Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

Vụ án ly kỳ trong cung đình Hànội:
Thế cân bằng động giữa 2 đối thủ

*so sánh thế và lực*quả bóng trở lại chân bộ chính trị*kẻ tước đoạt tự do không có tự do *không phải chuyện cá nhân, phe phái, là sự sống còn của ĐCS * câm ư, sự tan rã của đảng là cầm chắc !


Bùi Tín Paris. 18/9/2004.

Vụ án ly kỳ TC2 + T4 đang được bàn tán khá nhiều trong nước, nhưng vẫn còn bị bưng bít và ngăn chặn sự loan truyền ; nó vẫn còn có nguy cơ bị bóp ngẹt . Ở ngoài nước, vụ án còn xa lạ trong công luận quốc tế .

So sánh lực lượng của 2 bên đối lập hiện nay ra sao?

Thật ra nhóm tội phạm trong vụ này không nhiều ; bị tố cáo rõ tên và tội danh , có Lê Đức Anh, Đặng Vũ Chính, Nguyễn Chí Vịnh, Đặng Đình Loan. Tội danh là: ‘’dùng TC2 để vu cáo, phá hoại nghiêm trọng đảng và nhà nước‘’. Số này đã thất thế, không còn chức quyền nào, đã bị ‘’cảnh cáo nghiêm khắc ‘’ trong nội bộ đảng và nghỉ hưu, nhưng vẫn táo tợn, hung hãn, do còn dựa được vào một số kẻ đương quyên.

Nếu đem ra xét xử thì bọn tòng phạm chắc cũng không nhiều.

Tình hình gay go là do Bộ chính trị tuy đa số không bênh vực và ủng hộ Lê Đức Anh, không thể không thừa nhận tướng Giáp có lẽ phải, có lý đúng, nhưng tất cả đều run sợ đưa ra công khai trước công luận.

Số người trong bộ chính trị kiên quyết bảo vệ Lê Đức Anh, theo thứ tự mạnh mẽ, chỉ có : - Phạm Văn Trà, bộ trưởng Quốc phòng, do LĐA đưa lên, trực tiếp nắm TC2, tham nhũng: 2 vợ, 3 nhà…;Nguyễn Khoa Điềm, trùm tư tưởng – văn hóa, trùm kềm kẹp báo chí, cùng quê Thừa thiên - Huế với Anh và Loan, bị đông đảo trí thức, văn nghệ sỹ khinh ghét;Trần Đức Lương, chủ tịch nước, uy tín cực thấp cả trong đảng và ngoài xã hội, tham nhũng nặng; Trần đình Hoan, trưởng ban tổ chức trung ương, có quyền lực về sắp xếp nhân sự, bộ máy.

Ngoài 4 vị trên trong bộ chính trị, còn có Đõ Mười ,nguyên tổng bí thư, nguyên cố vấn, nổi tiếng là kẻ tận diệt tư sản-tư hữu; cực kỳ bảo thủ, ăn hối lộ, không còn quyền lực, nhưng vẫn còn ‘’uy‘’ với số tay chân cũ …

5 vị trên đây tuy chưa phải đa số, nhưng lại nắm các quyền lực then chốt : quốc phòng, tư tưởng, tổ chức, chính quyền, cộng với ‘’thần quyền‘’ kiểu gốc đa của Đỗ Mười nên khá mạnh; thêm nữa, họ câu kết chặt với nhau với ý chí kẻ bị dồn áp chân tường : quyết sống sót, tồn tại hay là chết.

Đối lập với họ là thế lực trung thành với tướng Giáp, đông đảo tướng lĩnh, sỹ quan, đảng viên thường, cựu chiến binh, trí thức ; về lực, họ đông đảo gấp hàng ngàn lần lực của LĐA, nhưng về thế, lại không có tổ chức, không có điều khiển thống nhất, không nắm quyền lực. Về ý chí đấu tranh, tướng Giáp và số thân cận có quyết tâm cao, có mưu lược khá, có tinh thần phản công bển bỉ, khá tự tin, tin ở lẽ phải, lẽ công bằng, tin ở quần chúng…

Thế lực này được sự ủng hộ khá mạnh mẽ, dứt khoát của anh chị em dân chủ trong nước (như các vị Hoàng minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương, Phạm Hồng Sơn, Hà Sỹ Phu…) với lập luận rằng vụ án kết thúc công khai theo luật pháp hiện hành sẽ có thể mở đường thuận lợi cho quá trình hình thành Nhà nước pháp quyền, thực thi dân quyền, dân chủ.

Do đó, nếu so sánh 2 đối thủ, với những ưu, khuyết và nhược điểm của mỗi bên, thì hiện nay nhìn chung tình hình đang ở thế giằng co, có thể gọi là ‘’thế cân bằng động’’, luôn chuyển động - thế và lực luôn chuyển hóa lẫn nhau - để có thể đi đến ngả ngũ trong tương lai gần, từ nay đến cuối năm, qua những động thái có thể có trong cuộc họp Quốc hội mùa thu này và cuộc họp Trung ương Đảng lần 11 (khóa IX) vào cuối năm; sự giằng co cũng có thể kéo dài, nhùng nhằng trong năm 2005, để ngả ngũ tại Đại hội Đảng X vào đầu năm 2006.

Trong cuộc đọ sức gay gắt mà âm thầm này, theo cơ chế hiện hành, Bộ chính trị ĐCS vẫn đang gánh trách nhiệm giải quyết bằng giải pháp nào , hoặc hòa giải êm thấm giữa 2 bên, hoặc đưa ra luật pháp để công khai xét xử như ‘’bên đơn ‘’ yêu cầu.

Trong Bộ chính trị (hiện còn 14 ngưới sau khi Lê Minh Hương chết), 4 vị bênh LĐA như đã kể , còn lại 10 vị tuy thừa nhận ‘’ngầm’’ là LĐA đã thật sự phạm sai lầm nặng, đã ‘’cảnh cáo nghiêm khắc ‘’ LĐA và đồng bọn, nhưng lại rất sợ vụ án gây nên bất ổn chính trị nếu đưa ra công khai, nên ra sức thuyết phục tướng Giáp chấp nhận sự dàn xếp nội bộ thật hẹp, chỉ trong bộ chính trị, không gây chấn động. Tướng Giáp không chấp nhận giải pháp này; đây là trận Điện Biên Phủ chính trị cuối đời của ông, ông đặt cả danh dự của một đại tướng công thần vào trận phản công lịch sử này. Ông biết rằng ông đã cưỡi lên lưng hổ, hổ đã lao tới, không thể xuống được nữa ! Theo lệnh ông, thượng tướng Nam Khánh đã mở một chiến dịch mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Và cuộc phản công còn tiếp nối. Cuộc đối đầu quyết liệt khó bề hòa giải, không thể nào hòa giải, là vì thế.

Phía bị cáo nhìn chung câm như hến, nhưng cũng có phản kích tý chút ; họ tung tin ở Sàigòn là ‘’ngoài Hànội 20 viên tướng thân ông Giáp đã nằm trong Hỏa lò (trại giam)(!) ‘’; ở Hànội, trong một cuộc họp cựu chiến binh, họ giật dây một sỹ quan tung tin : ‘’thư thượng tướng Nam Khánh là thư giả, không có chữ ký!’’, lập tức một sỹ quan cao cấp phóng xe về phố Lý Nam Đế (nhà ông Nam Khánh) và chỉ vài phút sau trở lại với lá thư có chữ ký hẳn hoi , còn được nhân bản để phân phát rộng thêm. Kẻ gây rối cứng họng.

Do giải pháp hòa giải không thành, quả bóng nay lại quay về chân bộ chính trị. Theo phân tích của một số nhà chính trị trong nước, xét cho cùng , hiện nay tình hình biến chuyển ra sao đang nằm trong tay công luận trong nước và quốc tế về vụ án này. Bởi vì những người lãnh đạo CS tuy mang bản chất độc tài những lại chẳng còn mấy thực lực về kinh tế, tài chính, về quân sự, về uy tín với nhân dân và thế giới (như thời còn dựa vào Liên bang xô viết và còn tạm hưởng được cái hào quang kháng chiến và chiến thắng); nay họ đã suy yếu toàn diện, do đó họ chẳng có tự do để lựa chọn hay áp đặt; hơn nữa họ đã tự dấn thân vào thế bị quá khứ cầm tù , rất khó xoay sở. Họ im lặng trong lo sợ, trong phấp phỏng cầu may, chẳng vui sướng nỗi gì .

Nếu công luận trong nước vẫn bị bưng bít, chẳng có mấy người quan tâm đến vụ án, số đông theo thuyết ‘’mackêno‘’ ta đứng ngoài, vô can, thì bộ chính trị CS vẫn có thể ù lỳ, giả câm giả điếc, trơ tráo, mua thời gian, để 2 vị tướng - 94 và 86 tuổi, ốm yếu - sớm về cõi… Chết là hết chuyện !

Nếu công luận thế giới , báo chí, truyền thanh, từ Á sang Âu, từ Mỹ sang Úc ,có vẻ nhanh nhậy, hùng hậu là thế … vẫn im re, mù tịt hay vô cảm, không bén nhạy với nội tình VN, không đả động gì đến vụ án ( dù cho vụ án có nói nhiều đến CIA, vu cáo CIA ), thì bộ chính trị CS càng ù lỳ, càng trơ tráo, bất động, ngậm miệng ăn tiền, tự khẳng định là mình đã có giải pháp đúng !

Nhưng tình hình rất khó diễn ra như vậy ! Thời buổi bùng nổ thông tin, mở cửa, đang vô cùng bất lợi cho kẻ chỉ muốn bịt tai, bịt mắt, bịt mồm thiên hạ. Các sỹ phu mới xuất hiện đúng lúc, nhận rõ thời cơ để lên tiếng, và lên tiếng đầy oai phong .Như tiến sỹ ‘’Bắc Hà’’, với luận văn nảy lửa mà lại rất hóm hỉnh, sống động :’’Những người bình thường nghĩ gì về vụ án TC2 ‘’,( ngay sau bài phân tích dài của tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang), nêu rõ đây không phải chuyện giữa cá nhân hay phe phái, mà là vấn đề sống còn của ĐCS, giữa lúc niềm tin ở đảng chỉ còn leo lét như ngọn đèn trước gió; một chế độ sinh ra đủ thứ giả, thứ ‘’ đểu ‘’(có nghĩa là giả mà vẫn được coi là thật) như bằng đểu,tiến sỹ đểu, hàng đểu, phân đểu, nay lại sinh ra cả ‘’ đại tướng đểu’’,’’ chủ tịch nước đểu ‘’ thì thật là tận cùng của tha hóa ! Bài viết thách ông Anh mở miệng trả lời các lời buộc tội, im lặng là thú nhận, và cảnh báo : bộ chính trị còn câm lặng thì sự tan rã của đảng CS là cầm chắc !

Khi vụ án kết thúc, cung đình Hànội ngập rác sẽ phải trải qua cuộc tổng vệ sinh gay gắt. Các ngành quốc phòng, an ninh, tổ chức, thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, tư pháp…đều phải thanh lọc gắt gao, loại bỏ tàn dư tội phạm và mafia. Vấn đề này sẽ còn gay go không kém việc xử án. Đất nước cần đến một nhóm Bao Công ngay thẳng, trong sạch, quả đoán, thương dân thật lòng và cũng được dân thật lòng tin cậy. Liệu điều này có thể đến ? hay chỉ là một mơ ước ! Nó chỉ đến với một nền dân chủ đa nguyên đích thật. Vụ án kích thích ưu tư xã hội theo hướng lành mạnh và tích cực ấy..

Nhìn chung, hiện tại so sánh lực lượng của 2 thế lực : bóp ngẹt vụ án và giải quyết vụ án minh bạch theo pháp luật, đang ở thế thăng bằng, bên 8 lạng, bên nửa cân , với ở giữa là mênh mông số kẻ bàng quan ; do vậy chỉ cần thêm vài giọt nước vào một bên, cán cân có thể ngả ngũ . Đó chính là ý nghĩa của nhận định : thế ‘’cân bằng động’’ mà một số trí thức, thanh niên, sinh viên, cả một số cán bộ , đảng viên có lương tâm ở trong nước nhận ra và hiểu rõ để lên tiếng tiếp nối, dồn dập, với sự phân tích ngày càng sâu sắc, có sức thuyết phục công luận.

Trong nước bàn nhiều đến vai trò có thể ‘’làm nên lịch sử ‘’ của ông Nông Đức Mạnh. Ông không thuộc phe phái nào. Chỉ cần ông khách quan, công bằng, quả đóan, có cố vấn tâm huyết với đất nước, lánh xa kẻ nịnh thần, lòng dạ thẳng băng để dùng quyền uy tổng bí thư, thuyết phục trung ương đảng, vượt qua sự ‘’bùng nhùng , ấm ớ ‘’ của bộ chính trị, thì thật là may cho vận nước. Cờ đã đến tay để giúp ích cho đất nước vượt lên, sao ông không phất! Ngày đầu năm, ông từng nói: ở cấp nào phạm pháp cũng bị xử lý, không trừ một ai.

Đêm 15/9/2004, giữa Hànội và quanh chợ Bến Thành – Sàigòn, xuất hiện hằng trăm ‘’Bản Cáo trạng thứ 7‘’ khổ lớn, gửi Quôc hội, Mặt trận, Viện kiểm sát tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, ký tên : Nhân Dân Việt Nam – năm 2004 , yêu cầu các cơ quan trên đây thúc ép bộ chính trị ĐCS phải mở phiên Tòa Đại hình theo phép nước xử công khai những bị cáo của vụ án và cả những kẻ bao che. Cáo trạng cảnh báo rằng nếu bộ chính trị vẫn câm lặng thì đầu tháng 10 tới, nhân Hội nghị Á-Âu (vào ngày 8 và 9 tháng 10), đông đảo đồng bào oan ức ở khắp nơi sẽ dồn dập đưa đơn khiếu kiện về những bất công oan trái tràn đầy cùng với vụ án tầm cỡ quốc gia này, để cho thế giới biết rõ cảnh oan nghiệt dân VN đang phải chịu đựng nạn nội xâm kinh khủng nhất. Đây là tiếp nối những bài viết sôi sục của 2 đại tá Như ThiếtHùng Cường.

Sáng 16/9 , lại thêm một ‘’Thư ngỏ của các lão thành cách mạng ở trung ương và thủ đô’’ đề ngày 12/9/2004 được đưa lên internet trong nước và ra ngoài, nêu bật Vụ án này liên quan đến số phận quốc gia và dân tộc, tội danh thật sự là tội phản quốc, phá hoại đất nước, vu cáo các nhân vật có chức vụ cao nhất của đất nước là tay chân CIA, phải được xét xử không chậm trễ, theo mong chờ nóng bỏng của toàn dân.

Mọi tấm lòng VN đang mong chờ sự ngả ngũ của cuộc đấu tranh ly kỳ mà lý thú này, và hy vọng nó sẽ là một sự kiện then chốt phơi bày mọi sự thật trần trụi, các rác rưởi chồng chất, lưu cữu, rữa nát giữa chốn cung đình , để toàn dân sắn tay tự mình tổng tẩy uế, và từ đó xây dựng đất nước ta thật là thóang, sạch, lộng gió tự do của thời đại. Nhiều người Việt trong và ngoài nước nhận ra thời cuộc, muốn hành động, tự nguyện làm một việc gì đó, để là một giọt nước - một giọt nước khiêm tốn - nhưng có thể có tác dụng quyết định, góp phần làm nghiêng hẳn cán cân về phía công khai hóa nhanh chóng vụ án này.

Bùi Tín.

Paris. 18/9/2004.

Trở về trang chính