Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn
|
||||||||
Trở về Chương IV, Phần Thứ Nhứt PHẦN THỨ NHỨTLƯỢC-KHẢO VỀ NHỮNG LÝ-THUYẾT CHÁNH-TRỊ ĐÃ LƯU-HÀNH TRÊN THẾ-GIỚI TỪ TRƯỚC ĐẾN NAYCHƯƠNG VNHỮNG CHỦ-NGHĨA MUỐN HỖN-HỢP LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ VÀ LÝ-THUYẾT XÃ-HỘI: CHỦ-NGHĨA TAM DÂN VÀ CHỦ-NGHĨA TÂN-DÂN
Trong lúc xã-hội Âu-châu trải qua những cuộc biến-động do xu-hướng dân-chủ và xã-hội gây ra, các xã-hội Á-châu vẫn nằm dưới ảnh-hưởng của nền tư-tưởng cổ-truyền. Và mãi đến cuối thế-kỷ thứ 19, đời sống chánh-trị của những dân-tộc Á-châu chỉ qui vào việc tranh-đấu với các dân-tộc khác, hay vào những cuộc cách-mạng mà mục-đích là thay đổi triều-đại hoặc người nắm chánh-quyền. Đến lúc người da trắng đã có thế-lực mạnh mẽ trên hầu hết lục-địa Á-châu, những lý-thuyết dân-chủ và xã-hội mới theo chân họ mà tràn sang Đông Á. Những tư-tưởng trình bày trong các lý-thuyết ấy có một tánh-cách mới lạ hoàn-toàn đối với những phần-tử cấp-tiến của các dân-tộc Á-Đông. Một số người trong hạng này tin rằng chính những tư-tưởng dân-chủ và xã-hội đã đưa các nước Âu Mỹ đến sự hùng-cường. Vì thế, họ hướng về nó một cách cuồng-nhiệt. Tuy-nhiên, các lý-thuyết dân-chủ và xã-hội không hấp-dẫn nổi quần-chúng Viễn-Đông theo mình, vì ở Viễn-Đông, nó đã gặp một xã-hội khác hẳn xã-hội Âu-châu, một xã-hội mà cách tổ-chức đặc-biệt làm cho dân-chúng không còn thấy những nguyên-tắc dân-chủ xã-hội là những sự thật hiển-nhiên cần-thiết. Như ta dã thấy, nền quân-chủ ở các nước Viễn-Đông có tiếng là chuyên-chế, nhưng kỳ thật, nó dựa vào những nguyên-tắc công-bình hơn nền quân-chủ cổ-điển Âu-châu. Nhà vua bề ngoài là ông " thiên-tử " thay mạng Trời mà cai-trị dân, nhưng theo đạo Nho, ông chỉ thay được mạng Trời khi ông lo cho quyền-lợi của dân-chúng. Trái lại, nếu vua tàn-bạo, hôn-ám, dân có quyền nổi lên làm cách-mạng, phế đi rồi đem người khác lên thay. Ngoài vua ra, lại không có một chức-vị nào thế-tập nữa. Các viên quan-lại đều là những người trong đám bình-dân xuất thân, họ chỉ nhờ học giỏi, thi đậu mà ra cầm quyền-bính chớ không phải vì họ là con nhà quí-tộc mà được làm quan. Dân-chúng quả có chia ra làm bốn hạng : sĩ, nông, công, thương. Nhưng sự phân chia này không có tánh-cách khu-biệt đẳng-cấp. Nó chỉ dựa vào nghề-nghiệp của mỗi người, mà người ta lại đưọc tự-do chọn lựa nghề-nghiệp của mình. Thường-dân được hưởng một chế-độ tự-do rộng rãi : những người đóng đủ phần sưu-thuế của mình rồi thì được tự-do đi lại, tự-do tín-ngưỡng, chánh-phủ không cần biết đến đời tư của họ. Xem thế, sự bất-bình-đẳng ở xã-hội Viễn-Đông thuở trước đại-khái do nơi tài-cán riêng của mỗi người mà ra, và người thường-dân lại được hưởng một sự tự-do cá-nhơn khá rộng. Nguyên-tắc quân-chủ ở Viễn-Đông có vẻ công-bình hơn nguyên-tắc quân-chủ Âu-châu, nên dân-chúng không thấy sự cần-thiết phải lật đổ nền quân-chủ và không hiểu chủ-trương tự-do bình-đẳng của lý-thuyết dân-chủ. Sự chênh lệch giàu nghèo ở Viễn-Đông cũng không quá rõ rệt như ở xã-hội Âu-châu, và khẩu-hiệu giai-cấp tranh-đấu không gây được một kết-quả lớn lao như trong xã-hội tư-bản Âu Mỹ. Hai lý-thuyết dân-chủ và xã-hội vốn phát-sanh từ những điều-kiện đặc-biệt của xã-hội Âu-châu, nên lúc ban đầu những mục-tiêu tranh-đấu do nó đưa ra không được dân-chúng Viễn-Đông nhiệt-liệt hưởng-ứng. Thêm nữa, ở Á-Đông, ngoài Nhựt-bổn ra, nước nào cũng bị các dân-tộc da trắng chinh-phục làm thuộc-địa hay chi-phối về mặt kinh-tế. Do đó, những người tranh dấu chánh-trị thiên về tư-tưởng quốc-gia nhiều hơn. Tuy-nhiên, những nhà cách-mạng Á-Đông lần lần nhận thấy rằng một chủ-nghĩa quốc-gia mạnh mẽ và hẹp hòi, hay có tánh-cách bài ngoại rất khó đưa họ đến sự thành-công, vì nó làm cho các dân-tộc da trắng liên-kết nhau để chống chọi lại. Do đó, họ tìm cách ghép những tư-tưởng dân-chủ và xã-hội trong hệ-thống suy-luận của họ, để gây thiện-cảm của những phần-tử cấp-tiến trong các dân-tộc da trắng làm cho những phần-tử này ủng-hộ họ trong cuộc tranh-đấu. Vì lý-do này mà phát-xuất ra những chủ-nghĩa có tánh-cách dung-hòa tư-tưởng quốc-gia với tư-tưởng quốc-tế, tư-tưởng dân-chủ với tư-tưởng xã-hội. Đó là những chủ-nghĩa Tam Dân và Tân-Dân. I- CHỦ-NGHĨA TAM DÂNA- TÌNH-THẾ TRUNG-HOA VÀO KHOẢNG CUỐI THẾ-KỶ THỨ 19 VÀ ĐẦU THẾ-KỶ THỨ 20Trung-Hoa là một đế-quốc đất rộng, dân đông, lại có một nền văn-hóa tối cổ. Trước thế-kỷ thứ 18, nước ấy đóng vai tuồng bá-chủ ở Á-Đông, và trong sự giao-thiệp với người Trung-Hoa, các nước Âu Mỹ vẫn phải xử sự một cách trọng-thể. Nhưng trong khi các nước Âu Mỹ nhờ tinh-thần khoa-học mà khuếch-trương được lực-lượng vật-chất của mình, và trở nên rất mực hùng-cường, nước Trung-Hoa vẫn cứ giữ tinh-thần và tổ-chức cũ nên lần lần yếu kém. Do đó, từ đầu thế-kỷ thứ 19 trở đi, Trung-Hoa càng ngày càng lép vế trong sự bang-giao với các nước Âu Mỹ. Sự thất-bại của người Trung-Hoa bắt đầu năm 1840 với trận chiến-tranh Nha-phiến. Vì nhận thấy nha- phiến là một chất độc có hại cho thể-chất và tinh-thần người nước mình, triều-đình Mãn-Thanh nghe lời viên Tổng-đốc Lưỡng-Quảng là Lâm Tắc Từ, ra lịnh cấm bán nha-phiến. Sự thi-hành lịnh này đụng chạm quyền-lợi người Anh, nên họ công-khai tuyên-chiến với chánh-phủ Trung-Hoa. Cuộc chiến-tranh này kết-liễu với hòa ước 1842. Chánh-phủ Trung-Hoa phải để cho người Anh tự-do giao-thương trên đất nước mình, cho phép bán thuốc phiện, cắt cho họ đất Hương-cảng, và trả cho họ một số bồI-phí khá lớn. Hiệp ước 1842 mở màn cho sự lăng-nhục và qua-phân Trung-Hoa của liệt-cường, mà cũng bắt đầu cho những sự loạn-lạc bên trong nước Trung-Hoa. Hoàng-gia Trung-Hoa lúc bấy giờ vốn thuộc dân Mãn-châu, nhờ dùng võ-lực mà chinh-phục được nước Trung-Hoa. Tuy đã bị chế-ngự hơn hai trăm năm và phải cam chịu sự thống-trị của người Mãn, người Hán-tộc vẫn cố tìm cơ quật-khởi. Nhơn cuộc chiến-tranh Nha-phiến làm cho uy-tín triều Thanh hạ xuống, tư-tưởng giảI-phóng của người Hán-tộc lại càng sôi nổi. Năm 1851, Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh phát-động phong-trào Thái-bình thiên-quốc. Họ chiếm được Nam Kinh, bàn-cứ trên một dải đất khá rộng và làm nguy đến cả Thanh-đình. Nhưng thái-độ quá-khích của họ đối với dân-chúng, cũng như đối với người ngoại-quốc, đã gây ra một sức phản-động mạnh mẽ có lợi cho nhà Thanh. Thêm nữa, sự xung-đột nộI-bộ lại làm cho họ yếu sức rất nhiều. Vì đó, 14 năm sau khi khởI-nghĩa, họ bị quét sạch, chỉ còn một ít dư-đảng trốn sang nước ta làm giặc mà thôi. Mặc dầu bị thất-bại, phong-trào Thái-bình thiên-quốc đã có một ảnh-hưởng rất lớn đối với người Hán-tộc. Nó đã thức-tỉnh tinh-thần ái-quốc của họ, và thúc giục họ đứng lên chống lại nhà Thanh. Tinh-thần ái-quốc này lại còn được khêu gợi thêm do thái-độ của liệt-cường đối với Trung-Hoa. Từ đó, triều Thanh bị lôi kéo vào những vụ rắc rối liên-miên. Một mặt, liệt-cường tìm đủ cách để bắt chánh-phủ Bắc-kinh cắt đất nhường cho họ, hoặc công-nhận cho họ những quyền-lợi kinh-tế hay chánh-trị. Một mặt khác, dân Trung-Hoa uất ức, nổi lên chống lại chánh-phủ Bắc-kinh, hay giết hại người ngoại-kiều, khiến cho liệt-cường có cớ mà uy-hiếp chánh-phủ Bắc-kinh. Tuy-nhiên, trận chiến-tranh Nha-phiến cũng có gây những phản-ứng có thể lợi cho triều Thanh. Một số nhơn-sĩ trung-thành với hoàng-gia Trung-Hoa lúc bấy giờ, đã nhận-thức sự hùng-cường của các nước Âu Mỹ, và lập chí canh-tân theo gương họ. Bọn Tăng Quốc Phiên, Tả Tôn Đường, Lý Hồng Chương, cùng nhau lo mở trường quân-sự, đóng chiến-hạm, tổ-chức và tập luyện quân-sĩ theo lối tây-phương. Ngay Thanh-triều cũng mở Đồng-văn-quán tại Bắc Kinh, để nghiên-cứu về văn-hóa Âu Mỹ. Với một triều-đình khôn ngoan khéo léo hơn, có thể vận-mạng hoàng-gia và dân-tộc Trung-Hoa không đến phải lụn bại. Nhưng vua quan nhà Thanh lúc ấy toàn là bọn hủ-bại, không biết nghĩ đến sự canh-tân, cho nên những sự cải-cách chỉ nằm trong một phạm-vi nhỏ hẹp, và do nơi sáng-kiến một vài cá-nhơn, chớ không phải do chánh-phủ chủ-trương trong phạm-vi toàn-quốc. Năm 1894, trận chiến-tranh Trung-Nhựt do vấn-đề Triều-tiên gây ra, lại mang đến cho Thanh-triều một cái nhục lớn nữa. Nhựt-bổn trước kia vốn là một nước nhược-tiểu, phiên-thuộc Trung-Hoa, chỉ nhờ cải-cách tròng vòng mấy mươi năm, mà trở thành cường-thạnh, đánh thắng được Trung-Hoa một cách dễ dàng. Điều này thức-tỉnh sĩ-phu Trung-Hoa, khiến cho họ quay về cái học Âu Mỹ một cách cuồng nhiệt hơn. Những người nổi danh nhứt trong đám sĩ-phu chủ-trương canh-tân này là Khương Hữu Vi và Lương Khải Siêu. Họ viết sách báo, cổ-võ cho dân Trung-Hoa hướng về tân-học, lại dâng thơ lên xin vua Quang-tự duy-tân. Năm 1899, vua Quang-tự xuống chiếu mời Khương Hữu Vi và các bạn ông là bọn Đàm Từ Đồng, Lâm Húc vào triều tổ-chức việc cải-cách. Nhưng vua Quang-tự lúc ấy không nắm được thật-quyền, vì chính ông còn bị đặt dưới sự khiên-chế của bà Tây-thái-hậu. Đàm Từ Đồng bèn âm-mưu triệt-hạ vây cánh bà ấy và tước quyền bà ấy. Vua Quang-tự chấp-nhận chủ-trương này. Ông ra mật-lịnh cho Viên Thế Khải, lúc bấy giờ chỉ-huy bọn tân-quân huấn-luyện theo lối mới, về triều giúp mình thực-hiện cuộc chánh- biến. Nhưng việc mưu-đồ này chẳng may bạI-lộ. Bà Tây-thái-hậu bắt giam vua Quang-tự và hạ lịnh xử-tử Đàm Từ Đồng. Khương Hữu Vi phải trốn đi, và chủ-trương cải-cách từ đó bị bãi bỏ. Chánh-sách bảo-thủ của Tây-thái-hậu làm tuyệt đường hy-vọng của cánh duy-tân ôn-hòa, và xô những phần-tử có ý-thức của dân-chúng Trung-Hoa vào cánh cách-mạng do Tôn Văn chủ-trương. Năm 1905, thấy dân-tâm sôi nổi, và phong-trào cách-mạng mạnh quá, không thể diệt được, Thanh-triều lại mưu việc cải-cách, sai năm vị đạI-thần sang Âu-châu nghiên-cứu chế-độ quân-chủ lập-hiến để về áp-dụng cho Trung-Hoa. Nhưng bản-ý của chánh-phủ Bắc-kinh không phải là thật-tình muốn sửa đổi, nên tình-thế cứ kéo dài ra mãi, cho đến khi cuộc cách-mạng Tân-Hợi (1911) nổ bùng. B- TÔN VĂN VÀ TRUNG-HOA DÂN-QUỐCNhà lãnh-tụ cách-mạng nổi danh nhứt Trung-Hoa tên là Tôn Văn, tự là Dật-Tiên, biệt hiệu Trung-Sơn. Ông sanh ngày12 tháng 11 năm 1866, tại làng Thúy-hanh, huyện Hương-sơn (sau đổi tên lại là huyện Trung-sơn để kỷ niệm ông), tỉnh Quảng-đông. Gia-đình ông là một gia-đình nông-nghiệp, chuộng cần-lao. Khi nhỏ, ông nghe người trong làng kể chuyện Hồng Tú Toàn rất lấy làm phẫn-khích, và tự-nguyện tiếp-tục công-nghiệp giải-phóng Trung-Hoa khỏi tay người Mãn. Năm 13 tuổi, Tôn Văn theo anh đi buôn bán ở Đàn-hương-sơn, đảo Hạ-uy-di. Ở đó, ông được anh cho theo học "Giáo-hội học-hiệu " rồi "Thánh Lộ-dịch học-hiệu ", sau này trở thành trường Đại-học Hạ-uy-di. Năm 1884, anh ông sợ ông nhiễm phong-hóa ngoạI-quốc mà xa văn-hóa Trung-Hoa, nên bắt ông về nước, không dè ông đã lập chí làm cách-mạng, duy-tân tổ-quốc rồi, không còn có thể lôi về nền nếp cũ được nữa. Về cố-hương, Tôn Văn đem tư-tưởng mới tuyên-truyền với người làng. Tuy chưa cảm-hóa họ theo mình nổi, nhưng cũng áp-đảo được họ về đường ngôn-luận. Về sau, ông đập phá tượng Phật trong chùa, nên bị người làng phản-đối, không còn ở quê-hương được, và phải đến ở Hương-cảng. Kế đó, ông đến Quảng-châu vào học Bác-tế y-viện, rồi trở về Hương-cảng, học trường y-khoa mới vừa thành-lập. Năm 1892, ông tốt nghiệp y-sĩ, về mở phòng khám bịnh ở Áo-môn, rồi ở Quảng-châu. Trong thời-kỳ học ở Bác-tế y-viện, ông đã kết-nạp với những nhà cách-mạng, và bắt đầu tổ-chức hội đảng, mưu việc lật đổ nhà Mãn Thanh. Khi ra làm y-sĩ, ông vẫn tiếp-tục cuộc hoạt-động của mình. Năm 1893, ông cùng đồng-chí là Lục Hạo Đông đi Thiên-tân, Bắc-kinh, Võ-xương, Hán-khẩu, quan- sát nộI-bộ Thanh-đình. Ông có tìm cách tiếp-xúc với Lý Hồng Chương để yêu-cầu ông ta lo việc cải-cách hầu hưng-phục nước nhà, nhưng không thành-công. Từ đó, ông nhứt-quyết đi trên con đường cách-mạng. Ông cùng các đồng-chí tổ-chức Trung-Hoa Quốc-dân-đảng, mưu khởI-nghĩa hơn mười lần, khi thì tự mình lâm trận đốc-quân, khi thì ở xa điều-khiển. Nhưng ban đầu, các cuộc khởi-nghĩa của ông đều thất-bại, ông phải lánh mình ra ngoại-quốc nhiều phen. Trước sau, ông đi du-lịch thế-giới đến ba, bốn lần, một mặt hô-hào Hoa-kiều làm cách-mạng chống triều Thanh, một mặt khảo-cứu về các học-thuyết và chế-độ chánh-trị Âu Mỹ. Chủ-nghĩa Tam Dân đã được kết-cấu trong những cuộc du-lịch này, vào khoảng đầu thế-kỷ thứ 20. Năm 1911, sau khi cuộc cách-mạng nổ bùng, ông được mời về Trung-Hoa, và đắc-cử chức lâm-thời Tổng-thống. Nhưng sau đó, nhận thấy quân-đội cách-mạng chưa đủ sức dùng võ-lực mà chiếm-đoạt cả quyền-bính, ông chấp-nhận chủ-trương nghị-hòa với những quân-nhơn Bắc-phái, chỉ-huy binh-sĩ Thanh-triều. Để cho sự nghị-hòa dễ thành, ông nhường chức Tổng-thống cho Viên Thế Khải, và đảm-nhận chức Tổng-biện thiết-lộ toàn-quốc, định phụng-sự tổ-quốc bằng cách khuếch-trương thực-nghiệp. Khi Viên Thế Khải lộ ý phản-bội chế-độ Cộng-hòa, và cho người ám-sát Tống Giáo Nhơn, một lãnh-tụ Trung-Hoa Quốc-dân-đảng, ông đứng ra phát-động phong-trào phản-đối. Từ đó, nước Trung-Hoa lâm vào nạn nộI-loạn vì tham vọng của bọn quân-phiệt. Tôn Văn nhiều lần đứng ra tổ-chức chánh-phủ để cố thống-nhứt Trung-Hoa, nhưng không thành-công được. Năm 1925, ông được Đoàn Kỳ Thụy mời đi Bắc Kinh bàn quốc-sự, nhưng ngọa-bịnh và từ-trần tại đó ngày 12 thàng 3, thọ được 60 tuổi. Sau khi chết đi, ông được người Trung-Hoa làm lễ quốc-táng và tôn lên làm Quốc-phụ, sùng-bái kính-trọng vô-cùng. C- NHỮNG NGUYÊN-TẮC CĂN-BẢN CỦA CHỦ-NGHĨA TAM DÂNNhững tư-tưởng căn-bản của chủ-nghĩa Tam Dân đã bắt đầu nảy nở trong đầu óc Tôn Văn từ khi ông mới đứng ra làm cách-mạng. Nó lần lần được vun bồi thêm trong những cuộc du-lịch hoàn-cầu của ông, nhưng đến sau khi cuộc khởI-nghĩa Tân-Hợi thành-công, nó mới được đem ra trình bày một cách rõ ràng đầy đủ. Cứ theo lời tựa quyển "Trung-sơn tùng-thơ " do Thái-bình-dương thơ-điếm xuất-bản năm 1927, thì phần lớn sách vở do Tôn Văn trước-tác đã bị thiêu-hủy tại Quảng-châu khi Trần Quýnh Minh phản bạn năm 1922. Do đó, hiện nay, không có quyển sách nào do chính tay Tôn Văn viết để trình bày chủ-nghĩa Tam Dân. Sau khi ông chết, Trung-Hoa Quốc-dân-đảng mới thâu-thập những ký-chú của đồng-chí ông về những bài diễn-giảng của ông, mà in ra thành sách. Trong sách này, thiếu hẳn đoạn sau của chủ-nghĩa Dân-sinh và những lời tổng-luận về chủ-nghĩa Tam Dân. Tuy vậy, với những phần còn lại, ta cũng đủ hiểu hết ý chánh của Tôn Văn. Chủ-nghĩa Tam Dân do Tôn Văn sáng-tạo gồm ba phần : Dân-tộc, Dân-quyền và Dân-sinh. 1. CHỦ-NGHĨA DÂN-TỘCTrước khi trình bày chủ-nghĩa Dân-tộc, Tôn Văn chỉ rõ sự phân-biệt giữa dân-tộc với quốc-gia. Theo ý ông, dân-tộc và quốc-gia khác nhau ở cách-thức kết-hợp của nó. Dân-tộc là một khối tự-nhiên thành-lập và đứng vững được nhờ ý muốn sống chung của những phần-tử hợp nhau lại thành khối ấy, còn quốc-gia là một khối do võ-lực tạo nên và chỉ đứng vững được nhờ nơi võ-lực. Người Trung-Hoa từ trước đến nay không phân-biệt được dân-tộc và quốc-gia là vì từ đời Hán về sau, ở Trung-Hoa, chỉ có một dân-tộc tạo thành một quốc-gia, chứ không phải như ở ngoạI-quốc, một dân-tộc lập nhiều quốc-gia như dân Anglo-Saxon lập thành nước Anh, nước Mỹ, hay một quốc-gia do nhiều dân-tộc tạo thành như đế-quốc Đại Bất-liệt-điên (Empire Britannique), do những dân-tộc Anh và thuộc-địa hợp lại mà nên. Nói một cách khái-quát thì dân-tộc là một khối tự-nhiên thành-lập, nhưng nếu phân-tích nó ra thì ta thấy nó do năm yếu-tố gây nên. Nam yếu-tố đó là : huyết-thống, sanh-hoạt, ngôn-ngữ, tôn-giáo và phong-tục tập-quán. Người Trung-Hoa tổng số 400 triệu, trong ấy có một triệu người Mông-cổ, hơn một triệu người Mãn-châu, vài triệu người Tây-tạng, hơn một triệu người Hồi-hồi Đột-quyết, còn bao nhiêu đều thuộc Hán-tộc, cùng huyết-thống, cùng ngôn-ngữ văn-tự, cùng tôn-giáo, cùng tập-quán, hoàn-toàn là một dân-tộc thống-nhứt. Dân-tộc Trung-Hoa đông đảo nhứt hoàn-cầu, văn-minh trên 4000 năm, mà không chiếm được một địa-vị ưu-thắng trên thế-giới, lại bị liệt-quốc lăng-nhục uy-hiếp đủ điều. Như thế là vì người Trung-Hoa chỉ có tinh-thần gia-tộc và tông-tộc mà không có tinh-thần dân-tộc. Khi người trong họ hay người đồng-tánh có việc, người Trung-Hoa binh vực đến kỳ cùng. Nhưng tình hữu-nghị này không lan ra đến phạm-vi dân-tộc. Người Trung-Hoa rất dửng dưng đối với đồng-bào khác họ, nên thành ra yếu kém, thua sút các dân-tộc khác. Tình-trạng này nguyên cũng do nền tư-tưởng cổ-điển của người Trung-Hoa mà ra. Người Trung-Hoa vốn là một giống dân đông đúc, lại văn-minh sớm ; chung quanh họ, chỉ có những dân-tộc nhược-tiểu không đủ sức chống lại họ. Vì đó, họ có ý muốn gồm thâu thiên-hạ về một mối dưới quyền thống-trị của mình. Họ tự xưng là dân Trung-Hoa, giống dân tài giỏi sống giữa thế-giới, và xem các giống dân quanh họ đều là di-địch dã-man cả. Muốn cho các dân-tộc nhược-tiểu vui lòng chấp-nhận sự thống trị của họ, họ bài-xích tinh-thần dân-tộc và tán-dương chủ-nghĩa thế-giới. Theo đạo bình-thiên-hạ của người Trung-Hoa thì thiên-hạ là của chung, ai có đức thì được. Lẽ cố-nhiên là con người có đức gồm thâu được thiên-hạ phải là người Trung-Hoa, chớ các giống dân nhược-tiểu Á-Đông có một nền văn-minh kém người Trung-Hoa, rất ít hy-vọng chinh-phục được hoàn-cầu. Chủ-nghĩa bình-thiên-hạ thật rất có lợi cho người Trung-Hoa ; nó giúp họ thống-trị toàn cõi Đông-Á trong một thời-gian dài dặc. Nhưng sau khi nêu ý-tưởng bình-thiên-hạ ra rồi, dân Trung Hoa tự mình nhiễm lấy nó. Do đó, khi các dân-tộc nhược-tiểu quật-khởi được, chinh-phục nước Trung-Hoa, họ cam-tâm thần-phục nhà vua ngoại-tộc, không chịu đứng lên chống chọi lại. Người Mông-cổ và người Mãn-châu nhờ đó mà xây dựng được những triều-đại cai-trị Trung-Hoa hàng mấy trăm năm. Khi người Mãn-châu chiếm được nước Trung-Hoa rồi, họ lại tìm đủ mọi cách để hủy-diệt tinh-thần dân-tộc của người Trung-Hoa nữa, làm cho người Trung-Hoa mất hẳn tư-tưởng quốc-gia và cứ lần lần yếu hèn đi, đến nỗi đứng sát hố diệt-vong mà không tự biết. Nguy-cơ diệt-vong của Trung-Hoa có ba mối. Trước nhứt là sự đào-thải thiên-nhiên. Trong lúc dân-số các nước khác tăng-gia một cách mau lẹ thì dân Trung-Hoa vì bịnh-tật, vì chiến-tranh, vì thiên-tai địa-ách mà đứng y mực cũ, có khi lại giảm bớt là khác. Nếu tình-thế ấy kéo dài ra mãi thì sau cùng, dân-tộc Trung-Hoa sẽ thành ra thiểu-số đối với các cường-quốc khác, và sẽ bị đào thải trong sự cạnh-tranh để cướp lấy sự sống còn. Nguy-cơ thứ nhì của Trung-Hoa là áp-lực chánh-trị của những cường-quốc khác. Những cường-quốc Âu Mỹ có thể trong vài ba tháng là chinh-phục được cả nước Trung-Hoa. Nguy-cơ này sở-dĩ tránh được là vì quyền-lợi liệt-cường không dung-hòa nhau. Thêm nữa, sau cuộc cách-mạng năm Tân Hợi, họ thấy dân-tộc Trung-Hoa đã thức-tỉnh, khó bề đàn-áp, nên họ thay đổi phương lược, dùng chánh-sách kinh-tế mà lũng-đoạn hết các nguồn tài-lợi ở Trung-Hoa. Cái nguy-cơ thứ ba này hại nhứt cho Trung-Hoa vì chánh-sách kinh-tế của liệt-cường rất thâm-hiểm, người thường không thấy mà tìm phương cứu chữa. Muốn cứu-vãn tình-thế, trừ những nguy-cơ có thể làm cho dân-tộc mình diệt-vong, người Trung-Hoa phải khôi-phục tinh-thần dân-tộc của mình. Có một tinh-thần dân-tộc mạnh mẽ rồi, người Trung-Hoa tất sẽ hợp thành một khối, đủ sức đốI-phó cùng người ngoại-quốc, tranh lấy quyền-lợi về cho nước Trung-Hoa. Có nhiều thanh-niên nghe theo các lý-thuyết Âu Mỹ, cho rằng chủ-trương dân-tộc hẹp hòi, thường gây ra sự xung-đột giữa các nước. Họ không hiểu rằng chủ-nghĩa thế-giới của người Âu Mỹ chỉ là một thứ chủ-nghĩa đế-quốc trá hình. Nó chẳng khác nào thuyết bình-thiên-hạ của Trung-Hoa khi xưa, cốt để cho những dân-tộc kém hèn vui lòng mang cái ách đô-hộ của những dân-tộc hùng-cường mà thôi. Lúc Trung-Hoa còn hèn kém mà đổ xô theo chủ-nghĩa thế-giới, tức là vui lòng chịu cho liệt-cường chia xẻ nước Trung-Hoa. Vậy, dân-tộc Trung-Hoa phải theo chủ-nghĩa dân-tộc trước, phải lo cho quốc-gia trước, đến khi quốc-gia hùng-cường rồi mới theo chủ-nghĩa thế-giới để lo phụng-sự nhơn-loại. Sau khi gây được một tinh-thần dân-tộc dũng mãnh, dân Trung-Hoa phải khôi-phục những đạo-đức cố-hữu của tổ-tiên mình là Trung, Hiếu, Tín, Nghĩa, Hòa-bình ; xong, lại phải khôi-phục những tri-thức và năng-lực cổ truyền của dân-tộc. Bảo-tồn được quốc-túy rồi, người Trung-Hoa còn phải cố học những món sở-trường của ngoại-quốc về khoa-học. Có một tinh-thần dân-tộc mạnh mẽ làm cơ-sở, học được những điều hay của vạn-quốc, dùng tri-thức và năng-lực của dân-tộc để kiến-thiết nước Trung-Hoa thành một quốc-gia cường-thạnh, rồi dân-tộc Trung-Hoa tất sẽ phát-huy được cái đạo-đức cố-hữu của mình và sẽ đứng ngang hàng với những dân-tộc hùng-cường nhứt trên thế-giới. Lúc đó, nhiệm-vụ của Trung-Hoa là phò-trợ những dân-tộc nhược-tiểu, giúp họ chống lại chủ-nghĩa đế-quốc, để cho thế-giới có thể hợp nhau lại thành một khối đại-đồng vĩnh-viễn hòa-bình. Làm cho dân-tộc Trung-Hoa được bình-đẳng với bất cứ dân-tộc nào trên thế-giới, rồi giúp đỡ những dân-tộc yếu hèn hơn để họ được ngang hàng với mình, đó là tinh-thần của chủ-nghĩa dân-tộc vậy. 2. CHỦ-NGHĨA DÂN-QUYỀNTheo Tôn Văn, Dân là chúng-nhơn hợp thành đoàn-thể có tổ-chức hẳn hòi. Quyền là một oai-thế, một lực-lượng lớn như quốc-gia, đủ sức chế-ngự quần-chúng. Dân-quyền là cái lực-lượng chánh-trị của dân. Chính là việc của chúng-nhơn, trị là quản-lý, quản-lý việc của chúng-nhơn là chánh-trị. Cái lực-lượng để quản-lý việc chúng-nhơn là chánh-quyền, chánh-quyền thuộc về dân quản-lý tức là dân-quyền. Tác-dụng của quyền xưa nay là duy-trì sự sinh-tồn của người. Muốn sinh-tồn, một động-vật phải có năng-lực để tự-vệ và kiếm ăn. Người cần-lao phải bảo-dưỡng lấy mình thì những động-vật khác cũng thế, nên người phải cạnh-tranh phấn-đấu với những động-vật khác để mưu lấy sống còn. Thời hồng-hoang, người tranh-đấu cùng loài cầm-thú, mỗi người tranh-đấu riêng ra, có tập-hợp nhau lại cũng là sự bất-thường, chỉ để giúp đồng-loại tranh- đấu với loài khác mà thôi. Nhưng lần lần, người ta nhận thấy sự ích-lợi của sự hợp-quần nên tụ-hợp nhau lại thành đoàn-thể sống chung với nhau. Thời-kỳ này, người phải tranh-đấu với những lực-lượng thiên-nhiên : phong, lôi, thủy, hỏa. Tranh-đấu với thiên-nhiên thì không dùng sức mạnh tay chân được như khi tranh-đấu với loài thú, nên người rất sợ sức mạnh thiên-nhiên. Lợi dụng được sự không hiểu biết thiên-nhiên và lòng sợ hãi của đa-số quần-chúng, một hạng người khôn ngoan đứng ra bảo rằng muốn cho thiên-nhiên bớt dùng sức mạnh đàn-áp con người thì chỉ có một cách là cầu-đảo. Những người thay mặt cho dân để cầu-đảo, làm trung gian giữa trời và người, cố-nhiên là những người nêu ra chủ-trương ấy. Đó là hạng phù-thủy ở những dân-tộc mọi rợ, hạng tăng-lữ ở các nước bán-khai. Hạng này có quyền-lực mạnh mẽ, sai khiến được cả đoàn-thể Quyền-lực đó tức là thần-quyền. Những đoàn-thể tụ-tập nhiều người lại cần phải tranh-đấu lẫn nhau để tranh đất sống. Vì thế, mỗi đoàn-thể đều có một ngưòi giỏi hành-binh cầm đầu : đó là người tù-trưởng của các bộ-lạc man-dã, nhà vua của các nước văn-minh : quân-quyền phát-sanh. Ban đầu, quân-quyền phải khuất-phục thần-quyền. Nhưng con người càng ngày càng tiến-hóa, càng khôn ngoan và lần lần bớt tin tưởng nơi thần-quyền. Vì thế, quân-quyền càng ngày càng lấn sang địa-phận thần-quyền để sau cùng chiếm lấy địa-vị độc-tôn, bắt thần-quyền phải phụng-sự mình. Quân-quyền thoát-ly được thần-quyền rồi thì cứ mạnh lần lên. Nhưng vì những nhà vua hay lạm-dụng quyền-thế mình, đàn-áp dân-chúng quá lẽ, nên dân-chúng tức giận nổi lên làm cách-mạng, bãi bỏ quân-quyền, và tự cử ra những người đại-biểu nắm lấy chánh-quyền : dân-quyền xuất-hiện. Nhưng dầu cho người ta dựa vào thần-quyền, quân-quyền, hay dân-quyền cũng thế, mục-đích của loài người vẫn là lo việc trị-an. Vậy, điều cốt yếu là chủ-trương chánh-trị phải thích-hợp với trình-độ dân-chúng. Ở Tây-tạng là một nước hết sức tôn-trọng thần-quyền, ai đem nói tư-tưởng quân-quyền thì bị dân-chúng bài-xích tức khắc. Như thế, không phải nhứt-thiết đâu đâu cũng phải theo dân-quyền cả. Tư-tưởng dân-quyền đã phát hiện ở Trung-Hoa từ lâu. Chế-độ quân-chủ của người Trung-Hoa rất có tánh-cách dân-quyền. Khổng-tử đã từng dạy : "Đại đạo chi hành giả, thiên-hạ vi công " (Đạo lớn mà thi-hành được thì thiên-hạ là của chung). Nếu thiên-hạ là của chung thì tất nhiên chánh-quyền thuộc về tất cả mọi người, như thế, tức là theo chế-độ dân-quyền rồi. Mạnh Tử bảo : "Dân vi quí, xã-tắc thứ chi, quân vi khinh " (Dân là quí, quốc-gia kế đó, vua là khinh), lại bảo : "Thiên thị tự ngã dân thị, thiên thính tự ngã dân thính " (Trời trông thấy tự ở dân ta trông thấy, trời nghe thấy tự ở dân ta nghe thấy). Như thế, theo ông, dân-ý tức là thiên-mạng vậy. Theo đúng tinh-thần Nho-giáo, vua chỉ xứng đáng làm vua khi ông biết lo cho dân mà thôi. Nếu vua làm trái quyền-lợi của dân thì vua trở nên kẻ độc-phu, dân có quyền phế xuống, đem người khác lên thay. Vậy, tư-tưởng dân-quyền đã có ở Trung-Hoa từ hơn 2000 năm rồi, nhưng nó chưa được thi-hành triệt-để. Ở các nước Âu Mỹ, người ta thường dùng những danh từ tự-do bình-đẳng làm khẩu-hiệu tranh-đấu cho tư-tưởng dân-quyền, còn ở Trung-Hoa, dân-chúng không biết đến những danh-từ ấy, nên không hưởng-ứng theo những người chủ-trương tự-do bình-đẳng. Như thế, cũng không có chi lạ. Trong xã-hội Âu-châu thuở trước, người dân bị bó buộc đủ điều và rất khổ sở vì những bó buộc ấy. Đã thế, dân-chúng lại phân ra làm nhiều giai-cấp cách-biệt nhau, người giai-cấp dưới dầu có tài đến đâu cũng không lên giai-cấp trên được, cho nên dân-chúng hết sức bất-bình. Những người tài giỏi thấy thế mới kêu gọi dân-chúng nổi dậy đòi lấy tự-do và bình-đẳng. Dân-chúng đang lúc tức bực vì sự thiếu tự-do và bình-đẳng nên hưởng-ứng theo. Họ phải phí nhiều xương máu mới lật đổ được chế-độ cũ, đòi được tự-do và bình-đẳng. Vì đó, họ rất quí trọng nó. Ở Trung-Hoa, người dân chỉ cần đóng đủ sưu-thuế cho nhà vua ; ngoài ra, họ có một sự tự-do cá-nhơn rộng rãi. Xã-hội lại không chia ra giai-cấp truyền-tử lưu-tôn ; những chức-vị lớn thì giao cho những người học giỏi thi đậu, chớ không phải giao cho con cháu các vị quí-tộc như ở Âu-châu. Hưởng được một chế-độ tự-do cá-nhơn rộng rãi, lại ở trong một xã-hội không có sự bất-bình-đẳng nhơn-tạo, người Trung-Hoa không nhận thấy tự-do bình-đẳng là cần, nên rất thờ ơ lãnh-đạm với nó. Vậy, muốn lôi kéo họ, người ta không lấy tự-do bình-đẳng mà nói, mà phải lấy chủ-nghĩa Dân-quyền. Hai tiếng dân-quyền gồm ý-nghĩa tự-do và bình-đẳng – vì dân-quyền có thi-hành thì mới có tự-do bình-đẳng – mà lại tránh được tự-do phóng-túng thái-quá và nạn bình-đẳng triệt-để vốn không hợp với tình-trạng thiên-nhiên mà lại có thể đưa quốc-gia đến chỗ hỗn-loạn được. Muốn thực-hiện chủ-nghĩa Dân-quyền, phải có một chánh-phủ nhiều năng-lực, có oai-quyền định-đoạt và hết lòng lo việc công-ích. Để tránh nạn chánh-phủ bất-lực và chánh-phủ quá mạnh rồi đàn-áp dân-chúng. Tôn Văn đề-nghị chia dân-quyền ra làm hai : chánh-quyền và trị-quyền.. Chánh-quyền là quyền của dân-chúng : nó gồm có bốn quyền là tuyển-cử, bãi quan, làm luật, bãi bỏ và sửa đổi pháp-luật. Trị-quyền là quyền của chánh-phủ. Ở Âu-châu, trị-quyền gồm có ba quyền là lập-pháp, tư-pháp và hành-pháp. Ở Trung-Hoa thuở trước, ba trị-quyền nói trên đều thuộc về hoàng-đế, nhưng Trung-Hoa có thêm hai quyền độc-lập không thuộc nhà vua mà Âu-châu không có. Ấy là quyền giám-sát và khảo-thí. Tôn Văn dung-hòa cả hai chế-độ Âu Á và lập ngũ quyền hiến-pháp , chia trị-quyền ra làm năm : lập-pháp, tư-pháp, hành-pháp, giám-sát và khảo-thí. Theo tinh-thần hiến-pháp ấy thì dân Trung-Hoa được lựa người tài đức để giao trị-quyền cho họ. Khi cử xong chánh-phủ thì dân-chúng chỉ cần tỏ bày ý muốn của mình, rồi để cho chánh-phủ tự-do làm thế nào thực-hành được ý muốn ấy thì làm, chớ không bó buộc chánh-phủ thái-quá. Lấy chánh-quyền chỉ-huy và kiểm-soát trị-quyền, để cho trị-quyền không tự-do làm bậy được, nhưng cho trị-quyền được tự-do tìm những phương-pháp thi-hành mạng-lịnh của chánh-quyền để cho công việc mau có kết-quả, đó là biện-pháp Tôn Văn đặt ra để làm cho dân-quyền thực-hiện được. 3. CHỦ-NGHĨA DÂN-SINHTheo định-nghĩa của Tôn Văn, chủ-nghĩa Dân-sinh là một chủ-nghĩa nghiên-cứu về sự sinh-hoạt của quần-chúng, sự sinh-tồn của quốc-dân. Nó cũng như chủ-nghĩa xã-hội, cũng như chủ-nghĩa cộng-sản. Về thế-kỷ thứ 18, cuộc cách-mạng thực-nghiệp do sự phát-minh cơ-khí gây ra làm cho nền tảng kinh-tế Âu-châu sụp đổ, nhiều người nghèo khổ đói khó. Các nhà học-giả thấy vậy mới đưa ra những đề-nghị để cứu-vãn tình-thế. Do đó, những lý-thuyết xã-hội ra đời. Lúc ban đầu, những nhà xã-hội học đều là những người không-tưởng. Đến khi học-giả Đức Karl Marx dùng khoa-học thực-nghiệm mà nghiên-cứu vấn-đề xã-hội, đưa ra những phương-pháp hành-động có tánh-cách thực-tiễn, phong-trào xã-hội mới bành-trướng được. Karl Marx cho rằng hành-động của con người đèu do hoàn-cảnh bên ngoài quyết-định. Theo ông, lịch-sử văn-minh của nhơn-loại là lịch-sử biến-thiên của cảnh-ngộ vật-chất. Nguyên-động-lực của sự tiến-hóa trong xã-hội là giai-cấp chiến-tranh, vì xã-hội luôn luôn chia ra làm hai hạng : hạng bóc lột và hạng bị bóc lột, luôn luôn tranh-đấu lẫn nhau, mà mỗi khi hạng bị bóc lột thắng-lợi thì xã-hội được cải-thiện đôi chút. Tấn tuồng này đã diễn từ trước đến giờ, nó sẽ diễn mãi đến khi cuộc cách-mạng xã-hội thành-công mới dứt. Tôn Văn nhận thấy rằng, chủ-trương giai-cấp tranh-đấu của Karl Marx không đúng và không thích-hợp với nước Trung-Hoa là một nước không có hạng tư-bản. Theo ông, loài người xưa nay gắng sức làm việc là để mưu sự sống còn cho mình. Nhờ sự gắng sức để sinh-tồn mà loài người tiến-hóa. Sự tiến-hóa này chỉ có thể thực-hiện được khi quyền-lợi của mọi người điều-hòa nhau, khi tất cả mọi người đều hợp-lực nhau lại để mưu sự sinh-tồn chung. Vậy, nguyên-động-lực của sự tiến-hóa xã-hội là sự sinh-tồn, chớ không phải là giai-cấp chiến-tranh. Giai-cấp chiến-tranh sở-dĩ phát-sanh ra là vì sự sinh-tồn của một hạng người trong xã-hội bị uy-hiếp thái-quá. Xem thế, nó chỉ là một cái bịnh của sự sinh-tồn. Nó làm ngưng trệ sự tiến-hóa xã-hội chứ không phải là nguyên-động-lực của sự tiến-hóa như Marx đã bảo. Vì lý-do ấy, Tôn Văn không theo chủ-nghĩa xã-hội Karl Marx mà nêu ra chủ-nghĩa Dân-sinh. Ông cho rằng tiếng dân-sinh bao gồm cả các vấn-đề xã-hội, mà lại dễ hiểu hơn hai tiếng xã-hội. Theo Tôn Văn, ở Trung-Hoa không có hai hạng tư-bản và lao-động, chỉ có hạng nghèo nhiều và nghèo ít mà thôi. Ông kêu gọi người trong nứớc bỏ ý-tưởng giai-cấp tranh-đấu, hợp-lực cùng nhau để lo cho sự thạnh-vượng chung của Tổ-quốc. Để tránh sự trục-lợi quá đáng của hạng hào-phú, ông đưa ra hai biện-pháp : bình-quân địa-quyền và tiết-chế tư-bản. Về bình-quân địa-quyền, ông đề-nghị giao cho chánh-phủ quyền đánh thuế đất đai hay mua đất đai của tư-nhơn, rồi bắt mỗi địa-chủ kê-khai số đất mình có với giá-trị của đất ấy. Nếu địa-chủ đánh giá rẻ thì chánh-phủ xuất tiền mua đất. Trái lại, nếu họ đánh giá đất họ cao thì chánh-phủ bắt họ đóng thuế nặng. Như thế, địa-chủ buộc lòng phải khai đúng giá đất mình. Mỗi khi giá đất tăng lên, thì chánh-phủ bắt chủ đất phải đóng cho chánh-phủ số cách nhau giữa giá cũ và giá mới, vì theo Tôn Văn, giá đất ở một thành-thị có lên cao được là nhờ công-lao chung của xã-hội chớ không phải nhờ chủ đất, và theo lẽ công-bằng, giá-trị thặng-dư của đất ấy phải thuộc về công-khố. Về sự tiết-chế tư-bản, Tôn Văn chủ-trương quốc-hữu-hóa những dinh-nghiệp to lớn và những dinh-nghiệp có lợi-ích chung. Ông kết-luận rằng : mục-đích chủ-nghĩa Dân-sinh là làm cho dân-chúng có đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đường đi. Để đạt mục-đích ấy, chánh-phủ cần phải khuyến-khích dân-chúng sản-xuất vật-phẩm thật nhiều, rồi kiểm-soát sự phân-phối vật-sản ấy cho đồng đều để mọi người cùng được hưởng như nhau. Vậy, chủ-nghĩa Dân-sinh cũng không khác nào chủ-nghĩa cộng-sản. D. NHỮNG NHƯỢC-ĐIỂM CỦA CHỦ-NGHĨA TAM DÂNTôn Văn là người gồm đủ đức-tánh của một chiến-sĩ cách-mạng và của một học-giả. Ông vốn hiếu-học, ưa đọc sách, lại có tài quan- sát. Cuộc đời bôn-ba của ông đưa ông đi khắp nơi, và giúp ông nhiều dịp may để nghiên-cứu các nước Âu Mỹ trong sự thực-hiện chế-độ dân-chủ và giải-quyết các vấn-đề xã-hội. Ông đã thấy rõ những khuyết-điểm của hai lý-thuyết dân-chủ và xã-hội, nhưng không chánh-thức bài-xích nó như các lý-thuyết gia phát-xít và quốc-xã, mà cố dung-hòa lý-tưởng nó nêu ra, và đem ghép nó vào tư-tưởng quốc-gia của mình. Thành thật mà nói, ông đã nêu ra một chủ-nghĩa tổng-hợp có nhiều ý-kiến rất đúng đắn. Tuy vậy, chủ-nghĩa này hãy còn nhiều nhược-điểm. Trước hết, lý-luận nó thiếu tánh-cách đại-đồng, khái-quát của những chủ-nghĩa đã ra đời trước nó, vì nó chỉ chăm chú vào việc giải-quyết vấn-đề Trung-Hoa và đặt những lý-luận nó trên đời sống dân-tộc Trung-Hoa. Sau đó, nó chứa đựng rất nhiều khuyết-điểm sai lầm và mâu-thuẫn nhau. Trong chủ-nghĩa Dân-tộc, Tôn Văn bảo rằng từ đời Hán về sau, ở Trung-Hoa chỉ có một dân-tộc lập thành một quốc-gia. Nhưng sau đó, ông lại thêm rằng 400 triệu dân Trung-Hoa gồm có Hán-tộc và những dân-tộc thiểu số Mông-cổ, Mãn-châu, Tây-tạng và Hồi-hồi Đột-quyết. Một mặt, ông nêu khẩu-hiệu “ngũ-tộc cộng-hòa” kêu gọi bốn chủng-tộc ấy hỗn-hợp với Hán-tộc thành một khối. Nhưng một mặt khác, ông nói rằng Mông-cổ và Mãn-châu là hai ngoạI-tộc đã dùng võ-lực mà chế-ngự Trung-Hoa, làm cho người Trung-Hoa mất tinh-thần dân-tộc. Do chỗ mâu-thuẫn này, hiện giờ, ta rất khó hiểu quan-niệm dân-tộc của ông như thế nào. Có lẽ ông muốn cho năm chủng-tộc ở đất Trung-Hoa hợp lại lập một nước trong ấy quyền cai-trị điều-khiển phải để cho Hán-tộc nắm giữ. Trong trường-hợp đó, và nếu ta cứ noi theo định-nghĩa của ông mà nói , thì cái mà ông gọi là dân-tộc Trung-Hoa thật ra là quốc-gia Trung-Hoa do dân Hán dùng võ-lực mà tạo thành Người sáng-lập thuyết dân-tộc ở Trung-Hoa mà còn mơ hồ như thế thì không trách được dân Trung-Hoa về chỗ họ không phân-biệt quốc-gia và dân-tộc. Nguyên-nhơn sự không phân-biệt quốc-gia và dân-tộc ấy không phải vì từ đời Hán về sau, ở Trung-Hoa chỉ có một dân-tộc lập thành một quốc-gia như Tôn Văn đã nói, vì như ta đã thấy, nước Trung-Hoa gồm có năm giống dân hợp lại lập thành. Thật ra thì người Trung-Hoa không phân-biệt quốc-gia và dân-tộc là vì họ theo chủ-nghĩa thế-giới đại-đồng. Vì tiêm-nhiễm chủ-nghĩa thế-giới đại-đồng, người Trung-Hoa thiếu hẳn quan-niệm quốc-gia. Theo họ, thiên-hạ phải gồm về một mối dưới quyền cai-trị của người có đức nhứt. Người này khi làm chúa thiên-hạ rồi thì được xem là thiên-tử ở Trung-Hoa, dầu ông ta thuộc giống nào cũng mặc. Vì thế, Thuấn là ngườI mọi Đông-di, Văn-vương là người mọi Tây-di mà cũng được dân Trung-Hoa kính trọng tôn thờ, xem như là những vị đế-vương chánh-thống thuộc nòi giống mình. Theo Tôn Văn, những yếu-tố thành-lập dân-tộc là huyết-thống, sanh-hoạt, ngôn-ngữ, tôn-giáo và phong-tục tập-quán. Ông quả-quyết rằng dân Trung-Hoa là một dân-tộc thống-nhứt vì họ đồng huyết-thống, sanh-hoạt, ngôn-ngữ, tôn-giáo và phong-tục tập-quán. Nhưng sự thật chưa hẳn đúng như lời ông nói. Hãy khoan kể đến những sự khác nhau về huyết-thống, tôn-giáo và phong-tục giữa Hán-tộc và những chủng-tộc kia. Ngay trong Hán-tộc, ta cũng thấy một sự bất-đồng rõ rệt về ngôn-ngữ và sanh-hoạt rồi. Người Hoa-nam và Hoa-bắc có một đời sống khác hẳn nhau, và dân-chúng các tỉnh Trung-Hoa còn dùng rất nhiều thứ thổ-ngữ. Tiếng "quốc-ngữ " hiện nay vẫn chưa phổ-cập khắp nơi và trừ một số ít người có học, phần lớn dân-chúng Trung-Hoa không thể nhờ tiếng mẹ đẻ mà hiểu nhau được. Xét phần lớn lý-luận của chủ-nghĩa dân-tộc, ta thấy Tôn Văn cố gắng kích-thích tinh-thần ái-quốc của người Trung-Hoa. Ông bảo dân Trung-Hoa rằng họ hợp nhau lại thành một dân-tộc và phải lo cho dân-tộc ấy trước hết. Nhưng trong phần kết_luận, nhưng ông lại bảo rằng họ phải ráng sức thực-hiện cảnh thế-giới đại-đồng. Ông quên rằng nếu lo cho dân-tộc mình thì không thể lo cho những dân-tộc khác được vì chính ông cũng phải công-nhận ràng, muốn sống, con người phải tranh-đấu lẫn nhau,mà quyền-lợi của dân-tộc này không thể nào luôn luôn dung-hòa với quyền-lợi của những dân-tộc khác được. Muốn đi đến cảnh thế-giới đại-đồng, ta phải xem tất cả mọi người trên thế-giới như nhau. Như thế, ta phải bỏ sự phân-biệt quốc-gia dân-tộc. Nếu mọi người còn phân-biệt dân-tộc mình với ngoạI-tộc, còn nghĩ đến dân-tộc mình và lo cho nó trước thì cảnh thế-giới đại-đồng không thể nào thực-hiện được. Mà có được chăng nữa, cái thế-giới đại-đồng còn giữ chủ-trương dân-tộc này cũng chỉ là một thế-giới đại-đồng có tánh-cách đế-quốc, đặt nền tảng trên một dân-tộc bá-chủ đè nén các dân-tộc nhược-tiểu. Trong khi khuyên nhủ các thanh-niên Trung-Hoa không nên chạy theo chủ-nghĩa quốc-tế vì nó là một thứ chủ-nghĩa đế-quốc trá hình mà nước Trung-Hoa xưa kia đã từng dùng, ông bảo rằng nước Trung-Hoa còn hèn kém, chưa thể theo chủ-nghĩa quốc-tế được, vì theo chủ-nghĩa quốc-tế, tức là chịu để cho liệt-cường chia xẻ Trung-Hoa. Ông tiếp rằng, khi nào Trung-Hoa mạnh rồi, dân Trung-Hoa có thể theo chủ-nghĩa quốc-tế. Như thế, người ta có thể ngờ rằng Tôn Văn ám-nhiên xui người Trung-Hoa dùng chủ-nghĩa dân-tộc làm cho quốc-gia mình mạnh, rồi khi quốc-gia Trung-Hoa đã mạnh, người Trung-Hoa lại sẽ dùng chủ-nghĩa quốc-tế để thi-hành-chánh-sách đế-quốc của mình. Trong sự suy-luận của ông, Tôn Văn luôn luôn xem những nước : Việt-Nam, Thái-Lan, Diến-Điện..., như là những đất phiên-thuộc Trung-Hoa. Ông nhắc lại rằng chỉ sau khi ký với chánh-phủ Bắc-kinh hòa-ước Thiên-Tân năm 1885, người Pháp mới chánh-thức-hóa được sự đô-hộ đất Việt của họ. Dựa vào đó, ông xem đất Việt là một phần lãnh-thổ của Trung-Hoa. Những sách giáo-khoa của Trung-Hoa Quốc-dân-đảng về sau vẫn giữ nguyên ý đó. Điều này càng chứng tỏ thêm ý muốn gồm thâu đất Việt của Tôn Văn. Trong chủ-quyền Dân-quyền, Tôn Văn cho rằng tác-dụng của quyền xưa nay là duy-trì sự sinh-tồn của người. Đứng về phương-diện lý-tưởng mà nói, tác-dụng của quyền tất phải nhắm vào mục-đích sinh-tồn như Tôn Văn đã nói. Nhưng sự thật, xưa nay người ta tranh nhau cướp quyền-bính để thỏa-mãn những dục-vọng cá-nhơn hơn là để phụng-sự dân-chúng. Do đó , những vấn-đề chánh-trị và xã-hội mới được đặt ra. Cũng do đó, người ta phải nghĩ ra những phương-pháp giữ cho nhà cầm-quyền không lợi dụng thế-lực mà đàn-áp bóc lột dân-chúng. Theo Tôn Văn, lịch-sử nhơn-loại chia ra làm nhiều thời-kỳ. Trong thời-kỳ thứ nhứt, người ta phải tranh-đấu với cầm-thú. Trong thời-kỳ thứ nhì, người phải tranh-đấu với thiên-nhiên và theo chế-độ thần-quyền. Trong thời-kỳ thứ ba, vì phải tranh-đấu lẫn nhau nhiều hơn, người cần có người giỏi việc hành-binh cầm đầu và lập ra chế-độ quân-quyền. Sau cùng, dân-quyền thắng-lợi vì nhà vua chế-ngự được thần-quyền rồi lạm-dụng quyền-hành mình mà làm nhiều điều xằng bậy, khiến cho dân-chúng phẫn-uất, nổi lên đánh đổ chế-độ quân-quyền. Đúng theo lời Tô Văn, loài người muốn sống phải tranh-đấu với ba lực-lượng : loài cầm-thú, lực-lượng thiên-nhiên và người đồng-loại. Nhưng ba sự tranh-đấu này luôn luôn có một lượt với nhau. Người cùng một lúc chống với loài cầm-thú săn mình, và săn loài thú nhỏ hơn để ăn thịt, lại phải tìm cách đối-phó với những lực-lượng thiên-nhiên có hại đến mình và phải cùng đồng-loại tranh giành món ăn chỗ ở. Tánh-cách và sự quan-trọng của mỗi cuộc tranh-đấu có thể khác nhau tùy thời-kỳ , nhưng chung-qui, ba đối-thủ của người đều còn đủ đến ngày nay. Sự đối-phó với loài thú từ lâu đã trở nên dễ dàng cho người, nhưng cuộc tranh-đấu với thiên-nhiên và đồng-loại vẫn còn gay go khắc-nghiệt như xưa. Trong khi người vẫn phải hết sức tranh-đấu với thiên-nhiên và đồng-loại, xã-hội trong đó người sống tiến mãi từ chế-độ thần-quyền sang chế-độ dân-quyền. Vậy, muốn tìm lý-do làm phát-sanh các chế-độ này, ta không thể chỉ dựa vào đối-thủ của người như Tôn Văn, mà phải dựa vào trình-độ phát-triển của ý-thức và trí-tuệ con người. Khi trí-tuệ người chưa đủ mở mang để hiểu những hiện-tượng bao bọc mình, người dựa vào thần-quyền. Khi người chưa có một ý-thức rõ rệt về cá-tánh mình, về phẩm-cách mình, người còn chím đắm trong đám đông và dễ dàng khuất-phục kẻ bề trên, dầu kẻ bề trên đó là một giáo-sĩ, một nhà vua, hay một lãnh-tụ dân-chủ cũng vậy. Quân-quyền do tinh-thần khuất-phục đó mà phát-sanh và nẩy nở được. Chỉ đến lúc người giác-ngộ về nhơn-cách mình, và tự xem mình như một phần-tử bình-đẳng với những phần-tử khác trong xã-hội, ý-tưởng dân-quyền mới xuất-hiện và phát-triển. Nhưng sự lật đổ quân-quyền lại còn do nơi một yếu-tố tâm-lý khác. Nếu chế-độ quân-chủ dựa vào một nguyên-tắc công-bình, tôn-trọng cá-tánh người, và không bó buộc người thì khi gặp một nhà vua tàn-ác, dân-chúng chỉ phế ông ấy xuống, đưa người khác lên thay. Vì chế-độ quân-chủ của đạo Nho có tánh-cách bình-dân nên những nhà cách-mạng Viễn-Đông thuở trước không đòi hỏi tự-do bình-đẳng và không nghĩ đến sự thành-lập một dân-quốc trước khi tiêm-nhiễm những tư-tưởng dân-chủ của người Âu Mỹ, mặc dầu người Trung-Hoa xưa kia đã có một nền triết-lý nhơn-sanh rất cao. Những ý-tưởng thần-quyền và dân-quyền vẫn có thể sống chung nhau trong xã-hội, vì ngay trong khi đã có một ý-thức rõ rệt về nhơn-cách, người hãy còn chưa hiểu biết hết các hiện-tượng thiên-nhiên bao bọc lấy mình. Thêm nữa, những dân-tộc bảo-thủ, tôn-trọng cổ truyền, và may mắn được sống dưới sự cai-trị của một hoàng-gia khôn ngoan, có tinh-thần nhân-nhượng với dân-chúng, vẫn có thể giữ chế-độ quân-chủ giữa thời-đại dân-quyền. Dân-tộc Anh đã cho ta một tấm gương rõ rệt về sự cộng-tồn giữa ba chủ-trương thần-quyền, quân-quyền và dân-quyền : họ tôn sùng Thượng-đế và theo chánh-thể quân-chủ, nhưng vẫn bảo-đảm được quyền-lợi vật-chất và tinh-thần của mọi công-dân. Để thực-hiện lý-tưởng dân-quyền, Tôn Văn đề nghị chia dân-quyền ra làm chánh-quyền và trị-quyền. Cứ xét theo lý-luận ông, ta thấy rằng cái mà ông gọi là chánh-quyền là cái mà ông Rousseau gọi là chủ-quyền, còn cái trị-quyền của ông tức là cái mà ta thường gọi là chánh-quyền. Thêm vào ba quyền : lập-pháp, tư-pháp và hành-pháp của các lý-thuyết-gia dân-chủ Âu-châu, Tôn Văn đưa ra hai quyền giám-sát và khảo-thí. Những nhà vua Viễn-Đông xưa kia quả có đặt ra chế-độ giám sát với những viên ngự-sử, những vị gián-nghị đại-phu. Nói cho thật đúng, chế-độ này cũng có nhiều chỗ hay. Trong lịch-sử Trung-Hoa và Việt-Nam, nhiều người cương trực đã giữ chức-vụ ấy một cách xứng đáng, và đã giúp nhiều vào việc giữ các nhà vua trên con đường phải. Tuy-nhiên, ta phải công-nhận rằng ngày xưa, tánh-mạng các quan ngự-sử và gián-nghị đại-phu vẫn nằm trong tay nhà vua, nếu không nằm trong tay những quyền-thần. Và những nhà vua hôn-ám, những vị tể-tướng lộng-quyền không ngần ngại gì mà chẳng giết những người dám thẳng lời chỉ-trích nết xấu của mình. Nhưng dầu sao, ý-kiến lập một quyền giám-sát cũng là ý-kiến rất hay, miễn là sự chọn lựa các nhơn-viên giám-sát được kỹ càng đúng đắn. Về quyền khảo-thí thì khác hẳn. Quyền khảo-thí không bao giờ được độc-lập. Nó là sản-phẩm của chế-độ chánh-trị, từ trước đến nay vẫn tùy-thuộc cơ-quan hành-pháp. Và thật ra, sự thiết-lập riêng một cơ-quan khảo-thí chưa chắc đã có kết-quả gì hay, mà còn có thể đưa đến sự lạm-dụng quá đáng nữa. Sau hết, chúng ta lại có thể nhận thấy rằng chủ-trương của Tôn Văn về vấn-đề dân-chủ không được rõ ràng lắm. Trong chủ-nghĩa Dân-quyền, ông bất đầu tán-dương tinh-thần dân-chủ, nhưng kế đó, ông Trong chủ-nghĩa Dân-sinh, Tôn Văn lại càng lúng túng hơn nữa. Ai có đọc những bài diễn-văn của ông đọc ở Quảng-châu để giảng-giải về chủ-nghĩa Dân-sinh cũng thấy rõ sự bối rối của ông. Khởi đầu, ông bảo : « chủ-nghĩa Dân-sinh cũng như chủ-nghĩa cộng-sản ». Kế đó, ông vạch rõ những chỗ sai lầm của lý-thuyết Karl Marx và cho biết rằng vì những chỗ sai lầm ấy, ông không theo chủ-nghĩa cộng-sản mà lập ra chủ-nghĩa Dân-sinh. Nhưng sau cùng, ông kết-luận rằng chủ-nghĩa Dân-sinh cũng là chủ-nghĩa cộng-sản. Thật-sự thì chủ-nghĩa Dân-sinh của Tôn Văn không thể giống chủ-nghĩa cộng-sản được. Vì trong khi chủ-nghĩa cộng-sản chủ-trương hủy-diệt quyền tư-hữu, chủ-nghĩa Dân-sinh còn chấp-nhận quyền tư-hữu của người, chỉ hạn-chế sự sử-dụng quyền ấy mà thôi. Vấn-đề công-nhận hay không công-nhận quyền tư-hữu là một bức tường chia rẽ hẳn chủ-trương cộng-sản và các chủ-trương dân-chủ tự-do hay quốc-gia. Bởi đó, khi cho rằng chủ-nghĩa Dân-sinh công-nhận quyền tư-hữu và chủ-nghĩa cộng-sản không công-nhận quyền tư-hữu cũng như nhau, Tôn Văn đã phạm vào một mâu-thuẫn rất to. Đ. NGUYÊN-NHƠN NHỮNG MÂU-THUẪN CỦA TÔN VĂNSở-dĩ Tôn Văn có những lý-luận mâu-thuẫn nhau từ đầu đến cuối như ta thấy trên đây là vì tình-thế nước Trung-Hoa lúc ấy bắt buộc. Chủ-nghĩa Tam Dân của ông đã xuất-hiện vào một thời-kỳ hết sức rối loạn của nước Trung-Hoa. Muốn cho Tổ-quốc khỏi bị liệt-cường uy-hiếp lăng-nhục, Tôn Văn nhận thấy cần phải cải-tổ chế-độ chánh-trị hủ-bại của nước mình. Cuộc tiếp xúc với Lý Hồng Chương cho ông biết rõ rằng triều-đình Mãn-Thanh nhứt-định không chịu duy-tân theo gương nước Nhựt. Vì đó, ông phải quay về chủ-trương cách-mạng. Nhưng phần lớn người Trung-Hoa lúc ấy còn nhiễm tinh-thần tôn-quân, không chịu chống lại triều-đình. Tôn Văn phải đề cao tinh-thần dân-tộc, khêu gợi lòng thù ghét dân Mãn-châu của người Hán để kêu gọi họ theo mình đánh đổ nhà Thanh. Nhưng nếu chủ-trương xem người Mãn-châu là ngoại-tộc thì sau khi tự giải-thoát khỏi ách đô-hộ của người Mãn-châu, dân Trung-Hoa lại phải tách quốc-gia mình ra khỏi quốc-gia Mãn-châu. Đất Mãn-châu vốn là một vùng đất rất phì-nhiêu và có nhiều khoáng-sản, có thể gọi là phần đất tốt nhứt của nước Trung-Hoa nên Tôn Văn không muốn mất nó. Vì thế, ông lại phải nêu ra chủ-trương "ngũ-tộc cộng-hòa ", xem người Mãn-châu là một phần-tử của dân-tộc Trung-Hoa. Chủ-trương dân-tộc hết sức cần-thiết cho người Trung-Hoa xưa nay vốn không có một tinh-thần quốc-gia rõ rệt và mạnh-mẽ. Nhưng từ trước, người Trung-Hoa đã nhiều lần khởi-loạn chống triều Mãn-Thanh và chống luôn cả ngoại-kiều, sát-hại những thương-gia, nghiệp-chủ da trắng. Do đó các cường-quốc Âu Mỹ thường có ác-cảm với những phong-trào khởi-loạn ở Trung-Hoa. Họ gán cho những phong-trào ấy một tánh-cách bài-ngoại hẹp hòi. Để tránh nạn liệt-cường ủng-hộ chánh-phủ Bắc-kinh, đàn-áp phong-trào cách-mạng mình khởi-xướng, Tôn Văn phải cho họ thấy rằng nó là một phong-trào chống lại sự chuyên-chế của nhà vua Trung-Hoa y như những phong-trào dân-chủ ở Âu Mỹ. Tuy-nhiên, sự khảo-sát chế-độ chánh-trị các nước Âu-châu đã cho ông thấy rằng chủ-trương dân-chủ không phải hoàn-hảo, lại không thích-hợp với tâm-lý dân-chúng Trung-Hoa và tình-thế Trung-Hoa lúc ấy. Vì đó, ông nêu ra chủ-nghĩa Dân-quyền, trong đó ông hô-hào phải trao quyền lại cho dân, song lại chủ-trương cho nước Trung-Hoa theo một chế-độ kỷ-luật quốc-gia chặt chẽ, không nhìn nhận sự tự-do bình-đẳng cá-nhơn. Chủ-nghĩa Dân-quyền này lại còn có cái lợi là lôi kéo được những phần-tử thanh-niên có du-học Âu Mỹ, đã nhiễm tinh-thần dân-chủ của dân da trắng và khó nhận một chủ-trương dân-tộc thuần-túy. Sau khi triều Mãn-Thanh sụp đổ, nước Trung-Hoa lại bị nạn quân-phiệt phân-tranh. Các nước Âu-châu trước kia tán-trợ Tôn Văn bây giờ lại tìm cách phá rối, gây thêm chia rẽ để thừa cơ thủ-lợi, chỉ có Liên-bang Sô-viết mới thành-công trong cuộc cách-mạng vô-sản và bị cô-lập trên trường ngoại-giao quốc-tế là có thể bắt tay Trung-Hoa. Nhưng người Nga cũng không có lợi mà giúp cho nước Trung-Hoa thống-nhứt và hùng-cường, nếu Trung-Hoa theo chủ-nghĩa quốc-gia, vì trong trường-hợp đó, Trung-Hoa sẽ là một mối nguy lớn lao cho họ. Muốn cho người Nga sẵn sàng giúp mình, Tôn Văn phải nghiêng về phía chủ-nghĩa cộng-sản. Vì phải theo đuổi nhiều mục-đích khác nhau, lại chống chọi nhau, chủ-nghĩa Tam Dân thành ra một chủ-nghĩa lửng lơ, quốc-gia không ra quốc-gia, quốc-tế không ra quốc-tế, tư-sản không ra tư-sản mà cộng-sản cũng không thật là cộng-sản. Thành thật mà nói, nó là một chủ-nghĩa quốc-gia mang lốt quốc-tế, một chủ-nghĩa tư-sản mặc áo cộng-sản. E. SỰ THI-HÀNH CHỦ-NGHĨA TAM DÂNTuy chủ-trương rằng người Trung-Hoa từ xưa đã có tư-tưởng dân-quyền, Tôn Văn vẫn công-nhận rằng chế-độ quân-chủ Trung-Hoa là một chế-độ dựa vào quyền-lực. Dân-chúng Trung-Hoa từ xưa đã sống trong chế-độ quyền-lực ấy mà chưa quen với chánh-thể dân-chủ cộng-hòa. Theo ông, nếu thi-hành ngay chủ-trương dân-quyền, trao trọn chánh-quyền cho dân thì quốc-gia Trung-Hoa có thể lâm vào cảnh hỗn-loạn. Vì lý-do này, ông phân trình-tự thực-hành chủ-nghĩa Tam Dân ra làm ba thời-kỳ : quân-chánh, huấn-chánh, và hiến-chánh. Trong thời-kỳ quân-chánh, những nhà cách-mạng tổ-chức chánh-phủ quân-nhơn, áp-dụng một kỷ-luật gắt gao để thống-nhứt quốc-gia,tiêu-diệt những kẻ phản-động. Khi nền tảng dân-quốc đã vững và quốc-gia được an-ổn, chánh-phủ sẽ nhờ sự tuyên-truyền huấn-luyện mà nâng cao trình-độ dân-chúng, giác-ngộ họ về nhiệm-vụ và quyền-lợi họ, tập cho họ sống theo chế-độ dân-chủ. Sau đó, khi công việc đào-luyện này hoàn-thành, dân-chúng sẽ thật-thọ nắm chánh-quyền và sử-dụng những quyền tuyển-cử, bãi-quan, chế-luật của mình một cách hoàn-toàn đầy đủ. Chừng đó, chánh-phủ quân-nhơn cách-mạng phải nhường chỗ cho một chánh-phủ được bầu cử ra theo hiến-pháp : đó là thời-kỳ hiến-chánh. Ý-kiến Tôn Văn kể ra cũng hay. Nhưng ông quên rằng khi người ta đã nắm được quyền-bính trong tay thì người ta có xu-hướng muốn giữ nó mãi, chớ không mấy khi tự mình buông bỏ nó. Như vậy, các chánh-phủ quân-nhơn cách-mạng của ông sẽ cố dời thời-kỳ hiến-chánh ra xa chừng nào hay chừng ấy. Nếu không kéo dài thời-kỳ quân-chánh được, họ cũng kéo dài thời-kỳ hiến-chánh ra. Bởi đó, nếu theo chủ-trương trên này của Tôn Văn, thì dầu cho nước Trung-Hoa có yên-ổn, Trung-Hoa Quốc-dân-đảng cũng chưa chắc đã thi-hành đúng chủ-nghĩa Tam Dân. Nhưng thật ra thì từ khi cuộc cách-mạng Tân-Hợi nổ bùng, chưa lúc nào nước Trung-Hoa được yên-ổn. Sau cuộc Nam Bắc phân-tranh, lại đến nạn quân-phiệt, rồi cuộc xung-đột Quốc-Cộng. Cuộc xung-đột này chỉ tạm ngưng lại trong thời-kỳ tranh-chiến với Nhựt, rồi lại tiếp-diễn. Ngày nay, mặc dầu Trung-cộng đã chiếm hết lục-địa Trung-Hoa và Trung-Hoa Quốc-dân-đảng chỉ còn giữ được Đài-loan, cuộc tranh-đấu giữa hai bên vẫn kéo dài chớ chưa hoàn-toàn chấm dứt. Trong tình-thế đó, tự-nhiên Tam Dân-chủ-nghĩa không thể thi-hành được đúng đắn. Tuy những chánh-phủ Trung-Hoa Quốc-dân-đảng tổ-chức có ban-hành một Hiến-pháp, và trị-quyền ở Trung-Hoa được chánh-thức chia ra cho năm viện theo chủ-trương "ngũ-quyền" của Tôn Văn, thật sự thì tất cả quyền-bính qui-tập vào tay chánh-phủ do Tưởng Giới-Thạch cầm đầu. Chế-độ độc-tài của Trung-Hoa Quốc-dân-đảng không đến nỗi khắc-nghiệt quá như chế-độ phát-xít, quốc-xã hay cộng-sản, nhưng dầu sao, người Trung-Hoa cũng không được hưởng thật-sự những quyền mà chủ-nghĩa Tam Dân hứa cho họ. Như thế, ta có thể bảo rằng chủ-nghĩa này chưa lúc nào được thi-hành đúng đắn. Sau khi Trung-cộng nắm quyền-bính ở Trung-Hoa, chủ-nghĩa Tân-Dân đã được đem ra thay thế cho chủ-nghĩa Tam Dân. Tuy vậy, các lãnh-tụ Trung-cộng vẫn không bài-xích Tôn Văn và một phần nào chịu công-nhận rằng họ là những kẻ thừa-kế của ông về phương-diện tinh-thần. Họ lấy câu "Chủ-nghĩa Dân-sinh là chủ-nghĩa Cộng-sản " và những lời Tôn Văn hiệu-triệu dân Trung-Hoa theo chủ-trương thế-giới đại-đồng để bảo rằng mình không hề đi sai bản-ý Tôn Văn. Trong khi đó, Trung-Hoa Quốc-dân-đảng dựa vào ý "người Trung-Hoa phải lo cho quốc-gia dân-tộc mình trước " và những lời chỉ-trích lý-thuyết Karl Marx của Tôn Văn để tự cho mình là môn-đồ chánh-thống của Tôn Văn. Sự mù mờ của chủ-nghĩa Tam Dân đã làm cho quần-chúng Trung-Hoa hoang-mang, và ta có thể cho rằng chủ-nghĩa ấy đã không ít thì nhiều giúp vào sự thắng-lợi của Cộng-sản trên dất nước Trung-Hoa. II. CHỦ-NGHĨA TÂN-DÂNA- TÌNH-THẾ NƯỚC TRUNG-HOA SAU KHI TÔN VĂN TỪ TRẦNTôn Văn qua đời giữa lúc nước Trung-Hoa còn nằm trong vòng hỗn-loạn. Các tướng quân-phiệt mỗi người hùng-cứ một phương, các quân-nhơn theo Tôn Văn cũng nghĩ đến quyền-lợi cá-nhơn nhiều hơn là quyền-lợi tối-cao của tổ-quốc. Thời Tôn Văn còn sống, ông đã bị phản-bội nhiều lần và công cuộc chinh-phạt các tướng quân-phiệt phương Bắc mà ông chủ-trương chưa lúc nào thành-công. Sau khi Tôn Văn chết, quyền-bính về tay Tưởng Giới-Thạch. Ông này ban đầu noi theo chánh-sách cộng tác với đảng Cộng-sản Trung-Hoa do Tôn Văn nêu ra, nhưng từ năm 1927, nhận thấy đảng Cộng-sản còn nguy cho tiền-đồ Trung-Hoa hơn bọn quân-phiệt, ông quay trở lại đàn-áp cộng-sản. Từ đó trở đi, nước Trung-Hoa không lúc nào yên. Các tướng quân-phiệt lần lần bị tiêu-diệt hay phải trở về cộng-tác với Tưởng Giới-Thạch. Tuy vậy, quyền-thế của chánh-phủ Nam Kinh do Tưởng Giới-Thạch điều-khiển thật ra chỉ có tánh-cách nguyên-tắc chớ không thực-tế, và các vị đốc-quân ở tỉnh thường làm theo ý mình. Trong khi đó, cuộc tranh-đấu giữa Trung-Hoa Quốc-dân-đảng và Trung-Hoa Cộng-sản-đảng cứ kéo dài ra mãi. Mặc dầu có những phương-tiện lớn lao mạnh mẽ hơn, Tưởng Giới-Thạch không tiêu-diệt được đạo Hồng-quân của Mao Trạch Đông. Giữa lúc bận rộn với vấn-đề nội-bộ, chánh-phủ Trung-Hoa lại còn phải lo đối-phó với chủ-trương đế-quốc của Nhựt. Vốn lo sợ rằng khi nước Trung-Hoa thống-nhứt được và thi-hành xong chủ-trương kiến-thiết của mình, người Nhựt sẽ không uy-hiếp nổi Trung-Hoa nữa, mà còn có thể mất nhiều quyền-lợi, các chánh-phủ quân-phiệt Nhựt noi theo chánh-sách xâm-lấn Trung-Hoa, khiến cho dân-chúng và nhứt là các sĩ-quan trẻ tuổi hết sức phẫn-uất. Năm 1936, Trương Học Lương và Dương Hổ Thành mời Tưởng Giới-Thạch đến Tây-an phủ và bắt ông ta giam lại. Để được giải-phóng, Tưởng Giới-Thạch phải chấp-nhận đề-nghị của họ, liên-minh với Trung-cộng chống Nhựt. Từ đó, nước Trung-Hoa bị lôi cuốn vào một trận chiến-tranh toàn-diện với Nhựt. Năm 1945, khi Nhựt đầu hàng Đồng-minh, Tưởng Giới-Thạch được công-nhận là Quốc-trưởng của nước Trung-Hoa thống-nhứt và được liệt vào ngũ-cường. Nhưng chẳng bao lâu, cuộc tranh-chiến giữa Trung-Hoa Quốc-dân-đảng và Trung-Hoa Cộng-sản-đảng lại nổ bùng ra. Tưởng Giới-Thạch đem toàn-lực tấn-công Trung-cộng. Nhưng vì những người cộng-tác với ông phần lớn bất-lực và tham-nhũng, ông không được sự ủng-hộ của dân-chúng và không thể thành-công. Sau những chiến-thắng rõ rệt, quân-đội ông phải lùi lại và cuối cùng ông thất-bại hẳn. Năm 1949, Tưởng Giới-Thạch chỉ còn giữ được đảo Đài-loan, còn cả lục-địa Trung-Hoa đều lọt vào tay Trung-cộng. B- MAO TRẠCH-ĐÔNG VÀ ĐẢNG CỘNG-SẢN TRUNG-HOANhà lãnh-tụ đảng Cộng-sản Trung-Hoa tên là Mao Trạch-Đông. Ông sanh năm 1893 ở tỉnh Hồ-nam, trong một gia-đình phú-nông. Thuở nhỏ, ông đưọc giáo-dục theo nền nếp xưa, nhưng ông vốn bướng bỉnh nên hay cãi lại thân-phụ mình. Sau một trận cãi cọ kịch-liệt, ông bỏ nhà trốn đi. Ít lâu sau đó, ông trở về làng dự một cuộc khởi-loạn địa-phương do một đảng kín tổ-chức chống lại những người địa-chủ. Có lẽ để tập cho ông thuần bớt, thân-phụ ông gởi ông đến giúp việc cho một nhà buôn gạo ở huyện kế bên, cũng trong tỉnh Hồ-nam. Trong thời-kỳ này, ông tự học thêm và đọc rất nhiều sách về những vĩ-nhơn thế-giới và học-thuyết chánh-trị. Ít lâu sau đó, ông đến Trường-sa, vào học một trường trung-học. Khi cuộc cách-mạng Tân-Hợi nổ bùng, ông tham-dự phong-trào học-sinh lúc ấy, và đi Hán-khẩu xin đầu quân đánh giặc. Nhưng chẳng bao lâu, ông lại trở về Trường-sa, vào học trường Sư-phạm. Lúc này, ông tiếp-xúc được với những phần-tử cộng-sản và được họ đưa vào đảng Tân Thanh-niên của Trần Độc Tú. Năm 1918, ông tốt-nghiệp trường Sư-phạm, rồi bỏ đi Bắc-kinh, tổ-chức phong-trào du học nước Pháp. Từ đó, ông gia-nhập hội Tân-Dân-chủ, tham-dự nhiều cuộc hoạt-động của giới sinh-viên. Từ năm 1920, ông nghiên-cứu về chủ-nghĩa cộng-sản và trở thành một đảng-viên cộng -sản thiệt thọ. Mao Trạch-Đông là người sống trong giới nông-dân, ông đã thấy rõ sức mạnh của gìới ấy và nhận thấy rằng thợ thuyền Trung-Hoa còn ít quá, không đủ sức thực-hiện cuộc cách-mạng cần-thiết. Do đó, ông có ý muốn dùng nông-dân làm lực-lượng chánh-yếu của đảng Cộng-sản Trung-Hoa. Nhưng lúc ban đầu, đảng này theo sát chủ-trương các lãnh-tụ Nga và dựa vào thợ thuyền nhiều hơn. Những sự thất-bại đẫm máu của những cuộc khởi-loạn do thợ thuyền gây ra lần lần làm cho chủ-trương họ Mao được tăng giá-trị. Từ năm 1927, Mao Trạch Đông trở thành một lãnh-tụ quan-trọng của Trung-Hoa Cộng-sản-đảng. Nhưng mãi đến năm 1930, sau cuộc khởi-loạn ở Thượng-hải, Lý Lập Tam, nhà lý-thuyết cộng-sản theo chủ-trương Mốt-cu, mới bị loại ra khỏi văn-phòng chánh-trị, và Mao Trạch-Đông mới trở thành vị lãnh-tụ tối-cao. Cũng năm 1930, lực-lượng Trung-cộng qui-tập ở tỉnh Giang-tây, tổ-chức một chánh-phủ Sô-viết tại đó. Bị Tưởng Giới-Thạch đánh rát quá, họ phải mở đường rút lui về Tứ-xuyên rồi về Thiểm-tây. Đó là cuộc "Vạn-lý trường-chinh" được các văn-sĩ cộng-sản ca-tụng như là một chiến-công oanh-liệt của thế-giới. Năm 1949, khi Tưởng Giới-Thạch bị đuổi ra Đài-loan, Mao Trạch Đông trở thành vị chúa-tể của nước Trung-Hoa. C- NHỮNG NGUYÊN-TẮC CĂN-BẢN CỦA CHỦ-NGHĨA TÂN-DÂNTrong sự tuyên-truyền để lôi cuốn quần-chúng Trung-Hoa theo mình, Trung-Hoa Cộng-sản-đảng từ trước đến nay đã dựa vào chủ-nghĩa Tân-Dân một phần lớn. Chủ-nghĩa này thật ra không phải hoàn-toàn do Mao Trạch-Đông sáng tạo ra. Mầm mống nó nảy nở ở một số nước Trung-Âu từ đầu thế-kỷ thứ 20 rồi. Những nước Trung-Âu này đều là những nước nhược-tiểu, theo một chánh-thể độc-tài khắc-nghiệt, đưa đến một chế-độ xã-hội bất-công, đồng-thời lại bị sự uy-hiếp nặng nề của các cường-quốc lân-cận. Tình-thế này làm cho dân-chúng có một tinh-thần quốc-gia mạnh mẽ , nhưng lại hướng đến một xã-hội tự-do và công-bằng hơn. Bởi thế, trái với phong-trào phát-xít và quốc-xã ở hai nước Ý và Đức, nâng cao tư-tưởng quốc-gia dân-tộc mà chống chọi lại tư-tưởng dân-chủ xã-hội, những phong-trào cách-mạng ở các nước Trung-Âu đã hòa-hợp làm một lý-tưởng quốc-gia, dân-chủ và xã-hội. Những phong-trào cách-mạng này không ảnh-hưởng đến đại-cuộc thế-giới bằng những cuộc cách-mạng dân-chủ ở Hiệp-chúng-quốc Mỹ và ở Pháp. Nhưng sự cố gắng để dung-hòa những tư-tưởng quốc-gia, dân-chủ và xã-hội kể ra cũng đánh dấu cho một sự tiến-bộ khả-quan của tư-tưởng chánh-trị loài người. Trong thời-kỳ luân-lạc khắp nơi, có lẽ Tôn Văn cũng đã có trao đổi ý-kiến, nếu không chịu ảnh-hưởng ít nhiều của các lý-thuyết gia cách-mạng Trung-Âu. Chủ-nghĩa Tam Dân, mặc dầu đặc-biệt nhắm vào mục-đích giải-quyết tình-thế Trung-Hoa, thật sự cũng là một cố gắng để hòa-hợp cả ba chủ-trương quốc-gia, dân-chủ và xã-hội. Sau khi nắm được chánh-quyền ở Nga, đảng Cộng-sản Đệ-Tam Quốc-tế nhận thấy rằng chủ-trương Cộng-sản thuần-túy khó mà lôi kéo được nhiều người theo, nên đã cho phép các nhánh cộng-sản ở các nước nhược-tiểu liên-minh với các nhóm người chủ-trương dân-chủ hay quốc-gia, song cùng chung mục-đích chống chọi lại chánh-quyền. Do đó, các đảng-viên cộng-sản hoạt-động ngoài nước Nga, nhứt là ở các nước nhược-tiểu, đã không hoàn-toàn bài-xích tư-tưởng quốc-gia và dân-chủ tư-sản như ở Liên-bang Sô-viết, mà có khi còn dùng những khẩu-hiệu quốc-gia và dân-chủ để kêu gọi quần-chúng nữa. Mao Trạch-Đông ở vào tình-trạng trên này. Nhận thấy rằng những chủ-trương của thuyết Cộng-sản, vốn phát-sanh ở một nước đã kỹ-nghệ-hóa và có nhiều thợ thuyền, nên không thích-hợp với tình-thế Trung-Hoa, một nước rộng lớn nhưng lại có một nền kinh-tế nông-nghiệp lạc-hậu và rất yếu so với liệt-cường, ông không muốn dùng nguyên vẹn lý-luận cộng-sản trong sự tuyên-truyền lôi kéo quần-chúng theo mình. Sự thất-bại của Lý Lập Tam càng làm cho ông tin tưởng rằng mình hữu-lý, và mạnh dạn đi trên con đường này. Ảnh-hưởng của Tôn Văn và chủ-nghĩa Tam Dân đối với dân-chúng rất mạnh mẽ nên Mao Trạch-Đông tìm cách lợi-dụng nó. Vì đó, ông nêu ra chủ-nghĩa Tân Tam Dân hay Tân-Dân, một phần dựa vào chủ-nghĩa Tam Dân, một phần dựa vào các lý-thuyết của những đảng-viên cộng-sản Trung-Âu. Chủ-nghĩa Tân-Dân cũng gồm có ba phần : Dân-tộc, Dân-quyền và Dân-sinh. 1- DÂN-TỘCThuyết Dân-tộc của chủ-nghĩa Tân-Dân dựa vào hai nguyên-tắc : Dân-tộc tự-quyết và Dân-tộc bình-đẳng. Theo nguyên-tắc Dân-tộc tự-quyết thì các dân-tộc trên thế-giới không phân mạnh yếu nhiều ít, văn-minh hay lạc-hậu, đều có quyền định-đoạt lấy số-phận mình, không phải bị một nước nào khác chi-phối để lợi-dụng hay bóc lột. Theo nguyên-tắc Dân-tộc bình-đẳng thì trong sự giao-thiệp giữa các dân-tộc, phải có một sự bình-đẳng tuyệt-đối, không dân-tộc nào được dùng quyền-thế lực-lượng mình mà đàn-áp các dân-tộc khác. Nguyên-tắc dân-tộc tự-quyết và dân-tộc bình-đẳng thực-hiện được rồi thì dân-tộc sẽ được độc-lập. Sự dộc-lập này là một sự độc-lập hoàn-toàn trong ba phạm-vi chánh-trị, kinh-tế và ngoại-giao. Chủ-nghĩa Tân-Dân chủ-trương mở rộng phạm-vi vấn-đề dân-tộc ra. Nó có mục-đích giải-phóng tất cả những dân-tộc thuộc-địa, giải-phóng về cả hai mặt chánh-trị và kinh-tế. Trong phong-trào Liên-hiệp các dân-tộc thuộc-địa chống lại đế-quốc, chủ-nghĩa Tân-Dân không xem toàn-thể dân-tộc thống-trị là thù địch mà nhìn nhận giai-cấp vô-sản và những phần-tử chơn-chánh thuộc dân-tộc ấy là bạn. 2- DÂN-QUYỀNThuyết Dân-quyền của chủ-nghĩa Tân-Dân lấy sự tự-do làm mục-đích. Nó chủ-trương bảo-đảm các quyền tự-do cá-nhơn, các quyền tự-do căn-bản : tư-do ngôn-luận, tự-do tín-ngưỡng, tự-do giao-thông, tự-do hội-họp, tự-do lập hội. Tư-hữu được chánh-phủ bảo-đảm, các công-dân được quyền tham-dự vào việc chánh-trị, sự tự-do sanh sống của công-dân được chánh-phủ bảo-đảm. Để thực-hiện lý-tưởng này, chủ-nghĩa Tân-Dân chủ-trương tập-trung quyền-chánh về nghị-viện. 3- DÂN-SINHTheo thuyết Dân-sinh của chủ-nghĩa Tân-Dân, người ta ai cũng có quyền sống, không phải sống lấy còn, lấy có mà thôi, mà phải sống đầy đủ, có những điều-kiện vật-chất để khuếch-trương hết năng-lực mình và tự bảo-đảm được đối với những sự bất-thường, nói tóm lại, là phải có một đời sống hạnh-phúc. Muốn đạt mục-đích này, quốc-gia phải bảo-đảm cho nhơn-dân ai cũng có việc làm tương-đương với tài sức mình, phải làm sao cho người lãnh lương kém nhứt cũng có đủ điều-kiện sống đầy đủ, lại phải tiết-chế tư-bản và quốc-hữu-hóa các ngành kỹ-nghệ lớn và có ích-lợi chung. D- NHỮNG CHỖ DỊ-ĐỒNG GIỮA HAI CHỦ-NGHĨA TAM DÂN VÀ TÂN-DÂNHai chủ-nghĩa Tam Dân và Tân-Dân cùng dựa vào những nguyên-tắc căn-bản như nhau, và có nhiều chỗ giống nhau, nhưng cũng có nhiều điểm khác nhau. Về vấn-đề dân-tộc, chủ-nghĩa Tam Dân tuy có nói đến các dân-tộc nhược-tiểu, nhưng cuộc cách-mạng giải-phóng của Tôn Văn chú-trọng nhiều nhứt đến dân-tộc Trung-Hoa. Cuộc cách-mạng giải-phóng của chủ-nghĩa Tân-Dân thì có tánh-cách rộng rãi hơn. Nó lan rộng khắp các thuộc-địa và bán thuộc-địa, liên-minh các giai-cấp, các dân-tộc, liên-minh với cả cuộc cách-mạng vô-sản ở các đế-quốc. Về vấn-đề dân-quyền, chủ-nghĩa Tam Dân-chủ-trương phân-quyền, còn chủ-nghĩa Tân-Dân thì tập-trung quyền-chánh vào một nghị-viện là cơ-quan cao nhứt của quốc-gia. Về vấn-đề dân-sinh, chủ-nghĩa Tam Dân-chủ-trương chỉ đưa ra những biện-pháp rụt rè và mơ hồ, còn chủ-nghĩa Tân-Dân thì nói đến sự tiết-chế tư-bản, phân-phối tài-sản, sự bảo-đảm việc làm và quyền sống của công-dân một cách rõ ràng hơn. Như thế, chủ-nghĩa Tân-Dân rõ rệt hơn và có tánh-cách đại-đồng, khái-quát hơn chủ-nghĩa Tam Dân. Nó chỉ nêu ra phần lý-tưởng của chủ-nghĩa Tam Dân mà lược bỏ những lý-luận gốc của Tôn Văn. Nhờ đó, nó tránh được nhiều chỗ sai lầm và mâu-thuẫn. Nhưng cũng vì đó, nó phạm phải tánh-cách không-tưởng. Một mặt khác nữa, nó cũng còn chứa những điểm sai lầm. Đ- NHỮNG NHƯỢC-ĐIỂM CỦA CHỦ-NGHĨA TÂN-DÂNTheo chủ-nghĩa Tân-Dân, tất cả những dân-tộc trên thế-giới đều phải được hoàn-toàn độc-lập về ba phương-diện chánh-trị, kinh-tế và ngoại-giao. Độc-lập về mặt chánh-trị tức là tự mình cai-trị lấy mình, không phải lệ-thuộc vào nước nào cả, độc-lập về mặt kinh-tế, nghĩa là không bị sự kiềm-tỏa của tư-bản ngoại-quốc, và không phải nhờ vào nước nào để sống, độc-lập về mặt ngoại-giao nghĩa là được tự-do giao-hảo hay tuyệt-giao với những dân-tộc khác tùy theo ý mình. Những ý-tưởng này thật ra không phải là mới mẻ. Nó là sản-phẩm của lý-thuyết dân-chủ cũ và đã phát-hiện ra ở Âu-châu khi lý-thuyết này lan tràn đến các dân-tộc Trung-Âu đang bị các đế-quốc Áo và Thổ thống-trị. Chủ-trương dân-tộc tự-quyết đã được nêu ra từ thế-kỷ thứ 19. Những cuộc tranh-dấu tự giải-phóng của dân-tộc Ý và những dân-tộc ở bán-đảo Ba-nhĩ-cán đều dựa vào nó. Hội Quốc-liên thành-lập sau trận thế-giới đại-chiến thứ nhứt đã long trọng công-nhận quyền này, tuy không thi-hành nó đối với các giống dân thuộc-địa Á-châu. Chủ-trương dân-tộc bình-đẳng cũng là một chủ-trương rút từ lý-thuyết dân-chủ cũ ra, và rất thạnh-hành từ đầu thế-kỷ thứ 20. Đứng về phương-diện lý-tưởng mà nói, những chủ-trương dân-tộc tự-quyết và dân -tộc bình-đẳng rất hay, rất phù-hợp với nguyện-vọng các dân-tộc, và có thể dùng làm một khẩu-hiệu tranh-đấu cho các giống dân nhược-tiểu. Nhưng lý-tưởng độc-lập hoàn-toàn mà chủ-nghĩa Tân-Dân nói đến thật ra rất khó thực-hiện. Nó chỉ thực-hiện được khi nào tất cả các dân-tộc đều hoàn-toàn đồng-đẳng nhau, đồng-đẳng ở thực-tế chớ không phải theo nguyên-tắc, đồng-đẳng về ba phương-diện : võ-lực, tài-sản và trình-độ trí-thức. Có đồng-đẳng nhau về ba phương-diện ấy thì những dân-tộc mới có thể độc-lập hoàn-toàn đối với nhau được. Ngày nào trên thế-giới còn những dân-tộc có một trình-độ thấp kém và những dân-tộc văn-minh, còn những dân-tộc thiểu-số và những dân-tộc đa-số, còn những dân-tộc ở trên một dải đất chật hẹp, thiếu nguyên-liệu và những dân-tộc chiếm những vùng đất rộng rãi phì-nhiêu, đầy thổ-sản, ngày ấy, sự bất-bình-đẳng giữa các dân-tộc vẫn còn và những dân-tộc không hoàn-toàn độc-lập đối với nhau được, vì bao giờ những dân-tộc kém hèn cũng phải bị ảnh-hưởng của những dân-tộc hơn mình. Trong lúc những dân-tộc đất rộng người thưa mà trình-độ kỹ-thuật đã cao, có đủ nguyên-liệu và dụng-cụ thì những dân-tộc đất ít người nhiều lại chậm tiến về kỹ-thuật phải chịu thiếu những món cần dùng. Trong tình-thế đó, những dân-tộc sau thế nào cũng phải nhờ những dân-tộc trước cung-cấp tư-bản, nguyên-liệu hay dụng-cụ cho mình. Mà như thế, theo chủ-nghĩa Tân-Dân, là bị chi-phối về kinh-tế rồi. Vậy, giá như các dân-tộc đều có một trình-độ trí-thức như nhau, và cùng thật tình nghĩ đến sự đối-đãi nhau một cách thân-ái, sự độc-lập của những dân-tộc nghèo cũng chưa đạt được, còn phải có một sự phân-phối kinh-tế hợp-lý nữa, nghĩa là phải chia cho mỗi dân-tộc trên thế-giới một phần đất và tài-nguyên cân-phân với số dân-chúng của họ. Nhưng làm như vậy là phạm vào sự tự-do của những dân-tộc được ưu-đãi từ trước đến giờ. Xem thế, vấn-đề độc-lập và bình-đẳng tuyệt-đối giữa những dân-tộc – cũng như vấn-đề tự-do và bình-đẳng tuyệt-đối giữa cá-nhơn – không sao giải-quyết được một cách ổn-thỏa. Và mặc dầu những người theo chủ-nghĩa Tân-Dân mạnh bạo tuyên-bố rằng chủ-trương Dân-tộc của họ không phải chỉ lo cho quyền-lợi của một dân-tộc mà thôi, họ cũng không làm thế nào diệt được hết những sự xung-đột quyền-lợi giữa các dân-tộc, dầu cho mỗi dân-tộc đều do những người mà họ cho là những nhà dân-chủ chơn-chánh lãnh-đạo cũng thế. Ta hãy cứ xem gương những đảng-viên xã-hội và cộng-sản mỗi nước. Họ là những người cùng chủng-tộc, cùng lý-tưởng như nhau mà còn không hoàn-toàn thỏa-thuận được cùng nhau thì những dân-tộc khác nhau về đủ mọi phương-diện làm sao nắm tay nhau một cách thân-thiện mãi được? Bởi đó, ví như tất cả những dân-tộc trên thế-giới đều thuộc quyền điều-khiển của một oai-lực tối-cao, sự xung-đột dân-tộc cũng không sao hủy-diệt được. Bỏ cả sự phân-biệt chủng-tộc, lấy chủ-trương thế-giới đại-đồng để mưu hòa-bình cho nhơn-loại còn không thành-công thay, huống chi là dùng thuyết dân-tộc, bảo mọi người lo cho dân-tộc mình trước, để mưu sự hòa-bình ấy, thì làm thế nào thành-công được ? Theo chủ-nghĩa Tân-Dân, trong phong-trào giải-phóng những dân-tộc thuộc-địa, ta không nên xem dân-tộc thống-trị là thù-địch, mà phải phân-biệt hạng thực-dân và những nhóm vô-sản cùng những phần-tử dân-chủ chơn-chánh của những dân-tộc ấy. Lý-luận những người theo chủ-nghĩa Tân-Dân, là thuộc-địa chỉ có ích cho hạng tư-bản trong dân-tộc thống-trị mà thôi. Lý-luận này dựa vào chủ-trương giai-cấp đấu-tranh, và cũng như chủ-trương giai-cấp đấu-tranh, nó không hợp sự thật. Trong sự bóc lột các dân-tộc thuộc-địa, những nhà tư-bản quả có hưởng-lợi nhiều hơn những hạng khác, nhưng vì thế mà quả-quyết rằng những người vô-sản không dự-hưởng phần nào vào chánh-sách thuộc-địa của nước mình thì cũng khí ngoa. Không có thuộc-địa, trình-độ sanh-hoạt của dân-tộc Anh cũng như trình-độ sanh-hoạt của những dân-tộc nhỏ khác ở Âu-châu, chớ không nâng cao lên ngang trình-độ sanh-hoạt của dân Anh hiện giờ. Vả lại, sự nghèo khổ của giai-cấp vô-sản ở các dân-tộc thống-trị chỉ là một sự nghèo khổ tương-đối. Thợ thuyền Anh chỉ khổ cực so với những hạng quí-tộc Anh mà thôi ; sánh với các dân-tộc thuộc-địa, đời sống của họ ít ra cũng ngang với hạng trung-lưu của dân-tộc thuộc-địa. Thêm nữa, nếu không có thuộc-địa, số người vô-sản ở dân-tộc thống-trị tất đông hơn và khổ cực hơn. Vậy, trong sự xâm-chiếm đất đai của một dân-tộc khác làm thuộc-địa, toàn-thể dân-chúng của dân-tộc thống-trị đều có dự-hưởng. Nếu một phần giai-cấp vô-sản trong dân-tộc thống-trị có liên-kết với dân-tộc thuộc-địa thì cũng vì họ hưởng-ứng theo chủ-nghĩa thế-giới đại-đồng, và tuân mạng-lịnh của một đảng theo chủ-trương quốc-tế. Đúng theo ý những người tuyên-truyền cho chủ-nghĩa Tân-Dân, chỉ có phần giai-cấp vô-sản ấy là những phần-tử dân-chủ chơn-chánh của dân-tộc thống-trị. Như thế, họ lại lọt vào chủ-nghĩa thế-giới đại-đồng, một chủ-nghĩa không dung-hòa được với chủ-nghĩa dân-tộc. Về vấn-đề dân-quyền, chủ-nghĩa Tân-Dân không nêu ra nguyên-tắc gì khác hơn là những nguyên-tắc của chủ-nghĩa dân-chủ cũ. Nó cũng bảo-vệ những tự-do dân-chủ, và duy-trì quyền tư-hữu. Nhưng chủ-nghĩa Tân-Dân tự xưng mình chơn-chánh hơn vì mình đi gần đại-chúng hơn chủ-nghĩa dân-chủ cũ. Nhưng nói cho thật đúng thì sự khác nhau giữa chủ-nghĩa dân-chủ cũ và chủ-nghĩa Tân-Dân nếu có, chỉ nằm trong phạm-vi thực-hành. Về nguyên-tắc, chủ-nghĩa Tân-Dân cũng dựa vào những quan-niệm của chủ-nghĩa dân-chủ cũ : cũng tự-do bình-đẳng, cũng tánh-tốt bẩm-sanh, cũng sức mạnh đại-chúng. Như thế, về phương-diện lý-thuyết, nó cũng chứa những nhược-điểm của chủ-nghĩa dân-chủ cũ. Về phương-diện thực-hành, chủ-nghĩa Tân-Dân-chủ-trương tập-trung quyền-chánh vào nghị-viện. Như ta đã thấy, những nước Anh và Pháp cũng trao cả quyền-chánh cho nghị-viện, nhưng sự tuyển-cử nghị-sĩ dựa vào nguyên-tắc tự-do hoàn-toàn. Nhờ đó, lý-tưởng dân-chủ còn có thể bảo-đảm được phần nào. Chủ-nghĩa Tân-Dân theo lý-thuyết thì nhìn nhận cho dân-chúng cái quyền bầu cử một nghị-viên cầm-quyền tối-cao trong nước. Nhưng thật ra, dân Trung-Hoa chưa lúc nào thi-hành được chủ-trương đó. Mặc dầu sau cuộc cách-mạng Tân-hợi, nước Trung-Hoa có được một nghị-viện, quyền-hành luôn luôn ở trong tay chánh-phủ quân-phiệt và người Trung-Hoa không hề hưởng được chế-độ dân-chủ tự-do. Chủ-nghĩa Tân-Dân theo nguyên-tắc, cũng công-nhận quyền tự-do của dân-chúng, song cứ xét hành-động của đảng cộng-sản Trung-Hoa và các đảng cộng-sản Trung-Âu khi cướp được chánh-quyền, ta có thể bảo rằng các chế-độ họ thi-hành chỉ là chế-độ Sô-viết của Nga. Nghị-viện ở các nước theo chủ-nghĩa Tân-Dân gồm những nghị-sĩ được đảng cộng-sản chọn lựa sẵn và bắt dân-chúng bỏ phiếu bầu ra. Nó chỉ có nhiệm-vụ đầu-phiếu tán-thành mọi quyết-định của chánh-phủ. Như thế, những người theo chủ-nghĩa Tân-Dân còn khắc-nghiệt hơn Trung-Hoa Quốc-dân-đảng, vì trong chế-độ Trung-Hoa Quốc-dân-đảng, dân-chúng còn có thể phản-đối lại chánh-phủ một phần nào. Trái lại, trong chế-độ Tân-Dân của cộng-sản, dân-chúng phải nép mình dưới một chế-độ độc-tài gắt gao. Về mặt dân-sinh, chủ-nghĩa Tân-Dân công-nhận quyền tư-hữu. Điều này có thể làm cho ta nghĩ rằng chủ-nghĩa ấy còn nghiêng về phía lý-tưởng tự-do. Nhưng trong thực-tế, đảng cộng-sản Trung-Hoa lần lần thu hẹp quyền ấy để đi đến chỗ phủ-nhận nó. Xét hết chủ-nghĩa Tân-Dân, ta cò thể nhận thấy rằng nó gồm những nguyện-vọng cao-siêu của người và về phương-diện lý-tưởng mà nói, nó rất tốt đẹp. Nhưng thật sự, nó rất khó thi-hành cho đúng đắn, và những người nêu ra nó cũng không thi-hành nó, ngay trong những nguyên-tắc cụ-thể nhứt của nó – như sự công-nhận những quyền tự-do căn-bản của người và quyền tư-hữu. Trong trường-hợp đó, nó chỉ là một hệ-thống lý-luận dùng trong sự tuyên-truyền, chớ không phải thật là một chủ-nghĩa chánh-trị theo đúng ý-nghĩa của danh-từ ấy. III- KẾT-LUẬN VỀ HAI CHỦ-NGHĨA TAM DÂN VÀ TÂN-DÂNHai chủ-nghĩa Tam Dân và Tân-Dân đều dựa vào những nguyên-tắc chung nhau nhưng chỉ khác nhau về sự áp-dụng những nguyên-tắc ấy. Phát-sanh và truyền-bá ở một nước bán-thuộc-địa, nó có ý gây ra một phong-trào liên-hiệp các nước nhược-tiểu để chống lại các đế-quốc. Nhưng muốn cho phong-trào mình gây ra mất tánh-cách bài-ngoại và được những nhóm người thân cộng ủng-hộ, nó mang bên ngoài một lớp áo dân-chủ và xã-hội. Vì phải đạt hai mục-đích trái ngược nhau : một mặt, kích-thích tinh-thần dân-tộc để lập một quốc-gia mạnh mẽ, một mặt khác, nhờ sự tán-trợ của những phần-tử vô-sản trên thế-giới, nó chứa nhiều sự mâu-thuẫn bên trong và thành ra những chủ-nghĩa bán-quốc-gia và bán-quốc-tế. Chủ-nghĩa Tam Dân thì gần chủ-nghĩa quốc-gia hơn. Nó là một chủ-nghĩa quốc-gia buộc lòng phải mang lốt quốc-tế để được sự ủng-hộ của Nga-sô. Trái lại, chủ-nghĩa Tân-Dân có ý thiên về quốc-tế hơn. Và trong tay của Trung-cộng cùng đảng Cộng-sản Đông-dương, nó là một chủ-nghĩa quốc-tế mặc áo quốc-gia để dễ bề chinh-phục các dân-tộc nhược-tiểu. Sự mở rộng chủ-nghĩa dân-tộc ra khỏi phạm-vi dân-tộc, sự trộn lẫn cuộc cách-mạng giải-phóng dân-tộc vào cuộc cách-mạng vô-sản thế-giới là những luận-chứng hùng-biện để chứng tỏ điều này. Trong sự thực-hành, những đảng-viên Trung-Hoa Quốc-dân-đảng theo chủ-nghĩa Tam Dân tuy có một chủ-trương dân-chủ hơi giống lý-thuyết dân-chủ tây-phương, đã dựng ra một chế-độ độc-tài gân giống chế-độ phát-xít hay quốc-xã. Những đảng-viên Trung-Hoa Cộng-sản-đảng theo chủ-nghĩa Tân-Dân thì hướng về Nga một cách rõ rệt hơn, và theo chế-độ độc-tài kiểu Liên-bang Sô-viết. Vậy, trong sự dung-hòa những chủ-nghĩa dân-chủ và xã-hội, hai chủ-nghĩa Tam Dân và Tân-Dân đã thất-bại. Cả hai đều tách xa lý-tưởng bảo-vệ sự tự-do cá-nhơn của chủ-nghĩa dân-chủ để nghiêng về lý-tưởng làm cho xã-hội hùng-cường. Nhưng trong khi chủ-nghĩa Tam Dân lo phụng-sự quốc-gia thì chủ-nghĩa Tân-Dân cố lôi quần-chúng về chủ-trương cộng-sản, và do đó, nó gần với lý-thuyết xã-hội Karl Marx nhiều hơn. Sự khác nhau này làm cho những môn-đồ hai chủ-nghĩa Tam Dân và Tân-Dân xung-đột nhau một cách mãnh-liệt, khiến cho dân-chúng Trung-Hoa đã phải trải và có thể sẽ còn phải trải qua những cuộc nội-chiến hãi-hùng.
TỔNG-LUẬN VỀ NHỮNG LÝ-THUYẾT CHÁNH-TRỊ ĐÃ LƯU-HÀNH
|
||||||||
|