Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

CHỦ - NGHĨA DÂN - TỘC SINH - TỒN

Mục Lục

Trở về Chương V, Phần Thứ Nhứt

PHẦN THỨ NHÌ

CHỦ - NGHĨA DÂN - TỘC SINH - TỒN

CHƯƠNG I

SỰ CẦN-THIẾT CỦA MỘT CHỦ-NGHĨA CHÁNH-TRỊ HỢP-LÝ

I.- SỰ HOẠT-ĐỘNG CHÁNH-TRỊ CỦA NGƯỜI.

A.- MỤC-ĐÍCH SỰ HOẠT-ĐỘNG CHÁNH-TRỊ.

Theo nhà cách-mạng Trung-Hoa là Tôn Dật-Tiên thì chánh là việc của chúng-nhơn, tức là việc của mọi người, trị là quản-lý, và chánh- trị là quản-lý của tất cả mọi người. Nếu chúng ta chấp-nhận những định-nghĩa trên này thì sự phát-hiện của yếu-tố chánh-trị nhứt định là một sự-kiện vô cùng quan-trọng trong lịch-sử loài người. Nó đánh dấu cho một sự tiến-bộ lớn lao của con người, từ trạng- thái của một bầy sanh-vật hỗn-độn bước qua trạng thái một đoàn-thể sống theo một trật-tự đàng-hoàng.

Sau khi phát-hiện, yếu-tố chánh-trị luôn luôn tồn-tại với xã-hội, và sự hoạt-động chánh-trị trở thành một hoạt-động thường-trực của người. Sự hoạt-động này có thể dành riêng cho một thiểu-số. Trong các xã-hội chuyên-chế ngày xưa, những kẻ thường-dân đá động đến vấn đề chánh-sự đều bị trừng-phạt một cách nặng nề. Nhưng sự hoạt-động chánh-trị cũng có thể mở ra cho một số đông nếu không phải cho tất cả mọi người thành-niên bình-thường trong xã-hội. Nhiều chế-độ thành-lập trong mấy thế-kỷ sau này đã khuyến-khích hay ít nhứt cũng cho phép dân-chúng tham-dự đời sống chánh-trị nước mình.

Trong những người tích-cực hoạt-động chánh-trị, có những kẻ chỉ nhắm vào việc thỏa-mãn những dục-vọng cá-nhân, bảo-vệ những quyền-lợi ích-kỷ của mình hay của dòng họ mình. Cũng có nhiều người khác hoạt-động để phụng-sự một lý-tưởng cao-siêu, để làm cho đoàn-thể mình được hùng-cường, để cải-thiện đời sống người đồng-loại.

Nhưng trong trường-hợp nào cũng vậy, sự hoạt-động chánh-trị bao giờ cũng nhắm vào việc tổ-chức xã-hội, thiết-lập những cơ-quan cai-quản và kiểm-soát việc làm của dân-chúng, hạn-định sự liên-lac giữa những người sống chung nhau, nói tóm lại, là điều-khiển sự hoạt-động của tất cả mọi người trong một xã-hội.

B.- SỰ QUAN-TRỌNG CỦA HOẠT-ĐỘNG CHÁNH-TRỊ ĐỐI VỚI NGƯỜI.

Với mục-đích như thế, tất nhiên sự hoạt-động chánh-trị phải đóng một vai tuồng rất quan-trọng trong đời sống của người. Trừ những kẻ ẩn-náu trong chốn rừng sâu núi thẳm, còn thì tất cả mọi người trong xã-hội đều bị sự chi-phối của hoạt-động chánh-trị một cách ý-thức hay vô-ý-thức. Ta có thể bảo rằng đời sống người dân nào cũng bị ảnh-hưởng của sự hoạt-động chánh-trị trong xã-hội mình.

Người ta có thể tự mình tích-cực tham-gia sự hoạt-động chánh-trị ấy, hoặc nhiệt-liệt tán-đồng chế-độ đương-hữu, và tận tâm binh vực, duy-trì nó, hoặc nhứt-định bài-xích nó, và tận-lực chiến-đấu để lật đổ nó, hoặc chấp-nhận nó trong những đại-cương, nhưng phản-đối nó trong một số chi-tiết và cố gắng cải-thiện nó. Người ta cũng có thể vì sợ hãi, vì thiếu tinh-thần chiến-đấu mà giữ thái-độ trung-lập, không tích-cực tham-gia những hoạt-động chánh-trị trong nước, mặc dầu vẫn có ý-kiến riêng của mình về vấn-đề chánh-trị. Sau hết, người ta cũng có thể sống trong xã-hội một cách vô-ý-thức và cúi đầu phục-tùng những kẻ nắm quyền-bính, giữ một thái-độ thụ-động hoàn-toàn.

Cơ-quan nắm chánh-quyền trong một xã-hội có thể chỉ kiểm-soát một số ít hoạt-động của người và để cho đại-đa-số giữ thái-độ thụ-động. Nó cũng có thể tìm cách vận-dụng hết năng-lực của tất cả mọi người, và chi-phối đời sống cá-nhơn mỗi người một cách chặt chẽ hơn.

Nhưng trong trường-hợp nào cũng vậy, việc chánh-trị bao giờ cũng là đầu mối của tất cả những công việc khác trong xã-hội. Chính nó qui-định xu-hướng chung cho tất cả những hoạt-động của người. Những công cuộc giáo-dục, tài-chánh, hình-pháp v.v. đều tổ-chức theo một chánh-sách, tức là phải noi theo một chánh sách, tức là phải noi theo một đường lối chánh-trị rõ ràng.

Đối với những hoạt-động kinh-tế, hoạt-động để sản-xuất, phân-phối và lưu-chuyển các sản phẩm cần-thiết cho đời sống vật-chất, hoạt-động chánh-trị có những mối liên-quan chặt-chẽ. Những người theo lý-thuyết xã-hội Karl Marx vốn theo chủ-nghĩa duy-vật nên xem hoạt-động kinh-tế quan-trọng hơn hoạt-động chánh-trị. Họ cho rằng kinh-tế là cái hạ-từng cơ-sở của xã-hội, còn chánh-trị chỉ là một thượng-từng kiến-trúc. Hạ-từng cơ-sở kinh-tế chi-phối thượng-từng kiến-trúc chánh-trị rất mạnh: chính những phương-pháp sản-xuất vật-phẩm, yếu-tố chính của nền kinh-tế, qui-định cả hình-thức chánh-trị của xã-hội.

Chúng ta không thể phủ-nhận sự quan-trọng của yếu-tố kinh-tế. Trong đời sống của cá-nhơn cũng như trong đời sống các đoàn-thể, vật-chất bao giờ cũng có một ảnh-hưởng lớn lao đối với tinh-thần.

Tuy-nhiên, ở con người có học và những xã-hội mở-mang tinh-thần, dầu có bị sự chi-phối của vật-chất, cũng thường thắng thế hơn vật-chất. Do đó, khi các xã-hội đã thành hình và ổn-định, chánh-trị đã ảnh-hưởng đến kinh-tế nhiều hơn là bị kinh-tế ảnh-hưởng lại.

Nói một cách khái-quát thì hình-thức một xã-hội tùy-thuộc yếu-tố chánh-trị nhiều hơn yếu-tố kinh-tế. Chính sự sản-xuất kinh-tế cũng phải noi theo một chánh-sách do cơ-quan chánh-trị nêu ra. Vậy, dầu ta có xem kinh-tế là nền tảng của xã-hội, ta cũng không thể phủ-nhận rằng nền tảng của xã-hội, ta cũng không thể phủ-nhận rằng nền tảng ấy lệ-thuộc vào chế-độ chánh-trị, vì chính chế-độ chánh-trị qui-định hình-thức của nền tảng đó và định hướng cho sự tiến-triển của nó.

Trong sự kiến-trúc cơ-sở xã-hội, yếu-tố kinh-tế đóng vai tuồng của những vật-liệu, còn yếu-tố chánh-trị đóng vai tuồng những bản họa-đồ hướng dẫn sự xây-dựng. Vật-liệu tự-nhiên có ảnh-hưởng đến tánh-cách tòa kiến-trúc. Một tòa kiến-trúc bằng gạch và gỗ có khác với một tòa kiến-trúc bằng đá và sắt. Nhưng chính bản họa-đồ đã làm cho những vật-liệu như nhau biến thành một ngôi mộ, một cái lăng, một miếu-đường, một cung-điện, một ngôi nhà ở hay một trụ-sở công-cộng.

Với những dụng-cụ sản-xuất và một nền tảng kinh-tế như nhau, các dân-tộc có thể được tổ-chức theo nhiều lối khác nhau. Trước trận thế-giới đại-chiến thứ nhì, nước Mỹ, nước Nga và nước Đức đều là những nước cơ-giới-hóa, có một nền kỹ-nghệ mở-mang. Nhưng nước Mỹ được xây dựng theo lý-tưởng tự-do, nước Nga theo nguyên-tắc tập-sản, còn nước Đức theo chủ-trương độc-tài, song kính nể quyền tư-hữu của người. Điều này chỉ tỏ rằng trong một xã-hội, yếu-tố chánh-trị quan-trọng hơn yếu-tố kinh-tế rất nhiều, và chính hình-thức kinh-tế phải chịu sự chi-phối mạnh mẽ của chánh-trị.

Đứng về phương-diện con người mà xét, ảnh-hưởng của chánh-trị đối với đời sống cũng quan-trọng hơn: người của một dân-tộc có một nền kinh-tế ít mở mang nhưng theo một chế-dộ chánh-trị luơng-hảo có thể sung sướng hơn người một dân-tộc có một nền kinh-tế mạnh mẽ, nhưng theo một chế-độ chánh-trị gắt gao.

Nói tóm lại, tất cả các yếu-tố xã-hội, bắt đầu từ kinh-tế trở đi, đều bị sự chi-phối của chánh-trị. Nó có thể ảnh-hưởng lại chánh-trị, song thường phải tùy-thuộc chánh-trị. Do đó, ở bất cứ thời-đại nào và địa-phương nào, việc chánh-trị có lương-hảo thì những công việc khác mới hưng-vượng được, việc chánh-trị mà hủ bại thì những công việc khác không thể nào tránh khỏi được sự suy-đồi.

Như thế, việc chánh-trị liên-quan mật-thiết đến sự an-lạc của người, và những người chú-ý đến vấn-đề xã-hội không thể không quan-tâm đến sự hoạt-động chánh-trị được. Chính những người Cộng-sản chủ-trương rằng kinh-tế quan-trọng hơn chánh-trị cũng phải tổ-chức sự tranh-đấu cách-mạng hay sự tranh-đấu để bảo-vệ chánh-quyền mình, tức là lấy sự hoạt-động chánh-trị làm vấn-đề quan-trọng nhứt cho mình.

II.- VAI TUỒNG XÃ-HỘI CỦA NHỮNG LÝ-THUYẾT VÀ CHỦ-NGHĨA CHÁNH-TRỊ

A.- SỰ CẦN-THIẾT CỦA TƯ-TƯỞNG CHÁNH-TRỊ.

Người là một giống khôn ngoan, có trí-tuệ, có óc phán-đoán. Từ khi có ý-thức về đời sống của mình, người không còn hoàn-toàn tuân theo những phản-ứng tự-nhiên nữa, mà cố đặt những hành-động của mình dưới sự điều-khiển của lý-trí. Tuy hãy còn bị tiềm-thức chi-phối một cách mạnh mẽ, người đã biết cố gắng sống một cách hợp-lý. Đối với những hành-động có ảnh-hưởng sâu xa đến đời sống của người như hành-động chánh-trị, sự can-thiệp của lý-trí lại càng rõ ràng dễ thấy hơn.

Người hoạt-động chánh-trị phải tự nêu ra một mục-đích và tìm những phương-pháp để đạt mục-đích ấy. Để cho những người khác trong đoàn-thể theo mình hay ít ra cũng không phản-đối lại mình, người hoạt-động chánh-trị lại còn phải có đủ lý lẽ để biện-chánh cho mục-đích và phương-pháp ấy. Bởi đó, dầu muốn duy-trì một chế-độ cũ, muốn cải-tổ nó, thay đổi người lãnh-đạo nó hay muốn lật đổ nó để xây dựng một chế-độ mới, người đều phải có một tư-tưởng chánh-trị làm gốc. Tư-tưởng nầy giúp người hoạt-động chánh-trị những điều-kiện để thành-công. Nó nêu mục-đích người cần phải đạt, vạch rõ đường lối người phải noi theo để đạt mục-đích ấy, và giải-thích lý-do của mục-đích cùng đường lối được nêu ra.

B.- SỰ XUẤT HIỆN CỦA NHỮNG LÝ-THUYẾT VÀ CHỦ-NGHĨA CHÁNH-TRỊ.

Tự ngàn xưa, những chánh-khách đã nhận thấy sự cần-thiết và sự quan-trọng của tư-tưởng chánh-trị. Bởi vậy, trong xã-hội loài người, những tư-tưởng chánh-trị đã xuất-hiện rất sớm; có lẽ đã xuất-hiện từ lúc xã-hội mới phôi-thai.

Lẽ cố-nhiên là những tư-tưởng chánh trị đầu tiên rất thô-sơ giản-dị. Nó có thể chỉ dựa vào nguyên tắc tuân thượng lịnh hay một ý-niệm mơ hồ về huyết-thống. Nhưng nó đã mở mang ra mãi theo trí-tuệ người và lần lần ghép nhau lại thành những hệ-thống suy luận rất chặt-chẽ.

Những hệ-thống tư-tưởng dính dáng đến sự tổ chức xã-hội từ xưa đến nay rất nhiều, và chúng ta không sao kể cho hết được. Tuy thế, tất cả những hệ-thống quan-trọng xuất-hiện trước thế kỷ thứ 17 đều có một tánh-cách chung nhau là đặt nền tảng trên lòng tin tưởng và sợ hãi thần-minh.

Dưới những lập-luận rườm rà, với những chi-tiết khác nhau vô-cùng, ta có thể nhận thấy một ý-tưởng chung: con người do Thượng-Đế hay các vị thần-minh sanh ra và phải phụng sự Thượng-Đế hay các vị thần-minh ấy. Người lãnh đạo xã-hội thường được xem là thuộc dòng dõi của Thượng-Đế hay thần-minh, hoặc là kẻ đại-diện Thượng Đế hay thần-minh dưới trần. Không được như thế, họ cũng là kẻ đại-diên dân-chúng để cúng tế Thượng Đế hay thần-minh. Thượng Đế và thần-minh có quyền đối với người dân như thế nào thì người lãnh-đạo xã-hội cũng phải có quyền như thế ấy. Với tư-tưởng này, người rất dễ đi đến chế-độ độc-đoán và lạm-quyền, mặc dầu những nhà đạo-đức thường dạy rằng muốn xứng đáng ở ngôi-vị mình, người lãnh-đạo xã-hội phải cố lo cho quyền-lợi của dân.

Thế-kỷ thứ 17 đã thấy phát-hiện ở Âu-châu một nền tư-tưởng chánh-trị mới, không phủ-nhận lý-tưởng thần quyền, nhưng không còn dựa vào nguyên-tắc thần-quyền mà lý luận nữa. Nền tư-tưởng này lấy con người làm trung-tâm cho mọi hoạt-động chánh-trị và chủ-trương rằng sự tổ-chức xã-hội phải nhắm mục-đích phụng-sự con người trước hết. Đó là nền tư-tưởng dân-chủ được John Locke trình bày đầu-tiên ở Anh và Jean Jacques Rousseau với nhóm Bách-khoa truyền-bá ở Pháp, Nền tư-tưởng dân-chủ lần lần lan tràn khắp nơi trên thế giới. Ở nhiều nước, nó đã đánh bại được nền tư-tưởng thần-quyền và thiết-lập nên những chế-độ mới, đặt nguyên-tắc trên sự tự do cá-nhơn và sự bình-đẳng chánh-trị của các công-dân.

So với những lý-thuyết thần-quyền cũ, lý-thuyết dân-chủ đã tiến-bộ hơn nhiều. Tuy vậy, sự thực-hành nó đã gây ra cho người nhiều sự họa-hại. Về phương diện lý-thuyết thuần túy, nền tư-tưởng dân-chủ cũng chưa hoàn-toàn thỏa-mãn những học-giả quan-tâm đến các vấn-đề xã-hội. Vì đó, thế-kỷ thứ 19 lại thấy phát-xuất một xu-hướng mới, xu-hướng nhờ khoa-học dẫn đạo trong công việc hoạt-động chánh-trị và tổ-chức xã-hội loài người.

Phôi-thai với chủ-trương thực-nghiệm của Auguste Comte, xu-hướng này đã được cụ-thể-hóa với lý-thuyết xã-hội duy-vật của Karl Marx. Với những lý lẽ rườm rà, với nhiều luận-cứ có bóng dáng khoa-học, với những khẩu-hiệu tranh-đấu sắc-bén, với những lý-tưởng tốt đẹp, lý-thuyết Karl Marx đã hấp-dẫn được một số đông người và thành một động-lực rất mạnh làm đảo lộn cả trật-tự hoàn-cầu. Nó đã xung-đột kịch-liệt với những chế-độ thần-quyền còn tồn tại và những chế-độ dân-chủ thành-lập trong mấy thế-kỷ sau này. Nó đã thực-hiện được chế-độ nó chủ-trương trên một phần đất khá rộng từ đầu thế-kỷ thứ 20 và làm lung lay nền tảng nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, lý-thuyết duy-vật chưa nắm được phần thắng-lợi hoàn-toàn. Sự chiến-đấu cướp chánh-quyền giữa những người tôn thờ nó và những người theo chế-độ dân-chủ, cũng như sự áp-dụng chánh-sách nó nêu ra ở những nước nó thắng-lợi đã gây ra những phản-ứng mạnh mẽ ở nhiều nơi. Trong những nước có một truyền-thống dân-chủ sâu xa vững chắc, sự phản-ứng thường có một tánh-cách tốt đẹp : nó cải-thiện được xã-hội một phần nào và bồi-bổ những khuyết-điểm của chủ-trương dân-chủ.

Những nước chưa xây dựng được một nền tảng dân-chủ vững chắc và thiếu những phương-tiện để giải-quyết những vấn-đề xã-hội của mình đã có những phản ứng quá-khích hơn đối với sự xung đột giữa hai lý-tưởng dân-chủ và xã-hội. Những chủ-trương độc-tài phủ-nhận quyền tự-do và giá-trị cá-nhơn của người do đảng Phát-xít Ý và đảng Quốc-xã Đức nêu ra đã thắng thế, không những ở nước Ý và Đức, mà còn ở nhiều nước khác như Tây-ban-nha, Thổ-nhĩ-kỳ.

Nói một cách khái-quát, những chủ-trương phản-đối lý-thuyết dân-chủ và xã-hội cũng có đưa nhiều điều lợi-ích đến cho các dân-tộc noi theo nó, song những lợi-ích này không đủ bù vào những họa-hại nó mang đến. Vì đó, sau khi trận thế-giới đại-chiến thứ nhì kết-liễu, chế-độ độc-tài thi-hành ở các nước thua trận bị sụp đổ. Trong những nước cùng khuynh-hướng, nhưng trung lập trong trận chiến-tranh ấy, nó cũng phải cải-biến cho dịu bớt đi.

Ở những nước thuộc-địa và bán-thuộc-địa Á-Đông, nằm dưới ách của bọn thực-dân da trắng, hoặc bị các nước da trắng uy-hiếp một cách mạnh mẽ, những lý-thuyết dân-chủ và xã-hội đã gây ra một xúc-động lớn lao. Vì đó, sau những cuộc khởi-nghĩa dựa vào tinh-thần quốc-gia thuần-túy, dân chúng những nước ấy đã biết ghép những tư-tưởng dân-chủ và xã-hội vào chủ-trương quốc-gia của họ. Sự dung-hòa những lý-tưởng quốc-gia, dân-chủ và xã-hội đã đưa ra các chủ-nghiã Tam dân và Tân-Dân.
Đứng về mặt lý-thuyết mà nói, những chủ-nghĩa ấy tập-hợp hết những nguyện-vọng tốt-đẹp của người . Nhưng về mặt thực-hành, những người theo các chủ-nghĩa ấy hoặc nghiêng về phía chủ-trương độc-tài quốc-gia, hoặc ngã theo chủ-trương độc-tài xã-hội , thành ra các chủ-nghĩa Tam Dân và tân-dân không có được uy-tín mà đáng lẽ nó phải có.

C.-ẢNH-HƯỞNG NHỮNG LÝ-THUYẾT VÀ CHỦ-NGHĨA CHÁNH-TRỊ RA ĐỜI

Những tư-tưởng chánh-trị kể ra trên này đều có chứa đựng nhiều kinh-nghiệm về sự tổ-chức xã-hội .Nó đã cố tìm cách thỏa-mãn một phần những nguyện-vọng, những nhu cầu tinh thần của người .Ta có thể bảo rằng nó đã trả lời đúng những sự đòi hỏi của dân-chúng đã thấy phát-hiện nó. Do đó, nó có một sức hấp-dẫn mạnh-mẽ và lôi cuốn được một số đông người theo nó. Trong những xã-hội tổ-chức theo những nguyên-tắc nó nêu ra, nó đã nhào nắn được con người theo những khuôn khổ của nó.

Trong một thời-gian dài dặc, những lý-tưởng thần-quyền đã ngự-trị trên toàn-thể nhơn-loại. Mãi đến ngày nay, nó hãy còn chi-phối được một số đông người . Nhiều dân-tộc hiện còn hoàn-toàn sống theo chế-độ thần-quyền và những ý-tưởng mới rất ít ảnh-hưởng đến họ. Những giống dân tổ-chức theo chế-độ dân-chủ, và ngay đến những giống dân nằm dưới ách thống-trị của những nhà duy-vật phản-đối tôn-giáo cũng hãy chịu ảnh-hưởng của các tư-tưởng thần-quyền một cách mạnh mẽ. Thành-thật mà nói, số người hoàn-toàn thoát-ly sức chi-phối của thần-quyền trên thế-giới hết sức là ít ỏi.

Điều này không có nghĩa là những lý-thuyết dân-chủ và xã-hội không có ảnh-hưởng nhiều đến đời sống loài người . Những lý-thuyết này đã gây những cuộc biến-động đã và đang làm thay đổi hẳn cuộc-diện hoàn-cầu. Nó đã tạo ra những con người mới, tuy còn bị ảnh-hưởng của tư-tưởng thần- quyền, nhưng vẫn có một bản-sắc riêng, sống trong một xã-hội có đặc-tánh rõ ràng.

Những chủ-nghĩa Phát-xít và Quốc-xã chỉ thắng-thế trong một thời-hạn tương-đối ngắn ngủi, song cũng uốn nắn được một số đông người theo quan-niệm mình, và chủ-trương “tẩy não” cùng “dân-chủ-hoá” những con người phát-xít và quốc-xã, nếu có thành công, cũng cần một thời-gian khá dài.

Như thế, những nền tư-tưởng chánh-trị đã ra đời đều có chi-phối được đời sống của các dân-tộc một cách vô-cùng mạnh mẽ và đã đóng một vai tuồng quan-trọng trong lịch-sử loài người . Tuy vậy, nó hãy còn chứa rất nhiều khuyết-điểm.

III.- NHỮNG KHUYẾT -ĐIỂM CỦA NHỮNG LÝ-THUYẾT VÀ CHỦ-NGHĨA CHÁNH-TRỊ ĐÃ RA ĐỜI.

Những lý-thuyết và chủ-nghĩa chánh-trị đã ra đời đã được trình bày trong phần thứ nhất sách này và những nhược-điểm của nó về phương-diện thuần lý-thuyết cũng như về phương-diện thực-hành cũng đã được phân-tích kỹ càng. Lập lại những lý-luận cũ là điều vô-ích, nhưng đứng trên một quan-điểm khái-quát để vạch rõ những khuyết-điểm của các lý-thuyết và chủ-nghĩa chánh-trị đã ra đời tưởng cũng cần để ta có ý-niệm rõ rệt về tánh-cách tất-yếu của một chủ-nghĩa chánh-trị muốn thành-công trong sự xây dựng một xã-hội điều-hòa.

A.-KHUYẾT-ĐIỂM CUẢ LÝ-THUYẾT THẦN-QUYỀN

Những lý-thuyêt thần-quyền đã phát sanh lúc con người chưa hiểu rõ những hiện-tượng thiên-nhiên trong võ-trụ nên đã dựa vào một quan-niệm rất sai lầm về đời sống của người . Vì đó, nó lấy việc phụng-sự những lực-lượng siêu-hình làm mục-đích chánh-yếu mà lãng quên đời sống thực-tế của người.

Sự sai lầm về cứu-cánh nêu ra đã làm hư hỏng cả những cơ-sở được xây dựng. Mặc dầu hệ-thống lý-luận của nó cũng có mạch lạc vững chắc và những phương-pháp và phương-tiện trị dân nó cống-hiến cho người cũng có dựa vào những kinh-nghiệm già giặn, những lý-thuyết chánh-trị thần-quyền đã thất-bại trong sự tổ-chức một xã-hội điều-hoà.

Suốt thời-kỳ ngự-trị dài-dặc của nó, nhơn-loại đã phải sống trong cảnh tối tăm hỗn-loạn. Và những khoảng thạnh-trị ngắn ngủi mà con người được hưởng lúc đó thường chỉ lả kết-quả của sự ngẫu- nhiên , của đức-tánh đặc-biệt một số người lãnh-đạo, nếu không phải là một cảm-giác do sự đối-chiếu cảnh huống đương-thời với một tình-thế quá hỗn-loạn trước đó mà có.

B. KHUYẾT-ĐIỂM CUẢ LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ

Lý-thuyết dân-chủ xuất-hiện từ thế-kỷ thứ 17 không còn chủ-trương phụng-sự những lực-lượng siêu-hình mà biết lấy việc phụng-sự đời sống của người làm cứu-cánh. So sánh với những lý-thuyết thần-quyền, nó biểu-hiệu một bước tiến khá dài cùa tư-tưởng chánh-trị con người . Với cứu-cánh phụng-sự đời sống con người của nó, với những tri-thức về võ-trụ mà những phát-minh khoa-học giúp cho người trong thế-kỷ thứ 18 và 19, đáng lẽ nó phãi đưa người đến một chế-độ hoàn-mỹ. Nhưng nó không đạt được kết-quả tốt-đẹp ấy, vì nó đã được xây dựng trên những nguyên-tắc triết-lý nhiều hơn trên nguyên-tắc khoa-học.

Con người với một tánh-chất bẩm-sanh tốt và có những quyền thiên-nhiên bất-khả xâm-phạm mà Locke và Rousseau đã dựa vào để xây dựng những thuyết tự-do bình-đẳng hoàn-toàn là một con người hư-ảo. Đó là một sản-phẩm của trí-tuệ, nằm trong óc tưởng-tuợng của những triết-gia chớ không hề xuất-hiện trong đời sống thực-tế. Những xã-hội kiến-thiết cho con người lý-tưởng ấy tự-nhiên không thích-hợp cho con người thật sự. Những chỗ sở-đoản trong bản-chất con người đã làm cho những xã-hội dân-chủ mất tánh-cách tốt đẹp lý-thuyết của nó và nhiều khi phải đắm chìm trong sự hỗn-loạn.

C.-KHUYẾT-ĐIỂM CỦA LÝ-THUYẾT XẪ-HỘI

Những lý-thuyết gia xã-hội đã khởi-hành với một lập-trường hợp-lý hơn các lý-thuyết gia dân-chủ. Chẳng những lấy việc phụng-sự đời sống của người làm mục-đích, họ còn chủ-trương đặc nền tảng sự suy-luận của họ trên những luận-cứ khoa-học nữa. Chủ-trương này rất đúng và có thể mang đến những kết-quả khả-quan. Nhưng sự thật, lý-thuyết xã-hội cũng lại phụ lòng kỳ-vọng của người . Như thế, là vì những lý-thuyết-gia xã-hội đã tự mình phản-bội chủ-trương của mình.

Mặc dầu tự xưng rằng mình có tinh-thần khoa-học hoàn-toàn, những lý-thuyết-gia xã-hội đã bắt đầu hệ-thống lý-luận họ bằng sự giải-quyết một vấn-đề có tánh-cách triết-lý nhiều hơn khoa-học : vấn-đề nguồn gốc vật-chất và tinh-thần. Đó là một vấn-đề vượt khỏi sự nhận-thức của người . Bởi đó, tuy hiện giờ cả hai bên duy-vật và duy tâm đều có dùng những lý-luận khoa-học để chứng tỏ rằng mình hữu-lý, lòng tin tưởng của họ dựa vào sự tín-ngưỡng nơi lẽ phải của mình nhiều hơn là vào lý-trí thật sự.

Với một khởi-điểm sai lầm như thế, lý-thuyết xã-hội tự-nhiên không thể có một cơ-sở vững chắc và đúng đắn được. Xét một cách khách-quan, những nguyên-tắc chánh-yếu của thuyết duy-vật, của duy-vật biện-chứng-pháp và duy-vật sử-quan đều là những khẳng-định tiên-nghiệm. Những luận-chứng khoa-học chỉ được ghép vào sau đó để chống đỡ cho những khẳng-định tiên-nghiệm này. Một sự-kiện nêu ra cũng có phù-hợp với những khẳng-định ấy,nhưng, như ta đã thấy trong phần nghiên-cứu về lý-thuyết xã-hội , phần lớn những luận-cứ cộng-sản không đúng với sự-thật. Đọc lý-thuyết đó, người ta có cảm-giác rằng, những nhà học-giả cộng-sản đã uốn nắn lịch-sử và xã-hội để bắt buộc nó khép mình vào khuôn khổ họ tạo ra.

Trong hệ-thống tư-tưởng Karl Marx, con người làm trung-tâm-điểm cho mọi lý-luận có phần cụ-thể hơn con người của lý-thuyết dân-chủ. Tuy nhiên, con người ấy chỉ được quan sát dưới một quan-điểm cố-định và hẹp-hòi nên bị biến-hình đi rất nhiều và không phù-hợp với con người thật-sự.

Vì những lý-do trên này, lý-thuyết xã-hội duy-vật không đủ tánh-cách để được xem là một chủ-nghĩa chánh-trị khoa-học. Nói cho đúng ra, nó là một chủ-nghĩa khoa-học ấu-trĩ, chỉ khoa-học ở một số luận-lý mà không khoa-học trong nền tảng.

Với chủ-trương “động” và “tiến-hóa” của biện-chứng-pháp, đáng lẽ lý-thuyết xã-hội có thể mở mang và tự sửa chữa những chổ sai lầm để trưởng-thành lên và trở nên một chủ-nghĩa khoa-học thật sự. Nhưng thái-độ võ-đoán của đám môn đồ Karl Marx đã giữ mãi những nguyên tắc chánh yếu của lý- thuyết duy-vật trong hình-thức Marx nêu ra, và triệt-để bài-xích tất cả những ai dựa vào lý-luận biện-chứng-pháp mà sửa chữa những chủ-trương của Marx.

Cũng như tục bó chơn làm cho bàn chơn của người đàn bà Trung-Hoa trước kia hóa thành bịnh-tật và dị-dạng, chánh-sách của những môn-đồ Karl marx đã dồn lý-thuyết xã-hội duy-vật vào chứng bịnh “phát dục bất toàn”, làm cho nó thiếu hẳn điều-kiện để thi hành sứ-mạng mà nó muốn đảm nhiệm. Được cấu-tạo với mục-đích mưu-đồ hạnh phúc cho người, nó đã không giải-quyết được những nỗi đau khổ của người , mà ngay ở những chỗ nó hoàn-toàn thành-công, nó lại còn làm cho cuộc đời của người hóa ra đen tối hơn trong thời-kỳ họ sống dưới những chế-độ cũ mà nó bài-xích.

D.-KHUYẾT-ĐIỂM CỦA NHỮNG CHỦ-NGHĨA PHÁT-HIỆN SAU NHỮNG LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ VÀ XÃ-HỘI.

Những chủ-nghĩa phát-xít và quốc-xã chống chọi lại các lý-thuyết dân-chủ và xã-hội đã đi quá xa trên con đường phản-động lại trào-lưu tiến-hóa của tư-tưởng chánh-trị con người .Thật ra, nó chưa đến nỗi trở về hẳn với lý-thuyết thần-quyền, và chủ-nghĩa quốc-xã cũng có nêu ra một số lý-luận dựa vào khoa-học. Nhưng cũng như các lý-thuyết thần-quyền, những chủ-nghĩa phát-xít và quốc-xã phủ-nhận hẳn mục-đích phụng sự con người và bắt buộc người phải tùy-thuộc đoàn-thể một cách mù quáng. Trong trường hợp đó, tự nhiên nó phải đưa đến những sự lạm dụng làm khổ cho người.

Chủ-nghĩa Tam-Dân đã cố sửa chữa những chỗ sai lầm của những lý-thuyết dân-chủ và xã-hội, và tìm cách dung-hòa hai lý-thuyết ấy với nhau. Chủ nghĩa Tân-Dân cũng lọc lấy phần lý-tưởng của lý-thuyết dân-chủ để ghép vào chủ-trương giai-cấp tranh-đấu của lý-thuyết xã-hội. Như vậy, những chủ-nghĩa Tam-Dân và Tân-Dân vẫn chấp-nhận cứu-cánh phụng-sự con người, nhưng cũng đặt lý-luận mình trên ý-niệm về những con người hư-ảo hay khiếm-khuyết mà lý-thuyết dân-chủ và xã-hội đã nêu ra. Do đó, các chủ-nghĩa ấy cũng không thể thành-công hơn các lý-thuyết dân-chủ và xã-hội được.

IV.- ĐIỀU-KIỆN CẦN-THIẾT ĐỂ THÀNH-CÔNG TRONG SỰ KIẾN-THIẾT MỘT XÃ-HỘI ĐIỀU-HÒA : MỘT CHỦ-NGHĨA CHÁNH-TRỊ HỢP-LÝ.

A.- CHỖ BẤT-HỢP-LÝ CỦA CÁC LÝ-THUYẾT VÀ CHỦ-NGHĨA CHÁNH-TRỊ ĐÃ RA ĐỜI.

Những lý-thuyết và chủ-nghĩa chánh-trị đã ra đời từ trước đến nay đã đóng góp một phần công-nghiệp vào việc duy-trì xã-hội. Nó đã nêu ra những lý-tưởng tốt đẹp và đã cố tìm cách thỏa-mãn một phần nào những nguyện-vọng của con người. Thành thật mà nói, nó cũng có hữu-ích cho người. Tuy vậy, nó đã không thành-công trong sự xây dựng một xã-hội điều-hòa, vì hãy còn chứa nhiều khuyết-điểm. Những khuyết-điểm này không sao có thể tránh được với trình-độ trí-thức thấp kém của người thuở trước. Đặt những lý-thuyết gia chánh-trị trước đây, từ những nhà tôn-giáo đến những triết-gia của thế-kỷ thứ 17 và 18 và những nhà cách-mạng của thế-kỷ thứ 19 và 20 vào khung-cảnh xã-hội của họ, ta đều có thể nhận thấy rằng họ đã đi trước thời-đại họ và đã có một công-nghiệp rất lớn trong sự hướng-dẫn xã-hội loài người trên con đường tiến-hóa. Nhưng tưởng ta không nên để cho lòng tôn-kính của ta đối với họ, làm cho ta mù quáng đến nỗi chấp-nhận cả những chỗ sai lầm, những chỗ bất-hợp-lý trong tư-tưởng họ, và nhắm mắt để khỏi trông thấy sự thất-bại của họ.

Lấy lý-trí của người thời nay mà xét thì từ trước đến giờ, các lý-thuyết-gia chánh-trị đã thất-bại trong sự xây dựng một xã-hội điều-hòa phụng-sự được con người. Nguyên nhơn sự thất-bại này nằm trong sự bất-hợp-lý các lý-thuyết họ nêu ra.

Những lý-thuyết thần-quyền cũng như hai chủ-nghĩa phát-xít và quốc-xã đã phạm vào cái lỗi lầm rất lớn là không lấy việc phụng-sự con người làm cứu-cánh cho mình. Các lý-thuyết dân-chủ xã-hội và các chủ-nghỉa Tam Dân và Tân-Dân có tiến-bộ hơn vì đã biết lấy con người làm trung-tâm-điểm cho mọi hoạt-động chánh-trị và chủ-trương mưu-đồ hạnh-phúc cho người. Tuy thế, các lý thuyết và chủ-nghĩa này lại phạm vào một lỗi lầm khác không kém phần quan-trọng là không xây dựng những nguyên-tắc căn-bản của mình trên con người thật-sự, con người bằng xương bằng thịt sống ngoài đời. Những con người làm gốc cho sự lý-luận của họ nếu không phải là những con người hư-ảo không hề có ngoài đời thì cũng chỉ là những hình bóng khiếm-khuyết về con người.

Nói như thế không phải là bảo rằng những lý-thuyết-gia dân-chủ và xã-hội cùng những lý-thuyết-gia cố dung-hòa hai lý-tưởng dân-chủ và xã-hội không hề quan sát xã-hội trước khi nêu ra lý-thuyết của mình. Thật-sự, họ có quan-sát xã-hội trong đó họ sống.

Nhưng trong sự quan-sát này, họ chỉ nhắm vào những tệ-đoan làm cho con người khổ-sở. Locke và Rousseau chỉ quan-tâm đến sụ thiếu tự-do và bất-bình-đẳng của xã-hội Âu-châu vào thế-kỷ thứ 17 và 18. Karl Marx chỉ nhìn vào sự bóc lột lao-động của những nhà tư-bản thế-kỷ thứ 19, Tôn Văn chú-trọng nhiều nhứt đến cảnh dân-tộc Trung-Hoa bị liệt-cường chi-phối và uy-hiếp, Mao Trạch-Đông chỉ cố gắng áp-dụng lý-thuyết Marx vào xã-hội Trung-Hoa.

Sự quan-sát trong một phạm-vi hẹp hòi đã đưa các lý-thuyết-gia trên đây đến cái phản-úng tự-nhiên là đánh đổ chế-độ cũ để cải tổ xã-hội lại cho nó tốt đẹp hơn. Nhưng trong sự xây-dựng xã-hội mới, họ lại không nghiên-cứu đến bản-chất con người, mà lại nêu ra một định-lý là con người vốn tốt và có đủ đức-tánh cần thiết để tạo ra một xã-hội hoàn-toàn, một thiên-đường ở chốn trần-gian. Lý-luận của Karl Marx để chứng-minh rằng xã-hội hoàn-tòan này nhứt-định phải thực-hiện được quả có dựa vào nhiều chứng-cứ khoa-học, nhưng lập-luận khoa-học này vẫn không cải-hóa được tánh-cách không-tưởng của cái cứu-cánh được nêu ra.

Với những lời chỉ-trích rất đúng đắn về các chế-độ cũ, với những lời hứa hẹn phù-hợp với nguyện-vọng nhiều người, những lý-thuyết và chủ-nghỉa sau này đã huy-động được một số chiến-sĩ đông đảo và phá-hoại được hay ít nhứt cũng làm lung lay được những chế-độ cũ. Tuy thế, trong sự xây dựng chế-độ mới, nó không thành công được như ý muốn.

Điều này cũng không có chi lạ. Con người, dẫu có thộng-minh tài-trí đến đâu, cũng chĩ là một phần-tử nhỏ-nhặt của võ-trụ. Do đó, người không thể sửa đổi bản-chất của võ-trụ và không thễ đi trái với những định-luật thiên-nhiên chi-phối võ-trụ.

Những định-luật thiên-nhiên này, người đã cãm thấy tự ngàn xưa. Người thái-cổ đã nhận-chân rằng trong thế-giới, có một trật-tự hiển-nhiên. Mặt nhựt sáng mọc ở phương đông, chiều lặn ở phương tây. Mặt nguyệt tự bao giờ vẫn tròn khuyết, khuyết tròn theo một châu-kỳ bất biến. Sự luân-chuyển ngày đêm và bốn mùa xuân hạ thu đông không khi nào sai lạc. Dựa vào những sự nhận xét này, người tổ-chức sự sanh-hoạt vật-chất của mình : việc cày cầy, chăn nuôi, săn bắn, chài lười, tầm tang v.v ngày trước cũng như bây giờ, đều tùy theo thời tiết.

Khoa-học hiện-tại đã cho người hiễu rõ thêm về sự diễn-tiến của các hiện-tượng thiên-nhiên đó, lại giúp cho người biết những đặc-tánh các vật-chất : người đã nghiên-cứu được những cơ-cấu của các tác-động vật-lý và hóa-hợp một cách rành rẽ.

Những phát-minh khoa-học trong mấy thế-kỷ gần đây ghép vào sự nhận xét của người thời trước, đều chứng tỏ rằng võ-trụ cấu-tạo theo một qui-phạm chặt-chẽ, và tất cả các hiện-tượng phát sanh trước mắt ta đều đặt dưới sự chi-phối của những định-luật thiên-nhiên bất di bất-dịch. Vì đó, dầu gán cho những định-luật thiên-nhiên này một nguồn gốc thần-quyền, hay cho rằng nó chỉ là một tánh-cách nội-tạo tự-nhiên của vật-chất, người ta đều phải công-nhận rằng những định luật thiên-nhiên có thật, và con người phải lệ-thuộc nó một cách chặt chẽ.

Ngày nay, những kẻ có học đều hiểu rằng con người, dẫu là Mahomet đi nữa, không bao giờ, có thể khiến cho quả núi chạy lại bên mình : muốn đứng gần bên núi, người chỉ có cách duy-nhứt là tự mình đi đến quả núi. Sự nhận-chân được tánh-cách bất-di bất-dịch của định-luật thiên-nhiên và sự bất-lực của người trong việc chống-chọi lại các định-luật ấy, đã đưa con người đến lòng tin nơi khoa-học, và khẩu-hiệu “phải tuân lịnh thiên-nhiên nếu muốn điều khiển nó”.

Áp-dụng được khẩu-hiệu này trong các ngành kỹ-nghệ, người đã thực-hiện đuợc những công-trình vĩ-đại. Người đã thâu-phục được nhiều lực-lượng thiên-nhiên mạnh mẽ, người đã chế-ngự được vật-chất và bắt nó phụng-sự đời sống của mình. Sự hiểu biết các định-luật thiên-nhiên về các tử-chất đã giúp người làm chủ địa cầu và nâng cao trình-độ kỹ-thuật của mình lên một mực chưa từng thấy trong lịch-sử.

Những định-luật thiên-nhiên chi-phối đời sống các sanh-chất và sanh-vật khó nhận-thức hơn những định-luật thiên-nhiên chi-phối các tử-chất. Như thế là vì các sanh-chất vốn mỏng manh khó vận dụng, dễ mất sanh-khí, dễ biến-chất, lại có thể phản-ứng lại các kích-thích ngoại-lai theo nhiều lối, thành ra khó khảo-sát và khó thí-nghiệm hơn các tử-chất.

Thêm nữa, những định-luật thiên-nhiên về sanh-chất và sanh-vật không thể dự-định một cách chắc chắn những tác-động của sanh-chất và sanh-vật, mà chỉ nêu ra những xu-hướng qui-định những tác-động của sanh-chất và sanh-vật. Do đó, nó không được rõ ràng nghiêm-xác bằng những định-luật thiên-nhiên chi phối các tử-chất. Nếu người ta có thể nói trước bao giờ có nhựt-thực, nguyệt-thực, hay quả-quyết hiện-tượng gì sẽ xảy ra khi ta trộn chung một toan-chất và một diêm-cơ, người ta không thể nói trước ngày giờ chết của một người bình thường, tuy có thể biết rằng người ấy thọ hay yểu. Người ta cũng không thể quả-quyết một sự-kiện nhứt-định - thí-dụ như chiến-tranh hay việc áp-dụng một chánh-sách kinh-tế nào đó - ảnh-hưởng đến một dân-tộc như thế nào.

Nhưng mặc dầu khó nhận-thức và không nghiêm-xác bằng những định-luật thiên-nhiên chi-phối các tử-chất vô-cơ, những định-luật thiên-nhiên về sanh-chất và sanh-vật cũng chi-phối đời-sống con người một cách chặt chẽ. Nói cho đúng ra, người có thể phạm vào nó, trong khi người hoàn-toàn không thể phạm vào các định-luật về tử-chất vô-cơ. Nếu người không thể tự mình bay bổng lên không-trung, người có thể sống một cách trác-táng, phung-phí sanh-lực mình.

Nhưng sự vi-phạm các định-luật thiên-nhiên về sự sống luôn bị trừng phạt một cách gắt gao, tuy sự trừng-phạt này âm-thầm, không một lời cảnh-cáo. Con người trác-táng không những phải chứng-kiến sự hao mòn của thể-chất, trí-tuệ và tinh-thần mình, mà còn phải chứng-kiến những kết-quả khốc-hại của hạnh-kiểm mình đối với con cháu mình nữa, “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” đó là một sự thật mà tổ-tiên ta đã nhận thấy từ xưa.

Như thế, một cách ý-thức hay vô-ý-thức, người đã biết đến các định-luật thiên-nhiên chi-phối đời sống mình. Người cũng đã từng áp-dụng những định-luật ấy trong đời sống mình. Những thuật dưỡng sanh, những phép ngừa bịnh và trị bịnh, những phương-pháp giáo-dục, và gần đây hơn nũa, những phương-pháp tuyên-truyền, vận-dụng quần-chúng, cũng như những phương-pháp chế-ngự con người, đều không ít thì nhiều, dựa vào các định-luật thiên-nhiên trên này. Kinh-nghiệm đã cho chúng ta biết rằng trong những công việc làm trên đây, người càng đi sát với đinh-luật thiên-nhiên thì càng dễ thành-công.

Nhưng trong sự xây-dựng một lý-thuyết chánh-trị hướng-dẫn sự tổ-chức đời-sống công-cộng của mình, người đã gạt qua một bên những định-luật thiên-nhiên, chỉ nhìn vào những nguyện-vọng, những mơ-ước của mình. Con người vốn không thể thay đổi bản-chất võ-trụ, và sự đi ngược lại các định-luật thiên-nhiên, nếu có được, cũng đưa đến những kết-quả tai-hại cho người, sự xây-dụng xã-hội với những nguyên-tắc không hợp với các định-luật thiên-nhiên chi phối đời sống con người tất-nhiên phải thất-bại, và đưa đến cho người những sự đau khổ khốn-cùng.

B.- NHỮNG NGUYÊN-TẮC TẤT-YẾU HƯỚNG-DẪN SỰ XÂY DỰNG MỘT CHỦ-NGHĨA CHÁNH-TRỊ HỢP-LÝ.

Sự nghiên-cứu những chế-độ xã-hội đã được xây dựng và những lý-thuyết hướng-dẫn sự xây-dựng những xã-hội ấy, đã cho chúng ta thấy rõ rằng từ trước đến giờ, những chánh-khách chưa lúc nào thiết-lập được một xã-hội điều-hòa như ý muốn, vì họ đã phạm vào một lỗi rất lớn : không nghĩ đến việc phụng-sự con người, hoặc nghĩ đến việc phụng-sự con người nhưng không thèm biết đến đời sống thật-tế của người, hay chỉ biết nó một cách sai lạc.

Muốn cho sự tổ-chức đời sống công-cộng đưa đến những kết-quả mỹ-mãn hơn, chúng ta cần phải noi theo một chủ-nghĩa chánh-trị hợp-lý hơn. Chủ-nghĩa này không những phải nhằm mục-đích phụng-sự con người, mà lại còn phải đủ điều-kiện để phụng-sự con người một cách đắc-lực. Nó phải giải-quyết mọi vấn-đề theo quan-điểm của con người, nhưng không thể dựa vào những ảo-vọng không tưởng của người, mà phải dựa vào những nhận xét xác-thật về đời sống của người và về sự tương-quan giữa người với thế-giới bên ngoài.

Nói một cách khác, nó phải được cấu-tạo cho những con người thật-sự, những con người bằng xương bằng thịt sống ngoài đời, với những khả-năng hiện tại của họ và những phát-triển mà họ có thể đi đến trong tương-lai. Nó phải hướng về chỗ tổ-chức một xã-hội phù hợp với con người thật-sự đó.

Để xây dựng chủ-nghĩa chánh-trị hợp-lý này,chúng ta phải nghiên-cứu về vị-trí con người trong võ-trụ, về bản-chất con người, về những động-lực thúc đẩy người hoạt-động, và những điều-kiện hoạt-động của người. Như thế, chúng ta phải ích-dụng nhiều tri -thức của nhiều ngành khoa-học khác nhau, nhứt là những ngành khoa-học con người.

Những khoa-học này thật ra rất nhiều, và những vấn-đề nó nghiên-cứu không thể kể xiết, lại rất nhiều phức-tạp và rộng rãi. Một mặt khác, nhiều vấn-đề mãi đến nay vẫn chưa giải-quyết được một cách ổn-thỏa hoàn-toàn, và người ta chỉ có thể đưa những giả-thuyết để hướng-dẫn sự nghiên-cứu của mình. Bên một số người chấp-nhận những giả-thuyết với tư-cách là giả-thuyết, một số người khác đã lấy một hay nhiều giả-thuyết làm những định lý và tin tưởng nhiệt-thành nơi nó. Đó là một thái-độ triết-lý hơn là khoa-học. Chính thái-độ này đã đưa các lý-thuyết-gia xã-hội đến một chủ-nghĩa khoa-học ấu-trĩ rất có hại cho người. Chúng ta không thể noi theo con đường sai lầm ấy. Chúng ta phải có can-đảm thú-nhận rằng có những vấn-đề vượt khỏi sự nhận-thức của con người như vấn-đề nguồn gốc và ý-nghĩa của vật-chất và tinh-thần chẳng hạn. Sự giải-quyết vấn-đề này thật ra cũng cần-thiết cho tinh-thần người, nhưng nó không cần-thiết cho sự tổ-chức xã-hội.

Lấy một giả-thuyết làm một định-lý rồi bắt buộc người ta phải nghĩ như mình là một thái-độ độc-đoán sẽ làm khổ cho một số đông người trong xã-hội. Nếu ta không thể nhận được việc những nhà tôn-giáo dùng võ-lực bắt buộc người khác theo đạo mình, ta cũng không thể tán-thành thái-độ những kẻ vô-thần dùng sự bạo-tàn để cấm người ta theo đạo. Thiết-tưởng về những vấn-đề đó, chúng ta nên để cho mỗi người tự tìm lấy câu trả lời thích-hợp cho mình. Với tư-cách là những nhà chánh-trị, chúng ta chỉ cần nhận-chân sự sống là thực-tại, và lấy việc phụng-sự đời sống của người làm mục đích mà thôi.

Thái-độ trên này không phải là phản khoa-học. Nó còn khoa-học hơn thái-độ những kẻ nhứt-quyết theo chủ-trương duy-tâm hay duy-vật, mà không hoàn toàn chứng-minh được rằng chủ-trương mình hoàn-toàn đúng. Ta nên nhớ rằng tinh-thần khoa-học chơn-chánh không phải chỉ bài-xích những khẳng-định tiên-nghiệm mà thôi, nó còn bài-xích những phủ-định tiên-nghiệm nữa. Chủ-trương duy-vật khi quả quyết rằng không có Thượng-Đế mà không trả lời bằng khoa-học nhiều câu hỏi được nêu ra, thí-dụ như câu “tại sao những sự tác-động ngẫu-nhiên của vật-chất lại có thể đưa đến những sự tiến-hóa rất lạ lùng trong võ-trụ?” thật ra đã có một phủ-định tiên-nghiệm và không hoàn-toàn hợp với tinh-thần khoa-học chơn-chánh. Tinh thần này đã được một nhà đạo-đức đông-phương, Khổng Tử, tóm lại trong câu : “Biết thì bảo mình biết, không biết thì bảo mình không biết, đó là mới thật là biết” (Tri chi vi tri chi, bất tri chi vi bất tri chi, thị tri dã.) Chủ-nghĩa chánh-trị hợp-lý phải được xây dựng trên tinh-thần này, và sẽ nhường những vấn-đề siêu-hình lại cho các nhà triết-lý và tôn-giáo giải-quyết.

Về sự tiến-hóa của nhơn-loại và cơ cấu của tâm-hồn người, khoa học hiện-đại chưa đi đến những tri-thức chánh-xác, nhưng cũng đã phác ra được một khuôn khổ đại-cương mà ta có thể nhận là đúng đắn. Chủ-nghĩa chánh-trị hợp lý có thể dựa vào khuôn-khổ đại-cương này. Sự tiến-triển của các nghành khoa-học sau này sẽ mang đến nhiều tri-thức mới ghép thêm vào khuôn-khổ đó. Chủ-nghĩa chánh-trị hợp-lý của chúng ta sẽ có thể được bồi-bổ và được sửa chữa nhờ các tri-thức mới này. Nó sẽ không ngưng-kết lại trong một hình-thức cố-định như các lý-thuyết và chủ-nghĩa chánh-trị đã ra đời, mà sẽ trưởng-thành lên mãi mãi để có thể hướng-dẫn dân-tộc chúng ta trong sự tổ-chức một xã-hội điều-hòa.

Mục Lục

Xem tiếp Chương II, Phần Thứ Nhì