Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn

Mục Lục

Trở về Chương II, Phần Thứ Nhứt

PHẦN THỨ NHỨT

LƯỢC-KHẢO VỀ NHỮNG LÝ-THUYẾT CHÁNH-TRỊ ĐÃ LƯU-HÀNH TRÊN THẾ-GIỚI TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY

CHƯƠNG III

LÝ-THUYẾT XÃ-HỘI

I- XÃ-HỘI TƯ-BẢN VÀ NHỮNG LÝ-THUYẾT XÃ-HỘI DUY-TÂM

A.- NHỮNG Ý-TƯỞNG XÃ-HỘI THỜI CỔ

Lý-tưởng xã-hội thật ra không phải là một ý-tưởng mới mẻ. Nó có một nguồn gốc sâu xa trong cuộc tranh-đấu vĩnh-cửu giữa người giàu và người nghèo, giữa người có của và người vô-sản. Có lẽ nó đã phát-sanh từ đời thái-cổ, từ lúc trong xã-hội có một người đói khát – dầu vì cớ gì mà đói khát cũng mặc – ở gần bên một người no ấm – dầu nhờ đâu mà no ấm cũng mặc.

Một mặt, nó là kết-quả sự ganh tị của những người kém thế đối với những kẻ may mắn hơn, sự ganh tị này không đưa người đến chỗ cố gắng để bằng kẻ khác mà lại xúi giục người chiếm đoạt để hưởng tài-sản kẻ khác. Một mặt nữa, nó là sản-phẩm của những người bác-ái, thấy loài người khốn-khổ nên động lòng thương xót, tìm cách xây dựng cho thế-giới một chế-độ trong đó loài người thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.

Hầu hết những nhà hiền-triết và những nhà tôn-giáo thời xưa, hễ có bàn đến vấn-đề chánh-trị thì đều có nhắc đến việc nâng cao đời sống bần-dân. Những ý-tưởng xã-hội thời cổ thật ra đã cùng xuất-hiện với những tư-tưởng dân-chủ và những người gieo rắc những tư-tưởng dân-chủ đầu tiên, từ những giáo-chủ thời thượng-cổ đến các lý-thuyết-gia dân-chủ của thế-kỷ thứ 17 và 18, đều đồng-thời gieo rắc những tư-tưởng xã-hội.

B.- NHỮNG LÝ-THUYẾT XÃ-HỘI DUY-TÂM.

1. SỰ PHÁT-SANH NHỮNG LÝ-THUYẾT XÃ-HỘI

Tuy vậy, suốt thời cổ, qua thế-kỷ 17 và ngay đến thời-kỳ cuộc cách-mạng Pháp bùng nổ, làm đảo lộn cả trật-tự các quốc-gia Âu-châu, ta chưa thấy có một lý-thuyết nào chặt chẽ đủ sức hướng-dẫn cuộc tranh-đấu của người nghèo chống lại người giàu, và hợp-lý-hóa yêu-sách bình-đẳng kinh-tế mà số đông người nêu ra vì quyền-lợi hay vì lý-tưởng.

Dưới thời cách-mạng Pháp, một môn-đồ của Robespierre là Gracchus Babeuf đứng ra lập « Nhóm đồng-mưu bình-đẳng » năm 1796 và đưa ra ý-tưởng tổ-chức chế-độ độc-tài của giai-cấp bần-dân. Nhưng nói cho thật đúng, ông ta cũng chỉ tiêu-biểu cho phần cấp-tiến nhứt của cuộc cách-mạng chớ chưa phải là một lý-thuyết-gia xã-hội.

Lý-thuyết xã-hội với ý-nghĩa hiện-thời của nó chỉ phát-sanh vào thế-kỷ 19, với những biến đổi to tát mà sự phát-triển nền đại-kỹ-nghệ mang đến cho các nước Âu Mỹ về mặt kinh-tế và xã-hội.

Lúc bấy giờ, một giai-cấp vô-sản thành hình, gồm một số đông người sống nheo nhóc bên lề xã-hội. Những điều-kiện sanh-hoạt của giai-cấp vô-sản ấy lắm khi đen tối quá, khiến cho nhiều nhà từ-thiện, nhiều nhà kinh-tế, nhiều nhà tư-tưởng phải xúc-động và nhơn-danh đạo công-bằng hay lòng từ-bi mà đứng lên phản-đối.

Kết-quả dĩ-nhiên của sự phản-đối này là xã-hội tư-bản do chủ-nghĩa dân-chủ tư-sản dựng lên bị kết án. Những nền tảng của chủ-trương tự-do kinh-tế : quyền tư-hữu, sự tự-do cạnh-tranh phủ-nhận mọi can-thiệp của quốc-gia, bắt đầu bị công-kích. Ngay đến sự tự-do chánh-trị cũng không thoát khỏi sự chỉ-trích của những người binh-vực giai-cấp vô-sản. Những người này cho rằng sự tự-do bình-đẳng mà xã-hội dân-chủ tư-sản công-nhận chỉ là một sự tự-do bình-đẳng « hình-thức » không giúp được kẻ yếu chống người mạnh. Nó cần phải được chuyển từ lãnh-vực chánh-trị thuần-túy qua lãnh-vực xã-hội để có hiệu-lực hơn.

2.) NHỮNG LÝ-THUYẾT-GIA XÃ-HỘI DUY-TÂM.

Trong số những người nêu ra những lý-thuyết xã-hội chủ-trương đánh đổ chế-độ dân-chủ tư-sản trước năm 1848, nổi danh nhứt là Saint Simon, Louis Blanc, Owen, Fourier và Proudhon. Ta có thể phân họ ra làm hai nhóm, một nhóm chủ-trương dựa vào quốc-gia, một nhóm chủ-trương hoạt-động ngoài quốc-gia.

a) NHÓM CHỦ-TRƯƠNG DỰA VÀO QUỐC-GIA.
1° SAINT SIMON (1760-1825) VÀ CÁC MÔN-ĐỒ ÔNG.

Saint Simon là một nhà đại-quí-tộc Pháp, tự xưng là hậu-duệ của hoàng-đế Charlemagne, nhưng lại sống một cuộc đời trôi nổi rất bấp bênh. Tuy vậy, ông có rất nhiều sáng-kiến và nhiều ý-tưởng cấp-tiến so với thời-đại ông. Chính ông là người đầu tiên nêu ra ý-tưởng làm nền tảng cho thuyết thực-nghiệm, một lý-thuyết về sau được một cựu bí-thơ của ông là Auguste Comte chánh-thức trình bày.

Về phương-diện kinh-tế, Saint Simon là người rất thán-phục nền kỹ-nghệ đang nảy nở. Trước sự thắng-thế của cơ-giới, ông không lo ngại như những học-giả đồng-thời, mà lại còn tỏ vẻ hoan-hỉ vô-cùng.

Ông cho rằng với thế-kỷ thứ 19, nhơn-loại thấy xuất-hiện một kỷ-nguyên mới, bắt buộc xã-hội phải có một tổ-chức mới. Tổ-chức đó như thế nào, Saint Simon không nói rõ ; ông chỉ cho biết rằng nó phải dựa vào khoa-học và trao tất cả quyền-chánh cho một lớp người ưu-tú gồm những nhà bác-học và những nhà kỹ-nghệ.

Như thế, Saint Simon muốn đem kinh-tế thay chánh-trị và lập một quốc-gia dựa vào kinh-tế thế cho quốc-gia hiện-hữu dựa vào chánh-trị. Để bảo-đảm địa-vị ưu-thắng của những nhà bác-học và kỹ-nghệ, Saint Simon thảo ra nhiều dự-án phỏng theo tổ-chức Giáo-hội La-mã, và dự-định việc bổ-nhiệm một Giáo-hoàng kỹ-nghệ, có một Hội-đồng gồm những nhà phát-minh và những kỹ-nghệ-gia phụ giúp.

Về mặt xã-hội, Saint Simon được xem là nhà thủy-tổ của lý-thuyết xã-hội hiểu theo nghĩa kim-thời. Ông chủ-trương rằng « tất cả mọi chế-độ xã-hội đều phải có mục-đích cải-thiện đời sống vật-chất của hạng người đông đảo nhứt và nghèo khổ nhứt ».

Sau khi Saint Simon chết, các môn-đồ ông tiếp-tục truyền-bá ý-kiến của ông và nhấn mạnh về phần chủ-trương xã-hội của tư-tưởng ông. Hai người danh tiếng nhứt trong đám môn-đồ này là Enfantin và Bazard đã cùng hợp-tác nhau viết ra quyển « Trần-thuyết về chủ-nghĩa Saint Simon ».

Trong sách này, thật ra Enfantin và Bazard đã thêm rất nhiều ý-kiến riêng. Họ nêu trở lại vấn-đề cải-tổ xã-hội, nhưng để chứng tỏ rằng sự cải-tổ này rất cần-thiết, họ đã đi xa hơn thầy mình và đứng ra chỉ-trích quyền tư-hữu.

Sự chỉ-trích quyền tư-hữu của môn-đồ Saint Simon gồm về hai điểm sau đây :

1). Về phương-diện phân-phối, quyền tư-hữu đưa người đến việc người bóc lột người ; nó cho phép người nắm dụng-cụ sản-xuất trong tay bắt buộc người muốn dùng những dụng-cụ ấy phải nộp cho mình một số tiền. Như vậy, nó cho phép một số người ngang-nhiên thâu-đoạt một phần công-lao của người làm việc.

2). Về phương-diện sản-xuất, quyền tư-hữu đưa đến sự hỗn-loạn. Vì chế-độ thừa-kế, những dụng-cụ sản-xuất không phải thuộc về những kẻ có năng-lực nhứt mà lại thuộc về một số người do huyết-thống chọn lựa một cách ngẫu-nhiên. Một mặt khác, quyền tư-hữu cho phép những người nắm dụng-cụ sản-xuất trong tay tự ý sản-xuất những món họ thích và theo số lượng họ muốn. Do đó mà có nạn khủng-hoảng, khiến cho trong các ngành sản-xuất, ngành thì thiếu nát, ngành lại dư ra nhiều quá.

Để chấm dứt sự bất-công và sự phung-phí vô-ích, Enfantin và Bazard cho rằng phải nhờ đến quốc-gia. Quốc-gia sẽ là thừa-kế duy-nhứt ; nhờ đó, nó sẽ lần lần tập-trung tất cả mọi dụng-cụ sản-xuất lại. Nhưng nó phải phân-phát các dụng-cụ ấy cách nào cho hợp với quyền-lợi xã-hội.

Đối với môn-đồ Saint Simon, quốc-gia là một ngân-hàng trung-ương nắm giữ mọi tư-bản của xã-hội, có chi nhánh ở khắp nơi, chọn lựa những người có năng-lực để khai-thác các tài-nguyên và ban thưởng họ theo công-trình họ.

Tất cả tổ-chức của môn-đồ Saint Simon dựa vào hai định-luật. Về phương-diện sản-xuất, mỗi người nhận lãnh một phần dụng-cụ sản-xuất cân-phân với khả-năng mình. Về phương-diện phân-phối, khả-năng phải được đánh giá theo công-trình : mỗi người nhận lãnh một phần sản-xuất nhiều ít khác nhau tùy theo công việc họ làm chớ không phải tùy theo nhu-cầu họ.

Nhưng ai sẽ đứng ra để phán-đoán về khả-năng của mỗi người và quyết-định trả công cho họ ? Môn-đồ Saint Simon trả lời rằng đó là những người đặc-biệt, có tinh-thần phục-vụ xã-hội, phụng-sự quyền-lợi chung. Tuy-nhiên, họ không cho biết ta phải làm sao để nhận ra những con người quí báu đó và để bắt buộc mọi người nghe theo những quyết-định của những người ấy. Họ chỉ bảo rằng cần phải tạo ra một mối đạo mới khuyến-cáo con người vui lòng tuân lịnh trên.

2° LOUIS BLANC (1811-1882)

Louis Blanc là một nhà viết báo Pháp đã đóng một vai tuồng trong đời sống chánh-tri nước mình. Năm 1839, ông đăng trong « tạp chí Tiến-Bộ » một bài báo nhan-đề là « Sự tổ-chức làm việc ». Bài báo này được in thành sách năm 1841 và rất được hoan-nghinh.

Trong « Sự tổ-chức làm việc », Louis Blanc bảo rằng sự tư-do cạnh-tranh tiêu-diệt dân-chúng và làm cho giai-cấp trưởng-giả phá-sản. Ông cũng cho rằng sự tư-do chánh-trị trừu-tượng của cuộc cách-mạng 1789 chỉ là một ảo-ảnh, vì không có phương-tiện để thực-hiện sự tự-do thì có quyền tự-do cũng như không có mà thôi. Đối với một người bịnh không được ai điều-trị cho thì cái quyền được điều-trị còn có ích-lợi gì ?

Để cải-thiện xã-hội, Louis Blanc đề-nghị lập ra những quốc-xưởng qui-tập những thợ thuyền cùng nghề. Quốc-xưởng khác với xưởng thường ở chỗ thợ thuyền làm chủ các dụng-cụ sản-xuất và tự-do bán những món mình sản-xuất được, lời thì nhờ, lỗ thì chịu.

Thợ thuyền tự-nhiên không thể có đủ số vốn cần-thiết để lập quốc-xưởng. Bởi đó, Louis Blanc chủ-trương nhờ quốc-gia xuất vốn ra cho quốc-xưởng rồi qui-định sự tổ-chức các quốc-xưởng ấy và điều-hòa sự sản-xuất. Như vậy, theo Louis Blanc, quốc-gia phải đóng vai tuồng nhà ngân-hàng cung-cấp dụng-cụ làm việc cho bần-dân. Nó phải có đủ những phương-tiện cần-thiết để thay thế chánh-phủ hỗn-tạp đương-hữu bằng một chánh-phủ khoa-học.

Sự cạnh-tranh của các quốc-xưởng sẽ lần lần tiêu-diệt nền kỹ-nghệ tư-nhơn. Tới chừng đó, sự sản-xuất kỹ-nghệ của cả xã-hội sẽ được một oai-quyền duy-nhứt hướng-dẫn, thành ra nạn khủng-hoảng không còn nữa.

b) NHÓM CHỦ-TRƯƠNG HOẠT-ĐỘNG NGOÀI QUỐC-GIA
1° OWEN (1771-1858)

Owen là một người Anh trước làm công-nhơn nhưng sau trở thành một đại kỹ-nghệ-gia. Trái với những nhà tư-bản đồng-thời, ông rất chú ý đến số-phận đám thợ thuyền nghèo khổ.

Nhận thấy cái hại của những cuộc khủng-hoảng kinh-tế do cơ-giới gây ra, ông nhiệt-liệt chỉ-trích chế-độ tư-bản. Ông cho rằng chế-độ tư-bản với hai trụ cốt của nó là trục-lợi và sự tự-do cạnh-tranh không phù-hợp với trật-tự thiên-nhiên cho nên cần phải được thay thế. Và theo ông, chính thợ thuyền phải tự mình hoạt-động để cải-thiện đời sống của mình.

Đối với Owen, vấn-đề cốt-yếu là hủy-diệt sự trục-lợi – các sản-phẩm phải bán theo một giá chỉ gồm có lương những người thợ đã tham-dự vào việc chế-tạo nó. Sự trục-lợi dính dáng mật-thiết với tiền bạc, vì chính việc người ta dùng tiền bạc để mua bán sản-phẩm làm cho thợ thuyền không thấy rõ sự bóc lột của hạng con buôn đem bán mọi vật với một giá cao hơn giá họ mua. Vậy, muốn hủy-diệt sự trục-lợi, cần phải bỏ hẳn tiền bạc. Kết-luận này đưa Owen đến chủ-trương thợ thuyền hợp-tác nhau để sản-xuất.

Năm 1832, Owen tổ-chức ở Luân-đôn một « Kho mậu-dịch » qui-tập đến 800 hội-viên. Mỗi hội-viên có thể mang sản-phẩm mình chế-tạo đến kho đổi lấy một số « phiếu lao-công » bằng số giờ mình dùng để chế-tạo sản-phẩm ; số giờ này do chính hội-viên cho biết. Những sản-phẩm mang đến được giữ trong kho với một bản nhỏ ghi số giờ chế-tạo cần-thiết. Hội-viên muốn mua sản-phẩm chỉ cần nộp vào kho một số « phiếu lao-công » bằng số giờ ghi trên bảng.

Lúc ban đầu, số hội-viên có ít và gồm những người lương-thiện, muốn cho cuộc thí-nghiệm thành-công. Nhờ đó « Kho mậu-dịch » đứng vững được một thời-gian. Nhưng về sau, nhiều hội-viên gia nhập mà không có được tinh-thần cần-thiết. Họ khai những số giờ làm việc cao hơn số giờ thật-sự họ mất để chế-tạo sản-phẩm, thành ra, cuối cùng, kho phải cử một kiểm-soát-viên để định số giờ chế-tạo ghi cho mỗi sản-phẩm. Các hội-viên bèn quay ra thế khác : họ chỉ mang đến kho những món họ không bán được ở ngoài và đến kho lấy hết những món hàng họ không mua được ở ngoài. Và sau cùng, « Kho mậu-dịch » đầy dẫy những món hàng không bán được, thành ra phải tự đóng cửa.

2° FOURIER (1772-1837)

Fourier là một người Pháp giúp việc cho một hãng buôn. Trái với Saint Simon và Louis Blanc còn nhận vai tuồng quan-trọng của quốc-gia trong đời sống kinh-tế và xã-hội, ông cho rằng nhơn-loại có thể mưu-đồ hạnh-phúc mình bằng cách hợp-tác nhau ngoài quốc-gia. Và đi xa hơn Owen, ông chủ-trương một « sự hợp-tác hoàn-toàn ».

Theo Fourier, trong xã-hội hiện-tại, người phải làm việc vì nhiệm-vụ cho nên tự thấy khốn-khổ. Bởi đó, họ cố ý làm việc ít chừng nào hay chừng ấy. Kết-quả là sự sản-xuất kém đi, và sự phân-phối đưa đến những cuộc xung-đột xô-xát. Vậy, muốn đi đến một xã-hội tốt đẹp hơn, ta phải làm sao cho sự làm việc trở thành một thú vui. Được như thế, người sẽ hăng hái làm việc, sự sản-xuất sẽ tăng-gia, và sự phân-phối sẽ dễ dàng vì mỗi người đều có thể nhận đủ những món mình cần dùng.

Để cho sự làm việc trở thành một thú vui, Fourier đề-nghị thành-lập những công-xã (phalanstère), mỗi cái qui-tập 1620 người, 810 người đàn ông và 810 người đàn bà. Các công-xã phải cố tự-túc : nó phải cung-cấp cho nhơn-viên nó đủ mọi vật họ cần dùng.

Sự sản-xuất vật-phẩm giao về cho nhơn-viên công-xã họp lại thành đoàn, thành đội, thành nhóm, mỗi tổ-chức lãnh một nhiệm-vụ khác nhau. Mỗi người có thể tự chọn lấy đội mình thích và nếu cần thì có thể bỏ đội này sang đội khác. Họ cũng tự chọn lấy nhiệm-vụ và có thể đổi nhiệm-vụ ấy tùy thích, nên không ngán làm việc, và hăng làm việc như là để tiêu-khiển vậy.

Fourier cho rằng sở-thích và khả-năng của loài người khác nhau vô-cùng cho nên mọi công việc đều sẽ có người nhận lãnh. Công-xã sẽ trả cho mỗi người một số lương cân-phân với vốn liếng, sức cần-lao và tài-năng họ, và họ sẽ dùng lương đó mà mua mọi thứ họ cần dùng.

Sự tổ-chức các tiểu-tổ kinh-tế theo lối này giúp người bỏ hẳn quốc-gia. Trong hệ-thống tổ-chức của Fourier, chánh-quyền không còn nữa. Các « đoàn » người chỉ biết có những cá-nhơn do cảm-tình cột buộc vào nhau. Bên trên, chỉ có một cơ-quan quản-lý kinh-tế gồm những người cầm đầu các đoàn. Cơ-quan này không có quyền cưỡng-chế, nhiệm-vụ nó là trình bày ý-kiến mà thôi. Vậy, theo Fourier, tinh-thần hợp-tác tạo ra một lòng tận-tâm vô-hạn đối với quyền-lợi chung của đoàn-thể và có đủ sức mạnh để thay thế chánh-quyền.

3° PROUDHON (1811-1882)

Trong những lý-thuyết-gia xã-hội trước năm 1848, Proudhon, một ấn-công nhờ tự-học mà trở thành một học-giả nổi danh, là người có nhiều ý-kiến hơn cả. Ông đã chỉ-trích một cách nhiệt-liệt chế-độ tư-bản, nhưng cũng không chừa những chủ-trương tập-sản xuất-hiện thời ông.

Trước hết, ông thẳng tay đả-kích quyền tư-hữu. Trong sự đả-kích này, ông nêu ra ý-niệm về lực-lượng công-cộng và chứng-minh nó bằng thí-dụ sau đây. Hai trăm cận-vệ-binh đã cùng nhau họp lại dựng một cây tiêm-bi Ai-cập lên giữa công-trường Concorde trong mấy tiếng đồng-hồ, nhưng môt anh cận-vệ-binh không thể nào dựng nổi cây tiêm-bi ấy trong một thời-hạn hai trăm lần dài hơn. Vậy, sự hoạt-động chung giữa nhiều người tạo ra một công-trình lớn hơn tổng-số công-trình mỗi người. Trong trường-hợp đó, xã-hội tự-nhiên có đóng góp một phần công-trình vào việc sản-xuất vật-phẩm.

Quyền tư-hữu cho phép người có dụng-cụ sản-xuất thâu-đoạt những mối lợi do sự làm việc chung mà có người chủ chỉ trả cho mỗi công-nhơn giá tiền của sức lao-động cá-nhơn, mà lại được hưởng tất cả công-trình do lực-lượng công-cộng tạo ra được. Vậy, chế-độ tư-bản không cho phép người thợ mua lại hết sản-phẩm do sức làm việc của mình chế-tạo ra. Một mặt khác, những người nắm lấy dụng-cụ sản-xuất trong tay lại còn buộc những thợ thuyền cần-dùng dụng-cụ ấy phải trả cho mình một số tiền rồi mới cho họ dùng nó. Như thế, quyền tư-hữu không chi khác hơn là một phưong-tiện để cướp bóc thợ-thuyền.

Nhưng nếu không có quyền tư-hữu,quốc-gia sẽ sử-dụng kết-quả những công-việc làm của người khác một cách độc-đoán. Như vậy, quyền tư-hữu cũng là bảo-đảm cho sự tự-do của người. Chế-độ tập-sản đối với Proudhon cũng là một hiểm họa không kém chế-độ tư-bản.

Chống chế-độ tư-bản,nhưng cũng chống chế-độ tập-sản, Proudhon chủ-trương duy-trì quyền tư-hữu,nhưng hạn-chế nó về quyền chiếm-hữu. Quyền này chỉ cho phép mỗi người có một phần tài-sản vừa đủ cho mình tự khai-thác lấy mà thôi.

Một khi quyền tư-hữu đã hạn-chế lại thành quyền chiếm-hữu, các giai-cấp sẽ tự tiêu-diệt hết. Trong xã-hội, sẽ không còn người mạnh kẻ yếu, người bóc lột, kẻ bị bóc lột. Toàn-thể nhơn-dân sẽ bình-đẳng nhau và sẽ được tự-do hoàn-toàn. Những con người bình-đẳng và tự-do này sẽ đồng-thời tìm lại được tánh tốt nguyên-thủy của mình. Công-lý tự-nhiên xuất-hiện trong xã- hội và chánh-phủ sẽ trở thành vô-ích.

Proudhon cũng như những người chủ-trương vô-chánh-phủ sau ông, không nghi ngờ chút nào về chỗ người có thể sử-dụng một cách sai-lầm sự tự-do họ thâu-hoạch được. Ông không bao giờ nghĩ đến giả-thuyết một số người có thể tìm cách ngự-trị lên kẻ khác hay bóc lột kẻ khác. Vậy, cũng như Rousseau, ông hoàn-toàn tin cậy nơi tánh tốt bẩm-sanh của người.

3. LUẬN CHUNG VỀ CÁC LÝ-THUYẾT-GIA XÃ-HỘI DUY-TÂM.

Tất cả những lý-thuyết-gia xã-hội kể trên này, từ Saint Simon đến Proudhon đều giàu lòng từ-ái và hết sức bất-bình xã-hội tư-bản vì nó bóc lột bần-dân thái-quá. Nhưng nếu sự chỉ-trích chế-độ kinh-tế tự-do của họ rất đúng, những chủ-trương họ nêu ra để thay thế vào nguyên-tắc tổ-chức xã-hội cũ không có tánh-cách thực-tiễn. Bởi đó, họ không thể thành-công được trong lý-tưởng cải-tạo xã-hội của họ, và sau này, họ bị các môn-đồ của chủ-nghĩa duy-vật gọi là những lý-thuyết-gia xã-hội không-tưởng.

Chúng ta không thể chối được tánh-cách không-tưởng của ý-kiến họ. Tuy thế, ta cũng phải nhìn nhận rằng dầu sao, họ cũng có công trong việc đề-xướng phong-trào bài-xích sự bóc lột công-nhơn và cải-lương đời sống của bần-dân. Do đó,ta có thể gọi họ là những lý-thuyết-gia xã-hội duy-tâm để đối chọi lại những lý-thuyết-gia xã-hội duy-vật đã gây được một ảnh-hưởng rất lớn trong giới thợ thuyền và làm đảo lộn xã-hội hiện-thời.

II. LÝ-THUYẾT XÃ-HỘI DUY-VẬT

A.- NHỮNG LÝ-THUYẾT-GIA DUY-VẬT : KARL MARX VÀ ENGELS

Thủy-tổ của lý-thuyết xã-hội duy-vật là hai nhà học-giả Karl Marx và Engels.

Karl Marx sanh năm 1818 tại Trèves,một châu-thành ở nước Đức. Ông là con một trạng-sư Do-Thái, chuyên học về lịch-sử, luật và triết-lý. Vì có những ý-tưởng cấp-tiến không hợp với chánh-phủ đương thời, ông không đi dạy học được và quay về nghề viết báo. Sau đó, ông bị đàn-áp,phải bỏ nước Đức qua ở nước Pháp vào năm 1843.Năm 1845, ông bị chánh-phủ Pháp trục-xuất và trốn sang Bruxelles, kinh-đô nước Bỉ.

Engels thuộc một gia-đình kỹ-nghệ-gia ở Đức. Ông sanh năm 1820 tại Barmen. Lúc thiếu-niên, ông được thân-phụ gởi sang Anh để tập cho quen việc làm ăn. Sự tiếp-xúc với nền đại-kỹ-nghệ Anh đưa ông đến ý-tưởng xã-hội. Ông được biết Marx ở Paris và sau đó, theo Marx đến Bruxelles để cộng-tác với Marx.

Trong khoảng những năm 1845-1847 Karl Marx và Engels nêu ra thuyết duy-vật biện-chứng và duy-vật sử-quan. Nhưng cứ theo lời Engels thì ông chỉ đóng một vai uồng phụ thuộc, vì tất cả công sáng-tác đều là của Marx. Từ đó trở đi,hai ông cùng đánh đổ những lý-thuyết xã-hội duy-tâm để đem lý-tưởng mình phổ biến trong đám thợ thuyền. Marx chết năm 1883, còn Engels đến năm 1895 mới mất.

Trong những tác-phẩm quan-trọng của Marx và Engels, ta có thể kể : « Bản Tuyên-ngôn Cộng-sản » và « Tư-bản luận ». Tất cả những tư-tưởng chánh-yếu của họ đều chứa đựng trong những tác-phẩm này, và về sau mới được các môn-đồ tiếp-tục mở mang thêm ra mãi.

B.-NHỮNG NGUYÊN-TẮC CĂN-BẢN CỦA LÝ-THUYẾT XÃ -HỘI DUY-VẬT

Lý-thuyết xã-hội duy-vật của Karl Marx và Engels gồm một loạt những lý-thuyết sau đây mà những người cộng-sản cho là hoàn-toàn có tánh-cách khoa-học.

1.THUYẾT DUY-VẬT BIỆN-CHỨNG VÀ DUY-VẬT SỬ-QUAN
a)THUYẾT DUY-VẬT

Từ mấy ngàn năm nay, người ta đã suy-luận rất nhiều về vấn-đề nguồn-gốc của nhơn-loại và đã tranh cãi nhau một cách hết sức sôi nổi. Những hệ-thống tư-tưởng được dựng lên để giải-quyết nó thật rất nhiều. Nhưng tựu-trung, ta có thể phân-biệt những tư-tuởng đó ra làm hai dòng chánh :duy-tâm và duy-vật.

1° NHỬNG CHỦ-TRƯƠNG DUY-TÂM.

Một số nhà học-giả cho rằng mọi vật ở đời đều có nguồn gốc và thế-giới cũng như sự sống tất cũng phải có nguồn gốc. Theo những học-giả này, vật-chất hữu-hình sở-dĩ có được và tác-động theo những định-luật bất-di bất-dịch là vì có một quyền-năng vô-hạn tạo-lập nó ra.

Quyền-năng này chính là Thượng-Đế.Thượng-Đế đã dựng nên võ-trụ và ban sự sống cho muôn loài. Con người có thể không hiểu rõ Thượng-Đế, nhưng không thể phủ-nhận được oai-quyền Thương-Đế.

Đối với một số đông người,Thượng-Đế là một nhơn-vật có hình-thể giống như người, lắm khi lại có những nhu-cầu, xúc-cảm ,tánh-tình như người nữa. Nhưng đối với một số triết-gia, Thượng-Đế có tánh-cách trừu-tượng hơn. Đó là một nguyên-lý linh thiêng, ở đâu cũng có và lúc nào cũng có, nhưng không có hình-thể và tánh-chất như một nhân-vật hữu-hình.

Quan-niệm duy-tâm là quan-niệm của hầu hết các triết-gia Âu-châu vào đầu thế-kỷ 19. Trong thời-kỳ này, nước Đức được xem là nước sản-xuất những tư-tưởng triết-học cao-kỳ nhứt. Những triết-gia Đức lúc ấy phần lớn tin-tưởng nơi Thượng-Đế, với tư-cách là một nguyên-lý cường-kiện chi-phối võ-trụ và vạn-vật. Một trong những người nổi danh hơn hết trong số triết-gia này là Hegel.

Theo quan-niệm Hegel, Thượng-Đế là Tinh-thần hay Ý-tưởng tuyệt-đối, tức là một ý-tưởng tự nó vốn có chớ không phải ở trong một trí óc nào.Cái Ý-tưởng tuyệt-đối này tự nó hoàn-toàn bất-định và chỉ có thể định được bằng cách xuất-hiện ra thiên-nhiên.Từ một nguyên-lý vô-hình không nhận-thức được, nó trở thành một vật khả-định nhờ nơi thế-giới.

Sự tiến-hóa của thế-giới đưa đến con người và tư-tưởng của người. Nhờ tư-tưởng này, Ý-tưởng tuyệt-đối lần lần có ý-thức về mình, ban đầu dưới hình-thức của tinh-thần chủ-quan hay cá-nhơn, rồi dưới hình-thức của tinh-thần khách-quan hay tập-thể. Tinh-thần khách-quan này tạo ra trong gia-đình,trong các xã-hội, trong quốc-gia,những mối cương-thường đạo-lý và bao giờ cũng hướng đến cái tuyệt-đối.Vậy, những tinh-thần cá-nhơn lần lần đi đến chỗ hợp-nhứt trở về cái Tinh-thần hay Ý-tưởng tuyệt-đối đã tự phân-tán trong thiên-nhiên để có một ý-thức về mình.

Như thế ,tất cả cái thật-tại đều có tánh-cách tư-tưởng. Tinh-thần hay Ý-tưởng tuyệt-đối là nền tảng, là linh-hồn của mọi việc.Vật-chất hữu-hình chỉ là một trạng-thái của Tinh-thần hay của Ý-tưởng tuyệt-đối mà thôi.

Về vấn-đề giá-trị của lý-trí con người, Hegel cho rằng muốn trở thành hữu-ích, tư-tưởng con người cần phải hòa-hợp vào thế-giới bên ngoài. Muốn tự hiểu lấy mình và tự nhận ra mình, người không thể đứng tách ra một mình để lý-luận trong trừu-tượng, mà phải tiếp-xúc với người và vật chung quanh.

Do đó, Hegel chỉ-trích những học-giả duy-tâm khép mình vào tháp ngà ; ông cho rằng sự suy-luận thuần-túy của những học-giả ấy hoàn-toàn vô-ích.Tuy-nhiên,cũng như những học-giả duy-tâm khác, Hegel vẫn còn theo chủ-trương siêu-việt, một chủ-trương cho rằng trong con người có một yếu-tố đặc-biệt không phải do thế-giới vật-chất mà ra.Yếu-tố này cao hơn thế-giới vật-chất và có thể dùng để phán-đoán thế-giới vật-chất được.Nhờ yếu-tố đặc-biệt đó, người có một nguyên-lý hoạt-động của riêng mình và có thể dựa vào nguyên-lý ấy mà cải-tạo thế-giới bên ngoài.

2° CHỦ-TRƯƠNG DUY-VẬT

Những môn-đồ cánh hữu của Hegel đã dựa vào lý-luận trên đây mà xây-dựng nên những lý-thuyết chánh-trị bảo-thủ theo tinh-thần Thiên-chúa-giáo. Môn-đồ cánh tả của Hegel trong đó có Fuerbach và Karl Marx nhiệt-liệt phản-ứng lại chủ-trương duy-tâm của thầy và nêu ra chủ-trương duy-vật.

Theo phái duy-vật này, trên đời chỉ có cái thế-giới hữu-hình, tức là những vật-chất ta có thể trông thấy, sờ mó được, là thật-tại.Vật-chất vốn vô-thủy vô-chung, bởi lẽ « với hư vô,người ta không thể tạo- lập cái gì thật-tại cả ».

Nói một cách khác, đối với Fueurbach và Karl Marx,vật-chất tự nó đã có bao giờ và sẽ tồn-tại mãi mãi, dầu có tan vỡ cũng vậy.Chất của một vậ bị đốt cháy hoàn-toàn xuất-hiện lại dưới những hình-thức khác như hơi, tro, than, khói mà trọng-lượng chung cũng bằng trọng-lượng của vật bị đốt.

Như vậy, việc sáng-thế là việc không thể có được. Nếu cho rằng mọi việc đều có nguồn gốc và võ-trụ do Thượng-Đế tạo ra, thì ta lại phải đặt vấn-đề tìm nguồn gốc của Thương-Đế, vì Thượng-Đế tất cũng không thể từ chỗ hư-vô mà phát-hiện ra được.

Đã không nhìn nhận có Thương-Đế và chỉ lấy vật-chất làm thật-tại,những học-giả duy-vật trên này tự-nhiên phải đặt nguồn gốc nhơn-loại trong vật-chất.Theo họ, tất cả những biểu-thị của sự sống đều là những hiện-tượng lý-hóa vì tánh-cách của vật -chất mà có. Những sanh-chất hữu-cơ cấu-tạo nên con người do nơi những tử-chất vô-cơ mà ra và sự biến-đổi tử-chất thành sanh-chất đã phát-hiện một cách tự-nhiên theo các định-luật lý-hóa,không có sự can-thiệp của một quyền-oai siêu-hình nào cả.

Về những biểu-thị cao nhứt của người là tư-tưởng, tinh-thần, nó cũng là sản-phẩm của một cơ-quan vật-chất : bộ óc của người. Những nhân-vật siêu-tuyệt do trí tưởng-tượng của các nhà tôn-giáo tạo ra thật sự chỉ là những phản-ảnh huyền-hoặc của chính bản-thân họ. Theo Marx, « vật-chất không phải là sản-phẩm của tinh-thần ; trái lại,tinh-thần là sản-phẩm cao-cấp của vật-chất »

Như thế,Marx theo chủ-trương nội-tại, một chủ-trương cho rằng trong con người không có yếu-tố gì ngoài thế-giới vật-chất cả. Đối với chủ-trương ấy, người không thể nào vượt ra khỏi thế-giới vật-chất được, và không thể có một tác-động ở ngoài vật-chất và cao hơn vật-chất. Điều này đưa Marx đến ý-tưởng cho rằng trong võ-trụ có một trật-tự thiên-nhiên, ngẫu-phát.

Quan-niệm duy-vật trên này, Karl Marx đem ghép vào biện-chứng-pháp để tạo ra duy-vật biện-chứng-pháp, một học-thuyết đã có ảnh-hưởng rất lớn đến nhơn-loại trong thế-kỷ sau này. Muốn hiểu rõ học-thuyết này, trước hết ta phải xét qua biện-chứng-pháp.

b) BIỆN-CHỨNG-PHÁP
1° ĐỊNH-NGHĨA.

Biện-chứng-pháp nguyên là từ-ngữ của người Nhựt dùng để dịch chữ dialectique của người Âu-châu. Chữ dialectique này bắt nguồn từ một tiếng Hi-lạp gồm có hai nghĩa : một là « ngôn-ngữ » hay « diễn-từ » , hai là « lý-trí ». Cứ theo từ-nguyên thì biện-chứng-pháp vừa là phép diễn-giảng, làm cho người hiểu và chấp-nhận ý mình,vừa là phép tranh-luận để giành phần thắng về mình.

Hiểu theo nghĩa trên đây, biện-chứng-pháp gồm có phép chứng-minh và phép bài-bác. Nhà biện chứng là người biết sắp đặt những tri-thức của mình thành một hệ-thống có mạch-lạc và nhứt là tìm cho những ý-kiến mình một nền tảng hợp-lý. Nhưng trước hết, cái tài của nhà biện-chứng ở chỗ phân-biệt được chỗ phải và chỗ quấy trong chủ-trương người khác, tìm ra nhược-điểm của thuyết họ,và đưa cái luận-cứ vững chắc có thể làm cho họ chịu thua, không cãi được.

Như thế, biện-chứng-pháp cũng gần giống khoa luận-lý. Nói cho thật đúng thì khoa luận-lý là khoa-học về cách tư-tưởng cho hợp-lý, còn biện-chứng-pháp là thuật áp-dụng những qui-tắc của khoa luận-lý trong sự tranh-luận. Nhà luận-lý sánh với nhà biện-chứng cũng như ông luật-sư chuyên nghiên-cứu về luật với ông trạng-sư chuyên dựa vào luật-pháp mà tranh cãi để đem phần thắng về mình.

2° BIỆN-CHỨNG-PHÁP CỔ-THỜI.

Tuy có một cái nghĩa gốc rất hẹp hòi là tranh-biện, biện-chứng-pháp trải qua một lịch-sử mấy ngàn năm đã đổi dời nhiều. Từ đời cổ Hi-lạp cho đến thế-kỷ 19, người ta đã có rất nhiều quan-niệm về biện-chứng-pháp.

Nhưng đại-khái,những nhà biện-chứng cổ-thời đều dựa vào một nguyên-tắc chung trong sự tranh-luận. Đó là nguyên-tắc đồng-nhứt hay là nguyên-tắc không mâu-thuẫn.

Nhà biện-chứng ngày xưa khi tranh-luận chỉ cố chứng tỏ rằng lập-thuyết của người đối-thoại, hoặc trái với những sự-kiện hiển-nhiên, hoặc trái với một thuyết của chính họ.Những mệnh-đề tương-phản nhau vốn không thể đồng-thời chánh-xác được cả, người đối-thoại tất phải bị dồn vào chỗ phải nhận rằng mình sai lầm.

Do đó, theo biện-chứng-pháp cổ-thời, nguyên-tắc không mâu-thuẫn là định-luật tuyệt-đối của mọi vật cũng như của tinh-thần. Một vật không thể vừa có vừa không,và khi người quả-quyết liên-tiếp hai điều chống chọi nhau,một trong hai quả-quyết áy tất nhiên phải bị kể là sai lầm.

3° BIỆN-CHỨNG-PHÁP HEGEL.

Với Hegel, biện-chứng-pháp bước sang con đường mới và không còn dựa vào nguyên-tắc đồng-nhứt như biện-chứng-pháp cổ-thời nữa, mà lại dựa vào chủ-trương mâu-thuẫn. Thật ra thì trước Hegel,cũng đã có nhiều triết-gia công-nhận sự mâu-thuẫn trong vạn-vật rồi.

Thời cổ đã có ông Héraclite chủ-trương rằng mọi vật đều biến-thiên và chứa đầy mâu-thuẫn. Ông này bảo : « Ta vừa có, vừa không có » và đã từng nói : « Người ta không thể nào tắm hai lần ở cùng một con sông ». Ông nhấn mạnh về sự xung-đột giữa các vật mâu-thuẫn nhau trong vạn-vật và cho rằng sự xung-đột này rất cần để đi đến sự điều-hòa.

Sau Héraclite, lại còn nhiều triết-gia chấp-nhận sự mâu-thuẫn trong vật-chất và trong lý-trí người. Tuy thế,những chủ-trương của họ không có một ảnh-hưởng nhiều đến giới tư-tưởng, và chỉ đến Hegel, biện-chứng-pháp mới lấy nguyên-tắc mâu-thuẫn làm gốc cho mình.

Theo Hegel, người ta có thể phân-biệt hai loại lý-trí : một lý-trí trừu-tượng của nhà toán-học chỉ suy-luận về những ý trừu-tượng và do đó mà đứng ngoài thực-tại, hai là lý-trí cụ-thể,lý-trí của nhà vật-lý hay nhà sử-học nghiên-cứu về thực-tại.

Lý-luận của nhà toán-học hoàn-toàn dựa vào nguyên-tắc đồng-nhứt hay nguyên-tắc không mâu-thuẫn : trong hai mệnh đề mâu-thuẫn hay nghịch nhau, tất phải có một cái sai.

Nhưng trong tư-tưởng thật-sự của người và trong các khoa-học nghiên-cứu các vật cụ-thể, ý-tưởng trên này không đúng. Kinh-nghiệm cho ta biết rằng trong sự suy-luận, lý-trí của người không hề theo đúng phép luận-lý. Nó không phải đi từ cái này sang một cái kia giống cái này, mà đi từ cái này đến cái khác. Hơn nữa, nó cần sự tương-phản mới xuất-hiện được. Người chỉ chú-ý đến sự vật khi có cảm-giác rằng nó khác nhau, chống chọi nhau. Trí người cố gắng đồng-hóa tức là qui vật mình mới nhìn thấy về một kiểu mẫu mình đã biết. Sự cố gắng đồng-hóa này hàm-ý rằng những vật người nhận thấy vừa giống nhau – nếu không thì không đồng-hóa đươc – vừa lại không giống nhau – nếu không thì người không cần phải đồng-hóa nữa. Như thế, sự tư-tưởng bao gồm cả sự đồng-nhứt và sự mâu-thuẫn.

Ta đã thấy rằng đối với Hegel, Ý-tưởng tuyệt-đối hiện ra nơi thiên-nhiên. Do đó, trong thiên-nhiên, lịch-trình diễn-tiến của tư-tưởng cũng phát-hiện ra. Người ta có thể nhận thấy trong thiên-nhiên một sự xung-đột hằng-cửu của những lực nghịch nhau ; không có sự xung-đột ấy, thiên-nhiên sẽ ở vào một trạng-thái bất-động gần như là hư-không vậy. Như thế,thực-tại gồm có sự đồng-nhứt và sự mâu-thuẫn, nhưng ta phải xem sự mâu-thuẫn có tánh-cách sâu xa và cốt-yếu hơn.

Với những chủ-trương trên này, Hegel quan-niệm biện-chứng-pháp là sự dung-hòa những cái mâu-thuẫn trong vạn-vật cũng như trong tinh-thần người. Quá-trình biện-chứng của ông gồm ba giai-đoạn : chánh-đề ( hoặc khẳng-định hay lập-thể ), phản-đề ( hoặc phủ-định hay hủy-thể ) và hợp-đề (hoặc phủ-định của phủ-định hoặc hủy-thể của hủy-thể).

Theo quá-trình này,trước hết,người ta nêu ra một chánh-đề ; kế đó,lại đưa ra một phản-đề chống lại chánh-đề ; và sau cùng,tổng-hợp những ý-kiến chánh-xác của chánh-đề và phản-đề để tạo ra hợp-đề. Cái hợp-đề này chỉ có một tánh-cách tạm-thời,vì nó chung-qui chỉ là một chánh-đề sẽ tự gây ra một phản-đề chọi lại nó, và tấn tuồng cứ như thế mà diễn mãi không cùng.

Ý-tưởng tuyệt-đối vốn phát-hiện ra võ-trụ cho nên võ-trụ cũng noi theo diễn-tiến trên này.Nó gồm nhiều lực nghịch nhau, đối chọi nhau rồi ghép lại thành một tổng-hợp cao hơn.

Tất cả hệ-thống triết-lý của Hegel đều dựa vào nguyên-tắc trên này.

c) THUYẾT DUY-VẬT BIỆN-CHỨNG CỦA KARL MARX VÀ ENGELS

Karl Marx vốn là học trò của Hegel. Ông rất phục biện-chứng-pháp của Hegel lấy sự mâu-thuẫn làm nguyên-lý và động-lực của vạn-vật. Nhưng ông không đồng-ý với Hegel về chủ-trương duy-tâm.Vì đó, ông cùng với Engels lấy biện-chứng-pháp Hegel ghép vào chủ-trương duy-vật của mình để tạo ra thuyết duy-vật biện-chứng.

Theo ý Marx và Engels,vật-chất không phải là một thực-tại thụ-động chỉ biến đổi khi chịu sức tác-động của những lực từ ngoài đưa đến. Nó cốt là hoạt-động : không bao giờ và không chỗ nào có được vật-chất không hoạt-động. Vậy vật-chất chỉ có vẻ ổn-định bên ngoài mà thôi,và Hegel rất hữu-lý khi đã nêu ra quan-niệm rằng trong thế-giới có nhiều lực-lượng nghịch nhau,bao gồm nhau rồi đương đầu lại một đối-lực để đi đến một tổng-họp cao hơn.

Biện-chứng-pháp Hegel đã biết lấy sự hoạt-động làm ý-tưởng cốt-yếu của mình.Nhưng vì đặt nền tảng trên chủ-trương duy-tâm,nó không thể đứng được. Theo Hegel, quá-trình biện-chứng của thực-tại chỉ là một cuộc vận-động của ý-tưởng được phát-hiện ra ngoài thế-giới. Nói một cách khác, ông cho rằng sự vật là một phản-ảnh của tư-tưởng người.

Đối với Marx và Engels, trái lại, thế-giới hữu-hình đã có ngoài tinh-thần người,và luật biện-chứng của tư-tưởng chỉ là phản-ảnh của luật biện-chứng trong sự vật. Do sự bất-đồng quan-điểm này, Marx và Engels bảo rằng hệ-thống tư-tưởng của Hegel đã trình bày một cách đầy đủ và ý-thức tất cả sự hoạt-động trong võ-trụ, nhưng lại lộn đầu xuống đất, trở cẳng lên trời và chính họ đã lật nó đứng dậy.
Nói tóm lại,theo những nhà thủy-tổ của lý-thuyết xã-hội duy-vật, lịch-trình biện-chứng là đặc-điểm của vật-chất và chỉ hiện ra trong tư-tưởng người với tư-cách là phản-ảnh của thế-giới vật-chất. Mà đối với họ, vật-chất cốt là hoạt-động. Vì thế,những môn-đồ họ đã định-nghĩa biện-chứng-pháp duy-vật là « khoa-học nghiên-cứu về những luật tổng-quát của sự hoạt-động trong thế-giới hữu-hình cũng như trong tư-tưởng con ngườỉ ».

d) NHỮNG NGUYÊN-TẮC CĂN-BẢN CỦA DUY-VẬT BIỆN-CHỨNG-PHÁP.

Những luật tổng-quát này, đã được những môn-đồ Karl Marx và Engels nghiên-cứu rất kỹ. Trong quyển « Duy-vật biện-chứng-pháp và Duy-vật sử-quan » Staline đã trình bày nó một cách rõ ràng. Dựa vào quyển sách đó,ta có thể định những nguyên-tắc căn-bản của biên-chứng-pháp duy-vật như sau:

1° SỰ TÁC-ĐỘNG LẪN NHAU GIỮA SỰ VẬT.

Giữa các phần-tử khác nhau của một vật, luôn luôn có một mối tương-quan hoạt-động. Mỗi cá-nhơn tùy-thuộc sự tác-động của những vật bao quanh mình và tùy-thuộc cả quá khứ mình. Vậy,muốn hiểu rõ một sự vật, ta phải đặt nó vào khung cảnh nó, nghiên-cứu sự tác-động của toàn-thể đối với nó, và những phản-ứng của nó đối với toàn-thể.

Theo Staline, « biện-chứng-pháp xem võ-trụ không phải như là một mớ hỗn-độn những sự vật và hiện-tượng rời rạc nhau, biệt-lập nhau, mà như một tổng-thể thống-nhứt, có mạch-lạc, trong đó những sự vật và hiện-tượng liên-quan nhau ngay trong bản-thể, tùy-thuộc nhau và chi-phối nhau. Bởi đó,biện chứng-pháp xem rằng trong võ-trụ, không có hiện-tượng nào có thể hiểu được nếu người ta xem xét nó riêng ra,ngoài cái hiện-tượng bao-quát nó » (Duy-vật biện-chứng-pháp và duy-vật sử-quan)

2° SỰ BIẾN ĐỔI TRONG SỰ VẬT.

Trên đời,cái gì cũng biến đổi không ngừng. Đối với Marx và Engels, võ-trụ không phải là một mớ sự vật phiền-phức, cố định mà là hỗn-hợp những lịch-trình. Tiến theo lịch-trình ấy,những sự vật và những phản-ảnh nó trong trí óc người, tức là những tư-tưởng, dầu bề ngoài có vẻ ổn-định, cũng luôn luôn ở vào trạng-thái «trở thành» và «lão suy». Ta có thể nhận thấy trong sự biến đổi không ngừng của những sự vật và tư-tưởng ấy nhiều sự ngẫu-nhiên, nhiều sự tạm-thóai, nhưng cuối cùng rồi, những sự vật và tư-tưởng ấy cũng tiến-hóa được.

3° SỰ THAY ĐỔI TỪ LƯỢNG SANG PHẨM.

Sự hoạt-động và sự trở thành của vật-chất hướng đến chỗ tạo ra thể mới, vì nó không phải đưa đến những sự thay đổi lập đi lập lại làm cho sự tiếp-tục của các hiện-tượng thiên-nhiên qui về một sự biến-hóa vòng tròn không chấm dứt. Trong sự trở thành, có một lúc, một sự thay đổi nhỏ nhặt về lượng đưa đến một sự thay đổi về phẩm, hay trái lại.Sự thay đổi này thực-hiện bằng một cái nhảy tới trước hay bằng một cuộc cách-mạng.

Những môn-đồ Karl Marx và Engels thường đưa ra một thí-dụ về nước để chứng-minh sự thay đổi này. Khi ta đặt một ấm nước lên bếp lửa, nhiệt-độ nước tăng cao lên mãi. Sự tăng-gia nhiệt-độ này là một sự thay đổi về lượng. Lửa cháy một lúc thì nước bốc hơi trong khi nhiệt-độ của nó vẫn ở nguyên lại một chỗ. Sự bốc hơi này là một hiện-tượng mà phẩm khác với sự gia tăng nhiệt-độ của nước.

Môn hóa-học cũng cho ta biết rằng những sự thay đổi về lượng đưa đến những sự thay đổi về phẩm: bản-chất và đặc-tánh nhiều chất hóa-học tùy theo phân-số những yếu-tố cấu-tạo nên nó.

4° SỰ MÂU-THUẪN NỘI-TẠI CỦA SỰ VẬT.

Theo biện-chứng-pháp, những sự vật và hiện-tượng của võ-trụ đều hàm những mâu-thuẫn nội-tại, vì cái nào cũng có một mặt tiêu-cực và một mặt tích-cực, một quá-khứ và một tương-lai, cái nào cũng có những yếu-tố mất đi và những yếu-tố phát-triển. Sự tranh-đấu nhau giữa các đối-lực này, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái đang chết và cái đang sanh, giữa cái lão-suy và cái phát-triển là nội-dung của quá-trình sự tiến-triển, của sự thay đổi lượng thành phẩm.

Do đó, những nhà biện-chứng cho rằng lịch-trình phát-triển từ cấp dưới lên cấp trên không phải thực-hiện bằng sự tiến-hóa điều-hòa của các hiện-tượng, mà bằng sự bộc-lộ những mâu-thuẫn nội-tại của các sự vật và hiện-tượng. Nói một cách khác, mỗi sự vật đều tự chứa mầm mâu-thuẫn bên trong và chánh sự xung-đột nhau giữa các mâu-thuẫn này đưa đến sự hoạt-động và tiến-hóa.

Xét một quả trứng gà, ta thấy bên trong nó có một cái ngòi. Với một nhiệt-độ và một số điều-kiện thích-hợp, ngòi ấy phát-triển ra để thành ra gà con. Vậy,cái ngòi sẽ hủy-diệt qủa trứng, nó là sự phủ-định của quả trứng. Như thế,trong quả trứng có hai lực: một lực hướng đến chỗ làm cho quả trứng vẫn còn là quả trứng, một lực khác hướng đến chỗ làm cho quả trứng thành con gà con.

Những môn-đồ của Marx và Engels nhấn mạnh rằng chính các sự vật tự mâu-thuẫn với mình, và sự chống chọi nhau xảy ra ở bên trong sự vật chớ không phải do một lực từ ngoài đưa đến.

5° TÁNH-CÁCH TẠM-THỜI CỦA CHƠN-LÝ.

Từ sự mâu-thuẫn của các sự-vật và ý-tưởng bất-ổn-định tiếp theo nó,Marx và Engels kết luận rằng chơn-lý chỉ có tánh-cách tạm-thời. Trên đời, không có sự thật nào bất-di bất-dịch và hoàn-bị,cũng như không có những lực mâu-thuẫn nào không dung-hợp nhau được. Loài người suy-luận bằng cách nêu ra một chánh-đề hay khẳng-định, kế đó lại đưa ra một phản-đề hay phủ-định chống lại chánh-đề này và sau cùng, tổng-hợp những ý-kiến của chánh-đề và phản-đề để tạo ra một hợp-đề cũng gọi là phủ-định của phủ-định. Hợp-đề thật ra chỉ có tánh-cách tạm-thời, vì nó chung-qui cũng là một chánh-đề tự gây ra một phản-đề chọi lại nó,và tấn tuồng cứ diễn như thế mãi không cùng.

Như vậy, mọi lý-thuyết khoa-học và triết-lý chỉ là một giai-đoạn trong lịch-sử của tư-tưởng hoạt-động để giải-nghĩa võ-trụ, chớ không thể là một chơn-lý cố-định và tuyệt-đối.

d) THUYẾT DUY-VẬT SỬ-QUAN.

Nói theo những chủ-trương triết-học duy-vật của mình trong sự nghiên-cứu đời sống xã-hội qua các thời-đại, Marx và Engels nêu ra thuyết duy-vật sử-quan. Trái với Hegel, nhà lý-thuyết duy-tâm, nghĩ rằng động-lực của lịch-sử là tư-tưởng, Marx và Engels cho rằng không phải tư-tưởng hướng-dẫn thế-giới, mà trái lại, nó còn tùy-thuộc những điều-kiện kinh-tế, tức là vật-chất .Do đó, chính vật-chất mới giải-nghĩa được lịch-sử loài người.

Nói một cách khác, theo Marx và Engels, tất cả những biến-cố trong lịch-sử đều bị vật-chất chi-phối. Trong sự sản-xuất những món cần-thiết cho sự sống của mình, con người tạo ra nhiều mối liên-quan tiền-định, cần-thiết và ngoài ý-muốn của người.

Những «liên-quan» sản-xuất này họp lại làm cái nền tảng kinh-tế xã-hội. Nền tảng kinh-tế đó là cái cơ-sở thật-sự, căn-bản,cái hạ-tầng kiến-trúc trên đó người ta xây-dựng một thượng-tầng kiến-trúc luật-pháp, chánh-trị, trí-thức, v.v…Như thế,chính những điều-kiện sanh hoạt vật-chất, hay nói hẹp lại một chút nữa, chính những phương-pháp sản-xuất vật-sản, đã hạn định phong-tục và chế-độ xã-hội, chánh-trị, luật-pháp của loài người.

Khi dùng những khí-cụ bằng đá, loài người theo chế-độ cộng-sản nguyên-thủy; những dụng-cụ bằng sắt đưa đến chế-độ nô-lệ; sự cải-lương những phương-pháp đúc gang và thép cùng việc dùng cày và khung cửi sản-xuất chế-độ phong-kiến; và sau này,những máy cày với nền đại-kỹ-nghệ đã tạo ra chế-độ tư-bản. Khi phương-pháp sản-xuất thay đổi, xã-hội cũng thay đổi theo. Sự thay đổi này thực-hiện một cách biện-chứng,do những mâu-thuẫn nội-tại của xã-hội mà ra.

2. SỰ ÁP-DỤNG NHỮNG THUYẾT DUY-VẬT BIỆN-CHỨNG VÀ DUY-VẬT SỬ-QUAN VÀO VIỆC CẢI-TẠO XÃ-HỘI
a) THUYẾT GIAI-CẤP TRANH-ĐẤU.

Marx và Engels đã cố tìm ra những định-luật về sự tiến-hóa xã-hội của lịch-sử, và nêu ra những thuyết duy-vật biện-chứng cùng duy-vật sử-quan không phải với tư-cách học-giả. Mục-đích của họ là hoạt-động để cải-tạo xã-hội, nâng cao đời sống hạng cần-lao. Bởi đó,họ đem áp-dụng những thuyết trên này vào chủ-trương xã-hội của họ và nêu ra thuyết giai-cấp đấu-tranh.

Theo thuyết này, xã-hội loài người không lúc nào bất-động, nó biến-chuyển mãi mãi không ngừng. Sự biến-động này luôn-luôn tùy-thuộc những điều-kiện vật-chất chi-phối xã-hội, và diễn ra đúng theo luật biện-chứng, với những mâu-thuẫn nội-tại đối-chọi nhau để đưa đến những cuộc cách-mạng, nghĩa là những cuộc thay đổi đột-ngột và mãnh-liệt.

Từ trước đến giờ, nhơn-loại đã trải qua nhiều chế-độ kinh-tế, mà trong chế-độ nào, nhơn-loại cũng chia ra làm nhiều giai-cấp khác nhau chống-chọi lại nhau và luôn luôn tìm cách bóc lột lẫn nhau bằng cách chiếm-đoạt lấy những phương-tiện sản-xuất.

Kết-quả cuộc xung-đột này là một thiểu-số nhờ mưu mẹo gian-hùng hay nhờ võ-lực mà được miễn làm những công việc trực-tiếp sanh-sản, còn phần đông lại phải thêm vào sự làm việc để nuôi thân, một phần việc phụ-trội dùng để nuôi dưỡng và làm giàu cho thiểu-số nắm lấy những phương-tiện sản-xuất kia.

Lần lần,giữa hạng bóc lột và hạng bị bóc lột nảy sanh ra nhiều mối quan-hệ kinh-tế. Những lien-quan này được duy-trì bằng võ-lực, bằng lý-luận, bằng đạo-đức, bằng phong-tục, bằng thói quen của đa-số bị bóc lột và sau cùng, đa-số này xem tổ-chức đương-hữu như là một tổ-chức chánh-đáng và hợp-lý. Thật ra nó cũng có một phần chánh-đáng vì nó phù-hợp với những điều-kiện kỹ-thuật của sự sản-xuất đương-hữu.

Nhưng chế-độ nào cũng chứa sẵn mầm mống của phương-pháp kinh-tế và xã-hội làm nền-tảng cho chế-độ kế-tiếp theo nó. Khi điều-kiện sản-xuất thay đổi thì cái thượng-từng kiến-trúc của xã-hội cũng thay đổi theo. Sự thay đổi này không phải thực-hiện một cách hòa-bình. Những mầm mống làm nền-tảng cho chế-độ mới phản-động mãnh-liệt đối với chế-độ cũ đã phôi-thai ra nó. Và muốn tiếp-tục cuộc tiến-hóa, nó phải phá vỡ chế-độ ấy,cũng như con gà con muốn nở, phải mổ vỡ cái võ trứng trong đó nó thành hình.

Lúc con người bỏ cuộc đời du-mục để trụ lại một chỗ sống theo nông-nghiệp và tiểu-công-nghệ thì chế-độ tộc-trưởng phải bị hủy-diệt, giai-cấp tộc-trưởng phải nhường chỗ lại cho giai-cấp địa-chủ thành-lập chế-độ phong-kiến. Đến khi cơ-giới phát-minh, sự sản-xuất kinh-tế bắt đầu thay đổi thì phong-trào dân-quyền đột-khởi, giai-cấp trưởng-giả đứng lên dẫn đầu cho dân-chúng phá vỡ chế-độ phong-kiến để lập chế-độ dân-chủ tư-sản phù-hợp với sự sản-xuất kỹ-nghệ và nền kinh-tế tư-bản hơn.

Chế-độ kinh-tế hiện-hữu là chế-độ tư-bản. Cuộc giai-cấp tranh-đấu trong chế-độ này rõ rệt và giản-dị hơn trong những chế-độ cũ, vì xã-hội tư-bản chỉ có hai giai-cấp: giai-cấp tư-bản và giai-cấp vô-sản. Sự tổ-chức của chế-độ tư-bản đưa đến sự cạnh-tranh giữa những nhà dinh-nghiệp làm cho tư-bản lần lần tập- trung trong tay một số ít người. Vì thế, giai-cấp tư-bản càng ngày càng ít và cố-nhiên giai-cấp vô-sản phải càng ngày càng đông. Sau cùng, thế nào giai-cấp vô-sản cũng sẽ phá-hủy chế-độ tư-bản một cách dễ dàng để thiết-lập một chê-độ mới trên thế-giới.

Nói tóm lại,theo Karl Marx và Engels, lịch-sử chỉ là một cuộc tranh-đấu không ngừng giữa các giai-cấp để chiếm lấy chánh-quyền. Đó là một phong-trào cách-mạng liên-tục của các giai-cấp bị bóc lột gây ra để thoát -ly giai-cấp bóc lột. Cáo-chung của những cuộc thoát -ly liên-tiếp nhau và càng ngày càng tiến-hóa này là sự thoát -ly của giai-cấp vô-sản hiện-thời.

b) NHỮNG THUYẾT PHỤ THÊM VÀO CHỦ-TRƯƠNG GIAI-CẤP TRANH-ĐẤU.

Trên cái nền tảng triết-lý-chính họ đã tạo ra, Marx và Engels đã xây dựng được một hệ-thống suy-luận khá chặt chẽ. Nhưng dầu nó có đẹp đẽ đến đâu, thuyết giai-cấp tranh-đấu trên đây cũng chỉ đủ để gây ra những cuộc bàn cãi suông giữa các nhà học-giả mà thôi. Muốn lôi kéo quần-chúng lao-động theo mình? Marx và Engels phải nêu ra nhiều thuyết khác phụ thêm vào để kích-thích họ, cám dỗ họ và gây cho họ một lòng tin-tưởng mạnh mẽ nơi sự thành-công cuối-cùng của họ. Đó là những thuyết chỉ-trích chế-độ tư-bản mà quan-trọng nhứt là thuyết giá-trị và giá-trị thặng-dư.

1° THUYẾT GIÁ-TRỊ.

Thuyết giá-trị của Karl Marx do nơi một thuyết của học-phái kinh-tế cổ-điển của Anh mà ra. Theo thuyết này, trong những xã-hội tư-bản, hình-thức đơn-sơ nhứt của tài-sản là hàng-hóa, nghĩa là một vật sản-xuất ra để bán.

Trước hết, hàng-hóa phải hữu-ích. Nhưng vì nó làm ra cốt để đổi chác, nên người ta phải tùy theo sự đổi chác mà đánh giá nó. Người ta đem đổi hai món hàng-hóa cho nhau theo một tỉ-lệ thường hay lên xuống không chừng. Cái tỉ-lệ ấy là giá-trị mậu-dịch của món hàng.Tỉ-lệ mậu-dịch hàm ý rằng giữa hai món hàng có một cái gì chung nhau. Cái ấy không phải là phẩm-chất tự-nhiên của hàng-hóa vì phẩm-chất này khác nhau không cùng. Tánh-cách chung của tất cả các hàng-hóa là cái nào cũng do sự làm việc mà ra. Vậy, bản-chất của giá-trị là sự làm việc và cái mực đo giá-trị là số công việc phải làm.

Nhưng Marx thêm rằng muốn có một kết-quả có tánh-cách tổng-quát, ta không nên định giá-trị món hàng theo số công việc thật-sự người thợ phải làm để sản-xuất nó, mà phải lấy số công việc xã-hội cần-thiết, nghĩa là số công việc cần để tạo món hàng ấy trong những điều-kiện sản-xuất thông-thường.

Công việc làm thật ra rất phức-tạp và Ricardo đã có nhắc đến chỗ khó khăn trong sự so sánh công việc làm trong một giờ hay một ngày ở ngành kỹ-nghệ này với công việc làm trong một thời-hạn tương-tự ở một ngành kỹ-nghệ khác. Nhưng Marx cho rằng công việc chuyên-môn vẫn chỉ là một công việc thường, thêm vào một phụ-số nào đó, và có thể xem như là một bội-số của một công việc làm thường.
Giá-trị đã định như thế rồi, làm sao giải-nghĩa được sự bóc lột người làm việc? Đó là công việc của thuyết giá-trị thặng-dư.

2° THUYẾT GIÁ-TRỊ THẶNG-DƯ.

Theo thuyết giá-trị thặng-dư thì từ lúc kỷ-nguyên tư-bản bắt-đầu (thế-kỷ thứ 16), sự mậu-dịch có hai hình-thức. Bên hình-thức thông-thường tóm lại trong vòng mậu-dịch «hàng tiền hàng» cốt đem một món hàng hữu-ích đổi lấy một món hàng hữu-ích khác, có một hình-thức mậu-dịch mới «tiền hàng tiền». Hình-thức mậu-dịch mới này không còn bày tỏ ý muốn bán hàng để mua lại những món nhu-dụng cho mình nữa. Nó tượng trưng cho sự mua để bán lại hầu thâu một số lời, số lời này cứ tái đi tái lại mãi mỗi khi có sự mậu-dịch. Theo cách mậu-dịch sau này, người có tiền bỏ tiền vào sự lưu-thông để lấy nó lại với số lời, và số tiền dùng bằng cách ấy thành ra một tư-bản.

Tóm lại, cách mậu-dịch trước bắt đầu và kết-thúc bằng hàng-hóa: sự ích-lợi của việc mậu-dịch ấy là đem lại một vật khác dùng được vào một việc khác. Vậy, hai vãt ấy có giá-trị ngang nhau. Cách mậu-dịch sau thì bắt đầu và kết-thúc bằng tiền, nó chỉ hữu-ích khi số thâu được lớn hơn số bỏ ra. Đem một phần gạo đổi lấy một phần thịt cùng một giá-trị là làm một công việc có ích cho hai người đổi chác ,vì một người cần gạo, một người cần thịt. Còn đem một trăm đồng đổi lấy một trăm đồng là làm một việc vô-ích; người đem một trăm đồng bỏ vào sự mậu-dịch chỉ bỏ nó ra để lấy lại 105 hay 110 đồng. Số 5 hay 10 đồng dư ra đó là giá-trị thặng-dư.

Nhưng cái giá-trị thặng-dư này làm sao thực-hiện được? Tại sao không những nó thực-hiện được, mà lại còn thực-hiện nhiều lần kế tiếp nhau một cách vô-cùng? Theo phái Karl Marx, vấn-đề này thâu lại như sau đây: người có tiền trước hết phải mua những hang-h óa đúng theo giá của nó rồi bán nó cũng đúng theo giá-trị nó, mà lại có thể thâu về một số tiền lớn hơn số y bỏ ra. Bảo rằng hai người mua bán đã mua hay bán hàng-hóa với một số tiền cao hơn giá-trị nó thì không giải-quyết được vấn-đề,vì trong trường-hợp ấy, số lời hay lỗ của người này đúng vào chỗ lỗ hay lời của người kia, và cái giá-trị bỏ vào sự lưu-thông cũng không thay đổi,còn đàng này phải giải thích cho được cái giá-trị thặng-dư.

Theo Marx, giá-trị thặng-dư này chỉ có thể do nơi sự sử-dụng món hàng-hóa giữa lúc mua về và lúc bán ra.Vậy, nhà tư-bản phải tìm một món hàng đặc-biệt, một món hàng có một ứng-dụng rộng rãi có thể làm cho nó trở thành một nguồn giá-trị đổi chác được. Món hàng đặc-biệt ấy là sức làm việc.

Sức làm việc mà phải thành một món hàng làm nguồn gốc cho giá-trị thặng-dư, đó không phải là một việc tự-nhiên và vĩnh-viễn. Trời đất không sanh ra một hạng người làm chủ những phương-tiện sản-xuất và một hạng người chỉ có độc một sức làm việc của mình. Tình-trạng dị-thường này chỉ xuất-hiện trong thời-kỳ tư-bản mà thôi.

Cũng như mọi hàng-hóa khác, sức làm việc có một giá-trị mậu-dịch. Muốn định giá-trị mậu-dịch một món hàng, ta phải lấy số thì-giờ làm việc trung-bình cần-thiết để tạo ra nó mà tính.Trong trường-hợp sức làm việc, số thì-giờ ấy là số thì giờ cần-thiết để sản-xuất những món dùng vào việc duy-trì sự sống của người làm việc và của những kẻ sau này sẽ thay người ấy trong sự làm việc, tức là con cái nuôi trong gia-đình.

Giá-trị mậu-dịch của sức làm việc thì như thế,còn giá-trị thật-dụng của nó là sự sử-dụng nó. Sự sử-dụng sức làm việc, chính là sự làm việc. Người lao-động không nắm được những phương-tiện sản-xuất trong tay, phải bán sức làm việc của mình cho nhà tư-bản. Nhà tư-bản mua sức làm việc ấy và sử-dụng nó bằng cách bắt người lao-động làm việc; sản-phẩm tạo ra được thì thuộc quyền sở-hữu của nhà tư-bản.
Nhưng số sản-phẩm mà sức làm việc có thể tạo ra nhiều hơn số sản-phẩm cần-thiết để duy-trì sự sống của người làm việc. Người lao-động có thể làm việc trong 12 giờ mỗi ngày mà chỉ cần làm 6 giờ cũng đủ sản-xuất những món cần-thiết cho sự sống của mình.

Trong khi mua sức làm việc, nhà tư-bản chỉ trả tiền đúng theo giá-trị mậu-dịch của sức làm việc ấy, nghĩa là theo số tổn-phí để nuôi sống người lao-động. Nhưng khi đem dùng sức làm việc mình mua, nhà tư-bản đã dùng nó theo giá-trị thật-dụng của nó, nghĩa là bắt người lao-động làm việc hết sức mình.

Vậy ngoài 6 giờ làm việc để sản-xuất những món cần dùng cho sự sống của mình, để sản-xuất một giá-trị bằng giá-trị mậu-dịch của sức làm việc mình, người lao-động phải làm thêm 6 giờ phụ-trội. Số 6 giờ làm việc phụ-trội này, nhà tư-bản không trả tiền,vì y chỉ trả cho người lao-động một số lương đúng theo giá-trị mậu-dịch của sức làm việc mà thôi, nhưng y vẫn được dùng nó. Những giờ làm việc phụ-trội nói trên đây sản-xuất ra một giá-trị phụ-trội, giá-trị phụ-trội này là giá-trị thặng-dư nhà tư-bản ngồi không an-hưởng.

Chế-độ tư-bản là một chế-độ mạnh hơn tất cả những chế-độ kinh-tế trước nó về chỗ bắt người làm việc không lương, nhờ sự kéo dài thêm khoảng thì giờ làm việc phụ-trội đối với khoảng thì giờ làm việc cần-thiết.

Nhà tư-bản tìm đủ mọi cách để bắt người lao-động cung-cấp một số công việc làm phụ-trội tối-đa, người lao-động cố giữ để qua khỏi phần làm việc cần-thiết ít chừng nào hay chừng ấy. Nhưng nhà tư-bản mạnh thế hơn người lao-động. Khi y không thể tăng giá-trị thặng-dư tuyệt-đối bằng cách kéo dài thời hạn làm việc trong một ngày ra, y tìm cách thâu một giá-trị thặng-dư tương-đối bằng cách rút ngắn lại cái thì giờ làm việc cần-thiết, sự rút ngắn này được thi-hành bằng cách hạ giá những món đồ mà người lao-động thường dùng. Vậy, đối với người lao-động, sự hạ giá hàng-hóa không có kết quả gì khác hơn là sự thâu ngắn lại khoảng thì giờ mà y làm việc cho y.

Những sự tiến-bộ về kỹ thuật cũng tăng-gia giá-trị thặng-dư : đó là trường-hợp của sự phân-công. Vì như Prodhon đã nói, nhà tư-bản mua của người cái sức làm việc cá-nhơn của người lao-động là sức làm việc duy-nhứt mà người lao-động có thể bán ,nhưng y không trả riêng cho một người lao-động hay chung cho tất cả những người lao-động, giá tiền của cái lực-lượng mạnh-mẽ do nơi sự hiệp-lực của những người lao-động ấy mà ra. Như vậy, sức làm việc công-cộng là một lực-lượng đạc-biệt của tư-bản.

Máy móc cũng là một khí-cụ để tăng-gia giá-trị thặng-dư tương-đối, vì nó làm cho những món hàng-hóa cần-thiết cho người thợ hạ giá, và do đó mà rút thì giờ làm việc cần-thiết lại. Thêm nữa, nhờ đó, người ta có thể dùng sức làm việc của đàn bà và con trẻ. Điều này làm cho người lao-động khỏi phải dùng đồng lương của mình mà nuôi vợ con và giá-trị sức làm việc của người lao-động không phải được hạn định theo số phí-tổn để nuôi sống gia-đình y nữa, mà lại hạn định theo số phí-tổn để nuôi sống một mình y, thành ra sức làm việc của ba bốn người cũng chỉ bán với cái giá mua sức làm việc của một người trước kia.

3° THUYẾT TÍCH-LŨY TƯ-BẢN.

Tư-bản giúp cho nhà tư-bản thâu được giá-trị thặng-dư, rồi giá-trị thặng-dư lại giúp cho nhà tư-bản tăng thêm số tư-bản. Nhà tư-bản càng tích-trữ tư-bản thì càng có thể tích-lũy thêm tư-bản. Sự tích-lũy này đưa đến sự phân-chia tư-bản ra làm hai phần : một phần để trả tiền mua sức làm việc, nó luôn luôn tái-hồi lại với số thặng-dư mới, phần đó là phần tư-bản thường-biến, một phần nữa dùng để mua sắm dụng-cụ sản-xuất, giá-trị nó không thay đổi trong lúc sản-xuất: đó là phần tư-bản bất-biến.

Lợi-suất của giá-trị thặng-dư là số tỉ-lệ giữa giá-trị thặng-dư và phần tư-bản thương-biến. Ta không nên lộn nó với lợi-suất của số lợi-tức là số tỷ-lệ giữa giá-trị thặng-dư và số tư-bản chung. Chỉ có lợi -suất của giá-trị thặng-dư là biểu-thị sự bóc lột của người lao-động.

Nếu tỷ-số giữa hai phần tư-bản không thay đổi thì sự cần dùng nhơn-công đi đôi với sự tích-lũy tư-bản. Nhưng thật ra, phần tư-bản bất biến càng ngày càng lấn qua phần tư-bản thường-biến. Vì đó, sự cần dùng nhơn-công phải hạ xuống một cách tương-đối.

Thêm vào đó, sự tăng-gia dân-số làm cho trong xã-hội luôn luôn có một đạo quân lao-động trừ-bị gây ra một sự cạnh-tranh ráo-riết giữa những người lao-động. Số lương của họ vì sự cạnh-tranh này mà sụt xuống mãi.

4° THUYẾT QUẦN-CHÚNG VÔ-SẢN-HÓA VÀ CÁCH-MẠNG DĨ-NHIÊN.

Sự tích-lũy tư-bản tự-nhiên gây ra nhiều cuộc khủng-hoảng kinh-tế và tập-trung tài-sản trong tay một số ít người. Cùng lúc ấy, nó làm cho nhiều người lúc trước ở vào hạng trung-lưu thành ra người vô-sản lao-động. Như thế,số người vô-sản lao-động càng ngày càng đông và chiếm lấy đại-đa-số trong quần-chúng : quần-chúng thành ra vô-sản-hóa hết.

Nhưng tình-thế đen tối trên này không phải cứ kéo dài ra mãi. Đến một lúc, những điều-kiện kinh-tế do chế-độ tư-bản tạo ra sẽ bị chính chế-độ ấy ngăn-cản không cho tiến-hóa nữa, nên tìm cách phá vỡ nó. Những lực-lượng minh mông mà hạng trưởng-giả tạo ra được bây giờ đã vượt ra khỏi quyền-lực của họ. Nó làm cho xã-hội hiện-hữu càng ngày càng bấp bênh khó duy-trì được, và tạo ra những điều-kiện giúp vào sự thắng-lợi của một xã-hội mới không giai-cấp, đặt nền tảng trên sự sản-xuất công-cộng. Chủ-quyền của những phương-tiện sản-xuất trong chế-độ tương-lai này sẽ giao hết về cho xã-hội giữ.

Vậy, sự sản-xuất của chế-độ tư-bản tự hủy-diệt lấy mình và đưa đến chỗ tập-sản. Cái ngày mà những kẻ cướp giựt lao-động bị cướp giựt lại sắp đến. Sự tiến-hóa này phải kết-thúc bằng một cuộc cách-mạng mãnh-liệt. Cuộc cách-mạng sắp đến ấy sẽ không kéo dài ra vì hạng tư-bản chỉ gom lại một số hết sức ít, còn hạng vô-sản thì chiếm lấy hầu hết quần-chúng trong xã-hội.

c) SỰ CHUYÊN-CHÁNH CỦA GIAI-CẤP VÔ-SẢN VÀ SỨ MẠNG NGƯỜI CỘNG-SẢN.
1° SỰ CHUYÊN-CHÁNH CỦA GIAI-CẤP VÔ-SẢN.

Cứ theo những thuyết trên này thì xã-hội tư-bản thế nào cũng phải trải qua một cuộc cách-mạng do giai-cấp vô-sản chủ-trương và sẽ kết-liễu bằng sự thắng-lợi hoàn-toàn của giai-cấp vô-sản. Nhưng giai-cấp vô-sản sẽ làm gì sau khi nắm phần thắng-lợi? Tất-nhiên họ sẽ phải xây dựng một xã-hội mới. Theo Karl Marx và Engels,xã-hội này có tánh-cách khác hẳn những xã-hội đã có trước nó.

Cả lịch-sử từ xưa đến nay chỉ là lịch-sử của sự bóc lột, sự áp-bức và sự tranh-đấu giữa các giai-cấp. Nhưng sự tranh-đấu này hiện đã đến một giai-đoạn trong đó giai-cấp vô-sản bị bóc lột, bị áp-bức không thể thoát -ly giai-cấp tư-bản bóc lột áp-bức mình mà không đồng-thời giải-phóng hẳn toàn xã-hội khỏi sự bóc lột, sự áp-bức sự tranh-đấu giai-cấp một cách vĩnh-viễn.
Sự thắng-lợi của giai-cấp vô-sản sẽ hoàn-toàn khác hẳn sự thắng-lợi của những giai-cấp lãnh-đạo trước đây. Như thế là vì tất cả những phong-trào cách-mạng đã qua đều thực-hiện do những thiểu-số và vì quyền-lợi của thiểu-số, còn phong-trào vô-sản thì trái lại, là một phong-trào tự phát của đại-đa-số, hoạt-động vì quyền-lợi của đại-đa-số. Giai-cấp vô-sản là từng lớp hạ-cấp của xã-hội hiện-tại không thể đứng lên mà không làm đổ vỡ cả tổ-chức xả-hội hiện-thời. Sự thành-công của nó sẽ đưa loài người đến một xã-hội hoàn-toàn không giai-cấp.

Nhưng trước khi đi đến kết-quả tốt đẹp này,ta còn phải trải qua một giai-đoạn chuyên-chánh của giai-cấp vô-sản. Quyền chánh-trị thật ra chỉ là cái quyền của một giai-cấp tổ-chức để bóc lột giai-cấp khác. Sau khi lật-đổ được chế-độ hiện-hữu, giai-cấp vô-sản phải nắm lấy cái quyền-chánh-trị này để thâu-đoạt tất cả những tư-bản do giai-cấp trưởng-giả nắm giữ, để tập-trung lại trong tay quốc-gia, tức là giai-cấp vô-sản tổ-chức thành giai-cấp chỉ-huy, tất cả những dụng-cụ sản-xuất, và để cấp-tốc tăng-gia những lực-lượng sản-xuất, nói tóm lại, để khuynh-đảo tất cả các phương-pháp sản-xuất cũ.

Chánh-quyền vô-sản tự-nhiên sẽ xâm-nhập vào quyền tư-hữu và những điều-kiện sản-xuất của giai-cấp trưởng-giả. Nhưng sự chuyên-chế của giai-cấp vô-sản chỉ là một sự cần-thiết tạm thời, một giai-đoạn đầu trong cuộc tiến-hóa theo chiều hướng mới. Xã-hội tư-bản – chánh-đề – đã sanh ra cái phủ-định hay phản-đề của mình, tức là giai-cấp vô-sản. Giai-cấp vô-sản khi trở thành giai-cấp thống-trị sẽ sanh ra cái phủ-định của phủ-định tức là cái hợp-đề kết-thúc cho lịch-trình biện-chứng. Hợp-đề này là xã-hội không giai-cấp, không có sự xung-đột. Xã-hội sẽ trở thành một khối cộng-đồng trong đó sự tự-do phát-triển của mỗi người là điều-kiện cho sự tự-do phát-triển của toàn-thể.

2° SỨ-MẠNG NHỮNG NGƯỜI CỘNG-SẢN.

Theo Marx và môn-đồ ông, đứng về phương-diện thật-tế, những người cộng-sản là những phần-tử cương-quyết cấp-tiến nhứt của những đảng thợ thuyền trong tất cả các nước ; đứng về phương-diện lý-thuyết, họ hơn được những phần-tử vô-sản khác ở chỗ họ hiểu những điều-kiện, sự tiến-triển và những kết-quả của phong-trào vô-sản.

Nhưng quan-niệm lý-thuyết của người cộng-sản không phải dựa vào tư-tưởng, những nguyên-tắc do những nhà không-tưởng nêu ra. Nó biểu-hiệu những điều-kiện có thật của một cuộc tranh-đấu giai-cấp có thật.

Vậy, người cộng-sản không phải ôm ấp một giấc mơ tươi đẹp, họ nghiên-cứu một cách khoa-học các sự-kiện xã-hội, nhận chơn và tìm hiểu những biến-chuyển của nó, rồi dùng phép biện-chứng mà suy ra ý-nghĩa và tiết-điệu của những biến-chuyển sẽ đến. Sau hết, họ vạch ra cho những giai-cấp vô-sản ở các nước, hiện rời rạc và không đồng-thời sẵn sàng cho cuộc tranh-đấu, thấy rõ mục-đích chung mà tất cả các hoạt-động vô-sản phải đạt cho kỳ được.

Nói tóm lại, người cộng-sản so với giai-cấp vô-sản cũng như ý-thức so với cử-động phản-xạ và cử-động theo bản-năng. Do đó, sứ-mạng người cộng-sản là hướng-dẫn giai-cấp vô-sản trong sự tranh-đấu chống lại giai-cấp tư-bản và hủy-diệt những chế-độ hủ-bại của xã-hội tư-bản.

A) SỰ HỦY-DIỆT TƯ-SẢN.

Trong xã-hội tư-bản, quyền tự-do tư-hữu đã gây ra nạn người bóc lột người, nó là nguồn gốc của mọi nỗi đau khổ. Muốn chấm dứt sự bóc lột, xã-hội phải tổ-chức theo lối tập-sản,thâu góp tất cả tài-vật trong nước làm của chung.

Sự hủy-diệt tư-sản này không hại gì cho đại-chúng, vì thật ra, tư-sản của hạng tiểu-trưởng-giả, tiểu-địa-chủ đã bị sự phát-triển của nền đại-kỹ-nghệ hủy-diệt một cách hoàn-toàn rồi. Chung-qui, cái tư-sản cần hủy-diệt chỉ là tư-sản của giai-cấp tư-bản. Tư-sản này không phải là kết-quả của sự làm việc cá-nhơn, vì tư-bản vốn là một sản-phẩm tập-thể, xã-hội, do sức làm việc của người vô-sản tạo ra.

Như thế, lấy tài-sản của bọn tư-bản làm của chung để cho mọi người trong xã-hội cùng hưởng thật ra là một hành-vi rất hợp đạo công-bằng.

B) SỰ HỦY-DIỆT TỰ-DO VÀ CÁ-TÁNH.

Những người theo chủ-trương dân-chủ lấy tự-do và cá-tánh làm bửu-vật bất-khả -xâm-phạm.

Nhưng trong chế-độ dân-chủ tư-sản, những quyền tự-do ,tự-do thương-mãi, tự-do cạnh-tranh, thật ra có thể xem như là quyền tự-do khuyếch-trương tư-bản trên mồ hôi nước mắt của người lao-động. Còn sự kính-trọng cá-tánh, nó không đưa đến kết-quả gì khác hơn là bảo-vệ những tật xấu của hạng trưởng-giả.

Người lao-động không được hưởng sự tự-do gì và không có cá-tánh trong chế-độ dân-chủ tư-sản được, vì họ bị thế-lực kinh-tế của bọn trưởng-giả chi-phối điều-khiển một cách ác-nghiệt.

Như thế, tự-do và cá-tánh chỉ là những mặt nạ đạo-đức giúp cho bọn trưởng-giả binh-vực quyền-lợi của họ và cần phải được đánh đổ.

C) SỰ HỦY-DIỆT VĂN-HÓA VÀ LUẬT-PHÁP.

Nền văn-hóa của xã-hội tư-bản đối với đại-đa-số người trong xã-hội thật-tình chỉ qui vào việc tập tành họ thành ra máy móc và cam-tâm nhận chịu sự bóc lột của giai-cấp trưởng-giả. Những luật-pháp của xã-hội tư-bản cũng nhắm vào việc bảo-vệ quyền-lợi của thiểu-số bóc lột.

Những tư-tưởng do các nhà văn-hóa và luật-sư của xã-hội trưởng-giả đưa ra rất có hại cho giai-cấp cần-lao, và muốn giải-thoát người vô-sản khỏi cái ách mà phái tư-bản đặt lên đầu họ, người cộng-sản cần phải đánh đổ cả nền văn-hóa và luật-pháp của xã-hội dân-chủ tư-sản.

D) SỰ HỦY-DIỆT LUÂN-LÝ VÀ TÔN-GIÁO.

Cũng như văn-hóa và luật-pháp, luân-lý và tôn-giáo trong xã-hội dân-chủ tư-sản là sản-phẩm của chế-độ kinh-tế tư-bản. Nó chỉ nhắm vào mục-đích kềm hãm người lao-động trong vòng tiết-chế của giai-cấp bóc lột.

Với quan-niệm thiên-đường, với chủ-trương cứu-rỗi phần hồn, tôn-giáo hướng người về hạnh-phúc tương-lai và làm cho họ quên những nỗi khổ cực hiện tại của họ. Nó dạy họ rằng những nổi cực khổ ấy là cái quả của tội ác mà họ làm kiếp trước, hoặc là sự rèn luyện cần-thiết để đưa họ lên thiên-đường. Trong trường-hợp nào, nó cũng khuyên người ẩn-nhẫn, cam-tâm nhận-chịu sự hiếp-bức của hạng bóc lột. Như thế, tôn-giáo ru ngủ quần-chúng, làm nhụt chí chiến-đấu của họ. Lénine, một đồ-đệ kiệt-liệt của Marx Engels, đã bảo rằng « Tôn-giáo là thuốc mê của quần-chúng».

Vì những lẽ trên đây, Marx và các môn-đồ chủ-trương đánh-đổ tôn-giáo và nền luân-lý tư-bản.

Đ) SỰ HỦY-DIỆT GIA-ĐÌNH.

Về vấn-đề gia-đình, cuộc tranh-luận giữa Marx và những người đối-lập thật ra không được rõ rệt cho lắm. Những ngưòi chống lại Marx cho rằng Marx muốn hủy-diệt gia-đình vì chế-độ cộng-sản không thể thực-hiện được nếu xã-hội còn đặt nền-tảng trên gia-đình như các chế-độ trước. Tình thương yêu vợ con thân-thuộc làm cho con người trở nên ích-kỷ không ít thì nhiều và khó cộng-tác chặt chẽ với những người khác trong xã-hội để thực-hiện cảnh thế-giới đại-đồng. Thật ra thì Marx cũng có thể nghĩ như thế. Song có lẽ vì sợ rằng nêu hẳn ý-tưởng hủy-diệt gia-đình ra, mình sẽ gặp phải sự phản-kháng của ngay quần-chúng vô-sản, Marx đã biện-minh nhiều vế thái-độ của mình đối với gia-đình.

Ông bảo rằng ông chỉ chủ-trương đánh đổ chế-độ gia-đình của xã-hội trưởng-giả vì chế-độ này dựa vào tư-bản và xem đàn bà như một dụng-cụ sản-xuất. Vì chế-độ ấy, người lao-động không thể có gia-đình một cách đàng-hoàng và một số phụ-nữ phải làm nghề mãi-dâm. Theo Marx,những người cộng-sản giải-phóng người đàn bà khỏi vai tuồng làm dụng-cụ sản-xuất và bài trừ nạn mãi-dâm. Muốn thực-hiện được điều này,họ phải diệt trừ những điều-kiện sản-xuất và chế-độ tư-bản hiện-hữu.

E) SỰ HỦY-DIỆT TỔ-QUỐC.

Theo Marx,Tổ-quốc cũng như nhiều danh-từ khác có một ý-nghĩa thiêng-liêng trong xã-hội tư-bản, chỉ là một từ-ngữ do bọn trưởng-giả đưa ra để gạt gẫm hạng bần-dân và xô bần-dân vào chỗ chết để họ hưởng-lợi. Kỳ thật, bọn tư-bản chỉ biết có tiền của : họ chỉ thờ con bò vàng chớ không thiết gì đến Tổ-quốc. Họ sẵn sàng phản-bội quốc-gia dân-tộc và quyền-lợi cá-nhơn. Tin tưởng nơi Tổ-quốc,tức là vô tình làm tôi mọi cho bọn tư-bản.

Thêm nữa,nếu đứng riêng ra trong phạm-vi một quốc-gia mà hoạt-động, người vô-sản sẽ khó mà thành-công trong cuộc tranh-đấu chống tư-bản của mình, vì bọn tư-bản trên thế-giới đã kết-hợp với nhau làm một khối chặt chẽ. Vậy,người vô-sản phải bỏ ý-niệm Tổ-quốc và hợp-tập nhau trong phạm-vi nhơn-loại để tranh-đấu chung nhau. «Vô-sản toàn thế-giới ! Hãy tổ-hợp nhau lại». Đó là khẩu-hiệu Marx nêu ra để hô-hào người vô-sản các nước liên-hiệp nhau lại.

Ông thêm rằng người vô-sản không phải lo có sự xung-đột giữa các quốc-gia lúc chủ-nghĩa cộng-sản thắng thế, vì khi sự bóc lột nhau giữa người với người bị hủy-diệt, sự bóc lột nhau giữa dân-tộc với dân-tộc cũng bị hủy-diệt, và sự hiềm-khích giữa các quốc-gia sẽ chấm dứt khi sự xung-đột giai-cấp chấm-dứt.

Như vậy, tất cả những chế-độ làm nền móng cho xã-hội dân-chủ tư-sản đều bị phái Marx chỉ-trích. Những người này vẫn nhận rằng khi những điều-kiện sanh-hoạt cũ bị hủy-diệt tất cả các ý-thức-hệ cũ – vốn là phản-ảnh của đời sống xã-hội cũ – cũng bị hủy-diệt theo. Nhưng muốn cho công cuộc cách-mạng chóng hoàn-thành, người cộng-sản phải tiếp tay vào sự đánh đổ chế-độ ấy. Mà trong sự hoạt-động của mình, người cộng-sản, vốn nhắm vào cứu-cánh phụng-sự nhơn-loại nên có quyền dùng hết những phương-tiện có thể đưa mình đến chỗ thành-công, dầu cho những phương-tiện ấy có vẻ bạo-tàn hay vô-đạo-đức cũng vậy. «Cứu-cánh biện-chánh cho phương-tiện», đó là câu châm-ngôn mà những người cộng-sản luôn luôn ghi nhớ vào lòng.

đ) XÃ-HỘI CỘNG-SẢN.

Như ta đã thấy,lý-tưởng của Marx và Engels là đi đến một xã-hội không giai-cấp. Nhưng xã -hội này không phải đột-nhiên thực-hiện được ngay sau khi chế-độ tư-bản sụp-đổ. Trước khi đi đến xã-hội này, nhơn-loại còn phải trải qua một giai-đoạn mà Marx gọi là «giai-đoạn thứ nhứt của xã-hội cộng-sản» hay «giai-đoạn chế-độ xã-hội».

1°) GIAI-ĐOẠN CHẾ-ĐỘ XÃ-HỘI.

Trong giai-đoạn «chế-độ xã-hội», sự sản-xuất các vật-phẩm không còn thuộc về nhà tư-bản lúc nào cũng chăm chăm vào việc thủ lợi. Nó được giao về cho giai-cấp vô-sản và hướng đến mục-đích thoả-mãn những nhu-cầu của xã-hội.

Nhưng trong giai-đoạn này, người chưa hoàn-toàn làm chủ những lực-lượng thiên-nhiên, nên kỹ-nghệ và nông-nghiệp chưa đạt được trình-độ phát-triển cần-thiết để thoả-mãn một cách đầy đủ tất cả những nhu-cầu của mọi người. Trong truờng-hợp đó, người ta không thể để cho ai muốn lấy món gì thì lấy. (Chế-độ xã-hội chỉ có thể phân-phối vật-sản theo sức làm của từng người. Ai làm nhiều thì hưởng nhiều, ai làm ít thì hưởng ít, ai không làm gì thì không được hưởng gì cả). Vậy chế-độ xã-hội áp-dụng hai nguyên-tắc : «ai không làm gì thì không được hưởng»,và «làm bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu».

Mặt khác, con người vừa thoát khỏi chế-độ tư-bản, chưa gột rửa được hết các tập-quán, tâm-tánh hủ-bại nên chưa đủ giác-ngộ để phụng-sự xã-hội một cách đàng-hoàng.

Vì đó, một kỷ-luật sắt hãy còn cần-thiết để bắt mọi người làm việc để tổ-chức phân-phối vật-phẩm. Đó sẽ là giai-đoạn vô-sản chuyên-chánh. Trong thời-kỳ này,bộ máy chánh-quyền hãy còn tồn-tại, và ta không thể nói đến vấn-đề tự-do được.

2°) GIAI-ĐOẠN CỘNG-SẢN.

Chế-độ xã-hội vốn hãy còn chứa đựng sự bất-bình-đẳng vì làm việc có người giỏi, có người dở, người khôn, người ngu; nếu để cho người hưởng thụ theo kết-quả công việc làm thì tất nhiên phải có người hưởng nhiều, người hưởng ít. Tuy-nhiên, sự bất-bình-đẳng này không phải được duy-trì mãi mãi.

Dưới chánh-quyền vô-sản, nền kỹ-thuật sẽ nhờ sức cố gắng chung mà tiến-bộ nhanh chóng, kỹ-nghệ và nông-nghiệp phát-triển một cách mạnh mẽ. Sự sản-xuất sẽ hết sức dồi dào, có thể thỏa-mãn sự cần dùng của tất cả mọi người.

Một mặt khác, các giai-cấp bóc lột cũ lần lượt bị đánh tan, những tâm-lý gian xảo tư riêng cũng bị hủy-diệt. Người sẽ tìm lại được bản-chất mình, và gột rửa hết các vết tích do chế-độ tư-bản gây ra trong tâm-hồn mình.

Đến trình-độ ấy, người sẽ tự-nhiên làm việc một cách thích-thú, không đợi ai bắt buộc. Nhờ sản-phẩm dồi dào, xã-hội có thể áp-dụng nguyên-tắc «các tận sở năng, các thủ sở nhu» nghĩa là làm lụng tùy sức lực, ăn tiêu tùy sự cần dùng.

Chừng đó, người sẽ sống một cuộc đời đầy đủ và sung sướng. Mọi sự phân-biệt,ngay đến sự phân-biệt do sự bất-đồng năng-lực gây ra đều không còn nữa.

Lúc ấy, quốc-gia có thể bị tiêu-diệt, mọi cuộc xung-đột giữa cá-nhơn và đoàn-thể đều chấm dứt và sự tự-do, bình-đẳng sẽ xuất-hiện trong sự phong-phú. Thế-giới sẽ được hòa-bình và nhơn-loại sẽ buớc vào một kỷ-nguyên mới trong lịch-sử, một kỷ-nguyên tươi đẹp và hạnh-phúc vô-cùng.

III.- SỰ THỰC-HÀNH LÝ-THUYẾT XÃ-HỘI DUY-VẬT KARL MARX : NHỮNG CHỦ-NGHĨA XÃ -HỘI, CỘNG-SẢN ĐỆ TAM VÀ ĐỆ TỨ QUỐC-TẾ.

A. SỰ HOẠT-ĐỘNG CỦA KARL MARX VÀ MÔN-ĐỒ.

Dựa vào những thuyết trên này, môn-đồ Karl Marx kích-thích những người lao-động. Chúng bảo họ rằng họ là những người bị bóc lột, phải họp nhau lại thành giai-cấp chiến-đấu cho quyền-lợi mình, phải nắm tay với những người đồng giai-cấp với mình trên thế-giới để đánh đổ giai-cấp tư-bản,thi-hành chế-độ vô-sản chuyên-chánh, để củng-cố sự thắng-lợi của giai-cấp mình, rồi tổ-chức sự sản-xuất trên thế-giới theo chế-độ cộng-sản. Chúng lại bảo rằng khi chế-độ cộng-sản được thi-hành rồi, người ta sẽ không còn phân-biệt quốc-gia chủng-tộc, cũng không còn phân-biệt giai-cấp nữa. Sự tranh-đấu giữa người với người sẽ chấm dứt và hòa-bình hạnh-phúc sẽ xuất-hiện trên thế-giới.

Lý-thuyết xã-hội duy-vật của Marx đưa ra nhằm lúc người ta khổ sở vì sự bóc lột của nhóm tư-bản. Lý-luận của nó có vẻ chặt chẽ và khoa-học nên được số đông trí-thức và thợ thuyền hưởng-ứng. Marx,Engels và các đồng-chí bèn hô-hào họp hết thảy đại-biểu của lao-động các nước để mưu cách hành-động chung. Năm 1864, Đệ nhứt Quốc-Tế thành-lập và năm đó, bắt đầu cuộc tranh-thắng của thuyết Marx đối với các thuyết xã-hội duy-tâm.

Năm 1871,liền sau khi trận chiến-tranh Pháp-Phổ chấm dứt, thợ thuyền Pháp – lực-lượng chánh-yếu của Đệ Nhứt Quốc-Tế – nổi lên chống chánh-phủ mình và lập nên Paris công-xã. Nhưng họ bị chánh-phủ Thiers đánh bại và đàn-áp thẳng tay. Sự thất-bại này làm cho sức mạnh của phái lao-động rời rã, Đệ Nhứt Quốc-Tế tan.

Nhung lần lần, dân lao-động lại phục-hưng được lực-lượng đã mất. Đến năm 1889, có một cuộc hội-nghị lớn của các phái lao-động theo chủ-nghĩa xã-hội. Đó là Đệ Nhị Quốc-Tế , Quốc-Tế của các đảng xã-hội theo lý-thuyết Karl Marx đồng lòng đi vào con đường giai-cấp tranh-đấu, nhưng trong vòng pháp-luật và theo một đường lối hành-động từ-tốn và dè dặt cho đến lúc đủ sức đánh đổ chế-độ tư-bản.

Đến khi trận Âu-chiến 1914-18 xảy ra, sự chia rẽ bắt đầu nảy sanh trong khối Đệ Nhị Quốc-Tế, khi hội-nghị bàn đến vấn-đề đối-phó với chiến-tranh. Đa số tán-thành thuyết lao-động mỗi nước có quyền binh-vực Tổ-quốc mình. Sự chia rẽ này lần lần trở nên rõ rệt hơn, rồi sai khi đảng cộng-sản chiếm-đoạt được chánh-quyền ở Nga, đảng ấy hô-hào lao-động thế-giới bỏ Đệ Nhị Quốc-Tế nghĩa là bỏ đảng Xã-Hội để gia-nhập vào Đệ-Tam Quốc-Tế nghĩa là Quốc-tế của đảng Cộng-Sản. Năm ấy là năm 1919. Vậy, Đệ-Tam Quốc-Tế là hội-nghị của hết thảy đảng Cộng-Sản các nước cũng như Đệ Nhị Quốc-Tế là hội-nghị của các đảng Xã-Hội trên thế-giới.

Đệ-Tam Quốc-Tế ra đời không bao lâu thì ngay trong bọn lãnh-tụ đảng Cộng-sản Nga lại xảy ra nhiều việc bất-đồng ý-kiến. Từ khi Lénine mất đi, sự chia rẽ càng rõ rệt, một bên là phái Staline, một bên là phái Trotsky. Bên trong nước Nga, phái Staline thắng,Trotsky bị đuổi ra nước ngoài. Nhưng Trotsky vẫn không ngừng hoạt-động để binh-vực thuyết của mình, và đến năm 1936, ông mời các đồng chí họp thành hội-nghị để định phương-châm hành-động chung. Đệ Tứ Quốc-tế sanh ra từ đó.

Sau trận thế-chiến thứ nhì, Đệ-Tam Quốc-Tế lại trải qua một cuộc khủng-hoảng trầm-trọng với sự ly-khai của Tito và việc Trung-cộng đương đầu lại Nga-Sô.

B. CÁC CHI-PHÁI CHÁNH-TRỊ THEO LÝ-THUYẾT XÃ-HỘI DUY-VẬT KARL MARX

Hiện giờ,những người theo lý-thuyết xã-hội duy-vật Karl Marx phân ra làm bốn nhóm khác nhau : đảng Xã-Hội là nhóm của Đệ Nhị Quốc-Tế còn sót lại, theo chủ nghĩa xã-hội, đảng cộng-sản Đệ-Tam Quốc-Tế theo chủ-nghĩa cộng-sản Staline, đảng cộng-sản Đệ Tứ Quốc-Tế theo chủ-nghĩa cộng-sản Trotsky và nhóm Tito không thuộc hệ phái nào. Ngoài ra, trong Đệ-Tam Quốc-Tế, Trung-cộng không thuận với Nga-Sô và đang dự trù thành-lập Đệ Ngũ Quốc-tế. Những đảng này cùng một gốc mà ra, nhưng lại xung-đột nhau một cách mãnh-liệt. Muốn thấy rõ nguyên-nhơn bất-hòa của họ,tưởng không có gì bằng tìm hiểu những chỗ phân-biệt giữa những chủ-trương của họ.

1). SỰ PHAN-BIỆT GIỮA HAI ĐẢNG XÃ-HỘI VÀ CỘNG-SẢN.

Hai đảng xã-hội và cộng-sản đều đặt nền tảng trên lý-thuyết xã-hội duy-vật của Karl Marx. Cả hai đều cho rằng chế-độ sản-xuất đương-hành không còn thích-hợp với chế-độ tài-sản hiện-hữu nữa, chỉ có sự thay đổi chế-độ tài-sản mới đem lại sự điều-hòa trong xã-hội, và cả hai đều tuyên-bố rằng : muốn đi đến sự thay đổi này, tất cả giai-cấp lao-động trên thế-giới cần phải hợp-lực nhau lại để tranh-đấu chung nhau.

Nhưng theo đảng Xã-Hội, cách-mạng có nghĩa là cách-mạng về xã-hội. Đảng Xã-Hội tin rằng muốn thay đổi xã-hội, người ta không thể chỉ dựa vào những cải-cách từ-tốn và liên-tiếp. Một ngày kia, lúc xã-hội được cải-cách nhiều rồi thì phải có một cuộc cách-mạng thay đổi hẳn những nguyên-tắc căn-bản của xã-hội ấy. Từ chế-độ tư-bản hiện-hành đến chế-độ sung-công của chủ-nghĩa xã-hội, thế nào cũng có một lúc người ta không thể cải-cách một cách mơn man được nữa. Sự tiến-hóa từ-tốn lúc đầu đến lúc đó sẽ ngừng lại, để chỗ cho cuộc cách-mạng. Vậy theo đảng Xã-Hội, muốn cho sự thay đổi xã-hội được hoàn-hảo, cần phải có một cuộc cách-mạng về chánh-trị.

Nhưng cuộc cách-mạng chánh-trị, cuộc chiếm-đoạt chánh-quyền, nếu chỉ có thế thì không sao đủ được. Những cuộc cách-mạng chánh-trị vội vàng, chưa hợp với trình-độ dân-chúng không thể có kết-quả tốt. Nó chỉ có kết-quả tốt khi nào nó đưa ngay đến cuộc cách-mạng xã-hội. Mà muốn được như thế, trước khi gây cuộc cách-mạng, người ta phải lo dự-bị, chỉnh-đốn sẵn trí não mọi người.

Đảng Xã-Hội cho rằng trước hết, phải tuyên-truyền cho mọi người biết chế-độ tập-sản là hợp với lẽ phải, với trật-tự, với sự bình-đẳng, với sự tự-do. Khi mọi người đều công-nhận thế rồi, ta mới có thể đem chế-độ tập-sản thay vào chế-độ tài-sản hiện-hành được.

Đảng Xã-Hội cũng cho rằng muốn tổ-chức được xã-hội mới, người ta phải xếp đặt và khuếch-trương những cơ-quan lao-động hiện có trong chế-độ tư-bản, và huấn-luyện kỹ-càng giai-cấp vô-sản. Nếu quần-chúng không hiểu rõ chế-độ xã-hội tập-sản, nếu những nền tảng của chế-độ tập-sản không được chuẩn-bị một cách rộng rãi, vững vàng thì dầu cho người ta có tuyên-hành hàng ngàn đạo luật để thay đổi xã-hội, xã-hội cũng vẫn không thay đổi được.

Đảng Cộng-Sản thì cho rằng điều cốt-yếu là cuộc cách-mạng về chánh-trị. Theo họ ,dân lao-động phải đem hết sanh-lực, tinh-thần ra phấn-đấu để đoạt lấy chánh-quyền rồi mới mong cải-tạo xã-hội được. Những công cuộc cải-cách nhỏ trong xã-hội tư-bản chỉ là những sợi dây trói buộc một cách khôn khéo giai-cấp lao-động trong chế-độ hiện-hành, vì nó ru ngủ quần-chúng lao-động, làm cho họ mất tinh-thần chiến-đấu đi. Vì thế, đối với những công cuộc cải-cách xã-hội, ngay đến những cải-cách có lợi cho giai-cấp lao-động, đảng cộng-sản cũng giữ thái-độ thờ ơ, nếu không bài-xích hẳn.

Đảng cộng-sản cho rằng muốn thành-công, phải huấn-luyện một số chiến-sĩ trong giai-cấp lao-động rồi dùng họ mà chiếm-đoạt chánh-quyền. Chiếm được chánh-quyền rồi, đảng Cộng-sản mới phá hủy chế-độ tư-bản hiện-hành, lập nên xã-hội mới. Lúc ấy, giai-cấp lao-động sẽ giữ lấy quyền độc-tài trong xã-hội để trừ phá sự chống-cự của giai-cấp tư-bản bằng đủ mọi cách, rồi liên-lạc với quần-chúng công, nông để tổ-chức một xã-hội mới trong đó không còn giai-cấp nữa.

Theo những người cộng-sản, nếu không làm như thế, thì sự chiến-đấu sẽ đưa giai-cấp lao-động đến chỗ bại-vong. Nếu chỉ lập thành-chánh-đảng, rồi cố đạt chánh-quyền trong vòng pháp-luật của tư-bản thì không sao tránh khỏi cái kết-quả chán nản kia được, vì giai-cấp tư-bản sẽ chống lại một cách mãnh-liệt, mà chống lại một cách dễ thắng, bởi lẽ họ có tiền-tài, có tổ-chức, có pháp-luật về phe họ.

Như thế, hai đảng Xã-Hội và Cộng-Sản khác nhau về ý-tưởng và hình-thức của sự tranh-đấu giai-cấp. Đảng Xã-Hội thì muốn dự-bị cải-cách sẵn sàng trong chế-độ tư-bản ,rồi đến lúc chín chắn mới nổi lên làm cách-mạng. Đảng Cộng-Sản, trái lại, muốn cách-mạng trước rồi mới cải-cách sau.

Vì hai chủ-trương khác nhau như thế nên hành-vi của hai đảng cũng khác nhau. Một đảng-viên Xã-Hội thì mong đòi được những cuộc cải-cách có lợi cho thợ thuyền và thay đổi xã-hội từ từ. Một đảng-viên Cộng-Sản, trái lại, phải quả-quyết, hăng hái phục mạng-lịnh của đảng và lúc nào cũng phải sẵn sàng để chiếm-đoạt chánh-quyền.

Đảng xã-hội thì yêu-chuông hòa-bình vì chiến-tranh làm cho những cuộc cải-cách chậm lại. Đảng cộng-sản thì lại thiên về chiến-tranh vì chiến-tranh là cơ-hội thuận-tiện cho đảng để đoạt lấy chánh-quyền.

Về những cuộc kinh-tế khủng-hoảng cũng thế: đảng xã-hội cố tránh nó và tìm cách làm cho giai-cấp lao-động ít thiệt thòi, đảng cộng-sản thì mong có những cuộc khủng-hoảng để cho quần-chúng khổ-cực, phẫn-uất,làm cho cuộc cách-mạng chánh-trị của đảng cộng-sản nhơn đó mà thực-hiện được.

2) SỰ PHÂN-BIỆT GIỮA ĐẢNG CỘNG-SẢN ĐỆ-TAM VÀ ĐẢNG CỘNG-SẢN ĐỆ-TỨ QUỐC-TẾ.

Chúng ta đã thấy rõ đảng Xã-hội và đảng Cộng-sản khác nhau như thế nào. Giờ ta hãy xem hai đảng Cộng-sản Đệ-tam và Đệ-tứ phân-biệt nhau làm sao.

Cả hai đảng Cộng-sản Đệ-tam và Đệ-tứ vẫn cùng chung một mục-đích như nhau. Mục-đích ấy là huấn-luyện một số đảng-viên chiến-sĩ để đeo duổi trận chiến-tranh giai-cấp, chiếm-đoạt chánh -quyền rồi đặt nền độc-tài của đảng để tổ-chức xã-hội thành một xã-hội cộng-sản.

Thế nào là một xã-hội cộng-sản ? Như ta đã thấy trên đây,cứ theo những môn-đồ Karl Marx, lúc giai-cấp đã bị tiêu-diệt, sự tranh-đấu giai-cấp sẽ không còn nữa, người ta sẽ được hoàn-toàn tự-do cộng-tác với nhau, không cần đến một cơ-quan bó buộc nào nữa. Chánh-phủ sẽ dùng máy móc để sản-xuất thật nhiều những món cần dùng cho nhơn-loại.

Chừng ấy, sự làm việc không phải là một sự bó buộc nữa, mà không bó buộc, kết-quả lại càng tốt đẹp. Sản-phẩm có được nhiều, nhiều hơn sức tiêu-thụ của thế-giới thì ai muốn dùng bao nhiêu cũng được. Tiền bạc sẽ không cần nữa, vì mọi người chỉ đến các sở công lấy những món cần dùng về mà xài. Tuy vậy, người ta không còn sợ người này lấy nhiều quá, không nhường cho người khác, vì lấy quá nhiều cũng không dùng làm gì được.
Nói tóm lại, trong xã-hội cộng-sản, người ta sản-xuất theo năng-lực mình và tiêu-thụ theo sự nhu-cầu mình.

Nhưng trước khi đến trình độ hoàn-toàn ấy, xã-hội còn phải qua một thời-kỳ dự-bị. Đó là thời-kỳ xã-hội. Lực-lượng sản-xuất chưa được hoàn-hảo, các đồ dùng chưa đủ cung-ứng cho nhơn-loại thì người chưa thể thi-hành việc ai lấy bao nhiêu cũng được. Lúc đó, cần phải áp-dụng nguyên-tắc : mỗi người tiêu-thụ theo sức sản-xuất của mình. Ai không làm gì thì cố-nhiên không được tiêu-phí cái gì. Như thế, sự bất-bình-đẳng vẫn còn, vì làm việc có người khỏe, người yếu, người thông-minh, người đần độn, và theo lẽ tự-nhiên, có người được dùng nhiều, có người được dùng ít hơn. Sự bất-bình-đẳng này sẽ tiêu-diệt lúc xã-hội đi đến trình-độ cộng-sản.

Theo đảng Cộng-sản Đệ-tam, Liên-bang Sô-viết chưa đến trình-độ cộng-sản nhưng đã đến trình-độ xã-hội rồi. Những đồ dùng sản-xuất đã sung-công hết và Liên-bang Sô-viết đương dọn đường để đi đến một xã-hội cộng-đồng. Muốn đạt kết-quả ấy, cần phải thi-hành-chánh-sách độc-tài của đảng. Như thế, đảng Cộng-sản Đệ-tam tin rằng riêng ở Liên-bang Sô-viết,người ta cũng có thể lập thành một xã-hội theo chủ-nghĩa cộng-sản.

Tin tưởng đó dựa vào một thuyết của Staline. Theo ông này, chế-độ tư-bản tiến-hóa nhanh hay chậm tùy xứ. Có xứ tiến-bộ rất mau, có xứ tiến chậm và có khi lùi nữa. Trong sự tiến-hóa này, ta có thể xem chế-độ tư-bản như là một sợi xiềng có mắc chắc,có mắc mỏng mảnh. Cuộc cách-mạng của giai-cấp lao-động có thể làm đứt dây xiềng ở mắc mỏng mảnh. Nước Nga – tức Liên-bang Sô-viết – là một nước chậm tiến theo chủ-nghĩa tư-bản, nhưng nền kinh-tế nó cũng đủ để lập-thành một xã-hội cộng-đồng. Đảng Cộng-sản đã thắng-lợi ở nước ấy,và có thể thi-hành chủ-nghĩa mình ở nước ấy trước.

Nhóm Đệ-tứ xem tin-tưởng trên đây là một điều lầm-lạc lớn. Trong một nước, dân lao-động có thể nhứt thời phá-hủy quyền-thế của giai-cấp tư-bản. Nhưng muốn cho chủ-nghĩa xã-hội thắng-lợi, cần phải nhờ các giới lao-động ở những nước tiên-tiến hợp-lực vào. Lập xã-hội cộng -sản trong một nước, người ta chỉ có thể đem sự nghèo khổ chung đến cho dân nước ấy. Mà đã có sự nghèo khổ chung thì thế nào cũng có sự tranh giành, sự tranh giành này sẽ đưa người trở lại chế-độ tư-bản cũ.

Nước Nga, một nước công-nghệ còn kém hèn, đứng ở giữa những nước công-nghệ phát-đạt hơn, lại càng dễ bị nạn ấy nữa. Ở Nga, ngoài sự chi-tiêu quá nhiều về việc quân-nhung, người ta thấy việc nâng cao đời sống dân-chúng rất chậm chạp.

Sau nữa, một nạn mới, nạn thơ-lại đã xuất-hiện, làm cho chế-độ xã-hội khó thực-hành. Vì phẩm-vật sản-xuất chưa đầy đủ để cung-ứng cho toàn-dân, nên một số ít người được huởng nhiều quyền-lợi và không muốn bỏ quyền-lợi ấy. Họ cố giữ lấy chánh-quyền để tự bảo-vệ quyền-lợi riêng của họ. Những người được hưởng quyền-lợi trên đây vốn có nhiều thế-lực nên nạn thơ-lại sẽ cứ kéo dài mãi cho đến khi có một cuộc cách-mạng đảo-chánh hay đến khi xã-hội quay trở về chế-độ tư-bản.

3. XU-HƯỚNG TITO VÀ SỰ XUNG-ĐỘT GIỮA NGA-SÔ VÀ TRUNG-CỘNG.

Sau trận thế-chiến thứ hai, đảng Cộng-sản Đệ-tam Quốc-tế bành-trướng thế-lực rất nhanh, nhờ chiếm-cứ được các nước Trung-Âu và thành-công trong việc cướp chánh-quyền ở Trung-Quốc. Nhưng sự phát-triển mau lẹ này đã đưa họ đến một cuộc khủng-hoảng trầm-trọng.

Trước hết, lãnh-tụ Cộng-sản Đệ-Tam ở Nam-tư là Tito ly khai với khối Cộng-sản Đệ-Tam do Staline lãnh-đạo. Tito sở-dĩ xung-đột với Staline là vì sau khi giúp các đảng cộng-sản Trung-Âu nắm được chánh-quyền, chánh-phủ Liên-bang Sô-viết đã thi-hành một chánh-sách rất khắc-nghiệt đối với họ. Chẳng những nắm giữ quyền sanh sát đối với lãnh-tụ của những đảng ấy, Staline lại còn thi-hành một chánh-sách kinh-tế lợi riêng cho Nga mà rất thiệt thòi cho các dân-tộc Trung-Âu.

Lãnh-tụ cộng-sản ở các nước chư-hầu nhờ Nga mà nắm được chánh-quyền nên phải tuyệt-đối phục-tùng Staline. Riêng Tito đã tự đứng ra kháng-chiến chống Đức và nhờ sức mình mà nắm được chánh-quyền nên có đủ điều-kiện để phản-kháng lại. Ông ta đã công-khai chống Staline và bị loại ra khỏi hàng-ngũ Đệ-tam Quốc-Tế.

Để biện-minh cho sự ly khai của mình, Tito chỉ-trích đường lối của đảng Cộng-sản Đệ-Tam. Theo ông ta, chế-độ thi-hành ở Nga đã đi xa lý-tưởng Cộng-sản vì nạn thơ-lại. Bọn công-chức của đảng Cộng-sản Nga đã lạm-dụng quyền-thế mình để bóc lột thơ thuyền và an-hưởng giàu sang. Lời Tito chỉ-trích đảng Cộng-sản Đệ-tam theo phe Staline phần nào có giống nhóm Đệ Tứ Quốc-Tế. Nhưng về mặt đối-ngoại,chánh-sách Tito thi-hành ở Nam-tư lại có tánh-cách quốc-gia. Về mặt kinh-tế, Tito đã áp-dụng nguyên-tắc phân-quyền rộng rãi và giao cho thợ thuyền một quyền-hạn khá lớn trong việc quản-trị các xí-nghiệp.

Sau Tito, lại đến Trung-cộng chống lại đảng cộng-sản Nga. Sự xung-đột của hai bên có nhiều lý-do phức-tạp. Nhưng chánh-thức hai bên đối chọi nhau về thái-độ cần phải có đối với khối tư-bản. Các nhà lãnh-tụ Nga-Sô cho rằng với những khí-giới nguyên-tử hiện-có trên thế-giới, một trận chiến-tranh giữa Nga và Mỹ sẽ tận-diệt cả nhân-loại. Do đó, họ chủ-trương chung sống hòa-bình với khối Mỹ. Trung-cộng buộc những nhà lãnh-đạo Nga-Sô hiện-tại vào tội phản-bội lý-tưởng tranh-đấu giai-cấp của Cộng-Sản và đầu hàng tư-bản. Tuy chưa đứng ra lập Đệ Ngũ Quốc-Tế như nhiều nguời nói, Trung-cộng cũng hết sức đả-phá Nga-Sô và cố lôi về phe mình các đảng Cộng-sản cac nước nhược-tiểu, làm cho khối cộng-sản Đệ-tam Quốc-Tế đương trải qua một cuộc khủng-hoảng ngày nay vẫn chưa giải-quyết xong.

IV.- NHỮNG NHƯỢC-ĐIỂM CỦA LÝ-THUYẾT XÃ-HỘI DUY-VẬT.

Xã-hội tư-bản thành-lập với nền đại-kỹ-nghệ ở các nước Âu-Châu so với xã-hội phong-kiến cũ đã có tiến-bộ nhiều. Nhưng nó hãy còn chứa đựng nhiều nỗi bất-công. Sự tự-do cạnh-tranh trong sự sản-xuất kinh-tế không những gây ra những cuộc khủng-hoảng trầm-trọng làm xáo-trộn đời sống công-cộng mà lại còn đưa đến sự thiết-lập một chế-độ bóc lột hết sức tàn nhẫn. Một thiểu-số người bị gọi là nhà tư-bản đã lợi dụng đươc những quyền-thế tài-sản của mình để bắt một số đông người khác làm tôi mọi cho mình.

Tình-trạng khốn-khổ của những người lao-động đã gây ra một sự công-phẫn mãnh-liệt của nhiều nhà tư-tưởng. Sự cố gắng của họ để giải-quyết vấn-đề đã đưa ra nhiều lý-thuyết khác nhau cùng mạng-danh là lý-thuyết xã-hội.

Trong tất cả những nhà tư-tưởng này, chỉ có Karl Marx và Engels là nổi danh hơn cả. Họ là những người đầu tiên đã nghĩ đến việc tạo ra một lý-thuyết chánh-trị khoa-học, và hệ-thống suy-luận của họ hết sức chặt chẽ lại bao gồm cả đời sống xã-hội, cả sự sanh-hoạt của con người. Nhờ đó, lý-thuyết của họ đã trở thành một một dụng-cụ tranh-đấu hết sức sắc bén. Nhờ đó, những chiến-sĩ xã-hội và cộng-sản mới bành-trướng được thế-lực mình và gây ra nên những cuộc xáo trộn chưa từng thấy trong lịch-sử loài người.

Tuy thế, lý-thuyết xã-hội duy-vật Karl Marx không phải là hoàn-toàn đúng-đắn. Dụng-ý của Karl Marx và Engels là tạo ra một chủ-nghĩa tranh-đấu cho giai-cấp vô-sản chớ không phải là tìm hiểu sự thật. Vì đó, mặc dầu nền triết-học của họ có chỗ khả-thủ, nó vẫn chứa đựng những sự sai lầm và mâu-thuẫn lẫn nhau. Muốn tránh khỏi những di-độc của cái lý-thuyết hấp-dẫn này, ta cần phải bình tâm suy-nghĩ và nhận rõ những khuyết-điểm của nó.

A. NHỮNG KHUYẾT-ĐIỂM CỦA LÝ-THUYẾT XÃ-HỘI DUY-VẬT VỀ PHƯƠNG-DIỆN LÝ-THUYẾT.

1) THUYẾT DUY-VẬT BIỆN-CHỨNG VÀ DUY-VẬT SỬ-QUAN.
a) THUYẾT DUY-VẬT

Cuộc tranh-luận giữa hai phái duy-vật và duy-tâm hiện-giờ có một tánh-cách khác hẳn cuộc tranh-luận thời Karl Marx nêu ra lý-thuyết ông. Vì thật ra, ngày nay, không ai có thể nghĩ đến việc phủ-nhận vật-chất hay tinh-thần. Dầu mang danh-hiệu gì chăng nữa, những triết –gia của thế-kỷ thứ 20 cũng đều công-nhận rằng vật-chất và tinh-thần đều là những cái có ảnh-hưởng qua lại với nhau. Tuy-nhiên, người ta hãy còn bất-đồng ý-kiến nhau về nhiều điểm.

Vấn-đề quan-trọng nhứt làm đề-mục cho sự bàn-cãi hiện giờ là vấn -đề có Trời hay không có Trời. Trong khi nghiên-cứu về các tôn-giáo, chúng ta đã có xét qua vấn-đề này và nhận thấy rằng loài người không thể giải-quyết được nó bằng khoa-học. Trong lãnh-vực siêu-hình, tín-ngưỡng đóng vai tuồng quan-trọng hơn lý-trí và cái chơn-lý tuyệt-đối mà cả hai bên duy-tâm và duy-vật đều muốn đạt được luôn luôn chỉ là một thành-kiến tiên-nghiệm.

Việc nhận có Trời hay không có Trời đã đưa các học-giả đến chủ-trương siêu-việt hay chủ-trương nội-tại. Marx là người theo chủ-trương nội-tại. Ông cho rằng người bị khép vào vật- chất và trong người, không có gì khác ngoài thế-giới vật-chất cả. Do đó, người không thể có một tác-động đặc-biệt của mình, chỉ có thể tác-động để phản-ứng lại những ảnh-hưởng của thiên-nhiên mà thôi.

Nhưng nếu người bị khép vào thế-giới vật-chất và trong người không yếu-tố gì ngoài thế-giới vật-chất, tại sao người lại có thể tách ra khỏi thiên-nhiên để cho tấn-tuồng tác-động và phản-ứng giữa người và thiên-nhiên có thể diễn ra được ? Nếu ta theo chủ-trương duy-vật,ta phải xem người như là một phần-tử của thiên-nhiên và hợp với thiên-nhiên làm một khối không thể phân-biệt nhau được.

Nhận chân sự quan-trọng của người, cho rằng người có thể đóng một vai tuồng đặc-biệt trong thiên-nhiên, tức là phân-biệt người với thiên-nhiên, và một phần nào, lấy người làm đối-lập với thiên-nhiên. Đó là một thái-độ không nhiều thì ít đã có tánh-cách siêu-hình.

Thái-độ này, những người duy-tâm có quyền chấp-nhận vì họ chủ-trương rằng người do một quyền-hạn cao hơn thiên-nhiên sanh ra, và trong người có một yếu-tố đặc-biệt ngoài thế-giới vật-chất, thành ra người không những có thể phản-ứng lại thiên-nhiên, mà lại còn có thể tác-động trên thiên-nhiên được. Trái lại,những người duy-vật mà chấp-nhận nó thì tự mâu-thuẫn với mình.

Ngoài ra vấn-đề Trời, người ta lại còn tranh-cãi nhau về địa-vị của vật-chất so với tinh-thần. Những nhà duy-vật tự-nhiên lấy vật-chất làm quan-trọng hơn cả. Theo họ,vật-chất có trước tinh-thần nên chi-phối và điều-khiển cả đời sống tinh-thần.

Nhưng thật ra, có phải là vật-chất xuất-hiện trước tinh-thần hay không. Nếu ta hiểu tinh-thần theo nghĩa hẹp của nó là một khả-năng đặc-biệt của người, ta có thể nhận rằng vật-chất có trước tinh-thần. Nhưng người ta có thể hiểu tinh-thần theo một nghĩa rộng hơn và xem nó là một nguyên-lý vô-hình thấm-nhuần vạn-vật. Trong trường-hợp đó,người ta vẫn có thể xem tinh-thần cùng với vật-chất đều vô-thủy vô-chung, không cái nào có trước cái nào cả. Hay nói cho đúng hơn, vật-chất và tinh-thần chỉ là hai phương-diện, hai trạng-thái khác nhau của một thực-tại duy-nhứt là võ-trụ mà thôi.

Đứng riêng về phương-diện con người mà nói, dầu cho ta có công-nhận rằng vật-chất có trước tinh-thần và ảnh-hưởng nhiều đến tinh-thần người, ta cũng không nên quên rằng sự suy-luận làmột sự-kiện có tính-cách tinh-thần hơn là vật-chất. Do đó, đối với loài người, một giống biết suy-luận và lúc nào cũng suy-luận, tinh- thần dầu cho có bị sự chi-phối của vật-chất, dầu chỉ là sản-phẩm của một cơ-quan vật-chất, cũng vẫn quan-trọng hơn vật-chất.

Thật ra, chính tinh-thần đã phân-biệt người với thú. Nhóm Karl Marx có lúc đã cho rằng người với thú phân-biệt nhau không phải ở chỗ người có tinh-thần, mà ở chỗ người biết sản-xuất những món đồ mình cần dùng. Đối với Karl Marx và môn-đồ, sự phân-biệt này dựa vào vật-chất và có tánh-cách vật-chất. Nhưng, xét cho thật kỹ, khả-năng sản-xuất những món cần dùng của người do đâu mà ra, nếu không phải do sự tính-toán suy-luận, tức là tinh-thần của người ?

Ngoài ra, ta lại nhận thấy rằng lòng tin tưởng nơi một lực-lương siêu-hình điều-khiển võ-trụ đã đóng và còn đóng một vai tuồng quan-trọng trong việc giữ cho người đi trên con đường đạo-đức. Nhóm duy-vật vốn xem người là một khối vật-chất, chỉ do một kết-cấu đặc-biệt của cơ-thể mà có tư-tưởng, có tinh-thần, nên không có lý-do gì mà tôn-trọng sanh-mạng phẩm-cách người khác. Họ chỉ nghĩ đến việc thoả-mãn những ham muốn của họ và sống buông lung theo thú-tánh. Bởi đó, họ có thể hết sức tàn-nhẫn đối với người khác, ngay cả với những kẻ đồng tâm-chí với họ.

Như vậy, nếu với tư-cách là một giả-thuyết để khảo-cứu, thuyết duy-vật có hơn thuyết duy-tâm, với tư-cách là một thái-độ triết-lý đưa đến một chủ-trương chánh-trị, thuyết duy-vật lại hại cho nhơn-loại hơn là thuyết duy-tâm.

b) THUYẾT DUY-VẬT BIỆN-CHỨNG.

Về thuyết duy-vật biện-chứng, ta có thể bảo rằng khi tuyên-bố biện-chứng-pháp của Hegel là một biện-chứng-pháp duy-tâm dộng đầu xuống đất và mình đã dựng nó đứng dậy bằng cách biến nó ra duy-vật, Karl Marx đã đại-ngôn một cách rất ngây-thơ. Vì biện-chứng-pháp thật ra chỉ là một phương-pháp suy-luận, một kỹ-thuật tư-tưởng và không thể duy-tâm hay duy-vật gì cả. Nhà học-giả duy-vật cũng như nhà học-giả duy-tâm đều có thể dùng đến nó, và khi cho rằng biện-chứng-pháp là một khí-cụ đặc-biệt của mình, Karl Marx và môn-đồ đã cố-ý hay vô-tình đi xa sự thật.

Thêm nữa, khi đứng vào một lập-trường duy-vật hẹp hòi, thiên-vị, họ lại còn giảm-thiểu khả-năng của biện-chứng-pháp trong việc giúp người hiểu biết sự vật quanh mình.

Sau hết,trong việc áp-dụng những luật biện-chứng do Hegel nêu ra, họ còn phạm vào nhiều chỗ sai lầm rất lớn. Sự khảo-sát những nguyên-tắc biện-chứng-pháp do họ trình bày sẽ giúp ta nhận rõ những chỗ sai lầm này.

1° SỰ TÁC-ĐỘNG LẪN NHAU

Những nhà biện chứng duy-vật cho rằng muốn hiểu rõ một hiện-tượng, ta cần phải đặt nó vào khung cảnh của nó và nghiên-cứu sự tác-động của toàn-thể đối với nó cũng như những phản-ứng của nó đối với toàn-thể.
Điều này không ai có thể chối cãi được. Những tư-tưởng của người vốn rất phức-tạp, nó không bao giờ hoàn-toàn biệt-lập nhau hay theo trật-tự rõ ràng. Nó xuất-hiện thành nhóm trộn lộn nhau, quay cuồng với nhau, nương tựa nhau, và đồng-thời chịu sự chi-phối của đời sống sanh-lý,của di-truyền.

Trong một đám rừng, ta cũng có thể thấy những lực phức-tạp trộn vào nhau như thế ; nào là cây cỏ, bụi bờ, nào là sâu bọ chim muông sống chung nhau và có ảnh-hưởng qua lại nhau. Ta không thể nào hiểu rõ sự sanh-hoạt của một yếu-tố trong đó nếu ta không nghiên-cứu sự tác-động và phản-động của nó đối với hoàn-cảnh.

Khi hoàn-cảnh thay đổi, ý-nghĩa một vật hay một hiện-tượng có thể thay đổi theo, lắm khi lại có ý-nghĩa ngược lại. Cái đầu tóc giả rất nghiêm-trang đáng kính của viên Đô-trưởng Luân-đôn mà đặt trên cái đầu trọc của một anh phu mỏ Nga thì tất-nhiên trở thành một trò cười.

Vậy, luật tác-động lẫn nhau của biện-chứng-pháp rất đúng. Song khi những nhà duy-vật biện-chứng bảo rằng « võ-trụ là một tổng-thể thống-nhứt, có mạch-lạc, trong đó những sự vật và hiện-tượng liên-quan nhau ngay trong bản-thể, tùy-thuộc nhau và chi-phối lẫn nhau » họ đã đi quá xa sự thật.Vì giá như có ai cắt cớ hỏi Marx hay Staline : « giữa một tảng đá với cái lá cây đang rụng, hoặc một anh mọi Phi-châu với một băng-sơn trên bắc-cực có mối liên-quan bản-thể gì ? » thì chắc chắn họ sẽ rất khó mà trả lời.

Thí-dụ trên đây chỉ cho ta thấy rõ rằng nếu trong võ-trụ ta có thể gặp những tổng-thể sự vật và hiện-tượng tùy-thuộc nhau một cách chặt chẽ thì cũng có những tổng-thể khác hoàn-toàn độc-lập đối với nhau. Lẽ cố-nhiên là giữa những trạng-thái cực-đoan này, có rất nhiều mực liên-thuộc khác nhau, liên-thuộc từ một phần trăm đến 99 phần trăm, liên-thuộc trực-tiếp và liên-thuộc gián-tiếp, liên-thuộc đơn-giản và liên-thuộc phức-tạp, kể không xiết được.

2° SỰ BIẾN ĐỔI TRONG SỰ VẬT.

Quan-niệm cho rằng trên đời, cái gì cũng biến đổi không ngừng, thật ra không phải riêng cho biện-chứng-pháp của Marx. Ta đã thấy rằng ông Heraclite đã nhận thấy sự biến-đổi này. Ông đã bảo rằng : « Người ta không thể tắm hai lần ở một con sông ». Khổng-tử cũng có một quan-niệm tương-tự khi trỏ dòng sông mà nói : « Nó cứ chảy mãi như thế ngày đêm không lúc nào ngừng»(thệ giả ư tư phù, bất xả chú dạ). Quan-niệm biến-đổi này có một ảnh-hưởng rất lớn đến vị thánh-sư của đạo Nho, nó là nền tảng khoa Dịch-học ông nêu ra. Vậy, về phương-diện này,những nhà biện-chứng duy-vật không đưa ra ý-tưởng gì mới lạ cả.

Phần mới lạ họ đem đến là sự biến-đổi nhứt-định đưa đến sự tiến-hóa. Rủi thay cho họ, cái ý mới lạ này lại là một ý sai lầm. Xét một cách khách-quan , sự chuyển-dịch của vật-chất chỉ là sự chuyển-dịch, thế thôi. Tự nó,vật-chất không có tiến hay thóai gì cả.

Khoa hóa-học hữu-cơ cho ta biết rằng vì mất lần dưỡng-khí (óc-xy), bột hóa thành đường, đường hóa thành rượu rồi lại hóa ra giấm,rồi giấm lại hóa ra thán-toan (a-xít các-bon). Sự biến-chất này thật ra không hàm-ý tiến hay thóai cả. Tiến hay thóai là đứng về phương-diện người mà nói, vì người có thể dựa vào một tiêu-chuẩn để so sánh những trạng-thái khác nhau của vật-chất đã thay đổi; tiêu-chuẩn này có thể là sự phức-tạp của bản-thể vật-chất ấy, hay là sự ích-lợi mà vật-chất ấy mang đến cho người.

Đứng về phương-diện người mà nói, sự chuyển-dịch của vật-chất có thể đưa đến những sự tiến nhưng cũng có thể đưa đến những chỗ thóai. Địa-cầu bây giờ được xem như tiến hơn ngày xưa vì những điều-kiện giúp vào sự sống con người hiện có được nhiều hơn. Nhưng một số nhà khoa-học cho rằng địa-cầu có thể già cỗi đi, và sẽ đến một lúc loài người không thể sống trên địa-cầu nữa.Chừng đó quả đất ta ở sẽ trở thành một hành-tinh không sanh-khí như mặt trăng hay như bao quả tinh-cầu khác trong võ-trụ.

Sau hết, sự chuyển-dịch cũng có thể đưa đến một thế quân-bình, một sự bất-động tương đối. Những sự vật bất-động chung quanh ta vẫn đặt dưới sự tác-động của những lực nội-tại khác nhau, nhưng chưa đi đến một sự thay đổi cho ta thấy là vì những lực ấy còn đang chế-ngự nhau, và lực họp-thành tạm-thời không hướng đến một hình-thể gì mới được.

Nói tóm lại, sự chuyển-dịch của vật-chất không hàm-ý tiến hay thóai cả. Sự tiến hay thóai là một ý-kiến chủ-quan của người.Mà đứng về phương-diện này, sự chuyển-dịch có thể đua đến chỗ tiến, nhưng có thể đưa đến chỗ thóai hay không đưa đến sự tiến-thóai gì cả. Khi cho rằng sự chuyển-dich của vật-chất nhứt-định đưa đến sự tiến-hóa, Marx chẳng những đã đi xa hơn sự thật, mà lại còn đem vào trong tư-tưởng ông một yếu-tố siêu-hình, thứ yếu-tố mà ông rất thù ghét vì nó nghịch với chủ-trương duy-vật của ông.

3.- SỰ THAY ĐỔI TỪ LƯỢNG SANG PHẨM.

Theo những nhà biện-chứng duy-vật, sự hoạt-động và trở thành vật-chất không phải qui về một tiến-hóa vòng tròn, vì trong sự trở thành, đến một lúc, sự thay đổi về lượng đưa đến một sự thay đổi về phẩm.

Quả thật, trong võ-trụ, ta thường gặp những cuộc khủng-hoảng trong sự thay đổi. Sự tiến-hóa của các chủng-loại đã trải qua nhiều lần biến đổi đột-ngột, những sự suy-luận lâu dài có thể kết-thúc bằng một quyết-định bất ngờ.

Thí dụ cổ-điển của Marx và môn-đồ ông là nước. Nước nếu từ độ 1 đến độ 99 vẫn là nước. Nhưng đến độ 100, sự tăng-gia sức nóng không làm tăng gia nhiệt-độ mà làm cho nước bốc thành hơi. Marx và các môn-đồ đã gọi sự biến đổi này là biến-đổi từ lượng sang phẩm.

Sự thật, khi số lượng của sức nóng trong nước được tăng lên, chính nước đã đổi «phẩm» để trở thành hơi nước chứ không phải sức nóng, và luật «lượng biến thành phẩm» không thể đứng vững được.

Nhưng ta hãy bỏ qua những sự sai lầm về từ-ngữ này mà chỉ xét đến sự khủng-hoảng tức là sự thay đổi đột-ngột kia. Theo những nhà biện-chứng duy-vật, sự biến-hóa đột-ngột này làm cho vật-chất nhảy tới trước một cái, tức là tiến-hóa. Nó là một quan-điểm hoàn-toàn chủ-quan của người, chớ vật-chất cóc cần có tiến-hóa hay không có. Mà đứng về phương-diện người mà xét, ta không có lý-do gì để bảo rằng hơi nước tiến-bộ hơn nước, dầu cho ta có lấy sự ích-lợi của hai thể ấy đối với ta làm tiêu-chuẩn cũng vậy.

Trong giới sanh-vật, ta có thể nói đến vấn-đề tiến hay thóai được, nhưng những cuộc thay đổi đột-ngột trong giới ấy chưa phải là luôn luôn đi đến sự tiến-hóa đến chỗ cao hơn. Khoa sanh-vật-học và cổ-sanh-vật-học đã cho ta thấy những cuộc biến đổi có hại, lắm khi đưa giống nòi đến chỗ tuyệt-diệt: nhiều loại thú ăn thịt có bộ răng to quá thành khó ăn và bị tuyệt-chủng, một vài loài nai có bộ sừng kình càng nên khó day trở và bị đào-thải.

Một mặt khác, nếu những cuộc biến-đổi đột-ngột xảy ra bất-thường trong thiên-nhiên, nó không nhứt-định cần phải có mới đưa đến sự thay đổi phẩm-chất của sự vật. Để lấy thí-dụ cổ-điển của học-phái Karl Marx, ta chỉ cần nhắc lại rằng nước không cần phải sôi mới bốc hơi: những đám mây giăng mịt trời vào mùa mưa không phải đều đã qua lò lửa,và chính những cục nước đá cũng nghi-ngút bốc hơi.

Sau hết, sự thay đổi của mọi vật cũng không phải đều thoát khỏi luật biến-hóa vòng tròn. Trong khoa lý-hóa cũng như trong khoa vạn-vật, các học-sanh thường gặp những biến-hóa vòng tròn này. Giản-dị nhứt là vòng tròn của nước: nước sông biển bốc hơi lên thành mây, rồi lại mưa xuống đất, để trở về sông biển. Sự biến-hóa vòng tròn này đã diễn từ thuở khai thiên tịch địa đến giờ, và hiện nay chưa có dấu hiệu gì chỉ tỏ rằng nó có thể bị phá-hủy được. Lẽ cố-nhiên là một phần nước có thể dùng vào việc cấu-tạo các tế-bào sống hay các tử-vật trước khi được hoàn lại cho không-khí hay cho mặt đất, nhưng đó cũng chỉ là một vòng tròn nhỏ so với vòng tròn «nước – hơi nước - nước» rất to kia.

4°. SỰ MÂU-THUẪN NỘI-TẠI CỦA SỰ VẬT.

Cứ theo lời những nhà biện-chứng duy-vật thì những sự vật và hiện-tượng trong võ-trụ đều hàm những mâu-thuẫn nội-tại, chính những mâu-thuẫn này gây ra sự hoạt-động và đưa đến sự tiến-hóa từ cấp dưới lên cấp trên.

Điều mà ta nên lưu-ý trước hết là ý-nghĩa của từ-ngữ «mâu-thuẫn». Marx và môn-đồ đã dùng sai danh-từ này. Cái ngòi trong quả trứng gà với con gà con lộn trái vải, cũng như con gà con lộn trái vải với con gà mổ vỡ quả trứng mà chui ra không có gì mâu-thuẫn nhau ; nó chỉ khác nhau mà thôi.

Lẽ tất-nhiên là những yếu-tố khác nhau bên trong một sự vật có thể đối chọi nhau. Một chiếc xe do một người đẩy lên giốc bị sự thúc đẩy của hai lực đối chọi nhau : lực của người phu làm cho nó hướng lên đầu giốc và lực của trọng-lực khiến nó hướng về phiá chân giốc? Nhưng trong đời, thí-dụ giản-dị trên này ít khi gặp được. Trong phần lớn trường-hợp, sự vật gồm nhiều lực nội-tại đối chọi nhau cũng có mà chỉ theo chiều hướng khác nhau cũng có. Ngoài ra ta còn có thể thấy những lực trung-lập nữa.

Kết-quả sự thúc đẩy nhau giữa những lực này cũng không làm thay đổi theo chiều tiến-bộ như Marx và môn-đồ đã lầm tưởng. Cái xe nêu lên làm thí dụ trên đây có thể được kéo lên đầu giốc, nhưng cũng có thể bị tuột xuống chân giốc. Đó là chưa kể trường-hợp thứ ba là hai lực đối chọi bằng nhau,và chiếc xe cứ ỳ ra một chỗ.

Đối với những hiện-tương trong võ-trụ, trong xã-hôi hay trong sự sống, những lực nội-tại rất phức-tạp và họp lại thành một chùm những lực hướng về nhiều nẻo khác nhau, và lực họp thành rất ít khi đi theo đường hướng của một lực đương-hữu.

5°- TÁNH-CÁCH TẠM-THỜI CỦA CHƠN-LÝ.

Những nguyên-tắc trên đây của biện-chứng-pháp đã đưa Marx và môn-đồ đến một nguyên-tắc khác mà họ cho là hoàn-toàn đúng, nhưng chính họ cũng không noi theo được. Đó là nguyên-tắc chơn-lý luôn luôn có tánh-cách tạm thời.

Kể ra thì nguyên-tắc này không phải luôn luôn đúng. Trong môn học nào,ta cũng có thể rút ra một số định-lý đúng hoàn-toàn. Chắc hẳn rằng trên thế-giới không có nhà toán-học nào không công-nhận rằng « hai với hai là bốn » và « đường thẳng là đường ngắn nhứt giữa hai điểm ». Về phương-diện triết-học, người ta chỉ cần đánh những nhà học-giả duy-tâm thuần-túy một trận rõ đau để họ nhận chân rằng vật-chất là một thể có thật. Một cậu học trò tầm-thường ở nước ta không cần đi đến Mỹ-châu cũng vẫn biết chắc rằng Mỹ-châu là có, và không cần biết mặt Nguyễn Huệ, cậu ấy cũng tin rằng Nguyễn Huệ là một nhơn-vật đã đóng một vai tuồng quan-trọng trong lịch-sử nước ta.

Như vậy,trái với lời Marx và môn-đồ ông,trên đời vẫn có một số chơn-lý vững chắc , vĩnh-viễn,và khi nêu ra nguyên-tắc: « tất cả các chơn-lý đều có tính-cách tạm-thờI »,họ đã thốt ra một lời quả-quyết không hợp với sự thật.

Thêm nữa, họ lại tự mâu-thuẫn với họ, vì chính ngay trong những lúc cần phải nhấn mạnh về tính-cách tương-đối của những thuyết họ nêu ra, họ lại có một thái-độ hoàn-toàn độc-đoán. Những nguyên-tắc căn-bản của biện-chứng-pháp được họ trình-bày như những chân-lý tuyệt-đối và cả hệ-thống triết-lý của họ cũng là một chơn-lý tuyệt-đối nốt.

Marx và môn dồ chủ-trương rằng « mọi giả-thuyết triết-lý chỉ là một giai-đoạn trong lịch-sử tư-tưởng hoạt-động để giải-nghĩa võ-trụ, một chánh-đề hay khẳng-định sẽ gặp một phản-đề hay phủ-định rồi xung-đột với nó để đi đến một hợp-đề hay phủ-định của phủ-định khác». Nhưng liền sau khi nêu ý-tưởng này ra, họ vội vã tuyên-bố ngay rằng lý-thuyết Marx là một lý-thuyết có tánh-cách đúng đắn tuyệt-đối hoàn-toàn, và những kẻ nào nói đến việc vượt qua lý-thuyết ấy đều bị xem là phường phản-động đáng bị băm vằm.

c) DUY-VẬT SỬ-QUAN

Duy-vật sử-quan đặt nền-tảng trên lòng tin rằng tư-tưởng là sản-phẩm của bộ óc con người , và bộ óc con người là cơ-quan của tư-tưởng, cho nên người ta không thể tách tư-tưởng ra khỏi vật-chất mà không bị sai lầm.

Đứng riêng về phương-diện thực-nghiệm để xét vấn-đề này, ta nhận thấy lý-luận trên đây đã hỏng ngay từ khởi-điểm nó, vì nó trộn lại làm một hai loại hiện-tượng khác nhau tuy có ảnh-hưởng qua lại với nhau một cách chặt chẽ. Đó là những hiện-tượng thuộc tinh-thần cá-nhơn và những hiện-tượng thuộc tinh-thần công-cộng.

Về trí óc cá-nhơn,ta có thể tạm nhận rằng Marx và môn-đồ nói đúng khi xem nó là « phản-ảnh của vật-chất ». Tuy-nhiên,ta cũng phải nhắc lại lại rằng trí óc cá-nhơn của một số lớn dân quê dốt nát không phản-chiếu đúng cái thế-giới hữu-hình một cách khách-quan, vì nó còn bị sự ám-ảnh của bao nhiêu điều mê-tín,bao nhiêu giấc mộng nên thơ.

Thêm nữa, khoa-học hiện-giờ đã cho ta biết rằng tư-tưởng cá-nhơn không phải chỉ do nơi bộ óc mà ra : con người biết suy nghĩ với tất cả thân-thể mình. Những hạch nội-tiết, những tạng-phủ người đều có đóng một vai tuồng trong sự chi-phối tư-tưởng. Ngoài ra, lại còn có tiềm-thức, tức là những dấu vết mà đời sống quá-khứ để lại trong cơ-thể, và những bản-năng, những khả-năng cùng bẩm-tánh di-truyền.

Do đó, mỗi người nhận chịu sự kích-thích từ ngoài đưa đến, rồi biến những kích-thích ấy thành ảnh-hưởng đưa đến tư-tưởng hay cử-động một cách khác nhau, tùy cơ-cấu di-truyền của thân mình, tùy kinh-nghiệm, tùy tình-trạng của thể-xác, tùy địa-vị mình trong đoàn-thể. Nhiều khi, tinh-thần chung của đoàn-thể ảnh-hưởng đến cá-nhơn rất mạnh làm cho cá-nhơn không thể thấy sự thật khách-quan. Nhưng dầu sao, vật-chất tức là thân-thể của người, vẫn chi-phối tư-tưởng cá-nhơn một cách chặt chẽ.
Đối với tinh-thần công-cộng thì tình-thế khác hẳn. Những tư-tưởng công-cộng đành là cũng phát-khởi trong đầu óc cá-nhơn, song sự phát-triển của nó đứng ngoài vòng kiểm-soát của cá-nhơn nêu ra nó, và của cả đoàn-thể trong ấy cá-nhơn đó sống.

Sự biến-hóa của một ý-tưởng trong xã-hội có thể khác nhau vô-cùng. Ý-tưởng mới – phần lớn do một ý-tưởng cũ thoát -thai ra – có thể phù-hợp với tâm-trạng, ý-tưởng của đoàn-thể và lan ra rất mau. Nó có thể chỉ được một số ít người chấp-nhận rồi tranh-đấu trong một thời-gian dài dặc mới thắng-lợi. Nó cũng có thể luôn luôn chỉ được một thiểu-số nghe theo và lần lần chết mòn đi. Mỗi người nhận một ý-tưởng rồi lại thêm vào đó những sở-kiến của mình,hay gạt bỏ bớt một vài điểm mình không thích.

Sự xung-đột giữa các quan-niệm khác hướng, song song hay đối chọi nhau làm cho ý-tưởng có một sức tự-động rất mạnh.Trong các yếu-tố chi-phối những cá-nhơn theo ý-tưởng công-cộng, tự-nhiên cũng có cái thế-giới vật-chất bên ngoài. Nhưng như ta đã thấy, phản-ảnh của thế-giới ấy không phải có tánh-cách khách-quan. Vì đó, cái thế-giới vật-chất bao gồm những điều-kiện kinh-tế chỉ có một tác-động gián-tiếp và phụ-thuộc vào sự phát-khởi và tiến-triển của tư-tưởng công-cộng.

Ý-tưởng này lần lần trở thành độc-lập đối với cá-nhơn và những điều-kiện phôi-thai ra nó. Bởi lẽ ấy, ảnh-hưởn nó đối với đoàn-thể có thể biến-đổi không cùng :một sự-kiện chung có thể đưa đến những kết-quả khác nhau,có khi hoàn-toàn trái ngược nhau. Lúc người Tây-ban-nha đến chiếm Mỹ-châu, thổ-dân – vốn có những điều-kiện sanh-hoạt vật-chất như nhau – đã phản-ứng lại theo nhiều lối. Nhiều bộ-lạc đã cùng nhau tự-tử, nhiều bộ-lạc khác nổi lên chống lại kẻ xâm-lăng, một số bộ-lạc đã chịu đựng sống gần người Tây-ban-nha, một số khác lại thân-thiện hẳn với họ và sống chung lộn với họ.

Sự tuyên-truyền ở các cường-quốc hiện giờ, mặc dù hết sức khoa-học, vẫn không làm sao hướng ý-chí toàn-dân vào một mối được, ngay ở Liên-bang Sô-viết là nước theo một chánh-sách độc-tài khắc-nghiệt cũng thế.

Sau hết,những bậc vĩ-nhơn, những vị anh-hùng cũng có một ảnh-hưởng lớn đối với đoàn-thể. Tư-tưởng và thái-độ họ đã nhào nắn tư-tưởng và thái-độ chung của đoàn-thể một phần lớn. Do đó, một dân-tộc với một trình-độ kinh-tế không di-chuyển có thể khi thì rất anh-hùng, khi thì hết sức khiếp-nhược với kẻ địch.

Với một nền tảng sai lạc như thế, duy-vật sử-quan không sao có thể đứng vững được. Sự khảo-sát lịch-sử một cách kỹ càng cho ta thấy rõ chỗ sai lầm của những nguyên-tắc nó nêu ra. Những nguyên-tắc này gồm lại làm hai, một là sự-kiện kinh-tế hạn-định tất cả những sự-kiện xã-hội khác, hai là trong sự-kiện kinh-tế, dụng-cụ sản-xuất là yếu-tố quan-trọng hơn hết.

Điều mà chúng ta có thể nhận thấy trước nhứt là dụng-cụ sản-xuất không phải tự-nhiên mà có. Nó do những điều phát-minh đã cấu-tạo nó và đưa nó đến hình-thức hiện-tại mà ra, lại phải tùy theo trình-độ trí-thức, tùy theo phong-tục và nhu-cầu của cái quần-chúng xử-dụng nó. Như thế,nó là kết-quả chớ không phải là động-lực của đời sống xã-hội như Marx đã lầm-tưởng.

Toàn-thể những sự-kiện kinh-tế hợp lại cũng không thành cái nền tảng chi-phối hết những sự-kiện xã-hội khác. Người ta không thể chỉ lấy ảnh-hưởng kinh-tế suông mà giải-thích hết những biến-cố quan-trọng trong lịch-sử.

Sự thay đổi trong đời sống kinh-tế ,chánh-trị và xã-hội lại không bao giờ xảy ra một lượt với nhau. Trong lịch-sử Âu-châu, sự phát-triển nền đại-kỹ-nghệ và sự thi-hành chế-độ đại-nghị cùng sự truyền-bá những tư-tưởng dân-chủ xã-hội có phải đi chung với nhau đâu. Như ở nước Anh, nền đại-kỹ-nghệ phát-sanh vào thế-kỷ 18, chánh-phủ đại-nghị thì đã bắt đầu có nền móng từ hơn nửa thế-kỷ trước rồi, còn giai-cấp chỉ-huy thì mãi đến thế-kỷ thứ 20 mà vẫn còn dựa vào nền tảng quý-tộc.

Một mặt khác, ta có thể nhận thấy nhiều xã-hội cùng có một trình độ kinh-tế như nhau mà lại theo những tổ-chức khác nhau. Đời trung-cổ, các nước Pháp, Nga,Trung-Hoa và đế-quốc Inca ở Mỹ đều có một dụng-cụ và một nền tảng nông-nghiệp gần như nhau. Nhưng nước Pháp đã theo chế-độ quân-chủ phong-kiến với những quí-tộc địa-chủ, nước Nga cũng theo chế-độ quân-chủ phong-kiến, song tổ-chức ở nhiều nơi những mir tức là công-điền công-thổ chung cho dân quê, nước Trung-Hoa theo chế-độ quân-chủ tập-trung, công-nhận quyền tư-sản cho nông-dân, trong khi đế-quốc Inca ở Mỹ thâu hết đất đai trong nước làm quốc-sản và giao cho những nhà giáo-sĩ quản-lãnh.

Gần ta hơn nữa, những đại-cường-quốc đều được kỹ-nghệ-hóa, nhưng trong khi các nước Mỹ, Anh, Pháp theo chế-độ dân-chủ thì các nước Nga, Đức, Ý, Nhựt lại theo chế-độ độc-tài với những quan-niệm rất xa nhau về tổ-chức xã-hội.

Vậy, phương-pháp sản-xuất và sự-kiện kinh-tế quyết không phải là yếu-tố nguyên-thủy của mọi tổ-chức xã-hội.

Trong lịch-sử, nhiều lúc yếu-tố kinh-tế bị các yếu-tố khác chi-phối một cách rõ rệt .Cứ theo lý-luận của những môn-đồ Karl Marx thì chính chế-độ sản-xuất tiểu-công-nghệ đã đưa đến chế-độ chánh-trị phong-kiến ở Âu-châu. Nhưng nếu ta khảo-sát kỹ càng thời-đại phong-kiến Âu-châu, ta thấy ngay rằng lối giải-thích ấy rất mực sai lầm.

Trong thời-kỳ tiền phong-kiến, thiên-hạ loạn-lạc, giặc-giã lung tung, các võ-sĩ mỗi người hùng-cứ một phương, xưng vương xưng bá, tranh-đấu lẫn nhau. Vì đó, sự giao-thông bế-tắc, sự hoạt-động kinh-tế phải bị ngưng trệ. Những nông-dân và thợ thuyền muốn được yên-ổn làm ăn phải tự đặt mình dưới sự bảo-vệ của những vị « lãnh-chúa », và tự-nhiên phải phục-dịch họ. Chế-độ tiểu-công-nghệ do đó mà phát-sanh, và khi chế-độ phong-kiến hoàn-toàn thành-hình, nó duy-trì mãi chế-độ tiểu-công-nghệ. Đến lúc những nhà vua chế-ngự được các lãnh-chúa, hủy-bỏ những tục-lệ phong-kiến, thành-lập quốc-gia, đặt ra chế-độ quân-chủ, khuyến-khích thương-mãi và kỹ-nghệ, đời sống kinh-tế mới lần lần thoát khỏi hình-thức tiểu-công-nghệ để đi đến chỗ tiểu-tư-sản.

Nguyên-nhơn làm cho chế-độ phong-kiến Âu-châu sụp đổ không phải là một nguyên-nhơn kinh-tế mà là một nguyên-nhơn binh-bị. Sở-dĩ các lãnh chúa bị dẹp tan hết là vì sự phát-minh súng đồng làm cho thành-trì và quân-đội thiết-giáp của họ không thể chống lại sự tấn công của các nhà vua.

Như thế, không phải chế-độ kinh-tế tiểu-công-nghệ đã đưa đến chế-độ phong-kiến, mà chính chế-độ phong-kiến đã tạo ra chế-độ kinh-tế tiểu-công-nghệ. Chế-độ kinh-tế tiểu-công-nghệ này chỉ chấm dứt khi nền quân-chủ đã hủy-diệt gần hết những dấu-tích phong-kiến. Vậy, không phải sự thay-đổi chế-độ kinh-tế đã ảnh-hưởng đến chế-độ chánh-trị, mà trái lại, chánh sự thay đổi chế-độ chánh-trị đã làm thay đổi cả nền tảng kinh-tế. Trong sự thay đổi chế-độ chánh-trị này, nguyên-nhơn chánh-yếu là một sự phát-minh binh-bị, và sự thay đổi nền tảng kinh-tế chỉ là một kết-quả mà thôi.

Ta có thể kết luận rằng lịch-sử nhơn-loại gồm nhiều yếu-tố rất phức-tạp ảnh-hưởng lẫn nhau. Yếu-tố quan-trọng nhứt không phải là yếu-tố kinh-tế mà là yếu-tố chánh-trị. Trong xã-hội nào cũng vậy, những sáng-tạo chánh-trị luôn luôn đi trước những sáng-tạo kinh-tế.

Muốn sống, loài người, cũng như tất cả những sanh-vật khác, phải tranh-đấu, vì trên đời, ngoài không khí ra, không có món nào cần-thiết cho sự sống của loài người mà tự-nhiên có sẵn cho người dùng. Con người phải tranh-đấu với thiên-nhiên, phải làm việc để tạo ra những món cần-thiết ấy. Mà sự làm việc là kết-quả của một sự cố gắng tối-đa, còn tánh người, trái lại theo luật cố gắng tối-thiểu. Người luôn luôn tìm cách đạt mục-đích của mình bằng những phương-pháp nhẹ-nhàng nhứt, nhanh chóng nhứt và dễ dàng nhứt. Thêm vào đó, tánh tham lam cố-hữu của người làm cho người luôn luôn có khuynh-hướng thích cướp giựt của kẻ láng-giềng để sống hơn là tự mình chịu khó sản-xuất những món cần cho sự sống của mình.

Vì đó, muốn có sản-xuất kinh-tế, người ta cần phải có những chế-độ xã-hội và chánh-trị dùng sự cưỡng-bách bắt người phải làm việc để sống, và bù lại, bảo-đảm cho người có quyền được hưởng ít nhứt là một phần những món người sản-xuất ra được. Như thế,chánh-trị luôn luôn đi trước kinh-tế và là điều-kiện cần-thiết cho sự sự sản-xuất kinh-tế.

Quan-sát các xã-hội, ta thấy rằng chế-độ chánh-trị thường hạn-định chế-độ kinh-tế. Với những dụng-cụ như nhau, một quốc-gia theo chánh-thể tự-do tất-nhiên có một tổ-chức khác với một quốc-gia theo chánh-thể độc-tài.

Chánh-trị cũng chịu ảnh-hưởng của kinh-tế, nhưng ít khi sự biến-đổi kinh-tế làm biến-đổi luôn cả nền-tảng chánh-trị.

Sở-dĩ trong cuộc Đại-cách-mạng năm 1789, nền-tảng chánh-trị hoàn-toàn sụp đổ là ngoài yếu-tố kinh-tế ra, lại còn một phong-trào tư-tưởng mạnh mẽ nảy mầm từ thế-kỷ thứ 16 làm cho chế-độ cũ lung lay đến tận gốc rồi.

Vả lại, không phải mỗi khi phương-pháp sản-xuất kinh-tế biến-đổi là nền tảng chánh-trị biến đổi theo, cũng không phải mỗi khi nền tảng chánh-trị biến đổi thì phương-pháp sản-xuất kinh-tế cũng nhứt-định đổi theo. Vì ngoài kinh-tế ra, còn nhiều yếu-tố khác ảnh-hưởng đến chánh-trị như tư-tưởng, tín-ngưỡng ,cách tổ-chức binh-bị v.v…

Trong những yếu-tố có ảnh-hưởng đến đời sống chánh-trị một xã-hội,ta có thể kể vai tuồng của những nhơn-vật lịch-sử.

Sở-dĩ nền quân-chủ Pháp hoàn-toàn sụp đổ là vì vua Louis thứ 16 quá yếu đuối và bị ảnh-hưởng quá nhiều của những kẻ tả hữu phản-động. Nếu ông ta khôn ngoan hơn một chút, chịu nhân-nhượng với dân-chúng thì có thể ông vẫn còn được làm nhà vua lập-hiến của người Pháp chớ không đến nỗi lên đoạn-đầu-đài, và dòng lịch-sử Âu-châu đã hướng theo một chiều khác rồi. Những nhà vua được đưa lên ngai vàng nước Pháp sau đó cũng không hơn gì vua Louis thứ 16 nên không giữ nổi ngôi báu. Và sau khi Đệ Nhị Đế-chế Pháp vỡ tan, chính vì thái-độ ương-ngạnh của bá-tước Paris, lãnh-tụ phái bảo-hoàng, không chịu chấp-nhận lá cờ tam sắc làm quốc-kỳ mà hoàng-gia Pháp hoàn-toàn bị gạt ra khỏi trường chánh-trị Pháp.

Một mặt khác, những phong-trào cách-mạng do dân-chúng gây ra để chọi lại chánh-quyền cũng cần có những lãnh-tụ tài năng mới mong thắng-lợi được. Không có một người dẫn đạo cương-quyết và sáng suốt, quần-chúng luôn luôn đóng vai tuồng thụ-động và cúi đầu khuất-phục chế-độ khắc-nghiệt bóc lột mình.

Như vậy,cho rằng tất cả những nền tảng xã-hội đều dựa vào yếu-tố kinh-tế thật là một điều lầm-lạc rất to. Điều lầm lạc này, thật ra chính Marx và môn-đồ cũng đã gián-tiếp công-nhận. Vì mặc dầu hô-hào rằng kinh-tế là yếu-tố quan-trọng nhứt trong xã-hội, họ lại không chủ-trương cải-hóa những dụng-cụ sản-xuất và chế-độ kinh-tế để lật đổ chế-độ tư-bản mà lại chủ-trương cuớp chánh-quyền , tức là dùng sự vận-động chánh-trị để tổ-chức lại xã-hội.

2. THUYẾT GIAI-CẤP TRANH-ĐẤU.
a.- CHỦ-TRƯƠNG CHO LỊCH-SỬ LÀ MỘT CUỘC GIAI-CẤP TRANH-ĐẤU LIÊN-TIẾP DỰA VÀO MỘT Ý-KIẾN SAI LẦM.

Chủ-trương cho lịch-sử là một cuộc giai-cấp tranh-đấu liên-tiếp của Marx thật ra chỉ là kết-quả sự áp-dụng sai lầm của thuyết biện-chứng duy-vật ,nếu không phải là một thành-kiến thiên-vị đã làm hỏng cả quan-điểm của Marx về biện-chứng-pháp.

Cứ theo thuyết duy-vật biện-chứng, tất cả các sự-vật và hiện-tượng trong võ-trụ đều chứa đựng những yếu-tố mâu-thuẫn nhau. Ngoài xã-hội, sự mâu-thuẫn này xuất-hiện dưới hình-thức những giai-cấp đối chọi nhau.

Trước hết, ta có thể nhận thấy rằng dầu cho có chấp-nhận luật mâu-thuẫn trong võ-trụ, ta cũng không thể lấy sự phân-biệt giai-cấp làm kết-quả tất yếu duy-nhứt của luật ấy, vì trong nhơn-loại không phải chỉ có sự phân-biệt giai-cấp mà thôi, và người ta vẫn có thể dựa vào luật mâu-thuẫn của biện-chứng-pháp mà nêu ra chủ-trương phân-biệt dân-tộc và tranh-đấu dân-tộc được. Như thế, khi chỉ nhìn vào cuộc giai-cấp tranh-đấu và lấy nó làm biểu-hiệu duy-nhứt của sự mâu-thuẫn trong võ-trụ, Marx và môn-đồ đã có một thành-kiến sai lầm làm cho lý-thuyết họ mất rất nhiều giá-trị.

Phương chi, ta cũng đã nhận thấy rằng các yếu-tố bên trong một sự vật hay hiện-tượng không nhứt-định phải là đối chọi nhau. Nó chỉ khác nhau, và có thể song song nhau, theo chiều hướng khác nhau hay đối chọi nhau.

Như thế, xã-hội không phải nhứt-định phân ra làm giai-cấp thù nghịch nhau và chiến-đấu nhau. Nó gồm nhiều lực-lượng hòa-hợp nhau, chống chọi nhau hay trung-lập đối với nhau một cách rất phức-tạp. Muốn thấy rõ tánh-cách những cuộc xung-đột trong xã-hội loài người, ta không thể thâu hẹp tầm con mắt ta vào vấn-đề giai-cấp mà phải bao-quát cả vấn-đề tranh-đấu của người trong xã-hội.

Loài người vốn không phải là một giống hiếu-chiến tự-nhiên ham sát-phạt nhau. Họ chỉ tranh-đấu nhau để mưu sinh-tồn mà thôi. Hiện nay, người ta không thể biết rõ đời thái-cổ, người có sống rời rạc hoàn-toàn hay không. Nhưng có một điều chắc chắn là người có một xu-hướng hợp-quần rất mạnh nên đã tụ-họp nhau lại thành đoàn, thành nhóm, thành bộ-lạc, và rộng ra nữa, thành quốc-gia.

Trong những đoàn-thể nhỏ như thị-tộc, bộ-lạc, người ta có thể tổ-chức sự tìm kiếm những món ăn chung nhau. Thêm nữa, lực-lượng của đoàn-thể rất kém so với những nguy-cơ từ ngoài ép vào. Do đó, tất cả mọi người đều có quyền-lợi hợp nhau và cố-kết nhau lại thành một khối chặt chẽ. Sự xung-đột bên trong đoàn-thể rất hiếm và chỉ có tánh-cách cá-nhơn hay nhiều lắm là có tánh-cách gia-đình. Bù lại, sự cần-thiết phải giành đất sống làm cho những đoàn-thể nhỏ đụng chạm nhau và đánh nhau rất mãnh-liệt.Vậy ở trạng-thái này, cuộc tranh-đấu của người hầu như là một cuộc chủng-tộc tranh-đấu thuần-túy.

Khi sự hợp-quần của người đã rộng đến phạm-vi quốc-gia, tình-thế phức-tạp hơn. Vì quyền-lợi toàn-dân, hay vì tham-vọng những người lãnh-đạo, các quốc-gia cũng phải tranh-đấu lẫn nhau. Trong những cuộc tranh-đấu này, thường thì hầu hết nhơn-dân của mỗi quốc-gia đều đứng về một phía để đối chọi lại quốc-gia thù địch. Nhưng cũng có khi, vì một lý-do gì mà một phần quan-trọng của nhơn-dân một quốc-gia chạy theo quốc-gia địch chống lại Tổ-quốc mình. Tuy-nhiên, trong trường-hợp nào cũng vậy, khi một quốc-gia bị một quốc-gia khác thôn-tính, nhơn-dân nhơn-dân của quốc-gia bị xâm-chiếm nhứt-định là phải sống một cuộc đời khổ sở nhục nhằn. Do đó, những cuộc tranh-đấu giữa các quốc-gia phần lớn cũng là những cuộc tranh-đấu dân-tộc.

Nhưng ngoài sự tranh-đấu giữa các quốc-gia, lại còn có những cuộc tranh-đấu bên trong quốc-gia nữa. Vì lãnh-thổ quốc-gia rộng lớn và dân-số nó đông-đảo, tất cả mọi người không thể tổ-chức sự mưu-sanh chung nhau. Thêm nữa, lực-lượng quốc-gia đã khá hùng-hậu so với những lực-lượng ở ngoài ép vào, thành ra những mối nguy-cơ uy-hiếp sự sống còn chung trở nên xa xôi, gián-tiếp, ít rõ rệt hơn. Những điều này làm cho người bớt cố-kết nhau lại, và lo nghĩ đến quyền-lợi cá-nhơn của mình nhiều hơn.

Khi phạm-vi hợp-quần của người đã mở rộng đến quốc-gia, trình-độ sanh-hoạt của người được nâng lên khá cao, và đời sống của người trở nên phức-tạp hơn về cả hai mặt vật-chất lẫn tinh-thần. Do đó, người có rất nhiều quyền-lợi cần bảo-vệ. Điều này bắt buộc người phải tranh-đấu, và vì sự tranh-đấu riêng rẽ ít có hiệu-lực, người lại phải họp-quần thành đoàn-thể nhỏ trong đoàn-thể lớn.

Quyền-lợi người trong quốc-gia vốn phức-tạp và có nhiều mặt nên người có thể vừa hợp-quần với người này về mặt này, vừa hợp-quần với người khác về mặt kia. Một người có thể vừa hợp-quần về mặt huyết-thống với thân-quyến trong gia-đình, vừa hợp-quần về mặt nghề-nghiệp với những bạn đồng-nghiệp trong nghiệp-đoàn, vừa hợp-quần về mặt tâm-tình với bạn bè, vừa hợp-quần về tín-ngưỡng với những đạo-hữu, vừa hợp-quần về mặt tư-tưởng chánh-trị với những đồng chí trong một chánh-đảng.

Quyền-lợi của tất cả những đoàn-thể khác nhau trong đó người có chơn không thể nào luôn luôn thích-hợp với nhau được. Mỗi khi quyền-lợi của những đoàn-thể ấy xung-đột lẫn nhau, người bắt buộc phải quyết-định đặt cái nào trên hết. Vì mỗi đoàn-thể đều bảo-vệ cho một thứ quyền-lợi vật-chất hay tinh-thần của người nên người phải lựa chọn xem quyền-lợi nào đáng cho mình trọng nhứt.

Sự lựa chọn này hoàn-toàn tùy theo quan-niệm sống còn của mỗi người, thành ra nó không giống nhau hết được. Cùng trong một trường-hợp như nhau, mỗi người đều có thái-độ riêng của mình. Do đó, sự tranh-đấu giữa người với nhau bên trong quốc-gia hết sức phức-tạp.

Tuy thế ,nếu ta gạt bỏ qua một bên những cuộc tranh-đấu có một hiệu-quả nhỏ hẹp, ta có thể nhận thấy rằng những cuộc tranh-đấu nội-bộ này có thể qui về hai mối : tranh-đấu vì tư-tưởng hay tranh-đấu vì quyền-lợi vật-chất. Những cuộc xung-đột giữa các phái văn-nghệ, các tôn-giáo, các hội-đảng chánh-trị thường là những cuộc xung-đột vì tư -tưởng bất-đồng. Những cuộc xung-đột giữa những giới người đứng ở những địa-vị đối-lập nhau trong xã-hội – dầu họ có lập thành giai-cấp phân-biệt rõ ràng hay không cũng vậy – là những cuộc xung-đột vì quyền-lợi vật-chất.

Lẽ tự-nhiên là hai loại xung-đột trên này không phải hoàn-toàn phân-biệt nhau. Trong những cuộc tranh-đấu vì tư-tưởng, quyền-lợi vật-chất lắm khi cũng có xen vào. Bù lại,những cuộc tranh-đấu vì quyền-lợi vật-chất nhiều lúc cũng biết náu mình dưới một lớp áo tư-tuởng.

Trong những cuộc tranh-đấu trên này, người ta cũng có thể nhận thấy cá-tánh hay quyền-lợi riêng của những nhà lãnh-đạo.

Yếu-tố dân-tộc có khi đóng một vai tuồng trọng-hệ. Sự phân-biệt giai-cấp có thể bắt nguồn từ chủng-tộc : người giai-cấp trên là hậu-duệ của giống dân xâm-lược, còn người giai-cấp dưới là con cháu giống dân bị chinh-phục. Một mặt khác, những tư-tưởng xung-đột nhau có thể là những tư-tưởng của giống dân thống-trị và giống dân bị trị. Những cuộc xung-đột vì tư-tưởng hay giai-cấp có khi lại vượt ra ngoài phạm-vi của quốc-gia : người ta có thể hợp-tác với người đồng giai-cấp hay đồng tư-tưởng ở nước ngoài mà chống chọi lại quốc-gia mình.

Như vậy, xét lịch-sử một cách khách-quan, ta có thể nhận thấy rằng cuộc tranh-đấu của loài-người có rất nhiều nguyên-nhơn và hình-thức, nhưng mục-đích chung của nó bao giờ cũng là mưu-sự sinh-tồn vật-chất và tinh-thần của người. Động-lực của lịch-sử, chính là sự sinh-tồn tranh-đấu. Cuộc tranh-đấu giai-cấp cũng có, nhưng nó chỉ là một phần của cuộc sinh-tồn tranh-đấu. Nó không quan-trọng bằng cuộc dân-tộc tranh-đấu và nhiều khi chỉ là biến-thể của cuộc dân-tộc tranh-đấu. Một mặt khác,nó chỉ xuất-hiện ở những xã-hội tổ-chức không được hoàn-mỹ, trong ấy hạng người lãnh-đạo quốc-gia quá ích-kỷ và ngu tối.

Vì đó, ta có thể xem giai-cấp tranh-đấu là một chứng-bịnh của xã-hội, một chứng bịnh nặng,nhưng không phải là không chữa được. Lấy giai-cấp tranh-đấu làm động-lực chính của lịch-sử loài người như Marx thật là một điều lầm lạc rất to.

b) SỰ PHÂN-CHIA XÃ-HỘI HIỆN-THỜI LÀM HAI GIAI-CẤP TƯ-BẢN VÀ VÔ-SẢN KHÔNG ĐƯỢC RÕ RỆT.

Thuyết cho rằng giai-cấp tranh-đấu là động-lực chánh của lịch-sử đã không đúng mà sự phân chia xã-hội hiện-thời ra làm hai giai-cấp tư-bản và vô-sản cũng không rõ rệt. Thật ra thì hiện-thời,người ta không thể lấy một cái gì làm tiêu-chuẩn để quyết-định xem người nào thuộc về giai-cấp nào.

Những xã-hội xưa kia có dùng luật-lệ mà phân-chia những hạng người trong nước ra làm quí-tộc, người thường-dân, người nô-lệ nên người ta có thể lấy huyết-thống để phân-biệt người thuộc về các giai-cấp khác nhau. Nhưng lúc sau này, chế-độ nô-lệ bị bãi bỏ mà sự phân-biệt pháp-lý giữa người quý-tộc và người thường-dân cũng không còn. Ngay như Ấn-độ là một nước có sự khu-biệt đẳng-cấp rõ rệt nhứt và khắc-nghiệt nhứt mà bây giờ cũng phải bỏ chế-độ phân chia giai-cấp. Vì đó, trong xã-hội hiện-thời, người ta không còn biết lấy gì làm tiêu-chuẩn để định giai-cấp.

1° TIỀN BẠC VÀ SỰ PHÂN CHIA GIAI-CẤP.

Một số người cho rằng tiền là một tiêu-chuẩn để định giai-cấp. Theo những người này, người nhiều tiền là người ở giai-cấp trên, và người ít tiền là người ở giai-cấp dưới.

Nhưng thật ra, ai cũng nhận thấy rằng những người hàn-vi mới làm giàu thường không được người ta kính nể trọng vọng bằng những người giàu sẵn và cho là đồng giai-cấp với người giàu sẵn. Nói đến những anh nhà giàu mới nảy này, người ta hay bỉu môi khinh-bỉ : « Đó là bọn mới rửa chơn mang guốc », « bọn mới học làm sang » hay « bọn chưa từng thấy của ».

Những người nói như thế còn là người lấy sự nhiều tiền làm một điều đáng trọng-vọng. Ngoài họ ra, lại có những người khác rất khinh-miệt kẻ giàu có dốt nát hay độc-ác mà họ cho là phường trọc-phú, dầu cho kẻ đó có của lâu hay mau cũng vậy.

Thêm nữa, chúng ta lại có thể nhận thấy rằng có nhiều người thuộc giai-cấp trên mà lại có ít tiền hơn những người bị cho là giai-cấp dưới. Một công-chức hồi-hưu thường được xem là người của giai-cấp trưởng-giả. Nhưng số tiền hưu-trí mà ông lãnh được mỗi tháng để nuôi gia-đình thường ít hơn số tiền lương hàng tháng của một người thợ chuyên-môn mà ai cũng cho là nhơn-viên của giai-cấp cần-lao, một giai-cấp ở dưới giai-cấp trưởng-giả.

Sau cùng, có nhiều người được xem là ở chung một giai-cấp với nhau, nhưng giàu nghèo khác nhau. Ta không thể viện cớ rằng bác-sĩ này có ít thân-chủ hơn bác-sĩ kia – và tự-nhiên ít tiền hơn –mà cho rằng ông này ở một giai-cấp dưới ông kia. Những điều trên này chỉ tỏ ra rằng tiền không phải là một tiêu-chuẩn để phân giai-cấp.

2° NGHỀ-NGHIỆP VÀ SỰ PHÂN CHIA GIAI-CẤP.

Một số người khác chủ-trương lấy nghề-nghiệp làm tiêu-chuẩn phân-biệt giai-cấp. Chủ-trương này không thể đứng vững được, vì trong mỗi ngành hoạt-động xã-hội đều có sự phân chia cao thấp khác nhau.

Cùng phụng-sự một nền kỹ-nghệ, thí-dụ như kỹ-nghệ luyện-kim, ta thấy có những người kỹ-sư, đốc-công, cặp rằng, thợ chuyên-môn, thợ thường, thợ tập sự, v.v…Những người này có thể ở chung nhau trong một nghiệp-đoàn, nhưng nào có phải được xem là thuộc một giai-cấp với nhau.

Vả lại, không phải tất cả những người cùng ở chung một giai-cấp đều làm chung nghề một. Một viên giáo-sư theo một nghề khác với nghề một vị bác-sĩ hay một ông thẩm-phán, nhưng người ta có thể đặt những người ấy vào một giai-cấp với nhau.

Như thế, nghề-nghiệp không thể dùng làm một tiêu-chuẩn để phân-biệt giai-cấp.

3° HỌC-THỨC VÀ SỰ PHÂN CHIA GIAI-CẤP.

Có người chủ-trương lấy học-thức làm tiêu-chuẩn để phân biệt giai-cấp. Chủ-trương này cũng có một phần đúng ở các xã-hội Đông-phương thời trước, vì sự học-vấn được mọi người trọng-vọng và những người có học đều được đặt ở một bậc cao trên nấc thang trong xã-hội. Nhưng bây giờ thì không thế nữa. Trong số những người cùng học chung một lớp với nhau – có được bao nhiêu người về sau cùng chung một địa -vị xã-hội như nhau ? Trong những người cùng có bằng trung-học phổ-thông, có thể một người làm viên quan cai-trị cao-cấp, một người làm một vị giáo-viên tầm-thường và một người thất-nghiệp sống một cuộc đời vất vả, cần-lao.

4° VIỆC CÓ HAY KHÔNG CÓ NHỮNG PHƯƠNG-TIỆN SẢN-XUẤT VÀ SỰ PHÂN CHIA GIAI-CẤP

Sau cùng, những môn-dồ Karl Marx cho rằng người vô-sản là người không nắm được cơ-quan sản-xuất trong tay, và phải bán sức làm việc của mình cho kẻ khác mới có thể mưu-sanh được. Vậy, họ lấy sự có hay không có dụng-cụ sản-xuất làm tiêu-chuẩn cho sự phân-biệt giai-cấp. Theo họ,người có dụng-cụ sản-xuất trong tay là người hữu-sản, còn người không có dụng-cụ sản-xuất là người vô-sản.

Trước hết, ta có thể cho rằng vấn-đề dụng-cụ sản-xuất cũng như vấn-đề tiền. Có dụng-cụ sản-xuất hay không có dụng-cụ sản-xuất, hoặc có dụng-cụ sản-xuất nhiều hay ít chung-qui cũng như có tiền hay không có tiền ,hoặc có tiền nhiều hay ít. Bởi thế, nếu ta không thể lấy tiền làm tiêu-chuẩn cho sự phân-biệt giai-cấp được thì ta cũng không thể lấy dụng-cụ sản-xuất để làm cái tiêu-chuẩn ấy.

Ngoài ra, ta còn có thể lưu-ý chỗ này là nhiều người không có tài-sản gì đặc-biệt và chỉ có thể bán sức làm việc của mình để mưu-sanh, nhưng lại được sắp vào giai-cấp cao hơn những người có sự sản. Một viên quan-lại cao-cấp như một ông Tỉnh-trưởng hay một ông chủ-sự mà không có tư-bản thường chỉ nhờ vào đồng lương để sống. Nếu rủi bị cách chức, họ không biết làm gì để nuôi thân. Nhưng người ta có thể liệt họ vào một giai-cấp cao hơn những người tiểu-điền-chủ, có phương-tiện sản-xuất trong tay đủ để tự mình mưu-sanh, không phải cầu lụy ai cả.

Sau nữa, nếu chúng ta lấy việc có hay không có dụng-cụ làm tiêu-chuẩn để phân-biệt giai-cấp thì bất cứ ai nắm lấy những dụng-cụ sản-xuất trong tay đều thuộc về giai-cấp bóc lột. Vậy, trong những nước theo chế-độ kinh-tế quốc-hữu-hóa tức là những nuớc tổ-chức theo thuyết xã-hội, những dụng-cụ sản-xuất đều do chánh-phủ nắm giữ thì nhơn-viên chánh-phủ phải thành một giai-cấp bóc lột dân-chúng. Nhưng những người lấy việc có hay không có dụng-cụ sản-xuất làm tiêu-chuẩn phân chia giai-cấp không chịu nhìn-nhận lý-luận trên này, thành ra chủ-trương của họ không còn đứng vững nữa được.

Chúng ta đã thấy rằng trong xã-hội hiện-thời, tiền bạc, nghề-nghiệp, học-thức hay dụng-cụ sản-xuất không thể dùng làm tiêu-chuẩn để phân-biệt giai-cấp. Nhưng giả như những yếu-tố đó có thể làm tiêu-chuẩn để phân-biệt giai-cấp, nó cũng không thể giúp cho ta thấy giới-hạn của những giai-cấp một cách rõ ràng.

Như thế là vì không ai có thể qui-định người có bao nhiêu tiền, bao nhiêu dụng-cụ sản-xuất, có bằng-cấp gì, giữ chức-vụ gì hay theo một nghề-nghiệp nào là ở giai-cấp nào. Những môn-đồ của Karl Marx có thể bỏ hàng giờ ra nói về luật « biến đổi từ lượng sang phẩm » để giải-thích rằng tới một mực độ nào đó, tư-sản của người biến thành tư-bản , nhưng họ không thể cho ta biết được mực độ ấy ở chỗ nào.

Sự thay đổi đột-ngột mà những nhà biện-chứng duy-vật đã long-trọng tuyên-bố trong những sách vở của họ thật ra không thấy xuất-hiện ngoài đời. Khi sự-nghiệp mình bước từ 9.999 đồng sang 10.000 đồng, nhà thương-mãi hay nghiệp-chủ không thấy mình lên giai-cấp khác. Họ cũng không thấy sự thay đổi gì khi sự-nghiệp họ từ 99.999 đồng lên 100.000 đồng hay bất cứ từ mực nào bước lên mực cao hơn tiếp theo đó. Một ông phủ hạng nhì được thăng lên phủ hạng nhứt, hay một thông-phán hạng nhứt được thăng lên thông-phán thượng-hạng cũng không thấy có sự thay đổi gì trong địa-vị xã-hội của mình.

Vì giai-cấp không có tiêu-chuẩn và giới-hạn rõ rệt cho nên sự phân-chia giai-cấp rất là mù mờ. Chính những môn-đồ Karl Marx chủ-trương giai-cấp tranh-đấu cũng không định-nghĩa giai-cấp là gì một cách rõ ràng được. Họ chỉ nói một cách mơ màng rằng người cùng giai-cấp là người cùng một địa-vị xã-hội với nhau, và đưa ra những quan-niệm phân-chia giai-cấp khác nhau theo sự cần dùng mỗi lúc.

Bởi đó, có khi họ dựa vào tiền đề để phân-biệt giai-cấp và nói đến giai-cấp phú-hào, giai-cấp tiểu-tư-sản, giai-cấp vô-sản, có khi họ lấy nghề-nghiệp để định giai-cấp và nói đến giai-cấp quan-lại, giai-cấp nông-dân, giai-cấp thợ thuyền, có khi họ lại dựa vào một quan-niệm có hơi hướng đạo-đức để phân-chia giai-cấp và nói đến giai-cấp trưởng-giả, giai-cấp cần-lao. Sau hết, có khi họ chỉ phân-biệt có hai giai-cấp trong nhơn-loại : giai-cấp bóc lột và giai-cấp bị bóc lột.

Sự phân-biệt sau cùng này là một lợi-khí tuyên-truyền cho những người chủ-trương giai-cấp tranh-đấu để người ta theo mình nhưng nó cũng không có gì đúng đắn rõ rệt. Vì sự thật, trừ một số người được ưu-đãi ở trên, có quyền bóc lột mọi người mà không bị ai bóc lột, và một số người cùng-đinh ở dưới đáy xã-hội, bị người bóc lột mà không bóc lột được ai, có một số lớn ở giữa, vừa bị hạng trên mình bóc lột, vừa bóc lột lại hạng dưới mình.
Câu « dùi đánh đục, đục đánh săng » của người Việt-Nam ta mô-tả rất đúng tình-trạng đó. Nhưng có một điều quan-hệ là những phần-tử làm cái dùi chỉ là một thiểu-số hết sức ít ỏi, mà phần làm cái săng cũng không bao nhiêu. Đại đa số nhơn-loại thuộc về cái đục. Mà hạng cái đục này, người ta không thể nào chia hai họ ra để ghép một phần vào hạng cái dùi và một phần vào hạng cái săng. Vấn-đề phân-biệt giai-cấp rắc rối là tại chỗ đó, mà chủ-trương giai-cấp tranh-đấu mù mờ cũng vì chỗ đó.

c) NHỮNG CUỘC XUNG-ĐỘT BÊN TRONG MỘT GIAI-CẤP

Ngoài ra, môn-đồ Karl Marx còn lầm-lạc ở chỗ cho rằng những người cùng giai-cấp nhau thì chung quyền-lợi nhau và phải hợp nhau lại để chống những giai-cấp khác.

Dầu cho ta có công-nhận rằng người cùng địa-vị xã-hội-họp nhau lại thành giai-cấp, ta cũng không thể cho rằng quyền-lợi của họ chung nhau. Sự khảo-sát xã-hội hiện-thời cho ta thấy rằng quyền-lợi của những người cùng địa-vị xung-đột nhau rất mãnh-liệt.

1° SỰ XUNG-ĐỘT GIỮA NHỮNG NGƯỜI CÙNG GIAI-CẤP TRONG MỘT NƯỚC.

Bên trong một nước, chúng ta có thể nhận thấy nhiều loại cạnh-tranh giữa những người cùng giai-cấp với nhau.

Trong hạng tư-bản, quyền-lợi của nhà kỹ-nghệ và người điền-chủ rất khác nhau. Ở phần lớn các nước, những nhà kỹ-nghệ thường muốn dựng hàng rào quan-thuế khá cao để bảo-vệ hàng-hóa mình làm ra chống lại sự cạnh-tranh của các nước khác, còn những người điền-chủ thì lại muốn theo chế-độ tự-do mậu-dịch để dễ bán thổ-sản và mua dụng-cụ kỹ-nghệ rẻ hơn.

Giữa những nhà kỹ-nghệ với nhau, và giữa những nhà điền-chủ với nhau cũng có sự cạnh-tranh mãnh-liệt. Sự xung-đột này, Karl Marx cũng phải nhận là có. Trong thuyết tích-lũy tư-bản, ông cho rằng sự bành-trướng thế-lực của một số nhà tư-bản làm cho một số nhà tư-bản khác và một số người tiểu-tư-sản bị sạt nghiệp. Do đó, tài-sản càng ngày càng được tập-trung trong tay một số người và hàng-ngũ vô-sản ngày càng được đông thêm. Như thế, ông cũng chịu nhận rằng những nhà tư-bản – cùng một giai-cấp với nhau – có quyền-lợi xung-đột nhau và vì đó, phải tranh-đấu lẫn nhau.

Về sự xung-đột quyền-lợi giữa những người cùng thuộc về giai-cấp lao-động với nhau, Karl Marx không nói đến, và những tín-đồ Karl Marx thường cho rằng tất cả mọi người lao-động trên thế-giới đều chung quyền-lợi với nhau. Nhưng sự thật khác hẳn điều tin tưởng trên này.

Giữa người nông-dân và người thợ trong mỗi nước luôn luôn có một sự xung-đột quyền-lợi lớn lao. Người thợ bao giờ cũng muốn lãnh một số lương cao và mua đồ thực-phẩm rẻ. Trái lại, người nông-dân muốn bán đồ thổ-sản đắt và mua những hàng-hóa kỹ-nghệ rẻ. Nếu người thợ lãnh lương cao thì giá vốn của hàng-hóa kỹ-nghệ phải lên cao và người nông-dân phải mua hàng-hóa ấy với một giá đắt. Trái lại, nếu người nông-dân bán thổ -sản đắt thì người thợ phải mua thực-phẩm đắt vì phần lớn thực-phẩm đều do nông-dân sản-xuất.

Như vậy, giữa người thợ và người nông-dân, những quyền-lợi luôn luôn trái ngược. Quyền-lợi người thợ bắt buộc họ muốn cho nông-dân bán thổ-sản rẻ và mua hàng-hóa kỹ-nghệ đắt, còn quyền-lợi người nông-dân thì xui họ bán thổ-sản đắt và tìm cách mua hàng kỹ-nghệ rẻ.

Ở những nước kỹ-nghệ mở mang, sự xung-đột quyền-lợi giữa nông-dân và thợ thuyền luôn luôn là một vấn-đề rắc rối. Thợ thuyền thường ít hơn nông-dân, nhưng có một tổ-chức chặt chẽ và thích-hợp cho sự tranh-đấu hơn nông-dân. Vì đó, lực lượng hai bên thường tương-đương nhau và khó giải-quyết được ổn-thoả, trừ ra khi quốc-gia hết sức trù-phú hùng-cường làm cho trình-độ sanh-hoạt của tất cả mọi người đều có thể nâng lên một mực hết sức cao, như trường-hợp Hiệp-chúng-quốc Mỹ.

Giữa những người vô-sản cùng ở chung một ngành hoạt-động với nhau cũng có một sự cạnh-tranh ráo-riết. Thợ thuyền các hãng thường phải giành nhau chiếm lấy những chỗ làm nhẹ nhàng hay cao lương nhứt.

Sự xung-đột quyền-lợi giữa người vô-sản còn xuất-hiện dưới hình-thức của sự cạnh-tranh giữa thợ đàn ông và thợ đàn bà. Vì yếu đuối hơn và ít phương-thế mưu-sanh hơn, thợ đàn bà luôn luôn chịu nhận làm việc với một số lương thấp kém hơn thợ đàn ông. Bởi đó, trong những ngành kỹ-nghệ không cần sức-lực nhiều, dùng thợ đàn bà có lợi cho xí-nghiệp hơn là dùng thợ đàn ông. Cố-nhiên là trong trường-hợp đó, những nhà dinh-nghiệp thích mướn thợ đàn bà hơn. Điều này làm cho thợ đàn ông nhiều người mất chỗ làm. Để tránh nạn đó, họ phải vận-động để cho chánh-phủ hạn-chế số thợ đàn bà, hoặc yêu-cầu phải trả lương cho đàn bà bằng đàn ông để cho các chủ xí-nghiệp ít dùng đàn bà hơn.

Ngoài những sự cạnh-tranh về quyền-lợi vật-chất, những người cùng một giai-cấp với nhau còn xung-khắc nhau về những quyền-lợi tinh-thần nữa. Người thợ chuyên-môn bao giờ cũng muốn được đối-đãi trọng-thể hơn những người thợ không chuyên-môn. Trong việc qui-định lương bổng các ngạch công-chức, những chánh-phủ bao giờ cũng đụng đầu với những sự đòi hỏi có tánh-cách « thể-diện » hơn là « thiết-thật ». Những người kỹ-sư hay bác-sĩ rất không bằng lòng nếu họ bị sắp ngang hàng với những viên-chức cai-trị không có một sở-học chuyên-nghiệp cao bằng họ. Trái lại,những viên-chức cai-trị viện lẽ mình gánh một trách-nhiệm xã-hội nặng hơn để đòi được hưởng những ưu-đãi hơn những công-chức khác.

Vấn-đề giáo-viên sư-phạm và trợ-giáo ở nước ta cũng có thể giúp một chứng-cớ vào những sự xung-đột thể-diện giữa những người mà ta có thể đặt vào một giai-cấp với nhau. Mặc dầu trong số trợ-giáo có những người học đến hết năm thứ tư ban sư-phạm và lãnh một chức-vụ tương-đương với các giáo viên sư-phạm, họ muốn lãnh một số lương cao hơn người trợ giáo nhiều. Những sự xung-đột lẫn nhau trên này không ngăn cản người cùng nghề-nghiệp, cùng giai-cấp với nhau họp thành lại làm nghiệp-đoàn hay liên-hiệp nghiệp-đoàn để tranh-đấu cho quyền-lợi chung. Tuy thế, nó cũng đủ sức mạnh để làm cho họ phân rẽ nhau ra, khi sự tranh-đấu cho quyền-lợi chung không còn tánh-cách khẩn-thiết.

2° SỰ XUNG-ĐỘT GIỮA NHỮNG NGƯỜI CÙNG GIAI-CẤP Ở NHỮNG NƯỚC KHÁC NHAU

Giữa những người cùng giai-cấp nhưng ở những nước khác nhau, sự xung-đột quyền-lợi còn mạnh hơn sự xung-đột giữa những người đồng giai-cấp ở chung một nước với nhau.

Những kỹ-nghệ-gia nước này và nước nọ thường cạnh-tranh nhau một cách ráo-riết,chớ ít khi hợp-tác nhau. Chính vì để kiếm thị-trường cho nền kỹ-nghệ quốc-gia mà những nước kỹ-nghệ-hóa phải tranh-đấu nhau để dành những vùng ảnh-hưởng kinh-tế. Sự cạnh-tranh giữa những công-ty dầu hoả Mỹ, Anh, Pháp, đã bao nhiêu lần làm đẫm máu những đất Ả-rập ở Trung-đông. Những cuộc xung-đột giữa tư-bản và các đế-quốc thực-dân có thị-trường cho nền kỹ-nghệ mình , và tư-bản các cường-quốc không thuộc-địa và thiếu thị-trường cũng có đóng một vai tuồng trong việc gây ra những trận đại-chiến của thế-kỷ thứ 20.

Thợ thuyền các nước cũng không phải có quyền-lợi chung nhau. Mặc dầu người ta lập được những liên-hiệp nghiệp-đoàn thế-giới và không ngớt hô-hào giai-cấp cần-lao thế-giới nắm tay nhau, người lao-động các nước đã tranh-đấu nhau một cách mãnh-liệt để bảo-vệ quyền-lợi của chính mình.

Ở những nước theo chế-độ dân-chủ tự-do, thợ thuyền nhiều lúc đã vận-động chống lại dự-định bỏ hàng rào quan-thuế do các nhóm chánh-trị đưa ra. Như thế là vì họ sợ rằng trong chế-độ tự-do mậu-dịch, hãng họ không cạnh-tranh lại những hãng ngoại-quốc và phải lỗ đến đóng cửa đi, thành ra họ phải thất-nghiệp. Sự duy-trì hàng rào quan-thuế này bảo-vệ được quyền-lợi cho họ, nhưng có thể làm cho thợ thuyền một nước láng-giềng thất-nghiệp vì hãng dùng những thợ này không tiêu-thụ được những hàng-hóa sản-xuất ra.

Người ta có thể bảo rằng sự xung-đột quyền-lợi kể trên không rõ rệt nên không được thợ thuyền nhìn thấy. Nhưng có những trường-hợp mà người thợ một nước chống chọi lại người thợ nước khác một cách trực-tiếp hơn.

Người vô-sản những nước có một trình-độ sanh-hoạt cao luôn-luôn chống lại sự nhập-cư của những dân vô-sản ở những nước nghèo đói hơn. Trong lúc họ gởi lời thân chào giai-cấp cần-lao Ý, người thợ Pháp cương-quyết chống lại việc người thợ Ý xâm-nhập nước Pháp giành hết các chỗ làm. Trong lúc gởi lời thăm viếng những anh em vô-sản ở khắp bốn phương trời, người thợ Mỹ vẫn nhứt-định không chịu cho người Trung-Hoa, người Nhựt-Bổn di-cư vào nước họ nhiều, vì lẽ người Trung-Hoa, người Nhựt-Bổn vốn nghèo khổ nên chịu cực giỏi, nhẫn-nại, cần-cù,lại có một trình-độ sanh-hoạt thấp kém, thành ra dám chấp-nhận một số lương hết sức ít ỏi, nếu để họ tràn vào nước Mỹ đông thì vô-sản Mỹ nhiều người phải mất sở làm.

Cũng có khi người thợ của nước giàu và mạnh yêu-cầu chánh-phủ họ phải hạn-chế quyền lao-động của người nghèo khổ ở nước ngoài nhập-cư vào. Trường-hợp này đã xảy ra ở đất Nam-Phi : thợ thuyền Nam-Phi đã vận-động với chánh-phủ họ để đưa ra những đạo-luật hiếp-chế lao-động các nước khác nhập-cư vào nước mình, làm cho thợ thuyền nhập-cư ấy trở thành một hạng lao-động cùng-đinh.

d) NGUYÊN-NHƠN SỰ LẦM-LẠC CỦA KARL MARX.

Karl Marx sở-dĩ chủ-trương giai-cấp tranh-đấu là vì ông đã lầm-lạc trong sự quan-sát tình-hình chánh-trị các nước Âu-Châu, nhứt là nước Anh, về thế-kỷ 19. Thời ấy, chánh-thể đại-nghị đã được thi-hành ở Âu-châu, mà theo chánh-thể này, chánh-quyền về tay đảng nào được nhiều thăm nhứt. Muốn đoạt được chánh-quyền để tổ-chức xã-hội theo chương-trình mình, những chánh-đảng phải dựa vào phần đông nhứt hay có thế-lực nhứt trong dân-chúng. Như đảng cầm-quyền dựa vào hạng đại-tư-bản và đại-địa-chủ thì những đảng đối-lập liên-kết với hạng trung-lưu, hoặc dựa vào hạng nông-dân để lật đổ đảng nắm chánh-quyền và lên thay thế họ. Muốn cho những nhóm người mình dựa vào ủng-hộ mình triệt-để, mỗi đảng hứa khi nắm được quyền-bính rồi sẽ thi-hành những điều ích-lợi cho họ, sẽ chuẩn-nhận những điều yêu-sách của họ. Một người quan-sát thiển-cận thấy thế thì lầm tưởng rằng những đảng ấy chỉ tranh-đấu cho quyền-lợi một giai-cấp nhứt-định .Kỳ thật, vai tuồng những quyền-lợi giai-cấp trong đời sống chánh-trị các nước đại-nghị không phải quá lớn lao như Marx và môn-đồ tưởng.

Những nhà cầm-quyền cũng có lo thoả-mãn những cử-tri của mình một phần nào, nhưng thường họ phải lo giữ cho đời sống chung của quốc-gia được điều-hòa, nếu không nghĩ đến việc tư-lợi. Trách-nhiệm của chánh-quyền làm cho nhà chánh-khách nhiều khi có thái-độ khác hẳn người ứng-cử-viên. Do đó, những quyền-lợi giai-cấp chỉ được nhắc đến nhiều những khi các nhà lãnh-tụ nhận thấy cần-phải đưa nó ra để mua lòng quần-chúng, để đả-phá đối-phương, và ý-tưởng giai-cấp tranh-đấu thật ra đã bị các chánh-khách lợi-dụng để thi-hành những ý-kiến riêng của họ, để đạt được những quyền-lợi riêng của nhóm họ.

đ) KẾT-LUẬN CỦA MARX VỀ GIAI-CẤP TRANH-ĐẤU CŨNG SAI LẦM

Thuyết giai-cấp tranh-đấu đã không đúng mà kết-luận của Marx về giai-cấp tranh-đấu lại càng sai lầm hơn nữa. Ông tổ của học-phái tự xưng là duy-vật, mỉa mai thay, lại đặt những luận-lý của mình trên một không tưởng như các nhà triết-học duy-tâm. Vốn chịu ảnh-hưởng của phái Rousseau, Karl Marx cũng cho rằng người sanh ra tánh vốn lành, chỉ vì chế-độ xã-hội không hay nên mới sanh ra độc- ác tham-lam bóc lột lẫn nhau. Ông tưởng rằng thế nào ngày kia chế-độ cộng-sản cũng thi-hành được và nhơn-loại, dù muốn dù không, cũng đi đến cảnh thế-giới đại-đồng đầy hoan-lạc.

Bởi thế, khi nói đến cứu-cánh cuối cùng của cuộc tranh-đấu giai-cấp, Marx bảo rằng loài người sẽ tìm lại được bản-chất mình và gột rửa hết các vết-tích do chế-độ tư-bản gây trong tâm-hồn mình để phụng-sự xã-hội một cách đàng-hoàng. Ông quên rằng khi theo chủ-trương duy-vật, người ta chỉ có thể dựa vào những sự thật hiển-nhiên chung quanh mình mà suy-luận. Nhà duy-vật đã xem người là một phần-tử của thiên-nhiên và hoàn-toàn tùy-thuộc thiên-nhiên, không có tác-động gì đặc-biệt trên thiên-nhiên được thì không nêu ra vấn-đề bản-chất nguyên-thủy của người, càng không thể quả-quyết rằng bản-chất ấy tốt.

Muốn hợp-lý với mình, nhà duy-vật trước hết phải quan-sát xã-hội, rồi mới dựa vào tình-thế xã-hội mà suy ra những kết-luận về bản-chất con người. Mà cứ theo Karl Marx, các chế-độ xã-hội từ trước đến giờ đều hư hỏng vì trong xã-hội từ trước đến giờ, nhơn-loại luôn luôn phân ra làm giai-cấp bóc lột nhau. Trong trường-hợp đó, dầu có xem chế-độ xã-hội là kết-quả đời sống vật-chất, dầu cho có phủ-nhận quyền tư-do tác-động của người và do đó mà phủ-nhận trách-nhiệm của người trong sự xây dựng những chế-độ hủ-bại, nhà duy-vật cũng không thể kết-luận rằng người vốn tốt, chỉ vì chế-độ hủ-bại mà hư hỏng đi. Nhiều lắm là họ có thể xem con người như là một trong những yếu-tố cấu-tạo nên các chế-độ xã-hội hủ-bại, mà như thế ,họ cũng phải kể bản-chất con người là xấu chớ không nhận cho nó là tốt được.

Như vậy, tư-tưởng của Marx về vấn-đề này thực ra không hợp-lý một chút nào. Nhưng muốn cho chủ-trương mình có tánh-cách khoa-học, ông đặt ra duy-vật sử-quan, cho rằng lịch-sử loài người chỉ là lịch-sử của những cuộc tranh-đấu giai-cấp làm cho giai-cấp vô-sản thoát-ly sự bóc lột, và đến khi giai-cấp vô-sản nắm được hết các dụng-cụ sản-xuất thì loài người không còn bóc lột nhau nữa.

Chúng ta đã thấy rõ rằng lịch-sử loài người thật ra là lịch-sử cuộc tranh-đấu để mưu-sinh-tồn, nhiều khi núp dưới những dấu hiệu tư-tưởng. Những cuộc tranh-đấu giai-cấp chỉ là một phần nhỏ của cuộc sinh-tồn tranh-đấu, và ít khi có một tánh-cách thuần-túy, rõ ràng. Nhưng dầu cho chúng ta có nhận rằng loài người phân ra làm giai-cấp bóc lột và giai-cấp bị bóc lột tranh-đấu lẫn nhau đi nữa, ta cũng khó mà nhận rằng sự tranh-đấu giữa tư-bản và vô-sản hiện giờ sẽ đưa đến sự giải-thoát giai-cấp cần-lao và một nhơn-loại hòa-bình vĩnh-viễn được. Vì muốn lật đổ giai-cấp cầm-quyền, dân-chúng phải có một thiểu-số dẫn-đạo – mà ta gọi là những nhà cách-mạng –thành ra giai-cấp cầm-quyền tổ-chức lại xã-hội. Lẽ tất-nhiên những nhà cầm-quyền mới này được hưởng nhiều quyền-lợi vật-chất và tinh-thần mà đại-đa-số quần-chúng không được hưởng. Cái bản-tánh tự-nhiên của con người sẽ làm cho họ cố gắng để duy-trì những quyền-lợi ấy cho họ, và nếu có thể được, cho con cháu họ. Điều này đưa đến những sự lạm-dụng, những sự bất-công, và chẳng chóng thì chầy, trong đa-số quần-chúng sẽ có một thiểu-số khác gọi giai-cấp cầm-quyền là hạng bóc lột và vận-động lật đổ họ.

Tấn tuồng trên này đã diễn đi diễn lại nhiều lần trong xã-hội. Chúng ta có thể nhận rằng những cuộc cách-mạng chống nhà cầm-quyền không xảy ra ở những nước trù-phú, theo một chế-độ tự-do, trong đó đa-số quần-chúng được sinh-tồn một cách sung-mãn, và sự tuyển lựa người chỉ-huy được thi-hành một cách rộng rãi, công-bằng khiến cho những người tài-năng có thể đạt được địa-vị mình thèm muốn một cách êm thắm, hòa-bình.Nhưng chúng ta không thể hiểu được vì sao nhơn-loại hoàn-toàn chấm dứt sự tranh-đấu nhau khi tất cả phương-tiện sản-xuất đều tập-trung lại, theo lý-thuyết thì trong tay toàn-thể dân-chúng, nhưng thật-sự thì trong tay thiểu-số cầm-quyền.

Công việc tập-trung hết tài-sản của quả địa-cầu lại làm một mối thật ra không phải dễ thi-hành. Nhưng ta hãy cứ thí-dụ rằng đảng cộng-sản có thể làm nổi công việc ấy. Khi thành-công rồi, họ có thể có hai thái-độ.

Nếu nhờ một trường-hợp hi-hữu nào đó mà những nhà lãnh-tụ công-sản hoàn-toàn tốt, không vụ-lợi tham-danh, họ sẽ tự tước hết quyền mình, hủy hết những chế-độ chánh-trị, giao những cơ-quan sản-xuất cho quần-chúng để cho mọi người được tự-do « sản-xuất theo năng-lực mình và tiêu-thụ theo nhu-cầu mình ». Con người vốn tự-nhiên biếng nhác và tham-lam. Để cho họ được hoàn-toàn như thế, họ sẽ làm việc rất ít và muốn hưởng thật nhiều. Những món hàng sản-xuất được sẽ không đủ cho mọi người và người ta sẽ đâm ra xâu xé tranh-đấu nhau. Thế-giới sẽ hỗn-loạn và để lập lại trật-tự, người ta sẽ phải tái-lập cơ-quan điều-khiển, tức là lập lại chánh-quyền. Vậy,dầu cho các lãnh-tụ cộng-sản có hoàn-toàn tốt đi nữa, chánh-quyền vẫn tồn-tại như thường và với nó, tất cả những bất-công bị nhóm cộng-sản chỉ-trích.

Mà thật sự, các lãnh-tụ cộng-sản không thể hoàn-toàn tốt, họ sẽ cứ giữ mãi quyền-hành trong tay. Trong trường-hợp này, loài người sẽ sống dưới một chế-độ độc-tài nguy-hiểm nhứt trần-gian. Xin những ai mơ-tưởng rằng khi chế-độ cộng-sản thi-hành được trên toàn thế-giới thì chúng ta sẽ đến một kỷ-nguyên bình-đẳng và công-chánh, nhớ lại rằng trong chế-độ đại-đồng cộng-sản, thiểu-số chỉ-huy đã nắm quyền-hành-chánh và binh-bị, mà lại còn là giám-đốc các xí-nghiệp kinh-tế vĩ-đại gồm cả thế-giới. Họ có quyền bắt mỗi người làm việc gì, làm mỗi ngày bao nhiêu, làm nơi đâu và lãnh lương bao nhiêu nữa. Từ xưa đến giờ, có lúc nào mà thiểu-số cai-trị lại nắm được trong tay những khí-cụ nhiều và có hiệu-lực đến thế không ?

Tin tưởng rằng những sự lạm-dụng,những sự áp-chế, những điều bất-công không tránh được trong xã-hội hiện-thời sẽ biến mất trong chế-độ cộng-sản, nhờ một tổ-chức dân-chủ, đưa những kẻ thật lòng làm lợi cho dân-chúng lên nắm quyền-bính, là một điều lầm-lạc trẻ con. Vì trong môt chế-độ mà thiểu-số chỉ-huy có đủ quyền ban-thưởng và trách-phạt, có đủ tất cả các phương-tiện tuyên-truyền, tất cả những cách thức gạt gẫm quần-chúng, tất cả những phương-pháp nhồi sọ nhơn-dân, không dung-nạp một tổ-chức nào khác hơn là tổ-chức mình, không cho ai bình-phẩm về cách cai-trị của mình, thì những cuộc tuyển-cử hay trưng-cầu dân-ý chỉ có thể đưa đến những kết-quả mà nhà cầm-quyền muốn thấy mà thôi.

Guồng máy độc-tài kinh-khủng này sẽ cứ quay mãi không ngừng, và nó sẽ đè bẹp luôn cả những người điều-khiển nó : chính thiểu-số chỉ-huy xã -hội cộng-sản cũng vì sự tranh-quyền, vì sự tự-vệ mà phải chiến-đấu nhau mãnh liệt. Nếu trước đây, những lãnh-tụ cộng-sản đã nhờ sự bưng bít và sự tuyên-truyền láo khoét mà hóa-trang được sự thật và gạt gẫm được những người nhẹ dạ cả tin thì những biến-cố xảy ra sau khi Staline chết đã bày tỏ một cách rõ ràng những thúi tha của chế-độ cộng-sản.

Trong đại-hội thứ 20 của đảng cộng-sản Đệ-Tam Quốc-Tế, những nhà lãnh-đạo hiện-thời của Liên-bang Sô-viết đã công-khai lên án Staline, người mà cácđảng-viên cộng-sản Đệ-Tam đã ca-tụng không tiếc lời hơn hai mươi năm ròng rã. Theo những nhà lãnh-đạo này, Staline đã buộc mọi người thờ phượng y như thần-thánh, đã có những chủ-trương sai lạc trong sự điều-khiển quốc-gia, đã sát-hại nhiều người một cách oan-khuất, trong đó có những đảng-viên cộng-sản trung-kiên, đã phạm nhiều tội ác tày trời như là bắt một số phụ-nữ làm vật hy-sanh để thoả-mãn thú-dục của y.

Để sửa chữa lại những lỗi lầm do Staline gây ra, những nhà lãnh-đạo hiện-thời của Liên-bang Sô-viết đã thả nhiều người bị giam, hồi-phục danh-dự cho nhiều người bị giết hay bị tù đày, cố giao-hảo lại với Tito, lãnh-tụ đảng cộng-sản Nam-tư. Một mặt khác, họ cho hạ lần những ảnh tượng của Staline, và đổi tên nhiều công-trường và thành-phố mang tên nhà độc-tài đã quá-vãn. Về phương-diện tinh-thần, họ cho viết lại những quyển sử chứa đựng toàn chuyện bịa đặt và cho phép một số nhà tư-tưởng bị bịt mồm trước kia lên tiếng bênh vực chủ-trương mình.

Những việc làm trên đây có làm cho chế-độ thi-hành ở Liên-bang Sô-viết hơi dịu bớt tánh-cách khắc-nghiệt. Tuy thế, nó không giúp cho cách lãnh-tụ hiện-thời của các nước ấy khỏi bị chỉ-trích. Một số đảng-viên cộng-sản ngoại-quốc đã lên tiếng đả-kích họ, và hỏi họ đã làm gì bên cạnh Staline trong khi Staline phạm những tội ác mà hiện giờ họ phanh phui ra. Để trả lời lại những sự công-kích đó, viên Tổng-thư-ký hiện-tại của đảng cộng-sản Nga là Khroutchev đã bảo rằng lúc ấy họ không thể làm gì được vì Staline có một uy-tín rất lớn trong dân-chúng, nên họ không thể đứng lên tố-cáo ông ta khi ông ta còn sống. Một mặt khác, các lãnh-tụ cộng-sản hiện giờ lại cho biết một cách gián-tiếp rằng chính họ đã tìm cách thủ-tiêu Staline.

Tất cả những việc kể trên đây đều chỉ rõ rằng xã-hội cộng-sản không thể tốt đẹp được. Một khi chế-độ cộng-sản đã sản-xuất ra được một Staline, một khi chính những lãnh-tụ nhận thấy rõ tội ác của Staline cũng không thể công-khai chống chọi lại Staline vì bộ máy tuyên-truyền của Liên-bang Sô-viết đã lỡ nhồi vào sọ nhơn-dân rằng Staline là một người hoàn-toàn, thành ra Staline có một uy-tín quá cao, một khi Staline có thể ngự-trị trên Liên-bang Sô-viết gần ba mươi năm và đã giết hại không biết bao nhiêu người vô-tội, và tàn-sát luôn đến cả những lãnh-tụ cộng-sản trung-kiên, một khi những bộ-hạ của Staline muốn thoát khỏi gông cùm ông ta phải tìm cách giết lén ông ta, thì thử hỏi làm sao ta có thể tin cậy nơi chế-độ ấy được nữa ? Vì thật ra, có cái gì bảo-đảm rằng lãnh-tụ cộng-sản hiện-thời sẽ không xâu xé nhau mãi ?

Từ trước đến nay, đảng cộng-sản chưa hoàn-toàn thành-công vì còn phải đối-phó với khối cường-quốc không cộng-sản ; các lãnh-tụ cộng-sản còn cần dân-chúng, và cần phải cố-kết nhau lại để chống chọi lại khối cường-quốc không cộng-sản mà họ còn xử-sự với dân-chúng và đối-đãi với nhau như thế thay ; đến khi cướp được quyền-bính trên toàn thế-giới rồi, làm sao họ khỏi bóc lột thêm dân-chúng, làm sao họ khỏi phân-tranh xâu xé lẫn nhau ? Chừng đó, thế-giới sẽ biến thành một bãi chiến-trường minh-mông và sự tương-tàn tương-sát giữa loài người sẽ không kém gì những cuộc chém giết nhau trong thời-đại hồng-hoang man-dã.

3. NHỮNG THUYẾT PHỤ THÊM VÀO THUYẾT GIAI-CẤP TRANH-ĐẤU.
a) THUYẾT GIÁ-TRỊ

Sự định giá-trị một món hàng thường tùy-thuộc vào hai yếu-tố : một là sự lợi-ích của món hàng ấy, hai là công-trình người làm ra nó. Như vậy nó gồm hai phương-diện khác nhau: phương-diện người tiêu-thụ và phương-diện người sản-xuất.

Đứng về phương-diện người tiêu-thụ mà nói, vấn-đề giá-trị đã hết sức phức-tạp rồi, vì sự qui-định mức cần-ích của món hàng, tùy theo xã-hội và cá-nhơn mà khác nhau vô cùng. Nếu ta nhớ rằng ngoài người tiêu-thụ, lại còn có người sản-xuất, ta sẽ thấy rằng vấn-đề giá-trị lại còn phức-tạp hơn nữa.
Khi lấy một số công-việc xã-hội cần-thiết để sản-xuất một món hàng làm yếu-tố qui-định giá-trị món hàng ấy, Marx đã đơn-hóa vấn-đề, nhưng chính-sự đơn-hóa này đã làm cho vấn-đề sai lạc đi.

Trước hết ,ta có thể nhận rằng Marx đã bỏ hẳn quan-điểm của người tiêu-thụ, mà thật ra, chính quan-điểm này mới lại là phần quan-trọng hơn hết, vì người chỉ sản-xuất những món hàng tiêu-thụ được mà thôi. Một đồ vật tốn nhièu công-phu chế-tạo mà không hữu-ích cho ai cả tất-nhiên không thể có một giá-trị gì, và điều này chỉ tỏ rằng quan-niệm giá-trị của Marx không thể chấp-nhận được.

Hơn nữa, ngay về phiá người sản-xuất, quan-niệm về giá-trị của Marx cũng không đầy đủ. Trong thuyết giá-trị của ông, Marx chỉ nói đến công việc thủ-công mà không nhắc đến sự làm việc bằng trí óc, cũng không đá động đến những kinh-nghiệm của người làm việc.

Thật ra, nếu ta theo đúng chủ-trương của Marx về vấn-đề giá-trị, ta sẽ phảỉ định giá-trị những tác-phẩm văn-chương, nghệ-thuật, những phát-minh khoa-học, những công-tác chánh-trị bằng số giờ làm việc của các văn-nghệ-sĩ, các nhà bác-học, các chánh-khách, và đó là một điều thậm vô-lý. Bởi vậy, ta phải gạt bỏ các hạng người này qua một bên, và như thế trong xã-hội của Marx chỉ còn có hạng thợ thuyền là đáng kể .

Về những hạng thợ thuyền này, Marx chủ-trương dựa vào số thì giờ xã-hội cần-thiết để định giá-trị công việc làm của họ. Trả lời cho những người nêu ra vấn-đề phân-biệt công-việc chuyên-môn với công việc thường, Marx bảo rằng công việc chuyên-môn có thể xem như là một bội-số của công việc thường.

Vậy, cứ theo ý Marx, giá một món hàng do một người thợ chuyên-môn làm trong mười giờ đồng-hồ phải hai hay ba lần cao hơn giá một món hàng do một người thợ thường làm cũng trong thời-hạn mười giờ. Do đó,người thợ chuyên-môn phải lãnh một số lương bằng hai hoặc ba số lương người thợ thường.

Nhưng vấn-đề nan-giải cho những người theo chủ-trương này là làm sao định được con số dùng làm số nhân một cách đàng-hoàng. Nếu ta xem công việc của một người thợ điện như là một bội-số của người gác cổng,ta phải định rõ mực gia-bội này là bao nhiêu.

Marx có cho biết rằng muốn định con số đó, ta phải dựa vào xuất mậu-dịch của các vật-phẩm. Nếu một cái tượng do một nhà điêu-khắc chạm trong hai giờ có thể dùng để đổi lấy một xe đá do một người thợ đá đục được trong hai mươi giờ, ta có thể xem rằng một giờ làm việc của nhà điêu-khắc bằng mười giờ làm việc của người thợ đá, và như thế số nhân phải là mười.

Nhưng câu trả lời của Marx không giải-quyết được vấn-đề, vì người ta tự hỏi phải làm sao để định được rằng giá cái tượng bằng giá xe đá trên đây? Ta không thể dựa vào giá thị-trường được,vì như thế, ta lại rơi vào trong chế-độ mậu-dịch của tư-bản mà Marx chỉ-trích. Hơn nữa, giá thị-trường vốn không phải là bất-biến và khi dựa vào nó, ta phải luôn luôn thay đổi số nhân giữa công việc chuyên-môn và công việc thường.

Trong trường-hợp chánh-phủ cộng-sản can-thiệp vào việc định giá-trị các món hàng, ta không thể biết được họ dựa vào tiêu-chuẩn gì mà tính, vì hiện-thời, người ta chưa có dụng-cụ gì khả-dĩ đo lường được sự khó nhọc của người khi làm một công việc.

Nếu ta nhớ rằng trong xã-hội, không phải chỉ có hạng thợ thuyền là làm việc mà còn những người làm việc bằng trí óc nữa, ta sẽ thấy tất cả sự khó khăn của vấn-đề. Vì ta có thể chắc chắn rằng dầu khoa-học có tiến-bộ đến đâu, nó cũng khó thể tạo được một cái máy giúp người so-sánh những nỗi lo của một viên giám-đốc khi ông ta do-dự trước hai phương-pháp tổ-chức xưởng mình, với sự mệt nhọc về thể-xác của một anh phu đào đất và sự dụng-tâm của một viên kế-toán ghi chép những con số và tính-toán với những con số ấy. Đối với những nhà thi-sĩ khi cao-hứng thì làm bài thơ dài trong một khắc, và lúc cạn hứng thì nặn nọt suốt ngày mới viết được ít câu, hẳn không máy móc nào có thể đo nổi công lao họ, càng không thể nữa là nhà thi-sĩ có thể không thấy mệt nhọc mà còn sung sướng khi làm thơ.

Như thế, quyết-định của chánh-phủ cộng-sản về giá-trị công việc làm mỗi người chỉ có thể là một quyết-định độc-đoán mà thôi. Những người cộng-sản cho rằng trong xã-hội cộng-sản, đảng cộng-sản là ý-thức quần-chúng, và các lãnh-tụ cộng-sản là ý-thức của đảng cộng-sản. Giữa quần-chúng với đảng và giữa đảng với các lãnh-tụ, luôn luôn có sự thông-cảm và ảnh-hưởng qua lại với nhau. Bởi đó, quyết-định của các lãnh-tụ cộng-sản luôn luôn hợp với nguyện-vọng và sự cần dùng của quần-chúng. Nhưng gương Staline đã cho ta thấy rằng những quả-quyết trên này không thể đứng vững, và thuyết giá-trị của Marx chung-qui không sao có thể nhận được.

b) THUYẾT GIÁ-TRỊ THẶNG-DƯ

Thuyết giá-trị thặng-dư của Marx dựa vào một quan-niệm căn-bản là sức làm việc của người thợ cũng là một món hàng mà giá-trị mậu-dịch bằng số thì giờ cần-thiết để sản-xuất những món dùng vào việc duy-trì sự sống của người làm việc và gia quyến anh ta. Cứ theo quan-niệm này, người thợ chung-qui cũng chỉ là một món hàng.

Thật ra thì trong các xã-hội cổ, quan-niệm xem người – ít nhứt là người lao-động thuộc giai-cấp hạ-tiện – như một món hàng là một quan-niệm thông-thường. Người nô-lệ của chế-độ cổ-thời, người nông-nô của chế-độ phong-kiến bị đối-đãi như con vật mà người chủ có quyền đem đi bán lúc nào cũng được. Xét về mặt pháp-lý, trong xã-hội dân-chủ tư-sản, tất cả mọi người đều là công-dân. Nhưng trong thật-tế, phần lớn những nhà tư-bản của thế-kỷ 19 vẫn xem thợ thuyền như là một thứ máy móc làm việc cho mình.

Thái-độ những nhà quí-phái cũng như những vị chủ-nhơn thời trước khinh rẻ hạng cần-lao và xem họ như một món hàng là một thái-độ vô-nhơn-đạo. Nó chà đạp phẩm-cách con người và gây ra bao nỗi khổ-sở cho hạng người xấu số. Lòng nhơn-đạo và sự tôn-trọng phẩm-cách con gười bắt buộc ta phải đánh đổ quan-niệm của hạng thống-trị ngày xưa. Mà trong việc làm này, thuyết giá-trị thặng-dư của Marx chẳng những vô-ích mà còn có hại nữa.

Không cần nêu ra thuyết giá-trị thặng-dư, ai cũng thấy rằng những nhà tư-bản của thế-kỷ 19 bóc lột thợ thuyền một cách tàn-nhẫn. Những nhà xã-hội duy-tâm đã nhiệt-liệt chỉ-trích những nhược-điểm của chế-độ tư-bản. Ta có thể chấp-nhận rằng những đề-nghị cải-tổ xã-hội của họ có tánh-cách không-tưởng, nhưng sự công-kích chế-độ tư-bản của họ không phải là không hiệu-lực. Nêu ra thuyết giá-trị thặng-dư, Marx không giúp ích gì hơn vào việc phơi bày nỗi khổ của người lao-động, mà lại còn long-trọng công-nhận rằng thợ thuyền là một thứ hàng-hóa không hơn không kém.

Chủ-trương của Marx thật hết sức rõ ràng : sức làm việc của người thợ là một món hàng. Giá-trị món hàng này bằng số thì-giờ cần-thiết để sản-xuất những món cần-thiết cho sự sống của người thợ và gia-quyến y. Vậy,người thợ thật-sự cũng là một món hàng, một món hàng đặc-biệt nếu ta săn sóc tử-tế sẽ có thể cung-cấp một số công-việc, và một số con cái sau này sẽ cung-cấp một số công việc khác, y hệt như con trâu hay con ngựa.

Chủ-trương trên này – vốn rất hợp với thuyết duy-vật của Marx – đã không kính-trọng nhơn-phẩm người thợ mà còn đưa đến một chánh-sách rất có hại cho hạng cần-lao. Xét đời sống chánh-trị nội-bộ những nước bị bọn môn-đồ Karl Marx chiếm cứ, ta thấy rằng bọn họ xem con người như một thứ tư-bản. Để đuổi kịp các nước tây-phương trên con đường kỹ-nghệ, Liên-bang Sô-viết đã lập các trại tập-trung hàng ngàn hàng triệu con người. Chính với sự đau khổ của các công-nhơn cưỡng bách này, họ đã một phần nào chữa bớt sự chênh-lệch giữa họ với các nước đã có một nền tư-bản khổng-lồ tích-lũy suốt mấy trăm năm nay.

Vì thế, thợ thuyền các nước theo chế-độ cộng-sản, nhứt là thợ thuyền Ba-lan và Hung-gia-lợi đã hết sức thù ghét cộng-sản. Những cuộc khởI-nghĩa đã làm đẫm máu đất Trung-Âu vào cuối năm 1956 đã cho ta thấy rõ rằng hiện nay chính những người lao-động của các nước «dân-chủ bình-dân» mới là những người chống cộng mãnh-liệt nhứt.

Đứng về phương-diện kinh-tế mà nói, thuyết giá-trị thặng-dư của Marx có thể qui về hai điểm : một là nhà tư-bản luôn luôn trả cho thợ thuyền một số lương tốI-thiểu, hai là thợ thuyền là hạng người duy-nhứt tạo ra sản-phẩm và phải được hưởng hết những sản-phẩm chế-tạo ra.

Marx cho rằng sức làm việc là một món hàng được nhà tư-bản mua theo giá-trị mậu-dịch của nó, mà giá-trị mậu-dịch này bằng số thì giờ cần-thiết để sản-xuất những món dùng vào việc duy-trì sự sống của người làm việc và của gia-quyến anh ta. Như thế,Marx đã bảo một cách gián-tiếp rằng nhà tư-bản chỉ trả cho thợ-thuyền một số lương tối-thiểu cần-thiết cho thợ thuyền mà thôi.

Điều này rất đúng lúc Marx nêu ra chủ-nghĩa của mình. Nhưng ta có thể nhận thấy rằng những nguyên-nhơn đưa đến tình-thế đó là những nguyên-nhơn đặc-biệt của thời-kỳ này.

Đâu thế-kỷ 19, sự bành-trướng của cơ-giới làm cho công-nghệ ở thôn quê không cạnh-tranh lại các kỹ-nghệ ở thành thị và phải phá-sản. Do đó, thợ thuyền ở thôn quê dồn về thành-thị rất đông. Họ không được tổ-chức một cách đàng-hoàng vì chánh-phủ nghiêm-cấm mọi cuộc liên-minh giữa thợ thuyền.

Trong lúc đó, vì kỹ-nghệ mới mở mang, những nhà tư-bản hãy còn ít và không dùng hết số thợ thuyền sẵn có. Một mặt khác, họ có thể thoả-thuận với nhau để dìm giá lương bổng. Không như thế, sự cần-thiết phải hạ giá hàng-hóa để cạnh-tranh nhau một cách hiệu-lực cũng bắt buộc họ phải trả cho thợ thuyền ít chừng nào hay chừng ấy.

Vì những lý-do này, trên thị-trường lao-công, người thợ ở vào một vị-thế hoàn-toàn yếu kém. Đã thế ,trên thế-giới lúc đó, kỹ-nghệ chỉ mới mở mang ở một vài nước ,thành ra nhà sản-xuất có một thị-trường rộng rãi. Họ không cần đến khả-năng tiêu-thụ của hạng thợ thuyền cho nên người lao-động ở trong một hoàn-cảnh hết sức tối tăm.

Nhưng ngay trong chế-độ tư-bản của thế-kỷ 19, cũng đã có sự phân-biệt giữa các hạng thợ thuyền. Những người thợ chuyên-môn thời ấy đã được hưởng những lương bổng cao hơn thợ thường nhiều.

Một mặt khác, lương bổng thợ thuyền càng ngày càng tăng và tăng mau hơn giá sanh-hoạt. Những sử-gia khách-quan đều nhận rằng địa-vị thợ thuyền đã được cải-thiện rất nhiều, nhờ sự biến-đổi của điều-kiện xã-hội.

Trước hết, phong-trào di-cư từ thôn quê ra thành-thị yếu lần đi. Một mặt khác, vì kỹ-nghệ mở mang thêm, sự cần dùng nhiều nhơn-công cũng tăng lên nhiều. Thêm nữa, thợ thuyền lần lần giác-ngộ về quyền-lợi mình nên hội-họp nhau lại để tranh-đấu chung nhau. Ban đầu, các nghiệp-đoàn chỉ được chánh-phủ dung-nhận, nhưng về sau, nó được chánh-thức thành-lập nhờ những cuộc tranh-đấu chánh-trị của những phần-tử cấp-tiến. Khi đã mạnh lên rồi, những nghiệp-đoàn hoạt-động để yêu-cầu các nghị-hội ban-bố những luật-lệ xã-hội có lợi cho hạng thợ thuyền, bắt buộc chánh-phủ qui-định số lương tối-thiểu mà chủ-nhơn phải trả cho thợ thuyền, thi-hành những biện-pháp để bảo-vệ quyền-lợi của thợ thuyền trong trường-hợp họ bị tai-nạn hay ngọa bịnh vì công việc, hạn-chế số giờ làm việc mỗi ngày và cưỡng bách chủ-nhơn phải cho thợ thuyền nghỉ ăn lương một thời-gian trong năm.

Những nhà tư-bản ban đầu còn có chống chọi lại xu-hướng xã-hội ấy. Nhưng về sau,họ lại nhận thấy rằng một số luật-lệ xã-hội cuối cùng lại làm lợi cho việc sản-xuất, thí dụ hạn-chế số giờ làm việc mỗi ngày giúp cho thợ thuyền khoẻ hơn và làm việc hăng-hái hơn, thành ra năng xuất sanh-sản của thợ thuyền tăng lên rất cao, và với một số giờ làm việc ít hơn, người ta có thể sản-xuất nhiều hơn trước. Do đó, họ cũng chiều theo xu-hướng chung.

Gần đây hơn nữa, người ta thấy phát-hiện một quan-niệm mới theo đó, lương bổng không còn là một số tiền dùng để trả công-lao cho thơ thuyền mà trở thành lợi-tức cho một hạng người trong xã-hội. Quan-niệm này do sự phát-triển nền kỹ-nghệ trên thế-giới mà ra. Vì sự phát-triển đó, các nhà kỹ-nghệ khó kiếm thị-trường bên ngoài quốc-gia mình nên phải tìm cách mở rộng thị-trường trong nước. Do đó, họ phải nghĩ đến việc mở mang khả-năng tiêu-thụ của thợ thuyền là một hạng người đông đảo trong nước. Chẳng những tự ý nâng cao lương bổng thợ thuyền, họ còn rút ngắn thì giờ làm việc để thợ thuyền có thì giờ đi chơi và có dịp tiêu-thụ nhiều hơn .

Ngay ở những nước chưa đi đến quan-niệm này, người ta cũng nhận thấy rằng số tiền mỗi người thợ lãnh không còn cân-phân với sức làm việc họ cung-cấp mà một phần nào dựa vào nhu cầu họ. Một người thợ thường có nhiều con cái có thể nhờ tiền trợ cấp gia-đình mà lãnh một số lương cao hơn một người thợ chuyên-môn nhưng không có gia-đình.

Như thế, lương bổng thợ thuyền không còn bị nhà tư-bản ghìm xuống mức tối-thiểu như Marx chủ-trương. Nó cũng không còn là một yếu-tố để định-giá sản-xuất một món hàng hay một giá-trị dùng để đền bù công khó cho ngưới thợ, mà trở thành một nguồn lợi-tức dùng để thỏa-mãn sự cần dùng của một hạng người trong xã-hội. Vậy thuyết thặng-dư giá-trị của Marx đã bị sự thay đổi của tình-thế làm cho sai lạc đi.

Về chủ-trương của Marx cho rằng chỉ có thợ thuyền là kẻ tạo ra sản-phẩm nên họ phảI được hưởng hết những sản-phẩm chế tạo ra, ta có thể bảo rằng nó không hợp-lý. Những người đứng ra sáng-tạo một xí-nghiệp và tổ-chức công việc trong xí-nghiệp, tìm cách tiết-kiệm thì giờ, vật-liệu và sức lực nhơn-công, phân chia công việc làm, hạn-định sự tác-dụng nghị-lực của mỗi người, đã đóng một vai tuồng quan-trọng hơn một người thợ trong quá-trình sanh-sản.

Trong xã-hội Âu-châu vào thế-kỷ thứ 19, những nhà tư-bản quả có thâu lấy một phần lời quá lớn so với công-lao và vốn liếng họ bỏ ra. Đó là một sự bất-đồng cần đánh đổ. Nhưng khi bảo rằng nhà tư-bản ngồi không an-hưởng giá-trị thặng-dư và cho rằng chỉ có người thợ là kẻ đã tạo ra giá-trị, Marx đã đi quá đà. Vì bảo như thế, tức là bảo rằng dầu là có người điều-khiển hay không, dầu sự điều-khiển hay dở thế nào đi chăng nữa thì cung-lượng sản-xuất của người thợ vẫn không thay đổi.

Thêm nữa, ngoài người lao-động, dụng-cụ đóng một vai tuồng quan-trọng trong sự sản-xuất. Trong các kỹ-nghệ có ngành dùng người nhiều, máy ít ; có ngành dùng người ít, máy nhiều. Nếu thuyết giá-trị thặng-dư mà đúng thì tất nhiên người chủ hãng nào dùng thợ nhiều phải thâu lời nhiều hơn những hãng dùng thợ ít. Nhưng sự thật trái hẳn điều này.

Vả lại, một khi người thợ cần dùng dụng-cụ để làm việc, ta còn phải nghĩ đến việc giữ gìn các dụng cụ ấy và khi nó hư hỏng thì phải thay thế nó.Hơn nữa,ta cũng phải nghĩ đến việc chétạo thêm dụng cụ mới để cho khẩnăng sản-xuất của xã-hội ngày thêm tăng-cường mãi lên.Trong trường-hợp đó,ta không thể nào giao tất cả những sản-phẩm chế-tạo được cho thợ thuyền,mà phải dành một phần sản-phẩm ấy cho những người có tham-dự vào việc chế-tạo dụng-cụ và những người đứng ra tổ-chức việc giữ-gìn dụng-cụ và chế-tạo thêm dụng-cụ mới.

Về thuyết giá-trị thặng-dư, chúng ta cũng nên lưu-ý rằng Marx nhận càn rằng người thợ chỉ cần làm việc 6 giờ cũng đủ sản-xuất những món cần-thiết cho sự sống của mình và của gia-đình mình mà phải làm việc cho nhà tư-bản 12 giờ. Hai số 6 và 12 này thật ra không căn-cứ vào đâu cả. Nhưng dầu cho lời quả-quyết của Marx hết sức đúng, ta cũng không nên quên rằng nếu người lao-động có thể sản-xuất đủ những món cần-thiết cho mình trong 6 giờ, ấy cũng nhờ có tư-bản và sự chỉ-huy bằng trí óc giúp vào. Nếu người lao-động làm việc một mình thì không những 12 giờ mà có lẽ đến 24 giờ làm việc cũng không đủ để cho y sản-xuất những món cần-thiết trên kia. Sự so sánh một xã-hội gọi là tư-bản với một xã-hôi dựa vào một chế-độ sản-xuất cổ-lỗ giúp cho ta thấy điều này một cách rõ ràng.

Cứ theo ý Marx và môn-đồ ông thì chỗ khác nhau giữa số sản-phẩm của người lao-động làm việc một mình với một dụng-cụ đơn-giản, và số sản-phẩm của người lao-động làm chung với một số đông lao-động khác trong một hãng xưởng với máy móc đầy đủ, phải thuộc về người lao-động cả. Nhưng thật ra, chỗ khác nhau trên này là một sản-phẩm có tánh-cách xã-hội. Nó là kết-quả của sự tổ-chức, sự điều-khiển, nhưng cũng là kết-quả những sự phát-minh, những sự nghiên-cứu, những công cuộc đào-luyện, giáo-dục, những hoạt-động để duy-trì sự an-ninh trật-tự cần-thiết cho sự sản-xuất kinh-tế theo một qui-mô rộng lớn. Bởi đó,khi bảo rằng đó là một giá-trị thặng-dư mà nhà tư-bản cướp của người lao-động thì không đúng, mặc dù nhà tư-bản có giành lấy một phần quá lớn trong số lời thâu được.

Một mặt khác, những chủ-trương của Marx về vấn-đề tăng-gia giá-trị thặng-dư cũng không đúng. Cho rằng hạ giá hàng-hóa xuống là thâu ngắn thì giờ mà người lao-động làm việc cho mình, tức là bóc lột người lao-động, thì thật là có một quan-niệm hoàn-toàn máy móc. Vì nếu nhà sản-xuất hạ giá hàng-hóa xuống mà giữ nguyên số lương của người thợ, hay hơn nữa ,tăng thêm số lương ấy, thì khả-năng tiêu-thụ của người thợ được lên cao và người thợ có thể sống một cuộc đời phong-lưu hơn trước. Trong trường-hợp đó, ta không thể nào cho rằng người thợ bị bóc lột khi hàng-hóa bị hạ giá được.

Với một tổ-chức hợp-lý hơn, xã-hội tư-bản hiện-tại thật ra đã làm sai hẳn nhiều quan-điểm của Marx. Theo nhà thủy-tổ của lý-thuyết xã-hội duy-vật, sức làm việc công-cộng của thợ thuyền hoàn-toàn thuộc về nhà tư-bản. Nhưng thật sự, với lối đánh thuế lũy-tiến, với chế-độ « an-ninh xã-hội », với sự tranh-đấu nghiệp-đoàn bắt buộc chủ-nhơn phải hạ số giờ làm việc mỗi tuần xuống và tăng lương thợ thuyền lên, đồng-thời tổ-chức việc sự nâng cao đời sống thợ thuyền về mọi phương-diện và bài-trừ nạn thất-nghiệp, sự phân chia lợi-tức có tánh-cách công-bằng hơn, và sự dùng thêm máy móc không còn tăng-gia giá-trị thặng-dư tương-đối nữa, mà lại nâng cao trình-độ sanh-hoạt vật-chất của mọi người lên.

Như thế, thuyết giá-trị thặng-dư không thể đứng vững được. Thêm nữa, nó không bao-quát được cả sự làm việc trong xã-hội, vì ngoài những người lao-động trực-tiếp sanh-sản những nhu-dụng cho xã-hội, còn có những người khác không trực-tiếp làm công việc sanh-sản, những chánh-khách, những quân-nhơn. Nếu cho rằng chỉ có sản-phẩm thủ-công là có giá-trị, và ai không tạo ra một hàng-hóa gì mà có hưởng những nhu-dụng như mọi người là kẻ bóc lột lao-động thì chính Karl Marx, Engels, những lý-thuyết-gia xã-hội suốt đời chỉ hoạt-động cách-mạng và văn-hóa chớ không tự mình làm ra một sản-phẩm gì, hẳn cũng là những người bóc lột nốt.

c) LUẬT TÍCH-LŨY TƯ-BẢN VÀ QUẦN-CHÚNG VÔ-SẢN-HÓA

Luật tích-lũy tư-bản và quần-chúng vô-sản-hóa cũng không được thật-tế chứng-nhận. Trong thế-kỷ 19, quả có những nhà tư-bản và nhiều nhà tiểu-tư-sản sạt nghiệp vì những sự cạnh-tranh và khủng-hoảng kinh-tế. Nhưng xen vào những thời-kỳ hỗn-loạn, vẫn có những thời-kỳ phồn-thạnh, làm cho trình-độ sanh-hoạt chung được nâng cao lên.

Sự phát-hiện của những phong-trào xã-hội, lại làm cho những nước tư-bản không ít thì nhiều, tìm cách hạn-chế sức phát-triển của tư-bản và cải-thiện đời sống hạng cần-lao. Do đó, hạng tiểu tư-sản đã không bị tiêu-diệt mà lại còn càng ngày càng nhiều và lần lần xuất-hiện ở những nước xưa nay không có nó.

Thêm nữa, người ta lại nhận thấy rằng sự phát-triển của kỹ-thuật làm cho các xí-nghiệp lớn ra rất nhiều, và tư-bản các xí-nghiệp không còn thuộc về một số ít người làm chủ nữa. Trái lại, với lối họp-tập tư-bản bằng cổ-phần, vốn của nhiều xí-nghiệp thuộc về một số rất đông người tiết-kiệm. Một cuộc điều tra ở Mỹ vào năm 1937 cho biết rằng tư-bản của công-ty điện-thoại và điện-tín, một xí-nghiệp tư, thuộc về 641.000 người có cổ-phần. Và khi quốc-hữu-hóa các mỏ than sau khi trận thế-giới đại-chiến thứ nhì chấm dứt, chánh-phủ Pháp đã tìm thấy 105.000 người làm chủ các cổ-phần mỏ than tại Lens ; số người làm chủ cổ-phần này sáu lần nhiều hơn số thợ làm cho mỏ ấy.

Về hạng lao-động, người ta nhận thấy rằng họ không phải càng ngày càng khốn-khổ như Marx nói, mà lại càng ngày càng sung sướng hơn. Như thế, quần-chúng không bị vô-sản-hóa mà trái lại, vô-sản đã được hữu-sản-hóa rất nhiều. Sự quan-sát xã-hội Mỹ hiện-thời đã cho chúng ta thấy rằng nhờ sự phồn-thạnh chung mà sự sản-xuất tư-bản đưa đến cho mọi người, chính một xã-hội tổ-chức theo lối tư-bản mới có nhiều điều-kiện hơn hết để đi đến một chế-độ xã-hội công-bằng.

d) THUYẾT CÁCH-MẠNG DĨ-NHIÊN.

Sau cùng, cuộc cách-mạng làm cho xã-hội tư-sản sụp-đổ mà Marx tiên-đoán là sẽ xảy ra ở Đức hay Anh sự thật chỉ đã xuất-hiện ở Nga rồi ở Trung-Hoa mà thôi. Chắc chắn điều này không phải là một luận-cứ hữu-ích cho môn-đồ Karl Marx, vì nó chứng tỏ rằng những lý-luận của Karl Marx không đúng tý nào. Nước Nga năm 1919, cũng như nước Trung-Hoa năm 1948, là những nước dựa vào nền kinh-tế nông-nghiệp.

Vậy, cuộc cách-mạng xã-hội ở Nga và ở Trung-Hoa không phải là cáo-chung một cuộc tiến-hóa biện-chứng của một xã-hội tư-bản. Nó là kết-quả cuộc tuyên-truyền chủ-nghĩa Karl Marx, và như thế, nó chỉ cho ta thấy rằng không phải điều-kiện kinh-tế, mà chính tư-tưởng chánh-trị đã gây ra nó.

4) SỰ CHUYÊN-CHÍNH CỦA GIAI-CẤP VÔ-SẢN VÀ SỨ-MẠNG NGƯỜI CỘNG-SẢN.
a) SỰ CHUYÊN-CHÍNH CỦA GIAI-CẤP VÔ -SẢN.

Theo chủ-trương Karl Marx, lịch-sử là một cuộc giai-cấp tranh-đấu không ngừng. Hiện nay trên thế-giới, chỉ còn có hai giai-cấp tư-bản và vô-sản. Giai-cấp vô-sản bị giai-cấp tư-bản bóc lột thẳng tay. Muốn tự giải-phóng, nó phải làm cách-mạng, đánh đổ giai-cấp tư-bản. Nó sẽ hoàn-toàn thắng-lợi trong công cuộc cách-mạng này. Nhưng sau khi thắng-lợi, nó phải nắm chánh-quyền để diệt trừ di-tích của chế-độ cũ, và xây dựng một xã-hội mới không giai-cấp, không xung-đột, không cần chánh-phủ, không có sự bóc lột lẫn nhau.

Trong khi xem xét kết luận của Marx về cuộc tranh-đấu giai-cấp, ta đã thấy rằng quần-chúng muốn lật đổ nhà cầm-quyền phải nhờ một thiểu-số dẫn-đạo. Sau khi thành-công, chính thiểu-số ấy sẽ nắm chánh-quyền để tổ-chức lại xã-hội. Vậy, sự chuyên-chánh của Marx chỉ là sự chuyên-chánh của một thiểu-số dẫn-đạo – tức là đảng cộng-sản – chớ không thể của giai-cấp vô-sản được.

Từ trước đến nay những người độc-tài dầu cho họ theo chủ-nghĩa nào cũng vậy, không bao giờ tự tước bỏ quyền-hành lợi lộc của mình. Sự tập-trung tất cả tài-sản tài-sản của xã-hội vào trong tay chánh-phủ càng làm cho đảng-viên cộng-sản cầm-quyền thêm phương-tiện để đàn-áp quần-chúng và duy-trì chế-độ mình tạo ra.

Những hạng người mà Marx thù ghét : tư-bản, trưởng-giả ,tiểu-tư-sản hẳn là bị đàn-áp trừng-trị thẳng tay. Nhưng chính những người vô-sản cũng không thoát khỏi sự bóc lột. Có lẽ họ còn bị bóc lột nhiều hơn trong chế-độ tư-bản vì không được tự-do tổ-chức để tự-vệ đối với những cơ-quan dùng mình làm công-nhơn như thợ-thuyền trong xã-hội tư-bản. Trong trường-hợp đó, sự chuyên-chánh sẽ không bao giờ chấm dứt và xã-hội không giai-cấp cũng không thực-hiện được.

b) SỨ-MẠNG NGƯỜI CỘNG-SẢN.

Trong khi nêu ra sứ-mạng người Cộng-Sản , Marx đã vô-tình đi xa hẳn chủ-trương duy-vật của mình. Cứ theo chủ-trương này, chính những điều sản-xuất kinh-tế quyết-định hết tất cả, nó hạn-định những hình-thể xã-hội, văn-hóa,chánh-trị, v.v…

Kết-luận hợp-lý của chủ-trương này là muốn cải-tạo xã-hội, ta chỉ cần cải-tạo những điều-kiện sản-xuất kinh-tế. Khi điều-kiện sản-xuất kinh-tế thay đổi, cả nền tảng chánh-trị,văn-hóa của xã-hội sẽ thay đổi theo.

Nhưng Marx đã kết-luận một cách khác ; ông chủ-trương phải làm một cuộc cách-mạng chánh-trị đánh đổ chánh-quyền tư-bản rồi dùng chánh-trị mà cải-tạo xã-hội, hủy-diệt những chế-độ cũ. Vai tuồng mà Marx gán cho người Cộng-sản trong cuộc cách-mạng này cũng hết sức trái với thuyết duy-vật, vì nó công-nhận giá-trị quyết-định của tinh-thần người trong sự hướng dẫn xã-hội.

Trong sự đào-luyện cán-bộ của mình, Karl Marx và môn-đệ ông đã cố uốn nắn tinh-thần họ một cách đặc-biệt. Người lãnh-tụ cộng-sản luôn luôn chủ-trương dùng bạo-lực, và cho rằng tất cả mọi phương-tiện giúp vào việc đánh đổ xã-hội tư-bản đều tốt ; họ bảo các đảng-viên phải nhắm mắt phục-tùng các quyết-định của đảng và quả-quyết rằng cấp chỉ-huy không bao giờ lầm lạc cho nên đảng-viên cấp dưới lúc nào cũng phải chiều theo ý cấp trên.

Những việc trên này tự-nhiên không giúp chút nào vào việc tập cho người có đủ đức-tánh cần-thiết để điều-khiển xã-hội một cách công-bằng. Nó chỉ giúp vào việc làm cho người mất hết trí phán-đoán và trở thành một bộ-phận trong một guồng máy độc-tài.

Chủ-trương duy-vật lại càng làm cho người cộng-sản chỉ chú-ý đến đời sống hiện-tại, và sau cùng, họ chỉ nghĩ đến quyền-lợi vật-chất của họ hay của đoàn-thể họ. Bởi đó, nhiều người khi mới bước chơn vào đảng cộng-sản thì rất tốt, mà tranh-đấu cho đảng ít lâu thì hóa ra những kẻ vô-lương, giết người không gớm tay,và tự phản lấy lý-tưởng mình mà không biết.

Điều này chỉ tỏ rằng lý-luận « cứu-cánh biện-chính cho phương-tiện » của những người cộng-sản không thể đứng vững được. Những cứu-cánh mà người đeo đuổi – nhứt là trong trường chánh-trị – thật ra rất trừu-tượng xa xôi. Trong khi đó, những phương-tiện người dùng lại mỗi ngày nhào nắn tâm-hồn tư-tưởng của người, và khi dùng những phương-tiện không chánh-đáng, người không thể đi đến một cứu-cánh tốt đẹp được. Bởi vậy, Aldous Huxley đã rất hữu-lý mà cho rằng ta là người của phương-tiện hơn ta là người của cứu-cánh ta.

Như thế, về phương-diện tinh-thần, sự hòa-hợp giữa cứu-cánh và phương-tiện là một điều hết-sức cần-thiết. Chính vì không nhận thấy điều này mà Marx đã thất-bại trong chủ-trương của mình. Chủ-nghĩa xã-hội duy-vật vốn được ông nêu ra với một cứu-cánh hết sức tốt là giải-phóng giai-cấp lao-động đang bị bóc lột, đã vì chủ-trương dùng những phương-tiện bạo-tàn mà đưa đến một cứu-cánh hết sức ghê tởm, là một chế-độ gắt gao trong đó thợ thuyền còn bị bóc lột nhiều hơn trong chế-độ tư-bản.

Ngoài ra, ta lại còn có thể nhận thấy rằng những chế-độ mà Karl Marx chủ-trương hủy-diệt thật ra hết sức cần-thiết cho người. Nó phù-hợp với những bản-năng, những nguyện-vọng sâu kín của người nên vẫn tồn-tại, không sao bỏ đi được.

Muốn sống, con người phải có nhiều vật-dụng cần-thiết. Những vật-dụng này không phải dễ kiếm. Do đó, người có được vật-dụng ấy rồi thì có xu-hướng để dành. Vì thế, ý muốn tư-hữu có một nguồn gốc sâu xa trong bản-năng sinh-tồn, và không thể gột bỏ được. Sự phát-triển quá-độ của nó đưa người tới tánh tham lam, đến chế-độ tư-bản, rất có hại cho xã-hội và cần phải đánh đổ. Nhưng chủ-trương hủy-diệt cả tư-sản thì phạm vào lỗi ngược lại.

Karl Marx quả có phân-biệt tư-sản của nhà tư-bản, kết-quả sự bóc lột lao-động và tư-sản những người tiểu-tư-sản và tiểu-địa-chủ ,kết-quả sự làm việc cá-nhơn. Nhưng trong thực-tế, sự phân-biệt này rất khó, và chung-qui, người cộng-sản phải đi đến chủ-trương quốc-hữu-hóa các dụng-cụ và tài-sản có thể dùng vào việc sản-xuất, chỉ để cho cá-nhơn những tài-sản dùng trong sự tiêu-thụ.

Đối với người văn-minh, có một trình độ sanh-hoạt cao, tư-sản không những là bảo-đảm cho đời sống vật-chất mà còn là bảo-đảm sự tự-do của họ. Trong một xã-hội quốc-hữu-hóa các dụng-cụ sản-xuất, tất cả mọi người đều phải làm công cho chánh-phủ và phải tùy-thuộc chánh-phủ một cách chặt chẽ. Như thế, tất cả mọi người đều mất hẳn sự tự-do cá-nhơn.

Thật ra thì khi chủ-trương hủy-diệt tư-sản, Marx đã nghĩ đến điều này và chấp-nhận luôn cả sự hủy-diệt quyền tự-do hiểu theo ý những người phụng-thờ chủ-nghĩa dân-chủ. Ông cho rằng sự tự-do trong chế-độ dân-chủ tư-bản chỉ giúp nhà tư-bản làm giàu trên mồ hôi nước mắt người lao-động. Theo ông, người lao-động chỉ có thể có tự-do và cá-tánh trong cái xã-hội không giai-cấp của ông.

Nhưng ta đã thấy rằng xã-hội không giai-cấp này không thể thực-hiện được, còn xã-hội chuyên-chánh vô-sản mà đảng cộng-sản thiết-lập nên thì không cho người hưởng một sự tự-do nhỏ nhặt nào, và tất-nhiên không thể nào cho họ phát-triển cá-tánh họ được. Như vậy, chủ-trương của Karl Marx chỉ có thể làm giảm giá-trị loài người, hạ họ xuống hàng thú-vật mà thôi.

Trái lại,trong chế-độ dân-chủ tư-sản, sự tự-do nếu không được hoàn-toàn, cũng có được một phần nào, và có làm lợi cho hạng thợ thuyền. Nếu sự tự-do hoạt-động kinh-tế đã đưa đến chế-độ tư-bản và làm cho địa-vị của những hạng người khác nhau trong xã-hội cách-biệt nhau thêm, sự tự-do hoạt-động chánh-trị có giúp cho người xấu số cải-thiện thân-phận mình.

Chính nhờ sự tự-do hoạt-động chánh-trị mà thợ thuyền bảo-vệ được quyền-lợi mình và nâng cao đời sống mình lên, chính nhờ sự tự-do hoạt-động chánh-trị mà người ta lần lần hạn-chế được thế-lực những nhà tư-bản.
Về một số yếu-tố mà Marx cho là thuộc về thượng-từng kiến-trúc bị sự chi-phối của cơ-sở kinh-tế như văn-hóa, luật-pháp ,luân-lý, tôn-giáo, gia-đình, tổ-quốc v.v… ta có thể bảo rằng nó có được không phải vì sự xung-đột giai-cấp mà vì sự cần dùng của loài người. Những yếu-tố ấy liên-quan chặt-chẽ đến bản-chất của người nên sẽ tồn-tại mãi mãi với người.

Trong sự hợp-quần với kẻ khác, người luôn luôn có khuynh-hướng đi đôi với những kẻ giống mình, mà trong sự cư-xử với sự vật quanh mình, người lúc nào cũng có thiện-cảm với những cái gần mình. Do đó,tinh-thần gia-đình, dân-tộc và quốc-gia có tánh-cách của một bản-năng và không sao hủy-diệt được.

Một mặt khác, đời sống xã-hội bắt buộc người phải noi theo một số qui-tắc chung : một đoàn-thể trong đó mỗi người đều làm theo ý muốn mình và có thể giết hại hay cướp bóc ai cũng được thì làm sao mà đứng vững nổi ?

Về tôn-giáo, ta đã thấy rằng nó trả lời cho một nhu-cầu có tánh-cách gần như sanh-lý, đó là sự cần dùng dựa vào một cái gì vững chắc, tuyệt-đối. Chính những nhà khoa-học vô-thần và đến những môn-đồ Karl Marx theo chủ-trương duy-vật cũng có sự cần dùng đó. Bởi thế, mặc dầu nhiệt-liệt bài-xích tôn-giáo, họ lại có thái-độ của tín-đồ tôn-giáo đối với khoa-học hay thuyết duy-vật.

Những tư-tưởng tạo nên tinh-thần gia-đình, tinh-thần ái-quốc, những hệ-thống luân-lý, luật-pháp hay tôn-giáo của loài người có tùy theo hoàn-cảnh xã-hội, những vẫn dựa vào một số nguyên-tắc bất-di bất-dịch không sao cải-hóan được.Về phân hình-thức, cũng như mọi tư-tưởng công-cộng, nó có thể độc-lập phần nào so với xã-hội : với một hoàn-cảnh kinh-tế như nhau, các dân-tộc có thể theo nhiều tôn-giáo, nhiều văn-hóa khác nhau. Nhưng bất cứ trong trường-hợp nào, chủ-trương hủy-diệt những tư-tưởng ấy cũng lâm vào chỗ thất-bại vì nó nghịch với bản-chất con người.

5. XÃ-HỘI CỘNG-SẢN.
a) NHỮNG ĐIỀU-KIỆN TẤT YẾU ĐỄ THỰC-HIỆN CHẾ-ĐỘ CỘNG-SẢN.

Trong khi xét vấn-đề tranh-đấu giai-cấp, chúng ta đã nhận thấy rằng cuộc tranh-đấu giai-cấp do Marx chủ-trương không thể cáo-chung bằng một xã-hội không giai-cấp, không chánh-phủ. Như thế, chế-độ cộng-sản mà Marx nêu ra làm chế-độ xã-hội lý-tưởng không sao thực-hiện được. Nhưng muốn thấy rõ tánh-cách không-tưởng của nền lý-thuyết Marx, chúng ta cần phải xét lại cặn kẽ xã-hội cộng-sản lý-tưởng.

Cứ theo luận-lý Marx, chế-độ cộng-sản là chế-độ trong ấy tất cả những dụng-cụ sanh-sản của xã-hội đều thâu góp lại làm của chung. Chánh-phủ đứng ra hết tất cả những dụng-cụ sanh-sản này và đem phân-phát những sản-phẩm chế-tạo ra một cách đồng đều cho tất cả mọi người. Theo những nhà tuyên-truyền cộng-sản, khi tất cả những dụng-cụ sanh-sản đều quốc-hữu-hóa hết, thì trong xã-hội không còn ai có của riêng, và tất-nhiên không ai bóc lột ai được.

Nhưng một mặt khác, kết-quả của chánh-sách quốc-hữu-hóa tất cả các tài-sản là muốn sống, tất cả mọi người phải làm công cho chính-phủ. Sự quan-sát những nước thi-hành-chánh-sách quốc-hữu-hóa các xí-nghiệp đã cho ta thấy rằng chế-độ kinh-tế quốc-hữu-hóa có thể đưa đến một trong hai tình-trạng sau đây:

1.- Nếu chánh-phủ có một tinh-thần tự-do rộng rãi và để cho thợ-thuyền làm công cho mình hưởng đủ mọi quyền tự-do dân-chủ, thì sự sản-xuất kém cỏi về cả hai mặt lương và phẩm trong lúc thợ thuyền cứ đòi tăng lương mãi, thành ra xí-nghiệp phải bị lỗ lã.

2.- Trái lại, nếu chánh-phủ theo một chế-độ độc-tài gắt gao, đặt những thợ thuyền làm công cho mình dưới một kỷ-luật sắt thì sự sản-xuất có thể tăng-gia, nhưng đời sống của thợ-thuyền vô-cùng khổ-sở. Ở Liên-Bang Sô-viết, người thợ lãnh một số lương chết đói và tánh-mạng họ hoàn-toàn nằm trong tay những công-chức cao-cấp có nhiệm-vụ quản-lý xí-nghiệp; một lỗi kỹ-thuật, một sự bất-cẩn, một buổi đi làm trễ có thể đưa người thợ đến trại giam hay pháp-trường.

Trong cả hai trường-hợp trên này, chế-độ quốc-hữu-hóa đều không thích-hợp cho sự sống còn của con người. Đi kèm với một chế-độ chánh-trị tự-do, nó làm cho quốc-gia suy-yếu, không đủ sức đương đầu với nạn ngoại-xâm, nếu không gây ra sự tranh-giành hỗn-loạn giữa mọi người trong nước. Đi kèm với một chế-độ độc-tài, nó đưa chánh-phủ đến chỗ lạm-quyền và làm cho đại-đa-số dân-chúng phải sống một cuộc đời nô-lệ, khổ-sở.

Thật ra thì chế-độ cộng-sản chỉ có thể đem an-ninh hạnh-phúc đến cho loài người khi nào xã-hội cộng-sản thi-hành được hai nguyên-tắc « các tận sở năng » và « các thủ sở nhu » mà người cộng-sản gọi là chủ-trương nhị các của họ.

« Các tận sở năng » tức là mọi người đều cố gắng làm hết sức mình, đều đem hết tài năng mình mà phụng-sự xã-hội. «Các thủ sở nhu » là mỗi người trong xã-hội đều có thể lấy hết những món mình cần dùng và chỉ lấy đủ những món mình cần dùng mà thôi.

Mọi người đều cố gắng làm hết sức mình, đều đem hết tài năng mình ra phụng-sự xã-hội thì xã-hội mới phồn-thạnh và có đủ món cần dùng cung-cấp cho mỗi người. Mỗi người đều có đủ món cần dùng thì mới thỏa-mãn, mới thấy sung sướng trong xã-hội. Như thế, sẽ thực-hành hai nguyên-tắc «các tận sở nang», «các thủ sở nhu» là điều-kiện tất yếu của chế-độ cộng-sản lý-tưởng.

Nhưng con người có thực-hành được hai nguyên-tắc này chăng ? Chúng ta hãy thử xem qua vấn-đề này.

b) SỰ THỰC-HÀNH NGUYÊN-TẮC NHỊ CÁC.

Người cộng-sản luôn luôn quả-quyết rằng nguyên-tắc nhị các có thể thực-hành khi chế-độ cộng-sản được thành-lập, vì bẩm-tánh con người vốn tốt. Sở-dĩ trong xã-hội hiện-thời họ xâu xé giết hại lẫn nhau là vì chế-độ phân chia giai-cấp làm họ xấu đi. Sau này, khi giai-cấp tư-bản bị hủy-diệt, khi tổ-chức xã-hội không còn dựa vào sự phân chia giai-cấp nữa, người sẽ trở về với bẩm-tánh tốt đẹp của mình. Họ sẽ tận-tâm làm tròn nhiệm-vụ mà xã-hội giao-phó cho họ, và sẽ không xâm-chiếm những tài-sản ngoài sự nhu-cầu của họ.

Nhưng sự thật, có phải con người tự-nhiên tốt và chỉ trở nên xấu xa vì chế-độ xã-hội không hoàn-thiện hay chăng? Xét cho kỹ, chúng ta nhận thấy rằng chế-độ xã-hội không phải bỗng không mà có; nó do người xây dựng nên, và tánh chất của nó tùy theo tánh-chất của người. Những khuyết-điểm của chế-độ xã-hội do nơi khuyết-điểm của người mà ra, và khi quả-quyết rằng người vì chế-độ xã-hội không toàn-thiện mà trở nên xấu, người cộng-sản đã lấy nhơn làm quả,lấy quả làm nhơn.

1° SỰ THI-HÀNH NGUYÊN-TẮC NHỊ CÁC VỚI CHẾ-ĐỘ TỰ-DO
A) NGUYÊN-TẮC CÁC TẬN SỞ NĂNG.

Sự nhận xét về thái-độ con người trong xã-hội từ xưa đến nay đã cho chúng ta thấy rằng con người bẩm-tánh rất lười biếng. Mộng-tưởng của họ là có đủ phương-tiện để sống một cách đầy đủ mà khỏi phải làm việc gì động đến móng tay. Cảnh thiên-đường mà tất cả mọi dân-tộc trên thế-giới phác-hoạ ra trong tâm trí củ họ từ xưa đến giờ tuy có nhiều chi-tiết khác nhau, nhưng luôn luôn vẫn là một nơi người hưởng được mọi sung sướng mà không phải làm gì cả.Và thời-đại hoàng-kim mà họ hướng đến là một thời-đại trong đó mưa thuận gió hòa, tài-nguyên phong-phú, con người mưu-sanh một cách hết sức dễ dàng. Thật ra, lý-tưởng cộng-sản hấp-dẫn được người phần lớn vì nó phù-hợp với tánh lười biếng cố-hữu của họ.

Tánh lười biếng này làm cho con người luôn luôn có xu-hướng trốn tránh công việc. Họ chỉ cố gắng làm việc những khi cần, và khi cần phải làm việc, họ tìm cách đạt mục-đích bằng cách nào nhanh chóng nhứt và nhẹ nhàng nhứt. Nguyên-tắc « thâu-hoạch được kết-quả tối-đa với sự cố gắng tối-thiểu » đã hướng-dẫn sự hoạt-động của loài người từ ngàn xưa đến giờ. Nói cho phải, chính nguyên-tắc ấy đã làm cho con người tiến-hóa, bởi vì nếu mọi người đều siêng năng, cặm cụi làm việc, không ngại lâu, không sợ nhọc, thì họ không tìm cách làm cho công việc trở nên nhanh chóng, nhẹ nhàng hơn. Và như thế, con người vẫn giữ cái kỹ-thuật làm việc nguyên-thủy của mình, không chế-biến nó đi, thành ra ở mãi trong tình-trạng dã-man cổ-lỗ.

Người đã tự-nhiên lười biếng và có xu-hướng trốn tránh công-việc thì trong chế-độ xã-hội nào, người cũng không cố gắng làm lụng nếu không có gì bắt buộc người làm. Nhóm cộng-sản cho rằng trong chế-độ cộng-sản, con người không bị ai bó buộc hết, nhưng tự-nhiên hăng hái làm việc vì sự làm việc không bó buộc là một sanh-thú, và vì người trong xã-hội cộng-sản hiểu rằng họ không bị ai lợi-dụng, không bị ai bóc lột nên phần công-việc mà họ đóng góp cho xã-hội sẽ được xã-hội trả giá cho một cách đầy đủ. Nhưng sự tin tưởng này rất mực sai lầm.

Số người lấy sự làm việc là một sanh-thú chỉ là một số ít trong nhơn-loại, và sự làm việc của họ cũng cốt để phụng-sự cho một mục-đích nhứt-định. Nếu có thể đạt được mục-đích ấy mà khỏi phải làm việc, có lẽ họ cũng không xem sự làm việc là một sanh-thú nữa. Ngoài ra, ta lại có thể nhận thấy rằng ngay chính những người lấy sự làm việc là một sanh-thú cũng không phải xem bất cứ việc làm nào cũng là sanh-thú cả. Họ chỉ xem sự làm việc là một sanh-thú khi nào công-việc họ làm họp với sở-thích của họ. Một nhà bác-học suốt ngày cặm cụi trong phòng thí-nghiệm là một người rất mực siêng năng và lấy sự khảo-cứu tìm tòi là một thú vui cho mình. Nhưng nếu ta bắt ông đi cuốc đất, ông sẽ thấy công việc làm đó là công việc làm nặng nhọc không làm ông ấy ưa thích chút nào.

Cũng có nhiều công việc được những nhà văn trình bày như là những việc làm thú-vị. Tác-giả quyển sách quốc-văn các lớp dự-bị ngày trước đã tả nghề chăn trâu như là một nghề thần tiên. Ông ta bắt đầu: « Ai bảo chăn trâu là khổ? Không chăn trâu sướng lắm chứ! » Tiếp theo đó là những câu tả cái sung sướng của người chăn trâu. Hầu tước phu-nhân De Sévigné trong một bức thư cho bạn đã viết «Bạn có biết phơi cỏ là thế nào không? Đó là cầm cây trở qua trở lại những đống cỏ đã phác, vừa nô đùa trên một cánh đồng ».

Cứ đọc những bài trên đây, những đứa bé chưa biết con trâu ra thế nào có lẽ đâm ra mê nghề chăn trâu, và những anh chàng quí-tộc Pháp suốt năm quanh quẩn ở Paris hẳn tưởng-tương việc phơi cỏ là một việc làm đầy thi-vị.

Nhưng giá ta bắt tác giả quyển Quốc-văn các lớp dự-bị đi chăn trâu độ mươi hôm và mời hầu-tước phu-nhân De Sévigné đi phơi cỏ trọn một ngày, họ sẽ xóa bỏ những câu họ viết. Sự thật, nghề chăn trâu cũng giống như việc phơi cỏ, chỉ thú-vị cho những người giàu trí tưởng-tượng ở ngoài trông vào, chớ đối với những người trong cuộc thì đó là những việc làm mà họ bất-đắc-dĩ mới phải đảm-nhận. Đối với những việc làm được cho là nhẹ nhàng mà còn như thế thì đối với những công việc nặng nhọc thật-sự hẳn người ta không vui vẻ mà làm được.

Nói cho đúng ra thì lắm lúc người ta cũng vui thích khi làm một việc nặng nhọc. Nhưng trường-hợp này chỉ có thể xảy ra khi việc làm đó được người tình-nguyện nhận lãnh và khi người có thể bỏ rơi nó lúc nào cũng được. Những thanh-niên tình-nguyện khuân cây vác lá cất nhà giùm cho nạn-nhơn một cuộc hỏa- hoạn có thể làm việc một cách hăng hái và vui vẻ, nhưng sự hăng hái và vui vẻ này chỉ duy-trì nếu công việc chấm dứt trong một thời-hạn ngắn và nếu những thanh-niên làm việc tự ý đứng ra xin làm chớ không bị ai bắt buộc. Nếu thời-hạn làm việc quá dài,hay nếu họ chỉ đến làm việc vì sự bắt buộc của một cơ-quan nào có quyền đối với họ, họ sẽ không còn thấy thú-vị gì nữa và sẽ làm việc một cách miễn-cưỡng.

Đối với những công việc mà người phải làm hằng ngày vì nhiệm-vụ, người rất ít khi thích. Nếu không bị sanh-kế hay bị luật-lệ của chánh-phủ bắt buộc phải làm, họ sẽ bỏ công việc làm ấy để đi chơi, vì không có gì chán cho bằng sự lập đi lập lại những cử-chỉ, những hành-động nhứt-định không thay đổi. Cũng có một số người sau một thời-gian dài dặc làm mãi một công việc rồi quen với công việc ấy, và không bỏ nó được. Nhưng trong trường-hợp này, người đã thành một cái máy và ta không còn có thể bảo rằng họ ưa thích công việc họ làm. Thật sự thì ai cũng phải chán khi bị bắt buộc phải làm mãi một việc.

Ngay đến sự giải-trí cũng vậy. Nếu bị bắt buộc phải chơi mãi một trò chơi, người có thể thấy nó là một cực hình. Những người thỉnh thoảng đi xem chớp bóng một lần thì lấy việc đi xem chớp bóng làm một thú vui, nhưng những người có nhiệm-vụ kiểm-duyệt phim ảnh, mỗi ngày phải xem chín mười phim chớp bóng trong đó có một số phim tồi, sẽ thấy nghề xem phim chớp bóng là nghề nặng nhọc nhứt trần-gian.

Nó tóm lại, người có tánh lười biếng và luôn luôn xem sự làm việc là một gánh nặng mà họ cố tránh. Những người lấy sự làm việc làm một sanh-thú chỉ có một số rất ít, và ngay số ít đó cũng lấy sự làm việc làm một sanh-thú khi nào công việc họ làm hợp với sở-thích họ. Đối với đại-đa-số loài người, sự làm việc một cách đều đặn, theo định-kỳ, theo qui-tắc, bao giờ cũng đáng chán và nặng nhọc. Họ chỉ thấy ham thích làm việc khi nào họ lấy sự làm việc làm một trò vui, nghĩa là khi nào họ tình-nguyện nhận lãnh công việc họ làm, và có thể bỏ công việc ấy lúc nào cũng được. Ngay đến những việc làm nhàn-hạ, những việc làm có thể coi là những thú vui mà người còn thấy chán khi họ bị bắt buộc phải làm thường, thì những công việc nặng nhọc thật-sự, người không thể vui vẻ đảm-nhận một cách lâu dài được. Như thế, trong xã-hội cộng-sản, người nhứt-định không hăng hái làm việc nếu không bị bắt buộc.

Phái cộng-sản cho rằng người sống trong chế-độ cộng-sản luôn luôn tận tâm với công việc mà xã-hội giao-phó cho họ vì họ hiểu rằng họ không bị ai lợi dụng, không bị ai bóc lột và phần công việc mà họ đóng góp cho xã-hội sẽ được trả giá một cách đầy đủ, đàng hoàng. Những lý-luận này cũng không đúng với tâm-lý con người. Con người luôn luôn có tánh chủ-quan và cho mình là trung-tâm của võ-trụ. Trong một công việc làm công-cộng, người nào cũng có xu-hướng xem mình là nhơn-vật quan-trọng nhứt, cần-thiết nhứt. Do đó, người thường có tánh nạnh hẹ nhau, so đo nhau từng chút. Và trong sự hưởng-thọ kết-quả công việc làm chung, người thường có cảm-tưởng rằng mình không được trả giá một cách đúng đắn, công-bình. Trong xã -hội nước ta hiện-thời, ta có thể xem công-chức là hạng người được ưu-đãi nhứt vì sa với hạng lao-công khác, công việc họ làm rất nhẹ nhàng và số lương họ lãnh rất cao. Tuy thế, họ cứ kêu nài về số lương ít ỏi và không lúc nào hài lòng.
Vì tánh lười biếng và chủ-quan trên này, con người không khi nào tự mình hăng hái làm việc nếu không bị ép buộc, dầu họ sống trong một xã-hội cộng-sản cũng vậy. Nguyên-tắc « các tận sở năng » như thế là không thực-hiện được, nếu mỗi người đều được tự-do.

B) NGUYÊN-TẮC CÁC THỦ SỞ NHU.

Nguyên-tắc «các thủ sở nhu» như ta đã thấy,gồm có hai điểm : người nào cũng có thể lấy trong xã-hội đủ những món mình cần dùng, và chỉ lấy đủ số mình cần dùng mà thôi. Theo lời người cộng- sản, nguyên-tắc này có thể thực-hiện được trong chế-độ cộng-sản vì trong chế-độ này, sự bóc lột tư-bản không còn nữa, và mọi người đều cố gắng làm việc nên đồ vật sẽ thừa thãi ra và ai cũng có thể thỏa-mãn hết những yêu cầu của mình. Một mặt khác,vì không ai có quyền có của riêng nên sự dành dụm không còn lý-do tồn-tại nữa. Do đó,không ai lấy hơn số nhu-cầu của mình.

Vì bản-năng sinh-tồn tự-nhiên sẵn có của mình, người luôn luôn có tánh ích-kỷ và nghĩ đến mình trước nhứt. Trong khi cần làm việc thì người lúc nào cũng tìm cách trốn tránh hay có tham-dự thì cũng ráng dành lấy những việc làm nhẹ nhàng khỏe khoắn nhứt. Nhưng đến khi hưởng-thọ, ai cũng muốn tranh cho được những món ngon nhứt, đẹp nhứt, chắc nhứt, lớn nhứt về cho mình. Một sử gia Pháp đã từng bảo : « Ví như nhơn loại chỉ còn có hai người, họ cũng đánh nhau để giành lấy quả táo ngon nhứt ». Như vậy, dù cho sự sản-xuất có cung-cấp cho người đủ hết tất cả những món người cần dùng người cũng vẫn tranh-đấu lẫn nhau để chia món cần dùng ấy, huống chi sự sản-xuất của loài người vì nhiều lý-do mà không thể cung-cấp cho họ đủ tất cả các món họ cần dùng.

Ta đã thấy tánh lười biếng của người xúi giục người làm việc ít chừng nào hay chừng ấy. Do đó, sự sản-xuất của người không bao giờ đạt được cái mức độ tuyệt-đích của nó. Thêm nữa, số tài-nguyên có sẵn trong thiên-nhiên thì có một giới-hạn nhứt-định còn số nhu-cầu của người thì không có bờ bến gì cả.

Trong sự tiêu-thụ các vật-liệu sản-xuất được, nếu người có thể tự-tiện đến kho công-cộng mà lấy tất cả những món cần dùng, người sẽ không nghĩ đến việc săn sóc các món ấy. Một bộ y-phục người phải bỏ tiền ra mua bao giờ cũng được người giữ gìn cẩn-thận hơn một bộ y-phục mà người lấy trong kho công-cộng và có thể đem đổi bất cứ lúc nào nếu dơ hay rách. Trong trường-hợp đó, sự phung-phí vật-liệu sẽ làm tăng-gia số nhu-cầu chung rất nhiều.

Ngoài ra, người lại luôn luôn tự tạo cho mình những nhu-cầu mới và mỗi phát-minh khoa-học có thể đem thêm một nhu-cầu mới cho người. Tự-nhiên là người nào cũng muốn được hưởng bằng người khác, thành ra số nhu-cầu chung của loài người không có gì hạn-chế lại cả.

Vậy số nhu-cầu của người cứ tăng-tiến vô-cùng trong khi sự sản-xuất những vật-liệu để thỏa-mãn những nhu-cầu ấy bị tánh lười biếng của người và sự hữu-hạn của tài-nguyên thiên-nhiên kềm giữ trong một ranh-giới nhứt-định. Trong trường-hợp đó, sự chênh-lệch cung-cấp và sự tranh giành nhau không sao có thể tránh được.

Như thế, trong một xã-hội cộng-sản mà theo chế-độ tự-do, mỗi người sẽ không có đủ những món mình cần dùng và vì đó mà phải tranh giành nhau để lấy những món mình muốn lấy. Nguyên-tắc « các thủ sở nhu » thế là không thể thực-hành được.

2° SỰ THI-HÀNH NGUYÊN-TẮC NHỊ CÁC VỚI CHẾ-ĐỘ ĐỘC-TÀI.

Chúng ta thấy rằng nếu áp-dụng chế-độ tự-do thì không thể nào thực-hành được nguyên-tắc nhị các.

Muốn cho người cố-gắng làm hết sức mình, xã-hội cộng-sản cần phải thi-hành một chế-độ độc-tài khắc-nghiệt, xét năng-lực mỗi người để giao cho họ những nhiệm-vụ thích-hợp với năng-lực ấy và trừng-phạt họ một cách gắt gao nếu họ không làm tròn nhiệm-vụ này. Trong sự hưởng-thụ, nếu để cho mỗi người tự định lấy nhu-cầu của mình thì không thể nào có đủ những món cần dùng để phân-phát cho mọi người, và sự tranh giành hỗn-loạn không thể nào tránh được. Vì đó, chánh-phủ cộng-sản cần phải tổ-chức sự phân-phát những món cần dùng này, chỉ-định một số công-chức qui-định sự nhu-cầu cho mỗi người, và phân-phát cho họ những món cần dùng để thỏa-mãn những nhu-cầu ấy.

Chế-độ độc-tài này hết sức cần-thiết để thực-hành hai nguyên-tắc « các tận sở năng » và « các thủ sở nhu », và duy-trì xã-hội cộng-sản. Nhưng nó sẽ bóc lột con người một cách gắt gao, làm cho họ vô-cùng khổ sở. Mỗi một việc gì, từ sự làm việc tới sự giải-trí, sự thoả-mãn những nhu-cầu của mình ,người đều phải tuân theo một mạng-lịnh bên ngoài, nếu trái lại thì bị trừng-phạt nặng nề, thử hỏi con người còn được sung sướng làm sao ?

Thêm nữa, chế-độ độc-tài trong xã-hội cộng-sản lại còn đưa đến sự bóc-lột áp-chế của nhà cầm-quyền. Trong sự phân chia công việc cũng như trong sự phân chia những vật-liệu tiêu-thụ, bao giờ những kẻ có quyền-thế và những người thân cận của họ cũng được hậu-đãi hơn những người thường. Ở xã-hội Sô-viết hiện nay, những nhơn-viên chánh-phủ thì sống một đời sống đế-vương, các công-chức cao-cấp cũng được no ấm, còn dân-chúng thì đói khổ vô-cùng.

Người cộng-sản tuyên-truyền rằng những sự bóc lột áp-bức, những sự bất-công trên này sẽ không xảy ra được vì sự tuyển-cử sẽ đưa những người ngay thẳng công-bằng lên nắm chánh-quyền, và lật đổ những người thiên-vị xuống. Nhưng kinh-nghiệm đã chỉ cho chúng ta thấy rằng con người một khi đã nắm quyền-thế rồi thì cố-gắng giữ lấy quyền-thế ấy bằng mọi cách.

Sở-dĩ những nhà cầm-quyền các nước theo chế-độ dân-chủ tự-do chịu trao trả chánh-quyền cho dân-chúng khi mãn nhiệm-kỳ là vì họ không có đủ phương-tiện để đi trái lại hiến-pháp trong nước. Đối với họ, giữ đúng hiến-pháp là đường lối duy-nhứt có thể giúp họ trở lại chánh-quyền. Những người có đủ lực-lượng trong tay chưa chắc là không tổ-chức những cuộc chánh-biến để thi-hành chế-độ độc-tài. Gương hai vị hoàng-đế dòng Nã-phá-luân trong lịch-sử Pháp là một bằng chứng rõ rệt về việc này.

Trong lịch-sử Trung-Hoa, ta thấy chép rằng xưa kia người theo chế-độ truyền hiền, nghiã là khi nhà vua đã già yếu rồi thì chọn trong dân-gian người nào có tài có đức nhứt để truyền ngôi. Theo nguyên tắc ấy, Đế Nghiêu đã truyền ngôi cho Đế Thuấn và Đế Thuấn đã truyền ngôi cho vua Hạ Võ. Những nhà nho xưa kia đã dựa vào chỗ này để ca tụng thánh-đức của đời thái-cổ. Nhưng sự thật thì chế-độ truyền hiền duy-trì được là nhờ đức tốt của Đế Nghiêu, Đế Thuấn.

Về đời thái-cổ, nước Trung-Hoa được tổ-chức theo chế-độ phong-kiến. Trong nước có nhiều bộ-lạc khác nhau, mỗi bộ-lạc đều chiếm một khu-vực và có một tù-trưởng gọi là « hậu » cầm đầu. Các ông hậu này họp nhau lại chọn lấy một ông có tài có đức nhứt tôn lên làm « đế », cai-trị tất cả các bộ-lạc trong nước.

Trong thời-kỳ mới lập-quốc, các ông được tôn lên chưa đủ thế-lực điều-khiển hết mọi ông hậu theo ý muốn của mình nên khi già yếu họ trao quyền cho một ông đế khác do các ông hậu chọn ra. Đế Nghiêu đã truyền ngôi cho Đế Thuấn và Đế Thuấn đã truyền ngôi cho vua Hạ Võ vì lý-do ấy.

Nhưng đến khi chánh-phủ trung-ương mạnh lên, ông đế có đủ sức uy-hiếp các ông hậu rồi thì truyền ngôi ngay lại cho con mình và bỏ chế-độ truyền hiền đi. Vua Hạ Võ đã truyền ngôi cho con mình và mở đầu chế-độ « kế thế » ở Trung-Hoa vì ông đã có đủ sức chế-ngự các ông hậu, nên dầu các ông hậu không phục con ông, họ cũng phải chấp-nhận để con ông làm đế.

Đô-thị La-mã xưa kia đã theo chế-độ cộng-hoà trong một thời-gian dài dặc, nhưng về sau khi quyền-bính về tay những quân-nhơn được dân chúng ngưỡng-mộ vì công-nghiệp của mình, những quân-nhơn ấy hủy-diệt ngay chế-độ cộng-hoà để tự-lập làm hoàng-đế.

Như vậy, lịch-sử loài người đã chỉ cho ta thấy rằng đa số loài người rất ham quyền-thế, và một khi đã nắm được quyền-thế thì luôn luôn cố gắng duy-trì quyền-thế ấy mãi. Đến những người cầm-quyền của chế-độ dân-chủ mà còn tìm cách thực-hiện chế-độ độc-tài để củng-cố địa-vị mình thì những người đã nắm giữ quyền độc-tài có bao giờ lại chịu tự mình hủy-diệt lấy quyền-thế của mình ?

Những người cộng-sản đã phải tranh-đấu một cách chật-vật mới cướp được chánh-quyền, và chế-độ độc-tài họ thiết-lập sau khi cướp được chánh-quyền ấy giúp cho họ hưởng nhiều quyền-lợi. Vì đó, họ sẽ không bao giờ chịu để cho dân-chúng lật đổ họ xuống.

Họ sẽ đàn-áp những người nào không chấp-nhận quyền-lợi của họ, và trong sự đàn-áp này ,họ rất có nhiều phương-tiện : không những cơ-quan quân-đội, cảnh-sát, mật-thám mà cả đến những tổ-chức kinh-tế đều trong tay họ. Người nào trái ý họ, tức khắc sẽ bị bắt, bị giết, bị bỏ đói. Trong xã-hội dân-chủ tự-do, nhà cầm-quyền không nắm hết các quyền-lực xã-hội và còn để cho dân-chúng nhiều phương-tiện trong tay như sự tự-do kết-xã và quyền tư-hữu, mà dân chúng còn khó chế-ngự được thế-lực của họ thay, huống chi là trong xã-hội cộng-sản, nhà cầm-quyền nắm hết tất cả quyền-lực thì dân-chúng làm sao có thể đương đầu lại họ nổi ?

Như thế, trong xã-hội cộng-sản mà theo chế-độ độc-tài, người dân sẽ sống một đời sống nô-lệ, luôn luôn phải phục-tùng nhà cầm-quyền cộng-sản và phụng-sự họ, chứ không thể phản-đối họ hay lật đổ họ. Và chung-qui, cái xã-hội cộng-sản tốt đẹp mà Karl Marx muốn xây dựng thật ra không thể nào xuất-hiện được.

B- NHỮNG KHUYẾT-ĐIỂM CỦA LÝ-THUYẾT XÃ-HỘI DUY-VẬT VỀ PHƯƠNG-DIỆN THỰC-HÀNH.

Hệ-thống tư-tưởng của Karl Marx rất là vĩ-đại, song không thể đứng vững được. Xét về phương-diện thuần lý-thuyết, ta đã thấy rằng nó chứa đựng rất nhiều mâu-thuẫn và sai lầm. Sự thực-hành lại càng làm cho những mâu-thuẫn và sai lầm ấy nổi lên rõ rệt hơn nữa.

Chúng ta đã nhận thấy rằng hiểu một cách đúng đắn, biện-chứng-pháp không nhứt-định đưa người đến cuộc cách-mạng, vì trong võ-trụ vẫn có những sự biến đổi điều-hòa. Hơn nữa, những lực-lượng xung-đột nhau trong xã-hội không phải chỉ qui về cuộc xung-đột giai-cấp. Như vậy, chủ-trương cách-mạng vô-sản đã là một khởi-điểm sai lầm rồi. Trên cái nền tảng sai lầm ấy, những người cộng-sản đã xây dựng thêm một hệ-thống lý-luận rườm-rà, nhưng mâu-thuẫn lẫn nhau.

Công cuộc tranh-đấu của những người cộng-sản để lật đổ chế-độ tư-bản không phải là một việc dễ dàng và các đảng thợ thuyền phải nhiều lần thất-bại một cách thảm-hại. Ðể tránh sự tan rã của hàng-ngũ, những nhà lãnh-đạo phong-trào cách-mạng vô-sản đã phải tìm cách nâng cao chí chiến-đấu của thợ thuyền và do đó, phải đề cao vấn-đề tinh-thần. Họ bảo rằng với tinh-thần chiến-đấu anh-dõng, những nhóm người lực-lượng yếu kém có thể thắng được những kẻ địch mạnh-mẽ hơn mình.

Một mặt khác, họ phải công-nhận tánh-cách cần-thiết và quan-trọng của cán-bộ : phong-trào cách-mạng thành-công được hay không phần lớn là do nơi cán-bộ, mà sự xây dựng xã-hội mới nên hay không cũng do cán-bộ. Nói một cách khác, chính cán-bộ quyết-định tất cả.

Những chủ-trương trên này thật ra rất chống chọi lại thuyết duy-vật theo đó đời sống vật-chất chi phối cả lịch-sử loài người. Thêm nữa, sự tác-động cách-mạng của người cộng-sản là một sự tác-động chánh-trị chứ không phải kinh-tế, và với chủ-trương cách-mạng, người cộng-sản đã xem chánh-trị quan-trọng hơn kinh-tế.

Khi chánh-thức đặt điều-kiện tinh-thần lên trên điều-kiện vật-chất, đề-cao tánh-cách quyết-định của cán-bộ trong sự diễn-tiến lịch-sử, và gián-tiếp công-nhận rằng chánh-trị quan-trọng hơn kinh-tế, người cộng-sản đã phủ nhận lý-thuyết họ tôn thờ.

Sự xâm-phạm lý-thuyết kể trên đây rất cần-thiết cho sự hoạt-động, nhưng nó không phải là duy-nhứt. Cứ theo thuyết duy-vật biện-chứng thì trên đời, vật nào cũng có những mâu-thuẫn nội-tại làm cho nó luôn luôn thay đổi, và các vật trong võ-trụ đều có sự tác-động lẫn nhau. Chiếu theo những nguyên-tắc đó, xã-hội tư-bản phải biến đổi, và sự xuất-hiện của lý-thuyết xã-hội duy-vật cùng những đảng thợ thuyền phải làm cho chánh-sách nội-trị các nước tư-bản trở nên khác trước. Một mặt khác, chính lý-thuyết xã-hội duy-vật phải có tánh-cách tạm-thời chớ không phải có một giá-trị tuyệt-đối, mà cái xã-hội người vô-sản sẽ xây dựng lên sau khi lật đổ chế-độ tư-bản cũng sẽ phải chứa đựng những mâu-thuẫn làm cho nó biến đổi.

Cái quan-niệm "động" trên này rất phù-hợp với sự thật, nhưng lại không phù-hợp với những điều-kiện tranh-đấu của một đảng cách-mạng. Những chiến-sĩ cộng-sản cần phải có một lòng tin tưởng nhiệt thành nơi lý-thuyết và chánh-sách của họ cũng như sự vững chắc của chế-độ mà họ sẽ xây dựng.

Do đó, các lãnh-tụ cộng-sản phải tự mâu-thuẫn với mình một lần nữa.

Họ trình bày lý-thuyết của họ như là một lý-thuyết có một giá-trị tuyệt-đối, luôn luôn đúng đắn. Một mặt khác, trong sự chỉ-trích xã-hội tư-bản, họ vẫn giữ y nguyên-lý-luận của ông thủy-tổ lý-thuyết xã-hội duy-vật mà không nhận thấy rằng chế-độ tư-bản về sau đã biến-tánh nhiều. Sau hết, họ bảo rằng cái xã-hội không giai-cấp mà người cộng-sản chủ-trương sẽ mưu-đồ hạnh-phúc được cho loài người và không chứa đựng những xung-đột nội-tại đưa nó đến chỗ lão-suy và sụp đổ.

Những chỗ sai lầm và mâu-thuẫn của lý-thuyết xã-hội duy-vật thật là hiển-nhiên rõ rệt đối với những người có một chút lý-trí khách-quan. Nhưng cái khéo của lý-thuyết ấy là đánh trúng vào những bản-tánh hay và dở của con người. Một mặt, nó khêu gợi được lòng ganh tị, những thù hiềm cá-nhơn và những oán-hận của người cần-lao đối với những người sung sướng hơn, dầu nhờ đâu mà sung sướng hơn cũng mặc. Một mặt khác, nó đưa ra cái viễn-ảnh của ngày mai tươi đẹp và rực rỡ để cám dỗ những nhà lý-tưởng mơ màng đến một nhơn-loại hòa-bình, trong đó công-đạo được thi-hành một cách tuyệt-đối.

Thái-độ phản-động ngu-si của nhà cầm-quyền nhiều nước trên lục địa Âu-châu trước đây lại làm cho những lời chỉ-trích của lý-thuyết xã-hội duy-vật có vẻ xác đáng. Nhờ đó, nó đã che dấu được những khuyết-điểm nội-tại của nó và lôi kéo được một số đông người ở nhiều nước trên hoàn-cầu theo nó. Những người này đã lập thành những chánh-đảng quốc-tế rất mạnh.

Như ta đã thấy, hiện giờ, những môn-đồ Karl Marx phân ra làm ba nhóm : nhóm Xã-hội Ðệ Nhị Quốc-tế, nhóm cộng-sản Đệ-Tam Quốc-tế và nhóm cộng-sản Đệ Tứ Quốc-tế.

Nhóm Xã-hội Đệ Nhị Quốc-tế, mạng danh là một đảng quốc-tế, nhưng phần lớn còn giữ một tánh-cách quốc-gia rõ rệt. Họ đứng trong vòng hợp-pháp mà hoạt-động và nhận chịu sự cộng-tác với các phần-tử khác trong nước. Những mục-tiêu chánh-yếu của họ là quốc-hữu-hóa các xí-nghiệp quan-trọng, cải-thiện sự bang-giao quốc-tế và nâng cao đời sống hạng cần-lao. Ngoài ra, họ cố gắng dùng sự tuyên-truyền, dùng luật-pháp mà hủy-diệt một cách từ từ ảnh-hưởng của các tôn-giáo trên tinh-thần quần-chúng.

Sự hoạt-động trong vòng hợp-pháp cũng như sự nâng cao đời sống vật-chất của thợ thuyền đã làm dịu sự xung-khắc giữa tư-bản và lao-động. Và đúng theo lời chỉ-trích của phái cộng-sản, đảng Xã-hội càng ngày càng đi xa chủ-trương cách-mạng vô-sản của Karl Marx. Thêm nữa, về sau, trong các nhóm gia-nhập đảng Xã-hội Đệ Nhị Quốc-tế, có nhiều phần-tử theo xu-hướng quốc-gia rõ rệt hơn, và cố-nhiên không thể nhận được lý-thuyết xã-hội Karl Marx.

Những đảng-viên xã-hội theo Đệ Nhị Quốc-tế đã thâu-hoạch được nhiều kết-quả tốt trong sự binh-vực giai-cấp cần-lao. Tuy-nhiên, chánh-sách họ cũng có đem nhiều mối hại đến cho quốc-gia.

Những xí-nghiệp quốc-hữu-hóa trong một quốc-gia theo chế-độ chánh-trị dân-chủ tự-do thường phải chịu lỗ vì nhơn-viên những xí-nghiệp này làm việc theo tinh-thần công-chức chớ không sốt sắng làm việc như nhơn-viên những xí-nghiệp tư. Những tổ-chức có tánh-cách hành-chánh ghép vào những xí-nghiệp quốc-hữu-hóa ấy lại càng làm cho bộ máy chỉ-huy thêm nặng nề và khoét rộng thêm lỗ thủng trong ngân-sách.

Vốn chủ-trương hòa-bình và đặt vấn-đề nâng cao đời sống cần-lao trên hết mọi sự, những đảng-viên Đệ Nhị Quốc-tế lắm khi cương-quyết không chịu chấp-nhận những kinh-phí về việc quốc-phòng. Điều này không khỏi làm yếu sức quốc-gia, khiến cho quốc-gia trở thành một miếng mồi ngon cho những giống dân xâm-lược.

Nhóm cộng-sản Đệ Tứ Quốc-tế theo chủ-trương cách-mạng thường-trực của Trotsky nên không nhận chịu sự hoạt-động trong vòng hợp-pháp như đảng Xã-hội Đệ Nhị Quốc-tế, nhưng họ cũng chống chọi lại đảng cộng-sản Đệ-Tam Quốc-tế. Vì thiếu phương-tiện, vì không có tương-lai, vì sự phản tuyên-truyền của đảng cộng-sản Đệ-Tam mạnh thế hơn, họ không phát-triển được và không phát-động được một phong-trào gì đáng kể.

Cuối cùng, chỉ có đảng cộng-sản Đệ-Tam Quốc-tế là chi-phái mạnh nhứt trong đám môn-đồ Karl Marx. Sự thắng-lợi của họ ở nước Nga đã đặt vào tay họ một lãnh-thổ minh mông, một dân-số đông đảo và những nguồn tài-lợi phong-phú. Sau khi diệt-trừ hết những lực-lượng của chế-độ cũ khả-dĩ đương đầu lại họ, sau khi giải-quyết được những vụ tranh-chấp gay go với những nước láng giềng, họ đã được trọn quyền xây dựng chế-độ cộng-sản và ta có thể nhìn vào đó mà thấy cái hay, cái dở của lý-thuyết xã-hội duy-vật Karl Marx về phương-diện thực-hành.

Chiếu theo những chủ-trương Karl Marx về sự chuyên-chánh của giai-cấp vô-sản và sứ-mạng người cộng-sản, đảng cộng-sản Đệ-Tam Quốc-tế thiết-lập chánh-thể độc-tài ở Nga.

Về mặt chánh-trị, họ theo chế-độ Sô-viết. Tiếng Sô-viết vốn có nghĩa là ủy-ban, nên chế-độ Sô-viết là chế-độ ủy-ban, theo đó ở mọi cấp hành-chánh, dân-chúng được quyền bầu cử những ủy-ban cai-trị mình. Trái với đế-quốc Nga cũ, đặt tất cả dân-chúng dưới sự cai-trị trực-tiếp của chánh-phủ Nga Hoàng, chánh-phủ cộng-sản cho các dân-tộc sống trong biên-giới nước mình lập thành những tiểu-bang, những địa-phương tự-trị. Do chế-độ Sô-viết, do chánh-sách công-nhận những tiểu-bang và cũng do ý muốn chỉ tỏ rằng mình không thi-hành-chánh-sách ưu-đãi dân Nga, các nhà lãnh-đạo cộng-sản bỏ quốc-hiệu Nga để đặt cho nước mình cái tên là Liên-bang Sô-viết.

Cứ theo bản hiến-pháp "STALINE " năm 1936, cơ-quan nắm giữ quyền-chánh là Hội-đồng Sô-viết Tối-cao. Hội-đồng này gồm hai viện : Viện Liên-bang và Viện Dân-tộc.

Viện Liên-bang do dân-chúng đầu-phiếu công-cử, còn Viện Dân-tộc thì do các tiểu-bang liên-hiệp, tiểu-bang tự-trị, địa-phương tự-trị và lãnh-thổ quốc-gia bầu ra. Cứ mỗi tiểu-bang liên-hiệp 25 người, mỗi tiểu-bang tự-trị 11 người, mỗi địa-phương tự-trị 5 người, mỗi khu hành-chánh 1 người.

Hai viện này ngang hàng nhau và cùng nắm giữ quyền lập-pháp. Cả hai viện cùng hội lại cử Chủ-tịch-đoàn của Hội-đồng Sô-viết Tối-cao. Chủ-tịch-đoàn này là vị chủ-tịch tập-thể của Liên-bang Sô-viết. Ngoài ra, hai viện còn cử cơ-quan hành-chánh trung ương. Trước kia gọi là Ủy-ban Nhơn-dân, nhưng từ năm 1946, được gọi là Hội-đồng Tổng-trưởng.

Xét về mặt lý-thuyết, chế-độ Sô-viết cũng để cho dân-chúng tham-dự chánh sự và tự-do chọn lựa nhà cầm-quyền. Nhưng về mặt thực-tế, đảng cộng-sản Đệ Tam Quốc-tế đã thi-hành một chánh-sách hết sức khắc-nghiệt. Với một tổ-chức chặt chẽ và có phương-pháp, với một cơ-quan trinh-sát công-an đông đúc có nhiều phương-tiện và quyền-hành rất rộng, đảng ấy đã kiểm-soát và điều-khiển được tất cả sự hoạt-động của tất cả mọi người.

Những cuộc tuyển-cử tiếng là tự-do, nhưng sự thật chỉ là những trò dàn cảnh để chánh-thức-hóa sự chọn lựa nhơn-viên của đảng cộng-sản. Ngay ở cấp chánh-phủ, quyền-hành thật sự cũng nằm trong tay người chỉ-huy đảng và nhơn-viên của Hội-đồng Tổng-trưởng chỉ là những người thừa-hành mạng-lịnh người chỉ-huy ấy. Nhiều khi người chỉ-huy đảng không giữ chức-vụ gì trong chánh-phủ, nhưng lại nắm hết thực-quyền. Đó là trường-hợp Staline một thời-kỳ quá dài trước khi trận thế-giới đại-chiến thứ hai xảy ra.

Ngoài đảng cộng-sản, không còn đảng nào được hoạt-động, và mọi cử chỉ hay ngôn-ngữ phản-đối chánh-quyền đều bị trừng-phạt thẳng tay. Như thế, tất cả mọi việc đều do nơi người chỉ-huy đảng cộng-sản quyết-định, và toàn-thể Liên-bang Sô-viết đều phải triệt-để tuân lịnh ông ta.

Về phương-diện kinh-tế, chánh-phủ Sô-viết thâu tất cả các tài-sản làm của chung, chỉ để cho dân-chúng một số ít tư-sản dùng trong sự tiêu-thụ mà thôi, phần lớn đất đai đều bị thâu góp làm những điền-thổ tập-thể ; những xí-nghiệp cũng vậy, sự thương-mãi tự-do bị thay thế bằng chế-độ hợp-tác-xã và hãng buôn chánh-phủ. Do đó, tất cả mọi người trong nước đều trở thành-công-nhơn của chánh-phủ.

Để chống lại nạn lười biếng, bất-cẩn, làm cho sự sản-xuất kinh-tế suy kém, chánh-phủ Sô-viết phải ban hành những qui-chế lao-động rất gắt gao : một sự chậm trễ nhỏ nhặt, một sự sơ-xuất cỏn con có thể bị cho là một cử-chỉ phá-hoại và bị trừng-phạt rất khắc-nghiệt. Vì lẽ tất cả các xí-nghiệp đều nằm trong tay chánh-phủ và một công-nhơn bị hãng này sa-thải không thể xin làm việc ở hãng khác như trong chế-độ tư-bản, thành ra phải chịu thất-nghiệp và chết đói, tất cả mọi người đều hoàn-toàn tùy-thuộc chánh-phủ.

Về măt tinh-thần, những nhà lãnh-đạo cộng-sản tìm cách cải-hóa tư-tưởng tất cả mọi người, theo ý-thức-hệ cộng-sản. Sự tuyên-truyền, giáo-dục đều có tánh-cách nhồi sọ và nhắm mục-đích làm cho tất cả mọi người đều lý-luận theo các lãnh-tụ cộng-sản. Ý-tưởng tự-do bị bài-xích như là một tội nặng, và mỗi công-dân Liên-bang Sô-viết đều được huấn-luyện theo quan-niệm rằng đảng cộng-sản đứng trên tất cả.

Sự dò xét và tố-cáo lẫn nhau được xem là một danh-dự và được khuyến-khích triệt-để. Vì đó, mọi người đều sống trong ngờ vực, nghi-kỵ lẫn nhau, ngay đến cha con, chồng vợ trong gia-đình cũng không tin cậy nhau được. Nền tảng gia-đình tự-nhiên phải bị lung lay.

Tôn-giáo bị bài-trừ một cách mạnh mẽ. Ngay từ khi mới nắm chánh-quyền, chánh-phủ Sô-viết đã thành-lập những hội vô-thần phổ-biến tư-tưởng duy-vật. Nhưng xem chừng như kết-quả không được bao nhiêu, đảng cộng-sản quay sang chánh-sách trực-tiếp uy-hiếp những người sùng-tín. Những giáo-sĩ có uy-tín bị loại-trừ, và chỉ những nhơn-viên chịu ca-tụng chế-độ Sô-viết và thi-hành mạng-lịnh chánh-phủ mới còn được ở trong giáo-hội. Chánh-sách này không tiêu-diệt nổi tinh-thần tôn-giáo, vì tinh-thần này là một phần bản-chất con người, và ngay đến lúc này, hơn 40 năm sau khi đảng cộng-sản nắm chánh-quyền ở Nga, một số lớn dân-chúng hãy còn theo tôn-giáo. Tuy thế, chủ-trương bài-trừ tôn-giáo cũng làm khổ người Nga rất nhiều.

Để trừng-phạt những kẻ trái mạng-lịnh, để khép mọi người vào một kỷ-luật chặt chẽ và về sau để có một nhơn-công rẻ tiền, Liên-bang Sô-viết thiết lập chế-độ trại giam, tập-trung thường-phạm và chánh-trị-phạm. Số người bị đưa vào các trại ấy có đến hàng triệu. Họ bị đối-đãi như là thú-vật và phải làm việc rất khổ nhọc ở những nơi độc-địa. Cố-nhiên là trong trường-hợp đó, phân-số người chết rất cao.

Sau một thời-kỳ thí nghiệm chế-độ kinh-tế cộng-sản hoàn-toàn, các nhà lãnh-đạo Liên-bang Sô-viết nhận thấy rằng sự trừng-phạt gắt gao vẫn chưa đủ để bắt người làm việc cho có hiệu-quả. Do đó, họ phải tỏ vẻ nhơn-nhượng hơn và tung ra một chánh-sách khác gọi là " chánh-sách kinh-tế mới ". Họ đặt những phần thưởng khuyến-khích những người sản-xuất nhiều và mở rộng quyền tư-hữu ra một chút. Nhưng về mặt đại-cương, chánh-sách này không thay đổi chế-độ độc-tài cũ bao nhiêu. Thêm nữa, nó chỉ được thi-hành trong một thời-gian ngắn, rồi lại bị hủy bỏ đi.

Chế-độ thi-hành ở Liên-bang Sô-viết tất-nhiên là đưa dân-chúng đến một sự nô-lệ khắc-nghiệt. Hạng người duy-nhứt được ưu-đãi là những công-chức và đảng-viên của đảng cộng-sản Đệ-Tam. Vốn có nhiều quyền-thế trong tay, họ không ngần-ngại gì mà chẳng lạm-dụng quyền-thế ấy để mưu tư-lợi. Do đó, sự chênh lệch giữa đời sống cán-bộ và dân-chúng còn xa nhau hơn sự chênh lệch giữa đời sống tư-bản và lao-động xã-hội trong xã-hội tự-do. Về phương-diện này, những người đối-lập của đảng cộng-sản Đệ-Tam Quốc-tế rất có lý mà bảo rằng chế-độ thi-hành ở Liên-bang Sô-viết không phải chế-độ cộng-sản hay xã-hội, mà là chế-độ tư-bản quốc-gia.

Tuy thế, những hạng người được ưu-đãi nhứt trong xã-hội Sô-viết – tức là những công chức và đảng-viên cộng-sản – không phải được hưởng một hạnh-phúc êm đẹp. Guồng máy độc-tài một khi đã phát- động rồi thì không ngừng lại được và chính những nhơn-viên phụng-sự nó cũng phải bị nó nghiền nát. Sự cạnh-tranh giữa các bè phái trong đảng cộng-sản, sự bất-đồng ý-kiến về chánh-sách phải theo, cũng như sự cần dùng một hạng người làm cái bung xung để nhận chịu hết các tội lỗi của chế-độ khi dân-chúng bất-bình, đã đưa các đảng-viên cộng-sản đến sự xâu xé lẫn nhau. Những cuộc thanh-trừng kinh-khủng đã đưa hàng vạn đảng-viên và cán-bộ đến các trại tập-trung hay đến pháp-trường, và trong cái thiên-đường vô-sản của đảng cộng-sản Đệ-Tam , sự tranh-đấu giữa người với người còn ghê gớm, khốc-liệt bằng mấy lần sự tranh-đấu giữa những kẻ dã-man.

Đối với những người thức-thời, các nhà lãnh-đạo Liên-bang Sô-viết đã phản-bội lý-tưởng xã-hội. Theo họ, Staline và những kẻ hiện kế-nghiệp ông thật sự đã trở về với chánh-sách đế-quốc cổ-truyền của nước Nga. Họ đã xây dựng một quốc-gia hùng-cường trên mồ hôi nước mắt, trên xương máu dân Nga. Do đó, họ đã giúp nước Nga giữ một địa-vị quan-trọng trên hoàn-cầu.

Sự hùng-cường của Liên-bang Sô-viết không lợi gì cho dân-chúng Nga và dân-chúng thế giới cả. Tuy-nhiên, về mặt tuyên-truyền, những bộ-hạ của Staline vẫn hô-hào rằng mình trung-thành với lý-thuyết Marx. Nhờ có những phương-tiện khổng-lồ trong tay, họ đã tổ-chức được những chi nhánh của đảng Cộng-sản Đệ Tam Quốc-tế ở rất nhiều xứ và lợi-dụng những chi nhánh ấy để phá rối trật-tự các nước.

Sự tuyên-truyền khéo léo của các đảng-viên cộng-sản Đệ Tam làm cho một số khá lớn người vô-sản các nước, nhứt là dân vô-sản các thuộc-địa bị các đế-quốc bóc lột thẳng tay, rất mực tin tưởng nơi Liên-bang Sô-viết. Những người này đã giúp các tổ-chức của Liên-bang Sô-viết rất nhiều trong sự do- thám và phá-hoại trong nước họ. Một số lớn những người khác không theo đảng cộng-sản Đệ Tam Quốc-tế, nhưng chịu ảnh-hưởng sự tuyên-truyền của các đảng-viên cộng-sản nên rất có thiện-cảm với Liên-bang Sô-viết. Chỉ sau này, khi trận thế-giới đại-chiến thứ nhì chấm dứt, chánh-sách đế-quốc của chánh-phủ cộng-sản mới bộc lộ ra một cách rõ ràng.

Sau khi trục Bá-linh – La-mã - Đông-kinh bị sụp đổ, Liên-bang Sô-viết đã bá-chiếm các nước bờ biển Baltique là Lithuanie, Lettonie và Esthonie, lại dùng võ-lực đặt những chánh-phủ cộng-sản ở các nước Trung-Âu, hủy-diệt những chánh-đảng khác ở các nước ấy. Sự kềm chế của họ đối với các nước Trung Âu càng ngày càng mạnh lên, đến nỗi chính các lãnh-tụ cộng-sản địa-phương phải bất-mãn. Tito, lãnh-tụ cộng-sản Nam-Tư đã bỏ Liên-bang Sô-viết để thân-thiện với Mỹ. Những lãnh-tụ cộng-sản các nước khác vì không có thế-lực bằng Tito nên bị triệt-hạ và thay thế bằng những đảng-viên hoàn-toàn tùng-phục chánh-phủ Moscou.

Những điều trên này đã làm sáng mắt một số lớn dân-chúng Âu-châu, nhứt là sau khi dân-chúng hai nước Ba-lLan và Hung-gia-lợi nổi lên chống Liên-bang Sô-viết một cách mãnh-liệt. Đối với các dân-tộc Á-châu chưa được giác-ngộ nhiều về chánh-trị, và vì quá ghét thực-dân mà đâm ra thích những cái gì chống thực-dân, Liên-bang Sô-viết hãy còn một sức hấp-dẫn khá mạnh. Nhờ đó, Trung-cộng mới nắm được phần thắng-lợi trong cuộc tranh-đấu với Quốc-dân-đảng Trung-Hoa.

Lúc đầu, Trung-cộng và Liên-bang Sô-viết cộng-tác thật chặt chẽ với nhau. Nhưng chẳng bao lâu, những nhà lãnh-đạo Trung-cộng và Liên-bang Sô-viết chống chọi nhau kịch liệt.

Sự xung-đột giữa hai bên đã chỉ tỏ rằng hai cường-quốc cộng-sản lớn nhứt đều thi-hành-chánh-sách đế-quốc nên không thể dung-nạp được nhau.

Vậy xét tình-thế một cách khách-quan, ta thấy rằng Liên Ban Sô-viết bên trong thì thi-hành một chế-độ độc-tài vô cùng khắc-nghiệt, còn bên ngoài thì theo đuổi một chánh-sách xâm-lược rõ rệt.

Theo lời giải thích của các nhà lãnh-tụ Đệ-Tam Quốc-tế, họ chỉ có mục-đích xây dựng chế-độ Sô-viết trên toàn thế-giới, sự độc-tài và xâm-lược này chỉ là phương-tiện để thiết-lập một xã-hội không giai-cấp đầy hạnh-phúc cho loài người.

Nhưng sự quan-sát tình-hình chánh-trị bên trong Liên-bang Sô-viết, cũng như cách họ đối đãi với các giống dân bị họ chế-ngự, cho ta thấy rằng bộ máy độc-tài của đảng cộng-sản rất khó mà tự ngừng lại được, và sự thắng-lợi của đảng cộng-sản Đệ Tam Quốc-tế sẽ đưa nhơn-loại đến một chế-độ nô-lệ tối tăm ghê gớm nhứt từ xưa tới nay. Với sự tập-trung tất cả những lực-lượng xã-hội trong tay chánh-phủ, với những phương-pháp đàn-áp khoa-học của người cộng-sản, dân-chúng sẽ rất khó khởi loạn để giành lại tự-do, và chế-độ cộng-sản chỉ có thể sụp đổ vì sự cấu xé lẫn nhau giữa các tay lãnh-tụ mà thôi.

Ta có thể bảo rằng bọn cộng-sản ở Liên-bang Sô-viết đã phản-bội thuyết Marx. Nhưng dầu sao, họ vẫn còn noi theo chủ-trương Karl Marx một phần nào. Sự tàn-nhẫn vô-đạo của họ thật ra là kết-quả của thuyết duy-vật và duy-vật sử-quan, căn-bản của nền tư-tưởng Marx.

Sự khảo-sát nền tư-tưởng này về hai mặt lý-thuyết và thực-tế cho ta thấy rõ những nguyên-nhơn mâu-thuẫn mà Marx phạm phải. Ông vốn là người thờ phụng lý-tưởng công-bằng và rất bất bình xã-hội tư-bản với những sự bóc lột của nó. Ông mơ ước xây dựng một xã-hội hoàn-toàn tốt đẹp trong ấy người thương yêu nhau và sống hòa-hợp với nhau. Để thực-hiện lý-tưởng của mình, ông phải tạo ra một lý-thuyết, khả dĩ huy-động được những lực-lượng vô-sản để đánh đổ chế-độ tư-bản.

Lý-thuyết này có một lập-luận đầy vẻ khoa-học, nhưng lại không xét đến bản-tánh của người, cho nên chỉ thích-hợp cho sự tranh-đấu cách-mạng, mà không thích-hợp cho sự kiến thiết xã-hội. Những chủ-trương của Marx về sự chuyên-chánh vô-sản, về sứ-mạng người cộng-sản, chỉ có thể mang đến kết-quả tốt đẹp khi nào những người áp-dụng nó hoàn-toàn tốt. Nhưng điều-kiện này không thể thực-hiện được, vì số người tốt hoàn-toàn không sao có đủ để tổ-chức cuộc cách-mạng. Mà dầu cho hàng-ngũ cộng-sản có hoàn-toàn tốt đi nữa, việc nắm trọn chánh-quyền trong một thời-hạn lâu dài cũng hủ-hóa họ lần đi.

Những tín-đồ của Karl Marx do đó mà bị đặt trước một tình-trạng lưỡng-nan : hoặc là giữ đúng lý-tưởng của Marx và không đi đến kết-quả gì cả như nhóm Đệ Tứ Quốc-tế, hoặc là thi-hành những biện pháp do Marx vạch ra để đạt một kết-quả, nhưng như thế thì lại phải phản-bội lý-tưởng Marx như nhóm Đệ Tam Quốc-tế. Muốn theo lý-tưởng Marx là nâng đỡ hạng thợ thuyền vô-sản, mà vẫn hoạt-động đắc-lực, người ta phải đi xa lý-thuyết Marx hơn, và phủ-nhận một số lớn nguyên-tắc làm nền tảng cho lý-thuyết ấy. Đó là thái-độ của nhóm Xã-hội Đệ Nhị Quốc-tế. Và chung-qui , người ta không thể nào thực-hiện được lý-thuyết Marx trong những dữ-kiện chánh-yếu của nó.

V - KẾT-LUẬN VỀ LÝ-THUYẾT XÃ-HỘI DUY-VẬT

Lý-thuyết xã-hội duy-vật tự xưng là khoa-học, nhưng vẫn chưa thoát khỏi tánh-cách duy-tâm. Cũng như những lý-thuyết xã-hội duy-tâm, nó dựa vào ba ý-tưởng nguyên-thủy : một là nguời sanh ra bình-đẳng và sẵn tốt, hai là họ sẽ bình-đẳng và tốt trở lại trong một chế-độ hoàn-toàn, ba là chế-độ hoàn-toàn ấy có thể thực-hiện được. Nó đã dùng một phép biện-chứng duy-vật chặt chẽ để chứng-nhận rằng tư-tưởng nó là đúng, nó đã trình bày sự tiến-hóa của nhơn-loại theo một quá-trình hợp với quan-niệm nó, và xem việc đi đến một thế-giới đại-đồng cộng-sản như là cái cáo-chung tự-nhiên không thể tránh được của sự tiến-hóa ấy.

Những lý-luận của Karl Marx có một bóng dáng chặt chẽ, khoa-học. Nhưng thật ra, nó cũng như những lâu đài xây trên bãi cát. Vì khởi-điểm của luận-lý ông là sự bình-đẳng tự-nhiên và tính tốt bẩm-sanh của con người, và cáo-chung của luận-lý ấy là một nhơn-loại hiệp-nhứt hoàn-toàn, đều là những nguyên-tắc trái với thực-tế.

Bởi thế, lý-thuyết xã-hội duy-vật tuy cũng có những điều nhận xét đúng đắn, đã chứa đựng rất nhiều khuyết-điểm. Mặc dầu những người cuồng-tín nó xem nó là một chân lý cao cả thiêng liêng, càng ngày người ta càng nhận thấy những chỗ sai lầm của nó. Và tuy bọn môn-đồ Karl Marx tìm đủ mọi cách để giải-thích lịch-sử theo chủ-trương của họ, sự khiên-cưỡng của lý-luận họ đã hiện ra rõ rệt. Điều buồn cười nhứt là sự thành-công của họ ở Nga và Trung-Hoa lại chính là luận-cứ hùng-biện nhứt để lật đổ những thuyết mà họ cầy cục dựng lên một cách công-phu.

Sự nghiên-cứu về nguồn gốc và lý-luận của hai thuyết dân-chủ và xã-hội chỉ cho ta thấy rằng khởi-điểm của nó chung nhau. Cả hai đều cho ràng người vốn tốt và đều dựa vào nguyên-tắc tự-do bình-đẳng. Nhưng chủ-nghĩa dân-chủ chỉ đi đến sự bình-đẳng chánh-trị mà thôi, và áp-dụng nguyên-tắc tự-do, nó nhìn nhận quyền tư-hữu của con người. Chủ-nghĩa xã-hội thì bảo rằng sự bình-đẳng chánh-trị không đủ, vì nếu sự chênh lệch về tài-sản vẫn còn thì người ta còn bóc lột nhau được. Vậy, sự bình-đẳng chánh-trị suông không ích-lợi gì cho người dân. Vì lý-do này, nó chủ-trương hủy-diệt quyền tư-hữu, thâu hết tài-sản làm của chung, thi-hành chế-độ cộng-sản.

Như thế, mặc dầu về thực-tế, hai chủ-nghĩa dân-chủ và xã-hội-nghịch nhau, về phương-diện lý-thuyết, chủ-nghĩa xã-hội chỉ là sự tiếp tục hợp-lý của chủ-nghĩa dân-chủ. Hay nói cho đúng hơn, nó là kết-quả sự xung-khắc giữa hai nguyên-tắc tự-do và bình-đẳng đưa đến tuyệt-độ.

Lý-thuyết dân-chủ tư-sản hướng về sự tự-do cá-nhơn. Nó công-nhận sự tự-do tư-tưởng, tự-do tín-ngưỡng, tự-do hoạt-động chánh-trị và để bảo-đảm những tự-do trên này, nó công-nhận quyền tư-hữu. Nhưng sự hoạt-động tự-do đã đưa đến sự chênh lệch quá lớn về tư-sản và gây ra nạn tư-bản làm cho sự bình-đẳng về chánh-trị bị gãy đổ.

Lý-thuyết xã-hội hướng về sự bình-đẳng nhiều hơn, và để thực-hiện lý-tưởng bình-đẳng ấy, nó chủ-trương quốc-hữu-hóa các tài-sản để chấm dứt nạn bóc lột của hạng giàu có. Nhưng nếu các tài-sản đã bị sung-công cả, thì cá-nhơn không còn có phương-tiện gì để tự-vệ đối với chánh-quyền và mất tất cả những tự-do căn-bản của mình.

Vì cả hai chủ-trương dân-chủ và xã-hội đều có nhược-điểm, nên sự xung-đột giữa hai bên về phương-diện lý-luận không đưa đến sự thắng-lợi hoàn-toàn của bên nào.

Ở nhiều nước theo chế-độ tự-do, sau khi lý-thuyết xã-hội ra đời, vấn-đề xã-hội lần lần được giải-quyết một cách ổn-thỏa và sự tranh-luận giữa những người theo lý-thuyết dân-chủ và những người theo lý-thuyết xã-hội không đưa đến những họa-hại gì to tát. Nhưng ở một số nước khác, nằm trong một tình-trạng khó khăn hơn, sự xung-đột giữa hai lý-tưởng dân-chủ và xã-hội có tánh-cách khốc-liệt hơn. Do đó, mà phát sanh ra những chủ-nghĩa mới khác, hoặc để phản-đối lại cả hai, hoặc để dung-hòa nó. Đó là những chủ-nghĩa mà ta sẽ nghiên-cứu trong mấy chương sau này.

Mục Lục

Xem tiếp Chương IV, Phần Thứ Nhứt