nghị. Trong những nước ấy, nhà vua là một vị quốc-trưởng được trọng-vọng, nhưng vô-trách-nhiệm và vì đó mà thật sự vô-quyền, mặc dầu theo nguyên-tắc, mọi pháp-lịnh đều do nhà vua mà ra. Quyền lập-pháp nằm trong tay một Nghị-viện Thứ-dân gồm những đại-biểu do dân công-cử và một Nghị-viện Quí-tộc ít quyền-hành hơn. Quyền hành-pháp thuộc về một chánh-phủ được nghị-viện uỷ nhiệm.
Những nhà cách-mạng nước Pháp chịu ảnh-hưởng của Rousseau rất nhiều. Nhưng trong sự xây dựng chế-độ dân-chủ cộng-hòa trên nước họ, họ không thể áp-dụng được hoàn-toàn lý-thuyết Rousseau.
Trong sách “Dân-ước”, Rousseau đã bảo rằng chủ-quyền một quốc-gia thuộc về toàn-thể dân-chúng và không thể phân chia, cũng không thể nhượng cho ai. Chiếu theo nguyên-tắc đó, Rousseau chủ-trương để cho dân-chúng trực-tiếp nắm hết quyền-hành trong tay. Những nhơn-viên chánh-phủ chỉ là những kẻ thừa-hành mạng-lịnh dân-chúng mà thôi. Nhưng chánh-thể này chỉ có thể thi-hành được ở những nước nhỏ hẹp, trong ấy mọi người đều biết rõ nhau và có thể tụ-tập nhau lại đông đủ để bày tỏ ý-kiến mình về những việc có ích-lợi chung. Ở Âu-châu, chỉ có Thụy sĩ - một liên-bang gồm những tiểu-bang nhỏ hẹp kết-hợp nhau lại một cách lỏng lẻo, lại được các cường-quốc khác công-nhận là nước trung-lập nên không sợ nạn ngoại –xâm – là có thể áp-dụng được ý-tưởng này.
Một quốc-gia đông hàng triệu người, lại sống bên cạnh nhiều cường-quốc sẵn sàng xâm lấn mình như quốc-gia Pháp, tự-nhiên không thể theo chơn Rousseau trên con đường ấy. Vì đó, người Pháp phải nghiêng về phía Locke và Montesquieu. Sau khi thí nghiệm nhiều hình-thức chánh-thể khác nhau, họ tổ-chức quốc-gia theo nguyên-tắc đại-nghị và phân-quyền. Quốc-trưởng Đệ Tam và Đệ Tứ Cộng-hòa Pháp là một vị Tổng-thống cũng vô trách-nhiệm và vô quyền như nhà vua Anh. Quyền lập-pháp thuộc về một Nghị-viện gồm những đại-biểu được dân-chúng bầu ra, còn quyền-hành-pháp thì giao cho chánh-phủ do Nghị-viện công-cử.
Qua Đệ Ngũ Cộng-hòa, Tổng-thống Pháp do dân-chúng bầu cử và có một quyền-hành rộng rãi. Tuy nhiên, người Pháp vẫn chưa bỏ hẳn chế-độ đại-nghị nên kế bên Tổng-thống, họ lại đặt một Thủ-tướng do Tổng-thống chỉ-định và Quốc hội tấn phong.
Hiệp-chúng-quốc Mỹ chịu ảnh-hưởng của Anh lẫn Pháp, nhưng có một chánh-thể đặc-biệt khác hai nước này.
Quốc-trưởng Hiệp-chúng-quốc Mỹ là một vị Tổng-thống do dân-chúng cử ra và nắm quyền-hành-pháp. Nhờ sự ủy nhiệm trực-tiếp của dân-chúng chớ không phải qua Nghị-hội, Tổng-thống Hiệp-chúng-quốc Mỹ có quyền rộng hơn nhà vua và Thủ-tướng Anh, hay Tổng-thống và Thủ-tướng Pháp họp lại. Thật ra, ông có quyền như một nhà vua Anh lúc Hiệp-chúng-quốc vừa độc-lập, khi chế-độ đại-nghị ở Anh chưa tiến đến hình-thức hiện-thời và còn để cho hoàng-gia một phần quyền khá lớn.
Quyền lập-pháp thì thuộc về Nghị-hội, phân ra làm hai viện, một Hạ-nghị-viện gồm đại-biểu cho dân-chúng cử ra theo nguyên-tắc dân số, và một Thượng-nghị-viện gồm đại-biểu các tiểu-bang họp lại làm Hiệp-chúng-quốc, cứ mỗi tiểu-bang hai người.
Không như hai nước Anh và Pháp, nhìn nhận sự tự trị của cơ-quan tư-pháp, song vẫn đặt nó vào hệ-thống chánh-phủ lo việc hành-pháp, người Mỹ nói đúng theo ý Montesquieu tách hẳn ngành tư-pháp ra khỏi quyền-hành-pháp và giao cho một Thượng-thẩm-viện gồm chín vị thẩm-phán do Tổng-thống cử và Nghị-hội chấp-thuận cái quyền làm trọng tài khi có sự xung-đột giữa hai quyền lập-pháp và hành-pháp, cũng như giữa chánh-phủ liên-bang và các chánh-phủ tiểu-bang. Vai tuồng “bảo-vệ hiến-pháp” của quyền tư-pháp Mỹ làm cho nó trở thành quan-trọng và hoàn-toàn bình-đẳng với hai quyền lập-pháp và hành-pháp, nếu không vượt lên trên hai quyền ấy.
Xét ba hình-thức tổ-chức khác nhau ở Anh, Pháp và Hiệp-chúng-quốc Mỹ, ta thấy nó có chổ giống nhau là đều dùng cách đầu-phiếu để cử ra một Nghị-hội đại-diện cho dân-chúng mà quyết-định những điều công-ích. Lúc ban đầu, nhiều nhà chánh-khách lấy cớ rằng những người dân dốt nát không am-hiểu chánh-trị và dễ bị mua chuộc có thể đưa người không xứng đáng ra thay mặt mình và làm hư việc nước để hạn-chế quyền đầu-phiếu, hoặc chỉ cho một số ít người có đủ những điều-kiện nhứt-định về trí-thức hay tài-sản đi bầu-cử, hoặc thi-hành phương-pháp đầu-phiếu nhiều từng trong đó dân-chúng chỉ trực-tiếp cử ra những người thay mặt cho mình để bầu Nghị-viện. Nhưng sau đó, dân-chúng nhơn danh nguyên-tắc bình-đẳng mà đòi quyền đầu-phiếu cho tất cả mọi người, và chế-độ phổ-thông đầu-phiếu lần lần được thi-hành ở những nước dân-chủ.
Nghị-hội do dân-chúng cử ra được xem là đại-diện cho ý muốn của dân và giữ hết chủ-quyền quốc-gia. Như ta thấy ở Anh và ở Pháp, thời Đệ Tam và Đệ Tứ Cộng-hòa, nó nắm quyền tối-cao và kiểm-soát hết công việc làm của các cơ-quan hành-pháp và tư-pháp. Hiệp-chúng-quốc Mỹ thì theo sát nguyên-tắc phân-quyền của Montesquieu, để cho cơ-quan hành-pháp một sự tự-do rộng rãi hơn và giao cho quyền tư-pháp cái trách vụ làm vị trọng tài tối-cao cho cả nước.
Chiếu theo nguyên-tắc tự-do và bình-đẳng, các chánh-thể dân-chủ bảo-đảm những quyền tự-do thân thể, tự-do hội-họp, tự-do tín-ngưỡng, tự-do lưu-thông, tự-do ngôn-luận, tự-do báo chí v.v... và xem mọi người bình-đẳng nhau trước pháp-luật.
Về mặt kinh-tế, quyền tư-hữu được nhìn nhận và bảo-đảm, những xiềng xích phong-tỏa nền thương mãi và kỹ-nghệ trong chế-độ cũ bị hủy-diệt. Chánh-sách kinh-tế tự-do cạnh tranh này cho phép mọi người đem hết năng-lực của mình ra kinh-dinh trong phạm-vi pháp-luật.
Những nhà lãnh-đạo phong-trào dân-chủ ở các nước trên này là những nhà trí-thức thuộc hạng trưởng-giả, và sau khi thành công, họ nhiệt-liệt binh-vực quyền tư-hữu. Chế-độ họ xây dựng nên, theo nguyên-tắc thì xem mọi người như nhau; nhưng trong thực-tế, nó ưu-đãi giai-cấp trưởng-giả nhiều hơn. Bởi đó, người ta gọi họ là những chánh-khách dân-chủ tư-sản và chủ-nghĩa dân-chủ của họ được mạng danh là chủ-nghĩa dân-chủ tư-sản.
V- NHỮNG NHƯỢC-ĐIỂM CỦA CHỦ-NGHĨA DÂN-CHỦ TƯ-SẢN.
Chủ-nghĩa dân-chủ tư-sản-xuất hiện và phát-triển trong một tình-trạng xã-hội đặc-biệt. Phôi-thai trong một xã-hội chuyên-chế gây sự khổ sở cho người, nó tự đặt ra nhiệm-vụ cải-tổ xã-hội ấy và cố-nhiên phải tạo ra những lý-luận làm khí-cụ để thi-hành công việc đánh đổ chế-độ cũ.
Chế-độ cũ đặt nền tảng trên ý-niệm chủ-quyền thuộc về một nhà vua thay mạng Trời mà cai-trị thiên-hạ nên nó nêu ra thuyết chủ-quyền do nơi sự họp-tập những quyền thiên-nhiên của mọi người mà có, và do đó mà phải thuộc về dân-chúng.
Chế-độ cũ chia xã-hội ra làm nhiều giai-cấp khu-biệt nhau, và đặt ra nhiều luật-lệ bó buộc dân-chúng một cách vô lối nên nó tuyên bố rằng người sanh ra tự-do bình-đẳng và phải được tự-do bình-đẳng trong xã-hội.
So với những tư-tưởng thần-quyền hướng dẫn sự hoạt-động chánh-trị trong xã-hội cũ, lý-thuyết dân-chủ có tánh-cách tiến-bộ hơn nhiều. Tuy vậy, nó không phải là không có nhược-điểm. Trong thời-kỳ người ta phải dựa vào nó để chống chọi lại ý-thức-hệ của xã-hội cũ, người ta chỉ thấy cái hay của nó. Nhưng đến khi kiến-thiết, đụng đầu với thực-tế, những sự sai lầm và mâu-thuẫn của nó lần lần hiện ra rõ rệt.
A.- NHỮNG NHƯỢC-ĐIỂM CỦA CHỦ-NGHĨA DÂN-CHỦ TƯ-SẢN VỀ PHƯƠNG-DIỆN LÝ-THUYẾT
1. THUYẾT TRẠNG-THÁI THIÊN-NHIÊN
Đứng về phương-diện thuần lý-thuyết mà nói, ta nhận thấy rằng cả chủ-nghĩa dân-chủ của Locke và Rousseau dựa vào một ý-niệm căn-bản, ý-niệm về một trạng-thái thiên-nhiên có trước khi xã-hội thành-lập. Ý-niệm này là một định lý làm cơ-sở cho tất cả lý-luận của các lý-thuyết gia dân-chủ về sau, và sự sai lầm của nó tự-nhiên làm cho cả hệ-thống suy-luận của họ phải sụp đổ.
Trong trạng-thái thiên-nhiên của Locke và Rousseau, người sung sướng vì họ không làm hại nhau, không phạm vào quyền-lợi của nhau như trong xã-hội. Kết-quả tốt đẹp này sở-dĩ có được, theo Locke, là nhờ lý-trí, còn theo Rousseau thì nhờ nơi tánh tốt bẩm-sinh của người. Nhưng sự thật có phải tươi đẹp như Locke và Rousseau tưởng chăng? Sự nghiên-cứu kỹ càng về người dã-man và người bán khai đã cho ta một hình ảnh đúng đắn hơn, nhưng cũng đen tối hơn hình ảnh của Locke và Rousseau về trạng-thái thiên-nhiên ấy.
Ta có thể chấp-nhận cùng với Locke rằng, người trong trạng-thái thiên-nhiên đã có lý-trí. Lý-trí ấy chưa đủ sắc bén để làm cho người có những mưu-mô giảo-quyệt và còn để cho ta có cảm tưởng rằng người ngây thơ, thành-thật. Tuy thế, chắc chắn nó cũng chưa đưa người đến một tinh-thần đạo-đức cao-thâm, cũng chưa giúp người đủ sự khôn ngoan để có một quan-niệm đúng đắn về quyền-lợi hiểu một cách sáng suốt. Nó chỉ cho người có một ít trí-thức thiển-cận để giải-quyết những vấn-đề do sự sống còn hằng ngày đặt ra. Người dùng phần lớn nếu không phải tất cả tâm-tư để mưu-đồ sự sống còn ấy. Sự chân-thật chất-phác của người – vốn không phải là dấu hiệu của đạo-đức mà chỉ là dấu hiệu của sự kém thông-minh – chưa chắc đã giữ cho người khỏi dã-man tàn-bạo.
Trong hoàn-cảnh cổ-sơ, sự sống còn của người rất bấp bênh, không có chi là vững chắc, và sự kiếm ăn rất đổi bất-thường. Sự tranh giành xâu xé giữa loài người hẳn phải hung tợn gớm ghê lắm, và sự giết hại nhau là việc rất thường. Chỉ đến khi người biết tụ-họp nhau lại và dùng những phương-pháp chăn nuôi trồng tỉa để tăng-gia những nguồn tài lợi thiên-nhiên, đời sống mới dễ dàng đôi chút và người mới lần lần dịu sự giết hại lẫn nhau.
Vậy, trái với ý-kiến Rousseau, bản-tánh người không phải là tốt. Nếu tánh người vốn tốt như Rousseau tưởng thì xã-hội người lập ra không thể mục nát xấu xa đến nỗi làm cho người sanh ra xấu được. Thật ra, người chỉ có thể tốt khi nào họ đã thỏa-mãn được những nhu-cầu thiết-yếu của mình.
Nói một cách công-bằng thì xã-hội, dầu là xã-hội cổ-thời, với tất cả những chế-độ khắc-nghiệt, những cư-xử dã-man của nó, cũng giúp cho người tiến-bộ nhiều về cả hai mặt sanh hoạt vật-chất và tinh-thần đạo-đức. Cho rằng trạng-thái thiên-nhiên hơn hẳn xã-hội, cho rằng người trong trạng-thái thiên-nhiên tốt hơn và sung sướng hơn người trong xã-hội là một điều lầm lạc rất to của chủ-nghĩa dân-chủ tư-sản.
2. THUYẾT QUYỀN THIÊN-NHIÊN CỦA CON NGƯỜI
Thuyết cho rằng người sanh ra đã có những quyền thiêng liêng bất-khả xâm-phạm cũng không đứng vững được. Vì ý-niệm quyền-hành bao hàm một người sử-dụng, một phạm-vi sử-dụng, một hoặc nhiều người khác nhận chịu sự sử-dụng ấy và một lực-lượng công-cộng, bảo-đảm cho sự sử-dụng ấy. Như vậy, nó có tánh-cách luật-pháp và chỉ có thể xuất-hiện trong xã-hội mà thôi.
Hơn nữa, quyền của người trong xã-hội luôn luôn là một cái để đền bù lại một nhiệm-vụ mà người phải gánh vác. Xã-hội chuyên-chế cũ bắt đám bần-dân làm nhiệm-vụ mà không nói đến quyền của họ đã đành là quấy, nhưng chủ-nghĩa dân-chủ nêu ra ý-niệm quyền thiên-nhiên bất khả xâm-phạm mà không nhắc liền đến nhiệm-vụ của người lại rơi vào cái quấy nghịch lại. Muốn cho hợp-lý, ta phải đặt ý-niệm quyền-lợi chung với ý-niệm nhiệm-vụ.
Nói tóm lại, không có xã-hội thì không có quyền, mà không có nhiệm-vụ cũng không có quyền nốt. Vậy, quyền thiên-nhiên của người chỉ là một luận-chứng vô-căn-cứ.
Người ta có thể cãi lại rằng người có quyền thiên-nhiên vì trong trạng-thái thiên-nhiên, người muốn làm gì thì làm, không bị ai cản trở, bó buộc. Quả thật, trong trạng-thái thiên-nhiên, người có thể muốn làm gì thì làm. Nhưng ta có thể gọi đó là một cái quyền được chăng, khi mà bất cứ ai cũng có thể phạm vào nó? Nếu ta gọi như thế là có quyền thì đó chỉ là quyền của kẻ mạnh mà thôi, vì chỉ có kẻ mạnh mới đủ sức tự mình bảo-vệ sanh-mạng mình và hoạt-động hoàn-toàn theo ý muốn mình. Còn những kẻ yếu, họ khó lòng sống được chớ đừng nói gì đến việc làm theo ý muốn của mình.
3. THUYẾT NGƯỜI SANH TỰ-DO VÀ BÌNH-DẲNG
Những ý-niệm tự-do và bình-đẳng là những ý-niệm đặc-biệt của lý-thuyết dân-chủ. Bởi thế, khi nói đến lý-thuyết dân-chủ, người ta nghĩ ngay đến khẩu-hiệu tự-do và bình-đẳng, và ngược lại khi nói đến khẩu-hiệu tự-do và bỉnh đẳng, người ta cũng nghĩ ngay đến lý-thuyết dân-chủ.
Như ta đã thấy, sở-dĩ những lý-thuyết gia dân-chủ nêu ra chủ-trương tự-do và bình-đẳng là vì xã-hội trong đó họ sống hết sức bó buộc người và đầy dẫy những sự bất-công. Vậy, tự-do và bình-đẳng thật ra là kết-quả sự phản-động lại chế-độ quân-chủ chuyên-chế ngày xưa. Đó là những thần-thoại đặt ra để đối chiếu lại những điều-kiện khắc-nghiệt uy-hiếp con người của xã-hội cũ. Vì thế, nó có một hấp-lực rất mạnh, nhứt là đối với những người sống trong xã-hội bó buộc và bất-công. Tuy vậy, nếu ta bình-tỉnh mà xét nó, ta sẽ thấy rằng ý-niệm tự-do và bình-đẳng thật ra không có tánh-cách rõ ràng minh-xác.
Khi nói đến hai tiếng tự-do, người ta nghĩ ngay đến một con người muốn làm gì thì làm, không bị ai kềm chế bó buộc gì cả. Cứ theo định-nghĩa này thì thật sự chỉ có những người rừng – những người mà Locke và Rousseau bảo là ở trong trạng-thái thiên-nhiên – mới được tự-do. Những người này sống cô- độc ở những chốn hoang-vu, và nếu ta gạt bỏ những bó buộc của khung cảnh thiên-nhiên qua một bên, những hoạt-động của họ chỉ bị hạn-chế khi gặp một hay nhiều người rừng khác mạnh hơn. Trong trường-hợp này, chẳng những là sự tự-do của họ bị uy-hiếp, mà ngay đến tánh-mạng họ cũng không có gì bảo-đảm.
Nếu ta cho như thế là tự-do thì đó là một sự tự-do rừng rú, đầy nguy-hiểm, đầy đe dọa, đầy sợ sệt, đầy lo âu. Nó là kết-quả một cuộc chiến-đấu gian-nan không phút giây nào ngừng được.
Trong xã-hội, người ta không thể quan-niệm được một sự tự-do như thế. Người sống trong một xã-hội nhứt-định phải lệ thuộc xã-hội ấy không ít thì nhiều. Chẳng những phải tuân theo pháp-luật, người trong xã-hội còn phải tùy theo phong-tục tập-quán, tùy theo những công-ước mà quần-chúng đã mặc nhiên chấp-nhận. Chẳng những phải cố giữ cho khỏi bị nhà cầm-quyền trừng-phạt, họ còn phải ráng tránh sự chê bai của dư-luận nữa.
Như vậy, người trong xã-hội phải khép mình vào một khuôn khổ. Khuôn khổ này có thể hẹp hay rộng, khắc-nghiệt hay khoan-dung, nhưng dầu sao, nó vẫn hạn-chế bớt sự hoạt-động của người. Trong trường-hợp đó, sự tự-do hoàn-toàn không thể có trong xã-hội được. Đời sống xã-hội ám tàng việc hạn-chế sự tự-do của người. Vì thế, sự tự-do trong xã-hội chỉ có thể là một sự tự-do tương-đối, dựa vào một số quyền cụ-thể và nằm trong một phạm-vi nào đó mà thôi.
Trong trí óc mọi người, sự tự-do và sự hạn-chế vốn trái ngược nhau. Do đó, ý-niệm tự-do dựa vào một số quyền nhứt-định và nằm trong một phạm-vi nhứt-định, tức là ý-niệm tự-do hạn-chế tự hàm lấy một sự mâu-thuẫn nộI-bộ rõ rệt. Sở-dĩ người ta không nhận thấy sự mâu-thuẫn nộI-bộ của chủ-trương tự-do là vì khi nói đến tự-do, người ta không lưu-ý đến những hạn-chế bắt buộc phải có của đời sống xã-hội.
Nói tóm lại, sự tự-do hoàn-toàn chỉ có thể là một sự tự-do rừng rú. Trong xã-hội, sự tự-do của người nhứt-định phải bị hạn-chế, mà ý-niệm tự-do hạn-chế này là một ý-niệm chứa đựng một sự mâu-thuẫn hiển-hiện.
Bởi lý do trên này, sự tự-do theo ý nghĩa trừu-tượng của nó chỉ tốt đẹp với tư-cách là một lý-tưởng. Nó có thể có một hấp-lực rất mạnh mẽ. đối với con người. Nhưng với tư-cách là một mục-tiêu chánh-trị, nó rất mù mờ, và vì sự mù mờ đó, nó có thể xua đẩy người vào những cuộc phiêu-lưu nguy-hiểm. Với danh-nghĩa phụng-sự tự-do, người ta đã đưa ra nhiều chủ-trương khác nhau, từ chủ-trương phóng-túng hoàn-toàn đến những chủ-trương kỷ-luật chặt chẽ. Và người ta đã không ngần ngại chém giết nhau để binh-vực những chủ-trương này.
“Ôi! Tự-do! Tự-do! Nhơn danh-nghĩa ngươi, người ta đã phạm biết bao nhiêu là tội ác”. Câu than thở này của Roland phu-nhơn quả có giá-trị của một lời cảnh-cáo nhơn-loại nên đề phòng lý-tưởng tự-do.
Về chủ-trương bình-đẳng, nó không hơn gì chủ-trương tự-do. Lời những nhà lý-thuyết dân-chủ quả-quyết rằng trong trạng-thái thiên-nhiên, người ta hoàn-toàn bình-đẳng nhau, thật ra không chứng minh bằng kinh-nghiệm hay khoa-học được. Người ta vốn sanh ra thể-chất, năng-lực, tài trí, đức-hạnh, tánh khí khác nhau nên nhứt-định hơn kém khác nhau.
Rất có thể rằng trong trạng-thái thiên-nhiên, sự sanh-hoạt của người đại-để giống nhau và sự hơn kém này không xa nhau quá như trong xã-hội. Tuy vậy, sự tranh-đấu lẫn nhau có tánh-cách ác-nghiệt hơn, và một sự hơn kém nhỏ nhặt có thể đưa đến những kết-quả khốc-liệt cho người.
Không có điều gì chứng-nhận rằng trong trạng-thái thiên-nhiên, người không lợI-dụng những ưu-điểm của mình để tranh-đấu với đồng-loại. Trái lại, sự quan-sát những dân-tộc bán-khai cho ta biết rằng, trong trạng-thái thiên-nhiên mà Locke và Rousseau ca tụng như một cảnh thiên-đường, chỉ có lẽ phải của kẻ mạnh nhứt là đáng kể. Lẽ tự-nhiên là sự bình-đẳng không thể phát-hiện trong hoàn-cảnh ấy được.
Vậy, nói cho thật đúng thì ngay trong trạng-thái thiên-nhiên, sự bình-đẳng hoàn-toàn cũng không thể có. Trong xã-hội, sự bình-đẳng hoàn-toàn này lại càng không thể có hơn nữa. Vì hoàn-cảnh và cơ-vận khác nhau, người ta hơn kém nhau rất nhiều. Sự bất-bình-đẳng thiên-nhiên này làm cho chủ-trương bình-đẳng trong xã-hội hóa ra phức-tạp vô cùng.
Người ta có thể quan-niệm sự bình-đẳng theo nhiều lối khác nhau. Đối với những người mộc mạc, bình-đẳng thường có nghĩa là tất cả mọi người đều ngang nhau về mọi phương-diện. Mọi người đều có một địa-vị như nhau, và đều hưởng những quyền-lợi của xã-hội một cách đồng đều nhau. Trong sự tuyên-truyền lôi kéo quần-chúng, chắc hẳn người ta đã nêu chủ-trương bình-đẳng này ra.
Nhưng không cần phải nói nhiều, chắc những người có chút ít lương-tri cũng đã nhận thấy rằng chủ-trương bình-đẳng máy móc trên đây không thể nào thực-hiện trong xã-hội. Ta rất khó tưởng-tượng ra một đoàn-thể họp-quần trong đó mọi người đều có những nhiệm-vụ, những hoạt-động y hệt như nhau và đều lãnh một phần tài-vật hoàn-toàn đồng đều nhau.
Vả lại, một xã-hội như thế dầu cho có thực-hiện được cũng không thể làm thỏa-mãn được mọi người. Vì sở-thích, nguyện-vọng, năng-lực, nhu-cầu của người khác nhau vô cùng; một công việc làm cho người này ưa thích có thể làm cho người khác không ưa; và một phần tài-vật đủ dùng cho người này có thể thiếu hụt đối với người khác.
Bởi đó, sau này, những người chủ-trương bình-đẳng nêu ra quan-niệm xem chế-độ bình-đẳng là chế-độ thỏa-mãn nhu-cầu của người một cách đồng đều nhau. Theo những người này, mọi người đều bình-đẳng nhau khi người nào cũng được thỏa-mãn như nhau cả. Tuy thế, vấn-đề thỏa-mãn nhu-cầu của người thật ra không phải là một vấn-đề giản-dị.
Trước hết, nhu-cầu của mỗi người có thể mở mang đến vô cùng, và lý-tưởng bình-đẳng thật sự không cho phép ta hạn-chế sự nhu-cầu của một hạng người nào. Trong một xã-hội chủ-trương thỏa-mãn hết nhu-cầu của tất cả mọi người, mà người ta để cho mỗi người tự định lấy nhu-cầu mình thì người ta không thể nào sản-xuất đủ những món tiện-nghi, những xa-xí-phẩm mà mọi người đòi hỏi. Trái lại, nếu người ta giao cho cơ-quan nắm chánh-quyền nhiệm-vụ qui-định nhu-cầu của mỗi người, chắc chắn những người có địa-vị sẽ được ưu-đãi hơn đám dân-chúng đứng xa chánh-quyền.
Như thế, vì bản-chất của người, vì sự bất-bình-đẳng tự-nhiên Tạo hóa phú cho người, sự bình-đẳng tuyệt-đối không thể thực-hiện được trong xã-hội. Cũng như đối với vấn-đề tự-do, trong xã-hội, người ta chỉ có thể quan-niệm một sự bình-đẳng tương-đối, một sự bình-đẳng nằm trong một phạm-vi nhứt-định, thí dụ như bình-đẳng trước pháp-luật, bình-đẳng về quyền-hạn công-dân. Trong trường-hợp này, sự bất-bình-đẳng thiên-nhiên sẽ đưa người đến những địa-vị khác nhau, khiến cho họ hưởng những quyền-lợi xã-hội mang đến cho người một cách không đồng đều nhau. Và chung-qui, sự bình-đẳng vẫn không có được.
Xét cho cạn lẽ, ta có thể nhận thấy rằng, vấn-đề bình-đẳng quả là một vấn-đề nan-giải và hai tiếng bình-đẳng chỉ có thể dùng làm một khẩu-hiệu để lôi cuốn người chớ không thể là một mục-tiêu chánh-trị. Về phương-diện này, có lẽ ý-tưởng công-bình xã-hội đáng được dùng hơn là ý-tưởng bình-đẳng, vì nó minh-xác hơn và dễ thực-hiện hơn.
Những chủ-trương tự-do và bình-đẳng hoàn-toàn, xem thế, không thể chấp-nhận được, nếu ta suy xét về nó một cách kỹ càng. Đã vậy, nó còn chống chọi lại nhau nữa. Những người chủ-trương dân-chủ vì tinh-thần phản-ứng lại chế-độ khắc-nghiệt của xã-hội cũ nên không nhận thấy sự mâu-thuẫn nhau giữa hai lý-tưởng tự-do và bình-đẳng. Nhưng đối với người thời nay, sự mâu-thuẫn này hết sức là rõ rệt.
Như ta đã thấy, người sanh ra thể-chất tài-trí không bằng nhau. Dầu cho ta có đặt mọi người chung trong một cảnh-huống và giáo-dục họ y nhau, ta cũng không làm cho năng-lực họ bằng nhau được.
Nếu để cho mọi người được tự-do sử-dụng hết năng-lực của mình thì thế nào họ cũng đi đến những kết-quả hơn kém khác nhau, dầu cho lúc khởi-hành, họ ở vào một tình-cảnh hoàn-toàn giống nhau cũng thế. Muốn cho mọi người bình-đẳng nhau, không có ai vượt hẳn được người khác hay có thể uy-hiếp người khác, ta phải hạn-chế bớt năng-lực của những người ưu-tú. Như thế, ta phải phạm vào sự tự-do của họ.
Tóm lại, tự-do đưa đến sự bất-bình-đẳng, còn bình-đẳng ám-tàng ý-tưởng hạn-chế năng-lực của người, nghĩa là phạm vào sự tự-do của người. Nếu sự bất-bình-đẳng và sự thiếu tự-do có thể cùng gặp nhau trong xã-hội cũ để giăng một tấm màn hắc-ám lên đời sống người bần-dân, sự bình-đẳng và sự tự-do hoàn-toàn lại không thể đứng chung với nhau để làm cho xã-hội được tươi đẹp. Do đó, khi ghép hai nguyên-tắc tự-do và bình-đẳng lại dưới một hiệu cờ tranh-đấu, người ta đã gieo một mầm chia rẽ làm cho những người chủ-trương dân-chủ về sau sanh ra xung-đột lẫn nhau.
4. THUYẾT CHỦ-QUYỀN QUỐC-GIA
a) CHỦ-QUYỀN QUỐC-GIA THUỘC VỀ TOÀN-THỂ DÂN-CHÚNG
Locke và Rousseau đặt nền tảng quốc-gia trên một bản dân-ước theo đó mọi người cùng vui lòng chấp-nhận nhường quyền thiên-nhiên của mình cho xã-hội, để bù lại, xã-hội bảo-đảm quyền-lợi mình. Dựa vào ý này, họ nêu ra thuyết chủ-quyền phải thuộc về toàn-thể dân-chúng.
Thật ra, trong sự thành-lập xã-hội, lý-trí cá-nhơn nếu có, cũng chỉ đóng một vai tuồng rất nhỏ. Ta rất khó tưởng-tượng được con người cổ-sơ mộc mạc mà suy-luận một cách sâu sắc hợp-lý về đời sống thiên-nhiên và đời sống xã-hội, rồi nhận chân rằng hợp-quần thành xã-hội, mình được sung sướng hơn trong trạng-thái thiên-nhiên và vui lòng chấp-nhận một bản dân-ước để lập thành xã-hội. Đúng ra thì người đã họp nhau sống thành xã-hội một cách vô-ý-thức vì sự thúc đẩy của sự cần dùng, nếu không bị những kẻ mạnh lôi vào vòng kềm chế của họ.
Nhưng mặc dầu chúng ta không thể cho là đúng cái chủ-trương của Locke và Rousseau lấy một bản dân-ước làm nền tảng cho xã-hội, ta vẫn có thể nhận rằng ý-tưởng chủ-quyền phải thuộc về toàn-thể dân-chúng rất hợp công-lý. Tuy vậy, ở đây, chúng ta cũng vấp phải một sự khó khăn nan-giải về sự thực hành.
Muốn được hoàn-toàn hợp-lý, ta phải theo đúng chủ-trương Rousseau để cho toàn-thể dân-chúng trực-tiếp điều-khiển việc công và giải-quyết mọi vấn-đề quan-trọng. Như ta đã thấy trên kia, điều-kiện này chỉ thực-hiện được với những xã-hội nhỏ, dân số chừng vài ngàn người. Những quốc-gia nhỏ bé như thế tự-nhiên rất khó chống lại nạn ngoại-xâm. Vì thế, ngoại trừ trường-hợp nước Thụy-sĩ, có một thể-chế trung-lập được hoàn-cầu nhìn nhận và tôn-trọng, những quốc-gia khác rất khó mà thực-hiện được nguyên-tắc chánh-trị trên này.
Đối với những quốc-gia rộng rãi, dân-số trên hàng triệu người và đủ sức tự-vệ chống nạn xâm-lược từ ngoài đưa đến, người ta chỉ có thể theo chế-độ đại-nghị mà thôi. Chế-độ này thật ra không thể phù-hợp với thuyết chủ-quyền thuộc về toàn-thể dân-chúng. Áp-dụng nó, dân-chúng chỉ nắm chủ-quyền thật sự trong giây phút mình bỏ vào thùng thăm lá phiếu công-cử ông đại-biểu thay mặt mình trong quốc-hội. Như vậy, thuyết chủ-quyền thuộc toàn-thể dân-chúng không thể nào thực-hiện một cách đúng đắn được.
b) CHỦ-QUYỀN QUỐC-GIA PHẢI DỰA VÀO SỰ ÍCH-LỢI CHUNG, NÓ ĐƠN-NHỨT VÀ TỐI-CAO
Chủ-trương cho rằng chủ-quyền quốc-gia phải dựa vào sự lợi-ích chung là một chủ-trương khái-quát có thể biện-chánh cho bất cứ chánh-thể nào. Ta đã thấy rằng nhiều chế-độ quân-chủ ngày xưa cũng đã nêu nguyên-tắc nhà vua phải lo phụng-sự quyền-lợi dân. Điểm đặc-biệt của chủ-nghĩa dân-chủ tư-sản là chủ-quyền ấy phải bảo-đảm sự tự-do cho mỗi cá-nhơn.
Rousseau vốn cho rằng chủ-quyền quốc-gia đơn-nhứt và tối-cao nên không thể giải-quyết được vấn-đề một cách ổn-thỏa. Vì nếu chủ-quyền của quốc-gia đơn-nhất và tối-cao thì nó không nhìn nhận một quyền-hạn hay một luật-lệ nào trên nó, nó có thể hủy bỏ quyền cá-nhơn một cách tuyệt-đối, và hoàn-toàn trái với nguyên-tắc tự-do cá-nhơn.
Rousseau có thể nêu thêm ý-kiến rằng chủ-quyền quốc-gia chỉ hạn-chế quyền cá-nhơn đến mực cần-thiết cho cho sự ích-lợi chung, và bao giờ cũng thi-hành đúng theo luật-pháp. Nhưng điều này cũng không làm cho ta tiến thêm một bước nào trong việc bảo-đảm tự-do cá-nhơn. Như thế vì ta rất khó mà nêu ra một tiêu-chuẩn rõ rệt để định giới-hạn của sự ích-lợi chung, và chung-qui, vẫn phải để cho quốc-gia phán-đoán và quyết-định về sự ích-lợi chung ấy. Trong trường-hợp đó, nó có thể hiếp-chế cá-nhơn một cách dễ dàng, chỉ cần che đậy sự hiếp-chế này bằng một tố-tụng định sẵn mà thôi.
Xem thế, nguyên-tắc chủ-quyền quốc-gia đơn-nhứt, tối-cao và nguyên-tắc tự-do cá-nhơn đã không hợp nhau, mà lại còn chống chọi nhau nữa. Rousseau có lẽ cũng nhận thấy chổ ấy nên tạo ra một định-lý nữa làm làm luận-chứng cho mình, định-lý về ý muốn chung.
Theo ông, tánh người vốn tốt nên ý muốn chung của người tất-nhiên phải tốt và nhứt-định không thể phạm vào quyền-lợi cá-nhơn được. Ta đã thấy rằng bẩm-tính người không phải tốt như Rousseau lầm tưởng, và cái ý muốn chung của ông cũng rất khó mà có được. Cái mà ông gọi là ý muốn chung thật ra là ý muốn của đa-số, mà cái ý muốn của đa-số này chung-qui cũng chỉ là kết-quả sự hòa-hợp quyền-lợi của các nhóm người trong nước mà thôi. Một khi cái nền tảng của nó là ý muốn chung không đứng vững được, tất cả chủ-trương của Rousseau về chủ-quyền cũng phải sụp đổ theo.
Bởi đó, người ta không thể noi theo Rousseau về vấn-đề này và thuyết phân-quyền của Locke và Montesquieu được áp-dụng nhiều hơn. Đúng như Rousseau nói, sự phân-quyền làm thương-tổn chủ-quyền quốc-gia. Tuy thế, về phương-diện thực-tế, nó bảo-đảm được quyền-lợi cá-nhơn của người và đó là điều đáng kể nhứt cho những người theo chủ-trương dân-chủ.
B.- NHỮNG NHƯỢC-ĐIỂM CỦA CHỦ-NGHĨA DÂN-CHỦ TƯ-SẢN VỀ PHƯƠNG-DIỆN THỰC-TẾ
Những tư-tưởng dân-chủ tư-sản được phổ biến và thi-hành trước hết ở ba nước Anh, Hiệp-chúng-quốc Mỹ và Pháp. Ba nước này theo những nguyên-tắc chánh-trị chung nhau, nhưng cũng có nhiều điểm khác nhau trong sự tổ-chức. Trong sự thi-hành những nguyên-tắc dân-chủ, họ đã đi đến những kết-quả hơn kém không giống nhau, một phần vì những chỗ khác nhau trong tổ-chức, một phần vì những điều-kiện địa-dư và kinh-tế riêng biệt cho mỗi nước, và một phần nữa, vì những đặc-tánh dân-tộc của họ.
Dân-chúng Hiệp-chúng-quốc Mỹ là hậu-duệ những phần-tử có tánh mạo-hiểm, ham phiêu-lưu, thích một đời sống tự-do phóng-khoáng, nói tóm lại, là những phần-tử cang-cường bặt-thiệp nhứt của những dân-tộc Âu-châu, nhứt là dân-tộc Anh. Do đó, họ có những đức-tánh hăng hái, quả-cảm, ham hoạt-động và xảo-kỹ của một giống dân trẻ mạnh. Sự nhập-cư mỗi năm lại đưa vào đất họ một số người tháo vát, trốn cảnh cơ-hàn của Cựu lục-địa đến làm ăn, nên họ duy-trì được những tánh-cách trên này. Nhờ sống trên một lãnh-thổ rộng rãi phì-nhiêu, lại chứa đựng hầu hết những khoáng-chất cần-thiết, họ đã xây dựng được một nền kinh-tế thạnh-vượng vững vàng.
Về phương-diện địa-dư, Hiệp-chúng-quốc Mỹ được hai đại-dương rộng bao la là Đại-tây-dương và Thái-bình-dương che chở. Sau khi được người Anh nhìn nhận độc-lập, nước ấy lại gần như luôn luôn liên-minh với nước Anh, một nước đồng-chủng có một hảI-quân rất mạnh. Nhờ đó, trước khi sự phát-minh những phương-tiện giao-thông, thâu hẹp mặt quả địa-cầu lại. Hiệp-chúng-quốc Mỹ được hưởng một sự an-ninh hầu như hoàn-toàn vì không cường-quốc nào có thể uy-hiếp được họ tại chính lãnh-thổ họ.
Về phương-diện chánh-thể, Hiệp-chúng-quốc Mỹ theo chế-độ Tổng-thống. Sự phân-quyền giữa ba cơ-quan: lập-pháp, hành-pháp và tư-pháp rất rõ rệt, và vị Tổng-thống tuy không được trọn quyền, vẫn không đến nỗi tùy thuộc Quốc-hội một cách chặt chẽ quá. Thêm nữa, ông được giữ quyền trong một thời-hạn khá lâu, nên có đủ thì giờ thi-hành chánh-sách mình cho có hiệu-quả.
Dân-tộc Anh là một dân-tộc rất bảo-thủ, rất trầm-tĩnh, song rất thực-tiễn và có một truyền-thống tự-do rất mạnh. Họ đã đặt nền tảng cho chế-độ dân-chủ ở nước họ từ thế-kỷ thứ 13 và từ đó, không ngớt củng-cố và khuếch-trương nền tảng ấy cho vững chắc và to rộng thêm lên. Mặc dầu cũng phải làm cách-mạng để thực-hiện lý-tưởng mình, họ không đi đến những giải-pháp quá-khích, nhờ tánh trầm-tĩnh và thực-tiễn của họ, song cũng nhờ sự già giặn chánh-trị của dân-chúng đã được tham-gia chánh-sự từ lâu, và nhứt là nhờ một trường-hợp đặc-biệt đã nói trên này. Đó là việc nhà vua George đệ nhứt vì không biết tiếng Anh nên giao-quyền cho một vị thủ-tướng, rồi các nhà vua về sau lại khôn ngoan lần lần tự mình nhượng bỏ quyền-hành thật-sự để trị vì mà không cai-trị dân-chúng, làm cho dân-chúng có thể tôn thờ vua mà không sợ vua chuyên-quyền.
Về mặt kinh-tế, nước Anh là nước đầu tiên đi trên đường kỹ-nghệ-hóa. Điều này, phụ thêm vào bá quyền trên mặt biển mà người Anh nắm giữ trong mấy thế-kỷ đã giúp cho nước Anh rất mực hùng-cường. Vị-trí đảo-quốc của nước ấy làm cho các cường-quốc Âu-châu khác khó uy-hiếp được nước ấy và do đó mà không ảnh-hưởng đến tình-hình nộI-trị của nước ấy được.
Về phương-diện chánh-thể, nước Anh theo chế-độ đại-nghị. Quyền tối-cao trong nước theo nguyên-tắc thì thuộc về Nghị-hội, song nhờ chế-độ lưỡng-đảng, chánh-phủ chẳng những có thể đứng vững khá lâu mà lại còn có thể điều-khiển được Nghị-hội nữa, bởi lẽ Thủ-tướng chánh-phủ cũng là người lãnh-tụ của đảng mạnh nhứt trong Nghị-hội. Do đó, chánh-phủ có thể thi-hành được chánh-sách mình một cách đúng đắn và nếu theo nguyên-tắc, Thủ-tướng Anh ít quyền hơn Tổng-thống Mỹ, trong thực-tế, Thủ-tướng Anh lại được nhiều tự-do hơn trong sự hoạt-động của mình.
Nước Pháp ở vào một tình-thế khác hẳn Hiệp-chúng-quốc Mỹ và Anh. Dân Pháp vốn thuộc chủng tộc Latinh là một chủng tộc nóng tánh và cực đoan. Xã-hội Pháp ngày xưa tổ-chức theo lối chuyên-chế, những nhà vua và quí-tộc Pháp nhứt-định không chịu bỏ những đặc-quyền mình, thành ra dân-chúng Pháp phải gây một cuộc cách-mạng đẫm máu để xây dựng nền dân-chủ. Vì nước Pháp ở lục địa Âu-châu, sát nách những cường-quốc khác mà tình-hình chánh-trị bên trong nước Pháp có ảnh-hưởng nhiều đến tình-hình chánh-trị các cường-quốc ấy, nên họ phải cố tìm cách chống chọi lại phong-trào dân-chủ ở Pháp. Các nhà vua Âu-châu đã liên-minh nhau để bênh vực vua Louis thứ 16 và đương đầu với nền Đệ Nhứt Cộng-hòa Pháp. Điều này càng làm cho dân Pháp dễ trở nên quá-khích. Thật sự thì nước Pháp đã phải trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến-đấu, bao nhiều lần hỗn-loạn mới đặt được một chế-độ dân-chủ cộng-hòa vững chắc.
Sự chiến-đấu dai dẳng ấy làm phát-sanh ra những xu-hướng khác nhau, cũng như nhiều đảng phái khác nhau. Những điều trên này thêm vào óc quá-khích và tánh chuộng lý-thuyết của người Pháp khiến cho sự thống-nhứt chí-hướng toàn-dân rất mực khó khăn. Bởi đó, chế-độ đại-nghị của Pháp không được ổn-định bằng chế-độ đại-nghị của Anh. Trong Nghị-hội, có nhiều đảng phái cạnh-tranh nhau mãnh-liệt và chánh-phủ khó đứng vững được lâu. Do đó, những lưu-tệ của chủ-nghĩa dân-chủ tư-sản hiện ra ở Pháp rõ rệt hơn bất cứ ở nước nào khác.
Xét các chế-độ thi-hành ở ba nước Hiệp-chúng-quốc Mỹ, Anh và Pháp, ta có thể nhận thấy rằng chủ-trương dân-chủ không phải hoàn-toàn như những tín-đồ của Locke, Montesquieu và Rousseau lầm tưởng. Sự thi-hành nó có thể đưa một quốc-gia đến nhiều họa hại. Ở những nước có những điều-kiện đặc-biệt thuận-tiện như Hiệp-chúng-quốc Mỹ và Anh, những họa hại này không đến nỗi làm suy-nhược quốc-gia thái-quá, nhưng nó vẫn tồn-tại, và chúng ta không thể không biết đến nó được.
Điểm chung cho tất cả các xã-hội tổ-chức theo chủ-nghĩa dân-chủ tư-sản là chủ-quyền quốc-gia giao cho Nghị-hội nắm giữ. Cứ theo lý-thuyết mà nói, những Nghị-hội gồm các đại-biểu do dân cử phải đại-diện cho ý muốn chung của toàn-thể dân-chúng. Nhưng sự thật đã chỉ tỏ rằng nó chỉ là một trường cạnh-tranh giữa những quyền-lợi cá-nhơn hay đảng-phái. Quần-chúng thường thường dốt nát, dễ tin và chỉ do nơi những lời tuyên-truyền, những câu tuyên-bố của những người ứng-cử mà xét đoán họ. Vì thế, sự đầu-phiếu thường chỉ đưa những kẻ bẻm mép ra nắm chánh-quyền, nếu cử-tri không bị áp lực của chánh-phủ hay của những tổ-chức tài-phiệt mà bỏ thăm cho những vị "chánh-phủ-biểu " hay những vị "tài-phiệt-biểu". Những nghị-sĩ đắc cử, theo nguyên-tắc thì phải lo cho quyền-lợi của nhơn-dân, nhưng trong thực-tế, họ chỉ có một mục-đích duy-nhứt là làm sao được tái-cử khi thời-hạn ủy-nhiệm chấm dứt. Vì lẽ ấy, họ đi đến sự nịnh dân thái-quá, và hành-động họ nhắm vào việc gây ra một dư-luận thuận-tiện cho họ hơn là vào việc làm ích-lợi cho dân-chúng.
Quyền tự-do hội-họp và ngôn-luận đưa đến sự thiết lập những chánh-đảng. Theo nguyên-tắc thi-hành ở những nước dân-chủ cộng-hòa hay quân-chủ lập-hiến đại-nghị, một chánh-phủ muốn đứng vững phải được đa-số nghị-sĩ tán-thành, và cố-nhiên phải được sự ủng-hộ của những chánh-đảng có nhiều nghị-sĩ nhứt trong Nghị-hội. Ở những nước theo chế-độ Tổng-thống như ở Hiệp-chúng-quốc Mỹ, những người tranh-cử Tổng-thống cũng phài được sự ủng-hộ của một chánh-đảng lớn mới mong đắc cử. Do đó các quốc-gia dân-chủ lần lần theo chế-độ đảng-trị, trong ấy các đảng phái cạnh tranh nhau ráo riết. Chương-trình các chánh-đảng lập ra chỉ cốt để lấy lòng dân-chúng và đưa một số đông đảng-viên vào Nghị-hội. Nhiều khi những chương-trình ấy tương-tự nhau, nhưng đảng nào cũng muốn giành sự thi-hành nó về cho mình để lấy lòng tín-nhiệm của quần-chúng và cố tìm cách phá-hoại khi một chánh-đảng khác đứng ra làm việc.
Kết-quả của những sự cạnh tranh đảng phái ấy là lực-lượng quốc-gia phân chia, lòng người ly-tán, quốc-gia suy yếu lần lần. Ở những quốc-gia nhờ một truyền-thống lâu đời mà chỉ có hai đảng như Hiệp-chúng-quốc Mỹ và Anh thì cuộc cạnh tranh đảng phái chỉ mãnh-liệt vào mùa tuyển-cử, còn bình-thường thì nó dịu hơn, và sự họa hại cũng được hạn-chế bớt. Trong những quốc-gia có nhiều đảng phái như Pháp, sự cạnh-tranh có tánh-cách thường-trực và sự hư hỏng không thể lường được.
Thêm vào những lưu-tệ của chế-độ đại-nghị, óc tự-do quá-độ đã đưa người ta đến chủ-nghĩa cá-nhơn ích-kỷ và chủ-nghĩa vô-chánh-phủ làm rối loạn trật-tự ở các nước Âu-châu.
Về mặt kinh-tế, chánh-sách tự-do mậu dịch lần lần biến đổi xã-hội phong-kiến cũ thành ra một xã-hội tư-bản. Sự tự-do dinh-nghiệp đưa đến một sự cạnh-tranh ráo riết giữa các kỹ-nghệ-gia và thương-gia. Những người ít vốn, ngay thật hay thủ cựu, không biết lợi-dụng sự phát-minh cơ-giới tối tân bị đào-thải. Nhiều nhà tiểu-công-nghệ bị thất-nghiệp, nhiều nhà tiểu-tư-sản phá sản trong lúc một ít người sẵn vốn, gian-giảo hay khôn khéo, biết áp-dụng những phương-pháp tối tân trong nghề mình, tạo ra được những sự-nghiệp khổng-lồ.
Những nhà phú-hào mới này lại dùng tài-sản mình để gây thế-lực trong trường chánh-trị hầu bảo-vệ quyền-lợi mình. Họ cũng thừa thế nắm được những nguồn tài-sản trong nước để bắt chẹt những công-nhơn, trả cho thợ thuyền một số lương chết đói. Sự chênh lệch giữa các hạng người trong xã-hội mà người ta tưởng đã tiêu-diệt với xã-hội phong-kiến lại xuất hiện và càng ngày càng lớn mãi ra.
Ngoài những họa hại trên này, sự tự-do về mặt kinh-tế để cho những nhà tư-bản sản-xuất hàng-hóa một cách hỗn-độn theo ý muốn cá-nhơn, theo định-kiến mưu-đồ tư-lợi, lại còn đưa đến những cuộc khủng-hoảng kinh-tế trầm trọng.
Trong khi đa-số quần-chúng không có những nhu-dụng cần-thiết cho đời sống hàng ngày, ở nhiều nơi, người ta lại đem đốt hay đem đổ xuống biển không biết bao nhiêu hàng-hóa để kềm giữ cho giá bán khỏi sụt xuống. Những cuộc khủng-hoảng kinh-tế tự-nhiên làm phá-sản một số nhà tư-sản, nhưng nó cũng hại đến hạng bần-dân rất nhiều. Nó làm cho đời sống của người lao-động đã đen tối lại còn đen tối hơn nữa.
VI- KẾT-LUẬN VỀ LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ
Lý-thuyết dân-chủ so với các lý-thuyết thần-quyền, đã có một sự tiến-bộ rất lớn ở chỗ nó biết tôn-trọng con người và đặt con người vào địa-vị mà con người xứng đáng được hưởng: địa-vị trung-tâm của mọi tác-động chánh-trị.
Tuy vậy, lý-thuyết dân-chủ vẫn dựa vào những nguyên-tắc không thể chứng-nhận bằng khoa-học hay bằng kinh-nghiệm, mà nhiều khi lại còn mâu-thuẫn cùng nhau. Nó chỉ xuất hiện để đối-phó với một tình-thế đặc-biệt ở xã-hội Âu-châu về thế-kỷ thứ 17 và 18, và thắng-lợi được nhờ sự hủ-bại của chế-độ cũ hơn là nhờ sự đúng đắn của nó. Vì những nhược-điểm của nó, chủ-nghĩa dân-chủ đưa đến những kết-quả hoàn-toàn trái với ý-định nó. Nó muốn lập một chánh-thể đại-diện cho ý muốn chung của dân-chúng mà lại đi đến một chánh-phủ đảng-trị bấp-bênh vì những cuộc cạnh-tranh bè phái. Nó muốn lập một xã-hội công-dân tự-do mà lại đi đến sự giúp vào công việc tạo-lập một chế-độ tư-bản trong ấy sự hiếp-chế bần-dân cũng cay nghiệt chẳng kém gì trong chế-độ cũ.
Để cứu-vãn tình-trạng khốn-đốn do chế-độ tư-bản gây nên, một nhóm người chủ-trương hủy bỏ quyền tư-hữu mà chế-độ dân-chủ trịnh-trọng nhìn nhận là một quyền thiêng liêng bất khả xâm-phạm của con người. Đó là nhóm theo chủ-nghĩa xã-hội, một chủ-nghĩa hiện đang được nhiều người nói đến và rất mực tôn-sùng.
Mục Lục
Xem tiếp Chương III, Phần Thứ Nhứt
|