Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

Little Saigon Radio phỏng vấn Phương Nam
Những Tiếng Nói Dân Chủ Tại Việt Nam

“Tự do không thể van xin mà được. Tự do phải giành lấy mới có!”
(nhà cách mạng Nguyễn An Ninh 1900 –1944)

LTS: Hai giờ chiều ngày thứ Ba, 14 tháng 12 năm 2004 vừa qua, một thân hữu của Little Saigon Radio hiện sống ở Sài Gòn báo tin cho biết, kỹ sư Đỗ Nam Hải có thể sẽ bị công an bắt giữ vì những bài viết cuả ông lên tiếng đấu tranh cho tự do, dân chủ ở Việt Nam. Little Saigon Radio lập tức tìm cách liên lạc và đã phỏng vấn được kỹ sư Đỗ Nam Hải. Nguyên văn bài phỏng vấn sau đây do Đinh Quang Anh Thái thực hiện và đã được phát thanh trên làn sóng của đài ngay buổi chiều cùng ngày.

- Little Saigon Radio: Trước hết, ông Hải có thể cho biết vài dòng về mình.

- Kỹ sư Đỗ Nam Hải: Tôi sinh ra ở Hà Nội năm 1959 rồi vào Sài Gòn sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, khi ấy tôi là cậu học sinh 16 tuổi. Tôi tiếp tục học những năm cuối phổ thông ở Sài Gòn, rồi học đại học, ra đi làm và học lên cao học. Năm 1994, tôi sang Úc sinh sống cùng gia đình và trở về nước năm 2002. Hiện nay tôi làm việc trong ngành ngân hàng. Trong thời gian từ tháng 6/2000 đến tháng 8/2001, với bút hiệu Phương Nam, tôi có viết 5 bài tiểu luận là: Việt Nam đất nước tôi, Việt Nam và sự đổi mới, Suy nghĩ về nhận thức lại, Viết về chủ tịch Hồ Chí Minh và Viết tiếp về nhận thức lại. Mới đây, ngày 10 tháng 12 năm 2004, tôi có viết một lá Thư ngỏ gửi Quốc hội, Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và các cơ quan truyền thông trong – ngoài nước. Đồng thời, nhắc lại ý kiến đề nghị của tôi về tổ chức một cuộc Trưng cầu dân ý ở Việt Nam.


(đang được đăng trên 1 số trang web như: Đàn Chim Việt & Mạng Ý Kiến online. Click: www.danchimviet.com & www.ykien.net - Mục Tác giả.)

- Little Saigon Radio: Trong bài Việt Nam Đất Nước Tôi, ông có nêu lên ý kiến đề nghị tổ chức một cuộc Trưng cầu dân ý, nhằm mở đường cho dân tộc thoát khỏi tình trạng tụt hậu và không có dân chủ ở Việt Nam hiện nay. Ông có thể nói thêm chi tiết về nội dung bài viết này, cũng như động cơ khiến ông can đảm lên tiếng trong bối cảnh đất nước chúng ta vẫn bị cai trị độc đoán bởi chế độ đương quyền.

- Kỹ sư Đỗ Nam Hải: Tôi viết xong bài Việt Nam Đất Nước Tôi vào tháng 6 năm 2000; bài này tôi viết trong 6 tháng. Động cơ duy nhất để tôi viết bài này, cùng những bài sau đó và bức Thư ngỏ nói trên là lòng yêu nước.

Những nội dung chính của nó là: trình bày Cơ sở hình thành và tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ 20 vừa qua; Hoàn cảnh mà chủ tịch Hồ Chí minh đã chọn đường đi cho dân tộc Việt Nam, Thực trạng của xã hội Việt Nam hôm nay, Vấn đề đoàn kết dân tộc,… Trong phần 4, tôi có nêu lên ý kiến đề nghị rằng Việt Nam cần tổ chức một cuộc Trưng cầu dân ý, để nhân dân Việt Nam có cơ hội trả lời một câu hỏi rất quan trọng cho sinh mạng của đất nước. Đó là:

Việt Nam nên hay không nên theo chế độ đa đảng ?
Nếu ai đồng ý thì ghi Có. Ai không đồng ý thì ghi Không.

Tôi nghĩ rằng, đây là cách làm dân chủ mang tầm vóc toàn dân tộc, để mở đường cho việc giải quyết tận gốc Vấn đề của mọi vấn đề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân đã gây nên biết bao nỗi tai ương đau đớn và sự tụt hậu đến nhục nhã cho đất nước ta hôm qua và hôm nay. Đó là thể chế chính trị nhất nguyên, độc đảng, được luật hóa tại Điều 4 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam hiện hành. Dỹ nhiên, tôi không hề ngây thơ mà tin rằng: những người đang nắm thực quyền trong ĐCS Việt Nam sẽ dễ dàng chấp nhận đề nghị này. Thậm chí, như mọi người đã biết, thay vì để cho các cơ quan chuyên môn đối thoại, thì họ lại dùng công an “đối thoại” với tôi! Nhưng tôi tin tưởng một cách chắc chắn rằng: một khi mà áp lực của toàn dân tộc và thời đại đủ mạnh thì dù có muốn hay không, những người bảo thủ trong ĐCS Việt Nam cũng phải Nhận thức lại.

- Little Saigon Radio: Theo nhận định của ông, thì vấn nạn nào được xem là nghiêm trọng nhất đang cản đường tiến lên của dân tộc chúng ta ?

- Kỹ sư Đỗ Nam Hải: Vấn nạn nghiêm trọng nhất là thể chế chính trị hiện nay. Cụ thể là thể chế chính trị đó chỉ có duy nhất một đảng lãnh đạo đất nước, chẳng những cho một giai đoạn mà là cho mãi mãi về sau. Ở đó, nó không chấp nhận sự cạnh tranh, và điều này giống hệt như trong kinh tế không có sự cạnh tranh vậy. Ví dụ, trong một quốc gia mà chỉ có một Công ty bưu điện thì dẫu cho ban đầu, khi mới thành lập, nó có thể bao gồm toàn những con người tốt, nhưng sớm muộn gì nó cũng đi đến tình trạng thoái hóa và biến chất. Vì vậy, nếu có 2 Công ty bưu điện thì mới có sự cạnh tranh và nếu có 4 thì sẽ tốt hơn 2,… Kết quả của sự cạnh tranh đó là những khách hàng bưu điện sẽ được hưởng lợi.

Trong sinh hoạt chính trị cũng vậy, nếu trên chính trường có sự đa đảng thì đảng đang nắm quyền mới có đối trọng chính trị. Chính sự lo ngại do nguy cơ bị mất quyền lãnh đạo vào tay các đảng đối lập khác thì dù muốn hay không, họ cũng buộc phải trở nên tử tế, nếu họ muốn tiếp tục nắm quyền. Kết quả là các cử tri – Những người đóng thuế – sẽ được hưởng lợi. Nhân dân sẽ chọn được những con người tốt nhất, những lực lượng chính trị tốt nhất để lãnh đạo đất nước, trong một giai đoạn nhất định nào đó. Xã hội vì vậy mà cứ tự điều chỉnh và phát triển đi lên. Đảng cộng sản Việt Nam muốn xốc lại đội ngũ đã xộc xệch của mình, thì điều quan trọng cần làm là phải chấp nhận mở đường cho sự cạnh tranh trên chính trường. Nếu cứ cố tình duy trì mãi sự độc đảng như hiện nay thì chỉ làm cản đường tiến lên của dân tộc mà thôi. Và Điều đó cũng là tội ác: tội câu giờ làm suy yếu khả năng hòa nhập vào thế giới hiện đại; làm tụt hậu dân tộc!

- Little Saigon Radio: Ông vừa nói rằng ĐCS Việt Nam muốn xốc lại cái đội ngũ đã xộc xệch của mình thì phải chấp nhận sự cạnh tranh chính trị. Nhưng làm cách nào được khi mà cơ chế của đảng cộng sản chỉ sản sinh ra những con người đã quen lối suy nghĩ sơ cứng, một chiều ? Nhà thơ Nguyễn Duy hiện ở quê nhà từng ví von: “Đổi mới thật hay giả vờ đổi mới ? Máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng ?” Việt Nam là một cơ thể mà máu đã bị nhiễm trùng và một khi đã là như vậy thì liệu có thay được hay không ?

- Kỹ sư Đỗ Nam Hải: Đúng như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết trong bài Nhìn từ xa Tổ quốc: máu trên cơ thể đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta là đang bị nhiễm trùng. Trong tình hình đó, một thể chế chính trị đa đảng, trong một xã hội chấp nhận sự đa nguyên (dĩ nhiên là trừ “hệ tư tưởng” của mấy anh khủng bố, bạo loạn!) sẽ tạo ra cơ hội và khả năng tốt để “thay máu” cho đất nước. Một nguồn sinh khí mới, với những lực lượng chính trị mới, có tư duy mới nhất định sẽ thay thế được lối tư duy chính trị cũ của nhiều người mắc bệnh sơ cứng não trạng trong ĐCS Việt Nam hiện nay. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng: hơn 2 triệu đảng viên và gia đình họ (trong đó có cả gia đình tôi) sẽ vẫn ở lại cùng dân tộc, để xây dựng một đất nước Việt Nam mới. Chỉ có cái chế độ nhất nguyên, độc đảng kia là phải ra đi mà thôi.

Cũng cần làm rõ quan điểm sau: Hễ một quốc gia có sự đa đảng thì không có nghĩa là mọi việc đều ổn thỏa hết. Nghĩa là nó không phải là chiếc chìa khóa vạn năng để có thể giải quyết được mọi khó khăn, bế tắc của xã hội. Nhưng nó là điều kiện cần, mà nếu thiếu nó thì mọi thành công nhất thời trong các mặt kinh tế, xã hội nếu có, cũng đều sẽ bị “cái món” nhất nguyên, độc đảng kia nuốt trọn. Sự đổi mới về kinh tế phải tiến hành đồng thời với sự đổi mới chính trị. (mà phải là sự đổi mới thực sự, chứ không phải lâu lâu lại “thò” ra một “mẩu vụn dân chủ” nào đó, rồi quảng cáo ầm lên rằng: “đất nước ta đã có dân chủ!”).

Cuộc Trưng cầu dân ý nêu trên sẽ là bước khởi đầu quan trọng giúp “thay máu” cho đất nước. Việc tạo ra những áp lực không ngừng lên các thế lực bảo thủ trong ĐCS Việt Nam hiện nay, qua việc kết hợp sức mạnh tổng hợp của dân tộc với sức mạnh của thời đại, chính là quá trình chuẩn bị cho sự biến đổi về chất, khi mà những áp lực về lượng kia đủ mạnh. Một tình thế của cuộc cách mạng dân chủ sẽ xuất hiện, khi mà nhân dân không còn chịu sự cai trị như trước và ĐCS Việt Nam cũng không thể cai trị nhân dân như trước được nữa. Tình thế ấy nhất định sẽ đến trong một tương lai không xa và toàn dân tộc Việt Nam, bao gồm cả đồng bào ta ở cả trong và ngoài nước sẽ nhạy bén nắm lấy thời cơ, dũng cảm tiến lên giành lấy tự do, dân chủ về cho dân tộc!

- Little Saigon Radio: Tin tức mà chúng tôi có được cho biết, ông đã gặp nhiều khó khăn với công an, điều đó có đúng không ạ ?

- Kỹ sư Đỗ Nam Hải: Đúng là như vậy. Nhiều việc xảy ra với tôi, tôi đã viết trong bức Thư ngỏ đề ngày 10 tháng 12 năm 2004 gửi Quốc hội, Chính phủ và Đảng cộng sản Việt Nam, … Đó là những khó khăn tôi bắt đầu gặp phải từ ngày mùng 6 tháng 8 năm 2004 cho đến nay. Hiện nay tôi vẫn đang bình thản chờ đợi những động thái mới từ Cơ quan an ninh – Bộ công an Việt Nam, sau khi tôi gửi bức Thư ngỏ kia đi.

Trong bức Thư ngỏ nói trên, tôi có trích lời nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, rằng: Tự do không thể van xin mà được. Tự do phải giành lấy mới có! Ông Nguyễn An Ninh nói câu đó vào thế kỷ trước, nhưng tới nay nó vẫn còn nguyên giá trị. Điều khác biệt là thời của ông, việc giành lại tự do là từ tay giặc ngoại xâm. Còn hôm nay, cả dân tộc cũng đang phải quyết giành lại nền tự do, nhưng là từ tay giặc nội xâm. Có biết bao người đã phải trả giá cho công cuộc ấy. Chúng ta có thể kể tên một số người điển hình như: hoà thượng Thích Quảng Độ, linh mục Chân Tín, tướng Trần Độ, các ông Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, nhà văn nữ Dương Thu Hương và những người trẻ như: Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn, … cùng rất nhiều người khác hiện đã xuất hiện công khai hoặc đang âm thầm đấu tranh. Họ là những người con ưu tú của dân tộc. Nhân dân Việt Nam rồi sẽ đời đời biết ơn họ.

- Little Saigon Radio: Ông sinh năm 1959 tại Hà Nội, vào Nam năm 1975, rồi sau đó đi du học ở nước ngoài. Điều đó có nghĩa là, ông thuộc thành phần được chế độ ưu đãi. Vậy, động cơ nào khiến ông đấu tranh cho tự do, dân chủ ?

- Kỹ sư Đỗ Nam Hải: Không, tôi không phải là sinh viên du học. Tôi học đại học và học lên cao học (khóa 1992 – 1994) đều ở Việt Nam. Năm 1994, do sang Úc sinh sống cùng gia đình, nên tôi chưa kịp làm tiếp bản luận văn tốt nghiệp. Vì vậy, về mặt lý thuyết thì tôi đã hoàn thành chương trình cao học, nhưng về mặt bằng cấp thì tôi chưa có bằng thạc sỹ kinh tế. Xét về mặt nào đó thì đúng là tôi cũng được chế độ ở Việt Nam ưu đãi hơn nhiều người khác. Cha, mẹ tôi đều là đảng viên cộng sản từ thời chống Pháp và là cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc năm 1954. Tôi sinh ra, lớn lên ở Hà Nội và hưởng toàn bộ nền giáo dục dưới mái trường Xã hội Chủ Nghĩa. Thế nhưng, nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình thì tôi đã không “dại gì” mà lên tiếng như trong mấy năm qua. Tất cả việc làm của tôi xuất phát từ ước muốn cháy bỏng là dân tộc Việt Nam phải được hưởng một nền tự do, dân chủ đích thực, như bao dân tộc khác trên thế giới ngày nay. Những ngày sắp tới, có thể sẽ là giai đọan rất khó khăn với tôi, nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận điều đó. Sự hy sinh dù là đắt của từng cá nhân cho nền tự do, dân chủ là hết sức cần thiết để cho cả dân tộc trường sinh!

- Little Saigon Radio: Ông có điều gì muốn nói thêm với thính giả nghe đài, nhất là những người trẻ hải ngoại ?

- Kỹ sư Đỗ Nam Hải: Tôi mong rằng đồng bào mình, nhất là những bạn trẻ đang sống ở hải ngoại hãy cố gắng về nước càng nhiều càng tốt. Thứ nhất, đó là động cơ về nguồn, về thăm lại quê hương, đất nước và gia đình. Thứ hai, mỗi người về hãy mang theo một thông điệp dân chủ, thông điệp về tính ưu việt của thể chế dân chủ, đa nguyên, đa đảng mà mọi người đang được hưởng tại các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Úc,… để đồng bào mình trong nước biết được. Tôi nghĩ rằng, mỗi người đóng góp một chút, vượt lên trên cái sợ một chút thì chắc chắn cái Ngày hội non sông kia chắc chắn sẽ ngày càng đến sớm. Và đó mới thực sự là ngày Đất nước trọn niềm vui!

- Little Saigon Radio: rất cám ơn ông Đỗ Nam Hải đã trả lời cuộc phỏng vấn này.

 

Trở về trang chính