Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

CHỦ - NGHĨA DÂN - TỘC SINH - TỒN

Người soạn: Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy

Mục Lục

Trở về Chương I, Phần Thứ Nhì

PHẦN THỨ NHÌ

CHỦ - NGHĨA DÂN - TỘC SINH - TỒN

CHƯƠNG II

KHÁI-QUAN VỀ CON NGƯỜI

I.- CON NGƯỜI TRONG KHUNG CẢNH THIÊN-NHIÊN.

A.- CON NGƯỜI TRONG VÕ-TRỤ.

Theo một số lý-thuyết thần-quyền trước kia, người là con cưng của Thượng-Đế. Người đã được Thượng-Đế tạo ra theo hình-ảnh của chính mình, lại được Thượng-Đế ban cho một linh-hồn đồng-chất với hồn mình nên thành ra giống linh nhứt trong vạn-vật. Hơn nữa, người lại còn được Thượng-Đế đặt làm trung-tâm của võ-trụ. Mặt nhựt, mặt nguyệt và các tinh tú phải xoay quanh địa-cầu người ở, để soi sáng và sưởi ấm con người.Những loài thảo-mộc cầm-thú sanh ra, cũng chỉ cốt để cung-cấp cho người những vật-liệu và lương-thực cần-thiết.

Quan-niệm về võ-trụ của những thánh-kinh thật hết sức thi-vị và hợp với tính tự-tôn tự-đại của con người. Tuy thế, nó không đứng vững trước những phát-minh khoa-học. Sau một thời-gian khá dài ngự-trị tư-tưởng-giới của loài người, nó phải lần lần tan biến để nhường chỗ lại cho quan-niệm võ-trụ của nhà thiên-văn, phàm-tục hơn, nhưng lại vĩ-đại hơn.

Theo những luận-cứ thiên-văn hiện được mọi người công-nhận, thì địa-cầu ta ở chỉ là một trong chín hành-tinh của Thái-dương-hệ. Mặt nhựt, trung-tâm của Thái-dương-hệ này, to hơn địa-cầu đến một triệu lần, nhưng nó chỉ là một tinh-cầu hạng trung-bình trong số 200 tỷ tinh-cầu rải rác trong dải Ngân-hà của chúng ta. Dải Ngân-hà này rộng đến nỗi một tia sáng với tốc-độ 300.000 công-lý mỗi giây phải mất 100.000 năm mới chạy xuyên qua hết trục-kính của nó. Tuy vậy, nó chỉ là một đơn-vị trong hàng triệu dải Ngân-hà trong không-gian.

Cái võ-trụ chúng ta hiện biết được thật hết sức rộng lớn, rộng lớn quá trí tưởng-tượng của con người. Tuy thế, nó chưa phải là chiếm hết cả không-gian. Nhờ những ống viễn-kính, càng ngày cành tinh-xảo hơn, các nhà thiên-văn không ngớt mở rộng phạm-vi quan-sát của mình, và tiếp tục tìm thêm được những thiên-thể mới. Sự khám-phá ra những thiên-thể mới này không biết bao giờ mới chấm dứt, và có lẽ dầu cho kỹ-thuật khảo-sát của người tiến-bộ đến đâu, người cũng khó tìm ra được bờ bến của võ-trụ.

Trong cái võ-trụ bao la không biết đâu là bờ bến này, người chỉ là một con vi-khuẩn li ti không thấm vào đâu. Hơn nữa, người cũng chưa chắc phải là giống linh nhứt trong các loại sanh-vật của võ-trụ. Người ta đã tìm được hàng trăm triệu hành-tinh, phần nhiều to và già hơn điạ-cầu đến bốn năm trăm lần. Rất có thể một phần những hành-tinh ấy có sanh-vật ở, và trên một số hành-tinh này, có những sanh-vật gần giống với người. Địa-cầu vốn là một hành-tinh trẻ, những mầm sống của nó phát-sanh sau những mầm sống của các hành-tinh đó. Vì thế, nền văn-minh người xây-dựng có thể kém sút những nền văn-minh được xây-dựng trên những hành-tinh đó nhiều.

B.-CON NGƯỜI TRÊN ĐIẠ-CẦU.

I.-SỤ PHÁT-HIỆN SANH-CHẤT TRÊN ĐIẠ-CẦU VÀ SỰ TIẾN-HOÁ CỦA NGƯỜI.

Khảo-sát riêng về địa-cầu, người ta được biết rằng nó nguyên là một khối lửa đỏ, sau mới nguội lần đi và gồm được những điều-kiện giúp cho sự sống phát-sanh. Theo sự ước-lượng của những nhà khoa-học hiện đại, những mầm sống đầu-tiên đã xuất-hiện cách đây trong khoảng từ hai tỷ đến một tỷ năm trăm triệu năm. Khoảng thời-gian này thật là dài dặc đối với con người, nhưng trong lịch-sử võ-trụ, nó chỉ là một giai-đoạn ngắn-ngủi. Về phần lịch-sử nhơn-loại, nó còn ngắn ngủi hơn nhiều, vì loài người chỉ phát-hiện trên điạ-cầu chừng 100.000 năm nay.

Khoa-học hiện-đại cho chúng ta biết rằng con người không phải đột-nhiên xuất-hiện dưới hình-thức hiện-thời. Những luận-cứ của các ngành cổ sanh-vật-học, động-vật-học, tỷ-giảo giải-phẫu-học, thai-sanh-học, đều chừng tỏ rằng người cùng tất cả các sanh-vật khác trên địa-cầu đều có một nguồn gốc như nhau. Sau khi phát-hiện, những sanh-vật đầu tiên đã nảy nở ra và tiến-hóa theo nhiều lối, để lần lần cấu-tạo ra các loài khác nhau, trong đó loài có một hình-thể cao nhứt và phức-tạp nhứt là loài người.

Về lý-do và cơ-cấu của sự phát-hiện các mầm sống và sự tiến-hóa đưa đến hình-thể con người, hiện nay, người ta chưa biết được một cách rõ ràng, và các giả-thuyết được nêu ra chưa cái nào hoàn-toàn ổn-thỏa. Nhưng các luận-cứ khoa-học cho phép chúng ta tin tưởng rằng sự phát-hiện và tiến-hoá của các mầm sống trên địa cầu là những sự-kiện có thật.

Sự phát-hiện những mầm sống và sự tiến-hoá của các loài vật để lập thành những loài mới hiện không còn nữa. Bây giờ, người ta không lúc nào chứng-kiến được sự phát-sanh tự-nhiên. Ngay đến những vi-khuẩn nhỏ bé nhứt cũng do sanh-dục mà có chớ không thể từ tử-chất mà hóa ra. Theo nhà vạn-vật học Lucien Cuénot, các hình-thức chánh của các loài động-vật được qui-định từ 600 triệu năm nay. Sau đó, chỉ còn có những sự biến-hình về chi-tiết chớ không còn những biến-hình quan-trọng nữa. Như ta đã thấy trên đây, trong giới động-vật sự biến-hình về chi-tiết đưa đến hình-thể con người đã xảy ra chừng 100.000 năm nay.

2.-VỊ-TRÍ CON NGƯỜI ĐỐI VỚI NHỮNG GIỚI TỬ-VẬT VÀ SANH-VẬT TRÊN ĐỊA-CẦU.

Theo quan-niệm những nhà duy-vật, trên đời, chỉ có vật-chất là thực-tại. Người vốn là một khối vật-chất, và tinh-thần người chỉ là một sản-phẩm của vật-chất mà thôi. Chủ-trương này hãy còn bị những nhà duy-tâm chỉ-trích, nhưng dầu cho chúng ta có chấp-nhận nó đi nữa, ta cũng không thể phủ-nhận rằng vật-chất trên địa-cầu phân ra làm nhiều giới cách-biệt nhau. Người ta đã phân-biệt hai loại tử-chất cùng sanh-chất và động-vật. Rồi trong sanh-vật, lại có sự phân-biệt thực-vật và động-vật. Trong giới động-vật, lại có nhiều ngành, nhiều khoa, nhiều loài mà trình-độ tiến-hóa khác nhau vô-cùng.

Người ta kể là tử-chất vô-cơ những vật-chất thường, cấu-tạo nên võ-trụ như đá, đất, nước v.v… và xem là sanh-chất hữu-cơ những vật-chất kết-cấu nên cơ-thể các sanh-vật: thực-vật và động-vật. Những sanh-chất hữu cơ này là những chất hóa-hợp phức-tạp lấy các-bon (carbone) làm nền tảng. Người ta phân-biệt trong sanh-chất những hýt-rát các-bon (hydrate de carbone) như bột, đường, những chất nhờn như dầu, mỡ và những chất chứa ni tơ (azote) như tròng trắng trứng.

Tuy cấu-kết nên cơ-thể các sanh-vật, sanh-chất chưa phải là sanh-vật, vì nó thiếu sự-sống. Do đó, ta chỉ có thể xem nó là một loại tử-chất đặc-biệt mà thôi, vì sự phân-biệt cốt-yếu là sự phân-biệt giữa tử-chất và sanh-vật.

Trái với sự tin-tưởng thông-thường, tử-chấtvà sanh-vật phân-biệt nhau không phải ở chỗ sanh-vật có hoạt-động còn tử-chất thì không. Thật ra thì vật-chất không khi nào bất-động cả.

Trong phạm-vi võ-trụ, các thiên-thể luôn-luôn di-động không ngừng. Mặt nhựt mà ta lấy làm trung-tâm cho Thái-dương-hệ tuy được gọi là một định-tinh, nhưng không phải ở nguyên một chỗ trong võ-trụ.

Trong phạm-vi vi-thể, cũng có sự xung-động không ngừng. Khoa lý-hoá hiện-đại cho ta biết rằng mỗi nguyên-tử là một võ-trụ nhỏ, gồm các điện-tử quay chung quanh một cái hạch.

Trong những vật có một hình-thể trung-bình đối với người, có những vật người thấy di-chuyển như nước, cũng có những vật có vẻ bất-động như hòn đá, thỏi sắt. Nhưng sự bất-động này chỉ là một sự bất-động tương-đối. Kỳ thật, hòn đá và thỏi sắt cũng vì ảnh-hương những lực bên ngoài hay bên trong mà thay đổi hình-thể hay bản-chất mình; hòn đá có thể mòn đi hay vỡ nát, thỏi sắt có thể đóng sét và hỏng đi.

Như vậy, sự tự-động không phải là đặc-tánh của sanh-vật. Về phương-diện này, sự khác nhau giũa tử-chất và sanh-vật chỉ là một sự khác nhau về mực độ mà thôi. Muốn có một sự phân-biệt rõ ràng hơn, người ta phải dựa vào tánh-cách sự tự-động của tử-chất và sanh-vật. Tánh-cách này không những cho ta thấy sự cách-biệt giữa tử-chất và sanh-vật, mà còn cho ta thất sự cách-biệt giữa tử-chất và sanh-vật, mà còn cho ta thấy sự cách-biệt giữa các ngành sanh-vật nữa.

Các tử-chất hoàn-toàn tuân theo các định-luật lý-hoá. Nó không có tri-giác gì về sự di-động của nó, và sự di-động này không hướng đến một cứu-cánh nào. Các tử-chất chỉ biến hình-thể, biến-chất hay ghép vào nhau một cách vô-tình, không dụng-ý.

Các sanh-vật thường cũng phải tuân theo những định-luật lý-hóa, nhưng ngay ở các ngành sanh-vật hạ-cấp là thực-vật, sự tác-động đã có một cứu-cánh rõ rệt. Sự tiến-hóa của sanh vật luôn luôn theo một trình-tự nhứt-định: bắt đầu từ một quả trứng hay một cái hột, sanh-vật lớn lên, sanh-thực, già rồi chết. Noi theo trình-tự ấy, và cho đến khi chết, các sanh-vật tự bồi-bổ lấy cơ-thể mình và đồng-hóa các chất tự mình đem vào châu-thân mình để bù vào những chổ hao mòn, hay để phát-triển thêm.

Đời sống loài thực-vật bị sự chi-phối của các hướng-động. Một hột cây đang nẩy mầm bao giờ cũng đâm rễ xuống đất và đưa ngọn lên trời. Nếu ta lật ngược hột ấy làm cho rễ đưa lên trời và ngọn chỉ xuống đất, rễ và ngọn sẽ tự uốn mình để trở về hướng cũ của mình. Bỏ một chậu cây vào trong hộp tối, chỉ chừa một kẽ sáng, ngọn cây sẽ tự quay về phía có ánh sáng. Do những hướng-động này, rễ cây luôn luôn đâm xuống để hút chất bổ-dưỡng nuôi cây, ngọn cây luôn luôn quay về ánh sáng để thi-hành nhiệm-vụ hoá chất lục-diệp cần-thiết cho sự-sống của cây. Ngoài cái hướng-động này, loài thực-vật còn có khả-năng điều-khiển sự phát-triển của những bộ-phận mình một cách có lợi cho mình. Rể cây đang mọc tới mà gặp một tảng đá không thể xoi lủng được thì rẻ qua một bên, để có thể tiếp-tục mọc dài ra được.

Loài động-vật hạ-cấp hoạt-động theo những bản-năng. Sự tác-động của nó có mục-đích tránh các mối nguy, tìm món ăn uống và sanh-dục thêm. Nó hơn loài thực-vật ở chỗ được một sự tự-do rộng rãi trong sự tác-động của mình. Trong khi phần lớn loài thực-vật phải trụ lại một địa-điểm nhứt-định loài sanh-vật có thể dời chỗ được và không phải lệ-thuộc vào khung cảnh thiên-nhiên một cách quá chặt chẽ như loài thực-vật.

Các sanh-vật cao-cấp không những có nhiều khả-năng hơn các sanh-vật hạ-cấp mà lại còn có tri-giác. Hơn nữa trong một hoàn-cảnh, nó có thể phản-ứng bằng nhiều lối khác nhau: đứng trước một nguy cơ đe dọa, sanh vật cao-cấp có thể đương đầu hay chạy trốn.

Thêm vào các tánh-cách sanh-vật nêu ra trên đây, loài người còn có trí-tuệ giúp cho họ có ý-thức về nhiều cử-động của mình, lại làm cho họ hiểu biết mọi việc và suy luận để tìm một đường lối hoạt-động. Ngoài ra, người còn có những ý-niệm mà các loài khác không có, đó là ý niệm về tôn-giáo, đạo-đức, nghệ-thuật. Những điều này đã làm cho người tự hào rằng mình là giống linh nhứt trong võ-trụ. Dầu không hoàn-toàn chấp-nhận ý này, ít nhứt ta cũng phải nhận rằng người là sanh-vật cao nhứt sống trên điạ-cầu.

II.-NHỮNG TRI-THỨC CỐT-YẾU VỀ NGƯỜI

A.-SỰ SANH-DỤC CỦA CON NGƯỜI

Dưới hình-thức hiện-tại của mình,người phân-biệt ra đàn ông và đàn bà nên sanh-dục theo lối hữu-tính.

Mỗi tháng, trong noãn-sào của người đàn bà có một phôi châu rơi ra và lọt vào tử-cung quản. Nếu trong lúc này, phôi-châu gặp một tinh-trùng đàn ông, nó có thể bị tinh-trùng ấy thấu-nhập và thành một noãn-tử. Noãn-tử này là cái tế-bào căn-bản sau này cấu-tạo nên cơ-thể con người sẽ được sanh ra. Trong vòng tám chín ngày, nó từ tử-cung-quản xuống tử-cung và vùi vào trong niêm-mạc của tử-cung rồi bám vào đó. Nó sống nhờ máu của thân-thể người mẹ và phân-đôi ra mãi để sanh-hóa thành nhiều tế-bào tạo nên cơ-thể của hài-nhi. Tất cả những tế-bào của con người sẽ sanh ra đều có những tánh-chất của tế-bào căn-bản này.

Từ khi tinh-trùng và phôi-châu phối-hợp nhau thành noãn-tử cho đến khi đứa hài-nhi lọt lòng mẹ, phải mất độ 280 ngày. Trong sự phát-triển của mình, cái thai diễn lại một cách sơ-lược tất cả lịch-sử tiến-hóa của loài người từ đời tiền-cổ. Trước hết, nó có hình-thức của một con nhum. Kế đó, nó phân làm nhiều đốt giống như con trùn. Trong thời-kỳ này, cái thai có những mang để thở y như mang cá. Khoảng tuần lễ thứ sáu, nó có một cái đuôi, nằm cuốn tròn lại, đầu gần với đuôi như loài bò sát và hình dáng nó giống như con kỳ nhông. Cuối tháng thứ nhì, cái đuôi nhỏ lần rồi mất hẳn. Kế đó, bụng bào-thai mọc ra hai hàng vú, những vú sau này về sau mất hết, chỉ còn lại có hai. Trong những tháng sau cùng trước khi sanh ra, bào-thai giống hệt như con khỉ.

B.- VẤN-ĐỀ PHÂN-BIỆT CƠ-THỂ VỚI TÂM-HỒN NGƯỜI.

Nói một cách khái-quát thì loài người là giống tiến-hóa nhứt trong các loài sanh-vật trên địa-cầu. Nhưng sự tiến-hóa này không phải thực-hiện đồng đều nhau cho tất-cả mọi người.

Về phương-diện hình-thể cũng như về phương-diện tâm-hồn, hiện có một sự cách-biệt rất lớn giữa người với người.Thêm nữa, mỗi người đều có cá-tánh riêng biệt nên không ai giống hẳn ai. Tuy vậy, dầu sao, người cũng có những điểm chung nhau, và ta có thể nhờ đó mà có một ý-niệm rõ rệt về người.

Theo quan-niệm thông-thường, người ta phân-biệt trong con người hai phần thể-xác và linh-hồn. Sự phân-biệt này đã phát-hiện từ lâu và mãi đến ngày nay vẫn được nhiều người công nhận. Nhưng thật-sự, ngoài đời không bao giờ có một thể-xác sống mà không có hồn, cũng không bao giờ người ta gặp một linh-hồn sống mà không có thể-xác. Người vốn là một tổng-thể thuần-nhứt không thể phân-cát. Tổng-thể này gồm có cả thể-xác lẫn linh-hồn trộn lộn vào nhau một cách chặt chẽ. Sở-dĩ người ta cần phân-biệt thể-xác và linh-hồn là để dễ quan-sát, dễ nghiên-cứu, vì con người quá phức-tạp, khó bao-quát một cách hoàn-toàn.
Để cho dễ việc khảo-sát, chúng ta cũng phải tạm chia người ra làm hai phần cơ-thể và tâm-hồn. Nhưng chúng ta không nên lầm lạc xem đó là hai phần khác nhau và tương-phản nhau. Ta phải luôn luôn nhớ rằng cơ-thể và tâm-hồn chỉ là những trạng-thái khác nhau của một tổng-thể thuần-nhứt là con người.

C.- CƠ-THỂ CON NGƯỜI.

I.– KÍCH THƯỚC VÀ HÌNH DÁNG BỀ NGOÀI.

Xét về mặt thể xác, con người bình-thường chiếm một địa-vị trung-gian trong thế-giới, giữa vi-tử và tinh-cầu. Bề cao trung-bình của người dài bằng 200.000 tế-bào của một tổ-chức hữu-cơ, hay 2 triệu vi-trùng, hay 2 tỷ phần-tử đản-bạch sắp kế tiếp nhau. Nhưng ta phải chồng 4.000 người lên nhau mới có một bề cao bằng đỉnh Everest, đỉnh núi được xem là cao nhứt địa-cầu. Kinh-tuyến của địa cầu dài bằng 20 triệu thân người . Và trong một giây, ánh sáng chạy được một khoảng dài hơn 150 triệu lần bề dài của thân người.

Kích thước người này với người khác không đồng đều nhau vì nó do điều-kiện di-truyền và phát-dục riêng của mỗi người qui-định. Trên thế-giới, có những giống người to lớn như người Bắc-Âu, cũng có những giống người nhỏ bé như người hắc-nụy ở Phi-Châu và Phi-luật-tân. Giữa người cùng chủng-tộc, ta cũng thấy có sự sai-biệt về dáng vóc. Tuy vậy, sự sai-biệt này không đến nỗi lớn lắm.

Về hình dáng bên ngoài, người cũng có sự sai-biệt nhau. Sự sai-biệt này là kết-quả của sự di-truyền và những tập-quán sanh-lý. Những chủng-tộc khác nhau phân-biệt nhau về tánh-chất và màu sắc của tóc, về màu mắt, màu da. Ngoài ra, người trong một chủng-tộc cũng có chỗ khác nhau. Người sống một cuộc đời nhung lụa có hình dáng khác với người sống cuộc đời giang-hồ, người làm việc bằng trí-tuệ có hình dáng khác với người lao-lực.

Sau hết, dung-mạo người cũng do những trạng-thái ý-thức của người mà ra, vì mỗi trạng-thái ý-thức đều vận-dụng các sớ thịt, nhất là các sớ thịt trên mặt và lần lần nhào nắn nó theo một cái khuôn nhứt-định. Do đó, ta có thể nhìn một người mà biết họ khôn hay ngu, lành hay dữ, có tánh tốt gì, có tật xấu gì, có những tình-cảm gì, có những tập-quán gì.

2.- TỔ-CHỨC THÂN-THỂ CON NGƯỜI.

Nghiên-cứu kỹ càng về thể-xác con người là công việc nhà giải-phẫu-học và sanh-lý-học. Ở đây, chúng ta chỉ cần phác sơ qua kết-cấu của thân-thể người để có một ý-niệm khái-quát về nó mà thôi. Quyển “Con người, kẻ lạ chưa ai biết” của bác-sĩ Alexis Carrel đã giúp chúng ta nhiều tài-liệu hữu-ích về vấn-đề này.

a) DA VÀ CÁC NIÊM-MẠC

Mặt ngoài, cơ-thể người có một lớp da bao bọc. Lớp da này cản các vi-khuẩn không cho nó vào trong cơ-thể, và bảo-vệ nội-giới của người chống lại sự thay đổi thời-tiết. Ngoài ra, nó lại còn chứa đựng các giác-quan tiếp-thu có nhiệm-vụ ghi nhận những biến-chuyển của ngoại-giới. Chính nhờ các hệ-thống thần-kinh của những giác-quan đó mà người có thể nghe tiếng động, ngửi thấy mùi thơm thúi, nếm biết ôn-độ và mùi vị các món ăn, trông thấy mọi vật, cảm thấy hơi nóng lạnh và những sự đụng chạm vào mình.

Trừ những bịnh độc cực kỳ vi-tế và những luồng võ-trụ-tuyến, ngoại-vật không thể xuyên ngang qua da mà vào cơ-thể. Nó chỉ có thể qua miệng và mũi mà vào các bộ máy hô-hấp và tiêu-hóa.

Phía trong các bộ máy tiêu-hóa và hô-hấp này, có một lớp da mỏng hơn da ngoài gọi là niêm-mạc. Các tế-bào của các khí-bào trong phổi người hút lấy dưỡng-khí trong không-khí người thở để đem vào cơ-thể và đưa thán-khí trong cơ-thể ra ngoài. Niêm-mạc của bộ máy tiêu-hóa thì thiết-lập sự giao-hoán hóa-hợp giữa ngoại-giới với cơ-thể. Những chất men và tiết-dịch của nó biến-hóa những vật-thực người ăn thành những chất bồi-dưỡng rồi đưa vào trong cơ-thể của người.

B)-TỔ-CHỨC NỘI-TẠI CỦA THÂN NGƯỜI.

Giữa lớp da ngoài và những niêm-mạc của bộ máy hô-hấp và tiêu-hóa là một nội-giới chứa đựng các tế-bào. Đó là những cơ-thể bé li-ti, nhưng sanh-hoạt rất phức-tạp. Mỗi tế-bào thật ra là cả thế-giới có một đời sống rất náo-nhiệt và có thể tự sanh sôi nảy nở thêm ra.

Người ta có thể phân-biệt nhiều loại tế-bào khác nhau về tánh-cách kết-cấu cũng như về quan-năng. Mỗi thứ tế-bào đều có những khả-năng đặc-biệt. Ngoài những khả-năng căn-bản phát-hiện một cách thường-trực, lại còn có những khả-năng bình-thường thì không ai nhận thấy, nhưng gặp tình-trạng bất-thường thì có thể phát-hiện ra để ứng-phó lại.

Tế-bào vốn là một cơ-thể sanh hoạt. Muốn duy-trì sự sanh-hoạt này, nó cần phải được dầm trong một thủy-giới có nhiều chất tư-dưỡng và không bao giờ bị những cặn bã của sự dinh-dưỡng làm cho nghẽn tắc. Thủy-giới này gồm có huyết-dịch chu lưu trong các huyết-quản, và chất bạch-dịch chiếm những khoảng trống trong các tổ-chức.

Chất bạch-dịch dầm thấm các tế-bào. Nó từ trong huyết-dịch mà ra. Kết-cấu nó tùy theo cung-lượng của huyết quản-tư-dưỡng mỗi tổ-chức, mỗi khí-quan mà thay đổi. Như vậy, chung qui, huyết-dịch vẫn là chất căn-bản trực-tiếp hay gián-tiếp cấu thành nội-giới trong đó sống tất cả các tế-bào của thân-thể.
Huyết-dịch gồm có một chất nước lầy nhầy gọi là huyết-tương chứa đựng độ 30.000 tỷ hồng-huyết-cầu và độ 50 tỷ bạch-huyết-cầu. Nó thấm thuần tất cả những bộ-phận của thân-thể. Nó mang đến cho các tế-bào những vật-thực cần-thiết và chuyển-vận những cặn bã của sự dinh-dưỡng đến các cơ-quan có nhiệm-vụ bài-tiết những cặn-bã ấy ra ngoài. Nó cũng chứa đựng những chất hóa-hợp và những yếu-tố có nhiệm-vụ chống chọi với các độc-tố, tu bổ các tế-bào bị thương-tổn và bồi đắp những bộ-phận của cơ-thể.

c)- SỰ DINH-DƯỠNG CỦA CÁC TỔ-CHỨC TẾ-BÀO.

Như ta đã thấy, tế-bào là một cơ-thể sống. Muốn duy-trì sự sống đó, nó phải được dinh-dưỡng. Hoạt-động dinh-dưỡng hết sức cần-thiết cho tế-bào. Vì đó, giữa các tổ-chức tế-bào và các khí-quan với những thể-dịch cấu thành nội-giới có những sự giao-hoán hóa-hợp không ngừng.

Các tế-bào rút trong huyết-tương những chất cần-thiết để cấu-tạo tế-bào mới, bồi-dưỡng và tu bổ các khí-quan, để phát-xuất tinh-lực tất-yếu cho sự duy-trì bản-thể mình cùng sự tác-động của mình, và nhiệt lực tất-yếu cho những phản-ứng hóa-hợp cùng những diễn-tiến sanh-lý.

Cơ-thể người duy-trì những giao-hoán hóa-hợp cần-thiết cho sự sống của mình trong những điều-kiện bất-thuận-lợi nhứt. Chỉ khi người gần chết,cơ-thể người mới lạnh đi và sự giao-hoán hóa hợp mới yếu sức đi để lần lần tắt hẳn.

Trong sự dinh-dưỡng của mình, các tổ-chức tế-bào và các khí-quan bài-tiết nhiều chất cặn bã. Những cặn bã này nếu tích-trữ lại thì làm cho nội-giới nghẽn tắc và giết chết các tế-bào. Bởi vậy, huyết-dịch phải tuần-hoàn một cách nhanh chóng trong cơ-thể để mang các vật-thực cần-thiết đến cho các tế-bào, đồng thời chuyển-vận các chất cặn bã đến những cơ-quan bài-tiết nó ra ngoài. Nếu huyết-dịch châu-lưu chậm, tế-bào sẽ không đủ chất dinh-dưỡng cần-thiết và bị chất độc làm cho tê liệt.

Khi máu đen chảy ngang phổi người, chất huyết-sắt-tố của các hồng-huyết-cầu hút lấy dưỡng-khí trong không-khí người thở vào. Đồng thời, chất thán-toan trong máu đen ấy bốc ra ngoài các khí-quản và theo hơi thở mà ra ngoài không-khí. Kế đó, huyết-dịch chảy qua thận để nhờ thận lọc cho những toan-chất không huy-phát và những cặn bã khác của sự dinh-dưỡng.

Nhũng chất tư-dưỡng mà huyết-dịch mang đến cho các tổ-chức tế-bào do ba nguồn gốc : không-khí người thở, biểu-diện của ruột và các tuyến nội-tiết.

Trừ dưỡng khí do hơi thở mà vào phổi rồi lọt vào các hồng-huyết-cầu, những chất tư-dưỡng khác mà cơ-thể ích-dụng đều do ruột cung-cấp cho huyết-dịch. Những chất men của bộ máy tiêu-hóa chia các phần-tử vật-thực người ăn thành những vi-thể rất nhỏ có thể xuyên qua niêm-mạc của ruột mà vào các huyết-quản và bạch-dịch-quản.

Chính những chất hoá-hợp lọt vào cơ-thể đả xây dựng những tổ-chức tế-bào và những thể-dịch. Vì đó, cơ-thể người và các đức-tánh sanh-lý của người bị tánh - chất của đất đai, cầm thú, thảo mộc nơi người ở chi-phối. Điều này đóng một vai tuồng quan-trọng trong sự thành-lập các dân-tộc. Bên trong một dân-tộc, những hạng người thường tiêu-thụ những thực-phẩm khác nhau cũng có những tánh-cách khác nhau.
Ngoài dưỡng-khí và những sản-phẩm của sự tiêu-hóa, cơ-thể còn cần dùng những tiết-dịch của các tuyến nội-tiết. Những tuyến nội-tiết này như tuyến giáp-trạng, nang trên thận, những tuyến sanh-dục v v... rút trong huyết-dịch những yếu-tố cần-thiết để tạo những chất đặc-biệt dùng vào việc dinh-dưỡng một số tổ-chức tế-bào, hoặc kích-thích một số quan-năng sanh-lý hay tâm-lý của người . Nó đóng một vai tuồng quan-trọng trong sự duy-trì một thế quân-bình điều-hòa của cơ-thể.
Tuyến giáp-trạng mà thất-dưỡng thì người trở nên ngu-độn. Và nếu ta cắt bỏ nang trên thận, người sẽ chết trong vài giờ đồng-hồ. Những tuyến sanh-dục truyền cho tổ-chức, khí-quan và ý-thức của người tánh-cách hùng thơ và qui-định cường-lực của các quan-năng. Sự cắt bỏ hay thất dưỡng của nó làm cho người biến-tánh rất nhiều.

d)- SỰ GIAO-TIẾP VẬT-LÝ GIỮA CƠ-THỂ VÀ NGOẠI-GIỚI : CÁC HỆ-THỐNG THẦN-KINH, HÀI-CỐT VÀ CÂN-NHỤC.

Người tiếp-nhận những kích-thích của ngoại-giới nhờ thần-kinh-hệ và đối-phó với các kích-thích ấy nhờ các bắp thịt và các khí-quan.

Người có hai thần-kinh hệ : thần-kinh-hệ trung-ương hay thần-kinh-hệ não tủy và thần-kinh-hệ giao-cảm.
Thần-kinh-hệ não tủy là thần-kinh-hệ có ý-thức và có tánh-cách tự-ý. Nó điều-khiển các bắp thịt. Thần-kinh-hệ giao-cảm là thần-kinh-hệ tự-động và vô-ý-thức. Nó điều-khiển các khí-quan. Thần-kinh-hệ giao-cảm tuỳ thuộc thần-kinh-hệ não tủy và chung qui, chính thần-kinh-hệ sau này là cơ-quan điều-khiển tối-cao. Cả hai thần-kinh-hệ phối-hợp lại giúp cho cơ-thể có tánh-cách thuần nhứt trong sự tác-động đối với ngoại-giới.

Não tủy, thần-kinh và bắp thịt hợp lại làm một hệ-thống chặt chẽ. Đứng về phương-diện quan-năng mà nói, bắp thịt có thể xem như là một phần của não tháp dài thêm ra, vì nó tuân lịnh trực-tiếp của não để phản-ứng lại ngoại-giới.

Bắp thịt người nhờ bộ xương nâng đỡ. Bộ xương người rất cứng rắn. Sự cứng rắn này là một điều-kiện cốt-yếu cho sức mạnh của người . Không có bộ xương cứng rắn, người chắc chắn không thể thực-hiện được những công-trình như người đã thực-hiện và không thể vượt lên trên những loài thú-vật khác. Tay người vừa có thể làm xúc-quan, vừa tác-động rất khéo-léo. Bàn tay người giúp người chế-tạo những khí-giới và dụng-cụ rất tinh-xảo. Nó thích-đáng với những việc làm thô-bạo cũng như với những việc làm tinh-tế. Chơn người rất dẻo dai, bền bỉ, mạnh mẽ và có thể leo trèo đi đứng ở mọi địa-thế.

Lưỡi, cuống họng, và những hệ-thống thần-kinh của nó cũng giúp vào ưu-thế của người . Nhờ nó, người có thể nói và phát-biểu tư-tưởng của mình được . Lời nói lại mở- mang thêm trí óc người. Vỏ não của người vừa điều-khiển sự tri-thức, sự nói, viết, vừa bị những tác-động ấy kích-thích và tăng-cường.

Giữa não, tủy, các bắp-thịt và những khí-quan cũng có một sự liên-lạc chặt chẽ. Sự vận-động của bắp thịt không phải chỉ tùy não và tủy mà còn tùy các nội-tạng. Bắp thịt nhận sự điều-khiển trực-tiếp của thần-kinh-hệ trung-ương, nhưng tinh-lực nó do tim, phổi, các tuyến, và nội-giới cung cấp cho nó. Ta có thể nói rằng muốn tuân lịnh não, bắp thịt phải cần sự giúp đỡ của toàn-thân.

Những nội-tạng hợp-tác với bắp thịt nhờ thần-kinh-hệ tư-động tức là thần-kinh-hệ giao-cảm. Bao-tử, gan, tim, ruột của người không tùy-thuộc ý-chí người . Người không thể tự ý mở rộng khẩu-kính huyết-quản, thay tiết-điệu của tim, điều-khiển sự co giãn của ruột. Các nội-tạng này độc-lập được nhờ những vành cung phản-ứng ở ngay trong khí-quan.
Những thớ thần-kinh của các vành cung này phát-xuất từ những chuỗi hạch giao-cảm của người . Những trung-tâm hạch giao-cảm ấy điều-khiển các khí-quan và điều-chỉnh sự hoạt-động của các khí-quan ấy. Nhờ liên-lạc với tủy, hành tủy, não, nó phối-trí sự hoạt-động các nội-tạng với các bắp thịt, trong những cử-động cần sự cố gắng của toàn-thân.

Thần-kinh-hệ giao-cảm nhờ các thớ giao-cảm và đối-giao-cảm mà kiểm-soát sự làm việc của các nội-tạng. Nó thống-nhứt sự hoạt-động của các nội-tạng ấy, nhung nó vẫn tùy thần-kinh-hệ trung-ương là cơ-quan tối-cao điều-khiển sự hoạt-động các khí-quan.

Khi người mạnh khoẻ, các khí-quan sống một cách âm thầm. Tuy vậy, nó vẫn liên-lạc mật-thiết với các trung-ương thần-kinh. Khi người xoay sự chú-ý của mình ra phía ngoại-giới, người có cảm-giác như là không có các khí-quan. Tuy vậy, các hệ-thống khí-quan này vẫn ảnh-hưởng đến ý-thức người một cách mạnh mẽ. Mỗi khi một người mạnh như thường mà có cảm-giác mơ hồ rằng mình sắp chết, đó có thể là một dấu hiệu chỉ tỏ rằng các khí-quan bị thương-tổn hay yếu sức và điều này có thể hại nhiều đến sức khoẻ của người.

3.- SỰ PHÂN-BIỆT NAM NỮ

Loài người vốn sanh-sản theo lối hữu-tính nên phân-biệt ra hai giống đàn ông và đàn bà. Sự phân-biệt này không phải chỉ dựa vào sự sai-biệt giữa các sanh-thực-khí hay phương-pháp giáo-dục. Nó có một nguyên-nhơn sâu xa hơn : sự sai-biệt giữa các tế-bào và sự nhuần thấm các tế-bào ấy bằng những chất do các hạch sanh-dục tiết ra.

Khảo-sát các tế-bào, người ta nhận thấy nó chứa những phần-tử rất nhỏ, hình cái que, hình dấu phết, hình cái móc, gọi là nhiễm-sắc-thể. Mỗi tế-bào trong cơ-thể con người đều có 24 cặp nhiễm-sắc-thể như nhau. Nhiễm-sắt-thể chia ra làm hai loại : đồng-nhiễm-sắt thễ và dị-nhiễm-sắt-thể. Dị-nhiễm-sắt-thể gồm hai thứ : dị-nhiễm-sắc-thể X và dị-nhiễm-sắc-thể Y. Dị-nhiễm-sắc-thể Y nhỏ hơn dị-nhiễm-sắc thể X. Tế-bào người đàn ông có 23 cập đồng nhiễm-sắc-thể, một dị-nhiễm-sắc-thể X và một dị-nhiễm-sắt-thể Y. Tế-bào người đàn bà có 23 cặp đồng nhiễm-sắc-thể và một cặp dị-nhiễm-sắc-thể X. Sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà về phương-diện kết-cấu căn-bản của tế-bào do chỗ có hay không có dị-nhiễm-sắc-thể Y mà ra. Theo một vài nhà sanh-vật học hiện-đại, có lẽ vì dị-nhiễm-sắc-thể Y nhỏ hơn dị-nhiễm-sắc-thể X mà đàn ông không có một sanh-lực dồi dào bằng đàn bà.

Những tế-bào sanh-dục của người chỉ gồm có phân-nửa số nhiễm-sắc-thể của một tế-bào thường. Tinh-trùng của người đàn ông do ngoại-thận sản-xuất phân ra hai loại, một loại chứa 23 đồng-nhiễm-sắt-thể và một dị-nhiễm-sắt-thể X, một loại chứa 23 đồng nhiễm-sắc-thể và một dị-nhiễm-sắc-thể Y. Phôi-châu người đàn bà thì chỉ có một loại, gồm 24 đồng nhiễm-sắc-thể và một dị-nhiễm-sắc-thể X.

Sự phối-hợp của một tinh-trùng và một phôi-châu cấu-tạo nên cái noãn-tử làm cái tế-bào căn-bản sanh sôi nảy nở ra để tạo thành cơ-thể đứa hài-nhi sẽ sanh ra làm người . Trong trường-hợp tinh-trùng đàn ông có 23 đồng-nhiễm-sắc-thể và một dị-nhiễm-sắc-thể Y, cái noãn-tữ được cấu-tạo sẽ gồm có 23 đồng-nhiễm-sắc-thể, một dị-nhiễm-sắc-thể X và một dị nhiễm-sác-thể Y. Đứa bé sẽ là trai. Nếu tinh-trùng của người đàn ông thuộc về loại chứa đựng 23 đồng-nhiễm-sắc-thể và một dị-nhiễm-sắc-thể X, cái noãn-tử được cấu-tạo sẽ gồm có 23 cặp đồng-nhiễm-sắc-thể và một cặp dị-nhiễm-sắc-thể X, và đứa bé sanh ra sẽ là gái.

Như thế, sự phân-biệt trai gái đã được qui-định từ bước đầu của sự thọ-thai. Chính những vi-nhơn của các nhiễm-sắc-thể chứa đựng trong cái noãn-tử đã hướng-dẫn và điều-khiển các tế-bào, trong sự cấu-tạo và phát-dục cơ-thể con người . Nó đã đưa đến sự phân-biệt về thể-chất giữa người đàn ông và đàn bà, từ hình-thức các sanh-thực-khí đến cách cấu-kết chung của cơ-thể. Ở những người phát-dục đầy đủ, những chất do các tuyến sanh-dục phát-tiết ra lại trộn vào nội-giới, nhuần thấm cả cơ-thể, và định tánh-cách hùng thơ một cách rõ ràng hơn nữa, làm cho đàn ông và đàn bà hoàn-toàn khác nhau về phương-diện thể-chất cũng như về phương-diện tâm-lý.

4.- TỔNG-LUẬN VỀ CƠ-THỂ CON NGƯỜI.

Khảo-sát về cơ-thể người, ta thấy nó rất phức-tạp. Đó là một họp-tập nhiều loại tế-bào khác nhau, mỗi loại có hàng tỷ đơn-vị sống trong những thể-dịch gồm các hóa-chất do vật-thực đưa đến, hay do các tế-bào tự mình tiết ra. Những tế-bào này trao đổi nhau những chất mình tiết ra. Nó liên-lạc nhau một cách mật-thiết nhờ thần-kinh-hệ.

Kết-cấu các tổ-chức tế-bào khác nhau vô-cùng, và mỗi khí-quan đều có những yếu-tố riêng biệt. Tuy vậy, các quan-năng của nó vẫn liên-lạc chặt chẽ nhau. Nói cho đúng ra, khí-quan nào cũng có nhiều quan-năng và dự vào hầu hết những hoạt-động sanh-lý của toàn cơ-thể. Bộ xương không phải chỉ có nhiệm-vụ làm sườn cho cơ-thể. Nó còn chế-tạo những hồng-huyết-cầu và bạch-huyêt-cầu. Như thế, nó cũng thuộc về hệ tuần-hoàn và hệ hô-hấp. Các tổ-chức tế-bào đều nhờ những chất nước nó tiết ra mà ảnh-hưởng đến các tổ-chức khác.

Điều này làm cho cơ-thể người có tánh-cách phức-tạp vô-cùng. Tuy thế, nó vẫn cư-xử như là một khối thuần-nhứt. Nếu phân-tích thật kỷ mỗi cử-chỉ của người, ta sẽ nhận thấy rằng nó gồm nhiều yếu-tố khác nhau, nhưng về mặt tác-dụng, nó đơn-nhứt và rất giản-dị.

Xét cơ-thể người, ta thấy nó mỏng manh yếu mềm. Đụng mạnh vào một vật rắn, thịt người bầm giập, xương người có thể gãy. Sự tuần-hoàn ngừng thì thân-thể phải bấy nát. Óc người mềm đến nỗi ta có thể lấy ngón tay dầm nát cũng được. Tuy vậy người rất dẻo dai bền bỉ, có thể sống dưới mọi khí-hậu. Như thế là vì tế-bào của người rất có nhiều khả-năng ; nó dẻo dai, có thể tự bồi-bổ lấy mình, lại có thể biến-cải để đối-phó với những hoàn-cảnh bất-thường.

Một cơ-thể lành mạnh thì sống một cách yên-lặng. Khi các quan-năng của mình điều-hòa nhau, người có cảm-giác yên-tĩnh hoàn-toàn. Khi người cảm thấy sự hiện-hữu của một khí-quan, cơ-thể người không còn lành mạnh nữa : nó đã bị thương-tổn. Khi người ngọa-bịnh, cả cơ-thể người đều bị thương-tổn chớ không phải riêng một cơ-quan hay một bộ-phận thọ bịnh. Điều này chứng tỏ sự thuần-nhứt của con người một cách rõ ràng.

Những tánh-cách trên này đều chung cho cả đàn ông lẫn đàn bà. Tuy vậy, giữa hai bên vẫn có một sự sai-biệt rõ ràng do bản-chất các tế-bào mà ra.

D.- TÂM-HỒN CON NGƯỜI.

1.-ĐẠI-LƯỢC VỀ Ý-THỨC VÀ TÂM-HỒN NGƯỜI.

Sụ phân-tích những cãm-giác bên trong của mình làm cho người nhận thấy rằng mình có ý-thức, có tâm-hồn. Ý-tưởng này đã đưa người đến chỗ phân-biệt thể-xác và linh-hồn. Nhưng sự-thật, trên đời này không có những thể-xác và linh-hồn riêng biệt, chỉ có những con người thuần-nhứt với nhiều hoạt-động khác nhau. Sự phân-biệt cơ-thể với tâm-hồn cũng như sự phân-biệt những hoạt-động của người ra làm hoạt-động sanh-lý và tâm-lý chỉ để giúp cho sự khảo-cứu được dễ dàng. Sự phân-biệt những hoạt-động tâm-lý làm nhiều phương-diện : trí-tuệ, tình-cảm, luân-lý, mỹ-cảm v.v....cũng để cho tiện việc suy-luận, chớ không phải hợp với sự thật ngoài đời.

Về vấn-đền bản-chất và nguồn gốc của tâm hồn, ta không có đủ những luận-chứng khoa-học vững để nói đến nó một cách quả-quyết. Đứng về phương-diện khoa-học, ta chỉ có thể nhận-thức nó và xem xét sự biểu-lộ của nó trong sự hoạt-động của người mà thôi.

2. TRÍ THÔNG-MINH, LÒNG TÍN-NGƯỠNG VÀ TRỰC-GIÁC CỦA NGƯỜI.

Sự quan-sát chứng tỏ một cách chắc rằng người có trí thông-minh. Đó là khả-năng làm cho người hiểu biết những sự liên-quan giữa các sự vật. Khả-năng này không phải đồng đều ở tất cả mọi người. Nó khác nhau từng người, về tánh chất cũng như về lượng. Mặt dầu trí thông-minh không phải là một vật cụ-thể, người ta có thể đo lường nó được. Nhưng sự đo lường này chỉ có thể dựa vào những ước-định xã-hội. Nó cũng giúp ta đánh giá được con người về phương-diện trí-tuệ, nhung không phải rõ rệt chắc-chắn như những sự đo lường toán-học.

Dầu trí thông-minh của người nhiều ít thế nào, nó cũng phải có vận-dụng tập tành và có gặp nhiều điều-kiện thuận-tiện của hoàn-cảnh thì mới biểu-lộ được. Con người biết chịu khó quan-sát sự vật một cách đầy-đủ và sâu sắc, quen luận-lý một cách có mạch-lạc và minh-xác, cố sử-dụng một ngôn-ngữ rõ ràng, và noi theo một qui-phạm nội-tại chặt-chẽ, có thể tăng-cường khả-năng trí-tuệ của mình. Trái lại, con người chỉ quan-sát mọi vật một cách thiển-cận, sơ sài, quen luận-lý rời rạc, mù mờ, dùng ngôn-ngữ một cách mơ hồ, không noi theo một kỷ-luật tinh-thần và không chịu cố gắng, thì trí-não suy lụt, không thể mở- mang được.

Trí thông-minh của người là một yếu-tố tất-yếu cho sự xây dựng khoa-học. Bù lại khoa-học cũng tăng-cường trí thông-minh. Nó giúp cho người một thái-độ trí-tuệ là sự tin tưởng chắc chắn vào kinh-nghiệm và lý-luận.

Sự tin-tưởng khoa-học tuy vững chắc, nhưng không mạnh mẽ sâu xa bằng sự tín-ngưỡng. Tín ngưỡng vốn không dựa vào lý-luận nên không thể đánh đổ bằng lý-luận. Gặp nó, khoa-học thường đành phải chịu nhượng-bộ, vì ít khi có thể phá vỡ nó được.

Ngoài ra người ta lại còn có trực-giác nữa. Đó là một khả-năng giúp người tự-nhiên biết được điều người cần biết. Dưới một vài hình-thức, nó là một lý-luận nhanh chóng, tiếp theo một sự quan-sát mau lẹ. Nhưng có khi nó phát-hiện tự-nhiên, không có quan-sát gì, cũng không phân-tích lý-luận gì. Ta có thể so sánh người dùng trực-giác để hiểu biết và người dùng trí thông-minh để hiểu biết với người đi qua núi theo đường hầm và người qua núi theo đường trên núi. Một bên đi nẻo tắt nên đến mục-đích nhanh hơn, nhưng không thấy phong cảnh bên ngoài thế nào, một bên thấy cả phong-cảnh núi nhưng phải vất vả và mất nhiều thì giờ. Như vậy, trực-giác là một phương-pháp trí-thức mạnh mẽ : nó giúp cho người khỏi mất thì giờ, nhưng nó rất nguy-hiểm, vì không dựa vào lý-luận minh-bạch, thành ra người ta khó phân-biệt nó với ảo-tưởng.

3.- TÌNH-CẢM VÀ NĂNG-KHIẾU LUÂN-LÝ CỦA NGƯỜI.

Khi suy nghĩ, quan-sát và lý-luận, người cũng đồng-thời sung sướng hay khổ sở, hoảng-hốt hay điềm-tỉnh, bị sự kỳ-vọng, sự ham thích kích-thích cho hăng hái, hay sự hiềm-ố làm cho chán nản. Thật ra, con người thấy thế-giới dưới những bộ mặt khác nhau tùy theo trạng-thái tình-cảm và sanh-lý của mình. Những trạng-thái này là nền tảng của ý-thức người trong sự hoạt-động trí-tuệ.
Thất tình của người có thể làm rối loạn lý-trí của người. Trong khi buồn, giận, thương, vui, oán ghét… quá-độ, người có thể có những hoạt-động hay ngôn-ngữ điên rồ, không sáng suốt bằng lúc người bình-tĩnh. Khi những tình-cảm của người biểu-lộ, sự giao-hoán hóa-hợp trong cơ-thể cũng biến-đổi khác thường. Tình-cảm càng mãnh-liệt thì sự giao-hoán hóa-hợp trong cơ-thể càng mạnh mẽ và người hoàn-toàn khác với lúc bình-thường. Nhưng trong khi người làm việc bằng trí-tuệ, sự giao-hoán hoá-hợp của cơ-thể vẫn bình-thường, không thay đổi gì nhiều.

Như vậy, đời sống tình-cảm đi sát với đời sống sanh-lý hơn đời sống trí-tuệ. Nó tạo nên tâm-tánh con người. Tâm-tánh này khác nhau từng người, từng dân-tộc. Có người rất trầm-tỉnh, có người lại nóng nảy vô-cùng. Trong các dân-tộc, có dân-tộc nổi danh trầm-tỉnh như dân-tộc Anh, cũng có dân-tộc nổi danh cấp-táo như dân-tộc Tây-ban-nha.

Dưới hình-thức của sự ham muốn, tình-cảm xô đẩy người hoạt-động. Tuy vậy, nó không phải mông-lung phóng-túng, và có thể uốn nắn được nhờ năng-khiếu luân-lý của người.

Năng-khiếu này là một khả-năng làm cho người tình-nguyện khép mình vào một qui-tắc, một hạnh-kiểm nhứt-định, và biết chọn lựa giữa nhiều thái-độ mình có thể có. Nó làm cho người thoát khỏi tánh độc-ác và một đôi khi thoát khỏi óc vụ-lợi. Nó tạo ra ý-niệm nhiệm vụ, bổn-phận. Nó có thật và phát-hiện ở mọi thời-đại lịch-sử. Đời nào cũng có những bực đạo-đức cao-siêu, đáng làm gương mẫu cho loài người.

Năng-khiếu luân-lý cũng như trí thông-minh một phần do nơi cơ-thể mà có. Nó bị sự chi-phối của kết-cấu cơ-bản các tổ-chức tế-bào và đời sống sanh-lý trong thời-kỳ phát-dục. Ngoài ra, nó cũng có tánh-cách thiên-nhiên: người sanh ra đã có những xu-hướng luân-lý khác nhau rồi. Tuy vậy, sự giáo- dục, kỷ-luật tinh-thần và ý-chí có thể giúp người phát-triển những đức-tánh tốt và chế-ngự những bẩm tánh xấu một phần nào.

4.- NHỮNG TRẠNG-THÁI HOẠT-ĐỘNG KHÁC CỦA TÂM-HỒN: NĂNG-KHIẾU THẨM-MỸ VÀ KHUYNH-HƯỚNG THẦN-BÍ.

Ngoài ra trí thông-minh, lòng tín-ngưỡng, trực-giác, tình-cảm và năng-khiếu luân-lý, người lại còn có năng-khiếu thẩm-mỹ và khuynh-hướng thần-bí.

Năng-khiếu thẩm-mỹ là năng-khiếu giúp người nhận -thức và yêu chuộng cái đẹp. Năng-khiếu này không phải đi chung với trí thông-minh. Người dã-man cũng có khiếu thẩm-mỹ. Nhiều khi, khiếu thẩm-mỹ vẫn tồn-tại khi trí thông-minh đã mất. Do đó, người ngu và người điên có thể sản-xuất những tác-phẩm nghệ-thuật được.

Sự chế-tạo ra những hình-thức hay những thanh-âm khêu gợi mỹ-cảm là một sự cần dùng sơ-đẳng tự-nhiên của người. Người từ xưa đến giờ vẫn trông ngắm một cách thích-thú những loài thú, loài hoa, cỏ cây, phong-cảnh. Trong thời-kỳ tiền-sử, người đã biết chạm khắc trên cây, trên đá, trên ngà voi, hình dáng của các loài thú. Người cũng biết trang-điểm tự làm cho mình đẹp hơn. Bây giờ, người vẫn còn thích chế-tạo những đồ vật theo cảm-hứng mình.

Sự hoạt-động mỹ-thuật của người biểu-hiện trong sự sản-xuất và trông ngắm cái đẹp. Cái đẹp là một nguồn khoái-lạc cho những người biết tìm nó. Tuy vậy, ý-niệm về cái đẹp không phải tự-nhiên mà phát-triển được. Nó ở trong ý-thức người một cách tiềm-thế. Nhiều khi nó không thể phát-hiện được. Cũng có khi, nó bị biến-tánh hay là mất hẳn đi. Vì đó, người nhiều khi có thể đang tâm phá-hủy những công-trình nghệ-thuật hoặc sản-xuất những công-trình xấu-xí, thờ phụng một quan-niệm sai lầm về cái đẹp.

Khuynh-hướng thần-bí thật ra rất hiếm. Tuy vậy, nó cũng là một trạng-thái hoạt-động của người. Nhơn-loại bị ảnh-hưởng của tôn-giáo nhiều hơn là của triết-lý. Trong xã-hội cổ-thời, tôn-giáo là nền-tảng đời sống gia-đình và xã-hội. Nó là chủ-nghĩa chánh-trị của xã-hội loài người đời trước.

Dưới hình-thức đơn-giản nhứt, khuynh-hướng thần-bí là lòng tin-tưởng nơi một năng-lực siêu-hình chi-phối võ-trụ. Cao hơn, nó là sự hướng về Thượng Đế, sự đi tìm một cái đẹp tuyệt-đối, tìm cái toàn thiện, toàn mỹ. Nó đưa người đến ý muốn hòa-hợp tâm hồn mình với Thượng Đế, chúa-tể muôn loài.

Hoạt-động tôn-giáo thường hòa-hợp với hoạt-động thẩm mỹ. Các nghi-lễ tôn-giáo phần lớn là hoạt-động thẩm-mỹ: dân-tộc nào cũng dùng những điệu nhảy múa, những bài hát, những cung đàn, trong sự thờ phụng thần-minh, ít nhứt là trong buổi đầu của lịch-sử mình. Chỉ mãi về sau này, những loại hoạt-động tôn-giáo và thẩm-mỹ mới tách nhau ra mà thôi.

Ngoài đại-đa-số loài người có một khuynh-hướng thần-bí đơn-giản và một số giáo-sĩ thường, còn có những người tu khổ-hạnh, có một xu-hướng thần-bí rất mạnh. Sự tu khổ-hạnh bắt buộc người phải quên mình, phải bỏ những tài-vật ở đời. Lúc ban đầu, sự thiếu-thốn làm cho người khổ-sở và lọt vào chỗ mù tối. Có khi người thất-bại ngay trong thời-kỳ này và đâm ra chán-nản, hoặc điên rồ. Nhưng nếu vượt qua được giai-đoạn này, người sẽ thảnh thơi, thấy mình dứt được việc hồng-trần, được giải-thoát khỏi sự ô-trọc của cuộc đời. Người sẽ cảm thấy mình hòa-hợp với linh-hồn Thượng Đế.

Cảm-giác thảnh-thơi an-nhàn này thật hay là giả ? Nó là ảo-tưởng hay thật là một cuộc phiếm-du của tâm-trí người ra ngoài thế-giới mà thường-nhơn nhận-thức, hay chỉ là một sự tự-kỷ ám-thị ? Ta không thể biết được, chỉ nên nhận rằng những người có óc thần-bí mạnh mà tu khổ-hạnh thật-sự có được thơ thới yên-ổn, có một đời sống nội-tại phong-phú. Vậy, ta phải công nhận rằng khuynh-hướng thần-bí cũng có thật như khiếu thẩm-mỹ. Đối với nhà thần-bí cũng như đối với nhà nghệ-sĩ, chỉ có cái đẹp họ trông ngắm là thật-tại trên đời.

Đ.- SỰ TƯƠNG-QUAN GIỮA NHỮNG HOẠT-ĐỘNG SANH-LÝ VÀ TÂM-LÝ.

Giữa những hoạt-động tâm-lý và hoạt-động sanh-lý có một sự tương-quan chặt chẽ. Những sự thay đổi trong cơ-thể phù-hợp với những thay đổi của trạng-thái ý-thức con người. Bù lại, tâm-lý cũng có thể qui định trạng-thái quan- năng của cơ-thể. Nói tóm lại, người là một tổng thể thuần nhứt có thể do sự biến đổi của cơ-thể hay tâm-lý mà biến đổi trạng-thái chung của mình.

Về phần cơ-thể, người ta cho rằng óc là trung-tâm-điểm của sự hoạt-động tâm-lý. Sự hư-tổn của óc đưa đến sự rối loạn ý-thức của người, và nơi trẻ con, trí thông-minh cũng mở- mang theo sự mở- mang của bộ óc.

Tuy vậy, óc không phải chỉ là một tập-hợp gồm các tế-bào thần-kinh. Nó còn là một nội-giới chứa đựng các tế-bào và bản-chất nó do huyết-dịch qui định. Huyết-dịch này chứa đựng các chất do những tuyến trong cơ-thể tiết ra. Do dó, các cơ quan đều có hiện diện trong vỏ não. Như vậy, trạng-thái ý-thức không phải chỉ tùy bản-chất các tế-bào thần-kinh mà còn tùy bản-chất các tiết-dịch nữa.

Khi nội-giới không có chất do nang trên thận tiết ra, người thấy bần thần dã dượi. Tuyến giáp trạng mà yếu, hoặc bị rối loạn quan-năng thì tâm-lý người bị hỗn-loạn. Bịnh gan, bao tử, ruột, có thể biến đổi cá-tánh của người. Ngoại-thận có ảnh-hưởng nhiều đến sức khỏe và trí khôn của người. Vì đó, cá-tánh những người hoạn bị suy-vi, và họ không tinh-tấn bằng những người thường.

Những điều trên này chỉ tỏ rằng cơ-thể người đều làm nền tảng cho các hoạt-động tinh-thần và trí-tuệ. Tư-tưởng không phải chỉ là sản phẩm của vỏ não, nó cũng là sản phảm của các tuyến trong người. Ta có thể nói rằng, người suy nghĩ, yêu, ghét, khổ, sướng, tán thưởng, chê bai v.v… vừa với vỏ não, vừa với tất cả các cơ-quan trong thân mình.

Bù lại, trạng-thái ý-thức cũng có biểu-lộ ở các khí-quan.

Sự cảm-xúc làm cho hệ tuần-hoàn thay đổi. Khi sung sướng, người đỏ mặt lên, khi sợ hãi hay giận dũi, người tái mặt đi. Đối với một số người, những tin dữ đột ngột có thể thâu khẩu-kính những huyết-quản quanh quả tim, làm cho tim thiếu máu, và người chết ngất đi, có khi chết thật nữa. Các tình-cảm có thể làm cho sự tuần-hoàn trong một bộ-phận của thân-thể tăng-gia hay giảm-thiểu. Do đó, nó ảnh-hưởng đến các tuyến, làm cho các thể-dịch tiết nhiều thêm hay ít bớt, hoặc thay đổi sự tác-động hóa-hợp đi. Khi trông thấy hay thèm muốn một món ăn ngon, người có thể chảy nước dãi. Cũng có khi người mới chỉ nghĩ đến món ăn ngon, mà đã chảy nước dãi rồi. Ngoài ra, các xúc-cảm có thể huy-động nhiều bộ-phận trong cơ-thể do các thần-kinh đại giao-cảm.

Như vậy, sự ganh ghét, sự thù hằn, sự sợ hãi có thể gây những biến-đổi trong các khí-quan. Nếu nó có mạnh mẽ và xảy ra thường, nó có thể làm cho người ngọa bịnh. Sự lo lắng hại cho sức khỏe người hơn là sự làm việc lao lực. Các xúc cảm mạnh có thể làm cho các tổ-chức tế-bào người dị cảm chịu những biến cải rõ rệt. Câu « Tâm sầu bạch phát » của ta thật có biểu-diễn một hiện-tượng từng xảy ra, chớ không phải chỉ là một từ-ngữ văn-chương.

Khi con người tổ-chức đời sống của mình hướng đến một mục-đích nhứt-định, các quan-năng tâm-lý dễ điều-hòa nhau. Người thống-nhứt được những sở-vọng của mình, hướng tâm-chí mình theo một chiều duy-nhất, hòa-hợp các khả-năng mình, và do đó, có một đời sống nội-tại vừa mạnh mẽ, vừa an-ổn.

Cũng như những hoạt-động sanh-lý, hoạt-động tâm-lý có thể tăng-cường nếu năng vận-động. Tùy theo đời sống của người, các quan-năng của cơ-thể phát-dục một cách đầy đủ hay không.

Người ở rừng núi rẫy bái vận-động cơ-thể nhiều hơn người thành-thị nên cơ-thể phát-dục đầy đủ hơn. Sự phát-dục này được thực-hiện một cách tự-nhiên.

Về phương-diện tinh-thần, sự phát-triển không phải tự-nhiên mà có. Người không học hỏi thì phải chịu dốt dầu có khôn ngoan cũng vậy. Con nhà thông-thái nếu không chịu khó học-tập thì cũng không biết gì như con của người dốt nát. Vậy, các quan-năng trí-tuệ nếu không được giáo-dục và không gặp một hoàn-cảnh tâm-lý thuận-tiện thì chỉ ở trong trạng-thái tiềm-thế. Tánh-cách của hoàn-cảnh qui-định phần lớn những đức-tánh và cường-độ những biểu-lộ tinh-thần của người. Gặp hoàn-cảnh thiếu-thốn, trí-tuệ và đạo-đức người rất khó mở- mang ; trong một hoàn-cảnh xấu, trí-tuệ và đạo-đức người phải bị suy đồi.

Trí thông-minh của người tùy thuộc sự giáo-dục và hoàn-cảnh rất nhiều. Nó cũng tùy thuộc kỷ- luật nội-tại của người, và những tư-tưởng lưu-thông của thế-tục. Nó nhờ sự học hỏi về nhơn-bản, về khoa-học, nhờ thói quen lý-luận chặt chẽ, nhờ sự dùng ngôn-ngữ minh-xác mà phát-triển được. Người ta có thể sống trong một hoàn-cảnh xã-hội gồm toàn người dốt mà có một sở học cao. Nhưng sự đào- luyện đức-tánh, khiếu thẩm-mỹ và óc tôn-giáo, thì khác hơn, vì ảnh-hưởng của những hoàn-cảnh đối với trạng-thái ý-thức này tinh-tế hơn. Người ta chỉ có thể hiểu đạo-đức, nghệ-thuật và tôn-giáo khi ở giữa một cảnh giới trong đó những yếu-tố này hiện-diện và thành một phần đời sống hằng ngày của mọi người.

III.- BẢN-TÁNH CON NGƯỜI.

A- NHỮNG BẢN-NĂNG.

1)- ĐẠI-LƯỢC VỀ BẢN-NĂNG.

Sự khảo-sát về bản-chất con người đã cho người thấy rõ rằng con người là một sinh-vật rất phức-tạp. Cơ-thể người là một tập-hợp nhiều tổ-chức có những quan-năng khác nhau. Tâm hồn người cũng nhiều năng-khiếu đặc-biệt. Tuy thế, các tổ-chức và quan-năng của cơ-thể luôn luôn điều hòa nhau, và cơ-thể với tâm-hồn người cũng hỗn-hợp nhau một cách chặt chẽ. Do đó, người bao giờ cũng cư-xử như một tổng- thể thuần-nhứt. Tổng-thể này là một động-vật sống, có tri-giác, có những thị-dục, những nhu-cầu, lại biết hoạt-động và biết ứng-phó với ngoại-giới một cách khéo léo.

Những hoạt-động, những sự ứng-phó với ngoại-giới của người thật nhiều và biến-hóa vô-cùng. Nó có rất nhiều hình-thức, nhiều phương-diện.

Những hoạt-động cùng cách ứng-phó với ngoại-giới của một loài vật thường phô bày bản-tánh của loài vật ấy. Loài người, cũng như loài cọp hay loài ong, vốn có một bản-tánh di-truyền cấu-tạo tự ngàn đời. Bản-tánh này tùy thuộc một cách chặt chẽ những bản-năng của người. Đó là những khuynh- hướng tự-nhiên thúc đẩy người hoạt-động. Nó lien-hợp mật-thiết với cơ-thể người, cùng xuất-hiện và cùng tiêu-diệt với cơ-thể ấy.

Cũng như hình-thể người, các bản-năng của người đã được cấu-tạo nhờ sự tuyển-trạch những kết-quả của những ngẫu-biến thích-hợp với khung-cảnh thiên-nhiên, rồi được sự di-truyền chuyển lại cho đời sau. Do đó, ta có thể bảo rằng nó là kinh-nghiệm của cả chủng-loại đã được thâm-nhập vào cơ-thể mỗi cá-nhơn. Nó điều-khiển tất cả những hành-động, cử-chỉ của người, từ hành-động vô-ý-thức đến các hành-động ý-thức. Những phản-ứng tự-nhiên của cơ-thể, những hành-động cử-chỉ mà người vô- tình làm ra và không tự giải-thích được, cũng như những hành-động cử-chỉ kết-quả của một sự suy- luận kỹ càng, đều đặt dưới sự chi-phối của các bản-năng.

Ta có thể nói rằng các bản-năng điều-khiển tất cả sự hoạt-động của con người biểu-hiện trong những trường-hợp can-hệ đến sự sống của người. Nền tảng nó là những thị-dục, những nhu-cầu của con người, và cứu-cánh của nó là sự sống còn của con người về hai mặt vật-chất và tinh-thần.

2.- CÁC LOẠI BẢN-NĂNG.

Các bản-năng của người lien-lạc chặt chẽ nhau, ảnh-hưởng qua lại với nhau và không phân-biệt nhau một cách rõ ràng. Tuy thế, ta có thể chia nó ra làm ba loại chánh-yếu : những bản-năng vị-kỷ, những bản-năng tình-dục và những bản-năng xã-hội.

a) NHỮNG BẢN-NĂNG VỊ-KỶ.

Những bản-năng vị-kỷ có mục-đích bảo-đảm sự sống còn cá-nhơn của người. Nó gồm nhiều hình-thức khác nhau.

1) BẢN-NĂNG TỰ-VỆ.

Đứng trước một tác-động ngoạI-lai hay một ngoại-vật có thể phạm đến thân-thể hay tánh-mạng mình, có thể làm mình lọt vòng trói buộc giam cầm, hay bị thương tổn, bị chết chóc, người đối-phó lại tức-khắc do sự điều-khiển của bản-năng tự-vệ.

Sự phát-hiện của bản-năng tự-vệ này tùy trường-hợp mà khác nhau. Có khi người gớm ghiếc ghê tởm người hay vật có thể phạm vào sự sống của mình và tìm cách xa lánh nó. Cũng có khi người sợ hãi người hay vật ấy và chạy trốn nó. Người cũng có thể cúi đầu hàng phục kẻ mạnh hơn mình để khỏi bị họ giết hại.

Bản-năng tự-vệ cũng có thể khiến cho người tìm cách làm cho cái tác-nhơn có thể hại đến mình không chú-ý đến mình hay có thiện-cảm với mình. Thái-độ thụ-động cũng như sự giả-trá gian-dối của người do đó mà ra.

Trong nhiều trường-hợp, sự tự-vệ đưa người đến một thái-độ khiêu-khích hay sự tấn-công địch- thủ. Bắt chước những loài thú hiền lành nhưng rất biết biến hình, để có những bộ dạng ghê gớm dễ sợ trước những loài có thể hại mình, người tìm cách làm cho đốI-phương kinh-hoảng. Những tục xâm mình vẽ mặt cho rằn ri dữ dằn, việc dùng những tấm thuẫn, tấm khiên có hình-thù khủng-khiếp của người thời cổ, cũng như sự nộ nạt làm oai của người mọi thờI-đại không ngoài mục-đích trên này.

Muốn cho sự an-ninh của mình được chắc chắn hoàn-toàn hơn nữa, người lắm khi tìm cách triệt-hạ kẻ địch một cách thình lình. Lý lẽ « tấn công để tự-vệ » « gây chiến-tranh phòng ngừa » không phải hoàn-toàn là một luận-chứng do các nước đế-quốc xâm-lược đặt ra : nó là một trong những quan-niệm căn-bản của loài người do bản-năng tự-vệ mà có. Và lắm lúc, ngoài đời, một thái-độ khiêu- khích hung hăng thật ra chỉ là biểu-hiệu của một sự lo sợ thái-quá của kẻ yếu mà thôi.

Bản-năng tự-vệ có thể chỉ gây ra những phản-ứng tự-nhiên của cơ-thể con người, nhưng cũng có thể đưa đến những hành-động do ý-thức điều-khiển. Khi người rờ nhằm một vật nóng, người tự-nhiên rút tay lại. Khi một hột bụi hay một hột cát lọt vào trong giác-mô của người, người nhắm ngay mắt lại, và nước mắt trào ra để đưa hột bụi hay hột cát ra ngoài. Những tác-động trên này là những tác-động phản-xạ, thực-hiện ngoài ý muốn người, và trước khi người kịp nhận-thức được sự khó chịu do ngoại- vật đưa đến, và suy nghĩ để đối-phó lại nó. Những cũng có nhiều khi người có đủ thì giờ suy nghĩ, và phương-pháp tự-vệ người nêu ra có thể là cả một hệ-thống phức-tạp, do trí óc người xây dựng nên và được nghị-lực người nâng đỡ.

Muốn có thể tự-vệ đối với thiên-nhiên, người nhiều khi phải xây cất những nơi trú-ẩn, và sự cần dùng này làm cho người có cái xu-hướng xây dựng. Từ đứa bé mãi miết trong trò chơi đắp thành cất nhà trên bãi cát, đến những người lớn say mê với những công-trình thủ-công của mình, tất cả đều sống dưới sự chi-phối của xu-hướng trên này.

2.-BẢN-NĂNG DINH-DƯỠNG.

Khảo sát về cơ-thể con người, ta nhận thấy rằng nó là một hợp-tập những tổ-chức tế-bào cần phải được dinh-dưỡng. Sự dinh-dưỡng này là một điều-kiện tất-yếu của sự sống. Bởi đó, những nhu- cầu dinh-dưỡng của cơ-thể có tánh-cách rất khẩn-thiết. Khi các tế-bào thiếu những chất cần-thiết để tự bồi-bổ lấy mình, người cảm thấy đói, khi nó thiếu nước, người cảm thấy khát.

Những sự cần-dùng cơ-bản này khiến cho người hết sức chú-trọng đến sự ăn uống và để phần lớn nếu không phải là tất cả thì giờ của mình để tìm thức ăn thức uống. Khi cơ-thể người bị thương tổn, người có xu-hướng tìm những món cần-thiết có thể chữa lành được mình.

Trong những trường-hợp trên này, những tác-động của người đặt dưới sự chi-phối của bản-năng dinh-dưỡng. Bản-năng dinh-dưỡng không những thúc giục người tìm kiếm món ăn món uống. Nó lại làm cho người có xu-hướng xúc-tích để dành. Chính nó là nền tảng của tánh lo xa, tánh cần-kiệm, những đức-tánh tốt có thể trở thành quá-độ và hóa ra tật tham-lam hà-tiện. Chính cái bản-năng vị-kỷ này làm cho người thái cổ đuổi kẻ yếu ra khỏi chỗ chia phần, và người văn-minh bóc lột kẻ kém thế hơn mình.

3.-BẢN-NĂNG TỰ-DO VÀ BẢN-NĂNG HOẠT-ĐỘNG.

Về phương-diện tinh-thần, con người có những tình-cảm, những tư-tưởng, những năng-khiếu trí-tuệ như tánh hiếu-kỳ chẳng hạn. Trừ ra những người nô-lệ vì tình thế bắt buộc hay vì một sự giáo-dục đặc-biệt từ nhỏ làm cho biến tánh đi. Con ngườI thường tự-nhiên có xu-hướng bảo vệ những tình-cảm, tư-tưởng, và những hoạt-động của trí-tuệ của mình, chống những kẻ xâm-phạm đến nó. Điều này chỉ tỏ rằng người có bản-năng tự-do. Sự tranh-đấu để binh vực sự tự-do của người có thể mang nhiều hình-thức khác nhau như sự tranh-đấu để tự-vệ vậy.

Ngoài sự dinh-dưỡng, cơ-thể người còn phải vận-động mới duy-trì và phát-triển được. Bởi thế, người cần phải hoạt-động. Nhu-cầu đó gây ra bản-năng hoạt-động. Sự hoạt-động này có thể trùng-hợp với sự hoạt-động để tự-vệ hay để tìm kiếm món ăn. Nhưng có khi những hoạt-động để tự-vệ hay tìm kiếm món ăn không tiêu-phí hết tinh-lực của người, và người xoay năng lực hoạt-động của mình về những cuộc chơi. Nếu vì một lẽ gì mà người không thể hoạt-động một cách thực-tế được, người nhờ sự tưởng-tượng để thỏa-mãn thú ham hoạt-động của mình.

Cũng như bản-năng tự-vệ có thể đưa người đến xu-hướng tấn công kẻ khác, bản-năng tự-do và bản-năng hoạt-động có thể biến thành bản-năng ngự-trị làm cho người có ý muốn vượt lên trên kẻ khác và đàn-áp họ, chế- ngự họ, vì người cho rằng sự ngự-trị lên thiên-hạ là phương-pháp chắc chắn nhứt để bảo vệ sự tự-do của mình.

4.- NHỮNG BẢN-NĂNG VỊ-KỶ PHỨC-TẠP.

Ngoài những bản-năng kể trên đây, lại còn có những bản-năng vị-kỷ cao hơn làm cho người có ý muốn cảI-thiện đời sống vật-chất mình và mở- mang những quan-năng tinh-thần của mình. Thêm nữa, xu-hướng vị-kỷ lại còn xuất-hiện trong những hành-động thuộc các bản-năng tình-dục và các bản-năng xã-hội nữa. Trong những xu-hướng hoàn-toàn có tánh-cách vị-kỷ, cũng có những cái phức-tạp vô-cùng. Ý muốn báo thù và lòng căm hận đối với những kẻ chắn đường mình là những khuynh-hướng tự-nhiên, vị-kỷ, có dính dáng ít nhiều đến các bản-năng vị-kỷ quan-trọng trên này, nhưng không thuộc hẳn cái nào.

b.- NHỮNG BẢN-NĂNG TÌNH-DỤC.

Những bản-năng tình-dục nhắm vào mục-đích bảo-đảm sự sống còn của chủng loại. Nó gồm có bản-năng tình-dục chánh-danh và những bản-năng phức-tạp mà ta có thể gọi chung là bản-năng gia-đình.

1.-BẢN-NĂNG TÌNH-DỤC CHÁNH-DANH.

Khi cơ-thể người ta phát-dục một cách hoàn-toàn đầy đủ, những tuyến sinh-dục của người tiết ra huyết-dịch những kích-thích-tố bồi-dưỡng và đốc-thúc các cơ-quan sinh-dục của người. Điều này gây cho cơ-thể người một nhu-cầu mới, nhu-cầu tình-dục. Bản-năng tình-dục lúc này có một hiệu-lực rất mạnh đối với người. Người cảm thấy bị lôi cuốn về phía những người bạn dị-tính, và bằng cách tự trang-sức, bằng lời ca tiếng hát, bằng những cử-chỉ hành-động phô-trương cái hay cái giỏi, cái đẹp của mình, người làm cho bạn dị-tính chú-ý đến mình.

Những người đàn ông thời cổ, cũng như các con thú đực khác, đã đánh nhau kịch-liệt để tranh lấy người yêu. Tánh hiếu-chiến khinh-sanh trái với bản-năng tự-vệ bình-thường do sự tranh-đấu ấy mà ra. Bản-năng tình-dục này cũng làm cho người đàn ông có khuynh-hướng đa-thê, và người đàn bà dễ cảm những bực anh-hùng, những kẻ chiến-thắng và nhiều khi vô-tình đến tàn-nhẫn đối với những kẻ ươn yếu hay thất-bại.

Người đàn bà thời thái-cổ thường phải chứng-kiến những cuộc tranh-hùng giữa đàn ông để chiếm lấy quyền yêu mình. Nếu họ để lòng thương-hại những kẻ chiến-bại chết ngay trước mắt họ, sự ân-ái với người đàn ông chiến-thắng sẽ mất sự êm-đẹp, và những đứa con, kết-quả cuộc tình duyên, sẽ không được hoàn-toàn sởn sơ mạnh mẽ. Sự đào-thải thiên-nhiên đã làm cho cái bản-năng tình-dục của người có tánh-cách tàn-bạo đó, và điều này hãy còn di-tích trong bản-tánh của con người sống trong thời đại văn-minh.

2.-BẢN-NĂNG GIA-ĐÌNH.

Bản-năng gia-đình là một bản-năng phức-tạp, dính dáng chặt chẽ với bản-năng tình-dục và có lẽ do bản-năng tình-dục mà ra.

Ban đầu nó chỉ thúc đẩy người đàn ông binh vực người đàn bà có mang, và làm cho người đàn bà có khuynh-hướng trung-thành với người đàn ông trong một thời gian năm bảy năm cần-thiết cho sự trưởng-thành của đứa con. Về phần những đứa bé, những bản-năng vị-kỷ phức-tạp phụ thêm vào bản-năng tình-dục tiềm-thế – vì những tuyến sinh-dục của chúng chưa phát-triển – làm cho chúng đeo theo cha mẹ cho tới lúc chúng có thể sống một mình.

Những bản-năng gia-đình lần lần mở rộng thêm ra và gây những mối dây luyến-ái mạnh mẽ và bền chặt giữa người cùng huyết-thống. Nhứt là đối với con, người thường có một lòng thương rất mạnh. Lòng thương này thật ra có thể xem là một phương-diện, hay nói cho đúng hơn, là một sự mở rộng của lòng thương mình, vì như ta đã thấy, đứa con do một tế-bào sanh-dục, tức là một phần của người mà ra.

Trong sự sanh-dục và bảo-dưỡng đứa con, người mẹ đóng một vai tuồng quan-trọng hơn người cha. Do đó, người mẹ có một bản-năng mẫu-ái hết sức mạnh mẽ. Người mẹ thường yêu con hơn người cha, và những khi cần, thì cũng tỏ ra dõng-cảm và hiếu-chiến không kém người cha để bảo-vệ đứa con. Bản-năng mẫu-ái mạnh mẽ đến nỗi nó phát-triển trước sự phát-triển hoàn-toàn của các cơ quan sinh-dục. Trong khi các cậu bé mải miết với những cuộc vui bạo-tợn ; các cô gái thường chơi trò nuôi em, dỗ em, nếu không phải nuôi và dỗ em một cách thật-sự. Sự ham thích em bé của các cô gái là một xu-hướng tự-nhiên, có trước khi các tuyến sinh-dục chưa nảy nở ; nó đã dọn đường cho cuộc đời làm mẹ của chúng sau này.

C.- NHỮNG BẢN-NĂNG XÃ-HỘI.

Trong sự giao-thiêp với người khác, người thường hành-động theo bản-năng xã-hội của mình. Nhờ những bản-năng này, người có thể sống chung nhau, và sự sống còn của những đoàn-thể loài người mới có thể duy trì được.

1.- BẢN NĂNG HỢP-QUẦN.

Bản-năng hợp-quần làm cho người tự-nhiên có ý muốn sống chung với đồng-loại, muốn cùng họ chia xẻ những tình-cảm hoặc những tư-tưởng riêng. Dưới sự thúc-giục của bản-năng này, người bị lôi cuốn về phía những người khác. Do đó, phát-sanh tình bằng-hữu. do đó, người có thiện-cảm với những kẻ chung quanh, biết thích mến họ.

Bản-năng hợp-quần cũng khiến cho người cảm thấy buồn bực khó chịu khi sống cô độc và hờn oán khi bị đoàn-thể xua đuổi. Nó cũng làm cho người sung sướng khoái trá khi được đoàn-thể tán- thành, và xấu-hổ khi bị đoàn-thể chê bai chỉ-trích.

2.-NHỮNG HÌNH-THỨC BIỂU-HIỆN PHỨC-TẠP CỦA BẢN-NĂNG HỢP-QUẦN.

Bản-năng hợp-quần và các bản-năng vị-kỷ giao tiếp nhau và làm phát xuất nhiều bản-tánh phức-tạp. Người sống trong xã-hội thường có xu-hướng giành nhau làm nhà lãnh-đạo đoàn-thể. Nhưng khi thấy mình yếu sức hay kém thế, người lại a-dua với kẻ mạnh hơn, và chấp-nhận việc phục-tùng nhà lãnh-đạo một cách tự-nhiên, mặc dầu, nhiều khi nhà lãnh-đạo kiêu-căng thái-quá và lạm-dụng quyền của mình. Bản-năng hợp-quần làm cho nhà lãnh-đạo tự-nhiên dựa vào đoàn-thể và những người cấp dưới tin nơi nhà lãnh-đạo mình, có khi một cách mù-quáng. Trừ một số ít người ngang ngược, phần lớn loài người rất kiêng sợ oai-quyền của chánh-phủ.

Sự sống chung nhau lại làm cho người có những đặc-tánh khác : người hay bắt chước đồng- loại, nhứt là những kẻ có địa-vị cao hơn mình trong những hành-vi cử-chỉ của họ. Do đó, cách cư-xử của phần lớn nhơn-viên một xã-hội thường tương-tự như nhau, và điều này làm cho xã-hội thuần-nhứt. Sự thuần-nhứt này được duy-trì nhờ một xu-hướng tự-nhiên của người, làm cho họ bài-xích những kẻ lập-dị, những người ngang ngạnh trong đoàn-thể mình, và chống chọi lại cả những kẻ ở đoàn-thể khác. Nó gây cho họ một ý-thức đồng-loại mạnh mẽ là một yếu-tố rất quan-trọng trong sự hợp-quần của người.

3) BẢN-NĂNG ĐẠO-ĐỨC.

Đời sống xã-hội cũng tạo cho người một bản-năng đạo-đức. Các đoàn-thể nhỏ nhít ngày xưa không thể tự-tồn được, nếu bên trong tổ-chức, mỗi người muốn giết ai thì giết, hay lấy món gì thì lấy, và nếu mọi người đều tự lo cho mình không thèm biết đến ai. Những bộ-lạc tránh được sự đào-thải thiên-nhiên là bộ-lạc có đức-tánh xã-hội mạnh mẽ, làm cho mọi người dung-nạp nhau, cư-xử nhau một cách công-bằng và sẵn sàng tương-trợ nhau. Do đó, người hiện đại có bản-năng đạo-đức làm cho người mạnh binh vực kẻ yếu, và đưa một số người đến sự rộng lượng với kẻ khác. Nó gây cho người cái năng-khiếu luân-lý cần-thiết cho sự sống chung nhau.

4) BẢN-NĂNG QUẦN-CHÚNG.

Sự khảo-cứu về tâm-lý quần-chúng đã cho ta biết rằng khi hội-họp nhau đông đảo, người thường có hành vi, cử-chỉ, thái-độ khác với khi họ cô-lập. Điều đặc-biệt nhứt là họ có thể chấp-nhận nhiều việc có hại cho quyền-lợi cá-nhơn họ, những việc mà họ chắc chắn hết sức phản-đối nếu họ đứng rời rạc ra. Những nhà quí-tộc Pháp đã nhiệt liệt hoan-nghinh việc hủy bỏ tất cả đặc-quyền của giai-cấp mình trong một buổi hội đêm mồng 4 tháng 8 năm 1789, chắc chắn không tán-thành việc ấy nếu người ta hỏi ý-kiến từng người. Một mặt khác, nhiều cá-nhơn hèn nhát khi cô-lập có thể trở thành một khối người can-đảm.

Sở-dĩ giữa tác-động cá-nhơn và tác-động quần-chúng có sự khác nhau như thế là vì người rất dễ bị ám-thị. Tánh dễ bị ám-thị đã có sẵn với người thái-cổ, lại càng mạnh hơn khi người biết dùng ngôn-ngữ và biểu-hiệu.

Người có thể tự mình ám-thị lấy mình, hay bị kẻ khác ám-thị. Cũng có khi người bị khung cảnh ám-thi, khi tụ hội nhau lại, người bị kích-thích mãnh-liệt, nhứt là khi có tiếng hò reo, tiếng chiêng, tiếng trống. Lúc ấy, trí-tuệ người tê-liệt đi, và người hoàn-toàn hành-động một cách vô-ý-thức.

Vì tánh dễ bị ám-thị này, trong nhiều trường-hợp, người hành-động như kẻ bị thôi-miên. Lẽ cố nhiên là điều này làm cho người mất hết khả-năng thụ-cảm của mình. Cũng như người si tình không thể nào thấy được cái dở, cái xấu của người mình đang yêu, người trong một quần-chúng bị kích-thích không nhận thấy sự lố bịch, sự tàn-nhẫn hay sự vô-lý của thái-độ đám đông trong đó mình có chơn. Thêm nữa, người ám-thị không còn biết đau đớn nữa.

Trong trường-hợp sự ám-thị có tánh-cách tiêu-cực, người có thể bị chết ngất đi như con chim bị rắn thôi-miên và đúng yên cho nó giết. Nhưng khi người họp lại thành quần-chúng, sự ám-thị thường có tánh-cách tích-cực ; người xông tới trước sự nguy-hiểm theo lịnh người lãnh-đạo, có khi theo một khẩu-hiệu do kẻ nặc-danh tung ra. Nhờ sự ám-thị này, những bản-năng vị-kỷ của người có thể bị chế-ngự một cách vô-ý-thức, và người vô-tình chấp-nhận sự hy-sinh cho đoàn-thể một cách anh-dõng. Không có sự ám-thị trên này, người giữ được sự bình tĩnh của mình, và rất khó thắng được những bản-năng vị-kỷ thúc giục người mưu đồ sự sống còn riêng của mình. Do đó, sự « khảng khái tòng vương » bao giờ cũng dễ dàng hơn thái-độ « thung dung tựu nghĩa ».

Nhờ tánh dễ bị ám-thị đưa đến bản-năng quần-chúng trên nầy, nhiều cá-nhơn tự-nhiên hy-sinh quyền-lợi mình cho đoàn-thể điều này rất hữu-ích cho sự sống còn của đoàn-thể và chủng-loại, vì sự sống còn này nhiều khi không phù-hợp với sự sống còn của cá-nhơn.

5.- NHỮNG KHUYNH -HƯỚNG PHỨC-TẠP DỰA VÀO CÁC LOẠI BẢN-NĂNG.

Những loại bản-năng khác nhau của người có thể hòa-hợp nhau để tạo ra những khuynh-hướng phức-tạp.

Cũng như các loài thú khác, người vốn có khả-năng sử-dụng các biểu-hiệu. Nhưng ở con người, khả-năng này mở- mang ra đến một mực rất cao. Các loài thú đều có dùng những cử-chỉ hay tiếng gọi để báo cho nhau biết những mối nguy chung, để kêu gọi nhau hay tình-tự với nhau. Người chẳng những biết dùng cử-chỉ và tiếng gọi để báo cho nhau biết có sự nguy-hiểm, mà còn biết bắt chước bộ dạng hay nhái giọng các loài khác để cho nhau biết địch-thủ là loài vật nào. Sự mở- mang của khả-năng này giúp người tạo ra nhiều biểu-hiệu khác nhau, trong đó, quan-trọng nhứt là những tiếng tập-họp lại làm ngôn-ngữ.

Nhờ các biểu-hiệu, người có thể ghi nhớ, họp-tập rồi sắp thành hệ-thống những kinh-nghiệm của mình về các dụng-cụ mình dùng, về đời sống cá-nhơn, đời sống đoàn-thể và đời sống chủng-loại của mình. Sự qui-tập những kinh-nghiệm của người đưa đến các hệ- thống biểu-hiệu, hay ý-tưởng công-cộng. Các ý-tưởng này tất-nhiên có dính dáng đến những điều-kiện vật-chất của khung cảnh thiên-nhiên, trong số đó, lửa, các dụng-cụ và khí-giới đóng một vai tuồng vô-cùng trọng-hệ. Những biểu-hiệu người dùng ban đầu còn dính vào các sự vật, nhưng khi trí người cao hơn, nó tách ra khỏi các sự vật đó, và lần lần trở thành trừu-tượng. Và sau cùng, nó tập-hợp lại thành những tổng-hợp độc lập so với vật-chất cấu-tạo nên khung cảnh thiên-nhiên. Những hệ-thống để giải-thích võ-trụ do đó mà phát-sanh.

Trong chương khảo về các tôn-giáo, ta đã thấy rằng lúc người chưa đủ trí khôn để hiểu sự vật một cách đúng đắn, khoa-học, người phải dựa vào các lực-lượng siêu-hình trong sự cố gắng giải-thích võ-trụ, và các hệ- thống lý-thuyết họ nêu ra tự-nhiên phải có tánh-cách tôn-giáo.

Vì người phải đồng-thời tổ-chức đời sống chung với người khác trong đoàn-thể và phải tuân theo những giáo-điều luân-lý tất yếu trong đời sống chung ấy, tôn-giáo phải gồm cả đạo-đức. Thêm nữa, tôn-giáo vốn có tánh-cách cao quí đối với tinh-thần người nên dễ dàng thu hút phần lớn những hoạt-động xã-hội của người, và chánh trị, cũng như nghệ-thuật, một sản-phẩm khác của khả-năng dùng biểu-hiệu, đều phải phụng-sự nó.

Những nhóm người cổ sơ mà tôn-giáo nêu ra những luật-lệ và giáo-điều không phù-hợp với những điều-kiện tự-tồn của đoàn-thể tự-nhiên phải bị đào-thải. Trái lại, những nhóm người mà các qui- tắc do tôn-giáo nêu ra phù-hợp với cuộc tranh-đấu sống còn không những được tồn-tại, mà còn được chặt chẽ và mạnh mẽ thêm lên. Do đó, tôn-giáo lần lần trở thành một yếu-tố tất yếu của đời sống chung, và người tự-nhiên có khuynh-hướng tôn-giáo cũng như trẻ con tự-nhiên có khuynh-hướng nói bi bô vậy.

Do tôn-giáo, người cảm thấy mình liên-lạc với đoàn-thể. Sự tự-giác, tự tu, hay sự đi tìm cái chơn, cái mỹ, cái thật tuyệt-đối, chung qui chỉ là một thái-độ hỗn-hợp cái bản-năng xã-hội xô đẩy người vào đoàn-thể mình và cái khuynh-hướng tượng-trưng-hóa đoàn-thể ấy dưới hình-thức này hay hình-thức khác.

Những điều trên này chỉ tỏ rằng khuynh-hướng tôn-giáo là một khuynh-hướng phức-tạp, bao gồm một phần lớn hoạt-động của người. Nó có tánh-cách xã-hội rất rõ rệt. Tuy nhiên, trong khuynh-hướng ấy, bản-năng tình-dục cũng đóng một vai tuồng. Thật sự, trong ý muốn giải-thích võ-trụ, ta có thể nhận thấy ý muốn tìm hiểu nguồn gốc sự sống, nguồn gốc loài người, nguồn gốc của chính mình. Lòng tha-thiết muốn biết mình do đâu mà có, do ai sanh ra có dính dáng đến bản-năng gia-đình một cách rõ rệt. Vậy, ta không nên lấy làm lạ khi thấy người tự xưng mình làm con Thượng Đế hay con các vị thần-minh

Một số tôn-giáo ngày xưa có tánh-cách tình-dục rõ ràng hơn nữa. Nó tôn thờ những sinh-thực- khí của người và những cuộc nhảy múa để thờ cúng thần-minh cũng như những hình vẽ, những tượng chạm khắc để trang-hoàng miếu-võ có mục-đích khiêu dâm hiển-hiện. Như ta đã thấy trên đây, những cuộc nhảy múa và những hình vẽ, những tượng chạm khắc đó, cũng như nhiều hoạt-động nghệ- thuật khác, vốn từ bản- chất nó đã có liên-lạc chặt chẽ với bản-năng tình-dục của người : nó dính dáng nhiều đến ý muốn làm đỏm để cho người bạn dị-tính của mình lưu-ý.

Sau cùng, trong khuynh-hướng tôn-giáo, những bản-năng vị-kỷ cũng có dự một phần. Ta đã thấy rằng người thờ cúng các linh-hồn và thần-minh cùng Thượng-Đế với mục-đích cầu xin những đấng ấy không phá hại mình, hay bảo-vệ, phù-hộ cho mình. Khi tôn-giáo đã tiến đến một hình-thức cao hơn, người cũng vẫn còn có khuynh-hướng tu-niệm để thành thần tiên hay được vào cõi thiên-đường.

Như vậy, khuynh-hướng tôn-giáo là một khuynh-hướng bao gồm rất nhiều bản-năng của người. Vì đó, nó hết sức mạnh mẽ và bao trùm được đời sống xã-hội của người trong một thời gian dài dặc.

3.- NHỮNG ĐẶC-TÁNH CỦA BẢN-NĂNG.
a)- SỰ PHỨC-TẠP CỦA BẢN-NĂNG.

Vấn-đề bản-năng của người là một vấn-đề hết sức phức-tạp. Để cho dễ bề nghiên-cứu, ta phải phân nó ra làm ba loại : vị-kỷ, tình-dục và xã-hội, và nhận ra trong mỗi loại vài bản-năng chánh-yếu. Nhưng, như ta đã thấy sơ qua trong sự khảo về khuynh-hướng tôn-giáo, các bản-năng này nhiều khi trộn lộn nhau một cách chặt chẽ và làm cho ta khó qui-định tánh-cách của nó một cách rõ ràng.

Sau lòng ham súc-tích tiền bạc để dành, ta có thể nhận thấy ý muốn bảo-đảm cho mình những phương-tiện cần-thiết để thỏa-mãn nhu-cầu dinh-dưỡng, thêm vào sự cần dùng bảo-đảm sự tự-do của mình trong xã-hội, và ý muốn được kính-nể trọng-vọng hơn kẻ khác. Trong tình yêu của người, ngoài cái bản-năng tình-dục làm nền tảng, lại còn có thể có một sự thích-mến vì tánh-tình tư-tưởng, hoặc ý muốn ngự-trị, chinh-phục người yêu. Trong sự cố gắng của người để làm một công-trình vĩ-đại, hữu- ích cho xã-hội, có ý muốn phụng-sự đoàn-thể, nhưng cũng có ý muốn được trọng-vọng ngợi khen.

Nhiều khi các bản-năng bị những điều-kiện xã-hội chi-phối một cách mạnh mẽ. Bản-năng mẫu- ái lắm lúc bị biến hình hay chế-ngự vì quan-niệm xã-hội. Trong nhiều chế-độ cổ, những đứa bé ươn yếu đều bị giết chết. Ở những xã-hội trọng nam khinh nữ, người ta nhiều khi nhẫn tâm bỏ rơi con gái không thèm nuôi ngay từ lúc nó mới sanh ra.

Một mặt khác, trong những bản-năng tình-dục hay xã-hội, có khi yếu-tố vị-kỷ xuất-hiện một cách rõ rệt. Người ta lắm lúc chỉ phụng-sự đoàn-thể vì lợi riêng, vì muốn có địa-vị, quyền-lợi hay danh-vọng. Ngay sự thương-yêu con cái cũng bị sự chi-phối của lòng vị-kỷ. Người ta thường yêu đứa con thông-minh, có thể làm rạng rỡ tông-môn, hay đức con hiếu-thuận chịu nghe lời, hơn đứa con ngu độn hay ngang ngược, mặc dầu những đứa ngu độn hay ngang ngược – vốn không chịu trách-nhiệm về tài năng và bản-tánh mình – sẽ phải thất-bại ở trường đời và đáng được thương hơn.

b.- SỰ SẮP HẠNG CÁC BẢN-NĂNG.

Những bản-năng của người vốn không phải phát-sanh một lượt với nhau. Nó được cấu-tạo lần lượt theo sự tiến-hóa của loài người từ khi cái tế-bào thủy-tổ mới xuất-hiện cho đến lúc đã có hình người và sống thành xã-hội văn-minh. Cố-nhiên là những bản-năng vị-kỷ đã phát-hiện trước tiên, nhứt là bản-năng tự-vệ và bản-năng dinh-dưỡng. Hai bản-năng này, ngay đến các sanh-vật đơn tế-bào như con trùng a-míp (amibe) cũng có, và chắc chắn là cái tế-bào nguyên-thủy tiên-tổ của loài người đã có rồi. Từ khi phát-hiện, nó duy-trì mãi không lúc nào mất. Vì đó, nó mạnh mẽ vô-cùng.

Những bản-năng tình-dục chỉ xuất-hiện với sự sanh-dục hữu-tính, nghĩa là lúc người phân ra nam nữ. Những bản-năng phụ-thuộc vào bản-năng tình-dục như bản-năng gia-đình, bản-năng mẫu-ái, bắt đầu có khi đời sống loài người vào thờI-kỳ ấu-trĩ không đủ sức tự mưu-sanh của người đã kéo dài ra.

Sau hết, những bản-năng xã-hội chỉ lần lần thành-hình sau khi người sống chung nhau thành đoàn-thể.

Những điều-kiện sanh-hoạt của loài người trong giai-đoạn tiến-hóa hàng triệu năm trên này cố- nhiên có thay đổi và những bản-năng do sự tranh-đấu với hoàn-cảnh mà được cấu-tạo cũng có biến chuyển theo. Nhưng có lẽ từ khi con người thành hình người đến giờ, sự biến-chuyển này diễn-tiến một cách rất chậm chạp hầu như không có.

Nói một cách khái-quát thì bản-năng nào xuất-hiện trước và có một đời sống lâu dài hơn phải được mạnh hơn. Thêm nữa, những bản-năng được người vun bồi thì phát-triển mạnh lên, những bản-năng bị chế-ngự thì yếu sức bớt đi. Do đó, xét chung nhơn-loại thì các bản-năng vị-kỷ mạnh hơn các bản-năng tình-dục, và các bản-năng tình-dục mạnh hơn các bản-năng xã-hội. Nhưng xét về phần cá-nhơn, thì sự khác nhau có thể vô-cùng, vì hoàn-cảnh vật-chất và tâm-lý của mỗi người làm cho các bản-năng của người phát-triển không đều nhau : có những bản-năng bị thâu nhỏ lại hay lớn ra một cách quá đáng. Vì đó, trong xã-hội, ta có thể gặp những người hết sức vị-kỷ và những người đam-mê tình-dục bên cạnh những người có bản-năng xã-hội hết sức mở-mang và sẵn sàng hy-sanh mình cho quyền- lợi chung ngay trong khi sáng suốt.

Một số khuynh-hướng phụ-thuộc bản-năng như khuynh-hướng giết người thuộc bản-năng tự-vệ, thích-hợp với đời sống cô-độc của người rừng, nhưng không thích-hợp với đời sống tập-thể của người văn-minh. Do đó, ở phần lớn con người, nó bị đè nén không phát-triển được.

Tuy nhiên, có khi những điều-kiện vật-chất làm cho các bản-năng thường bị chế-ngự đột-nhiên bị giải thoát : đó là trường-hợp của chiến-tranh, của những cuộc nộI-loạn. Người ta không giải-nghĩa được sự tàn-bạo vô-biên của con người đã văn-minh trong thời-kỳ này nếu không dựa vào sự giải- phóng các bản-năng có từ thời tiền xã-hội và bị xã-hội kềm chế trong trạng-thái bình-thường.

c.- Ý-THỨC NGƯỜI VỀ BẢN-NĂNG VÀ SỰ CHUYỂN-HÓA CÁC BẢN-NĂNG.

Những bản-năng, nhứt là các bản-năng căn-bản, vốn là một yếu-tố tất-yếu của chủng-loại. Nó hỗn-hợp với cơ-thể người nên không thể nào tiêu-diệt được. Nó luôn luôn sống với con người và chỉ mất khi người chết mà thôi. Sự thỏa-mãn một bản-năng thường đưa người đến sự khoái lạc. Nhưng nếu con người đi quá mức, thì lắm khi người thấy khó chịu, chán ngán ; sự đam mê tửu sắc không những có hại cho thân-thể mà còn làm cho con người uể oải, dã dượi những lúc rượu tỉnh canh tàn.

Các loài thú luôn luôn tuân theo bản-năng mình một cách vô-ý-thức ; nó không hiểu cứu-cánh của cử-động nó, và tự-nhiên không thấy được vai tuồng của bản-năng. Một số đông người cũng không có ý-thức gì về bản-năng, và lắm khi không thấy đến cứu-cánh của việc mình làm. Do đó, đối với phần đông, bản-năng thường có tánh-cách vô-ý-thức. Tuy nhiên, những người đã đạt được một trình-độ khá cao, nếu không hiểu rõ về các bản-năng, cũng có thể có ít nhiều ý-thức về cứu-cánh của những cử-động do bản-năng thúc giục mà có. Nhờ đó, người ta có thể thay đổi cứu-cánh ấy một phần nào.

Khi cơ-thể có một nhu-cầu cần thõa mãn, bản-năng thúc giục người hoạt-động để thỏa-mãn nhu-cầu ấy. Sự thúc giục này, người không thể nào hoàn-toàn chế-chỉ được. Nhưng nếu người không có phương-tiện, hay vì một lý do gì mà không muốn trả lời cho sự thúc giục này, người có thể xoay sự hoạt-động của mình đến một mục-đích khác để thỏa-mãn một nhu-cầu khác của mình. nhờ tánh-cách này của bản-năng mà người có thể chế-ngự được một số bản-năng vị-kỷ không thích hợp với đời sống xã-hội, và những nhà đạo-đức, những bậc vĩ-nhơn anh-hùng có thể cao-thượng-hóa đời sống của mình. Đem những nhu-cầu xã-hội vị-tha thay cho những nhu-cầu cá-nhơn vị-kỷ, đem những nhu-cầu tinh-thần thay cho những nhu-cầu vật-chất, họ huy-động hết sức hoạt-động của họ để dùng vào việc thực-hiện một lý tưởng đẹp đẽ, một nguyện-vọng cao xa.

Một mặt khác, đối với những người nghèo khổ, phải chết xác làm lụng quanh năm mới có đủ vật-thực cần-thiết cho sự dinh-dưỡng của mình, những nhu-cầu tinh-thần và ngay đến các nhu-cầu tình-dục có thể không bao giờ được thỏa-mãn. Trong trường-hợp này, sự chuyển hóa bản-năng thi hành một cách vô-ý-thức và gần như cưỡng-bách.

Sau cùng, sự hoạt-động văn-nghệ cũng là một lối chuyển-hóa bản-năng. Những văn-sĩ, thi-sĩ, nghệ-sĩ thường đem phổ vào những tác-phẩm của họ tất cả những nhu-cầu mà họ không thỏa-mãn được trong thực-tế. Trong trường-hợp này, nhu-cầu của họ càng cần-thiết, sự thúc giục của bản-năng họ càng cấp-bách thì tác-phẩm họ càng mạnh mẽ, càng nhiều sinh-khí, càng tiến cao trên đường tuyệt- mỹ. Người ta đã nhận thấy rằng những văn-sĩ, nghệ-sĩ sung sướng – nghĩa là có một đời sống đầy đủ – thường không sản-xuất được những tác-phẩm tân-kỳ. Những công-trình hay và đẹp nhứt của người về phương-diện văn-nghệ hầu hết đều là sản-phẩm của những người bất-đắc-chí, đem phổ vào câu thơ hay điệu nhạc, hoặc đem bày giữa những nét đơn thanh tất cả những dục-vọng, những nhu-cầu, những nỗi băn khoăn thắc mắc, những tiếng kêu gọi cấp-bách của các bản-năng mình.

Sự chế-ngự hay chuyển-hóa những bản-năng rất hữu-ích cho người. Tuy thế, nó không phải là hoàn-toàn vô-hại. Sức phản-kháng của những nhu-cầu bị bỏ rơi, của những bản-năng bị chế-ngự có thể làm gãy đổ sự quân-bình tâm-lý của người. Sự gãy đổ này là nguồn gốc những chứng bịnh thần-kinh, từ những trạng-thái bất-thường xoàng đến những cơn điên rồ rất nặng.

B.- VẤN ĐỀ CÁ-TÁNH CỦA NGƯỜI.

1.- CÁ-TÁNH CỦA NGƯỜI.

Tất cả mọi người trên thế giới đều có một cơ-thể và những tánh-cách chung như nhau. Tuy thế, không phải mọi người đều giống nhau y hệt, vì mỗi người đều có một cá-tánh riêng.

a)- VỀ PHƯƠNG-DIỆN THỂ-CHẤT.

Về phương-diện thể-chất mỗi người đều có một gương mặt, những cử-chỉ điệu bộ đặc biệt, làm cho họ phân-biệt nhau. Sự khác nhau về các dấu tay của người lại càng rõ rệt hơn nữa. Trong số mấy ngàn triệu người trên thế giới không có một người nào mà dấu tay giống người khác. Nhờ những sự phân-biệt trên này, người có thể nhận căn cước mỗi người một cách dễ dàng. Các khí-quan của người có lẽ cũng có những tánh-cách riêng biệt mà hiện giờ chúng ta chưa hiểu rõ.

Măc dầu kết cấu như nhau, tế-bào của người này có những tánh chất khác với tế-bào người nọ. Vì đó, trường-hợp những người thật sanh đôi cùng do một noãn tử mà ra, các y sĩ không thể lấy thịt người này mà vá cho người khác.

Những hiện tượng biến cố xảy đến cho cơ-thể thường có lưu lại một dấu vết. Mỗi lần ngọa bịnh, mỗi lần tiêm thuốc, mỗi lần có sự xâm nhập của vi trùng hay của các hóa chất, cơ-thể người đều có biến đổi ít nhiều. Vì đó, người càng già thì cá-tánh và thể-chất càng khác nhau. Những người lớn tuổi có những cơ-thể khác nhau nhiều hơn trẻ con.

b)- VỀ PHƯƠNG-DIỆN TINH-THẦN.

Về trí-tuệ và tâm-tánh, sự khác nhau giữa con người lại càng rõ rệt hơn nữa. Trên đời, không bao giờ người ta có thể gặp được hai cá-tánh tâm-lý giống nhau. Sự phân-biệt giữa cá-tánh tâm-lý người này và người khác phát-hiện về cả hai mặt lượng và phẩm. Thêm nữa, cá-tánh này càng phong- phú thì sự phân-biệt cá-nhơn lại càng lớn lao rõ rệt. Do đó, trong những xã-hội văn-minh, các cá-nhơn khác nhau nhiều hơn trong các xã-hội bán-khai.

Tánh nết người gồm nhiều tánh tình trộn lộn nhau một cách phức-tạp vô-cùng. Tuy vậy, ta có thể phân loài người ra làm nhiều hạng, tùy theo những tánh-chất năng-khiếu tâm-lý và đời sống sanh-lý của họ. Người ta đã nhận thấy rằng giữa hình-trạng của cơ-thể và tâm-tánh người có một sự tương- quan chặt chẽ. Tướng mạo một người là một biểu-hiệu chắc chắn của đời sống sanh-lý và tâm-lý của họ. Như thế, khoa tướng-pháp không phải là ngoa, chỉ vì hiện giờ không còn người tinh-thông về khoa ấy và vì khoa ấy chưa đặt nền tảng trên những kết-quả thâu-hoạch được không rõ ràng đúng đắn, thành ra nhiều người không tin cậy nơi nó. Tuy vậy, khi gặp một người, ta thường có cảm-giác mơ hồ về cá-tánh họ. Điều này tự-nhiên làm cho ta có thiện-cảm hay ác-cảm với những người mà ta không hề quen biết, tùy theo cá-tánh họ có hòa-hợp với cá-tánh ta hay không.

Người ta thường phân-biệt cá-nhơn làm ba hạng : hạng trí-thức, hạng đa-tình và hạng có ý- chí. Trong mỗi hạng, lại có nhiều mực cao thấp khác nhau. Có người nóng nảy, có người trầm-tĩnh, có người chăm chú, có người lãng trí, có người mau mắn, có người chậm chạp v.v…

Trong hạng trí-thức, có người có óc mở-mang, họ có nhiều ý-tứ, có thể dung-hòa nhiều yếu-tố khác nhau và có thể phối-trí, điều-hợp những ý-tứ ấy làm thành một hệ- thống. Cũng có người trí óc hẹp hơn : họ không bao-quát được những vấn-đề rộng lớn, nhưng có thể đi sâu vào các chi-tiết và rất giỏi trong ngành chuyên-môn của mình. Ngoài ra, người ta lại có thể phân-biệt những người có một lập- luận chặt chẽ vững chắc và những người ít lý-luận, nhưng có một trực giác mẫn-nhuệ hơn.

Giữa hạng trí-thức và hạng đa-tình có nhiều lối hòa-hợp khác nhau. Nhà trí-thức có thể đa-cảm, nhiệt-tâm, táo-bạo, hèn nhát, hay không có óc thần-bí.

Những nhóm đa-tình có ý-chí, có xu-hướng đạo-đức, có khiếu thẩm-mỹ, có óc thần-bí, cũng có thể hòa-hợp nhau theo nhiều lối không kể xiết.

Mỗi người đều có cảm-tưởng rằng trên thế-giới, mình là cá-nhơn duy-nhất. Tuy thế, cá-tánh người có nhiều mực-độ mạnh yếu khác nhau. Nhiều người có một cá-tánh phong phú, vững chắc. Nhưng cũng có những người cá-tánh hết sức yếu đuối, họ rất dễ bị uốn nắn theo hoàn-cảnh và tình-thế.

Ta không thể biết hết được cá-tánh một người. Nhưng khi sau khi giao-thiệp với họ, ta có thể hiểu cá-tánh họ một phần nào, nhứt là về những đại-cương. Nghệ-thuật dùng người dựa vào sự hiểu biết trên này và thật ra, từ xưa đến nay, những nhà chánh-khách đã thành công trong những mưu-đồ của mình phần lớn nhờ sự am-hiểu cá-tánh những kẻ giúp đỡ mình cũng như những địch-thủ của mình.

Tùy theo tâm-tánh mình, con người hợp với công việc này hay công việc nọ. Muốn phát-triển hết năng-lực mình, và nắm phần thắng-lợi trong trường đời, người cần phải biết chọn lựa một nghề- nghiệp thích-hợp với cá-tánh mình.

2.-NGUỒN GỐC CỦA CÁ-TÁNH.

Con người vốn có những cá-tánh khác nhau về cả hai phương-diện thể-chất lẫn tinh-thần. Cá-tánh này do sự di-truyền và sự phát-dục của người mà ra.

Những cá-tánh di-truyền của người do những vi-nhơn chứa đựng trong các nhiễm-sắc-thể của người qui định.

Bào-thai của người vốn bắt đầu bằng một noãn-tử do một tinh-trùng của người cha và một phôi-châu của người mẹ hợp lại tạo nên. Noãn-tử là cái tế-bào căn-bản của người. Chính nó sanh hóa ra để tạo nên cơ-thể. Tất cả các tế-bào của người đều có tánh chất giống hệt tế-bào căn-bản này.

Khảo-cứu về sự sanh-dục của người, ta thấy rằng noãn-tử, tức là tế-bào căn-bản của người chứa đựng 24 nhiễm-sắc-thể của cha và 24 nhiễm-sắc-thể của mẹ mà những nhiễm-sắc-thể này lại chứa đựng những vi-nhơn qui-định đặc-tánh của người. Vậy, mỗi người gồm phân nửa đặc-tánh của cha và phân nửa đặc-tánh của mẹ.

Thêm nữa, vì tế-bào sanh-dục chỉ chứa đựng có phân nửa số nhiễm-sắc-thể của một tế-bào thường, mà tất cả những tế-bào sanh-dục của một người cũng không phải gồm có những thứ nhiễm-sắc- thể y hệt như nhau, nên những đứa con của một cặp vợ chồng không phải giống nhau cả. Những sự phốI-hợp khác nhau của 24 cặp nhiễm-sắc-thể của người cha và 24 cặp nhiễm-sắc-thể của người mẹ có thể đưa đến hàng triệu lối khác nhau. Nói một cách khác, một cặp vợ chồng có thể sanh ra hàng triệu đứa con cá-tánh khác nhau. Như thế, những anh em, chị em một nhà đã thừa-hưởng những phần đặc-tánh khác nhau của cha mẹ mình. Điều này chỉ rõ tại sao nhiều khi anh em chị em ruột mà có tâm-tánh hoàn-toàn trái ngược nhau.

Vậy, yếu-tố cấu tạo cá-tánh một người do cha mẹ người ấy truyền lại. Noãn-tử khi mới thành hình đã chứa đựng tánh-cách đứa bé sẽ sanh ra. Trong tánh-cách này cái nhứt-định sẽ xuất-hiện, như màu mắt, màu tóc, môi mỏng hay dày, da mịn hay thô, sọ dài hay ngắn, răng chắc hay dễ hỏng, cằm nhô ra hay lẹm, mũi cao hay thấp. Nhiều tánh-cách khác chỉ có trong trạng-thái tiềm-thế và xuất-hiện hay không tùy hoàn-cảnh thuận-tiện hay bất-thuận-tiện, như tóc người, màu da, sự sống thọ hay yểu, sức chịu lạnh v.v…

Bằng cớ chắc chắn nhứt chỉ tỏ sự quan-trọng của yếu-tố di-truyền là trường-hợp những người sanh đôi. Co hai hạng sanh đôi : sanh đôi thật và sanh đôi giả. Những người sanh đôi giả là những người sanh đôi do hai noãn-tử, kết-quả của sự phối-hợp của hai tinh trùng và hai phôi-châu mà ra. Họ không giống nhau hơn hai người anh em chị em thường. Trái lại, nếu họ là kết-quả của một noãn-tử vì một lý-do gì mà tự phân ra hai thì giống nhau hoàn-toàn ; đó là trường-hợp sanh đôi thật. Trong trường-hợp thứ nhì, nếu sự phân đôi của noãn-tử không hoàn-thành, hai người có thể dính nhau lại. Trường-hợp sanh ba, sanh tư, sanh năm cũng như trường-hợp sanh đôi trên này.

Có khi người ít giống cha mẹ lại giống ông bà nhiều hơn. Như thế là vì có nhiều khả-năng chứa đựng trong các vi-nhơn của ông bà truyền cho cha mẹ, nhưng trong cơ-thể cha mẹ thì bị những khả-năng khác chế-ngự nên phải ở trong trạng-thái tiềm thế, đến khi cha mẹ truyền lại cho con thì được tự-do phát-hiện ra.

Những điều trên này chỉ rằng cha mẹ tồn-tại một phần nơi con, tồn-tại một cách rõ rệt và chắc chắn. Và người càng có đông con thì càng tồn-tại một cách hoàn-toàn, vì người càng có thể truyền lại nhiều tánh-cách chứa đựng trong nhiễm-sắc-thể của mình.

Mỗi đứa con nhứt-định tiếp-thụ phân nửa tánh-cách của cha và phân nửa tánh-cách của mẹ mình. Hai anh em chị em có thể giống nhau hơn con giống cha mẹ, nhưng cũng có thể xa nhau gần như người dưng. Tế-bào một đứa cháu có thể chứa đựng 12 nhiễm-sắc-thể của ông bà, nhưng cũng có thể chứa đựng ít hơn hay nhiều hơn. Vì đó, đứa cháu có thể gần ông bà gần bằng con giống cha – hay nhiều hơn trong trường-hợp có những đặc-tánh tiềm-thế được phát-hiện kể ra trên này – nhưng cũng có thể xa ông bà mình như là người dưng vậy.

Những vi-nhơn trong các nhiễm-sắc-thể đã chứa đựng những yếu-tố căn-bản qui-định những tánh-cách rõ ràng của cơ-thể và tâm-hồn người. Tùy theo vị-trí các nhiễm-sắc-thể trong tế-bào và những điều-kiện người gặp trong sự phát-dục từ khi bào-thai tượng hình đến lúc người già, những tánh-cách trên đây có thể phát-hiện hay ở mãi trong trạng-thái tiềm-thế.

Vậy, cá-tánh người vừa do sự di-truyền vừa do sự phát-dục mà ra. Phân-biệt ảnh-hưởng của hai bên một cách rõ ràng là điều rất khó thực-hiện. Sự quan-sát và kinh-nghiệm đã chỉ tỏ rằng ảnh-hưởng này tùy theo cá-nhơn mà khác nhau. Giữa những trẻ con cùng cha mẹ và được nuôi nấng y như nhau có thể có những sự khác nhau rất xa về hình-thể, khả-năng trí-tuệ, đức-tánh, tinh-thần. Trong trường-hợp này, ta có thể quả quyết rằng sự khác nhau đó vì tánh-cách di-truyền mà có. Những người sanh đôi thật lúc mới sanh ra thì đã có những tánh-cách nội-tại y hệt như nhau. Tuy vậy, nếu ta phân-cách họ từ lúc nhỏ và nuôi họ theo những phương-pháp khác nhau, họ có thể trở thành khác nhau. Vậy, sự giống nhau về bản-chất không chắc đưa đến những cá-nhơn giống nhau trong những hoàn-cảnh khác nhau.

Người ta có thể dự định một phần nào kết-quả của di-truyền và giáo-dục đối với con người. Trẻ con bạc-nhược lừ đừ, lơ đãng, nhút nhát, lười biếng, không thể nhờ hoàn-cảnh phát-dục mà trở thành cương-quyết, mạo-hiểm và cứng cỏi.

Trí tưởng-tượng, óc phiêu-lưu không do hoàn-cảnh mà ra và có lẽ không bị hoàn-cảnh làm tiêu- diệt. Vậy, hoàn-cảnh chỉ có hiệu-lực trong vòng những đặc-tánh di-truyền và chỉ làm phát-hiện những đặc-tánh nội-tại sẵn có trong người, chớ không tạo nó được.

Bù lại, hoàn-cảnh có thể làm hư hủy các đặc-tánh nội-tại di-truyền và các đặc-tánh này chỉ có thể phát-hiện trong hoàn-cảnh thuận-tiện. Người đàn bà thuộc gia-đình đông con mà thiếu chất vôi thì xương chậu nhỏ và hóa ra ít sanh-dục. Sự thiếu sanh-tố hoặc các bịnh do vi-trùng gây ra có thể làm cho ngoại thận người nhỏ đi hay không phát-dục được. Do đó, một người có đủ trong huyết-quản, những tư-cách làm người chỉ-huy, người hướng-đạo quần-chúng-hóa dở đi, và không giữ nổi những trách-vụ trọng-hệ ấy.

Yếu-tố tâm-lý cũng có một ảnh-hưởng rất lớn đến người. Nó có thể cải-dịch sự tuần-hoàn và các tuyến nội-tiết, làm cho kết cấu của cơ-thể biến đổi một phần nào. Những qui-phạm tinh-thần và các dục-vọng sanh-lý cũng có ảnh-hưởng đến thái-độ tâm-lý và các tổ-chức của các tế-bào. Ảnh hưởng của tinh-thần có thể làm ảnh-hưởng những đức-tánh trí-tuệ, nhưng nó cũng có thể phát-triển một người ngoài trí tưởng-tượng. Nó làm cho kẻ yếu đỡ yếu và người mạnh càng mạnh hơn. Sự ngưỡng-mộ anh- hùng bao giờ cũng là khởi-điểm cho những hành-động anh-hùng.

Một yếu-tố tác-động cho một hay nhiều người trong nhiều lúc khác nhau thường có kết-quả khác nhau, nhưng sự đối phó với hoàn-cảnh của một cơ-thể phần lớn do sự di-truyền mà ra. Khi gặp trở-lực, người này có thể cố vượt lên và làm phát-hiện những khả-năng tiềm-thế của mình, còn người nọ có thể chịu thua mà lùi bước đi.

Nói tóm lại, ta rất khó phân-biệt ảnh-hưởng của đặc-tánh nội-tại và của sự phát-dục trong sự cấu tạo cơ-thể và tâm-hồn người.

Những tánh-cách người thâu-hoạch được trong đời sống mình không di-truyền. Tuy vậy, các vi-nhơn có thể bị biến đổi vì ảnh-hưởng của nội-giới. Bịnh-tật, các độc-tố, lương-thực, các hạch của người có thể làm cho các vi-nhơn biến đổi đi. Sự biến đổi này thường hướng đến cái xấu hơn cái tốt. Vì đó, hậu-duệ những bậc anh-hùng, vĩ-nhơn có thể là những người hạ-cấp, ngu độn yếu đuối, hèn nhát, điên cuồng.

Tiềm-thế trong noãn-tử, đặc-tánh của người lần lần phát-hiện trong đời người. Sự chiến-đấu giữa người và hoàn-cảnh làm cho các tánh-cách của tổ-tiên người để lại hiện ra và hướng người theo ngõ này hay ngõ khác. Mỗi người đều trả lời cho hoàn-cảnh theo đặc-tánh riêng của mình, và người thường chọn lựa đường lối nào làm cho cá-tánh mình nổi bật lên.

Vì đó, cá-tánh người không giống nhau được, và chủ trương về tổ-chức đời sống của người theo một khuôn khổ chung như một bầy cầm-thú mà các nhà độc-tài nêu ra rất mực sai lầm, không thể áp-dụng được, nhứt là đối với những người đã được hưởng ánh sáng văn-minh và do đó mà có một cá-tánh mạnh mẽ rõ ràng.

Mục Lục

Xem tiếp Chương III, Phần Thứ Nhì